Thứ Ba, 20 tháng 11, 2018

HÉT LÊN ĐI, ƠI QUÊ HƯƠNG YÊU DẤU! 42

-Hậu quả của lòng tham danh lợi!
-Hậu quả của qui hoạch ồ ạt, vô hạn độ!

----------------------------------------------------------------------------
(ĐC sưu tầm trên NET)
 
Nha Trang: Sạt lở, sập nhà nhiều người c.h.ế.t, nhiều người bị thương

Nha Trang sạt lở: Quặn lòng nhận thi thể người thân biến dạng

 - Nạn nhân tử vong trong vụ sạt lở ở xóm Núi TP Nha Trang bị biến dạng khuôn mặt và người thân chỉ biết nhận dạng qua vết sẹo ở chân.
Chiều nay, lực lượng vẫn đang nỗ lực tìm kiếm nạn nhân mất tích và hỗ trợ khắc phục hậu quả vụ sạt lở nghiêm trọng ở xóm Núi (thôn Thạnh Phát, xã Phước Đồng, TP Nha Trang, Khánh Hòa).
Các tuyến đường dẫn vào khu dân cư xóm vẫn ngổn ngang trong bùn đất. Sạt lở đã xóa sổ một phần ngôi làng, thiệt hại nặng về tài sản và con người. Xóm Núi có 6 người chết, 1 người mất tích đến chiều nay vẫn chưa được tìm thấy.
Nha Trang,Ngập lụt,sạt lở đất
Cảnh hoang tàn ở xóm Núi sau 1 ngày xảy ra thảm họa 
Sạt lở đã vùi lấp vợ chồng anh tôi...
Bà Lê Thị Hồng (50 tuổi, dân cư xóm) quay trở lại xóm Núi mắt ngấn lệ cho biết trong phút chốc gia đình người anh họ gồm 4 người nhưng có 2 người đã tử vong là ông Lê Kim Lương (62 tuổi) và vợ tên Liễu (60 tuổi); 2 người khác bị thương nặng là chị Lê Kim Dung cùng con trai 6 tuổi vẫn đang cấp cứu.
Bà Hồng chọ hay, gia đình ông Lương quê ở Quảng Ngãi, có hoàn cảnh khó khăn, trước đây làm nghề chài lưới và không có chỗ định cư. Hơn 15 năm trước, gia đình mua được một mảnh đất và dựng một ngôi nhà cấp 4, tạm bợ dưới chân núi Hòn Rớ.
Nha Trang,Ngập lụt,sạt lở đất
 Bà Lê Thị Hồng (50 tuổi, ngụ tại xóm Núi) chia sẻ về tại họa ập đến với gia đình anh họ
“Hơn 15 năm nay, bao nhiêu cơn bão kéo đến nhưng không ảnh hưởng đến cuộc sống gia đình anh tôi. Vậy mà, trận mưa hôm qua (ngày 18/11) - chỉ trong phút chốc sạt lở đã vùi lấp vợ chồng anh tôi. Họ đi mãi không trở về” - bà Hồng nghẹn ngào.
Vẫn theo bà Hồng, lúc xảy ra vụ sạt lở, con gái của ông Lương là chị Lê Kim Dung leo lên mái nhà quay clip những nhà hàng xóm bị nước cuốn, vùi lấp. Khi chị Dung vừa quay vừa nói sạt lở, nước sắp cuốn trôi nhà rồi thì bất ngờ nước ào xuống từ sau lưng nhà rồi cuốn phăng tất cả.
“Dung cùng con trai nó 6 tuổi bị nước cuốn trôi hàng chục mét nhưng may mắn tấp vào mé bờ và được cứu giúp kịp thời. Riêng vợ chồng anh Lương ở giữa dòng nên bị cuốn mất tích" - bà Hồng kể và cho hay, Dung và con trai được đưa đi cấp cứu và không hay biết cha mẹ mình tử vong.
Nha Trang,Ngập lụt,sạt lở đất
Lực lượng cứu nạn cứu hộ vẫn đang tích cực khắc phục hậu quả và tìm kiếm nạn nhân mất tích
Thi thể ông Lương sau đó được tìm thấy cách ngôi nhà khoảng 300m, bị đất đá vùi lấp. Bà Liễu khi tìm thấy thì khuôn mặt bị biến dạng, gia đình chỉ nhận dạng được nhờ vết sẹo ở chân. Sau đó thi thể được đưa về quê nhà Quảng Ngãi an táng.
Trưởng thôn, phó thôn đều bị thương khi cứu người
Bà Võ Thị Kim Chi (Phó thôn Thạnh Phát) cho biết, trong quá trình hỗ trợ dân di dời, có 2 cán bộ thôn bị thương và đang cấp cứu.
Trong đó, trưởng thôn Lê Thị Diệu An bị vỡ xương chậu, gãy xương đùi và khủy tay. Phó thôn Võ Thị Hiền bị thương ở phần đầu. Cả hai người này đều bị nước đẩy từ trên suối xuống và may mắn được nhiều người ứng cứu kịp.
Vẫn theo bà Chi, xóm Núi là hiện nay có 300 hộ dân, đa số làm nghề biển. Cuộc sống nghèo khó, bấp bênh, phần lớn người dân dựng những căn nhà tạm bợ bên sườn núi Hòn Rớ để sinh sống.
Nha Trang,Ngập lụt,sạt lở đất
 Những khối đá khổng lồ chình ình xóa xổ ngôi làng xóm Núi
Theo UBND TP Nha Trang, trận sạt lở xảy ra trên địa bàn nằm ngoài sức tưởng tượng vì hậu quả tàn phá nặng nề. Lãnh đạo TP nhận định trận mưa lớn đo được trong 6 giờ, hôm 18/11 gần 320 mm là trận mưa lớn nhất từ nhiều năm qua.
Chủ tịch TP Nha Trang Lê Hữu Thọ nhìn nhận những nơi sạt lở có người tử vong không nằm trong các điểm dự báo của TP. Các điểm sạt lở đã không được đề phòng, nên khi sự cố xảy ra chính quyền địa phương không trở tay kịp. Lãnh đạo TP Nha Trang cho biết, sẽ truy trách nhiệm đầu tiên thuộc về người đứng đầu địa phương.
Nha Trang,Ngập lụt,sạt lở đất
Người dân xóm núi di dời tài sản để tạm cư khi nhà cửa không còn
Riêng tại điểm sạt lở xã Phước Đồng, ông Thọ cho biết những người dân ở đây đã được cấp đất tái định cư ở khu vực Hòn Rớ của xã, nhưng họ đã bán để lên xóm Núi sinh sống.
Do nhà cửa được dựng ven núi, khá tuềnh toàng, lúc sạt lở thì sập rất nhanh. Sắp tới, chính quyền TP sẽ nghiên cứu, kiến nghị tỉnh có cơ chế hỗ trợ người dân ra khỏi khu vực này.
Tang thương ở Nha Trang: 12 người chết, xế hộp chìm nghỉm trong biển nước

Tang thương ở Nha Trang: 12 người chết, xế hộp chìm nghỉm trong biển nước

Mưa to gây sạt lở đất khiến tuyến quốc lộ 1 tê liệt nhiều giờ, chỉ tính riêng TP Nha Trang đã có 13 người chết, đường phố bị ngập sâu.
Nha Trang: Nam giảng viên sư phạm cùng 2 con bị vùi chết thảm

Nha Trang: Nam giảng viên sư phạm cùng 2 con bị vùi chết thảm

Thi thể nam giảng viên Trường CĐSP mẫu giáo TƯ 2 bị đất đá vùi lấp ở phường Vĩnh Hòa (TP Nha Trang) vừa được tìm thấy.
Lở núi ở Nha Trang: Đào xới đống đổ nát tìm người thân bị vùi lấp

Lở núi ở Nha Trang: Đào xới đống đổ nát tìm người thân bị vùi lấp

Lực lượng cứu hộ tiếp tục đào bới đất, đá để tìm kiếm thêm nạn nhân nghi bị chôn vùi trong vụ sạt lở núi khiến hàng chục ngôi nhà bị xóa sổ.
Nha Trang sạt lở: Ông bà bị vùi lấp, cháu kêu khóc không muốn về nhà

Nha Trang sạt lở: Ông bà bị vùi lấp, cháu kêu khóc không muốn về nhà

Xóm Núi, thôn Thành Phát (Nha Trang) tan hoang. Người dân cạn nước mắt tổ chức tang lễ cho người thân bị vùi lấp, vẫn còn người đang mất tích.
Như Sỹ

Sạt lở đất lịch sử ở Nha Trang: Nạn nhân là ai?

Diễm Thi, RFA
2018-11-19
Hình ảnh sạt lở đất tại Nha Trang hôm 18/11/2018.
Hình ảnh sạt lở đất tại Nha Trang hôm 18/11/2018.
AP
Cơn mưa lớn kéo dài từ ngày 17/11 đến sáng 18/11 gây ngập lụt và sạt lở nhiều nơi ở thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa khiến ít nhất 17 người chết và mất tích tính đến chiều tối ngày 19/11, theo số liệu của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Khánh Hòa. Đây được coi là trận sạt lở đất lịch sử với nhiều thiệt hại về người và của đáng nói nhất từ trước đến nay ở thành phố Nha Trang.
Nạn nhân là ai?
Những hình ảnh được lan truyền trên mạng trong những ngày qua cho thấy dòng nước cuồn cuộn chảy ở ngay trong phố của thành phố biển Nha Trang. Một hình ảnh có lẽ là chưa từng có từ trước tới nay với nhiều người dân ở đây.
Nhà báo Võ Văn Tạo, một người sống ở Nha Trang gần 40 năm qua cho RFA biết:
“Năm 2010 Nha Trang cũng đã có những trận lượng mưa 300mm nhưng nó kéo dài khoảng 12 tiếng. Trận hôm qua chỉ có 6 tiếng mà lên tới 320mm rồi. Rất hy hữu, hiếm có.”
Anh Thứ, một người dân sinh trưởng và lớn lên ở Nha Trang nói với RFA rằng mấy năm trước cũng xảy thiên tai nhưng số người chết chỉ khoảng một hoặc hai người. Đợt này không ai nghĩ rằng số người chết lại nhiều như vậy.
Anh cho biết dọc triền núi có những người dân dựng nhà dựa vào vách núi ở, khi đất chuồi xuống thì chắc chắn là không chạy kịp. Họ cũng biết là nguy hiểm nhưng vì đất đai ở thành phố quá mắc nên họ không thể mua nổi:
Lượng mưa lớn nên gây ngập lụt những đường phố khu trung tâm. Trường hợp những người chết là do họ sống ở trên núi, mưa lâu thì đất bị sạt lở, sập nhà. - Anh Thứ
Lượng mưa lớn nên gây ngập lụt những đường phố khu trung tâm. Trường hợp những người chết là do họ sống ở trên núi, mưa lâu thì đất bị sạt lở, sập nhà. Dân số Nha Trang ngày càng đông nên lượng dân cư mới không mua được nhà đất ở khu trung tâm nên họ di chuyển ra bên ngoài hay những nơi vùng núi để ở mà người dân nơi đây gọi là xóm Núi.”
Chiều 18/11, ngay sau trận mưa lũ gây hậu quả nặng nề với hàng chục người chết và bị thương, Ủy ban Nhân dân thành phố Nha Trang đã tổ chức họp khẩn. Ông Lê Hữu Thọ, Chủ tịch TP Nha Trang nói rằng toàn bộ hộ dân ở xóm Núi đã được cấp đất tại khu tái định cư Hòn Rớ, xã Phước Đồng, nhưng những hộ dân trên không chịu xây nhà, mà bán đất được tái định cư rồi lên khu vực xóm Núi cất nhà trái phép.
Nhà báo Võ Văn Tạo cho biết phần đông nạn nhân là những người rất nghèo từ nơi khác đến cũng có, là nạn nhân bị giải tỏa nhà cũng có:
Hầu hết những nạn nhân là người nghèo di cư vào Nha Trang những năm trước đây ở ở những vùng hẻo lánh. Nhưng cũng có những trường hợp ở khu tái định cư như ngư dân ở ven sông Cái ở trung tâm thành phố Nha Trang, ngay cầu Trần Phú. Khi nhà nước lấy làm dự án thì di dân đi đến những khu tái định cư bên ngoài thành phố, phía trên khu tái định cư đó có một cái đập nước nhân tạo để chứa nước mưa cho dân sử dụng sinh hoạt. Vì mưa lớn nên vỡ đập và nước tràn xuống như thác lũ.
Theo truyền thông trong nước, trong những nạn nhân tử vong vào chiều 18/11 có gia đình của một giáo viên sống tại khu tái định cư ngay dưới chân núi Hòn Xện thuộc phường Vĩnh Hòa, thành phố Nha Trang.
Sau cơn mưa lớn, hồ nước trên núi bị vỡ kéo theo đất, đá vùi lấp 10 ngôi nhà dưới chân núi chỉ trong vài phút.
Truyền thông trong nước trích lời ông Nguyễn Văn Đông, Chủ tịch phường Vĩnh Hòa, cho biết hồ bị vỡ là hồ bơi thuộc dự án khu nhà ở cao cấp Hoàng Phú Nha Trang. Liên tục 10 ngày qua, chủ đầu tư cho máy đào núi để làm hồ chứa nước. Hơn nữa, hồ nằm ngay trên nhà dân nhưng không có biện pháp an toàn, khi vỡ dân chạy không kịp. Nếu hồ vỡ ban đêm thì số người chết còn cao hơn rất nhiều.
Nhân tai
Một trong những nguyên nhân dẫn đến tổn thất lớn tại Nha Trang vừa qua được cho là do tốc độ đô thị hóa nhanh ở thành phố.
Hư hại do lũ quét ở phường Phước Đồng, Nha Trang hôm 18/11/2018
Hư hại do lũ quét ở phường Phước Đồng, Nha Trang hôm 18/11/2018 AFP
Tuổi Trẻ online dẫn lời ông Đặng Văn Dũng - giám đốc Đài khí tượng thủy văn khu vực Nam Trung Bộ, cho biết có nhiều nguyên nhân dẫn đến sự cố này như tốc độ đô thị hóa nhanh, khả năng thoát nước hạn chế.
Trao đổi về vấn đề này với RFA, Giáo sư Tiến sĩ Đặng Hùng Võ – nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường - nói rằng trên truyền hình quốc gia (VTV) cũng đưa ra một nguyên nhân gây ra ngập lụt ở Nha Trang là do một dự án xây dựng nhà ở chung cư đã gây ra một tác động nào đó. Ông cho rằng điều này là khả tín:
Truyền hình Việt Nam đưa ra như vậy thì tôi cũng cứ tin rằng nguyên nhân chủ yếu là do dự án đó, và chắc chắn cái dự án đó có thể có tác động tới nguồn có thể gây ngập lụt, hoặc nó che chắn cái nguồn thoát lũ, thoát nước mưa khi có mưa nhiều từ áp thấp nhiệt đới vừa qua.”
Ông cho biết để khảo sát chi tiết thì ông cũng có thể làm, nhưng cho đến hiện nay thì ông cũng không có một nguồn dữ liệu nào khác ngoài nguồn từ VTV đưa ra. Ông nói thêm:
“Tôi tư duy thì tôi cho rằng nguồn tin này hợp lý bởi vì tình trạng gây ngập lụt tại một số xóm nghèo ở các đô thị thì thường là do các dự án được phê duyệt, nhưng tính toán của việc quy hoạch thì chưa tính được một cách triệt để các tác động khi mà có thiên tai xảy ra.”
Theo tôi đánh giá đó là nhân tai chứ không phải thiên tai. - Nhà báo Võ Văn Tạo
Trước Nha Trang, nhiều vụ lũ lụt, sạt lở đất đã xảy ra ở nhiều tỉnh thành khác của Việt Nam như Yên Bái, Lào Cai, Sơn La, Điện Biên…. Đã có những bài viết của các chuyên gia cảnh báo về thảm họa này do việc san nền bừa bãi, lấp sông hồ, để phát triển đô thị.
Theo thống kê của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, tính từ đầu năm đến nay, thiên tai ở Việt Nam đã làm 198 người chết và mất tích, 141 người khác bị thương.
Tuy nhiên, theo nhận định của nhà báo Võ Văn Tạo, hậu quả ở Nha Trang vừa rồi không chỉ do thiên tai:
Nhà nước lấy lại khu cửa sông cái, ngay cầu Trần Phú là trung tâm Nha Trang để làm dự án rồi di dân tới tái định cư nguy hiểm là không nên. Theo tôi đánh giá đó là nhân tai chứ không phải thiên tai.”

Sạt lở ở Nha Trang: Nạn nhân bị giải tỏa nhà trước đó?
19 tháng 11 2018 Nhà báo tự do Võ Văn Tạo ở Nha Trang nói với BBC: "Theo như tôi hiểu, các nạn nhân của vụ sạt lở đất hôm qua đều là người nghèo, sống trong những căn nhà dựng sát chân núi." "Ở đây người ta gọi đó là nhà "nhảy dù", từ để chỉ những người bị thu hồi đất đai, không thể mua nhà ở khu bằng phẳng nên phải lên dựng nhà ở chân núi dù đường đi lại khó khăn." "Qua vụ này, tôi thấy lẽ ra chính quyền nên điều chỉnh chính sách thu hồi đất đai, có quy hoạch tốt hơn và tìm vị trí an toàn cho người dân tái định cư." "Tại sao thành phố cưỡng chế lấy đất cho đại gia làm dự án bất động sản ồ ạt được mà không cưỡng chế người dân nghèo ra khỏi những khu vực nguy hiểm cho tính mạng của họ?"
Cảnh đổ nát tại xã Phước Đồng,
Nha Trang (ảnh chụp hôm 18/11)
Đại diện chính quyền địa phương nói với BBC rằng vụ sạt lở đất chết người xảy ra ở "khu dân cư tự phát" trong lúc báo Khánh Hòa từng viết về một số lô đất nằm sát chân núi "bị người dân san ủi phân lô để xây dựng nhà cửa". Báo Khánh Hòa hôm 19/11 cho biết: Đã có 13 người chết, 4 người mất tích, 11 người bị thương do sạt lở đất các xã, phường Phước Đồng, Vĩnh Trường, Vĩnh Thọ và Vĩnh Hòa.

Hiện lực lượng cứu hộ vẫn đang nỗ lực tìm kiếm người mất tích, trợ giúp người dân khắc phục hậu quả sạt lở đất, mưa lụt.

Khu nhà "nhảy dù"

Hôm 19/11, trả lời BBC qua điện thoại, ông Bùi Cao Pháp, phó chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Phước Đồng, khu vực được ghi nhận chịu thiệt hại nặng nề nhất trong vụ sạt lở, nói: "Thiệt hại nhân mạng diễn ra tại khu dân cư tự phát."

Tuy vậy, ông Pháp từ chối trả lời thêm các câu hỏi khác của phóng viên và nói: "Chúng tôi đang ở hiện trường tập trung khắc phục hậu quả."

Bản quyền hình ảnhXINHUA

Cùng ngày, nhà báo tự do Võ Văn Tạo ở Nha Trang nói với BBC: "Theo như tôi hiểu, các nạn nhân của vụ sạt lở đất hôm qua đều là người nghèo, sống trong những căn nhà dựng sát chân núi."

"Ở đây người ta gọi đó là nhà "nhảy dù", từ để chỉ những người bị thu hồi đất đai, không thể mua nhà ở khu bằng phẳng nên phải lên dựng nhà ở chân núi dù đường đi lại khó khăn."

"Qua vụ này, tôi thấy lẽ ra chính quyền nên điều chỉnh chính sách thu hồi đất đai, có quy hoạch tốt hơn và tìm vị trí an toàn cho người dân tái định cư."

"Tại sao thành phố cưỡng chế lấy đất cho đại gia làm dự án bất động sản ồ ạt được mà không cưỡng chế người dân nghèo ra khỏi những khu vực nguy hiểm cho tính mạng của họ?"

"Hàng ngàn gia đình"

Báo Thanh Niên hôm 18/11 viết: "Theo nhận định của Ban Chỉ huy Phòng chống Lụt bão tỉnh Khánh Hòa, đa số các nạn nhân trong trận lũ này đều bị đất đá từ núi đổ xuống gây sập nhà dẫn đến tử vong. Phần lớn các gia đình có người tử nạn đều là những gia đình quá nghèo, nhà của họ bị giải tỏa để mở rộng đường hoặc bị giải tỏa từ các dự án "phát triển đô thị".

"Nhận được một ít tiền đền bù, không đủ để mua miếng đất tại các khu đô thị, họ bèn "nhảy dù" lên các sườn núi để chiếm đất làm nhà. Vì là nhà "tự phát" nên mạnh ai nấy làm, xây theo ý mình hoặc tùy vào túi tiền. Hầu như việc quy hoạch hệ thống thoát nước cho các khu dân cư này không có, mỗi lần lũ lớn là cư dân ở đây nơm nớp với chuyện lở núi!"

Bản quyền hình ảnhXINHUA

Cũng theo báo này, có "hàng ngàn gia đình" được ghi nhận trong tình trạng "nhảy dù" tại Nha Trang và những người nghèo không đủ khả năng mua đất tại các dự án đang phải "sống tạm bợ trước sự bất lực của chính quyền thành phố".

Trong một diễn biến khác, Cơ quan Khí tượng dự báo, hiện ở phía Đông Philippines đang xuất hiện một vùng thấp có khả năng mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới rồi di chuyển vào Biển Đông, trong ngày 20 và 21/11 có khả năng mạnh lên thành cơn bão số 9 và có phạm vi ảnh hưởng từ Đà Nẵng đến Khánh Hòa.

Ông Đào Công Thiên, Phó chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Khánh Hòa được báo Khánh Hòa hôm 19/11 dẫn lời: "Diễn biến thời tiết trong những ngày tới đây sẽ rất nguy hiểm, vì vậy các địa phương phải kiên quyết di dời các hộ sinh sống ở những nơi có nguy cơ sạt lở, vùng trũng thấp để đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân. Bên cạnh đó, cần phải cắt cử lực lượng túc trực tại các vị trí xung yếu, các cầu tràn để cảnh báo, ngăn chặn người dân không lưu thông qua những khu vực nguy hiểm".

https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-46257410

Chỉ vì Nha Trang đã nát bét vì quy hoạch


Một vài căn nhà bị hư hại do đất chuồi tại Nha Trang, 18 tháng 11.
Hậu quả thảm khốc của trận mưa lớn sáng 18 tháng 11 năm 2018 trút xuống thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa khiến người Việt sửng sốt, bàng hoàng.
Tuy nằm sát biển nhưng Nha Trang bị ngập nặng, lũ lớn, chưa kể đất đá từ các triền núi, sườn đồi đổ xuống, vùi lấp nhà cửa, đường sá.
Tính đến giữa ngày 19 tháng 11 năm 2018 đã có 13 người chết, 23 người bị thương, chưa kể vẫn còn bốn người mất tích và khả năng cả bốn đã tử nạn gần như chắc chắn.
Các viên chức hữu trách trong lĩnh vực dự báo khí tượng – thủy văn bảo rằng, trận mưa vừa kể thuộc loại hiếm có, chỉ trong sáu tiếng, vũ lượng đạt tới 319 mm.
Tuy nhiên mưa lớn, vũ lượng cao trong một khoảng thời gian ngắn không phải là nguyên nhân chính dẫn tới thảm họa kinh khủng như thế.
Lý do Nha Trang ngập lụt nặng nề là do đô thị hóa nhanh, lũ mạnh, sạt lở khắp nơi là vì độ dốc của triền núi, sườn đồi lớn nhưng ít cây cối, nước cuồn cuộn đổ từ trên cao xuống thấp, dễ dàng cuốn theo đất, đá (1).
Biến đối khí hậu có thể làm thời tiết trở nên dị thường, khắc nghiệt hơn nhưng trận mưa ngày 18 tháng 11 năm 2018 ở Nha Trang trở thành thảm họa, gieo rắc chết chóc, phá hủy tài sản của cả cá nhân lẫn cộng đồng là do con người. Chính xác là do những qui hoạch thiển cận, duy lợi không thể ngăn chặn vì không truy cứu trách nhiệm.
***
Sau trận mưa lớn ngày 18 tháng 11, một số viên chức hữu trách ở thành phố Nha Trang và tỉnh Khánh Hòa, bảo với báo giới, hậu quả “bất ngờ, ngoài sức tưởng tượng” (2).
“Bất ngờ, ngoài sức tưởng tượng” không phải là những yếu tố miễn trừ trách nhiệm. Các viên chức hữu trách ở Nha Trang và Khánh Hòa có nghĩa vụ phải thấy trước để chủ động ngăn ngừa những thảm họa loại này khi qui hoạch - phê duyệt – cho phép thực hiện hàng loạt dự án.
Nếu đừng bất chấp những cảnh báo về môi trường, hệ sinh thái của thành phố Nha Trang, vịnh Nha Trang, đừng phê duyệt – cho phép thực hiện vô số dự án từng bị khuyến cáo là không ổn, thành phố Nha Trang sẽ không ngập sâu trên diện rộng, lũ không khủng khiếp, núi đồi không sạt lở nhiều đến vậy.
Trong 13 người uổng tử, có sáu nạn nhân ngụ tại xã Phước Đồng, ba ngụ ở phường Vĩnh Hòa, hai ngụ ở phường Vĩnh Trường, hai ngụ ở phường Vĩnh Thọ. Cả sáu nạn nhân ngụ tại xã Phước Đồng mất mạng trong vụ sạt lở hôm 18 tháng 11 năm 2018 đều từng cư trú ở chỗ khác, sau khi bị giải tỏa nhà - thu hồi đất để giao cho các chủ đầu tư, họ cùng với nhiều gia đình đồng cảnh tìm đến chân dãy núi Hòn Rơ dựng nhà tạm để có chỗ chui ra, chui vào. Ba nạn nhân cư trú ở phường Vĩnh Hòa uổng mạng là vì hồ chứa nước của Khu Dân cư cao cấp Hoàng Phú đột ngột vỡ. Những Vĩnh Hòa, Vĩnh Trường, Vĩnh Thọ bị lũ lớn, sạt lở, dân lành thiệt mạng đều gắn với các dự án đình đám: Dự án Trồng rừng - Nuôi rong biển kết hợp Du lịch sinh thái đảo Hòn Rùa, Dự án Champarama Resort & Spa, Dự án Ocean View, Dự án Công viên Văn hóa - Giải trí - Thể thao Nha Trang Sao,…
***
Giống như nhiều tỉnh, thành phố khác tại Việt Nam, thành phố Nha Trang nát bét vì qui hoạch nhưng không ai có thể cản được các dự án cho dù lợi ích kinh tế vẫn nằm ở tương lai còn đại họa thì đã hiển hiện ở đủ mọi khía cạnh: Xã hội bất ổn, nhân tâm ly tán, hạ tầng rạn vỡ, môi trường, hệ sinh thái suy sụp, không có khả năng cứu vãn.
Tháng 4 năm 2014, chính quyền tỉnh Khánh Hòa công bố qui hoạch vịnh Nha Trang. Theo đó, tám dự án trong qui hoạch này đều xâm lấn vịnh Nha Trang – danh lam, thắng cảnh quốc gia. Các Kiến trúc sư và Đô thị gia gọi qui hoạch đó là kế hoạch “phá” Nha Trang, bê tông hóa bờ vịnh tuyệt đẹp với dải cây xanh, cát trắng, nắng vàng thành khu vực lộng lẫy nhưng ngược hướng với phúc lợi công cộng mà mọi người được hưởng từ xưa đến giờ (3)…
Dự tính “phá” Nha Trang tưởng đã bị vứt bỏ nhưng đúng ba năm sau – tháng 4 năm 2017 - dự tính “phá” Nha Trang chính thức xuất hiện trong “Quy hoạch phân khu tỉ lệ 1/2.000”. Lần này, tuy chính quyền tỉnh Khánh Hòa bảo rằng, “Quy hoạch phân khu tỉ lệ 1/2.000” là sản phẩm của các “chuyên gia quốc tế” nhưng sau khi đối chiếu, các Kiến trúc sư, Đô thị gia khẳng định, quy hoạch vừa kể là “anh em song sinh” với qui hoạch mà họ đã từng khuyến cáo nên loại bỏ hồi 2014 vì chỉ nhằm thỏa mãn đòi hỏi của “nhà đầu tư” (4).
Đâu chỉ có thế. Bên cạnh các qui hoạch bít hết tất cả lối thoát cho phát triển bền vững ở tương lai, giống như nhiều tỉnh, thành phố khác tại Việt Nam, Nha Trang còn có hàng loạt dự án đang được triển khai ồ ạt với rất nhiều dấu hiệu bất minh: Trực tiếp giao đất cho nhà đầu tư mà không tổ chức đấu thầu. Bỏ qua – không thu thập đủ góp ý từ các ngành hữu trách. Làm ngơ để các chủ đầu tư tự do lấp hàng chục héc ta mặt biển, xây dựng đủ thứ trên đó.
Tháng 4 vừa qua, chính phủ Việt Nam yêu cầu chính quyền tỉnh Khánh Hòa kiểm tra – báo cáo, Thủ tướng Việt Nam thì ra lệnh xem xét – truy cứu trách nhiệm những cá nhân để xảy ra các sai phạm như vừa kể và báo cáo trước ngày 30 tháng này (5). Trong những báo cáo ấy chắc chắn không có tương quan giữa qui hoạch, các dự án đã được phép thực hiện với thảm họa vừa xảy ra, dù rằng lấn biển, cho phép xây dựng đủ thứ dọc bờ biển, trên các triền núi, sườn đồi như Dự án Bảo Đại Resort Nha Trang (6) rõ ràng là nhân - quả với lụt, lũ, sạt lở hôm 18 tháng 11 năm 2018.
Uổng tử không phải do Trời mà vì những qui hoạch, dự án bất chấp hậu quả là chết oan. Song vẫn giống như trước hết tại chỗ này tới ở chỗ khác tại Việt Nam, sẽ không có ai phải chịu trách nhiệm, dù số nạn nhân không dưới hàng chục, số gia đình nhà tan, cửa nát, trắng tay vượt mức hàng trăm!
Chú thích
(1) https://tuoitre.vn/sat-lo-kinh-hoang-o-nha-trang-lam-12-nguoi-chet-vi-sao-20181119074210528.htm
(2) https://vnexpress.net/tin-tuc/thoi-su/vi-sao-nha-trang-ngap-nang-sat-lo-nghiem-trong-3841240.html
(3) https://laodong.vn/xa-hoi/quy-hoach-vinh-nha-trang-pha-bai-bien-theo-xu-huong-betong-hoa-441939.bld
(4) https://tuoitre.vn/ai-de-xuat-lan-bien-nha-trang-tro-lai-1298844.htm
(5) https://nongnghiep.vn/can-canh-nhung-du-an-khung-lan-bien-tan-pha-vinh-nha-trang-post216434.html
(6) http://daidoanket.vn/tieng-dan/nha-trang-khanh-hoa-du-an-pha-nat-di-tich-tintuc406175
  • 16x9 Image

    Trân Văn

    Trân Văn là bút danh của một nhà báo có 28 năm làm việc ở nhiều vị trí khác nhau (Cộng tác viên, Phóng viên, Biên tập viên, Thư ký Tòa soạn) của một số đài truyền hình, đài phát thanh, nhật báo, tuần báo, báo điện tử tại Việt Nam và Hoa Kỳ.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét