VIỆT NAM HIỀN HÒA 63 (Phong Nha Kẻ Bàng)

(ĐC sưu tầm trên NET)

Vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng   (Di sản Thiên nhiên thế giới)

Vườn Quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng thuộc tỉnh Quảng Bình – miền Trung Việt Nam. Với diện tích khoảng 200.000 ha, Phong Nha – Kẻ Bàng thuộc địa phận các huyện Quảng Ninh, Bố Trạch, Tuyên Hóa và Minh Hóa, cách thành phố Đồng Hới 50km về hướng tây bắc.


Bên cạnh giá trị về lịch sử địa chất, địa hình, địa mạo, Phong Nha – Kẻ Bàng còn được thiên nhiên ưu đãi ban tặng cho những cảnh quan kì bí, hùng vĩ. Vườn Quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng ẩn chứa bao điều bí ẩn của tự nhiên, những hang động như những lâu đài lộng lẫy trong lòng núi đá vôi được tạo tác từ hàng triệu năm trước.

Phong Nha – Kẻ Bàng được ví như một bảo tàng địa chất khổng lồ có giá trị và mang ý nghĩa toàn cầu bởi cấu trúc địa lý phức tạp, tập hợp nhiều loại đá khác nhau như sa thạch, thạch anh, phiến thạch, đá vôi chứa silic, đá mac-nơ, đá granodiorite, đá diorite, đá aplite, pegmatite... Phong Nha – Kẻ Bàng cũng chứa đựng lịch sử phát triển địa chất phức tạp, lâu dài từ 400 triệu năm trước của trái đất. Trải qua các giai đoạn kiến tạo quan trọng và các pha chuyển động đứt gãy, phối tảng, uốn nếp đã tạo ra các dãy núi trùng điệp và các bồn trầm tích bị sụt lún. Những biến động trên cũng đã góp phần tạo nên sự đa dạng về địa chất, địa hình, địa mạo.
Vùng đá vôi Phong Nha – Kẻ Bàng có những đặc trưng toàn cầu trong nhiều giai đoạn phát triển từ kỷ Ordovic muộn – Silur (463,9 – 430 triệu năm trước) đến kỷ Đệ Tứ (1,75 triệu năm trước). Một đặc điểm mang tính đặc thù ở đây là hệ thống sông chảy ngầm và các hang động trong lòng núi đá vôi.
Vùng địa mạo phi đá vôi có đặc điểm chung là núi thấp với thảm thực vật phủ trên bề mặt. Quá trình bào mòn tạo ra các thềm dọc theo các thung lũng của các sông Son, sông Chày hay tại các bờ của các khối núi đá vôi ở vùng trung tâm. Vùng địa hình chuyển tiếp là những dạng khác nhau xen giữa các núi đá vôi.
Nằm trong vùng có lượng mưa trung bình hàng năm khá cao nhưng nước ở đây đã ngấm và chảy ngầm trong lòng các núi đá vôi, trải qua hàng chục triệu năm đã tạo nên vô số hang động ở khu vực này. Tại Phong Nha - Kẻ Bàng có khoảng 300 hang động lớn nhỏ được chia thành ba hệ thống chính: hệ thống động Phong Nha, hệ thống hang Vòm và hệ thống hang Rục Mòn.

Hệ thống động Phong Nha có tổng chiều dài trên 57km bắt nguồn từ phía nam của vùng núi đá vôi Kẻ Bàng. Cửa chính của hệ thống động này là động Khe Ry và động Én nằm ở độ cao khoảng 300m so với mặt nước biển. Các hang trong hệ thống này phân bổ theo dạng cành cây chạy theo hướng đông bắc – tây nam.
Hệ thống hang Vòm có tổng chiều dài trên 35km bắt nguồn từ hang Rục Cà Roòng, nằm ở độ cao 360m so với mặt nước biển và kết thúc là hang Vòm. Hệ thống hang Vòm nằm trên trục có hướng chung là nam – bắc. Sông Rục Cà Roòng lúc ẩn mình trong núi đá, lúc lại xuất hiện trên những thung lũng hẹp và sâu, cuối cùng đổ ra sông Chày ở cửa hang Vòm.
Hệ thống hang Rục Mòn nằm ở địa phận huyện Minh Hóa cũng là một trong những hang động lớn nhưng chưa được khai thác nhiều.
Một số hang động tiêu biểu ở Phong Nha – Kẻ Bàng là động Phong Nha, động Tiên Sơn, động Thiên Đường, hang Tối, hang Én, hang Khe Ry, đặc biệt hang Sơn Đoòng được đánh giá là hang động lớn nhất thế giới với chiều cao khoảng 200m, có nơi lên đến 250m, rộng 200m, chiều dài ít nhất là 8,5km.
Với đặc điểm về địa hình, khí hậu, đất đai, thủy văn của Phong Nha – Kẻ Bàng đã hình thành hệ thực vật phong phú, đa dạng và độc đáo. Kết quả hoạt động điều tra, khảo sát đã ghi nhận Phong Nha – Kẻ Bàng có thảm rừng nhiệt đới rộng lớn, phủ kín 96,2% diện tích tự nhiên, trong đó gần 90% diện tích được che phủ bởi rừng nguyên sinh hoặc gần như rừng nguyên sinh. Sự phong phú, đa dạng về thành phần, chủng loại động thực vật quý hiếm ở Phong Nha – Kẻ Bàng là hệ quả tất yếu của điều kiện sinh cảnh và là đặc trưng tiêu biểu về sinh thái rừng tại đây.
Bước đầu ở Phong Nha – Kẻ Bàng đã điều tra và thống kê về thực vật có mạch gồm 152 họ, 511 chi, 876 loài, trong đó có 38 loài nằm trong danh mục Sách Đỏ Việt Nam, 25 loài nằm trong danh mục Sách Đỏ của IUCN (Hiệp hội bảo tồn thiên nhiên Quốc tế) và 13 loài đặc hữu ở Việt Nam.
Một phát hiện rất quan trọng ở Vườn Quốc gia này là có 3 loài thú : Sao La, Mang Lớn và Mang Trường Sơn, trong đó Sao La và Mang Lớn là loài thú mới được phát hiện trên toàn cầu. Về bò sát và lưỡng cư đã phát hiện 81 loài trong đó có 18 loài nằm trong danh mục Sách Đỏ Việt Nam và 6 loài nằm trong danh mục Sách Đỏ của IUVN. Cũng tại đây đã xác định 259 loài bướm, 162 loài cá, trong đó có 4 loài đặc hữu hẹp chỉ gặp ở Quảng Bình và một loài cá lần đầu tiên ghi nhận ở Việt Nam ; 302 loài chim, trong đó có 15 loài nằm trong danh mục Sách Đỏ Việt Nam, 19 loài nằm trong danh mục Sách Đỏ của IUCN. Đặc biệt loài gà lôi lam mào đen, gà lôi lam đuôi trắng, loài công vừa ở mức độ nguy cấp vừa đe dọa ở mức toàn cầu. Phong Nha – Kẻ Bàng có ý nghĩa như một bảo tàng sinh vật khổng lồ ở Việt Nam.
Với giá trị đặc sắc về địa chất, địa mạo, Vườn Quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng đã được UNESCO công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới vào tháng 7/2003 tại Hội nghị lần thứ 27 họp tại Paris.
Rút gọn

Huyền thoại sông son


Dòng sông Son thơ mộng với màu xanh thủy lục uốn lượn quanh những dãy núi đá vôi Kẻ Bàng làm tô điểm thêm nét độc đáo mổi khi du khách đến thăm Di sản Động Phong Nha và Sông Son gắn với bao huyền thoại nhưng huyền thoại về sự chung thủy trong tình yêu luôn để lại nhiều kỷ niệm trong lòng du khách.
Thửa ấy ở vùng rừng núi trùng điệp này có một ông lão làm nghề săn bắn chỉ sinh được một cô con gái. Mới vừa độ tuổi trăng tròn, cô đã là một nữ lưu thuộc loại tuyệt thế giai nhân. Bên cạnh đó cô còn có biệt tài thổi sáo. Mổi khi tiếng sáo của cô cất lên thì cá đang lặn dưới sâu bỗng ngoi lên mặt nước, chim đang bay trên trời bỗng sà xuống cành cây, Lạ nữa là bao nhiêu muôn thú đang gầm gừ, gào thét, đánh nhau loạn xạ trong rừng tất thảy đều im lặng để lắng nghe. Tiếng lành đồn xa về người con gái tài sắc vẹn toàn đó chẳng bao lâu đã lan từ rừng xuống biển, thậm chí đã loan sang nước Lão Qua (lào). Dĩ nhiên, không biết bao nhiêu chàng trai tuấn tú tài hoa, xuất thân trong các gia đình thuộc loại  ‘danh gia vọng tộc’ tìm  đến đây, mong được lọt vào đôi mắt xanh của cô, nhưng tất cả đều từ chối, vì nguyên do cô đã có chồng sắp cưới. Khổ nổi, chẳng một ai gần xa trong vùng biết ‘người chồng sắp cưới của cô‘ là ai, ở đâu cả. Nhưng đây lại là sự thật , nói đúng hơn đây là một sự thật mang tính huyền thoại.
Dò tìm mãi dân làng mới biết rằng: Một đêm hè trăng thanh gió mát, người đẹp trèo lên các mô đá hình đầu voi nhô ra giữa con suối chảy vòng sau núi ngồi ngắm cảnh, rồi lấy sáo ra thổi. Lát sau, cô chợt thấy có cái gì như ngôi sao băng rạch một đường sáng rực rỡ từ phía dòng sông ngân hà thẳng đến khu rừng mà cô đang ở. Từ trong quầng sáng một chàng trai tuấn tú, dũng mãnh cưỡi con tuấn mã kiêu hùng đi đến bên mô đá hình đầu voi.
“Đừng sợ! Ta đến đây để cầu hôn nàng. Nếu không từ chối thì mời nàng lên ngựa cùng ta dạo chơi một chuyến  trên trời trước khi về ra mắt thân phụ của nàng.”
Lạ thay, chỉ với những lời đơn sơ mộc mạc như thế của chàng trai, mà đã làm cho trái tim nàng rung động. Rồi, như bị một phép màu nào sai khiến, nàng ngoan ngoãn trèo lên lưng ngựa, tin tưởng ngồi phía sau chàng trai. Thoáng chốc con tuấn mã tung vó lao đi, rồi phóng vun vút giữa chòm sao này qua chòm sao khác giữa cỏi thiên hà trong tiếng reo vui hớn hở của đôi trai tài gái sắc. Nhưng bất thình lình, chàng trai cho dừng ngựa với khuôn mặt bất chợt trở nên buồn rầu, sầu não, chàng quay lại nói với nàng:
"Chúng ta không thể tiếp tục cuộc vui chơi nữa rồi, vì phụ mẫu ta có lệnh gọi ta về Ngọc Điện”
Sao chàng biết? – Cô gái ngơ ngác hỏi.
Nàng nhìn vào đây thì rõ. Nói rồi, chàng trai đưa ngón tay đeo nhẩn lên trước mặt cô gái. Cô gái nhìn vào cái mặt ngọc ngũ sắc trên nhẩn và nhìn thấy hai cụ già đẹp lão lạ lùng, đang giơ tay vẫy gọi và nói bằng một thứ tiếng gì đó mà nàng không hiểu được. Đang vui, bỗng đứt giây đàn. Chàng trai ngậm ngùi tiếp- Chúng ta tạm chia tay nhau nhé, ta tặng nàng chiếc nhẩn này, nên nhớ bao giờ có chuyện nguy cấp đe doạ đến tính mạng thì nàng ghé miệng vào mặt nhẩn gọi lên ba tiếng ‘Về với em”  dù xa xôi cách trở đến mấy, ta cũng đằng mây giá vũ đến cứu nàng. Con tuấn mã chở hai người về đến hạ giới, và cặp uyên ương chia tay nhau trong niềm hối tiếc, thẩn thơ.
Vào thời kỳ này, lời đồn ở phía tây Châu Bố Chính (Động Phong Nha ) có một người con gái tài sắc vẹn toàn đã đến tai một tên lãnh chúa. Tên này có một toà lâu đài uy nghi tráng lệ xây cất  trên ngọn núi cao bốn mùa mây phủ. Hắn ta giàu thuộc loại ‘ phú gia địch quốc” uy quyền ngang trời dọc đất. Tuy vợ lớn, vợ bé đã hàng đầu, hàng đống nhưng nghe đến chuyện người con gái trẻ đẹp hắn đã vô cùng thèm khát và rắp tâm chiếm đoạt nàng bằng được. Sau nhiều lần cắt cử gia nhân, lính tráng đem sính lễ đến ra mắt ông lão thợ săn để cầu hôn cô gái, nhưng không được, tên lãnh chúa cử một bọn tâm phúc đầu trâu mặt ngựa đến rình rập, rồi nhân lúc cô gái ra bờ suối ngồi thổi sáo, đã bắt cóc cô gái đặt lên mình voi chở về lâu đài. Từ đó, ngày hai lần, tên lãnh chúa đến ra mắt cô gái và lần nào hắn cũng mang theo một mâm ngọc ngà châu báu đến cầu xin nàng trao tình yêu cho hắn, nhưng cô gái một mặt từ chối, vì lý do ‘ Tôi đã có chồng chưa cưới. Tôi không thể lấy ngài được’. Cuối cùng, tên lãnh chúa tức giận hét lên:
“Giống lừa ưa nặng, nói ngọt không nghe! Người tưởng ta dể dàng để một miếng mồi ngon như ngươi lọt qua khỏi tay ta sao?.”
Cặp  mắt ốc nhồi lồng lên sồng sọc, cả giọng nói rít qua kẻ răng và điệu cười khả ối của tên lãnh chúa khiến  cô gái biết rằng mình đã ở thế nguy nan. Giây phút đó,  cô nhớ đến chiếc nhẩn mà người yêu trao tặng và lời căn nhặn của chàng. Lạ thay, nhìn vào  ngón tay, chiếc nhẩn đã bị mất từ bao giờ, không còn nhẩn quý. Cô gái hốt hoảng đưa mắt nhìn quanh và nhanh chóng nhận ra, gian phòng cô bị giam nằm trong tầng cao nhất toà lâu đài của tên lãnh chúa. Phía sau là vách núi dựng đứng cao nghìn thước, thẳng xuống một hồ nước ngập trong sương khói lờ mờ. Trong khi tên lãnh chúa dần tiến về phía cô, thì cô từng bước lùi về phía cửa sổ cuối phòng.
Này ngài lãnh chúa hãy dừng lại. Cô thét lên: “Tôi đã có chồng chưa cưới. Nếu ngài tiến đến nữa, thì ngài sẻ tìm thấy một xác chết”. Nhưng lãnh chúa vẩn tiến tới. nhanh như cắt, cô gái nhảy thoát lên khung cửa sổ. ‘ Tình quân ơi! Hãy về đây với em!”. Nàng kêu lên câu đó và nhào mình ra khỏi cửa, bay đi như con thiên nga xuống lòng hồ.Ngay lập tức cả toà lâu đài uy nghi, đường bệ tự nhiên rung ring, chao đảo, phát ra những tiếng kêu lắc rắc, rồi sụt dần, sụt dần xuống tận âm ty địa ngục nào đó. Đồng thời, nước từ các con khe, ngọn suối nhiều nơi trong vùng núi đá ào ạt đổ xuống hồ. Tức nước vỡ bờ, sức nước đã dội phá bờ hồ thành một dòng chảy, ào ạt đổ vè xuôi, chảy thông ra biển. Dòng nước chảy đến đâu thì phía trên những con cò , con hạc, con vạc, con sếu và phía dưới là những con cá hanh, cá trẻm, cá vược, cá chình tung lượn về theo đó. Dòng nước chảy đến đâu thì ở đó ít lâu sau, những nương dâu, bãi mía, những cánh đồng lúa, nương khoai, những làng quê trù phú mọc lên và chẳng bao lâu đã trở thành một vùng quê thanh bình cảnh sắc xin tươi, ít nơi nào sánh kịp.
Lúc đó, có một vị đạo sĩ từ phương bắc trên đường đi tìm thuốc "TRƯỜNG SINH BẤT LÃO” đã dừng lại đây một thời gian vì mến cảnh sinh tình. Ngài hết sức ngạc nhiên vì con sông xanh biếc mà chưa có tên gọi. Lắng nghe dân làng kể chuyện, ngài hiểu rằng, sự ra đời dòng sông thơ mộng này gắn với sự quyên sinh chung thuỷ của người con gái miền sơn cước tài hoa mà bạc mệnh thuở nào, nên ngài nảy ý định lấy tên nàng đặt tên cho dòng sông. Oái ăm thay, chẳng một ai ở đây biết tên nàng là gì. Ngẫm ra, ngài thấy nàng chết khi còn SON trẻ,  lại quyên sinh để giữ cho được tấm lòng SON SẮT THUỶ CHUNG  với người mình yêu. Do vậy, vị đạo sĩ bèn đặt tên cho dòng sông này là SON. Dân làng vô cùng cảm kích, xúc đông với cái chết của người con gái tài hoa, đoan chính, với tên gọi ân nghĩa được đặt cho dòng sông, nên từ đó dòng sông được dân làng truyền gọi là SON. Mãi mãi cho đến ngày nay dòng sông vẩn giữ được màu lục thuỷ, xanh ngắt, thuỷ chung của mình.
Nguyễn Ngọc (Sưu Tầm)

Phong Nha - Nơi chiến tranh đã đi qua


Vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng tồn tại một quần thể di tích lịch sử của quân và dân ta trong sự nghiệp bảo vệ độc lập,thống nhất Tổ quốc.Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc ta, Phong Nha nói riêng, Quảng Bình nói chung chiếm giữ một vị trí cực kỳ quan trọng; là mạch máu giao thông nối liền hậu phương lớn miền Bắc với tuyền tuyến lớn miền Nam.

Di tích Phà Xuân Sơn-ảnh Phi Hai
Suốt những năm tháng chiến tranh chống Mỹ cứu nước, Phong Nha là mặt trận nóng bỏng. Trên mặt trận này, cuộc chiến đấu giữa ta và địch diễn ra rất quyết liệt. Kẻ thù dùng mọi thủ đoạn tàn bạo, đánh phá giao thông, nhằm cắt đứt sự chi viện của hậu phương lớn miền Bắc cho tiền tuyến lớn miền Nam. Vì thế, suốt hai lần gây ra chiến tranh phá hoại, đế quốc Mỹ đã sử dụng một số lượng lớn máy bay, tàu chiến, dội xuống một khối lượng bom đạn khổng lồ mà phần lớn là nhằm vào toàn bộ hệ thống giao thông trên địa bàn Quân khu 4, mà địch cho là “vùng cán xoong”.
Là tuyến đầu của hậu phương lớn miền Bắc, nơi tập kết toàn bộ lực lượng, vật chất kỹ thuật đáp ứng mọi yêu cầu của tiền tuyến miền Nam và cách mạng hai nước Lào, Campuchia, là bàn đạp xuất phát tiến công các mục tiêu phía nam vĩ tuyến 17, Phong Nha- Quảng Bình trở thành trọng điểm đánh phá ngăn chặn vô cùng dữ dội, khốc liệt của không quân, hải quân Mỹ; hòng huỷ diệt sự sống trên toàn tuyến; nơi đây trở thành tuyến lửa thử thách ý chí, nghị lực, sức mạnh của quân và dân ta.
Phát huy cao độ chủ nghĩa anh hùng cách mạng, vượt qua muôn vàn gian khổ, hy sinh, vì cả nước và cùng cả nước, quân dân Quảng Bình đã đánh thắng cuộc chiến tranh chiến lược bằng không quân và hải quân của đế quốc Mỹ. Với quyết tâm “ Đánh địch mà đi, mở đường mà tiến”; “ Xe chưa qua, nhà không tiếc”; “ Đường chưa thông, không tiếc máu tiếc xương ”… Quân và dân ta đã trụ bám kiên cường ở vùng tuyến lửa, giữ vững mạch máu giao thông, đảm bảo sự chi viện toàn diện, liên tục của hậu phương cho tiền tuyến, góp phần quan trọng vào thắng lợi của sự nghiệp kháng chiến chống mỹ, cứu nước.
Tuyến lửa - huyết mạch giao thông trên địa bàn Phong Nha-Quảng Bình thời đánh Mỹ đi vào lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc ta như bản anh hùng ca về sức mạnh phi thường, trí thông minh và lòng quả cảm của con người Việt Nam, dân tộc Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh. Từ đây, những chiến công, những địa danh; Động Phong Nha, Phà Xuân Sơn, đường 20 - Quyết Thắng, trọng điểm ATP, hang 8 Thanh niên xung phong…và đường Hồ Chí Minh vẫn luôn sáng ngời trong trang sử chống ngoại xâm của dân tộc Việt Nam.
Hữu Thiết

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

TT&HĐ I - 9/d

MUÔN MẶT ĐỜI THƯỜNG III/104

MỌC CÁNH