Tư liệu về bí ẩn khảo cổ 12

(Đại Chúng sưu tầm trên NET)

Kỳ 1: Kho xương “biết nói”

Những người chuyên "đánh thức" mộ cổ
Ky 1 Kho xuong biet noi
Chị Thủy đang cầm trên tay chiếc sọ nổi tiếng “Mái đá nước”
Những bộ xương người hoá thạch trong hang sâu đang muốn “tiết lộ” điều gì với cuộc sống hôm nay? Những ngôi mộ cổ chứa đựng điều gì bí mật?
Nằm trên tầng 3 của một toà nhà cổ, đẩy cửa vào, người yếu bóng vía sẽ phải rụng rời chân tay khi trông thấy rất nhiều đầu lâu trắng xóa... Kho xương có một không hai ở Hà Nội này là một tài sản vô giá , không chỉ của Việt Nam mà cả thế giới bởi chỉ cần dựa vào đó, có thể làm sáng tỏ nguồn gốc của loài người...
Chị Nguyễn Kim Thuỷ, người “trụ trì” kho xương, dẫn tôi lên tầng 3 của Viện Khảo cổ. Cánh cửa chưa mở, nhưng hơi lạnh đã rịn ra. Vào trong là căn phòng rộng mấy chục mét vuông, rờn rợn những sọ, răng, ống tay, ống chân người, nhiều màu sắc và kích cỡ.
Có cái đầu lâu trắng như thạch cao, hai hốc mắt đen ngòm gợi cảm giác bí ẩn. Có cái nhỏ hơn, lấm tấm những nốt xanh mốc, xương miệng khép lại như thể đang có điều gì ấp ủ chưa nói. Một vài sọ người nứt toác, cháy sém. Các biến thiên lịch sử, những cơn làm mình làm mẩy của thiên nhiên đã đặt dấu ấn lên chiếc sọ tưởng rất mỏng manh nhưng đã trường tồn mấy nghìn năm nay.
Kho xương cũng là một bộ sưu tập về răng người hết sức đa dạng. Răng to, răng nhỏ, răng ngắn, răng dài, răng sâu, răng khuyết... Có chiếc răng người nhưng không hiểu sao lại dài và nhọn hoắt, cong vút lên trông chẳng khác gì răng của lợn rừng? Đoán được băn khoăn của tôi, chị Thuỷ giải thích: “Đây là răng của các vị sống ở thời kỳ tiền sử. Răng của tổ tiên chúng ta ngày xưa như vậy đó, tiến hoá dần dần mới được như bây giờ”.
Mỗi một bộ xương, một chiếc răng cửa có khi giúp dựng lại cả một giai đoạn lịch sử đã lùi xa hàng thiên niên kỷ. Nhưng việc tìm xương cốt của người xưa là một “hành lộ nan” đầy khó khăn, nguy hiểm và nhiều khi cũng kịch tính, rùng rợn như trong tiểu thuyết đường rừng.
Dấn thân vào nghề khảo cổ đã 20 năm có lẻ, chị Thuỷ trở thành người phụ nữ hiếm hoi, nếu không nói là duy nhất, đã đi khắp đất nước để tìm dấu vết người xưa. Như một thử thách khắc nghiệt cứ đeo đẳng người phụ nữ này, dấu vết của người xưa thường chỉ có những nơi thâm sơn cùng cốc, rất hiểm trở, hoang vắng. Lên khảo cổ các di chỉ thuộc thời kỳ văn hóa Hoà Bình cách đây mấy nghìn năm, chị đã quá quen với cảnh trèo đèo lội suối, ngủ rừng, nhưng tất cả mệt nhọc sẽ tan biến nếu như phát hiện ra một cái hang động cổ.
Nếu trong hang than và bếp đã hoá thạch, thường ở đó sẽ có di cốt người xưa. Trong những ngôi mộ đó, thường có một số đồ trang sức thời bấy giờ như vòng ốc lợn, chuỗi xương cá. Tại di chỉ khảo cổ thuộc thời văn hoá Quỳnh Văn, cạnh di cốt người còn thấy cả những vỏ sò điệp. Chi tiết tưởng như rất bình thường này đã mở ra một giả thuyết đầy lãng mạn nhưng có cơ sở thực tế: biển ngày xưa đã từng vỗ sóng nơi đây.
Chị Thuỷ cũng không nhớ hết mình đã bao nhiêu lần đào các ngôi mộ cổ, đã bao nhiêu lần chui vào các hang sâu rồi tỷ mẩn tìm kiếm ở đó cả tháng trời. Có khi phải đào đất trong hang đưa vào sàng, đãi. Quá trình “đãi đất, tìm di chỉ” ấy nhiều khi kéo dài trong vô vọng. Có lần các nhà khảo cổ Việt Nam và Đức đã mở tiệc liên hoan chỉ vì họ tìm được một chiếc răng của người tối cổ. Đối với những người trong cuộc ấy, chiếc răng nhỏ như hạt đậu đó chứa đựng bí mật cần giải mã của cả một thời đại lịch sử.
Dẫu đã nhiều lần gặp những niềm vui như thế, nhưng chị Thuỷ vẫn không bao giờ quên được lần khai quật di chỉ khảo cổ thuộc thời kỳ văn hóa Đồng Đậu. Cái hố được đào sâu mãi, chừng khoảng 4m, phải bắc thang mới xuống được, đúng lúc ấy, hài cốt của một người đàn ông hiện ra. Các nhà khảo cổ đã reo lên khi thấy một chiếc vòng bằng đá - đồ trang sức xưa trên xương tay của người đàn ông. Cho đến thời điểm này, đó vẫn là chiếc vòng đá cổ duy nhất của khu vực Đông Nam Á được tìm thấy.
Trong lần khai quật di chỉ ở huyện Bá Thước (Thanh Hóa), hai chiếc sọ người được tìm thấy và ngay lập tức các nhà khảo cổ học đã xem nó như báu vật. Hai chiếc sọ người với cái tên Mái đá điều và Mái đá nước giờ đây đã nổi tiếng cả châu Á bởi những giá trị cực kỳ lớn trong nghiên cứu sự hình thành và phát triển chủng tộc. Gần như tất cả những nhà nhân chủng học trên thế giới đều đã đến xem 2 chiếc sọ này.
Biết bao nhiêu chuyến đi vào rừng rậm, hang sâu, dãi dầm mưa nắng nhưng không làm vơi đi lòng yêu nghề của chị Thuỷ. Ngoài 50 tuổi nhưng người phụ nữ này luôn sẵn sàng để lên đường. Và sau mỗi chuyến đi, kho xương người của Viện Khảo cổ thường có thêm “thành viên” mới. Đối với chị, kết thúc một chuyến công tác cũng là sự bắt đầu công việc “nhuận sắc”, “trang điểm” những bộ xương, những hộp sọ người.
Có nhiều sọ người bị nứt toác, vỡ vụn ra, phải tỷ mẩn gắn lại sao cho đúng, cho khớp với hình dạng ban đầu. Có những hộp sọ, chỉ riêng việc gỡ lớp trầm tích bám trên đó cũng mất cả tháng trời. Công việc được làm trong sự vây bọc của hàng trăm bộ xương người. Cái kho của Viện Khảo cổ cũ kỹ và ẩm thấp lắm rồi, không phải con cháu có ý bạc đãi các cụ mà cũng bởi kinh phí eo hẹp. Nhưng mới đây, Viện Khảo cổ đã đầu tư nhiều trang thiết bị để nơi yên nghỉ của các cụ thêm phần yên ấm.
Hoàng thành thực ra chỉ là xưởng thủ công?!
Mới đây, sự kiện tìm thấy Hoàng thành đã làm xôn xao dư luận, nhưng ít ai biết rằng trong lòng đất Hoàng thành, ngoài những hiện vật đã được giới thiệu còn có nhiều bộ xương người. Mỗi bộ xương có được chôn với tư thế và đồ tuỳ táng kèm theo rất khác nhau. Di cốt người trong ngôi mộ ký hiệu BĐ.20.B19.M1 bị vỡ vụn, từ 128 mảnh xương, các nhà khảo cổ đã gắn chắp và phục dựng lại sọ của một cá thể (cách gọi chung một di chỉ người của ngành khảo cổ) nam giới nhuộm răng đen, khoảng 35 - 40 tuổi. Đặc biệt ở phần trán - đỉnh bên trái đầu có một vết chém dài 5cm, sâu 3cm.
Đáng chú ý ở bãi phế thải thời Lê đã phát hiện một hố chôn người tập thể. Sơ bộ ban đầu xác định trong hố có 4 cá thể, điều lý thú là các cá thể này bị trói buộc hai tay, hai chân quặt ra sau lưng và vứt xuống hố. Niên đại ngôi mộ cổ này khả năng vào thời Hậu Lê. Xung quanh những ngôi mộ cổ này còn nhiều bí ẩn mà chị Nguyễn Kim Thuỷ, người trực tiếp nghiên cứu chưa thể công bố vì mọi việc vẫn còn dang dở. Nhưng một nhà khảo cổ đã căn cứ vào các bộ xương đào được để nhận định rằng nơi vừa đào được của Hoàng thành thực ra là một xưởng thủ công của các tù binh?
                                                                                                                                 Phùng Nguyên

Việt Báo (Theo_Tien_Phong)

Kỳ 2: Ngôi mộ cổ Linh Đường và bí mật về bà hoàng trong lăng đá

Người chuyên "đánh thức" mộ cổ
Ky 2 Ngoi mo co Linh Duong va bi mat ve ba hoang trong lang da
Cảnh khai quật mộ cổ linh đường
Những bóng đen thoắt ẩn, thoắt hiện như những bóng ma trong một đêm mùa đông năm Kỷ Tỵ (1989). Tiếng xà beng, cuốc chim bổ vội vàng vào ngôi mộ cổ, phát ra những âm thanh dữ dội.
Chờ ba bóng đen chụm đầu vào nhau, các chiến sỹ an ninh bất thần ập đến, tóm gọn. Việc bắt giữ diễn ra hết sức mau lẹ nên hai tên đang trộm đào mộ ở bên trong không hề hay biết. Chỉ khi nghe tiếng súng nổ chát chúa bên tai, chúng mới vội vàng tẩu thoát...
Dưới ánh sáng ban ngày, ngôi mộ cổ ở làng Linh Đường (Tả Thanh Oai, Thanh Trì, Hà Nội) hiện lên sừng sừng giữa đồng không mông quạnh. Dân làng đổ ra xem ngôi mộ vô danh đã “trơ gan cùng tuế nguyệt” ở đây mấy trăm năm nhưng chẳng mấy ai để ý đến. Tiếng nổ của khối bộc phá nặng chừng nửa cân phá tan cửa lăng đá, mọi người nhìn rõ lỗ thủng trên áo quan.
Ky 2 Ngoi mo co Linh Duong va bi mat ve ba hoang trong lang da
Hiện vật trong ngôi mộ cổ Linh Đường
Tiến sỹ Nguyễn Mạnh Cường - người trực tiếp khai quật ngôi mộ cổ Linh Đường - dường như vẫn còn nguyên cảm giác khi thấy nắp quan tài bật ra. “Đó là một ngôi mộ đặc biệt mà trong quãng đời theo nghiệp khảo cổ, tôi chưa từng bắt gặp”.
Mộ có cấu trúc đặc biệt gồm lăng đá, quách tam hợp và quan tài. Lăng đá được làm theo dạng khối hộp chữ nhật, bên trong có mái che. Lăng đá dài 4,1m, rộng 3,0m, chiều cao từ đỉnh nóc xuống đến chân lăng khoảng 3m. Phần nhiều các mộ xác ướp đã phát hiện không bao giờ xây lăng đá nổi bên trên, nếu có chăng chỉ là gò mộ được đắp bằng đất phủ lên, còn chủ yếu đều nằm chìm dưới đất. Nhìn vào lăng đá nổi, TS Cường đã tự hỏi phải chăng có những yếu tố kỹ thuật mai táng mới ở ngôi mộ cổ này?
Nằm trong lăng đá là lớp quách tam hợp, cũng được xây theo khối hộp chữ nhật rất kín. Quách tam hợp này kích thước chỉ nhỉnh hơn áo quan đôi chút nhằm bảo vệ cho áo quan. Quách được tạo từ vôi, cát mật trộn với giấy bản đã ngâm nước và giã nhỏ thành bột tạo thành một chất siêu bền, càng để lâu càng cứng. Quan tài được làm từ gỗ Ngọc Am – một loại gỗ quý hiếm được lấy từ lõi cây thông già. Gỗ rất thơm và chống được mối mọt.
Nắp quan tài được mở ra, đập vào mắt những nhà khảo cổ là một xác người được bó khá cầu kỳ. Lần lượt từ trong ra ngoài có 1 tấm chăn đại liệm gồm vỏ chăn gấm và ruột bông trắng tinh, 5 lớp vải đại liệm loại mộc màu trắng ngà, 1 mảnh vải lụa màu vàng che mặt, 2 mũ đội đầu bằng gấm và vải... Tử thi được mặc nhiều lớp váy áo, trong đó có 4 lớp áo gấm đặc biệt như áo gấm trang trí hoa văn đồng tiền, hoa văn kiểu hoa hướng dương. Sau 4 lớp áo này, còn có 3 kiểu áo khác gồm áo may kép, trên ve áo có hai chữ Hán là “Mụ đình”; áo gấm màu vàng có trang trí hình rồng và sóng nước; áo gấm màu vàng óng trang trí hình rồng chầu mặt nguyệt... Ngoài ra, sát thân còn hơn chục lớp áo khác. Tổng cộng có cả thẩy 33 lớp áo cùng 9 lớp váy!
Đồ tuỳ táng chôn theo gồm 1 chiếc quạt giấy 14 nan còn nguyên vẹn, 1 túi đựng trầu gồm 37 miếng trầu còn tươi xanh như vừa mới hái, 34 quả cau hơi héo, một chuỗi tràng hạt đeo cổ gồm 105 hạt, trong đó có 104 hạt táo và 1 hạt ngọc... Các số đo nhân học cho phép đoán định người chết nằm trong mộ là một người đàn bà xinh đẹp, cao khoảng 1,50m, dáng người đẫy đà, khuôn mặt cân đối. Bà mất vào tuổi 62 đến 64 vào nửa cuối thế kỷ XVIII – thế kỷ đầy biến động của lịch sử Việt Nam. Người đàn bà đó là ai?
Mộ cổ Linh Đường từng là mộ giả của vua Quang Trung?
Thường trong các ngôi mộ xác ướp của Việt Nam, người chết luôn mang theo tấm thẻ căn cước được gọi là tấm minh tinh, nói về hành tung và thân phận xã hội của mình. Nhưng tấm minh tinh đã không tìm thấy trong ngôi mộ cổ Linh Đường. Người chết là ai? Câu trả lời vẫn còn bỏ ngỏ ngay cả khi đã khai quật xong ngôi mộ.
“Lúc đó, tôi hơi hoang mang, không biết nghiên cứu theo hướng nào để xác định được thân phận của chủ ngôi mộ cổ. Đúng vào thời điểm đó, cách khu khai quật khoảng 500m về phía Bắc còn lại một tấm bia trụ in chữ 4 mặt được khắc vào khoảng cuối thế kỷ XVII. Nội dung đề cập đến một người đàn bà họ Trần là cung phi trong phủ chúa Trịnh đã cúng tiền của đất đai... Một hướng nghiên cứu đã hé mở...” - TS Nguyễn Mạnh Cường nhớ lại.
Cùng thời gian đó, có người thuộc dòng họ Trần đã cho các nhà khảo cổ xem cuốn gia phả trong đó có nói tới một người đàn bà quyền thế ở phủ chúa, khi chết được an táng tại Lăng đá xứ thuộc cánh đồng Mô. Một vài người vội tin vào cuốn gia phả đã cho công bố kết quả nghiên cứu. Theo công bố thì chủ nhân của ngôi mộ là bà Dĩnh, người làng Linh Đường được phong là Chiêu Dung công chúa, khi chết có lăng đá để thờ. Công bố này được xem như một giả thiết lịch sử, nhưng sau khi nghiên cứu kỹ cuốn gia phả, các nhà khảo cổ nhận thấy bà Dĩnh là em vợ chúa Trịnh Tạc.
Theo quy định tang lễ nghiêm ngặt của chế độ phong kiến thì em vợ chúa khi chết không được mặc áo hoàng bào xuống mộ. Một chi tiết đáng lưu ý nữa là bà Dĩnh được nói trong gia phả sống ở nửa cuối thế kỷ XVII, trong khi đó các hiện vật tuỳ táng trong ngôi mộ đá lại xác nhận dấu vết của thế kỷ XVIII. Từ những tư liệu có cơ sở khoa học đó, các nhà khảo cổ học kết luận: Đức bà Dĩnh trong gia phả họ Trần không phải là chủ nhân của ngôi mộ cổ.
Chặng đường đi tìm lai lịch chủ nhân ngôi mộ tưởng như rơi vào ngõ cụt bỗng mở ra một hướng thênh thang khi các nhà khảo cổ tìm thấy trong Viện Thông tin (Uỷ ban Khoa học xã hội Việt Nam) một tài liệu lịch sử có đề cập đến Mỹ Vương, người làng Linh Đường, chủ sự việc kiêu binh sau khi Trịnh Sâm mất. Lần giở hồ sơ nói về cuộc đời Mỹ Vương, được biết ông tên thật là Nguyễn Mỹ, con trai Nguyễn Trọng Viêm. Nguyễn Trọng Viêm lại là anh trai Trịnh Thái Phi. Như vậy ở làng Linh Đường có người con gái họ Nguyễn lấy chúa Trịnh và là bà cô của Nguyễn Mỹ.
Các tư liệu lịch sử cho hay người con gái họ Nguyễn đó chính là bà Hoa Dung - Vợ chúa Trịnh Doanh, mẹ của chúa Trịnh Sâm. Sử cũ chép rằng bà Hoa Dung là người đoan trang, chính trực. Việc Đặng Thị Huệ âm mưu đưa con trai mình lên ngôi chúa khiến bà bất bình và tìm lời khuyên giải Trịnh Sâm. Tiếc rằng vị chúa luỵ tình này đang bệnh hiểm nghèo nên không xoay chuyển được tình thế. Sau khi chúa Trịnh mất, loạn kiêu binh đã lật nhào Trịnh Cán lập Trịnh Tông lên ngôi chúa, bà Hoa Dung đã bức tử Đặng Thị Huệ. Nhưng chẳng bao lâu nhà Trịnh sụp đổ, bà bỏ về quê ở ẩn và mất tại đó. Phải chăng lúc này bà hoàng thất cơ nên đám ma đưa tiễn cũng chỉ diễn ra một cách vội vàng, đơn sơ với những gì lúc sống bà lưu giữ?
T.S Nguyễn Mạnh Cường dừng lại trước câu hỏi đó một hồi lâu rồi mới “cởi nút”: “ Sau khi khai quật ngôi mộ cổ được một thời gian, chúng tôi đọc được gia phả của dòng họ Nguyễn ở Linh Đường. Thật bất ngờ, cuốn gia phả có nói đến bà Nguyễn Thị Hoa Dung với những thông tin đúng như giả thiết của chúng tôi”.
TS Cường tiếp tục làm tôi bất ngờ khi ông cho rằng ngôi mộ cổ Linh Đường liên quan đến vua Quang Trung. Lịch sử để lại một câu chuyện rằng sau khi Quang Trung mất, Quang Toản lên nối ngôi, sai sứ thần sang Trung Quốc báo tang, và làm tờ biểu xin phong vương. Trong tờ biểu có nói: Vâng lời dặn lại của vua cha, sau khi chết không đưa di hài về quê, mà chôn cất ở làng Linh Đường để tỏ lòng mến nhớ cửa khuyết. Vua Thanh khen ngợi, lập tức sai sứ thần sang lễ tế! Quang Toản bèn cho làm ngôi mộ giả ở làng Linh Đường để nhà Thanh gửi lễ sang viếng.
Có thể cái chết của bà Hoa Dung xảy ra sớm hơn đôi chút với cái chết của vua Quang Trung nên đã có người lập mưu chọn đúng ngôi mộ của bà nguỵ trang lại như mộ vua để cho sứ đoàn nhà Thanh sang viếng. Người bày ra mưu kế này rất có thể là Ngô Thì Nhậm vì ông là người Tả Thanh Oai, am hiểu vùng đất này hơn ai hết. Dĩ nhiên, đó chỉ là một giả thiết lịch sử, nhưng TS Nguyễn Mạnh Cường – Người nghiên cứu sâu về vua Quang Trung - tin rằng mình đã đúng. Lịch sử luôn cần những giả thiết, và luôn chứa đựng những bất ngờ. Trường hợp về mộ Lê Lợi ở Thanh Hóa là một ví dụ...
Phùng Nguyên

Hé mở những bí ẩn của xác ướp cổ giữa lòng Sài Gòn


Hơn 200 năm “về với đất”, xác ướp bà vẫn vẹn nguyên bình thản đi vào giấc ngủ ngàn thu giữa lòng Sài Gòn nhộn nhịp.

Có nhà khoa học cho rằng, bà là em ruột của thân phụ vua Gia Long (vị Hoàng đế khai triều nhà Nguyễn) cho nên ngôi mộ bà mới được xây dựng đồ sộ chẳng thua kém so với lăng tẩm các bậc “vương tôn, công hầu”. Điều đó vẫn là một bí ẩn lịch sử cho đến nay chưa có lời giải đáp chính xác.

Nhưng, cho dù thân phận của bà là hoàng thân quốc thích hay thường dân, thì trải khoảng hơn 200 năm “về với đất”, xác ướp bà vẫn vẹn nguyên bình thản đi vào giấc ngủ ngàn thu giữa lòng Sài Gòn nhộn nhịp.

Ngôi mộ kỳ bí


Bà là Nguyễn Thị Hiệu, có nhiều tài liệu sử học cho rằng bà là hoàng thân quốc thích của vua Gia Long (Nguyễn Ánh 1762 – 1820). Đầu năm 1994, khi di dời nghĩa trang, chỉnh trang phố thị khu vực xóm Cải, phường 8, quận 5, TP. HCM ngôi cổ mộ song táng kỳ bí chứa xác ướp của bà được phát hiện, hé lộ những bí ẩn mang tính lịch sử.

Từ đó, thân phận của bà bắt đầu gắn với cái tên “xác ướp xóm Cải”. Gần 20 năm, kể từ ngày được khai quật, xác ướp xóm Cải được bảo quản đặc biệt tại Viện Bảo tàng Lịch sử Việt Nam (TP. HCM) ai đến thăm cũng trầm trồ nét mặt bình thản, an nhiên cùng bà an giấc ngàn thu.

Ngược quá khứ, Viện Bảo tàng Lịch sử Việt Nam ghi chép rất tỉ mỉ về kết cấu ngôi cổ mộ. Khi mới phát hiện, ngôi cổ mộ nằm xen trong khu 15 ngôi mộ bình thường khác. Duy chỉ có cổ mộ đặc biệt bởi khuôn viên bề thế rộng hàng trăm mét vuông với kết cấu vững chắc như một ngôi đình.
xác ướp
Khuôn viên khu cổ mộ kỳ bí (Ảnh tư liệu)
Khu mộ được xây như một nhà mồ có cổng ra vào bằng trụ đá và tường rào bao quanh. Kích thước chiều dài vòng thành mộ tới 10m, ngang 6m, cao 1,2m, dày 0,8m. Cổng tam quan có hình mặt tròn, trang trí búp sen trên đầu cột. Cổng cao 1,4m, rộng 0,8m vào 0,6m được xây theo kiểu mái vòm cong lót giả ngói ống trang trí hình rồng. Sân thờ trước mộ có diện tích khoảng 24m2.

Kết cấu gò mộ là một khối hợp chất lớn, chiều dài 3,6m, rộng 3m, cao 3,2m gồm 2 phần: phần trước gắn bia mộ chìm trong khối hợp chất, các chữ trên bia đã mòn chỉ còn đọc được 3 chữ Kỷ Tị Niên và phần sau có trang trí hoa văn, mỗi bên hông gò đều có vẽ hình mặt tròn lớn.

Quách gò mộ vững chắc đến mức, muốn khảo nghiệm được quách, các nhà khảo cổ phải thuê tới 15 thanh niên lực lưỡng dùng đục sắt đục ròng rã trong 40 ngày, hàng trăm chiếc đục cùn vẹt mới chạm được đến phần đáy quách ở độ sâu gần 8m cho thấy khi xây mộ, người xưa đã dùng kỹ thuật nung vỏ sò biển thay vôi, dùng mật ong để thay mật đường mía và thêm than gỗ tốt trong hợp chất vôi, cát, mật xây quách.

Tiếp tục khai quật, san gò mộ bằng bình địa, các nhà khảo cổ học phát hiện phía bên dưới gồm 2 huyệt mộ song táng, 1 huyệt mộ nam và 1 huyệt mộ nữ. Huyệt mộ nam dài 2,3m, rộng 0,8m, sâu 1,56m, từ miệng huyệt xuống đáy mộ được bao phủ nhiều lớp hợp chất.

Quách gỗ được phủ 1 lớp cát mỏng và quan tài còn nguyên màu sơn đen, bên trong quan tài còn lại một ít xương cốt và hiện vật còn lại 7 chiếc nhẫn vàng có mặt đá, quạt giấy, lược, ống và cây ngoáy trầu bằng đồng, hộp bạc có dây xích hình cầu dẹt chạm dây lá, bút lông, nút áo mạ vàng.
xác ướp
Nhà khảo cổ học Đỗ Đình Truật và xác ướp cổ bà Nguyễn Thị Hiệu khi mới khai quật tháng Giêng năm 1994 (Ảnh tư liệu)
Ở huyệt mộ nữ, quách và quan tài còn nguyên vẹn. Sau khi quách, và ván thiên được mở, bên trong được sắp xếp ngăn nắp. Diện tích ao quan được 2 chiếc chiếu cói trải rộng che phủ, 2 chiếc chiếu này còn giữ được màu tươi sắc.

Phía dưới 2 chiếc chiếu cói là lớp giấy bản dày khoảng 10cm, được trải đều. Một tấm lá triệu (có thể là lá phướn – PV) bằng lụa được phát hiện, trên bề mặt tấm lụa có nhiều Hán tự nhưng bị nhòe mặt chữ, chỉ đọc được 4 chữ mang nghĩa là “Hoàng gia cung liệm”.

Hé mở những bí ẩn

Với nhà khảo cổ Đỗ Đình Truật, buổi sáng đầu tháng giêng cách đây 19 năm đối với ông là 1 kỷ niệm không bao giờ quên. Ông kể, bọc ngoài quan tài là cái quách bằng gỗ rất dày, cao 0,5m dài 2,2m. Toàn bộ quách và quan tài được phủ một lớp sơn ta cổ, rất tốt và kín mịt tựa như lớp dầu hắc (hắc ín).

Nhờ lớp sơn này, mà nước mưa thấm vào lòng đất không thể ngấm vào áo quan và dung dịch ướp xác cũng không tràn ra bên ngoài. Đó là lý do vì sao thi hài của bà Nguyễn Thị Hiệu hầu như còn vẹn nguyên, trong khi thi hài của ngôi mộ kế bên (khả năng là 1 người thân của bà Hiệu) dung dịch bị tràn ra ngoài nên chỉ còn xương cốt.

Khi tiến hành mở nắp quan, thật kinh ngạc về trình độ, kỹ thuật ướp xác của người xưa. Cói khô có tác dụng hút ẩm tốt, người xưa đã che phủ áo quan bằng 2 lớp chiếu cói để chống ẩm. Ngoài ra, ngay dưới chiếu còn tiếp tục được phủ nhiều lớp giấy bản hút ẩm có độ dày lên đến hơn 5cm.
xác ướp
Xác ướp bà Nguyễn Thị Hiệu tại Bảo tàng Lịch sử Việt Nam (TP. HCM)
“Bóc gỡ dần từng lớp, tôi tìm thấy phướn minh tinh bằng lụa có ghi dòng chữ “Hoàng gia cung liệm” và một số chữ đã mờ. Trong túi áo thi hài có 1 tấm pháp danh ghi dòng chữ: “Minh Trường, chùa Lâm Tế, đời thứ 23” triện 2 ấn son hé lộ chủ nhân từng quy y nơi cửa Phật.

Mở tiếp chín lớp áo vải, lụa, gấm quý, tay tôi run run xúc động khi bắt đầu chạm tay vào xác ướp. Mùi dầu thông thơm nồng, bà nằm được bao phủ trong lớp nước dung dịch màu đỏ.

Gỡ lớp mạng che mặt, mọi người ngỡ ngàng trước nét mặt bình thản giấc thiên thu của bà. Xác định bà tên Nguyễn Thị Hiệu, ước định khoảng 60 tuổi, mái tóc đen chớm vai chỉ có ít sợi bạc. Bà có làn da mịn màng, hơi có màu đỏ sậm, cũng dễ hiểu vì đã ngâm hàng trăm năm trong dầu thông” – ông Truật hồ hởi kể lại.

Đặt bên cạnh chân của bà Hiệu là 1 đôi hài vàng được dục 7 lỗ theo chòm sao Đại Hùng tinh Bắc Đẩu rất giống với những ngôi mộ cổ của bậc cung phi, hoàng thân vua chúa từng được khai quật ở khu vực phía Bắc. Theo quan niệm của đạo Lão, Đại Hùng tinh Bắc Đẩu sẽ bảo vệ vong linh người đã chết thoát khỏi các tai ương của “đời sống dưới cõi âm”.

Kiểm tra kỹ lưỡng thi hài tiền nhân, các chuyên gia khảo cổ và các chuyên gia giải phẫu trầm trồ trước các khớp xương trải hàng trăm năm vẫn vận động co duỗi rất linh hoạt, cơ thể bà chỉ bị teo lại chút ít, các bộ phận vẫn nguyên vẹn chưa có dấu hiệu phân hủy.

Từ đôi bàn tay, bàn chân nhỏ nhắn, và cơ thể mềm mại của bà, các nhà khoa học nhận định lúc sinh thời bà sống cảnh an nhàn, chứ không phải lao động vất vả. Lại căn cứ vào những giấy tờ, đồ vật tùy táng của bà, và lần ngược lịch sử triều Nguyễn, nhiều ý kiến đồng tình cho rằng bà có xuất thân hoàng thân quốc thích với vị vua khai triều Gia Long.

Nhà khảo cổ nhận định, hầu hết xác ướp ở nước ta, thậm chí cả vua Lê Dụ Tông, thường chỉ về thế giới bên kia với đồ tùy táng quần áo, vật dụng thông thường. Xác ướp bà Nguyễn Thị Hiệu là hiếm hoi trong số những xác ướp được tùy táng nhiều vàng bạc. Điều này khiến các nhà khoa học càng tin rằng bà có quan hệ huyết thống Hoàng tộc nhà Nguyễn.
xác ướp
Song táng huyệt ở cổ mộ (Ảnh tư liệu)
Họ đồ rằng, thời đó, vua Gia Long sau nhiều biến cố lịch sử, đã thống nhất đất nước, nắm trong tay quyền lực tối cao. Trước sự qua đời của thân tộc đã hậu táng bà trang trọng như nâng cao danh thế nhà Nguyễn sau những năm tháng bôn ba chinh chiến. Có lẽ đó chính là một trong những lý do để tiền nhân bảo vệ giấc ngàn thu cho bà bằng một khu mộ hợp chất đặc biệt kiên cố.

Sau quá trình khai quật, xác ướp bà Nguyễn Thị Hiệu được đưa về nghiên cứu tại Đại học Y dược TP. HCM, dung dịch màu đỏ nâu ướp xác bà được phân tích bước đầu xác định có chất nhựa thông trong đó.

Sau này, xác ướp của bà được coi như một “bảo vật” giữ gìn cho hậu thế được chiêm ngưỡng trước những kỳ tích nghệ thuật ướp xác của tiền nhân và những giá trị lịch sử ẩn tàng phía sau xác ướp hàng trăm năm tuổi, đối với mảnh đất Sài Gòn –Gia Định trên 300 năm thăng trầm lịch sử, người ta đã đưa xác ướp của bà về Bảo tàng Lịch sử Việt Nam (TP. HCM).

Cứ khoảng 3 tháng một lần, chuyên gia Đại học Y dược lại sang kiểm tra tình trạng và lau thuốc chống nấm mốc, bảo vệ mô xác ướp. Phòng bà nằm cũng được gắn máy hút ẩm, máy thông gió hoạt động liên tục để gìn giữ xác ướp. Hiện nay, tại viện bảo tàng, xác của bà được đặt trong lồng kính uy nghiêm.

Theo quan sát, thi thể của bà không còn mềm như khi còn được lớp dung dịch bao bọc, thân hình bà đã khô cứng, trên đầu tuy còn chỏm tóc dài màu đen, phất phơ nhưng mũi và hốc mắt của bà gần như bị phân hủy hoàn toàn.

Và ngày ngày, từng đoàn đến Bảo tàng Lịch sử Việt Nam vẫn kính cẩn nghiêng mình trầm trồ trước “vẻ đẹp” xác ướp kỳ bí, ẩn tàng phía sau đó không chỉ là những bí pháp giá trị nghệ thuật ướp xác đã thất truyền của tiền nhân mà còn là di sản vật chất và giá trị tinh thần quý báu của đất Sài Gòn – Gia Định xưa và nay.

Theo Nam Phong (Báo Gia đình và Cuộc sống)

Việt Báo (Theo_VTC)

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

TT&HĐ I - 9/d

MUÔN MẶT ĐỜI THƯỜNG III/104

MỌC CÁNH