CHUYỆN KỂ TRĂNG SAO




Xưa kia có gã giang hồ
Trên đường thiên lý tình cờ ghé qua
Bên dòng sông bạc phù sa
Một vùng dâu biếc, bao la cánh đồng...

Hoàng hôn đã sẫm nong tằm
Gốc đa cổ tích, gã nằm chiêm bao
Mơ hồ thoáng bóng Hoàng Sào*
Cung đàn nửa gánh, một chèo giang sơn
Đáy trời lấp láy sao Hôm
Cảm thương thiên cổ tạc hồn Ly Tao**
Giật mình trở giấc nôn nao
Bốn bề khuya lắng ngạt ngào hương trăng
Hiển linh một bóng đò ngang
Mái chèo phơi gió mơ màng ầu ơ:
"Ơi chàng trai kiếp giang hồ
Từ đâu lỡ bước, chờ đò về đâu?
Bên này là xứ non dâu
Bên kia vô định, giãi dầu bể khơi
Bên này màu mỡ đất bồi
Bên kia đất lở, cát vùi hoang vu.
Ơi chàng trai kiếp giang hồ
Từ đâu lạc bước, lần mò về đâu?
Đất này xanh sẵn vườn cau,
Sẵn tơ vàng óng têm trầu se duyên
Đất này nặng nghĩa đượm tình
Lòng người thuần phác, thiên nhiên thuận hòa
Đất kia ầm ĩ can qua
Nát tan vó ngựa, gầm ghè gươm đao
Ngang tàng lắm cũng Hoàng Sào
Đa đoan lắm cũng hôm nào Mịch La!..."
...

Con thuyền rời bến, trăng tà
Bâng khuâng gà gáy chở mơ sang trần
Có cô thôn nữ âm thầm
Rưng rưng ngấn lệ, xa dần cánh chim
Ai ru đồng điệu con tim
Cho đêm trăng sáng nguyện cùng gốc đa:
"Hữu duyên ngàn dặm không xa
Vô duyên nửa bước hóa ra muôn trùng..."
Cho ai mỗi độ trăng rằm
Lại hờn lại trách ai không trở về
Thời gian mòn mỏi tái tê
Không gian đằng đẵng mải mê phong trần!...

Thế rồi năm tháng xoay vần
Đến là Trời, Đất cũng cần có nhau
Để rồi bước thấp bước cao
Cô thôn nữ ấy nghẹn ngào vu qui
Đùng đoàng vỡ toác tình si
Dẫm lên xác pháo, nàng về tân hôn
Cây đa cổ tích đầu thôn
Trầm tư ngẫm cuộc vui buồn thế gian!
Hoàng hôn vội ló vành trăng
Dòng sông thả gió mênh mang ơ hờ:
"Ơi đồng dâu thuở mộng mơ
Nuôi tằm đã chín, ươm tơ đã vàng
Bến xưa, thuyền mới đã sang
Thuyền xưa bỏ bến lang thang phương nào?
Đêm nay diệu vợi trời sao
Có nàng trinh nữ lòng xao xuyến lòng
Có đôi loan phượng tương phùng
Trăm năm chung mối tơ hồng từ đây
Thôi thì cũng thỏa xum vầy!
Nhân tình thế thái, biết ai có còn..."

Nào hay Trái Đất xoay tròn
Gã trai năm cũ vẫn trên giang hồ
Hỏi ai thuộc được chữ ngờ
Mải đi kẽo kẹt bơ vơ gánh lòng
Không gian ai uốn nên cong
Cho con tạo nó quay vòng thời gian
Đêm nay gió lộng, trăng quầng
Bước chân phiêu lãng lâng lâng đường về
Nghe trong gió tiếng vu vơ:
"Nuôi tằm đã có kẻ nhờ đồng dâu
Ao làng đã có thuyền câu
Sự đời, đâu nỡ gây sầu cho ai!..."

Gã trai chững lặng, u hoài
Nhớ thương kỷ niệm vơi đầy trăng khuya
Ôm đàn ôn lại nắng mưa
Gảy lên uẩn khúc bộn bề nông sâu:
"Ra đi để bắc nhịp cầu
Cho dâu bên đó xanh dâu khắp vùng
Xưa kia giới tuyến giữa dòng
Mà nay thanh thản tình chung đôi bờ!
Bên này thuở ấy hoang vu
Ầm vang vó ngựa, mịt mù can qua
Giờ đây đoàn tụ thuận hòa
Dòng sông khuây khỏa câu hò giao duyên
Tình tang, tang tính, tang tình...
Ngậm vui thỏa chí, lắng buồn người xưa!
Tắm ghềnh, gội thác bôn ba
Dọc ngang dầu dãi, nắng mưa vẫy vùng
Đường thiên lý, chí tang bồng
Làm trai há chịu thẹn thùng thân trai?
Biết rằng hoạn lộ chông gai
Biết rằng nặng lỗi với ai duyên nồng...
Dễ thay là chuyện tao cùng!
Khó thay là chuyện anh hùng-mỹ nhân!
Quyết đi trọn bước gian truân
Mùa đông dẫu lạnh, mùa xuân thắm đào!
Đúng sai là chuyện Hoàng Sào
Đục trong là chuyện vận vào Khuất Nguyên.
Du ca cung chúc nhân duyên
Cánh chim lại vỗ mọi miền yêu thương!..."

***

"Chuyện xưa có gã tha phương
Có làng dâu biếc, có nàng ươm tơ..."

Tự ngàn năm đến bây giờ
Thầm thì đất kể những mùa trăng sao
Bầu trời: bát ngát đồng dâu
Sao trời lấp lánh: tằm reo bạt ngàn
Phong phanh Tráng Sĩ chạnh lòng
Ngẫm sang muôn thuở mênh mông Ngân Hà
Cây Đàn reo giữa bao la
Vọng hồn thôn nữ: nuột nà vầng trăng
Tơ vàng óng ả giăng giăng
Gió vui lễ rước, rưng rưng mây về
Bóng đa thiên cổ còn kia
Xum xuê điệu hát câu hò lứa đôi
Lão Thần Nông luống ngậm ngùi
Khom lưng đăm đắm tiếc thời Trần Gian
Một đời ngắn ngủi sao băng
Tuyệt vời khoảng khắc, vĩnh hằng hư vô!

Tiếng gà gáy: "Ó, ò, o!...
Người đời ơi có thương cho đời người?"

Hừng đông đã rạng chân trời
Sao sa tục lụy, sương cười long lanh...



                                         Trần Hạnh Thu




Chú thích:  *Trong "Truyện Kiều" của Nguyễn Du, khi Kiều khuyên Từ Hải ra hàng Hồ
                     Tôn Hiến, có câu:
                                          "Làm chi để tiếng về sau
                                            Nghìn năm ai có khen đâu Hoàng Sào"
  Sử phong kiến coi Hoàng Sào là giặc. Sự thực, Hoàng Sào là một lãnh tụ khởi nghĩa nông dân có tài binh lược. Rất tiếc, ông chưa vượt được nhận thức thời đại
  Ở Trung Quốc, vào cuối đời Đường, nhất là sau biến loạn A Sử, đời sống nhân dân vô cùng bi đát, cực khổ. Hiện tượng tập trung ruộng đất vào tay tầng lớp quí tộc và địa chủ trầm trọng đến nỗi "kẻ giàu có ruộng hàng vạn mẫu, người nghèo không có chỗ đặt chân". ngoài ra, nhân dân còn phải chịu bao nỗi thống khổ khác,chẳng hạn như không có muối mà ăn, vì  muối cũng như rượu, chè đều do triều đình độc quyền mua bán hoặc bị quan hoạn tự do cướp đoạt ngoài chợ. Sự cùng cực đó của nhân dân đã là nguyên nhân trực tiếp làm xuất hiện hàng loạt cuộc khởi nghĩa nhằm đòi lại quyền sống cơ bản của họ.
   Năm 874, một cuộc khởi nghĩa lớn bùng phát ở tỉnh Sơn Đông với lãnh tụ là Vương Tiên Chi. Năm 875, Hoàng Sào cũng tụ tập được mấy ngàn người nổi dậy hoạt động ở đó, rồi sau một thời gian ngắn thì gia nhập lực lượng của Vương Tiên Chi. Từ đó, phong trào lớn mạnh nhanh chóng, địa bàn hoạt động lan rộng ra các tỉnh Hà Nam,Hồ Bắc, An Huy.
    Năm 877, do bất đồng chính kiến, lực lượng Hoàng Sào tách khỏi Vương Tiên Chi    
     Năm878, Vương Tiên Chi bị quân nhà Đường đánh bại, tiêu diệt. Hoàng Sào trở thành người lãnh đạo chủ yếu của phong trào khởi nghĩa...
   Cuối năm 879, Hoàng Sào kéo quân về Trường An. Triều đình Đường bỏ kinh thành chạy sang Tứ Xuyên.
    Năm 881, Hoàng Sào tự xưng Hoàng Đế, đặt tên nước là Đại Tề.
    Nhà Đường tập hợp lại lực lượng, đến năm 884 thì chiếm lại Tràng An. Hoàng Sào tự tử.
                                                                                       ***
                     
    Lạm bàn: Lịch sử cho thấy, nông dân sục sôi nổi dậy, theo Hoàng Sào là vì sự sống còn của bản thân họ, chứ không vì điều gì khác. Hoàng Sào, thuộc gia đình buôn bán muối, có học hành ( thi hoài không đỗ), chắc chắn cũng mang nỗi bất mãn trước nạn tham quan lại nhũng, cướp ngày của nha lại, đã thấy được sự hòa hợp của hai quyền lợi bị xâm phạm, nên đã chớp lên dựng cờ nghĩa. Tiếc rằng, Hoàng Sào không thể vượt thoát được nhận thức của thời đại, cho nên khi đoạt được chính quyền, đã vội vã xưng  đế mà không tiếp tục khẩn trương thực hiện nguyện vọng lớn của muôn dân. Thất bại của Hoàng Sào chính là ở chỗ ấy!
      Dù sao, phong trào khởi nghĩa nông dân do Hoàng Sào lãnh đạo đã đẩy nhà Đường vốn đã suy yếu, mau chóng bị diệt vong, nhường chỗ cho thời đại "Ngũ đại thập quốc", một  thời đại cũng "huynh đệ tương tàn" không kém bất cứ thời đại ly loạn nào trong lịch sử Trung Quốc- một lịch sử nổi bật những cuộc thôn tính và bành trướng bằng bạo lực.
      Hoàng Sào còn là một người hay chữ. Tương truyền, ông đã để lại cho đời sau hai câu thơ đầy hào sảng:
                                                        Bán kiên cung kiếm bàng thiên túng
                                                        Nhất trạo giang sơn tận địa duy
                                                (nghĩa là: Nửa vai cung kiếm có trời cho
                                                              Một chèo đi khắp núi sông thiên hạ)

                **"Ly tao" là bài thơ rất nổi tiếng trong thi văn Trung Quốc, được Tư Mã Thiên, nhà chép sử cổ đại có một không hai của dân tộc Trung Hoa, một trong những sử gia thuộc hàng đầu của nhân loại, hết lời ca ngợi. "Ly tao" là một lời "oán thán" thống thiết, một "nỗi sầu ly biệt" khắc khoải, da diết.
     Tác giả bài thơ là Khuất Nguyên (340-278 TCN). Khuất Nguyên gốc danh gia vọng tộc,có tài, làm quan nước Sở. Lúc đầu được vua là Sở Hoài Vương sủng ái, sau, hay mở lời can vua, lại có sự ganh ghét dèm pha nên bị vua ruồng bỏ, xử phạt,đày đến Giang Nam
     Mang nặng trong lòng nỗi u uất nên Khuất Nguyên thường"vừa vui đã buồn, vừa cười đã khóc". Cuối cùng, sau khi làm bài thơ "Phú hoài sa", xõa tóc bên dòng sông Mịch La, nói với ông lão đánh cá: "Đời đục cả chỉ một mình ta trong, mọi người say cả chỉ một mình ta tỉnh...Chẳng thà vùi xác trong bụng cá, chứ không chịu vấy bùn nhơ!...", rồi ôm đá gieo mình xuống dòng sông. ( Lạm nghĩ: lòng Khuất Nguyên trong nhưng trí tuệ ông thì thật ra đã...say mèm!).
      Người dân Trung Quốc có cái lễ vào ngày mồng 5 tháng 5 âm lịch, gọi là tết Đoan Ngọ.Tương truyền,đó cũng là ngày mất của Khuất Nguyên. Ở nước ta, mộc mạc và sát thực hơn, gọi là tết Sâu Bọ (hay: Giết Sâu Bọ). 
                         
                      
                                 

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

TT&HĐ I - 9/d

MUÔN MẶT ĐỜI THƯỜNG III/104

MỌC CÁNH