Thứ Tư, 4 tháng 3, 2015

CÂU CHUYỆN KHOA HỌC .35

(ĐC sưu tàm trên NET)

Khi về già bạn sẽ như thế nào

Không còn mong giàu sang, sợ bệnh tật, sống cô đơn, cái chết... có thể là cảm xúc bạn sẽ gặp khi trở nên già đi.
 
Lan Lan (Theo Getold.com)

 

Phải chăng con người đang thông minh hơn

Các nhà khoa ở ở Học viện Hoàng gia London, qua phân tích 405 nghiên cứu về IQ từ năm 1950, kết luận rằng chỉ số bình quân trí thông minh của nhân loại tăng 20 điểm.
    81281452-gettyimages-518399413-2313-1425
    Trẻ em được giáo dục sớm cũng là một trong những yếu tố làm tăng chỉ số IQ. Ảnh: BBC
    Theo BBC, Peera Wongupparaj, Veena Kumari và Robin Morris - ba nhà nghiên cứu ở Học viện Hoàng gia London đã thu thập dữ liệu đánh giá IQ của hơn 200 nghìn người ở 48 quốc gia trong vòng 64 năm.
    Các bài kiểm tra IQ được thiết kế nhằm đảm bảo kết quả trung bình luôn ở mức 100, chính vì thế, chỉ số bình quân tăng 20 điểm là một bước nhảy đầy ý nghĩa.
    Tuy nhiên, nghiên cứu cho thấy, chỉ số IQ tăng vọt ở các nước đang phát triển, rõ rệt ở Trung Quốc và Ấn Độ. Những nước phát triển như Mỹ, chỉ số tăng ở mức ổn định, thậm chí còn giảm ở Anh.
    Năm 1982, James Flynn, một nhà triết học và tâm lý học ở Đại học OTago, New Zealand, khi xem xét những bài kiểm tra IQ của Mỹ thời trước, đã nhận ra rằng "những người làm bài kiểm tra cũ có điểm số cao hơn so với bài kiểm tra mới". Nói cách khác, những bài kiểm tra đang ngày một khó hơn.
    Điều này được gọi là Hiệu ứng Flynn, cho dù ông Flynn nhấn mạnh mình không phải người đầu tiên nhận ra điều này, và không xứng với cái tên được đặt. Nhưng nếu các bài kiểm tra đang khó hơn, mà điểm số trung bình vẫn ổn định ở mức 100, có nghĩa là người ta đang ngày một thông minh hơn.
    Nếu ngày nay, người Mỹ làm bài kiểm tra IQ của một thế kỷ trước, họ sẽ đạt mức điểm trung bình 130 - mức rất cao. Còn nếu người Mỹ ở 100 năm trước làm những bài IQ hiện nay, họ chỉ đạt mức 70. Nói cách khác, qua mỗi thập kỷ, chỉ số IQ lại tăng lên khoảng 3 điểm.
    Tại sao lại có sự thay đổi đó?
    Theo BBC, rất có thể do môi trường giáo dục đã thay đổi, các phương pháp giảng dạy được cải tiến, giúp đào tạo con người tư duy tốt hơn.
    Một giả thuyết nữa cho rằng thế giới ngày nay trực quan hơn so với thế giới 100 năm trước. Có lẽ truyền hình, trò chơi video, quảng cáo và sự gia tăng của các biểu tượng ở công sở khiến chúng ta dễ dàng hơn trong việc giải mã các tín hiệu ảnh và xác định mẫu.
    Ngoài ra, dinh dưỡng cũng đóng vai trò đặc biệt trong việc tăng trí thông minh. Richard Lynn, giáo sư danh dự khoa Tâm lý học thuộc Đại học Ulster, Bắc Ireland, lập luận rằng dinh dưỡng bào thai là yếu tố quyết định cân nặng khi sinh, có tương quan với chỉ số IQ cao hơn.
    Untitled-7083-1425371896.jpg
    Sơ đồ tăng trưởng IQ toàn cầu. Ảnh: BBC
    Hồng Hạnh
     

    Cậu bé có chỉ số IQ cao hơn Albert Einstein

    Với chỉ số 162, tức cao hơn ba điểm so với nhà vật lý học Albert Einstein, một cậu bé 14 tuổi ở Anh chính thức được công nhận là thành viên của Hiệp hội những người có chỉ số thông minh IQ cao nhất thế giới (Mensa).
      Paulius-Zabotkiene-14-is-pictu-9753-2158
      Paulius Zabotkiene, cậu bé 14 tuổi có chỉ số IQ cao hơn thiên tài vật lý Albert Einstein, tỷ phú Bill Gates hay giáo sư Stephen Hawking. Ảnh: Newsteam/SWNS.
      Paulius Zabotkiene, 14 tuổi, hiện là học sinh của trường Blessed Edward Oldcorne, thành phố Worcester. Paulius thử sức với bài kiểm tra IQ của Mensa tháng trước sau khi được bố mẹ khuyến khích.
      Cậu bé đã khiến họ không khỏi ngạc nhiên khi đạt số điểm cao và được xếp vào nhóm 10% những người thông minh nhất nước Anh. Chỉ số IQ 162 của Paulius cao hơn hai điểm so với nhà vật lý học Albert Einstein, tỷ phú Bill Gates hay giáo sư Stephen Hawking. Đây cũng là chỉ số cao nhất ở lứa tuổi dưới 18.
      "Cháu rất ngạc nhiên và thực sự rất vui khi đạt được số điểm cao đó. Cháu chưa từng nghĩ đến điều đó, cảm giác như đang ở trên mây vậy. Cháu hy vọng sẽ tiếp tục học tập chăm chỉ ở trường và đỗ vào ngành kỹ thuật điện của Đại học Cambridge", Mirror dẫn lời thành viên mới của Mensa cho hay. Ngoài đam mê toán và khoa học, Paulius còn thích nghe nhạc, xem phim và các trò chơi trên máy tính.
      Tự hào khi nhắc đến cậu con trai, bà Egle nói: Chúng tôi thấy những đứa trẻ khác làm thử bài kiểm tra của Mensa ở Birmingham và nghĩ rằng Palius cũng nên thử sức. Thật không ngờ là thằng bé lại đạt điểm cao nhất. Vợ chồng tôi từng nghĩ rằng nó khá thông minh, nhưng đây là kết quả ngoài sức tưởng tượng".
      Egle cùng chồng phát hiện khả năng của con trai kể sau khi rời Lithuania và chuyển đến sống ở Worcester. Lúc đó Paulius 5 tuổi. Các giáo viên đều nói rằng cậu bé tỏ ra vượt trội hơn so với bạn bè, thành thạo tiếng Anh trong 6 tháng và có trí nhớ tốt.
      Từ 8 tuổi, Paulius bộc lộ sở thích đọc sách và thường kể lại cho bố mẹ nghe về khủng long, nhưng vị giáo sư tìm ra chúng và họ đến từng trường đại học nào hay ở đâu.
      "Một khi đã yêu thích điều gì, Paulius sẽ tìm hiểu về nó. Paulius cũng có năng khiếu về phim ảnh. Nó thường tự làm phim về âm nhạc, những nhạc sĩ hay bộ phim nổi tiếng", bà Egle nói.
      Theo Mensa, chỉ số IQ của người bình thường là khoảng 100. Một người có chỉ số IQ cao hơn 140 được xếp vào nhóm thiên tài.
      Thùy Linh

      Bác sĩ Italy tuyên bố có thể ghép đầu người năm 2017

      Một nhà giải phẫu học thần kinh Italy tuyên bố có thể thực hiện ca cấy ghép đầu người đầu tiên trên thế giới vào năm 2017, bất chấp nhiều ý kiến phản đối của đồng nghiệp.
        Main-Head-transplant-1985-1425002157.jpg
        Sergio Canavero tuyên bố có thể cấy ghép đầu người vào năm 2017, trong khi đó nhiều ý kiến cho rằng đây là điều không thể. Ảnh: Mirror
        "Anh em nhà Wright cho cất cánh chiếc máy bay đầu tiên của họ khi tất cả các chuyên gia trên thế giới cho rằng đó là điều không thể. Vì vậy, tôi không tin từ 'không thể'. Tôi đã nghiên cứu dự án này 30 năm, và công nghệ giờ đã sẵn sàng", Sky News dẫn lời ông Sergio Canavero, nhà giải phẫu học thần kinh người Italy, nói. Ông Canavero lần đầu công bố ý tưởng này năm 2013. 
        RT  hôm qua cho hay, chuyên gia người Italy tuyên bố ông có thể thực hiện ca cấy ghép đầu tiên trên thế giới trong hai năm tới. Ông cho rằng trong vòng một năm, người được ghép đầu có thể nói cùng một giọng và đi lại bình thường.
        Theo Canavero, trước khi phẫu thuật, hai cơ thể sẽ được làm lạnh nhằm bảo quản tốt hơn trong môi trường không có oxy. Chuyên gia sẽ cắt mở phần cổ và kết nối mạch máu chính giữa cơ thể người hiến và đầu người nhận. Giai đoạn quan trọng nhất là cắt rời và nối lại tủy sống. Sau khi phần cổ được khâu lại, bệnh nhân sẽ ở trạng thái hôn mê nhân tạo khoảng 4 tuần. Đây là khoảng thời gian để cơ thể họ thích nghi với bộ phận mới mà không cần di chuyển.
        Canavero từng ước tính chi phí cho ca phẫu thuật tiên phong khoảng 12 triệu USD. Người nhận "hoàn hảo" là người trẻ, có bộ não khỏe mạnh, mắc bệnh loạn dưỡng cơ hoặc rối loạn chuyển hóa.
        Trước tuyên bố này, nhiều ý kiến phản đối cho rằng phương pháp này không thể phục hồi khả năng kiểm soát của cơ thể. Bệnh nhân thường không vượt qua được chứng bại liệt sau khi tủy sống bị cắt đứt hoàn toàn.
        Richard Borgens, giám đốc Trung tâm nghiên cứu bại liệt của Đại học Purdue, Mỹ, nhận định ca phẫu thuật của Canavero không có tính đảm bảo. "Không có bằng chứng nào cho thấy sự kết nối giữa dây cột sống và não bộ sẽ khiến chức năng vận động hoặc cảm giác hoạt động hiệu quả sau khi đầu được ghép nối", ông nói.
        Cách đây hơn một thế kỷ, ca cấy ghép đầu đầu tiên được thực hiện trên cơ thể loài chó. Năm 1970, chuyên gia Robert J. White người Mỹ từng ghép đầu từ hai con khỉ, nhưng nó chỉ sống được 9 ngày.
        Anh Hoàng
         
        Đầu người có thể được cấy ghép 
        Giới khoa học cho biết, việc y học cho phép các nhà phẫu thuật cấy ghép thành công đầu lên thân người là điều hoàn toàn có thể xảy ra trong tương lai.
          h
          Tiến sĩ Sergio Canavero. Ảnh: meridianamagazine.org.
          Theo tiến sĩ Sergio Canavero, bác sĩ giải phẫu thần kinh người Italy, công nghệ này  đang được hoàn thiện để tương lai sẽ thực hiện được các thủ thuật giống trong tiểu thuyết giả tưởng Frankenstein.
          Hiện các tiến bộ y học vẫn chưa có cách nào nối lại thành công tủy sống để tránh tình trạng bại liệt từ các cuộc phẫu thuật. Nhưng, trong thời gian gần đây, một số nhà khoa học tin rằng, có thể cấy ghép thành công các dây cột sống và hạn chế tình trạng tử vong từ các cuộc phẫu thuật. 
          Năm 1970, giáo sư người Mỹ Robert White từng cấy ghép thành công đầu một con khỉ trên thân con khỉ khác. Đến nay, nhóm nhà khoa học do tiến sĩ Canavero đứng đầu đưa ra phương án tương tự dựa trên kết quả nghiên cứu này.
          Theo tiến sĩ Canavero, việc thực hiện được phẫu thuật ghép đầu người cần một đội ngũ 100 nhân viên làm việc trong vòng 36 giờ với chi phí thực hiện lên đến 8,5 triệu bảng Anh. 
          Tuy nhiên, các chuyên gia khác đã bác bỏ ý tưởng này. Giáo sư Anthony Warrens từ Hiệp hội cấy ghép Anh quốc cho The Sun biết: "Việc cấy ghép đầu vào cơ thể người là điều vô dụng hiện nay và toàn bộ giả thuyết này thật kỳ dị".
          Tiến sĩ Calum MacKellar từ Hội đồng Scotland nói rằng, nếu dựa trên đạo đức con người, thì việc làm đó giống như trong một bộ phim kinh dị.
          Đức Huy (theo Telegraph)

          Ông già sáng chế máy rửa ly 'made in Việt Nam'

          Ông Linh đưa chiếc ly bẩn vào, máy tự động bơm nước, vòng tua chà sát từ đáy tới thành ly, 3 giây sau ly sạch bong. 
          Cái máy rửa ly này cho ông Nguyễn Duy Linh (TP HCM) sáng chế với giá khoảng 4 triệu đồng, rẻ hơn gần 8 lần so với máy ngoại nhập. Người đàn ông 60 tuổi này từng tốt nghiệp Cao đẳng mỹ thuật Huế, đam mê sáng chế máy móc có tính ứng dụng cao. Trước đây ông từng chế tạo máy cắt khoai mì (sắn) và lẩy hạt bắp (ngô). 
          Ý tưởng chế tạo máy rửa ly của ông Linh xuất phát từ những lời than phiền của bạn bè kinh doanh cà phê về việc rửa ly tách trong giờ cao điểm đông khách. Rửa ly là công việc đơn giản nhưng tốn nhiều thời gian. Ông Linh tự tìm hiểu và nhận thấy máy rửa ly từ Italy, Đức nhập về Việt Nam giá thành lên đến vài chục triệu đồng. Chiếc máy rẻ nhất nhập từ Đức giá 33 triệu đồng nhưng có hạn chế như chỉ rửa vài loại ly có kích cỡ quy định.
          DSC-0014-JPG-2898-1407833684.jpg
          Ông Nguyễn Duy Linh sử dụng chiếc máy rửa ly tự chế. Ảnh: Khánh Ly
          Tự mày mò học hỏi trên báo chí và Internet, năm 2012 ông Linh chế tạo chiếc máy rửa ly với phiên bản đầu tiên còn khá thô sơ, dây rửa bằng dây dù nên tuổi thọ không lâu, hình thức cũng chưa được bắt mắt. Được bạn bè khuyến khích hoàn thiện vì chiếc máy rất hữu ích khi có lượng ly cần rửa lớn, ông bắt tay cải tiến cả hình thức và chất lượng máy. "Trong vòng một năm qua tôi nhiều lần cải tiến máy mới có hình dáng và chất lượng như hiện nay", ông Linh nói.
          Chiếc máy nhỏ gọn, cao 70 cm, riêng phần thân máy rộng 40 cm dài 40 cm có ống nối để nước chảy ra ngoài khỏi tốn công hứng nước bẩn… Để rửa 100 cái ly thì hệ thống máy tốn khoảng 7 lít nước, công suất tiêu thụ điện 1,5 kWh. Ưu điểm là máy có thể rửa ly mọi kích cỡ, từ ly sinh tố thân cao, ly có quai, đến nhỏ như ly uống rượu. Hạn chế là máy chưa có bộ phận sấy khô tại chỗ như nước ngoài và phải rửa từng ly một thay vì bỏ vào một khay 65 ly như máy ngoại nhập. Bù lại, năng suất rửa ly nhanh gần gấp 3 lần, đạt khoảng 1.000 chiếc trong một giờ, lại rửa từng ly một thay vì chờ đủ 65 cái nên đỡ hao điện.
          DSC-0024-JPG-3844-1407833685.jpg
          Chiếc máy rửa ly nhỏ gọn, không sử dụng xà phòng. Ảnh: Khánh Ly
          Chiếc máy gồm 3 bộ phận đơn giản: Thân máy, mút rửa, chậu hứng nước. Người dùng đưa ly vào máy, hệ thống ly tâm đánh từ thành ly tới đáy ly và theo chiều ngược lại, ma sát được hai lượt, không cần tốn xà phòng mà ly vẫn sáng bóng.
          Cách sử dụng máy được cho là thân thiện với người dùng, chỉ cầm đáy ly bằng lòng bàn tay rồi đưa vào máy. Khi máy được cấp điện, tay quay sẽ quay tròn, các lá bằng chất liệu cao su gắn trên tay quay ma sát vào lòng ly để lau chùi các vết bẩn. Đồng thời, hệ thống phun nước tự động dưới áp lực cao đẩy nước bẩn ra ngoài và trực tiếp bơm nước sạch vào.
          Trong tháng 7 ông Linh sản xuất được 8 cái máy theo đơn đặt hàng, thông thường chế tạo xong một chiếc trong vòng 2-3 ngày.
          Đang sử dụng chiếc máy rửa ly này cho quán cà phê của mình, ông Võ Vĩnh Nguyên cho biết: “Chiếc máy giúp công việc nhanh hơn, đỡ sử dụng xà phòng và nhỏ gọn, không chiếm nhiều diện tích căn bếp của quán”. Còn bà Nguyễn Tuyết Mai trực tiếp rửa ly tại quán này nói: “Trước đây tôi rửa mấy trăm cái ly luôn tay, khi dùng cái máy thì có thời gian rảnh tay, giảm 50% công việc”.
          DSC-0031-JPG-2603-1407833685.jpg
          Nhân viên sử dụng máy rửa ly tại quán cà phê ở quận 10. Ảnh: Khánh Ly
          Ông Linh bày tỏ: “Tôi chỉ mê sáng chế chứ vấn đề kinh doanh, phát triển sản phẩm thì không rành. Tôi sẵn sàng nhượng quyền sở hữu sáng chế cho những nhà kinh doanh muốn phát triển sản phẩm, sản xuất đại trà”. 
          Nhiều người mua máy rửa ly còn đặt hàng cả máy rửa chén. Do đó ông Linh đang nghiên cứu chuẩn bị cho ra đời chiếc máy rửa chén đỡ đần công việc bếp núc. Thiết kế của ông là máy rửa chén sẽ hoạt động trong hệ thống khép kín, có 2 tầng theo hệ thống băng chuyền, băng dưới dùng xà phòng và nước nóng 65 độ, băng trên ra chén đĩa sạch và tự động sấy khô, úp ngược.
          "Máy rửa chén đã hoàn thành bản vẽ từ lâu, tôi đang chế tạo dang dở, muộn nhất năm 2015 sẽ sản xuất được", ông Linh cho biết. Nhà sáng chế tay ngang này cũng tâm sự: "Tôi mong sao những sáng chế của người dân được Nhà nước quan tâm để Việt Nam không còn phụ thuộc quá nhiều vào những sáng chế của nước ngoài".
          Video hướng dẫn thao tác rửa ly ở máy         
                                                                                                              Khánh Ly

           


          Không có nhận xét nào:

          Đăng nhận xét