Chủ Nhật, 11 tháng 11, 2018

CHÙM THƠ VỀ RƯỢU (Đăng lại)

 
LY RƯỢU MỪNG - Phạm Đình Chương
Phạm Đình Chương (Ca sĩ Hoài Bắc) sinh năm 1929 tại huyện Bạch Mai, tỉnh Sơn Tây, trong một gia đình mang huyết thống nghệ sĩ và có cuộc đời gắn bó cùng âm nhạc. Nói đến gia đình của Phạm Đình Chương, người ta sẽ nghĩ ngay đến Ban hợp ca Thăng Long nổi tiếng thời bấy giờ bao gồm: Hoài Trung, Phạm Duy, Thái Hằng, Thái Thanh, Khánh Ngọc (vợ Phạm Đình Chương) và Phạm Đình Chương, linh hồn của Ban hợp ca Thăng Long. Tuy xuất thân trong môi trường có đầy đủ điều kiện để được thụ huấn về âm nhạc, nhưng trên thực tế Phạm Đình Chương đã đến với âm nhạc từ những nỗ lực tự học hỏi tìm hiểu bằng chính tâm hồn nhạy cảm của mình. Hầu như những sáng tác của ông đều chất chứa những đặc tính: Phiêu lãng và chân tình, lãng mạn nhưng hiện thực và nhất là nét đằm thắm, trữ tình đầy tình yêu quê hương, con người và đất nước. Năm 1951, ông cùng gia đình di cư vào miền Nam, chính thức trở lại hoạt động văn nghệ qua việc tái lập Ban hợp ca Thăng Long gồm bản thân ông, Hoài Trung cùng 2 chị em Thái Hằng và Thái Thanh. Trước đó nhóm nhạc này đã từng có những buổi trình diễn khi tham gia Ban văn nghệ quân đội Liên khu Bốn trong những ngày đầu tiên kháng chiến chống Pháp theo tiếng gọi của non sông Nói đến Phạm Đình Chương, chúng ta cũng không thể không nói đến lối sáng tác thiên tài của ông, các nhạc phẩm phổ thơ luôn lưu lại nhiều nét kỷ niệm sâu đậm trong lòng giới ái mộ như: Đôi Mắt Người Sơn Tây (thơ Quang Dũng), Nửa Hồn Thương Đau, Đêm Màu Hồng, Dạ Tâm Khúc (thơ Thanh Tâm Tuyền), Màu Kỷ Niệm (thơ Nguyên Sa), Mưa Sài Gòn Mưa Hà Nội (thơ Hoàng Anh Tuấn), Người Đi Qua Đời Tôi (thơ Trần Dạ Từ), Cho Một Thành Phố Mất Tên (thơ Hoàng Ngọc Ẩn ), Đêm Nhớ Trăng Sài Gòn (thơ Du Tử Lê) v.v... Riêng "Hội Trùng Dương" của Phạm Đình Chương được diễn tấu bởi dàn hợp xướng và dựa trên bố cục của nền nhạc hòa âm bởi dàn nhạc giao hưởng nên càng được phân tích rõ nét qua những đoạn nói về đặc tính từng dòng song, từng khu vực địa lý một cách mạch lạc, thông suốt. Nhìn lại, "Hội Trùng Dương" chính là một tác phẩm kết tinh tâm huyết tài hoa của Phạm Đình Chương và là một cống hiến lớn cho dòng nhạc tình ca quê hương Việt Nam. Sau 1975 Phạm Đình Chương tị nạn cộng sản và định cư tại Hoa Kỳ. Ông đã từ trần vào ngày 22 tháng 8 năm 1991 tại California, Hoa Kỳ. Trong số các ca khúc của ông, Ly Rượu Mừng là bài được hát được nhiều người biết đến. Năm 1955, tại Sài Gòn, theo đề nghị của cụ Trần Văn Ân và nhà văn quá cố Nguyễn Đức Quỳnh, Phạm Đình Chương đã viết bản nhạc này và đã được đăng trên số Tết báo Đời Mới. Hơn một nữa thế kỷ trôi qua, "Ly rượu mừng" vẫn có một sự sống diệu kỳ. Trong âm vang phơi phới và ấm áp của mùa xuân, bản nhạc như thôi thúc, cuốn hút chúng ta vào một ngày mai tươi sáng... Ngày xuân nâng chén ta chúc nơi nơi. Mừng anh nông phu vui lúa thơm hơi Người thương gia lợi tức. Người công nhân ấm no Thoát ly đời gian lao nghèo khó. Á a a a... Nhấp chén đầy vơi Chúc người người vui. Á a a a... Muôn lòng xao xuyến duyên đời. Rót thêm tràn đầy chén quan san. Chúc người binh sĩ lên đàng Chiến đấu công thành. Sáng cuộc đời lành Mừng người vì Nước quên thân mình. Kìa nơi xa xa có bà mẹ già. Từ lâu mong con mắt vương lệ nhòa. Chúc bà một sớm quê hương Bước con về hòa nỗi yêu thương Á a a a ... Hát khúc hoan ca thắm tươi đời lính Á a a a ... Chúc mẹ hiền dứt u tình Rượu hân hoan mừng đôi uyên ương. Xây tổ ấm trên cành yêu đương Nào cạn ly, mừng người nghệ sĩ. Tiếng thi ca nét chấm phá tô thêm đời mới Bạn hỡi, vang lên. Lời ước thiêng liêng Chúc non sông hoà bình, hoà bình. Ngày máu xương thôi tuôn rơi Ngày ấy quê hương yên vui. Đợi anh về trong chén tình đầy vơi Nhấc cao ly này. Hãy chúc ngày mai sáng trời tự do Nước non thanh bình. Muôn người hạnh phúc chan hoà Ước mơ hạnh phúc nơi nơi. Hương thanh bình dâng phơi phới.

1- LY RƯỢU TUA

Sứt trôn, mẻ miệng, đủ thứ mùi
Qua tay ngàn đứa, vẫn say đời
Đổ nước nghiêng thành hơn mỹ nữ
Một ẻm xoay vần, cả lũ toi!




2- BỎ RƯỢU

Ly rượu mềm môi, ly rượu mềm môi
Ta đắm say nàng đến thế thôi
Báo vợ bỏ con mà chung chạ
Lụn bại, lơ ngơ, nát hết đời!
 
Ly rượu bầm môi, ly rượu bầm môi
Nồng nàn quyến rũ mấy cũng thôi
Cái nợ mưu sinh còn trơ đó
Tương lai mù mịt đã hụ còi

Thôi "biến" đi nhé nàng Tửu ơi
Muốn chơi, tìm thằng khác mà chơi
Chuốc cho say mèm rồi bỏ mặc
Cũng phường đĩ bợm, bạc như vôi!




3- VỀ VỚI RƯỢU

Chia ly chưa cạn, đã bùi ngùi
Tội tình chi nhỉ, nàng Tửu ơi
Đâu phải tại nàng mà hư đốn?
Hư đốn là vì quá chén thôi!

Ly rượu nồng môi, ly rượu nồng môi
Tình ta đằm thắm lại đi thôi
Xưa kia tiên, thánh đều say cả
Nhạc họa thơ ca cứ ngát trời!


                                Trần Hạnh Thu






    Nguồn: Đặc San Lại Giang 2010

    Tôi muốn mượn bài thơ Đăng U Châu Đài Ca của Trần Tử Ngang thời Sơ Đường bên Trung Hoa để nói lên sự vận hành của vũ trụ do luật tuần hoàn chi phối:

    Tiền bất kiến cổ nhân
    Hậu bất tri lai giả
    Niệm thiên địa chi du du
    Độc sảng nhiên nhi thế hạ

    Nghĩa:

    Ngoảnh lại trước: người xưa chẳng thấy
    Trông về sau: quạnh vắng người sau
    Ngẫm hay trời đất dài lâu
    Mình ta rơi hạt lệ sầu chứa chan

    Đất trời dài lâu man mác 'thiên địa chi du du‛ mà đời người thì giới hạn 'doanh hư, tiêu trưởng‛. Những bài thơ Đường đã vượt cả không gian và thời gian để tồn tại đến ngày nay. Bao thế kỷ đã trôi qua, bao triều đại hưng vong, bao lớp người đã sinh ra rồi mất đi. Bất chấp tất cả, những bài thơ Đường mãi mãi là những bông hoa tươi đẹp nhất chẳng những những trong vườn văn học Trung Hoa mà còn cả văn học thế giới.

    Trong quyển 'Vang Bóng Một Thời‛ nhà văn Nguyễn Tuân có kể chuyện về một khách phong lưu ngày xưa nhà rất nghèo mà không chừa được thói quen thắp nến bạch lạp trong đêm khuya thanh vắng để đọc Đường Thi in thạch bản. Trên thế giới ít có quan hệ văn chương nào đặc biệt như quan hệ giữa thơ Đường với thơ Việt, chỉ có thơ Đường chứ không phải toàn bộ thi ca Trung Hoa đã ảnh hưởng sâu xa, phong phú và lâu dài đối với thơ Việt, không phải chỉ ngày xưa mà đến cả ngày nay. Có thể nói không một nhà thơ lớn nào của nước ta lại không cưu mang một món nợ tâm hồn ít nhiều thơ Đường. Người ta đã nói đến 'nguồn Đường‛, 'hồn Đường‛, 'giọng Đường‛ trong thơ Việt như một hệ lụy dài lâu.

    Đọc lại thơ Đường để mà nhớ lại những gì tổ tiên chúng ta đã từng mến yêu trân trọng. Tâm hồn Đặng Trần Côn, Nguyễn Du, Đoàn Thị Điểm, Bà Huyện Thanh Quan … đều có dấu ấn thơ Đường. Rồi đến những nhà thơ cận đại như Tản Đà, Quách Tấn … chịu ảnh hưởng thơ Đường quá rõ rệt. Hồn thơ Đường vẫn ẩn hiện ở những nhà thơ Tây học không thông thạo chữ Hán như Xuân Diệu, Lưu Trọng Lư, Tế Hanh, Chế Lan Viên… Có thể nói rằng thiếu kiến thức thơ Đường, chúng ta sẽ không hiểu thấu đáo thi ca Việt Nam cả cổ điển lẫn hiện tại.

    Đọc lại thơ Đường để tâm hồn rung cảm với 'sắc liễu bên bờ sông Dương Tử‛, những 'nhành mai đợi tuyết ở núi Cô Sơn‛, 'tiếng chuông khuya của chùa Hàn Sơn‛, 'chòm mây trắng trên lầu Hoàng Hạc‛… Hôm nay đọc lại thơ Đường là tìm về cái say của Lý Bạch trong Trương Tiến Tửu để suy niệm về thời gian trôi qua trong mỗi sát-na của nhà Phật, nước chảy như thế nầy đây ngày đêm không dứt của Khổng Tử và người ta không tắm hai lần trong một giòng nước của một triết gia Tây Phương. Thơ Lý Bạch có một phong cách phóng khoáng, hào hùng rất đặc biệt. Phong cách ấy gắn liền với nội dung tư tưởng các bài thơ mà cũng gắn liền với nhân cách của nhà thơ. Lời thơ của ông không sắp đặt, trau chuốt nhưng đẹp một cách tự nhiên. Ông là người chống khuynh hướng hình thức chủ nghĩa của thời Tề Lương, một khuynh hướng thi ca chỉ chú trọng về thanh luật, đối ngẫu còn nội dung thì ủy mị, vô vị. Ông đã thực hiện được chủ trương trên vào thi ca của mình, bởi ông là người có thực tài nên đã làm cho chủ trương đó thắng lợi. Sống vào thời Thịnh Đường mà ông ít sáng tác các bài thơ theo thể Đường Luật. Thơ ông chủ yếu là nhạc phủ, ca hành, cổ phong nghĩa là thể thơ không gò bó theo một khuôn khổ nào, câu dài câu ngắn xen nhau. Dài hay ngắn tùy ý thơ, tùy cảm hứng chứ không lệ thuộc vào vần điệu. Qua bài thơ Tương Tiến Tửu của ông, chúng ta đã thấy được điều nầy

    Quân bất kiến, Hoàng Hà chi thủy thiên thượng lai.
    Bôn lưu đáo hải bất phục hồi
    Hựu bất kiến cao đường minh kính bi bạch phát
    Triêu như thanh ti, mộ thành tuyết.
    Nhân sinh đắc ý tu tận hoan
    Mục sử kim tôn không đối nguyệt
    Nhân sinh ngã tài tất hữu dụng
    Thiên kim tán tận hoàn phục lai
    Phanh dương, tể ngưu thả vi lạc
    Hội tu nhất ẩm tam bách bôi
    Sàm phu tử
    Đan Khâu sinh
    Tương tiến tửu
    Bôi mạc đình
    Dữ quân ca nhất khúc
    Thỉnh quân vị ngã khuynh nhĩ thinh
    Chung cổ soạn ngọc bất túc quý
    Đản nguyện trường túy bất nguyện tinh
    Cổ nhân thánh hiền giai tịch mịch
    Duy hữu ẩm giả lưu kỳ danh
    Trần Vương tích thời yến
    Bình lạc Đẩu tửu thập thiên tứ hoan hước
    Chủ nhân hà vi ngôn thiểu tiền
    Kính tu cô thủ đối quân chước
    Ngũ hoa mã
    Thiên kim cừu
    Hô nhi tương xuất hoán mỹ tửu
    Dữ nhĩ đồng tiêu vạn cổ sầu

    Dịch :

    Sông Hoàng Hà lưng trời tuôn nước
    Xuống biển rồi có ngược lên đâu
    Lầu cao, gương xót mái đầu
    Sớm còn tơ biếc, tối hầu tuyết pha
    Vui cho trọn khi ta đắc ý
    Dưới vầng trăng đừng để chén không
    Sinh ta trời có chỗ dùng
    Nghìn vàng tiêu hết lại trông thấy về
    Chén đi đã trâu dê cứ giết
    Ba trăm ly phải hết một lần
    Khâu, Sâm hai bác bạn thân
    Rượu vào xin chớ ngại ngần ngừng thôi
    Ta vì bác hát chơi một khúc
    Bác vì ta hãy chúc bên tai
    Ngọc vàng chuông trống mặc ai
    Tỉnh chi ? chỉ muốn cho dài cuộc say
    Bao hiền thánh đến nay ai rõ
    Phường rượu ta tên họ rành rành
    Trần Vương bữa tiệc quán
    Bình Mười phần đấu rượu thỏa tình đùa vui
    Chủ nhân chớ ngậm ngùi tiền ít
    Mua rượu ta chén tít cùng chau
    Ao cừu, ngựa gấm để đâu ?
    Gọi con đem đổi vài bầu rượu ngon

    Ngô Tất Tố (dịch)

    'Sắp Mời Rượu‛ là tên một ca khúc cổ, Lý Bạch đã mượn ca khúc nầy làm tựa đề cho bài thơ của mình. Quách Mạt Nhược nhận xét : 'Hầu hết những bài thơ hay của Lý Bạch phần lớn được làm trong khi say‛. Khi say con người như vượt thoát mọi kiềm chế, lời nói chếnh choáng sa đà. Trong những lời nói đó có những thành ý mà lúc tỉnh người ta không muốn nói ra hoặc không thể nói ra. Tương Tiến Tửu là một bài thơ lớn vì nó đã phơi bày một cách chung nhất của một đời người ngắn ngủi, hiện hữu trong một vũ trụ bao la bất di bất dịch. Bài thơ mở đầu bằng một hình ảnh, một ẩn dụ sinh động triết lý :

    Quân bất kiến Hoàng Hà chi thủy thiên thượng lai
    Bôn lưu đáo hải bất phục hồi
    Hựu bất kiến cao đường minh kính bi bạch phát.
    Triêu như thanh ti, mộ thành tuyết.

    Nước sông Hoàng Hà từ trên trời chảy lại rồi chảy xuôi về biển và không bao giờ trở lại, và nếu có trở lại chăng thì đâu có còn nguyên vẹn dòng nước ban đều. Trong bài thơ Thề Non Nước, Tản Đà đã viết :

    Nước non nặng một lời thề
    Nước đi đi mải không về cùng non

    Hai nhà thơ Việt và Hoa đã có những tư duy giống nhau về giòng chảy của thời gian bởi cuộc đời qua tháng năm mới buổi sáng mái tóc còn tơ xanh, buổi chiều đã ngã màu tuyết trắng để rồi đi vào cõi già, cõi chết. Những ai đã bước vào tuổi năm mươi trở đi mà Khổng Tử đã định vị ‚ngũ thập nhi tri thiên mệnh‛ chắc hẳn đã giác ngộ sâu sắc điều nầy để từ đó mọi người nên nhìn lại cách sống đẹp hơn, vị tha hơn :

    Nhân sinh đắc ý tu tận hoan
    Mạc sử kim tôn không đối nguyệt

    Người xưa nói rằng : 'Kẻ sĩ vì người tri kỷ mà chết‛ (sĩ vị tri kỷ giả tử). Tri kỷ có thể là 'bằng hữu tri kỷ‛, có khi là 'hồng nhan tri kỷ‛. Trong Tương Tiến Tửu, Lý Bạch đã cùng hai người bạn tâm đắc Sàm Phu và Đan Khâu ngồi uống rượu, và xem cuộc đời chỉ là một giấc mộng lớn :

    Xử thế nhược đại mộng
    Hồ vi lao kỳ sinh
    Sở dĩ chung nhật túy
    Đồi nhiên ngọa tiền doanh

    Dịch

    Việc đời tựa giấc chiêm bao
    Làm chi cho phải lao đao nhọc nhằn
    Vậy nên say suốt hôm mai
    Bên cây cột lớn nằm dài khểnh chân

    Vốn là một người cuồng phóng, Lý Bạch không chịu một sự trói buộc nào. Vào đời ông theo một con đường hết sức đặc biệt. Các nhà thơ thời nhà Đường thường tiến thân bằng khoa bảng để ra làm quan. Nhưng Lý Bạch mặc dù học rất giỏi, mười lăm tuổi đã học hết sách Bách Gia Chư Tử và các loại kỳ thư, ông không chịu vào kinh ứng thí, chỉ ở nhà luyện kiếm rồi lên núi cầu tiên phỏng đạo. Ong tin rằng nếu người ta có thực tài thì sẽ được trọng dụng, và nghìn vàng nếu có mất đi rồi sẽ có trở lại :

    Nhân sinh hữu tài tất hữu dụng
    Thiên kim tán tận hoàn phục lai

    Hơn một nghìn tám trăm bài thơ của Lý Bạch được in thành ba mươi quyển, hầu hết nhà thơ đều lấy đề tài uống rượu, du tiên, ca tụng cảnh thiên nhiên, ca vịnh nhân vật lịch sử, về tình bằng hữu …

    Rượu đối vơi thi nhân là một chất kích xúc tác (stimulant) để làm thơ. Rượu vào thi ra (tửu nhập thi xuất), và những bài thơ làm trong lúc say là những thi phẩm hay nhất, vi diệu nhất. Cái say của Lý Bạch là cái say của chừng mực, chứ không phải sa đà, trụy lạc, mặc dù từ say tới trụy lạc rất gần. Với tư tưởng phù sinh nhược mộng, nhân thế vô thường không phải là nhân sinh bi quan, yếm thế của nhà thơ, ông đã dùng nó như một phương tiện để phản kháng uy thế của bọn quyền thần hầu đạt được cứu cánh sống trong một chế độ tự do nhân bản. Ong đã từng xác định ‚ông không bỏ đời, mà đời đã bỏ ông‛ (ngã bản bất khí thế, thế nhân tự khí ngã). Tiếc thay xã hội mà ông đang sống đầy bất công, không được như ý nên ông đã ‚xỏa tóc ngồi trên thuyền cho bay theo gió‛ (nhân sinh tại thế bất xứng ý, minh triêu tản phát lộng biên chu). Nếu đời không đạt được những gì mình mong ước, nhà thơ hoặc ngồi dưới trăng uống rượu một mình (nguyệt hạ độc chước) hoặc đồng ẩm với bạn bè khi gặp cuộc vui:

    Phanh dương tể ngưu thả vi lạc
    Hội tu nhất ẩm tam bách bôi …
    Dữ quân ca nhất khúc
    Thỉnh quân vị ngã khuynh nhĩ thinh

    Dĩ nhiên khi say người ta nói quá lời, nhưng không vì thế mà ta phải câu nệ từng lời, từng chữ đối với người say. 'Kỵ hổ nan hạ‛ mà 'kỵ tửu‛ thì càng khó xuống hơn. Thi sĩ Vũ Hoàng Chương đã bày tỏ ý niệm đó qua những câu thơ :

    Ta về trên lưng rượu
    Đến đâu thì đến đâu
    Có ai say để quên sầu
    Lòng ta lảo đảo càng sâu vết buồn

    Phải chăng nhà thơ họ Vũ đã ảnh hưởng sâu đậm ý thơ của Lý Bạch tiên sinh :

    Trừu đao đoạn thủy, thủy tự lưu
    Cử bôi tiêu sầu, sầu cánh sầu

    Lấy dao chém nước, nước vẫn chảy, nâng chén giải sầu, sầu vẫn sầu. Ô hay! 'Dục phá thành sầu khiển dụng tửu‛ đã không còn hiệu nghiệm! Lý Bạch là một người có bản tính bộc trực, khi ghét ông dám nói thẳng rằng : 'triều đình đã lấy châu ngọc mà mua tiếng cười điệu hát và lấy tám cám nuôi dưỡng hiền tài‛ ( châu ngọc mãi ca tiếu, tao khang dưỡng hiền tài ), và trong thời phong kiến, cũng chỉ có Lý Bạch mới gan dạ đặt Đạo Chích cạnh Nghiêu Thuấn trong cùng một vần thơ :

    Thế vô tẩy nhĩ ông
    Thùy tri Nghiêu dữ Chích
    ( Đời mà thiếu Hứa Do, Nghiêu và trộm nào ai rõ).

    Do đó mà ông xem thường bọn quyền qúy, quan lại, xem thường tiếng chuông, tiếng trống ầm ĩ trong những cuộc đại yến ở triều đình :

    Chung cổ soạn ngọc bất túc quý
    Đản nguyện trường túy bất nguyện tinh.

    'Tỉnh chi chỉ biết cho dài cuộc say‛! Say để hòa nhập với đời khi hoài bảo chưa thành. Nhà thơ không muốn mình làm kẻ ngu trung như một Khuất Nguyên khi mà mọi người đều say chỉ có mình ta tỉnh (chúng nhân giai túy, ngã độc tỉnh). Người đời đều say mình phải ăn luôn cả hèm, nuốt luôn cả bã rượu để cùng say thì mới là người thức thời.

    Cổ nhân thánh hiền giai tịch mịch
    Duy hữu ẩm giả lưu kỳ danh

    Uống rượu mà danh lưu thiên cổ thì cũng đặc biệt, đem người uống rượu mà so sánh với bậc thánh hiền lại càng đặc biệt hơn. Phải chăng khi say lời nói cường điệu, thái độ ngông nghênh điều nầy dành cho kẻ phàm phu tục tử. Với Lý Bạch, một đấu rượu làm thơ cả trăm thiên, vua gọi về triều chẳng lên thuyền và cho mình là một trong tám vị tiên trong rượu. Bài ‚Tửu Trung Bát Tiên Ca‛ của Đỗ Phủ đã đề cập và minh chứng điều nầy :

    Lý Bạch nhất đấu thi bách thiên
    Trường An thị thượng tửu gia miên
    Thiên tử hô lai bất thượng thuyền
    Tự xưng thần thị tửu trung tiên

    Ngựa ngũ hoa và áo hồ cừu giá nghìn vàng từ xưa vốn là của quý. Nhà thơ đã gọi trẻ đem đổi lấy rượu ngon để cùng với các bạn uống cho tiêu sầu vạn cổ. Bốn câu cuối của bài thơ đã đồng điệu với Đỗ Phủ trong bốn câu đầu của bài Khúc Giang :

    Triều hồi nhật nhật điển xuân y
    Mỗi nhật giang đầu tận túy quy
    Tửu trái tầm thường hành xứ hữu
    Nhân sinh thất thập cổ lai hy

    Dịch :

    Khỏi bệ vua ra cố áo hoài
    Bên sông say khướt tối liền mai
    Nợ tiền mua rượu đâu không thế
    Sống bảy mươi năm đã mấy người

    Tản Đà(dịch)

    Hai nhà thơ, hai tư tưởng đã gặp nhau như chia xẻ những bức bách cơm áo của đời thường, những bon chen danh lợi nơi Xuân Canh Dần 2010 70 Đặc San Lại Giang triều chính. Rượu như một phương tiện giải tỏa chăng những tiêu sầu khiển muộn mà còn thể hiện cái hào khí của mình trong một xã hội đầy ắp bất công khi mà đời sống dân chúng bị bào mòn đến rã rời từ thể xác đến tinh thần.

    Viết về Lý Bạch chỉ một bài thôi không đủ bởi trong cái thế giới thi ca của ông mênh mông quá. Đọc thơ ông khó biết ông sáng tác trong hoàn cảnh nào, ông để trí tưởng tượng, tình cảm của mình bao trùm lấy cảnh vật. Có người ví thơ Lý Bạch như ‚con ngựa trời bay trên mấy từng mây‛ (thiên mã hành không), có người ví thơ ông như 'sóng dữ vỗ bờ‛ (nộ đào hồ lãng). Nhưng có lúc thơ ông êm ả dịu dàng với những ‚âm thanh ngoài dây tơ‛, 'mùi vị ngoài mùi vị‛ (huyền ngoại âm, vị ngoại vị) mà các nhà thơ đương thời và sau nầy khó mà bắt chước.

    Một người tài hoa học rộng, giỏi kiếm cung như ông mà đến khi say khướt vẫn không quên được mối sầu vạn cổ. Mối sầu đó chính là nỗi bất mãn khôn ngui với một xã hội đầy dẫy bất công, bất hợp lý: tài năng bị coi rẻ, người hiền bị chèn ép, kẻ tầm thường dựa quyền thế lộng hành, tác oai, tác quái.

    Là vóc dáng thi sĩ lớn thời Đường Huyền Tông, ông đã để lại cho đời sau, qua bao thế hệ, những bài thơ không có tuổi thọ, trong đó bài ‚Tương Tiến Tử‛ đã làm cho tên tuổi ông danh lưu thiên cổ. 
    Trần Đình Mười
    Nam California, tháng 01, 2010
                                                                                                Say Trăng - Nguyên Thảo

    Lại Rượu và Thơ


    Thân tặng các bằng hữu Mossard và Taberd với những kỷ niệm thuở học trò.


    Trong bài trước, sau cuộc trà dư tửu hậu, tôi mới có chuyến du lịch trong tâm tuởng: từ bên Tây với rượu ngon bậc nhất trên đời, đến bài thơ Đường xưa cổ cao vời và kết thúc bằng bài cải lương nước Nam bình dân mà thấm thiết, chung qui cũng về rượu và thơ. Tôi nghĩ rằng đó là tam tuyệt (the three classics) của ba chốn khác nhau. Rượu và Thơ khắn khích từ lâu và là đề tài muôn thưở… Trong bài này tôi ghi lại những vần thơ cũ vẫn lại rượu và thơ để làm tài liệu khởi nguồn cho những cuộc mạn đàm trong bàn tiệc sau này…
    o0o

    Trở về dĩ vãng, văng vẳng còn nghe câu hò say sưa:

    Còn trời còn nước còn non,
    Còn cô bán rượu, anh còn say sưa.

    Say sưa tối ngày là điều xấu, tục ngữ “rượu vào lời ra” ám chỉ cách giới phàm phu uống rượu và ca dao cũng đồng ý:

    Ở đời chẳng biết sợ ai,
    Sợ thằng say rượu… nói dai tối ngày.

    Đó là hình ảnh thường thấy trong xã hội nông nhiệp ngày xưa: sau mùa gặt lúa người xưa dành cả ba tháng ăn chơi, gồm cả tháng rượu chè:


    Tháng Giêng là tháng ăn chơi,
    Tháng Hai cờ bạc, tháng Ba rượu chè…

    Đọc lại những bài thơ cũ, tôi nhớ đến nhà thơ Sông Đà Núi Tản trong bài Thơ Rượu. Say sưa của thi sĩ có vẻ nên thơ hơn nhiều

    Thương ai cho bận lòng đây?
    Cho vơi hũ rượu cho đầy túi thơ!
    Cảnh đời gió gió mưa mưa,
    Buồn trông, ta phải say sưa đỡ buồn.
    Rượu say thơ lại khơi nguồn,
    Nên thơ, rượu cũng thêm ngon giọng tình.
    Rượu thơ mình lại với mình,
    Khi say quên cả cái hình phù du.
    Trăm năm thơ túi rượu vò,
    Ngàn năm thi sĩ tửu đồ là ai?"
    (Tản Đà, Thơ Rượu)

    Thơ túi rượu bầu là hình ảnh của người đã thoát vòng danh lợi và là phần thưởng của kẻ đã trả xong nợ đời

    Nợ tang bồng trang trắng, vỗ tay reo,
    Thảnh thơi thơ túi rượu bầu.
    (Chí làm trai - Nguyễn Công Trứ)
    và …
    Hẹn với lợi danh ba chén rượu,
    Vui cùng phong nguyệt một bầu thơ.
    (Thoát vòng danh lợi - Nguyễn Công Trứ)

    Bầu giốc giang sơn say chấp ruợu
    Túi lưng phong nguyệt nặng vì thơ
    (Tức cảnh chiều thu - Bà Huyện Thanh Quan) (1)

    Nhưng thơ và rượu cũng là đề tài của người chờ thời hay của kẻ thất thời

    Trời đất sinh ra rượu với thơ
    Không thơ không rượu sống như thừa
    Công danh hai chữ mùi men nhạt
    Sự nghiệp trăm năm nét mực mờ
    (Ngày xuân thơ rượu - Tản Đà)

    Hay là cái sự say sưa với rượu của kẻ bất cần đời?

    … Say sưa nghĩ cũng hư đời,
    Hư thì hư vậy, say thì cứ say,
    Đất say đất cũng lăn quay,
    Trời say mặt cũng đỏ gay ai cười?
    (Lại say - Tản Đà)

    Nhớ bạn, nhớ rượu, nhớ văn thơ nhưng không uống và viết vì chẳng có người tri kỷ để hiểu lòng mình:

    Rượu ngon, không có bạn hiền,
    Không mua, không phải không tiền không mua.
    Câu thơ nghĩ đắn đo không viết,
    Viết đưa ai, ai biết mà đưa.
    (Khóc bạn - Nguyễn Khuyến)

    Nhưng nếu gặp người tâm đầu, thì nếu có say, chẳng qua là vì tình nghĩa. Ca dao có giải thích tại sao phải uống để thật say để trọn tình với người đối ẩm

    Say là say nghĩa say nhân
    Say thơ Lý Bạch say đàn Bá Nha

    Trong cổ văn ngày xưa, “cầm kỳ thi tửu” là mấy món ăn chơi của người thanh lịch. Đàn và cờ, thơ và rượu bổ túc cho nhau

    Cầm tứ tiêu nhiên, Kỳ tứ sảng,
    Thi hoài lạc hĩ, Tửu hoài nồng.
    (Cầm kỳ thi tửu - Nguyễn Công Trứ) (2)

    Tiếng đàn hay, làm cờ sáng nước,
    Ý thơ vui, vì rượu say nồng.
    (Lý Hữu Phước dịch thơ)


    Thi, cầm, kỳ, tửu cũng được nhắc đến trong Cung oán ngâm khúc

    Câu cẩm tú đàn anh họ Lý,
    Nét đan thanh bậc chị chàng Vương,
    Cờ tiên rượu thánh ai đang,
    Lưu Linh, Ðế Thích là làng tri âm.
    Cầm điếm nguyệt phỏng tầm Tư Mã,
    Ðịch lầu thu đường gã Tiêu Lang,
    Dẫu nghề tay múa miệng xang,
    Thiên tiên cũng xếp nghê thường trong trăng…
    (Cung oán ngâm khúc)

    Vũ Hoàng Chương mượn rượu để tiêu sầu, nhưng cái sầu càng sâu đậm thêm, có chép lại

    Có ai say để quên sầu,
    Lòng ta lảo đảo càng sâu vết buồn
    và…
    Em ơi lửa tắt bình khô rượu
    Ðời vắng em rồi say với ai ?
    (Ðời vắng em rồi - Vũ Hoàng Chương)

    Rượu là một trong ba cái lăng nhăng trong đời của Tú Xương:

    Một trà, một rượu, một đàn bà,
    Ba cái lăng nhăng nó quấy ta.
    Chừa được thứ nào hay thứ đấy,
    Họa chăng chừa rượu với chừa trà.

    Nguyễn Du, trong Truyện Kiều, có đoạn tả đến Thúy Kiều mượn chén rượu để ôn lại quảng đời lưu lạc trôi nổi của mình

    Khi chén rượu, khi cuộc cờ,
    Khi xem hoa nở khi chờ trăng lên.


    Trong bài Đối tửu (3), ông có câu:

    Sinh tiền bất tận tôn trung tửu
    Tử hậu thùy kiêu mộ thượng bôi

    Sống, vò không dốc say bầu cạn
    Chết, mộ ai còn tưới rượu đây
    (Đông A dịch thơ)

    o0o

    Trên đây là những vần thơ từ bên xứ ta, nói đến rượu và thơ làm sao ta quên được ông tiên trong rượu (4) Lý Bạch bên Trung quốc. Trong Tương tiến tửu (5), cảm hứng trước cảnh thiên nhiên hùng vĩ, uy nghi “Nước sông Hoàng Hà từ trời cao đổ xuống, chảy ra biển khơi cuồn cuộn chẳng quay về”, tác giả đã làm ra những dòng thơ hào hùng, phóng khoáng

    Nhân sinh đắc ý tu tận hoan
    Mạc sử kim tôn không đối nguyệt

    Đời người lúc thích cứ chơi,
    Dưới trăng đừng để chén vơi làm gì!
    (Lý Hữu Phước dịch thơ)

    và ông cao ngạo cho rằng:

    Cổ lai thánh hiền giai tịch mịch
    Duy hữu ẩm giả lưu kỳ danh

    Xưa nay lặng tiếng thánh hiền,
    Chỉ người uống rượu… còn truyền lưu danh!
    (Lý Hữu Phước dịch thơ)

    Tiếng tăm lưu truyền của Lưu Linh, Lý Bạch Tửu trung tiên (4), có lẽ đã chứng minh được phần chí lý của hai câu này!

    Trong thơ họ Lý, ông viết rất nhiều về những đề tài khác nhau, nhưng cái tôi, trăng và rượu được nhắc lại nhiều lần. Ông có bốn bài Nguyệt hạ độc chước (6) (Dưới trăng một mình uống rượu). Trong trí tưởng tượng phong phú của tác giả: ánh trăng, ông và bóng hình của ông, tất cả là ba người – tạo thành một cuộc đối ẩm sống động, hào hứng:

    Hoa gian nhất hồ tửu,
    Độc chước vô tương thân.
    Cử bôi yêu minh nguyệt,
    Đối ảnh thành tam nhân.
    (Nguyệt hạ độc chước)

    Giữa hoa là rượu một bầu,
    Mình ta cứ rót chẳng đâu bạn hiền,
    Mời trăng cất chén triền miên,
    Nhìn vào bóng đó, ngả nghiêng ba người !
    (Lý Hữu Phước dịch thơ)
    Ông uống say, chẳng biết ngày đêm, đất trời:

    Ðối tửu bất giác minh,
    Lạc hoa dinh ngã y.
    Túy khởi bộ khê nguyệt,
    Ðiểu hoàn nhân diệc hy.
    (Tự khiển - Lý Bạch)

    Cạn ly chẳng biết tối trời,
    Áo ta sương gió hoa rơi rớt đầy,
    Say qua khe suối trăng mây,
    Chim đàn về tổ, chốn này còn ai?
    (Lý Hữu Phước dịch thơ)

    Quanh năm suốt tháng, ông say bét không sót một ngày, và tự mình “kiểm điểm” trong bài Tặng nội:

    Tam bách lục thập nhật,
    Nhật nhật túy như nê.
    Tuy vi Lý Bạch phụ,
    Hà dị Thái Thường thê.

    Ba trăm sáu chục ngày trời,
    Ngày ngày say bét như đời con nê.
    Vợ chàng Lý Bạch ta kia,
    Như ai vợ Thái Thường xưa khác gì.
    (Tản Đà dịch thơ)

    Thái Thường là một ông quan nổi tiếng giữ mình nghiêm nghị, không dám gần vợ giữ chay tịnh để coi sóc chuyện thờ cúng. Còn Lý Bạch thì bị rượu hành quanh năm, nên có gần vợ cũng như thừa. Lý Bạch phụ và Thái Thường thê là hai người vợ của hai ông, cùng cảnh ngộ bị chồng bỏ bê, giống nhau ở điểm đó.

    Nhưng ông giải thích vì sao phải uống rượu

    Xử thế nhược đại mộng,
    Hồ vi lao kỳ sinh ?
    Sở dĩ chung nhật tuý,
    Ðồi nhiên ngọa tiền doanh…
    (Xuân nhật túy khởi ngôn chí) (7)

    Ðời như giấc mộng lớn
    Nhọc lòng mà làm chi ?
    Suốt ngày say túy lúy
    Trước hiên nằm li bì…
    (Trần Trọng San dịch thơ)

    và cứ uống tiếp nữa, vì ông lý luận…

    Thiên nhược bất ái tửu,
    Tửu tinh bất tại thiên.
    Địa nhược bất ái tửu,
    Địa ưng vô Tửu tuyền
    Thiên địa ký ái tửu
    Ái tửu bất quí thiên...
    ("Nguyệt hạ độc chước Kỳ II)

    Nếu trời không thích rượu
    Sao rượu ở chi trời ?
    Nếu đất không thích rượu,
    Suối rượu ở chi đời ?
    Trời đất đã thích rượu,
    Thích rượu không thẹn trời...
    (Trần Trọng San dịch thơ)

    Trong cái vui với rượu, đôi lúc có cái buồn vời vợi. Lý Trích Tiên mượn rượu để tiêu sầu nhưng lắm lúc cái sầu vẫn triền miên không dứt được: “Rút đao chém nước, nước vẫn chảy. Nâng chén tiêu sầu, sầu càng sầu”.

    Trừu đao đoạn thủy, thủy cánh lưu
    Cử bôi tiêu sầu, sầu cánh sầu
    (Nguyệt hạ độc chước IV)

    Rút gươm chém nước, nước trôi,
    Giải sầu cạn chén; lòng buồn, buồn thêm.
    (Lý Hữu Phước dịch thơ)

    Hai câu cuối trong bài Nguyệt hạ độc Chước “Vĩnh kết vô tình du, Tương kỳ mạc Vân Hán”, đã được chuyển ngữ thành “Forever committed to carefree play, we’ll all meet again in the Milky Way”  [CTDHM]. Hai câu này đã diễn tả phù hợp với cuộc đời của Lý tiên sinh

    Suốt đời rượu tiệc cuồng ngông,
    Kiếp sau uống tiếp… trên sông Ngân Hà.
    (Lý Hữu Phước dịch thơ)

    Cả cuộc đời họ Lý là một cuộc rong chơi lớn: Ông uống rượu từ lúc thất thời ngao du lang thang trong thiên hạ, lại uống nhiều thêm lúc được ân sủng của Đường Minh Hoàng tại triều đình, và đến cuối đời mình - huyền thoại để lại - ông uống say, nhảy vào hồ, ôm bắt bóng trăng rồi chết đuối. Một vầng trăng mà trong rượu và thơ, ông theo đuổi cả đời mà không sao sờ tay bắt được… Có lẽ cái chết là bắt đầu của cuộc hành trình tửu du vô tận của ông ở bên kia thế giới. Từ xưa đến nay, thật không có cuộc đời nào đầy thơ và rượu như của ông !

    o0o

    Viết đến đây, tôi nhớ lại chuyện đời xưa trong sách có liên quan với rượu và chơi chữ: “Thuở người Pháp còn ở Sài Gòn… tại mé sông Sài Gòn, ở sát cạnh sở Ba Son, có một quán bán rượu chát chủ quán là một võ quan Thủy binh chơi chữ, hiệu quán vỏn vẹn đề mấy số thật lớn, trên bảng: 0 - 20 - 100 - 0 và phải đọc là 'Au vin sans eau' (quán bán rượu không pha nước)”  [NĐCL]. Phải chăng chính người Chợ Lớn năm xưa đã pha rượu với nước để làm giàu, tạo thành cách uống rượu lạ lùng của dân Sài Gòn, nên mới có cái quảng cáo chơi chữ nên thơ!  Mấy chục năm trước, còn nhớ cả đường Lý Nam Đế (cũ) ở Chợ Lớn, phụ tùng xe đạp được sản xuất ở đây và đóng dòng chữ “Fabriqué en France” chứ không xài “Made in Japan” vì đồ Nhật còn chưa tốt…

    o0o

    Câu tục ngữ “rượu vào lời ra” chỉ cái xấu của những người uống rượu nói dai, riêng đối với người có nợ với văn chương thì rượu là nguồn cảm hứng bao la của bao nhiêu sáng tác văn học rực rỡ. Đường thi có câu đấu tửu thi bách thiên  (4) - rượu vào hàng trăm bài thơ ra.

    Đọc và chép lại những vần thơ cũ trích dẫn ở trên, tôi nghĩ thơ cũng giống như rượu: càng lâu năm thì càng quý. Quan hệ mật thiết giữa rượu và thơ là như hình với bóng – cùng nhau trưởng thành già dặn qua thời gian, và tôi rất tán thành về sự so sánh giữa rượu và thơ của Ưng Bình Thúc Giạ Thị:

    Rượu có mùi thơm nên uống mãi,
    Thơ là thuốc bổ cứ ngâm hoài…


    Lý Hữu Phước biên soạn
    Sydney, mùa Giáng Sinh 2005.


    Tài liệu tham khảo

     [CTDHM] China’s Tang Dynasty – Heather Milar, Marshall Cavendish 1996.… Li Po’s poems covered almost every topic under the sun. He wrote whole sets of poems dedicated to the pleasures of nature and wine. In one he exulted:  ‘Forever committed to carefree play, we’ll all meet again in the Milky Way’

     [ĐTTTK] 

    Ðường Thi – Trần Trọng Kim – Nhà xuất bản Văn hóa Thông tin, 1995
     [LHPTL]  Ðường thi Tuyển chọn, Cổ văn & Thơ mới – Lý Hữu Phước – tài liệu riêng.
     [NĐCL]  [NĐCL]    Nửa đời còn lại – Vương Hồng Sển – Văn Nghệ, 1996 California USA
     [TTLB]  Tứ Tuyệt Lý Bạch – Phạm Hải Anh
     [chinese text]  http://zhongwen.com/tangshi.htm - 李 白
    http://etext.lib.virginia.edu/etcbin/chinesebin/chinese-search?poem=085

    Chú thích & Phụ lục

    (1) Tức cảnh chiều thu - Bà Huyện Thanh Quan

    Thánh thót tầu tiêu mấy hạt mưa
    Khen ai khéo vẽ cảnh tiêu sơ
    Xanh om cổ thụ tròn xoe tán
    Trắng xóa tràng giang phẳng lặng tờ
    Bầu giốc giang sơn say chấp ruợu
    Túi lưng phong nguyệt nặng vì thơ
    Cho hay cảnh cũng ưa nguời nhỉ
    Thấy cảnh ai mà chẳng ngẩn ngơ

    (2) Cầm kỳ thi tửu - Nguyễn Công Trứ

    Ðường ăn chơi mỗi vẻ mỗi hay,
    Ðàn năm cung réo rắt tính tình dây,
    Cờ đôi nước rập rình xe ngựa đó.
    Thơ một túi phẩm đề câu nguyệt lộ,
    Rượu ba chung tiêu sái cuộc yên hà.
    Thú xuất trần, tiên vẫn là ta,
    Sánh Hoàng Thạch, Xích Tùng, ờ cũng đáng !
    Cầm tứ tiêu nhiên, kỳ tứ sảng,
    Thi hoài lạc hĩ, tửu hoài nồng.
    Một chữ nhàn giá lại đáng muôn chung
    Người ở thế dẫu trăm năm là mấy.
    Sách có chữ "nhân sinh thích chí"
    Ðem ngàn vàng chác lấy chuyện cười,
    Chơi cho lịch mới là chơi,
    Chơi cho đài các, cho người biết tay.
    Tài tình dễ mấy xưa nay.

    (3) Đối tửu - Nguyễn Du
    Đối tửu
    Phu tọa nhàn song túy nhãn khai
    Lạc hoa vô số há thương đài
    Sinh tiền bất tận tôn trung tửu
    Tử hậu thùy kiêu mộ thượng bôi
    Xuân sắc tiêm thiên hoàng điểu khứ
    Niên quang ám trục bạch đầu lai
    Bách kỳ đãn đắc chung triêu túy
    Thế sự phù vân chân khả ai.
    (Nguyễn Du)
    Ngồi uống rượu
    Ngồi xếp bên song chếch choáng say
    Hoa rơi tơi tả xuống rêu đầy
    Sống, vò không dốc say bầu cạn
    Chết, mộ ai còn tưới rượu đây
    Xuân đổi khiến oanh rời tổ khác
    Năm qua dục tóc bạc đầu rày
    Trăm năm mong được say sưa suốt
    Thật đáng thương đời tựa đám mây.
    (Đông A dịch thơ)

    (4)
    Đời Ðường, bốn thi sĩ nổi tiếng được đặt những biệt danh:
    • Lý Bạch (Li Po 701-762) - Thi Tiên
    • Ðỗ Phủ (Tu Fu 721-770) - Thi Thánh
    • Vương Duy (Wang Wei 699-761) - Thi Phật
    • Lý Hạ (Li Ho ) - Thi Quỉ
    Thi Thánh Đỗ Phủ có làm bài tứ tuyệt đề cao Thi Tiên Lý Bạch
    Lý Bạch đấu tửu thi bách thiên,
    Trường An thị thượng tửu gia miên.
    Thiên tử hô lai bất thượng thuyền,
    Tự xưng thần thị tửu trung tiên.
    (Lý Bạch uống rượu làm hàng trăm bài thơ,
    Nơi quán rượu Trường An ngủ say li bì.
    Vua gọi lên thuyền chẳng thèm lên,
    Tự cho mình là tiên trong rượu.)

    (5)
    Tương Tiến Tửu - Lý Bạch
    Tương tiến tửu
    Quân bất kiến
    Hoàng hà chi thủy thiên thượng lai,
    Bôn lưu đáo hải bất phục hồi !
    Hựu bất kiến
    Cao đường minh kính bi bạch phát,
    Triêu như thanh ti mộ thành tuyết.
    Nhân sinh đắc ý tu tận hoan
    Mạc sử kim tôn không đối nguyệt
    Thiên sinh ngã tài tất hữu dụng,
    Thiên kim tán tận hoàn phục lai.
    Phanh dương tể ngưu thả vi lạc,
    Hội tu nhất ẩm tam bách bôi.
    Sầm phu tử! Đan Khâu sinh!
    Tương tiến tửu, Bôi mạc đình!
    Dữ quân ca nhất khúc,
    Thỉnh quân vị ngã khuynh nhĩ thính.
    Chung cổ soạn ngọc bất túc quý,
    Đãn nguyện trường túy bất nguyện tinh
    Cổ lai thánh hiền giai tịch mịch,
    Duy hữu ẩm giả lưu kỳ danh.
    Trần Vương tích thời yến Bình Lạc,
    Đẩu tửu thập thiên tứ hoan hước.
    Chủ nhân hà vi ngôn thiểu tiền,
    Kính tu cô thủ đối quân chước.
    Ngũ hoa mã,
    Thiên kim cừu,
    Hô nhi tương xuất hoán mỹ tửu,
    Dữ nhĩ đồng tiêu vạn cổ sầu
     將  進  酒
    君  不  見
     黃  河  之  水  天  上  來
    奔  流  到  海  不  復  回
    君  不  見
    高  堂  明  鏡  悲  白  髮
     朝  如  青  絲  暮  成  雪
    人  生  得  意  須  盡  歡,
     莫  使  金  樽  空  對  月
     天  生  我  材  必  有  用
     千  金  散  盡  還  復  來
    烹  羊  宰  牛  且  為  樂
    會  須  一  飲  三  百  杯
     岑  夫  子! 丹  丘  生!
    將  進  酒  君  莫  停!
    與  君  歌  一  曲
     請  君  為  我  側  耳  聽
    鐘  鼓  饌  玉  不  足  貴
    但  願  長  醉  不  願  醒
     古  來  聖  賢  皆  寂  寞
     惟  有  飲  者  留  其  名
     陳  王  昔  時  宴  平  樂
     斗  酒  十  千  恣  讙  謔
     主  人  何  為  言  少  錢
     徑  須  沽  取  對  君  酌
     五  花  馬
     千  金  裘
     呼  兒  將  出  換  美  酒
     與  爾  同  消  萬  古  愁
    Sắp dâng rượu
    Há chẳng thấy
    Nước sông Hoàng từ trời tuôn xuống
    Chảy nhanh ra biển,chẳng quay về,
    Lại chẳng thấy
    Thềm cao gương soi rầu tóc bạc
    Sớm như tơ xanh, chiều tựa tuyết ?
    Đời người đắc ý hãy vui tràn,
    Chớ để bình vàng suông bóng nguyệt !
    Trời sinh thân ta, hẳn có dùng,
    Nghìn vàng tiêu hết rồi lại đến.
    Mổ dê, giết trâu, cứ vui đi,
    Uống liền một mạch ba trăm chén !
    Bác Sầm ơi ! Bác Đan ơi !
    Sắp mời rượu, chớ có thôi !
    Vì nhau tôi xin hát,
    Hãy vì tôi hai bác nghe cùng :
    "Này cỗ ngọc, nhạc rung, chẳng chuộng,
    "Muốn say hoài, chẳng muốn tỉnh chi !
    "Thánh hiền tên tuổi bặt đi,
    "Chỉ phường thánh rượu tiếng ghi muôn đời !
    "Xưa Trần Vương yến nơi Bình Lạc,
    "Rượu tiền muôn đùa cợt tha hồ"
    Chủ nhân kêu thiếu tiền ru ?
    Để cùng dốc chén, ta mua đi nào !
    Đây ngựa gấm, đây áo cừu,
    Này con, đổi rượu hết,
    Cùng nhau ta giết cái sầu nghìn thu !
    (Hoàng Tạo Và Tương Như dịch thơ)

    (6) Nguyệt hạ độc chước - Lý Bạch
    Nguyệt hạ độc chước kỳ I
    Hoa gian nhất hồ tửu,
    Độc chước vô tương thân.
    Cử bôi yêu minh nguyệt,
    Đối ảnh thành tam nhân.
    Nguyệt ký bất giải ẩm
    Ảnh đồ tùy ngã thân.
    Tạm bạn nguyệt tương ảnh,
    Hành lạc tu cập xuân.
    Ngã ca nguyệt bồi hồi;
    Ngã vũ ảnh linh loạn.
    Tỉnh thì đồng giao hoan,
    Tuý hậu các phân tán.
    Vĩnh kết vô tình du,
    Tương kỳ diểu Vân Hán.

     月  下  獨  酌  其  一
     花  間  一  壺  酒
     獨  酌  無  相  親
     舉  杯  邀  明  月
    對  影  成  三  人
    月  既  不  解  飲
     影  徒  隨  我  身
     暫  伴  月  將  影
     行  樂  須  及  春
    我  歌  月  徘  徊
     我  舞  影  零  亂
     醒  時  同  交  歡
     醉  後  各  分  散
     永  結  無  情  遊
    相  期  邈  雲  漢

    Trong hoa rượu ngọt một bầu,
    Một mình chuốc chén có đâu bạn bè.
    Mời trăng cất chén lè nhè,
    Thân ta, bóng ấy, trăng kia, ba người.
    Trăng thì tiếp rượu không nguôi,
    Bóng ta theo mãi không rời thân ta.
    Bạn cùng trăng bóng vẩn vơ,
    Vui chơi khuây khỏa để chờ ngày xuân.
    Ta ca trăng cũng băn khoăn,
    Khi ta nhảy múa, bóng lăn lộn hoài.
    Cùng nhau khi tỉnh vui cười,
    Say rồi nghiêng ngửa, mọi nơi rạc rời.
    Vô tình giao kết chơi bời,
    Hẹn nhau ở chỗ xa khơi cõi trời.

    (Trần Trọng Kim dịch thơ)
     Here among flowers one flask of wine,
    with no close friends, I pour it alone.
    I lift cup to bright moon, beg its company,
    then facing my shadow, we became three.
    The moon has never known how to drink;
    my shadow does nothing but follow me.
    But with moon and shadow as companions the while,
    this joy I find must catch spring while it’s here.
    I sing, and the moon just lingers on;
    I dance, and my shadow flails wildly.
    When still sober we share friendship and pleasure,
    then, utterly drunk, each goes his own way –
    Let us join to roam beyond human cares
    and plan to meet far in the river of stars.

    (“Drinking Alone by Moonlight” Stephen Owen in An Anthology Of Chinese Literature: Beginning to 1911

    (7) Xuân nhật túy khởi ngôn chí - Lý Bạch
    Xuân nhật tuý khởi ngôn chí
    Xử thế nhược đại mộng
    Hồ vi lao kỳ sinh?
    Sở dĩ chung nhật túy
    Đồi nhiên ngọa tiền doanh
    Giác lai miện đình tiền
    Nhất điểu hoa gian minh
    Tá vấn thử hà nhật?
    Xuân phong ngữ lưu oanh
    Cảm chi dục thán tức
    Đối chi hoàn tự khuynh
    Hạo ca đãi minh nguyệt
    Khúc tận dĩ vong tình


    The best of life is but ... -- translated by H.A. Giles

    What is life after all but a dream ?
    And why should such bother be made ?
    Better far to be tipsy, I deem,
    And doze all day long in the shade.
    When I wake and look out on the lawn,
    I hear midst the flowers a bird sing;
    I ask "Is it evening or dawn ?"
    The mango-bird whistles, "'Tis spring."
    Overpowered with the beautiful sight,
    Another full goblet I pour,
    And would sing till the moon rises bright --
    But soon I’m as drunk as before.

    (Chinese poetry in English verse, London, 1898)

     春  日  醉  起  言  志
    處  世  若  大  夢
     胡  為  勞  其  生
    所  以  終  日  醉
     禿  然  臥  前  楹
     覺  來  盼  庭  前
     一  鳥  花  間  鳴
     借  問  此  何  時
     春  風  語  流  鶯
     感  之  欲  嘆  息
     對  酒  還  自  傾
     浩  歌  待  明  月
     曲  盡  已  忘  情
    Ngày xuân say rượu tỉnh dậy nói chí mình
    Ðời như giấc mộng lớn
    Nhọc lòng mà làm chi ?
    Suốt ngày say túy lúy
    Trước hiên nằm li bì
    Tỉnh dậy trông sân trước
    Trong hoa chim hót vang
    Hôm nay ngày nào nhỉ
    Gió đưa tiếng oanh vàng
    Cảm xúc ta than thở
    Ðối cảnh ta nghiêng bình
    Hát vang đợi trăng sáng
    Hết khúc đã quên tình
    (Trần Trọng San dịch thơ)

    Réveil de l'ivresse un jour de printemps -- Translated by P. Demiéville

    Si la vie en ce monde est un grand songe,
    A quoi bon la gâcher en se donnant du mal ?
    Aussi pour moi tout le jour je suis ivre,
    Et me couche effondré au pilier de la porte.
    Au réveil, je regarde au-delà du perron;
    Un oiseau chante parmi les fleurs.
    "Dis moi, quelle est donc la saison ?"
    "C'est le vent du printemps qui fait parler le loriot vagabond."
    J'en suis ému, et je vais soupirer;
    Mais, face au vin, je m'en verse à nouveau.
    A voix haute je chante en attendant le clair de lune;
    Ma chanson finie, tout est oublié ...

    (Anthologie de la poésie chinoise classique, Gallimard, Paris, 1962)

    NHỮNG BÀI THƠ TUYỆT VỜI VỀ RƯỢU MÀ ĐÀN ÔNG PHẢI ĐỌC

    THO SAY ÔMA KHAYYAM


    Ôma Khayyam sinh năm 1040 ở  thành phố Nissapurê (miền đông Iran ngày nay), lớn lên nổi tiếng khắp cả vùng Trung Á rộng lớn như một nhà triết học, toán học, thiên văn học kiệt xuất của thời đại. Ông được vua chúa nhiều nước mời đến triều đình làm việc, là tác giả một loạt  tác phẩm quan trọng về vật lý và toán học. Cuộc đời ông đầy những năm tháng lưu lạc và gian khổ. Ông đi nhiều, lang thang hết nước này đến nước khác, cuối cùng trở về thành phố quê hương và mất ở đó vào năm 1112. Hiện nay vẫn còn giữ được lăng mộ của ông ở Nisapurê.


    Ôma Khayyam chỉ viết thơ trong những phút rảnh rỗi và buồn chán. So với các
    công trình khoa học, di sản 450 bài bốn câu (rubai) của ông không lớn. Cho mãi tới thế kỷ 19, khi chưa được người châu Âu “phát hiện”, ông hầu như chỉ được biết đến như một nhà khoa học. Sau sự phát hiện đó, nghĩa là sau bản dịch tiếng Anh 75 bài của Fitzgerald (1809 – 1883) năm 1859, ông “đột nhiên” trở thành nhà thơ nước ngoài được ưa thích nhất ở châu Âu và châu Mỹ. Lúc ấy đã xuất hiện, có nơi còn giữ đến ngày nay, nhiều quán rượu và câu lạc bộ say mang tên ông.

    7

    Ai cũng biết là Khayam già yếu,

    Ai cũng biết là Khayam nghiện rượu,
    Nhưng chẳng ai hay chính nhờ rượu, Khayam
    Mới thắng nổi cái buồn và cái yếu.



    8

    Khi đang tỉnh, như cua, tôi cứng đờ, gượng gạo.
    Nhưng khi say đầu óc tôi không tỉnh táo,
    Nên khoảng cách thiên thần giữa tỉnh và say
    Là cái đích tôi tôn thờ, tôi mộng ảo.
    14
    Bỏ nhà thờ, anh em, ta vào quán.
    Trước ông chủ ta cầu kinh không nản.
    Cuộc sống ta, ta để mất ở nhà thờ,
    Giờ lại thấy trong cốc này, các bạn.
    15
    Ở đời này khi say là tốt nhất.
    Nghe cô gái hát hay là tốt nhất.
    Và tốt nhất là người được suy nghĩ tự do,
    Bao điều cấm không hay là tốt nhất.
    17
    Thằng nghèo tưởng mình là vua, khi say.
    Con gà tưởng mình là công, khi say.
    Và khi say người già thấy mình trẻ lại,
    Người trẻ thông minh như người già, khi say.
    19
    Hạnh phúc là cái gì? Chẳng là gì, đúng thế.
    Chết, anh để lại gì? Chẳng để gì, đúng thế.
    Tôi đã sống say sưa, tất cả tưởng của mình,
    Nhưng nhìn kỹ hóa ra chẳng có gì, đúng thế.
    22
    Cả vương quốc Trung Hoa, cốc rượu này đáng giá.
    Cả vườn tiên đầy hoa cốc rượu này đáng giá.
    Cay đắng tất nhiên là mùi vị cốc này,
    Nhưng tuy thế còn hơn bao ngọt ngào xảo trá.
    26
    Cầm chiếc bình trên tay, tôi khoái trá
    Cười, giơ cao, ném tung vào tảng đá.
    "Này, đừng quên, - bình nói, - một ngày kia
    Rồi người ta cũng ném anh vào đá!"
    27
    Thà uống rượu cho tiêu tan mệt mỏi,
    Hơn buồn đau nhớ ngày xưa chói lọi.
    Khi không say anh tự trói lòng mình,
    Nhưng chén rượu sẽ giúp anh cởi trói.


    47

    Nếu cứ vậy suốt đời anh chỉ tìm lạc thú.

    Lo rượu, gái, vui chơi, lo tiền tài có đủ,
    Thì tất cả trước sau anh cũng bỏ mà thôi.
    Vì đời là giấc mơ - đến bao giờ anh định ngủ?



    48

    Kìa mây đen lại rơi nước mắt!
    Khi không say nhìn cảnh này buồn thật.
    Vì hôm nay tôi trên cỏ nằm chơi,
    Nhưng ngày mai tôi đã nằm dưới đất.
    49
    Hãy tìm rượu, quẳng sách kinh ở đấy.
    Chân lý nhà chùa trong cốc này mới thấy.
    Sư không ôm nổi váy đời mình,
    Thì hãy lại ôm váy nàng kia vậy.
    50
    Tìm rượu ngon, tìm cái vui, cái lạ,
    Tôi bỗng thấy bông hồng khô trong lá.
    "Ôi hoa ơi, sao nông nỗi thế này?"
    "Vì trước kia tôi say và vui quá".
    52
    Giữa vườn hoa, người yêu, ly rượu nhỏ -
    Là thiên đường xưa nay tôi muốn có.
    Khi chưa ai được hưởng thú trên trời,
    Thì vui tạm dưới này, trên bãi cỏ.
    55
    Sau cơn mưa, hoa hồng chưa khô.
    Trong tim tôi nhiệt tình chưa khô.
    Đóng quán sớm làm gì, ông chủ,
    Nắng còn vương trên kính, chưa khô.
    56
    Chỉ là bóng những gì anh đang thấy.
    Chỉ cái vỏ bề ngoài anh đang thấy.
    Không ai thấy phần trong, đừng cố thấy làm gì.
    Hãy ngồi xuống mà uống bia đi vậy.
    57
    Tôi uống rượu không phải vì thích uống,
    Cũng chẳng phải để tìm vui tôi uống.
    Tôi uống vì nay tất cả trên đời
    Tôi muốn quên, để giải sầu tôi uống.
    60
    Cứ la cà hết quán này, quán nọ,
    Suốt đời say, tự do như ngọn gió.
    Hãy cầm dao đứng đón dọc đường,
    Cướp thằng giàu chia cho kẻ khó.
    63
    Trái tim là anh mù, luôn chui đầu vào bẫy,
    Để cám dỗ gạt lừa, để thiên thần xúi bậy.
    Trong nhà thờ làm lính mới không vui,
    Thà ra quán, Khayam, mà làm vua ở đấy.
    68
    Này anh ngốc, anh đang sa vào bẫy
    Của cuộc đời rất phù hoa, tôi thấy.
    Anh đi đâu vội thế? Hãy cho tôi
    Một cốc rượu rồi đường anh, anh cứ chạy.
    71
    Trước mặt mọi người anh làm tôi phải bẽ.
    Anh gọi tôi thằng say và mắng tôi thậm tệ.
    Được, không sao, tôi có thể nghe anh,
    Nhưng anh xứng hay chưa để gọi tôi như thế?


    78

    Trong hư ảo đời này bao lâu tôi phải bước?

    Đến bao giờ tôi thôi không làm anh hài hước?
    Tôi chán lắm rồi cái cặn bã nhà ngươi,
    Như cặn rượu cốc kia, ước gì tôi đổ được!



    81

    Ta không thể ngăn thời gian, không thể,
    cả anh cả tôi.
    Và cũng chết như nhau thôi, cũng thế,
    cả anh cả tôi.
    Nhưng khi ta nâng cốc rượu, tức là
    Chân lý ở trong tay ta, quả thế -
    cả anh cả tôi.
    82
    Dù bị cấm, rượu ngon là cám dỗ.
    Được người yêu đưa cho - càng cám dỗ.
    Cả thế gian là quán rượu đắt hàng,
    Gì bị cấm, xưa nay đều cám dỗ.
    83
    Anh thất tình và rồi anh buồn đau?
    Cứ phớt lờ tất cả.
    Khóc làm gì, ta hãy uống cùng nhau!
    Cứ phớt lờ tất cả.
    Khi không say, tôi buồn than không ít,
    Nhưng khi say, tôi đếch cần, hơi đâu!
    Cứ phớt lờ tất cả.
    89
    Thật đáng thương cho trái tim không yêu.
    Thật đáng thương cho trái tim đang yêu.
    Nếu anh sống ngày nào mà không say ngày ấy.
    Thì đời anh, anh để hoài bao nhiêu.
    90
    Hơn một nửa bạn bè tôi đã chết,
    Số phận ta đều giống nhau phần kết.
    Không ít kẻ cùng ta mới nâng cốc hôm nào,
    Thế mà cốc đời mình nay uống hết.
    103
    Cứ yêu đi, cứ say đi, bởi lẽ
    Không dại gì làm vua quan bệ vệ,
    Vì thượng đế trên cao, tôi thừa biết, đếch cần
    Cả râu tôi, cả ria anh đẹp thế.
    105
    Thật tội nghiệp những người than với khóc,
    Hay để bụng, cứ bắt mình khó nhọc.
    Hãy hát đi khi chưa đứt dây đàn.
    Hãy uống đi chừng nào chưa vỡ cốc.
    107
    Bằng cái đẹp, bằng hương hoa, đời này
    Đã làm Khayyam yêu và say.
    Nhưng dòng suối của cuộc đời cứ cạn,
    Muốn hay không, anh cũng đành bó tay.
    109
    Hãy mang rượu ra đây, đừng ỡm ờ!
    Rót nữa đi, rót đầy, ngay bây giờ!
    Già không nên giả vờ không uống,
    Vì không uống lúc này thì bao giờ?
    112
    Rót nữa đi, chủ quán, rót vào đây
    Thứ nước thần tôi uống đến kỳ say.
    Cho đến khi con người tôi bèo bọt
    Bị vắt thành chiếc cốc cầm trên tay.
    113
    Nếu đời tôi nằm trong tay thượng đế,
    Và không ai thèm hỏi tôi như thế,
    Thì rót đi, rót thêm nữa, nỗi buồn
    Tôi cùng uống theo cốc này luôn thể.
    117
    Tôi bị gọi là thằng say - Quả đúng thế,
    Thằng bất lương, thằng mặt dày - Quả đúng thế.
    Nhưng tôi vẫn là tôi, nói gì mặc kệ,
    Vẫn là Khayam này! - Quả đúng thế.
    125
    Tôi nghe nói thiên đường đầy suối mật,
    Có đồng cỏ, có vườn cây đẹp nhất.
    Rót rượu đi, tôi chẳng thiết thiên đường,
    Tôi chỉ thích cốc này trên trái đất.
    129
    Hãy rót nữa, rót cho tôi, rót nữa,
    Cho mặt tôi đỏ bừng lên như lửa.
    Khi tôi chết, quan tài xin cứ cột dây nho,
    Còn xác tôi - lấy rượu vang mà rửa
    130
    Tôi sẽ say cho tới ngày xuống mộ,
    Cho mộ tôi cũng bốc mùi rượu đỏ,
    Cho anh say đến viếng mộ thăm tôi.
    Trở thành say gấp mấy lần trước đó.
    131
    Ta cần rượu và tình yêu; thượng đế
    Cần nhà thờ và sách kinh - Đã thế,
    Sao lỗi lại do ta, nếu mọi cái trên đời
    Được định đoạt bởi bàn tay thượng đế?
    132
    Tôi cứ yêu, cứ say và cứ chén.
    Tôi điên ư? Ngốc ư? Và đáng thẹn?
    Ồ không sao! Cái phải đến, đến đi,
    Vì cũng chẳng xấu hơn điều đã đến
    141
    Sống - tôi biết, chết với tôi - không lạ
    Thế giới này tôi đi, nhìn, thấy cả
    Và nhận thấy khắp nơi không thể có cái gì
    Bằng cái say, bằng cái say vô giá.
    146
    Muốn thì uống, nhưng trí khôn đừng để mất.
    Cái cảm giác đủ và thừa đừng để mất.
    Đừng để ai đáng kính phải mếch lòng,
    Và bạn tốt, đừng vì say mà để mất.
    150
    Ê, quan tòa luôn trang nghiêm, xin nói thật:
    Anh tuy tỉnh mà xấu hơn thằng say nhất.
    Tôi uống rượu nho, nhưng anh uống máu người,
    Ai ác hơn - tôi hay anh? Xin hỏi thật!
    151
    Tớ là thằng đáng khinh, và càn rỡ?
    Tớ không buồn, và thánh thần - đếch sợ.
    Mặc, cứ say, và cốc rượu của mình
    Tớ không xin, mà bắt mang cho tớ!
    152
    Nếu bên cạnh là một cô má đỏ
    Nằm rót rượu cho tôi trên thảm cỏ,
    Thì tôi chỉ là ngu, đáng khinh bỉ, chê cười
    Nếu còn mơ một thiên đường nào đó.
    154
    Nếu tôi uống và say, không đứng nổi,
    Thì thượng đế phải khen, không bắt tội,
    Vì thế là tôi đã làm đúng ý ngài -
    Ngài sinh tôi để say và phạm lỗi!
    157
    Vâng, tôi uống, nhưng không say, không truỵ lạc
    Tôi uống rượu để tìm vui, xua cái ác.
    Tôi cúi đầu thờ cốc rượu của tôi
    Còn hơn anh cúi đầu thờ kẻ khác.
    159
    Đôi mắt tôi thích nhìn các cô nàng xinh nhất.
    Đôi tay tôi thích cầm cốc rượu ngon, chén mật.
    Tôi cố kiếm niềm vui, từng tí một cho mình,
    Khi từng tí đời tôi chưa bị vùi xuống đất.
    160
    Chiếc bình này, như tôi, từng là anh ngu ngốc,
    Từng si mê các nàng, từ hàm răng, mái tóc.
    Các bạn hãy nhìn kia, chiếc tay xách trên bình
    Là cánh tay từng ôm những tấm thân ngà ngọc.
    163
    Đừng chê người uống say không đứng nổi.
    Hãy cố sống chân tình, không giả dối.
    Anh không say, nhưng chớ vội tự hào -
    Xấu hơn say là việc làm tội lỗi.
    164
    Cả giàu, đói, sang, hèn - tôi, các bạn
    Vừa ngủ dậy là kéo nhau đến quán.
    Cốc rượu vang ta cứ việc rót đầy,
    Chừng nào cốc đời ta chưa uống cạn.
    167
    Chân lý này anh ngốc nào cũng biết:
    Ta bỏ rượu là nhà hàng sẽ chết.
    Ta mà thôi phạm tội, chúa trời
    Chẳng còn biết cứu ai - càng đỡ mệt!
    168
    Cốc rượu này uống đi, vì trăng hoa trong đó,
    Vì tuổi trẻ, niềm vui và bài ca trong đó.
    Hãy ngồi xuống cùng nhau say một chút, đỡ buồn.
    Cốc rượu này uống đi, vì đời ta trong đó.
    170
    Dù ăn no, rượu ngon, không phải làm việc nặng,
    Dù cô gái anh yêu đôi má hồng, da trắng,
    Dù có bạn tâm tình, dù nghe nhạc, tim anh
    Cũng không thể bình yên, nếu lòng anh lo lắng.
    179
    Thật bất hạnh cho ai lửa trong lòng nguội tắt,
    Không yêu ghét, buồn vui... Và anh, tôi nói thật,
    Sống không có người yêu,
    không uống rượu ngày nào,
    Thì ngày ấy cứ xem anh hoàn toàn để mất.
    184
    Thêm một ngày mùa xuân đang nở rộ.
    Như hạt ngọc sương treo trên lá cỏ,
    Chim hoạ mi lại quyến rũ hoa hồng,
    Mời hoa uống cốc rượu màu máu đỏ.
    185
    Ai nhức đầu - uống rượu vào sẽ hết!
    Ai cãi nhau - uống rượu vào sẽ hết!
    Hãy tin tôi, tôi đã nghiệm nhiều lần:
    Ai buồn đau - uống rượu vào sẽ hết!
    191
    Rượu chỉ cấm với những người ngu ngốc
    Chứ không phải người thông minh, có học.
    Uống rượu là cần, nếu anh biết rằng anh
    Uống với ai, bao giờ và mấy cốc!
    192
    Cốc rượu ngon hơn lời khuyên thượng đế,
    Hơn vàng bạc, hơn lâu đài tráng lệ.
    Đời mà không có rượu, sống làm gì?
    Chỉ còn lại cái đau và buồn tẻ!
    193
    Từng cánh tuyết trên trời đang rơi xuống xa xa,
    Nghĩa là ở trên trời vườn thượng giới ra hoa.
    Nào các bạn, cùng tôi, hãy rót đầy, nâng cốc
    Mừng thượng đế lòng lành gửi cái đẹp cho ta!
    195
    Khi xung quanh cảnh đẹp thế này,
    Chỉ thằng ngốc mới không muốn say,
    Chao, trăng sáng, hoa hồng thơm, chim hót.
    Chưa giọt nào mà đã thấy ngất ngây!
    197
    Suốt ngày đêm phải ăn chay, nhịn đói,
    Trời còn bắt tụng kinh - tôi mệt mỏi,
    Nên lẫn lộn lung tung, tôi uống rượu vì nhầm,
    Chắc vì thế, trời sẽ không bắt tội.
    199
    Hạnh phúc hết còn gì, ngoài cái tên vô vị?
    Trong số bạn bè tôi chỉ rượu là chung thuỷ.
    Tôi cũng chẳng bao giờ từ bỏ nó, vì sao?
    Vì duy nhất với tôi nó là người tri kỷ!
    200
    Người thì lo chúi đầu vào chiếc cốc,
    Người thì cầm sách kinh, không ngớt đọc.
    Ở đời này chỉ thượng đế là khôn
    Còn chúng ta ai cũng mù, cũng ngốc!
    201
    Thần chết bắt bạn tôi xuống mồ sâu mãi mãi,
    Mà thiếu họ cuộc đời thành cô đơn trống trải.
    Mới uống rượu cùng nhau còn đông đủ ngày nào,
    Họ say trước, ra đi, giờ mình tôi ở lại.
    202
    Ngồi làm việc đến đầu đau, hông vẹo
    Giới học giả không anh nào to béo,
    Nên ở đời, chưa được chén nho tươi,
    Thân xác họ đã thành nho khô héo.
    206
    Sự độc ác của đời khiến tôi luôn sửng sốt,
    Đến mức ngủ không ngon, trái tim đầy đau xót.
    Cái gáo nhỏ đầu tôi đầy ý nghĩ buồn rầu,
    Giá nó đầy rượu thơm và ngon thì thật tốt.
    208
    Hãy cứ uống, cứ vui cho đến lúc
    Chẳng còn sống để uống, vui hạnh phúc.
    Chỉ thằng ngu mới tin ở thiên đường,
    Tin ngọn lửa thiêu người nơi địa ngục.
    209
    Mỗi lần say, giữa khi đang vui nhất,
    Hết cốc này đến cốc kia ngây ngất,
    Tôi chỉ xin các bạn nhớ một điều:
    Các bạn vui mà Khayam vắng mặt!
    210
    Cái chân lý sau đây, ừ thì xưa, thì cổ,
    Nhưng nhắc lại không thừa:
    "Uong di, đừng nhăn nhó,
    Vì lưỡi hái thời gian sớm muộn sẽ cắt anh,
    Mà anh chẳng mọc thêm, anh đâu là ngọn cỏ!"
    211
    Anh uống rượu, anh yêu - chẳng có gì đáng ghét.
    Bỏ cầu kinh, phá chay - cũng không là tội chết.
    Chỉ cần anh không tham, chân thật với mọi người,
    Các tội khác nhỏ to sẽ được trời tha hết.
    212
    Những tia nắng đầu tiên đẹp không, anh bạn trẻ?
    Hãy rót rượu uống đi, mừng một ngày mới mẻ.
    Giây phút này kỳ diệu sắp đi qua,
    Mà tìm lại xưa nay đâu phải là chuyện dễ!
    213
    Cuộc đời này xấu xa, bất công và ngu ngốc
    Đang đầu độc đời tôi bằng rượu pha thuốc độc.
    Tôi hèn nhát, sợ đau, không muốn chết từ từ,
    Nên tôi uống một hơi, uống ngay cho hết cốc!
    215
    Không ai cấm ta ngồi uống vài ba chén nhỏ
    Với những người ta yêu, người thông minh đức độ.
    Nhưng nhớ uống vừa vừa,
    thỉnh thoảng uống làm vui,
    Và đặc biệt không nên khoe say, không báng bổ!
    219
    Tôi nghe nói xưa nay rượu là nguồn bất tử,
    Nên tôi áp đôi môi vào miệng bình, muốn thử.
    Chiếc bình đất thì thầm tha thiết, vẻ van xin:
    "Hôn em đi, trước kia chính em là vũ nữ!"
    228
    Nhiều gái đẹp, nhiều rượu ngon một lúc
    Tôi càng say, lòng tràn trề hạnh phúc,
    Như thể tôi đang ở tít thiên đường,
    Thoát khỏi các buồn lo nơi thế tục.
    231
    Mong thần chết bắt tôi đi mãi mãi,
    Rồi dẫm tôi thành đất xanh mềm mại,
    Để người ta vắt đất ấy thành bình.
    Ngửi thấy rượu, biết đâu tôi sống lại.
    233
    Tôi nghĩ ta không người nào có thể
    Sống hai lần ở đời này vui vẻ,
    Nên chừng nào thần chết vẫn chưa tha
    Thì hãy uống, đừng kiêng khem như thế.
    234
    Nếu cuộc sống mỏng manh, chỉ vài giây là hết,
    Thì không say, không yêu, theo tôi là tội chết.
    Các tu sĩ ngày đêm mơ ước chốn thiên đường.
    Tôi những muốn bật cười, thấy vừa thương vừa ghét.
    236
    Lại lần nữa họa mi hót véo von,
    Hoa lại nở, làm ngây ngất tâm hồn,
    Hãy uống đi, uống mùi hương thơm dịu,
    Uống vào lòng cả tình yêu, cái hôn
    238
    Anh đừng trách ở đời cái gì rồi cũng mất.
    Sống ngày nào cứ vui. Hãy nghe tôi nói thật:
    Nếu mọi cái ở đời mà vĩnh cửu, bền lâu
    Thì chẳng đến lượt anh được sinh trên trái đất.
    240
    Thà im tiếng còn hơn nổi danh nhưng nhục nhã.
    Cũng đừng trách cuộc đời, đời thế thôi, đừng lạ.
    Tôi, Khayyam, thích nổi tiếng thằng say,
    Hơn được khen thông minh
     nhưng bất lương, xảo trá.
    243
    Cùng bạn say cứ ăn chơi, cứ tán.
    Đừng ăn chay, đừng tụng kinh buồn chán.
    Tôi, Khayam, xin khuyên thật thế này:
    "Uống, ăn đi, và đừng ky với bạn"
    244
    Lại lần nữa tim tôi buồn, lo sợ.
    Vì người yêu đã bỏ đi vô cớ.
    Người ta mang cốc rượu đến cho tôi.
    Cốc đựng máu của trái tim tan vỡ.
    247
    Đừng quá chén mà thành say bí tỉ.
    Đừng xúc phạm bạn bè, đừng mất trí.
    Cả khi say anh vẫn phải là người
    Tốt, vui vẻ, dễ thương và tế nhị.
    249
    Sáng hối hận rằng đêm qua quá say.
    Tôi quyết tâm bỏ uống rượu hàng ngày.
    Nhưng bây giờ tôi tiếc mình bỏ rượu.
    Hãy nhìn kia - hoa nở đẹp thế này.
    250
    Thà bị lạc giữa những nàng xinh trẻ.
    Hơn giữa những cuốn sách dày buồn tẻ.
    Khi thời gian chưa uống hết máu anh.
    Hãy uống máu những chùm nho đẫm lệ.
    251
    Ai nghiện rượu đến lấy râu quét quán.
    Người ấy sống tự do, không buồn chán.
    Không có ăn, túi rỗng, cũng bất cần.
    Trời có sụp, vẫn vênh râu bình thản.
    252
    Tôi đã sống thật ngu và vô lý.
    Tôi uống rượu mà nhạt phèo, vô vị.
    Tiếc rằng tôi đã làm trái ý trời.
    Tiếc phần lớn đời tôi, tôi bỏ phí.
    255
    Sống chỉ cần sáu mươi năm thanh thản.
    Không cần giàu, chỉ cần nhiều bè bạn.
    Và khi anh chưa bị vắt thành bình.
    Hãy làm bạn với bình khi buồn chán.
    261
    Ai ở đây hiểu ta bằng chủ quán?
    Trước ông ta đừng kiêu căng, đừng phán.
    Theo luật chung, hãy can đảm, đừng chờ.
    Đã vào đây ai cũng là bè bạn!
    262
    Cứ uống đi, từ thời xa xưa nhất
    Những người chết thường nằm yên dưới đất.
    Ở đời này mọi cái giả, phù du.
    Chỉ duy nhất điều này là có thật.
    265
    Nếu bia rượu trong nhà ta có sẵn.
    Thì hãy uống, uống cho tiêu buồn chán.
    Đừng lo trời đang theo dõi bắt anh:
    Không có ta, ngài cũng thừa cái bận.
    266
    Cốc rượu toả mùi thơm như hương hồng ngây ngất.
    Ta uống rượu, tưởng khôn, nhưng hoá ra ngu nhất.
    Nó moi hết ruột gan, cám dỗ, khiến ta nhầm.
    Ta tưởng ta lên trời, nhưng lại chui xuống đất.
    267
    Đang say rượu, bước đi, tôi lớ ngớ
    Để bình rơi, may mà bình không vỡ.
    Tôi thầm ơn thượng đế, bởi đời này
    Tuy không rơi, đã quá nhiều bình vỡ.
    273
    Chúng ta uống vì chúng ta vui vẻ.
    Vì bên ta là những cô gái trẻ.
    Bọn người điên gọi ta là điên
    Ừ thì điên, ta say nhưng tử tế.
    280
    Thời chúng ta người thông minh nghèo khổ.
    Thằng ngu dốt thì chức quyền, giàu có.
    Hay nên chăng uống rượu để thành ngu,
    Để có chức, có tiền như chúng nó?
    281
    Ngày lại ngày, như mặt trời mới dậy
    Tôi lại uống rượu nho vàng rực cháy.
    Người ta đồn chân lý đắng và cay.
    Thế thì nó trong cốc này, chắc vậy.
    283
    Không có rượu - cốc này thật đáng ghét.
    Chai trở thành vô hồn khi rượu hết.
    Bạn Khayyam chỉ duy nhất cốc này
    Từ khi biết mùi men cho đến chết.
    284
    Anh đang yêu? - Thì cùng bạn cứ say.
    Cứ múa hát và đàn đúm suốt ngày.
    Mặc người tỉnh suốt đời lo với nghĩ.
    Đừng bao giờ để cốc rượu rời tay.
    287
    Kinh Côran - cả các nhà hiền triết
    Cũng mất gần một năm mới đọc hết
    Nhưng thơ khắc trên cốc rượu, thằng say
    Không biết chữ mà đọc thông, thật tuyệt.
    288
    Hỡi cô gái tôi yêu, hãy dập tắt
    Lửa tình yêu bằng rượu vang ngon nhất.
    Hãy mang thêm để ta uống cùng say,
    Trước khi chết bị vắt thành bình đất.
    290
    Lòng sáng hơn khi cốc rượu trên tay.
    Cuộc đời trôi rất lặng lẽ từng giây.
    Tuổi trẻ, tình yêu chỉ thoáng qua, hãy nhớ.
    Mà thần chết luôn chờ anh đêm ngày.
    291
    Hoa hồng đẹp, còn long lanh sương đêm.
    Nhưng hoa hồng không đẹp bằng mắt em.
    Anh tự bảo: Khayyam, đừng buồn nữa,
    Vì ít ra, anh còn ở bên em.
    294
    Không phải tìm cái vui thấp hèn.
    Cũng chẳng vì tôi say hay điên,
    Mà xấu hổ vì sống không mục đích,
    Tôi uống rượu để tìm lãng quên.
    296
    Tôi nhấn chìm tuổi xuân trong cái say.
    Không có rượu, chẳng đáng sống đời này.
    Cay đắng, niềm vui bao nhiêu năm, tất cả
    Trong chiếc cốc tôi đang cầm trên tay.
    297
    Hoa mới nở, hoa đã lại tàn rồi.
    Ta cũng thế, cả anh và cả tôi.
    Vậy uống đi, hái hoa đi, bởi lẽ
    Đời chỉ đẹp trong nháy mắt mà thôi.
    300
    Cuộc đời này mà không còn tiếng nhạc -
    chẳng là gì.
    Thiếu rượu nho và con nai ngơ ngác -
    chẳng là gì.
    Vậy vui đi, say đi khi biết mình sống tạm.
    Vì thực chất trên đời mọi điều khác
    chẳng là gì.


    302

    Anh may mắn và làm ăn thành công -

    Sao cốc cạn và bình rượu trống không?
    Hãy uống đi, vì thời gian chắc chắn
    Mai sẽ lại lột trần anh, biết không?



    307

    Anh cứ đi thật nhiều rồi sẽ rõ
    Rằng không gì hay hơn ly rượu nhỏ.
    Như rõ ràng tiếng thủ thỉ người yêu
    Nghe hay hơn lời cầu kinh cha cố.
    314
    Dưới khóm hoa, bên bờ khe mát lạnh
    Hãy cùng bạn vui chơi, ngắm cảnh.
    Vì ở đời, ai thờ rượu, Khayyam.
    Người ấy chẳng bao giờ thờ ảnh thánh.
    316
    Tôi thì rượu và tình, anh - nhà thờ.
    Tôi địa ngục, anh - thiên đường đang chờ.
    Ta không có lỗi gì vì số phận
    Được thượng đế định trước từ bao giờ.
    317
    Một khi ta không làm chủ cuộc đời,
    Thì thả sức cứ say và cứ chơi.
    Đừng sợ chết, đừng buồn, đừng oán trách,
    Đừng phí công làm trái lại ý trời.
    318
    Người thông minh thường vẫn dạy chúng ta:
    Ai mộ đạo, thấy rượu phải lánh xa.
    Không, Alla không cấm ta uống rượu.
    Mà ngược lại, ngài nói: "Maixara!"(1)
    319
    Nào anh bạn, hãy mang rượu ra đây.
    Ta vỏn vẹn chỉ được sống hai ngày.
    Đừng sợ gì, đừng trách ai, dũng cảm
    Đón mọi điều, đón bằng cả hai tay.
    321
    Đời cứ trôi, chẳng thèm nghe ai cả.
    Thiếu rượu, tình - không có gì đáng giá.
    Sau chúng ta người khác sẽ lên thay,
    Như hết xuân tất nhiên là đến hạ.
    322
    Cứ để tim lửa tình luôn rực cháy.
    Cứ để cốc rượu luôn đầy, cứ vậy.
    Trời cho ta quyền hối lỗi, nhưng tôi,
    Tôi tuyên bố khước từ ân huệ ấy.
    324
    Hết khổ đau, ta sẽ được tự do.
    Nhịn đói nhiều, ta sẽ được ăn no.
    Tiền bạc hết, sẽ có ngày có lại.
    Cốc rượu cạn rồi lại đầy, đừng lo.
    325
    Tôi bị bệnh, phải nằm yên một chỗ.
    Rượu bị cấm, càng làm tôi thêm khổ.
    Không, vứt xa những thứ thuốc này đi.
    Chữa bệnh tôi chỉ có ly rượu nhỏ.
    326
    Quyến rũ tôi là phụ nữ lả lơi.
    Là cốc rượu làm say đến lịm người.
    Tôi muốn hưởng mọi niềm vui trần tục
    Cho đến khi bị tống ra khỏi đời.
    328
    Vì trí thức bây giờ không được giá,
    Và thằng ngu đang trị vì thiên hạ,
    Nên tôi say, tôi uống để thành ngu.
    Mong nhờ thế thành giàu và danh giá.
    329
    Đừng buồn đau vẩn vơ, đừng cay cú.
    Đừng trách đời cho anh lãnh đủ.
    Nhớ: Bên anh thần chết vẫn luôn chờ.
    Và hạnh phúc là uống say, đi ngủ.
    330
    Đời là chuỗi buồn đau và khó nhọc.
    Ít tiếng cười mà quá nhiều tiếng khóc.
    Này anh kia, hãy vứt hết sách kinh.
    Hãy uống rượu, và uống xong - đập cốc!
    331
    Vô lo tỉnh, vô lo cứ ngủ say.
    Bao cái buồn phải xua hết; hôm nay
    Khi chính anh thành bình chưa bị vắt
    Thì phải vui, cốc rượu phải rót đầy.
    332
    Tôi - cốc rượu trên bàn tay run rẩy.
    Anh, thằng ngốc, cầm sách Kinh - thế đấy.
    Rượu luôn làm tôi ướt, anh khô.
    Xuống địa ngục thì anh càng dễ cháy.
    334
    Tia nắng sớm vừa xuyên qua cửa sổ.
    Phải đánh cốc, rót đầy ngay rượu đỏ.
    Rượu nghe đồn là thuốc độc - không sao.
    Và chân lý vẫn luôn nằm trong nó.
    335
    Các bí mật cuộc đời không ai biết.
    Cũng chẳng ai biết được ngày mình chết.
    Hãy uống đi, đời ngắn lắm, uống đi.
    Kẻo chết sớm, cốc này không uống hết.
    339
    Ta được dạy chỉ một điều buồn tẻ:
    "Sống tử tế sẽ thành ma tử tế."
    Vậy thì tôi suốt đời yêu và say.
    Hy vọng chết cũng trở thành như thế.
    340
    Hãy vui lên, đừng tham, đừng cáu giận.
    Tìm mọi cách mà chiều lòng số phận.
    Đừng bao giờ xa rượu, xa người yêu
    Cũng đừng quên cuộc đời này rất ngắn.
    341
    Sống mà không biết say, luôn cau có
    Thì thật ngốc, hoặc ít ra, thật khổ.
    Bản thân tôi được rượu dạy điều này:
    "Cứ uống đi, rồi mọi điều sẽ rõ."
    343
    Lại lần nữa hoa hồng nở đầy.
    Hãy cho người mang rượu ra đây.
    Hãy quên đi thiên đường, địa ngục -
    Chỉ trẻ con mới tin chuyện này.
    347
    Tôi chỉ uống với bạn bè - thế đấy.
    Tôi uống rượu vì ý trời muốn vậy.
    Nên bảo tôi bỏ rượu, khó vô cùng.
    Ai dám trái lời ngài đã dạy?
    349
    Ta, người trần, liệu được sống bao lâu?
    Hãy vứt ngay câu hỏi ấy khỏi đầu.
    Đừng cố tránh cái điều không thể tránh.
    Còn bây giờ, hãy rót rượu ra mau!
    351
    Kể từ ngày được sinh trên trái đất
    Tôi hiểu rượu chính là điều hay nhất
    Tôi ngạc nhiên thấy rượu bán rất nhiều.
    Ngạc nhiên hơn - giá cũng không quá đắt.
    352
    Càng về già, càng uống nhiều cho bõ.
    Rượu giúp ta quên mọi điều đau khổ.
    Tôi chết đi, hãy lấy rượu lau người.
    Nhớ trồng giúp một giàn nho trên mộ.
    354
    Anh - suốt ngày lo đọc kinh, tính toán.
    Tôi - uống rượu cùng người yêu và tán.
    Cuộc đời tôi dành cho rượu và tình.
    Không để phí như anh đâu, anh bạn.
    357
    Ê, anh kia, uống đi, đừng ngủ gật.
    Xin hãy nhớ một điều đơn giản nhất:
    Chưa có ai sống lại bao giờ.
    Và cả ta rồi cũng chui xuống đất.
    358
    Nếu anh muốn bằng người, không thua ai
    Thì phải uống hàng ngày - từ thứ hai
    Đến thứ ba, tư, năm và sáu, bảy.
    Còn chủ nhật thì phải uống gấp hai.
    360
    Rượu là cái đáng ta thờ sớm tối.
    Lãng phí rượu sẽ bị trời bắt tội.
    Anh để rơi nước mắt - chẳng hề gì.
    Nhưng đổ rượu - anh là người có lỗi.
    361
    Còn được uống đều đều - hãy mừng đi, Khayyam.
    Được ngồi cạnh người yêu - hãy mừng đi Khayyam.
    Và dòng chảy cuộc đời một ngày kia sẽ cạn,
    Nhưng rượu anh còn nhiều - hãy mừng đi, Khayyam
    363
    Ai cau có và buồn lo vô cớ
    Thì phải sống suốt đời trong nỗi sợ.
    Tôi, Khayyam, uống, uống nữa, chừng nào
    Nhạc chưa tắt và cốc tôi chưa vỡ.
    366
    Còn đang sống, tôi còn vui, còn say.
    Mang thật nhiều, thật nhiều rượu ra đây.
    Tôi sẽ uống đến ngã lăn ra ghế
    Nhưng tất nhiên cốc rượu vẫn trên tay.
    367
    Ramazan - tháng ăn chay, chán thật.
    Phải nhịn đói tụng kinh hoa cả mắt.
    Nên tôi nhầm, uống phải rượu, Alla
    Chắc tha thứ cái tội này nhỏ nhặt.
    368
    Tôi nhìn rượu mà thấy như máu đỏ
    Liền tự nhủ: "Uống làm gì, thôi bỏ."
    Nhưng hình như ai đó nói bên tai:
    "Không có máu, sống làm sao hả bố?"
    369
    Cốc không rượu thì buồn không chịu nổi
    Ăn cái gì cũng nhạt phèo - phải nói
    Đời bắt ta chịu trăm bệnh đau buồn,
    Chỉ có rượu là giúp ta chữa khỏi.
    370
    Không uống rượu đời này là rất khó.
    Không có rượu, chân đứng yên một chỗ.
    Khi người ta đưa cốc rượu mời tôi,
    Thì tất nhiên tôi sẽ cầm lấy nó.
    373
    Mặc người khác cười chê, nào lại đây.
    Hãy hát đi, hãy cầm cốc lên tay.
    Ta cùng uống, bán cả nhà để uống.
    Và uống xong đập vỡ chiếc cốc này.
    375
    Bỏ uống rượu và suốt đời không yêu?
    Thế thì chết còn hơn, bởi một điều:
    Đời rất ngắn, tiếp theo là cái chết.
    Mà những gì sót lại cũng không nhiều.
    376
    Người hiểu rõ luật thiên nhiên, chắc chắn
    Không bao giờ quá say hay quá giận.
    Biết mọi điều ác thiện sẽ trôi qua.
    Mà thiện ác còn tùy ta nhìn nhận.
    377
    Tim tôi yêu, nhức nhối - hãy tha thứ cho tôi.
    Ý nghĩ đầy tội lỗi - hãy tha thứ cho tôi.
    Còn bàn tay, hễ thấy rượu là chìa.
    Chân say không đứng nổi - hãy tha thứ cho tôi.
    379
    Cuộc đời này chưa bằng hai hạt thóc.
    Đừng bỏ rượu mà bị coi là ngốc.
    Đừng vẩn vơ mơ tưởng chuyện thiên đường.
    Tốt hơn hết, xin mời anh cạn cốc.
    380
    Trừ cốc rượu và tình yêu - hết thẩy
    Gia tài tôi - muốn lấy gì thì lấy.
    Quá nửa đời nổi tiếng một thằng say.
    Đến lúc chết chắc thằng tôi vẫn vậy.
    381
    Đừng nhíu mày vì đời lắm buồn đau.
    Đừng bận lòng lo nghĩ chuyện đâu đâu.
    Hãy làm đầy cuộc đời anh bằng rượu,.
    Như rót đầy cốc rượu này chúc nhau.
    382
    Chỉ thằng ngốc mới ăn chay, tụng kinh.
    Cái ta cần là cốc rượu và tình.
    Yên tâm đi, Khayyam, sau khi chết
    Xác của anh cũng bị vắt thành bình.
    384
    Ngài làm vỡ bình của tôi, ôi thượng đế.
    Làm tôi khát, khô cháy môi, ôi thượng đế.
    Bình rượu ngon mà đổ phí thế này
    Thì đích thị ngài say rồi, ôi thượng đế.
    386
    Nào, hát đi, cô gái, đừng ỡm ờ.
    Nàng và ta say từ sáng đến giờ
    Ta tiếp tục say suốt đêm, đến mức
    Không biết mình đang sống thật hay mơ.
    387
    Hỡi thượng đế, hãy cho cái con cần.
    Đừng để lũ đê hèn cho con ăn.
    Cũng nhân tiện, ngài hãy cho con uống.
    Uống thật say, quên bao nỗi nhọc nhằn.
    388
    Cái trong cốc không phải là nước lã.
    Hãy uống đi, không có gì hèn hạ.
    Vì ngày mai, chết bị vắt thành bình.
    Có thể ta sẽ khát nhiều hơn cả.
    389
    Không trốn được số trời, buồn làm gì?
    Hơi đâu mà oán đời, buồn làm gì?
    Hãy uống đi, quên mọi điều đau khổ.
    Nào uống hết một hơi, buồn làm gì?
    390
    Tranh luận nhiều như thế ích gì không?
    Có ích gì khi bàn chuyện viển vông?
    Hãy mang rượu ra đây ngay, nhân thể
    Gọi cho thêm mấy cô gái má hồng.
    391
    Hãy cúi xuống rót thật đầy, rót đi.
    Để ta uống đến kỳ say, rót đi.
    Bạn bè phản, chỉ quán này không phản.
    Nên ta ngồi uống ở đây, rót đi.
    392
    Hãy dũng cảm nhìn trời xanh trên đầu.
    Hãy uống rượu để xua hết buồn rầu.
    Sớm hoặc muộn, ai cũng thành bụi đất.
    Cái ngày ấy cũng chẳng chừa anh đâu.
    393
    Môi cốc rượu và đôi môi người yêu
    Là những cái tôi cần, quả không nhiều.
    Tôi làm bạn với cả hai, vì thế
    Tôi vào quán suốt từ sáng đến chiều.

          THAI BA TAN dich

    Không có nhận xét nào:

    Đăng nhận xét