BÀI VIẾT HAY 18

(Đại Chúng sưu tầm trên NET)

NHÃ THUYÊN NGỤP LẶN TRONG MIỆNG… HỐ RÁC


Gần đây, điễn đàn nóng lên bởi vụ luận văn thạc sĩ của Nhã Thuyên (Đỗ Thị Thoan) về thơ của nhóm Mở Miệng. Các báo lớn nhất: báo Đảng (Nhân Dân); báo Quân đội (Quân đội Nhân dân); báo của Hội Nhà Văn (Văn Nghệ),… đều có bài phê phán mạnh mẽ. Còn tôi thực ra đã đi trước rất lâu rồi. Trong cuốn Bóng tối của ánh sáng mới xuất bản cũng có bài tôi viết từ 2006 về chủ nghĩa Hậu hiện đại, đã đăng trên VN.net, rồi trên trang web của Hội Nhà Văn VN. Khi tranh luận với PGS Nguyễn Văn Dân, tôi cũng đã trực tiếp nhắc đến thơ nhóm Mở miệng.

Tưởng mọi việc đã rõ nhưng nhiều bạn đọc vẫn cứ viết thư cho tôi như chị Phùng Kim Yến, anh Trần Văn Vĩnh, bạn Khuê Hoàng… rồi cả bạn Giao trên Giao Blog  cũng “mong đọc được bình luận… của Đông La”. Viết nữa cũng ngại, nhưng rồi tôi lại có cảm hứng khi Từ Huy, đúng, lại là TS Nguyễn Thị Từ Huy, vẫn “chầy cối” cãi bênh Nhã Thuyên, dường như cố tình làm “ôi”  cái bằng TS hạng “ưu” của mình trên trang “bọ” xít! Rồi lại Phạm Xuân Nguyên cũng bênh nữa chứ! Vậy là tôi lại phải viết mấy chữ thôi, cũng là để quảng cáo cho đứa con tinh thần Bóng tối của ánh sáng của mình.

Trước hết ta hãy điểm qua những bài phê phán luận án của Nhã Thuyên. Nói chung sự phê phán đều rất đúng, nhưng chưa được hay lắm vì vẫn thiên về phê phán hiện tượng (cách nhìn ngược của Nhã Thuyên về những thô tục, bẩn thỉu, hỗn hào, chống đối… trong thơ nhóm Mở miệng) nhưng còn thiếu phân tích sâu bản chất vấn đề, đó chính là cái cơ sở lý luận của sự sáng tác đó.

Nhà văn Vũ Hạnh, tác giả của "Bút máu", trong bài THẤY GÌ TỪ MỘT LUẬN VĂN SAI LẠC? trên Văn Nghệ đã rất đúng khi viết:

 “Lý luận không thể bê nguyên xi về dạy với một thái độ cung kính, vái chào! Trong khi ở bên Tây, Tzvetan Todorov đã viết cuốn “Lali Hérature en péril” (Văn chương lâm nguy) như một tuyên bố sửa sai, kết thúc một thế kỷ tìm tòi lệch hẳn về hình thức mà phế bỏ nội dung của một phần văn học phương Tây. Thế thì có lý do gì để các nhà giảng dạy đi say sưa truyền bá cái lý thuyết đã bị chính chủ nhân sáng chế ra nó từ bỏ. Tình hình như thế đòi hỏi chúng ta phải có một thái độ khoa học và thái độ chính trị rõ ràng khi tiếp nhận lý thuyết và văn hóa phương Tây”.

Tuyên Hóa trong bài MỘT “GÓC NHÌN” PHẢN VĂN HÓA VÀ PHI CHÍNH TRỊ trên Báo Quân Đội Nhân Dân:

Từ việc đồng lõa, bênh vực và “tôn vinh” thứ thơ bệnh hoạn, tắc tị như trên, tác giả đã bộc lộ thái độ chính trị của mình thông qua việc ca ngợi  những nhà văn “phản kháng” như Phạm Thị Hoài, Dương Thu Hương… để rồi xuyên tạc và kích động”; “Và đặc biệt, sự trá hình, sự phản động chính trị trong trường hợp này là hết sức nghiêm trọng và nguy hiểm, vì … là một luận văn thạc sĩ cao học, được làm và bảo vệ trong một cơ sở giáo dục-đào tạo bậc đại học của Nhà nước… có tính pháp quy”; “ Đặc biệt, thạc sĩ Đỗ Thị Thoan vẫn tiếp tục lên lớp cho sinh viên và dưới bút danh Nhã Thuyên, cô vừa phát tán một tập tiểu luận mang tên “Những tiếng nói ngầm” … công khai tán dương, ủng hộ dòng thơ “ngầm” chủ trương chống đối, lật đổ chế độ cộng sản; xuyên tạc lịch sử dân tộc; chống lại “sự thống trị dai dẳng của tư tưởng Hồ Chí Minh”.

Nguyễn Văn Lưu trên Văn Nghệ TPHCM:

“về “hai thứ taboo vào loại lớn nhất, nguy hiểm nhất trong các xã hội Việt Nam là Nói Tục và Chính Trị thì đều được các nhà thơ MỞ MIỆNG và những người đồng ý hướng xuyên thủng”; “ Nhã Thuyên cũng tán thưởng thi pháp giễu nhại, chế tác - xem là “Thái độ hủy diệt mọi thành tựu quá khứ này tiếp tục cái gọi là tính chất lật đổ, đầy nhạo báng, một cách có ý thức”. Về hình tượng Bác Hồ trong thơ Mở Miệng, Nguyễn Văn Lưu tiếp: “Giễu nhại một con người như thế là một việc làm vô đạo, thất đức, bất nhân, bất nghĩa. Chúng tôi muốn góp ý với các bạn đồng nghiệp là nhà văn Nguyễn Đăng Điệp - Viện trưởng Viện Văn học và nhà văn Văn Giá - Trưởng khoa Lý luận - phê bình văn học Trường Đại học Văn hóa (Bộ Văn hóa), hai thành viên Hội đồng chấm luận án và Chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội Phạm Xuân Nguyên - người đã đọc bản thảo “Những tiếng nói ngầm” cho Nhã Thuyên - rằng các bạn nên giữ sự trung thực cho ngòi bút của mình, nên tự trọng về nhân cách. Các bạn có thể xin ra khỏi Đảng, tự nguyện trả lại các chức danh và học vị mà thể chế này - do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập – đã phong tặng cho các bạn rồi làm một nhà văn tự do thì hay hơn là lập lờ hai mặt như vị thầy của các bạn: Vẫn ca ngợi, kính phục Dương Thu Hương: người phụ nữ một mình chống lại cả một Nhà nước - nhưng mà giải thưởng, chức danh Nhà nước ấy trao cho vẫn vui vẻ nhận, lại còn thắp hương khấn vái xin cho được nữa. Cũng mong Ngài Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đừng để ĐHSP Hà Nội thành ra một Trung tâm Hài hước như thế”.

Một vài ý kiến phân tích cơ sở lý luận mà Nhã Thuyên dựa vào để tung hô nhóm Mở Miệng theo tôi chưa được chính xác. Như ý kiến cho chữ “bên lề” của Đỗ Thị Thoan xuất phát từ lý luận về Giải trung tâm của Derrida. Nói đến Derrida là nói đến giải cấu trúc (deconstruction) chứ không phải Giải trung tâm. Theo CATHERINE HALPERN trong danh-nhan-triet-hoc trên trang http://www.triethoc.edu.vn/, Giải cấu trúc là trình bầy một cách tiếp cận riêng các văn bản: “Derrida thích phô bày những vùng tối … Ông tỉ mỉ đọc đi đọc lại, phân tích kỹ lưỡng và cạn kiệt các văn bản, đưa ra ánh sáng những gì bị kìm nén, ẩn giấu trong văn bản, làm cho văn bản nói lên một điều gì đó hoàn toàn khác với những gì văn bản có vẻ biểu nghĩa: “Văn bản chỉ là văn bản nếu người đọc lần đầu không thấy được quy luật bố cục và quy tắc kết cấu của nó. Văn bản luôn luôn vô hình.” Đó là đặc điểm của “giải kiến tạo”, khái niệm đã đi khắp thế giới”.

Vì vậy  giải cấu trúc không nói về chuyện trung tâm hay bên lề.

Còn Văn Chinh dùng những khái niệm Hữu Vô, Âm Dương của Kinh Dịch, theo cách nhìn của Lê Quý Đôn, để nói về chuyện Trung tâm và Bên lề trong luận án của Nhã Thuyên thì lại khiên cưỡng và khập khễnh. Bởi các phạm trù đó thuộc về bản thể luận của triết học cổ, mà nếu lấy tri thức khoa học hiện đại ngày nay so sánh thì không ai có thể tìm ra được những đối tượng cụ thể tương ứng. Như quan niệm: âm sở dĩ là âm vì đặt bên canh cái dương là sai toét. Trong cấu tạo vật chất âm là điện tử, dương là prôton, kết hợp với nhau cân bằng để tạo ra vật chất trung hòa về điện. Nhưng bản chất điện chúng luôn như thế chứ không phải chỉ có khi ở cạnh nhau. Khi một chất mất cân bằng điện chúng sẽ thành inon âm hoặc ion dương ngay. Nói rộng ra, đàn ông luôn là đàn ông, còn nói như trên, đàn ông chỉ là đàn ông khi đặt bên cạnh đàn bà, vậy lúc ông Văn Chinh ở một mình thì ông là gì?

Còn Văn Chinh cũng dùng cả hai khái niệm Chủ toàn, Chủ biệt để nói về chuyện Trung tâm và Bên lề cũng lại râu ông nọ cắm cằm bà kia nốt. Bởi đó chính là các khái niệm mà cụ Cao Xuân Huy bàn về nhận thức luận, về không gian, thời gian; về tâm, vật; nhân quả… Mà như tôi đã phân tích nhiều, khi cụ cho người ta “hư cấu” ra các phạm trù “Không gian, Thời gian; Tâm, Vật”, v.v… nghĩa là cụ đã sai hiển nhiên.

Vậy mà Nhà Văn kiêm nhà Phê bình Văn Chinh, người mới nhận được giải thưởng hàng năm danh giá của Hội Nhà Văn VN về tác phẩm phê bình, lại cố chấp vào những sai lầm của mình rồi tưởng tượng ra bao điều phi lý nữa thì thật đáng tiếc!

Thực chất nhóm Mở Miệng đã sáng tác theo tinh thần của Chủ nghĩa Hậu hiện đại; khái niệm Trung tâm, Bên lề của Nhã Thuyên cũng dựa trên cơ sở đó.
Vậy Hậu hiện đại là gì?

Trong cuốn Bóng tối của ánh sáng tôi đã viết:

Theo Lyotard, chúng ta đang sống trong thời hậu hiện đại, thời mà tất cả những lý thuyết có từ thời Ánh sáng đều đã bị đổ vỡ. Theo ông, tinh thần hậu hiện đại sinh ra là để chống lại sự độc tài của các chủ thuyết mà ông gọi là các siêu văn bản (métarécit); cho không có một thứ nguyên lý nào phổ quát cho tất cả; chống lại quan niệm rằng trật tự và ổn định là luôn luôn tốt và coi sự hỗn loạn, bất ổn là luôn luôn xấu.

…Để chống lại siêu văn bản (chủ thuyết lớn), hậu hiện đại phát huy tính chất đa dạng, coi trọng vai trò cá nhân, các nhóm, coi trọng các lý thuyết nhỏ, những tiểu văn bản (petits récits). Những tiểu văn bản của hậu hiện đại thường có cách nhìn tạm thời, ngẫu nhiên, không khái quát tính thống nhất, tính ổn định, tính hợp lý hay sự thật khách quan. Trong đó tất cả mọi ý kiến đều có quyền hiện diện, kể cả sự bất đồng và nói sai (paralogie). Khoa học hậu hiện đại nghiên cứu những bấp bênh, vô thường của đời sống. Lyotard viết: "Nói một cách giản dị nhất, người ta coi "postmoderne" là sự không tin vào những lý thuyết lớn, siêu văn bản (métarécits) (ý nói những chủ nghĩa)”.

Tôi đã viết trong cuốn Bóng tối của ánh sáng: “Chủ nghĩa Hậu hiện đại cũng như mọi trào lưu đã xuất hiện khác đều có phần có lý. Tư tưởng chống giáo điều, chống khuôn mẫu xơ cứng, áp đặt; đấu tranh cho bình đẳng, dân chủ, vai trò cá nhân; phá vỡ những quy phạm nghệ thuật mòn cũ… là những mặt tốt”.

Trong thực tế, phát minh vĩ đại nhất của khoa học lại mang tinh thần Hậu Hiện đại, một phát minh của người bên lề, đó là Thuyết Tương đối của Einstein. Khi phát minh, Einstein không ở viện nghiên cứu, không dạy ở trường đại học, mà là một nhân viên hạng 3 ở phòng cấp bằng sáng chế. Bill Gate, anh chàng “lông bông” bỏ học đại học, cũng là người tự do, lại tạo ra được một vương quốc Microft vĩ đại. Giờ anh là một Bồ tát giữa đời thường. Và phải chăng chuyện viết lách của tôi cũng theo tinh thần Hậu hiện đại, bởi tôi cũng là một người bên lề.

Trong tự nhiên, trong một hệ kín, sự tăng độ hỗn loạn (với khái niệm entropy), dẫn đến sự đổ vỡ cái cũ là một quy luật khách quan. Một thể chế cũng có thể coi là một hệ kín. Nếu không mở để tiếp năng lượng của nền dân chủ, cũng sẽ bị thoái hóa.

Vì vậy nếu coi Chủ nghia hậu hiện đại như là phần bổ sung, sự đóng góp của hệ thống ngoài trung tâm, sẽ rất tốt cho sự phát triển.

Tiếc là thực tế lại không thế. Ngay Lyotard, nhà tư tưởng đã xây những tầng nền đầu tiên cho trào lưu hậu hiện đại, cũng rất cực đoan khi cho tất cả các lý thuyết đã có đều đổ vỡ. Nhưng trong thực tế chả có lý thuyết nào là đổ vỡ hoàn toàn cả mà chúng chỉ chưa hoàn chỉnh, chúng đều góp phần như những viên gạch lát con đường tiệm cận đến chân lý. Vì vậy Hậu hiện đại đã sai khi muốn biến mình thành dòng chính, và nội dung của học thuyết không phải bổ sung, đóng góp, mà là chống phá, lật đổ!

Vì thế, ta mới thấy có những cái kỳ quái đặc trưng của văn chương hậu hiện đại. Hầu như mọi sự việc và con người đều bị bóp méo; tính trung thực và lành mạnh bị phế bỏ; lịch sử bị làm méo mó một cách có ý thức. Sự nhại phỏng (pastiche): một loại hoán vị, xáo trộn những kiểu viết cũ, đó là lối lai tạp tạo ra sự giật gân và nhại văn để giễu cợt. Nhà văn hậu hiện đại Phá vỡ cấu trúc, gắng hết sức đập nát bốn yếu tố của tiểu thuyết là cốt chuyện, nhân vật, cảnh trí và đề tài, v.v…

Các nhà phê bình cho rằng, tất cả những sự khác thường đó của bút pháp hậu hiện đại, cái triệu chứng rối loạn ngôn từ, là do trong sự rạn nứt của xã hội tư bản, chúng chính là biểu hiện, theo Lyotard: “Hiện nay chúng ta đang ở trong một hình thức mới của bệnh thần kinh phân liệt".

Riêng về nhóm Mở Miệng tôi đã viết: “Tinh thần hậu hiện đại đã và đang phảng phất đâu đó trong văn chương Việt Nam cũng là lẽ thường tình, nhưng không có tài, không hiểu biết đến nơi đến chốn mà mê muội bắt chước, thì chỉ làm ra được những bản sao tồi mà thôi. Cũng đã có những nhóm cực đoan đúng là đã làm ra được văn chương hậu hiện đại thứ thiệt nhưng tiếc là chỉ mới ở dạng thấp nhất của nó. Ví dụ như tính phản kháng, phản kháng cao cấp tức là phải có khả năng phân tích sự yếu kém của cái cũ và đưa ra được cái mới tốt hơn thay thế, còn chỉ chống đối suông thì quá đơn giản. Có người đã mạnh miệng tuyên bố chúng tôi viết thế là để chống đối đấy.

Có điều, sự chống đối đó không phải là phẩm chất cao quý để vượt qua chủ nghĩa hiện đại mà chỉ đơn giản là “quậy”, cái thái độ không cần đến nghệ sĩ mà những kẻ bất hảo vô học còn làm tốt hơn. Có quá nhiều sự thô bỉ, bẩn thỉu, nhầy nhụa và hằn học, thậm chí lưu manh, trong văn chương “hậu hiện đại” này. Trong văn chương có hỗn loạn, thô tục, bẩn thỉu, bởi cuộc sống có phần như thế, nhưng coi chúng là “đặc trưng”, là “thi pháp” thì đã phi lý, phi mỹ, phi luân và cuối cùng là phi nhân hóa những đặc tính của văn chương.

Bởi đã là con người bình thường ai cũng biết phân biệt tốt với xấu, sạch sẽ với bẩn thỉu, lịch sự với thô tục… người ta chỉ để thùng rác chỗ khuất lấp chứ có ai lại trưng ra trong phòng khách, mà văn chương như phòng khách của tinh thần, không thể quăng bừa rác, uế tạp và thô bỉ lên đó được. Đã có những nhà phê bình, những trang web mang danh ở xã hội hậu hiện đại văn minh đề cao loại văn chương đó, cố công độc đáo hóa cái lập dị, nghiêm túc hóa cái bông phèng, sâu sắc hóa cái vô nghĩa, cao siêu hóa cái tầm thường, và cuối cùng là nhân bản hóa cái phi nhân tính, bởi đã kỳ công đi phân tích mùi thơm của thối rữa, tô vẽ màu sắc cho rác rưởi; cả hai, cả sự sáng tạo và thẩm định, hoàn toàn có thể nói thực chất chỉ là sự xả rác trí tuệ mà thôi”.

                                                                                                                          ĐÔNG LA

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

TT&HĐ I - 9/d

MUÔN MẶT ĐỜI THƯỜNG III/104

MỌC CÁNH