Chủ Nhật, 9 tháng 11, 2014

ĐỊA LINH NHÂN KIỆT 26 (Núi Chùa-Ký ức-Máu đào)

(ĐC sưu tầm trên NET)

NÚI CHÙA-KÝ ỨC-MÁU ĐÀO

Kỷ niệm 55 năm chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ:

Núi Chùa - ký ức, máu đào
Ngày 7-5-1954, lá cờ chiến thắng của bộ đội ta tung bay trên nóc hầm sở chỉ huy Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, nhưng cuộc kháng chiến trường kỳ gian khổ chưa kết thúc. Tại đồng bằng Bắc Bộ - chiến trường kìm chân địch, “chia lửa” với Điện Biên, nhiều trận đánh vẫn diễn ra hết sức ác liệt. Trong một trận càn tại vùng núi xã Thanh Tâm (Thanh Liêm, Hà Nam), bị thua đau, quân Pháp tập trung máy bay, xe thiết giáp... đến đánh phá. Trưa 21-5-1954, hơn 100 cán bộ, chiến sĩ bộ đội chủ lực cùng du kích địa phương chiến đấu, bị trúng bom đã anh dũng hi sinh dưới chân núi Chùa. 55 năm sau sự kiện bi hùng đó, hố bom nơi các anh ngã xuống giờ vẫn còn là chứng tích, cùng bao ký ức, nỗi niềm tri ân của cấp ủy, chính quyền, nhân dân địa phương...
Kỳ 1: Đi tìm tên đơn vị
Từ cụ già mái tóc bạc phơ đến các em nhỏ ở thôn Chanh Chè, xã Thanh Tâm đều biết và được nghe kể về sự kiện bi hùng trong trận chiến đấu ngoan cường của bộ đội ta đánh đuổi giặc Pháp tại vùng núi Chanh Chè cách đây tròn 55 năm. Hơn 100 cán bộ, chiến sĩ bị bom địch đánh trúng đội hình đã anh dũng hi sinh bên một khe suối dưới chân núi Chùa, trong trận chiến “một mất, một còn” với quân xâm lược.
Hơn nửa thế kỷ qua, vùng núi Chanh Chè, chùa Trà Châu, nghĩa trang liệt sĩ xã là nơi “nâng giấc” cho hàng trăm liệt sĩ chưa xác định được tên từ nhiều miền quê hi sinh trong các trận chiến đấu tại địa phương và cả những đồng chí còn nằm lại dưới lòng đất. Sự hi sinh của hơn 100 cán bộ, chiến sĩ dưới chân núi Chùa sau trận ném bom dữ dội của máy bay địch vẫn được các du kích quân, giờ đã ở tuổi tám mươi nhớ như in, kể lại rành rọt từng chi tiết. Nhưng ngặt nỗi, những chiến sĩ ấy thuộc đơn vị nào thì cán bộ và người dân địa phương đều không xác định được. Nghĩa trang liệt sĩ xã hiện có tổng cộng 214 ngôi mộ chưa xác định được tên. Hố bom - dấu tích đau thương xưa vẫn còn nguyên bên một khe sâu dưới chân núi Chùa…
Đầu tháng 3-2009, phóng viên Báo Quân đội nhân dân nhận được lá thư tâm huyết của cụ Bùi Xuân Miêng, 75 tuổi, cán bộ hưu trí, quê ở xã Thanh Tâm, huyện Thanh Liêm, nguyên du kích xã đã cùng 20 cụ nguyên là du kích địa phương tham gia chiến đấu với bộ đội và trực tiếp chôn cất các cán bộ, chiến sĩ hi sinh. Bức thư có đoạn: “Giữa lúc bộ đội ta đánh mạnh vào Him Lam, Hồng Cúm, Mường Thanh… quân Pháp tăng cường các cuộc bao vây, càn quét ở vùng đồng bằng Bắc Bộ, hòng cứu vãn tình thế thất bại của chúng ở mặt trận Điện Biên Phủ. Ngay cả khi quân Pháp đã thất thủ tại Điện Biên, thì ở vùng đồng bằng Bắc Bộ chiến trường vẫn rất ác liệt. Sáng sớm ngày 21-5-1954 (tức 19-4 âm lịch) quân Pháp tập trung binh lực, xe lội nước, xe cóc các cỡ… từ bốt Cõi đi càn quét, đánh phá dọc theo dãy núi đất huyện Thanh Liêm. Đến thôn Chanh Chè, xã Thanh Tâm, quân địch bất ngờ bị hỏa lực của bộ đội ta ngăn chặn. Chúng tăng quân tiếp viện, đánh chiếm được đỉnh cao. Suốt nửa ngày quần nhau với địch, quá trưa, bộ đội ta mới chiếm lại được điểm cao và tiếp tục truy kích địch. Để cứu nguy, chúng tăng viện, điều máy bay đến ném bom vào khu vực đền và chùa Trà Châu. Hơn 100 cán bộ, chiến sĩ đã hi sinh tại một khe sâu dưới chân núi Chùa…
Một thời gian sau, mưa to, nước từ trên núi dồn xuống, rất nhiều thi hài của các chiến sĩ theo dòng nước trôi ra ngoài. Du kích và nhân dân địa phương khẩn trương đưa thi hài các liệt sĩ đi chôn cất. 55 đã qua, gần đây người dân vẫn phát hiện một hài cốt liệt sĩ còn nằm lại trong lòng đất. Cấp ủy, chính quyền, nhân dân địa phương mong các cơ quan chức năng trở lại chiến trường xưa, phối hợp xác minh và có những hoạt động tri ân những người con đã hi sinh vì Tổ quốc…”.
Những thông tin mà du kích Bùi Xuân Miêng cùng đồng đội biết được về hơn 100 chiến sĩ hi sinh sau trận bom dưới chân núi Chùa chỉ có vậy, không ai xác định đựơc phiên hiệu đơn vị đã chiến đấu và có nhiều chiến sĩ hi sinh trên quê nhà .
Nhận được những dòng thư ngắn ngủi của cụ Bùi Xuân Miêng, nhóm phóng viên Báo Quân đội nhân dân đã về lại chiến trường xưa-thôn Chanh Chè, xã Thanh Tâm. Thượng tá Nguyễn Văn Lý, Chỉ huy trưởng Ban CHQS huyện Thanh Liêm; các đồng chí: Phạm Đức Tâm, Bí thư Đảng ủy, Nguyễn Văn Khang, Chủ tịch UBND xã cùng các “lão du kích” từng tham gia chiến đấu năm xưa trực tiếp dẫn chúng tôi theo những lối mòn trong cánh rừng thưa vào nơi từng xảy ra sự kiện bi hùng. Vẫn còn đây một hố bom rộng, khá sâu ngay bên khe suối, um tùm cây cỏ. Phát quang một khoảng rộng giữa hố bom, các thành viên trong đoàn thắp nhang, kính cẩn nghiêng mình trước vong linh các liệt sĩ. Các lão du kích địa phương xúc động, như sống lại thời khắc bi hùng năm xưa. Tuy nhiên, những gì chúng tôi thu thập được cũng không thể giúp xác định chính xác đơn vị nào đã tham gia trận đánh. Chỉ có một thông tin mà các cụ phỏng đoán: Đó có thể là một đơn vị thuộc Đại đoàn 320 (tức Đại đoàn Đồng Bằng) được giao nhiệm vụ đánh địch, kìm chân chúng ở đồng bằng, góp phần vào chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ.
Trở về Hà Nội, chúng tôi nhanh chóng tìm hiểu, kết nối các nguồn thông tin qua sách báo, tài liệu, tìm đến một số nhân chứng từng là cán bộ, chiến sĩ Đại đoàn 320. Với sự giúp đỡ tận tình của các nhân viên Thư viện Trung ương Quân đội, chúng tôi được tiếp cận với nhiều tư liệu về Đại đoàn 320 và các trung đoàn trong đội hình chiến đấu của đại đoàn, nhưng rất ít thông tin cụ thể về trận Chanh Chè. Tuy nhiên, những trận đánh của Đại đoàn 320 ở khu vực tỉnh Hà Nam thì rất nhiều, trong đó, hai đơn vị trực tiếp chiến đấu tại xã Thanh Tâm, khu vực Chanh Chè là Trung đoàn 64 và Trung đoàn 48 của đại đoàn. Trung tướng Khuất Duy Tiến, nguyên Cục trưởng Cục Quân lực, nguyên chiến sĩ Đại đoàn 320 thời kỳ đó và là Sư đoàn trưởng Sư đoàn 320 sau này, hiện là Trưởng Ban liên lạc Sư đoàn 320 rất nhiệt tình giúp đỡ chúng tôi thu thập tài liệu, tìm gặp các nhân chứng.
Một buổi chiều, khi chúng tôi lần thứ hai trở lại vùng núi Chanh Chè, vừa về đến tòa soạn thì Bí thư Đảng ủy xã Phạm Đức Tâm gọi điện cho biết một thông tin quý: Mộ liệt sĩ Nguyễn Sấp Hy (tên tham gia cách mạng là Nguyễn Trọng Lân) gia đình đã xác định được tại nghĩa trang liệt sĩ địa phương. Lúc hi sinh, đồng chí Nguyễn Sấp Hy là đại đội trưởng của đơn vị tham gia trận đánh ở Chanh Chè. Anh Tâm cho biết thêm: Bác Nguyễn Văn Nhiên, em trai liệt sĩ Hy đang sống tại Hà Nội. Qua nhiều khâu xác minh, dò tìm, chúng tôi đã liên lạc được và tìm gặp bác Nhiên tại nhà riêng ở số 10, phố Nam Tràng, quận Ba Đình.
Những tư liệu, hình ảnh mà bác Nhiên cung cấp thực sự quý giá, góp phần giúp chúng tôi xác minh đơn vị đã tham gia trận đánh Chanh Chè. Tấm bằng Tổ quốc ghi công do Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, kiêm Tổng tư lệnh ký ngày 30-8-1954. Tấm bằng ghi trang trọng: “Đồng chí Nguyễn Trọng Lân, hi sinh ngày 21-5-1954 tại Thanh Liêm, Hà Nam trong một trận chống càn. Lúc hi sinh, đồng chí là Đại đội trưởng Đại đội 737, Tiểu đoàn 884, Trung đoàn 48, Đại đoàn 320”. Ngay sau đó, gia đình bác Nhiên đã viết thư gửi Đại tướng Võ Nguyên Giáp, mong nhận được thông tin về phần mộ của liệt sĩ Hy. Một thời gian sau, gia đình nhận được lá thư của đồng chí Đào Văn Giai (tên gọi khác là Giang) lúc đó là cấp trên của liệt sĩ Hy. Trong thư, đồng chí Giai cho biết về địa điểm, đơn vị mà Đại đội trưởng Nguyễn Sấp Hy chiến đấu. Đó chính là khu vực núi đất, gần chùa…”. Đồng chí Đào Văn Giai khi còn nhỏ là học trò của bố liệt sĩ Nguyễn Sấp Hy.
Ngày 21-1-1958, gia đình bác Nhiên lại nhận được một bức thư đánh máy của Trung đoàn 48, Đại đoàn 320 do đồng chí Anh Kiên, Tham mưu phó Trung đoàn ký, khẳng định: “Đồng chí Nguyễn Trọng Lân hi sinh ngày 21-5-1954 trong trận chiến đấu tại núi đất thuộc huyện Thanh Liêm”.
Ngay sau khi có những thông tin từ gia đình bác Nhiên chúng tôi đã liên lạc lại với Trung tướng Khuất Duy Tiến, nhờ ông xác minh thêm. Một nhân chứng nữa chúng tôi được giới thiệu: Thiếu tướng Bùi Huy Bổng, nguyên Phó tư lệnh chính trị Mặt trận 379, nguyên cán bộ Tiểu đoàn 884 thời kỳ 1954.
Trời Hà Nội ngày cuối xuân, thời tiết thay đổi khiến Thiếu tướng Bùi Huy Bổng không được khỏe, nhưng ngay khi chúng tôi đến, ông rất nhiệt thành tiếp đón. Thiếu tướng Bùi Huy Bổng sinh năm 1927, tham gia cách mạng từ năm 1944, rồi được cử đi học ở Trung Quốc. Khi về nước ông tiếp tục tham gia quân đội, năm 1951 được điều về Tiểu đoàn 884, Trung đoàn 48, Đại đoàn 320.
Khi chúng tôi nhắc đến các trận đánh ở huyện Thanh Liêm, Hà Nam ông khẳng định ngay: “Khi đó tôi là Chính trị viên Tiểu đoàn 884, Trung đoàn 48. Ban chỉ huy tiểu đoàn lúc đó có các đồng chí Vương Quang Đạt, Lê Khang. Các đại đội trưởng trong tiểu đoàn mà ông là cấp trên thời kỳ đó gồm các đồng chí: Lê Bắc Thắng, Bùi Lưỡng, một người tên là Chất, nhưng không thấy ai nhắc tới cái tên Nguyễn Sấp Hy…”. Chúng tôi đề nghị ông cố nhớ lại, đồng thời cho biết, liệt sĩ Nguyễn Sấp Hy còn có tên khác là Nguyễn Trọng Lân. Nhắc đến liệt sĩ tên là Lân, Thiếu tướng Bùi Huy Bổng nhớ ngay, mắt ông như nhòa lệ: “Đúng rồi, cậu Lân-đại đội trưởng, dáng người dong dỏng. Sau trận chiến đấu ở Chanh Chè, không thấy cậu ấy trở về. Sau đó, tôi được cử đi dự tổng kết chiến dịch Điện Biên Phủ, nên không biết cụ thể ra sao...”.
Khớp nối các tư liệu chúng tôi tìm kiếm, gom góp được, qua cuốn "Lịch sử xã Thanh Tâm" và qua lời kể của các nhân chứng, các cựu du kích xã Thanh Tâm… phiên hiệu đơn vị tham gia chiến đấu và có nhiều cán bộ, chiến sĩ hy sinh, nhất là trong trận ném bom hủy diệt của quân Pháp ở Chanh Chè, núi Chùa… đã rõ. Các đơn vị đã tham gia trận đánh bi hùng ngày 21-5-1954 là Tiểu đoàn 884, Trung đoàn 48 và một số phân đội của Trung đoàn 64, Đại đoàn 320 (Đại đoàn Đồng Bằng).
Bài và ảnh: NGUYỄN TUẤN, ANH THU, PHẠM QUÂN
Kỳ 2: Trận đánh bi hùng

Kỳ 1: Đi tìm tên đơn vị
Kỳ 2: Trận đánh bi hùng
Khi chiến dịch Điện Biên Phủ mở màn, các hoạt động phối hợp của bộ đội, du kích các địa phương, các chiến trường đều được đẩy mạnh. Trong khi các Đại đoàn chủ lực: 312, 304, 308, 316, 351... tập trung cho chiến dịch Điện Biên Phủ, mặt trận Hà Nam Ninh thì các địa bàn khác cũng phát động nhiều đợt tiến công “chia lửa” với Điện Biên Phủ. Ở hữu ngạn sông Hồng, Đại đoàn 320 phối hợp với bộ đội địa phương, dân quân du kích Hà Nam Ninh liên tục tiến công phần còn lại của tuyến phòng thủ sông Đáy. Riêng tại xã Thanh Tâm, huyện Thanh Liêm (nay thuộc tỉnh Hà Nam) những trận đánh giữa ta và địch diễn ra ác liệt. Địch mở nhiều trận càn lớn, nhưng luôn vấp phải sức chiến đấu kiên cường của bộ đội ta. Cả một dãy núi đất thuộc xã Thanh Tâm không lúc nào ngớt tiếng bom đạn.
Dãy núi Chanh Chè, thuộc xã Thanh Tâm, huyện Thanh Liêm nằm giữa cánh đồng lúa. Trên đường từ thành phố Phủ Lý vào Ninh Bình, dãy núi nằm ngay bên trái quốc lộ 1A. Gọi là núi Chanh Chè bởi một bên là làng Chè, một bên là làng Chanh. Nhân dân còn gọi là núi Chùa, vì nơi đây có ngôi chùa cổ-chùa Trà Châu, có niên đại khoảng 200 năm. Một trong các mỏm núi còn có đền Trà Châu. Đây là vùng cơ sở cách mạng của ta trong kháng chiến, nhiều nhà cách mạng như Trần Tử Bình, Trần Quyết, Phạm Phú Thu, Phạm Sinh... từng hoạt động tại đây. Những năm kháng chiến chống thực dân Pháp, Quân khu 3 đặt công binh xưởng, an dưỡng đường tại vùng núi này. Dãy núi tuy không cao, nhưng có vị trí quân sự trọng yếu. Từ các đỉnh núi có thể khống chế khoảng không gian rộng lớn, kể cả tuyến Quốc lộ 1A chạy song song, vì vậy, nhiều trận chiến đấu tại đây diễn ra rất ác liệt.
Là mảnh đất giàu truyền thống cách mạng, nên trong những năm kháng chiến chống Pháp, tại địa bàn xã, chiến sự luôn diễn ra ác liệt với nhiều hoạt động, giành giật quyết liệt giữa ta và địch. Trận chiến đấu Chanh Chè được tái hiện khá rõ qua lời kể của các lão du kích trực tiếp cầm súng, phục vụ chiến đấu và qua những tư liệu mà chúng tôi được biết qua cuốn “Lịch sử xã Thanh Tâm”.
“…Sáng sớm ngày 21-5-1954, khi nhân dân đang ra đồng gặt hái, bộ đội chuẩn bị hầm hào, củng cố trận địa… thì địch mở trận càn lớn vào xã Thanh Tâm. Chúng huy động 1.000 quân của 4 tiểu đoàn ngụy và 2 tiểu đoàn lê dương ở Phủ Lý, phối hợp với 300 quân đóng ở bốt Tâng, bốt Cõi với sự yểm trợ, hộ tống của 8 chiếc máy bay, 50 xe lội nước, dùng hỏa lực mạnh tấn công. Riêng trong ngày 21-5-1954, máy bay địch xuất kích 54 lần cùng với hỏa lực pháo tầm xa và súng cối đặt trên xe cóc bắn phá dữ dội dọc theo khu vực núi đất và các thôn xóm của hai xã Thanh Tâm và Liêm Sơn. Sau đó địch chia thành 3 mũi tiến vào Thanh Tâm.
Mũi thứ nhất đi từ Phủ Lý xuống thôn Bói, rồi chia làm hai, một mũi đánh vào thôn Non, mũi khác tiến theo Quốc lộ 1 xuống thôn Tâng, phối hợp với lực lượng ở bốt Tâng, đánh qua các thôn Lời, Thong, Chiềng… rồi chiếm giữ chốt ở núi Trà Châu.
Mũi thứ hai, địch ở bốt Cõi và từ Phủ Lý đánh vào làng Non, phối hợp đánh thẳng qua núi Tháp, rồi tràn xuống núi Trà Châu, sang mỏm Chanh.
Mũi thứ ba, địch dùng 50 xe lội nước tập kết ở phố Phủ (huyện Bình Lục) trang bị súng 12,7mm, đại liên gắn trên xe và bộ binh hộ tống tràn qua các xã Liêm Túc, Liêm Sơn, rồi đổ quân chiếm từ Khe Đá dọc đường đến Trà Châu, tạo thành thế trận bao vây chặt lực lượng của ta ở các thôn Sở, Khe Đá, Trà Châu...” (Trích lịch sử xã Thanh Tâm).
Ông Phạm Văn Trợ, 83 tuổi, nguyên là du kích xã Thanh Tâm nhớ lại trận đánh:
- Khi đó tôi là du kích, được chứng kiến từ đầu đến cuối trận đánh, ngay từ khi quân Pháp đưa rất nhiều xe pháo và máy bay đánh vào làng. Chúng tôi chiến đấu ở vòng ngoài, các đơn vị bộ đội chủ lực được anh em du kích hỗ trợ, nhưng không ai biết họ thuộc đơn vị nào. Các anh chiến đấu ở các vị trí, điểm cao ác liệt nhất, bom đạn địch trút xuống như mưa…
“6 giờ sáng 21-5-1954, địch dùng 4 máy bay B26, bay dọc đường Bưởi đi Trà Châu và Liêm Sơn bắn đại liên xối xả xuống đoàn người đang chạy sơ tán từ thôn Non xuống. Đến 7 giờ sáng, tốp xe cóc đầu tiên của địch đã chiếm con đường cửa Miễu Thổn từ Trà Châu đi mỏm Chanh và án ngữ ngã ba Khe Đá. Trận chiến đấu Chanh Chè diễn ra ác liệt ngay từ những phút đầu tiên. Tại Khe Đá, địch tập trung các loại hỏa lực trút đạn như mưa vào nơi có một đơn vị chủ lực của ta đóng quân và nhiều du kích, dân công hỏa tuyến phục vụ bộ đội. Quân ta triển khai trong công sự, lợi dụng sườn núi, vách đá đánh trả quyết liệt. Nhiều giờ đồng hồ, địch không thể tiến được vào Miễu.
Ở hướng Trà Châu, toán quân từ Non xuống đã cụm lại chiếm được đỉnh núi Trà Châu, lợi dụng địa hình từ trên cao bắn xuống, tạo thế áp đảo từ ngoài đánh vào, trên đánh xuống, dồn bộ đội, du kích của ta vào khu vực khe đá và chùa Miễu Thổn. Ở khu vực đền Trà Châu, làng Sở, các trận đánh diễn ra ác liệt nhất. Xe cóc của quân Pháp tiến vào làng, bộ đội, du kích buộc phải đánh giáp lá cà với quân viễn chinh. Hai bên giằng co quyết liệt gần 10 giờ đồng hồ quanh các xóm, làng, từng ngõ ngách. Địch bị tổn thất nặng nề, điên cuồng dùng 4 máy bay B26 ném hơn 10 quả bom vào sườn núi và lòng khe Miễu. Khói lửa mịt mù, hàng trăm mét khối đất, đá bị sạt lở, trút xuống lòng khe, cùng với sức công phá của bom, gây tổn thất, thương vong lớn cho bộ đội, du kích và dân công...” (Trích trong cuốn “Lịch sử xã Thanh Tâm”).
Các du kích Phạm Đức Trà (82 tuổi), Nguyễn Trung Tuất (75 tuổi) phân tích về trận đánh rất chi tiết: “Việc bố trí đội hình chiến đấu của bộ đội chủ lực phải dựa vào thế trận (thế dân và thế đất). Khi đó hỏa lực địch từ trên đỉnh núi bắn xuống rất mạnh, máy bay, xe lội nước của chúng quần thảo, trút bom đạn dữ dội. Có thể quân Pháp phát hiện một lực lượng lớn bộ đội ta tại đây, nên trong lúc “hấp hối”, lại thua đau, chúng cay cú dùng binh lực mạnh tấn công, dùng máy bay ném bom hủy diệt khu vực Chanh Chè...”.
Chúng tôi như được thấy khí thế hào hùng của trận đánh khi mở tiếp những trang sử truyền thống của xã nhà: “... Trong tình thế gay go, quyết liệt, một sống, một chết với quân thù, bộ đội ta liên tục dùng các mũi xung kích mạnh vượt từ chân núi Khe Đá đến núi Chè để chiếm lại đỉnh cao, hất địch xuống mỏm Chanh, gỡ thế bao vây, nhưng nhiều đợt bộ đội ta tiến đến lưng chừng núi đều bị hi sinh. Đến 15 giờ, một mũi xung kích mạnh luồn từ chân núi cụ Đinh Liễn, vọt lên được đỉnh mỏm Chanh, rồi dùng hỏa lực mạnh hất chúng xuống dưới, kết hợp cùng bộ đội từ thôn Chiềng, núi Trà Châu xung phong lên truy quét; địch thất trận chạy tán loạn về thôn Sở. Nhiều trận chiến đấu giáp lá cà, không cân sức giữa ta và địch diễn ra vô cùng ác liệt tại các thôn Sở, Môi, Thong, núi Voi… Tại thôn Thong, chiến sự diễn ra suốt gần 10 giờ đồng hồ; bộ đội, du kích tiêu diệt hàng trăm tên địch.
Chiều tối 21-5-1954, trên toàn bộ chiến trường xã Thanh Tâm mới tạm ngừng tiếng súng. Quân địch bị thiệt hại nặng nề, phải rút chạy về phía Cầu Sắt (huyện Bình Lục), để lại hàng trăm xác chết cùng nhiều vũ khí quân dụng, phương tiện chiến tranh… Ngay trong đêm, cấp ủy, chính quyền xã phân công và tổ chức lực lượng du kích, nhân dân tham gia giải quyết hậu quả; mai táng liệt sĩ, chôn xác lính ngụy; khẩn trương đưa thương binh về căn cứ chăm sóc. Trận Chanh Chè là trận chiến đấu lớn nhất, trận cuối cùng trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, diễn ra trên địa bàn toàn xã Thanh Tâm, trong tình thế địch bị động, lúng túng, thua đau trên tuyến phòng tuyến sông Đáy, nguy cơ thất bại hoàn toàn đã hiện hữu. Do vậy, chúng cố dốc toàn lực mở các cuộc càn quét quy mô lớn, hòng tìm diệt bộ đội chủ lực của ta, gỡ thế thua trên chiến trường và trấn an tư tưởng hoang mang, dao động cao độ của binh lính ngụy...”.
55 năm đã qua, các lão du kích vẫn không thể nào quên trận chiến đấu ác liệt nhất, quy mô lớn nhất trên địa bàn xã mà các cụ từng tham gia. Lực lượng của địch rất mạnh, chúng lại cay cú vì thua trận, nên hết sức hung hãn, tàn bạo. Bom đạn đã sát hại, vùi lấp hơn 100 anh bộ đội dưới khe sâu núi Chùa. Khi mưa to, nước trên núi dồn xuống, cuốn trôi đất đá, xác của anh em bộ đội mới theo dòng nước trôi ra ngoài và được du kích, nhân dân địa phương đưa đi mai táng.
Trở lại chiến trường xưa, các đồng chí cán bộ xã và hàng chục cụ già từng là du kích quân trực tiếp dẫn chúng tôi theo đường mòn ra khu vực hố bom. Thắp nén nhang cho những người đã khuất, cụ Phạm Văn Trợ bùi ngùi: “Trong chiến tranh, để giành chiến thắng, khó tránh khỏi hi sinh, mất mát. Sự hi sinh của các chiến sĩ nơi đây thực sự bi hùng. Các anh xứng đáng được tôn vinh trong lòng nhân dân”. Cụ kể: “Sau trận chiến đấu, tôi còn nhặt được khá nhiều dây thông tin của tổ đài liên lạc ở lưng chừng núi, bị bom địch đánh đứt, vương vãi khắp nơi”. Cụ Bùi Xuân Miêng cho biết, quá trình tìm kiếm, chôn cất thi hài các liệt sĩ, cụ nhặt được một đôi dép cao su của bộ đội và đi đôi dép này làm công nhân đường sắt mãi hơn 10 năm sau mới hỏng.
Cụ Bùi Ngọc Sách, 85 tuổi bùi ngùi: Các lão du kích chúng tôi đứng dưới hố bom này kể lại sự kiện năm xưa, có linh hồn các liệt sĩ chứng dám. Sau trận mưa lớn, thấy thi thể bộ đội trôi ra nhiều, lại hầu hết không còn nguyên vẹn, chúng tôi không ai cầm được nước mắt, bởi quang cảnh rất đau thương. Có xác chiến sĩ trôi xa hàng trăm mét. Du kích đưa anh em đi chôn cất tại các ngôi mộ tập thể ven làng. Thi thể các anh đã nằm lâu dưới đất, bị phân hủy, chúng tôi chỉ kịp đào các hố rộng bằng nửa gian nhà, đặt thi hài bộ đội xuống rồi phủ đất lên. Rất nhiều cán bộ, chiến sĩ hi sinh, nên công việc phải tiến hành rất khẩn trương trong điều kiện mưa lũ. Ông Phạm Đức Hoành xúc động: Phần lớn thi thể các chiến sĩ đều bị mất một vài bộ phận do bị bom phá. Hơn 20 anh em du kích cùng nhân dân làm việc ròng rã suốt ngày mới cơ bản hoàn thành công việc.
Bài và ảnh: NGUYỄN TUẤN, ANH THU, PHẠM QUÂN
Kỳ 3: Ước nguyện tri ân
Kỳ 3: Ước nguyện tri ân
Nghĩa trang liệt sĩ xã Thanh Tâm là một trong những nghĩa trang cấp xã quy mô lớn ở miền Bắc và có rất nhiều phần mộ các liệt sĩ chưa xác định được tên. Điều ấy phần nào thấy sự khốc liệt mà bom đạn đã gây ra trên mảnh đất này. Chúng tôi đến nghĩa trang khi trời đã ngả bóng chiều, khói bếp lảng bảng trên những nóc nhà, trên cánh đồng dưới chân núi Chùa. Cùng các đồng chí cán bộ xã và các du kích năm xưa thắp hương cho các liệt sĩ, nhìn những dãy bia mộ thẳng hàng san sát, chúng tôi càng thấm thía sự hi sinh mất mát của bộ đội ta thật lớn. 241 ngôi mộ liệt sĩ chưa xác định được tên chủ yếu là của các liệt sĩ hi sinh trong trận chiến đấu ngoan cường ngày 21-5-1954 tại nhiều thôn, xóm trên địa bàn xã Thanh Tâm, trong đó có hơn 100 chiến sĩ bị trúng bom dưới chân núi Chùa. Không ai biết các liệt sĩ tên gì, quê quán, gia đình ở đâu? Những câu hỏi ấy cứ day dứt trong cán bộ, người dân nơi đây, nhất là với các du kích từng tham gia chiến đấu với bộ đội chủ lực và tự tay mai táng, chôn cất thi hài các liệt sĩ.
Bao năm qua, cụ Bùi Xuân Miêng và các lão du kích luôn đau đáu nỗi niềm: Rất nhiều chiến sĩ hi sinh trong trận đánh Chanh Chè đã được quy tập về nghĩa trang, nhưng không ai biết tên tuổi, quê quán và cả đơn vị của các anh. Cụ Phạm Đức Hoành ước đoán, số thi hài liệt sĩ mà các cụ đưa đi chôn cất 55 năm trước khoảng hơn 100 người và đều không xác định được danh tính. Địa điểm chôn cất cách khe núi nơi các anh hi sinh chừng 500m. Sau này, các hài cốt được quy tập vào nghĩa trang liệt sĩ xã.
Nghĩa trang liệt sĩ xã Thanh Tâm những ngày rằm, ngày lễ, tết luôn ấm khói hương, nhưng nỗi niềm day dứt về các liệt sĩ còn yên nghỉ trong lòng núi Chanh Chè không thể nguôi ngoai với cán bộ, người dân nơi đây. Một số gia đình ở Chanh Chè trong quá trình xây nhà, đào ao, trồng cấy… đã tìm thấy những bộ phận hài cốt liệt sĩ còn sót lại. Anh Phạm Đức Gửi, 48 tuổi dẫn chúng tôi ra bờ ao, rồi lội hẳn ra chỗ anh từng phát hiện hài cốt liệt sĩ, cho biết:
- Khu vực gia đình đang ở, trước đây từng là nơi chôn cất ban đầu các liệt sĩ, sau này địa phương đưa các anh quy tập vào nghĩa trang liệt sĩ. Cách đây ít lâu, khi đào ao, gia đình thấy một phần hài cốt còn sót lại. Ngoài một số bộ phận thi thể liệt sĩ như hai bàn tay, xương lồng ngực… còn có những hiện vật như lựu đạn, bút viết, bình tông đựng nước, gương, lược, bật lửa... Những hiện vật này cán bộ xã đã bàn giao cho huyện. Dịp lễ, tết, gia đình vẫn làm cơm thắp hương cho hương hồn các liệt sĩ đã ngã xuống, mong các anh yên giấc ngàn thu...
Theo những người dân địa phương, dưới lòng đất, nhất là khu vực khe núi bị trúng bom có thể vẫn còn hài cốt liệt sĩ. Do đã hơn nửa thế kỷ trôi qua, cùng sự thay đổi của địa hình, địa vật, nên việc tìm kiếm không dễ. Nhiều người dân địa phương vẫn tự nguyện hương khói cho các liệt sĩ ngã xuống đất này.
Dù điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn, nhưng UBND xã Thanh Tâm đã đầu tư quy tập hài cốt, nâng cấp nghĩa trang liệt sĩ khang trang. Nhiều câu chuyện liên quan đến vong linh của các liệt sĩ hi sinh ở Chanh Chè được người dân nhắc đến với lòng kính trọng, tự hào, biết ơn. Chính quyền, nhân dân xã nhà luôn ấp ủ mong muốn các cơ quan chức năng tiếp tục giúp đỡ tìm kiếm, quy tập hài cốt các liệt sĩ còn yên nghỉ nơi khe núi, bên những hố bom...
Một chiều giữa tháng 3, khi chúng tôi lần thứ hai trở lại Chanh Chè, tại nơi hố bom đã vùi lấp cả trăm chiến sĩ, có rất đông người dân trong khu vực đến thắp hương tưởng nhớ các liệt sĩ. Những người dân mà chúng tôi gặp, nhiều cụ đã ở tuổi 80 và cả các thanh, thiếu niên. Họ đều chung một tâm nguyện, mong muốn có một nơi thờ cúng, hương khói cho các liệt sĩ tại chính mảnh đất này. Cụ Bùi Xuân Miêng, đại diện bà con phát biểu: “Hằng năm, người dân quê tôi vẫn đều đặn hương khói cho các liệt sĩ. Ngôi chùa Trà Châu dưới chân núi cũng là nơi chăm sóc linh hồn cho các anh...”.
Cụ thủ từ Trần Thị Chung ở chùa Trà Châu bày tỏ: Các anh bộ đội đã vì dân, vì nước mà xả thân, chẳng tiếc máu xương. Gia đình, quê hương chưa thể đón các anh về. Ngày rằm, mồng một, nhà chùa vẫn đều đặn thắp hương cúng lễ. Nguyện vọng của nhân dân mong muốn xây dựng một tượng đài hoặc bia tưởng niệm ghi nhớ công ơn các liệt sĩ và cũng là nơi giáo dục truyền thống, “tiếp lửa” cho thế hệ mai sau. Các anh đã dũng cảm ngã xuống vì độc lập, tự do của Tổ quốc để chúng ta có hòa bình, cuộc sống ấm no hôm nay. Việc nghĩa đó rất nên làm.
Chủ tịch UBND xã Nguyễn Văn Khang cho biết: Để bày tỏ lòng tri ân với những người đã khuất, ngày 13-5-2008, Văn phòng UBND tỉnh Hà Nam có văn bản số 265 thông báo ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh về việc phối hợp giữa các đơn vị liên quan của tỉnh với Công ty cổ phần Bảo tồn di sản văn hoá Việt (có trụ sở tại Hà Nội) tổ chức buổi lễ tri ân các liệt sĩ, phần lớn thuộc Tiểu đoàn 884, Trung đoàn 48 (Đại đoàn 320). UBND huyện Thanh Liêm, Sở LĐ-TB-XH chỉ đạo UBND xã Thanh Tâm phối hợp và tạo điều kiện để Công ty cổ phần Bảo tồn di sản văn hóa Việt tổ chức buổi lễ bảo đảm trang trọng, an toàn, thể hiện truyền thống đạo lý “Uống nước nhớ nguồn, đền ơn đáp nghĩa”.
Buổi lễ được sự quan tâm, tham dự của lãnh đạo và đại diện các ban, ngành, đoàn thể, nhân dân trong tỉnh. Tại buổi lễ đã xác định được tên tuổi của một số liệt sĩ yên nghỉ tại nghĩa trang liệt sĩ xã. Đồng chí Phạm Đức Tâm, Bí thư Đảng ủy xã chuyển cho chúng tôi danh sách 17 liệt sĩ đã xác định được tên, trong đó có những trường hợp đã tìm được thân nhân, như liệt sĩ Nguyễn Tử Quyết, quê ở Hoa Lư, Ninh Bình có con trai là Nguyễn Đình Chiến; liệt sĩ Đào Tiến Dân, quê ở Hải Phòng có con trai là Đào Văn Nhân… Thân nhân của liệt sĩ hi sinh trong trận Chanh Chè cần cung cấp thông tin, đề nghị liên hệ với đồng chí Phạm Đức Tâm theo số điện thoại 0979568907.
Trên đất nước Việt Nam, bao tên làng, tên xã, ngọn núi, dòng sông… đều ghi dấu những chiến công của dân tộc anh hùng, quân đội anh hùng. Cả dân tộc tỏ lòng biết ơn, tri ân với những người đã ngã xuống vì độc lập tự do của Tổ quốc để chúng ta có cuộc sống hòa bình hôm nay. Các anh xứng đáng được vinh danh. Dù các anh đã yên nghỉ trong lòng đất Mẹ, nhưng trong lòng của những người mẹ dứt ruột sinh thành, trong trái tim của những người vợ, những đứa con, trong nỗi nhớ sâu thẳm của anh em, họ hàng, bà con lối xóm... vẫn chưa thể nguôi ngoai, luôn mong tin tức, phần mộ, mong được đón các anh về quê hương…
Trận Chanh Chè bi hùng và sự hi sinh của hàng trăm cán bộ, chiến sĩ chưa được biết đến nhiều trong sử sách và những tư liệu còn lại cũng không nhiều. Bởi thế, trong quá trình sưu tầm tư liệu, tìm hiểu để viết bài, dù đã rất cố gắng, nhưng chúng tôi vẫn cảm thấy còn nhiều điều trăn trở và những chi tiết, sự kiện cần tiếp tục được xác minh làm rõ.
Báo Quân đội nhân dân mong nhận được những thông tin, tư liệu, hiện vật… về trận đánh Canh Chè-sự kiện bi hùng trên đất Thanh Tâm (huyện Thanh Liêm, Hà Nam) nhất là khi hiện giờ vẫn còn hơn 200 ngôi mộ liệt sĩ chưa xác định được tên tại nghĩa trang liệt sĩ. Mọi thông tin về sự kiện, trận chiến đấu oai hùng trên, báo Quân đội nhân dân mong được tiếp nhận theo địa chỉ: Số 7, Phan Đình Phùng, Hà Nội; điện thoại: 043.7471029; 043.7474257; 069.554160.
Bài và ảnh: NGUYỄN TUẤN, ANH THU, PHẠM QUÂN
 http://yume.vn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét