Thứ Ba, 26 tháng 6, 2018

HIỆN THỰC KỲ ẢO 95

(ĐC sưu tầm trên NET)
 
Người lính trở về sau gần 50 năm làm Liệt sỹ

Người lính trở về sau gần 50 năm làm liệt sĩ

Ngày đăng: 13/04/2017 | Lượt xem: 1858
Từ sau tết Đinh Dậu – 2017 đến nay, người dân khu chung cư A2 – Nam Cầu Cẩm Lệ, thành phố Đà Nẵng ra vào tấp nập chúc mừng gia đình ông Võ Xuân Hồng tìm lại được quê hương, người thân sau gần 50 năm làm liệt sĩ nơi quê nhà, căn nhà ông trở nên đông nghịt hơn mọi ngày.
       Có lần bà Ngọc vợ của ông Hồng nói với tôi: “ làm sao cháu có thể giúp cô đăng thông tin tìm lại quê hương cho chồng cô với, ông đã xa quê hương từ ngày nhập ngũ đến nay đã 50 năm rồi ”. Tôi hiểu nỗi lo của một người làm vợ, làm mẹ, làm bà và cả làm dâu của bà. Rồi như một định mệnh, ngày đoàn tụ đầy nước mắt đã gõ cửa gia đình bà Ngọc ngay những ngày đầu xuân Đinh Dậu - 2017.
Sau khi nghe tin chồng bà Ngọc tìm lại được quê hương, còn có một người em gái ruột ở ngoài quê mới vào Đà Nẵng để anh em gặp nhau sau nửa thế kỷ; bà con hàng xóm đến chúc mừng rất nhiều, ai cũng rơi nước mắt vừa mừng vừa tủi cho ông.
Ông Hồng tên thật là Vũ Đắc Roanh mà lâu nay vì mất trí nhớ, ông đã quên luôn tên mình. Ông Roanh sinh năm 1948, tại thôn Lục Bắc, xã Thái Xuyên, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình. Năm 1967, khi 19 tuổi, đang là sinh viên trường trung cấp nông nghiệp Đông Hưng, ông xung phong đi bộ đội và có giấy gọi lên đường nhập ngũ đi B. Chàng thanh niên Vũ Đắc Roanh xa gia đình từ đó, không tin tức gì về cho gia đình. Cho đến năm 1969, địa phương và gia đình ông nhận giấy báo tử đồng chí Vũ Đắc Roanh đã hy sinh ở mặt trận phía Nam.


Từ trái qua : Vợ con của ông Vũ Đắc Roanh, ở giữa là ông Roanh , ngoài cùng bên phải là mẹ con người em gái ruột Vũ Thị Vê.




Tổ quốc ghi công và giấy chứng nhận báo tử của ông Vũ Đắc Roanh nơi quê nhà ở thôn Lục Bắc -xã Thái Xuyên, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình.

       Theo lời ông kể khi gia đình hỏi, thì trong một trận đánh ở Quảng Ngãi, đồng đội ông hy sinh gần hết. Ông bị địch bắt giam giữ và tra tấn dã man đến mất cả trí nhớ. Chỉ láng máng vậy, còn nhà tù nào thì ông không nhớ. Hỏi ở đơn vị nào, gồm những ai, ông cũng nói không biết. Câu nói ông hay lặp đi lặp lại là ở Ba Tơ, Quảng Ngãi. Gặn hỏi thêm nữa thì ông ôm đầu khóc. Năm 1972, không biết trong hoàn cảnh nào, chúng ( kẻ địch ) thả hay là ông trốn thoát được mà ông lang thang ra đến Đà Nẵng làm đủ thứ việc để mưu sinh. Sau đó một năm thì kết hôn cùng bà Bùi Thị Luyến sinh năm 1941 và sinh được hai người con, nhưng do thần kinh ông không bình thường nên vợ chồng ông chia tay. Đến năm 1983, ông cưới bà Ngô Thị Minh Ngọc sinh năm 1949, bà Ngọc là người bị bệnh bại liệt bẩm sinh từ nhỏ, di chuyển chỉ dựa vào hai chiếc ghế đòn, lết dưới đất; cuộc sống của hai vợ chồng ông bà rất kham khổ. Những lúc trái trời, bệnh thần kinh bùng phát, ông lại đánh đập bà vô cùng tội nghiệp. Bị liệt, không chạy được nên bà phải hứng chịu mà không hề oán trách vì biết chồng không kiểm soát được hành vi của mình.
Vợ chồng ông có hai người con đã trưởng thành nhưng đời sống kinh tế gia đình vô cùng khó khăn. Nhiều năm nay, bà Ngọc chỉ biết chồng mình tên là Võ Xuân Hồng, có đi bộ đội và cứ nghĩ đấy là tên thật của ông. Sau ngày giải phóng gia đình ông ở trong ngôi nhà thuê rất chật chội; đến năm 2014, gia đình ông làm đơn và được thành phố cấp cho căn hộ chung cư, tầng trệt ở Nam cầu Cẩm Lệ. Đây là niềm vui lớn với ông bà, đến nỗi nghe tin được cấp nhà, bà Ngọc mừng quá và ngất đi phải vào bệnh viện. Thời gian gần đây, thấy chồng mình tâm trạng vui vẻ hơn, bà lại dò hỏi về nguồn gốc quê hương, ông nói cha là Vũ Đắc Vần, mẹ là Vũ Thị Nhuốm ở xã Thái Xuyên, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình, còn thôn, xóm thì không nhớ.
Ngày 21/02/2017, người con trai của ông là Võ Xuân Huy, sinh năm 1986 (khai theo họ Võ của cha) về quê Thái Bình để mong tìm được sự thật. Đến địa phận xã Thái Xuyên, khi ngồi ăn bún, bà chủ quán hỏi thăm, không ngờ đó lại là người trong tộc họ. Bà đã đưa Huy về thôn Lục Bắc, xã Thái Xuyên, nơi bố mẹ ông Roanh đã mất từ năm 1990, gia đình chỉ còn lại người em gái tên là Vũ Thị Vê, sinh năm 1952. Bà Vê mở tủ lấy ra cuốn gia phả cho anh Huy xem và tất cả đều trùng khớp. Cô cháu anh ôm lấy nhau khóc nghẹn ngào.
         Lúc này, anh Huy mới biết chính xác họ tên đầy đủ của cha trước đây cũng như họ tên trong giấy báo tử là Vũ Đắc Roanh chứ không phải là Võ Xuân Hồng. Anh cũng bất ngờ khi nhìn lên bàn thờ thấy cha mình là liệt sĩ suốt gần 50 năm qua đang được gia đình hương khói. Bằng Tổ quốc ghi công cũng được treo trang trọng.
Được tin liệt sĩ Vũ Đắc Roanh “sống lại’’làm xôn xao, họ hàng, làng xóm làng quê yên bình. Mọi người kéo đến chúc mừng. Ngày hôm sau, hai cô cháu vào Đà Nẵng. Chỉ nhìn sơ qua cũng đủ thấy họ là anh em máu mủ ruột thịt vì hai gương mặt giống nhau như đúc. Cuộc hội ngộ diễn ra trong nước mắt. Ông Roanh nhận ra em mình, dù các kỷ niệm người em kể, ông không nhớ hết. Theo bà Vê thì nghe tin ông Roanh hy sinh tại chiến trường phía Nam, cha mẹ già yếu, điều kiện kinh tế khó khăn, địa chỉ chỉ ghi là hy sinh ở mặt trận phía Nam nên bà Vê không biết đâu mà tìm anh mình. Ở Đà Nẵng, gia đình chờ ông tẩm bổ có sức khỏe để có thể mau chóng ra lại thăm quê hương và gặp đồng đội cùng thời nhập ngũ, từ đó có thể lần ra manh mối về đơn vị của ông ngày trước.
        Qua bài viết này, gia đình ông Vũ Đắc Roanh mong muốn được gặp lại những đồng chí của ông ở các địa phương, đặc biệt ở chiến trường Quảng Ngãi để biết chính xác ông Roanh đã từng ở những đơn vị nào. Niềm mong muốn chảy bỏng của gia đình là mau chóng khôi phục và bổ sung giấy tờ để giúp ông Roanh được hưởng những ngày cuối đời. Hơn thế nữa, nếu gặp được đồng đội cùng đơn vị, chắc chắn trí nhớ ông sẽ mau hồi phục hơn rất nhiều và câu chuyện người lính trở về sau gần 50 năm làm liệt sĩ sẽ được nhiều người biết đến.
HỒNG LOAN

Người lính trở về sau gần 50 năm làm liệt sĩ (Kỳ 2)

Ngày đăng: 30/04/2017 | Lượt xem: 1683
      Giây phút trọng đại của cuộc đời ông Vũ Đắc Roanh cuổi cùng cũng đã đến. Khi thấy sức khỏe của ông đã khá hơn trước, ngày 18/3/2017,  gia đình quyết định đưa ông về thăm quê hương. Đó chính là thôn Lục Bắc, xã Thái Xuyên, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình, nơi ông sinh ra và lớn lên, cũng là nơi ông nhập ngũ và sau đó vào Nam chiến đấu và trở thành “ liệt sĩ’’ ở quê nhà.



      Cả xã Thái Xuyên đã biết câu chuyện ông còn sống, nay ông trở về, người thật việc thật, làng xóm xôn xao. Đảng ủy, HĐND, UBND, UBMTTQVN, cùng các ban, ngành đoàn thể xã Thái Xuyên và thôn Lục Bắc, hội đồng ngũ, ban liên lạc lớp 7D thời ông đi học, cùng toàn thể bà con gia  đình, thôn xóm đã long trọng tổ chức đón ông ngày trở về trong niềm vui đầy nước mắt tại ngôi nhà ông đã sống thời thơ ấu.
      Tại buổi đón, ông Vũ Văn Cường, Chủ tịch UBND xã đã có lời phát biểu: “Khi hay tin đồng chí Vũ Đắc Roanh còn sống, nhờ ốm một trận mà ông đã nhớ ra địa chỉ quê hương, thật là một tin đáng mừng. Lãnh đạo xã cầu chúc cho ông luôn luôn mạnh khỏe để sống lâu cùng gia con cháu những ngày tháng còn lại, để con cháu có dịp tri ân báo hiếu”.  


Cán bộ địa phương chúc mừng “ liệt sĩ”  Vũ Đắc Roanh ngày trở về. 


Tập thể lớp 7D của ông Vũ Đắc Roanh ngày trước ,đến hỏi thăm và chúc mừng ông tại buổi lễ đón ông ngày trở về. 


       Người rõ nhất về thời thanh niên của ông Roanh đó là ông Đỗ Văn Tăng, cựu chiến binh, hội trưởng hội đồng ngũ, hiện ở thôn Linh Thanh, xã Thái Thuần, huyện Thái Thụy. Hai ông cùng nhập ngũ cùng ngày 26/12/1967 và cùng mặt trận với nhau. Ông Tăng kể : “ Ngay trong đêm 26/12/1967, tất cả chúng tôi được biên chế về tiểu đoàn 511, thuộc trung đoàn 42, sư đoàn 350, đóng ở huyện Thái Ninh (nay là Thái Thụy) . Đơn vị hành quân qua hai thôn Hạ Liệt và Trung Liệt  của xã Thái Giang. Gần một tháng sau chuyển đơn vị về xã An Ninh và xã An Cầu, huyện Phụ Dực ,tỉnh Thái Bình để huấn luyện, rồi sau đó về huyện Yên Tử, tỉnh Quảng Ninh. 28 tết năm đó, tất cả được về quê đón xuân. Mùng 4 tết tức ngày 8/3/1968 đội hình hành quân vào Nam chiến đấu. Bốn tháng sau, tức ngày 10/6/1968, đơn vị vào đến Quảng Ngãi, bàn giao quân tại trạm “9 cô gái”, là trạm giao liên nổi tiếng ở Quảng Ngãi. Lúc ấy cô Nguyễn Thị Ngà là trạm trưởng. Tất cả biên chế về Trung đoàn 22, Sư đoàn 3 Sao Vàng. Trung đoàn 22 những năm đó đánh tập trung chủ yếu ở hai tỉnh là Quảng Ngãi và Bình Định.
      Cựu Chiến binh Vũ Khắc Vinh, cư trú cùng thôn với ông Roanh thì cho biết: Có gặp ông Roanh ở chiến dịch Ba Tơ, Quảng Ngãi và cùng ngủ một đêm ở khu rừng thuộc xã Ba Điền,  huyện Ba Tơ. Ông Vinh cho biết, ông Roanh khi đó đang học ở trường y tá QK5. Trường này đóng ở Đồi Chanh, Sông Tang- Sông Rin, Quảng Ngãi. Sau khi học xong ở trường quân y, ông Roanh được điều về Sư đoàn 3 Sao Vàng.
     Cựu Chiến binh Vũ Văn Thiện ở xã Thái Hưng, Đinh Văn Chinh ở xã Thái Dương thuộc hội đồng ngũ với ông Roanh đều khẳng định: Ông Roanh đã cùng vào chiến trường Quảng Ngãi, cùng biên chế về Trung đoàn 22 Sư đoàn 3 Sao Vàng (sau này phiên hiệu là Nông trường 3) nhưng không biết rõ là ông Vũ Đắc Roanh được biên chế về tiểu đoàn và đại đội nào. Có nhiều lần, đồng đội gặp ông Roanh trong rừng ở chiến dịch Ba Tơ, Quảng Ngãi đi lấy thực phẩm. Có khi gặp ông đang bị sốt rét tại đây, trên đầu rụng hết tóc. Nhưng do thời chiến, chỉ kịp hỏi bạn đang làm gì hoặc nhìn nhau rồi vác súng chạy tiếp tục chiến đấu chứ không kịp hỏi ở đơn vị nào. Ngày đó, thậm chí trong cùng một tiểu đoàn nhưng khác đại đội vẫn không biết bạn mình ở đâu. Chính vì thế mà cho đến nay các Bác CCB của Thái Bình vẫn chưa biết chính xác đại đội và tiểu đoàn mà ông Roanh biên chế nhằm xác minh giúp hồ sơ cho ông.
       Về phía Ban Chỉ huy quân sự huyện Thái Thụy, đã cung cấp cho gia đình danh sách quản lý hồ sơ đi B của đợt nhập ngũ ngày 26/12/1967. Trong phần đơn vị của đồng chí Vũ Đắc Roanh chỉ ghi vỏn vẹn một chữ là B2, còn phòng LĐTB &XH huyện cung cấp giấy báo tử, phần ghi đơn vị là KN nên rất khó tìm kiếm. Hiện nay gia đình ông Roanh đang làm đơn đề nghị Sở LĐTB và XH tỉnh Thái Bình xin sao lục hồ sơ, để có cơ sở đề nghị các cấp giúp gia đình ông.   
      Qua bài viết này, gia đình ông Roanh mong muốn được gặp lại các đồng chí cùng đơn vị, hay chỉ huy các đơn vị mà ông Roanh từng chiến đấu, công tác để giúp ông khôi phục lại các giấy tờ. Gia đình cũng mong các ban, ngành, đoàn thể và chính quyền địa phương của tỉnh Thái Bình và thành phố Đà Nẵng tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để gia đình ông được làm hồ sơ, giấy tờ khác để có chút quyền lợi những ngày cuối đời khi mà trí nhớ của ông chưa được phục hồi.
HỒNG LOAN

Người lính trở về sau gần 50 năm làm liệt sĩ (Kỳ 3)

Ngày đăng: 20/06/2017 | Lượt xem: 1822
   Sau khi báo Quân khu 5 đăng tải bài viết “Người lính trở về sau gần 50 năm làm liệt sĩ”, tôi đã gặp được người chỉ huy cũ của ông Vũ Đắc Roanh. Qua lời kể của đồng chí đại đội trưởng năm xưa, thân phận của ông Roanh đã rõ ràng và gia đình ông rất cần sự quan tâm, giúp đỡ của các cấp, các ngành, các nhà hảo tâm để ông có thêm động lực cho những ngày cuối đời !
   Thật cảm động khi hai người lính già gặp lại nhau, họ đã ôm chặt lấy nhau và chỉ biết khóc. Chính giây phút ấy ông Roanh đã tỉnh táo, gọi tên người đại đội trưởng của mình năm xưa: Đoan- Đoan...! Tôi và những người trong gia đình ông đã vỡ òa trong dòng nước mắt hạnh phúc, khi chứng kiến hai người lính gặp nhau sau gần 50 năm xa cách.
Người đại đội trưởng năm xưa là bác Mai Minh Đoan, sinh năm 1945, quê ở Nga Sơn - Thanh Hóa, thường trú ở phường Hòa Thuận Tây, thành phố Đà Nẵng. Nhập ngũ ngày 10/04/1962, vào Nam chiến đấu năm 1965. Ông nguyên là đại đội trưởng c2/d40 Đặc công Sư đoàn 3 Sao Vàng (tháng 2/1968). Nguyên Phó Trung đoàn trưởng-TMT/Trung đoàn 280/QK5 (nay là Lữ CB280). Bác Đoan đã chuẩn bị tư tưởng cho mình trước khi diễn ra cuộc gặp là: bình tĩnh, tránh xúc động và mang theo một tấm ảnh của bác chụp cách đây gần 50 năm để xem ông Roanh có nhận ra người đại đội trưởng của mình năm xưa không!
Khi bước vào nhà, bác Đoan đã nhận ra ngay đồng chí Vũ Đắc Roanh - người liên lạc cho đại đội của bác gần 50 năm trước. Bác Đoan ngồi xuống bên cạnh và ôm vai ông Roanh, rút tấm ảnh ra và hỏi: Ông biết ai trong tấm ảnh này không ? ông Roanh trả lời ngập ngừng rồi nhớ  nhớ - quên quên. Bác Đoan lại chỉ lên mặt của mình và hỏi: Ai đây? Bỗng nhiên ông Roanh ôm chầm lấy bác  Đoan và nói: Đoan - Đoan... hai người ôm chặt lấy nhau khóc. Và từ đây những uẩn khúc về câu chuyện: Người lính trở về sau gần 50 năm làm liệt sĩ, đã được người đại đội trưởng năm xưa kể lại.
   Đầu  năm 1968, Đại đội 2, tiểu đoàn 40 Đặc công, Sư đoàn 3 Sao Vàng được cấp trên giao nhiệm vụ đánh sân bay Phù Cát. Ngày 04/8/1968, đại đội trưởng Mai Minh Đoan và Chính trị viên về Sư đoàn nhận nhiệm vụ. Sau khi nghe quán triệt và nhận nhiệm vụ xong, chúng tôi đến Ban Quân lực Sư đoàn xin bổ sung quân số cho đơn vị và được Ban Quân lực rút lại một đồng chí có danh sách bổ sung cho Tiểu đoàn 7 về đại đội 2 theo đề nghị của tôi. Người đó chính là đồng chí Vũ Đắc Roanh và đồng chí Roanh được Ban chỉ huy đại đội giao nhiệm vụ vừa thống kê vừa làm liên lạc cho Ban chỉ huy.
Ngày 07/8/1968, đơn vị hành quân từ Nam Bình Định ra Bắc Quảng Ngãi để tham gia chiến dịch X2. Sau khi chiến dịch kết thúc, đồng chí Roanh được cấp trên cho đi học lớp y tá (từ 10/1968 đến 01/1969). Khóa học kết thúc, trên đường về lại đơn vị bị máy bay địch nén bom, một số đồng chí hy sinh, đồng chí Vũ Đắc Roanh bị thương nặng và được đưa vào bệnh xá Sư đoàn điều trị. Mấy ngày sau tôi và đồng chí chính trị viên đại đội đến thăm, nhưng đồng chí Roanh vẫn đang trong tình trạng hôn mê; hơn nửa tháng sau, tôi và đồng chí đại đội phó tiếp tục đến bệnh xá của Sư đoàn để thăm đồng chí Roanh. Lần này chúng tôi không gặp được đồng chí Roanh, vì do sức ép của bom quá nặng, đồng chí Roanh bị loạn thần 60-70%, nên bệnh xá Sư đoàn đã chuyển đồng chí lên tuyến trên để điều trị và từ đó chúng tôi mất liên lạc với ñoàng chí Roanh.


Bác Mai Minh Đoan (nguyên Đại đội trưởng c2/d40 đặc công/Sư đoàn 3 Sao Vàng gặp lại đồng đội cũ (ông Vũ Đắc Roanh) sau 50 năm xa cách.

   Sau giải phóng không biết đồng đội của mình ai còn ai mất, mỗi người mỗi quê, nên việc tìm kiếm rất khó. Năm 2010, bác Đoan đăng ký tham gia chương trình “Chiếc nón kỳ diệu”, với mục đích qua chương trình làm thông điệp nhắn tìm đồng đội. Sau chương trình ấy bác Đoan đã tìm được một số đồng đội cũ của mình, còn ông Roanh thì vẫn biệt tăm.
   Nhờ Báo Quân khu 5, bác Đoan đã tìm được đồng đội năm xưa. Khi trao đổi với bác Đoan, tôi có thắc mắc hỏi bác một điều: Tại sao tên khai sinh của ông Roanh là Vũ Đắc Roanh, nhưng trong giấy báo tử lại ghi là Vũ Đức Roanh, thì bác Đoan cười to và nói: “Chính bác là người đã đặt tên lót có chữ Đức Roanh, bởi lúc sinh hoạt vui vẻ tôi trêu: Sao tên mày khó đọc thế, tên Roanh đã khó đọc rồi, vậy mà còn lót chữ Đắc nữa, làm sao đọc cho được, tao sửa thành chữ Đức, đọc là Đức Roanh cho dễ”. Và câu chuyện vui vô tình gọi tên lót mới cho dễ kêu như vậy, nên khi ông  Roanh mất liên lạc, Sư đoàn đã gửi giấy báo tử về địa phương ghi Vũ Đức Roanh là vậy.
Gặp lại đồng đội của mình sau gần 50 năm xa cách ở trạng thái gần như vô thức và có cả vô danh, bác Đoan mong muốn các cấp, các ngành của thành phố Đà Nẵng, ban liên lạc Sư đoàn 3 Sao Vàng và đồng đội giúp đỡ đồng chí Roanh được làm lại các giấy tờ để hưởng chế độ chính sách. Điều mong ước nhất của gia đình bây giờ là ông Roanh có được Chứng minh Nhân dân và hộ khẩu nơi thường trú, để sớm mua được thẻ Bảo hiểm y tế, vì mỗi lần ông đi bệnh viện rất tốn kém, mà gia đình thì quá nghèo.
   Qua bài viết này, gia đình ông Roanh xin được cám ơn Huyện ủy và UBND huyện Hòa Vang (thành phố Đà Nẵng) đã cử cán bộ đến thăm và trao số tiền hỗ trợ 5 triệu đồng; cô Phạm Thị Sáu, ở đường Ngô Chi Lan, phường Thanh Bình, thành phố Đà Nẵng, (trước đây là nữ công an biệt động B3 Ban an ninh tỉnh Quảng Đà) đã đến  thăm và gửi tiền, quà giúp gia đình ông Roanh. Xin cảm ơn phóng viên Thùy Trang (Văn phòng đại diện Truyền hình Quốc hội tại Đà Nẵng) đã đến thăm và tặng quà cho gia đình ông Roanh.
   Qua lời kể của đồng chí đại đội trưởng năm xưa, phần nào giúp chúng ta hiểu được vì sao ông Roanh đã đi lang thang và dừng chân tại thành phố Đà Nẵng từ năm 1972 đến nay. Nay thân phận của ông đã rõ ràng, gia đình ông Roanh rất cần sự quan tâm của các cấp, các ngành để ông có thêm động lực sống tiếp  những ngày cuối đời.
HỒNG LOAN
  
Nhập hồn chiến sỹ sau 49 năm tìm mộ làm dậy sóng xã hội

Hiện tượng nhập vong dưới ánh mặt trời

Năm 2008 tại số 1 phố Đông Tác (Hà Nội), lần đầu tiên các nhà khoa học nhiều ngành được mời chứng kiến hiện tượng áp vong. Linh hồn người chết nhập vào người sống nói chuyện mình. Hiện tượng đó diễn ra trước mắt các nhà khoa học đã tạo ra một cơn sốt thực sự trong các nhà khoa học lúc bấy giờ.
Chỉ sau vài năm, hàng trăm trung tâm giao lưu âm dương, có khả năng gọi hồn, áp vong khiến linh hồn người chết nhập vào bất kỳ người nào. Dựa vào nhu cầu xã hội, áp vong, gọi hồn phổ biến áp dụng trong việc đi tìm mộ thất lạc, mộ người thân và đặc biệt là mộ liệt sĩ. Chỉ riêng tỉnh Nghệ An đã có tới 15 trung tâm tìm mộ liệt sĩ. Ngoài ra hàng trăm trung tâm khác gọi hồn, bói toán, trừ ma... cũng ứng dụng hiện tượng áp vong, mọc lên như nấm sau mưa. Các trung tâm tìm mộ liệt sĩ trong 4 năm qua đã tìm được hàng vạn mộ liệt sĩ với những tình tiết ly kỳ, nhiều khi đến rùng rợn.

Đã có hiện tượng vong nhập ở trung tâm, dưới sự mời gọi của nhà ngoại cảm, lại có hiện tượng tự nhiên bị vong nhập. Có hiện tượng mấy em học sinh THCS bỗng bị vong nhập chỉ mộ liệt sĩ ngay tại sân trường, có người vong nhập xong không đi, suốt ngày điên loạn, mãi đến khi vào viện tâm thần, vong mới đi. Đã có người chết vì vong nhập. Nhưng đáng lo là trong số hàng vạn mộ liệt sĩ do các trung tâm ngoại cảm tìm thấy có bao nhiêu hàng thật và bao nhiêu hàng giả? Có bao nhiêu nhà mang tổ mối, đất bùn về thờ cúng.... Có nhà ngoại cảm nổi tiếng đã tuyên bố một câu xanh rờn: Nếu thử ADN tất cả các mộ mà các nhà ngoại cảm tìm được, chỉ cần chính xác đến 3% tôi sẽ bán toàn bộ gia sản để đền bù!
Chuyện tìm mộ liệt sĩ là chuyện lớn. Cho đến nay còn có 650 ngàn liệt sĩ và bộ đội mất tích chưa tìm thấy mộ. Việc các nhà ngoại cảm tìm mộ liệt sĩ nếu chính xác sẽ được động viên, giúp đỡ. Bộ Lao động - Thương binh & Xã hội đã trả lời như vậy. Nhưng theo chúng tôi tất cả các mộ liệt sĩ do các nhà ngoại cảm tìm thấy cần phải thử ADN sẽ xác định chính xác hơn.
Gọi hồn - vong nhập tâm linh và khoa học
Gọi hồn, vong nhập là hiện tượng linh hồn người khác, có thể là thánh thần, cũng có thể là người đã chết nhập vào cơ thể người sống, điều khiển người sống đưa ra các chỉ dẫn của linh hồn. Hiện tượng này giống như lên đồng (thật), hoặc là nhập hồn.

Theo các tài liệu nghiên cứu tôn giáo, nhập hồn, lên đồng là một hoạt động tôn giáo có nguồn gốc đến hàng ngàn năm trước của con người. Đó có thể là Saman giáo, một dạng lên đồng nhập hồn của vùng đồng cỏ Siberi – Mông Cổ, lên đồng như hợp thể với vũ trụ của Đạo giáo (Trung Quốc) và cũng là gốc của đồng bóng Việt Nam, phù thuỷ, thầy cúng của các văn hoá tiểu đảo...
Vong nhập, lên đồng... là một trạng thái tâm lý đặc biệt, một trạng thái bệnh lý xuất phát từ vô thức, theo danh mục các loại bệnh tâm thần của Tổ chức Y tế thế giới được xếp vào loại hội chứng lên đồng.
Một người bị vong nhập tức là người đó không bình thường, có vấn đề về thần kinh hoặc tâm thần (nhẹ hoặc nặng). Nguồn gốc của hiện tượng vong nhập là sự tương tác của ám thị lạ và tự ám thị. Khi một người đi áp vong, hoặc lên đồng thường ngồi tập trung như ngồi thiền để đầu óc trống rỗng. Trạng thái này đưa bộ não trở về vô thức. Trong trạng thái khởi đầu vô thức, người đó vẫn nhận biết xung quanh, tiếp nhận các ám thị lạ như về liệt sĩ, về đau thương, về chiến trận qua thầy pháp hoặc nhà ngoại cảm. Khi bộ não chìm vào vô thức các tác động từ bên ngoài sẽ là ám thị lạ  tạo ra sự tự ám thị. Trong trạng thái tự ám thị nhiều khi rất mạnh mẽ đặc biệt đối với những người có thế năng bệnh tâm thần cao, bộ não sẽ nhào nặn, xây dựng thành các kịch bản đặc biệt.
Cái đáng sợ là hiện tượng vong nhập thường xảy ra ở những người yếu bóng vía hoặc vừa trải qua một cơn biến động tâm lý, ví dụ vừa ốm dậy, hoặc thường có tình trạng bất bình thường, tức là đã có dấu hiệu của bệnh tâm thần. Thế năng của bệnh đã đủ lớn nhưng do kiềm chế của bộ não bệnh chưa phát ra. Tuy nhiên nếu dự các buổi áp vong và bị vong nhập thì cuộc áp vong giống như giọt nước cuối cùng làm cho thế năng tâm thần được giải phóng và gây bệnh. Đây là quan điểm của bác sĩ Trần Văn Cường, nguyên Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Trung ương.
Tiêu biểu có đại gia đình ở Phúc Thọ (Hà Nội) đã bị vong nhập khủng khiếp khiến người mất mạng, người phát điên. Cụ thể, người bị vong nhập đến chết là chị Cấn Thị Lâm, con ông Cấn Văn Hùng. Những người khác như chị Cấn Thị Nhung, Cấn Thị Thuỷ (con gái ông Cấn văn Dũng, anh trai ông Hùng) và một người con dâu trong nhà cũng bị vong nhập thành điên khùng. Không chỉ 4 người phụ nữ bị điên, mà cả 3 anh em ông Hùng, ông Dũng và ông Phi cũng bị vong nhập đến mức nổi điên. Chỉ đến khi gia đình đưa những người này vào Bệnh viện Tâm thần Trung ương và Bệnh viện Bạch Mai chữa trị thì họ mới trở lại bình thường.
Tình trạng các trung tâm giao lưu âm dương nở rộ như cỏ mùa mưa đã làm tăng hàng trăm bệnh nhân tâm thần. Riêng tại Nghệ An đã có trên 20 người sau các buổi áp vong phải vào bệnh viện tâm thần điều trị. Theo Ths. Nguyễn Mạnh Quân, chuyên gia về thôi miên y học, chuyện áp vong bây giờ mới phổ biến ở nước ta là do công tác chống mê tín dị đoan tiến hành mạnh mẽ trong những năm cuối thế kỷ trước. Bây giờ việc tâm linh cũng được cởi mở và phát triển hơn. Nhưng cách đây hơn 100 năm, tại Mỹ và châu Âu, hiện tượng này cũng nở rộ và gây nên làn sóng mê tín dị đoan với nhiều hậu quả nghiêm trọng. Sau khi hàng loạt các công trình khoa học được công bố, giải mã hiện tượng này, người ta mới tin linh hồn không nhập lung tung vào người như vậy.
Có tồn tại linh hồn?
Do các nghiên cứu con người sau chết đang được tiến hành và đã nhận thấy có dấu hiệu của tình trạng thoát “khí” một dạng năng lượng khỏi cơ thể con người, có sự tụ tán theo quy luật của các thể “khí” đó, dẫn đến sự nghi vấn có tồn tại linh hồn. Mặt khác cũng đã có nhà ngoại cảm tìm được mộ thật được xác định sau khi thử ADN, cũng như có những hiện tượng khoa học chưa giải thích được như thần giao cách cảm, giác quan thứ 6, giấc mơ tiên đoán cho nên các nhà khoa học cũng chưa phủ nhận hoàn toàn hiện tượng vong nhập.
Tuy nhiên cần xác định rằng hiện tượng vong nhập thật sự (nghĩa là có linh hồn nhập vào người sống, không phải hiện tượng tự ám thị) rất ít. Cũng như các đồng bóng hiện nay mặc dù đã lên đồng nhưng nhập đồng thực sự gần như không có. Họ chỉ diễn đồng thôi.
Nhưng linh hồn có thật không? Phải có linh hồn, tức là vong mới có thể nhập vào ai đó. BS.TTND Nguyễn Xuân Hướng, nguyên Chủ tịch Hội Đông Y Việt Nam cho biết, từ xa xưa Đông y đã luôn công nhận con người gồm hai phần hồn và xác. Vì Đông y lấy thuyết âm dương và khí huyết làm chủ. Con người sống được là nhờ âm dương cân bằng và khí huyết đầy đủ.
Khí là vô hình, huyết là hữu hình. Khi người ta chết, Đông y có câu "hữu hình - hữu diệt, vô hình - bất diệt", nghĩa là những cái nhìn thấy được - hữu hình: Xương, thịt, huyết... mất đi, vô hình - khí tồn tại vĩnh cửu trong không gian.
Theo một số nhà nghiên cứu khác thì phần hồn cũng không thể tồn tại mãi mãi bởi chúng là các hạt điện sinh học. Tùy thuộc mức độ năng lượng sinh học của mỗi vong hồn mà các vong hồn khác nhau có tần số bước sóng sinh học khác nhau, trở thành các vong khác nhau. Các loại tần số này là vô số và tốc độ được xếp từ thấp đến cao và siêu siêu tốc. Cũng vì thế các siêu linh này không còn khái niệm về thời gian và không gian. Siêu linh có mặt ở khắp nơi, ở mọi không gian không tính thời gian. Nói đơn giản là họ có mặt ở mọi lúc, mọi nơi.
Tuy nhiên lý thuyết của các nhà khoa học này cũng chỉ mới là giả thuyết, chưa thể chứng minh!
Theo antđ

Thực hư chuyện người chết nhập hồn về nói chuyện

Thuc hu chuyen nguoi chet nhap hon ve noi chuyen
Ảnh có tính chất minh họa

Trong cuộc sống, người ta vẫn thường nói đến những câu chuyện ""vong nhập"", lấy người sống để áp vong người chết, cho dương thế “giao lưu” với âm phủ? Đó có thực sự là câu chuyện có thật hay không thì vẫn là câu hỏi chưa có lời giải đáp một cách thỏa đáng bằng khoa học.

Vong nhập vào trẻ con
Không phải chờ đến khi các trung tâm tìm mộ với chiêu “áp vong” người chết mọc lên như nấm thì người ta mới nói nhiều về việc vong nhập vào người mà những câu chuyện ấy đã tồn tại trong dân gian từ lâu nay. Chuyện những đứa trẻ “bị ma làm”, “bị hồn bắt mất vía” đã không còn xa lạ.

Ông Trần Văn Chung ở Hải Xuân, Hải Hậu, Nam Định nhiều năm trước được xã ủy quyền cho việc thu tiền điện. Ông Chung sinh hai đứa con đầu đều không may qua đời khi vừa tuổi lên 3. Một lần ông đi thu tiền điện của một hộ gia đình, thấy con chủ nhà dễ thương, ông có hỏi han mấy câu. Khi ông vừa rời khỏi cửa, đứa trẻ bắt đầu khóc cho đến tận nửa đêm vẫn không nín. Gia đình tá hỏa, ai cũng bảo do ông Chung có qua đây, đứa trẻ con ông Chung đã là ma nhập vào người ông Chung, khi gặp đứa trẻ con khác thì thích trêu đùa. Và nếu khi đã bị ma nhập thì chỉ có ông Chung mới làm cho đứa bé nín. Quả tình, chả biết thế nào, khi ông Chung đến và nói: “Hai đứa Dần, Mão lên lưng bố cõng về, đừng ở đây trêu cháu nữa”. Rồi ông làm động tác cõng đứa trẻ trên lưng mà đi về nhà. Lạ thay, khi ông Chung đi về thì đứa trẻ kia cũng nín, ngoan ngoãn ăn uống và đi ngủ. Chính người vợ ông Chung trong một lần lên thăm cháu ruột khi đầy tháng cũng đã khiến đứa trẻ đó quấy khóc và vợ chồng ông ở nhà đã phải đốt hương gọi con về.

Trẻ em - theo quan niệm của nhiều người thường là nhẹ vía nên rất dễ bị vong nhập. Con gái chị Nguyễn Minh Thu ở phố Bạch Mai, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội vốn là một bé gái khỏe mạnh năm nay đã lên 5 tuổi. Trong một lần về quê, cháu đi chơi và gặp một bụi hoa mẫu đơn liền hái về nhà chơi. Sau đó thì mặt mũi cháu bỗng tái xanh và đến khoảng 9h tối bắt đầu khóc lóc, không chịu đi học. Ngay hôm sau, sự việc vẫn tiếp diễn. Sự việc xảy ra trong vòng 1 tuần và chị buộc phải cho con nghỉ học ở nhà, nhưng ở nhà bé không ăn không uống và thỉnh thoảng ngồi lảm nhảm nói chuyện một mình. Chính bà ngoại cháu đã chứng kiến cháu ngồi nói chuyện một mình liền hỏi nói chuyện với ai thì bé nói là nói với bạn, nhưng đó là người mà bà không nhìn thấy. Chị Thu hỏi thì nhận được câu trả lời “bạn nhưng mẹ đến thì bạn ấy đi mất”, chị hỏi nói chuyện gì thì bé nói “bạn rủ con đi vào vòng xoáy”. Lúc này mọi người trong nhà mới nghĩ ra chỗ bụi mẫu đơn mà cháu hái hoa có một cháu bé trạc tuổi cô bé này bị tai nạn xe máy qua đời. Chị Thu rất hốt hoảng nhờ thầy bắt vong. Thầy cho con chị đeo bùa vào người, 1 ngày sau, cháu mới hồng hào trở lại, ăn uống bình thường và tiếp tục đi học như chưa có chuyện gì xảy ra.

Vong nhập cả vào người lớn



Không chỉ những em bé nhẹ vía mới bị cho là vong nhập mà ngay kể cả những cô cậu học trò 17,18 tuổi cũng bị vong nhập. Vào khoảng tháng 10-2011, tại trường Nguyễn Văn Trỗi, huyện Lộc Hà, Hà Tĩnh người ta đã đồn ầm ĩ về chuyện “trường học có ma” khi thấy nữ sinh tự nhiên ngất xỉu, sau khi tỉnh dậy có hành động kỳ lạ khác bình thường. Theo lời kể của các học sinh, thì 2 nữ sinh bị cho là vong nhập đã nói ở phía dưới dãy nhà của lớp 12 có nhiều hài cốt chưa được bốc đi, họ đói rách, lạnh lẽo lắm. Rồi xin nhà trường lập bàn thờ, đốt hương vàng, áo vải cho. Các bạn của 2 nữ sinh này đã rất nhiều lần thấy 2 nữ sinh ngất đi, tỉnh lại tự xưng mình là người rất xa lạ, khi nói là đàn ông 51 tuổi, khi thì xưng là trẻ con. Gia đình các nữ sinh cũng cho con đi khám tại các bệnh viện song kết quả là không bệnh tật gì, sức khỏe tốt rồi cho thuốc an thần về uống. Chính thầy giáo Lê Thái Phi - Phó Hiệu trưởng nhà trường cũng cho rằng có hiện tượng như vậy và rất khác thường nhưng để giải thích thì thật khó nói cho thỏa đáng.

Trước đó vào khoảng tháng 8-2011, cậu học trò Đỗ Văn Bình ở thôn Hoành, xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức vốn ngoan ngoãn, chăm học, vừa thi hai trường ĐH Công nghiệp và CĐ Y Hà Nội đang chờ kết quả bỗng trở nên thay đổi lạ thường. Bình không chịu ăn uống gì chỉ liên tục “nốc rượu”, hai mắt gằn lên những tia lửa đỏ rực, luôn miệng quát tháo những người trong nhà. Người làng rì rầm kháo nhau, ấy là nó bị “vong” nhập. Nhưng khác với hai nữ sinh ở Hà Tĩnh, Bình không tự nhiên bị nhập mà do “thầy” tác động để tìm mộ liệt sỹ. Nhưng việc tìm mộ không diễn ra như mong muốn của gia đình mà Bình thì mỗi lần “vong nhập” đều rất mệt mỏi vì quay cuồng đầu óc.

Anh thanh niên Nguyễn Hữu Đ ở Thanh Miện, Hải Dương trong lần tìm đến Liên hiệp Khoa học ứng dụng lại cho rằng mình bị “ma chửa” nhập vào. Mặt mũi đỏ gay đỏ gắt, nói giọng con gái ẻo lả, cứ lúc khóc lúc cười khanh khách, cái bụng tự nhiên trương phình lên như người chửa 8 tháng (?!). Mỗi lần ma nhập, anh thanh niên này phải cởi ngay quần áo kẻo bụng phình lên đứt hết cúc và đau đớn không chịu nổi. Nhiều lần các nhà khoa học đã dùng máy móc hiện đại để chụp chiếu, siêu âm phần bụng đột nhiên trương phình của anh ta, song vẫn không phát hiện ra nguyên nhân do đâu. Khi “ma nhập”, các nhà khoa học và gia đình đưa anh ta đi viện, song cứ đến viện là bụng liền xẹp đi, cơ thể trở về trạng thái bình thường. Các bác sĩ cũng khám và siêu âm các kiểu, song không phát hiện anh Đ có bệnh gì, thần kinh cũng hoàn toàn bình thường. Khi các nhà khoa học sử dụng phương pháp dân gian là dùng roi dâu vụt vào cơ thể anh ta, thì tự nhiên “con ma” thoát ra ngoài, và cái bụng anh dần dần xẹp xuống (?!).

Vong nhập hay bệnh tâm thần?

Theo bác sĩ Trần Văn Cường, nguyên Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Trung ương thì vong nhập, lên đồng... là một trạng thái tâm lý đặc biệt, một trạng thái bệnh lý xuất phát từ vô thức một nhóm bệnh nằm trong bảng phân loại về các loại bệnh tâm thần đã được tổ chức Y tế thế giới (WHO) xếp vào mục F44.3. Một người bị vong nhập tức là người đó không bình thường, có vấn đề về thần kinh hoặc tâm thần (nhẹ hoặc nặng).

Nguồn gốc của hiện tượng vong nhập là sự tương tác của ám thị lạ và tự ám thị. Khi một người đi áp vong, hoặc lên đồng thường ngồi tập trung như ngồi thiền để đầu óc trống rỗng. Trạng thái này đưa bộ não trở về vô thức. Trong trạng thái khởi đầu vô thức, người đó vẫn nhận biết xung quanh, tiếp nhận các ám thị lạ như về liệt sĩ, về đau thương, về chiến trận qua thầy pháp hoặc nhà ngoại cảm. Khi bộ não chìm vào vô thức các tác động từ bên ngoài sẽ là ám thị lạ tạo ra sự tự ám thị. Trong trạng thái tự ám thị nhiều khi rất mạnh mẽ đặc biệt đối với những người có thế năng bệnh tâm thần cao, bộ não sẽ nhào nặn, xây dựng thành các kịch bản đặc biệt.

Cái đáng sợ là hiện tượng vong nhập thường xảy ra ở những người yếu bóng vía hoặc vừa trải qua một cơn biến động tâm lý, ví dụ vừa ốm dậy, hoặc thường có tình trạng bất bình thường, tức là đã có dấu hiệu của bệnh tâm thần. Thế năng của bệnh đã đủ lớn nhưng do kiềm chế của bộ não bệnh chưa phát ra. Tuy nhiên nếu dự các buổi áp vong và bị vong nhập thì cuộc áp vong giống như giọt nước cuối cùng làm cho thế năng tâm thần được giải phóng và gây bệnh. Cùng câu hỏi này theo Thượng tọa Thích Quảng Tùng - Trụ trì chùa Hàng, Thủy Nguyên, Hải Phòng thì điều đó cũng có thể xảy ra. Bản thân Thượng tọa mỗi chiều chủ nhật hàng tuần cũng có tiếp xúc với một số người thì thấy rằng đúng là có những người có cách xử sự hơi khác người bình thường, la hét, nói lăng lảm nhảm nhưng không phải ai trong số họ cũng bị ma nhập. Trong số hàng trăm người tìm đến Chùa Hàng vì cho rằng Thượng tọa có thể bắt ma thì họa hoằn mới có người có thể bị vong nhập, còn như nhiều nghiên cứu khoa học đã cho thấy, người trần dù có tu hành đi chăng nữa mà nhìn thấy vong theo người khác cũng là người không bình thường, có dấu hiệu thần kinh.

Trước tình trạng nhiều người quá tin vào chuyện vong, linh hồn nhập vào người đang xôn xao trong dư luận, các nhà khoa học đã tiến hành nghiên cứu, ban đầu họ cho rằng đây là hiện tượng của bệnh thần kinh những áp lực về cuộc sống, tiềm thức khiến cho họ cần phải dùng thế lực siêu nhiên để giảm đi những áp lực ấy hay còn gọi là sự ''rối loạn đa nhân cách''. Tuy nhiên hiện tượng “ma nhập” vẫn còn là đề tài chưa có hồi kết, vẫn cần nhiều lời giải đáp.

Theo ANTĐ
(Theo_VnMedia )
 

Trải nghiệm thống khổ của người vô thần bị hồn nhập và kỳ tích triển hiện khi có đức tin

Chị Trần Thị Yên là người vô thần, những gì xảy đến với chị khiến chị có cái nhìn khác về tâm linh.
Chị Trần Thị Yên là người vô thần, những gì xảy đến với chị khiến chị có cái nhìn khác về tâm linh.
Một người không tin có ma quỷ, có linh hồn thì lại chứng kiến điều đó như một khẳng định chắc chắn rằng “tôi đã sai”.
Những người trung tuổi thường trải qua thời bao cấp thiếu thốn. Tôi và chị hai sinh mệnh được gắn kết trong một chiều mưa Sài Gòn bên ly trà đắng. Ngoài kia trời vẫn đổ dông, cơn dông của Sài Gòn, biến đổi khí hậu nên dai dẳng, đã mất rồi ‘trời chợt mưa, chợt nắng’ của ngày xưa.
Tôi ngồi nhìn chị, ẩn sau nỗi khắc khoải của thời gian hiện trên gương mặt là một niềm vui an lạc khó nói thành lời. Tôi không thể hình dung vì sao chị lại có thể trải qua nhiều sóng gió và biến cố đến như vậy. Cái thời đói khổ nheo nhóc, chị kể rằng…
Từng giọt mưa tí tách bên ly trà đắng tôi lắng nghe câu chuyện về cuộc đời chị với nhiều thăng trầm. Ảnh Chị Yên thời trẻ.
Tôi là Trần Thị Yên, sinh năm 1954. Nhà tôi bên đê sông Hồng, ở xã Hồng An, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình.

Tuổi thơ đói khổ và ước mơ thoát li

Dòng sông quê tôi đỏ nặng phù sa mỗi mùa mưa lũ. Trong ký ức của đứa trẻ thơ dại, dòng sông ấy khi nổi giận rất dữ dằn cuồn cuộn cuốn phăng hoa mầu nhà cửa ven bờ. Những ký ức đói khổ của vùng quê nghèo với những mùa mưa bão luôn quay quắt vì chưa bao giờ làng tôi đủ ăn sau mùa thu hoạch 2 tháng. Vừa thu hoạch tháng trước tháng sau đã hết gạo. Bố mẹ tôi sinh bảy người con, nhà nông, vùng đồng trũng tứ bề thiếu đói. Nhưng mẹ chạy đồng, chạy chợ nên chị em tôi được đến trường.
Học xong lớp 7 hệ 10 năm, tôi cũng như bao người ở quê tiếp tục làm ruộng và ao ước: Đi đâu cũng được, miễn là thoát cảnh nhà quê. Trước đây, ai muốn được đi học nghề hay đi học ngành gì cũng phải là diện gia đình chính sách, con cán bộ, cha mẹ, anh chị đi chiến trường hoặc gia đình liệt sĩ mới có vinh dự ấy. Người ta cạy cục khắp cửa quen biết để được cầm một tấm giấy nhập học. Bởi vì, được đi học, kể cả đi làm công nhân không phải ở lại làng là coi như thoát li. Điều ấy quan trọng và rất hãnh diện, vì nó đồng nghĩa với không sợ đói và được gắn ‘mác’ người nhà nước.
Mặc dù gạo của cán bộ và công nhân là do nông dân làm ra, nhưng người nông dân luôn thiếu đói. Chỉ có đi làm nhà nước, tức là thoát cảnh làm nông thì mới được chính phủ phân gạo và các nhu yếu phẩm khác qua hình thức tem phiếu, mà nông dân thì không có phiếu để mua. Hồi đó, muốn mua gì người ta phải cầm phiếu ra cửa hàng thương nghiệp để mua, mà phiếu thì chỉ người nhà nước mới có.
Trong lúc đang mong ước được đi thoát li để không còn ở cái cảnh đói nữa thì tôi nghe nói, chính sách đi học đợt này là dành cho con em gia đình liệt sĩ hoặc có người đi B. May quá, anh trai cả của tôi đang ở chiến trường B (chiến trường miền Nam trong những năm chiến tranh).

Lênh đênh phận gái xa nhà

Thế là tôi được đi học trường Trung cấp Thủy sản trung ương 1 Hải Phòng. Xa nhà, xa quê, xa mẹ… biết bao nhớ thương. Rồi tôi tốt nghiệp đúng lúc đất nước thống nhất. Tôi và bạn bè lại lên đường Nam tiến theo danh sách biệt phái của Bộ Thủy sản. Chả là sau giải phóng không ai muốn vào Nam. Ra đi là do yêu cầu và phân công của tổ chức chứ thân gái vạn dặm đường xa, lạ nước lạ cái. Tôi và bạn bè vào tận Cà Mau để làm việc cho Sở Thủy sản Minh Hải. Nói cho nó oai, thực chất là đi nuôi tôm (chị cười). Lạc lõng giữa vùng đất hoang vu, vắng vẻ, muỗi nhiều như trấu. Rừng U minh, khoảng 4 giờ chiều là rừng đã bắt đầu âm âm u u, muỗi oanh tạc. Chúng tôi bỏ mùng rồi ngồi trong đó tránh muỗi, giường thì được làm bằng mấy cây già ghép lại, đơn sơ nhưng tuổi trẻ vẫn thấy vui.
Lăn lộn 2 năm. Ngủ mái tranh, che lán lá… Tôi được điều động về Trường Đại học Cần Thơ. Về Cần Thơ sống mười sáu năm với cuộc hôn nhân ngắn ngủi, thêm một đứa con thơ dại… rồi tôi ở vậy nuôi con trong khu nhà tập thể của trường.
Chị Yên và con gái (ảnh chụp tại Nha Trang 1996)
Những tháng ngày kỉ niệm ấy thật khó quên. Công việc của tôi ở đó là làm trại cá thực nghiệm của Khoa Thủy sản, nơi để sinh viên khoa nuôi trồng thủy sản thực tập giáo trình chuyên môn và làm luận văn tốt nghiệp, tuy vất vả nhưng rất tình người nên cuộc sống nhẹ nhàng ấm áp.
Duy chỉ có hai việc làm tôi… không vui. Một là: chúng tôi phải vạc đầu hàng tấn cá sống mỗi năm. Vì công việc giúp cho cá nước ngọt sinh sản nhân tạo nên cần dùng thuốc kích thích cho cá đẻ. Nhưng hồi đó, mua thuốc rất khó khăn nên chúng tôi phải lấy não thuỳ thể tươi của nó mà chích cho cá sinh sản nhân tạo. Còn việc thứ hai đã ám ảnh tôi nhiều năm. Vì thuốc HCG rất cần thiết trong quá trình sinh sản của cá, mà thuốc này thời đó cũng hiếm nên chúng tôi phải tự điều chế. Chúng tôi xin những thai nhi chết lưu dưới ba tháng của bệnh viện mang về để làm thuốc. Bởi vì chúng tôi khi ấy hoàn toàn tin vào thuyết vô thần, chết là hết, không tin có linh hồn, có ma quỷ, có thiện ác hữu báo nên chúng tôi không biết sợ. Tuy vậy nỗi ám ảnh ấy phải rất lâu, rất lâu mới có thể phai nhạt trong tâm trí tôi.

Đau đớn vì bệnh tật

Có lẽ vì nghiệp báo nặng nên tôi bị bệnh khá sớm. Ở tuổi 33 tôi bắt đầu đau chân và đầu gối luôn sưng tấy, đi lại khó khăn. Tôi chuyển về văn phòng Khoa vì không thể đứng hay đi lại để làm ở trại cá được nữa.
Năm 44 tuổi, tôi phát bệnh viêm đa khớp và bị liệt. Tôi vào điều trị tại bệnh viện Đông Y 175 với sự tận tuỵ chăm sóc và nhiều phương pháp từ các y bác sĩ, đặc biệt là bác sĩ trưởng khoa Nguyễn Thanh Xuân. Sau một năm tôi bình phục. Tuy nhiên, do mắc nhiều bệnh như: gai đốt sống cổ, viêm xoang hàm bướm, táo bón kinh niên, lệch đĩa đệm 5 đốt sống cổ, rối loạn tiền đình, tăng huyết áp…, nên tôi vẫn là bệnh nhân thường xuyên của bác sĩ Nguyễn Thanh Xuân và Bệnh viện 175. Lúc này, tôi đã lên Sài Gòn sinh sống và làm việc tại Trung tâm hỗ trợ giáo dục và đào tạo Ceset, đây là trung tâm tư vấn du học đầu tiên được Bộ GDĐT cấp phép hoạt động nên cũng tiện việc chữa bệnh cho bản thân. Cuộc sống của tôi cứ thế trôi qua. Tôi đã uống đủ thứ thuốc và dùng nhiều liệu pháp như: châm cứu, bấm huyệt, rọi đèn tia hồng ngoại… để chống chọi, cầm cự với các bệnh này.

Nỗi khổ của người vô thần bị hồn nhập

Nhưng bão tố đã ập đến cuộc đời tôi. Một người không tin có ma quỷ, có linh hồn thì lại chứng kiến điều đó như một khẳng định chắc chắn rằng “tôi đã sai”. Đó là năm 2013, tôi về quê, theo lời đề nghị của người thân tham gia tìm lại mộ 5 đời của dòng họ. Thật tình, tôi vốn không tin có linh hồn… Tôi tham gia tìm mộ với dòng họ vì tôi nghĩ, các cụ cũng già, ao ước có vậy nên cũng chiều lòng. Nhưng khi cuộc kiếm tìm mộ sang đến ngày thứ 4 thì bà cô tổ tứ đại nhập hồn vào tôi. Rồi mượn xác tôi, bà chỉ cho người ta tìm thấy mộ của mình. Và đến ngày thứ 5 thì dòng họ tôi đã tìm thấy mộ bà cô tổ.
Chị Yên (người bên trái) tin vào vô thần đã hoàn toàn bất ngờ khi bị hồn nhập.
Cả họ vui mừng, chỉ mình tôi từ đó gánh chịu nỗi đau mang tên “bệnh tâm linh”. Bà cô tổ đã không chịu rời khỏi thân xác của tôi kể từ đó. Bà cứ mượn xác tôi để cười, để khóc, để yêu cầu gì đó. Gia đình tôi đã tìm mọi phương cách. Tôi, một người không tin những gì gọi là linh hồn, là ma quỷ thì giờ đây lại thật sự sợ hãi và mệt lả khi phải tranh giành cái thân xác của chính mình với cái hồn ma mà không biết có phải bà cô tổ thật không. Kiệt quệ, nhà tôi đã làm đủ các loại lễ: Khai khẩu, lễ giải nghiệp chướng, lễ đổi bát hương nhà thờ tổ…, nhưng vô hiệu. Chỉ là tiền mất tật mang.
Sau đó là hành trình tìm thầy Pháp. Thầy đầu tiên là thầy Duy An ở thị trấn Hưng Hà, tỉnh Thái Bình. Thầy Pháp này nói đúng trạng thái của tôi. Nghĩa là, tôi luôn thấy mình lơ lửng trên cao mặc dù chân đang chạm đất… Nhưng thầy cũng không chữa khỏi bệnh cho tôi được. Mặc dầu, công bằng mà nói, sau lần gặp thầy làm lễ, tôi thấy mình đỡ lơ lửng trên cao hơn. Nói cách khác cái hồn cho là bà cô tổ 4 đời nhà tôi vẫn không chịu rời đi, nó vẫn còn giành xác tôi để sống. Sau đó là các buổi lễ tại đền Tiên La, ngôi đền thiêng nhất huyện Hưng Hà… nhưng tôi không hết bệnh.
Trạng thái của tôi rất khốn khổ. Có khi tôi đang làm việc gì đó, cái hồn muốn cười là bắt tôi cười, muốn khóc là bắt tôi khóc. Tôi muốn qua đường, đúng lúc vắng người, cái hồn lại không cho tôi qua, cứ giữ chân tôi chặt cứng; đến lúc đông người thì “nó” lại thả chân cho tôi qua, cảm giác bất lực mà không chống chọi nổi. Hàng ngày hàng đêm trôi qua như thế. Vô cùng khủng khiếp. Thân xác tôi kiệt quệ, tinh thần tôi cũng kiệt quệ.
Tôi vào thành phố Hồ Chí Minh tìm thầy Dũng (quận 11) nhờ thầy dùng phong thủy để dẫn “cô ma” đi nhưng không được. Tôi cũng ấn tống kinh vào chùa để người ta đọc kinh dẫn “hồn” đi nhưng “nó” vẫn bám chặt lấy tôi. Tôi lại ra Hà Nội, đến đền Tương Thuận phố Khâm Thiên nhờ cô Thủy bắt ma. Cô này nổi tiếng… Cô Thủy dẫn tôi về thành phố Nam Định bắt hồn nhưng không có gì thay đổi. “Nó” vẫn đồng hành cùng với tôi. Tuy nhiên, có lúc thì đứng bên ngoài, có khi nhập vào tôi. Nói cách khác là 3 năm tôi đã tiêu tốn không biết bao nhiêu tiền cho việc “bắt hồn” mà bất lực. Càng về sau cái hồn càng làm dữ hơn, nhập nhiều hơn, không cho tôi ăn ngủ. Ngày mẹ tôi mất khi đó tôi ở miền Nam còn mẹ tôi ở Bắc. Cái hồn dựng tôi dậy báo cho tôi biết, tôi hỏi lại: “Mẹ cháu mất phải không?”, nó ra hiệu “phải”.
Sau đám hiếu, tôi về lại Sài Gòn. Mỗi khi tôi nằm là nằm luôn không thể dậy. Ai gặp cũng nói tôi như người chết trôi. Chị gái tôi cũng bảo âm dương không thể sống cùng, nhưng đã hết cách mà không thể đuổi được hồn đi thì tôi biết làm gì! Tôi thở dài ngao ngán thấy rõ rằng có lẽ mình sẽ bị hành hạ cho đến chết thôi.

Gặp duyên Phật Pháp, tôi lên thuyền cập bến Giác an vui

Cuối năm 2016, thân xác tôi kiệt quệ phờ phạc như kẻ mất hồn, đi khám bác sĩ bảo bị cận suy tim và tăng huyết áp. Tôi dùng thuốc tây một thời gian thì quay lại dùng thuốc đông y. Tôi lại tìm đến vị đại tá bác sĩ, thầy thuốc ưu tú Nguyễn Thanh Xuân, người đã từng tận tuỵ chữa chạy cho tôi thời trước. Lúc này, anh đã nghỉ hưu. Tôi tới khám và lấy thuốc ở phòng mạch tư của anh. Bác sĩ là người đã điều trị cho tôi nhiều năm, có chuyên môn cả Đông và Tây Y nên tôi rất tin tưởng.
Chị Yên đang luyện bài công Pháp thứ hai của Pháp Luân Đại Pháp.
Chị Yên đang luyện bài công Pháp thứ hai của Pháp Luân Đại Pháp.
Lần này khác những lần trước, bác sĩ và vợ của anh đã nói với tôi: “Thôi cô ạ, đối với cô thì thôi, không cần dùng đến đơn thuốc nữa, đến đây anh chị dẫn đi tập Pháp Luân Công”. Chẳng giống như ngày xưa khi tôi còn ở Hà Nội, anh chị thường gửi cho tôi mỗi lần khoảng 30 thang thuốc, cứ hàng thùng và đều đặn. Lần này anh chị lại khuyên tôi nên tu luyện Pháp Luân Đại Pháp. Bác sĩ Nguyễn Thanh Xuân nguyên là một trưởng khoa giỏi về nghề, rất có tâm, đã điều trị cho tôi nhiều năm. Tôi rất hiểu và tin tưởng vào những lời khuyên của anh ấy.
Tôi theo anh chị đi luyện tập Pháp Luân Công hay còn gọi là Pháp Luân Đại Pháp. Tôi đã thực sự không phải hối tiếc, tôi cảm nhận được ngay điều kì diệu xảy ra với mình. Sau khi tập 5 bài công Pháp, người tôi nóng ấm, đi đứng nhẹ nhàng như có người đẩy. Sau hai tháng, bệnh “tâm linh” của tôi biến mất hoàn toàn. Sau 3 tháng, các bệnh khác cũng tiêu tan. Với một người 63 tuổi sống độc thân như tôi thì còn hạnh phúc nào lớn lao hơn nữa. Tôi đã được giải thoát khỏi nỗi thống khổ tinh thần mà cái hồn luôn hành hạ, thoát khỏi sự đau đớn khi bệnh tật dày vò. Tôi không phải xuôi ngược Bắc Nam để chạy chữa, tôi đã có thể mỉm cười hạnh phúc từ trong sâu thẳm nội tâm mình.
Chị Yên đang đọc cuốn Chuyển Pháp Luân, cuốn Pháp chính của Pháp Luân Đại Pháp.
Chị Yên có thể đọc sách bất cứ nơi đâu, bởi chị biết đọc sách hàng ngày sẽ giúp chị dung nhẫn và đề cao tâm tính trong mọi tình huống.
Bây giờ, tôi sống khỏe và vui. Vợ chồng bác sĩ Xuân và những người cùng tu luyện Pháp Luân Đại Pháp đã luôn bên cạnh tôi, chia sẻ, hướng dẫn và cùng tôi tập luyện. Chúng tôi cùng nhau đọc Kinh Pháp của Pháp Luân Công để tu sửa tâm tính của mình, đồng hoá với ba chữ Chân Thiện Nhẫn. Luôn sống tốt với những người xung quanh, luôn nghĩ cho người khác, làm việc thiện giúp người, giúp đời. Tôi có bè bạn mới, họ là những người sống bằng tâm hồn thanh thản, hòa ái với mọi người. Sáng sáng, tôi ra điểm luyện công rồi về đọc sách, đi siêu thị, gặp bạn bè và sẵn sàng cho các chuyến du lịch xa gần…
Tôi đã tự giải quyết các vấn đề của mình. Tôi không còn cảm thấy cô đơn hay bất lực. Nhờ có Pháp Luân Đại Pháp tôi đã bỏ được tính nóng nảy của mình. Nếu một chuyện xảy ra, như trước đây tôi có thể quát nạt con cháu thì nay tôi nhẫn nhịn và từ tốn giải thích cho rõ ràng, nên cuộc sống của người xung quanh tôi cũng được cải thiện theo…
Tôi ngàn lần xin cảm tạ Sư phụ của tôi, Người đã sáng lập ra pháp môn Pháp Luân Đại Pháp. Ngài đã cho tôi cuộc sống thứ 2, dạy tôi biết được con đường thoát khỏi nỗi khổ cực. Ngài đã cứu tôi trong lúc nguy kịch nhất của cuộc đời. Tôi cảm nhận như mình đang ngụp lặn giữa dòng sông đen, đang đuối nước, được Ngài vớt lên thuyền, và tôi được cập bến an vui.
Chị Yên đã có thể mỉm cười hạnh phúc từ sâu trong nội tâm mình.
Xin cảm ơn Thời báo Đại Kỷ Nguyên đã đăng câu chuyện về cuộc đời tôi. Đó cũng là ước nguyện tôi mong muốn làm được điều gì đó có ích cho mọi người. Một thiện niệm được xuất ra từ Chân Thiện Nhẫn trong trái tim tôi, tôi nguyện sẽ giúp các bạn, cũng như vợ chồng bác sĩ Xuân đã giúp tôi ngày trước. Xin liên hệ với tôi, Trần Thị Yên, theo số điện thoại 0986279760.
Tuệ Minh (lược ghi)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét