Thứ Ba, 26 tháng 6, 2018

SỰ NGU XUẨN CỦA CUỘC SỐNG 25

-Xét được sống còn trong no đủ là mưu cầu cơ bản và ước nguyện chính đáng của mọi cuộc đời, thì sẽ phân biệt được chiến tranh phi nghĩa và chiến tranh chính nghĩa, sự phòng vệ chính đáng cũng như sự bắt buộc hạ sát lực lượng đối kháng. Và khi phải hành động xả thân vì lẽ phải, con người trở nên vô cùng cao quí.
-Nhưng xét trên bình diện đánh giá sự sống là thứ quí giá nhất trên đời, thì giết chóc lẫn nhau, dù là giết chóc bắt buộc, là hành động điên rồ tột bậc của con người và chiến tranh, dù là chiến tranh chính nghĩa, vẫn là sự ngu xuẩn vô hạn, dù là sự ngu xuẩn tự giác, nhân danh bảo vệ sự sống! 
-Đứng lên trên tất cả mà phán xét, thì:
trí tuệ siêu việt của con người thậm ngu ngốc!
-Chân lý là đây:
Chiến tranh là mệnh lệnh tối thượng của tự nhiên mù quáng đối với trí tuệ sáng suốt của loài người: hãy giết chóc lẫn nhau!
-Như vậy, muốn không còn chiến tranh nữa, con người hoặc không còn lòng tham và tính tư hữu hoặc trở lại suy nghĩ tăm tối như hươu, nai.
-Nhưng hết chiến tranh rồi, xã hội loài người có hết bạo tàn? 

-----------------------------------------------------------------
(ĐC sưu tầm trên NET)
 
Sự tàn bạo của chiến tranh - ranh giới giữa sống và chết ở Syria, Iraq, và Yemen
Chiến tranh luôn đem lại những hậu quả hết sức nặng nề cho loài người. Những hình ảnh trên chỉ là những tư liệu rất nhỏ về sự đau thương, chết. 

SYRIA, CẬN CẢNH PHÁO BINH TRÚNG BOM.
  
Những cảnh chết chóc, kinh dị, máu me trong phim 



Trận đánh "nướng" gần 35.000 mạng người giữa Đức và Mỹ

Thứ Bảy, ngày 05/11/2016 00:30 AM (GMT+7)

Hơn 1 triệu quân tham chiến của cả hai phe Mỹ và phát xít Đức, 200.000 người thương vong đánh dấu một trong những trận chiến có thương vong lớn nhất trong Thế chiến 2.

Chia sẻ trên Fanpage Chia sẻ bài viết này trên trên Facebook Chia sẻ bài viết này trên trên G+
Trận đánh "nướng" gần 35.000 mạng người giữa Đức và Mỹ - 1
Xe tăng Đức tấn công cùng với sự yểm trợ  của máy bay ném bom (Ảnh minh họa)
Tuyệt vọng trước viễn cảnh thua cuộc trong Thế chiến 2, trùm phát xít Đức Adolf Hitler mở cuộc tấn công cuối cùng, gây sức ép để Mỹ và Anh phải ký hiệp định hòa bình riêng rẽ.
Kế hoạch táo bạo
Mùa thu năm 1944, cục diện chiến trường ở mặt trận phía tây phe phát xít Đức chuyển biến theo hướng bất lợi. Từ phía nam, phe Đồng minh tiến sát đến Italy. Từ phía đông, Liên Xô chiến thắng trong cuộc chiến tiêu hao và giờ chuyển sang thế tấn công.
Ở phía tây, cuộc đổ bộ D-Day hồi giữa năm 1944 lên bờ biển Normandie, đã mở mặt trận thứ ba với hàng trăm nghìn binh sĩ phe Đồng minh rầm rộ tiến quân hướng đến Rhine. Thời điểm đó, quân Đức cầm cự giữ được một cầu lớn phía tây sông Rhine.
Mặt trận thứ ba là nơi mà Hitler nhìn thấy hy vọng. Sự thù hận với Liên Xô khiến cho Hitler nghĩ rằng, nếu tấn công chớp nhoáng thành công, phe Đồng minh thậm chí còn có thể thay đổi quan điểm và đứng về phía Đức quốc xã.
Ngày 16.9, Hitler điều tổng cộng 450.000 quân, 1.500 xe tăng, xe chống tăng, 4.224 xe pháo rầm rộ tiến quân qua Ardennes để đánh chiếm cảng Antwerp, miền bắc nước Bỉ. Nếu thành công, phát xít Đức có thể chia cắt quân Anh và Mỹ trong khu vực, khiến Đồng minh mất một cảng hậu cần, tiếp tế cực kỳ quan trọng.
Chiến dịch được lên kế hoạch hoàn toàn bí mật. Thống chế Gerd Von Rundstedt, chỉ huy lực lượng Đức ở phía tây thậm chí còn tỏ ra sợ hãi với kế hoạch này. Von Rundstedt cho rằng, quân Đức quá mỏng trong khi kế hoạch quá tham vọng và vô nghĩa.
Trận đánh "nướng" gần 35.000 mạng người giữa Đức và Mỹ - 2
Hitler và các tướng lĩnh vạch chiến lược tấn công.
Hitler không quan tâm đến cảnh báo của Von Rundstedt bởi những thành công mà trùm phát xít gây dựng được đều phải đến từ kế hoạch tấn công mạo hiểm, chớp nhoáng.
Chiến dịch tấn công cuối cùng của Hitler
5 giờ 35 phút sáng ngày 16.12.1944, chiến dịch Herbstnebel bắt đầu. 2.000 khẩu súng đồng loạt nã đạn vào phòng tuyến quân Đồng minh. 1.420 xe tăng tấn công cùng với sự yểm trợ trên không của 1.000 máy bay ném bom.
Von Rundstedt tóm lược lại tình hình chiến sự bằng lời phát biểu trước các binh sĩ: “Quãng thời gian vĩ đại đã đến… Chúng ta đánh cược với tất cả”. Đây là cuộc tấn công táo bạo nhưng nó huy động toàn bộ lực lượng ở mặt trận phía tây. Nếu thất bại, quân Đức sẽ phải đối mặt với thảm họa rút quân.
Kế hoạch tập trung vào đợt tiến công của hai đơn vị xe tăng Panzer dọc theo mặt trận dài 144 km.
Quân Đức cũng chiêu mộ binh sĩ biết nói tiếng Anh, mặc trang phục, dùng vũ khí lính Mỹ để tấn công từ phía sau phòng tuyến phe Đồng minh. Chỉ huy bởi Đại tá Otto Skorzeny, đơn vị này được kỳ vọng sẽ khiến cho quân Đồng minh rơi vào hỗn loạn, tấn công lẫn nhau. Đích thân Hitler chỉ huy toàn cảnh cuộc tấn công.
Vận may trong trận đánh này thuộc về quân Đức. Lính Mỹ sau một quãng đường dài di chuyển không ngờ rằng phát xít Đức lại tấn công từ Ardennes. Lực lượng Mỹ đóng vai trò phòng thủ cũng không phải là đơn vị tinh nhuệ. Thời tiết xấu cũng khiến cho phe Đồng minh mất đi sự yểm trợ quan trọng trên không.
Trận đánh "nướng" gần 35.000 mạng người giữa Đức và Mỹ - 3
Lính Mỹ phòng thủ trong chiến hào tại rừng Ardennes.
Tiến sâu 80 km qua phòng tuyến quân Đồng minh, phát xít Đức nhanh chóng giành được thành công đầu tiên, đặc biệt là đơn vị xe tăng Panzer. Nhóm binh sĩ trà trộn của Skorzeny lại không may mắn như vậy, không ai tin đó là những người Mỹ. Đa số lính Đức cải trang đều bị bắn chết vì hoạt động gián điệp.
Bước tiến của phát xít Đức không duy trì được lâu sau những thất bại ở Nga và trên biển. Quân Đức không có nhiều nhiên liệu dự trữ và phải tăng cường thu thập từ các phương tiện di chuyển mà quân Đồng minh bỏ lại. Thiếu nhiên liệu cũng khiến cho đơn vị xe tăng Panzer tiếp tục tận dụng sức mạnh chênh lệch.
Thời tiết tốt hơn từ ngày 17.12 cũng tạo cơ hội để phe Đồng minh phản công, cắt đứt đường tiến công của quân Đức tới thị trấn Bastogne.
Trận đánh lớn nhất của Mỹ
Ngày 19.12, phe Đồng minh do tướng Dwight D. Eisenhower chỉ huy nhận thấy sức tấn công của quân Đức đã giảm sút đáng kể và đây là thời cơ cho phe Đồng minh. Đơn vị xe tăng Panzer chiếm St Vitth nhưng đà tấn công cũng tiêu tan kể từ đó.
Với hai phe, không nơi nào quan trọng hơn St Vitth và Bastogne, mọi con đường lớn giao nhau giữa hai thị trấn nhỏ ở Bỉ.
Ngày hôm sau, Von Rundstedt đề nghị được rút quân nhưng Hitler từ chối. Vào dịp Giáng sinh, quân Đồng minh đè bẹp đơn vị xe tăng Panzer và thị trấn Bastogne giải phóng trong ngày lễ tặng quà. Cuối cùng, Hitler phải ra lệnh rút quân sau khi lực lượng bị đẩy khỏi vùng Ardennes.
Trận đánh "nướng" gần 35.000 mạng người giữa Đức và Mỹ - 4
Xe tăng M4 Sherman Mỹ băng qua rừng Ardennes.
Lần lượt các binh sĩ rút lui dần về Berlin một cách có trật tự, chiến dịch tấn công của phát xít Đức phá sản.
Kết thúc trận đánh ở Ardennes, Mỹ thiệt hại tới 19.000 binh sĩ. Đây là con số thương vong nặng nề nhất mà quân Mỹ phải hứng chịu trong một trận đánh trong Thế chiến 2. Dù vậy, phe Đồng minh đã bảo vệ thành công phòng tuyến quan trọng trước quân Đức.
Đức tổn thất 15.652 lính, và lực lượng tăng thiết giáp của họ hứng chịu tổn thất nặng nề không thể khôi phục được. Sau thất bại, quân Đức không còn khả năng phát động tấn công ở mặt trận phía Tây dù phe Đồng minh cần thêm 6 tuần để củng cố lực lượng trước khi hướng đến Berlin.
Tính cả số người bị thương, con số thương vong của Mỹ là 89.500 người và phe Đức là khoảng 120.000 người.
"Đây là trận đánh lớn nhất, được xem như chiến thắng nổi tiếng nhất của Mỹ trong Thế chiến 2", cựu thủ tướng Anh Winston Churchill nói.
Theo Đăng Nguyễn - War History Online (Dân Việt)

Trận tử thủ vĩ đại của 39 lính dù trước phiến quân Afghanistan

Thứ Tư, ngày 25/01/2017 07:00 AM (GMT+7)

Đại đội lính dù Liên Xô được giao nhiệm vụ tử thủ, giữ chặt điểm chốt trước đợt tấn công dữ dội vào Cao điểm 3234 của phiến quân trên chiến trường Afghanistan.

Chia sẻ trên Fanpage Chia sẻ bài viết này trên trên Facebook Chia sẻ bài viết này trên trên G+
Trận tử thủ vĩ đại của 39 lính dù trước phiến quân Afghanistan - 1
Phiến quân Afghanistan luôn có sẵn trong tay hệ thống tên lửa vác vai Stinger đáng gờm.
Theo War History Online, trận đánh tại Cao điểm 3234 được coi là một trong những biểu tượng vinh quang nhất của quân Liên Xô tại Afghanistan. Trên điểm cao này, một đại đội lính dù Liên Xô đã kiên cường chống cự, đẩy lùi phiến quân Afhganistan với quân số đông hơn gấp nhiều lần.
Chiến dịch Magistral
Thành phố Khost đã trở thành điểm nóng giao tranh giữa lực lượng Liên Xô với nhóm phiến quân Hồi giáo cực đoan do Jalaluddin Haqqani cầm đầu trong suốt 8 năm. Trong giai đoạn cuối năm 1987, thành phố bị cô lập hoàn toàn, Hồng quân Liên Xô đồn trú tại đây chỉ có thể nhận tiếp tế qua đường hàng không.
Các cuộc đàm phán với thủ lĩnh Haqqani không đem lại kết quả. Haqqani muốn kiểm soát thành phố Khost để làm thủ phủ của quốc gia riêng mà hắn lập nên, cũng như làm căn cứ cho các trận đánh vào sâu trong lãnh thổ Afghanistan.
Trận tử thủ vĩ đại của 39 lính dù trước phiến quân Afghanistan - 2
Hình ảnh thành phố Khost năm 2010.
Cuối năm 1987, Tập đoàn quân số 40 Liên Xô dưới quyền tướng Boris Gromov khởi động chiến dịch Magistral. Chiến dịch được đề ra nhằm phá vỡ vòng vây quanh Khost, mở tuyến đường tiếp viện cho thành phố này.
Lực lượng Liên Xô tham gia gồm Sư đoàn Bộ binh cơ giới số 108 và 201, Sư đoàn Đổ bộ đường Không thuộc lực lượng Cận vệ số 103 và Lữ đoàn số 56. Họ được yểm trợ bởi 5 sư đoàn bộ binh và một sư đoàn tăng thiết giáp của chính phủ Afghanistan.
Thông tin tình báo cho biết phiến quân đóng giữ nhiều khu vực kiên cố trên tuyến đường cao tốc nối thành phố với thủ đô Kabul, trong đó có các bãi mìn dài 3 km, 10 bệ pháo phản lực phóng loạt BM-21, nhiều loại pháo cao xạ, súng chống tăng, pháo cối, khiến khu vực quanh Khost gần như bất khả xâm phạm.
Trận tử thủ vĩ đại của 39 lính dù trước phiến quân Afghanistan - 3
Trưc thăng vận tải IL-76 của Liên Xô nhận nhiệm vụ chở quân.
Lợi thế của phiến quân là việc sử dụng tên lửa vác vai Stinger, do CIA cung cấp, với hệ thống dẫn đường bằng hống ngoại. Loại vũ khí nhỏ gọn nhưng hiệu quả này khiến cho quân Liên Xô không thể gọi yểm trợ trên không.
Hồng quân hiểu rằng một cuộc tấn công trực diện sẽ là tự sát. Họ quyết định đánh lừa phiến quân để chúng lộ vị trí. Ngày 28.10.1987, một cuộc đổ bộ giả được thực hiện ở khu vực do phiến quân kiểm soát.
Chiếc Il-76 thả dù các hình nộm, khiến nhiều ổ hỏa lực của phiến quân khai hỏa tiêu diệt "lính dù Liên Xô". Ở tầm cao hơn là một máy bay trinh sát, âm thầm chụp ảnh và định vị mục tiêu. Thông tin này được gửi về cho lực lượng pháo binh Liên Xô gần đó nã đạn suốt 4 giờ đồng hồ.
Đây là bước đầu tiên trong Chiến dịch Magistral. Bộ chỉ huy tác chiến Liên Xô cũng cần một chiến thắng sau hàng loạt những thất bại trên chiến trường Afghanistan.
Trận đánh Cao điểm 3234
Trận tử thủ vĩ đại của 39 lính dù trước phiến quân Afghanistan - 4
Phiến quân Afghanistan.
Trong chiến dịch này, các chỉ huy Liên Xô muốn bảo vệ đoạn đường dài 100 km từ Gardez tới Khost hay còn gọi là “Đường cao tốc của Thần chết”.
Một trong những vị trí quan trọng nhất là ngọn đồi không tên có độ cao 3.234 m, được gọi là "Cao điểm 3234". Đại đội 9, Trung đoàn Đổ bộ đường không, thuộc lực lượng Cận vệ Độc lập số 345 được giao trọng trách trấn giữ điểm cao này.
Đơn vị với quân số 39 người, gồm những lính dù thiện chiến nhất, hiểu rõ chiến thuật của đối phương.
Đại đội do Đại tá Valery Vostrotin chỉ huy đổ bộ xuống đỉnh đồi ngày 7.1.1988 Nhiệm vụ của họ là xây dựng cứ điểm kiên cố để theo dõi và kiểm soát tuyến đường dài bên dưới, bảo đảm an toàn cho các đoàn xe hướng tới Khost.
Khu vực này nằm giữa lãnh thổ do Jalaluddin Haqqani kiểm soát với sự trợ giúp của cơ quan tình báo quân sự Pakistan.
Trận tử thủ vĩ đại của 39 lính dù trước phiến quân Afghanistan - 5
Cao điểm 3234, phía nam Afghanistan.
Vành đai phòng thủ vừa được thiết lập cũng là lúc phiến quân Afghanistan phát động cuộc tấn công đầu tiên. Đại đội 9 không được trang bị vũ khí hạng nặng, phải dựa vào yểm trợ pháo binh để đối mặt với nhiều loại hỏa lực mạnh của quân địch.
Phiến quân mở đợt tấn công bằng pháo kích dữ dội, tiếp sau đó là hai mũi tấn công bao gồm khoảng 250 tay súng. Một số nguồn tin nói, phiến quân điều tới khu vực 500 lính thiện chiến.
Trên chiến hào, trung úy Viktor Gagarin, chỉ huy Trung đội 1 đóng vai trò quan sát vị trí kẻ địch để gọi pháo binh yểm trợ.
Phiến quân tấn công điểm cao 3234 bằng chiến thuật rất bài bản, chứng tỏ chúng là đơn vị lính có tổ chức, được huấn luyện kỹ càng. Chúng tổ chức tấn công theo từng lượt, mỗi khi bị đánh bật xuống, phiến quân tổ chức lại đội hình, phát động cuộc xung phong tiếp theo.
Trong suốt quãng thời gian giao tranh, lực lượng lính dù Liên Xô luôn giữ tín hiệu liên lạc với trung tâm chỉ huy. Họ nhận được mọi sự hỗ trợ cần thiết như pháo kích, tiếp tế đạn dược và sơ tán người bị thương bằng trực thăng.
Trận tử thủ vĩ đại của 39 lính dù trước phiến quân Afghanistan - 6
Lính đặc nhiệm Spetsnaz chuẩn bị cho nhiệm vụ ở Afghanistan.
Đại đội 9 đã đánh bật tổng cộng 12 đợt tấn công của đối phương. Trong những đợt tấn công cuối cùng, đại đội 9 rơi vào tình trạng thiếu thốn đạn dược trầm trọng. Quân địch tiếp cận quá gần trong đêm nên giao tranh biến thành những cuộc cận chiến bằng dao găm, lưỡi lê và mọi thứ người lính có thể tìm thấy xung quanh.
Trận đánh kết thúc trước bình minh ngày hôm sau, khi phiến quân rút lui vì thương vong nặng nề. Hầu hết những người lính dù Liên Xô đều kiệt sức. Trong tay mỗi người không còn đủ 30 viên đạn tiêu chuẩn, đạn súng ngắn và lựu đạn đều hết sạch. Những người lính dù sau này kê lại rằng, nếu như phiến quân tiếp tục tấn công thì có lẽ cả đại đội sẽ không còn có thể trụ vững.
Liên Xô kiểm soát cao điểm này cho đến khi toàn xe tiếp tế cuối cùng đi qua con đường phía bên dưới.
Kết thúc trận chiến, đại đội lính dù Liên Xô tổn thất 6 người, 28 người khác bị thương trong tổng số 39 thành viên. Tất cả binh sĩ của Đại đội 9 đều được tặng thưởng Huân chương Cờ đỏ và Huân chương Sao đỏ. Hai người thiệt mạng được truy tặng danh hiệu Anh hùng Liên Xô vì sự dũng cảm và hy sinh trong khi chiến đấu.
Phía Liên Xô ước tính có khoảng 200 phiến quân bị tiêu diệt, trong đó có nhiều xác tay súng mặc trang phục rằn ri đen - đỏ - vàng, màu đặc trưng của lính đặc nhiệm Pakistan.
Liên Xô đưa các bằng chứng này ra trước Liên Hiệp Quốc để phản đối sự can thiệp của Pakistan, nhưng lời cáo buộc bị làm ngơ.
Quan hệ Liên Xô-Pakistan vốn đã căng thẳng khi chiến tranh Afghanistan nổ ra, đạt đến mức thấp nhất trong lịch sử sau trận đánh tại Cao điểm 3234.
Theo Đăng Nguyễn - War History Online (Dân Việt)

Trận đánh tan tành siêu chiến hạm Nhật, 2.500 người chết

Thứ Năm, ngày 08/06/2017 07:00 AM (GMT+7)

Thiết giáp hạm Yamato hùng mạnh nhất thế giới vĩnh viễn chìm sâu dưới đáy biển cùng gần 2.500 thành viên thủy thủ đoàn trước đợt tấn công của hàng trăm máy bay Mỹ và đồng minh.

Chia sẻ trên Fanpage Chia sẻ bài viết này trên trên Facebook Chia sẻ bài viết này trên trên G+
Trận đánh tan tành siêu chiến hạm Nhật, 2.500 người chết - 1
Theo National Interest, sau những trận thua quyết định trên biển ở Thái Bình Dương, cục diện Thế chiến 2 đã dần ngã ngũ.
Nhật Bản để mất Philippines, quần đảo Solomon, Gilbert và Caroline, sau đó phải đối mặt với quân Mỹ áp sát nhóm đảo chính. Okinawa là pháo đài cuối cùng án ngữ trước đất liền Nhật Bản, chỉ cách thành phố Kagoshima chỉ 257 km.
Đầu năm 1945, Hải quân Đế quốc Nhật Bản (IJN) phải đưa ra quyết định hết sức khó khăn khi điều thiết giáp hạm hùng mạnh nhất thế giới, Yamato đến bảo vệ đảo Okinawa trong một nhiệm vụ tự sát.
Thiết giáp hạm khủng nhất thế giới
Chuyên gia Kyle Mizokami nhận định, Yamato là chiến hạm lớn nhất và uy lực nhất mọi thời đại. Yamato được coi là đỉnh cao trong ngành công nghiệp đóng tàu của Nhật Bản nhưng cũng khiến hải quân Đế quốc Nhật Bản chuốc lấy thất bại muối mặt.
Ngay sau khi Nhật Bản rút khỏi hiệp ước giới hạn kích thước thiết giáp hạm, nước này đã bí mật đóng chiến hạm Yamato tại quân cảng Kure, gần Hiroshima để tránh Mỹ phát hiện.
Với chiều dài 263 mét và lượng giãn nước lên tới 71.000 tấn, Yamato là thiết giáp hạm lớn nhất trong lịch sử. Chỉ các tàu sân bay Mỹ chế tạo sau Thế chiến 2 mới có lượng giãn nước vượt qua Yamato.
Hải quân Nhật lên kế hoạch đóng 5 thiết giáp hạm Yamato nhưng chỉ có hai chiếc được hạ thủy là Yamato và Musashi. Chiếc thứ 3 mang tên Shinano sớm được hoán cải thành tàu sân bay.
Trận đánh tan tành siêu chiến hạm Nhật, 2.500 người chết - 2
Chiến hạm Yamato được bí mật chế tạo tại quân cảng Kure, gần Hiroshima năm 1941.
Thiết giáp hạm Yamato được trang bị 9 pháo hạm cỡ nòng 457 mm trên ba tháp pháo lớn, 6 pháo thứ cấp cỡ 155 mm, 24 pháo 127 mm, 162 pháo phòng không 25 mm và 4 súng máy hạng nặng cỡ 13,2 mm.
Với hỏa lực cực mạnh, Yamato có khả năng đánh chìm nhiều chiến hạm đối phương đồng thời trong một lần khai hỏa. Trong đợt nâng cấp năm 1944 và 1945, Yamato được bổ sung thêm số lượng lớn pháo phòng không.
Mục đích chính là giúp tàu trụ vững trước hỏa lực của quân đồng minh, do hải quân Mỹ khi đó đã chuyển sang học thuyết sử dụng tàu sân bay là vũ khí chủ lực trên biển.
Tuy nhiên, vào thời điểm hạ thủy năm 1941, Yamato đã trở nên lạc hậu. Tàu sân bay cơ động nhanh mang theo máy bay ném bom và ngư lôi của Mỹ đã có khả năng tấn công đối phương trong phạm vi xa tới 320km, trong khi tầm bắn pháo hạm cỡ lớn lắp đặt trên Yamato chỉ khoảng 35km.
Kết cục bi thảm
Quân đồng minh bắt đầu tấn công đảo Okinawa vào ngày 1.4.1945, buộc Nhật phải khởi động chiến dịch tự sát mang tên Ten-Go. Nhóm tác chiến do thiết giáp hạm Yamato dẫn đầu, được lệnh di chuyển đến Okinawa cùng tuần dương hạm Yahagi và 8 tàu khu trục, với hy vọng có thể chặn bước tiến của quân đồng minh.
Theo kế hoạch, Yamato sẽ chia cắt lực lượng đồng minh, lao lên bờ để trở thành một pháo đài nổi cố thủ ở Okinawa. Hải quân Nhật buộc phải đưa ra quyết định này khi nhiên liệu và các nguồn lực khác trở nên khan hiếm.
Trận đánh tan tành siêu chiến hạm Nhật, 2.500 người chết - 3
Thiết giáp hạm Yamato trúng bom đạn của máy bay Mỹ.
Ngày 6.4, nhóm tác chiến mặt nước do tàu Yamato dẫn đầu, khởi hành từ Tokuyama, tiến theo hướng nam để quá cảnh ở eo biển Bungo. Hải quân Mỹ khi đó đã giải mã thành công các bức điện quân sự của Nhật, và phát hiện hoạt động của đội tàu chiến Yamato. Hai tàu ngầm Mỹ được lệnh phục kích nhưng không thành công vì đội tàu Nhật Bản di chuyển quá nhanh và hải trình lắt léo.
Hải quân đồng minh hiện diện gần đảo Okinawa sau đó nhận được thông tin về hạm đội khổng lồ của Nhật Bản đang hướng đến. 6 thiết giáp hạm đời cũ của hải quân Mỹ sẵn sàng nhận lệnh nghênh chiến nhưng bộ chỉ huy hải quân cuối cùng lựa chọn cách sử dụng đòn tấn công từ trên không để giảm thiểu thương vong tối đa.
8 giờ sáng ngày 7.4, máy bay trinh sát từ tàu sân bay Đô đốc Mistcher phát hiện thiết giáp hạm Yamato khi nó đi được nửa đường đến Okinawa. 280 tiêm kích, oanh tạc cơ và máy bay phóng ngư lôi xuất kích, bắt đầu cuộc tấn công.
Trong vòng hai giờ, đội tàu chiến Nhật Bản bị oanh tạc không ngừng nghỉ bởi số máy bay chiến đấu Mỹ. Kế hoạch được vạch ra rõ ràng nhưng khi tiếp cận mục tiêu, phi công Mỹ nào cũng muốn tấn công Yamato nên mệnh lệnh đưa ra là tự do khai hỏa. Số lượng chiến đấu cơ Mỹ quần thảo ngay trên chiến hạm Yamato nhiều đến mức họ có thể gặp nạn vì đâm vào nhau.
Đợt tấn công đầu tiên kết thúc với việc Yamato bị trúng hai quả bom, một ngư lôi và mất hai tàu khu trục hộ tống. Đợt tấn công thứ hai diễn ra ngay sau đó với lực lượng khoảng 100 máy bay Mỹ.
Trận đánh tan tành siêu chiến hạm Nhật, 2.500 người chết - 4
Vụ nổ hầm đạn trên tàu Yamato nhìn từ xa giống như một vụ nổ bom hạt nhân chiến thuật.
Nhận thấy tàu Yamato bắt đầu nghiêng về một bên khoảng 20 độ, máy bay Mỹ thay đổi chiến thuật, sử dụng ngư loại lôi xuyên kích nổ ở độ sâu lớn hơn. Điều đó cho phép ngư lôi đánh vào phần vỏ mỏng phía đáy tàu, thay vì lớp giáp dày bên sườn.
Thuyền trưởng tàu Yamato khi đó đã phải ra quyết định khó khăn khi cho ngập nước khoang động cơ, với hy vọng tàu lấy lại sự cân bằng. Điều này đã khiến 300 thủy thủ chết vì ngạt thở.
Yamato lúc này đã trúng 10 quả ngư lôi, 7 quả bom cháy và bị hư hỏng rất nặng. Bất chấp nỗ lực chống ngập, tàu tiếp tục nghiêng tới 35 độ. Thuyền trưởng Seiichi Itō ra lệnh cho thủy thủ đoàn bỏ tàu, còn bản thân và nhiều sỹ quan khác trên đài chỉ huy đã tự trói mình vào ghế và vĩnh viễn chìm xuống đáy biển cùng con tàu.
Lúc 14 giờ 23 phút, hầm đạn ở mũi tàu phát nổ, tạo thành cột lửa khổng lồ cao tới 2.000 mét và đám mây hình nấm cao 6.000 mét. Nhìn từ xa, cột khói này tương tự một quả bom hạt nhân chiến thuật kích nổ. Ánh sáng phát ra từ vụ nổ có thể nhìn thấy từ thành phố Kagoshima trên đất liền. Vụ nổ cũng phá hủy một số máy bay Mỹ đang quan sát chiếc tàu chìm.
Trận đánh tan tành siêu chiến hạm Nhật, 2.500 người chết - 5
Tàu tuần dương Yahagi cũng chịu chung số phận với thiết giáp hạm Yamato.
Lực lượng tác chiến mặt nước do thiết giáp hạm Yamato dẫn đầu hầu như bị phá hủy hoàn toàn. Ngoài Yamato, tàu tuần dương Yahagi và 3 tàu khu trục khác bị đánh chìm. Nhiều tàu hộ tống còn lại bị hư hại nặng nề.
Số người thiệt mạng riêng trên thiết giáp hạm Yamato là 2.498 trong tổng số 2.700 người. Như vậy, dù thuyền trưởng sớm ra lệnh bỏ tàu nhưng hầu hết số thủy thủ đều chấp nhận hy sinh cùng chiến hạm khổng lồ.
Tổng số người thiệt mạng trong nhóm tác chiến mặt nước hải quân Nhật vào khoảng 3.700-4250 thành viên thủy thủ đoàn.
Có thể nói, trận hải chiến đánh chìm chiến hạm Yamato, niềm kiêu hãnh của hải quân Nhật là điều tất yếu trong bối cảnh kỷ nguyên thiết giáp hạm đã kết thúc.
Các tàu sân bay trang bị hàng trăm máy bay, tầm hoạt động xa hơn, khả năng đánh trúng mục tiêu cao hơn và tổn thất ít hơn đã hoàn toàn làm thay đổi môi trường tác chiến trên biển.
Trận hải chiến lớn chưa từng thấy trong lịch sử hiện đại
12 tàu sân bay, hàng trăm tàu chiến, 2.200 máy bay đã được huy động trong trận hải chiến lớn nhất lịch sử chiến tranh...
Theo Đăng Nguyễn - NI (Dân Việt)

Vì đâu đế chế Hồi giáo hùng mạnh và "càn quét" thế giới?

Thứ Năm, ngày 29/06/2017 00:30 AM (GMT+7)

Nhà tiên tri Mohammed là người sáng lập đạo Hồi nhưng ít ai biết rằng ông cũng là chiến binh dũng mãnh, người thống nhất các bộ lạc Ả Rập, xây dựng nên đế chế Hồi giáo hùng mạnh.

Chia sẻ trên Fanpage Chia sẻ bài viết này trên trên Facebook Chia sẻ bài viết này trên trên G+
Vì đâu đế chế Hồi giáo hùng mạnh và "càn quét" thế giới? - 1
Phác họa hình ảnh nhà tiên tri Mohammed.
Đế chế Hồi giáo hình thành từ cuộc chiến giải phóng thánh địa Mecca của nhà tiên tri Mohammed và nhanh chóng trở thành một trong những thế lực mạnh nhất trong lịch sử loài người.
Qua loạt bài viết này, mời bạn đọc cùng nhìn những cuộc chinh phạt gây chấn động của đế chế Hồi giáo từ vùng sa mạc Ả Rập cho đến Bắc Phi, châu Âu, Trung Đông và Trung Á.
Theo trang mạng History, nhà tiên tri Mohammed (Muhammad) là người sáng lập đạo Hồi (Islam). Ông được tín đồ xưng tôn là “sứ giả của thượng đế, thánh Allah”.
Ngày nay có tới 1,6 tỷ người trên thế giới theo đạo Hồi, tôn sùng giáo lý của Mohammed, đưa Hồi giáo trở thành tín ngưỡng lớn thứ hai trên giới, sau Thiên chúa giáo.
Sứ giả của Thượng đế
Nhà tiên tri Mohammed (570-632) lớn lên tại thánh địa Mecca, thuộc Ả Rập Saudi ngày nay.
Theo sử sách Hồi giáo chính thống, Mohammed không hề biết mặt cha. Trên một chuyến đi buôn xa, cha ông lâm bệnh và qua đời vài tuần trước khi ông ra đời. Mẹ ông là người có học vấn và tài sáng tác một số bài thơ, một số vẫn còn lưu giữ cho đến ngày nay.
Bà qua đời một cách đột ngột lúc ông lên sáu. Hai năm sau ông nội của ông cũng qua đời. Kế từ đó, Mohammed được nuôi nấng và dạy dỗ bởi người bác Abu Talib.
Vào năm Mohammed chào đời, thống đốc vùng Yemen của xứ Abyssinia, Abraha đánh chiếm Mecca. Ông nội của Mohammed, người quản lý đền Al Haram, đã đứng ra thuyết phục Abraha rút quân.
Lớn lên, Mohammed gia nhập nhóm hiệp sĩ Mecca, thề chiến đấu để bảo vệ những người yếu đuối và nghèo khổ bị áp bức. Là con người rất tôn trọng lời hứa, nên ông được mọi người tặng cho ngoại hiệu là Al Amin (người đáng tin cậy).
Năm 25 tuổi, ông kết hôn với người phụ nữ hơn mình 15 tuổi. Cả hai có với nhau tổng cộng 7 người con, 3 trai, 4 gái.
Theo truyền thuyết, năm Mohammed 40 tuổi, một sứ giả của thượng đế hiện ra và nói rằng ông đã được chọn để cứu giúp nhân loại. Từ đó, Mohammed bắt đầu truyền đạo Hồi trên khắp vùng Ả Rập.
Vì đâu đế chế Hồi giáo hùng mạnh và "càn quét" thế giới? - 2
Phác họa cảnh Mohammed gặp Thiên thần Gabriel, người được phái xuống để thông báo rằng ông đã được chọn làm sứ giả của Thiên Chúa.
Tài liệu truyền thống của Hồi giáo chép lại, giáo lý của Mohammed được nhiều người dân Mecca nghe theo, nhưng tầng lớp phản đối mạnh mẽ nhất là giới quý tộc sở hữu của cải kếch xù và những người theo tín ngưỡng truyền thống.
Hai người bác của Mohammed là Abu Jahil và Abu Lahab phản đối cháu mình mạnh mẽ nhất. Khi ông giảng đạo, họ thường cho người đứng ngoài châm biếm, chế nhạo, chửi rủa và ném đá. Họ đón các đoàn người từ xa đến Mecca hành hương và dặn họ đừng đến nghe ông nói.
Không chịu được lời gièm pha, năm 615, khoảng 101 tín đồ Hồi giáo, trong đó có 18 phụ nữ đã cùng Mohammed trốn khỏi Mecca. Đến thành phố Medina, ngày nay thuộc Ả Rập Saudi, ông được các tín đồ đón tiếp nồng nhiệt, trở thành lãnh tụ của phần đông người dân thành phố này.
Năm 622, tại Medina, Mohammed tuyên bố thành lập nên nhà nước Hồi giáo đầu tiên trong lịch sử.
"Chiến binh Hồi giáo" Mohammed
Thành công với vai trò là người truyền giáo, nhưng ít người biết rằng Mohammed cũng là một chiến binh kiên cường. Bởi nếu không, đế chế Hồi giáo do ông lập nên  đã không thể tồn tại và lớn mạnh cho đến khi đủ sức đối trọng với đế chế Byzantine (Đông La Mã) hay Ba Tư (Iran) hùng mạnh.
Theo sử gia Richard A. Gabriel, giáo sư công tác tại trường Đại học Quân đội Hoàng gia Canada, Mohammed chưa từng trải qua một khóa huấn luyện quân sự nào. Nhưng ông chắc chắn là một vị tướng tài ba.
Mohammed đã dẫn đoàn quân những người ủng hộ trải qua 8 cuộc chiến tranh lớn và 38 hoạt động quân sự do ông trực tiếp chỉ huy. Mohammed bị thương 2 lần, trải qua 2 thời khắc suýt chút nữa bị đối phương giết hại. Nhưng cuối cùng, ông đã đưa đoàn người ủng hộ đến với thành công và lý tưởng của đạo Hồi.
Nhà tiên tri Mohammed chọn thành phố Medina (Ả Rập Saudi ngày nay) là căn cứ đấu tranh bởi vị trí chiến lược của khu vực này. Medina gần với con đường giao thương đến Syria, là tuyến đường huyết mạch nối với các ốc đảo khác tại vùng sa mạc khắc nghiệt.
Vì đâu đế chế Hồi giáo hùng mạnh và "càn quét" thế giới? - 3
Nhà tiên tri Mohammed đặt nền móng cho thế giới Hồi giáo ngày nay với hơn 1,6 tỷ người.
Những thương nhân đi qua khu vực này đến nghe Mohammed thuyết giảng về đạo Hồi và không ít người đã gia nhập nhà nước Hồi giáo đầu tiên.
Sử gia Gabriel phân tích, Mohammed có thể là người chỉ huy đầu tiên áp dụng học thuyết chiến tranh du kích, chiến tranh nhân dân mà người nắm vững chiến lược này về sau chính là Đại tướng Võ Nguyên Giáp của Việt Nam.
Đội quân du kích của Mohammed đánh trận đầu tiên chống chính quyền Mecca năm 624 chỉ với 314 người. Họ phải chiến đấu trước lực lượng 1.000 chiến binh và kỵ binh. Không những thắng lợi dễ dàng trước sự khinh địch của đối phương mà Mohammed còn trở về Medina với 70 tù binh.
Mohammed ngày càng được tín đồ ở Medina ủng hộ bởi chính sách khoan dung. Ông sẵn sàng thả tù binh nếu họ trả tiền chuộc hoặc dạy 10 người dân Medina biết đọc và viết chữ.
Vì là đội quân du kích nên lực lượng của Mohammed phải tận dụng mọi thứ thu được từ những kẻ chết trận và tù binh.
Một tù binh sau trận đánh đầu tiên xuất thân từ một gia đình giàu có. Gia đình này đã trao cho đội quân của Mohammed hàng người cây giáo sắc nhọn để đổi lấy tự do của người thân.
Vì đâu đế chế Hồi giáo hùng mạnh và "càn quét" thế giới? - 4
Kỵ binh Hồi giáo năm 624.
Năm 627, Mohammed huy động 3.000 quân cố thủ Medina trước lực lượng liên quân đến từ Mecca với hơn 10.000 chiến binh. Mohammed đã ra lệnh đào chiến hào, xây dựng phòng tuyến trong khi kẻ địch khi đó chỉ biết xông lên tấn công mà không có chiến lược rõ ràng.
Sau cuộc chiến 27 ngày, liên quân đến từ Mecca hứng chịu thiệt hại nặng nề và buộc phải rút lui. Thừa thắng xông lên, Mohammed thống lĩnh đội quân Hồi giáo 2.000 người tấn công lực lượng người Do Thái tại ốc đảo Khaybar, cách Medina khoảng 150km.
Người Do Thái chưa hoàn hồn sau trận thua ở Medina nên nhanh chóng giương cờ trắng đầu hàng, chấp nhận nhường ốc đảo trù phú này cho Mohammed.
Đến năm 630, Mohammed phát động cuộc chiến ở Mecca với 10.000 người. Đây được coi là đội quân Hồi giáo mạnh mẽ nhất vào thời điểm đó. Cách Mecca khoảng 16km, Mohammed ra lệnh cho mỗi binh sĩ bắn một mũi tên châm lửa, nhằm khiến cho đối phương đánh giá sai thực lực của đội quân Hồi giáo.
Mohammed đề ra chiến lược tấn công từ mọi phía nhằm vào thành Mecca. Điều này ngăn lực lượng phòng thủ có thể tập trung vào một hướng. Nếu như một hay hai mũi tiến công chững lại, các cánh quân khác vẫn sẽ tiếp tục tiến lên và trợ giúp ngược trở lại.
Ngày 11.1.630, thủ lĩnh Abu Sufyan của thành Mecca tuyên bố đầu hàng và xin gia nhập đạo Hồi. Ông được Mohammed tha chết và thậm chí còn trở thành một chiến binh đắc lực của đội quân Hồi giáo.
Mohammed nói với những người dân sống ở Mecca trong ngày ông trở về quê hương: “Tất cả những ai bước vào nhà của Abu Sufyan sẽ được an toàn. Tất cả những ai hạ vũ khí đầu hàng sẽ được tha chết”.
Vì đâu đế chế Hồi giáo hùng mạnh và "càn quét" thế giới? - 5
Lăng mộ của nhà tiên tri Mohammed tại Medina, Ả Rập Saudi ngày nay.
Sử gia Gabriel cho rằng, trong vòng 2 năm ngắn ngủi trước khi qua đời, Mohammed đã đem đến cải cách cho thế giới Ả Rập, đưa đội quân ô hợp trở thành đạo quân hùng mạnh, sẵn sàng phục vục các mục đích to lớn hơn.
Mohammed coi trọng tố chất của binh sĩ. Những người lính phục vụ quân đội đều được trả công hậu hĩnh, đối xử tốt hơn cả binh sĩ của đế chế Ba Tư hay Byzantine vào thời điểm đó. Ông cũng củng cố đức tin của người lính, nói rằng họ đang làm công việc của Chúa giao cho.
Có thể nói, những vị tướng nổi danh nhất của thế giới Hồi giáo sơ khai chính từ một tay Mohammed đào tạo.
Trong năm cuối trước khi qua đời, Mohammed đã thống nhất được các bộ lạc Ả Rập, đưa thế giới Hồi giáo do ông lập nên trở thành một chính thể hợp nhất.
Năm 632, Mohammed cảm thấy trong người mệt mỏi, cảm sốt. Ông qua đời không lâu sau đó ở tuổi 62. Lễ an táng nhà tiên tri Mohammed diễn ra giản dị tại Medina.
Abu Bkar, người bạn thân của Mohammed và là một trong những tín đồ Hồi giáo đầu tiên được lựa chọn làm lãnh tụ của vương quốc Hồi gióo Rashidun.
___________________
Kế thừa di sản của nhà tiên tri Mohammed, Abu Bakr nắm trong tay đội quân bài bản. Cuộc chinh phạt của đế chế Hồi giáo bắt đầu từ đó với mục tiêu đầu tiên ngoài bán đảo Ả Rập là Syria, nơi thuộc quyền kiểm soát của người La Mã suốt 7 thế kỷ.
Bài viết xuất bản sáng 30.6 sẽ nói về trận đánh quyết định của đế chế Hồi giáo ở Damascus, mở đường bành trướng lực lượng sang Bắc Phi, châu Âu và Trung Á.
”Quái vật” IS và 7 cuộc chiến Hồi giáo kinh hoàng
Những vụ khủng bố liên tiếp vừa qua chứng tỏ một điều rằng, Mỹ và phương Tây vẫn chưa làm suy yếu được phiến...
Theo Đăng Nguyễn - Tổng hợp (Dân Việt)

Cuộc đánh chiếm thần tốc của quân Hồi giáo khiến châu Âu run sợ

Thứ Bảy, ngày 01/07/2017 00:30 AM (GMT+7)

Cuộc đổ bộ của người Hồi giáo vào Tây Ban Nha đã mở ra một trang mới trong lịch sử và đánh dấu sự giao thoa đầu tiên giữa nền văn minh đạo Hồi và thế giới phương Tây.

Chia sẻ trên Fanpage Chia sẻ bài viết này trên trên Facebook Chia sẻ bài viết này trên trên G+
Cuộc đánh chiếm thần tốc của quân Hồi giáo khiến châu Âu run sợ - 1
Tariq bin Ziyad là một trong những vị tướng nổi danh nhất trong lịch sử Hồi giáo.
Sau khi mở mang bờ cõi đến Bắc Phi, đế chế Hồi giáo rơi chìm vào xung đột nội bộ trong một thời gian ngắn, dẫn đến vương quốc Hồi giáo Umayyad ra đời năm 661.
Umayyad đặt thủ đô tại Damascus (Syria ngày nay), chính là thành phố lớn đầu tiên mà đế chế Hồi giáo mở mang bờ cõi ngoài bán đảo Ả Rập.
Ở giai đoạn cực thịnh, vương Triều Umayyad kiểm soát 11,1 triệu km2 đất và 62 triệu dân (29% dân số thế giới ở thời điểm đó), đưa Hồi giáo trở thành một trong những đế chế hùng mạnh nhất trong lịch sử.
Đổ bộ vào Tây Ban Nha
Giai đoạn năm 711, vương triều Umayyad mở rộng lãnh thổ đến Algeria và Morocco ngày nay. Đó cũng là lúc mà đế chế Hồi giáo bắt đầu nhòm ngó đến bán đảo Iberia, bao gồm Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha, do vương quốc Visigoth kiểm soát.
Visigoth khi đó đã suy yếu sau những thất bại liên miên nhưng vẫn còn rất mạnh tại bán đảo Iberia với lực lượng hơn 100.000 quân, thuộc quyền kiểm soát của vua Roderic.
Do cuộc sống quá khắc nghiệt, nhiều người dân sống ở bán đảo Iberia đã chạy sang lánh nạn và cầu cứu người Hồi giáo ở Bắc Phi.
Cuộc đánh chiếm thần tốc của quân Hồi giáo khiến châu Âu run sợ - 2
Vua Roderic chỉ còn kiểm soát bán đảo Iberia (Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha ngày nay) trước khi đối đầu với người Hồi giáo.
Theo Arab News, Thống đốc Hồi giáo ở Bắc Phi, Musa ibn Husair khi đó ra lệnh cho tướng Tariq bin Ziyad đem theo vỏn vẹn 10.300 quân đổ bộ vào Tây Ban Nha bằng thuyền.
Tariq bin Ziyad là người thuộc bộ lạc Berber ở Algeria. Khi quân Hồi giáo tràn qua, Tariq bin Ziyad đã cải sang đạo Hồi và tuyên bố trung thành với vương quốc Hồi giáo Umayyad.
Đạo quân đổ bộ vào Tây Ban Nha năm đó chỉ có 300 người Hồi giáo gốc còn 10.000 quân là người Hồi giáo thuộc bộ lạc Berber.
Các nhà sử học ngày nay vẫn chưa thể lý giải chính xác lý do vì sao vương quốc Umayyad lại đem số lượng quân ít ỏi như vậy sang chinh phạt châu Âu. Có giả thiết nói đây chỉ là lực lượng trinh sát nhằm kiểm tra thực lực của quân Visigoth. Đây cũng có thể là đợt tấn công đầu tiên trong một cuộc xâm lược toàn diện hoặc chỉ đơn thuần là cuộc chinh phạt vốn không mang nhiều ý nghĩa chiến lược.
Ngay khi vừa đổ bộ đến Tây Ban Nha, Tariq bin Ziyad đã ra lệnh cho binh sĩ đốt hết chiến thuyền. “Hỡi những người anh em, chúng ta ở đây để truyền bá thông điệp của Thánh Allah. Đối phương đang ở ngay trước mắt còn biển cả bao trùm đằng sau.”, Tariq bin Ziyad hô vang.
“Chúng ta sẽ chiến đấu vì Thánh Allah. Chúng ta sẽ sống để chứng kiến vinh quang hoặc tử vì đạo. Không còn lựa chọn thứ ba. Chúng ta không còn đường để lùi nữa”.
Cuộc đánh chiếm thần tốc của quân Hồi giáo khiến châu Âu run sợ - 3
Đội quân Hồi giáo 17.000 người đổ bộ vào Tây Ban Nha.
Các tài liệu cổ kể lại rằng, Tariq bin Ziyad đã nhìn thấy nhà tiên tri Mohammed trong giấc mơ với lời nhắn: “Hãy dũng cảm lên Tariq, hoàn thành nhiệm vụ mà ngươi được giao”. Tariq cũng mơ thấy sứ giả của Thánh Allah dõi theo mình trên con đường đến Andalus (Tây Ban Nha ngày nay).
Choàng tỉnh giấc, Tariq mỉm cười và tin rằng mình sẽ không bao giờ nghi ngờ vào chiến thắng.
Đội quân Hồi giáo đánh chiếm các khu vực làng mạc ở phía nam Tây Ban Nha trước khi nắm quyền kiểm soát thành phố cảng Cartagena.
Thắng lợi ban đầu giúp Tariq bin Ziyad nhận thêm 7.000 kỵ binh chi viện từ Bắc Phi.
Theo các nhà sử học Tây Ban Nha, đội quân Hồi giáo lần đầu đụng độ đại quân Gothic đông hơn gấp nhiều lần trên đường từ Cartagena đến thành phố Cordoba.
Cuộc tiến quân thần tốc
Thất bại tại Cartagena khiến vua Roderic chịu nhiều sức ép. Năm 712, đích thân Roderic dẫn đại quân ra chiến trường, đụng độ quân Hồi giáo do Tariq bin Ziyad chỉ huy ở bờ sông Guadalete.
Nguồn thông tin Hồi giáo nói quân của vua Loderic có tới 100.000 người trong khi nhà sử học phương Tây cho rằng con số này chỉ khoảng 33.000. Để củng cố tinh thần binh sĩ, vua Loderic còn đem nhiều thành viên hoàng tộc ra chiến trường.
Cuộc đánh chiếm thần tốc của quân Hồi giáo khiến châu Âu run sợ - 4
Quân Hồi giáo với tinh thần chiến đấu và kỷ luật cao hơn dễ dàng đánh bại đội quân ô hợp của vua Roderic.
Al-Maqqari, nhà sử học Hồi giáo chép lại lời tướng Tariq: “Hãy nhớ những gì đã đưa chúng ta đến đây. Các ngươi sẽ nhìn thấy ta đích thân tiêu diệt tay Roderic đó, bạo chúa đối với người dân, bởi đây là ý của Thánh Allah. Nếu có thất bại, ta vẫn cảm thấy vui vì đã làm tròn nhiệm vụ mình”.
Không ai biết chính xác trận đánh quyết định đó diễn ra như thế nào, nhưng nhà sử học phương Tây David Lewis nói rằng, đội quân Hồi giáo thiện chiến hơn nhiều lần đã thuần thục cách đánh tiêu hao sinh lực địch. Từng đợt kỵ binh lao vào hàng ngũ quân địch dưới sự hỗ trợ của bộ binh.
Thời điểm đội quân Công giáo vỡ trận cũng là lúc vua Roderic ngã ngựa, chấp nhận cái chết cùng nhiều thành viên hoàng tộc. Tổn thất của vương quốc Visgoth là rất lớn trong khi người Hồi giáo chỉ mất 3.000 chiến binh (khoảng 1/4 lực lượng).
Cái chết của Roderic kéo theo sự tan rã của cả đạo quân lớn hơn gấp nhiều lần đối phương. Tariq ra lệnh cho quân truy đuổi và chia làm 4 đạo đánh chiếm đồng thời cả 4 thành phố Cordoba, Murcia, Saragossa và đích thân Tariq chiếm Toledo. Thành phố đầu hàng mà không một chút kháng cự nào. Triều đại của vua Roderic kết thúc ở Tây Ban Nha.
Cuộc đánh chiếm thần tốc của quân Hồi giáo khiến châu Âu run sợ - 5
Người Hồi giáo đưa Cordoba trở thành một trong những trung tâm văn hóa của đạo Hồi.
Chiến thắng này mở đường để đạo quân Hồi giáo thứ hai gồm 18.000 người do tướng Musa bin Nusair chỉ huy đổ bộ sang hỗ trợ đánh chiếm phần còn lại của Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha.
Bán đảo Iberia hoàn toàn thuộc quyền kiểm soát của người Hồi giáo vào năm 718. Dưới triều đại Hồi giáo, người dân Công giáo được phép sinh sống bình thường nếu chấp nhận nộp phạt hàng tháng và không bị tịch thu của cải, nhà cửa.
Cordoba là một trong những thành phố chịu ảnh hưởng mạnh mẽ nhất của văn hóa đạo Hồi. Một nhà sử học Công giáo từng nói: “Trong khi cả châu Âu rơi vào quãng thời gian đen tối thời Trung Cổ thì người Hồi giáo đã xây dựng một vương quốc tuyệt vời ở Cordoba”.
Số phận của hai vị tướng lập công, đặt nền móng cho người Hồi giáo ở châu Âu là Musa bin Nusair và Tariq bin Ziyad sau này đều không mấy sáng sủa.
Tân vương Sulaiman lên nắm quyền lo sợ trước quyền lực của hai vị dũng tướng nên đã tước bỏ mọi tài sản và chức vị của họ. Tariq bin Ziyad chết trong uất ức ở Damascus vào năm 720.
________________
Chiến thắng toàn diện ở Tây Ban Nha là cơ sở để đế chế Hồi giáo mở rộng cuộc chinh phạt chấn động thế giới vào sâu hơn nữa lãnh thổ châu Âu. Bài viết đăng sáng 2.7 sẽ khai thác cuộc chiến của người Hồi giáo ở Pháp và những hệ quả.
Vì đâu đế chế Hồi giáo hùng mạnh và ”càn quét” thế giới?
Nhà tiên tri Mohammed là người sáng lập đạo Hồi nhưng ít ai biết rằng ông cũng là chiến binh dũng mãnh, người thống nhất...
Theo Đăng Nguyễn - Tổng hợp (Dân Việt)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét