N-L 3/d

(Tiếp theo N-L 3/c)

Thêm một vài ý nghĩ rời rạc, "không giống ai":
         +Một trong những biểu hiện phổ biến nhất, được rút ra từ vận động vật chất trong thực tại khách quan là tính tương tự. Ví dụ: hầu như tất cả các hệ thống vĩ mô tồn tại độc lập tương đối trong Vũ Trụ đều có dạng dẹt, vận động nội tại theo phương thức xoáy, nghĩa là có một thực thể "đầu đàn" đóng vai trò làm trung tâm cho các thực thể còn lại (gọi là những hành tinh) quay quanh nó (trên (xấp xỉ!) cùng một mặt phẳng quĩ đạo). Người ta gọi đó là những hệ hành tinh mà Hệ Mặt Trời là một trong số đó. Trong thế giới vô cùng nhỏ cũng tương tự như vậy. Điển hình là các nguyên tử: nội tại của chúng gồm hạt nhân (hợp thành từ các nuclêon) đóng vai trò trung tâm và "quay" quanh nó là các điện tử (đóng vai trò là những hành tinh). Dù sự "quay" của các điện tử quanh hạt nhân, do ở tầng không gian vi mô bị hạn chế về số lượng phương chiều và hơn nữa, tính ơclít đã bị vi phạm (đây là ý riêng, suy đoán rút ra từ "báo cáo" của các kết quả thí nghiệm vật lý vi mô, chứ vật lý hiện đại chưa chính thức khẳng định!) nên  không còn thể hiện xác định tính quĩ đạo và đồng thời cũng không thể hiện sự tồn tại mặt phẳng quĩ đạo chung, thì trong một khuôn khổ qui ước mở rộng nhất định, vẫn có thể gọi nguyên tử nào đó là một hệ hành tinh (đúng nghĩa)...Xét về tính lý tưởng thì chủ nghĩa cộng sản cũng tương tự con lắc toán học (đừng vội phì cười vì trong hình học tôpô sự so sánh tương tự còn khập khiễng hơn nhiều nhưng...đố ai cười được!). Nếu lực ma sát đã là nguyên nhân cơ bản "cấm" con lắc toán học xuất hiện trong hiện thực, thì "lực cản" nào đã cấm hình mẫu xã hội cộng sản trở thành hiện thực? Có thể tạo ra trong hiện thực một con lắc (con lắc vật lý) hoạt động điều hòa như con lắc toán học bằng cách bù lực hợp lý cho nó. Vậy, cần phải bổ sung một cách hợp lý cái gì để một xã hội có cấu trúc như hình mẫu xã hội theo lý tưởng cộng sản hoạt động được suông sẻ và lâu bền trong hiện thực?
          +Nhớ lại, Liên bang cộng hòa xã hội chủ nghĩa Xô Viết đang là một quốc gia hùng cường (thực sự) nhất nhì thế giới thì bỗng "đùng một cái" tan rã nhanh chóng và dễ dàng đến nỗi không một ai, kể cả những nhà phân tích tình hình sắc sảo nhất của đương thời đó có thể ngờ được. Nhưng rõ ràng đó không thể là biến cố thuần túy ngẫu nhiên, mà là kết quả của cả một quá trình tích tụ ngày càng lớn những mâu thuẫn không dung hòa được và cũng không khắc phục được giữa ý chí tạo dựng xã hội xã hội chủ nghĩa trong hiện thực và những vấn nạn nảy sinh, phát tác dai dẳng trong thực tại đời sống xã hội như một căn bệnh không có thuốc đặc trị. Từ ngày Nhà nước (cộng sản) Liên Xô tiêu vong cho tới nay, đã có nhiều công trình lý luận nghiệm túc mổ xẻ, nghiên cứu tỉ mỉ nhằm tìm ra câu trả lời xác đáng nhất vì sao sự sụp đổ đó lại có thể xảy ra và xảy ra theo cái cách "oái oăm" như thế. Trên báo Nhân Dân (điện tử) có bài viết mang tựa đề: "Những bài học từ sự sụp đổ của Đảng cộng sản Liên Xô". Có lẽ đó là "bản tổng kết" có hệ thống, đầy đủ và súc tích nhất của các nhà mácxít Việt Nam về những nguyên nhân dẫn đến sự tiêu vong nhà nước cộng sản đầu tiên trên thế giới. Cụ thể, bài viết đó chỉ ra 4 nguyên nhân cơ bản (tôi tóm lược lại) sau đây:
               *Vi phạm nguyên tắc cơ bản là "Tập trung dân chủ" trong xây dựng đảng và hoạt động của đảng.
               *Phạm sai lầm trong nhận định chính trị-kinh tế dẫn đến sai lầm trong hoạch định đường lối xây dựng chủ nghĩa xã hội ở từng thời kỳ nhất định theo như học thuyết Mác-Lê chỉ ra.
               *Sự tồn tại tầng lớp cộng sản chóp bu được hưởng đặc quyền đặc lợi, nạn tham nhũng, tha hóa đạo đức trong nội bộ đảng, trong bộ máy công quyền làm giảm mạnh lòng tin của nhân dân vào chế độ. 
               *Sự công phá của các thế lực thù địch từ bên ngoài bằng con đường gọi là "diễn biến hòa bình".
          +Quan sát từ góc độ khác, bốn cái gọi là nguyên nhân nói trên cũng chính là những tồn tại có tác động trực tiếp làm lung lạc tinh thần của đại chúng Liên-Xô, làm cho đại chúng Liên-Xô dần trở nên ngày càng chán nản, bất mãn, mất niềm tin vào chế độ trước một thực trạng xã hội đầy ảm đạm đồng thời chứa chấp nhiều khiên cưỡng, khắc kỷ, trái khoáy, bộc lộ ra những hiện tượng phi lý, bất công đến mức độ thành vấn nạn xã hội. Từ đó tất yếu phải nảy sinh trong lòng xã hội Liên-Xô mà chủ yếu là trong tầng lớp nhân sĩ, trí thức, kể cả trong guồng máy lãnh đạo cấp cao, sự nung nấu chín muồi dần về một cuộc cải cách toàn diện xã hội. Mầm mống tạo nên tiền đề của sự nung nấu ấy nếu không xuất hiện từ thời Lênin thì cũng vào thời Xtalin, trong giai đoạn trước chiến tranh thế giới thứ 2. (Cuộc chiến tranh vệ quốc đã xóa nhòa tất cả những mầm mống đã bắt đầu phát lộ ấy!...). Nhưng câu hỏi đặt ra là cải cách toàn diện xã hội theo hướng nào và như thế nào? Quá trình mấy chục năm xây dựng một xã hội theo hình mẫu của chủ nghĩa cộng sản và thực trạng đời sống vật chất- tinh thần xã hội mà công cuộc xây dựng đó đạt được, đã phô bày ra mâu thuẫn lớn, vô hình dung, làm cho lý tưởng cộng sản dần trở thành như một thứ giáo điều mà bộ phận lãnh đạo chóp bu của Đảng cộng sản Liên-Xô hơp thành như một giáo hội độc đoán, chuyên quyền, được điều hành bởi những kẻ đạo đức giả, luôn hô hào, rao giảng những tín điều của thứ giáo điều ấy cho đại chúng sống đạm bạc,  trong khi vẫn giành cho mình những đặc quyền, đặc lợi, cuộc sống trong nhung lụa, vinh hoa phú quí. Chính điều đó đã làm cho đại chúng Liên-Xô không những chán ghét Đảng cộng sản Liên-Xô mà còn mất hết niềm tin vào chủ nghĩa xã hội, đồng thời lại thấy ở xã hội tư bản phương Tây những điều mà họ mơ ước. Trong bài viết trên báo Nhân Dân (điện tử) đã nêu ở trên, có đề cập đến một sự kiện, đó là trước khi Đảng cộng sản Liên-Xô (chính thức!) tan rã, đã có một cuộc điều tra dân ý với câu hỏi: "Đảng cộng sản Liên-Xô đại diện cho ai?", và kết quả tổng hợp câu trả lời là:
                                       -Đại diện cho công nhân : 4%
                                       -Đại diện cho nhân dân Liên-Xô : 7%
                                       -Đại diện cho toàn thể đảng viên : 14%
                                       -Đại diện cho quan chức, cán bộ và nhân viên nhà nước : 75%
      Như vậy, có thể thấy chính quá trình vận động trong thực tế mấy chục năm của xã hội Liên-Xô đã làm hình thành nên trong tinh thần của đại chúng Liên-Xô nỗi bức xúc ngày càng gay gắt đòi hỏi phải có một cuộc cải tổ xã hội (hoặc có thể dùng thuật ngữ "đổi mới") sâu rộng có tính căn cơ và tất nhiên là theo xu hướng khắc phục tình trạng bao biện, chủ quan duy ý chí, độc đoán, lộng quyền trong sự lãnh đạo của Đảng cộng sản Liên-Xô, cũng như tình trạng quan liêu, giáo điều, khiên cưỡng, bảo thủ, cửa quyền trong sự điều hành của Nhà nước Liên-Xô. Đến đây, có thể rút ra nhận định rằng, sự xuất hiện M. Goorbachốp và B. Enxin, hai cá nhân chủ yếu và nổi bật trong việc trực tiếp làm tan rã Đảng cộng sản Liên-Xô cũng như làm sụp đổ nhanh chóng nhà nước Liên-Xô, vừa là một ngẫu nhiên "xui xẻo", vừa là một tất nhiên về mặt tư tưởng, được hun đúc nên từ chính những suy tư, trăn trở trong suốt gần nửa thế kỷ  thực hiện công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội (không thành công) của Đảng cộng sản và Nhà nước Liên-Xô. Nói cách khác, cải cách theo hướng "cởi mở" là yêu cầu bức thiết và cũng (sẽ) là "bước đi" mang tính tất yếu trong sự vận động của xã hội Liên-Xô (và cả hệ thống xã hội chủ nghĩa nói chung!). M. Goorbachép là người thức thời nhận biết được yêu cầu đó và cũng là người được đại chúng Liên-Xô kỳ vọng, giao cho trọng trách trực tiếp thực hiện yêu cầu đó trong thực tiễn. Tuy nhiên, do bị hạn chế bởi nhận thức có tính thời đại và có thể là cả sự lũng đoạn của bầu không khí chính trị đã bị "ngộ độc" ở Liên-Xô, mà Goorbachốp đã không có đủ lý trí để thấu tỏ được bài học quí báu của lịch sử, đã không tỉnh táo để cảm nhận được cái đẹp bản chất của chủ nghĩa xã hội và cái xấu bản chất của chủ nghĩa tư bản, đã không hiểu rằng những hiện tượng tiêu cực, suy đồi đạo đức là có tính phổ biến của xã hội loài người chứ không phải là riêng có của xã hội theo thiết chế nhà nước cộng sản, do đó đã "buông lơi" chuyên chính (thứ mà nhà nước theo thiết chế nào cũng phải chú trọng duy trì để bảo vệ chế độ), "thả rông" tự do, dân chủ quá trớn (những thứ mà nhà nước theo thiết chế nào cũng phải khống chế chúng trong một phạm vi, mức độ hạn định bằng chuyên chính, nếu muốn xã hội ổn định, không xảy ra hỗn loạn, và hơn nữa, có được tự do, dân chủ đúng nghĩa, đích thực!), cho nên đã thực thi "cởi mở" một cách vô lối, "tuốt tuồn tuột" đến độ...vô chính phủ, làm tan rã nhanh chóng Liên-Xô, tạo điều kiện thuận lợi có một không hai cho toàn xã hội Liên-Xô trở lại sống dưới chế độ tư bản chủ nghĩa - cái chế độ (cho đến nay về cơ bản vẫn vậy)  mặc nhiên ưu tiên đãi ngộ, đảm bảo quyền lợi cho cá nhân (nhân quyền), nhất là đối với những chủ tư bản mạnh, hơn hẳn sự đãi ngộ, đảm bảo quyền lợi cho cộng đồng (dân quyền), nhất là đối với những kẻ nghèo hèn, nghĩa là "hô hào" bình đẳng, bác ái nhưng trong thực thi vẫn dựa trên cơ sở...thiếu bình đẳng, thiếu bác ái (nên cũng tạo ra tâm lý xã hội tôn thờ đồng tiền thái quá, coi đồng tiền là chìa khóa vạn năng (mà cũng đúng thật!) giải quyết mọi mưu cầu, mọi vấn đề mắc mứu trong xã hội, từ đó kích thích lòng tham-sân-si của con người lên cao độ (nhiều khi đến mù quáng) và như thế, cũng coi như dung túng tiềm tàng nhiều mầm mống bất công, nhẫn tâm luôn "nảy lộc vươn chồi " ra mọi lúc, mọi nơi), đó là cái chế độ mà nhân dân Liên-Xô đã từng trải nghiệm nên đã tin theo Đảng cộng sản Liên-Xô, tốn biết bao công sức, máu xương chối bỏ nó và xây dựng xã hội theo chế độ cộng sản (có bản chất hoạt động lý thuyết là chủ đích và trực tiếp vì quyền lợi của toàn dân (dân quyền) rồi thông qua đó mà (gián tiếp) cũng vì nhân quyền). Qua đó mà thấy, Goorbachốp đã không những không thỏa mãn được kỳ vọng của đại chúng Liên-Xô để có cơ may là "nhà cải tổ vĩ đại" như ông ta từng "tự sướng", mà còn trở thành tội đồ phá tan mọi thành quả tốt đẹp đã đạt được trong thực tế (dù còn nhiều hạn chế phải khắc phục!) của công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội (dù chưa thành). Nếu giả sử rằng, Goorbachốp là Lênin, hoặc thấu tỏ được cái ẩn chứa sâu xa có ý nghĩa như một nguyên tắc cơ bản (có tên gọi là "Chủ nghĩa tư bản nhà nước") trong chủ trương "Chính sách kinh tế mới" (gọi tắt là "NEP") của Lênin kiệt xuất (vì chỉ có kiệt xuất mới đủ trí lực hiểu được ý kiến còn khái lược trước đó của thiện tài (của Mác) và đưa ra chủ trương ấy, trong thời buổi bấy giờ!) để lấy đó làm cơ sở vận dụng, đề ra nội dung cải tổ trong tình hình mới, thì sự thể chắc là sẽ rất khác hiện nay, theo hướng tốt đẹp hơn nhiều. Nhưng...than ôi!
            +Sau đây là nhận định trong "Lịch sử thế giới hiện đại" (NXB Giáo Dục-2006, Nguyễn An Thái chủ biên):
     "Với những biện pháp của Chính sách kinh tế mới, Lênin đã chỉ ra sự cần thiết phải thay đổi về căn bản các nhận thức, quan niệm trước đây về chủ nghĩa xã hội. Đó là sự chuyển hướng chiến lược từ quá độ trực tiếp sang quá độ gián tiếp, từ từ, từng bước một, kiên trì tìm tòi những bước đi thích hợp, vừa tầm đi tới chủ nghĩa xã hội. Lênin đòi hỏi phải áp dụng những biện pháp cần thiết là thỏa hiệp với nông dân, tự do buôn bán, mở rộng thị trường, sử dụng quan hệ hàng hóa-tiền tệ...vì lợi ích của chủ nghĩa xã hội. Phát triển sức sản xuất, chuyển từ ảo tưởng "kế hoạch hóa tập trung, phân phối trực tiếp bằng hiện vật" sang thực thi kinh tế hàng hóa-thị trường, phát triển dân chủ và củng cố vai trò chính trị của Đảng...". (Những chữ in nghiêng, đậm là tôi nhấn mạnh-nv). Ngày nay nhìn lại, chính Lênin là người đầu tiên nêu lên một cách cụ thể ý tưởng "xây dựng và phát triển kinh tế theo định hướng xã hội chủ nghĩa". Tiếc rằng Lênin mất quá sớm, và Xtalin đã không thấm nhuần được tư tưởng đúng đắn đó của ông.
            +Như đã nói, bốn nguyên nhân cơ bản nêu trên (có lẽ gọi là bốn duyên cớ trực tiếp nghe hợp lý hơn?) cũng là bốn tồn tại hủy hoại tinh thần xã hội dẫn đến sự sụp đổ của nhà nước Liên-Xô. Theo nguyên lý nhân quả thì bốn tồn tại đó phải có nguyên nhân tạo ra chúng. Trong bốn tồn tại đó, tồn tại thứ tư (tác động "diễn biến hòa bình") có nguyên nhân ngoại lai và thứ yếu (vì đối với một "cơ thể xã hội" lành mạnh thì tác động đó không thể gây nguy hại gì), nên không cần chú ý đến. Ba tồn tại còn lại rõ ràng có nguyên nhân phát sinh ngay trong nội tại xã hội mà chủ yếu là trong nội bộ ban lãnh đạo Đảng cộng sản và Nhà nước Liên-Xô, Dễ thấy ngay, tồn tại thứ nhất do ý chí cá nhân độc chiếm độc tôn quyền lực lãnh đạo gây ra. Tồn tại thứ hai một phần do tồn tại thứ nhất, phần lớn hơn do chưa nhận thức được luận điểm đóng vai trò là một nguyên lý cơ bản về xây dựng chủ nghĩa xã hội nêu trên của Lênin. Tồn tại thứ ba do ý chí củng cố, tự vệ quyền lực cá nhân, đồng thời với nạn tham quyền cố vị, thèm khát danh lợi gây ra. Như vậy, chung qui lại, cả ba tồn tại, xét cho cùng, đều do ý chí chủ quan của con người, hay nói chính xác hơn, do lý trí bị đầu độc đến mê quáng bởi bản tính tham-sân-si (có nguồn gốc từ tự nhiên, "thường trú" một cách (gần như!) cố hữu trong tâm hồn con người) gây ra.
            +Nói thêm và ngắn gọn về tham-sân-si. Bản năng sinh tồn làm xuất hiện tính tham. Tính tham đã biểu hiện với mức độ mờ-tỏ nào đó ở các giồng loài sinh vật chưa có tư duy, và rõ nhất là ở những động vật có thần kinh bậc cao. Ở loài động vật có tư duy trừu tượng (loài người), sự hồi ức và suy diễn làm cho tính tham trở nên đặc biệt sâu sắc và (tạm gọi là) cuồng nhiệt, "đeo đẳng" dai dẳng trong tâm hồn con người và luôn hối thúc "cái tôi" thỏa mãn nó. Có thể dùng thuật ngữ "thèm khát danh lợi" để nói về cái tham đặc thù, được hình thành nên từ sự "kết hợp" giữa bản năng với ý thức, có gốc tồn tại sâu trong tiềm thức và do đó, chỉ ở loài người mới có. Vì có cái tham và ý chí thỏa mãn cái tham ấy mà cũng "dễ bề" xuất hiện cái "sân" (ích kỷ, ghen ghét, ganh đua, tranh dành...) ở mỗi con người, và mọi bất công, đau thương, khốn khổ do con người gây ra cho con người trong xã hội ( nghĩa là trong cả tình cảm máu mủ ruột thịt, trong cả tình yêu lứa đôi) đều từ đó mà ra cả. Vì tham-sân "dính líu" đến bản năng (có tính tự phát, mù quáng) nên không thể tiệt trừ tuyệt đối được, nhưng vì "dính líu" đến cả ý thức (có tính tự giác, tỏ tường) nên có thể tiêu trừ tương đối được. Tuy nhiên, muốn tiêu trừ tham-sân hoặc chế ngự tham-sân ở mức độ (nào đó được qui ước là) hợp lý thì ý thức phải thực sự thông tuệ, thực sự thấu suốt về nhân tình thế thái (cực khó để đạt được như thế đấy nhé!!!), mà trong Đạo Phật trạng thái ý thức ấy được gọi là "giác ngộ", hơn nữa là "đại ngộ". Ý thức khó  đạt đến chí lý, chí tình được là vì sự ngăn cản, "quậy phá" (ngay từ đầu!) của hai yếu tố chính yếu: trình độ nhận thức về tự nhiên-xã hội-nhân sinh và chính cái tham cố hữu trong lòng người. Một ý thức chưa thực sự giác ngộ thì có nghĩa vẫn còn mê muội, lầm lạc, hay nói như Đạo Phật là còn bị "si". Vậy thì cái si cũng là vốn có ở mỗi con người nhưng nó ở trạng thái "yếu" hay "mạnh" lại là do tình thế cuộc sống và tinh thần xã hội chi phối. Chẳng hạn, trong xã hội có năng lực chế tác to lớn, tự do sản xuất hàng hóa (xã hội tư bản), tất yếu dẫn đến cạnh tranh thị trường với mọi thủ đoạn có thể để tiêu thụ mà phương thức cơ bản nhất, chính yếu nhất là kích thích tiêu dùng, nghĩa là khuyến dụ ý thức đã si càng...si hơn nữa (!) bằng quảng cáo (quảng cáo tràn lan rõ ràng là lợi bất cập hại!). Ý thức như thế nào thì ý chí (chủ đích tự giác của trí não về chân lý, về đúng-sai, muốn đạt tới) như thế. Nếu quan niệm lý trí là tư đuy đã đạt đến thuần túy khách quan (nghĩa là chí lý) thì ý chí là lý trí vẫn còn bị lũng đoạn bởi nhận thức còn hạn chế bởi cảm tính chủ quan, "vướng víu" bản năng đầy bảo thủ của con người. Mức độ si của ý thức qui định mức độ tham-sân và khi ý thức lạc đến si cuồng thì tham-sân sẽ bùng phát vô lối đến cao độ, thậm chí đến...vô độ lượng. Lúc đó, ý chí sẵn sàng bất chấp luân thường đạo lý, sẵn sàng thực hiện mọi thủ đoạn đê hèn cũng như độc ác nhất. Và một khi ý chí ấy ở địa vị lãnh đạo (nghĩa là nắm được quyền lực nhất định) thì...thôi rồi!!! Như vậy, qui kết lại, con người gây ra khốn khổ, đau thương cho đồng loại trong xã hội là tại tham-sân-si thái quá với vai trò "đầu tàu" là "đồng chí" si - sự mê muội, lầm lạc, và sự mê lầm này rốt cuộc, theo Đức Phật là do vô minh (không biết, chưa "đốn ngộ"). 
            +Theo truyền thuyết, có lần một người hỏi Đức Phật Thích Ca về nguồn gốc của vô minh, ngài đã im lặng, không trả lời. Lúc đó ngài biết nhưng không muốn trả lời hay thực ra là ngài cũng không biết? Nghi vấn đó còn tồn tại đến ngày nay. Không nên hiểu khái niệm vô minh của Đức Phật chỉ theo nghĩa hẹp như là sự ngu dốt, thiển cận thông thường mà phải hiểu như là sự hạn chế về khả năng nhận thức nói chung, có tính phổ biến của con người về tự nhiên-xã hội-nhân sinh, và khả năng nhận thức này là có tính thời đại, tùy thuộc vào mức độ tri thức của xã hội ở từng thời đại. Phải chăng vì chưa thấu tỏ được nguồn gốc của sự vô minh về cõi nhân sinh, về bản chất chung của con người cho nên lý tưởng của Phật Giáo về một xã hội không còn tham- sân- si, nghĩa là mọi khổ đau cũng không còn, dù có vẻ rất đẹp đẽ và giàu tình nhân ái, vẫn chỉ là ảo tưởng hão huyền? Và tương tự, cũng vì lý do đó mà dù vạch ra con đường chủ động hơn, sát thực hơn thì lý tưởng cộng sản cùng với hình mẫu xã hội xã hội chủ nghĩa của nó cũng chưa thể thành hiện thực được trong thời đại ngày nay, thậm chí là trong một tương lai không gần (không có nghĩa là xa!)? Nhưng không phải vì thế mà chối bỏ lý tưởng cộng sản trong việc định hướng xây dựng và phát triển xã hội!!!
             +Tiền đề lý luận của chủ nghĩa cộng sản là triết học duy vật lịch sử và học thuyết về giá trị thặng dư của Mác. Nếu cho rằng có một nguyên nhân sâu xa duy nhất- nguyên nhân tối hậu của mọi nguyên nhân- làm cho hình mẫu xã hội cộng sản còn lâu nữa mới có cơ may trở thành hiện thực được, và muốn phát hiện ra nó, thì khả năng duy nhất là phải xem xét kỹ lại hai luận thuyết đó, mà bước đầu tiên tất nhiên là phải xác định lại tính thỏa đáng (mức độ đúng-sai) của những khái niệm, quan niệm nền tảng như: nhà nước, giai cấp, bóc lột thặng dư sức lao động...Dưới đây là vài suy lý phản biện (nêu ra làm thí dụ để tham khảo chứ chưa chắc đã đúng!).
               +Một trong những nguyên lý cơ bản nhất của tự nhiên là nguyên lý nhân-quả. Nội dung của nguyên lý này nôm na là, không gì có thể xuất hiện ra được từ sự không có gì (!), nghĩa là cái gì đó sinh ra sau bao giờ cũng là thành tạo thông qua quá trình vận động, tương tác, chuyển hóa, đúc kết của những cái có liên quan và đã được sinh ra trước đó. Xét về mặt vật chất và vận động thì "máu thịt" và "sự sống" của cái mới chỉ có thể là sự "tích hợp", "cấu thành" nào đó từ "máu thịt" và "sự sống" của những cái cũ. Chính vì thế mà quá trình nhân-quả cũng đồng thời là quá trình mang tính kế thừa-tân tạo (gọi chung là sáng tạo cho gọn!): kế thừa để sáng tạo và sáng tạo trên cơ sở kế thừa. Quá trình nhân-quả là quá trình tự nhiên (dù có nhân tạo đến mấy thì xét cho cùng tận vẫn là thiên tạo!!!), xét ở góc độ khách quan nhất là không phát triển mà cũng không suy tàn. Chỉ khi qua tư duy nhận thức và chủ quan qui ước dựa trên một cơ sở nhất định nào đó mới có thể đánh giá một quá trình nhân-quả nào đó là đúng hay sai, tốt hay xấu, phát triển hay suy tàn (mà thực ra cũng tương đối thôi chứ không thể dứt khoát được!). Suy ra từ luận đề đó sẽ có nhận định: lịch sử xã hội loài người là một quá trình luôn đổi mới trên cơ sở kế thừa, và sự đổi mới ấy cho đến nay là luôn trong xu thế phát triển nếu xét về trình độ nhận thức, năng lực chế tác cũng như mức độ tinh vi của những thành quả nhân tạo ( còn nếu xét về mặt tiến hóa sinh học hay về mức độ đày đọa, giết chóc lẫn nhau trong nội bộ loài...thì chắc gì đã phát triển(?), thậm chí nhiều khi chỉ có thể nói không suy tàn thì cũng...suy đồi!). Mác là người trên cơ sở kế thừa và sáng tạo quan niệm về tự nhiên của Hêghen, đã đề xướng ra ba qui luật cơ bản của vận động vật chất (qui luật lượng đổi thì chất đổi và ngược lại, qui luật mâu thuẫn, qui luật phủ định của phủ định) và cho rằng mọi quá trình nhân- quả đều vận động tuân theo ba qui luật này. Trong ba qui luật đó, qui luật mâu thuẫn (hay còn gọi là qui luật thống nhất và đấu tranh giữa các mặt đối lập) đóng vai trò "xương sống", nòng cốt. Theo Hêghen, mâu thuẫn là một tồn tại vốn dĩ (sẵn có "từ trước"), đóng vai trò là nguồn gốc bên trong của sự vận động và phát triển. Ông khẳng định: "Mâu thuẫn là cái làm cho thế giới vận động", "là nguyên tắc của mọi sự tự thân vận động", hơn nữa, "một cái gì đó là có sự sống, chỉ bởi vì và chỉ trong chừng mực cái đó chứa mâu thuẫn trong bản thân nó, đồng thời, nó là một lực lượng có khả năng can thiệp vào mâu thuẫn đó trong bản thân nó, và có khả năng chịu đựng cũng như vượt qua mâu thuẫn đó". Nếu thừa nhận rằng (và không thể không thừa nhận được!), mọi quá trình vận động (được thấy!) có khởi đầu và kết thúc đều phải tuân theo nguyên lý nhân-quả, và ngược lại, sự qui định của nguyên lý nhân-quả làm cho mọi tồn tại (được thấy!) xuất hiện (trong vũ trụ) trước sau gì cũng phải tiêu vong, thì cũng phải thừa nhận rằng, quan niệm nêu trên của Hêghen là chưa thỏa đáng, thậm chí là hoàn toàn sai lầm, vì đã vi phạm nguyên lý nhân- quả. Nếu quả thực đó là sai lầm thì khả năng chủ yếu là vì Hêghen đã không vượt qua được phạm vi nhận thức khoa học còn hạn chế của thời đại mình, và đã rút ra kết luận từ sự quan sát, suy diễn mang nặng cảm tính trực giác, kinh nghiệm chủ quan, dẫn đến quan niệm siêu hình, ẩn chứa mâu thuẫn logic. Cụ thể ở đây, Hêghen đã ngộ nhận, "đề cao" vận động tự thân của sự vật đến mức tuyệt đối. Thực ra, ngoại trừ bản thân Vũ Trụ, còn lại không thể có bất cứ một sự vật nào có thể vận động tự thân một cách tuyệt đối được. Bởi vì nếu có tự thân vận động tuyệt đối thì cũng phải có tự thân xuất hiện tuyệt đối và tự thân mất đi tuyệt đối, và như thế không những là vi phạm nguyên lý nhân-quả mà còn "dẫn đến" triệt tiêu tuyệt đối mâu thuẫn - cái đóng vai trò là tiền đề làm nên sự (tự thân) vận động. Khi nói  một vật nào đó tự thân vận động thì nên hiểu rằng sự tự thân ấy chỉ là tương đối, trong một phạm vi nhất định, theo một mức độ qui ước hạn định mà thôi. Ngay cả sự suy nghĩ của một con người cũng vậy! Rất dễ thấy rằng vận động nội tại của một vật là có tính tự thân. Nhưng đồng thời (dù khó thấy), vận động nội tại ấy cũng có mối quan hệ tương tác thường xuyên liên tục với môi trường bên ngoài. Có thể nói, sự vận động nội tại của một vật quyết định sự tồn tại của vật đó, tính tự thân của vận động này thể hiện ra (tạm coi như là) làm cho nội tại vật có xu thế "trở về" trạng thái cân bằng tĩnh tại (bất động, chết), còn tác động của môi trường thì thể hiện ra ở chỗ (cũng tạm coi như là) làm cho vận động  nội tại vật được duy trì lâu dài ở (những) trạng thái cân bằng động nào đó mà (sự biến đổi của) môi trường qui định. Chung qui thì tùy thuộc vào cách thức, mức độ, sự biến đổi tác động của mội trường đối với vận động nội tại của một vật mà vật đó có thể được duy trì, tăng cường hơn, suy yếu đi, hay thậm chí là bị chấm dứt đột ngột sự tồn tại của nó. (Nói ngoài lề: phải chăng đó cũng là căn nguyên sâu xa nhất về sự tồn-vong tất yếu của vạn vật vô sinh cũng như về sự sống-chết định mệnh trong giới hữu sinh???)...Đến đây, có thể khẳng định, nếu nguyên lý nhân-quả đích thực là chân lý, thì qui luật mâu thuẫn phải là "phiếm chân lý" (từ dùng của Hêghen) và do đó chắc chắn hai qui luật về tự nhiên còn lại của Mác nhiều ít gì cũng "phiếm chân lý"...(Còn tiếp)

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

TT&HĐ I - 9/d

MUÔN MẶT ĐỜI THƯỜNG III/104

MỌC CÁNH