Thứ Năm, 13 tháng 11, 2014

CÂU CHUYỆN TÂM LINH 55

(ĐC sưu tầm trên NET , Chép từ VTC news)

Chiếc sọ linh thiêng trong ngôi miếu ở bản Xuồng

Chiếc sọ người bằng đá xanh hình thù kỳ dị được xem là vật "linh thiêng" bất khả xâm phạm của người dân tộc Xuồng, xã Tát Ngà, huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang. Xung quanh ngôi miếu thiêng thờ cúng chiếc sọ này đã có rất nhiều câu chuyện bí ẩn.

Giai thoại về chiếc sọ đá có họ người


Mảnh đất Hà Giang tự bao đời nay luôn được xem là địa điểm hấp dẫn với những cây bút có khát khao khám phá, kiếm tìm những điều mới lạ, độc đáo. Chuyến đi Hà Giang trong vòng 10 ngày thực sự là một quãng thời gian đáng nhớ trong chặng đường làm báo của tôi.

Hà Giang hấp dẫn chúng tôi không chỉ ở vẻ đẹp hùng vĩ, hoang sơ, bí ẩn mà trên hết, nó tạo cho tôi có cảm giác như đang được trở về với gia đình mình bởi cái tình người ấm áp, chân thành của những người dân bản địa.

Trên “con ngựa sắt” cáu bẩn, già nua, tôi cùng anh Chảo Văn Bảo - một chàng trai người Xuồng, thân hình to cao, vạm vỡ, giọng nói ồm vang - đã có chuyến hành trình vào tận bản người Xuồng thuộc xóm Thăm Noong, xã Tát Ngà, huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang.

Đó là một tộc người có nhiều nét văn hóa độc đáo, khác lạ ở Hà Giang nói riêng và trong cộng đồng các dân tộc ở Việt Nam nói chung.

Sau gần 2 giờ đồng hồ đánh đu với cung đường đèo dốc, một bên là vách núi đá cao ngút tầm mắt, một bên là vực sâu hun hút, lạnh đến ghê người, cuối cùng chúng tôi đã đặt chân tới trung tâm bản Thăm Noong của người Xuồng. Một nét gì đó hoang sơ, huyền bí của bản làng đã cuốn hút những người cầm bút như chúng tôi ngay từ những cái nhìn đầu tiên.
Chiếc sọ linh thiêng trong ngôi miếu ở bản Xuồng
Chiếc sọ đá của người Xuồng 
Bên tách trà mạn thơm nồng, chúng tôi đã có cuộc trò chuyện khá vui vẻ với già làng Nùng Y Hoo - một cây đại thụ của bản làng, năm nay đã ở cái tuổi thất thập cổ lai hy. Với đôi mắt thẳm sâu, đôi lông mày rậm, kéo dài, cùng giọng nói ồm vang, ông say sưa kể cho chúng tôi nghe rất nhiều câu chuyện thú vị và độc đáo về tộc người của mình.

Có những câu chuyện, những linh vật thiêng luôn được người Xuồng thường xuyên ôn lại trong các ngày lễ hội, những cuộc họp bản, họp làng như là một nét đẹp văn hóa nhằm ôn lại những truyền thống đẹp đẽ của dân tộc mình.

Chúng tôi đặc biệt chú ý khi ông nhắc tới ngôi miếu thiêng có thờ chiếc sọ đá - một linh vật thiêng nhằm bảo vệ sự bình yên cho bản làng tự bao đời nay.

Nói về nguồn gốc của chiếc sọ đá, ngay cả những người già nhất hiện còn sống ở bản người Xuồng cũng không biết nó có tự bao giờ. Chỉ biết, khi họ còn rất nhỏ họ đã được ông bà, cha mẹ kể cho nghe những câu chuyện huyền bí xung quanh ngôi miếu thiêng này.

Theo những thông tin khá mơ hồ của người dân, trước đây bản Thăm Noong vốn là nơi trú ngụ của người dân tộc Giáy.

Chiếc sọ đá vốn có nguồn gốc từ Trung Quốc. Điều khá đặc biệt là chiếc sọ đá còn mang họ người: họ Lương. Xung quanh chiếc sọ bằng đá này, người dân truyền tai nhau rất nhiều câu chuyện mang màu sắc huyền bí, khó lý giải.

Tòa án giữa rừng già…

Theo lời kể của những cụ già trong làng, trước đây bản Thăm Noong vốn là nơi sinh sống của người dân tộc Giấy. Nhưng sau một vài biến cố của dòng chảy lịch sử, họ đã di cư đến một vùng đất mới để sinh sống và lập nghiệp.

Lúc đó, những người dân tộc Xuồng đầu tiên đặt chân tới Mèo Vạc đã lựa chọn bản Thăm Noong là nơi lập nghiệp cho con cháu của mình. Trong quá trình di dời, người Giấy đã vô tình quên mất việc chuyển theo chiếc sọ bằng đá mà họ trước đó đã thờ cúng như một linh vật thiêng để bảo vệ buôn làng.

Sau khi người Xuồng chuyển đến vùng đất này sinh sống được 1 - 2 đời, xung quanh ngôi miếu thiêng mà người Giấy bỏ lại xảy ra rất nhiều câu chuyện linh thiêng, huyền bí. Nghĩ rằng, đây chính là nơi trú ngụ của thánh thần nên người dân trong buôn làng đã bàn nhau tu tạo lại ngôi miếu thiêng để thờ cúng như thành hoàng làng. Từ đó, bản làng Thăm Noong luôn được sống trong cảnh bình yên, người dân lúc nào cũng được ấm no, vui vẻ.

Cách đây khoảng 10 năm, có một ông thầy mo rất cao tay người dân tộc Giấy thường cưỡi ngựa, đeo kiếm và đội mũ sắt khá uy nghi đến ngôi miếu này để làm lễ cúng. Trong những lần như vậy, thầy mo này thường tiết lộ cho những người dân nơi đây thêm những chuyện bí ẩn khác về chiếc sọ đá.

Thấy bản làng người Xuồng ngày càng làm ăn phát đạt, những người dân tộc Giấy cho rằng đó là nhờ chiếc sọ đá kia che chở và phù hộ. Vì vậy, một số người Giấy đã lập mưu tới bản Thăm Noong để tìm cách cướp chiếc sọ đá mang về bản làng mình thờ cúng.

Bốn chàng thanh niên người Giấy cao to, lực lưỡng, có sức khỏe phi thường đã được trao trọng trách quan trọng đó. Ngay trong đêm, họ đã lẻn đến ngôi miếu thiêng nằm sâu trong bản người Xuồng với ý định cướp chiếc sọ đá. Nhưng điều lạ lùng đã xảy ra. Chiếc sọ người bằng đá chỉ to bằng một chiếc ấm nước, nhưng bốn chàng thanh niên phải dùng hết sức lực mới có thể nhấc được lên khỏi mặt đất.

Càng đi xa ngôi miếu, chiếc sọ đá càng ngày càng nặng hơn. Cho tới khi đi được khoảng 500m, cả bốn chàng thanh niên to khỏe đó đã không thể di chuyển được chiếc sọ đá, dù đã dùng đủ mọi cách.

Nghĩ rằng thánh thần hiển linh, bốn chàng thanh niên tỏ ra sợ hãi nên đã để lại chiếc sọ đá nhằm tháo chạy thoát thân. Sáng ngày hôm sau, khi những người Xuồng đi làm nương bất ngờ phát hiện chiếc sọ đá nằm ngay giữa đường đi đã phải về mời thầy cúng đến làm lễ rước chiếc sọ đá về ngôi miếu cũ.

Theo chân người dẫn đường, chúng tôi đã tận mắt quan sát chiếc sọ người bằng đá đầy bí hiểm. Ngôi miếu nhỏ nằm giữa lưng chừng đồi, xung quanh là những cây cổ thụ có tuổi đời hàng trăm năm. Ngôi miếu nhỏ lợp bằng lá rừng, có bốn trụ gỗ. Phía bên trong, chiếc sọ đá được đặt ở vị trí chính giữa, xung quanh bày biện những đồ thờ cúng.

Chiếc sọ có kích cỡ nhỏ đúng bằng một cái đầu người, có đầy đủ hai hốc mắt, răng, cùng trán nhô và bóng. Chiếc sọ đã ngả màu xanh, trông hình dáng khá dữ tợn. Chúng tôi có ý định thử chạm tay vào chiếc sọ đá nhưng đã bị người hoa tiêu dẫn đường can ngăn, bảo rằng không nên đụng vào linh vật, nếu làm liều sẽ bị thánh thần trách phạt.

Chiếc sọ đá tự bao đời nay vẫn vậy, luôn được xem là một linh vật thiêng liêng của buôn làng người dân tộc Xuồng. Một câu chuyện khá thú vị nữa mà chúng tôi được nghe về ngôi miếu thiêng là nó còn có tác dụng hòa giải.

Bất kể những người nào trong buôn làng có xảy ra xích mích, mâu thuẫn tới mức gay gắt mà chính quyền không thể giải quyết được, họ thường tìm đến ngôi miếu thiêng để cầu mong thánh thần chỉ lối. Sau những lần như vậy, những người tưởng chừng như sẽ không bao giờ còn nhìn mặt nhau nữa lại trở lại sống hòa thuận cùng nhau, trò chuyện, tâm sự và hiểu nhau hơn.

Bên cạnh đó, ngôi miếu thờ chiếc sọ đá xanh còn có một năng lượng kì bí khó lý giải nữa là có tác dụng tìm lại của cải bị mất. Nhiều câu chuyện về việc người dân bị mất vàng bạc, trâu bò, khi đến làm lễ tại miếu đã tìm lại được của bị mất chỉ một thời gian sau đó trong những hoàn cảnh rất ngẫu nhiên.

Theo một cán bộ văn hóa xã Tát Ngà cho biết, ngôi miếu thờ cúng chiếc sọ bằng đá xanh của bản người Xuồng có một ý nghĩa rất riêng và thiêng liêng trong đời sống tâm linh của người dân. Trong cuộc sống, có những lúc con người thực sự mất hết niềm tin và phương hướng, họ thường tìm tới một thế lực siêu nhiên để bấu víu. Rất nhiều người đã tìm thấy niềm tin vào cuộc sống.

Tất nhiên, chúng ta cũng cần tránh những câu chuyện ma quỷ, tuyên truyền mê tín dị đoan để không mang những suy nghĩ sai lệch về những nét đẹp văn hóa, tín ngưỡng trong phong tục của đồng bào dân tộc thiểu số.

Sự thực lời đồn về ngôi đền thờ cặp vợ chồng là chị em ruột

    Có thông tin cho rằng ở vùng đất An Xá, An Viên, Tiên Lữ, Hưng Yên có một ngôi đền ẩn chứa tích chuyện về hai chị em loạn luân và lễ hội mang tính phồn thực được tổ chức hàng năm ở đây.


    Nhân chuyến về thăm miền đất này, PV chúng tôi đã tìm hiểu thực hư câu chuyện liên quan đến ngôi đền và lễ hội. Từ đó, hé lộ nhiều nét văn hóa tín ngưỡng độc đáo của nhân dân trong vùng.

    Mối tình ngang trái

    Câu chuyện về đôi vợ chồng là anh chị em ruột trong một ngôi nhà từng được nhiều người dân truyền tai nhau. Ở một ngôi làng nọ có hai chị em sinh đôi, một trai một gái, sinh ra đã có vóc dáng to lớn khác người.

    Không chịu được những lời chê bai của làng xóm nên bố mẹ đã bỏ hai chị em ra ngoài bìa rừng. Càng lớn, hai chị em càng có thân hình to dị thường, bị dân làng xa cách nên không thể kết hôn với người trong làng được.

    Hai chị em quyết định bỏ làng ra đi và hẹn nhau trên đường nếu gặp người nào hợp duyên thì kết hôn với người đó. Họ chia tay mỗi người theo một hướng, đi vòng quanh một quả núi. Sau bao ngày tìm kiếm vất vả mà chẳng gặp một ai, cuối cùng họ gặp lại nhau.

    Cho đó là định mệnh, hai người sống với nhau như vợ chồng. Tin đồn hai chị em ruột lấy nhau đến tai nhà vua. Biết chuyện, nhà vua đã xử họ tội loạn luân và đem ra chém để răn đe mọi người. Sau khi chết, dân làng lập đền thờ phụng và coi họ là Thành hoàng làng.

    Tích truyện xưa đã khiến nhiều người nhầm tưởng về câu chuyện của đền An Xá ở Hưng Yên. Câu chuyện được truyền khẩu khiến nhiều người tìm đến thành tâm làm lễ mà chưa có cơ hội được hiểu chính xác về tích xưa của ngôi đền.

    Khi được chúng tôi hỏi về tích này, một cụ ông trông đền An Xá cho biết: "Lời đồn về việc thờ hai chị em loạn luân ở ngôi đền này là hoàn toàn không chính xác. Nhiều người nghe kể lại mà truyền khẩu nhau chứ chưa được tìm hiểu kỹ về lịch sử của đền nên mới có sự nhầm lẫn này".

    Sự thực lời đồn về ngôi đền thờ cặp vợ chồng là chị em ruột
    Nơi thờ hai vị Thiên tiên, Địa tiên ở hai bên góc trái và phải của đền như đang đứng trước vành móng ngựa chịu tội 

    Thực chất, đền An Xá cũng là một câu chuyện khác về tình yêu vi phạm giới luật nhưng không phải là chuyện của cặp anh chị em ruột.

    Dẫn chúng tôi đi thăm không gian rộng rãi và cổ kính của đền, ông Bình khẳng định: "Đây là ngôi đền cổ nơi thờ Ngọc hoàng thượng đế, Ngũ Lão tiên ông và các vị Thiên tiên, Địa tiên. Theo thần tích lưu giữ tại đền, xưa kia, làng An Xá là một vùng đất sình lầy, lau sậy, hoang vắng, không có người cư trú. Vào năm thứ hai trước Công nguyên, Ngọc Hoàng đã phái Thiên tiên, Địa tiên và Ngũ Lão Tiên Ông xuống hạ giới giúp nhân dân lập làng, dựng ấp, khai phá đất đai để trồng lúa nước.

    Tuy nhiên, sau khi Thiên tiên, Địa tiên hoàn thành nhiệm vụ, thấy cảnh nhân gian đầm ấm, sum vầy hai người cũng nảy sinh tình cảm nam nữ, vi phạm giới luật của nhà trời, bị Ngọc Hoàng giáng tội. Và chính nơi đây là nơi kết tội cho mối tình đầy ngang trái này.

    Hai vị bị chặt đầu, sau đó thủy táng. Dù vậy, người dân trong vùng tưởng nhớ đến công lao hai vị nên đã xây đền, lập ban thờ. Đó mới là câu chuyện của đền Đậu An được lưu truyền từ bao đời nay.

    Người dân An Xá vẫn luôn tự hào về ngôi đền cổ và những giá trị văn hóa được lưu truyền từ bao đời. Họ trân trọng và lưu giữ những tích truyện xưa, truyền từ đời này sang đời khác bởi nó gắn liền với sự hình thành của ngôi đền, khẳng định những dấu ấn lịch sử, văn hóa riêng biệt.

    Đền Đậu An đã từng được chính thức ghi vào lịch sử với tên gọi Thụy Ứng quán vào năm 226 trước Công nguyên. Sau này, Thụy Ứng quán được xây dựng mở rộng và trở thành quần thể di tích mang tên gọi là Đền Đậu An như ngày nay.

    Địa thế hình đầu rồng

    Theo những ghi chép lại, ngôi đền này đã có niên đại 2.200 năm và được tọa lạc trên thế đất hình đầu rồng linh thiêng. Xung quanh có cây xanh và hồ nước là nơi tụ thủy, tụ phúc. Người dân trong làng vẫn luôn tự hào khi khẳng định rằng đây chính là ngôi đền duy nhất của nước ta thờ Ngọc hoàng Thượng đế cùng các bậc thần tiên và cũng là ngôi đền có kiến trúc đặc biệt khi hầu hết chất liệu tạo nên ngôi đền này là những phiến đá nguyên khối.

    Bà Đức (70 tuổi) - một người dân trong xã cho biết: "Ngôi đền rất linh thiêng, không chỉ người dân trong làng, ngoài xã hay tìm đến đây thành tâm làm lễ cầu khấn mà khách thập phương cũng về cửa đền làm lễ rất đông".

    Trải qua hàng nghìn năm lịch sử cùng những năm tháng chiến tranh tàn phá, ngôi đền cũng đã không còn được nguyên vẹn như xưa. Tuy vậy, dù là những thứ không còn nguyên vẹn nơi cửa đền thì dân làng vẫn răn nhau phải giữ gìn, không được lấy làm của riêng bởi nếu ai vi phạm thì thường không gặp may mắn.

    Chia sẻ với chúng tôi về việc này, một cụ cao niên trong làng cho biết: "Cũng đã có trường hợp lấy những phiến đá trong đền về dùng nhưng nhiều gia đình sau một thời gian đều tự nhiên mang ra đền làm lễ trả lại". Từ đó, không ai dám mạo phạm chốn cửa đền thiêng.

    Dịp tháng 4 âm lịch hàng năm, dân làng An Xá đều tổ chức lễ hội kéo dài 12 ngày, diễn lại các tích chuyện xưa. Câu chuyện khiến nhiều người tò mò và quan tâm nhất vẫn là việc nảy sinh tình ý của cặp đôi Thiên tiên và Địa tiên dẫn đến hình phạt khắc nghiệt. Và trong những ngày lễ hội này, một lần nữa mối tình ngang trái, vi phạm giới luật lại được người dân trong làng diễn lại trong cảnh xử án Thiên tiên, Địa tiên.

    Là người đã từng 6 năm gánh vác trọng trách đứng ra tổ chức hội, ông Nguyễn Ngọc Bình cho biết: "Trong mùa hội, các tích xưa như: Xử án Thiên tiên, địa tiên, diệt hổ cứu dân làng, lễ đóng giả cóc nhái nghiến răng để cầu mưa… đều được tái diễn lại.

    Cũng chính trong những ngày hội này, đời sống tinh thần người dân An Xá thêm phần nhộn nhịp, nhân dân thêm đoàn kết, gắn bó. Đây cũng là dịp quan trọng để thế hệ sau hiểu hơn về văn hóa quê hương, có ý thức phát huy và lưu giữ những giá trị tinh thần độc đáo".
    Đền Đậu An được công nhận di tích cấp Quốc gia năm 1989. Đền đã được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia vào năm 1998.

    Với lối kiến trúc hình chữ Đinh (J) gồm 3 tòa tiền tế, thượng điện và hậu cung. Đền Đậu An tuy không còn giữ nguyên những hình ảnh của ngôi đền xưa do những năm tháng chiến tranh nhưng những gì được khôi phục lại như ngày nay vẫn mang đậm nét kiến trúc cổ kính, uy nghiêm.

    Điều ấn tượng với mỗi du khách khi đến với ngôi đền thiêng chính là hình ảnh của tòa tháp cửu trùng bằng đất nung được xây dựng từ thời Lý - Trần. Tháp cao 9 tầng biểu thị 9 tầng mây vời vợi của chốn cửu trùng. Nơi đây cũng còn lưu giữ nhiều di vật cổ quý giá như chiếc khánh đá cổ niên hiệu Vĩnh Trị, chuông đồng niên hiệu Cảnh Hưng và hai tấm bia đá thời Lý, Nguyễn ghi lại niên đại kiến trúc và những người có công tôn tạo, mở rộng trùng tu đền.

    Bí ẩn ngọn núi có tới 11 ngôi đền giữ của

      Không ai hiểu vì sao người xưa lại xây tới 11 ngôi đền trên một quả núi.


      Ngọn núi kì lạ này đã từng là nơi tập trung của 11 ngôi đền cổ. Không ai hiểu vì sao người xưa lại xây nhiều đền như vậy trên một quả núi? Rồi đến một ngày tất cả đền đều biến mất mang theo bí mật về câu trả lời và bắt đầu những chuyện lạ kỳ liên tiếp xảy ra ở khu vực núi.

      Bí ẩn 11 ngôi đền cổ


      Núi Đền ở xóm Đông Sơn (xã Giang Sơn Đông, huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An). Người dân đồn rằng đây là nơi cất giấu kho báu của người Tàu cách đây hàng trăm năm vì trên núi từng có rất nhiều ngôi đền kì lạ.

      Núi Đền có diện tích khoảng 3 ha, địa hình thoai thoải, được bao quanh bởi các khe nước và những bãi đầm lầy. Nơi đây từng có 11 ngôi đền được dựng từ khi nào không ai rõ. Ngày xưa khu vực này cây cối rậm rạp hoang sơ, không có một hộ dân nào sinh sống xung quanh. Chính vì thế sự xuất hiện của các ngôi đền cổ càng trở nên kì lạ.

      Bí ẩn ngọn núi có tới 11 ngôi đền giữ của
      Ngôi miếu được một gia đình lập để tạ ơn thần linh 

      Ông Nguyễn Văn Giáp (76 tuổi), một người rất am hiểu về lịch sử của làng cho biết: Trừ ngôi đền lớn nhất gọi là đền Cả, các đền nhỏ đều có dạng hình ô vuông, chỉ có một gian, cao khoảng 2m, được làm bằng gỗ lim và gỗ mít, phía trên lợp ngói. Mỗi ngôi đền đều chia làm hai tầng, tương tự như kiểu nhà sàn. Phần dưới chỉ có bốn cột dựng để chống đỡ. Phía trên được đóng ván kín 3 phía, phía trước cửa mở, bên trong đặt bài vị, bát hương, trong các đền nhỏ còn đặt hai thanh đao.

      Riêng đền Cả có hai gian nhưng diện tích cũng không quá lớn, chỉ đủ để đặt bàn thờ. Kiến trúc của đền Cả được thực hiện khá tinh xảo, đặc biệt trong việc chạm khắc những hoa văn, họa tiết trên các thân cột.

      Theo lời người dân kể, ban đêm trong các đền đều thắp đèn dầu sáng trưng, lại thêm mùi khói hương váng vất khiến ai đi ngang cũng sởn gai ốc ba chân bốn cẳng chạy thật nhanh. Không một người nào dám đi qua khu vực này vào đêm khuya nếu không có việc thật cần thiết.

      Bà Bùi Thị Hoa (65 tuổi, người xóm Đông Sơn) cho biết: “Từ nhỏ tôi thường nghe ông bà kể lại đây là những ngôi đền do người Tàu thời xưa xây dựng, không thờ cúng ai cả, chủ yếu để giữ của. Trong các đền đều có một bức tượng hình con chó rất to được đúc bằng đá rỗng bụng. Người xưa kể khi đổ nước vào, nước sẽ phun ra từ miệng của con chó và đổ xuống đất trúng chỗ nào thì đó là điểm chôn vàng bạc châu báu”.

      Nhưng dân làng không ai để ý đến điều đó. Tới một ngày cách đây gần 50 năm, có một nhóm người lạ đến khu vực núi Đền làm lễ cúng bái trên núi mấy ngày liền. Một số người dân tò mò lên rình xem thì thấy họ đang đào bới liền ngăn cản vì cho rằng nhóm người đến lấy vàng bạc.

      Bị lộ, cả nhóm người đó vội vàng bỏ đi trong đêm tối. Trước khi đi họ phá hết tượng chó và các ngôi đền. Dân làng lên đến nơi thì tất cả đã đổ nát, cố gắng tìm kiếm khắp nơi cũng không biết được địa điểm chôn vàng bạc ở đâu và cũng không có bất kỳ dấu hiệu nào về một kho báu trên núi.

      Linh thiêng núi Đền

      Sau khi các ngôi đền bị phá bỏ, dần dần người dân đến khai hoang lập ấp sinh sống quanh núi Đền, nhưng không hiểu sao cứ ở được vài năm lại chuyển đi. Nguyên nhân được các hộ dân chia sẻ là do ban đêm họ thường mơ thấy một ông lão râu tóc bạc phơ cầm gậy đuổi đi. Ban đầu họ không để ý, nhưng giấc mơ đó cứ lặp đi lặp lại khiến ai nấy rất hoang mang.

      Các thành viên trong gia đình thường xuyên xảy ra mâu thuẫn cãi vã, không khí rất căng thẳng. Việc làm ăn cũng gặp nhiều trắc trở, mùa màng thất bát. Cuộc sống thường xuyên phải chịu cảnh đói rét. Người dân đoán đã phạm phải đất thiêng nên đành chuyển đi nơi khác sinh sống.

      Những người đến ở sau này đều “rút kinh nghiệm”, khi có ý định đến núi Đền ở đều làm một mâm lễ lên núi xin phép thần linh. Điều trùng hợp là ít xảy ra tình trạng dân bỏ đi như trước mà càng ngày càng tập trung sinh sống đông đúc quanh ngọn núi.

      Bí ẩn ngọn núi có tới 11 ngôi đền giữ của
      Dân làng góp tiền xây miếu trên núi Đền  

      Người dân ngày càng tin vào sự linh thiêng của núi Đền. Cách đây hơn một năm, một người phụ nữ trong làng cải tạo vườn trồng sắn, trong quá trình làm đất phát hiện nhiều gạch ngói mới biết đó là nền cũ của một trong những ngôi đền trước đây. Tuy nhiên người phụ nữ vẫn tiếp tục cày xới bón phân trồng cây lên đó. Đến tối bà này không may bị một cành cây to rơi trúng đầu, phải nằm viện cả tháng mới hồi phục sức khỏe.

      Nhớ lại chuyện bị tai nạn, người này vẫn thấy rất kì lạ. Hôm đó trời không mưa gió gì, không hiểu sao một cành cây lại gãy trúng người. Cho rằng mình bị trừng phạt vì mạo phạm đền thiêng, người này và gia đình đã ra vườn nhổ hết sắn sau đó tẩy uế nền đền sạch sẽ.

      Dân làng cho biết thêm một điều lạ nữa, trong chiến tranh, các vùng khác đều bị bom đạn tàn phá tan hoang riêng núi Đền không hề hấn gì. Người sống quanh núi thậm chí không phải lo đào hầm, mỗi lần bom Mỹ dội xuống, mọi người lại hò nhau chạy lên núi Đền trú ẩn. Ngọn núi trở thành nơi chở che an toàn cho dân làng.

      Một cụ già trong làng kể: “Dẫu bom mìn của bọn giặc có dội ác liệt, khủng khiếp đến nhường nào thì cũng không bao giờ dội trúng núi Đền này. Có lẽ vì thế nơi đây từng được bộ đội chọn làm căn cứ trú ngụ trong một thời dài”.

      Vào tháng 4/2014, người dân trong vùng đã cùng nhau góp tiền để xây dựng lại một ngôi miếu trên núi Đền. Người nhiều thì vài trăm ngàn, người ít thì vài chục ngàn đồng, ai cũng muốn góp một phần xây dựng miếu làm nơi thờ cúng cầu an cho cả làng.

      Mơ được tiên ông cho thuốc hay

      Cách đây 30 năm gia đình ông Phạm Xuân Khe (SN 1945) chuyển đến núi Đền sinh sống, vườn nhà ông cũng từng là nền cũ của một ngôi đền. Ban đêm nằm ngủ ông mơ thấy có một cụ già dạy cho cách bào chế thuốc chữa bệnh. Thấy lạ, ông Khe liền ghi lại rồi đi hỏi thầy thuốc Đông y trong làng, không ngờ đó đều là những bài thuốc quý chữa bệnh rất hiệu nghiệm.

      Chính giấc mơ kỳ lạ đã đưa ông Khe có duyên đến với nghề bốc thuốc chữa trị cho người dân trong làng. Sau này ông đã lập một miếu nhỏ trên nền ngôi đền cũ trong vườn để tỏ lòng biết ơn thần linh.

      Tuy nhiên khi tung đồng tiền âm dương xin lợp mái đến mấy lần không được, ông Khe đành để cúng lộ thiên, ngày rằm, mồng một hàng tháng, gia đình ông lại ra thắp hương ở miếu. Cách đây 3 năm, ông Khe tuổi cao đã qua đời.

      Hiện nay vợ con ông vẫn thường xuyên ra miếu cúng bái.


      Theo Phương Thảo (Pháp Luật VN)

      Theo Phượng Thu - ĐS&PL

      Theo Người đưa tin(http://vtc.vn/)

      Không có nhận xét nào:

      Đăng nhận xét