Thứ Tư, 5 tháng 11, 2014

CÂU CHUYỆN VỤ ÁN 14 (Vụ cướp tàu hỏa...

(ĐC chip từ http://baotintuc.vn)

Vụ cướp tàu hỏa táo tợn nhất nước Anh.

Không ai biết chính xác kẻ nào đã nảy ra âm mưu cướp đoàn tàu chở bưu kiện từ Glasgow tới Luân Đôn, Anh. Người ta chỉ biết một điều chắc chắn đây là một trong những vụ cướp táo tợn nhất lịch sử nước này. Điều đặc biệt trong vụ cướp là 15 tên cướp đã tay không ẵm trọn 2 triệu bảng Anh, tương đương 41 triệu bảng ngày nay.

Kỳ 1: Kế hoạch hoàn hảo

Thủ lĩnh băng cướp - Bruce Reynolds.
Vụ cướp tàu táo tợn xảy ra năm 1963 khiến dư luận bàng hoàng vì khó có thể ngờ một băng nhóm tội phạm nhỏ ở Luân Đôn lại có thể liều lĩnh như vậy. Cuốn “The Robbers Tale” năm 1965 của tác giả Peta Fordhams cho rằng, một tên trùm thế giới ngầm Luân Đôn chính là người vạch ra âm mưu này nhưng về sau băng nhóm của hắn đã không dám thực hiện vì quá mạo hiểm.

Năm 1962, khi đang ở tù, một thành viên của băng nhóm nói trên tình cờ kể về kế hoạch này cho bạn tù Bruce Richard Reynolds, một tay buôn đồ cổ và là một tên trộm khét tiếng ở Luân Đôn. Reynolds cho rằng ý tưởng này “hay ho” và đã dành những tháng cuối cùng trong tù để vạch kế hoạch.

Sau khi được thả, Reynolds bàn kế hoạch với nhóm South West của mình. Hắn chọn cấp phó là Douglas Gordon Goody, một thợ cắt tóc kiêm tội phạm “bán thời gian” nổi tiếng vì độ liều lĩnh và chịu áp lực giỏi.

Các thành viên băng South West dù trung thành và lão luyện nhưng số lượng thành viên quá ít để thực hiện một vụ cướp quy mô. Reynolds đã đồng ý hợp tác với băng South East do Ronald Buster Edwards cầm đầu. Khi lực lượng đã đủ, Reynolds bắt đầu rình thời cơ.

Đoàn tàu hỏa mà Reynolds định cướp là tàu chở bưu kiện chạy từ Glasgow đến Luân Đôn, gồm 12 toa, có một đầu máy động cơ diesel. Ngoài bưu kiện thông thường, nó còn “cõng” một lượng lớn tiền từ các thể chế tài chính và ngân hàng ở Xcốtlen tới Luân Đôn. Tiền và những bưu kiện có giá trị được phân loại và chất vào hai toa ngay sau đầu tàu.

Đoàn tàu chở bưu kiện - mục tiêu của băng cướp.

Nhờ những mối quan hệ trong thế giới ngầm, Reynolds dễ dàng nắm được lịch trình, địa điểm cất tiền và số nhân viên trên tàu. Reynolds biết chắc lượng tiền trên tàu thường sẽ nhiều hơn sau ngày nghỉ lễ của ngân hàng. Một trong số những ngày nghỉ lễ đó rơi vào ngày 5/8/1963, thời điểm hoàn hảo cho kế hoạch của hắn. Điều duy nhất mà Reynolds không biết chắc là tiền sẽ được chuyển tới Luân Đôn vào ngày nào. Nhưng nhờ một “tay trong”, hắn đã biết được ngày chuyển tiền và lên kế hoạch cho vụ cướp vào ngày 6/8/1963.

Tuy nhiên, còn một vài chi tiết quan trọng cần phải giải quyết. Theo kế hoạch ban đầu, băng cướp phải lên tàu, cắt rời đầu máy và hai toa đầu tiên rồi đưa chúng đến một địa điểm đã định sẵn để chuyển tiền lên các xe tải chờ ở đó. Vấn đề là cần tìm một người biết lái tàu và phải tìm cách dừng đoàn tàu mà không gây quá nhiều nghi ngờ.

Ronald Biggs.
Reynolds có quen một tên trộm vặt tên là Ronald Arthur Ronnie Biggs. Do thiếu tiền nên Biggs đã tìm đến Reynolds hỏi vay. Reynolds gợi ý hắn tham gia vụ cướp tàu và hứa sẽ chia cho hắn 40.000 bảng nếu tìm được một người biết lái tàu. Tình cờ, Biggs lại quen một người từng là nhân viên lái tàu tên là Peter. Cả hai đều mờ mắt trước số tiền chia phần và nhanh chóng đồng ý.

Vấn đề thứ hai đã được giải quyết trong một cuộc họp của nhóm. Roger John Cordrey, một thợ máy lành nghề và hiểu biết về tàu hỏa, đã đề xuất một ý tưởng đơn giản là sẽ chỉnh sửa tín hiệu buộc đoàn tàu phải dừng lại theo yêu cầu. Sau khi đánh giá toàn bộ lộ trình của đoàn tàu, cả nhóm quyết định rằng địa điểm tốt nhất để chỉnh tín hiệu sẽ là khu vực Leighton Buzzard ở Bedfordshire. Theo lịch trình, đoàn tàu sẽ tới Leighton Buzzard lúc 3 giờ 30 sáng - thời điểm lý tưởng vì băng cướp sẽ có đủ thời gian để chặn tàu, mang tiền xuống và tẩu thoát vào bóng đêm.

Ngay bên ngoài thị trấn Leighton Buzzard là bảng tín hiệu. Tùy thuộc vào giao thông đường sắt và tình trạng đường ray, bảng này có thể bật hoặc là tín hiệu xanh báo hiệu đường thông thoáng để đi, hoặc là tín hiệu vàng báo hiệu chuẩn bị dừng. Bảng tín hiệu tiếp theo được gọi là tín hiệu nhà (home signal), cách khu vực Sears Crossing khoảng 1 km.

Cordrey đã bày ra cho cả nhóm xem một loạt thiết bị để chỉnh tín hiệu, gồm vài bộ ắc quy, một đoạn dây kim loại, găng tay da và vài miếng giấy đen. Găng tay và giấy đen sẽ được dùng để che đèn tín hiệu thật, còn ắc quy sẽ được dùng để chiếu sáng tín hiệu vàng ở Leighton Buzzard và tín hiệu đỏ ở Sears Crossing.

Băng cướp cũng cần một nơi an toàn tách biệt nhưng lại gần đường ray để tập kết phương tiện và người trước vụ cướp, quay trở về cùng chiến lợi phẩm rồi từ đó tỏa đi các hướng mà không bị phát hiện. Lúc đầu, Reynolds định chuyển tiền tới nhà một người bạn ở Oxfordshire và chia tiền sau. Nhưng đề xuất này bị phản đối mạnh mẽ vì đối với những kẻ tội phạm, chúng có thể giao tính mạng và tự do cho người khác chứ không thể giao tiền. Khi thời gian không còn nhiều, Reynolds đành gợi ý nông trại Leatherslade gần đó. Sau khi xem xét nhanh chóng, cả bọn nhất trí chọn địa điểm này.
Nông trại Leatherslade nằm ở trung tâm một cộng đồng nhỏ làm nghề nông, chỉ cách nơi định cướp tàu 43 km. Nó gồm một ngôi nhà 2 tầng xiêu vẹo và vài khu nhà phụ nhỏ bên ngoài, đủ chỗ cho cả băng cướp. Reynolds định tiếp cận chủ nông trại qua trung gian để mua lại khu này. Để trì hoãn vụ mua bán, Reynolds sẽ đề nghị chủ nhà cho một nhóm thợ ở lại nông trại vài ngày để chuẩn bị sửa sang. Mọi việc trôi chảy theo đúng ý định Reynolds. Tất cả chỉ còn chờ thời điểm.
 
Hành động chớp nhoáng

Đúng hẹn, các thành viên băng cướp rời nhà ngày 6/8/1963 tới nông trại chờ thời điểm hành động. Biggs và Peter bắt cùng chuyến tàu đến ga Victoria gặp Reynolds và anh rể hắn, John Daly. Cả bọn cùng leo lên một chiếc Land Rover ăn cắp rồi lái đến nông trại. Mãi đến giữa buổi sáng chúng mới tới nơi, dỡ đồ và vào nhà chờ đồng bọn đến đông đủ. Khi cả băng cướp đã có mặt, chúng ngồi uống bia, chơi bài cho đỡ căng thẳng trong lúc chờ tin báo thời điểm tiền được gửi lên tàu.

Chúng phải chờ đến tận hôm sau vì lúc đó tiền mới được chuyển đi. Chiều muộn hôm đó, cả nhóm rà soát lại kế hoạch một lần nữa. Chúng định giả làm một đơn vị quân đội đi trực ca đêm trên chiếc xe quân đội vừa đánh cắp. Bọn chúng đã chuẩn bị đồng phục quân đội và giấy tờ giả trong trường hợp bị ai đó kiểm tra.

Đoàn tàu bị chặn trên cầu Bridego.

Sau khi được mật báo rằng tiền đã lên tàu với số lượng lớn bất thường, cả bọn lên 3 xe và tiến về Leighton Buzzard đêm 8/8/1963. Chưa đầy một giờ, băng cướp đã có mặt tại địa điểm.

Sau khi đến bảng tín hiệu ở Leighton Buzzard, chúng thả hai tên là John Daly và Roger Cordrey xuống canh chừng tín hiệu và tiếp tục lái đến cầu Bridego. Tại đây, chúng mặc quần áo lao động màu xanh nhằm che bộ đồng phục quân đội bên trong để trong trường hợp bị nhìn thấy, chúng sẽ đóng giả là công nhân đường sắt đang bảo trì đường ray.

Cả nhóm chia ra và đến các vị trí đã được phân công. Biggs và Peter đi về phía Sears Crossing. Chúng đánh dấu vị trí đoàn tàu sẽ bị chặn lại để cướp tiền. Trong khi đó, một thành viên khác đã cắt đường dây điện thoại tại hộp gọi điện khẩn cấp bên cạnh đường ray. Để đảm bảo chuông báo động không vang lên quá sớm, hắn còn cắt luôn cả đường dây điện thoại của cả vùng. Về phần mình, Reynolds lái xe đến vị trí đã xác định trước để nhìn bao quát các đoàn tàu đang tiến đến và báo hiệu cho đồng bọn.

Tái hiện cảnh băng cướp chuyển tiền từ tàu ra xe.

Trong vòng 2 tiếng tiếp theo, Reynolds quan sát vài đoàn tàu chạy qua. Mãi đến 3 giờ sáng, “con mồi” của băng cướp mới đến. Reynolds ra hiệu cho đồng bọn. Ngay lập tức, tín hiệu giả được kích hoạt. Ba phút sau, đoàn tàu chở bưu kiện đi chậm lại và dừng ngay bên cạnh nơi băng cướp đang ẩn mình chờ trong bóng tối.

Dave Whitby, công nhân đốt lò trên tàu, là người đầu tiên ra khỏi đoàn tàu. Theo quy định, Dave tiến đến hộp điện thoại khẩn cấp phía trước và tìm chỉ dẫn. Khi phát hiện ra điện thoại không hoạt động, anh ta quay về tàu và nhìn thấy một người đàn ông (Buster Edwards) trong bộ quần áo công nhân xanh đứng cạnh đường ray. Đoán rằng người này là công nhân đường sắt và có thể biết lý do tàu phải ngừng, Dave đi về phía đó nhưng bị hai tên đội mũ len trùm đầu thình lình xuất hiện và đẩy xuống phía dưới. Anh ta bị còng tay và được lệnh không được kêu.

Jack Mills, tên to khỏe nhất của băng cướp, lúc đó đã leo lên cabin, chạm mặt với người lái tàu đang cáu tiết và tìm cách kháng cự với những kẻ lạ mặt. Tuy nhiên, người lái tàu nhanh chóng bị hạ gục. Peter lập tức ngồi vào ghế lái tàu.

Trong khi đó, một nhóm khác đã tháo móc nối từ toa thứ ba, chỉ để lại hai toa có tiền gắn vào đầu tàu. Peter được lệnh lái hai toa này đến đoạn đường ray đã được đánh dấu trước. Tuy nhiên, đầu tàu không nhúc nhích. Trong lúc Peter giải thích rằng đoàn tàu không thể nhúc nhích do áp lực phanh thấp thì hắn đã bị vứt ra khỏi cabin và Jack Mills nhảy vào vị trí.

Mills nhả chiếc phanh hơi mà Peter đã bỏ qua và đoàn tàu chầm chậm chuyển động về phía cầu Bridego. Khi đến chỗ đã đánh dấu, tàu dừng lại. Biggs được lệnh đưa Peter, tên lái tàu vô dụng, vào chiếc Land Rover và chờ, chính thức chấm dứt vai trò trong vụ cướp.

Khi nghe thấy tiếng tàu bị tháo móc toa, nhân viên bưu điện trong toa tàu chở tiền biết rằng có điều gì đó không ổn. Tuy nhiên, trước khi họ có thể phản ứng, một nhóm do tên Gordon Goody dẫn đầu đã ập vào khoang và khống chế toàn bộ. Chỉ trong vòng vài phút, họ bị trói, bịt miệng và bắt nằm úp mặt xuống sàn.

Trong khi đó, toàn bộ số tiền trên khoang được chuyển ra. Băng cướp đứng thành hàng nối từ toa tàu đến chỗ xe tải. Từng bao tải tiền đầy ắp được chúng chuyền tay nhau nhanh gọn lên các xe cho đến khi không thể chất thêm được nữa. Khi chỉ còn 7 bao tiền trên tàu và nhận thấy trời đang sáng dần, Reynolds ra lệnh cả nhóm rút. Toàn bộ “chiến dịch” từ lúc tàu dừng đến lúc tẩu thoát chỉ mất vỏn vẹn 40 phút.

Dưới sức nặng của các bao tải tiền, đoàn xe ì ạch quay về nông trại Leatherslade. Biggs được giao nhiệm vụ nghe đài để nắm tình hình cảnh sát, tuy nhiên, chiếc đài của Biggs im lặng bất thường. Khi trời vừa hửng sáng, đoàn xe vừa qua cổng nông trại thì đài phát thanh đưa tin về vụ cướp. Mặc dù thấm mệt nhưng cả băng cướp nhanh chóng khuân tiền vào nhà trước khi mặt trời lên hẳn.

120 bao tiền xếp đầy phòng chính. Không ai buồn động chân tay để đếm tiền cho đến khi một tên trong số chúng mở bao đầu tiên. Khi nhìn thấy cơ man các cọc tiền đầy ứ trong bao, nhóm cướp mắt sáng lên và lao vào điên cuồng xé các bao tiền. Reynolds nhanh chóng lập lại trật tự và giao cho mỗi tên một việc. Một vài người canh chừng các cửa sổ, số khác được giao nhiệm vụ kiểm tra xem có thiết bị theo dõi trong các bao tiền hay không. Hai tên Cordrey và Wilson làm nhiệm vụ đếm và chia tiền. Reynolds và Biggs xé giấy gói các cọc tiền và đưa cho hai người đếm.

Ba giờ sau, việc đã xong. Cả băng đứng quanh đống tiền khổng lồ. Tổng cộng là 2.631.784 bảng (khoảng 41 triệu bảng theo giá trị năm 2013) - số tiền mà chưa ai trong số bọn chúng từng được nhìn. Sau khi chia chác, bọn chúng thư giãn bằng vài ván bài và chuyện phiếm.

Theo kế hoạch ban đầu, bọn chúng sẽ ở lại nông trại 2 tuần chờ cho mọi việc lắng xuống rồi mới tẩu thoát. Tuy nhiên, khôn ngoan chẳng lại với trời.
 
Kỳ 3: Cuộc hội ngộ trong tù

Qua đài phát thanh, băng cướp biết được rằng vụ cướp tàu chúng vừa thực hiện đã gây một cơn chấn động ở nước Anh. Toàn bộ cảnh sát trong khu vực đang ráo riết tìm thủ phạm. Theo một mẩu tin trên đài, cảnh sát đoán rằng bọn trộm đã dùng xe quân sự và có thể đang lẩn trốn trong một nông trại gần đó.

Cảnh sát điều tra tại Sears Crossing.

Reynolds nhanh chóng tính lại kế hoạch vì biết rằng bọn chúng không có nhiều thời gian để dọn dẹp nông trại, phi tang bằng chứng và tẩu thoát êm thấm. Theo lệnh Reynolds, một nhóm sơn lại chiếc xe tải bằng thùng sơn màu vàng tìm thấy trong nhà kho. Nhóm khác gom bao đựng bưu kiện và giấy gói tiền mang đi chôn.

Reynolds đồng ý để Roger Cordrey đi xe đạp tới làng gần nhất thám thính tình hình và tìm phương tiện di chuyển khác. Trong lúc Cordrey đi, cả bọn ngồi chờ, tâm trạng lo lắng tăng lên từng phút theo tin tức trên đài. Khi Cordrey về, hắn cho biết vụ cướp của bọn chúng đã lên trang nhất của tất cả các tờ báo trong nước và cảnh sát đã tăng cường gấp đôi lực lượng để tìm kiếm.

Cảnh sát canh gác nông trại Leatherslade.

Hai thành viên trong nhóm cùng Cordrey được giao nhiệm vụ đi tìm phương tiện đủ để đưa cả bọn đến nơi an toàn. Nhóm sẽ thuê một tên tòng phạm để dọn dẹp lần cuối, xóa mọi dấu vân tay và các bằng chứng khác.
Trong khi đó, hai ngày sau vụ cướp, cảnh sát đã thành lập một đội cơ động đặc biệt gồm những thám tử giỏi nhất. Đội này do thám tử Tommy Butler dẫn đầu. Butler được coi là một huyền thoại của Sở Cảnh sát London, nổi tiếng vì tính tận tụy với công việc và độ tỉ mẩn. Được mệnh danh là “Bóng ma Xám”, ông đòi hỏi sự chính xác và chuyên nghiệp từ nhân viên.

Ban đầu, vụ cướp đã khiến cảnh sát bối rối vì số tiền cực lớn và hầu như không có bất kỳ dấu vết gì trước, trong và sau vụ cướp. Mãi đến ngày thứ 8, công tác điều tra mới đạt được đột phá đầu tiên. Tin báo từ người dân cho biết có một chiếc xe khả nghi đỗ tại một nông trại cách hiện trường vụ án 48 km. Khi đến nông trại, cảnh sát vui mừng xác nhận đây đúng là nơi trú ẩn của băng cướp.

Băng cướp thất kinh khi biết rằng kẻ mà bọn chúng thuê với số tiền lớn để dọn dẹp nông trại đã nhận không số tiền rồi bỏ đi, để lại cả kho manh mối cho cảnh sát tìm. Thám tử Butler đã ra lệnh phong tỏa toàn bộ khu vực, cho lấy mẫu vân tay và mọi bằng chứng.

Chỉ sau một ngày phân tích bằng chứng, thành viên đầu tiên của băng cướp, Roger Cordrey đã bị tóm. Sở dĩ cảnh sát bắt Cordrey nhanh chóng đến vậy vì cảnh sát biết hắn là một tên tội phạm sành sỏi về tàu hỏa. Nghe tin Cordrey bị bắt, Biggs tỏ ra lo lắng. Nỗi lo của hắn đã biến thành sự kinh hoàng khi hay tin cảnh sát tìm được một vali 100.000 bảng ở trong rừng cách nhà hắn chỉ vài km. Một tuần sau, Charlie Wilson bị bắt ở London. Cảnh sát cũng thông báo đang tìm kiếm Bruce Reynolds, Jimmy White, Roy James và Buster Edwards để thẩm vấn. Biggs biết rằng cảnh sát sẽ sớm tìm đến mình để hỏi thăm về Reynolds.

Ba tên liên quan đến vụ cướp bị cảnh sát dẫn giải.

Quả nhiên, hai ngày sau cảnh sát viếng thăm nhà Biggs, nhưng chỉ hỏi han và xem xét nhanh quanh nhà. Một tháng sau, cảnh sát thăm nhà Biggs lần hai và lần này hắn bị bắt và đưa tới sở cảnh sát để thẩm vấn. Đích thân thám tử Butler đã thẩm vấn hắn. Hắn bị đưa tới đồn cảnh sát Aylesbury ở Buckinghamshire để lấy dấu vân tay, chụp ảnh và chính thức bị kết tội tham gia vụ cướp. Sau đó, Biggs bị đưa vào nhà tù Bedford chờ xét xử cùng với đồng bọn là Charlie Wilson, Tommy Wisbey, Jim Hussey và Bob Welch.

Cả 5 tên không hiểu nổi tại sao cảnh sát lại biết bọn chúng dính đến vụ cướp. Câu hỏi đã được trả lời khi vợ Biggs, Charmaine, vào thăm chồng với thông tin mà cô ta có được nhờ một người bạn có liên hệ với Sở Cảnh sát London. Theo đó, bọn chúng bị bắt vì dấu vân tay đã bị tìm thấy ở nông trại, cụ thể là trên các chai nước sốt, chai bia và vài quân bài bỏ lại.

Chỉ trong một thời gian ngắn, hầu như toàn bộ băng cướp đều được hít thở chung không khí nhà tù Aylesbury. Luật sư cho chúng biết rằng bằng chứng chống lại cả nhóm là quá lớn và quá mạnh, “hứa hẹn” những án tù hàng chục năm.

Thay vì bàn đến phiên tòa sắp tới, bọn cướp tính kế vượt ngục. Chúng “nịnh nọt” một cai tù và hối lộ tiền để người này lén mang vào cho chúng một số thứ hỗ trợ vụ vượt ngục. Một trong số đó là chiếc phôi chìa khóa để chúng giũa thành chìa mở cửa phòng giam và cửa ra vào.

Kế hoạch đang tiến triển tốt đẹp thì bị hỏng vào phút chót khi một thành viên trong băng cướp cảm thấy run chân và đã báo với cai tù. Chỉ trong vòng vài tiếng, phòng giam của bọn chúng đã bị lục soát, bất kỳ thứ gì khả nghi đều bị tịch thu. Cai tù cũng bị đổi, an ninh được thắt chặt, người ngoài không được phép thăm tù nhân và liên lạc giữa các tù nhân bị cấm. Tia hi vọng về vượt ngục của băng cướp vụt tắt.
    Sau khi âm mưu vượt ngục bị phá sản, các thành viên băng cướp bị giám sát chặt chẽ đến tận phiên xét xử bắt đầu ngày 20/1/1964. Riêng thủ lĩnh Bruce Reynolds mãi đến năm 1969 mới sa lưới. Bản án dành cho mỗi tên là từ 20 đến 30 năm tù.

    Kỳ cuối: Cuộc trốn chạy của một tù nhân

    Dù đóng một vai trò nhỏ trong vụ cướp tàu nhưng Ronald Biggs lại là cái tên được nhắc đến nhiều nhất. Nguyên nhân là vì hắn đã cả gan vượt ngục, chạy trốn khỏi tay của cảnh sát hàng chục năm trời, mỗi hành động của hắn khiến báo chí tốn không ít giấy mực.

    Raimunda cùng con trai tại Brazil năm 1974.

    Trong vòng vài tuần sau khi bị tuyên án, các thành viên bị đưa đến nhiều nhà tù khác nhau để thụ án. Trong khi phần lớn băng cướp đến nhà tù Brixton thì Biggs lại bị đưa đến nhà tù Lincoln và về sau là nhà tù Wandsworth.

    Ngay từ ngày đầu ở Wandsworth, Biggs đã nghĩ đến chuyện trốn tù. Ngày 12/8/1964, trong khi Biggs vẫn đang nghiền ngẫm kế hoạch vượt ngục, thì có tin Charlie Wilson trốn khỏi nhà tù Winson Green ở Birmingham. Sau khi Wilson trốn thoát, các thành viên còn lại của băng cướp bị tăng cường giám sát đặc biệt. Dù bị quản nghiêm ngặt nhưng Biggs vẫn có một khoảng thời gian trong ngày dành cho việc tập thể dục ngoài trời. Hắn đã tận dụng thời cơ này móc nối với hai bạn tù khác là Paul Seabourne và Eric Flowers để bàn chuyện vượt ngục. Eric đang thụ án 12 năm tù còn Paul sắp mãn hạn 4 năm tù và có thể giúp đồng bọn từ bên ngoài.

    Kế hoạch khá đơn giản. Vào ngày 8/7/1965, Biggs và Flowers cùng tập thể dục với nhau. Ngay sau 3 giờ chiều, một chiếc xe tải đã đậu sẵn bên ngoài bức tường nhà tù, thang dây được ném vào. Trong khi hai tù nhân khác đánh lạc hướng cai tù, Biggs và Flower đã trèo qua tường rồi được Seabourne đợi sẵn để hỗ trợ. Nhân cơ hội, vài tù nhân khác cũng leo vội qua tường và kết quả là chiếc xe phải “cõng” 7 người thay vì 4.

    Biggs tại đám tang Reynolds.

    Đi được vài km, bọn chúng chia nhau đi các nơi khác nhau. Về sau, Seabourne bị bắt lại, còn Biggs và Flower trốn được sang Antwerp ở Bỉ. Chúng phải bỏ ra rất nhiều tiền để mua hộ chiếu, quần áo và phẫu thuật thay đổi khuôn mặt. Khi lành vết phẫu thuật, Biggs đến Sydney (Australia) dưới một cái tên giả. Biggs còn đoàn tụ được với vợ con và sống lẩn trốn vài năm dưới vỏ bọc mới ở Australia.

    Năm 1968, trùm băng cướp là Reynolds cũng bị bắt. Những tên còn lại cũng lần lượt chui vào lưới cảnh sát, trừ Biggs - kẻ duy nhất còn tự do. Tuy nhiên, cảnh sát cũng lần ra nơi ở của Biggs, khiến hắn và vợ con quyết định mỗi người một ngả. Hắn rời Australia, còn vợ con hắn ở lại đất nước này.

    Chỉ vài ngày sau, cảnh sát đã đột kích nhà Biggs thuê ở Melbourne và bắt giam vợ hắn, Charmaine. Cô ta bị kết tội vào Australia trái phép và về sau được thả. Với sự hỗ trợ của bạn bè, Biggs chỉ lẩn trốn được vài tháng rồi lại bị cảnh sát mò ra tung tích. Hắn lại gom ít tiền trốn đến Panama rồi đặt vé máy bay đến Rio de Janeiro, Brazil. Hắn đặt chân đến Rio de Janeiro ngày 11/3/1970 dưới cái tên Michael Haynes, ở trong một khách sạn rẻ tiền. Thời điểm này, Biggs không còn bao nhiêu tiền vì đã tiêu phần lớn số tiền được chia chác sau vụ cướp trong quá trình lẩn trốn cảnh sát.

    Sống tằn tiện, làm những việc vặt để kiếm sống, Biggs dần ổn định cuộc sống ở Rio. Hắn thường xuyên liên lạc với vợ nhưng vẫn có người tình ở Brazil. Trong thời gian này, Biggs nhận được tin con trai cả chết trong tai nạn ô tô. Sống trong cảnh túng quẫn và nhớ thương gia đình, hắn dần dần nghĩ đến việc nộp mình để được về quê hương.

    Tuy nhiên, mọi chuyện trở nên phức tạp khi Raimunda, người tình của hắn, có bầu. Biggs cần tiền hơn bao giờ hết để chu cấp cho cả vợ con và người tình. Cực chẳng đã, hắn đã nhờ một người bạn liên lạc với các tờ báo lớn ở Anh để họ đăng độc quyền tin hắn nộp mình cho cảnh sát. Đổi lại, báo chí phải trả cho hắn 50.000 bảng.

    Tháng 1/1974, người bạn của Biggs nhận được liên lạc từ tờ Daily Express và đề nghị mua câu chuyện. Sau khi Biggs gửi cho tờ báo một lá thư kèm chữ ký và dấu vân tay để xác nhận danh tính, tờ Daily Express đã đồng ý cử phóng viên tới gặp hắn ở Rio. Ngày 30/1, phóng viên tên là Mackenzie đã tới gặp Biggs ở khách sạn. Sau khi thỏa thuận, cuộc phỏng vấn bắt đầu. Sang đến ngày thứ 3, khi đang phỏng vấn thì có tiếng gõ cửa và một nhóm người ập vào phòng. Họ là quan chức cảnh sát địa phương, lãnh sự Anh, phó lãnh sự Brazil và hai thám tử Sở cảnh sát London. Biggs bị tóm gọn.

    Biggs không ngờ rằng mình đã bị lừa ngay từ đầu. Khi cảnh sát ập vào, họ vờ như là đã theo dấu chân của phóng viên để bắt Biggs. Nhưng thực ra, tờ Daily Express đã liên lạc với cảnh sát trước khi cử phóng viên tới gặp Biggs. Kết quả là, cảnh sát bắt được kẻ cần bắt còn Daily Express có tin nóng mà không tốn một xu.

    Trong thời gian bị giam ở Brazil, Biggs biết rằng do hắn đang sống với một phụ nữ Brazil mang thai con của hắn nên chính quyền nước này sẽ không “đành lòng” trục xuất hắn. Năm 1997, Brazil và Anh ký kết hiệp định dẫn độ. Hai tháng sau, chính quyền Anh chính thức đề nghị Brazil đưa Biggs về nước, tuy nhiên Tòa án Tối cao Brazil đã từ chối. Điều đó có nghĩa là Biggs được quyền sống ở Brazil nốt quãng đời còn lại.

    Nhưng lúc này, Biggs lại không muốn kháng lại nỗ lực dẫn độ của Anh. Lâm bệnh nặng, hắn muốn được quay về thụ án nốt và chết ở quê hương. Tháng 5/2001, Biggs, lúc này đã 71 tuổi, đã gửi thư điện tử cho Sở cảnh sát London, cho biết hắn muốn có hộ chiếu về Anh và sẽ tình nguyện giao mình cho họ ngay tại sân bay Heathrow. Hắn viết: “Mong ước cuối cùng của tôi là được bước vào quán rượu Margate với tư cách là một người Anh và mua một ít rượu. Tôi hi vọng có thể sống đủ lâu để làm điều đó”.

    Ngày 5/7/2001, một máy bay riêng chở Biggs đã hạ cánh xuống Heathrow. Ngay lập tức, Biggs bị tra tay vào còng và đưa về bệnh viện nhà tù để thụ án nốt 28 năm trong án tù 30 năm. Sức khỏe của Biggs ngày càng yếu, phải ăn qua đường ống truyền.

    Do các bác sĩ nói Biggs “không còn hi vọng gì” nên năm 2009 tòa án đã đồng ý thả tự do cho Biggs theo lời kêu gọi của gia đình. Sau khi ra tù, sức khỏe Biggs khá dần lên và hiện hắn vẫn còn sống. Biggs thậm chí còn tới dự đám tang của thủ lĩnh băng cướp Bruce Reynolds.

    Thùy Dương

    Không có nhận xét nào:

    Đăng nhận xét