Thứ Sáu, 9 tháng 11, 2018

BÍ ẨN ĐƯỜNG ĐỜI 160/1 (Giucốp)

(ĐC sưu tầm trên NET)
 
Georgy Zhukov – Một Nguyên soái kiệt xuất, Một số phận bi hùng (G.Thiệu)
 
Tri Thức Online - Trùm Mật vụ Liên Xô Beria, Công thần hay Tội đồ?


Nguyên soái Zhukov - Danh tướng khiến cả TG ngưỡng mộ bất ngờ rơi vào bẫy và bị làm nhục

Hoàng Anh |



Nguyên soái Zhukov - Danh tướng khiến cả TG ngưỡng mộ bất ngờ rơi vào bẫy và bị làm nhục
Vòng cung Kursk - trận đấu xe tăng khốc liệt nhất lịch sử quân sự.

Ngày 26/10/1957, Nguyên soái Zhukov được lệnh đến Điện Kremlin dự cuộc họp của Đoàn Chủ tịch UBTƯ ĐCS Liên Xô. Kết quả phiên họp là 2 nghị quyết thú vị, cả 2 đều gắn dấu "Tối mật".

Nguyên soái lẫy lừng - Bộ trưởng BQP Liên Xô đột ngột bị cách chức
Ngày 4 tháng 10 năm 1957, Nguyên soái Zhukov, Bộ trưởng Quốc phòng Liên Xô, ủy viên Đoàn Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô (CPSU) bay từ Moscow đến Sevastopol.
Ngày hôm sau, ông khởi hành trên tuần dương hạm Kuibyshev đi thăm chính thức Nam Tư. Sau Nam Tư, ông có chuyến thăm chính thức tới Albania.
Ở khắp mọi nơi, người ta đón tiếp Zhukov với nghi lễ cấp cao nhất, và ông đã có những cuộc hội đàm rất hiệu quả không chỉ với các nhà quân sự, mà còn với các nhà lãnh đạo đảng-lãnh đạo quốc gia hàng đầu. Ông trở về không phải tay trắng.
Nguyên soái Zhukov - Danh tướng khiến cả TG ngưỡng mộ bất ngờ rơi vào bẫy và bị làm nhục - Ảnh 1.
Đại tướng G. K. Zhukov tại một Hội nghị quân sự, Moskva, ngày 5 tháng 2 năm 1942.
Chẳng hạn, phía Nam Tư đã cho các nhà quân sự Xô Viết cơ hội làm quen với các khí tài của Mỹ rất hiện đại mà họ đang sử dụng. Người Albania cũng vậy, họ đã trao cho hạm đội Xô Viết một căn cứ hải quân ở Vlora.
Khi Nguyên soái Zhukov trở về Moskva ngày 26 tháng 10 năm 1957, ông được lệnh từ sân bay đến thẳng điện Kremlin – dự cuộc họp của Đoàn Chủ tịch Uỷ ban Trung ương ĐCS Liên Xô. Kết quả phiên họp là hai nghị quyết thú vị, cả hai đều gắn dấu "Tối mật".
Nghị quyết thứ nhất: "Phê chuẩn các hoạt động của đồng chí Zhukov trong thời gian chuyến thăm Nam Tư và Albania. Đánh giá chuyến đi của đồng chí Zhukov có tác dụng trong việc đưa nhân dân Xô-viết xích gần lại với nhân dân Nam Tư và nhân dân Albania".
Người ta đã phê chuẩn nghị quyết này, nhưng ngay lập tức ban hành nghị quyết sau: "Giải phóng đồng chí Zhukov G.K. khỏi nhiệm vụ là Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Liên bang Xô Viết!"
Bất ngờ rơi vào bẫy, mà còn bị làm nhục
Sau đó, một phiên họp toàn thể, được triệu tập đặc biệt của Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương ĐCS Liên Xô, đã diễn ra vào các ngày 28-29 tháng 10 năm 1957, trở thành một phiên tòa thực sự nhằm vào Zhukov.
Các đồng chí ủy viên Ủy ban Trung ương, khẩn trương tập trung tại Điện Kremlin (quyết định triệu tập hội nghị của Đoàn Chủ tịch Uỷ ban Trung ương được thông qua vào đêm trước ngày Zhukov trở về, ngày 25 tháng 10) đã không chỉ phê phán vị nguyên soái, bất ngờ rơi vào bẫy, mà còn làm nhục ông.
Còn thứ gì mà người ta không đổ lên đầu ông!
Nào là vi phạm thô bạo "các nguyên tắc Đảng, nguyên tắc Leninist trong lãnh đạo Bộ Quốc phòng và Quân đội Liên Xô", "đầu têu trong việc tách các lực lượng vũ trang khỏi sự lãnh đạo của đảng, ... vô hiệu hóa các cơ quan chính trị trong quân đội Liên Xô.
Nào là né tránh sự kiểm soát của Ủy ban Trung ương Đảng", "giáo dục sai trái… đội ngũ cán bộ quân đội trong vấn đề thái độ của họ đối với đảng, với Ủy ban Trung ương", "thể hiện thái độ không tôn trọng đối với các cán bộ làm công tác chính trị"...
Ví dụ, ông ấy nói rằng họ "đã quen ba hoa 40 năm, mất hết khả năng đánh hơi như lũ mèo già", rằng "họ, các cán bộ chính trị, chỉ giỏi vẽ mặt đeo râu và đưa dao găm cho họ - họ sẽ cắt cổ tất cả các vị chỉ huy". Nào là, bản thân Zhukov là kẻ hung bạo, thô thiển, háo danh, độc đoán, xử sự như kẻ lừa đảo…
Nguyên soái Zhukov - Danh tướng khiến cả TG ngưỡng mộ bất ngờ rơi vào bẫy và bị làm nhục - Ảnh 3.
G. K. Zhukov ký vào biên bản chấp nhận sự đầu hàng không điều kiện của nước Đức Quốc xã. Berlin, ngày 9-5-1945
"... Đồng chí đã đánh mất cảm giác khiêm nhường tối thiểu, - nhà tư tưởng chủ chốt của đảng, Mikhail Suslov, lên án từ diễn đàn, - ... Các sự thật về sự tự khen ngợi mình không chỉ thể hiện sự thiếu khiêm tốn của đồng chí Zhukov. ... các sự thật đó còn làm chứng cho khuynh hướng của đồng chí Zhukov vươn tới một thứ quyền lực không giới hạn".
Không phải ngẫu nhiên mà "gần đây, đồng chí Zhukov đề xuất thay thế Chủ tịch Ủy ban An ninh Quốc gia và Bộ trưởng Bộ Nội vụ bằng các cán bộ quân sự. Đề xuất này được quyết định bởi điều gì?
Phải chăng là để người của mình, cán bộ của mình đứng đầu các vị trí lãnh đạo trong các cơ quan này trên cơ sở lòng trung thành cá nhân. Đây có phải là mong muốn thiết lập quyền kiểm soát của mình đối với Ủy ban An ninh Quốc gia và Bộ Nội vụ không? "
Những nỗ lực để xây dựng một trường đào tạo biệt kích gây mối nghi ngờ đặc biệt cho các cán bộ Đảng: họ nói rằng đã hình thành "một cách bí mật với UBTƯ, ngay gần Moscow (thực ra ở Tambov. - BBT) một trường biệt kích 2000 người, đào tạo 7 năm, cho họ "đảm bảo" tốt", - Nikolai Ignatov, một ủy viên Đoàn Chủ tịch UBTƯ, tức giận nói.
"Chúng tôi coi bước đi này như một bước chuẩn bị những tên côn đồ". Khrushchev thì đặc biệt tức giận với thời gian đào tạo: "Chúng ta đang dạy các kỹ sư trong 4,5-5 năm. Thế mà ở đây, để tổ chức một vụ phá hoại, lại phải dạy đến 7 năm"!
Về lời giải thích, rằng "chúng ta phải dạy cho họ ngôn ngữ của đất nước mà họ sẽ được phái đến, để họ hòa mình vào đám đông", Khrushchev dứt khoát phủ nhận: chỉ bậy bạ! Ông nói, chuyện này là không thể về nguyên tắc: dạy – hay không dạy, họ vẫn sẽ không nói theo cách để người ta không thể không nhận ra tiếng Nga!
"Ở đây có một đồng chí phát biểu: "Tôi Yaroslavlsky". Vâng, chúng ta không thể nói rằng anh ta là người Yaroslavl, chúng ta lập tức nhận ra". Hoặc, "ví dụ, Anastas Ivanovich Mikoyan – sẽ không ai nói rằng anh ta là người Kursk (Phòng họp cười ồ.)...
"Câu chuyện với các chiến sĩ biệt kích cũng diễn ra không trong sạch như thế: "Ngay trước khi bắt giữ Beria, - Khrushchev kêu lên, - Beria đã gọi những tên côn đồ, chúng ở Moscow và không biết là đầu của ai sẽ bay!"
Hai ngày người ta chế nhạo vị nguyên soái mắc bẫy, bằng cách ghim tất cả các điều xấu xa tưởng tượng và không thể tưởng tượng lên đầu ông, ngoại trừ có lẽ chỉ còn một vụ cướp tình dục - như Beria – là họ chưa làm mà thôi.
Cuối cùng, các thành viên của Ủy ban Trung ương, đồng loạt chấp thuận một cách đầy tình đoàn kết quyết định của "các đồng chí cấp cao" loại bỏ Zhukov khỏi vị trí Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, và đồng thời quyết định:
"Loại đồng chí Zhukov G.K. khỏi thành phần Đoàn Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Đảng CS Liên Xô và thành phần các ủy viên Uỷ ban Trung ương Đảng CS Liên Xô".
Chiến dịch đoạt quyền lực của Zhukov trông giống như một chiến dịch đặc biệt được lên kế hoạch tốt, và trên thực tế, đó chính là những gì đã xảy ra.
Nguyên soái Zhukov - Danh tướng khiến cả TG ngưỡng mộ bất ngờ rơi vào bẫy và bị làm nhục - Ảnh 4.
Thống chế Bernard Law Montgomery và Nguyên soái G. K. Zhukov cùng các tướng lĩnh Anh và Liên Xô sau Lễ trao tặng Huân chương Hiệp sĩ Bath của Vương quốc Anh tại cổng Bradenburg (Berlin) ngày 12-7-1945
Cuộc đấu tranh quyền lực tàn bạo
Những lời bôi gio trát trấu, đổ xuống đầu Zhukov, những lời cáo buộc, bao gồm cả việc thành lập "trường đào tạo bọn côn đồ", chỉ là màn khói trắng nghi binh, che giấu cuộc đấu tranh quyền lực tàn bạo, nội dung của nó chi phối toàn bộ tiến trình diễn biến chính trị Xô viết giai đoạn 1953-1959.
Suốt thời gian này, Khrushchev và nhóm của ông trong khi khao khát nhằm tới quyền lực độc tôn, liên tục ném hết đối thủ cạnh tranh này đến đối thủ cạnh tranh kia ra khỏi cỗ xe của đảng. Đầu tiên, họ tạm thời tách Beria khỏi các nhóm Malenkov, Molotov và Bulganin.
Tiếp theo, họ đẩy Malenkov từ vị trí những vai diễn đầu đàn vào tủ quần áo, sau khi tước của ông ấy chiếc ghế Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng vào tháng 2 năm 1955.
Trong quá trình khai cuộc thí quân này họ cũng đánh bật Bulganin khỏi chiếc ghế Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, luôn là một trong những vị trí quan trọng nhất trong hệ thống quyền lực Xô Viết. Rồi chỉ để dàn cảnh, Khrushchev ngồi vào làm ấm sực chiếc ghế thủ tướng, chiếc ghế còn chưa kịp rũ bỏ hơi hướng của Malenkov.
Ngay sau đó đến lượt Molotov, người coi sóc khối quốc tế bị tách khỏi các công việc thực tế: ông bị loại khỏi cương vị Bộ trưởng Bộ Ngoại giao của mình vào ngày 1 tháng 6 năm 1956.
Vòng tiếp theo của cuộc đấu sinh tử dưới các tấm thảm điện Kremlin diễn ra vào tháng 6 năm 1957: "nhóm chống đảng" của Malenkov, Kaganovich, Molotov và "tay Shepilov tham gia cùng họ", vì sợ đến lượt mình bị lột da nên họ đã cố gắng nắm bắt sáng kiến, không chờ đến khi họ bị ném hẳn ra ngoài cuộc chơi.
Họ chỉ phạm sai lầm ở chỗ không tranh thủ sự hỗ trợ của "những người mang trong mình khẩu nagan" (ám chỉ lực lượng an ninh), hoặc các đồng chí có xe tăng (ám chỉ lực lượng quân đội).
Do đó, Khrushchev, dựa vào KGB với người trung thành của mình là Serov và dựa vào Zhukov - với những cỗ xe tăng của mình, đã thực hiện xuất sắc cuộc phản đảo chính của mình, giữ được quyền lực và cuối cùng đánh bật "nhóm chống đảng" ra khỏi chỗ của họ.
Nhưng sự phục vụ như vậy cũng không đáng giá, rồi hoàn toàn phù hợp với quy tắc cổ điển của các âm mưu cung đình, đến lúc người ta loại bỏ những người đã cung cấp sự phục vụ vô giá trong thời gian trước đó.
Lúc này các quan chức của Đảng rất sợ hãi lời của Nguyên soái Zhukov, nói rằng những cỗ xe tăng sẽ chỉ nhúc nhích khi ông ra lệnh (và – sẽ đi đến nơi ông chỉ cho chúng). "Hóa ra,- Anastas Mikoyan tức giận nói, - xe tăng sẽ nhúc nhích không phải khi Ủy ban Trung ương ra lệnh, mà chỉ khi Bộ trưởng Quốc phòng ra lệnh!
... Một tuyên bố như vậy chỉ có thể được thực hiện bởi một người coi như không có Đảng Cộng sản ở Liên bang Xô viết ... Người ta đang làm điều này ở Mỹ Latinh". Quả là một đoạn mở đầu tuyệt vời!
Cuộc chiến giành quyền lực dưới những tấm thảm của Điện Kremlin còn xa mới kết thúc, và vị nguyên soái rất hùng mạnh ở phiên cao trào tiếp theo của cuộc đấu, có thể một lần nữa đưa con át chủ bài "xe tăng" của mình ra, nay lại trở nên rất nguy hiểm: ông ấy có thể đặt con át chủ bài của mình không phải cho Khrushchev ...
Và nói chung đứng đầu quân đội, nói một cách hình ảnh, phải luôn luôn là một "Klim trung thành" (ám chỉ Bộ trưởng Quốc phòng Liên Xô, Nguyên soái Kliment Voroshilov người luôn trung thành với Stalin). Phải như vậy chừng nào Ông Chủ còn muốn là Ông Chủ.
"Lược trích từ bài viết 'Одобрить и… снять - Phê duyệt và ... xóa bỏ' của tác giả Vladimir VORONOV đăng trên Tạp chí 'Sovershenno Sekretno' (Tuyệt mật), số 10/411, tháng 10 năm 2018)".
Georgi Konstantinovich Zhukov (Георгий Константинович Жуков, 1896-1974) là danh tướng trong quân đội Liên Xô.
Trong rất nhiều tướng lĩnh nổi danh thế giới trong Chiến tranh thế giới II, G.K. Zhukov được xếp đầu bảng về số lượng trận thắng nhiều và quy mô lớn, được nhiều người công nhận về tài năng chỉ đạo chiến dịch và chiến lược.
Những chiến tích của ông đã trở thành những đóng góp rất lớn vào kho tàng di sản kiến thức quân sự nhân loại. Nó không những có ảnh hưởng lớn về lý luận quân sự của Liên Xô mà cũng có ảnh hưởng rất lớn đối với sự phát triển của lý luận quân sự thế giới.
theo Thời đại

Nguyên soái XôViết Georgi Zhukov: Những tình yêu như định mệnh trong đời

Nguyên soái Xôviết Georgi Konstantinovich Zhukov (1896-1974) được đánh giá là một trong những anh hùng có công lớn nhất trong cuộc chiến tranh Vệ quốc vĩ đại, đánh bại chủ nghĩa phát xít trong chiến tranh thế giới thứ hai. Cho tới ngày hôm nay ông vẫn là danh tướng được ngưỡng mộ nhất không chỉ ở Nga mà còn ở nhiều quốc gia khác. Cuộc đời ông không hề bằng phẳng mà chứa nhiều chuyện đoạn trường. Đặc biệt, những câu chuyện riêng tư của ông cũng rất rối lẫn và đầy xúc động…
Tìm thấy vợ ở... sau bếp lò

Georgi Zhukov sinh ra trong một gia đình nông dân ở tỉnh Kaluga. Ông gia nhập quân đội Sa hoàng từ tháng 8/1916 và phục vụ trong lực lượng kỵ binh. Sau khi cách mạng tháng Mười Nga năm 1917 bùng nổ, ông đã rời khỏi quân đội Sa hoàng về quê. Khi cuộc nội chiến bắt đầu ở Nga, tháng 1/1919, Zhukov đã tình nguyện vào phục vụ trong Hồng quân và được phân về trung đoàn 4 thuộc sư đoàn kỵ binh Moskva. Ông đã tham gia chiến đấu ở nhiều địa phương, kể cả ở Ural. Một lần, trong chiến dịch dẹp bạo loạn ở tỉnh Voronezh, tại khu vực ga Anna, các chiến sĩ kỵ binh dưới quyền chỉ huy của đội trưởng Zhukov đã tìm thấy hai thiếu nữ đang náu mình sau bếp lò vì sợ hãi – anh trai họ, Aleksai, đang phục vụ trong lực lượng Bạch vệ…

Một trong hai thiếu nữ này tên là Aleksandra Zuikova, 20 tuổi, là giáo viên trường làng. Vừa nhìn thấy cô giáo, Zhukov đã phải lòng ngay và nhận cô vào đội kỵ binh để làm thư ký. Tới năm 1922, hai người đã kết hôn. Tuy nhiên, cuộc sống trên đường hành quân đã có quá nhiều biến động nên mọi giấy tờ đều bị mất nên về mặt thủ tục hành chính, Zhukov vẫn là người đàn ông độc thân cho tới năm 1953…

Theo lời kể của con gái nguyên soái, trên cương vị chỉ huy đơn vị, Zhukov đã cư xử với người vợ tương lai rất nghiêm khắc, như đối với tất cả các chiến sĩ khác. Có một lần, ông còn định kỷ luật Aleksandra Zuikova… 

Cuộc sống trên đường hành quân đã gây ảnh hưởng không tốt tới sức khỏe của Aleksandra Zuikova. Năm 1920, cô đã bị sảy thai… Chính vì sự cố này nên sau khi trở thành vợ Zhukov, Aleksandra đã gặp rất nhiều khó khăn trong việc thụ thai…

Theo một số nhà nghiên cứu lịch sử, thực ra, Zuikova không phải là người phụ nữ đầu tiên mà Zhukov yêu. Các tài liệu còn lại cho thấy, mối tình đầu của ông lại là nữ y tá Maria Volokhova  (sinh năm 1897) ở quân y viện Saratov, nơi Zhukov từng nằm điều trị sau khi bị thương ngoài chiến trường mùa thu năm 1919. Những ngày yêu đương nồng nhiệt của đôi bạn tình trẻ diễn ra rất ngắn ngủi, vì sau đó, lành bệnh, Zhukov lại phải ra tuyến đầu chiến đấu. Vị nguyên soái tương lai và cô y tá Maria chỉ gặp lại sau chiến tranh thế giới thứ nhất ở Minsk (nay là thủ đô nước cộng hòa Belarus). Khi đó, Zhukov đang chỉ huy một trung đoàn kỵ binh.

Tình cũ không rủ cũng về và giữa hai người lại cháy lên ngọn lửa yêu đương cũ, mặc dù lúc đó Zhukov đang là chồng của Aleksandra Zuikova. Trái tim đa tình của người lính đã khiến Zhukov không thể dứt khoát lựa chọn ý trung nhân duy nhất và thế là trong sáu năm liền, ông bắt buộc phải sống trong tình cảnh hai bên hai “vợ”.

Năm 1928, người vợ chính thức Aleksandra Zuikova sinh cho Zhukov cô con gái Era. Nửa năm sau đó, cô y tá Maria Volokhova lại sinh hạ cho ông cô con gái Margarita. Zhuikova đã công nhận Margarita, giúp đỡ hai mẹ con cả về tinh thần lẫn vật chất nhưng vẫn giữ một khoảng cách nhất định trong lễ nghi. Mãi tới sau khi Zhukov qua đời, Margarita mới được lấy họ bố, mặc dù danh chính ngôn thuận không phải là thành viên được chính thức thừa kế di sản của nguyên soái. Năm 1993, Margarita Zhukova đã lập ra quỹ tưởng niệm  mang tên cha mình…

Aleksandra Zuikova vì muốn Zhukov thôi quan hệ với Maria Volokhova, đã viết đơn lên tổ chức đảng tố chồng. Zhukov đã bị nhận một án kỷ luật vì tội “say rượu và quan hệ nam nữ lộn xộn”. Vì sợ phải ra khỏi Hồng quân, Zhukov đành bấm bụng về ở với vợ và giữ bí mật về những cuộc gặp gỡ với Maria Volokhova. Và năm 1937, Aleksandra Zuikova lại sinh cho ông một cô con gái nữa, đặt tên là Ella. Zhukov vô cùng yêu quý cả hai cô con gái  Era và Ella… 

Tình cảnh trớ trêu đã khiến cho Maria Volokhova cảm thấy tuyệt vọng nên đã đưa con gái rời Minsk tới Minvody. Cũng tại đó, sau một thời gian, Maria Volokhova đã lấy chồng…
Kết quả hình ảnh cho hình ảnh Georgi Zhukov cùng hai cô con gái Era và Ella.
Những người bạn gái chiến trường

Có một sự thật là, không chỉ là một danh tướng, Zhukov còn là người đàn ông rất hào hoa. Cũng như nhiều vị tướng khác trong Hồng quân, ông có những người phụ nữ yêu quý ngoài chiến trường. Trong chiến tranh Vệ quốc vĩ đại, Zhukov đã gắn bó với một  nữ bác sĩ quân y tên là Lidia Zakharova. Chính bà đã cùng ông chia lửa trên mọi nẻo đường nguy hiểm của chiến tranh. Người lái xe riêng bền lâu của nguyên soái, Aleksandr Buchin, về sau nhớ lại: “Lidochka (tên gọi thân mật của Lidia) xuất hiện trong nhóm cần vụ của tư lệnh ở thời điểm diễn ra các trận chiến đấu ở khu vực ngoại ô Moskva. Với tư cách bác sĩ quân y, thiếu úy Zakharova được phân công chăm sóc đại tướng Zhukov.

Thanh mảnh, dịu dàng, cô ở giữa đám chúng tôi như một tia nắng ấm... Georgi Konstantinovich rất gắn bó với cô. Mặc dù tính tình rất nóng nảy nhưng ông lại cư xử với cô nhẹ nhàng, bao dung. Ngay cả khi ông đi lên tuyến đầu, bỏ chúng tôi ở lại sau, cô vẫn đi cạnh ông. E lệ, rụt rè, Lidochka không chịu nổi những sự thô bạo, và Zhukov đôi khi khiến cô phát khóc vì những câu nói đậm chất lính tráng của mình, dù ông không hề giấu diếm việc yêu cô và nâng đỡ cô…” 

Và sau này, trong hòa bình, khi Zhukov phải chịu những cú trừng phạt về chính trị và bị điều đi xuống địa phương, bác sĩ Zakharova cũng không bỏ rơi ông. Khi tháng 6/1946, Zhukov bị mất chức Tư lệnh lục quân kiêm Thứ trưởng Quốc phòng, rời khỏi Moskva xuống làm tư lệnh quân khu Odessa, Lidia Zakhrova cũng đã bỏ thủ đô xuống đó. Bà đã luôn ở bên cạnh ông trong mọi thử thách và chỉ lặng lẽ lánh đi, mỗi khi Aleksandra Zuikova tới thành phố cảng thăm chồng… 

Năm 1948, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô nhận được một lá đơn từ Aleksei Semochkin, nguyên sĩ quan bảo vệ của nguyên soái Zhukov, trong đó tố giác thủ trưởng cũ của mình về việc “quan hệ với nhiều phụ nữ khác nhau trong các phòng chỉ huy thời chiến tranh rồi sau đó tặng cho họ huân chương, huy chương chiến đấu”. Trong thư gửi cho Bí thư Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô A.A. Zhdanov ngày 12/1/1948, nguyên soái Zhukov viết: “… Tôi chỉ công nhận một việc – đó là quan hệ gần gũi của tôi với Lidia Zakharova. Nhưng cô ấy nhận được huân chương không phải từ đích thân tôi mà từ Bộ Tư lệnh  Mặt trận cùng với các thành viên khác trong đội phục vụ tôi thời chiến tranh… Tôi hoàn toàn ý thức được rằng, tôi có lỗi vì đã gắn bó với cô ấy và vì cô ấy đã sống với tôi…”

Tuy nhiên, Zhukov ngay cả ở thời điểm đó cũng đã không cam kết sẽ từ bỏ Lidia Zakharova. Thậm chí, theo một số nhà nghiên cứu lịch sử, Zhukov đã rất trân trọng bà và đã định cưới bà nếu bà sinh cho ông một cậu con trai mà suốt đời ông vẫn luôn mơ ước… Tiếc thay, số phận đã không chiều họ… Lidia Zakhrova đã hai lần phải nạo thai và cả hai lần, bà đều đã có mang con trai với Zhukov…
Kết quả hình ảnh cho hình ảnh Georgi Zhukov cùng hai cô con gái Era và Ella.
Mối tình cuối cùng

Năm 1950, đang nắm giữ  cương vị Tư lệnh Quân khu Ural, Zhukov bị một cơn đột quỵ nhẹ. Nữ bác sĩ Galina Semenova  thuộc viện quân y của quân khu được cử tới chăm sóc riêng cho ông tại nhà. Và nguyên soái đã phải lòng ngay cô gái xinh đẹp này, với những cảm xúc nồng nàn nhất như một chàng trai mới lớn, dù khi đó ông đã 54 tuổi, còn Galina mới  24. Sau một hồi “tấn công”, nguyên soái đã chinh phục được trái tim mỹ nữ tóc đen mắt biếc và như thực tế sau này cho thấy, đó đã là tình yêu cho tới cuối đời của ông. Năm 1951, Galina Semenova có mang với Zhukov. Tiếc thay, không lâu sau đó, nữ bác sĩ lại bị sảy thai… Zhukov an ủi tình nhân: “Em còn trẻ mà! Chúng ta sẽ làm lại!”…

Sau khi lãnh tụ Stalin qua đời, Zhukov năm 1953, được chuyển về Moskva. Và ông đã tìm cách để đưa Galina Semenova về phục vụ ở quân y viện mang tên viện sĩ Burdenko tại thủ đô và xin cấp cho cô một căn hộ. Và cũng từ thời điểm đó, ông lại như hồi trẻ, một chốn đôi nơi.  Người vợ chính thức Aleksandra Zuikova, hay biết mọi sự nhưng không thể nào buộc được vị nguyên soái lừng danh từ bỏ đam mê lớn lao của  ông. Điều duy nhất mà bà làm được là yêu cầu Zhukov đưa bà đi đăng ký kết hôn chính thức, bù lại những giấy tờ cũ đã bị mất trong chiến tranh, mặc dù như chính nguyên soái thổ lộ, quan hệ thể xác giữa hai người đã chấm dứt từ  hồi đầu chiến tranh…  

Tuy lại chính thức mang danh là chồng của Aleksandra Zuikova, nhưng Zhukov vẫn tiếp tục quan hệ với Galina Semenova. Năm 1957, nữ bác sĩ  đã sinh cho nguyên soái cô con gái Maria. Zhukov đã quyết định chấm dứt  cuộc hôn nhân mang tính hình thức với Aleksandra Zuikova và nói thẳng với bà về điều đó.

Cực chẳng đã, tháng 7/1957, người vợ hợp pháp đã lại phải sử dụng kế  sách cuối cùng là gửi thư lên kêu ca với nhà lãnh đạo cao nhất nước lúc đó là Nikita Khrushchev, yêu cầu chuyển công tác Galina Semenova ra khỏi Moskva và buộc nguyên soái phải cam kết không được làm tan vỡ gia đình. Vụ việc được giao cho nữ Bí thư Trung ương Đảng Yekaterina Furtseva. Bà Bí thư đề nghị hạ quân hàm nữ bác sĩ  Galina Semenova và cho chị phục viên.

Tuy nhiên, các quân nhân đã lờ đi không thực hiện ngay chỉ đạo này vì lúc đó Zhukov đang giữ chức Bộ trưởng Quốc phòng và là nhân vật rất cần thiết cho Khurshchev trong những trận đấu chính trường náo nhiệt… Rốt cuộc là lá thư của người vợ chính danh đã không thể gây nên tác động gì tới cuộc sống thường nhật của nguyên soái Zhukov. Chỉ tới khi Zhukov bị thất sủng hoàn toàn và mất mọi chức vụ năm 1957, thì mệnh lệnh trên của bà Bí thư mới được thực hiện…

Mặc dầu thế, Zhukov vẫn bất chấp dư luận và tiếp tục duy trì quan hệ công khai với Galina Semenova: đích thân tới đón nữ bác sĩ quân y này sau giờ làm việc, đưa về tận nhà, tặng hoa, mời đi nhà hát xem các vở diễn… Lãnh đạo cấp trên biết rất rõ những việc này. Lãnh đạo không đồng tình với cách hành xử đó của nguyên soái: chẳng gì ông cũng đang là cán bộ cao cấp, có vợ, có hai cô con gái lớn, lại ngoại ngũ thập rồi… Nhưng Zhukov không chỉ trên chiến trường mà trong cả đời thường vẫn là một người đàn ông bướng bỉnh…

Về sau, Maria, con gái của Zhukov và nữ bác sĩ quân y nhớ lại: “Cả hai người đều phải đấu tranh để bảo vệ tình yêu của mình. Cha tôi bị Nikiata Khrushchev gọi lên. Quan hệ của cha và mẹ bị đưa ra thảo luận tại Đoàn Chủ tịch Ban chấp hành Trung ương Đảng. Mẹ tôi thật tội nghiệp, đã bị đe dọa sa thải và khai trừ khỏi đảng nếu không “nghĩ lại”. Mẹ tôi là một bác sĩ giỏi, bệnh nhân đã rất yêu quý bà, bà công tác tại quân y viện Burdenko. Thế mà mẹ lại bị thủ trưởng bệnh viện gọi lên kiểm điểm như một quân nhân. Khi đó, mẹ đang có mang (cha mẹ chỉ làm xong thủ tục kết hôn sau khi tôi đã sinh ra rồi). Tôi có thể hình dung ra được những gì mà mẹ cảm thấy khi lên chỗ thủ trưởng để nghe mắng mỏ. Nhưng xin hãy hiểu rằng, trong mẹ luôn có lòng tự trọng cao. Tôi vẫn nhớ nguyên văn câu mẹ kể lại: “Mẹ đã ngẩng cao đầu khi đi lên đó…” Đấy chính là mẹ tôi. Ở thời điểm đó, cha mẹ tôi chưa thể ở cùng nhau. Và những lúc ở cách xa nhau, họ đã viết cho nhau những lá thư rất cảm động, có thể nói là đầy chất thơ…”

Phải tới ngày 18/1/1965, Zhukov mới hoàn tất thủ tục li dị bà Aleksandra Zuikova (ba năm sau kết cục buồn này, bà Zuikova đã qua đời trong một cơn đột quỵ). Và ngày 22/1/1965, Zhukov đã chính thức kết hôn với Galina Semenova. Hai người sống cùng nhau rất hạnh phúc. Chỉ tiếc rằng, ngày vui ngắn chẳng tày gang! Năm 1967, các bác sĩ phát hiện ra triệu chứng bệnh ung thư vú ở bà Galina. Không lâu sau đó, Zhukov cũng bị một cơn đột quỵ khiến sức khỏe của ông suy giảm nghiêm trọng…

Cũng trong những năm tháng sống cùng Galina Semenova, Zhukov đã thực hiện được một chiến công lớn cuối cùng của đời mình  - hoàn thành bộ hồi ký “Nhớ lại và suy nghĩ”. Ông bắt tay vào viết bộ hồi ký này từ năm 1958. Tập bản thảo được mở đầu bằng dòng chữ: “Dành tặng Người lính Xôviết”. Trong giai đoạn đầu, Zhukov chỉ đơn thuần viết cho khỏi quên chứ chưa tính đến chuyện công bố. Mãi sau (tháng 8-1965) mới có lời đặt hàng từ hãng tin Novosti (APN). T

rong thời gian Zhukov viết hồi ký, Tổng cục Chính trị Quân đội Xôviết và Hải quân yêu cầu ông phải có một chương đặc biệt nói về các chính trị viên  và chính ủy mà trong đó, ông bắt báo chí phải nhắc tới tên họ đương kim Tổng Bí thư Leonid Ilich Brezhnev. Trước yêu cầu này, Zhukov đã trả lời: “Tại sao tôi lại phải viết về đồng chí ấy, trong chiến tranh tôi có  được biết tới một Brezhnev nào đâu!” 

Tuy nhiên, mọi người khi đó đều cho rằng, nếu không có tên họ Brezhnev trong sách thì “Nhớ lại và suy nghĩ” rất khó được ấn hành. Cuối cùng nhà xuất bản tìm ra một phương án để “cừu no mà cỏ vẫn nguyên”: khi đang chỉ huy tác chiến ở Novosibirsk, nguyên soái đã nảy ra ý định muốn tham vấn ý kiến của đại tá Brezhnev nhưng ở thời điểm đó, Brezhnev lại dịch chuyển lên tuyến đầu mặt trận. Chính vì chi tiết này mà ở Moskva đã xuất hiện câu chuyện tiếu lâm mà hai cô con gái Era và Ella hay kể lại cho cha mình nghe:

- Khi Zhukov và Stalin thảo luận về kế hoạch chiến dịch Berlin, Stalin đã hỏi nguyên soái: “Thế  đồng chí đã xin ý kiến của đại tá Brezhnev chưa?”

Bác sĩ, thiếu tướng Georgi Alekseyev, chuyên theo dõi tình hình sức khỏe của nguyên soái Zhukov những năm cuối đời, hồi tưởng: “Việc hoàn thành cuốn sách mang tính tổng kết cuộc đời đã trở thành tâm điểm mà ông đã dồn hết năng lượng, hiểu biết, kinh nghiệm  và kiến thức quân sự to lớn  của mình. Ông hoàn thành tập bản thảo với tất cả say mê, xúc cảm và lòng nhẫn nại bẩm sinh, lắm lúc phải vượt qua mọi khó khăn trở ngại mà những người kiểm duyệt cũng như các chuyên gia tư vấn gây nên… Tôi trong nhiều năm liền phải trở thành người làm chứng bất đắc dĩ lao động khổng lồ của Georgi Konstantinovich. Ông đã thẳng thừng từ chối sự trợ giúp văn học từ những nhà văn nổi  tiếng của chúng ta như Konstantin Simonov hay  Sergei Smironov và tuyên bố: “Cuốn sách này phải để tôi tự viết nên”. Thật đáng kinh ngạc trước trách nhiệm rất cao của ông đối với tác phẩm của mình, thái độ chối bỏ quyết liệt của ông trước bất cứ một lại một lí xa rời sự thật nào…

Trong thời gian viết sách, Georgi Konstantinovich đã không chỉ một lần nhấn mạnh tới ý nghĩa mà ông dồn vào sự xác thực của mô tả sự kiện. Rõ ràng là ông thực sự hướng tới tiêu chí đó nên ngay cả trong đời thường, trong quan hệ với bạn bè ông cũng không chấp nhận ngay cả những sự nói dối dù nhỏ nhặt nhất. Tôi có thể đưa ra một thí dụ. Trong nhiều năm ông đã duy trì quan hệ với một bác sĩ. Một lần, người quen đó đã không tới một cuộc hẹn đã định trước với lý do là bận đột xuất trong bệnh viện. Vợ người ấy, có lẽ vì không biết việc chồng đã nói nên sau đó hai ba ngày, trước mặt nguyên soái đã khoe chuyện hai vợ chồng họ đã xem được một vở diễn vô cùng thú vị vào đúng hôm đó. Sau sự việc trên, quan hệ giữa họ với nguyên soái đã bị chấm dứt vĩnh viễn…”

Cũng theo hồi ức của bác sĩ, thiếu tướng Georgi Alekseyev, trước khi bước vào tuổi lục thập, Zhukov là một người đàn ông hoàn toàn khỏe mạnh. Khi ra Biển Đen nghỉ mát, ông có thể bơi những chặng dài đến mức ngay cả những sĩ quan cận vệ cũng không theo kịp. Cô con gái út Maria được sinh ra khi ông cũng đã ngoài 60… Thế nhưng, những khó khăn nảy sinh xung quanh việc xuất bản tập hồi ký “Nhớ lại và suy ngẫm” đã khiến ông phải lao lực và bị đột quỵ. Đến mức, khi vợ ông qua đời vì bệnh ung thư vú ngày 13/11/1973, dù rất yêu vợ nhưng Zhukov cũng đã không đủ sức để đưa vợ ra tới nghĩa trang. Rời nhà tang lễ, ông trở về nhà và lại ngồi vào bàn tiếp tục hoàn thiện bản thảo tập hồi ký. Ông cần phải làm gì đó để khuây khỏa và không bị đắm chìm vào những đau thương vì mất vợ.

Và chẳng bao lâu sau khi Galina Semenova qua đời, Zhukov lại bị một cơn đột quỵ nữa. Rồi tim ông ngừng đập  và ông bị chết lâm sàng. Các bác sĩ đã phải tiêm cho ông những loại thuốc đặc biệt, giúp cho tim hồi sinh! Thế nhưng, khu vực não bộ, nơi máu không chảy vào suốt một thời gian dài, đã không thể nào hồi phục được. Bác sĩ Alekseyev, vốn quen chăm sóc ông từ lâu, đã thử làm những động tác trò chuyện với nguyên soái. Tuy nhiên, dù mắt ông có vẻ như hiểu điều mà bác sĩ nói, nhưng nguyên soái không thể nào hồi tỉnh lại được. Trong suốt 25 ngày liên tục ông đã phải nằm với hệ thống máy thở nhân tạo.

Ngày 18/6/1974, nguyên soái Zhukov đã trút hơi thở cuối cùng. Như vậy là ông chỉ sống lâu hơn người vợ yêu quý có 8 tháng!  Bác sĩ  Georgi Alekseyev đã nhớ lại: Trong lễ tang của ông không có một lãnh đạo nào tới dự…

Mặc dù Zhukov đã viết di chúc yêu cầu mai táng mình cạnh Galina Semenova nhưng lãnh đạo cao nhất Liên Xô lúc đó là Leonid Brezhnev lại đưa ra một quyết định khác. Thi hài nguyên soái đã được hỏa thiêu và tro được chôn ở cạnh bức tường Điện Kremli…  

Hoàng Trung - Tuấn Tú

Nguyên soái G.K. Zhukov – Phẩm chất của vị danh tướng

16:29 12/01/2018

Đến khi cuộc chiến tranh kết thúc, tướng Zhukov không những đã quá nổi tiếng trong các nước Đồng minh mà còn có thể thắng cử chức tổng thống Mỹ.

Nguyên soái G.K. Zhukov – Cuộc đời như khúc tráng ca

13:25 08/01/2018

Nguyên soái huyền thoại, bốn lần Anh hùng Liên Xô Georgy Konstantinovich Zhukov (1896 - 1974) được cả giới sử gia quân sự phương Tây xếp ngang hàng với Alexander Đại đế và Napoléon, bởi họ cho ông là nhân vật đã làm đổi thay cả tiến trình lịch sử.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét