Chủ Nhật, 24 tháng 6, 2018

TIN BUỒN 33

-Thanh thản, coi khinh những thị phi trên đời, hóa ra bác mới là người đáng kính phục!
-Cười khinh lũ nhỏ nhen miệng to, đầu thấp, mang danh lòng yêu nước mù quáng, cố chấp.
-Cuộc đời nào cũng mãn phần. Thôi, bác yên nghỉ nhé!
---------------------------------------------------------------
(ĐC sưu tầm trên NET)
 
GS. Phan Huy Lê nói về Châu bản triều Nguyễn
Châu bản triều Nguyễn là các bản tấu sớ, sắc, dụ, chiếu, chỉ, tờ trình, sổ sách kê khai, văn bản ngoại giao thuộc kho lưu trữ của triều đình Nguyễn được vua ngự lãm hoặc ngự phê. Trước khi ngự phê, vua tham khảo Phiếu nghĩ của Nội Các, Lục Bộ sau đó thân hành cho ý kiến mệnh lệnh. Những lời phê của vua đều bằng chữ son nên gọi là Châu phê hoặc Châu bút. Văn bản đã có Châu phê thì gọi là Châu bản. Châu phê tượng trưng cho quyền lực tối cao trong nước nên những văn bản đã có Châu phê thì không được sửa chữa nữa. Theo thường lệ ngự phê có thể chia ra 4 loại: Châu phê: Nhà vua phê duyệt bằng một đoạn, một câu, một mệnh đề hoặc vài chữ như "Y tấu" (y theo lời tâu), "Y nghị" (Y theo lời nghị)... Châu điểm: Một dấu son điểm lên đầu chữ tấu chứng tỏ vua đã xem hoặc đã chấp nhận mà không cần phải cho thêm ý kiến. Châu khuyên: Vòng đỏ khuyên lên tên người, điều khoản, sự vật được vua lựa chọn. Châu mạt, châu cải: Vua phủ nhận bằng cách quét một nét son trên tên người hay câu văn.

GS Phan Huy Lê: 'Quốc sử sẽ có một chương về cách mạng tháng 8'

"Tôi xin hứa sẽ hoàn thành Bộ lịch sử Việt Nam 25 tập trong đó có một tập dành cho Cách mạng tháng 8, dự kiến hoàn thành trong 3 năm, tức là khoảng năm 2017-2018 bộ quốc sử Việt Nam sẽ ra đời", GS Phan Huy Lê cho hay.

Tại buổi gặp mặt với chủ đề “Ký ức cuộc Tổng khởi nghĩa ở Hà Nội” do Ủy ban Trung ương Mặt trận tổ quốc Việt Nam tổ chức chiều 19/8, GS Phan Huy Lê, Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam cho biết, Đảng và Chính phủ đang có chủ trương biên soạn lịch sử cách mạng Việt Nam, gồm 25 tập, dự kiến dành một tập để nói riêng về Cách mạng tháng 8 với khoảng 700 trang.
phan-huy-le-JPG-9257-1439997293.jpg
GS Phan Huy Lê. Ảnh: Hoàng Long.
Theo GS Phan Huy Lê, nhiều nhà Việt Nam học ở nước ngoài đã dành tâm huyết cho cách mạng Việt Nam như nhà sử học Na Uy S.Tonnesson với cuốn “The Vietnamese Revolution of 1945-Roosevelt, Ho Chi Minh and de Gaulle in a World at War” (Cách mạng Việt Nam 1945-Roosevelt, Hồ Chí Minh và De Gaulle trong một thế giới chiến tranh) in năm 1991. Hay nhà sử học người Pháp Alain Ruscio đã có hơn 15 tác phẩm viết về lịch sử Việt Nam, các cuộc kháng chiến, về Cách mạng Tháng 8 năm 1945 của Việt Nam.
"Chúng tôi có thiếu sót là chưa có công trình nghiên cứu về Cách mạng tháng 8 xứng tầm với nó, đây là món nợ của những người làm lịch sử. Tôi xin hứa sẽ hoàn thành Bộ lịch sử Việt Nam 25 tập trong đó có một tập dành cho Cách mạng tháng 8, dự kiến hoàn thành trong 3 năm, tức là khoảng năm 2017-2018 bộ quốc sử Việt Nam sẽ ra đời", GS Phan Huy Lê cho hay.
Ông Nguyễn Tiến Hà, nguyên Đoàn viên Thanh niên Cứu quốc thành Hoàng Diệu cho rằng, việc viết về cách mạng tháng 8 một cách cẩn thận và tỉ mỉ sẽ giúp cho thế hệ trẻ biết được về cuộc chiến vĩ đại của dân tộc. "Dân ta phải biết sử ta, không thể để người trẻ nói Hưng Đạo Đại Vương là anh của Trần Quốc Tuấn, hay Quang Trung là anh trai của Nguyễn Huệ được", ông Hà nói.
Nguyên Tổng bí thư Lê Khả Phiêu cũng đồng tình, bài học về Cách mạng tháng 8 cần tổng kết và nói kỹ, không chỉ để cho quá khứ, mà còn để vận dụng ở hiện tại và tương lai. Năm 1945 Việt Nam đã thắng lợi cả chính trị lẫn quân sự, thắng lợi mà thành phố không tan hoang, đó là nhờ nhân dân. Vì vậy, nguyên Tổng bí thư đề nghị GS Phan Huy Lê tổng kết lịch sử nên có phần này.
Hoàng Thuỳ

Vĩnh biệt cây đại thụ ngành sử học Phan Huy Lê

Được gặp gỡ và làm việc với GS Phan Huy Lê là sự may mắn của nhiều học trò, đồng nghiệp. Ông ra đi để lại khoảng trống không thể lấp đầy với người yêu lịch sử.
GS Phan Huy Lê - một trong "tứ trụ" sử học Việt Nam - vừa qua đời chiều 23/6.
Nhiều nhà khoa học và những người yêu lịch sử đã bày tỏ sự nuối tiếc, đau xót trước sự ra đi của một người thầy, một nhân cách lớn của nền sử học nước nhà.

Bộ Quốc sử còn dang dở

Trong những năm tháng cuối đời, dù sức khỏe thất thường, chuyển biến xấu, GS Phan Huy Lê vẫn cố gắng làm việc với tập thể nhà khoa học hàng đầu của Việt Nam để hoàn thành bộ Quốc sử 25 tập do ông làm tổng chủ biên.
Đây không chỉ là nhiệm vụ được giao phó, mà còn là tâm nguyện cuối cùng của ông. GS Phan Huy Lê đã ra đi khi tâm nguyện hoàn thành bộ Quốc sử vẫn còn dang dở.
Vinh biet cay dai thu nganh su hoc Phan Huy Le hinh anh 1
Giáo sư Phan Huy Lê (giữa) trong một lần công tác ở TP.HCM vào tháng 4 vừa qua. Ảnh: Trần Trung Hiếu.
Nhà sử học Dương Trung Quốc, Tổng thư ký hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, chia sẻ: “Tôi đang đi công tác xa, cũng vừa nhận được tin thầy mất. Quả thực rất buồn, thầy ra đi là sự mất mát rất lớn đối với những học trò như chúng tôi và cả với nền sử học nước nhà”.
Ông Dương Trung Quốc cho hay dù không được GS Phan Huy Lê đào tạo từ đầu như nhiều người khác, ông được thầy chỉ dạy rất nhiều về nghề, cách sống, lối sống trong thời gian công tác ở Hội Sử học.
Lễ viếng và truy điệu GS Phan Huy Lê sẽ được tổ chức hồi 7h30 đến 10h ngày 27/6 (tức ngày 14 tháng 5 năm Mậu Tuất) tại Nhà tang lễ Quốc gia, số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội.
Lễ an táng tổ chức tại công viên nghĩa trang Vĩnh Hằng, Hà Nội lúc 13h cùng ngày.
“Thầy đã đóng góp rất nhiều cho nền sử học nước nhà, không chỉ bằng kiến thức chuyên môn hay những tác phẩm để lại. Thầy còn có công đào tạo nhiều người nghiên cứu sử học, trong đó có tôi. Với tôi, GS Phan Huy Lê không chỉ là người thầy lớn, mà còn là nhân cách mẫu mực về tấm lòng yêu nước, nặng nợ với dân tộc”, ông Dương Trung Quốc nói.
Thạc sĩ Trần Trung Hiếu, giáo viên dạy Sử ở Nghệ An - một trong những người có nhiều thời gian gặp gỡ và gần gũi với GS Phan Huy Lê - tâm sự trong công việc khoa học, viết lách và các hội thảo khoa học, thầy Lê luôn tạo nên sự hấp dẫn đến lạ kỳ về phong thái lịch thiệp, cẩn trọng, chỉn chu, rõ ràng, nhẹ nhàng, sâu sắc.
Ngoài đời, thầy có lối sống bình dị, mộc mạc, khiêm nhường, luôn tôn trọng quan điểm, ý kiến góp ý, phản biện khi trò chuyện với đồng nghiệp và các thế hệ học trò.
Lần cuối cùng ông Hiếu được gặp GS Phan Huy Lê là tại hội thảo khoa học quốc gia về 40 năm cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam tháng 4 vừa qua.
“Cùng ngồi với thầy trên ôtô, sau đó là cano đi tham quan rừng Sác - Cần Giờ, tôi không ngờ đó là lần cuối cùng may mắn được gặp thầy”, ông Hiếu nói.

Người thầy lớn của nhiều nhà nghiên cứu sử học

Không chỉ là người thầy của những nhà nghiên cứu sử học Việt Nam, học trò của GS Phan Huy Lê còn đến từ nhiều nơi trên thế giới.
Giáo sư Phạm Hồng Tung - Viện trưởng Viện Việt Nam học và Khoa học Phát triển (ĐH Quốc gia Hà Nội) - cho biết một số học trò quốc tế của thầy Lê đã đưa tin thầy mất từ Nhật, sang Pháp đến Mỹ. Dù xa xôi, họ sẽ đến Việt Nam để tiễn thầy đoạn đường cuối cùng.
Vinh biet cay dai thu nganh su hoc Phan Huy Le hinh anh 2
GS Phan Huy Lê trong một lần trả lời phóng vấn báo chí. Ảnh: Quyên Quyên.
Trên trang cá nhân, GS Philippe Papin - trường Cao học Thực hành thuộc ĐH Sorbonne (Pháp) - một học trò của thầy Phan Huy Lê viết: "Với tôi, đây là tổn thất vô cùng to lớn, bởi các bạn đều biết tôi từng gắn bó với thầy biết nhường nào. GS Phan Huy Lê không những là người thầy mẫu mực, tấm gương để noi theo, mà còn là người bạn tôi yêu mến, trân trọng".
Nói về giáo sư Phan Huy Lê, GS Trần Văn Nhung, Tổng thư ký Hội đồng Chức danh Giáo sư Nhà nước cho rằng ông là một trong những nhà nghiên cứu lịch sử xuất sắc của Việt Nam, có uy tín cao trên trường quốc tế.
Ông là một trong "tứ trụ" Lâm, Lê, Tấn, Vượng của sử học Việt Nam.
Có một điều thú vị, dù học và nghiên cứu sử học, GS Phan Huy Lê rất thích toán học, vật lý và ông cũng là con rể của GS.TSKH Phạm Thế Long, nguyên là Chủ tịch Hội Toán học Việt Nam trong nhiều năm.
GS, Nhà giáo Nhân dân Phan Huy Lê (23/2/1934) là một trong những chuyên gia về lịch sử Việt Nam, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam: Khóa II (1990-1995), khóa III (1995-2000), khóa IV (2000-2005, khóa V (2005-2010) và khóa VI (2010-2015), Giải thưởng Hồ Chí Minh về Khoa học năm 2016.
Ông sinh ra tại xã Thạch Châu, huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh; là hậu duệ cùng họ với thượng thư, nhà ngoại giao Phan Huy Ích, nhà bác học Phan Huy Chú, thượng thư - nhà văn hóa Phan Huy Vịnh.
Cụ thân sinh là tiến sĩ Nho học Phan Huy Tùng, từng làm quan trong triều đình Huế.
Mẹ ông là người dòng họ Cao Xuân giàu truyền thống khoa bảng với các danh nhân như Cao Xuân Dục, Cao Xuân Tiếu, Cao Xuân Huy.

Giáo sư sử học Phan Huy Lê qua đời ở tuổi 84

Giáo sư Phan Huy Lê - một trong "tứ trụ" sử học Việt Nam - vừa qua đời vào đầu giờ chiều 23/6.
Minh Nhật
 
Phỏng vấn Giáo sư Sử học Phan Huy Lê về di sản văn hóa

GS Phan Huy Lê, cây đại thụ của nền sử học Việt Nam qua đời

Hơn 13h ngày 23/6, giáo sư, nhà giáo nhân dân Phan Huy Lê, qua đời tại Hà Nội, hưởng thọ 85 tuổi.  


PGS Trần Đức Cường, Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, cho biết giáo sư Phan Huy Lê ra đi lúc 13h06 tại Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội). Sau chuyến đi Trường Sa, thấy ông bị mệt, gia đình đưa vào bệnh viện khám. Bác sĩ kết luận ông bị bệnh tim, cùng với tuổi cao sức yếu nên đã qua đời.
Giáo sư Phan Huy Lê sinh năm 1934 tại làng Thu Hoạch, xã Thạch Châu (Lộc Hà, Hà Tĩnh). Hai dòng họ nội, ngoại của ông đều nổi tiếng khoa bảng với những danh nhân văn hóa lớn, như: Phan Huy Cẩn, Phan Huy Ích, Phan Huy Thực, Phan Huy Vịnh, Phan Huy Chú, Cao Xuân Dục, Cao Xuân Tiếu, Cao Xuân Huy... Cụ thân sinh của ông là Phan Huy Tùng, tiến sĩ Nho học, từng làm quan trong triều đình Huế, nổi tiếng thanh liêm.
Năm 1952, khi 18 tuổi, Phan Huy Lê rời gia đình ra học dự bị đại học ở Thanh Hóa. Sau đó ông dự định chọn học Toán - Lý, nhưng GS Trần Văn Giàu và GS Đào Duy Anh đã hướng ông vào học ban Sử - Địa, Đại học Sư phạm Hà Nội. Từ khi đi học, ông đã được các thầy giao làm trợ lý giảng dạy.
Những công trình nghiên cứu đầu tiên trong sự nghiệp khoa học của ông là Chế độ ruộng đất và kinh tế nông nghiệp thời Lê sơ (1959), Đặc điểm của phong trào nông dân Tây Sơn (1959), Lao động và làm thuê trong xã hội phong kiến Việt Nam (1959)…
Giáo sư Phan Huy Lê là Tổng chủ biên bộ Quốc sử Việt Nam. Ảnh: Viết Tuân
Giáo sư Phan Huy Lê là Tổng chủ biên bộ Quốc sử Việt Nam. Ảnh: Viết Tuân
Ông sau đó chuyển sang nghiên cứu về các cuộc kháng chiến chống ngoại xâm và trận đánh lớn trong lịch sử dân tộc với nhiều công trình như: Khởi nghĩa Lam Sơn (1965); Truyền thống dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam (1973), Một số trận quyết chiến chiến lược trong lịch sử dân tộc (1976), Chiến thắng Bạch Đằng năm 938 và 1288 (1988)...
Từ giữa những năm 1970, ông mở rộng sang nghiên cứu lĩnh vực văn hóa - truyền thống với các công trình tiêu biểu như: Truyền thống và cách mạng (1982), Vấn đề dân chủ trong truyền thống Việt Nam (1988), Các giá trị truyền thống và con người Việt Nam hiện nay (3 tập, 1994, 1996, 1997), Chủ nghĩa yêu nước Việt Nam, truyền thống và hiện đại (2002)…
Ngoài giảng dạy chính ở Khoa Lịch sử, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội), ông còn dạy ở nhiều trường trong và ngoài nước, như: Đại học Paris VII (Pháp), Đại học Amsterdam (Hà Lan)... Hàng nghìn học trò của ông đã trở thành chuyên gia nghiên cứu hàng đầu ở Việt Nam.
Từ năm 1988, ông đảm nhiệm cương vị Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam. Năm 2015, tại đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 7 của Hội, giáo sư Lê đề nghị thôi giữ chức Chủ tịch vì tuổi cao. Do tất cả đại biểu tham dự không tán thành, ông tiếp tục làm Chủ tịch thêm nhiệm kỳ nữa.
Cuối đời, ông dành toàn bộ tâm sức để hoàn thành bộ Quốc sử Việt Nam lớn nhất từ trước tới nay với tư cách Tổng chủ biên. Dự kiến, năm 2019 bộ Quốc sử hoàn thành.
GS Phan Huy Lê đã đưa ra nhiều quan điểm tiến bộ về sử học. Tháng 2/2017, tại trụ sở Ban Tuyên giáo Trung ương, GS Phan Huy Lê có bài thuyết trình khoa học Một số thành tựu mới trong nghiên cứu lịch sử Việt Nam gây chấn động vì những quan điểm tiến bộ được công khai.
Ông đề xuất phương pháp tiếp cận mới để khỏa lấp những khoảng trống trong lịch sử Việt Nam lâu nay là: “Tất cả nền văn hóa từng tồn tại trên lãnh thổ Việt Nam đều là di sản của văn hóa Việt Nam, đều là bộ phận tạo thành của văn hóa Việt Nam”.
Giáo sư cũng đề xuất phải viết thật khách quan về lịch sử của thực thể chính quyền Việt Nam Cộng hòa, lịch sử bảo vệ chủ quyền biển đảo, các sự kiện cải cách ruộng đất, nhân văn giai phẩm…
Là đại thụ của nền sử học Việt Nam, một trong tứ trụ của ngành sử học Việt Nam đương đại (cùng GS Hà Văn Tấn, GS Trần Quốc Vượng, GS Đinh Xuân Lâm), ông Phan Huy Lê được phong học giáo sư năm 1980; nhà giáo nhân dân năm 1994; giải thưởng Nhà nước (2000); giải thưởng Quốc tế Văn hoá châu Á Fukuoka, Nhật Bản (1996); huân chương Cành cọ Hàn lâm của Pháp (2002); danh hiệu Viện sĩ Thông tấn nước ngoài của Viện Hàn lâm Văn khắc và Mỹ văn thuộc Học viện Pháp quốc (2011).
Ông được Nhà nước trao tặng giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học (2016) vì những đóng góp xuất sắc cho nền sử học nước nhà.
Viết Tuân

"Tứ trụ" sử học Việt Nam - Giáo sư Phan Huy Lê qua đời ở tuổi 84

( PHUNUTODAY ) - Giáo sư sử học Phan Huy Lê, người được mệnh danh một trong "tứ trụ" sử học Việt Nam đã qua đời vào chiều ngày 23/6, sau 3 tuần nằm viện chữa trị bệnh tim.

Giáo sư - tiến sĩ Phạm Hồng Tung, viện trưởng Viện Việt Nam học và khoa học phát triển (Đại học Quốc gia Hà Nội), bùi ngùi chia sẻ tin buồn: "Thầy Phan Huy Lê đã qua đời vào vào 13h06 phút chiều nay (23/6) sau ba tuần nằm viện.
Khi thầy nhập viện, lãnh đạo Bộ Y tế cũng như lãnh đạo Bệnh viện Bạch Mai đã rất quan tâm, mời những giáo sư đầu ngành tập trung chẩn đoán, chữa trị cho thầy. Nhưng do tuổi cao sức yếu, thầy đã không qua khỏi".

"Tứ trụ" sử học Việt Nam - Giáo sư Phan Huy Lê

Giáo sư - tiến sĩ Phạm Hồng Tung cho biết mới đây thôi, dù tuổi cao nhưng giáo sư Phan Huy Lê vẫn tham gia đoàn ra Trường Sa. Ông là người cao tuổi nhất trong đoàn.
Khi về Hà Nội, sức khỏe ông vẫn bình thường. Nhưng mấy ngày sau gia đình thấy ông bị mệt, đưa ông vào Bệnh viện Bạch Mai. Tại đây các bác sĩ chẩn đoán ông bị bệnh tim và được chỉ định đặt stent để thông mạch.
"Khi đi Trường Sa về cụ vui lắm. Lúc nằm trong bệnh viện cụ vẫn nghĩ mình đang làm việc. Có lần cụ nói với con gái "bố quên tắt máy tính". Cụ vẫn muốn làm việc đến tận giây phút cuối cùng", giáo sư - tiến sĩ Phạm Hồng Tung chia sẻ.
GS.TSKH Vũ Minh Giang, Phó chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam cho biết, ông là người ra vào bệnh viện thăm giáo sư Phan Huy Lê mỗi ngày khi sức khỏe ông xấu đi. Tuy nhiên, ông Giang chia sẻ dù sức khỏe không tốt, sự ra đi của GS Phan Huy Lê lại khá đột ngột.
"Tôi không ngờ nhanh như thế. Ông qua đời là sự mất mát rất lớn đối với ngành sử học nước nhà", GS Giang nói.
GS Phan Huy Lê đưa tiễn GS Đinh Xuân Lâm tại tang lễ ngày 27/1/2017

GS Phan Huy Lê đưa tiễn GS Đinh Xuân Lâm tại tang lễ ngày 27/1/2017

Giáo sư Phan Huy Lê sinh năm 1934 tại xã Thạch Châu, huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh. Ông là một trong những chuyên gia lịch sử hàng đầu Việt Nam, ông từng giữ chức Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam: Khóa II (1990-1995), khóa III (1995-2000), khóa IV (2000-2005, khóa V (2005-2010) và khóa VI (2010-2015), Giải thưởng Hồ Chí Minh về Khoa học năm 2016.
Trong giới sử học Việt Nam, tương truyền có 4 nhà khoa học lớn là "Lâm, Lê, Tấn, Vượng" (GS Đinh Xuân Lâm, GS Phan Huy Lê, GS Hà Văn Tấn và GS Trần Quốc Vượng). Trong số này, hiện còn GS Hà Văn Tấn.
Ông là hậu duệ cùng họ với Thượng thư, nhà ngoại giao Phan Huy Ích, nhà bác học Phan Huy Chú, Thượng thư - nhà văn hóa Phan Huy Vịnh. Thân sinh là Phan Huy Tùng (1878- ?) (đỗ Hội nguyên và Tam giáp đồng tiến sĩ khoa Quý Sửu - năm 1913), Lang trung Bộ Hình triều Nguyễn, anh cả là cựu thủ tướng của chế độ Việt Nam Cộng hòa Phan Huy Quát. Mẹ ông là người dòng họ Cao Xuân giàu truyền thống khoa bảng với các danh nhân như Cao Xuân Dục, Cao Xuân Tiếu, Cao Xuân Huy.
Năm 1994, ông nhận danh hiệu Nhà giáo nhân dân và là người Việt Nam đầu tiên được Nhật Bản trao tặng Giải thưởng quốc tế văn hóa châu Á Fukuoka năm 1996.
Bên cạnh đó, ông cũng là tác giả của hàng trăm công trình nghiên cứu có giá trị về lịch sử, trong đó có những công trình nổi bật như “Chế độ ruộng đất và kinh tế nông nghiệp thời Lê Sơ”, “Lịch sử chế độ phong kiến Việt Nam”, “Khởi nghĩa Lam Sơn”, “Phong trào nông dân Tây Sơn”...
TS Nguyễn Mạnh Hà, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng chia sẻ, "Giáo sư Phan Huy Lê rất hy vọng nhìn thấy thành quả của bộ Quốc sử khi còn sống. Nhưng thầy đã không kịp. Dù đau buồn nhưng tôi tin những thế hệ học trò của thầy sẽ tiếp nối để đạt bằng được mong ước của thầy."
Có bốn điểm mới trong quan điểm của Giáo sư Phan Huy Lê cũng là yêu cầu thầy đặt ra cho bộ Quốc sử.
Thứ nhất là quan điểm toàn diện - đề cập đến tất cả các lĩnh vực.
Thứ hai là tính toàn thể, có nghĩa các thành phần cấu thành nên lịch sử Việt Nam đều phải đề cập. Ví dụ như trước đây Lịch sử Việt Nam thiên về miền Bắc, né tránh phần lịch sử ông cha ta tiến vào phía Nam bắt đầu từ thế kỉ 16, ít đề cập đến lịch sử biển đảo.
Thứ ba, lịch sử VN trước đây mới chỉ là lịch sử của người Kinh chưa phải của 54 dân tộc, nên trong bộ Quốc sử mới phải bổ sung.
Thứ tư, Lịch sử VN viết trước đây nghiêng về phía chúng ta nhiều quá. Ví dụ ít đề cập đế chính quyền Bảo Đại hay Việt Nam cộng hòa. Tất cả những "khoảng trống" này sẽ phải được lấp đầy.
 Ánh Dung (t/h)/Khoevadep

Giáo sư Phan Huy Lê - Một đời cống hiến cho Lịch sử Việt Nam

Đăng lúc: Thứ năm - 01/10/2015 13:33 - Người đăng bài viết: Cộng tác viên

Giáo sư Phan Huy Lê là một trong những chuyên gia hàng đầu về lịch sử Việt Nam và hiện nay ông đang là Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam. Ông là mẫu mực tập hợp và quy tụ lực lượng, giải quyết thấu đáo và hài hòa tất cả các mối quan hệ, tạo nên một động lực mới, một tầm thế mới của hội, mà dường như chưa bao giờ trong suốt chặng đường gần nửa thế kỷ xây dựng và trưởng thành của mình Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam có được vị thế như vậy. Phóng viên vusta.vn đã có cuộc trao đổi với Giáo sư Phan Huy Lê – Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam về những kết quả mà giáo sư cùng với Hội đạt được trong những năm qua.

GS Phan Huy Lê (ảnh internet)
GS Phan Huy Lê (ảnh internet)
Khi chúng tôi hỏi: “Giáo sư có thể cho biết một số kết quả mà Hội đã đạt được trong những năm qua, kể từ giai đoạn 2010-2015”? Giáo sư Phan Huy Lê trả lời: Từ Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam lần thứ II năm 1988 đến nay, qua 4 kỳ Đại hội, tôi được bầu làm Chủ tịch Ban chấp hành Trung ương Hội.
Và trong nhiệm kỳ VI (2010-2015), tôi đã cùng với Ban chấp hành tiếp tục phát triển tổ chức Hội trên phạm vi cả nước. Đến nay, Hội đã có 32 Hội cấp tỉnh, thành phố, 3 hội chuyên ngành và 21 chi hội của các cơ quan đào tạo và nghiên cứu sử học trung ương. Đến nay Hội thực sự trở thành tổ chức xã hội của giới sử học Việt Nam và có mặt trên nhiều lĩnh vực chuyên môn, các địa bàn quan trọng của cả nước.
Trên cơ sở tập hợp lực lượng, Hội đẩy mạnh hoạt động trên tất cả các mặt, đặc biệt là phát triển nền sử học Việt Nam, phổ biến kiến thức lịch sử và giáo dục truyền thống, thực hiện phản biển xã hội về các vấn đề liên quan đến lịch sử, trong đó có bảo tồn di sản văn hóa dân tộc, tổ chức nghiên cứu một số đề tài phục vụ nhiệm vụ chính trị, nhất là nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền và lãnh thổ quốc gia.
Ngoài ra, Hội còn tổ chức nhiều hội thảo góp ý kiến về đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục Việt Nam, tập trung vào việc khắc phục tình trạng giáo dục lịch sử yếu kém của giáo dục phổ thông.
Trên cơ sở đề nghị của Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, Chính phủ đã giao cho tôi chủ nhiệm 2 đề án Khoa học xã hội cấp quốc gia, đó là Đề án nghiên cứu “Quá trình hình thành và phát triển vùng đất Nam bộ” nghiệm thu năm 2011, đề án được đánh giá xuất sắc với số điểm 98/100 và được Bộ Khoa học và Công nghệ bình chọn là một trong 10 sự kiện khoa học công nghệ năm 2011. Tiếp đến là đề án “Nghiên cứu và biên soạn bộ Lịch sử Việt Nam” với yêu cầu bộ quốc sử gồm 25 tập lịch sử Việt Nam và 5 tập biên niên sự kiện, hoàn thành trong thời gian 2014-2018.
Được biết, Giáo sư Phan Huy Lê còn liên tục giữ cương vị lãnh đạo chủ chốt, ủy viên của nhiều Hội đồng quốc gia như Hội đồng quốc gia chỉ đạo biên soạn Từ điển Bách Khoa, Hội đồng Chính sách khoa học và công nghệ quốc gia, Hội đồng Lý luận Trung ương, Hội đồng Khoa học và Đào tạo Đại học Quốc gia Hà Nội, Hội đồng Học hàm Nhà nước, Hội đồng Giải thưởng Hồ Chí Minh và giải thưởng Nhà nước, Hội đồng Di sản Văn hóa quốc gia.
Ông được phong học hàm Giáo sư Sử học (1980), Nhà giáo ưu tú (1988), Nhà giáo Nhân dân (1994); được tặng Huân chương Kháng chiến hạng Nhì (1985), Huân chương Lao động các hạng Nhất (1998), Nhì (1994), Ba (1974, 2012); được tặng Giải thưởng Nhà nước (2000), Giải thưởng Quốc tế Văn hoá Á châu Fukuoka, Nhật Bản (1996), Huân chương Cành cọ Hàn lâm của chính phủ Pháp (2002), Công dân Ưu tú của Thủ đô (năm 2010), Huân chương Lao động hạng Ba (năm 2012), Bằng khen Thủ tướng Chính phủ (năm 2012), Giải thưởng Danh dự khối Pháp ngữ (năm 2014).
Và cao hơn tất cả, tên tuổi, tài năng và nhân cách của ông đã trở thành thần tượng, thành huyền thoại, thành niềm kiêu hãnh và tấm gương ngời sáng cho các thế hệ học trò và đồng nghiệp trong nước và quốc tế.
Giáo sư Phan Huy Lê sinh ngày 23/2/1934, tại làng Thu Hoạch nay là xã Thạch Châu, huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh, một vùng quê văn hiến của xứ Nghệ. Ông là hậu duệ của Thượng thư, nhà ngoại giao Phan Huy Ích, nhà bác học Phan Huy Chú, Thượng thư - nhà văn hóa Phan Huy Vịnh. Thân sinh Phan Huy Tùng (1878- ?) (đỗ Hội nguyên và Tam giáp đồng tiến sĩ khoa Quý Sửu - năm 1913), Lang trung Bộ Hình triều Nguyễn. Mẹ ông là người dòng họ Cao Xuân giàu truyền thống khoa bảng với các danh nhân: Cao Xuân Dục, Cao Xuân Tiếu, Cao Xuân Huy.
Năm 1956, sau khi tốt nghiệp, ông được giữ lại làm trợ lý tập sự tại Khoa Lịch sử, Trường Đại  học Tổng hợp Hà Nội, dưới sự dẫn dắt của vị Giáo sư nổi tiếng Đào Duy Anh. Chỉ hai năm sau, thầy giáo trẻ Phan Huy Lê đã được giao nhiệm vụ làm Chủ nhiệm bộ môn Lịch sử Việt Nam Cổ - Trung đại và liên tục giữ trọng trách này hàng chục năm liền. Có thể nói cuộc đời của GS Phan Huy Lê gắn liền với Hà Nội, không chỉ vì đây là nơi ông đã sống mà còn vì ông đã gửi gắm tình yêu và cống hiến cả cuộc đời cho sự nghiệp nghiên cứu và bảo vệ di sản lịch sử - văn hóa Thăng Long – Hà Nội.
Từ năm 1988 cho đến nay, Giáo sư Phan Huy Lê liên tục là Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam. Ông có mặt và chỉ đạo hầu hết các chương trình khoa học và đào tạo của Trung ương hội cũng như các hội địa phương, chuyên ngành, chăm lo cho mỗi bước trưởng thành của từng thành viên.
Ông là mẫu mực tập hợp và quy tụ lực lượng, giải quyết thấu đáo và hài hòa tất cả các mối quan hệ, tạo nên một động lực mới, một tầm thế mới của hội, mà dường như chưa bao giờ trong suốt chặng đường gần nửa thế kỷ xây dựng và trưởng thành của mình Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam có được vị thế như vậy.
 

Tác giả bài viết: PV

Giáo sư Phan Huy Lê: "Sử học không vận dụng khoa học và công nghệ là tự giam mình"

“Khoa học và công nghệ phản ánh trí tuệ cao nhất của nhân loại, tạo nên tầm nhìn mới để vận dụng vào nghiên cứu trong bất cứ ngành nào. Ở góc độ nghiên cứu sử học, lịch sử văn hóa, nếu không biết vận dụng khoa học và công nghệ là tự giam mình trong lạc hậu”.
>> Chào xuân Đinh Dậu 2017: Khát vọng cất cánh

Giáo sư Phan Huy Lê - chuyên gia hàng đầu về lịch sử Việt Nam và người được xét tặng giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học và công nghệ 2016 - chia sẻ.

Thưa Giáo sư, theo ông sự phát triển của khoa học và công nghệ (KH&CN) hiện nay có tác động như thế nào đến nghiên cứu lịch sử và văn hóa?

Có thể nói KH&CN có mối quan hệ mật thiết với sử học cũng như nghiên cứu khoa học xã hội. Sự ảnh hưởng này rất lớn trên cả hai phương diện. Thứ nhất, bản thân sự phát triển KH&CN là một bộ phận của lịch sử nhân loại, cho nên nó là đối tượng nghiên cứu của lịch sử nói chung và là bộ phận nghiên cứu của lịch sử văn hóa nói riêng.

Thứ hai, kết quả nghiên cứu KH&CN phản ánh trí tuệ cao nhất của cộng đồng nhân loại, nó tạo nên tầm nhìn mới, từ đó tạo nên lý thuyết mới, xu thế mới, công cụ mới để vận dụng vào nghiên cứu của bất cứ ngành nào.

Giáo sư sử học Phan Huy Lê. Ảnh: Bích Ngọc
Tôi muốn chứng minh điều này ở góc độ nghiên cứu sử học, lịch sử văn hóa, nếu không biết vận dụng KH&CN là tự trói mình trong cái lồng, giam hãm trong sự kém hiểu biết và lạc hậu. Có thể ví dụ trong nghiên cứu lịch sử tức là nghiên cứu theo không gian và thời gian, trong đó có không gian trong từng thời điểm lịch sử. Nếu chỉ có sử học, thông qua những lời miêu tả ngắn gọn không thể nào khôi phục lại được toàn bộ. Do vậy phải dựa trên những thành tựu tổng hợp của nhiều ngành khoa học tự nhiên, KH&CN để tái hiện lại không gian.

Ví dụ ta muốn nói về thời kỳ Đông Sơn, nhưng cuộc sống của người Đông Sơn như thế nào? Nếu chỉ thể hiện bằng tư liệu chữ viết là không đủ mà phải có điều kiện đất đai, môi trường sinh thái... Tất cả những dữ kiện này chỉ có được trên cơ sở nghiên cứu của một loạt ngành địa chất, địa lý, cổ địa lý... Như vậy, muốn khôi phục không gian lịch sử phải dựa vào thành tựu của KH&CN. Do đó, thời gian qua ngành lịch sử và cá nhân tôi luôn phối hợp chặt chẽ với các ngành địa chất, địa lý, môi trường sinh thái, khí hậu... để hỗ trợ cho công tác nghiên cứu của mình.

Thực tế KH&CN ngày càng phát triển, vậy các nhà nghiên cứu sử học đang có những lợi thế gì so với thế hệ nghiên cứu trước đây, thưa Giáo sư?

Tôi chưa nói đến các thế hệ, mà chỉ nói trong cuộc đời nghiên cứu của tôi đã đủ thấy KH&CN hỗ trợ rất nhiều. Những năm tháng chiến tranh dĩ nhiên không có điều kiện để vận dụng, nhưng sau khi hòa bình lập lại, nhất là khi hợp tác quốc tế, Việt Nam đã tiếp thu được rất nhiều kiến thức mới giúp cho việc nghiên cứu nhanh, hiệu quả hơn và xác suất cao hơn rất nhiều.

Giáo sư sử học Phan Huy Lê. Ảnh: Phượng Hằng
Tôi lấy ví dụ nhỏ về việc sử dụng một nguồn tư liệu mà người ta gọi là tư liệu đám đông - tức là không phải dựa vào một vài tư liệu mà dựa vào nhiều chương trình, tư liệu, thông tin như địa bạ chẳng hạn. Đây là cuốn tư liệu ghi lại hàng nghìn số liệu như danh sách ruộng đất của các làng xã, chủ sở hữu... Hiện Việt Nam có hàng vạn cuốn địa bạ, mỗi tỉnh cũng có hàng trăm cuốn. Nếu nhà khoa học không biết áp dụng KH&CN thì có lẽ làm cả đời không hết.

Tôi có một ông bạn là giáo sư rất mê địa bạ. Thời đó các nghiên cứu, tính toán chỉ trên giấy hoặc cùng lắm thì cũng bằng một chiếc bàn tính nhỏ. Vì vậy, chỉ nghiên cứu 5 địa bạ thời Tây Sơn mà ông ấy mất cả năm trời. Nhưng vừa qua tôi nghiên cứu địa bạ của cả tỉnh Thái Bình, Nam Định, Hà Nội nhưng chỉ mất vài tháng. Tôi đã làm bằng cách lập phiếu thu thập số liệu, sau đó nhờ một chuyên gia lập trình một phần mềm đặc biệt. Sau khi nhập dữ liệu vào, phần mềm chạy một vài phút là tôi có được một loạt số liệu định lượng rất rõ ràng với từng mô hình, biểu đồ cụ thể.

Như vậy có thể dễ thấy nếu không áp dụng KH&CN, làm 5 địa bạ mất hàng năm trời, nay nghiên cứu hàng trăm địa bạ nhưng chỉ mất vài tháng.

Từ thực tế này, theo ông ngành nghiên cứu lịch sử và văn hóa nói riêng và khoa học xã hội nói chung ở Việt Nam trong thời gian tới cần đi theo hướng nào để phù hợp với thời đại KH&CN?

Đây là câu hỏi hay và cũng là vấn đề khá lớn. Theo tôi, để xác định được định hướng phải gắn liền với chính sách KH&CN của Đảng, xuất phát từ cơ sở nhận thức về KH&CN, cần đi sâu vào từng ngành hẹp và liên kết rất chặt giữa các ngành. Đây là đặc điểm của KH&CN hiện đại, cho nên bất cứ một ngành nào đó muốn tồn tại và phát triển thì không bao giờ được tách rời khỏi tổng thể và phải coi mình là bộ phận để gắn chặt với sự phát triển của KH&CN. Phải nắm bắt được sự phát triển chung của mọi ngành để tận dụng, phục vụ cho mục đích nghiên cứu của ngành mình.

Một số công trình nghiên cứu của Giáo sư Phan Huy Lê và sách viết về ông.
Ảnh: Bích Hà/TTXVN

Tuy nhiên, ngành khoa học xã hội có tính đặc thù riêng, vì vậy cần phải hiểu rõ tính đặc thù này trong cả công tác quản lý và chỉ đạo sự phát triển một cách thật thích đáng. Trên thực tế, tôi cho rằng chúng ta vẫn chưa thấy hết được tính đặc thù của khoa học xã hội, nhân văn. Điều này thể hiện rõ ràng nhất qua các mẫu đăng ký, kiểm tra đề tài chủ yếu dựa vào tiêu chí của khoa học tự nhiên mà có nhiều điểm quy định không có trong khoa học xã hội. Điều đó cho thấy chúng ta chưa thấy hết cái chung và cái riêng của khoa học xã hội.

Thứ hai là, hiện nay chúng ta đã hội nhập, do vậy tính quốc tế và tính nhân loại cao và đương nhiên khi đó mục tiêu nghiên cứu sẽ mở rộng hơn. Tuy nhiên, trong giai đoạn hiện nay chúng ta cũng không thể phủ nhận cộng đồng quốc gia dân tộc. Cho nên mỗi nhà khoa học ngoài việc hướng tới đích nghiên cứu của mình, luôn luôn phải nhớ nhiệm vụ quốc gia dân tộc đó. Một mặt hướng tới cái chung của nhân loại, nhưng cá nhân không đứng ngoài nhiệm vụ quốc gia dân tộc.

Thứ ba là trong nghiên cứu, một mặt chúng ta hướng tới mục tiêu rộng lớn nhưng cũng phải rất hiện thực, bám sát thực tiễn, đáp ứng nhu cầu cuộc sống. Nếu chúng ta xây dựng đường lối khoa học trên nền tảng 3 điểm này tôi nghĩ rằng sẽ rất hiện thực, vừa phù hợp với xu thế phát triển hiện đại, vừa thúc đẩy được khoa học, vừa phục vụ trực tiếp cho đất nước và cũng đóng góp cho giá trị chung của nhân loại.

Trong bối cảnh đó, Giáo sư đánh giá thế nào về việc đào tạo tầng lớp kế cận nghiên cứu văn hóa và và lịch sử tại Việt Nam?

Nhìn vào đội ngũ các nhà nghiên cứu văn hóa xã hội, tôi muốn nhấn mạnh về số lượng tăng rất nhanh, trình độ cũng nâng cao. Tôi rất mừng là chúng ta có đội ngũ đào tạo cả trong nước và ra nước ngoài đang ngày càng tăng lên. Nhiều luận án tiến sỹ được thực hiện tôi đánh giá rất cao và thấy rằng nhiều nhà khoa học trong nước có trình độ không thua kém quốc tế, đó là điều đáng mừng. Tuy nhiên, cũng phải thừa nhận đội ngũ kế cận số lượng nhiều nhưng chưa tinh.

Tất nhiên nhìn về tổng thể không vấn đề gì, nhưng một phần nào đó tính không liên tục là có. Tôi thấy lo và băn khoăn nhất là trình độ nói chung chưa được cao, ảnh hưởng rất lớn tới các công trình nghiên cứu. Hiện các công trình nghiên cứu sử học rất nhiều, nhưng lại rất ít những công trình nghiên cứu tầm cỡ đi sâu vào chất lượng. Đây là điều tôi suy nghĩ.

Xin trân trọng cảm ơn Giáo sư!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét