Thứ Ba, 20 tháng 11, 2018

BÍ ẨN ĐƯỜNG ĐỜI 161

(ĐC sưu tầm trên NET)



Vĩnh biệt “Hổ cụt đường 9” – Vị tướng khiến quân thù khiếp sợ

Bùi Hải |



Vĩnh biệt “Hổ cụt đường 9” – Vị tướng khiến quân thù khiếp sợ
Trung tướng Lê Hữu Đức tại một cuộc gặp mặt nhân dịp 30.4

17 lần bị thương trên các chiến trường, nhưng ông không chịu đầu hàng bom đạn quân thù. Ông chỉ chịu dừng lại hành trình cuộc đời cực kỳ gian khổ và vinh quang ở tuổi 93, để về với người Thủ trưởng vĩ đại của mình, Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Sáng nay, những mái đầu bạc đầu xanh của gia đình, bạn chiến đấu cũ và rất nhiều đồng đội đã đến nhà tang lễ Bộ Quốc phòng, làm những thủ tục cuối cùng để tiễn đưa PGS. TS, Trung tướng Lê Hữu Đức về nơi an nghỉ cuối cùng.
Họ nghiêng mình trước một vị chiến tướng đã tận hiến đời mình "trọn gói" cho cả 4 cuộc kháng chiến nhiều mất mát, đau thương nhưng hào hùng của dân tộc.
Hổ cụt đường 9 và "cái đầu" trị giá nhiều ngàn đô la
Năm 1947, khi mới 23 tuổi, Tiểu đoàn trưởng Lê Hữu Đức đã bị đạn địch xuyên vào bả vai trái ở chiến trường Điện Bàn – Quảng Nam. Ông ngất đi.
Ca mổ hoàn toàn không có thuốc mê, khiến Lê Hữu Đức gần như ngất đi một lần nữa. "Giống như Hoa Đà mổ cho Quan Vân Trường ngày xưa, đau đớn không kể xiết. Trước khi mổ, bác sĩ quân y tên Kỹ còn hỏi tôi: Không có thuốc mê đâu, anh có chịu đựng được thì để tôi mổ chay. Không mổ, tay anh hỏng mất" – ông Đức kể lại.
Ông gật đầu. Bác sĩ Kỹ lấy dây trói cánh tay ông giáp ngực, nhanh chóng rạch vết thương và luồn hai ngón tay vào bả vai ông gắp đạn và xương vỡ. "Tôi nghiến chặt răng và nhìn thấy một luồng máu phụt từ vai ra, cơ thể đau buốt dại".
Khi thấy thao tác mổ quá nhanh, ông cắn răng đề nghị bác sĩ Kỹ xem còn mảnh xương vụn nào thì tranh thủ vét ra hết, để sau phải mổ lại. Vết thương lại được banh ra lần nữa trong đau đớn.
Dù ca mổ rất dứt khoát, nhưng do không đủ thuốc men, cánh tay ấy hoại tử, hôi thối, nhức buốt buộc ông phải đi đến một quyết định khó khăn nhất: Cắt bàn tay.
"Cắt bỏ một phần cơ thể tôi không sợ. Sợ nhất là với việc mất một tay, tôi không còn đủ tiêu chuẩn làm lính chiến nữa. 23 tuổi đời đã bị loại ra khỏi vòng chiến đấu thì còn nói chuyện gì." – ông nhớ lại.
Cuối cùng, cánh tay vẫn phải cắt, nhưng nó không ngăn được ông tiếp tục chiến đấu. Với một cánh tay rưỡi ấy, Lê Hữu Đức vẫn nhiều lần bò vượt qua hàng rào dây thép gai, cùng cấp dưới vào tận căn cứ địch để trinh sát, để đánh trận nào oanh liệt trận ấy.
Câu chuyện về người chỉ huy có thân hình rất cao lớn, cụt tay, vẫn ngang dọc chiến trường gieo sợ hãi cho Mỹ ngụy ấy, đã được chính đồng đội và cả kẻ thù, định danh trong cụm từ oai dũng "Hổ cụt Tây Nguyên", "Hổ cụt đường 9 nam Lào".
Kẻ thù còn treo thưởng: Ai lấy được đầu, đoạt được mạng sống của ông sẽ được lĩnh hàng ngàn đô la. Nhưng cuối cùng, không một kẻ địch nào được lĩnh thưởng, dù bom đạn của chúng đã khiến Lê Hữu Đức bị thương tới 17 lần.
Có những trận đánh, tưởng như không thể có phép màu nào cứu sống được ông, nhưng rồi ông vẫn thoát. Một trận, bom thả trúng sở chỉ huy của ông, tan nát tất cả. Những người còn lại không thể tìm ra dấu vết cũ của căn hầm tướng Đức và cần vụ trú ẩn.
Khi mọi người đã rơi nước mắt khóc ông thì một vị chỉ huy khác ra lệnh: Tan xác cũng phải tìm bằng được thân thể anh Đức. Hóa ra, bom chỉ san phẳng phía trên chứ không khoan sâu xuống. Khi thấy gậy của đồng đội thọc xuống tìm, theo hướng dẫn của ông, cậu cần vụ đã nắm lấy cây gậy lay lay và hai người được cứu sống.
Vĩnh biệt “Hổ cụt đường 9” – Vị tướng khiến quân thù khiếp sợ - Ảnh 1.
“Hổ cụt Tây Nguyên”, “Hổ cụt đường 9” – Trung tướng Lê Hữu Đức
Đám cưới kỳ lạ và giọt nước mắt chiến tướng
Người vợ gắn bó với tướng Lê Hữu Đức phần lớn cuộc đời, chăm sóc yêu thương ông đến hơi thở cuối cùng, là người phụ nữ của cuộc hôn nhân thứ 2.
Cuộc hôn nhân đầu là một câu chuyện vừa tuyệt vời nhất nhưng cũng đau thương nhất. Ông gặp bà trong thời gian chiến đấu. Bà cũng là một chiến sĩ cách mạng nam tiến.
Lăn lộn cùng nhau trong những năm tháng thiếu thốn, gian khổ, xa quê hương, đã khiến hai người gần nhau, với một tình yêu vừa đúng nghĩa vừa đậm sâu tình đồng đội.
Sau này, khi đã gần 90 tuổi, ngồi nói chuyện với chúng tôi, tướng Đức thỉnh thoảng vẫn kể về người vợ - đồng đội ấy. Có lần, ông đã khiến chúng tôi khóc theo, khi đưa cánh tay cụt lên lau nước mắt lã chã.
Ông kể, đám cưới của hai người diễn ra giản dị và bí mật tại một mảnh vườn nhỏ ở vùng địch chiếm đóng. Chỉ có vài cái kẹo, dăm cốc nước. Đêm tân hôn của cặp vợ chồng trẻ cũng là màn trời chiếu đất ở trong vườn.
Thế nhưng, do yêu cầu chiến đấu, chỉ vài ngày sau ông bà phải chia tay để hành quân đến những nơi khác nhau. Sau đó, giặc thù đã cướp vĩnh viễn của ông người vợ - người đồng đội tuyệt vời ấy.
Một lần khác, phóng viên báo tôi thấy ông ứa nước mắt, khi nghe tin Đại tướng Võ Nguyên Giáp tạ thế. Hôm ấy, ngồi trong ngôi nhà nhỏ 4 tầng tại ngõ phố Đội Nhân, Hà Nội, ông chỉ lên bức trướng của Đại tướng Võ Nguyên Giáp mừng thọ ông năm ông 80 tuổi, nói về người cựu thủ trưởng trực tiếp của mình:
"Mỗi lần nhắc tới cụ Hồ, nhắc tới ông Võ Nguyên Giáp là tôi không cầm được nước mắt. Hôm qua, có một người quen nằm ở viện 108 gọi điện cho cô giúp việc nhắn với tôi là ông Võ mất. Sau đó lại nghe được tin xác nhận từ một chú trung tá, tôi đã rất buồn. Đau xót vô cùng. Vẫn biết sinh ly tử biệt nhưng tôi thấy tiếc một người tốt như vậy, văn võ song toàn, đức độ trọn vẹn, ít có ai được như thế!".
Vĩnh biệt “Hổ cụt đường 9” – Vị tướng khiến quân thù khiếp sợ - Ảnh 2.
Bức ảnh chụp lúc 12h50 ngày 30.4.1975 tại Tổng hành dinh với Đại tướng Võ Nguyên Giáp (Đại tá Lê Hữu Đức ngoài cùng bên trái)
Những thời khắc lịch sử
Từ chiến trường ra, Lê Hữu Đức được cất nhắc làm phó, rồi làm Cục trưởng cục Tác chiến, Bộ Tổng tham mưu, PGĐ Học Viện Quốc phòng.
Ông là một trong những thành viên của Tổ Trung tâm thành lập năm 1973 gồm 4 người, do tướng Lê Trọng Tấn làm tổ trưởng. Tổ này có nhiệm vụ soạn thảo kế hoạch Giải phóng miền Nam trong 2 năm 1975-1976.
Tổ họp liên tục. Rất nhiều lần ông được báo cáo Kế hoạch trực tiếp với Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Có lần ông được báo cáo trực tiếp suốt 3 tiếng đồng hồ với Tổng Bí thư Lê Duẩn.
"Anh Ba (ông Lê Duẩn) là người rất sáng suốt, nhưng anh không phản đối gì. Anh nói sẽ bàn thêm với anh Tô (Thủ tướng Phạm Văn Đồng). 2 giờ chiều cùng ngày, anh Ba mời cả Tổ trung tâm sang bàn thảo tiếp và liên quan" – tướng Đức nhớ lại.
Trưa 30.4, giờ khắc lịch sử của dân tộc, khi bộ đội ta cắm cờ trên Dinh Dộc Lập, tướng Đức cũng có mặt bên cạnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong "tổng hành dinh".
5 vị tướng, tá (Thiếu tướng Cao Văn Khánh, Phó tổng Tham mưu trưởng; Đại tá Lê Hữu Đức, Cục trưởng Tác chiến; Đại tá Nguyễn Trọng Yên và Thượng tá Phạm Chí Nhân, Cục trưởng và Cục phó Tuyên huấn) đều đứng bật dậy hân hoan nhìn Đại tướng Võ Nguyên Giáp chỉ gậy vào Dinh Độc lập trên tấm bản đồ chiến tranh, ăn mừng chiến thắng.
"Đó là những thời khắc không bao giờ quên. Nhưng cuộc đời binh nghiệp của tôi, như nhiều đồng đội khác, không dừng lại ở đấy. Tôi tiếp tục cùng đất nước tham gia "trọn gói" vào hai cuộc chiến khốc liệt nữa để bảo vệ tổ quốc" – tướng Đức bồi hồi.
Những năm tháng cuối đời của Trung tướng Lê Hữu Đức, tôi có may mắn gặp gỡ ông nhiều lần. Kể cả khi đã rất yếu, thì chất lính chiến máu lửa, quyết liệt của chàng trai Nghi Xuân – Hà Tĩnh thủa xưa, vẫn cháy ngùn ngụt qua những cái vung tay, cái giọng sang sảng và những ý kiến đanh thép trên báo chí.
Hai lần cuối cùng, chúng tôi tổ chức Giao lưu trực tuyến về Đại tướng Võ Nguyên Giáp, về thành tựu huyền thoại của ngành Quân y Việt Nam, tướng Đức đều nhận lời tham dự.
Nhưng bệnh huyết áp của ông trở chứng, khiến ông không thể đến tòa soạn tham dự. Ông nằm trên giường ở nhà để đọc câu trả lời cho phóng viên truyền về tòa soạn.
Sáng nay, tôi đến thăm ông lần cuối. Tôi đã nhìn rất lâu lần cuối cùng vào khuôn mặt vị chiến tướng oanh liệt ấy và nghĩ rằng: Những chứng nhân của một trang lịch sử hào hùng của đất nước, rồi cũng sẽ ra đi, nhưng những thứ họ để lại, không thể phai nhạt.
Rời đám tang, tôi điện thoại cho vị chiến tướng lừng danh khác, một đồng đội cũ trên mặt trận Tây Nguyên của tướng Đức. Ở đầu bên kia, giọng Trung tướng Nguyễn Quốc Thước (đã 92 tuổi) sang sảng: "Tôi vừa đi viếng anh Đức về. Đi theo đoàn cựu binh cũ của mặt trận Tây Nguyên. Hôm nay, anh ấy sẽ được gặp lại nhiều đồng đội.".
Vâng, cuối cùng thì ông đã được về với tổ tiên, thủ trưởng Võ Nguyên Giáp và biết bao đồng đội của cả 4 cuộc chiến bi tráng.Vĩnh biệt ông!
theo Trí Thức Trẻ


"Trận đánh" lớn đầu tiên của "Hùm xám đường số 4": Treo cờ trước 120 họng súng

Hoàng Trường Giang lược ghi |


"Trận đánh" lớn đầu tiên của "Hùm xám đường số 4": Treo cờ trước 120 họng súng
Ông Đặng Văn Việt kể chuyện treo cờ cách mạng trên Kỳ đài Huế.

Bảo Đại đã định cho nổ súng nhưng Nam Phương Hoàng hậu ngăn lại... Bảo Đại nghe lời Hoàng hậu xong lập tức ra lệnh: "Chớ, không được bắn, các ngươi mà bắn thì trẫm chết trước đó".

Kỳ 1: Chuyện cảm động ghi ở Bệnh viện Hữu nghị: 4 vị tướng cúi đầu bên giường một vị trung tá (Xem tại đây)
Kỳ 2: Cờ đỏ sao vàng tung bay trên Kỳ đài Huế
Dăm năm trước, có lần ngồi "trà thuốc" với Hùm xám Đặng Văn Việt ở căn phòng nhỏ của ông trên tầng 4, tôi hỏi: "Nay đã gần trăm tuổi, thời thanh niên của bác rất sôi nổi thăng trầm nhưng điều gì làm bác nhớ nhất ?".
Người lính già nheo đôi mắt nhìn đời gần thế kỷ rồi cười đáp: "Cuộc đời tôi có 5 biến cố lớn nhưng sự kiện đầu tiên chính là cách mạng tháng 8".
Phút sinh tử trước họng súng của lính Bảo Đại
Ông Việt nhớ lại, sau cách mạng tháng 8-1945, ông rời Hà Nội trở về Huế và nhập học Trường Thanh niên Tiền tuyến do luật sư Phan Anh và Giáo sư Tạ Quang Bửu lập ra, hiệu trưởng khi đó là ông Phan Tử Lang.
Một mặt hình thức đây là tổ chức thuộc Bộ Thanh niên của Chính phủ Trần Trọng Kim nhưng bên trong thực chất lại là hoạt động Việt Minh. Đặng Văn Việt nằm trong nhóm 4 sinh viên Việt Minh từ Hà Nội trở về hoạt động bí mật tại trường. Tổ trưởng khi đó là anh Lâm Kèn, anh Phan Hàm, anh Võ Quang Hồ sau này đều là thiếu tướng quân đội cả.
Người mà Đặng Văn Việt và Lâm Kèn khi đó thường gặp xin chỉ thị là đồng chí Hoàng Anh (nguyên Bí thư Tỉnh ủy Thừa – Thiên Huế, sau này là Phó thủ tướng Chính phủ) và đồng chí Trần Hữu Dực (nguyên Chủ tịch Uỷ ban Hành chính kháng chiến Trung Bộ, sau này là Phó thủ tướng Chính phủ).
Chàng thanh niên Đặng Văn Việt cùng bạn học đã được "Việt Minh hóa" với 43 sinh viên trở thành 43 sĩ quan của Giải phóng quân Thừa Thiên – Huế sau này.
Đúng thời điểm đó, cách mạng tháng 8 nổ ra, ngày 20-8-1945 Đặng Văn Việt nhận được tin cử đến một địa điểm bí mật gặp đồng chí Trần Hữu Dực và được trao nhiệm vụ treo cờ đỏ sao vàng trước Kỳ đài Ngọ Môn vào sáng 21-8.
Chàng thanh niên 25 tuổi hăng hái nhận nhiệm vụ rồi cuộn tròn lá cờ vào bao tải đem về Trường. Cùng lúc đó, tổ chức huy động thêm anh Nguyễn Thế Lương (tức Cao Pha, sau này là Thiếu tướng, Cục trưởng Cục 2) cùng tham gia với Đặng Văn Việt.
Đồng chí Lâm Kèn tổ trưởng giao cho Việt một khẩu súng lục để thị uy. Đồng thời yêu cầu Việt và Nguyễn Thế Lương phải ăn mặc đồng phục chỉnh tề của Trường, đi giày da, đội mũ ca nô sao cho oai phong lẫm liệt nhất.
Trận đánh lớn đầu tiên của Hùm xám đường số 4: Treo cờ trước 120 họng súng - Ảnh 1.
Đặng Văn Việt trở lại nơi hào hùng mùa thu 1945 khi ông kéo cờ cách mạng trên Kỳ đài Huế.
Khi đó, Kỳ đài Huế nằm cách Ngọ Môn khoảng 300m, trên khuôn viên 4 héc-ta, xây 3 tầng cao 17,5m, chính giữa là cột bê tông 30m. Trên đỉnh cột cờ có ròng rọc, dây kéo cờ to bằng cổ tay, phải 5-6 người mới kéo nổi. Có một tiểu đội 12 người với súng trường canh gác kỳ đài. Ngoài ra là 120 lính khố vàng trang bị súng, pháo và cả thần công để bảo vệ nhà vua.
Sáng sớm 21-8, không khí mùa thu dịu mát, bầu trời cố đô Huế trong xanh cao vợi, Đặng Văn Việt và Nguyễn Thế Lương cuộn lá cờ buộc chặt lại, gác lên hai xe đạp rồi còng lưng đẩy xe đến chân Kỳ đài.
Việt dặn Lương đợi ở xe để anh vào gặp thầy đội chỉ huy rồi nói: Theo lệnh của Ủy ban Kháng chiến Trung Bộ, chúng tôi có nhiệm vụ treo cờ cách mạng lên thay cờ quẻ ly. Các anh hãy giúp chúng tôi hoàn thành nhiệm vụ.
Viên thầy đội có phần nao núng, liền bảo 2 tên lính đến giúp Việt và Lương đưa cờ lên. Thầy đội và 6 tên lính đứng dàn hàng ngang, Lương đứng ở đầu hàng, Việt đứng ngoài rồi ra lệnh hạ cờ quẻ ly, kéo cờ Việt Minh lên… Khi là cờ đỏ sao vàng vừa tung bay trước gió, đội cảnh vệ của vua Bảo Đại đã chĩa súng từ xa về phía Đặng Văn Việt và Nguyễn Thế Lương.
Ông Việt kể, khi ấy Bảo Đại đã định cho nổ súng nhưng Nam Phương hoàng hậu ngăn lại, bà viện dẫn với nhà vua rằng, trong lịch sử cách mạng Pháp 1789, vua Louis 16 và Marie Antoinette vì cho lính bắn người cách mạng mà cả hai bị chém đầu… Vua Bảo Đại nghe xong lập tức ra lệnh: "Chớ, không được bắn, các ngươi mà bắn thì trẫm chết trước đó".
Bước chân vào binh nghiệp
Thành công trong "trận đánh" treo cờ cách mạng trước 120 họng súng của nhà vua đã mở ra một trang mới trong cuộc đời Đặng Văn Việt. Hai ngày sau, 23-8-1945, nhân dân đồng loạt đứng lên giành chính quyền tại Huế, vua Bảo Đại thoái vị, chấm dứt triều đại phong kiến cuối cùng tại Việt Nam.
Ngày 1-9, đồng chí Trần Hữu Dực giao nhiệm vụ xây dựng lực lượng vũ trang cách mạng cho Thanh niên Tiền tuyến Huế, sau 15 ngày, 25 phân đội Giải phóng quân được thành lập.
Người lính già Đặng Văn Việt giờ bách niên vẫn bồi hồi khi nhớ lại năm tháng ấy, khi chàng thanh niên 25 tuổi chưa hề được học về quân sự nhưng có "năng khiếu" chỉ huy nên liên tục được giao nhiệm vụ quan trọng.
Việt trở thành Trung đội trưởng Trung đội 1, khi quân Pháp đổ bộ vào cửa Thuận An, Trung đội đã mưu kế bắt gọn một quan ba và hai tên quan hai Pháp. Đến tháng 12-1945, 4 phân đội vũ trang được điều sang mặt trận Đường 9 Trung Lào với Đặng Văn Việt làm Chỉ huy trưởng.
Tại đây, Việt đã chỉ huy đánh địch tại trận Mường Phìn, Pha Lan, Đồng Hến, ngăn bọn lính Pháp đánh vào miền Trung nước ta. Sau đó Đặng Văn Việt tiếp tục làm Tham mưu trưởng Mặt trận đường số 7 Thượng Lào…
Trận đánh lớn đầu tiên của Hùm xám đường số 4: Treo cờ trước 120 họng súng - Ảnh 2.
Trung đoàn trưởng Đặng Văn Việt cùng cựu chiến binh Trung đoàn 174 trong ngày gặp mặt truyền thống
Mùa hè năm 1946, ông Hoàng Đạo Thúy, Hiệu trưởng Trường Võ Bị Trần Quốc Tuấn đã đưa Đặng Văn Việt về làm giảng viên khóa 1.
Cuối năm 1947, Đặng Văn Việt về Bộ Tổng Tham mưu rồi được "biệt phái" lên mặt trận đường số 4. Chàng trai trẻ hừng hực ngọn lửa cách mạng đến với núi rừng biên giới Việt Bắc càng hun đúc thêm tinh thần giải phóng dân tộc quật cường.
Một sớm mùa thu ngày 19-8 tại xã Đức Long, huyện Hoà An, tỉnh Cao Bằng, Trung đoàn 174 Cao Bắc Lạng được thành lập trên cơ sở hợp nhất lực lượng 3 tiểu đoàn mạnh nhất của 3 trung đoàn thuộc 3 tỉnh gồm: Trung đoàn 74 (Cao Bằng), Trung đoàn 72 (Bắc Cạn), Trung đoàn 28 (Lạng Sơn).
Đội ngũ cán bộ, chiến sĩ trung đoàn 174 hầu hết là con em các dân tộc Tày, Nùng, Dao, Cao Lan... vùng rừng núi Cao-Bắc-Lạng.
Và phiên hiệu 174 chính là con số cộng lại của 3 trung đoàn. Trung đoàn trưởng đầu tiên Đặng Văn Việt, Chính ủy đầu tiên Chu Huy Mân (sau này là Đại tướng, Phó chủ tịch Hội đồng Nhà nước).
Người cựu trung đoàn trưởng đầu tiên ấy nheo đôi mắt đã gần một thế kỷ nhìn cuộc đời và kể rằng: "Tôi tự hào vì Trung đoàn 174 và Trung đoàn 209 Sông Lô (Trung đoàn trưởng Lê Trọng Tấn - sau này là Đại tướng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Tổng tham mưu trưởng) là 2 trung đoàn chủ lực, độc lập đầu tiên trực thuộc Bộ Tổng Tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam".
Và cũng từ đây, "hùm xám đường số 4" thực sự vẫy vùng.
(Còn tiếp)



Gặp người lính kéo cờ đỏ sao vàng lên Kỳ đài Huế

Chính trị | 15:08 Thứ Bảy ngày 19/08/2017
(HNMO)  - Trong những ngày tháng Tám lịch sử này, may mắn tôi có cơ hội được gặp một nhân chứng lịch sử - ông Đặng Văn Việt, một lão thành cách mạng, lão tướng và là người đã tham gia sự kiện “Hạ cờ nhà Vua, giương cao cờ đỏ sao vàng trên Kỳ đài Kinh đô Huế” (21-8-1945), chỉ 3 ngày trước khi Cách mạng Tháng Tám nổ ra và thành công ở Huế (23-8-1945).

Ông Đặng Văn Việt năm 38 tuổi (sau khi được phong quân hàm Trung tá, năm 1958).


Con nhà “danh gia vọng tộc”

Ở tuổi “xưa nay hiếm”, ông Đặng Văn Việt vẫn còn khoẻ mạnh và minh mẫn. Ở tuổi 98, hàng ngày ông vẫn đi đi về về trên căn hộ tầng 4, khu tập thể Bộ Xây dựng, phường Minh Khai, quận Hai Bà Trưng (Hà Nội).

Tiếp tôi trong không gian nhỏ hẹp của căn hộ chỉ trên 16 m2, ông Việt vẫn giữ phong thái của con nhà “quan”, khách đến nhà là phải rót rượu mời. Ấn tượng hơn, sau sự kiện treo cờ 72 năm trước, hiện nay ông vẫn viết sách, dịch tiếng Pháp, học tiếng Anh không cần kính lão.

Ông Việt chia sẻ, cả đời ông đã cống hiến cho sự nghiệp nhà binh, đánh hàng trăm trận nhưng không phải để màng danh lợi. Ông chỉ mong góp sức xây dựng đất nước mình ngày càng giàu đẹp. Ông bảo “Nếu cần đi xe hơi, tôi được đi từ trong bụng mẹ rồi!”.

Ông Đặng Văn Việt sinh tại Nghệ An, trong gia đình nhà nho họ Đặng. Vì sinh ra trong một gia đình nhà Nho, nên ông được gia đình cho ăn học đến nơi, đến chốn. Sau khi đậu Tú tài (trung học ở Huế), ông ra Hà Nội học ngành Y khoa. Ngày 9-3-1945 Nhật đảo chính Pháp, Trường Đại học Y khoa Đông Dương đóng cửa, chàng trai Đặng Văn Việt cùng 42 sinh viên miền Trung phải quay về quê.

Biết Nhật sẽ đảo chính Pháp nên luật sư Phan Anh (một trong 16 thành viên nội các của Chính phủ Trần Trọng Kim) và GS Tạ Quang Bửu (cố vấn đặc vụ ủy viên Bộ Thanh niên) chớp thời cơ thành lập Trường Thanh niên tiền tuyến Huế thu hút ngay số sinh viên miền Trung này.

GS Tạ Quang Bửu vốn là thầy giáo cũ đã viết thư khuyên Đặng Văn Việt và bạn học gia nhập trường. Thực chất đây là trường võ bị nhằm “Việt Minh hóa” 43 trí thức trẻ từ Trường đại học Y khoa Đông Dương thành “sinh viên Việt Minh” có trình độ quân sự nhất định.

Sáng 20-8-1945, ông Đặng Văn Việt nhận tin mật “mời đến một địa điểm gần Nam Giao gặp đồng chí Trần Hữu Dực”. Khi gặp, ông Dực giao cho Đặng Văn Việt một lá cờ Tổ quốc “to gần bằng cả gian nhà”, nói: “Tôi giao cho đồng chí lá cờ đỏ sao vàng. Đồng chí có nhiệm vụ treo lên cột cờ lớn trước cửa Ngọ Môn vào sáng 21-8”.

Thời khắc lịch sử


Bằng chất giọng trầm nhưng sắc gọn, ông Đặng Văn Việt kể về sự kiện “Hạ cờ nhà vua, giương cao cờ đỏ sao vàng trên Kỳ đài Kinh đô Huế”, thực chất là một trận đánh nhỏ, không kèn, không trống, không một tiếng súng... nhưng hiệu quả đạt được rất to lớn. Theo lời ông Việt, thì tuy trận đánh diễn ra trong yên ả như vậy, nhưng cũng không hề dễ dàng.
Diễn viên đóng vai “sinh viên Việt Minh” Đặng Văn Việt chuẩn bị kéo cờ lên Kỳ đài Huế (21-8-1945) -cảnh một bộ phim tài liệu của Đài Truyền hình VN.

Sau khi nhận lá cờ từ đồng chí Trần Hữu Dực, ông hiểu rằng đây là một nhiệm vụ hết sức quan trọng. Quay về trường, ông ngẫm nghĩ “mình phải làm thế nào để hoàn thành nhiệm vụ thiêng liêng này”. Ông được anh Lâm Kèn (tổ trưởng tổ Việt Minh gồm 5 sinh viên nòng cốt) huy động thêm Nguyễn Thế Lương (sau này là Thiếu tướng Cao Pha, Cục trưởng Cục 2 - Bộ Quốc phòng) cùng đi treo cờ.

Tổ Việt Minh cho hai người mượn khẩu súng Barillet với 6 viên đạn để tăng uy thế trước phản ứng của lính cận vệ hoàng gia.

Rạng sáng 21-8-1945, Đặng Văn Việt và Cao Pha “đóng” bộ ghệt bóng lộn. Đầu đội mũ calô, chân đi giày da. Khẩu Barillet đeo sệ bên hông. Lúc đó lá cờ đã được cuộn dài như “con trăn” gác lên hai xe đạp. Hai người kỳ cạch đẩy xe đi khoảng 2km thì đến chân cột cờ Huế.

“Anh Cao Pha dừng lại bảo vệ lá cờ, còn tôi băng lên gặp thầy đội chỉ huy đội bảo vệ cờ của triều đình gồm 12 lính dõng với 12 khẩu Mútcơtông thông báo: “Theo lệnh của Ủy ban kháng chiến Trung bộ, chúng tôi có nhiệm vụ treo cờ cách mạng thay cờ quẻ ly. Các ông giúp chúng tôi thực thi nhiệm vụ”.

Trước áp lực và khí thế cách mạng, thầy đội gọi tôi bằng “ngài” và nói: “Dạ các ngài cứ ra lệnh”” - ông Việt nhớ lại.

“9h ngày hôm đó, 6 lính dõng vạm vỡ giúp hạ cờ quẻ ly để chúng tôi thay bằng cờ đỏ sao vàng. Thay xong, 6 lính pháo đùng và thầy đội xếp hàng ngang. Anh Cao Pha đứng hàng trước. Tôi đứng ngoài hô: Kéo cờ... Chào!

Lính pháo đùng bồng súng, còn chúng tôi đưa tay chào kiểu nhà binh. Lá cờ đỏ sao vàng của Tổ quốc từ từ được kéo lên cao theo hệ thống dây thừng ròng rọc to bằng cổ tay. Nhìn theo lá cờ tung bay, lòng tôi rạo rực, máu trong tim như sôi bừng lên vì phấn khích, tự hào.

Ông Việt còn nhớ như in, lá cờ treo lên Kỳ đài ở Huế rộng 120 m2, nó được nhanh chóng kéo kên đỉnh Kỳ đài thay thế cho cờ nhà vua. Cột cờ nặng trên 100 tấn, cao 50m, đứng xa 40 km còn trông thấy chấm đỏ của màu cờ. Bóng cờ làm rợp cả một góc thành đô, gây một chấn động lớn trong và ngoài nước. Ông cũng nhớ thời điểm đó, khi ông đang hạ cờ - treo cờ, bỗng xuất hiện 2 chiếc thuỷ phi cơ của Mỹ từ hạm đội 7 bay vào, lượn vài vòng rồi quay ra biển. Ông cho rằng, chính vì vậy mà tin Việt Minh đã làm chủ Kinh đô Huế đã được Lầu năm góc biết rất nhanh. Ngay lập tức, ngày 22-8-1945, Tổng thống Mỹ Truman đang họp bàn cùng Tổng thống Pháp Đờ - Gôn đã hạ bút ký ngay một Hiệp định: “Mỹ và Pháp bắt đầu cuộc hợp tác tương trợ trong cuộc chiến tranh ở Đông Dương”. Sau đó, Vua Bảo Đại hốt hoảng triệu tập toàn thể Hoàng gia và các quan Đại thần để họp bàn, định ra kế sách: “Với Việt Minh, hoà hay chiến? Tiến hay lùi? – Trước khí thế và lực lượng Việt Minh đang tràn ngập đất nước?”. Các lực lượng chống đối liền ngấm ngầm chuẩn bị những đòn phản kích: 500 tù nhân người Pháp đang bị quân Nhật giam giữ ở trường Providence Huế chuận bị phá hàng rào, chỉ cần một đêm là chúng có thể trở lại chiếm các nhiệm sở của chế độ thực dân ở Kinh thành Huế.

Chính phủ Đờ - Gôn cho thả dù một tổ biệt kích (gồm 6 người do Quan tư Castella chỉ huy) nhảy dù xuống Hiền Sỹ, phía Bắc cách Huế 25 km, giả danh là phái bộ của Đồng minh, để liên lạc với Bảo Đại, Phạm Quỳnh, Ngô Đình Khôi và các lực lượng chống đối khác, nhằm ngăn chặn chủ trương thoái vị của nhà vua và phục hồi sự thống trị của Pháp ở miền Trung, nhưng họ chưa kịp hành động đã bị lực lượng Thanh niên Tiền tuyến Huế tiêu diệt, bắt gọn. Còn nhân dân Kinh đô Huế và các vùng lân cận thì vô cùng phấn khởi, họ truyền tai nhau tin: “Cờ đỏ sao vàng! Cách mạng đã về! Độc lập – Tự do đã đến với nhân dân ta!”.

Tiếp theo, 3 ngày sau đó (23-8-1945), Cách mạng Tháng Tám nổ ra ở Kinh đô Huế. Hàng chục vạn người dân đổ về, mít tinh rầm rộ như những dòng thác lũ. Chính quyền đã về tay nhân dân!

Rồi ông kể tiếp: “Ngày 23-8-1945, sau ba ngày treo cờ, khi tôi đang đứng trên cửa Ngọ Môn dự lễ vua Bảo Đại tuyên bố thoái vị và trao ấn tín, kiếm báu cho chính quyền cách mạng thì một thầy đội nói thầm vừa đủ tôi nghe: Hôm hai ông chở cờ đến, tôi được lệnh triển khai một đại đội cảnh vệ hoàng gia nằm dọc theo thành của cửa Ngọ Môn.

120 mũi súng đã chĩa thẳng vào hai ông. Tôi xin phép nhà vua cho bóp cò, nhưng cả nhà vua và hoàng hậu Nam Phương đều không đồng ý. Chính vì vậy mà tôi còn sống đến ngày hôm nay”.

Thắng lợi của trận đánh này có vai trò lịch sử rất quan trọng, góp phần giúp cho cuộc Cách mạng của Việt Minh thắng lợi. Đó là việc buộc nhà Vua Bảo Đại phải rời bỏ ngai vàng, tạo tiền đề cho một chế độ chính trị mới, tiến bộ hơn được xác lập ngay tại Kinh đô Huế. Sự kiện này là một điểm sáng chói trong Cách mạng Tháng Tám – cuộc cách mạng đã làm cho triều đình phong kiến nhà Nguyễn tồn tại 13 đời Vua, 143 năm trị vì đất nước bỗng chốc sụp đổ. Nó cũng chính là mốc son chấm dứt chế độ phong kiến đã tồn tại hơn 1.000 năm ở Việt Nam.

Trận đánh nhỏ chiếm Kỳ đài còn có ý nghĩa là trận đánh thắng đầu tiên mở màn cho trận đánh lớn trường kỳ 30 năm của cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc.
Minh Quyên

 

Chuyện cảm động ghi ở Bệnh viện Hữu nghị: 4 vị tướng cúi đầu bên giường một vị trung tá

Hoàng Trường Giang lược ghi |



Chuyện cảm động ghi ở Bệnh viện Hữu nghị: 4 vị tướng cúi đầu bên giường một vị trung tá
Các tướng lĩnh quân đội đến thăm Thủ trưởng Đặng Văn Việt. Ảnh: Trường Giang.

Vị trung tướng già chậm rãi đi tới, đôi tay trận mạc gân guốc sẫm đồi mồi khẽ nắm lấy tay vị trung tá trên giường bệnh: "Anh Việt ơi, em là lính của anh đến thăm anh đây".

Kỳ 1: Chuyện ghi ở bệnh viện
Hà Nội một ngày tháng 11 tiết trời trở lạnh, khu điều trị tích cực Bệnh viện Hữu nghị Việt – Xô nằm trên tầng 8 im ắng đến đáng sợ. Từ cửa thang máy đi ra bốn vị tướng quân đội, dẫn đầu là một người đàn ông rất lớn tuổi trong bộ quân phục bạc màu, đôi cầu vai đeo quân hàm trung tướng.
Thủ trưởng của trung tướng
Vừa bước đi, vị trung tướng già dẫn đoàn vừa hỏi cô y tá:
- Cháu cho hỏi ông Việt lão thành cách mạng nằm ở phòng nào ?
- Dạ ông ấy nằm ở phòng 810 ạ, ông là thế nào với ông ấy ạ ?
- Ông là cấp dưới của ông ấy!
Chuyện cảm động ghi ở Bệnh viện Hữu nghị: 4 vị tướng cúi đầu bên giường một vị trung tá - Ảnh 1.
Tác giả bài viết cùng người sĩ quan được mệnh danh là "Hùm xám đường số 4".
Người đàn ông lớn tuổi trả lời nhanh gọn dứt khoát. Cô y tá tròn mắt, ngỡ ngàng ngước lên nhìn thật kỹ vị tướng đã chạm 94 tuổi đang thoăn thoắt đi lại phía cửa phòng 810.
... Bên chiếc giường phủ tấm ra trắng toát, một ông lão gầy guộc đang nằm lim dim ngủ.
Vị trung tướng già chậm rãi đi tới, đôi tay trận mạc to bè gân guốc sẫm đồi mồi khẽ đưa ra nắm lấy tay người đang nằm rồi cất giọng gọi:
- Anh Việt ơi, em là lính của anh đến thăm anh đây.
Ông lão suýt soát 100 tuổi đang nằm trên giường bệnh khẽ trở mình, mở đôi mắt già nua mờ đục ra nhìn hồi lâu rồi nói:
- Ai đấy ? Ai đấy ?
Một vị trung tướng khác trẻ hơn đứng bên cạnh trung tướng già vội cắt lời:
- Cháu Nguyễn Mạnh Đẩu ở Lục quân đây ạ. Đây là Trung tướng Nguyễn Quốc Thước, nguyên Tư lệnh Quân khu 4. Bên này là Thiếu tướng Tạ Quang Chính - con trai Bộ trưởng Tạ Quang Bửu; Bên này nữa là Thiếu tướng Hồ Thủy - con gái anh Hồ Sỹ Ngận.
Trên giường bệnh, ông lão vừa dứt cơn ho, đưa tay ra nắm chặt tay vị trung tướng rồi khẽ mỉm cười. Ông không nói thành lời nhưng đôi môi run run, những tiếng thở cứ dồn dập thành đợt...
Vị trung tướng già tiếp tục nói:
- Anh Đặng Văn Việt ơi, hổ xám đường số 4 ơi, em Quốc Thước, lính của anh đây. Ngày nào anh làm trung đoàn trưởng, em mới còn là trung đội trưởng, thế mà giờ đã trăm tuổi cả rồi anh ơi...
Nói đoạn, ông đưa gói quà nhỏ đã chuẩn bị kỹ từ nhà cho người đang nằm trên giường bệnh. Căn phòng đầy chật nghĩa tình, những bệnh nhân già khác đang nằm đều ngẩng lên dõi theo câu chuyện, mấy cô y tá và anh bác sĩ trẻ ngơ ngẩn nghe...
Bốn vị tướng và một đứng vây quanh giường bệnh. Ông lão nằm trên giường dứt tiếng thở khò khè định nói gì đó mà không được. Ánh mắt ông tươi vui hơn hẳn ngày thường...
Vị trung tướng già cười rạng rỡ, nắm chặt tay người thủ trưởng rồi nói:
- Anh mau khỏe, hôm nào anh về bọn em qua thăm, uống rượu, kể chuyện Đường số 4, chuyện kéo cờ ở Kỳ đài Huế... Rồi anh còn đi đánh tenis, đi xe máy, khiêu vũ nữa chứ...
Ông lão nằm trên giường bệnh gật đầu nhẹ, khẽ mỉm cười.
Cô y tá trẻ quay sang hỏi tôi:
- Anh ơi, ông cụ chắc phải là thượng tướng, đại tướng đấy nhỉ?
Tôi nhìn cô một lát rồi trả lời:
- Không em ạ. Ông ấy cả đời chỉ đeo quân hàm trung tá. Nhưng ông ấy là một huyền thoại!
Cô y tá ngơ ngác hồi lâu rồi bất chợt đưa tay lên lau vội giọt nước mắt vừa lăn xuống má...
“Hổ xám” giữa đời thường
Mùa hè 7 năm trước, một người hàng xóm gần nhà tôi là Đại tá Nguyễn Ngọc Diễn 85 tuổi, thành viên Ban Liên lạc của Trung đoàn 174 Cao Bắc Lạng (thuộc Sư đoàn 316,Quân khu 2) đã mời tôi đến dự cuộc gặp mặt truyền thống của đơn vị.
Ông Diễn nói: “Cháu cứ đến đi, cháu sẽ gặp nhiều cựu chiến binh lừng lẫy, nhiều tướng lĩnh oai hùng và cháu sẽ gặp một người rất đặc biệt”.
… Sáng hôm ấy trời mưa rả rích, tại hội trường Nhà văn hóa quận Cầu Giấy, tôi khá bất ngờ khi thấy rất nhiều cựu chiến binh đại tá và cả cấp tướng chủ động len qua các hàng ghế để tiến đến chào, bắt tay hỏi han một trung tá…
Đến phần trao kỷ niệm chương, mừng thọ các cựu chiến binh của Trung đoàn, tôi lại thấy “trung tá già” lên gắn hoa cho các cựu chiến binh cấp bậc cao hơn rất nhiều.
Người đầu tiên tôi nhận ra trong buổi gặp mặt đó là Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân La Văn Cầu, có lẽ vì ông quá nổi tiếng qua sách vở, báo đài. Nhưng khi nói chuyện, Anh hùng La Văn Cầu lại kể cho tôi nghe về “trung tá già” – Trung đoàn trưởng đầu tiên của Trung đoàn 174, người được thực dân Pháp khiếp sợ gọi tên “Hùm xám đường số 4”.
Chuyện cảm động ghi ở Bệnh viện Hữu nghị: 4 vị tướng cúi đầu bên giường một vị trung tá - Ảnh 2.
Một trong những Trung đoàn trưởng bộ binh chủ lực đầu tiên - Đặng Văn Việt.
Đặng Văn Việt sinh tháng 3-1920, là con của quan Tham tri Đặng Văn Hướng dưới triều đình Bảo Đại, Tổng đốc Nghệ An trong Chính phủ Trần Trọng Kim và Bộ trưởng Không Bộ phụ trách Thanh – Nghệ - Tĩnh trong Chính phủ Liên hiệp Hồ Chí Minh.
Thuở thanh niên, Đặng Văn Việt là sinh viên ngành Đại học Y Đông Dương danh giá, một tay chơi tenis, đua xe đạp, đá bóng có tiếng từ những năm 1940… Đẹp trai, tài hoa và con nhà quyền thế nhưng ông quyết định bỏ lại tất cả để đi theo cách mạng.
Ngày 21-8-1945, ở tuổi 25, chàng thanh niên Đặng Văn Việt cùng với người bạn Nguyễn Thế Lương (sau này là Thiếu tướng Cao Pha) nhận nhiệm vụ treo cờ cách mạng trên Kỳ đài Ngọ Môn Huế trước 120 họng súng của triều đình nhà Nguyễn.
Năm 1947, ở tuổi 27 tuổi, Đặng Văn Việt là một trong 2 trung đoàn trưởng bộ binh chủ lực đầu tiên của quân đội nhân dân Việt Nam – Trung đoàn 174 Cao Bắc Lạng (1947) cùng với Lê Trọng Tấn, Trung đoàn trưởng 209 Sông Lô - người sau này lên Đại tướng.
Ông là người chỉ huy lừng lẫy tham gia các trận đánh Bông Lau – Lũng Phầy (1949), trận Đông Khê - Biên giới 1950, trận Bình Liêu, trận Mộc Châu 1952...
Trung đoàn trưởng đi qua trăm trận đánh, bắt sống nhiều chỉ huy Pháp, mang trên mình 5 vết thương và oai hùng đến nỗi thực dân Pháp gọi ông là Hùm xám đường số 4…
Chuyện cảm động ghi ở Bệnh viện Hữu nghị: 4 vị tướng cúi đầu bên giường một vị trung tá - Ảnh 3.
Trung tá Đặng Văn Việt cũng cựu chiến binh Trung đoàn 174 đến chúc thọ Đại tướng Võ Nguyên Giáp
Mùa đông năm 1952, ở 33 tuổi ông chỉ huy Trung đoàn 174 công đồn Châu Mộc, mở đường vào Tây Bắc… Trước đó, từ năm 1946, ông Hoàng Đạo Thúy Hiệu trưởng Trường Võ Bị Trần Quốc Tuấn đã đưa Đặng Văn Việt về làm giảng viên khóa 1.
 
Năm 1960, ông chuyển ngành, rồi làm Phó cục trưởng, Cục trưởng Cục Xây dựng cơ bản, Cục trưởng Cục Thủy sản…
Nhiều năm cuối đời, ông ở trong 1 căn phòng tập thể chưa đầy 32m2 được ngăn thành 2 nửa cho vợ chồng người con trai ở một bên.
Sau buổi gặp hôm ấy, tôi thường đến căn phòng tập thể 401 cũ kỹ, ẩm thấp ở Ngõ 7 Hòa Bình, phố Minh Khai, quận Hai Bà Trưng để thăm và “chơi” với ông Việt. Người “bạn vong niên” U100 đã kể cho tôi nghe nhiều câu chuyện lịch sử hào hùng và cả những trang đời rất đẹp. 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét