Thứ Năm, 14 tháng 6, 2018

Phút giây cảnh giác 27

(ĐC sưu tầm trên NET)
 
PHÚT GIÂY CẢNH GIÁC ★ Trúng thưởng - Chiếc chìa khóa - Gửi xe giùm

Khởi tố, bắt giam cán bộ ngân hàng lừa đảo chiếm đoạt 110 tỷ đồng

Dân trí Bằng thủ đoạn vay tiền đáo hạn ngân hàng, trả lãi suất ngày, một cán bộ ngân hàng ở Lâm Đồng đã lừa vay, chiếm đoạt hơn trăm tỷ đồng của nhiều bị hại và không có khả năng chi trả. Sau đó, các bị hại làm đơn tố cáo gửi cơ quan công an.

Ngày 21/5, nguồn tin từ Văn phòng Cơ quan Cảnh sát điều tra (PC44) Công an tỉnh Lâm Đồng cho biết, đơn vị đã khởi tố, bắt giam đối tượng Hoàng Nam Đến (SN 1978, trú tại thị trấn Liên Nghĩa, huyện Đức Trọng, Lâm Đồng) về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Cơ quan chức năng khám xẻt nhà đối tượng Đến (ảnh: Tiến Lê)
Cơ quan chức năng khám xẻt nhà đối tượng Đến (ảnh: Tiến Lê)
Được biết, đối tượng Hoàng Nam Đến nguyên là cán bộ Ngân hàng NN-PTNN (Agribank) - Chi nhánh tại huyện Đức Trọng (Lâm Đồng) từ năm 2008, đến năm 2017, đối tượng Đến xin nghỉ việc tại đây. Theo điều tra, từ năm 2016 đến tháng 9/2017, bằng thủ đoạn vay tiền đáo hạn ngân hàng, trả lãi suất ngày, Đến đã lừa vay, chiếm đoạt nhiều tỷ đồng của nhiều bị hại và không có khả năng chi trả. Sau đó, các bị hại làm đơn tố cáo gửi Cơ quan điều tra Công an huyện Đức Trọng.
Quá trình điều tra, xác định, hành vi lừa đảo của đối tượng Đến liên quan đến số tiền rất lớn, thuộc thẩm quyền của cơ quan điều tra cấp tỉnh, Công an huyện Đức trọng chuyển hồ sơ lên cấp trên tiếp tục thụ lý điều tra theo thẩm quyền.
Tiếp nhận vụ án, từ tháng 4/2018 đến nay, Phòng PC44 Công an tỉnh Lâm Đồng đã điều tra và mở rộng vụ án, làm việc với các bị hại, làm rõ thủ đoạn lừa đảo của đối tượng Đến.
Qua xác định, đến thời điểm hiện tại, đối tượng đã lừa đảo của 22 bị hại với số tiền 110 tỷ đồng. Sau đó, cơ quan công an đã ra lệnh bắt tạm giam 4 tháng với đối tượng, tiếp tục củng cố hồ sơ, chứng cứ để xử lý theo quy định pháp luật.
Theo thượng tá Phạm Xuân Thủy – Trưởng phòng PC44, Phó thủ trưởng Thường trực cơ quan CSĐT Công an Lâm Đồng, tình trạng cán bộ ngân hàng dùng thủ đoạn đáo hạn ngân hàng, vay tiền của các khách hàng, người dân, trả lãi ngày, lãi suất cao tiềm ẩn nhiều rủi ro, nhiều trường hợp nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản của người khác. Qua đây, rất mong bà con cần nêu cao tinh thần cảnh giác, tránh bị kẻ xấu lợi dụng trục lợi.
Minh Anh

Bóc mẽ chiêu lừa đảo trúng thưởng “khủng” trên Facebook

Dân trí Trúng thưởng xe SH, phiếu quà tặng tiền mặt trị giá hàng trăm triệu đồng, thẻ sử dụng xăng 1 năm miễn phí… là những lời “rót mật” của đường dây lừa đảo qua tin nhắn messenger trên Faceobok. Dù chiêu thức không mới nhưng nhiều người vẫn sập bẫy, mất hàng chục triệu đồng.

Bỗng dưng trúng thưởng!
Tin nhắn trúng thưởng mà anh K. nhận được.
Tin nhắn trúng thưởng mà anh K. nhận được.
Đầu tháng 3/2018, anh K. (ngụ quận 12) bất ngờ nhận được tin nhắn đến từ messenger trên Faceobok thông báo: “Xin chúc mừng tài khoản Facebook T.K. đã may mắn nhận được giải Nhất từ sự kiện Tuần Lễ Vàng tri ân khách hàng quý 1 năm 2018…mã số trúng thưởng là 402E79. Phần quà giải nhất của bạn gồm: 1 xe máy Honda SH125i Việt Nam, 1 phiếu quà tặng tiền mặt trị giá 100 triệu đồng và thẻ sử dụng xăng miễn phí 1 năm”.
Cũng trong tin nhắn ấy cho biết, giải thưởng này do CTCP X máy Honda Việt Nam và Tập đoàn mạng xã hội Facebook tài trợ. Sau đó anh K. được hướng dẫn truy cập vào trang địa chỉ Website tin nhắn đưa ra để đăng ký làm thủ tục hồ sơ nhận thưởng.
Đáng chú ý, tin nhắn trúng thưởng mà anh K. nhận được còn căn dặn: “Đây là tin nhắn chính xác được xác nhận từ hệ thống giải thưởng Facebook © 2018. Xin vui lòng không cung cấp mã số dự thưởng cho bất kì ai và sẽ không có ai từ Facebook yêu cầu bạn cung cấp mã này. Bạn cần hoàn tất hồ sơ tạm thời trên Website…hoặc liên hệ cho nhân viên tư vấn hướng dẫn. Tin nhắn này thay cho giấy thông báo trực tiếp từ tập đoàn”.
Do được cảnh báo nhiều lần từ bạn bè nên anh K. không trả lời và xác định đây chỉ là chiêu lừa đảo trên mạng.
Sau khi nhận được thông tin anh K. cung cấp, PV Dân trí đã vào cuộc tìm hiểu và làm theo các hướng dẫn từ tin nhắn trúng thưởng và nhiều lần liên hệ số chăm sóc khách hàng nhưng không ai nghe máy. Tiếp tục liên hệ với 2 người trúng thưởng giải nhì và giải ba mà hệ thống "Ban tổ chức" đưa ra là anh Hà Quang D. (SN 1980, quê Đắc Lắk, người trúng giải nhì). Vừa được hỏi về việc trúng thưởng, anh D. nói ngay: “Tôi đã nhận giải thưởng rồi, thủ tục nhanh gọn lắm. Đầu tiên nạp 3 triệu card điện thoại vào mạng trực tuyến cho Ban tổ chức làm hồ sơ. Xong mấy ngày sau Ban tổ chức sẽ chuyển lại 30 triệu đồng và phần thưởng đã trúng”.
Cũng với chiêu thức đánh vào lòng tham nên nhiều người đã sập bẫy đối tượng lừa đảo. Điển hình là trường hợp của Lê Hồng Q. (huyện Bình Chánh). Sau khi nhận được tin nhắn trúng thưởng với nội dung như trên, chị Q. liên hệ đến để nhận giải thì được “Ban tổ chức” yêu cầu nộp 3 triệu tiền card điện thoại để hoàn tất hồ sơ.
Chờ mãi không thấy “Ban tổ chức” liên lạc trao giải, chị Q. gọi cho “nhân viên chăm sóc khách hàng” thì được yêu cầu đóng thêm 10% thuế VAT là 13,5 triệu đồng thì mới hoàn tất thủ tục nhận giải. “Mấy người đó nói đã nhận xe SH và tiền về Công ty rồi, chỉ hoàn tất đóng thuế và mời tôi đến trao giải, chụp hình ảnh lưu niệm. Tôi tưởng thật tiếp tục chuyển tiền, sau đó thì không liên lạc được với ai. Lúc này mới biết mình bị lừa”, chị Q. kể.
Nhận diện thủ đoạn lừa đảo
Người tiêu dùng nên cảnh giác với những thông báo trúng thưởng giá trị cao khi trước đó không tham gia bất kỳ chương trình quay số trúng thưởng nào.
Về hình thức, thủ đoạn lừa đảo không mới và phương thức lừa đảo không quá cao siêu. Các đối tượng chủ yếu đánh vào sự nhẹ dạ cả tin của người dùng với những món hời lớn. Khi truy cập và hoàn tất các thủ tục, những tên lừa đảo sẽ yêu cầu người dùng nộp lệ phí bằng nhiều hình thức như chuyển khoản, nạp thẻ cào... Tùy vào giải thưởng và mức độ lừa đảo mà các tin tặc đưa ra “lệ phí” cao hay thấp.
Chưa kể, có nhiều website còn được lập ra để người dùng hoàn tất hồ sơ với việc đăng nhập tài khoản Facebook trên website lừa đảo. Từ đó, chúng sẽ chiếm quyền điều khiển tài khoản và phát tán tin nhắn rác, tin nhắn lừa đảo mượn tiền, mua card hộ đến những tài khoản bạn bè trong danh sách của bạn.
Ông Ngô Trần Vũ, Giám đốc điều hành NTS, nhà phân phối Kaspersky tại Việt Nam cho biết, cơ chế lừa đảo này không mới, đánh vào lòng tin của con người. Để hạn chế việc này, cần thiết phải bảo vệ tài khoản an toàn, tránh click vào các nội dung không rõ nguồn gốc và trang web xa lạ trên mạng xã hội. Tuyệt đối không click vào các đường link mà đối tượng lừa đảo nhắn thông báo trúng thưởng đến người dùng.
Hình thức lừa đảo trên đã xuất hiện từ khá lâu và gần đây nhất, Cục Quản lý Cạnh tranh, Bộ Công thương cũng đã lên tiếng cảnh báo với người dùng. Cụ thể, Cục này cho biết đã nhận được nhiều phản ánh của người tiêu dùng về việc nhận được thông báo trúng thưởng giá trị lớn như xe máy SH, điện thoại iPhone hay số tiền trị giá 100 triệu đồng… qua Facebook và điện thoại.
Đáng chú ý, nội dung thông báo của các bản tin lừa đảo dạng này khẳng định chương trình quay số trúng thưởng đã được công nhận bởi các cơ quan nhà nước như Bộ Công Thương, Bộ Tài chính… Người tiêu dùng phải gửi một khoản tiền trị giá khoảng 3 triệu đồng tiền thuế hoặc thẻ cào điện thoại mệnh giá cao để nhận được phần thưởng.
“Người tiêu dùng nên cảnh giác với những thông báo trúng thưởng giá trị cao khi trước đó không tham gia bất kỳ chương trình quay số trúng thưởng nào. Trường hợp tiếp nhận các thông báo trúng thưởng như trên, người tiêu dùng cần tham khảo thông tin kỹ, từ nhiều nguồn không tiến hành giao nộp tiền cho đối tượng thông qua các hình thức nạp thẻ cào, chuyển tiền qua tài khoản ngân hàng…”, Cục Quản lý Cạnh tranh, Bộ Công thương khuyến cáo.
Trung Kiên – Xuân Hinh

Giám đốc phòng giao dịch “ôm” 17 tỉ đồng của ngân hàng bỏ trốn

Dân trí Sau khi nhận tiền từ ngân hàng, Quang đã yêu cầu tài xế chở đến một ngân hàng khác, vờ đổi ngoại tệ rồi ôm 17 tỉ đồng bỏ trốn.

Ngày 13/6, TAND cấp cao tại TPHCM chấp nhận một phần kháng nghị của Viện KSND cùng cấp, tăng hình phạt từ cảnh cáo lên 2 năm tù treo đối với Đặng Thị Thu Hương (sinh năm 1973, nguyên Phó Giám đốc Phòng giao dịch Hòa Hưng thuộc Agribank chi nhánh Mạc Thị Bưởi) về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.
Tòa cũng giữ nguyên mức án 22 năm tù đối với Phú Minh Hòa (sinh năm 1984, cựu cán bộ tín dụng) về các tội tham ô tài sản, cố ý làm trái quy định của nhà nước trong quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.
Bị cáo Phú Minh Hòa lãnh 22 năm tù.
Bị cáo Phú Minh Hòa lãnh 22 năm tù.
Theo nội dung vụ án, cuối năm 2013, ông Dương Thanh Nghị (Việt kiều Pháp) có nhiều khoản tiền gửi Phòng giao dịch Hòa Hưng. Là khách hàng lớn nên mọi giao dịch ông đều làm việc với Nguyễn Lê Kiều Quang (sinh năm 1979, nguyên giám đốc phòng giao dịch Hòa Hưng), có sự chứng kiến của các nhân viên.
Đến cuối năm 2014, ông Nghị đến tất toán các khoản bằng tiền Việt, đổi thành Euro và dồn thành một sổ tiết kiệm trị giá 400.000 Euro. Do có hai khoản chưa đến hạn nên ông được Quang hướng dẫn ký tên trên một số tờ giấy trắng để anh ta làm giúp các thủ tục tất toán trước (nhưng vẫn được hưởng lãi suất theo kỳ hạn).
Đến tháng 2/2015, ông Nghị cầm sổ tiết kiệm lên ngân hàng tất toán để mang tiền qua Pháp làm ăn thì được biết sổ này đã bị giám đốc Quang làm hồ sơ khống thế chấp để vay hơn 10 tỉ đồng, sau đó chuyển sang tài khoản đứng tên ông tại một công ty chứng khoán.
Cơ quan điều tra xác định, tài khoản tại công ty chứng khoán này do Quang mở bằng hồ sơ khống. Ông Nghị thừa nhận trong một số hồ sơ khống cơ quan điều tra thu giữ có chữ ký của ông nhưng chữ viết thì không phải. Ông sau đó yêu cầu tòa buộc Agribank trả lại số tiền Quang đã làm giả hồ sơ để chiếm đoạt.
Kết quả điều tra còn xác định, chiều 29/1/2015, Quang gọi điện báo cho Phó giám đốc Hương xin tiếp quỹ 34 tỉ đồng và 400.000 Euro để giao dịch với ông Nghị. Ông Quang kêu Hương báo với thủ quỹ chi nhánh Mạc Thị Bưởi chuẩn bị tiền để sáng hôm sau đến lấy. Thấy số tiền quá lớn, Hương không đồng ý nên Quang chỉ đạo lấy trước 17 tỉ đồng.
Hương đã phân công Hòa là Tổ trưởng phụ trách nhận và áp tải tiền cùng với bảo vệ và tài xế. Sáng hôm sau, Hòa đến Agribank chi nhánh Mạc Thị Bưởi lấy 17 tỉ đồng áp tải tiền về, còn Quang đi theo để đổi tiền sang ngoại tệ nhằm giao dịch với ông Nghị (khách hàng do Quang phụ trách).
Sau khi nhận tiền tại Agribank Mạc Thị Bưởi, Hòa không bỏ vào túi của ngân hàng mà dùng 2 túi riêng do Quang chuẩn bị trước. Nam nhân viên cũng không đi cùng xe chuyên dụng chở tiền mà tự chạy xe máy về Phòng giao dịch Hòa Hưng, theo chỉ đạo của Quang.
Quang sau đó đã yêu cầu tài xế chở đến một ngân hàng khác, vờ đổi ngoại tệ rồi ôm 17 tỉ đồng bỏ trốn.
Ngoài ra, Quang cùng Hòa còn làm giả hơn chục hồ sơ tín dụng chiếm đoạt 22,45 tỉ đồng của Agribank. Trong đó, Quang đã chỉ đạo Hòa làm khống hồ sơ tín dụng thế chấp sổ tiết kiệm 400.000 Euro của ông Nghị để vay tiền ngân hàng. Còn phó giám đốc Hương thì ký vào 4 hồ sơ khống không thuộc thẩm quyền của mình để Quang giải ngân 3,7 tỉ đồng vào tài khoản của vợ mình rồi chiếm đoạt.
Sau khi chiếm đoạt số tiền trên Quang bỏ trốn ra nước ngoài, cơ quan điều tra đã ra lệnh truy nã, lúc nào bắt được sẽ xử lý sau.
Có quyền và nghĩa vụ liên quan trong vụ án, ông Dương Thanh Nghị (Việt kiều Pháp) kháng cáo yêu cầu Agribank phải trả 400.000 Euro gửi tiết kiệm, sau đó bị Quang chiếm đoạt. HĐXX không chấp nhận kháng cáo, giữ nguyên phán quyết sơ thẩm - tách yêu cầu của ông Nghị để khởi kiện bằng vụ án dân sự.
Tuy nhiên, tòa cho rằng cấp sơ thẩm nhận định "do Quang đang bỏ trốn nên các chứng cứ liên quan đến hợp đồng tín dụng với ông Nghị chưa được làm rõ" là chưa chính xác.
"Bởi ông Nghị gửi tiền vào ngân hàng là giao dịch với pháp nhân chứ không phải cá nhân Quang. Do đó, phía ngân hàng phải có trách nhiệm với tiền khách hàng bị chiếm đoạt", bản án phúc thẩm nêu.
Xuân Duy

Huy động vốn qua mạng: Thủ đoạn lừa đảo mới

Dân trí Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an tỉnh Thanh Hóa đang tiến hành thụ lý điều tra theo ủy thác của Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Đồng Nai về vụ án sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet hoặc thiết bị số thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản.

Theo đó, vụ án Nguyễn Thị Minh Phương cùng đồng phạm “Sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet hoặc thiết bị số thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản” theo Quyết định khởi tố vụ án hình sự số 78/QĐ-PC46 của Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an tỉnh Đồng Nai, ngày 14/10/2016.
Thủ đoạn chiếm đoạt tài sản của các đối tượng này là thông qua các hội thảo để quảng cáo, Phương đã đưa thông tin giả tạo là Công ty CP Phương Thái An cần vốn để kinh doanh bất động sản, vàng, gara ô tô trong khu đô thị Phương Thái An, từ đó kêu gọi các nhà đầu tư vào các dự án của Công ty thông qua hệ thống website www.hero8.org để được hưởng lãi suất cao.
CSĐT, Công an Thanh Hóa thông báo để người dân biết, cảnh giác phòng ngừa, đấu tranh và tố giác các hành vi liên quan đến phương thức thủ đoạn chiếm đoạt tài sản của các đối tượng
CSĐT, Công an Thanh Hóa thông báo để người dân biết, cảnh giác phòng ngừa, đấu tranh và tố giác các hành vi liên quan đến phương thức thủ đoạn chiếm đoạt tài sản của các đối tượng
Hình thức huy động vốn của các đối tượng đưa ra là chính sách đầu tư theo mã ID, các cá nhân tổ chức muốn tham gia đầu tư phải mua một mã số ID với số tiền tương ứng là 10.160.000 đồng, trong đó, 2.160.000 đồng là phí mã ID (tiền PIN), 8.000.000 đồng là để hợp tác chia lợi nhuận.
Mỗi ID nhà đầu tư được hứa hẹn được trả góp dần, sau 5 ngày mỗi mã ID nhà đầu tư nhận 2.200.000đ/lần, tổng số lần được nhận cho mỗi mã ID là 18 lần, số ngày kéo dài là 18 x 5 = 90 ngày, số tiền sẽ được nhận: 39.600.000đ/l mã ID, lợi nhuận lãi suất trên ước tính 4,3%/ngày và 130%/tháng).
Ngoài khoản tiền trên, nhà đầu tư còn được nhận tiền hoa hồng trong việc giới thiệu trực tiếp (từ 1-10% tổng số tiền mà người được giới thiệu đầu tư vào hệ thống tùy theo số người mà nhà đầu tư giới thiệu vào hệ thống), khi giới thiệu từ người thứ 2 trở lên, nhà đầu tư sẽ được nhận thêm khoản hoa hồng bằng 10% tổng số tiền ở nhánh yếu hơn. Bằng hình thức này, hệ thống hero8.org đã huy động được khách hàng đăng ký 21.405 mã ID.
Đây là một trong những phương thức, thủ đoạn lừa đảo chiếm đoạt tài sản mới của bọn tội phạm. Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an tỉnh Thanh Hóa thông báo để người dân biết, cảnh giác phòng ngừa, đấu tranh và tố giác các hành vi liên quan đến phương thức thủ đoạn chiếm đoạt tài sản của các đối tượng. Đồng thời, ai là nạn nhân của các đối tượng trên thì liên hệ với Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an tỉnh Thanh Hóa để được giải quyết.
Trần Lê

“Bóc mẽ” thủ đoạn bán hàng lừa đảo 50 nạn nhân qua mạng

Dân trí Bằng thủ đoạn sử dụng nhiều tài khoản trên mạng xã hội facebook để đăng tải hình ảnh các mẫu quần áo thời trang mẫu mã đẹp và rao bán với giá rẻ hơn các hãng quần áo khác để thu hút người xem, đối tượng đã lừa đảo, chiếm đoạt hàng trăm triệu đồng của người mua nhẹ dạ, cả tin.

Sau một thời gian lập án đấu tranh, theo dõi, mới đây, Công an thành phố Thanh Hóa đã làm rõ và bắt giữ đối tượng Trần Xuân Đông (SN 1996, ở phường Đông Thọ, thành phố Thanh Hóa) về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Đối tượng Trần Xuân Đông tại cơ quan công an
Đối tượng Trần Xuân Đông tại cơ quan công an
Kết quả điều tra ban đầu của Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an thành phố Thanh Hóa cho thấy, thủ đoạn lừa đảo của Đông là sử dụng nhiều tài khoản trên mạng xã hội facebook như: Xưởng may Hương Trần, Hoa Kisd, Tố Như…để đăng tải hình ảnh các mẫu quần áo thời trang mẫu mã đẹp và rao bán với giá rẻ hơn các hãng quần áo khác để thu hút người xem.
Hình thức trao đổi sau khi người mua có nhu cầu thì nhắn tin qua facebook. Nếu người mua đồng ý thì hai bên thỏa thuận giá cả, số lượng quần áo mua và người mua sẽ chuyển tiền vào các tài khoản mà Đông cung cấp.
Tuy nhiên, sau khi đã nhận được tiền của người mua hàng chuyển vào tài khoản của Đông tại ngân hàng thì Đông đã chặn facebook hoặc thay tài khoản facebook, sim điện thoại mới để nạn nhân không liên lạc được.
Với thủ đoạn nêu trên, chỉ tính từ cuối năm 2015 đến khi bị bắt thì Đông đã lừa đảo chiếm đoạt số tiền trên 400 triệu đồng của hơn 50 nạn nhân trên địa bàn toàn quốc.
Hiện Công an thành phố Thanh Hóa đang tiếp tục điều tra, mở rộng vụ án.
Trần Lê

Lão nông Trung Quốc lừa bán 7 cô gái Việt Nam, thu gần 1 tỷ đồng

Một người đàn ông Trung Quốc đã bị bắt cùng 4 người khác sau khi dùng thủ đoạn lừa đảo các cô gái Việt Nam sang Trung Quốc để bán cho người khác làm vợ.
 >> Trung Quốc rúng động với vụ bán cô dâu Việt Nam hơn 200 triệu đồng
 >> 17 cô dâu Việt bỏ trốn khỏi ngôi làng ở Trung Quốc

Một cô gái Việt Nam bị lừa bán sang Trung Quốc. (Nguồn: QQ)
Một cô gái Việt Nam bị lừa bán sang Trung Quốc. (Nguồn: QQ)
Mạng Hoàn cầu của Trung Quốc đưa tin ông Lưu, một nông dân sống tại Xã Kỳ, tỉnh Hà Nam, đã tìm cách kiếm tiền bất chính sau khi giúp con trai tìm một cô con dâu người Việt Nam.
Tháng 3/2015, ông Lưu đã chi 100.000 nhân dân tệ (khoảng 334 triệu đồng) để cưới cho con trai một cô vợ người Việt.
Khi thấy người cùng làng muốn nhờ giới thiệu để cưới cô dâu Việt, ông Lưu đã nảy ra ý định kiếm tiền từ việc này.
Sau đó, cô con dâu của ông Lưu đã giúp ông liên hệ với một người Việt Nam và giao hẹn về việc đưa các cô gái Việt sang Nam Ninh.
Ông Lưu sẽ cử người để đón những cô gái đó với giá 40.000 nhân dân tệ (khoảng 133 triệu đồng) cho một người nhưng thực tế gia đình mỗi cô gái chỉ nhận được 10.000 nhân dân tệ (khoảng 35 triệu đồng).
Người môi giới tại Việt Nam nói với gia đình các nạn nhân rằng họ chỉ cần ở Trung Quốc 5 tháng là có thể có 10.000 nhân dân tệ, để lừa các cô gái. Người này nói với họ: "Ở gia đình nhà trai một thời gian sau đó sẽ bỏ trốn. Nếu không trốn được thì đến đồn cảnh sát."
Và sau đó, tại địa điểm giao hẹn từ trước, ông Lưu và người này thực hiện giao dịch.
Người môi giới này giúp các cô gái Việt Nam làm visa du lịch ngắn hạn. Tháng 7/2015, người này đưa 2 cô gái Việt đến thành phố Nam Ninh và con gái, con rể ông Lưu là người tiếp nhận hai cô gái này.
Sau đó, ông Lưu lại bán các cô gái này với giá 100.000 nhân dân tệ/người cho người có nhu cầu lấy làm vợ.
Từ tháng 8/2015 đến tháng 2/2016, người con rể ông Lưu đã lần lượt đón 6 cô gái Việt Nam và bán cho người Trung Quốc cùng một giá như trên. Trong số 8 cô gái Việt Nam bị bán sang Trung Quốc, có một người không muốn ở lại nên ông Lưu chỉ còn cách để cô về Việt Nam.
Tháng 2/2016, cảnh sát địa phương đã phát hiện ra những điểm đáng nghi về một cô gái Việt Nam sống bất hợp pháp tại đây và điều tra vụ việc.
Sau đó, ông Lưu đã bị bắt./.
Theo Lan Phương (Vietnam+)
http://www.vietnamplus.vn/lao-nong-trung-quoc-lua-ban-7-co-gai-viet-nam-thu-gan-1-ty-dong/393607.vnp

Bắt nữ quái lừa đảo chiếm đoạt 7 tỷ đồng

Đến thời điểm bị bắt, đã có 75 trường hợp bị đối tượng Tuyến lừa đảo với số tiền lên tới 7 tỷ đồng.

Đối tượng Tuyến. (Nguồn ảnh: CAND)
Đối tượng Tuyến. (Nguồn ảnh: CAND)
Theo thông tin trên báo CAND, ngày 8/4, công an cảnh sát hình sự Công an Tây Ninh đã ra lệnh bắt tạm giam đối với đối tượng Trương Kim Tuyến về hành vi "lừa đảo chiếm đoạt tài sản".
Thủ đoạn lừa đảo của đối tượng Trương Kim Tuyến (26 tuổi, ngụ ấp Tịnh Phong, xã An Tịnh, huyện Trảng Bàng) là thông qua hình thức xuất khẩu lao động và du học nước ngoài.
Theo đó, Tuyến đã lợi dụng danh nghĩa của một công ty và mở Trung tâm đào tạo tiếng Nhật để tiếp nhận hồ sơ và thu tiền của khách hàng có nhu cầu xuất khẩu lao động và du học ở Canada, Nhật Bản, Úc, Hàn Quốc. Sau đó, Tuyến móc nối với một số công ty rồi tổ chức phỏng vấn những người có nhu cầu đi hợp tác lao động tại trung tâm.
Tính đến thời điểm bị bắt, đã có 75 trường hợp bị đối tượng Tuyến lừa đảo với số tiền lên tới 7 tỷ đồng. Trong đó, Tuyến trả công cho các công ty, đối tượng móc nối với số tiền 2,5 tỷ đồng, còn lại trên 4,5 tỷ đồng Tuyến chiếm đoạt tiêu xài cá nhân.
Theo Ngọc Ngà/Báo Giao thông

Ngày càng lắm thủ đoạn lừa đảo

Bọn lừa đảo giả dạng nhân viên công ty nước ngoài đến đề nghị thuê nhà. Đặc biệt chúng sử dụng phụ nữ ăn mặc đẹp, tác phong lịch sự, và đến vào giữa trưa. Nhân lúc chủ nhà bận bịu chuyện cơm nước và sẽ cuỗm đồ rồi biến mất.

Sau khi vào nhà chúng sẽ liên tục giới thiệu là làm ở công ty nước ngoài, hiện cần thuê một căn nhà làm văn phòng và muốn được đi tham quan bố trí phòng ốc. Ngoài ra chúng còn làm chủ nhà mất cảnh giác bằng cách yêu cầu chủ nhà thay đồ đẹp để tiếp phái đoàn do công ty cử tới để thương lượng việc cho thuê, yêu cầu cho nước uống, sắp xếp lại bàn ghế, đồ đạc cho gọn gàng.
Chúng liên tục nói chuyện với chủ nhà và gợi ý ta làm việc khác để ta sơ ý mất cảnh giác rời xa tầm mắt khỏi chúng là chúng sẽ lấy đồ cho vào túi, sau đó chúng sẽ kiếm cớ để chuồn đi rất nhanh.
Qua sự việc trên tôi rút ra một số nhận xét như sau:
- Không bao giờ cho người lạ vào nhà, ngay cả khi nhà ta có đông người trong nhà.

- Hỏi ngay giấy tờ của người lạ, nếu làm công ty phải có giấy giới thiệu, thẻ nhân viên (bọn chúng cũng làm giả cả giấy tờ rất khó nhận biết).

- Bọn chúng thường đậu xe quay đầu hướng vào nhà, đưa biển số hướng ra ngoài để ta không đọc được biển số và bọn chúng cũng không bao giờ dắt xe vào nhà mà để xe phía ngoài để dễ bề tẩu thoát.

- Bọn chúng thường thăm dò và ra tay ở những khu dân cư mới, nhà cửa thưa thớt, vắng người.

- Chúng thường đi ít người (từ 1 tới 2), ăn mặc rất đàng hoàng. Tuy nhiên bọn chúng có thể có đồng bọn ở phía ngoài do trong quá trình đóng giả, có những cú điện thoại gọi đến rất đúng lúc và nội dung trao đổi rất phù hợp với hoạt cảnh dàn dựng.
Ngoài ra tôi cũng chia sẻ những câu chuyện mà bạn bè và người thân tôi từng gặp phải để mọi người biết và cảnh giác với những nhóm lừa đảo hiện nay.
Giả làm nhân viên phường, xã mang theo giấy giới thiệu, thẻ công tác và giấy tờ chứng thực việc gây quỹ để tổ chức chương trình vui chơi cho thiếu nhi nhân trung thu, gây quỹ cho người nghèo, nạn nhân chất độc da cam… (toàn bộ giấy tờ chúng đều làm giả được nên mọi người phải cẩn trọng và khi thu những loại phí như vậy chỉ có tổ trưởng dân phố mới là người đứng ra thu, người khác đến xin thu tiền thì đó là bọn lừa đảo).
Giả làm nhân viên bán hàng (thường là nước rửa tay, dầu gội, nước tẩy rửa bồn cầu). Thủ đoạn của bọn chúng là sau khi vào nhà yêu cầu ta xài thử, nhân lúc ta sơ ý chúng sẽ đổ sản phẩm của chúng ra rất nhiều rồi bắt ta thanh toán với giá cắt cổ, nếu không thanh toán cho bọn chúng thì chúng ăn vạ, hù dọa và làm dữ.
Rất nhiều gia đình do trong nhà chỉ có người già hoặc phụ nữ ít người nên đã bị ép phải mua, nếu nhà có đông người thì chúng sẽ lấy cớ và rút đi rất nhanh tuy nhiên ta vẫn bị bắt thanh toán cho những thứ của nợ trời ơi này.
Giả làm nhân viên dịch vụ lắp đặt và sửa chữa truyền hình cáp, điện thoại, ghi điện, nước. Thủ đoạn của bọn này là sau khi vào nhà sẽ quan sát và hỏi han xem nhà vắng hay đông người, nếu ít người chúng sẽ kể lể chuyện mình bị công ty bóc lột, không trả lương, còn phải nuôi vợ con và ép chủ nhà phải mua những thứ tào lao mà chúng mang theo. Trường hợp quan sát thấy nhà đông người, nhiều nam giới thì chúng sẽ bảo là đi lắp đặt nhầm địa chỉ nhà.
Hy vọng những chia sẽ này giúp cho mọi người nhận biết và cảnh giác hơn, tránh cho gia đình mình gặp phải những tình huống không may như trên.
Hữu Tâm

Nhận diện những thủ đoạn lừa đảo mới ở tiệm vàng


01-01-2012 00:00
KTĐT - Cục CSĐT tội phạm về trật tự xã hội (cơ quan thường trực phía Nam – Bộ Công an) vừa mới phát đi công văn gửi công an các tỉnh, thành phía Nam nhằm thông báo về thủ đoạn lừa đảo thủ đoạn mới của tội phạm chuyên nhắm vào các tiệm vàng.

Đây là thủ đoạn mới của bọn tội phạm mà các cơ sở kinh doanh vàng bạc cần biết để phòng tránh.

Theo cảnh báo, trong thời gian qua, công an một số tỉnh thành phía Nam đã xử lý nhiều vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản với thủ đoạn: Các đối tượng mua loại bột dùng để đánh bóng vàng và nhựa thông rồi nung đốt thành than và giã thành bột bụi bóng vàng (đây là loại bột thường được thu gom tại khu vực đánh bóng vàng trang sức).

Sau đó, bọn chúng rải một lượng vàng cám nhỏ lên trên rồi mang đến các tiệm vàng giả vờ nhờ phân kim, tiếp đó bọn chúng gạ bán cho các tiệm vàng.

Bằng thủ đoạn trên, trong thời gian qua bọn tội phạm đã lừa đảo các chủ tiệm vàng tại Thừa Thiên – Huế, Đồng Nai, Bình Phước, Đắc Lắc, Bình Thuận, Vĩnh Long, Đồng Nai, Cần Thơ, Tiền Giang lấy một lượng lớn tài sản.

Chính vì vậy, các chủ tiệm vàng cần chú ý đến phương thức thủ đoạn trên để cảnh giác và kịp thời thông báo ngay cho cơ quan công an xử lý những trường hợp lừa đảo trên.


Các chủ tiệm vàng cần cảnh giác thủ đoạn lừa đảo mới

Các đối tượng gây án bằng thủ đoạn lừa đảo nêu trên thường là tội phạm chuyên nghiệp, hoạt động liên tỉnh, chuyên nhắm vào các “con mồi” là chủ các tiệm vàng kinh doanh vàng bạc nên tài sản chiếm đoạt được tương đối lớn. Theo nhận định, không loại trừ ngoài nhóm đối tượng đã bị bắt giữ còn có nhiều nhóm đối tượng khác hoạt động với phương thức thủ đoạn tương tự.

Điển hình của thủ đoạn lừa đảo mới này là băng nhóm của Huỳnh Văn Khanh (gồm 6 đối tượng, tất cả đều có quê quán ở huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Tháp). Bọn chúng thường đến các tiệm vàng giới thiệu chúng có “cám heo vàng” là sản phẩm gồm bụi, chất thải tạo ra khi thợ kim hoàn sản xuất, đánh bóng các sản phẩm từ kim loại vàng có chứa tỷ lệ vàng cao chào bán với giá rẻ. Thực chất đây là các bao chất bột dùng để đánh bóng đồ đồng, không chứa vàng.

Khi người mua lấy một ít ra để phân kim nhằm kiểm tra tỷ lệ vàng, thì chúng bí mật bỏ vào một ít vàng cám để kết quả phân kim có tỷ lệ vàng cao, làm cho người mua nhầm tưởng cả bao bột đó đều có chung tỷ lệ vàng như vậy mà đồng ý mua với giá cao.


Hai đối tượng trong băng lừa đảo của Huỳnh Văn Khanh

Tháng 11/2011, Huỳnh Văn Khanh cùng đồng bọn đến giao dịch với chủ tiệm vàng Hoàng Đức (số 75 Chi Lăng, phường Phú Cát, TP Huế, tỉnh Thừa Thiên – Huế) để gạ bán 1 bao bột “cám heo vàng” trọng lượng 16kg với giá 330 triệu đồng.

Khi các đối tượng đang thực hiện hành vi phạm tội thì bị bắt giữ. Tiến hành mở rộng điều tra, 2 đối tượng còn lại khai nhận ngày 16/4/2011, chúng đến tiệm vàng Bội Linh ở phường Phú Bài, huyện Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên – Huế cũng bằng thủ đoạn trên để lừa bán cho chủ tiệm 1 bao bột 10kg (có đặc điểm như trên) chiếm đoạt 5 cây vàng SJC, 1.000 USD và 110 triệu đồng.

Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Thừa Thiên – Huế đã làm rõ, khởi tố, bắt tạm giam 6 đối tượng. Ngoài ra, các đối tượng còn lại khai nhận đã gây ra 8 vụ khác tại các tỉnh Bình Phước, Đắc Lắc, Bình Thuận, Vĩnh Long, Đồng Nai, Cần Thơ, Tiền Giang với tổng số tiền chiếm đoạt gần 2 tỷ đồng.

Các thủ đoạn lừa đảo qua ngân hàng

Đánh giá tác giả
1 2 3 4 5
0 Thanh Niên
Ngày 24.5, Ngân hàng (NH) Vietcombank cho biết đã ghi nhận một số trường hợp khách hàng chuyển tiền không đúng người hưởng do bị “hack email”.
Chủ thẻ không nên đăng nhập vào những đường dẫn lạ
Ảnh: Đào Ngọc Thạch
Tin tặc xâm nhập trái phép email của khách hàng hoặc đối tác để thay đổi thông tin người hưởng trên các chứng từ giao dịch, như người nhận tiền không phải bên xuất... Khách hàng đã yêu cầu Vietcombank hỗ trợ đòi tiền từ NH nước ngoài nhưng khả năng đòi được tiền đối với giao dịch bị hack email là rất thấp, do tin tặc thường rút tiền ra khỏi tài khoản ngay.

Trước đó, Vietcombank cũng như BIDV đã đưa ra một số trang web giả mạo NH điện tử của 2 NH này nhằm lấy thông tin và trộm tiền từ tài khoản. Những trang web giả này khá giống với NH nhưng có thêm những ký tự như dấu hoặc chữ. Cũng với chiêu thức giả mạo NH, gần đây bọn tội phạm còn giả cả tổng đài chăm sóc khách hàng của BIDV nhằm lừa đảo khách hàng, gọi điện để lợi dụng, trục lợi từ phí kết nối tổng đài của khách hàng.
Mới đây, PVcombank cũng cảnh báo thêm những thủ đoạn dụ dỗ người dân mở tài khoản, mở thẻ, đăng ký các dịch vụ NH điện tử như: Internet Banking hoặc Mobile Banking, SMS Banking, rồi bọn tội phạm mua lại tài khoản đó phục vụ các mục đích lừa đảo người khác mà không bị phát hiện nhân thân. Hay tội phạm giả mạo nhân viên NH, công an điều tra, đại diện cơ quan chức năng để khống chế, dụ dỗ chuyển tiền, yêu cầu nộp tiền vào tài khoản.
Ông Trần Đình Cường, Phó giám đốc NH Nhà nước - chi nhánh TP.HCM, khuyến cáo người dân tuyệt đối không cung cấp các thông tin về tài khoản thẻ (đặc biệt là thẻ tín dụng), mật khẩu đăng nhập Internet Banking, NH trực tuyến cho người khác. Nên nhớ, NH sẽ không bao giờ điện thoại cho khách hàng yêu cầu cung cấp các thông tin tài khoản qua điện thoạt, do đó người dân cần bình tĩnh, liên lạc ngay với NH một khi gặp những đề nghị này. Đồng thời, trong quá trình sử dụng thẻ, chủ thẻ cần giám sát quẹt thẻ, không cho phép đơn vị chấp nhận thẻ quẹt qua bất cứ thiết bị nào khác ngoài máy POS nhằm tránh việc sao chép thông tin.
Ngày 25.5, NH Nhà nước khuyến cáo người dân: quy định hiện nay cấm việc sử dụng các giấy tờ tùy thân giả mạo để đăng ký mở và sử dụng tài khoản thanh toán, thẻ NH, sau đó bán lại cho các người khác để sử dụng. Trong trường hợp phát hiện, tùy theo mức độ mà xử phạt hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và NH, trường hợp nghiêm trọng (tài khoản được sử dụng để thực hiện giao dịch với mục đích rửa tiền, tài trợ khủng bố, lừa đảo, gian lận…) thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

CẢNH GIÁC với thủ đoạn lừa đảo mới, đi ngoài đường thấy ai đánh rơi vàng cũng tuyệt đối không nhặt lên


Theo báo Người lao động, ở tỉnh Bình Dương vừa xảy ra một vụ lừa đảo tinh vi. Người bị hại bị lừa lúc nào cũng không hề hay biết. Mọi người đọc xong nhớ cảnh giác thủ đoạn này nhé!
Khoảng 16h30 ngày 10/10, Tuấn chạy xe máy mang theo miếng vàng giả (một mặt in hình rồng, mặt kia có chữ 24k, 9999, bọc trong túi nhựa trong suốt) đi săn tìm những người phụ nữ có đeo vàng để lừa. Long chạy xe sau Tuấn.
Đến đường 43, thuộc phường Bình Hòa, thị xã Thuận An, cả hai phát hiện chị Lê Thị H. (30 tuổi, quê Nghệ An) đeo hai chiếc nhẫn vàng, Tuấn chạy xe vượt lên chị H. rồi giả vờ đánh rơi miếng vàng giả cùng 800 ngàn đồng tiền thật trước mặt nạn nhân. Chị H. vừa nhặt lên thì, Long lập tức thắng xe đòi chia miếng vàng. Tuấn cũng quay trở lại bảo đó là vàng và tiền mình vừa đánh rơi.
anh1
Miếng vàng rơi có in hình rồng, một mặt có chữ 24K, một mặt có ghi bốn số 9999, bọc trong miếng nhựa trong suốt. Ngoài ra còn có 800.000 đồng để bên trong bao.
Khi Long định cho đồ vào túi, Tuấn đã quay xe lại chỗ rơi vàng và xin lại tài sản. Long không chịu đưa, nói hắn và chị H. nhặt được. Hai bên giả vờ cãi cọ nhau, có lúc định xông vào ẩu đả. Cuối cùng, Long bảo muốn lấy lại vàng thì phải đưa cho hắn và chị H. 10 triệu đồng.
Tuấn bảo không có tiền mặt, phải đem đi bán miếng vàng mới chia cho được. Cả hai năn nỉ chị H. mang vàng bán. Chị H. đồng ý, nhưng khi chuẩn bị nổ máy chạy thì cả hai níu lại nói phải có tài sản gì làm tin, chứ không chị H. bỏ đi luôn thì sao.
Nhìn thấy hai chiếc nhẫn vàng trên tay nạn nhân, Long và Tuấn bảo chị tháo nhẫn làm tin được. Không chút mảy may nghi ngờ, chị H. tháo nhẫn và đem miếng vàng đến một tiệm vàng trên phường Bình Hòa bán.
Qua kiểm tra chủ tiệm cho rằng đây là miếng vàng giả. Chị H. tá hỏa vội vàng quay lại địa điểm vàng rơi thì hai người đàn ông đã biến mất.
Tham thì thâm!
Có câu tham thì thâm quả thật không sai. Chỉ vì muốn nhận được tài sản được chia mà chị này đã dễ dàng bị chúng lừa. Dù thủ đoạn này quá tinh vi nhưng không hẳn là mới, chúng đánh vào lòng tham của chúng ta là chính. Mình chỉ có những ý kiến như thế này:
1. Thấy người khác đánh rơi tài sản, hoặc không nhặt hoặc nếu nhặt phải trả lại đừng yêu cầu chia chát. Nếu không có thể giao cho phía công an nhờ xử lý.
2. Luôn cảnh giác tình trạng dàn cảnh mọi lúc mọi nơi, có thể khi bạn dừng xe sẽ bị chúng chặn cướp cũng không chừng.
3. Đừng dễ dàng giao nộp tài sản của mình cho bất kì ai.
4. Cuối cùng: Thấy vàng rơi đừng vội nhặt, không thôi chúng lừa đấy!
Theo webtretho

Bà lão 72 tuổi bị lừa chuyển khoản 400 triệu đồng cho “cơ quan điều tra” giả


Các đối tượng bị bắt tại cơ quan điều tra. (Ảnh: vnexpress.net)
Một nhóm giả danh cơ quan điều tra đã gọi điện lừa đảo chiếm đoạt tài sản hàng trăm triệu đồng của người dân.
Rạng sáng ngày 22/11, Phòng Cảnh sát Điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ phối hợp với công an quận 3 (Sài Gòn) bắt khẩn cấp 5 đối tượng lừa đảo chiếm đoạt 400 triệu đồng của một cụ bà 72 tuổi, theo báo Người Lao Động đưa tin.
Danh tính 5 đối tượng gồm: Liu Wei Chun (SN 1981, người Đài Loan), Dương Thị Nguyệt (SN 1982, vợ Chun), Nguyễn Văn Mộng (SN 1979), Lê Nguyễn Kiều Xuân (SN 1985) và Huỳnh Hoàng Minh (SN 1981) cùng ngụ tại Bạc Liêu.
Vào sáng ngày 17/11, băng nhóm lừa đảo này giả danh công an TP. Hà Nội gọi điện thoại tới số thuê bao của cụ bà T.T.N (72 tuổi, ngụ quận 3), dọa rằng bà N bị tình nghi liên quan tới đường dây tội phạm ma túy quốc tế quy mô lớn và yêu cầu bà chuyển 400 triệu đồng vào tài khoản chỉ định để kiểm tra số tiền của bà có liên quan với nhóm tội phạm hay không.
Hoảng sợ, bà N đã chuyển 400 triệu đồng vào các tài khoản khác nhau. Sau khi kể lại cho người thân nghe, biết mình bị lừa nên gia đình bà đã báo với lực lượng chức năng.
Theo thông tin được biết, Nguyệt và Chun kết hôn từ năm 2012, sau đó Nguyệt xuất cảnh sang Đài Loan sinh sống. Tới năm 2014, vợ chồng Nguyệt về lại Việt Nam để tham gia đường dây lừa đảo xuyên quốc gia. Theo yêu cầu của Nguyệt, ba đối tượng còn lại là Mộng, Xuân, Minh dùng CMND của mình và người thân để lập thẻ ATM tại các ngân hàng.
Sau khi nhận được trình báo của bà N, ngày 22/11, lực lượng chức năng đã bắt cả 5 đối tượng trên tại huyện Bình Chánh (Sài Gòn) và Bạc Liêu.
Trên báo Vnexpress, một nhân viên điều tra cho biết, gần đây liên tiếp có nhiều nạn nhân tại Sài Gòn đến trình báo bị lừa đảo theo hình thức này. Theo nhân viên điều tra, người dân cần cảnh giác khi nghe điện thoại lạ, đặc biệt là người xưng danh cơ quan pháp luật có yêu cầu xác minh về tiền bạc; ngoài ra, những ai cung cấp tài khoản để nhóm này sử dụng cũng bị xử lý hình sự.
Hòa An tổng hợp

Chú ý tránh mắc bẫy thủ đoạn lừa đảo tinh vi qua điện thoại

Thứ Bảy, 26/8/2017 06:10 GMT+7

(PLO) - Trong vòng 1 tuần qua (từ ngày 16-23/8/2017) trên địa bàn Nghệ An đã xảy ra 7 vụ lừa đảo, làm thiệt hại gần 2 tỷ đồng với phương thức thủ đoạn tinh vi, nạn nhân là những người già cả, có điều kiện, không hiểu biết về công nghệ.

Chú ý tránh mắc bẫy thủ đoạn lừa đảo tinh vi qua điện thoại
Hình minh họa
Phòng cảnh sát hình sự (PC45 Công an Nghệ An) cho biết, hiện có một nhóm đối tượng lừa đảo giả danh nhân viên viễn thông hoặc công an gọi điện thoại đe dọa người dân, yêu cầu chuyển tiền vào tài khoản ngân hàng để “chạy” tội.  
Theo đơn vị này, chỉ trong 1 tuần qua Phòng PC45 Công an Nghệ An trên địa bàn xảy ra 7 vụ lừa đảo. Thông qua việc mạo danh Tổng đài VNPT nhắc nợ thu cước khách hàng, tiếp đó các đối tượng phạm tội còn giả danh cơ quan pháp luật gọi điện thoại đe dọa người dân có liên quan đến các vụ án đang điều tra rồi yêu cầu họ chuyển tiền vào tài khoản của chúng để chiếm đoạt. Tổng số tiền mà bọn tội phạm chiếm đoạt được trong 7 vụ ước tính lên đến hơn 2 tỷ đồng. 
Đơn cử như trường hợp, của ông Nguyễn Văn Đ. (60 tuổi trú tại phường Hưng Dũng, TP.Vinh, Nghệ An) bị những đối tượng lừa đảo nạp vào tài khoản số tiền 200 triệu đồng, may mắn là chưa bị mất tiền.
Cụ thể, khoảng 8h30 ngày 21/8, một số điện thoại lạ gọi đến máy ông Đ. xưng là nhân viên bưu điện thông báo ông đang nợ cước máy cố định số tiền gần 9 triệu đồng. Ông Đ. bất ngờ cho rằng không gọi điện thoại đi nước ngoài nên không thể có số tiền nhiều như thế. Đối tượng lập tức nối máy đến một đối tượng khác bảo đó là cán bộ công an để nói chuyện.
Qua điện thoại, đối tượng chưa gặp mặt cũng xưng là cán bộ công an và nói ông Đ. liên quan đến một đường dây tội phạm ma túy quốc tế, rửa tiền. Người này cảnh báo, để không rơi vào tù tội, đối tượng yêu cầu ông Đ. phải nộp tiền vào một tài khoản ở Hà Nội.
Khoảng 10h ngày 22/8, ông Đ. Cầm theo 200 triệu đồng đến một chi nhánh ngân hàng trên địa bàn để gửi tiền vào số tài khoản mà kẻ lạ mặt cung cấp. May mắn là con trai ông Đ. Biết chuyện, trong khi nhân viên ngân hàng đang làm các thủ tục thì con trai ông Đ. đã có mặt yêu cầu ngừng giao dịch. Số tiền 200 triệu đồng sau đó đã được ngân hàng phong tỏa, gia đình ông Đ. đã trình báo vụ việc với cơ quan công an.
Với phương thức thủ đoạn đánh vào tâm lý của người dân,nạn nhân mà bọn tội phạm nhắm tới thường là những người không hiểu biết về công nghệ, đặc biệt là những người già ở nhà, có điều kiện kinh tế, có tài khoản gửi tiết kiệm trong ngân hàng.
Đối tượng  lừa đảo thường giả danh công an, nhân viên viễn thông, thông báo cho nạn nhân đang nợ cước điện thoại và bị công ty viễn thông chuyển hồ sơ sang công an để điều tra, đồng thời cho biết công an đang xác minh nạn nhân có liên quan đến đường dây ma túy, buôn lậu hoặc tổ chức của bọn tội phạm...
Sau khi làm nạn nhân mất tinh thần, đối tượng yêu cầu chuyển tiền vào tài khoản của chúng “để xác minh” rồi sau đó chiếm đoạt toàn bộ số tiền của nạn nhân. Các cuộc gọi lừa đảo thường xuất phát từ tổng đài nước ngoài gọi về Việt Nam qua giao thức kết nối Internet (VoIP) để giả đầu các số giống số của cơ quan Công an như +000113,+84000113... làm cho cho bị hại tin là Công an gọi cho họ thật. Việc sử dụng các đầu số như trên cũng làm cho việc xác minh, điều tra của các cơ quan chức năng rất khó khăn và mất thời gian.
Các nhóm đối tượng còn sử dụngmột số phương thức như: thông báo về việc bắt cóc thân nhân và yêu cầu chuyển tiền cho chúng qua tài khoản ngân hàng, nếu không sẽ xâm hại tính mạng; sử dụng đầu số lạ, số di động (sim rác), hoặc giả mạo số tổng đài, sau đó cài đặt nội dung nhắc nợ cước tự động để gọi vào số điện thoại cố định của nạn nhân, yêu cầu nạn nhân thực hiện theo hướng dẫn của chúng để trộm tiền cước...
Để phát hiện, phòng ngừa, đấu tranh với loại tội phạm trên, Phòng PC45 Nghệ An hướng dẫn người dân khi nhận được các cuộc gọi lạ, có dấu hiệu nghi vấn, người dân phải bình tĩnh, không làm theo yêu cầu hoặc làm theo dẫn dụ bấm các phím số trên máy điện thoại. Đặc biệt là không chuyển tiền vào các tài khoản theo yêu cầu của người lạ; Cảnh giác khi nhận được cuộc gọi lạ, đặc biệt người xưng là nhân viên viễn thông, cán bộ cơ quan pháp luật. Không nên cung cấp tài khoản, thẻ tín dụng cho người khác, vì dễ dàng tiếp tay cho băng nhóm lừa đảo công nghệ cao...;
Thông báo ngay cho cơ quan công an khi có sự nghi ngờ để cùng phối hợp giải quyết. Không nên tự mình xử lý vì sẽ dễ sập bẫy kịch bản lừa đảo của tội phạm… 
Ngô Toàn

6 thủ đoạn lừa đảo trên mạng xã hội mà bạn phải biết ngay để tránh mất tiền

Công nghệ
Đừng tự để mình rơi bẫy của kẻ xấu chỉ vì một thoáng nhẹ dạ cả tin.
Tin liên quan
Trong thời buổi công nghệ hiện nay, việc sử dụng mạng xã hội, smartphone là một thói quen đã không thể thiếu của mỗi người. Tuy nhiên, bên cạnh những tiện ích mà nó mang lại thì cũng có hàng loạt những nguy hiểm bủa vây người sử dụng, đặc biệt phải kể đến là vô số chiêu trò lừa đảo nhằm “móc túi” người dùng. Để tránh trở thành con mồi béo bở của bọn lừa đảo, bạn cần nên biết những chiêu trò phổ biến mà chúng hay sử dụng để lừa gạt người khác.
1. Lừa trúng thưởng
6 thủ đoạn lừa đảo trên mạng xã hội mà bạn phải biết ngay để tránh mất tiền
Đây là cách lừa gạt phổ biến nhất mà những kẻ lừa đảo hay sử dụng. Bằng cách nhắn tin cho con mồi qua email, tin nhắn SMS hoặc qua Facebook, Zalo những kẻ lừa đảo này sẽ thông báo rằng bạn đã trúng thưởng cho một dịch vụ mà bạn không tham gia. Tuy nhiên, lại chẳng có thông tin về thời gian, nơi nhận thưởng.
Bên cạnh đó, kẻ lừa đảo sẽ yêu cầu bạn chuyển một khoản tiền trước để xác minh, chứng thực sau đó quà tặng sẽ được chuyển về. Thông thường những email lừa đảo là tài khoản emai cá nhân, không phải công ty, doanh nghiệp. Nội dung được gửi cũng không theo tông chữ nhất định, màu sắc lung tung, rối mắt.
2. Lừa gạt bằng cách đe dọa
6 thủ đoạn lừa đảo trên mạng xã hội mà bạn phải biết ngay để tránh mất tiền
Với cách lừa gạt này, những kẻ lừa đảo sẽ gửi tin nhắn, email hoặc gọi điện cho bạn thông báo rằng bạn đang bị điều tra vì phạm tội nào đó. Chúng sẽ yêu cầu bạn chuyển một số tiền lớn vào tài khoản ngân hàng hoặc bắt bạn cầm tiền đến tận nơi giao nộp. Thậm chí, còn có kẻ mặc đồng phục cảnh sát đến nhà bạn với hành động tương tự.
Đây là cách lừa gạt đánh vào tâm lý sợ hãi của con người, bởi khi bạn sợ hãi bạn thường có hành động nghe theo lời người khác. Nếu thật sự bạn đang bị cảnh sát điều tra, bạn sẽ nhận được giấy báo của cơ quan chức năng có thẩm quyền với chữ kí và con dấu rõ ràng.
3. Lừa gạt để phát tán Virus, Malware
6 thủ đoạn lừa đảo trên mạng xã hội mà bạn phải biết ngay để tránh mất tiền
Đánh vào tâm lý tò mò của nhiều người, kẻ lừa đảo sẽ gửi cho bạn những tệp tin lạ và yêu cầu bạn tải về giải nén. Sau khi bạn thực hiện việc chạy file, máy tính của bạn sẽ lập tức bị virus và mã độc. Những virus, malware này sẽ chiếm quyền kiểm soát tài khoản mạng xã hội, máy tính của bạn để đánh cắp thông tin nhạy cảm, đào tiền mã hóa và tiếp tục đi lừa đảo những người khác. Do đó, bạn cần nên cảnh giác với những tin nhắn dạng này dù người gửi là quen hay lạ.
4. Nhờ nạp card điện thoại, chuyển tiền
6 thủ đoạn lừa đảo trên mạng xã hội mà bạn phải biết ngay để tránh mất tiền
Đây là một trong những thủ đoạn lừa gạt phổ biến nhất hiện nay với tỷ lệ thành công không hề nhỏ. Bằng cách sử dụng tài khoản mà kẻ lừa đảo đã hack, chúng sẽ chủ động liên hệ với bạn và nhờ vả nạp card điện thoại hay vay mượn tiền. Do tài khoản được chúng sử dụng là những quen của nạn nhân, nên đa số họ đều ít hoài nghi và sẵn sàng giúp đỡ.
Mặc dù hình thức lừa đảo này đã xuất hiện từ vài năm trở lại đây, tuy nhiên vẫn có nhiều người mắc bẫy, đặc biệt là những người lớn tuổi và mới tiếp xúc với công nghệ. Để không bị mất tiền oan uổng, bạn nên liên hệ trực tiếp với người cần giúp đỡ để xác minh. Nếu nhận thấy có trường hợp lừa đảo, bạn nên cảnh báo với bạn bè, người thân để họ đề phòng, tránh sự việc tương tự có thể xảy ra.
5. Thông báo người thân gặp tai nạn
6 thủ đoạn lừa đảo trên mạng xã hội mà bạn phải biết ngay để tránh mất tiền
Lừa đảo bằng cách thông báo người thân của bạn gặp nạn là thủ đoạn lừa đảo hết sức tinh vi trong vài năm qua. Bằng cách gửi tin nhắn, gọi điện cho người thân của con mồi sau khi đã điều tra kỹ càng, tường tận, những kẻ xấu này sẽ dễ dàng chiếm được lòng tin của nạn nhân, sau đó đề nghị họ chuyển tiền qua tài khoản để chúng “trang trải viện phí”. Trong trường hợp này, điều đầu tiên bạn cần là phải tỉnh táo gọi điện cho người thân để xác nhận thông tin. Nếu quá lo lắng, bạn cũng có thể nhờ bạn bè, người thân khác trong nhà giúp đỡ.
6. Nếu bạn không “like, share”…
6 thủ đoạn lừa đảo trên mạng xã hội mà bạn phải biết ngay để tránh mất tiền
Nếu bạn sử dụng mạng xã hội, hẳn là bạn đã từng bắt gặp những bài đăng dạng “nếu không like hoặc share bài bạn sẽ bị xui xẻo cả năm,…” Tuy nhiên, thực tế là bạn có like hay không like, share hay không share thì chúng vẫn chẳng có ảnh hưởng đến cuộc đời của bạn. Dạng lừa đảo kiểu này tuy không móc hầu bao của bạn nhưng kẻ đăng bài lại gầy dựng được danh tiếng ảo. Để đối phó với chiêu trò này, bạn đừng nên nhấn like hay share mà chỉ việc report kẻ đó là xong.
Duy Huỳnh
Thủ đoạn lừa đảo của người nước ngoài
18/03/2015 08:46:27
ANTT.VN – Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP.HCM vừa bắt một "mắt xích" trong đường dây lừa đảo do người nước ngoài chủ mưu, qua đó hé lộ thủ đoạn lừa đảo của các đối tượng.
Tin liên quan
Chiều 17/3, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP.HCM thi hành lệnh bắt khẩn cấp đối tượng Lê Thị Phương Trang  (SN 1977, ngụ P.14, Gò Vấp, TP.HCM) về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Đối tượng Lê Thị Phương Trang tại cơ quan điều tra
Điều tra ban đầu cho thấy, Trang là mắt xích quan trọng trong đường dây lừa đảo do các đối tượng người Nigieria điều hành, chuyên lừa đảo tiền của những người phụ nữ Việt nhẹ dạ cả tin.
Thủ đoạn của chúng là thông qua mạng xã hội tìm bị hại, đặt vấn đề quan hệ tình cảm nam nữ hoặc làm ăn kinh doanh. Sau một thời gian liên lạc, khi đã tương đối thân thiết, chúng đề nghị được gửi quà có giá trị lớn về Việt Nam cho bị hại nhằm lấy lòng tin.
Nếu bị hại đồng ý cho địa chỉ gửi quà thì những đối tượng ở khâu mắt xích như Trang có nhiệm vụ giả công ty giao nhận hàng yêu cầu bị hại nộp tiền phí vận chuyển hoặc tiền thuế để nhận món quà qua số tài khoản do chúng cung cấp. Khi  bị hại chuyển tiền vào các tài khoản này, lập tức bị chúng rút ra trong thời gian ngắn.
Tại cơ quan điều tra, Trang khai nhận, với thủ đoạn lừa đảo trên, Trang và đồng bọn là lừa đảo trên 10 nạn nhân, tổng số tiền trên 1 tỷ đồng. Trang được hưởng 100 triệu đồng trong số đó.
Hiện cơ quan điều tra đang tiếp tục điều tra mở rộng để truy bắt các đối tượng liên quan đến đường dây lừa đảo.
PV (th)
 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét