Thứ Ba, 11 tháng 11, 2014

CÂU CHUYỆN VỤ ÁN 15 (Vụ ám sát tay chân độc ác nhất của Hitler)

(ĐC sưu tầm trên NET)

Vụ ám sát tay chân độc ác nhất của Hitler - Kỳ 1: Tên đồ tể của Praha

Reinhard Heydrich là tên tay chân mà Hitler chỉ dùng trong những sứ mệnh nhạy cảm và khó khăn nhất. Dấu vết của Heydrich lưu lại trên mọi khoảnh khắc quan trọng nhất của Đế chế thứ Ba. Với những tội ác tày trời, hắn luôn nằm trong tầm ngắm của quân đồng minh. Và một kế hoạch ám sát Heydrich được lập ra, do hai lính biệt kích người Séc thực thi.

Kỳ 1: Tên đồ tể của Praha

Với vóc người cao lớn, mái tóc vàng và cặp mắt xanh cùng với tính cách lạnh lùng và tàn nhẫn, Heydrich trông giống như một bức tranh biếm họa về một tên trùm phát xít khét tiếng. Một nhà viết sử sau này gọi hắn là “tay chân độc ác nhất của Hitler”, “tên đồ tể của Praha”, còn Heinrich Himmler, tên chỉ huy lừng danh lực lượng vũ trang SS của phát xít Đức, coi hắn là “một mẫu người luôn bị cạnh tranh nhưng có lẽ không ai địch nổi”.

Heydrich.

Sinh năm 1904 ở gần thành phố Leipzig, Reinhard Tristan Eugen Heydrich là con trai của một nhà soạn nhạc kiêm ca sĩ opera hạng hai của Đức. Hồi còn trẻ, Heydrich là một nghệ sĩ violon tài năng đồng thời là một vận động viên điền kinh đã từng tham gia nhiều cuộc thi bơi lội và chạy vượt rào. Năm 1922, Heydrich gia nhập lực lượng hải quân Đức và leo được đến quân hàm thiếu úy trước khi bị đuổi khỏi quân đội do vướng vào một vụ xìcăngđan tình ái. Năm 1931, Heinrich Himmler, lúc đó là Trưởng phòng phản gián của lực lượng SS, đã quyết định chiêu nạp Heydrich. Bởi tổ chức SS đang trở nên ngày một quan trọng nên vai trò của Heydrich trong đảng phátxít cũng ngày một tăng. Hắn trở thành cánh tay phải của Himmler, giúp hắn và đảng này trong cuộc tranh giành quyền lực. Năm 1934, Heydrich được bổ nhiệm làm chỉ huy trưởng Gestapo, lực lượng cảnh sát mật đáng sợ nhất của SS.

Tính cách ngạo mạn và thích thể hiện của viên sĩ quan SS hóa ra lại là tật xấu nguy hiểm. Himmler đã không ngần ngại gán cho thuộc cấp cứng đầu của hắn cái tên “Thành Cát Tư Hãn”. Khoác lên mình vẻ bề ngoài của một người đàn ông tận tụy với gia đình, Heydrich cũng là kẻ thích quan hệ tình ái lăng nhăng và thường xuyên lôi đám thuộc cấp đến những bữa chè chén say sưa ở khu vực đèn đỏ của Béclin.

Báo chí Séc đưa tin về việc bổ nhiệm Heydrich.

Bất chấp mọi thói hư tật xấu, Heydrich sở hữu yếu tố mà sẽ giúp hắn tiến xa ở nước Đức phátxít. Hắn là kẻ được Hitler yêu quý nhất và, giống như ông chủ của hắn, biết cách sai khiến những kẻ xung quanh. “Heydrich có trí nhớ cực kỳ chính xác về những điểm yếu trong tính cách, con người, công việc và chính trị của những người khác”, người bạn thân của hắn, Walter Schellenberg, đã viết như vậy sau cái chết của hắn. “Hắn như một con sói trong một bầy sói hung ác, luôn tỏ ra là kẻ mạnh nhất và nắm quyền cai quản cả bầy”.

Quả thật, Heydrich là người mà giới lãnh đạo của nước Đức phátxít chỉ dùng trong những sứ mệnh nhạy cảm và khó khăn nhất. Dấu tay của hắn lưu lại trên mọi khoảnh khắc quan trọng nhất của Đế chế thứ Ba. Năm 1934, để chuẩn bị cho kế hoạch thanh trừng những kẻ dám đối đầu với Hitler, Heydrich - lúc đó đứng đầu lực lượng cảnh sát mật (Gestapo) - lập ra một danh sách những kẻ đối đầu với SS trong đảng phátxít cần phải bắt giữ và thủ tiêu. Hắn hỗ trợ tiến hành các chiến dịch tiêu diệt người Do Thái trong cả nước diễn ra vào một đêm năm 1938. Năm 1939, hắn là công trình sư của trận tấn công vào một đài phát thanh của Đức ở gần biên giới với Ba Lan nhằm tạo cớ xâm lược Ba Lan.

Hai năm sau, ở tuổi 37, Heydrich được giao trọng trách là người bảo hộ của Bohemia và Moravia, một trong những trung tâm công nghiệp quan trọng nhất của Đế chế thứ Ba. Được phong là người bảo hộ của Bohemia và Moravia - một khu vực gần bằng Cộng hòa Séc ngày nay - là một bước tiến quan trọng đối với Heydrich. Đặt dưới quyền kiểm soát của Đức kể từ năm 1939, khu vực này là nơi cung cấp nguồn than đá chủ yếu cho cuộc chiến tranh đồng thời là một trong những trung tâm sản xuất vũ khí hàng đầu ở châu Âu.

Không lâu sau, hắn trở lại Béclin để giải quyết một số công việc còn dang dở. Ngày 20/1/1942, hắn được chính thức vinh danh là tay chân thân tín nhất của Hitler tại một biệt thự sang trọng ở Wannsee, một vùng ngoại ô trù phú của thành phố Béclin. Trong một cuộc họp dài diễn ra vào buổi sáng, hắn chủ trì một nhóm quan chức cấp cao để tìm ra một giải pháp cuối cho “vấn đề người Do Thái” của Đế chế.

Kế hoạch trừ khử Heydich được phôi thai ở Luân Đôn (Anh). Một nhóm lính biệt kích người Séc được tuyển chọn và đưa đi huấn luyện tại các trại huấn luyện bí mật ở miền quê nước Anh.

Năm 1939, Edvard Benes - Tổng thống Séc và Xlôvakia trước thời nước này trở thành nước bị bảo hộ - thành lập một chính phủ lưu vong ở Luân Đôn. Trong một diễn biến kỳ lạ của luật quốc tế, Hiệp định Munich được ký bởi các nước Italia, Anh, Pháp và Đức vẫn còn có hiệu lực: Nếu Đức thua trong cuộc chiến tranh này, mọi thứ sẽ quay trở lại đường biên giới thời kỳ hậu Hiệp định Munich và nước này sẽ giữ lại gần 5 triệu người và 6.177 km2 của Séc và Xlôvakia.

Tổng thống Benes quyết tâm ngăn chặn điều này. Nhưng để phá bỏ hiệp định, ông phải chứng tỏ cho các nước đồng minh thấy rằng người dân Séc đang đóng góp cho cuộc chiến chống lại phát xít Đức. Bên cạnh việc tuyên truyền rộng rãi, Benes thường đề cập đến hàng nghìn quân nhân Séc đã chiến đấu ở Pháp trong suốt thời kỳ xâm lược và sau đó rút lui cùng với các lực lượng khác của quân đồng minh. Các phi công người Séc đã chiến đấu trong trận đánh của nước Anh, bắn rơi hàng chục máy bay Đức.

Phối hợp cùng với lực lượng tác chiến đặc biệt của Anh, Benes bắt đầu huấn luyện những quân nhân ưu tú nhất của quân đội Séc lưu vong để trở thành lính dù. Những người này sẽ được “ném” xuống lãnh thổ Séc đang bị chiếm đóng để hỗ trợ cho lực lượng nổi dậy tại chỗ hoặc tiến hành các chiến dịch phá hoại.

Vụ ám sát tay chân độc ác nhất của Hitler - Kỳ 2: Lên kế hoạch

Vị tổng thống lưu vong Benes không thiếu những người tình nguyện thực hiện các sứ mệnh bí mật. Hai cái tên nổi bật nhất trong số đó là Jan Kubis và Josef Gabcík. Cả hai đều đã từng chiến đấu ở Pháp khi họ gần 30 tuổi và tìm đường quay trở lại nước Anh khi Thế Chiến II bắt đầu. Kubis là một Trung sĩ. Anh luôn cảm thấy bị sỉ nhục bởi việc nước anh đầu hàng phát xít Đức. Anh được tặng thưởng Huân chương chiến tranh của Séc cho quãng thời gian tham chiến ở Pháp. Vị trí cuối cùng của Gabcík trước khi Đức xâm lược là ở trong một kho hóa chất quân sự. Tại các căn cứ huấn luyện bí mật ở Anh, Kubis và Gabcík luyện tập cách sử dụng thuốc nổ và nhảy dù.



Các nhà lãnh đạo Séc đưa ra quyết định trừ khử Heydrich: (từ trái qua phải) Đại tá Frantisek Moravec, Tướng Sergej Ingr, Edvard Benes và Rudolf Viest.
Khi tình hình ở khu vực bảo hộ trở nên xấu đi vào mùa thu năm 1941, Himmler và Hitler quyết định cử Heydrich đến để lập lại trật tự. Nhiệm vụ của hắn rất rõ ràng. “Chúng ta sẽ Đức hóa những con sâu bọ Séc”, hắn nói với các thuộc cấp sau khi đặt chân đến Praha. Trong thâm tâm, viên sĩ quan SS này cho rằng, đây là cơ hội để thoát khỏi cái bóng của Himmler và phát triển con đường công danh sự nghiệp của hắn.

Kinh nghiệm chỉ huy lực lượng cảnh sát mật của Heydrich giúp ích nhiều cho hắn khi đàn áp lực lượng chống đối người Séc. Hắn biến khu vực bảo hộ thành một vương quốc của lực lượng SS, bổ nhiệm các sĩ quan SS thân cận vào các vị trí quan trọng trong chính quyền. Trong thời gian Heydrich nắm quyền, Gestapo thu giữ các thiết bị liên lạc do các đội biệt kích dù mang vào cho các thành viên của lực lượng kháng chiến và xử tử hàng nghìn trí thức cũng như những người bị nghi ngờ là hội viên của các phong trào bí mật.
Lệnh tử hình Heydrich.

Người Do Thái ở Séc bị dồn vào các khu riêng, bước đi đầu tiên để đến với các buồng hơi ngạt. Không khí sợ hãi bao trùm khắp nơi. “Thật là kinh khủng khi mỗi người hoạt động chính trị lại có một điệp viên Gestapo theo sát”, một lính dù đã viết như vậy trong một bức điện gửi về Luân Đôn không lâu sau khi được “ném” xuống vùng đất này.

Những chiến thuật mà Heydrich áp dụng ở Séc rất tinh vi và hiệu quả. Không giống như người Ba Lan, người Séc bị chia rẽ trong thái độ đối với phát xít Đức kể từ trước khi chiến tranh bắt đầu. Nhiều người trong số họ ủng hộ tư tưởng phát xít.

Trong khi đàn áp tàn nhẫn lực lượng kháng chiến, người Do Thái và các nhà trí thức, Heydrich lại cho tăng khẩu phần ăn và tiền lương cho công nhân, giảm giờ làm và xiết chặt quản lý thị trường chợ đen. “Tôi có cảm nhận rằng mọi công nhân Séc đều làm việc hết mình để phục vụ cho cuộc chiến tranh của nước Đức”, hắn nói với các thuộc cấp không lâu sau khi đến Praha. “Nói thẳng ra, để có được như vậy là phải cho họ ăn uống và nghỉ ngơi đầy đủ”.

Chiến thuật của Heydrich sớm đưa tình hình ở Praha trở lại ổn định hoàn toàn, đưa hoạt động sản xuất ở Séc trở lại quỹ đạo và khiến hắn trở thành một nhân vật nổi tiếng ở Béclin. “Heydrich chơi trò mèo vờn chuột với người Séc và họ nuốt vào bụng bất kỳ thứ gì mà hắn đặt trước mặt họ”, Bộ trưởng Truyền thông của Hitler, Josef Goebbels, đã viết như vậy trong cuốn nhật ký hồi tháng 2/1942. “Kết quả là khu vực bảo hộ này hiện đang được tin tưởng nhất, trái ngược hoàn toàn với các khu vực bị chiếm đóng hoặc sáp nhập khác”.

Những thành công của Heydrich ở Praha đã thôi thúc Tổng thống Benes phải có hành động quyết liệt. Tháng 10/1941, một kế hoạch ám sát Heydrich được vạch ra mang mật danh chiến dịch Anthropoid.

Nhà lãnh đạo lưu vong này cảm nhận được áp lực rất lớn; chiều hướng của cuộc chiến tranh đang thay đổi. Tháng 12 năm đó, với việc quân Đức bị sa lầy ở Liên Xô và Mỹ bắt đầu tham chiến sau trận Trân Châu Cảng, ông bắt đầu lo sợ rằng không chỉ Hiệp định Munich sẽ tiếp tục được thực hiện mà còn có khả năng có một thỏa thuận hòa bình giữa phát xít Đức và các nước đồng minh mà ở đó họ sẽ hy sinh người Séc.

Trong khi Benes hy vọng vụ ám sát sẽ khích lệ một cuộc nổi dậy của người dân Séc và điều đó như một lời tái khẳng định với các nhà lãnh đạo của các nước đồng minh, có thể ông còn có một động cơ khác: Các cuộc trả thù chắc chắn sẽ xảy ra có thể khiến người dân Séc cảm thấy tức giận và thôi thúc họ hành động. “Trong tình hình này”, ông chỉ thị cho lực lượng kháng chiến trong nước, “một minh chứng cho sức mạnh của đất nước chúng ta - một cuộc nổi dậy, hành động công khai, tiến hành các vụ phá hoại và biểu tình - có thể là điều cần thiết… cho dù nó có phải trả giá bằng nhiều sinh mạng”.

Kubis và Gabcík nhảy dù xuống vùng đất bị chiếm đóng trong lúc tình hình đang hết sức căng thẳng. Chiếc máy bay ném bom Halifax làm nhiệm vụ chuyên chở họ bị lạc đường do tuyết rơi phủ trắng xóa mặt đất và họ nhảy dù xuống một nơi cách vị trí đã định gần 80 km. Tuy vậy, họ vẫn bắt liên lạc được với các nhóm kháng chiến địa phương và được bí mật đưa vào thủ đô. Họ nhanh chóng bắt tay vào công tác chuẩn bị cho trận đánh.

Những người Séc làm việc trong lâu đài Praha, nơi đặt trụ sở của chính quyền phát xít, cung cấp cho hai người tin tức tình báo về công tác đảm bảo an ninh và lịch trình đi lại của Heydrich. Họ nhanh chóng loại bỏ lâu đài được canh gác nghiêm ngặt là nơi diễn ra vụ ám sát. Dinh thự của Heydrich, một biệt thự lớn thu giữ của một doanh nhân Do Thái giàu có cũng là địa điểm quá khó khăn để họ ra tay.

Nhưng Heydrich phải di chuyển từ nơi ở đến trụ sở làm việc và tên trùm phát xít quá tự tin này hàng ngày đi lại trên cùng một tuyến đường ngoằn ngoèo chạy dài từ các quả đồi bên ngoài Praha để vào trung tâm thành phố mà không có lực lượng hộ tống. Kubis và Gabcík dành nhiều tuần quan sát hắn đi lại và cuối cùng lựa chọn một khúc ngoặt hình chữ chi trên một sườn đồi dốc nằm cách dinh thự của hắn vài km.

Vụ ám sát tay chân độc ác nhất của Hitler - Kỳ 3: Ra tay

Vài tuần sau đó, trong lực lượng kháng chiến ở Séc xuất hiện tin đồn về sứ mệnh bí mật mà Gabcík và Kubis đang thực hiện. Hai người bọn họ rõ ràng đang chuẩn bị cho một kế hoạch lớn nào đó nhưng họ từ chối tiết lộ cho các chỉ huy lực lượng kháng chiến.


Dây cháy chậm do Anh sản xuất dùng trong vụ ám sát.
Cuối cùng, một bức điện hỏi thẳng vấn đề này được chuyển đến Benes ở Luân Đôn. “Căn cứ vào những gì mà Ota và Zdenek (bí danh của Kubis và Gabcík) đang chuẩn bị, bất chấp sự im lặng của họ, chúng tôi đoán rằng họ đang chuẩn bị ám sát H”, giới lãnh đạo kháng chiến gửi điện để lục vấn. “Vụ ám sát này sẽ không giúp gì cho quân đồng minh và sẽ mang lại những hậu quả thảm khốc cho đất nước chúng ta”.

Benes không đếm xỉa gì đến lời cảnh báo, và Gestapo đã bắt được bức điện đó vào hôm 12/5. Heydrich được khuyến cáo áp dụng thêm các biện pháp an ninh, chẳng hạn như bố trí một đội hộ tống đi cùng và lắp đặt thêm vỏ thép cho chiếc ô tô của hắn. Tuy nhiên, Heydrich không để tâm đến các lời khuyên này, khiến cho đám thuộc cấp cảm thấy tức giận. “Heydrich cho phép áp dụng các biện pháp an ninh chung nhưng từ chối có đội hộ tống riêng, với lý do rằng điều đó sẽ làm tổn hại đến uy tín của nước Đức”, viên chỉ huy Gestapo chịu trách nhiệm điều tra vụ ám sát sau này viết. “Thái độ kiêu ngạo và dáng vẻ cao lớn bề ngoài có lẽ đã khiến hắn có thái độ như vậy. Hắn chắc chắn cho rằng người Séc sẽ không dám động đến một sợi lông chân của hắn”.

Quả lựu đạn còn thừa trong vụ phục kích Heydrich.
Sáng thứ ba ngày 26/5/1942, Heydrich ở trong tâm trạng hết sức thoải mái. Hắn sắp bay về diện kiến Hitler vào cuối ngày hôm đó, hy vọng vận động để được thăng cấp. Đêm trước hôm đó, hắn chơi lại một vài bản nhạc do cha hắn sáng tác, thậm chí tự viết một vài nốt nhạc. Hắn dành buổi sáng nhàn rỗi đó để ăn sáng và dạo chơi trong các khu vườn của tòa lâu đài cùng với ba đứa con và người vợ lúc này đang mang thai đứa con thứ tư. Sau cùng, hắn nhét vào cặp một số tài liệu cần thiết cho cuộc gặp mặt với Hitler và leo lên chiếc xe Mercedes mui trần màu xanh đậm.

Cách đó vài km, đội ám sát đã ém sẵn vào vị trí đã chọn. Họ đi xe đạp đến một điểm dừng tàu điện trên sườn đồi. Vũ khí của họ được giấu trong những chiếc cặp kẹp ở ghi đông. Để ngụy trang khẩu súng Sten, Gabcík mặc một chiếc áo mưa, cho dù thời tiết hôm đó khá ấm áp và bầu trời không có một bóng mây. Nhân vật thứ ba, một trong hàng chục lính dù đang hoạt động ở Praha, được tuyển mộ làm người canh chừng và đánh tín hiệu khi thấy Heydrich xuất hiện.

Lúc 10 giờ 32, họ nhận được tín hiệu và chiếc xe của Heydrich lên đến đỉnh đồi ngay lúc một chiếc xe điện chở đầy hành khách đang chạy đến phía sau. Kubis và Gabcík lên đạn trong sự hồi hộp lên đến cực điểm. Khi chiếc xe hơi giảm tốc độ để vào khúc cua gấp, Gabcík nhảy xuống đường và chĩa khẩu súng vào Heydrich. Nhưng khi anh bóp cò, khẩu Sten bị hóc đạn. Do quá tức giận, Heydrich đã phạm phải một sai lầm chết người. Thay vì ra lệnh cho tài xế nhấn ga và tăng tốc thoát khỏi khu vực bị phục kích, viên chỉ huy lực lượng SS dừng xe, đứng bật dậy và rút khẩu súng đeo bên sườn để chiến đấu với sát thủ mà hắn nghĩ chỉ đi một mình.

Lúc đó, Kubis chạy ra khỏi chỗ nấp ở bên kia đường và ném một trong những quả lựu đạn được chế tạo đặc biệt vào chiếc ô tô. Điều không may lại xảy đến với họ: Thay vì rơi vào trong chiếc xe mui trần, quả lựu đạn chạm phải sườn bên của chiếc Mercedes, ngay trước bánh sau. Một tiếng nổ vang lên khiến chiếc xe bị hư hỏng nặng và một mảnh lựu đạn văng vào mặt Kubis. Heydrich và tài xế của hắn sững sờ, nhảy ra khỏi xe, chia nhau ra đuổi theo những người lính biệt kích đang tìm đường chạy trốn.

Kubis lao vào đám đông đang đứng ở điểm dừng tàu điện, chĩa khẩu côn tự động 38 mm rồi bóp cò để giải tán đám người đứng quanh đó. Viên tài xế của Heydrich, một tên sĩ quan SS to lớn nhưng vụng về tên là Johannes Klein, đuổi theo nhưng khẩu súng của hắn bị hóc đạn. Mặt bị nhòe nhoẹt máu, Kubis cố gắng leo lên chiếc xe đạp và lao xuống dưới chân đồi, khiến Klein không thể đuổi kịp.

Gabcík không được may mắn như thế. Khi đám khói bụi đã tan, anh trông thấy trước mặt bóng dáng đáng sợ của tên sỹ quan bảo vệ Heydrich. Hắn đang lao về phía anh, khẩu súng tự động cỡ nòng 7,65 mm chĩa thẳng vào anh. Gabcík buông khẩu súng tiểu liên bị hỏng xuống đất, rút khẩu súng ngắn của anh và nấp sau một cái cột. Heydrich nấp sau chiếc xe điện lúc này đã dừng hẳn và bắt đầu bắn về phía Gabcík, nhưng đột nhiên hắn gập người đau đớn do hứng trọn quả lựu đạn của Kubis. Một mảnh kim loại văng ra từ vụ nổ đã xuyên qua ghế sau của chiếc xe hơi không được bọc thép và găm trúng vào lưng Heydrich. Cố nén đau, hắn loạng choạng quay trở lại chiếc xe Mercedes và đổ gục xuống, tạo cơ hội cho Gabcík trốn thoát.

Khi chạy lại, Klein thấy Heydrich đang nằm xoài người trên nắp capô của chiếc ô tô, máu túa ra, thấm qua bộ quân phục. “Tóm cổ những con chó hoang đó lại”, Heydrich ra lệnh cho viên sĩ quan SS. Klein - súng của hắn lúc này vẫn còn bị hóc đạn - tìm cách dồn Gabcík vào một cửa hàng bán thịt. Nhưng người lính biệt kích người Séc bắn trúng vào chân của hắn ta và biến mất qua một lối mòn ven đường.

Trong khi đó, những người dân ở điểm dừng xe điện vẫy một chiếc xe tải chạy ngang qua đang chở đầy chất đánh bóng mặt sàn và khiêng tên sĩ quan SS lên thùng sau. Chiếc xe tải lao đến bệnh viện gần nhất, nơi một cuộc kiểm tra X-quang cho thấy toàn bộ tình trạng vết thương của Heydrich. Mảnh lựu đạn đã xé nát xương sườn số 11 của Heydrich, đâm thủng dạ dày và kéo theo một số sợi dây thép và lông ngựa từ nệm ghế xe vào lá lách của hắn.

Chưa đầy hai tiếng sau, tin xấu này được thông báo đến Hitler. Phản ứng đầu tiên của hắn là ra lệnh tiến hành các cuộc trả thù dã man. Hàng nghìn dân thường Séc bị bắt giữ và bất kỳ tù nhân chính trị nào đang bị giam giữ - kể cả những nhân vật chính trị nổi tiếng như thủ tướng - đều bị đem ra bắn. Để giúp tìm ra thủ phạm của vụ ám sát, một phần thưởng trị giá một triệu mác Đức được đưa ra, kèm theo tuyên bố sẽ xử tử bất kỳ kẻ nào cùng toàn bộ gia đình họ nếu bị phát hiện giúp đỡ những kẻ ám sát.

Phản ứng thái quá của tên quốc trưởng một phần là do giận dữ, một phần là do thần kinh bị kích động. Trận phục kích Heydrich là vụ ám sát đầu tiên nhằm vào một quan chức cao cấp của chính quyền phát xít Đức. Là những kẻ đi xâm chiếm châu Âu, người Đức là mục tiêu tấn công hàng đầu. Như Goebbels nhận xét vài ngày sau một một cuộc họp với Hitler, “Quốc trưởng tiên liệu về khả năng các vụ ám sát sẽ gia tăng nếu chúng ta không áp dụng các biện pháp mạnh và tàn nhẫn”.

Vụ ám sát tay chân độc ác nhất của Hitler - Kỳ 4: Vật tế thần

Người dân Séc đã phải trả một cái giá đắt cho vụ ám sát Heydrich. Hành động này đã dẫn đến một cuộc trả thù hèn hạ của phát xít Đức, với hậu quả là hàng nghìn dân thường vô tội bị giết hại. Các nhà lịch sử hiện vẫn còn tranh cãi, vụ ám sát này có đáng hay không khi có tới hàng nghìn người dân bị tàn sát sau cái chết của tên đồ tể của Praha?

Khúc cua nơi diễn ra vụ ám sát Heydrich.

Những tên chỉ huy người Đức ở Praha lo sợ tại đây sẽ nổ ra một cuộc nổi dậy rộng khắp. Các bằng chứng thu được tại hiện trường vụ ám sát - bao gồm khẩu súng Sten, thuốc nổ, dây cháy chậm và vỏ đạn đều có nguồn gốc từ Anh - cho thấy một điều rõ ràng rằng, thủ phạm của vụ ám sát là những người lính biệt kích dù, được huấn luyện ở nước ngoài, chứ không phải lực lượng của phong trào kháng chiến trong nước. Bay đến sở chỉ huy của Hitler ở Đông Phổ, cấp phó của Heydrich, Karl Hermann Frank, đề xuất một biện pháp được tính toán kỹ lưỡng hơn, đó là tuyên truyền phản đối chính phủ Séc lưu vong và tiến hành các cuộc lục soát bất ngờ ở Praha.

Trong lúc đó, Heydrich đang nằm trong bệnh viện, bao quanh là lính gác và cả bác sĩ riêng của Himmler cũng được cử đến. Các bác sĩ tiến hành phẫu thuật lấy mảnh kim loại trong bụng hắn và cắt lá lách của hắn. Vài ngày sau, vết thương của Heydrich bị nhiễm trùng nặng. Ngày 2/6/1942, hắn bị bất tỉnh và sau đó hai ngày thì bỏ mạng.

Chiếc Mercedes mui trần của Heydrich bị hư hỏng nặng sau vụ tấn công.

Trong thâm tâm, Hitler rất tức giận Heydrich. “Những biểu hiện anh hùng như lái xe mui trần không được bọc thép hay đi dạo trên phố mà không có người bảo vệ rốt cục chỉ là sự ngu ngốc, chẳng xứng đáng là công dân của đất nước này” - Hitler cáu kỉnh quát lên. Cái chết của Heydrich được coi như một thảm kịch quốc gia. Thi thể của hắn được quàn tại lâu đài Praha trong hai ngày, xung quanh là một đội lính danh dự trước khi nó được đưa về Béclin để tổ chức quốc tang. Himmler đứng ra đọc điếu văn nêu bật công trạng của hắn, còn Hitler truy tặng cho Heydrich Huân chương vì nước Đức.

Khi Gestapo bắt đầu tiến hành truy lùng thủ phạm gây ra vụ ám sát Heydrich thì cũng chính là lúc đòn trả thù chính thức được giáng xuống người dân nơi đây. Như thường lệ, những người Do Thái là mục tiêu đầu tiên. Ngày 9/6, có tới 3.000 người Do Thái sinh sống ở khu Terezín bị đưa đến các trại tập trung ở Ba Lan trên những chuyến tàu đặc biệt với tội danh “ám sát Heydrich”.

Cáo thị về việc thưởng cho ai có công cung cấp thông tin về vụ ám sát Heydrich.
Chưa dừng lại ở đó, Hitler quyết định mạnh tay hơn nữa. Lidice, một ngôi làng nhỏ ở Bohemia, được lựa chọn để làm “vật tế thần”. Vào cái ngày đám tang của Heydrich được cử hành, ngôi làng này bị bao vây và toàn bộ đàn ông từ 15 tuổi trở lên bị gom lại và bắn theo từng loạt 10 người một. Công việc xử tử này kéo dài cả đêm và gần như cả ngày hôm sau. Những tên đao phủ được đưa đến từ thành phố quê hương của Heydrich ở Đức. Những người phụ nữ làng Lidice bị đẩy đến trại tập trung Ravensbrück, nơi mà đến khi chiến tranh kết thúc có 53 người đã bị chết. Một vài trong số 104 đứa trẻ của làng Lidice được trao cho các gia đình của những tên sĩ quan SS để được “nuôi dưỡng hợp lý”; 82 em bị nhiễm khí độc. Bọn lính SS sau đó phóng hỏa thành phố, phá hủy các ngôi nhà, trường học, nhà thờ, khai quật nghĩa trang thành phố và thậm chí nắn lại dòng của những con suối nhỏ chạy qua thành phố. Đến đầu tháng 7, những nơi làm “vật tế thần” xác xơ như không có sự sống.

Trong khi đó, những người lính tiến hành vụ ám sát Heydrich được một linh mục địa phương che giấu trong tầng hầm của nhà thờ theo giáo phái chính thống của Séc nằm cách dòng sông chỉ vài trăm mét. Ngoài ba người tham gia trực tiếp vào trận phục kích, bốn lính dù khác giúp họ lên kế hoạch trận đánh cũng lẩn trốn ở khu hầm mộ; một người tên là Karel Curda tìm cách thoát ra khỏi thành phố và ẩn nấp trong chuồng ngựa của gia đình anh ở vùng quê.

Vụ ám sát tay chân độc ác nhất của Hitler - Kỳ cuối: Tử thủ

Vài tuần trôi qua, những người lính biệt kích trốn trong nhà thờ rơi vào tình trạng tuyệt vọng, gần như bị hoảng loạn tinh thần. Heydrich đã chết nhưng cá nhân họ cảm thấy có trách nhiệm trước những vụ trả thù ngày càng dã man nhằm vào những người dân thường vô tội. Bị biệt lập với thế giới bên ngoài, họ thậm chí đã tính đến khả năng tự vẫn trong một công viên sau khi đã treo các tấm biển dưới cổ nhận trách nhiệm gây ra vụ ám sát Heydrich.

Một đội cứu hỏa được gọi đến để làm ngập khu hầm mộ.

Nhưng rốt cục, số phận của họ lại được định đoạt bởi sự phản bội. Sau khi không phát hiện thấy manh mối nào của vụ án, ngày 13/6/1942, phát xít Đức tuyên bố lệnh ân xá cho bất kỳ người nào đứng ra cung cấp thông tin về danh tính của những kẻ tiến hành vụ ám sát, kèm theo một khoản tiền thưởng trị giá 1 triệu mác. Vài ngày sau, dưới áp lực của gia đình, Curda bắt tàu lên Praha và ra đầu thú. Trong vòng vài tiếng đồng hồ, anh ta đã kể ra danh tính của những người lính dù và địa chỉ của một số cơ sở bí mật ở Praha.

Gestapo hành động ngay lập tức. Tại một trong các cơ sở bí mật, gia đình Moravec bị bắt giữ lúc 5 giờ sáng ngày 17/6. Maria Moravcova cố gắng nuốt một viên thuốc độc xyanua; con trai bà, Vlastimil, cùng chồng của bà bị bắt và tra tấn dã man. Vlastimil cắn răng chịu đựng gần hết một ngày. Cuối cùng, những kẻ tra khảo anh bắt anh uống rượu say và sau đó mang thủ cấp của mẹ anh lúc này đang nổi lềnh bềnh trong một bể cá cảnh ra trước mặt anh. Vlastimil bị mềm lòng và buột miệng nói ra tên của nhà thờ, nơi mà anh đã được dặn đến ẩn nấp nếu gặp rắc rối.

Gian giữa của giáo đường, nơi diễn ra cuộc giao tranh giữa những tên lính SS và lực lượng biệt kích.

Đó là thời khắc mà phát xít Đức chờ đợi từ lâu. Trong vòng vài giờ, 700 tên lính SS tinh nhuệ bao vây nhà thờ trung tâm. Lúc hơn 4 giờ 10 sáng, một người trông coi nhà thờ mở cửa cho chúng vào gian giữa của giáo đường, nơi chúng được “chào đón” bởi một quả lựu đạn do một trong ba người lính biệt kích lúc này đang ẩn nấp ở vị trí của đội hợp xướng nhà thờ quăng ra. Với quyết tâm bắt sống thủ phạm, lực lượng SS mất hai tiếng giao tranh với những người tử thủ bên trong. Cuối cùng khi hết đạn, ba người - trong đó có Kubis - nuốt các viên xyanua và tự sát bằng súng.

Gabcík và những người lính dù khác lúc này đang lẩn trốn trong một hầm mộ nhà thờ. Chỉ huy Gestapo đưa Curda vào để khuyên họ đầu hàng. Gọi với qua tấm lưới che cửa hầm mộ, hắn được chào đón bằng một loạt đạn.

Tiếp theo, một đội cứu hỏa được gọi đến để làm ngập khu hầm mộ. Những người bị bao vây bên trong cắt đứt và đẩy vòi nước ra phía ngoài. Họ cũng ném trả lựu đạn cay. Thậm chí, khi một tiểu đội lính SS được điều đến khu hầm mộ để khống chế những người lính dù, bọn chúng bị phục kích trong bóng tối, trong khu hầm mộ ngập nước và buộc phải tháo lui.

Cuối cùng, sau hơn 6 giờ giao tranh, lực lượng SS sử dụng thuốc nổ để phá toang cửa chính dẫn vào khu hầm mộ. Trước khi bọn chúng ập vào, bốn tiếng nổ vang lên. Giống như Kubis, Gabcík và các đồng đội đã lựa chọn cách tự vẫn để không bị rơi vào tay quân địch.

Trận giao tranh kết thúc nhưng các cuộc trả thù vẫn tiếp diễn. Hàng trăm nhà hoạt động bí mật cùng gia đình họ - bao gồm cả gia đình của những người lính biệt kích dù đã cố thủ trong khu hầm mộ - bị bắt giữ và xử tử, cùng với những vị linh mục đã che chở cho họ.

Khi Chiến tranh Thế giới thứ II kết thúc, nhiều người Séc từng hợp tác với phát xít Đức - trong đó có Curda - bị chính phủ Séc kết tội phản quốc và xử tử. Trong phiên xét xử, khi được hỏi tại sao phản bội đồng đội, Curda nhún vai mà nói rằng: “Tôi nghĩ ông cũng sẽ hành xử như thế với một triệu mác”.

Năm 1989, Gabcík và Kubis được truy tặng danh hiệu anh hùng dân tộc. Khu hầm mộ của nhà thờ ở trung tâm thủ đô Praha, nơi họ đã chiến đấu đến hơi thở cuối cùng, giờ được xây dựng thành một bảo tàng, đồng thời là nơi tưởng niệm.

Vụ ám sát này không thể là động cơ dẫn đến một cuộc tổng nổi dậy như người Séc mong đợi nhưng đã tạo ra một tiếng vang lớn. Chính quyền phát xít Đức không còn cảm thấy yên ổn. Và ở vào thời điểm đó, sự hy sinh của Kubis và Gabcík cùng với hàng nghìn người khác đã cho các nước đồng minh thấy rằng, sự thống trị của chủ nghĩa phát xít ở châu Âu không phải là không thể bị lật đổ.

Đình Vũ (tổng hợp)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét