Thứ Hai, 29 tháng 7, 2013

BÀI VIẾT HAY 16

(Đại Chúng sưu tầm trên NET)

Thứ hai, 29/7/2013 

Cha tìm được con gái sau 38 năm thất lạc

Cầm bức thư của đứa con gái chưa từng gặp mặt gửi từ Mỹ về, ông Triết vui sướng dâng trào nhưng cố nén để không bật tiếng khóc. 38 năm qua, người cha này đi tìm con chỉ với một tờ tường trình và bức họa vẽ người vợ mất tích. 
Người cha đó tên là Phan Minh Triết, 64 tuổi, hiện sống tại quận 4, TP HCM. Một buổi chiều mưa tháng 7, trong căn nhà nhỏ nằm ở cuối con hẻm đường Tôn Đản, ông Triết mái tóc hoa râm ngồi chăm chú đánh thư điện tử gửi cho người con gái đầu lòng vừa tìm được. Trên chiếc bàn vi tính trước mặt, lúc nào ông cũng để những bức hình của đứa con chưa một lần gặp mặt, đang ở cách xa nửa vòng trái đất.
chatimcon1-1375073872_500x0.jpg
Ông Phan Minh Triết đang viết thư gửi cho con gái bên Mỹ. Ảnh: Thi Ngoan.
"Thật sự là niềm vui trong đời ba chưa từng có, bởi vào lúc 19h đêm qua ba biết kết quả tìm được con gái thất lạc 38 năm. Ba cầm thư của con đọc mà đôi mắt đỏ hoe vì quá cảm xúc và vui sướng dâng tràn. Ba cố nén để không bật khóc thành tiếng. Suốt cả đêm, ba không ngủ được chút nào. Ba đọc đi đọc lại thư của con và cứ nhìn các ảnh con hoài, thấy con tôi sao quá dễ thương. Sáng nay, ba soạn mail gởi cho con ngay kẻo con của ba trông chờ, tội nghiệp lắm", ông mở đầu bức thư gửi cô con gái thất lạc tên Nguyễn Ngọc Như (Tricia Houston), đang làm giáo viên dạy cấp 1 ở Mỹ. 
 Năm 1973, bước ngoặt cuộc đời xảy đến khi ông Triết mới 23 tuổi. Chàng thư sinh Sài Gòn ngày ấy phải lòng một cô gái quê 19 tuổi từ Trà Vinh lên thành phố mưu sinh. Gặp nhau trong cảnh trai chưa vợ gái chưa chồng, cả hai yêu thương nhau, và thai nhi Nguyễn Ngọc Như chính là kết quả tình yêu của họ.
Thời đó chiến tranh tàn khốc, chịu áp lực tổng động viên, chàng thư sinh phải rời bỏ nhà trường, xa người vợ đang mang thai để lánh đi làm ăn xa. "Đến 30/4/1975, cuộc chiến chấm dứt, tôi trở về nhà với bao hy vọng sẽ được gặp vợ với đứa con. Tôi nôn nóng, rạo rực muốn được ẵm bế đứa con đầu lòng của mình, chắc dễ thương lắm. Tôi dự định sẽ hôn nó thật nhiều. Nhưng tôi chẳng thấy mẹ con cô ấy đâu cả", ông Triết kể lại.
Sau ông mới biết vợ sinh con trong cảnh khốn cùng, thiếu thốn tiền bạc nên không đủ khả năng nuôi nấng. Người thiếu phụ đã bế con cùng với giấy tờ khai sinh đến Hội Dục Anh ký tên cho bé, rồi biệt tăm từ đó.
"Tim tôi nghe rưng rức, tay chân rụng rời. Tôi không nói được lời nào và nước mắt cứ trào ra không cầm lại được". Ông tìm đến trụ sở Hội Dục Anh xin lại con về nuôi. Hình dung được cảnh khổ cực khi "gà trống nuôi con", nhưng ông luôn ấp ủ khao khát được làm tròn nghĩa vụ của người cha và tự tay chăm sóc cho giọt máu của mình.
chatimcon2-1375073872_500x0.jpg
Con gái ông Triết là Nguyễn Ngọc Như (Tricia Houston), đang làm giáo viên dạy cấp 1 ở Mỹ. Ảnh: gia đình cung cấp.
Song người cha lại thất vọng, khi đại diện của Hội Dục Anh cho biết họ đã chuyển những đứa trẻ kia về cô nhi viện trong Nhà thờ Hàng Xanh - Gia Định. Tìm tới đây, ông chỉ thấy một cảnh hoang tàn, những giấy tờ vung vãi đầy nền nhà, vắng ngắt bóng người. Một phụ nữ cho biết: “Đúng, có cháu Nguyễn Ngọc Như ở đây, nhưng bị bệnh đường ruột quá nặng nên đã chết rồi”.
"Tôi đau đớn khi nghĩ đến đứa con vô tội và đáng thương của mình. Nhưng tận sâu thẳm lòng tôi vẫn không tin con mình xấu số đến vậy. Linh cảm của người cha trong tôi mách bảo cháu vẫn còn sống...", ông hồi tưởng.
Về sau tìm hiểu, ông Triết mới biết do thời gian trước giải phóng có chiến dịch di tản trẻ con (Operation Babylife) nên mới có tin "những đứa trẻ đã chết để cha mẹ của chúng không đòi lại con". Sau nhiều năm cố gắng tìm lại vợ con bất thành, ông Triết đã lập gia đình, song suốt 38 năm qua ông chưa bao giờ nguôi hy vọng tìm con.
Hễ đi đến đâu, gặp ai, ông cũng than thở chuyện này và thầm ước gì con mình còn sống, ông nhờ bà con hàng xóm nghe ngóng thông tin dùm. Tuy nhiên không phải ai cũng thông cảm và san sẻ nỗi niềm này của người cha tội nghiệp. Có người dè bỉu “Thằng cha tào lao, chuyện mò kim đáy biển mà cũng nói làm gì mất công". Người khác lại châm chọc “Ông tìm được nó, có khi nó còn nghèo hơn ông nữa thì chết lớn à nghen”. Ông vẫn khăng khăng: “Tìm nhau được là quá hài lòng hả dạ, quý lắm rồi. Chuyện nghèo khổ thì tôi cùng san sẻ với nó và tìm cách nào đó để cùng nhau mà sống…”
cha-tim-con-15-1375077288_500x0.jpg
Bức chân dung về người vợ cũ được ông Triết vẽ theo trí nhớ là hành trang duy nhất ông mang theo trên đường đi tìm kiếm vợ con. Ảnh: nhân vật cung cấp.
Năm 2005, nghe thông tin về chuyến bay đầu tiên đưa 20 đứa trẻ mồ côi ngày trước hồi hương về Việt Nam, đoàn dừng chân ở viện mồ côi Thị Nghè, ông Triết lặn lội đến hỏi thăm nhưng chẳng thấy con mình đâu. Người cha ấy thoáng chút thất vọng nhưng cứ bám theo các thành viên của hiệp hội tổ chức chuyến bay ấy để hỏi. Gặp bà Cheryl Livington Markson là Giám đốc tổ chức Frends of children of various Nations, ông bày tỏ niềm hy vọng tìm được con mình. Tuy nhiên khi được yêu cầu cung cấp thông tin, hình ảnh của đứa bé Nguyễn Ngọc Như thì ông Triết không có.
"Tôi chẳng biết phải dựa vào ai để tiếp tục tìm con, nhưng luôn tự nhủ đã sinh con ra trên cõi đời này thì đó là máu mủ thịt xương của mình. Vì sự thiêng liêng đó mà tôi phải có trách nhiệm tìm con. Biết đâu, con tôi vẫn ráo riết tìm cha mẹ nó, mà tôi lại hững hờ thì tội lỗi vô cùng", câu chuyện được kể tiếp.
Tháng 5/2011, ông tham gia chương trình lấy mẫu thử ADN tìm thân nhân thất lạc. Một năm rưỡi chờ đợi, đến cuối năm 2012 chương trình này mới có người về Việt Nam lấy mẫu ADN của ông Triết. Gần 7 tháng sau đó, niềm vui vỡ òa khi họ báo tin vui về kết quả đã tìm được cô gái Nguyễn Ngọc Như ngày nay mang tên Tricia Houston, người có mẫu ADN hoàn toàn trùng khớp với ông Triết.
Từ nửa vòng trái đất, chị Ngọc Như cho biết, do không còn nhớ tiếng Việt nên chị phải nhờ một người bạn thân dịch dùm lá thư. Trong thư gửi cha, Tricia viết: "38 năm qua con đã được nuôi dưỡng lớn lên trong đầy đủ tình thương.Tháng Giêng năm 1975, con đã được chuyển từ Hội Dục Anh sang nhà nuôi trẻ World Vision ở Gia Định. Ở đó con được chăm sóc kỹ lưỡng, khỏe mạnh hơn. Tháng 4/1975 con được gửi về Mỹ bằng máy bay trong chiến dịch di tản trẻ em 'Baby lift'".
Từ đó cô gái được đưa đến cho cha mẹ nuôi bây giờ. Ngọc Như hiện là cô giáo dạy cấp 1, hứa sẽ về Việt Nam đoàn tụ với gia đình vào mùa hè năm 2014 hoặc 2015.
Đọc xong lá thư của con gái, người cha ở Việt Nam nghẹn ngào: "Người ta trao cho tôi mấy tấm ảnh và một thư của con đã dịch ra chữ Việt. Nhìn ảnh thì con có nét đúng là con tôi, rất chính xác, không nghi ngờ gì cả". Ngắm ảnh con gái, ông Triết bảo Ngọc Như giống hệt người vợ ngày trước của ông: Khuôn mặt tròn đầy hiền lành, phúc hậu. Miệng xinh xắn, chiếc mũi gọn đẹp như cô gái Nhật, xưa kia nhiều người thường khen vợ ông như vậy, đôi mắt hiền hòa dễ mến, mái tóc đen nhánh. Còn tay chân thì rất giống ông, ngón tay "ngòi bút" dài thườn thượt...
Ông Triết cho biết vài ngày tới sẽ về quê vợ cũ ở Trà Vinh để báo tin mừng. Giờ nghĩ lại, ông thấy việc mình tìm được con là một "câu chuyện tuyệt vời đến kỳ bí và gần như hoang đường". "Đó chính là thành tựu của khoa học hiện đại mang đến hạnh phúc cho con người", ông nói.
 Thi Ngoan                                                                                                                            vnexpress.net

chatimcon3_1375077387.jpg
Cô bé Nguyễn Ngọc Như khi còn nhỏ.
cha-tim-con-12_1375077475.jpg
Sau khi rời cô nhi viện, Như được đưa qua Mỹ trong chương trình di tản trẻ em.
cha-tim-con-9_1375077548.jpg
Ông Triết vui mừng khi nhận được bức thư hồi âm của cô con gái sau 38 năm lưu lạc.
Nội dung bức thư cô con gái phải nhờ một người bạn dịch từ tiếng Anh sang tiếng Việt để gửi về cho cha.
Một trong những bức thư cô con gái cách xa nửa vòng trái đất phải nhờ một người bạn dịch từ tiếng Anh sang tiếng Việt để gửi về cho cha.
cha-tim-con-14_1375077836.jpg
Ngọc Như duyên dáng trong tà áo dài Việt Nam.
cha-tim-con-13_1375077889.jpg
Hình ảnh ông Triết thời còn trẻ.
cha-tim-con-916_1375078480.jpg
Vợ và các con ông hiện tại hết lòng ủng hộ, động viên ông Triết trong suốt hành trình đi tìm cô con gái lưu lạc.
Thi Ngoan
 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét