CÂU CHUYỆN TÂM LINH 73

(ĐC sưu tầm trên NET)

Ly kỳ chuyện 'trấn yểm' khó lý giải ở Việt Nam


Cho đến nay, nhiều câu chuyện nhuốm màu sắc kỳ ảo về thuật trấn yểm trong lịch sử Việt Nam vẫn chưa có lời giải...
Cột đồng Mã Viện - âm mưu trấn yểm nước Việt?
Cột đồng Mã Viện, theo một số sử cũ, là một cây cột đồng lớn trên có khắc sáu chữ Hán: "Đồng trụ chiết, Giao Chỉ diệt" do viên chỉ huy quân đội nhà Hán là Mã Viện sai làm từ các dụng cụ bằng đồng thu được của người Việt và cho dựng sau khi chinh phục được cuộc nổi dậy của Hai Bà Trưng ở Giao Chỉ vào năm 43.
Theo nhà khảo cứu độc lập Thiên Đức, cột đồng này chính là một phần của trận đồ phong thủy được lập để diệt tận mọi mầm mống phản kháng ở nước ta.
Cụ thể, Mã Viện đã sử dụng một loại bùa rất hiếm hoi đề cập trong sách vở đó là loại bùa Lưỡng Nghi tức là bùa Âm Dương có hiệu lực cao hơn bùa bát quái hai bậc theo Kinh Dịch. Yếu tố Dương trong bùa yểm này là chiếc cột đồng, còn yếu tố Âm là Kiến Thành - tòa thành hình cái kén được Mã Viện cho xây ở Phong Khê.
Hình dáng Kiến Thành kết hợp với cột đồng Mã Viện tạo nên một đạo bùa mạnh nhằm trấn yểm không cho người đàn bà Giao Chỉ (mà thời nhà Hán gọi là yêu nữ) tiếp nối truyền thống anh hùng dân tộc. Nói theo kiểu dung tục thì Mã Viện đã chơi một trò rất thô bỉ là "đóng cọc” người đàn bà Giao Chỉ nhằm triệt tiêu con đường kết phát vương quyền cho nữ giới Việt Nam sau này.
Hình ảnh: Ly kỳ chuyện 'trấn yểm' khó lý giải ở Việt Nam số 1
Ngoài ra, câu "Đồng trụ chiết, Giao Chỉ diệt" về bản chất là một câu thần phù hay một lời nguyền. Chữ “chiết” ở đây không có nghĩa là gãy mà có nghĩa là tách làm hai. Do đó, câu này nên giải thích là "trụ đồng tách huyệt (đế vương) ra làm hai, vua Giao Chỉ bị giết", chứ không thể dịch là “trụ đồng bị gãy, dân Giao Chỉ bị giết”. Chữ “huyệt” và chữ “vương” là hai chữ đã bị ẩn trong câu này.
Cao Biền và cuộc chiến bùa yểm ở nước Việt
Lịch sử Việt Nam đến nay vẫn còn lưu giữ rất nhiều giai thoại ly kỳ về hoạt động yểm bùa của Cao Biền - quan đô hộ nước ta thời Bắc thuộc. 
Một giai thoại nổi tiếng kể rằng, khi sang Giao Châu, Cao Biền thấy long mạch nước Nam rất vượng, muốn phá đi, thường mặc áo phù thủy, cưỡi diều giấy đi khắp nơi để xem địa thế, hoặc giả tảng lập đàn cúng tế để lừa thần bản địa đến rồi dùng kiếm báu chém đầu, xong đào hào, chôn kim khí để triệt long mạch. Một lần, khi Cao Biền cưỡi diều giấy bay đến đất Hoa Lư đã bị một đạo sĩ cùng dân chúng ở đây dùng tên bắn. Cao Biền trọng thương, diều gãy cánh rơi xuống một hòn núi, từ đó hòn núi mang tên là núi Cánh Diều.
Một buổi sớm khác, Biền ra đứng ở bờ sông Lô Giang, phía đông thành Đại La, thấy một trận gió lớn nổi lên, sóng nước cuồn cuộn, mây trôi mù mịt, có một dị nhân đứng trên mặt nước, cao hơn hai trượng, chập chờn lên xuống trong khoảng không. Biền rất sợ, muốn yểm thần, đến đêm nằm mộng thấy thần tới nói rằng: “Chớ yểm ta, ta là tinh ở Long Đỗ, đứng đầu các địa linh. Ông xây thành ở đây, ta chưa được gặp, cho nên tới xem đó thôi; ta có sợ gì bùa phép?”.
Biền lại khiếp đảm, sáng hôm sau lập đàn niệm chú, lấy kim đồng thiết phù để yểm. Đêm hôm ấy, sấm động ầm ầm, gió mưa dậm dật, đất trời u ám, thần tướng hò reo, kinh thiên động địa. Trong khoảnh khắc, kim đồng thiết phù bật ra khỏi đất, biến thành tro, bay tan trên không. Cao Biền càng kinh hãi, than rằng: “Xứ này có thần linh dị, ở lâu tất chuốc lấy tai vạ” và sau đó cho lập đền thờ ở ngay chỗ ấy và phong cho thần là thần Long Đỗ, chính là đến Bạch Mã ở phố cổ Hà Nội ngày nay.
Một truyền thuyết khác lại kể rằng: khi sang nước Nam để yểm bùa và triệt hạ long mạch, Cao Biền có nuôi 100 âm binh. Đến nước Nam, Cao Biền ở trọ nhà một bà hàng nước và nhờ bà mỗi ngày thắp một nén hương, gọi dậy một âm binh. 100 ngày thắp đủ 100 nén hương sẽ gọi dậy được 100 âm binh. Bà lão nước Nam đã phá âm mưu của Cao Biền, giả vờ quên, thắp cả 100 nén hương trong một ngày. Kết quả là 100 âm binh của Cao Biền đã dậy đủ nhưng mà dậy non, thiếu ngày nên chẳng hiệu quả gì. Đây là nguồn gốc của câu thành ngữ “lẩy bẩy như Cao Biền dậy non”.
Chuyện trấn yểm long mạch ở Sài Gòn trước 1975
Ở Sài Gòn trước năm 1975 có hai công trình hình bát giác được cho là biểu tượng phong thủy để trấn yểm long mạch, đó là hồ Con Rùa và khám Chí Hòa, với rất nhiều giai thoại mang màu sắc huyền bí, ly kỳ xung quanh.
Có giai thoại kể rằng, sau khi nhậm chức tổng thống, ông tổng thống nổi tiếng mê tín Nguyễn Văn Thiệu đã cho người mời thầy địa lý từ Hồng Kông sang Việt Nam để trấn yểm Dinh Độc Lập. Thầy này phán rằng Dinh Độc Lập được xây trên long mạch, trấn ngay vị trí đầu rồng. Đuôi rồng rơi vào vị trí Công trường Chiến sĩ trận vong. Cần phải dùng một con rùa lớn trấn yểm đuôi rồng lại thì sự nghiệp của tổng thống mới mong bền vững.
Nguyễn Văn Thiệu lập tức cho xây hồ nước theo hình bát giác, phỏng theo bát quái đồ, có 4 đường đi bộ xoắn ốc đều hướng đến khu vực trung tâm là đài tưởng niệm và hình tượng con rùa bằng hợp kim đội bia đá. Khu vực trung tâm còn có một cột cao được xem như một chiếc đinh lớn đóng xuống giữa hồ để ghim đuôi rồng lại. Vào đầu năm 1976, tấm bia và con rùa bị phá hủy trong một vụ nổ. Tuy con rùa không còn nhưng người dân vẫn quen gọi là hồ Con Rùa, thay cho tên gọi chính thức.
Một giai thoại khác về hồ Con Rùa gắn liền với nguồn gốc xây Dinh Độc Lập, lấy núi giả trong Thảo Cầm Viên làm bình phong, sông Thị Nghè làm lưu thủy, tạo thế long chầu, hổ phục. Người Pháp biết điều này, liền cho xây nhà thờ Đức Bà mặt trước bên phải Dinh, hòng phá chữ. Do vậy mà sau này thổng thống Thiệu đã xây thêm hồ Con Rùa để phá thủy, làm nước phun lên. 
Hình ảnh: Ly kỳ chuyện 'trấn yểm' khó lý giải ở Việt Nam số 2
Khám Chí Hòa
Một kiến trúc khác được cho là biểu tượng phong thủy thứ hai của Sài Gòn là trại giam Chí Hòa, được người Pháp cho xây dựng từ năm 1943. Kiến trúc của Khám Chí Hoà rất đặc biệt, do một kiến trúc sư người Nhật thiết kế và xây dựng theo ngũ hành bát quái. Nó cao ba tầng lầu có hình bát giác với 8 cạnh đều, 8 góc A, B, C, D, E, F, G, H, tượng trưng cho 8 quẻ trong Kinh dịch.
Một vài tài liệu nghiên cứu cho rằng, khám Chí Hòa được xây dựng dựa trên bát quái trận đồ của Khổng Minh. Ngay tâm của bát quái trận đồ cũng có một đài phun nước như cột cao của hồ Con Rùa, gọi là “tru tiên kiếm”, có tác dụng khiến những tên tội phạm dù có xảo quyệt, tinh ranh đến đâu cũng không thể trốn được. Nếu tru tiên kiếm bị nhổ lên thì toàn bộ bát quái trận đồ được thiết kế công phu sẽ tự vỡ.
Chính lối kiến trúc nhuốm màu sắc huyền linh này khiến người ta gọi lối vào duy nhất của khám Chí Hòa là cửa Tử. Nghĩa là đã vào rồi thì không có cách nào để nhận biết đường ra nếu không thông lý số, kinh dịch. Có lẽ đó là lý do mà lịch sử khám Chí Hòa chỉ có 2 trường hợp vượt ngục thành công.
Trận đồ bát quái của Cao Biền dưới lòng sông Tô Lịch?
Vào tháng 4/2007, báo Bảo vệ Pháp luật đã đăng một loạt bài về hiện tương “thánh vật ở sông Tô Lịch” gây xôn xao dư luận một thời gian dài.
Theo đó, vào tháng 9/2001, một đội thi công xây dựng do ông Nguyễn Hùng Cường làm đội trưởng, trong quá trình thi công kè bờ, nạo vét một đoạn sông Tô Lịch thuộc phường Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy, Hà Nội đã tìm thấy một số di vật cổ, trong đó có tám bộ hài cốt bị đóng đinh vào bả vai, nhiều xương răng động vật (voi, ngựa, trâu), hơn mười cái liễn lớn nhỏ bằng sành, nhiều đồ gốm, đồ sắt, đồ dùng như bát đĩa, dao, liềm, kim khâu, một số mảnh gốm men ngọc đã bị vỡ được cho là thuộc đời nhà Trần và Lê Sơ, tiền cổ hình tròn có lỗ vuông. Tại khu vực này còn phát hiện thấy nhiều vật liệu xây dựng cổ xưa như ngói cổ, đá, nhiều gạch cổ, đặc biệt là gạch vồ thời nhà Lê. Quanh chỗ phát hiện hài cốt là các cọc gỗ lim đóng theo những hàng ngắn, bố trí lạ.
Công trình được dừng lại một thời gian để các nhà khoa học nghiên cứu. Giám đốc Bảo tàng Hà nội và các nhà khoa học được mời tới, trong đó có giáo sư Trần Quốc Vượng. Giáo sư Vượng cho rằng đây là trận đồ bát quái yểm trấn giữ cửa thành Đại La từ thế kỷ thứ 9.
Trong quá trình thi công, ông đã thuật lại những hiện tượng như: Các công nhân xây dựng gặp các hiện tượng như động kinh, mơ gặp ma, thân nhân của họ gặp nhiều chuyện bất hạnh liên tiếp, các công việc thi công không tiến triển được như đê đắp lên thì đê vỡ, kè thép không vỡ nhưng nước xói từ dưới lên, đặt đá xuống thì đá chìm, nhiều mũi khoan bị gãy nhanh khi khoan thăm dò ở giữa sông, một số người khác có liên quan đến các di chỉ và những người được mời tới làm lễ giải bị ốm nặng hoặc chết trong vòng một vài tháng…
Một số nhà khoa học, nghiên cứu lịch sử và các nhà nghiên cứu phong thủy Việt Nam khác cho rằng đây có thể là nơi trấn yểm của Cao Biền. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, câu chuyện “thánh vật ở sông Tô Lịch” là chỉ những thông tin thổi phống, sai lệch so với sự thật.
Đền Hùng bị đạo sỹ của quân Nguyên Mông trấn yểm?
Tháng 4/2013, dư luận đã xôn xao trước thông tin về một “hòn đá lạ” được đặt tại Đền Thượng (Đền Hùng, Phú Thọ) như một dạng bùa yểm không tốt.
Nhà nghiên cứu sử học Nguyễn Tiến Khôi, nguyên là Giám đốc Ban quản lý Khu di tích lịch sử Đền Hùng đã giải thích về “hòn đá trấn yểm” này trên báo Năng Lượng Mới như sau:
Khi tu sửa đền Hùng năm 2009, lúc tháo dỡ toàn bộ bệ thờ trên đền Thượng, cán bộ và công nhân đã phát hiện một viên gạch lạ có in chữ Hán. Nhiều nhà văn hóa cho rằng có thể là bùa yểm trong đó. Để phá thế yểm, Ban quản lý đã phải mời các pháp sư.
Hình ảnh: Ly kỳ chuyện 'trấn yểm' khó lý giải ở Việt Nam số 3
Đá lạ ở Đền Hùng
Cụ thể người trực tiếp tham gia làm việc này là ông Nguyễn Minh Thông (hiện nay đang là giám đốc Trung tâm nghiên cứu ứng dụng văn hóa phương Đông). Một số nhà khoa học, chuyên gia ngoại cảm đã vào cuộc hội thảo nhiều lần, khẳng định viên gạch này có từ cuối thời Trần, do đạo sỹ của quân Nguyên Mông mang đến đặt.
Thời đó, phía Nguyên Mông bị nhà Trần ta đánh tan ba lần, đã cử đạo sỹ được cải trang sang nước ta, dùng thủ đoạn yểm bùa gạch này tại đền Thượng. Trên viên gạch được ghi “Đánh đổ đức sáng Vua Hùng” (hiện còn lưu giữ tại bảo tàng Đền Hùng).
Hòn đá ở đền Hùng không phải có từ trước, mà được một người dân cung tiến, đưa về và đặt tại Đền Thượng từ năm 2009…
Theo ông Khôi, từ năm 2009 đến nay, hòn đá chắc chắn đã làm tốt nhiệm vụ của nó, với ý hóa giải bùa yểm phương Bắc, trấn trạch bình an, tạo năng lượng vũ trụ cho Đền Thượng khiến quốc gia được hưng thịnh, tốt đẹp.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia trong nước đã phản bác ý kiến của ông Khôi, cho rằng hòn đá không có ý nghĩa gì về tâm linh.

Cao ốc Thuận Kiều Plaza và những bùa ếm đáng sợ



Một cao ốc hoành tráng ở vị trí đắc địa như Thuận Kiều Plaza vốn sầm uất náo nhiệt dần ế ẩm và đến nay thì đã mang một bộ mặt sầu thảm, vắng vẻ là điều khó lý giải. Trong vô số những giả thiết nhằng nhịt, người ta truyền tai nhau một nguyên nhân vô hình và đáng sợ: Thuận Kiều Plaza bị ếm bùa!
Thuận Kiều Plaza với cấu trúc 3 tòa tháp cao ngất ngưởng, là một trong những cao ốc đa phức hợp đầu tiên được xây dựng, từng được coi là biểu tượng phát triển của thành phố nằm ở trung tâm Q.5, TP.HCM. Thế nhưng, sau hơn 15 năm tồn tại, Thuận Kiều Plaza từ chỗ sầm uất náo nhiệt dần ế ẩm và đến nay thì đã mang một bộ mặt sầu thảm, vắng vẻ. Trong vô số những giả thiết nhằng nhịt, người ta truyền tai nhau một nguyên nhân vô hình và đáng sợ: Thuận Kiều Plaza bị ếm bùa!
Hình ảnh: Cao ốc Thuận Kiều Plaza và những bùa ếm đáng sợ số 1Cao ốc Thuận Kiều Plaza 
Thuận Kiều Plaza do Công ty Xây Dựng Thương Mại Sài Gòn 5 (hiện nay là Tổng Công Ty Địa Ốc Sài Gòn – Resco) và Công ty Kings Harmony Intl Ltd., thông qua hình thức Hợp Đồng Hợp tác kinh doanh (HTKD) cùng xây dựng và khai thác, là một dự án bất động sản qui mô và có tầm cỡ quốc tế vào cuối thập niên 90 thế kỷ trước. Nó từng được xem là điển hình cho kiến trúc tổng hợp gồm cư trú, vui chơi giải trí, mua sắm, ăn uống và thể thao…
Ma trận tin đồn
Thuận Kiều Plaza tọa lạc tại trục lộ giao thông chính, số 190 Hồng Bàng, Q.5, TP.HCM được xây dựng với tổng vốn đầu tư lúc đó gần 54 triệu USD, đưa vào sử dụng năm 1999. Tổng diện tích xây dựng của nó lên đến 100.000m2. Trong đó khu căn hộ: 60.000m2, khu thương mại: 20.000m2, diện tích nhà để xe: 10.000m2, câu Lạc Bộ thể thao giải trí: 10.000m2.
Riêng khu căn hộ chia thành ba tháp A,B,C mỗi tòa tháp cao 33 tầng, có tổng cộng 648 căn hộ được xây dựng với năm loại khác nhau. Vào những năm đầu đưa vào sử dụng, Thuận Kiều Plaza rao báo hơn 40.000USD/căn hộ. Thời bấy giờ còn được cho là rẻ so với “tầm vóc” hoành tráng của nó.
Tư duy “nhạy bén” về kinh tế là điều người ta hay nói trước khi tòa nhà này thành hình vì nó nằm trên trục đường chính của Q.5 giao thương nhộn nhịp. Thậm chí, một số nhà phong thủy còn khẳng định nó nằm trên long mạch cua thành phố, dễ dàng đạt sự thịnh vượng. Bây giờ, sau 15 năm, tất cả dự đoán hoặc quy kết đều sai. Số hộ dân ở cực kỳ thưa thớt, người sở hữu căn hộ đã thi nhau rao bán nhiều năm qua nhưng càng giảm giá thì càng khan hiếm người mua. Những hộ kinh doanh bên dưới cũng đìu hiu ế ẩm vì khách đến thăm lèo tèo thưa thớt. Người ta nhiều năm tìm cách khắc phục hiện trạng, thay đổi công năng để “cứu” ba tòa tháp chọc trời ấy nhưng cũng bế tắc.
“Thất bại” của Thuận Kiều Plaza, với nhiều người, là một điều quá lạ lùng. Và như để cố lý giải cho điều lạ lùng ấy, không ít giả thiết được đặt ra, chủ quan có, khách quan có và thậm chí là cả những lý giải mông lung. Thế nhưng, điều lạ là hầu hết lại tin vào những điều ấy. Giả thiết đầu tiên là theo phong thủy: Thoạt nhìn thì thấy toà nhà Thuận Kiếu Plaza giống như hình một con thuyền với 3 ống khói lớn ở trên.
Nhưng con thuyền này không sự chắc chắn, vững vàng. Thân thuyền quá nhỏ, kết cấu bằng các đường nét mảnh dẻ mà ống khói quá to tạo cảm giác nặng nề, dễ bị chìm do mất cân đối. Người ta còn đồ rằng, vì hình dáng của Thuận Kiều Plaza giống một con thuyền nên con đường Đỗ Ngọc Thạnh xẻ dọc khu B và khu C không khác gì đục một lỗ thủng khiến nó bị đắm và dẫn đến sự lụn bại của tòa nhà này trên thực tế.
Hình ảnh: Cao ốc Thuận Kiều Plaza và những bùa ếm đáng sợ số 2
Con đường Đỗ Ngọc Thạnh xẻ dọc khu B và C mà theo đồn đoán là “vết đục” khiến "con thuyền" Thuận Kiều Plaza bị đắm
Giả thiết thứ hai nghe phi lý nhưng được truyền miệng rất nhiều ở Q.5: Ba tòa tháp Thuận Kiều Plaza mang hình hài của ba cây nhang. Người xây dựng nó chỉ với chủ đích là “trấn” vượng khí của khu Chợ Lớn không cho thoát ra ngoài. Và vì mục đích tối thượng đó nên việc có bán được căn hộ bên trong hay không không quan trọng(?).
Giả thiết cuối cùng đáng sợ nhất nhưng được truyền miệng nhiều nhất: Thuận Kiều Plaza bị ếm bùa! Chuyện kể rằng trong quá trình đấu thầu thi công tòa nhà đã phát sinh mâu thuẫn giữa chủ đầu tư và một nhà thầu. Nhà thầu này vì căm tức đã rước một thầy pháp từ Hong Kong sang dùng phép thuật thả quỷ vào bên trong quấy rối. Người ta thường kể với nhau rằng bên trong các tòa nhà ấy có ma quỷ, ban đêm thường nghe tiếng khóc. Có người còn khẳng định thường có cái bóng trắng đuổi theo mình. Dần dà, người cũ bị quấy phá bỏ đi, người mới lo sợ không dám đến, Thuận Kiều Plaza trở nên vắng vẻ như bây giờ...
Sự thật hay huyễn hoặc?
Chúng tôi quyết định làm một cuộc “khám phá” ba tòa nhà Thuận Kiều Plaza vào một buổi chiều cuối tháng 3 này. Khi những lời đồn đoán còn như ma trận mông lung thì sự thật của sự ế ẩm tại tòa nhà chọc trời này bày ra trước mắt. Điểm đến đầu tiên của chúng tôi là tòa tháp A cửa đóng then cài. Cả một tòa nhà đồ sộ gần như không một bóng người. Hàng trăm căn hộ phía trên nằm im ỉm.
Ở dưới có câu lạc bộ giải trí đóng cửa lâu ngày, biển hiệu hoen ố. Ông xe ôm tên Tuấn gần đó giải thích với tôi rằng khu này đóng cửa đã lâu. Những căn hộ có người ở lẻ tẻ đã được dời hết về tòa tháp C, còn tòa tháp trơ trọi này người ta chưa biết làm gì. Là người sống lâu năm ở khu vực này, ông bảo mỗi lần nhìn các tòa tháp cứ thấy tiếc hùi hụi.
Vì cả cái Q.5 bên ngoài mặt tiền sầm uất là thế nhưng trong các con hẻm tựu trung đều chật hẹp, người ở lúc nhúc. Trong khi cả vài trăm căn hộ có thể dùng cho vài ngàn người bỏ không dầm mưa dãi nắng.
Hỏi về những tin đồn ông cười buồn nói chuyện đó có lâu rồi, ông nghe kể suốt. “Người ta nói có ma quỷ trong tòa nhà này. Tôi không biết nên tin hay không. Nhưng ban đêm nhìn nó lừng lững đâm toạc trời mà chỉ vài ánh đèn leo lét cũng thấy ớn lạnh”-ông nói. Ngoài việc đồn có ma quỷ, thình thoảng lại nghe kháo nhau có người té lầu chết. Toàn những chuyện vu vơ, chưa ai thấy tận mắt. Duy chỉ có một chuyện rất thật: Hồi mới xây dựng tòa nhà này, có 3 người thợ điện và thợ hồ do bất cẩn nên rơi từ trên cao xuống, tử vong tại chỗ. Những cái chết đau đớn đó cũng nhen lên trong dư luận những đồn đoán về oan hồn lẩn khuất, một thời lan đi như vết dầu loang.
Từ tòa tháp A đầu tiên đến tòa tháp C cuối cùng của công trình chọc trời này là một đoạn đường dài đến hàng trăm mét. Nếu đi bộ một vòng quanh công trình này, khó tránh cảm giác mỏi chân. Điều này phần nào cho thấy sự hoành tráng của Thuận Kiều Plaza. Mặt tiền đường Hồng Bàng của tòa tháp C cũng vắng hoe, được khóa lại cẩn thận bằng những sợi xích to bản.
Bên trong các cửa kính đục mờ, những ki ốt hàng quán nhộn nhịp lúc trước nay mù mịt bụi mờ. Muốn lên tòa tháp này, phải đi vòng ra cửa phía sau, nơi hiếm hoi có sự túc trực của nhân viên giao dịch. Tòa nhà bán không được này nghe đâu đã chuyển sang cho thuê theo tháng. Tất cả những hộ ở các tòa tháp đều được dồn về đây.
Hình ảnh: Cao ốc Thuận Kiều Plaza và những bùa ếm đáng sợ số 3
Vậy nhưng cảm giác trống vắng thênh thang vẫn xâm chiếm. Tôi ngước nhìn lên, những ban công vắng vẻ nối đuôi san sát nhau chạy dọc sống lưng và hai bên xương sống tòa nhà. Vài cái máy lạnh lèo tèo đen đúa chơ vơ như cô độc giữa lưng chừng trời.
Chúng tôi chợt nhận ra tất cả “sự sống” của công trình thế kỷ ấy tưởng như chỉ còn tập trung leo lét ở tòa nhà B. Tầng trệt của tòa nhà là các nhà hàng rộng, bên trong là bàn ghế la liệt nhưng cũng vắng thưa người. Cổng sau có thang máy nhưng cũng đã bị “xích” lại lâu ngày không dùng tới. Hai ống khói nhà hàng hì hục nhả những luồng khí đen ngòm nhuốm màu u ám vào bức tường rộng lớn.
Ở tầng hai cũng là một nhà hàng khác lớn hơn đèn điện chói lòa nhưng chỉ nhác thấy bóng nhân viên, thực khách le te vài người có thể đếm được. Ở tầng giữa các nhà hàng này là vài ki ốt bán quần áo. Lại thấy vắng hoe, chỉ chủ ki ốt túm tụm nói chuyện với nhau. Các loại quần áo dày dép đều trưng biển giảm giá 50% như dự báo cho những cuộc “tháo chạy” cuối cùng?
Đi dọc các hành lang tầng hai tòa tháp B, cũng như hai tòa tháp còn lại là la liệt hàng trăm ki ốt bỏ hoang, bên trong hàng hóa chất ngồn ngộn. Những hành lang nối tiếp nhau, rất rộng. Thang cuốn lâu ngày không hoạt động. Cả một không gian rộng lớn không một bóng người, nghe rõ cả tiếng chân mình vang vọng. Từ tầng hai, chúng tôi lách qua một chiếc cửa, leo lên một cầu thang hẹp và tối om để tiếp cận với khu căn hộ. Vừa lên đến đỉnh cầu thang đã gặp ngay chiếc thang máy bỏ không nhưng cửa mở toác, bên trong ánh điện mờ tỏ, thảm vải rách ra từng miếng. Ở ngay cửa thang máy là những chân nhang đã cháy hết có lẽ đã được cắm lâu ngày.
Chợt nhớ đến cái phần ly kỳ nhất của lời đồn: Vị pháp sư ngày trước thả ma quỷ vào chính cái thang máy ấy! Là sự trùng hợp ngẫu nhiên hay chỉ là hành động khấn vái mù quáng của người đời sau khi xuất hiện tin đồn? Quá khó để lý giải. Nhưng sự vắng lặng hoang vu có phần u ám đi từ trực quan đến cảm giác một cách tự nhiên. Chúng tôi khó có thể xua đi cảm giác ớn lạnh, thậm chí rờn rợn ở cái hành lang nhỏ hẹp ấy.
Người viết bài này có quen biết “nhà nghiên cứu” huyền thuật N.H.T, một người khá có tiếng ở Sài Gòn. Hơn 20 năm nghiên cứu huyền thuật và phong thủy, ông khoát tay khi nghe chúng tôi nói về giả thiết “con tàu” Thuận Kiều hay “ba cây nhang” Thuận Kiều. “Đó chỉ là tưởng tượng của nhiều người. Còn có rất nhiều giả thiết khác liên quan đến hình tượng của tòa nhà, tất cả đều huyễn hoặc”- ông khẳng định. Thường thì người ta thấy tòa nhà này giống cái gì thì gán cho nó cái ấy. Còn về phong thủy, quan niệm dùng các công trình xây dựng để trấn giữ vượng khí là có thật. Tuy nhiên, hình tượng chính hay dùng đến là cây kiếm dựng ngược chứ không phải là cây nhang. Do đó, giả thiết như vậy là vô lý và thậm chí thiếu hiểu biết.
“Nhà nghiên cứu” N.H.T không khẳng định với chúng tôi chuyện Thuận Kiều Plaza bị ếm bùa. Nhưng ông cũng không loại trừ.
Tôi lại hỏi ông T. nếu thật sự Thuận Kiều Plaza bị ếm bùa thì có cách nào hóa giải? Ông lắc đầu nói rằng nếu giải được thì chủ đầu tư không thiếu tiền để làm việc ấy. Bùa ngải là thứ thần bí, chỉ người ếm bùa mới biết giải, người khác dù cao cường đến đâu cũng phải bó tay. “Bùa chú được dùng có khi chỉ miếng giấy bằng ngón tay, có khi là giọt nước hoặc hòn đá không biết để ở đâu nên không thể hóa giải được”-ông khẳng định. Nếu muốn hóa giải chỉ còn cách đập bỏ từng cục gạch, đào từng cục đất phần móng của ba tòa tháp chọc trời ấy đi để tìm kiếm. Nếu quả vậy thì khác nào tìm đường lên trời?
Vào buổi tối, cả tòa nhà Thuận Kiều Plaza lững lững trong đêm. Càng về khuya nó càng u tịch. Những ngọn đèn leo lét hắt ra từ các khung cửa sổ trên cao. Giữa mê hồn trận lời đồn và sự thật, cảm giác buồn bã xâm chiếm. Chợt nhớ lời tiến sĩ Chu Phác ở Trung tâm Nghiên cứu con người, rằng bùa ngải huyền bí không tồn tại. Chợt hy vọng là như thế.
Hy vọng sự ảm đạm của Thuận Kiều Plaza hôm nay chỉ là những vướng mắc hay xung đột lợi ích chưa giải quyết được. Trong một ngày không xa, người ta sẽ tháo bỏ nút thắt, nó lại sôi động, lại lập lòe ánh đèn màu thắp sáng trung tâm thành phố. Thuận Kiều Plaza sẽ lại là một biểu tượng phồn thịnh xuyên thời gian, vượt lên tất cả những đồn đoán vô căn cứ.

Liệt sĩ báo mộng và hành trình tìm mộ khó tin



Cuộc hành trình đi tìm phần mộ người anh của ông Hà Quang Hinh bắt đầu từ một giấc mơ kỳ lạ đến kết quả xét nghiệm ADN chính xác, khoa học, quả là một câu chuyện giàu ý nghĩa.
Đất nước trải bao phen chiến tranh, hàng triệu người đã hy sinh trên khắp các chiến trường và hiện có biết bao phần mộ còn ẩn khuất nơi rừng sâu núi thẳm, những liệt sĩ may mắn hơn được quy tập về an nghỉ nơi nghĩa trang hương khói đàng hoàng thì cũng còn nhiều lắm trong tình trạng “vô danh”. 
Hình ảnh: Liệt sĩ báo mộng và hành trình tìm mộ khó tin số 1Câu chuyện “giấc mơ” của ông Hà Quang Hinh trong chuyến hành trình tìm phần mộ anh trai là có thật
Cũng bởi vậy đã có bao câu chuyện tìm mộ liệt sĩ ly kỳ, hư hư thực thực. Nhiều câu chuyện bảo đúng cũng được mà bảo là sai, “mộ cha không khóc đi khóc đống mối” cũng khó cãi lại. Lấy gì làm bằng chứng đây? Giữa thời buổi khoa học công nghệ mà chỉ kể chuyện chiêm bao mộng mị thế nọ thế kia thì e dễ bị xem mắc chứng hoang tưởng, tâm thần.
Ấy vậy mà câu chuyện “giấc mơ” của ông Hà Quang Hinh, hiện đang cư ngụ tại số nhà 345, đường Nguyễn Trãi, phường Phú Khánh, thành phố Thái Bình, số điện thoại: 0912828693, qua giám định ADN đã khẳng định là đúng 100%.
Hình ảnh: Liệt sĩ báo mộng và hành trình tìm mộ khó tin số 2
Hình ảnh: Liệt sĩ báo mộng và hành trình tìm mộ khó tin số 3Qua giám định ADN đã khẳng định quan ệ huết thống của liệt sĩ và ông Hinh
1. Người anh liệt sĩ của ông Hinh tên là Hà Tất Thế, sinh năm 1951, quê quán: xã Song An, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình, nhập ngũ tháng 3.1969, đơn vị khi hy sinh: C2, D83 - Quảng Ngãi, QK5, ngày hy sinh 21.4.1971. Liệt sĩ Thế là con thứ tư trong gia đình có 8 anh em trai.
Mặc dù còn bố mẹ và các anh em đều có vợ con nhà cửa đề huề, nhưng ông Hinh vẫn xin với bố mẹ cho được thờ cúng người anh liệt sĩ. Rất có thể từ tấm lòng ấy mới có sự gặp gỡ về tâm linh này. Còn nhớ trong một giấc ngủ say khá dài, chừng nửa đêm về sáng thì ông Hinh gặp cơn mơ lạ lùng. Kể từ ngày anh trai hy sinh tới đêm ấy đã 36 năm, với 28 năm ông nhận việc thờ cúng mà chưa một lần ông mộng mị gì về người anh cả. Trong giấc mơ anh em gặp nhau cứ như đang sống. Cảnh gặp là ở một ngã ba đường. 
Ông Hinh mừng rỡ hỏi ông Thế một hồi. Rằng sao còn sống mà anh không về quê? Sao quần áo đóng thùng, giày mũ gọn gàng thế mà xanh tuya rông đâu không thắt? Và rằng, ở nhà người ta báo tử anh rồi, bố mẹ đang hưởng chế độ lương đấy, giờ biết anh còn sống là họ cắt chế độ, nhưng kệ, em cứ báo về cho bố mẹ mừng… 
Chừng ấy câu hỏi nhưng ông Thế vẫn lặng thinh, không nói năng gì. Chỉ tới câu hỏi cuối cùng này, “anh đã vợ con gì chưa, nhà ở đâu” thì ông anh mới quay đầu nhìn sang phía bên phải. Ông Hinh nhìn theo thấy một quả đồi thấp, phía chân đồi là khu ruộng trũng có hai người đang bừa với hai con trâu… 
Thế rồi ông choàng tỉnh giấc mơ. Vốn là người không tin chuyện ma tà quỷ quái bao giờ, cứ nghĩ chết là hết, việc thờ cúng chỉ là tập tục, có tính nhắc nhớ về tình thân thương máu mủ thôi. Ấy vậy mà giấc mơ đã khiến ông ăn không ngon, ngủ không yên được nữa. Có gì lay thức lòng dạ khôn nguôi. Chính cái chi tiết “thiếu chiếc xanh tuya rông” trên mình người anh, trong cơn mơ đã làm ông trăn trở, ngờ ngợ. 
Cái chi tiết đã làm ký ức trong ông thức dậy. Chả là, lúc còn đóng quân luyện tập ở Quảng Ninh ông Thế có về phép. Lần đó, trước khi trở lại đơn vị ông Thế tặng em trai chiếc xanh tuya rông. Chiếc xanh tuya rông kỷ niệm đó nay đã mất và nếu không có giấc mơ thì chính ông Hinh cũng quên nó lâu rồi. 
Hơn thế, giấc mơ còn cho ông Hinh nhớ lại mấy câu thơ người anh viết trong lá thư cuối cùng gửi về nhà: “Giờ giờ phút phút giây giây/ Ngóng trông ngóng đợi, đợi chờ thư cha/ Đêm này con ở nơi xa/ Nhận được lá thiếp ở nhà gửi lên/ Đọc thư con thấy vui thêm/ Cha mẹ vẫn khoẻ con thêm tin mừng/…Tạm biệt gia đình đi chiến đấu/ Bao giờ thống nhất sẽ về thăm”. Và cuối thư ghi thêm “Bố mẹ đừng gửi thư cho con nữa, vì không có hòm thư đâu. Con bắt đầu rời đất Bắc rồi”.
Quả phải có gì liên hệ, linh ứng mới nên việc lạ lùng như thế được chứ? Ông Hinh âm thầm với những nghi hồ, trăn trở một mình mất mấy hôm. Đến ngày ông kể giấc mơ với bà vợ và bảo “tôi phải đi tìm mộ bác Thế, bà ạ”, vợ ông tỏ ra đồng tình. Ông bèn tìm đến bạn chiến đấu cùng đơn vị xưa của người anh để hỏi thêm tin tức và được họ cho biết ông Thế hy sinh ở địa bàn huyện Mộ Đức hay Nghĩa Hành, tỉnh Quảng Ngãi. Vậy là, vin vào hình ảnh giấc mơ, vào chút ít thông tin đó, ông Hinh rủ một người cháu trai - con ông anh thứ 3 - cùng vào cuộc hành trình tìm mộ người anh.
2. Ông Hinh cùng người cháu bắt xe khách đi thẳng vào Quảng Ngãi, sau tới huyện Mộ Đức, về xã Đức Tân, rồi lại qua xã Đức Minh. Từ địa bàn này chú cháu ông tìm tới mấy nghĩa trang liệt sĩ nhưng chưa thấy quang cảnh nơi nào giống cảnh trong giấc mơ. 
Ba ngày trọ ở Đức Tân tìm kiếm không kết quả, sang ngày thứ bốn ông bèn đi xuyên qua một cánh đồng rộng thì bất ngờ gặp một ngã ba, nhìn ngắm kỹ ông mới giật mình thấy nơi này y như hình ảnh giấc mơ hiện ra vậy. Kia, bên tay phải là một quả đồi thấp và nghĩa trang đặt ở đó, và kia nữa khu ruộng trũng đang có hai con trâu, so với giấc mơ chỉ thiếu hình ảnh hai người đi bừa… 
Ông Hinh kinh ngạc đến rụng rời cả chân tay. Thế là chú cháu ông đi ngay vào nghĩa trang thắp hương cho các phần mộ liệt sĩ. Ông bần thần kiếm phần mộ người anh, đếm nghĩa trang có 580 ngôi mộ thì có tới 2/3 là mộ chưa có danh tính liệt sĩ. Những phần mộ có bia ghi tên liệt sĩ, trớ trêu không thấy tên tuổi Hà Tất Thế đâu. Tuy vậy, gặp quang cảnh ấy trong ông đã nhiều phần thầm tin người anh mình đang an nghỉ ở đó rồi.
Khi đến Đức Minh - Mộ Đức hay ở bên Hành Thịnh - Nghĩa Hành ông Hinh tìm vào trọ nhà ông Trần Nở và ông Nguyễn Tấn Tự, cả hai ông Nở và Tự đều là quân của D83 cũ nên được hai ông rất nhiệt tình đưa đón, tạo điều kiện nơi ăn nghỉ, phương tiện xe máy đi lại. May mắn thêm, ông Tự còn cho ông Hinh số điện thoại của đại tá Tiến, hiện đang công tác ở Bộ Quốc phòng. 
Ông Hinh đã gọi điện nhờ anh Tiến truy tìm qua giấy tờ còn lưu ở bộ xem cụ thể địa điểm hy sinh của liệt sĩ, thì thông tin trở lại từ anh Tiến báo “liệt sĩ Hà Tất Thế hy sinh tại thôn An Ba, xã Hành Thịnh, huyện Nghĩa Hành, tỉnh Quảng Ngãi”. Ôi, thật trùng khớp, đúng là địa điểm nghĩa trang mà chú cháu ông đang đứng. Không còn nghi ngờ gì nữa. Vấn đề còn lại chỉ là mộ phần cụ thể của người anh ruột đang nằm đâu trong hàng trăm ngôi mộ vô danh tính kia?
3. Những ngày sau đó ông Hinh tha thẩn qua lại hỏi han các nhà dân quanh các thôn gần đó xem có ai biết được gì cụ thể hơn về việc quy tập phần mộ các liệt sĩ vào nghĩa trang không, nhưng cũng không thu được kết quả gì thêm. Tới buổi chiều ngày thứ 7 ở Hành Thịnh, ông ra nghĩa trang, thắp hương tại lư hương trước lễ đài và lầm rầm khấn, lời lẽ thành thực như tâm sự và khẩn nài hương hồn người anh, rằng “đồng tiền mang theo đã cạn, quả thực anh đang nằm an nghỉ tại đây thì xin đêm nay về nhà ông Nguyễn Tấn Tự, nơi em ở trọ, báo mộng cho em biết mộ anh là ngôi nào, không có thì ngày mai em phải về Bắc…”. 
Thật màu nhiệm, đêm đó ông Hinh nằm mơ thấy một con chim xanh, to như một chiếc chăn bông bay từ phía đông nghĩa trang về phía tây. Tỉnh dậy ông thấy run sợ về hình ảnh con chim lạ lùng đó. Sáng ấy ông nói khó với ông Tự: “Anh ra nghĩa trang cùng em nhé, em sợ lắm. 
Ông Tự cười bảo, sợ gì giữa ban ngày ban mặt thế này”. Nói vậy nhưng ông Tự vẫn cùng chú cháu ông Hinh đi xe máy tới nghĩa trang. Buổi sáng sớm, khi cánh cổng chính và cánh phụ bên phải còn đóng, chỉ riêng cánh cổng phụ bên trái mở, hai chiếc xe máy lách cổng phóng vào tới chân bậc tam cấp trước lễ đài thì dừng lại. Ông Hinh được người cháu ngồi trước xe máy hích nhẹ tay, ra hiệu có một con chim sáo đen đang đậu ở lư hương. Khi ba người dựa xe xong thì con chim sáo đen bay rất nhẹ tới đậu xuống ngôi mộ thứ 3, hàng 2, khu B và mổ nhẹ xuống mặt mộ hai cái rồi cất cánh bay về hướng tây mất hút. Ông Hinh bèn đi lại ngôi mộ đó thắp hương, vẫn lời lẽ thật thà, nôm na ông khấn: “Chim đã báo vậy, phải đây là mộ của anh thì xin chứng nghiệm cho em bằng cách thử trứng. 
Em cắm chiếc đũa xuống mộ và đặt quả trứng lên đầu ngọn đũa, nếu đúng là anh thì hãy khiến quả trứng đỗ yên, bằng không thì cho trứng rơi xuống…”. Thế rồi ông lấy đôi đũa cùng 4 quả trứng mang theo ra. Quả đầu tiên ông thử, vừa đặt trứng lên đầu chiếc đũa thì quả trứng bỗng quay luôn một vòng mới đậu yên khiến cho ông giật mình, lùi lại, gần như suýt ngã ngửa. Thế rồi ông lần lượt thử đủ bốn lần trên hai chiếc đũa và cả bốn lần quả trứng vẫn đậu. Có lần ông còn để quả trứng ở nguyên trên đầu đũa nửa tiếng đồng hồ, ba người đi thắp hương cho đủ 580 ngôi mộ, khi về quả trứng vẫn đỗ yên trên đầu đũa.
Tới giờ phút ấy, riêng lòng ông Hinh đã tin chắc đó chính là phần mộ của anh trai mình. Ông trở ra Bắc mang theo tin mừng cho gia đình. Sự việc tưởng thế đã xong. Hai cụ thân sinh ra anh em ông, năm 2007 tuổi đã rất cao và các cụ đều mong được sớm đón hài cốt người con trai về quê. Nhưng việc không thể sớm thực hiện vì đa phần anh em nhà ông lại chưa thực tin. Ý kiến nhiều người nói chỉ tin khi có cơ sở khoa học, nghĩa là phải thử ADN. 
Xét ra ý kiến đó có lý. Nó sẽ giúp anh em ông tránh mọi hồ nghi, phiền phức sau này. Chỉ hiềm nỗi năm sau đó ông Hinh bỗng đổ bệnh, phải qua hai phen phẫu thuật và điều trị kéo dài. Tới năm 2010 cụ ông qua đời, cụ bà năm 2012 cũng ra đi. Trước khi mất các cụ vẫn đau đáu một niềm nhắn nhủ là phải đưa được hài cốt người con liệt sĩ về quê hương. Người bố còn nói dỗi “Chỉ tôi là đau đớn thôi. Tôi đang ăn đồng tiền xương máu của thằng liệt sĩ đấy!” Ông Hinh đã thay mặt anh em hứa với bố mẹ.
4. Lần thứ 2 ông Hinh cùng người cháu vào Quảng Ngãi cách lần đầu 4 năm. Đó là năm 2011. Và lần thứ 2 này, nguyên do xui nên cũng vẫn lại từ …giấc mơ. Ông mơ thấy mặt ngôi mộ bị sạt nghiêng đến độ không để được bát nước, khi vào thăm quả nhiên là vậy. Lần đó ông đã mời cô Cao Thị Hạnh - Phó chủ tịch xã Hành Thịnh - ra nghĩa trang xem xét và cùng chú cháu ông tu sửa phần mộ.
 Cũng trong lần thăm này ông làm đơn trình lên UBND xã Hành Thịnh cùng các cấp huyện, tỉnh, bộ, xin phép được mở ngôi mộ nghi là của liệt sĩ Hà Tất Thế để lấy mẫu xương liệt sĩ đi thử ADN. Đơn từ qua lại, tới ngày 02.8.2013 Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ký giấy đồng ý cho phép lấy mẫu sinh phẩm hài cốt liệt sĩ. Ngày 12.9.2013, ông Hinh vào khai mộ, lấy một miếng xương ống chân dài khoảng 2x2cm mang về Cục người có công, rồi từ cục này chuyển sang cho Viện Công nghệ sinh học thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam làm xét nghiệm AND. 
Sau 3 tháng 1 ngày thấp thỏm đợi chờ, tới ngày 13.12.2013 gia đình ông nhận được giấy báo kết quả giám định ADN, số NCC622/CNSH, ngày 3.12.2013, xác định “mẫu hài cốt của phần mộ số 3, hàng 2, xã Hành Thịnh, huyện Nghĩa Hành, tỉnh Quảng Ngãi và mẫu sinh phẩm của ông Hà Quang Hinh… là có liên quan huyết thống dòng mẹ…”. Giấy báo có chữ ký/con dấu của Viện trưởng Trương Nam Hải và Trưởng phòng phân tích Lê Quang Huấn.
Khỏi phải nói khi tiếp nhận giấy báo kết quả xét nghiệm ADN của Viện Hàn lâm khoa học, gia đình ông mừng đến mức nào. Riêng ông mang tờ giấy báo kết quả xét nghiệm ADN đó đặt lên ban thờ, thắp nén hương báo cho hương hồn bố mẹ biết mà không cầm được hai dòng nước mắt. Chưa bao giờ trong đời ông lại xúc động đến vậy. Một nỗi buồn đau xen cùng với niềm vui sướng. Ông đã thực hiện được lời hứa với bố mẹ mình. Sự thật 100% đấy mà đến nay nhiều lúc ông Hinh vẫn nghĩ như mơ.
Ngày 25.12.2013 đại gia đình cùng với các ban ngành xã Song An làm lễ tang đón rước hài cốt liệt sĩ Hà Tất Thế, sau 42 năm hy sinh trở về an nghỉ trên mảnh đất quê nhà, nơi nghĩa trang liệt sĩ xã Nguyên Xá, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình.
Hành trình đi tìm phần mộ người anh của ông Hà Quang Hinh, được khởi đầu qua một giấc mơ kỳ lạ đến kết quả xét nghiệm ADN chính xác, khoa học, quả là một câu chuyện giàu ý nghĩa thực tiễn, giúp cho chúng ta thêm một cơ sở quý giá để trải nghiệm, hiểu biết về những điều kỳ diệu và còn nhiều bí ẩn của cuộc sống.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

TT&HĐ I - 9/d

MUÔN MẶT ĐỜI THƯỜNG III/104

MỌC CÁNH