CÂU CHUYỆN LỊCH SỬ 41

(ĐC sưu tầm trên NET)

Hành trình hiếm có của người đầu tiên thỉnh xá lợi Phật

Chuyến đi của vị chân tu kéo dài 2 năm 4 tháng và gây tiếng vang trong thế giới đạo Phật.

    Câu chuyện về cuộc hành hương của một Phật tử người Việt đầu tiên đến quê hương Phật tổ hồi đầu thế kỷ 20 đến nay, (khi mà thế giới vẫn gọi Việt Nam là An Nan – một xứ thuộc địa của Pháp) vẫn làm người dân xúc động. Cũng chính người này được Quốc Vương xứ Tây Tạng cảm phục, phong cho pháp danh cao quý: Lạt ma Thubten Osall (bậc chân tu).
    Ông đến Sài Gòn vào ngày 22/5/1937 (Âm lịch) sau 2 năm 4 tháng hành hương. Hơn nửa thế kỷ sau, lật lại những trang nhật ký, lần lại từng bước chân trên con đường đi tìm chân lý đạo Phật hơn 2 năm khổ ải, người ta vẫn không khỏi xúc động về lòng mộ đạo và ngỡ ngàng khâm phục trước khả năng phi thường. Ông đã vượt qua gian nan bằng cái tâm nhà Phật.
    Con người hiếm hoi đó chính là thiền sư Minh Tịnh, hay còn gọi là Lạt ma Thubten Osoll (để tiện xưng, chúng tôi gọi là Thiền Sư Minh Tịnh - PV). Ông là vị hòa thượng khai sơn ngôi chùa Tây Tạng (ở TX. Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương ) ngày nay.
    Hành trình hiếm có của người đầu tiên thỉnh xá lợi Phật - Ảnh 1
    Thiền sư Minh Tịnh đứng trước tháp Bodhgaya (còn gọi lag Phật đà gia, xưa kia có cây bồ đề nơi đức Phật thành đạo).
    Một mình vượt biển tìm xá lợi
    Thiền sư Minh Tịnh, tên thật là Nguyễn Tấn Tạo, sinh năm 1888, trong một gia đình công chức bậc trung ở thôn An Thạnh (Lái Thiêu, tỉnh Thủ Dầu Một cũ, nay là tỉnh Bình Dương). Thuở thiếu thời, cậu bé Tấn Tạo rất thông minh, lớn lên nhanh chóng am hiểu Đông và Tây học.
    Năm 16 tuổi, Tấn Tạo bắt đầu tìm hiểu sang lĩnh vực Phật giáo. Những chân lý trong triết lý đạo Phật khiến cậu bé ngộ ra nhiều điều. Năm 1904, Tấn Tạo quyết định xuống tóc, quy y Phật pháp tại ngôi chùa Thiên Tôn nổi tiếng trong vùng lấy pháp danh là Minh Tịnh.
    Cuộc đời của một Phật tử là mong muốn một lần đặt chân lên mảnh đất đã khai sinh ra tôn giáo của mình. Chiều ngày 17/4/1935, Thiền sư Minh Tịnh đã quyết định một mình xuống tàu, bắt đầu hành hương tìm tới đất Phật.
    Ngày ra đi, hành trang của ông là một túi dạ đựng đầy kinh Phật, mấy đồng Rupee (tiền Ấn Độ) và vốn Anh ngữ bập bẹ. Trước đó, như nhân duyên phù trợ, Minh Tịnh gặp một người gốc Ấn Độ đại diện cho hội Phó hội trưởng Hội xã tri Madras - Ấn Độ ở Sài Gòn ở đường Catinat (đường Đồng Khởi, Q.1 TP.HCM ngày nay). Nghe Minh Tịnh trình bày lý do đến mảnh đất Ấn Độ, người này đã cảm kích và viết hai lá thư tay gởi gắm, giúp đỡ ông khi đặt chân lên quê hương Phật tổ.
    Ngay từ những ngày đầu tiên, Minh Tịnh đã chọn cách đi đơn giản, tiết kiệm nhất với tâm lý sẵn sàng đón nhận những gian nan thử thách. Trên con tàu viễn dương hướng Tây Thiên (Ấn Độ), ông chọn mua tấm vé hạng chót và lặng lẽ ngồi trên chiếc giường nhỏ trong khoang bếp ẩm thấp dành cho khách bình dân. Hướng mắt nhìn cảnh phố thị Sài Gòn lần cuối trước khi chính thức rời Việt Nam mà lòng ông nặng trĩu.
    Ngay lần đầu lên con tàu ngoại, Minh Tịnh tập ăn món ăn Ấn Độ và tranh thủ học tiếng Tamil để sau này có thể giao tiếp tốt nơi xứ người. Tàu đi 8 ngày, ghé Singapore, sau đó cập hải cảng Madras. Cảnh sinh hoạt của người dân nơi đây khiến ông cảm thấy ngạc nhiên. Bước chân lên đất liền, lần đầu tiên ông thấy cảnh tượng một người kỳ dị, không mảnh vải che thân nằm lăn lóc như người bị bỏ đói. Ông hỏi bạn hữu thì mới ngỡ ra đó là một dạng tu của đạo Fakir- một dạng đạo có thể nói là kỳ dị trong hệ thống đa đạo của Ấn Độ.
    Ở đạo này, người ta có thể cởi mình trần, nằm cả ngày ngoài mưa nắng, trên chông, gai mà không hề hấn. Nhưng điều Minh Tịnh băn khoăn nhất vẫ là rào cản ngôn ngữ. Ở Ấn Độ có nhiều tôn giáo, mỗi giáo có một thứ ngôn ngữ khác nhau, muốn giao thiệp được, chỉ còn một cách là học tiếng để nhập gia tùy tục.
    Hành trình hiếm có của người đầu tiên thỉnh xá lợi Phật - Ảnh 2
    Chùa Tây Tạng do chính thiền sư Minh Tịnh thiết kế
    Hồng phúc hiếm có
    Từ ngày đặt chân lên đất Ấn Độ, ông như người lạc vào thế giới lạ. Từ cảnh vật đến lối sống và tập tục con người nơi đây luôn đem lại cho Minh Tịnh sự tò mò, lôi cuốn đặc biệt. Cầm bức thư của Phó hội trưởng Hội xã tri Madras – Ấn Độ ấp ủ trong túi dạ, ông tìm đến một ngôi chùa ngoại đạo (đạo Hin Đu) và nương lại ở đây.
    Dù là một người theo đạo Phật, ông không khỏi ngạc nhiên trước văn hóa sùng đạo của người dân bản xứ. Từ già đến trẻ, từ nam đến nữ…đều theo một đạo nhất định và tin gần như tuyệt đối. Tạm trú ở chùa ngoại đạo, rồi một ngày ông lặng lẽ từ giã bạn hữu, tìm đến Vườn Lộc Uyển (còn gọi là Samath - Lộc giả viên). Đây được xem là nơi lần đầu tiên đức Phật giảng pháp sau ngày giác ngộ. Chẳng mấy chốc, ông làm quen và được chấp nhận vào hội ở khu Vườn này. Những ngày sau đó ông tiếp tục đi thăm các Phật tích như: Bồ Đề Đạo Tràng (nơi đức Phật giác ngộ), thăm Phật đà gia (Bodhi Gaya) nơi Phật thành đạo.
    Ngày 12/1/1936 (AL), Minh Tịnh sắm lễ vật dâng vị Thượng tọa, người quản tháp Bodhi Gaya (nơi được xem là đức Phật thành đạo). Tại đây trong những chiếc bình đựng xá lợi Phật (tức tro cốt của đức Phật hóa thành) chứa xá lợi Phật. Từ đó, trở về nhà trọ, ông thổn thức ngày quên ăn, đêm quên ngủ.
    Vượt ngàn dặm, băng trùng khơi từ quê nhà tới đây, ngoài việc học đạo, Minh Tịnh còn ý nguyện một lần được tận mắt thấy xá lợi của đức Phật. Nhưng viếng rồi muốn thấy, thấy rồi lại muốn thỉnh về. Nhưng đây là một điều chưa có tiền lệ. Bởi từ trước đến nay người đến viếng tháp nhiều nhưng rất ít người được chiếu cố cái phước nhìn thấy, huống chi là thỏa ý nguyện được thỉnh một phần xá lợi của đức Phật về. Điều này chính vị quản tháp cũng thừa nhận rằng: “Sáu đời hằng giữ chỗ này, chưa có ai có được hồng phúc ấy”.
    Không nhụt chí, những ngày sau, ông tiếp tục sắm lễ vật đến viếng tháp và thể hiện tâm nguyện với vị quản tháp. Cuối cùng, Minh Tịnh cũng đã thuyết phục được vị quản tháp và chiếu cố cho ông một đặc ân thỉnh xá lợi về quê hương.
    Buổi trao xá lợi được Minh Tịnh trịnh trọng ghi lại như sau: “Nói rồi vị quản tháp bưng bửu bình xuống, bảo bần tăng lấy một cái khăn vải vàng của Bổn đạo để trên đầu trải ra. Ngài trút cả bình trên khăn rồi bần tăng bèn túm khăn lễ bái đi ra. Bần đạo kiếu luôn về chỗ ngụ được dùng bữa ngọ, lòng mừng khấp khởi. Nếu như từ trước tới nay ngàn vạn người thập phương tới viếng tháp mà không được ý nguyện thì riêng một người An Nam đã làm được”. Đây cũng được xem là một kỷ niệm để đời trong chuyến Tây du đất Phật của thiền sư Minh Tịnh.
    Kỳ Anh

    Bí ẩn tháp cổ 7 tầng trên núi Đề Liêm

    Trải qua bao thăng trầm của lịch sử cùng với sự bào mòn của thời gian, hơn 350 năm nay, ngọn tháp cổ 7 tầng kỳ bí vẫn tồn tại hiên ngang và kiên cố.

    Xung quanh nó là rất nhiều những giai thoại và cả những chuyện có thật đang được người đời ngày ngày truyền tai nhau.
    Tìm đường về tháp cổ
    Tháp cổ 7 tầng nằm ở độ cao khoảng 80 mét tính từ chân núi Đề Liêm (phường Bình San, thị xã Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang), toàn bộ thân tháp được bao bọc bởi rễ cây bồ đề. Hàng trăm năm nay, tháp vẫn đứng đó, vững chãi và linh thiêng. Trèo lên dốc cao thẳng đứng để đến tháp thiêng, nắng chiều len qua kẽ lá cây bồ đề, chiếu thẳng vào thân tháp, tạo nên một màu vàng huyền hoặc, càng làm cho chúng tôi tò mò về những điều được kể khi chưa đến đây. Những người già nhất sống cạnh tháp kể rằng, xưa kia khu vực xung quanh tháp cây cối còn rậm rạp, hoang vu nên chẳng ai đặt chân đến đây, không ai nghĩ rằng có cái tháp nhỏ đang tồn tại.
    Bí ẩn tháp cổ 7 tầng trên núi Đề Liêm - Ảnh 1
    Tháp được bao bọc bởi rễ cây bồ đề.
    Nhưng đến năm 1969, như có duyên kỳ ngộ, những người khai hoang đã tìm ra cái tháp này và giữ gìn nó cho đến ngày nay. Theo truyền thuyết, vào khoảng nửa thế kỷ 17, có một vị chân tu vì muốn yên tĩnh đã tìm đến ngọn núi này dựng chùa tu hành, nhưng vì dốc núi dựng đứng, không thể lên cao được nên vị chân tu này lập một chùa nhỏ ở lưng chừng núi, ngày ngày ăn chay niệm phật.
    Thuở ấy, có nhiều người thấy vị này đắc đạo nên theo ông tu hành, sống an nhàn nơi cửa Phật. Nhưng một thời gian sau, vị chân tu này tạ thế, đệ tử của ông cho xây dựng một cái tháp nhỏ ngay bên cạnh chùa, đặt kim thân (xác vị chân tu-PV) của thầy vào để tiện bề hương khói. Cái tháp 7 tầng có từ đó. Nhưng theo thời gian, mưa gió, tháp đã bị vùi lấp đi hai tầng bên dưới nên nhìn chỉ còn 5 tầng. Những người sống ở đây tin rằng, dưới hai tầng âm ấy, là kim thân của vị chân tu, vẫn ngày ngày hiển linh, cứu nhân độ thế.
    Sử sách xưa còn ghi lại, bên cạnh chiếc tháp cổ huyền bí có một ngôi chùa tên Tiêu Sơn Tự, được biết đến là một trong mười thắng cảnh đẹp nhất Hà Tiên khi xưa. Trải qua chiến tranh liên miên, giặc Xiêm La nhiều lần sang quấy phá, đã xới tung cả ngôi chùa và đập phá tan tành, chùa xưa nay không còn nữa nhưng vẫn còn trơ lại nền đá vững chắc, dấu tích của thắng cảnh xưa.
    Duy chỉ có chiếc tháp nhỏ không bị xâm phạm, rồi thời gian sau, từ trên đỉnh tháp, mọc lên một cây bồ đề, cây lớn nhanh, cành lá sum suê, rễ cây mọc dần xuống, ôm trọn thân tháp, chỉ trừ cửa ra vào là rễ cây không bịt kín. Theo quan sát của chúng tôi, thành tháp chẳng có vẻ gì là kiên cố, ấy vậy mà, trải qua hơn ba thế kỷ, vẫn không hề hư hại, thành tháp không bị sập xuống. Rễ cây bồ đề vẫn bám chặt lấy thân tháp, những người đến khai hoang tin đó là điềm lành nên ngày ngày hương khói, bảo vệ tháp trước sự tàn phá của thời gian và cả người đời.
    Đến nay, trước cửa tháp vẫn còn một tấm bia đá, trên đó chạm khắc dòng chữ: "Lâm Tế tam thập lục thế. Ấn Đàm Lão hòa thượng chi tháp". Theo những người tu hành, dòng chữ này có nghĩa là: "Tháp mộ của Lão hòa thượng Ấn Đàm, tu dòng Lâm Tế đời thứ 36".
    Cùng với sự tồn tại đến kỳ lạ của tháp cổ là rất nhiều câu chuyện được người đời truyền tai nhau, có một sự thật phải thừa nhận rằng, ngôi tháp cổ này đã từng che chở cho 11 người dân trốn bên trong khi giặc Pôn Pốt tràn qua chém giết, điều này được những người may mắn thoát chết kể lại rất rành mạch. Hơn 3 thế kỷ chưa phải là dài so với lịch sử, nhưng có lẽ là quá dài so với một ngôi tháp mộ chỉ xây bằng vôi vữa bình thường. Rễ cây bồ đề vẫn bám chặt vào thân tháp nhưng không ăn sâu vào lòng tháp như một sự che chở vững chắc, người ta càng tin rằng, cây bồ đề như sự hiển linh của Lão hòa thượng muốn che chở cho vùng đất và con người nơi đây.
    Bí ẩn tháp cổ 7 tầng trên núi Đề Liêm - Ảnh 2
    Ông Lương Phến Cang kể lại những câu chuyện xoay quanh tháp cổ với phóng viên.
    Tháp cổ cứu người
    Trước khi đến tìm hiểu về tháp cổ trên núi Đề Liêm, chúng tôi đã được nghe nhiều người kể rằng, vào một ngày tháng 3 năm 1978, giặc Pôn Pốt tràn qua giết hại người dân Việt, có 11 người trốn vào thân tháp và may mắn không bị chết.
    Ông Lương Phến Cang (sinh năm 1941, ngụ khu phố 4, phường Bình San, thị xã Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang) cho biết: "Tháng 3 năm 1978, người dân Hà Tiên được lệnh sơ tán bởi quân Pôn Pốt đang tràn qua. Nhưng khi xưa, xung quanh khu vực núi Đề Liêm còn thưa người sinh sống nên những người sống gần khu vực chân núi không hề biết lệnh sơ tán. Đến khi nghe tiếng la hét của những người sống bên ngoài thì chúng tôi mới biết có giặc. Không thể trốn chạy khi quân Pôn Pốt đang đến rất gần, gia đình ông Trần Kim Sáu, cùng những người sống ở chân núi gồm tất cả 11 người chạy vào tháp lẩn trốn, cầu mong một điều thần kỳ xảy ra. Tôi là một trong những người trốn trong đó, thoát chết trong gang tấc, khi được cứu, ai cũng cho rằng, có lẽ tháp thiêng đã che chở cho mình".
    Ông Cang còn nhớ như in: "Đến sáng ngày 13/3/1978, một toán quân Pôn Pốt chừng 18 - 20 tuổi ăn mặc xộc xệch, ôm súng tiến đến chân núi Đề Liêm, chúng lùng sục vào từng căn nhà tàn phá. Không tìm thấy ai, chúng thấy một con đường mòn nhỏ dẫn lên núi nên theo con đường này lên sục sạo. Lúc này, nghe tiếng gót giày của giặc, một đứa trẻ bên trong tháp khóc ré lên, dù mẹ nó đã kịp bịt miệng lại nhưng giữa núi rừng, tiếng khóc ấy nghe quá rõ.
    Toán lính này tập trung sự chú ý vào ngôi tháp cổ, chĩa súng vào miệng tháp dòm ngó. Những người trốn bên trong ai cũng kinh hồn, nhắm mắt chờ tên lính nã đạn. Nhưng không biết vì lý do gì mà tên lính không bắn, bỗng tiếng chó sủa vang, rồi chồm tới tên lính, như một phản xạ tự nhiên, hắn quay lại bắn một loạt súng nhưng không trúng ai, chỉ trừ tấm bia đá khắc chữ đặt trước miệng tháp là bị mẻ một góc. Rồi tên lính cùng đồng bọn bỏ đi, lúc đó, ai ai cũng nghĩ rằng mình được tháp thiêng bảo vệ?.
    Hốt hoảng lo chạy trốn nên không ai mang theo gì, toán lính xuống chân núi ở luôn dưới đó nên không thể ra ngoài lấy gì ăn được. Những đứa bé đói lả người nhưng như biết tình cảnh lúc đó nên không ai kêu khóc. Đến trưa ngày 14/3/1978, bộ đội chủ lực của ta đã phản công, đánh bật giặc Pôn Pốt ra khỏi bờ cõi, toán lính kia bị tiêu diệt. Khi nghe tiếng những người lính Việt Nam, một người chạy ra thăm dò và cầu cứu, nhưng chạy được mấy bước thì ngã nhào, phần vì sợ, phần vì đói khát.
    May mắn được phát hiện, 11 người được cứu sống, đưa về bệnh viện chăm sóc. Mãi cho đến tận bây giờ, tôi vẫn không thể giải thích nổi, tại sao tên lính nhìn vào tháp mà không thấy chúng tôi, bởi nếu đứng ở vị trí cửa tháp nhìn vào bên trong thì thấy rõ ràng. Rồi con chó xuất hiện đúng lúc để đánh lạc hướng toán lính như một sự sắp đặt. Tôi vẫn không tin mình còn may mắn sống sót cho đến ngày nay".
    Dẫn chúng tôi ra ngôi tháp cổ, ông Cang chỉ cho chúng tôi vết đinh đóng bùa chú, vết cưa cây bồ đề mà cách đây vài năm có nhóm người đến với ý định đốn cây mang đi. Theo ông Cang, sau khi nhóm người này cưa được vài tấc thì lưỡi cưa kẹt cứng, dùng búa chặt nhưng lưỡi búa bị hút chặt không gỡ ra được. Lúc này, có một vị sư đến niệm chú, tụng kinh, sau buổi tụng, vị sư này cầm cưa và búa lấy ra dễ dàng. Câu chuyện huyền bí đến mức khó tin, nhưng đến nay vẫn được nhiều người truyền tai nhau. Trao đổi với nhiều nhà nghiên cứu về đất Hà Tiên, họ cũng khẳng định, chuyện có 11 người trốn trong tháp được cứu sống khi quân Pôn Pốt tràn qua là có thật. Nhiều nhân chứng trong lần thoát chết đó vẫn còn sống và họ đều khẳng định như ông Cang kể.
    Cần có biện pháp bảo vệ di tích cổ Tháp 7 tầng trên núi Đề Liêm là kiến trúc cổ độc đáo nhất ở Hà Tiên còn sót lại và nguyên vẹn đến ngày nay, từ khi được xây dựng đến giờ chưa một lần phải tôn tạo nhưng vẫn vững chắc. Đó không chỉ là một di tích, mà còn khẳng định sự sinh tồn mãnh liệt của cha ông người Việt nơi mảnh đất xa xôi ở cực Nam Tổ quốc. Nhưng theo nhiều người dân sống ở đây, tháp cổ 7 tầng vẫn chưa được quan tâm, bảo vệ trước sự bào mòn của thiên nhiên.
    Công Thư
     

    Những bí ẩn kinh hoàng từ xác ướp 5300 năm

    "Người băng Otzi" là tên gọi của một xác ướp tự nhiên được bảo quản trong tuyết lạnh có niên đại cách đây 5.300 năm. Đây là xác ướp vô cùng nổi tiếng bởi sự bảo quản tuyệt vời nhờ băng tuyết, và nhất là những bí ẩn kinh hoàng xung quanh nó mà người ta không thể lý giải được.

    "Người băng Otzi" được các nhà khoa học phát hiện ra từ năm 1991 trên dãy núi Alps, biên giới của nước Áo và Italy. Tên của xác ướp được các nhà khảo cổ đặt theo tên của thung lũng nơi nó được tìm thấy.


    Xác ướp này được xác định là của một người đàn ông và được xem là xác ướp cổ nhất được bảo quản tự nhiên ở châu Âu. Hiện xác ướp đang được trưng bày tại một viện bảo tàng ở phía Bắc Italy. Không giống những xác ướp khác, xác ướp Otzi dù đã được các nhà khoa học thực hiện hàng trăm nghiên cứu nhưng vẫn ẩn chứa nhiều bí ẩn bất thường.

    Mặc dù xác ướp được xác định là có niên đại khoảng 5.300 năm, thế nhưng trên xác ướp, người ta lại thấy một mũi tên có niên đại 7.000 năm, một chiếc rìu thuộc niên đại 2.000 năm và một chiếc áo niên đại 8.000 năm. Điều này cho thấy, không lẽ người đàn ông này đã sử dụng tên và áo khoác của cụ tổ nhưng lại cầm rìu của… con cháu mình (?!).


    Từ đó, các nhà khoa học đưa ra giả thuyết, đây có thể là một phù thủy có khả năng đi xuyên thời gian nên ông ta mới có được những vật dụng của các thời đại khác nhau. Và đến cả nguyên nhân về cái chết của "người băng" cũng là bí ẩn. Cho đến nay, các nhà khoa học vẫn không thể xác định được người đàn ông này chết là do bị giết hay gặp bão tuyết hoặc bị hiến tế. Xác ướp này được phát hiện bởi cặp vợ chồng người Đức là Helmut và Erika Simon.

    Ban đầu, người ta nghĩ đây chỉ là một xác chết bình thường. Tất cả họ không biết rằng xác ướp có niên đại 5.300 năm và từ nó đã dẫn tới một loạt những tai họa sau đó. Có một sự thật không thể phủ nhận là 7 mạng người liên quan tới "người băng Otzi" đều biến mất.


    Nạn nhân đầu tiên chính là người đã tìm ra xác ướp này - ông Helmut Simon. Ông này đã đòi hơn 100.000 đô-la tiền công tìm ra xác ướp và được đồng ý. Ông đã vui mừng trở lại vùng núi tuyết để ăn mừng nhưng bỗng nhiên một cơn bão tuyết xuất hiện đột ngột đã vùi chết Helmut. Ông được tìm thấy trong tư thế co ro y như "người băng".

    Người thứ 2 là giáo sư Rainer Henn (64 tuổi) dẫn đầu đội nghiên cứu xác ướp, người đã tham gia quá trình khám nghiệm người băng. Một lần, khi đang trên đường đến một buổi hội thảo về người băng Otzi, xe của Henn đâm vào một chiếc xe khác và ông chết ngay lập tức. Các cơ quan an ninh đã không tìm được nguyên nhân của vụ tai nạn.


    Nạn nhân thứ 3 là nhà leo núi kinh nghiệm Kurt Fritz, người đã đưa giáo sư Henn cũng như nhiều người khác tham quan khác vị trí tìm ra "người băng" cũng bị tuyết vùi chết trong khi những người khác thoát nạn.

    Nạn nhân thứ 4 là nhà làm phim Rainer Hoelzl – người đã đưa những tư liệu về người băng lên màn ảnh và công bố chúng ra khắp thế giới. Ông chết vì một căn bệnh lạ khiến ông đau đớn quằn quại trong nhiều tháng, sau khi bộ phim tư liệu của mình được công chiếu.


    Dieter Warnecke, 45 tuổi, người đã tìm ra chỗ Helmut Simon bị chôn vùi, là nạn nhân thứ 5. Chỉ vài giờ sau lễ an táng của Simon, Dieter chết do đau tim, dù cho thể trạng sức khỏe của ông rất tốt. Konrad Spindler, 66 tuổi, là một nhà khoa học, đứng đầu một nhóm nghiên cứu, người từng thực hiện các khám nghiệm trên xác ướp "người băng" năm 1991. Konrad đột ngột chết mà không rõ nguyên nhân.


    Tom Loy, 63 tuổi, một nhà khảo cổ học, người đã phân tích những mẫu máu trên vũ khí và quần áo của người băng là nạn nhân thứ 7. Ông này chết khi đang thực hiện những nghiên cứu về "người băng". Từ sau 7 cái chết bí ẩn, ai cũng sợ rằng mình là nạn nhân tiếp theo.


    Tại địa điểm trưng bày, nhiều khách tham quan cứ nhìn vào "người băng" là ngất mà không phải do phòng trưng bày thiếu khí. Đến tận bây giờ, vẫn không ai lý giải nổi các câu hỏi về thân thế, cuộc đời của "người băng". Và "lời nguyền" dẫn tới 7 cái chết kia có thật hay không, cũng không ai biết đích xác.
    Quế Mai (tổng hợp)

    Nhận xét

    Bài đăng phổ biến từ blog này

    TT&HĐ I - 9/d

    MUÔN MẶT ĐỜI THƯỜNG III/104

    MỌC CÁNH