Thứ Hai, 15 tháng 7, 2013

BÀI VIẾT HAY 15

(Đại Chúng sưu tầm trên NET)

Vì sao chính quyền dân sự ở Ai Cập chết yểu sau 1 năm?

(VOV) - Tương lai Ai Cập vẫn hết sức mịt mờ sau khi quân đội phế truất vị Tổng thống dân sự đầu tiên được bầu tại nước này.
    Sáng sớm 4/7, quân đội Ai Cập đã phế truất Tổng thống Mohamed Morsi và chỉ định Chánh án Tòa án Hiến pháp tối cao làm lãnh đạo lâm thời của nước này.

    Mặc dù đã có tổng thống lâm thời mới, song tình hình Ai Cập được tiên đoán là sẽ có nhiều biến động trong thời gian tới. Hơn 80 triệu người dân Ai Cập vốn phải đối mặt với nền kinh tế trì trệ nay lại tiếp tục sống trong tình hình chính trị bất ổn. Xem ra, việc thoát khỏi các cuộc xung đột phe phái ở quốc gia Bắc Phi này vẫn là viễn cảnh xa vời

    Phóng viên VOV online phỏng vấn Đại tá Lê Thế Mẫu, Nhà phân tích chính trị quốc tế về tình hình Ai Cập hiện nay.

    PV: Dư luận vẫn chưa hết thắc mắc là tại sao một Tổng thống dân sự đầu tiên do dân bầu sau 30 năm cầm quyền dưới chế độ của ông Mubarak lại “chết yểu” nhanh chóng đến mức như vậy. Theo ông nguyên nhân là do đâu?

    Đại tá Lê Thế Mẫu: Trước hết, cần nhận thấy rằng, cuộc chính biến ngày 4/7 vừa qua ở Ai Cập không hoàn toàn bất ngờ như nhiều người vẫn nghĩ vì trong cả 1 năm cầm quyền của Tổng thống Mohammed Morsi đã từng diễn ra nhiều cuộc biểu tình của người dân phản đối cách thức quản lý đất nước của ông.

    Có thể thấy, các quyết định sai lầm của Tổng thống Mohammed Morsi như chính ông đã tự công nhận, giống như một đám cỏ khô, còn mốc thời gian 1 năm cầm quyền của ông được ví là mồi lửa châm ngòi thành đám cháy lớn.
    Tương lai Ai Cập vẫn hết sức mờ mịt. (Ảnh: AP)
    Có nhiều nguyên nhân khiến Tổng thống Mohammed Morsi phải ra đi nhanh chóng, nhưng tựu trung lại có 3 nguyên nhân chính về kinh tế, chính trị và an ninh

    Về nguyên nhân kinh tế, sau 1 năm cầm quyền của Tổng thống Mohammed Morsi, kinh tế Ai Cập lâm vào khủng hoảng trước hết là do không có hệ thống quản lý kinh tế trên phạm vi cả nước, nạn thất nghiệp hết sức trầm trọng với nhiều triệu thanh niên không có việc làm và không có cơ hội hướng tới tương lai; các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu nhất vừa thiếu, vừa với giá tăng vọt.

    Nền kinh tế Ai Cập gồm hai thành phần là quốc doanh và tư nhân. Khu vực quốc doanh không những hoạt động kém hiệu quả mà còn bị nạn tham nhũng hoành hành và làm tê liệt, không thể đảm bảo mức sống tối thiểu cho hàng triệu công nhân viên chức làm việc trong lĩnh vực này. Còn lĩnh vực kinh tế tư nhân do tình hình an ninh bất ổn nên không ai muốn đầu tư phát triển. Trong khi đó, nạn cướp bóc và trấn lột lan tràn trong tất cả các lĩnh vực kinh tế. Do sự bất ổn và quản lý yếu kém, Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) và nhiều nước khác từ chối cung cấp tín dụng cho Ai Cập để phát triển kinh tế.

    Về nguyên nhân chính trị, trong 1 năm qua, mặc dù ở Ai Cập có Quốc hội, Tổng thống và Chính phủ nhưng hoàn toàn không có gì giống với hệ thống tam quyền phân lập ở nhiều nước phương Tây, không có cơ chế rõ ràng trong hoạch định chiến lược, không có cơ chế hoạt động có hiệu quả. Do đó, toàn bộ hệ thống chính trị ở Trung ương gần như tê liệt. Trong khi đó, Tổng thống Mohammed Morsi lại tìm cách đưa những người thân quen trong tổ chức “Anh em Hồi giáo”- nơi ông đã từng là Thủ lĩnh, vào các cương vị chủ chốt trong bộ máy cầm quyền.

    Tổng thống Mohammed Morsi đã có các quyết định sai lầm như cách chức Chánh án Tòa án tối cao Ai Cập; cách chức Tổng tham mưu trưởng Quân đội và Bộ trưởng Quốc phòng; ký Tuyên bố về Hiến pháp trao nhiều quyền hạn tối cao cho Tổng thống. Để phản đối các quyết định đó, nhiều nghị sỹ Ai Cập đã quyết định rút khỏi Quốc hội.

    Đặc biệt, bản Hiến phán mới của Ai Cập đã thể hiện quá trình Hồi giáo hóa hệ thống chính trị của quốc gia này. Đây là quyết định sai lầm nghiêm trọng nhất trong lĩnh vực chính trị, đưa Ai Cập từ bỏ các giá trị thế tục đã ăn sâu trong xã hội nước này và phát triển theo hướng Hồi giáo hóa. Tổng thống Mohammed Morsi và những người ủng hộ ông coi những gì nước dân Ai Cập đạt được trong “mùa xuân Arab” năm 2011 là thắng lợi của đạo Hồi, chứ không phải là thắng lợi của dân chủ.

    Trong suốt cả 1 năm cầm quyền, Tổng thống Mohammed Morsi tự coi mình là một Tổng thống Hồi giáo và có xu hướng biến mình thành một “Đế chế Faraon thời hiện đại”. Gần đây nhất, Tổng thống Mohammed Morsi tuyên bố sẽ tiến hành cuộc thánh chiến của người Hồi giáo ở Syria để lật đổ Tổng thống Syria Bashar al-Assad. Tuyên bố này khiến giới quân sự Ai Cập đặc biệt lo ngại.

    Về nguyên nhân an ninh, sau 1 năm cầm quyền của Tổng thống Mohammed Morsi, do không được giới quân sự ủng hộ, hệ thống bảo đảm an ninh trong nước của Ai Cập không còn hiệu lực. Mỗi một người dân Ai Cập cảm thấy họ không được ai che chở bảo vệ trước nạn khủng bố và cướp bóc hoành hành ở các thành phố và làng mạc. Ai Cập trở thành thiên đường của chủ nghĩa khủng bố và xung đột phe phái, sắc tộc.  

    Tình hình này khiến đại đa số người dân và các đảng phái chính trị đối lập ở Ai Cập buộc Tổng thống Mohammed Morsi phải ra đi.

    PV: Vậy liệu người kế vị ông Mohammed Morsi sắp tới có thể thiết lập lại được ổn định, an ninh cho Ai Cập và đưa nước này trở lại tiến trình phát triển không, thưa ông?

    Đại tá Lê Thế Mẫu: Người kế vị ông Mohammed Morsi sẽ phải đứng trước 2 kịch bản phát triển của tình hình. Kịch bản thứ nhất cũng là kịch bản lạc quan nhất, theo đó giới quân sự và an ninh sẽ sẵn sàng nỗ lực duy trì tình trạng ổn định trong cả nước, tránh xung đột và đổ máu, nhanh chóng thành lập một chính phủ dân sự chuyển tiếp đại diện cho các đảng phái chính trị và các tầng lớp xã hội Ai Cập, tiến tới bầu cử Quốc hội và Tổng thống, sửa đổi Hiến pháp, từ đó đưa Ai Cập vào con đường phát triển ổn định.

    Giới quân sự sẽ thành lập một chính phủ gồm các nhà quản lý theo phong cách kỹ trị; soạn thảo chương trình cải cách toàn diện đất nước, cả về kinh tế, chính trị và an ninh; từng bước thực hiện chương trình để đưa đất nước phát triển ổn định; tách tôn giáo phỏi hệ thống chính trị; không can thiệp vào hoạt động tín ngưỡng của người dân như dưới thời Tổng thống Mohammed Morsi.

    Kịch bản thứ hai và là kịch bản xấu nhất là Ai Cập sẽ rời vào cuộc xung đột nội bộ, thậm chí không loại trừ nguy cơ nội chiến, bởi ông Mohammed Morsi mặc dù bị bắt những vẫn bảo lưu ý kiến khẳng định tính hợp pháp trong cuộc bầu cử tổng thống của ông. Theo ông Mohammed Morsi, nếu Hiến pháp bị vi phạm thì Ai Cập có thể bị rơi vào tình trạng xung đột bạo lực. Hàng vạn người ủng hộ ông Mohammed Morsi cũng đã đổ xuống đường trong những ngày qua, thề chiến đấu đến cùng để bảo vệ tính hợp pháp của cuộc bầu cử và thể hiện tham vọng đưa luật Hồi giáo vào Ai Cập.

    Cả 2 kịch bản này đều đặt ra thách thức và nhiệm vụ cực kỳ khó khăn và phức tạp đối với người kế vị ông Mohammed Morsi. Do đó, dù là ai làm Tổng thống Ai Cập sắp tới cũng không thể sớm đưa Ai Cập vào con đường phát triển ổn định vì, ngoài yếu tố bên trong, diễn biến tình hình chính trị ở Ai Cập còn phụ thuộc vào xu hướng Hồi giáo hóa đang diễn ra ở các nước mà “mùa xuân Arab” đã và đang đi qua như Tunisia, Libya và Syria.

    PV: Theo ông, việc Tổng thống Mohammed Morsi bị lật đổ có làm cho tình hình ở khu vực Bắc Phi thêm căng thẳng và bất ổn gia tăng hay không?

    Đại tá Lê Thế Mẫu: Ai Cập là quốc gia có dân số gần 80 triệu người, có tiềm lực kinh tế vị thế địa-chính trị rất quan trọng ở Trung Đông, đã từng đóng vai trò rất lớn trong việc duy trì tiến trình hòa bình giữa Israel và Palestine cũng như thiết lập quan hệ hữu nghị với các nước trong và ngoài khu vực.

    Do đó, sau khi ông Mohammed Morsi bị lật đổ, nếu tình hình Ai Cập diễn ra theo kịch bản thứ nhất (kịch bản lạc quan) thì sẽ góp phần quan trọng ổn định tình hình trong khu vực. Còn nếu Ai Cập phát triển theo kịch bản thứ hai, sự bất ổn về chính trị và khủng hoảng kinh tế ở Ai Cập sẽ đẩy tình hình chính trị ở khu vực Bắc Phi-Trung Đông vốn đã căng thẳng sẽ trở nên nóng hơn bao giờ hết.

    PV: Theo ông, phương Tây và Mỹ nhìn nhận việc quân đội Ai Cập lật đổ ông Mohammed Morsi như thế nào?

    Đại tá Lê Thế Mẫu: Điều mà dư luận quốc tế quan tâm nhất là phản ứng của Mỹ. Vì như chúng ta đã biết, Mỹ là quốc gia đứng đầu trong nhóm các nước ép buộc cựu Tổng thống Ai Cập Hosni Mubarak phải ra đi trong cuộc chính biến lần thứ nhất vào năm 2011 mang tên “mùa xuân Arab”, tạo điều kiện cho tổ chức “Anh em Hồi giáo” của ông Mohammed Morsi lên cầm quyền ở Ai Cập.

    Tuy nhiên, trong cuộc chính biến lần thứ hai đã và đang diễn ra hiện nay, Washington tuyên bố không đứng về bên nào mà chỉ kêu gọi các bên ở Ai Cập nhanh chóng đi tới đối thoại, tìm ra giải pháp tốt nhất để ổn định tình hình.

    Tất cả các quốc gia, ủng hộ hay phản đối, cuộc chính biến ngày 4/7/2013 ở Ai Cập, đều mong muốn người dân và các đảng phái chính trị ở quốc gia này sớm tìm ra giải pháp thỏa hiệp mà các bên xung đột có thể chấp nhận được, tiến tới hòa giải dân tộc và tiếp tục phát triển như là mảnh đất xứ sở của nền văn minh Kim Tự Tháp đã từng một thời phát triển rực rỡ nhất của nhân loại. Lãnh đạo tất cả các nước đều nhất trí cho rằng, chỉ có người dân Ai Cập mới có quyền quyết định con đường phát triển của chính họ.

    PV: Xin cảm ơn ông!./.

      Không có nhận xét nào:

      Đăng nhận xét