AN CHI GIẢI ĐÁP 2

(ĐC sưu tầm trên NET)

Hóc búa, hắc búa và hắc xì dầu

Bạn đọc: Xin ông cho biết nghĩa và từ nguyên của “hóc búa”, “hắc búa” và “hắc xì dầu”? Cảm ơn ông. Nguyễn Đức Phú (Hải Phòng)
Năng lượng Mới số 400
Học giả An Chi: Từ điển tiếng Việt của Vietlex (Trung tâm Từ điển học) do Hoàng Phê chủ biên giảng:
“hắc búa” là “như hóc búa”;
“hóc búa” là “có nhiều yếu tố rắc rối, phức tạp, rất khó trả lời, rất khó giải quyết”.
“hắc xì dầu” là “nghiêm khắc đến mức khắt khe, tỏ ra oai (hàm ý đùa, hài hước)”.
Việt Nam tự điển của Khai trí Tiến đức không có “hắc búa” và giảng khác từ điển Vietlex, rằng “hóc búa” là “nói người bướng bỉnh”. Thế là hai quyển này đã khác nhau. Với Khai trí Tiến đức thì “hóc búa” nói về người còn với Vietlex thì hai tiếng này thiên về các khái niệm trừu tượng nên đã cho thí dụ: “vấn đề hóc búa - một bài toán hóc búa”. Sự khác nhau giữ hai cách giảng này chứng tỏ đây là một vấn đề “hóc búa”, xuất phát từ sự tồn tại khả nghi của hai tiếng “hắc búa”.
Thực ra thì “hóc búa” và “hắc búa” có nghĩa và nguồn gốc hoàn toàn khác nhau mà theo chúng tôi thì “hóc búa” có trước “hắc búa”. “Hóc búa” vốn là một lối nói của những người đốn gỗ. Ngày xưa chẳng làm gì có cưa máy cá nhân thuận tiện và mau lẹ như bây giờ. Cũng chẳng phải hễ ai đi rừng thì đều “kéo cưa lừa xẻ”. Dụng cụ gọn nhẹ và cơ động nhất lúc bấy giờ chỉ là cái búa, biết rằng “rìu” là nghĩa xưa của “búa”. Và hóc búa là một sự cố trong quá trình lao động của những người đốn gỗ. Dù có dày kinh nghiệm và cẩn thận đến mấy thì cũng có lúc họ - không người này thì người khác - phải bất lực mà nhìn chiếc búa của mình bị kẹt cứng trong thân cây đang đẵn dở mà không rút nó ra được hoặc phải khó khăn lắm mới rút được nó ra. Đó chính là hiện tượng “hóc búa”. Vậy hóc búa là kẹt búa trong thân cây hoặc súc gỗ mà không rút ra được. Đây là nghĩa gốc đã cho ra nghĩa phái sinh là rắc rối, nan giải, cũng là nghĩa thông dụng hiện nay. Còn chính cái nghĩa gốc kia thì đã tuyệt tích giang hồ, nghĩa là không còn lưu thông trong lời ăn tiếng nói hằng ngày của dân chúng nữa nên mới sinh ra cái “giai thoại” đại phi lý là người đi ngủ trọ ăn cắp búa của chủ nhà trọ mà lại may mắn khỏi bị “hóc búa” (!), nghĩa là khỏi bị búa kẹt trong cuống họng vì chưa kịp ăn (?) thì đã bị phát giác! Về vấn đề này, chúng tôi đã phân tích kỹ tại chuyên mục Chuyện Đông chuyện Tây của Kiến thức Ngày nay số 228 (20-11-1996).
Về từ nguyên của “hóc” thì đây là một từ Việt gốc Hán, bắt nguồn ở từ ghi bằng chữ [曲] mà âm Hán Việt hiện hành là “khúc”, có nghĩa là “cong”, “quanh co”, như có thể thấy trong cấu trúc đôi “hiểm khúc” [險曲], đã trở thành một từ tổ có thể hoạt động tự do trong tiếng Việt với dạng ngữ âm “hiểm hóc”. Về mối quan hệ phụ âm đầu H ↔ KH giữa “hóc” và “khúc”, ta còn có những dẫn chứng khác: - “han” trong “hỏi han”, “(lơi lả) han chào” là điệp thức của (lđtc) “khán [看], cũng đọc “khan”, có nghĩa là đối xử; - “hơi” trong “hơi thở” lđtc “khí” [氣] trong “không khí”; - “hiếm” trong “hiếm hoi” lđtc “khiếm” [欠], có nghĩa là thiếu, ít; - “hoác” trong “toang hoác” lđtc “khuếch” [擴] là mở rộng; bản thân “khuếch” còn là đồng nguyên tự của “khoắc” [彍] là giương cung; - “hỏng” trong “hư hỏng” lđtc “không” [空], là hết, chẳng có gì; - “hổng” trong “lỗ hổng” lđtc “khổng” [孔] là… lỗ hổng; - “hởi” trong “hởi lòng hởi dạ” lđtc “khởi” [起] trong “phấn khởi”; - “hút” trong “mất hút” lđtc “khuất” [屈] trong “khuất khúc”; - “hút” trong “hút hàng” (vốn là hiếm hàng để cung cấp cho người mua) lđtc “khuyết” [缺] là thiếu (mà “hụt” trong “thiếu hụt” cũng lđtc “hút”); - “hủi” trong “hắt hủi” lđtc “khử” [去] là trừ bỏ. Còn về vần giữa OC ↔ UC thì ta cũng có “chóc” trong “chóc mòng” lđtc “chúc” trong “chúc vọng” [矚望] là trông đợi; - “mọc” trong “mời mọc” lđtc “mục” [睦] là kính yêu nhau, hòa hợp với nhau; - làng “Mọc” có tên chữ là“(Nhân) Mục”; - “nhọc” lđtc “nhục”; - “sóc” trong “chăm sóc” lđtc “súc” [畜] là nuôi dưỡng; “thóc” trong “thóc lúa” lđtc “túc” [粟] là hạt lúa.
Vậy “hóc” ↔ “khúc” là chuyện thực sự bình thường. Từ nghĩa gốc là quanh co, gãy gập, mới phái sinh cái nghĩa “kẹt”, “nghẽn” của chữ “hóc” trong “hóc xương”, “hóc búa”, ‘hỏng hóc”, “ổ khóa bị hóc”, v.v... Còn “búa” là một từ Việt gốc Hán, bắt nguồn ở từ ghi bằng chữ [斧] mà âm Hán Việt hiện hành là “phủ”, có nghĩa là “rìu”, như có thể thấy trong từ tổ động từ “phủ chính” [斧正] mà nghĩa đen là “dùng rìu đẽo sửa gỗ cho thẳng”, còn nghĩa bóng thông dụng là “ sửa chữa (văn chương)”. Mối quan hệ B ↔ PH thì đã được chúng tôi trình bày một số lần.
Còn “hắc búa” thì lại là một từ tổ do “sự cố” mà ra chứ ban đầu chỉ có “hắc” mà thôi. Từ điển tiếng Việt do Văn Tân chủ biên (Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội 1967) giảng “hắc” là “nghiệt, khắt khe (nghĩa 2)” và “khó quá” (nghĩa 3). Còn từ điển của Vietlex thì giảng là “tỏ ra nghiêm, đến mức có thể cứng nhắc trong việc giữ nguyên tắc, làm người dưới quyền phải nể sợ một cách khó chịu” (nghĩa 1) và “có vẻ oai” (nghĩa 2). Lời giảng của hai quyển từ điển này giúp cho ta thấy từ “hắc” rất gần nghĩa với từ “hách”, một từ Hán Việt mà chữ Hán là [赫] và có nghĩa là “giận dữ”, “khiến người khác phải sợ”, như có thể thấy trong hai tiếng “hách dịch” quen thuộc. Về thực chất thì “hắc” là một điệp thức của “hách” chứ không phải là gì khác còn bản thân “hách” thì cũng là một từ độc lập trong tiếng Việt.
Cứ như trên thì nghĩa gốc của “hóc búa” thuộc về sự việc vật lý, cụ thể còn nghĩa phái sinh hiện hành của nó thì chỉ liên quan đến những hiện tượng tinh thần, trừu tượng, như đã thấy ở hai thí dụ của từ điển Vietlex. Và thực chất thì “hắc” và “hóc” đã trộn lẫn nghĩa với nhau nên “hắc” vốn chỉ tính khí con người lại có thêm nghĩa “khó quá” (nghĩa 3 trong từ điển Văn Tân) còn “hóc” vốn chỉ sự khó khăn, nan giải lại “nói người bướng bỉnh” (trong từ điển Khai trí Tiến đức). Nghĩa là ở đây ta có một sự lây nghĩa nên xuất phát từ cấu trúc “hóc búa”, tiếng Việt mới có thêm “hắc búa” (là cấu trúc có sau, như đã nói ở trên). Thực ra thì tuy sự lây nghĩa đã xảy ra nhưng các từ điển gia hoàn toàn có thể “giải lây” nếu họ chịu phân định cho rạch ròi nghĩa của “hóc búa” và “hắc búa”.
Còn “hắc xì dầu” chẳng qua nhại âm Quảng Đông của ba tiếng “hắc xì yầu” [黑豉油] mà âm Hán Việt là “hắc thị du”, có nghĩa là “nước tương đen”. Trong tiếng Việt, nước tương nhiều khi còn được gọi theo âm Quảng Đông “xì yầu” thành “xì dầu”. Ở Hongkong, có “Xì yầu cái” [豉油街], đọc theo âm Hán Việt là “Thị du nhai”, nghĩa là “Phố Nước tương”, dân Hongkong dịch sang tiếng Anh là “Soy Street”. Ngay trong tiếng Việt, có người còn gọi xì yầu (dầu) là “tầu xì” [豆豉] vì trong tiếng Quảng Đông thì “tầu xì” [豆豉] cũng đồng nghĩa với “xì yầu (dầu)” [豉油]. Và “hắc xì yầu” chỉ đơn giản có nghĩa là xì dầu (nước tương) đen. Xì dầu thì không đen hẳn vì hơi ngã về màu nâu thật đậm còn hắc xì dầu thì thực sự đen và sánh hơn xì dầu thường. Vậy “hắc xì yầu [dầu]” chẳng qua vốn chỉ là một thứ nước chấm không hơn không kém. Nhưng tại sao từ điển Vietlex lại giảng “hắc xì dầu” là “nghiêm khắc đến mức khắt khe, tỏ ra oai (hàm ý đùa, hài hước)”. Ấy là vì trong khẩu ngữ của tiếng Việt thì “hắc xì dầu” đã được pha chế theo một cách chơi chữ đặc thù - và bình dân - trong tiếng Việt mà chúng tôi cũng đã có nhiều lần nói đến. Đó là sự lợi dụng tính đồng âm của từ ngữ để tạo ra một lối nói khôi hài, dí dỏm, thường là nhằm phủ nhận hoặc phê phán tính chất của từ ngữ gốc (đã bị thay thế bằng từ, ngữ đồng âm) , có khi chỉ là để đùa cợt. Như đã thấy, trong “hắc xì dầu” thì “hắc” (sẽ ghi là “hắc2”) có nghĩa là “đen” còn “hắc”, điệp thức của “hách” [赫] (sẽ ghi là “hắc1”) thì có nghĩa là “nghiêm khắc đến khắt khe” nhưng trong “hắc xì dầu” thì người sử dụng ngôn ngữ đã cố ý thay “hắc2” bằng “hắc1” để biến tên của một thứ nước chấm thành một quán ngữ chỉ tính gắt gao của con người. Hệ quả là, ở đây, “hắc1” là một từ tiếm vị còn “xì dầu” chỉ là hai hình vị ký sinh vô nghĩa mà sự tồn tại không có tác dụng gì ngoài việc tạo cho quán ngữ “hắc xì dầu” một sắc thái đùa cợt, châm biếm.
A.C

Đâu là từ nguyên của "Mồ côi"?

Bạn đọc: Nhân chuyện “bù nhìn // mù nhìn” trên Báo Năng lượng Mới số 374 và 380, tôi xin nêu thắc mắc của tôi về một trường hợp được nhắc đến là “mồ côi // bồ côi”. Xin ông An Chi cho biết đâu là từ nguyên của hai tiếng “mồ côi”? (Tôi cho đây mới là từ chuẩn). Và của “cút” trong “côi cút”. Xin cảm ơn ông. Nguyễn Tấn Trọng (Hoàn Kiếm, Hà Nội)
Năng lượng Mới số 382
Học giả An Chi: Cách đây ngoài 60 năm, có một tác giả đã giảng rằng “mồ côi” là “(trẻ) đã mất mẹ” còn “bồ côi” là “(trẻ) đã mất cha”. Thực ra thì vào thời điểm đó (giữa thập niên 50 của thế kỷ trước), người ta cũng phải phân biệt hình thức chuẩn với hình thức không chuẩn, cũng như tiếng toàn dân với tiếng địa phương. Và hình thức chuẩn, dùng một cách phổ biến là “mồ côi”. Ngay từ năm 1887, trong Petit dictionnaire français - annamite, Trương-Vĩnh-Ký cũng đã đối dịch “orphelin” là “mồ côi”. Sau đó ít lâu, trong Đại Nam quấc âm tự vị (Sài Gòn, 1895-1896), Huình-Tịnh Paulus Của cũng chỉ gi nhận “mồ côi” và cho thí dụ “ Mồ côi cha, níu chân chú; mồ côi mẹ, tríu vú dì”. Trước đó hơn một thế kỷ, trong Tự vị Annam Latinh (Dictionarium Anamitico Latinum [1772-1773]), Pierre Pigneaux de Béhaine cũng chỉ ghi nhận “mồ côi”. Không có “bồ côi”. Lý do: Đây chỉ là một biến thể địa phương, thậm chí thổ ngữ nữa. Vậy hình thức chuẩn và phổ biến chính và chỉ là “mồ côi”. Và nếu lời giảng của tác giả kia mà đúng thì ta chỉ có trẻ… mồ côi mẹ mà thôi. Rất tiếc rằng Việt Nam tự điển của Khai trí Tiến Đức (Hà Nội, 1932) lại lấy “bồ côi” làm hình thức chính. Thực ra thì ngay từ giữa thế kỷ XVII, người Đàng Ngoài (nửa phía bắc của Đại Việt) cũng chỉ nói “mồ côi”. Bằng chứng là Từ điển Việt Bồ La của A. de Rhodes (Roma, 1651) cũng chỉ ghi nhận “mồ côi” (mà không có “bồ côi”). “Bồ côi” có lẽ chỉ là một đơn vị từ vựng của thổ ngữ đã được từ điển Khai trí Tiến đức nâng cấp thành hình thức chính do áp lực và loại suy từ nhiều đơn vị song tiết mà âm tiết đầu là “bồ”. Đây là một điều bất hợp lý. Về phương diện chuẩn hóa từ ngữ, đây thực chất là một sự đi ngược trào lưu. Từ lâu, chính người Hà Nội cũng đã bỏ “bồ côi” mà dùng “mồ côi”.
“Mồ côi” là một từ tổ bắt nguồn ở hai tiếng Hán ghi bằng hai chữ [無辜], mà âm Hán Việt thông dụng hiện nay là “vô cô”, nghĩa là “không phạm tội” (Chữ “cô” [辜] có nghĩa là tội). Ở đây, “mồ” là âm xưa của “vô”, như đã có bàn đến trong bài “Trở lại với từ nguyên của BÙ NHÌN” (Năng lượng Mới số 374) và bài “Từ nguyên của BÙ NHÌN là chuyện còn dài” (Năng lượng Mới số 380&381). Còn “cút” trong “côi cút” cũng là một từ Việt gốc Hán, bắt nguồn ở từ ghi bằng chữ [孑], mà âm Hán Việt thông dụng hiện đại là “kiết”, có nghĩa là một minh, cô đơn. (Đây không phải chữ “tử” [子] vì nét thứ ba là nét “hất” chứ không phải nét “ngang”). “Côi cút” cũng là một cấu trúc đẳng lập, bắt nguồn ở hai từ ghi bằng hai chữ [孤孑], mà âm Hán Việt hiện đại là “cô kiết”, có nghĩa là cô độc, cô đơn. Thơ Bạch Cư Dị (bài “Cô phụ khổ”) có câu: “Phụ nhân nhất táng phu - Chung thân thủ cô kiết” (Đàn bà hễ mất chồng - Đành suốt đời cô quạnh).
Nhưng tại sao xuất phát từ nghĩa gốc là “không phạm tội” mà bây giờ “mồ côi” (< “vô cô”) lại có nghĩa là “(trẻ) mất cha, hoặc mẹ hoặc cả hai”? Thì cũng là xuất phát từ hiện tượng đan xen hình thức và lây nghĩa do từ nguyên dân gian gây ra, mà chúng tôi từng nói đến tại chuyên mục này, đặc biệt là trong bài “Lại nói về sự đan xen hình thức và sự lây nghĩa” (Năng lượng mới số 370). Trong tiếng Việt thì, với nghĩa “tội”, “côi” (< “cô” [辜]) là một từ không thông dụng bằng chính chữ “tội” nên nó dần dần mờ nghĩa rồi mất nghĩa. Trong khi đó thì “côi” trong “côi cút” lại là một chữ thường dùng hơn nên từ nguyên dân gian mới đưa nó vào “mồ côi” mà trám cho chữ “côi” là “tội”. Và ta có một cấu trúc mới là “mồ [côi] + côi [cút]” và sự đan xen này đã làm cho “mồ côi” vốn có nghĩa là “không phạm tội” bị “côi” của “côi cút” lây nghĩa. Chữ “mồ” vốn có nghĩa là “không” cũng dần dần trở thành một từ cổ mà nghĩa không còn được biết đến và bị thay thế bằng “vô” là âm xuất hiện sau nó. Thế là, vô hình trung, trong cấu trúc “mồ côi” mới “pha chế” này, ta có chữ “mồ” vô nghĩa và chữ “côi” là cô đơn. Thành ra, cứ theo cấu tạo thì từ tổ “mồ côi” mới này chỉ một khái niệm mơ hồ về sự cô đơn, hiu quạnh trong tâm thức của người sử dụng ngôn ngữ rồi dần dần nó được đặc dụng để chỉ sự cô đơn của những trẻ mất cha và/hoặc mẹ để được dùng cho đến tận ngày nay. Tóm lại, nghĩa hiện hành của “mồ côi” chỉ là nghĩa sự cố.
A.C

Út nam - Út nữ

Bạn đọc: Chung quanh mấy tiếng “út nam - út nữ”, mới đây đã có một cuộc thảo luận nhẹ nhàng và thú vị trên Facebook mà chắc ông An Chi cũng đã biết. Xin ông cho nhận xét về những ý kiến đã được phát biểu. Xin cảm ơn ông. Nguyễn Công Trực (Cao Lãnh, Đồng Tháp)
Năng lượng Mới số 384
Học giả An Chi: Bạn Quy La đặt vấn đề: “Trong các thiệp cưới, người ta thường gặp những cách ghi “út nam”, “út nữ”. “Trưởng nam”, “thứ nữ” thì đúng rồi. Còn “út nam”, “út nữ” nghe kỳ kỳ làm sao! (…) Dễ hiễu thôi: “Nam” và “nữ” là Hán Việt; còn “út” là tiếng Việt rặt ròng, làm sao mà ghép chúng thành đôi cho được?!”.
Theo chúng tôi thì trong trường hợp này vấn đề không phải ở chỗ “Hán Việt” hay “Việt rặt ròng” mà ở chỗ yếu tố được nói đến là từ Hán Việt độc lập hay hình vị Hán Việt không độc lập. “Tuyết” [雪] là một yếu tố Hán Việt còn “đầy” là một từ Việt rặt nhưng ta vẫn nói được “đầy tuyết”. “Sách” [册] là một yếu tố Hán Việt còn “ít” là một từ Việt rặt nhưng ta vẫn nói được “ít sách”. “Bộ” [部] là một yếu tố Hán Việt còn “trọn” là Việt rặt (ít nhất cũng là theo quan niệm của đại đa số) nhưng ta vẫn nói được “trọn bộ”. Sở dĩ có được những sự kết hợp trên đây là vì các yếu tố Hán Việt “tuyết”, “sách”, “bộ” là những từ độc lập. Cũng vậy, sở dĩ người ta vẫn nói “út nam”, “út nữ” là vì “nam”, “nữ” là những từ Hán Việt độc lập. Thí dụ: - Công nhân phân xưởng này chỉ có nữ, không có nam. - Học sinh lớp 8C gồm có 25 nam và 15 nữ. - Dãy nhà nam và dãy nhà nữ của khu tập thể này cách nhau khá xa. V.v... Vậy “út nam”, “út nữ” là những cách diễn đạt bình thường. Nhưng trong những văn bản có tính trang trọng như thiệp cưới mà dùng “út nam”, “út nữ” thì nghe hơi… bình dân.
Vậy ta có thể thay thế bằng cách nào? Bạn Quy La có nhận xét là trong thiệp cưới có liên quan đến người gốc Hoa thì thấy ghi là “ấu nam”, “ấu nữ”. Nhưng đây chỉ là những danh ngữ được đặt ra theo tập quán ngôn ngữ riêng của người Hoa (và người Trung Quốc) chứ riêng chữ “ấu” [幼] thì lại không có nghĩa là “út”. Bằng chứng là ta không thể tìm thấy nó trong 5 nghĩa của chữ “ấu” mà chính bạn đã nêu: - 1. trẻ em, trẻ con; - 2. nhỏ tuổi; - 3. non, mới sinh; - 4. nông cạn, chưa thành thục; - 5. yêu thương, che chở. Vả lại đây chỉ là cách nói cận đại và hiện đại của họ mà ta cũng chẳng nên theo.
Vậy có nên thay “út nữ” bằng “quý nữ”, chẳng hạn? Nhưng bạn Quy La đã hoài nghi một cách có lý: “Quý nữ [季女] là con gái út. Có lẽ đây là từ cổ chăng? Vì thế nên ngày nay chỉ thấy chữ “ấu” [幼] được dùng tràn đầy trong các thiệp cưới”. Bạn đã có lý. Nghĩa “con gái út” của hai chữ “quý nữ” quả có được dùng vào thời xưa. Hán ngữ từ điển (cidian.xpcha.com) đã cho nghĩa 2 của “quý nữ” [季女] là “tiểu nữ nhi” [小女儿], tức là “con gái út”, như có thể thấy trong lời một bài văn bia do Hàn Dũ (đời Đường) thảo ra. Với nghĩa này, Tuyến thượng từ điển (ichacha.net) đã dịch câu “Tha đích tiểu nữ nhi thị tha đích chưởng thượng minh châu” [他的小女儿是他的掌上明珠] thành “His youngest daughter is the apple of his eye.” “Youngest daughter” dĩ nhiên là con gái út. Còn nói chung thì đúng như bạn Quy La đã viết: “Ngày xưa, thứ tự anh em từ lớn tới nhỏ xếp theo: , trọng, thúc, quý [伯,仲,叔,季]. Tuổi nhỏ nhất gọi là quý”.
Bạn Cá Vàng nêu vấn đề: “Hình như “quý nam” [季男] là con trai út và “quý nữ”[季女] là con gái út (?)”.
Nhưng chúng tôi xin lưu ý rằng tiếng Hán lại không dùng “quý nam” theo nghĩa này còn nghĩa “con gái út” của “quý nữ” thì, như đã nêu, lại là một cái nghĩa rất xưa, nay không dùng nữa (nên mới thay bằng “ấu nữ”). Có lẽ do cũng thấy như thế nên chính bạn Cá Vàng mới bổ sung:
“Do “quý nữ” [季女] có nghĩa là con gái út (theo ghi nhận trong vài từ điển Hán Việt) nên tôi tạm suy ra “quý nam” [季男] là con trai út. Nói là tạm suy (ở trên tôi viết là “hình như”) vì tôi chẳng tìm được tài liệu nào giảng nghĩa như vậy.
Nhiều trang mạng tiếng Trung giảng “quý nữ” [季女] là: 1. Thiếu nữ 少女; 2. Tiểu nữ nhi 小女兒. Theo trang http://baike.baidu.com/view/12090781.htm thì chữ “quý” [季] trong câu “Thùy kỳ thi chi, hữu Tề quý nữ” 誰其尸之,有齊季女 (Thi Kinh) có nghĩa là “thiếu” 少, “tiểu” 小 (tức “quý nữ” [季女] là “thiếu nữ” 少女, “tiểu nữ” 小女); còn Hán Việt tự điển của Thiều Chửu và Hán Việt Từ Điển Trích Dẫn thì dịch hai chữ “quý nữ” 季女 trong câu thơ trên là “con gái út”.”
Nhưng chúng tôi lại xin lưu ý rằng “thiếu nữ” không đồng nghĩa với “tiểu nữ”. “Thiếu nữ” [少女] là những cô gái trẻ chưa chồng, thường là tuổi từ 12-18 còn theo phụ khoa (của Tàu) thì tuổi đó là từ 13-17 (Xin x. http://www.baike.com/wiki/少女). Còn “tiểu nữ” [小女] thì mới là con gái út (Xin x. http://xh.5156edu.com/html5/74925.html, nghĩa 1).
Tóm lại, “con gái út” chỉ là nghĩa xưa (nay không dùng nữa) của “quý nữ” [季女] còn riêng chữ “ấu” thì không có nghĩa là “út”. Nhưng nhân chuyện này, bạn Bùi Quốc Huy có nêu vấn đề: “Không chừng “út” là biến âm của “ấu”.” Bạn Quy La đã trả lời: “Điều này rất khó có thể xảy ra vì chưa thấy trường hợp nào tương tự”. Bạn Bùi Quốc Huy nói thêm: “Thì “thúc” thành “chú”, “cữu” thành “cậu”, “bá” thành “bác” ... vậy mà”.
Còn chúng tôi thì xin nói thêm như sau. Trước nhất, “thúc” [叔] thành “chú” không phải là một hiện tượng biến âm có quy luật chặt chẽ từ tiếng Hán đời Đường sang tiếng Việt, như có thể thấy trong rất nhiều trường hợp khác mà chúng tôi đã từng nêu ra. Chúng tôi cho rằng xuất phát điểm ở đây là âm tiếng Hán cuối thế kỷ XIV đầu thế kỷ XV mà Nguyễn Tài Cẩn đã gợi ý (Xin x. Nguồn gốc và quá trình hình thành cách đọc Hán Việt, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1979, tr.79, cũng như cả Chương thứ ba).
Còn “cữu” ↔ “cậu” là chuyện bình thường (từ âm Hán đời Đường sang âm Việt) và ta có nhiều dẫn chứng về mối quan hệ ƯU ↔ ÂU : “ưu” trong “ưu phiền” ↔ “âu” trong “lo âu”; “Ngưu” trong “Ngưu lang” ↔ “Ngâu” trong “vợ chồng Ngâu”; “sưu” trong “sưu thuế” ↔ “xâu” [có thể là < “sâu”] trong “làm xâu”; “tựu” [僦] là thuê mướn ↔ “tậu” trong “tậu nhà”.
Trường hợp thứ ba mà bạn Bùi Quốc Huy đã nêu thì lại không phải là “bá”
[伯] thành “bác”, mà ngược lại. “Bác” có trước “bá”. Đây là một chữ thuộc vận bộ “mạch” [陌] và thiết âm của nó trong Quảng vận là “bác mạch thiết” [博陌切]. Vậy âm Hán Việt đời Đường của nó phải là “bách”. Nhưng nếu “bá” là hàng con cháu thì “bách” cũng chỉ là hàng cha chú chứ “bác” mới là hàng ông bà. Thật vậy, trong mối quan hệ giữa những âm cùng gốc thì -AC xưa hơn (xh) -ACH: “bạc” trong “bạc phếch” xh “bạch” [白] trong “bạch phiến”; “khạc” trong “khạc đờm” xh “khách” [咯] là ho hoặc tiếng khạc; “khác” trong “khác lạ” xh “khách” [客] trong “chủ khách” ( khách = không phải chủ → [người] lạ → [người] khác); “tác” trong “tan tác” xh “tách” [析] (↔ tích) trong “phân tách”; “trác” trong “tổ trác” xh “trách” [責] trong “trách phạt”; v.v.. Vậy thì “bác” là hàng ông bà; “bách” (tiếng Việt không dùng) là hàng cha, chú còn “bá” thì chỉ là hàng con cháu. Nhưng hàng con cháu này do đâu mà ra? Với chúng tôi thì đây là cách đọc theo âm của tiếng Hán cuối thế kỷ XIV đầu thế kỷ XV, tức là âm cuối đời Nguyên đầu đời Minh.
Riêng chữ “ấu” [幼] thì bản thân nó không có nghĩa là “út”. Đó là điểm thứ nhất. Thứ hai, “ấu nữ” là một lối nói cận đại và hiện đại chưa bao giờ đi vào từ vựng của tiếng Việt. Thứ ba, trong lịch sử ngữ âm Hán Việt, không có mối quan hệ giữa hai vần ÂU và UT. Vì vậy nên bạn Quy La mới viết: “Điều này rất khó có thể xảy ra vì chưa thấy trường hợp nào tương tự.” Thực ra thì cái lý do dễ thấy nhất là sự xuất hiện của T (trong “út”) từ âm cuối U (của “ấu”). Đây là chuyện tuyệt đối không thể xảy ra. Xin nói thêm rằng hiện nay, trong một số thiệp cưới (dĩ nhiên là của Tàu), người ta còn dùng chữ “yêu” [幺] thay cho chữ “ấu” [幼] nữa. Và “yêu nữ” được giảng là “Yêu tại yêu nữ trung vi tiểu; bài hàng tối mạt đích ý tứ, cố yêu nữ chỉ tiểu nữ nhi”. [幺在幺女中为小、排行最末的意思,故幺女指小女儿], nghĩa là “ chữ “yêu” trong “yêu nữ” [nghĩa] là nhỏ; hàm ý là đứng cuối [khi] xếp hàng, do đó “yêu nữ” chỉ con gái út”. (Xin x. http://baike.baidu.com/view/1749051.htm).
Liên quan đến vấn đề này, bạn Trần Mã Thượng băn khoăn:
“Nếu ta muốn bỏ từ ghép Út (“út nam”, “út nữ” - AC) thì lấy từ gì thay thế; rồi từ Trưởng (nam) và từ Thứ (nữ) có phải bỏ luôn không? (…) Vậy là người Việt sáng tạo (“út nam”, “út nữ” - AC) để bổ sung thêm từ mà chữ Hán Việt còn thiếu rồi. Nếu để chữ Ấu thì e bị nhầm lẫn nên xài chữ Út cho dễ hiểu hơn”.
Ở đây, ta không nên nhân chuyện “út nam - út nữ” mà bỏ đi những cách nói “trưởng nam”, “trưởng nữ”, “thứ nam”, “thứ nữ”, là những cách diễn đạt thuận lý, hoàn toàn không có vấn đề gì về mặt ngôn ngữ, đã trở nên thực sự quen thuộc và thông dụng từ lâu trên thiệp cưới. Khái niệm mà bạn gọi là “chữ Hán Việt” thực chất là những chữ Hán mà người Việt đọc theo hoặc âm Hán đời Đường (là chủ yếu) hoặc âm Hán trước đời Đường, hoặc âm Hán sau đời Đường. Mà chữ Hán thì vẫn có những danh ngữ chỉ con trai út, con gái út. Gái thì có “quý nữ” và “ấu nữ”. Trai thì có “thiếu nam” [少男], “tiểu nhi tử” [小兒子], “ấu nam”. Vấn đề là có thể hoặc vì không biết đến những lối nói này của tiếng Hán, hoặc tuy có biết đến nhưng lại thấy nó không hợp với cái “lỗ tai” nên người ta không dùng và buộc phải tạo ra những cách diễn đạt bình dân là “út nam”, “út nữ”. Nhưng đâu có phải bình dân lúc nào cũng hay ho! Chúng tôi chủ trương thay “út nam”, “út nữ” bằng “quý nam”, “quý nữ”. “Quý nữ” là một lối nói xuất hiện muộn nhất cũng là vào thời Kinh Thi; song song với nó là “quý nam” mà ta “tự tạo” nhưng lại rất cân đối. “Vu quy” [于歸] là hai tiếng Hán xuất hiện muộn nhất cũng là vào thời Kinh Thi, được dùng “đều trời” bên nhà gái trong các đám cưới ở nước ta hiện nay. Nếu ta phản đối “quý nam”, “quý nữ” vì nó là Tàu thì có lẽ ta cũng nên thay hai tiếng “vu quy” bằng cụm từ “lễ tiễn đưa con gái về nhà chồng” cho nó có vẻ “ta” chăng?
A.C

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

TT&HĐ I - 9/d

MUÔN MẶT ĐỜI THƯỜNG III/104

MỌC CÁNH