THỰC TẠI VÀ HOANG ĐƯỜNG 42/b


THỰC TẠI VÀ HOANG ĐƯỜNG (IV)
                         ĐẠI CHÚNG
--------------------------
PHẦN V: THỐNG NHẤT

“Chính qua cuộc đấu tranh nhằm thống nhất một cách hợp lý cái đa dạng mà đã đạt được những thành công lớn nhất, dù rằng chính ý đồ đó có thể gây ra những nguy cơ lớn nhất để trở thành con mồi của ảo vọng”.
                                                         A. Anhxtanh
“Người nhìn thấy cái đa dạng mà không thấy cái đồng nhất thì cứ trôi lăn trong cõi chết”.
Upanishad


CHƯƠNG II: KINH ĐIỂN

“Cứu cánh của khoa học tư biện là chân lý, trong khi, cứu cánh của khoa học thực tiễn là hành động”.
Thomas Aquinas (dẫn)

(tiếp theo)
Người có quan niệm duy nghiệm thuần túy và trở thành ông tổ của chủ nghĩa suy nghiệm là nhà triết học Bêcơn (Francis Bacon, 1561-1626), người ra đời trước Đềcác 35 năm và cũng có chủ trương đưa khoa học  ra khỏi ảnh hưởng của thần học. Bêcơn cho rằng khoa học là kiến thức được xây dựng nên từ kinh nghiệm thuần túy. Muốn cho kinh nghiệm được thuần túy, nghĩa là đúng đắn, đáng tin cậy thì phải tiến hành xem xét, khảo sát thật kỹ càng, tỉ mỉ từng sự vật - hiện tượng trong thực tế, phải loại bỏ mọi giả định, suy diễn phi thực tế ban đầu. Từ đó mà rút ra những tri thức. Quan niệm như vậy có thể là còn phiến diện nhưng chưa hẳn là sai nếu hiểu một cách “linh động”. Tuy nhiên Bêcơn đã cực đoan hóa nó khi tiếp tục cho rằng suy lý thuần túy là sai lầm, toán học thuần túy là vô tích sự.
Đềcác lại quan niệm ngược lại. Ông cho rằng kinh nghiệm rút ra từ thực tiễn chỉ mới là kết quả sơ khai, chưa đủ độ tin cậy nếu chưa qua sự “thẩm định” của tư duy lý tính thuần túy. Theo ông, tri thức đích thực chỉ có thể có được từ hoạt động trí tuệ của tinh thần, tương tự như trong toán học và lôgic học. Ông coi diễn dịch là phương pháp nhận thức cơ bản trong nghiên cứu triết học và khoa học mà xuất phát điểm của nó (tạm gọi) là trực giác lý tính (siêu hơn trực giác cảm tính!) hay tri giác thuần túy của tinh thần. Thứ trực giác này vốn dĩ hiển nhiên, tuyệt đối rõ ràng và minh bạch, không cần chứng minh (thực ra cũng không thể chứng minh cái tạo nên chứng minh!) thì cũng không cách gì bác bỏ được, có trước cảm giác, trước kinh nghiệm nên có tính bẩm sinh, tiên thiên, tiên nghiệm (thật huyền bí quá chừng! Ở điểm này, phải chăng Đềcác là tiền bối trực tiếp và trực hệ của Kant?). Như vậy, đối với Đềcác, chỉ có thể tiếp cận được chân lý, xây dựng được tri thức chân chính và đích thực bằng cách duy nhất: suy lý thuần túy của trí tuệ trên cơ sở đầu tiên là tri giác thuần túy của tinh thần. Thế là có thể nói, chính Đềcác chứ không ai khác đã chắp cánh cho “phương pháp” duy lý hồn nhiên, tự phát thời cổ đại bay cao, hóa thành một quan niệm lớn là chủ nghĩa duy lý.
Trên cơ sở quan niệm đó của mình, Đềcác đã đề xướng ra một phương pháp nhận thức để áp dụng trong thực tiễn nghiên cứu khoa học, mà tiêu chí của nó, theo ông là “… Nhưng nguyên tắc duy nhất mà ta dùng phải là những nguyên tắc ta thấy tự chúng là hiển nhiên nếu không suy ra được từ chúng điều gì ngoại trừ bằng cách diễn dịch toán học. Và nếu mọi điều suy ra này nhất trí chính xác với những hiện tượng tự nhiên, thì theo tôi, chúng ta sẽ xúc phạm Thượng Đế khi nghi ngờ việc phát hiện ra các kết quả như thế là giả dối”.
Để thu thập được tri thức đúng đắn, đáng tin cậy, để tiếp cận được chân lý "đúng là chân lý" bằng phương pháp diễn dịch trên cơ sở duy lý thuần túy, Đềcác đưa ra bốn yêu cầu cơ bản phải tuân thủ sau đây:
1 - Phải thật thận trọng trong suy luận, tránh những phán đoán và thành kiến vội vã. Chỉ có những gì đã được cảm nhận một cách rõ ràng và rành mạch, không gợn nên chút nghi ngờ nào, mới được coi là chân lý đích thực.
2 - Chia sự vật - hiện tượng cần nghiên cứu thành những bộ phận nhỏ hơn hợp thành nó, đến mức có thể được, một cách phù hợp nhất, nghĩa là phân chia vấn đề lớn thành những vấn đề nhỏ hơn để đơn giản hóa, tạo thuận lợi cho việc nghiên cứu khảo sát.
3 - Lập luận và tìm hiểu theo trình tự từ thấp đến cao, nghĩa là phải xuất phát từ những điều đơn giản nhất, sơ đẳng nhất, dần dần tiến đến những điều “to tát” hơn, phức tạp hơn.
4 - Phải liệt kê, xem xét đầy đủ mọi dữ kiện, không được bỏ sót một dữ kiện nào và cuối cùng, sau khi đã hoàn tất suy lý, phải kiểm tra lại cẩn thận mọi khâu của quá trình lập luận.
Với chủ trương duy lý và việc đề xướng phương pháp cùng bốn yêu cầu cơ bản áp dụng vào thực tiễn nghiên cứu khoa học như vậy, mặt khác cũng có thể bị tác động ít nhiều từ thực tế là hiện tượng dần bộc lộ ngày một nhiều “sơ hở”, sai lầm trong hệ thống khoa học - triết học Arixtốt đã bị kinh viện giáo điều hóa, Đềcác đã nêu ra luận thuyết của mình về sự hoài nghi.
Có lẽ sự hoài nghi xuất hiện lần đầu tiên trong lịch sử loài người là trong trí não một con người nguyên thủy nào đó sau một lần “nhìn gà hóa cuốc” rồi phát hiện ra là gà chứ không phải cuốc! Đó là một ý kiến có phần tếu táo, nhưng đúng là sự hoài nghi phải xuất hiện trong não người từ buổi đầu của thời xa xưa tối cổ, khi mà sự suy nghĩ bắt đầu biết phán đoán. Đã phán đoán thì có thể đúng hoặc sai và sự nghi ngờ đối với một phán đoán tất yếu sẽ nảy sinh.
Nếu bàn luận một cách nghiêm túc và theo lịch sử phương Tây còn lưu lại thì sự hoài nghi chính thức nổi lên thành một quan niệm triết học là vào thế kỷ IV TCN ở Hi Lạp cổ đại. Trước đó, lâu hơn nữa, đã từng xuất hiện không ít nhà triết học có tư tưởng nghi ngờ vào khả năng nhận thức của loài người về tự nhiên. Người thì cho rằng không thể thấy được chân xác hiện thực vì nó luôn biến đổi và hơn nữa vì khả năng bị hạn chế của giác quan, do đó nhận thức chỉ có thể đến một “mức độ hạn định”. Có người lại cho rằng những hình ảnh mà con người thấy được đều không phải là những “sự thực tự nó”, đều chỉ là những “hiện thực lừa dối”, cho nên con người vĩnh viễn không thể nhận thức được thế giới (bất khả tri).
Vào cuối thế kỷ IV, đầu thế kỷ III TCN, quan niệm hoài nghi bộc phát thành như một thứ chủ nghĩa. Nhiều nhà triết học chủ trương không nên tin vào bất cứ cái gì trên đời. Tiêu biểu cho trường phái này là hai thầy trò Pyrrhon (360-272 TCN) và Timon (320-280 TCN).
Quan niệm hoài nghi về nhận thức xuất hiện trong triết học có nguyên nhân không chỉ do “lỗi” nhận định ở con người mà chủ yếu là do “lỗi” của Tự Nhiên Tồn Tại, do sự hiện hình đầy “tính ma quái” của nó trước một chủ thể quan sát “người trần mắt thịt”. Như vậy có thể thấy sự hoài nghi về nhận thức trong triết học như là một tất yếu và hơn nữa sự xuất hiện đó không những không có hại mà còn như một xúc tác thúc đẩy nghiên cứu triết học phát triển.
Vào khoảng 200 năm sau CN, nhà triết học La Mã cổ đại tên là Sextus Empiricus viết tác phẩm “Khái lược về học thuyết của Pyrrhon”. Trong đó có đoạn:
“Trường phái hoài nghi do hoạt động truy tìm và nghiên cứu nên được gọi là “trường phái nghiên cứu”, do tâm trạng của những nhà nghiên cứu sinh ra sau khi nghiên cứu nên được gọi là “trường phái tồn nghi”, do thói quen hoài nghi và tìm tòi cũng như do thái độ không dứt khoát của họ về việc khẳng định hay phủ định nên gọi là “trường phái do dự”. Còn “trường phái Pyrrhon” là trường phái mà chúng ta cho rằng chính ông là người so với các bậc tiền bối càng hoài nghi triệt để, rõ ràng hơn”.
Pyrrhon sinh ra ở Elis và giảng dạy triết học ở đó. Hình như ông không viết gì. Những đoạn văn còn lưu truyền được đến ngày nay là do học trò của ông ghi chép lại. Chúng ta sao chép ra dưới đây để thấy được triết lý cơ bản của Pyrrhon:
“Vạn vật là một thể thống nhất không thể chia cắt. Do đó, chúng ta không thể từ cảm giác hoặc từ ý kiến của mình mà cho rằng sự vật là đúng hay sai. Cho nên chúng ta không nên tin chúng. Chúng ta kiên trì không chút dao động về việc chúng ta không phát biểu gì hết, không phán đoán gì hết. Đối với mọi việc chúng ta đều nói: nó vừa là không không tồn tại vừa là không tồn tại. Hoặc giả nói: nó vừa không tồn tại nhưng lại tồn tại. Hoặc giả nói: nó vừa không tồn tại, vừa không không tồn tại”.
“Không có một việc gì cố định để giáo huấn cho chúng ta. Bởi vì đối với bất cứ một mệnh đề nào, chúng ta cũng đều có thể nói ra một lúc hai mệnh đề ngược nhau”.
“Cái thiện cao nhất là không nên có bất cứ nhận xét gì. Bởi vì có như vậy thì linh hồn mới được yên ổn”.
Tư tưởng hoài nghi của Pyrrhon là biểu hiện triết học Hy Lạp cổ đại đã lâm vào tình trạng bế tắc, khi trình độ nhận thức của nó chưa kịp đáp ứng trước những vấn đề về tư duy lý luận mới nảy sinh ra sáu thời kỳ phát triển cực thịnh. Chính vì vậy mà tư tưởng hoài nghi đó cũng là sự biểu hiện về sự mất niềm tin vào khả năng có thể nhận thức được thế giới khách quan ở con người. Nó tỏ ra hoàn toàn bi quan, tiêu cực.
Trái lại, vào thời Đềcác, khoa học đã gặt hái được những thành quả quan trọng, nhất là nó đã bắt đầu tỏ rõ cái năng lực tiềm tàng trong việc đi khám phá bản chất của thế giới khách quan và đang chuyển mình để chuẩn bị cho một bước tiến vĩ đại. Lúc này chính khoa học đã làm cho triết học hồi phục niềm tin rằng loài người có thể hoàn toàn nhận thức được thế giới khách quan. Rất nhiều nhà khoa học tin như vậy và chính Đềcác cũng tin như vậy. Do đó, tư tưởng hoài nghi của Đềcác là có tính lạc quan, tích cực. Khi nêu ra luận thuyết hoài nghi, mục đích của Đềcác không phải là để nghi ngờ khả năng của nhận thức, mà là để khẳng định sự không thể tin cậy các kết quả có được từ cảm năng của giác quan cũng như từ những suy lý còn “mù mờ” thiếu căn cứ.
Trên cơ sở luận thuyết đó, Đềcác tiếp tục đưa ra luận điểm rằng, cần phải nghi ngờ tất cả những gì không rõ ràng sáng sủa, chưa qua sự thẩm định kỹ càng của tư duy lý tính, kể cả các tri thức đã được quá khứ xác nhận. Ông nói: “Tôi đã nhận ra sự cần thiết phải… xóa bỏ mọi chuyện và bắt đầu lại ngay từ những nền tảng, nếu tôi muốn xác lập được cái gì ổn định và lâu bền trong khoa học”. Rõ ràng, luận điểm này đóng vai trò như là một yêu cầu lớn, một đòi hỏi bắt buộc trong nghiên cứu khoa học và cũng vì thế mà nó là xuất phát điểm của 4 yêu cầu đã nêu ở trên của Đềcác.
Nhưng làm thế nào mà Đềcác có thể thẩm tra tất cả những tri thức mà loài người đã tích tụ được từ thuở đầu tiên cho đến thời của ông mà đối với ông là chưa thể tin cậy? Trước khối lượng công việc khổng lồ đến mức bất khả thi như thế, ai mà không lắc đầu ngao ngán! Đềcác chắc cũng đã thấy rõ tình hình đó nên ông nói: “Để tránh khỏi vấn đề ấy, tôi tự hỏi: mọi nhận thức của con người là từ đâu đến? Tôi thấy chỉ có hai nguồn gốc của nhận thức là các giác quan của chúng ta và lý trí của chúng ta”.
Trước Đềcác khoảng 2000 năm, hiền triết Plato đã cho rằng những nhận biết có được từ các giác quan là không thực, tuy nhiên ông còn nói: “Nhưng tôi nghĩ rằng, con người chúng ta vẫn luôn có thể chắc chắn về toán học, hình học và lôgic học. Nhận thức như thế là nhận thức thuần túy và tất yếu”. Còn Đềcác thì “đi xa” hơn. Theo ông thì vì nhiều khi chúng ta vẫn mắc lỗi trong toán học cũng như trong lôgic học cho nên nhận thức có được từ giác quan cũng như nhận thức có được từ lý trí, nhưng chưa qua thẩm định của tư duy lý tính thuần túy đều đáng ngờ như nhau và chân lý đích thực hay có thể gọi là “nhận thức thuần túy” chỉ có thể xuất hiện trên con đường của tư duy lý tính thuần túy. Vật thì làm thế nào nhận biết được một nhận thức là thuần túy và một tư duy lý tính là thuần túy? Phải thẩm tra chúng và do đó chúng cũng bị đặt trong vòng nghi vấn, cũng đáng ngờ nốt; Thế nhưng thẩm tra chúng bằng cách nào? Đến đây, bộ não của Đềcác bắt đầu bộ lộ sự “lẩn quẩn xuất chúng" với những suy tư độc đáo và kỳ lạ của ông, để rồi đi đến một phát hiện cực kỳ bất ngờ mà theo ông là không thể “chê vào đâu được” về sự đúng đắn: Có thể nghi ngờ tất cả, song “cái tôi” không bao giờ có thể nghi ngờ được bản thân nó đang nghi hoặc suy tưởng, vì suy tưởng hoặc nghi ngờ không thể diễn ra trong khoảng không. Hãy nghe Đềcác lập luận: “Trong khi tôi có thể cho rằng tôi không có thân thể và thế giới cũng không có nốt… thì tôi lại không thể cho rằng tôi không tồn tại. Tôi đã nhìn ra điều này từ sự kiện đơn giản là tôi đang nghi ngờ sự thật của những sự vật khác”. Từ đó mà có câu nói nổi tiếng, vang vọng đến tận ngày nay: “Tôi tư duy, vậy tôi tồn tại” (Cogito ergo Sum) và nó được Đềcác coi như một tiên đề của nhận thức suy lý thuần túy. Cuối cùng, Đềcác đã đề ra một “nguyên tắc” tư duy để đảm bảo được lý tính thuần túy:
- “Tôi tồn tại” là điều không thể nghi ngờ
- Tôi tri giác một cách rõ ràng và sáng sủa, rằng “Tôi tồn tại” là đúng.
- Vậy, bất cứ điều gì được tôi tri giác một cách rõ ràng và sáng sủa sẽ đều đúng.
Điều “khó chịu” ở đây là một ý tưởng “rõ ràng và sáng sủa” đối với người này lại chưa chắc là “rõ ràng vá sáng sủa” đối với người khác. Cho nên, để “chắc ăn”, Đềcác đã phải “dựa” vào Thượng Đế: "Khi Thượng Đế tạo ra chúng ta, Ngài “đóng dấu” cái ý tưởng bẩm sinh về bản thân Ngài vào trong đầu óc chúng ta”, mà ngài là một “thực tồn” hoàn hảo cho nên những ý tưởng “rõ ràng và sáng sủa” đều được Ngài đảm bảo và đều đúng cả.
Các tác phẩm triết học – khoa học của Đềcác vừa ra đời đã nhanh chóng được phổ biến rộng rãi. Tư tưởng và học thuyết của ông cũng nhờ thế mà được truyền bá khắp châu Âu tạo nên không khí sôi nổi, hồ hởi trong giới khoa học, rồi chuyển biến thành như một trào lưu, một trường phái nghiên cứu khoa học.
Vật lý học ở thế kỷ XVII ngày càng xác lập được nhiều mối quan hệ chuyển hóa định lượng giữa các yếu tố vật lý cấu thành sự vật - hiện tượng. Nhiều lập luận khoa học của trường phái Đềcác dẫn đến những kết quả không kiểm tra được bằng thực nghiệm hoặc mâu thuẫn với thực nghiệm. Do đó, học thuyết của Đềcác mau chóng trở nên  lạc lõng. Xét về phương diện khác, học thuyết Đềcác dù tồn tại không lâu, nhưng đã đóng trọn vẹn vai trò của nó trong việc giải phóng khoa học khỏi sự khống chế của giáo hội La Mã.
Mười ba năm sau khi Đềcác mất, các tác phẩm của ông bị giáo hội La Mã cấm chỉ. Tuy nhiên hành động đó chỉ còn như là một sự “vuốt đuôi” đối với khoa học khi nó đã bắt đầu bước vào thời kỳ nhảy vọt, không có thế lực nào ngăn chặn nổi. Thời thế đã đổi thay!
***
Đến thời Đềcác, ánh sáng được thừa nhận là gồm vô số hạt lan truyền nối đuôi nhau theo đường thẳng và chỉ theo ba cách có thể: truyền thẳng nếu không có vật cản, phản xạ hay khúc xạ khi có vật cản. Tuy nhiên, một giáo viên dạy toán và cũng là tu sĩ dòng tên tên là Grimaldi (1618-1663) trong quá trình thực hiện một thí nghiệm đã phát hiện ánh sáng còn một cách lan truyền nữa. Ông viết trong chuyên luận của mình: “Tôi sẽ chứng tỏ với các bạn một phương thức lan truyền thứ tư mà tôi gọi là nhiễu xạ, bởi vì ánh sáng bị phân tác, ở ngay trong một môi trường đồng nhất, ỡ lân cận một vật cản, thành các nhóm tia khác nhau lan truyền cho theo các hướng khác nhau”. Grimaldi đã đưa ra giả thiết rằng có khả năng ánh sáng có bản chất sóng và dừng lại ở đó, không phát triển ý kiến gì thêm.
Chính Huygens (Christiaan Huygens, 1629-1695), nhà toán học, vật lý học nổi tiếng người hà Lan đã đề xuất thuyết sóng về ánh sáng trong tác phẩm “Luận về ánh sáng” của mình. Theo ông, ánh sáng lan truyền trong không gian cũng như sóng nước khi ném một vật xuống mặt hồ. Phải có một chất nền đóng vai trò như nước để sóng có thể lan truyền, do đó Huyghens thừa nhận có một tinh chất huyền bí, không sờ mó được, không thấy được, lấp đầy không gian, gọi là Ête. Trên cơ sở lý thuyết sóng ánh sáng của mình, Huyghens đã giải thích được hiện tượng phản xạ, khúc xạ và cả nhiễu xạ một cách dễ dàng.
Mặc dù đây là một lý thuyết tiến bộ, đầy hứa hẹn về ánh sáng nhưng lại bị Niutơn, người xây dựng thuyết hạt ánh sáng mà Đềcác đã từng nêu lên, phản đối lịch liệt. Có thể chính uy tín của Niutơn đã làm cho thuyết sóng ánh sáng của Huyghens bị bỏ rơi trong một thời gian dài.
Niutơn coi ánh sáng là luồng các hạt có tốc độ lớn và tính chất truyền thẳng của ánh sáng được ông giải thích như hệ quả chuyển động quán tính của các hạt sáng. Thuyết hạt ánh sáng của Niutơn cũng giải thích được tính truyền thẳng, phản xạ và khúc xạ. Tuy nhiên, để giải thích các tính chất mới phát hiện về ánh sáng, Niutơn buộc phải bổ sung thêm giả thuyết làm cho thuyết của ông ngày một “cồng kềnh”, phức tạp và nhiều khi còn thiếu lôgic.
Niutơn (Issac Newton) là thiên tài người Anh, là nhà toán học xuất chúng và là một trong vài nhà vật lý học được coi là vĩ đại nhất trong lịch sử nhân loại. Ông sinh ngày 25-12-1642 trong một giai đình trại chủ nghèo. Niutơn là đứa trẻ bị sinh non, èo uột, tưởng không sống nổi. Năm lên 7 tuổi, Niutơn bắt đầu đi học ở trường làng. Năm 12 tuổi, Niutơn được gửi tới trường trung học Grantham. Bắt đầu từ đây, trí thông minh thiên bẩm của Niutơn bộc lộ.
Do hoàn cảnh gia đình, năm 14 tuổi, Niutơn buộc phải bỏ học, trở về nhà để phụ giúp việc vườn trại. Dù vậy, niềm say mê khoa học đã làm cho niutơn tranh thủ tự học, miệt mài đọc sách. người chủ của Niutơn thấy vậy đã vận động gia đình cho Niutơn tiếp tục đến trường.
Được trở lại trường, Niutơn đã nỗ lực học tập và đạt thành tích rất xuất sắc. Năm 18 tuổi, tức năm 1661, Niutơn đã thi đậu vào trường Đại học Trinity (thuộc về hệ thống học đường Cambridge).
Năm 1663, khi bước vào năm sinh viên thứ ba, Niutơn được giáo sư Bêrâu (Isac Barow, 1630-1677), nhà toán học giỏi bậc nhất nước Anh hồi đó, hướng dẫn. Nhờ sự hướng dẫn của vị giáo sự này, chỉ trong vòng 2 năm cuối, Niutơn đã hoàn toàn nắm vững các kiến thức cơ bản về toán học, cơ học, quang học, thiên văn học…
Sau khi tốt nghiệp đại học, Niutơn được giữ lại trường làm nghiên cứu sinh. Trong thời gian 1665-1666, một nạn dịch hạch đáng sợ lan truyền khắp nước Anh, Trường Đại học Trinity phải tạm thời đóng của và Niutơn vì thế mà cũng trở về quê nhà, nương náu ở đó trong 18 tháng. Điều kỳ diện là chỉ trong vòng 18 tháng ở quê nhà đó thôi, chàng trai còn rất trẽ Niutơn đã phác thảo xong một cách cơ bản các nội dung mang tính cốt lõi của toàn bộ sự nghiệp nghiên cứu khoa học bất tuyệt của mình, cái sự nghiệp mà bộ phận chân lý của nó đã trở thành nền tảng của vật lý học cổ điển nói riêng và vật lý học hiện đại nói chung. Những phát kiến đó là: tìm ra biểu thức khai triển lũy thừa của một tổng thành tổng các lũy thừa một cách tổng quát (nhị thức Niutơn) đề xuất phép toán vi phân tích phân, những phát hiện cơ bản về bản chất ánh sáng, về quang phổ và đặc biệt là đã khám phá ra cái bản chất tư nhiên hút nhau (hấp dẫn) của vạn vật…
Mùa xuân năm 1667, Niutơn trở lại trường Đại học Trinity. Năm sau, Niutơn được phong học vị thạc sĩ. Năm sau nữa, tức năm 1669, giáo sư bêrâu cho rằng tài năng của Niutơn đã vượt mình, nên ông từ chức giáo sư toán lý, nhường chỗ cho người học trò cũ.
Có thể nói Niutơn là một thiên tài lạ lùng. Ông đã dành trọn tuổi thanh xuân cho nghiên cứu khoa học và thành công cũng đến với ông từ rất sớm; Thế nhưng ông lại công bố chúng khá muôn. Miệt mào nghiên cứu, hối hả thực nghiệm, ghi chép rất nhiều, xong rồi đem cất kỹ, chỉ có một vài đồng nghiệp gần gũi biết được. Niutơn không cho đăng ngay các công trình nghiên cứu của mình, nhiều khả năng là do ông thấy chúng còn chưa hoàn chỉnh, sợ còn sơ hở sẽ gây ra sự công kích, phản bác chống lại thế giới quan vật lý của ông. Có người còn cho rằng Niutơn hành động như vậy vì ông có tính đa nghi, mắc chứng hoang tưởng, luôn sợ các đồng nghiệp ăn cắp thành quả khoa học của mình. Nhận xét của những người đương thời về Niutơn còn lưu lại được đến nay nhiều khi trái ngược nhau cho thấy trong tâm hồn ông diễn biến phức tạp với nhiều xung khắc. Chẳng hạn:
“Ông không bao giờ dành thì giờ cho giải trí và dạo chơi. Ông không quan tâm đến thể thao. Ông xem mọi phút là mất đi, nếu không dành cho các nghiên cứu khoa học”.
“Ông thường đi giày mòn gót và tóc tai cũng không chải”.
“Là người tự đắc không chịu ai phản đối”.
“Thực ra ông là người tốt bụng, nhưng có tính hoài nghi”.
Ông bà ta bảo: “Có tật, có tài”, hay “nhiều tật, lắm tài”, không biết có ứng nghiệm trong trường hợp cuộc đời Niutơn hay không? Dù sao thì nhiều thành kiến không tốt về con người Niutơn là có thực và có lẽ “không có lửa thì làm sao có khói?”
Năm 1671, Niutơn trở thành hội viên Hội khoa học Hoàng gia Anh (lúc đó vẫn là một tổ chức có tính tư nhân, nhưng sự hoạt động và uy tín của nó tương tự nhu Viện hàn lâm khoa học). Ông được bầu vào Hội hoàng gia có lẽ là vì những công trình nghiên cứu quang học của mình. Ông đã gửi lên Hội Hoàng gia một chuyên khảo về vấn đề ánh sáng trên tinh thần lý thuyết hạt có tựa đề: “Lý luận mới về ánh sáng và màu sắc”. Văn kiện này được nhà vật lý học Huc (Robert Hooke) trình bày trước Hội đồng Hội Hoàng gia. Húc là người ủng hộ nhiệt thành thuyết sóng ánh sáng của Huyghens nên coi bài chuyên khảo như một phát kiến mới, cần nghiên cứu thêm và hoàn toàn không đồng ý ở phần kết luận. Bài chuyên khảo sau đó được phố biến, gây chú ý đáng kể trong lĩnh vực khoa học ở châu Âu và đồng thời làm nổ ra cuộc tranh cãi gay gắt giữa một bên là Niutơn và một bên là Huyghens – Húc, kéo dài đến khoảng năm 1675 mới lắng dịu với phần thắng tạm nghiên về Niutơn. Dù thế, sự việc này cũng đã gây cho Niutơn không ít mệt mỏi, chán nản. Ông viết: “Tôi đã bị quấy rầy, hành hạ quá nhiều với những cuộc tranh luận ồn ào vì lý thuyết về ánh sáng của tôi. Đó cũng tại sự bất cẩn, từ bỏ sự yên tĩnh của mình để chạy theo một cái bóng của chính mình”.
Khi đã là hội viên Hội Hoàng gia, Niutơn có cơ hội tiếp xúc với các nhà khoa học nổi tiếng. Trong số đó có nhiều người, cũng như Niutơn, quan tâm sâu sắc đến vấn đề chuyển động của các hành tinh cũng như nguyên nhân gây ra hiện tượng có quy luật đó. Phải nói là từ rất sớm, vào năm 1661, khi Niutơn chỉ mới bước chân vào trường Đại học Trinity, thì Hội Hoàng gia Anh đã thành lập một ủy ban chuyên môn để tiến hành nghiên cứu bản chất của trọng lực. Nhiều nhà khoa học, trong đó có Halây (Edmund Halley, nhà thiên văn học Hội Hoàng gia, 1656-1742), đã thu được những kết quả nhất định trong nghiên cứu về vận động của các thiên thể, song chưa đâu vào với đâu. Vài người cũng đã nghĩ tới lục hút của Mặt Trời đối với các hành tinh có bản chất tỷ lệ nghịch với bình phương khoảng cách giữa chúng. Halây và Húc đã cố tìm ra bản chất mối quan hệ giữa lực hút, khoảng cách, quĩ đạo elip của hành tinh để từ đó có thể thiết lập công thức chứng minh bằng toán học nhưng không thành công.
Cái mà đối với Halây và Húc còn rất mông lung thì Niutơn đã cầm trong tay từ lâu rồi. Tuy nhiên, Niutơn vẫn cảm thấy chưa chắc chắn. Nguyên do là trước đây, khi đem kết quả tính toán so với số liệu quan trắc thực tế, Niutơn thấy chúng không khớp nhau nên ông đành cất kết quả nghiên cứu của mình trong ngăn kéo bàn làm việc, tiếp tục tìm cách hoàn chỉnh nó.
Một lần, trong khi tìm đọc các tài liệu, Niutơn bắt gặp một số liệu mới về bán kính Trái Đất. Số liệu này là do một nhà khoa học Pháp nêu ra vào năm 1672 sau khi thực hành đo đạc ở phía bắc Pari và đã từng được công bố trong Hội Hoàng gia Anh trước ngày Niutơn tìm thấy nó khoảng 10 năm. Dựa vào số liệu mới này, Niutơn lập tức tính toán lại vận tốc quay quanh Trái Đất của mặt Trăng theo lý thuyết về hấp dẫn trước đây của mình thì thấy sự phù hợp đáng kinh ngạc giữa kết quả lý thuyết và quan trắc thực nghiệm. Thì ra, số liệu bán kính Trái Đất mà ông dùng vào việc kiểm chứng từ 16 năm trước là không chính xác. Đến đây, nguyên nhân của chuyển động hành tinh đã được khám phá, hiện tượng vạn vật hấp dẫn đã có thể được nêu lên thành một định luật, được biểu diễn chính xác bằng toán học và đã được thực nghiệm kiểm chứng. Thế nhưng, Niutơn vẫn chưa chịu công bố thành quả của mình. Chắc rằng, ông muốn dành thời gian để xem xét lại một cách cẩn thận, không muốn có bất cứ sơ hở nào trước khi đưa nó ra công khai.
Năm 1684, có cuộc gặp gỡ của một số hội viên Hội Hoàng gia Anh (không có Nutơn) nhằm bàn luận về vấn đề lực hấp dẫn. Việc tìm cách xác định định lượng (nghĩa là bằng công cụ toán học) mối quan hệ giữa lực hấp dẫn với chuyển động hành tinh, và thông qua đó mà xác định dạng quĩ đạo của nó vẫn hoàn toàn bế tắc. Haylây, có lẽ nghe phong thanh rằng Niutơn cũng đang nghiên cứu lĩnh vực này, bèn tìm gặp. Niutơn trả lời cho Halây biết ông đã giải quyết được bài toán từ lâu. Sau đó vài tháng, theo lời hứa, Niutơn đã gửi cho Halây những tính toán chi tiết về chuyển động elip của hành tinh dưới tác động của lực hấp dẫn và diễn giảng tại trường Đại học Trinity về đề tài “Luận về chuyển động thiên thể”. Bài diễn giảng đó đã gây tiếng vang lớn trong giới khoa học đường thời. Được Halây thường xuyên khuyến khích, động viên, Niutơn đã tập trung viết một cuốn sách về toàn bộ công trình nghiên cứa chuyển động và lực hấp dẫn của mình. Tác phẩm được hoàn thành thành trong một thời gian kỷ lục (trong hau năm, từ 1685-1686). Chính Halây đã bỏ tiền ra xuất bản trong năm 1687. Tác phẩm là một bộ sách gồm 4 tập, có tựa đề “Những nguyên lý toán học của triết học tự nhiên” (thường gọi tắt là “Những nguyên lý").
Tác phẩm “Những nguyên lý” là sự đánh dấu bước nhảy vọt về trình độ nhận thức thế giới khách quan của loài người về mặt vật lý. Trong đó là sự trình bày đầy đủ những khái niệm, những nguyên lý, những định luật cốt lõi, cơ bản nhất về chuyển động vạn vật - một dạng biểu hiện chủ yếu của vận động vật chất trong thế giới vĩ mô và hơn nữa là một trong hai hình thức vận động Không Gian (tạm gọi là di dời và cảm ứng) làm nên sự chuyển hóa đa dạng và phong phú đến vô tiền khoáng hậu của Vũ Trụ. Có thể nói “Những nguyên lý” là kiệt tác sáng tạo của bộ não tư duy khoa học thiên tài Niutơn, trên cơ sở biết rút kinh nghiệm và đúc kết được một cách tài tình từ những phát kiến, khám phá, suy tư của các nhà khoa học tiền bối như Keple, Galilê, Đềcác… Chính Niutơn đã nhận thức được điều đó, cho nên ông đã để lại cho những thế hệ sau một câu nói chân thành mà cũng như một lời nhắn nhủ: “Nếu nói tôi nhìn xa hơn một chút so với Đềcác thì nguyên do là bởi tôi đã đứng được trên vai của những người khổng lồ!”.
Với “Những nguyên lý”, một nền vật lý mới thực sự ra đời gọi là vật lý cơ học, với tiêu chí lấy thực nghiệm làm chuẩn mực cuối cùng để xác nhận chân lý. Đến thế kỷ XVIII, tên tuổi của Niutơn đã vang lừng khắp châu Âu, uy tín của ông đối với vật lý cao đến nỗi người ta còn gọi vật lý cơ học là “Cơ học Niutơn”. Các nhà toán học theo chủ nghĩa duy lý ở thế kỷ này đã đưa cơ học lên thành mẫu mực của mọi khoa học. Nhà toán học Lagrăngiơ, người tham gia thiết lập hệ thống đo lường trong thời kỳ cách mạng Pháp, đã ca ngợi Niutơn không tiếc lời: “Niutơn không chỉ là một bộ óc vĩ đại nhất từ trước đến nay, mà còn là một người may mắn nhất. Bởi vì chỉ có một thế giới tồn tại, và thế là trong suốt lịch sử của nhân loại chỉ một người duy nhất tìm ra các định luật của thế giới”.
Trong cuộc đời mình, Niutơn đã đóng vai trò như một nhân vật chính trong vài sự kiện gây ít nhiều ảnh hưởng xấu tới danh tiếng của ông trước hậu thế. Một trong những sự kiện ấy là trường hợp tranh cãi quyền ưu tiên phát minh với Lepnit.
Lépnit (Gottfried Wilhelm Leibniz, 1646-1716) là nhà vật lý học, toán học danh tiếng, nhà triết học duy tâm khách quan người Đức. Ông là người độc lập với Niutơn, cũng tìm ra phép tính vi phân – tích phân (vào năm 1676) và cho xuất bản công trình nghiên cứu toán học đó vào năm 1684. Trong khi Niutơn có thể là người phát hiện ra trước (vào năm 1665) nhưng ở dạng chưa hoàn chỉnh và có thể cũng vì lý do nào đó khác nữa mà mãi đến năm 1693, ông mới công bố ấn phẩm với tựa đề “Phép tính vi phân hệ số”. Thế là một cuộc cãi vã om sòm nổ ra tranh giành tác quyền đối với phép tính đó.
Mở đầu cuộc cãi vã đó là một bài phê bình của Lepnit, buộc tội Niutơn đã mượn những tư tưởng của ông về phép tính vi phân hệ số. Cuộc cãi vã kéo dài trong nhiều năm. Điều muốn nói ở đây là thái độ và cách ứng xử của Niutơn trong cuộc tranh giành tác quyền với Lepnit. Không biết sự thực đúng đến mức nào, nhưng theo nguyên văn lời của Stephen Hawking trong tác phẩm “Lược sử thời gian” (A brief history of time, xuất bản lần đầu tiên vào năm 1988), thì:
“… Một điều đáng chú ý là số lớn các bài báo ủng hộ của Niutơn lại được chính ông viết ra và công bố dưới tên các bạn ông! Khi cuộc cãi vã có qui mô lớn, Lépnit mắc sai lầm lớn là kêu gọi Hội Hoàng gia giải quyết. Niutơn vốn là chủ tịch Hội Hoàng gia, đã chỉ định một hội đồng “không thiên vị” để tra xét vấn đề. Hội đồng này “tình cờ” lại gồm toàn những người bạn của Niutơn! Song chưa hết: Niutơn đã đệ trình lên hội đồng một bản báo cáo và Hội Hoàng gia đã công bố bản báo cáo này, trong đó Niutơn công khai buộc tội Lepnit đánh cắp công trình của mình. Chưa thỏa mãn, Niutơn còn viết một bài nặc danh điểm lại báo cáo nói trên và đăng vào tạp chí riêng của Hội Hoàng gia. Sau khi Lépnit chết, người ta còn kể lại rằng Niutơn đã tuyên bố ông vô cùng thỏa dạ khi “làm vỡ quả tim của Lepnit”.
Ngày nay, vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau về vấn đề giữa hai người đó, ai là người có tác quyền về phép tính vi phân tích phân. Tuy nhiên, người ta thiên về Lépnit vì ông là người công bố trước, đồng thời phương pháp trình bày của ông cũng dễ hiểu và đầy đủ hơn.
Cũng trong “Lược sử thời gian”, Hawking còn kể một trường hợp ứng xử cay độc nữa của Niutơn, mà nguyên văn là:
“Isaac Newton không phải là một người dễ chịu. Những mối quan hệ của ông với các học giả khác rất tai tiếng, phần lớn các giai đoạn sau của cuộc đời ông gắn liền với những tranh luận gay gắt…
Newton mâu thuẫn với nhà thiên văn Hoàng gia là John Flamsteed, người trước đây đã cung cấp cho Newton nhiều dữ kiện cần thiết cho cuốn “Principia” (Những nguyên lý), nhưng giờ đây từ chối không cung cấp các thông tin mà Newton cần. Nhưng đáp lại Newton đã không bó tay, ông tự bổ nhiệm mình vào Ban giám đốc Đài thiên văn Hoàng gia và tìm cách buộc phải công bố ngay lập tức các dữ liệu. Ông còn bố trí thu giữ công trình của Flamsteed và giao cho Edmond Halley, kẻ tử thù của Flamsteed, chuẩn bị xuất bản công trình đó.
Flamsteed đưa vụ này ra tòa và kịp thời đạt được lệnh tòa án ngăn không cho xuất bản tài liệu bị đánh cắp. Newton tức giận và trả thù bằng cách xóa bỏ mọi tài liệu dẫn về Flamsteed trong các lần “Principia” được tái bản”
Hawking còn kể thêm:
“…Ở cương vị này (tức thống đốc Sở đúc tiền Hoàng Gia – NV), Newton đã sử dụng tài năng của mình để gian dối và cay độc theo cách dễ được xã hội chấp nhận hơn. Ông cũng đã thành công trong một chiến dịch lớn chống làm bạc giả và thậm chí cũng đưa nhiều kẻ lên giá treo cổ”.
Nếu đúng như lời Hawking kể thì con người Niutơn về mặt nhân cách cũng tệ thật. Thế nhưng một thiên tài khoa học chắc gì đã sáng suốt khi ứng xử đời thường trong sự dằng xé bởi bản năng thèm khát danh lợi, làm cho lý trí tưởng mình “rõ ràng và sáng sủa” nhưng thực ra đang bị chìm đắm trong mê lầm? Ngay trong chúng ta đây, ai không vỗ ngực là hoàn toàn tỉnh táo chứ không phải đang nửa tỉnh nửa say? Như vậy, xét ở góc độ này thì về mặt con người, Niutơn vừa đáng trách vừa đáng thương. Đáng trách là đã gây ra tội lỗi, đã hành động không mã thượng, đáng thương là ông đã hành động sai trái bởi sự thôi thúc mù quáng của tâm thức, nghĩa là gần như vô thức có tính bệnh lý. Niutơn đã chưa nhận thức được rằng, danh tiếng có được là nhờ tài năng nhưng phải thông qua xác nhận của Đại chúng và Đại chúng bao giờ cũng sáng suốt, sự vĩ đại bao giờ cũng được xây dựng nên từ những cái tinh hoa và cũng được gìn giữ bằng những cái tinh hoa chứ không thể bằng những cái tầm thường và thấp hèn, hơn nữa cái vĩ đại đích thực bao giờ cũng cao thượng, nhã nhặn, khiêm tốn bởi vì nó hiểu hơn ai hết vì sao nó vĩ đại và  vĩ đại thì được gì?
Dù sao thì về mặt nghiên cứu khoa học, Niutơn vẫn là con người vĩ đại: không thể chối cãi được thành tựu khoa học vĩ đại của ông và cũng không thể xóa bỏ được công lao vĩ đại của ông đối với nhận thức của nhân loại.
Năm 1703, Niutơn được bầu làm chủ tịch Hội Hoàng gia, rồi viện sĩ thông tấn của Viện Hàn lâm Pháp. Năm 1704, ông cho xuất bản tác phẩm “Quang học”. Bắt đầu từ đây, khả năng sáng tạo khoa học của Niutơn chững lại. Có thể nguyên nhân sâu xa là trong khoảng năm 1692-1694, do làm việc quá căng thẳng mà ông bị chứng mất ngủ hành hạ, làm cho suy nhược thần kinh nặng đến mức không chỉ trong giới khoa học ở nước Anh mà còn ở nhiều nước khác, có lời đồn rằng ông bị mất trí và phải vào điều trị trong Viện dưỡng trí. Dù sau đó có hồi phục thì trí não của ông đã không còn được như xưa nữa.
Những năm về già, Niutơn cố gắng sửa chữa bổ sung tác phẩm “Quang học” rồi cho tái bản năm 1717. Năm 1722, lúc đã 80 tuổi, Niutơn lại bắt tay vào việc sửa chữa, bổ sung tác phẩm “Những nguyên lý” cho lần tái bản thứ ba. Công việc đang gấp rút tiến hành thì ông lâm trọng bệnh vào đầu năm 1723. Ngày 20-3-1727, Niutơn qua đời tại Kensingtơn do bệnh sỏi thận và bệnh xung huyết phổi. Thi hài ông được an táng trọng thể tại tu viện Westminster. Trên bia mộ ông có khắc hai câu thơ của Pope, nhà thơ Anh đương thời:
“Tự nhiên và các định luật tự nhiên đang chìm trong bóng tối. Thượng Đế truyền: “Sẽ có Niutơn!”, và tất cả bừng sáng!”
Sau này, Anhxtanh, một nhà vật lý học thiên tài khác, sống ở thế kỷ XX, đã nhận xét: “Niutơn là tổng hòa của nhà thực nghiệm, nhà lý thuyết và nhà nghệ sĩ. Ông sừng sững trước chúng ta, mạnh mẽ, chắc chắn và cô đơn. Niềm vui của ông trong sáng tạo và sự chính xác tỉ mỉ của ông hiển hiện trong mỗi con chữ và mỗi phép tính”.
Bình tâm nhìn nhận lại, chúng ta thấy rằng Niutơn vĩ đại là kết quả hun đúc về mặt tinh thần thông qua sự tương tác tâm linh của một thời đại tại thời đoạn mà nỗi bức xúc phải nhận thức sâu hơn nữa về tự nhiên đã ở cao độ trong khi mọi điều kiện chuẩn bị đã chín muồi chính Niutơn đã từng thổ lộ: “Nếu nói tôi nhìn xa hơn một chút so với Đềcác thì nguyên do là vì tôi đã được đứng bên vai của những người khổng lồ”. Không phải ngẫu nhiên mà thời đại chọn nước Anh là xuất phát điểm cho việc xây dựng hoàn thiện nền tảng của vật lý cơ học - thực nghiệm. Dù chế độ tư bản xuất hiện đầu tiên trên thế giới là ở Hà Lan nhưng cuộc cách mạng tư sản ở đó (xảy ra vào thế kỷ XVI) không triệt để. Do đó, về mặt ý nghĩa, mức độ tác động đối với sự hình thành xã hội tư bản chủ nghĩa trên thế giới thì phải coi cuộc cách mạng đầu tiên, dẫn đến sự thắng thế hiển nhiên của phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa trong xã hội châu Âu nói riêng và của toàn thế giới loài người nói chung. Tiền đề dẫn đến cuộc cách mạng ấy là quá trình diễn biến đời sống kinh tế – chính trị - xã hội ở nước Anh trong suốt hơn hai thế kỷ.
Điều kiện tiên quyết của sự xuất hiện quan hệ sản xuất tư bản chủ nghĩa trong công nghiệp là phải xóa bỏ chế độ nông nô. Theo C.Mác viết trong tác phẩm “Tư bản” của ông thì: “Vào cuối thế kỷ XIV, chế độ nông nô ở Anh đã thực sự không còn nữa. Bất giờ tuyệt đại đa số dân cư (và trong thế kỷ XV thì lại càng nhiều hơn) là những nông dân tự do, có kinh tế độc lập, mặc dù quyền sở hữu của họ có thể bị che đậy dưới những chiêu bào phong kiến nào chăng nữa”.
Bên cạnh đó sự phát triển của trình độ của nền kinh tế hàng hóa trong xã hội càng làm xuất hiện hình thái sản xuất hàng hóa mới, có tính tập trung cao, đó là công trường thủ công. Có thể nói công trường thủ công là hình thức sản xuất mang tính chất tư bản chủ nghĩa đầu tiên trong lĩnh vực công nghiệp. Sự xuất hiện công trường thủ công như một thực trạng xã hội là vào đầu thế kỷ XV và trở thành phổ biến ở Tây Ây vào thế kỷ XVI.
Từ thế kỷ XVI, các ngành công nghiệp ở Anh phát triển mạnh. Sự phát triển của ngoại thương đã thúc đẩy nhanh các ngành công nghiệp, thương nghiệp, hàng hải… đến sự phát đạt chưa từng có, tạo nên những yếu tố cách mạng trong lòng xã hội phong kiến Anh đang tan rã. Tình hình đó tất yếu làm xảy ra cuộc đấu tranh đi đời tự do tư tưởng, tự do sản xuất kinh doanh của lực lượng tư sản non trẻ đang vững bước đi lên đối với lực lượng phong kiến già cỗi đang suy tàn và lực lượng nhà thờ đang hoang mang với những giáo điều bảo thủ, lạc hậu của nó. Dù rằng cuộc đấu tranh ấy là không khoan nhượng nhưng do thực trạng và tình thế xã hội Anh nói riêng và cả Châu Âu nói chung trong giai đoạn đầu phát triển của chủ nghĩa tư bản, nó mang màu sắc đấu tranh tôn giáo. Điều đó không lạ, bởi vì khi đạo Thiên Chúa vẫn còn thống trị châu Âu về mặt tư tưởng thì cuộc đấu tranh tư tưởng nào cũng phải xảy ra trong lòng nó và biểu hiện ra thành cuộc đấu đá, thanh trừng nội bộ. Cuộc đấu tranh giữa Anh giáo và Thanh giáo ở nước Anh chính là cuộc đấu tranh tư tưởng giữa tầng lớp tư sản với thế lực phong kiến – nhà thờ bảo thủ. Đó cũng là bước đi dạo đầu tất yếu và cần thiết để chuẩn bị cho tầng lớp tư sản và quí tộc mới (có tư tưởng tiến bộ) công khai xuất hiện trên vũ đài chính trị, làm cuộc cách mạng long trời lở đất và đi đến thắng lợi.
Thế nhưng Anh giáo và Thanh giáo là thuộc tôn giáo nào?
Theo ghi chép, lịch sử thì vào cuối thế kỷ XI, giáo hội Thiên Chúa đã đạt đến đỉnh cao ngất ngưởng về thế lực. Nhờ thế mà lúc đó, giáo hoàng Grêgôriut VII (lãnh đạo giá hô5i trong khoảng 1073-1085) đã ngang nhiên nêu ra nguyên tắc: giáo hội La Mã do Chúa trời sáng lập nên tuyệt đối không có sai lầm, quyền uy của giáo hoàng bao trùm cả thế giới, vị trí của giáo hoàng cao hơn chính quyền của các vua và có quyền phế truất các vua.
Với một quyền uy thống trị cực mạnh, độc đoán hơn cả phong kiến, chuyên chế hơn cả vua như vậy nên của cải và ruộng đất nhờ cống nạp và chiếm đoạt mà sở hữu được của giáo hội Thiên Chúa giáo là nhiều không thể kể siết. Trên núi danh lợi “bỗng dưng” mà có ấy, giáo hội thỏa sức đi xây nhiều nhà thờ đồ sộ nguy nga và tráng lệ. Đồng thời các giáo sĩ, nhất là các giáo sĩ cấp cao tha hồ mà hưởng giàu sang phú quí, thậm chí là chà đạp cả giáo luật để phè phỡn, ăn chơi thác loạn. Tình hình đó, cũng như sự chuyển biến theo xu thế tất yếu của xã hội châu Âu, đã dẫn đến phong trào đòi cải cách tôn giáo, bắt đầu được nhen nhúm từ thế kỷ XIV và chính thức diễn ra ở chủ yếu ba nơi là Đức, Thụy Sĩ và Anh mà thực chất là cuộc đấu tranh đòi tự do của trào lưu các tư tưởng tiến bộ trước thành trì tư tưởng phong kiến – nhà thờ đã trở nên lạc hậu, suy đồi, xen lẫn với những đấu đá nội bộ vì những quyền lợi vị kỷ, hẹp hòi.
Đầu thế kỷ XVI, những đặc quyền đặc lợi của giáo hội Thiên Chúa đã trở thành một chướng ngại to lớn ngăn cản sự phát triển của nền sản xuất tiền tư bản chủ nghĩa ở Anh. Tầng lớp quí tộc rất thèm muốn đất đai của giáo hội, tầng lớp tư sản công nghiệp thì muốn có một giáo hội có cơ cấu tổ chức tối giản, “rẻ tiền” để đỡ tốn kém, để được giảm mức cống nạp cho Tòa thành La Mã. Một sự kiện đã được lợi dụng để làm cài cớ tấn công giáo hội La Mã là vua Anh, Henri VIII (1509-1547) muốn ly hôn vợ là Catơrin, công chúa Tây Ban Nha nhưng Giáo hoàng không đồng ý.
Dựa vào sự ủng hộ và khuyến khích của các tầng lớp xã hội có thế lực ở Anh, năm 1534, Henri VIII ra “sắc luật về quyền tối cao”, qua đó ông tự cho phép mình có quyền được ly hôn mà không cần sự chấp thuận của Giáo hoàng. Tiếp đó Henri VIII tuyên bố cắt đứt quan hệ về mặt tôn giáo với giáo hội La Mã, thành lập giáo hội riêng của nước Anh do chính ông đứng đầu, gọi là Anh giáo. Giáo lý, nghi lễ và các giáo phẩm của Anh giáo vẫn không khác đạo Thiên Chúa, chỉ khác là các hàng giáo chức đều do vua Anh bổ nhiệm. Toàn bộ tài sản và ruộng đất của giáo hội La Mã trước đây đều bị tịch thu. Tuy nhiên, những biện pháp cải cách tôn giáo vừa nửa vời, vừa vị kỷ của Henri VIII vẫn chưa làm cho tầng lớp tư sản thỏa mãn.
Nước Đức được thành lập vào năm 843 sau hiệp ước Vecđoong. Từ rất sớm đã có sự câu kết chặt chẽ giữa tầng lớp thống trị phong kiến Đức và giáo hội La Mã. Ngay từ thế kỷ X, vua Đức đã được Giáo hoàng gọi là Hoàng đế La Mã để chứng tỏ sự thừa nhận của giáo hội rằng vua Đức là người thừa kế các Hoàng đế của Đế quốc La Mã xưa kia và vì thế mà đến thế kỷ XII, nước Đức còn được gọi là “Đế quốc La Mã thần thánh”.
So với thế kỷ XI thì ở thế kỷ XII, quyền lực của giáo hội La Mã có thể là còn lớn hơn nữa. Rập khuôn luận điệu của giáo hoàng Grêgôriút VII, Giáo hoàng Inôxentô III cũng nói: “Giáo hoàng là đại diện cho Thượng Đế trên Trái Đất, không những là chủ của tăng lữ mà cũng là thủ lĩnh của hoàng đế nữa”. Chính vì vậy mà có thể hiểu được sự tha hồ hoàng hành khắp Tây Âu suốt một thời gian dài của giáo hội Thiên Chúa và đặc biệt mạnh nhất là ở nước Đức. Nhà triết học duy vật kiệt xuất thời cận đại, Ăngghen, trong tác phẩm: “Cách mạng dân chủ tư sản ở Đức” đã nhận xét: “Nhờ có uy quyền và số lượng đông của các giáo sĩ, nên những thuế má của giáo hội đã thu được đều đặn và chặt chẽ ở Đức hơn bất cứ một nước nào khác”Tình hình đó khiến cho những phản ứng của các tầng lớp nhân dân Đức đối với giáo hội cũng mạnh mẽ nhất Tây Âu, để rồi tất yếu dẫn đến phong trào đấu tranh vũ trang của nông dân Đức, được đánh giá là cuộc chiến tranh nông dân vĩ đại và chưa từng có trong lịch sử châu Âu thời phong kiến.
Quá trình đấu tranh của nông dân Đức cũng là một nguyên nhân làm xuất hiện phong trào đòi cải cách tôn giáo trong thực tiễn nước Đức. Hàng ngũ các giáo sĩ và tín đồ bị phân thành hai phái gọi là Cựu giáo và Tân giáo mà Tân giáo là phái đòi cải cách với thủ lĩnh tinh thần của nó là Máctin Luthơ (1483-1546).
Luthơ là con một nông dân miền núi vùng Đông Nam nước Đức. Cha ông về sau đi làm thợ mỏ và cuối cùng thành một người giàu có trong giới chủ xí nghiệp hầm mỏ. Lúc còn trẻ, Luthơ học luật ở trường Đại học Écphuya rồi trở thành tu sĩ. Năm 1509, ông làm giáo sư triết học và thần học ở trường Đại học Vítenbéc. Thời gian này, những tư tưởng nhân văn và sự phê phán nhà thờ Thiên Chúa giáo đã ảnh hưởng mạnh mẽ tới Luthơ. Ông đã dần dần từ người hưởng ứng trở thành người đề xướng cải cách tôn giáo ở Đức.
Luthơ vẫn tin vào Thượng Đế, tin vào sự cứu rỗi, nhưng ông phản đối quan niệm lúc bấy giờ của Nhà thờ cho rằng con người được cứu vớt bằng việc làm những điều thiện và phải thực hiện nhiều hình thức nghi lễ rườm rà phức tạp. Ông chủ trương “sự cứu vớt con người bằng lòng tin”, chỉ cần bằng đức tin thôi mà không cần hành thiện. Luận điểm đức tin vào Thiên Chúa sẽ mang đến sự cứu rỗi mà Luthơ đưa ra có một sức hấp dẫn đặc biệt trong thời kỳ đó, khi mà sự giàu lên nhờ thuê nhân công trong sản xuất hàng hóa đã là hiện tượng phổ biến trong xã hội, và sức hấp dẫn đó gần giống như ở thời cổ đại làm người ta hướng về Kitô giáo. Như vậy, Luthơ đã phủ nhận vai trò thống trị của giáo hội, đồng thời xây dựng nên thứ chủ nghĩa cá nhân tôn giáo.
Trong thời gian làm giáo sư đại học, ông đã nhiều lần sang Rôma trực tiếp chứng kiến tình hình tôn giáo ở đó và đã thấy được bộ mặt thật của Giáo hội La Mã. Ông viết: “Tín đồ Kitô giáo càng đến gần La Mã thì càng xấu đi. Lần thứ nhất đến La Mã, anh ta còn đi tìm kẻ lừa đảo, lần thứ hai đến La Mã, anh ta nhiễm thói xấu của kẻ lừa đảo, lần thứ ba đến La Mã thì anh ta biến thành một kẻ lừa đảo thực sự”. Đó là một trong những tác động làm cho Luthơ phê phán gay gắt trật tự đẳng cấp phức tạp, lễ nghi rườm rà tốn kém, sinh hoạt đồi trụy và chế độ sở hữu ruộng đất phi lý của Nhà thờ. Ông đã bỏ thời gian ra nghiên cứu và chủ trương hình thức tổ chức và nghi lễ đơn giản, chủ trương một kiểu nhà thờ “rẻ tiền”, phù hợp với ước nguyện của tầng lớp tư sản nói riêng và của các tầng lớp quần chúng Đức nói chung.
Tư tưởng cải cách tôn giáo của Luthơ, rất nhanh chóng, lan tràn khắp nước Đức. Nhiều tầng lớp xã hội đã hưởng ứng cải cách rất mạnh mẽ, cho dù, mục đích danh lợi của mỗi tầng lớp ấy có phần khác nhau. Chính bản thân Luthơ cũng là người trực tiếp đi vận động, hô hào trong phong trào cải cách tôn giáo theo quan niệm của mình. Năm 1520, Giáo hoàng ra lệnh rút phép thông công đối với Luthơ. Trước đông đảo quần chúng nhân dân, ông đã vứt chỉ dụ của Giáo hoàng vào lửa và tuyên bố Giáo hoàng mới là “kẻ phản Chúa”. Tuy nhiên, về thực chất thì ý tưởng cải cách giáo hội của Luthơ chỉ đơn thuần trong phạm vi tôn giáo và mang tính nửa vời không triệt để. Ông đã không thể ngờ đến mức độ ảnh hưởng mạnh mẽ của nó đối với xã hội Đức, một xã hội mà sự uất ức đối với những bất công do giáo hội gây ra đã đến độ chờ bộc phát.
Chính tư tưởng cách mạng trong nội dung đòi cải cách tôn giáo của Luthơ đã “vô tình” kích thích, làm cho phong trào đấu tranh nông dân ở Đức bùng nổ lên thành cao trào, không những chỉ đi đòi cải cách giáo hội đơn thuần mà còn đòi cải tạo toàn bộ cơ cấu thống trị phong kiến. Phong trào nổi dậy ấy vì thế khiến cả lãnh chúa phong kiến lẫn những thị dân giàu có đều sợ hãi. Bản thân Luthơ, người thuộc về tầng lớp có lập trường tư sản, chỉ muốn cải cách tôn giáo theo lập trường ấy, trở nên hoang mang, không những vội vã quay lưng cự tuyệt phong trào đấu tranh của nông dân, mà còn tích cực hô hào các lãnh chúa đàn áp tàn bạo nó: “Phải xé xác chúng, phải bóp chết chúng, phải cắt cổ chúng bằng cách bí mật và công khai như người ta giết con chó dại”.
Đừng ngạc nhiên thái quá trước câu nói không còn chút xíu gì về tình yêu thương đồng loại ấy, bởi vì tầng lớp nông dân chưa từng được Luthơ coi là “đồng loại” của ông. Đơn giản thế thôi! Mà cũng đừng tưởng đó là câu nói của một loài thú vật hoang dã nào đó. Trái lại, phải coi đó là câu nói “người” nhất của một con người, bởi vì nó đã biểu lộ ra hoàn toàn rõ ràng nhân tính, duy chỉ có điều không phải là mặt phải sáng ngời mà là mặt trái xám xịt của tấm huân chương. Đơn giản thế thôi!
Do nhiều nguyên nhân khách quan cũng như chủ quan có tính thời đại mà phong trào đấu tranh vũ trang của nông dân Đức dù đã có lúc làm rung chuyển chế độ phong kiến – nhà thời, nhưng rồi cuối cùng cũng đi đến thất bại. Tuy nhiên phong trào cải cách tôn giáo theo tinh thần của Luthơ vẫn tiếp tục phát triển. Sau một thời gian dài đàm phán, đến năm 1555, đại diện của hai phái Cựu giáo và Tân giáo đã ký hòa ước Aoxbua (Augsburg), đạt được thỏa thuận “Đất nào đạo nấy” (Cujus regio, ejus relegio), nghĩa là vương hầu theo tôn giáo nào thì thần dân của họ theo tôn giáo ấy. Như vậy, dù chưa triệt để thì Tân giáo Luthơ cũng đã đạt được thắng lợi: địa vị hợp pháp của nó được chính thức công nhận.
Phong trào đòi cải cách tôn giáo ở Đức đã ảnh hưởng mạnh mẽ đến nhiều nước khác ở châu Âu. Tư tưởng của Luthơ nhanh chóng lan tỏa như làn gió làm khuấy động những tâm trạng cũng đang bức xúc đối với giáo hội ở những nước đó. Phong trào đòi cải cách tôn giáo ở Đức dần hóa thành phong trào cải cách tôn giáo ở cả châu Âu, dấy nên cuộc đấu tranh ngày một gay gắt, quyết liệt giữa Cựu giáo và Tân giáo.
Phong trào cải cách tôn giáo ở châu Âu đã làm cho Giáo hội Thiên Chúa bị tổn thất nặng nề: uy thế bị giảm sút nghiêm trọng, nhiều tài sản và ruộng đất bị tịch thu, rất nhiều tín đồ theo Tân giáo. Cả một khu vực rộng lớn ở châu Âu bao gồm Na Uy, Đan Mạch, Thụy Điển, Êcốtxơ, Anh và Nêđéclan, phần lớn nước Đức, Thụy Sĩ đã thoát ly khỏi giáo hội La Lã. Ở Pháp, Ba Lan, Hunggari, tín đồ Tân giáo cũng ngày càng nhiều.
Trước tình thế ấy, Giáo hội La Mã cùng với các lực lượng còn lại của nó, trong đó quan trọng và mạnh nhất là Tây Ban Nha và Áo – hai nước lớn nhất Tây Âu lúc bấy giờ, đã tổ chức phản công lại, tìm mọi cách ngăn chặn làn sóng cải cách tôn giáo đang dâng lên mạnh mẽ. Muốn cuộc phản công đạt hiệu quả, việc đầu tiên phải làm của giáo hội La Mã là phải củng cố thế lực bằng cách tự cải tạo cơ cấu guồng máy hoạt động cũng như điều chỉnh một số giáo luật của nó cho phù hợp với tình hình mới. Đó là nguyên nhân dẫn đến sự ra đời bản Quyết nghị của Hội nghị tôn giáo ở Tôrentê (Bắc Ý) với ba lần triệu tập vào các khoảng thời gian 1545-1547, 1551-1552, 1562-1563, trong đó quyết nghị của cuộc hội nghị lần thứ ba là quan trọng nhất mà nội dung chủ yếu của nó gồm:
- Chỉnh đốn nội bộ: khẳng định lại một số qui chế vốn có của nó, yêu cầu các giáo sĩ phải nghiêm chỉnh chấp hành như phải sống độc thân, không được có lối sống đồi bại mất tư cách đạo đức, cấm mua bán chức vụ, thủ tiêu chế độ kiêm nhiệm (một giáo sĩ quản lý nhiều xứ đạo),,,. đồng thời mở trường huấn luyện các linh mục, tăng cường bồi dưỡng kiến thức.
- Nhượng bộ các vua chúa Thiên Chúa giáo: đối với các quốc vương trung thành với đạo Thiên Chúa, giáo hội thừa nhận việc thế tục hóa một phần tài sản của nó, đồng thời cũng thừa nhận quyền hạn lớn hơn của vua chúa đối với những công việc của tôn giáo, như các quốc vương có quyền kiểm soát việc bổ nhiệm các chức sắc trong giáo hội…
- Kiên quyết chống lại phong trào cải cách tôn giáo: tuyên bố các loại Tân giáo đều là tà giáo; khẳng định giáo lý và nghi lễ của đạo Thiên Chúa là hoàn toàn đúng đắn do đó vẫn tiếp tục được duy trì như cũ; khẳng định Giáo hoàng là người có quyền uy cao nhất trong giáo hội, đồng thời quyết định thành lập tòa án tôn giáo tối cao ở Rôma (trung tâm đầu não của giáo hội Thiên Chúa giáo – giáo hội La Mã) để kết tội những người phản bội Thiên Chúa.
Không thể không kể đến một lực lượng của Giáo hội La Mã, đầy tính bạo lực, đóng vai trò như tên lính xung kích trên mặt trận chống phá phong trào cải cách tôn giáo, đó là tổ chức có tên Hội Giêsu (hay còn được gọi là Dòng Tên). Hội Giêsu không phải do giáo hội La Mã mà là một tổ chức tự phát do một quí tộc Tây Ban Nha tên là Lôyôla (Ignace de Loyola, 1491-1556) lập ra. Lôyôla là một con tin cuồng tín. Sau khi bị thương nặng không thể phục vụ trong quân đội được nữa, Lôyôla quyết định hiến dâng cuộc đời mình cho Thiên Chúa, đấu tranh không khoang nhượng chống Tân giáo. Sau nhiều năm nghiên cứu thần học ở trường Đại học Xalamanca (Tây Ban Nha) và Đại học Pari, Lôyôla viết một quyển sách nhan đề “Rèn luyện tinh thần”, trong đó trình bày cương lĩnh và cơ cấu tổ chức cho Hội Giêsu. Đến năm 1540, Hội Giêsu được Giáo hoàng phê chuẩn. Từ đó, hội này chính thức trở thành một công cụ đắc lực của giáo hội Thiên Chúa trong việc trấn áp, thủ tiêu những người theo (hoặc bị nghi ngờ là theo) Tân giáo. Với phương châm “mục đích biện bộ cho biện pháp”, Hội Giêsu đã không từ bất cứ một thủ đoạn xấu xa bẩn thỉu và hành động tàn bạo nào. (Do bản chất ngày càng tráo trở, phản động của nó, mà đến thế kỷ XVII, Hội Giêsu bị lên án công kích gay gắt của dư luận cả ở trong cũng như ở ngoài đạo Thiên Chúa. Vì vậy, năm 1773, Hội Giêsu bị Giáo hoàng Clêmăng XIV ra lệnh giải tán, tuy đến năm 1814 thì được khôi phục lại, nhưng vai trò của nó đã không còn đáng kể nữa).
Vào những năm 30 của thế kỷ XVI ở Giơnevơ (thuộc Thụy Sĩ ngày nay) hình thành một trung tâm mới của phong trào cải cách tôn giáo và đến năm 1541 thì Canvanh trở thành người lãnh đạo phong trào ở đó.
Canvanh (Jean Calvin, 1509-1564) vốn là người Pháp, con của một người làm thư ký ở tòa Giám mục Noayông thuộc Picácdi. Lúc đầu, Canvanh học thần học ở trường Đại học Pari, sau, theo ý muốn của cha, ông tiếp tục học luật tại các trường Đại học Óoclêăng và Buốcgiơ. Trong thời kỳ học ở Pari ông đã chịu nhiều ảnh hưởng của tư tưởng Luthơ. Sau khi tốt nghiệp, ông làm nghề dạy học và viết văn, đến năm 1534 thì trở thành tín đồ Tôn giáo.
Quan điểm tôn giáo và xã hội của Canvanh được trình bày một cách có hệ thống trong tác phẩm “Lời khuyên về sự tín ngưỡng đạo Kitô” mà ông cho xuất bản ở Baxen năm 1536. Hạt nhân của học thuyết Canvanh là “Thuyết định mệnh”. Theo ông, số phận của mỗi người hoàn toàn do Chúa Trời quyết định. Số phận ấy đã an bài, mọi cố gắng cá nhân hoặc cả sự cứu giúp của giáo hội cũng không thể làm thay đổi được, khi sáng tạo thế giới, Chúa Trời đã chia loài người ra làm hai loại là “dân chọn lọc” và “dân vứt bỏ”. Dân “chọn lọc” là số đông, được sống sung sướng, sau khi chết thì được lên Thiên đường. Dân “vứt bỏ” là số ít, phải chịu cảnh sống khổ cực và khi chết thì bị đày đọa ở Địa ngục. Con người không thể biết được Chúa lựa chọn ai, vứt bỏ ai, nhưng có thể nhìn vào hoàn cảnh của mình trong cuộc sống để tự hiểu mình thuộc loại nào.
Nhìn chung, học thuyết Canvanh phủ nhận vai trò của tầng lớp giáo sĩ, chủ trương đơn giản hóa các nghi thức tôn giáo, giảm thiểu các ngày lễ, bớt vui chơi nhảy múa gây lãng phí thời gian và tiền bạc, động viên khuyến khích mọi người cố gắng, nỗ lực làm giàu (để chứng tỏ mình là dân “chọn lọc”!). Đánh giá học thuyết Canvanh, Angghen đã viết:
“Cải cách của Canvanh đã đáp ứng được nhu cầu của giai cấp tư sản tiên tiến nhất hồi đó. Học thuyết về định mệnh của ông là biểu hiện tôn giáo của một sự thật là trong thế giới buôn bán của cạnh tranh, thành công hay thất bại không phải do hoạt động cũng không phải do sự khéo léo của người ta mà là do những hoàn cảnh độc lập đối với sự kiểm soát của người ta. Những hoàn cảnh đó không phụ thuộc vào ý muốn hay hành động của ai cả, nó bị những thế lực kinh tế bên trên và vô hình bắt sao làm vậy”.
Giáo hội Canvanh được tổ chức theo nguyên tắc dân chủ. Giáo chủ ấy hoàn toàn không lệ thuộc vào Giáo hoàng La Mã như giáo hội Thiên Chúa, cũng không lệ thuộc vào vương công như giáo hội Luthơ. Đơn vị cơ sở của giáo hội này là các công xã Tân giáo. Trong công xã, mục sư giữ nhiệm vụ giảng đạo, những người gọi là “trưởng lão” thì quản lý công việc hành chính. Giáo hội trung ương do hội nghị đại biểu tôn giáo cả nước được triệu tập định kỳ bầu ra gồm 5 mục sư và 12 trưởng lão. Những nhân vật ấy cũng phụ trách các công việc trong chính quyền. Tất nhiên họ cũng là những người giàu có, được coi là thuộc loại dân Chúa đã chọn lọc.
Thế là dưới sự lãnh đạo của Canvanh, cuộc cải cách tôn giáo ở Giơnevơ đã thành công và Giơnevơ trở thành trung tâm của phong trào cải cách ở Tây Âu. Tại đây đã thành lập Học viện Tân giáo để đào tạo các nhà truyền đạo để phái đến các nước Châu Âu để hoạt động. Vì vậy, lúc bấy giờ, Giơnevơ còn được gọi là “Rôma của Tôn giáo”. Bản thân Canvanh, với vai trò là thủ lĩnh của giáo hội Tân giáo, đồng thời là người thống trị thực tế của Giơnevơ đã có uy quyền rất lớn. Mặc dù chịu ảnh hưởng của chủ nghĩa nhân văn thời Phục hưng, nhưng Canvanh cũng tỏ ra tàn bạo không kém các giáo hoàng La Mã trong việc đối xử với những người bất đồng với quan niệm của mình. Theo mệnh lệnh của Canvanh, 76 người đã bị trục xuất, 58 người bị xử tử, trong đó có bác sĩ Misen Xecvê, một nhà bác học lớn, người bước đầu phát hiện ra sự tuần hoàn máu. Vì chuyên quyền và tàn bạo như vậy nên Canvanh còn được gọi là “giáo hoàng ở Giơnevơ”.
Tư tưởng Canvanh đã đáp ứng được đòi hỏi của tầng lớp tư sản đang lên, cho nên nó đã được truyền bá nhanh chóng ở châu Âu, nhất là ở những nơi có nền kinh tế công thương nghiệp phát triển như Nêđéclan, Anh, Pháp…
Tân giáo Canvanh còn được người Việt Nam gọi là đạo Tin Lành. Dù giáo hội La Mã đã phản công lại dữ dội, hàng ngàn hàng vạn nạn nhân đã bị đưa về Rôma để chịu những cực hình tra tấn tàn khốc, chịu những cái chết thê thảm, làm cho cuộc đấu tranh giữa Cựu giáo và Tân giáo có qui mô ngày một rộng lớn với mức độ ngày càng quyết liệt, thì phong trào cải cách tôn giáo vẫn không thể bị nhấn chìm, trái lại, lực lượng các tín đồ Tân giáo ngày càng đông đảo. Có tình hình đó là bởi vì, đúng như Angghen nói: “Tính chất không thể tiêu diệt được là đạo Tin Lành tương ứng với tính chất vô địch của giai cấp tư sản đang lên”.
Như đã kể, Anh giáo, với sự cải cách nửa vời của nó vẫn không làm cho tầng lớp tư sản Anh thỏa mãn. Tân giáo Canvanh xuất hiện và phát triển ở Tây Âu như một tôn giáo đã cải cách triệt để, là một “tín ngưỡng” đối với tầng lớp tư sản Anh. Tầng lớp này nhanh chóng tiếp thu, lập nên một giáo phái mới gọi là Thanh giáo (tức tôn giáo trong sạch), đứng đối lập với Anh giáo, đòi cải cánh Anh giáo. Tuy nhiên, quá trình đấu tranh cải cách tôn giáo đã làm cho Thanh giáo phân hóa thành hai xu hướng chính. Những người đại tư sản giàu có, còn ít nhiều quyền lợi gắn với chế độ phong kiến, dù là lên tiếng chống đối giáo hội Anh, nhưng lại chủ trương cải cách không triệt để. Họ muốn duy trì chế độ giáo chủ nhưng phải là những người có tuổi, ngoan đạo được bầu thông qua hội nghị. Bộ phận Thanh giáo này được gọi là phái Trưởng lão. Còn những người bao gồm tư sản và quí tộc mới mà mức độ giàu có thuộc loại nhỏ và vừa, quyền lợi kinh tế không dính líu, thậm chí là đối nghịch với chế độ phong kiến, thì hợp thành bộ phận Thanh giáo gọi là phái Độc Lập. Phái này phản đối chế độ giáo chủ, không thừa nhận một quyền lực nào khác ngoài “quyền thiêng liêng của Thượng Đế”. Không gắn mình vào một mệnh lệnh nào nếu nó mâu thuẫn với “chân lý tự nhiên”. Phái Độc Lập chủ trưởng tổ chức theo liên minh những công xã, mỗi công xã được quản lý theo ý nguyên của đa số. Như vậy phái Độc Lập đã thể hiện tính dân chủ rõ rệt hơn.
Trên cơ sở của Thanh giáo mà có sự ra đời những lý luận chính trị và cả hiến pháp trong cách mạng tư sản Anh, Quan trọng nhất là bản “Công ước xã hội”. Bản công ước này xác định quyền lực tối cao của nhà vua là do nhân dân ủy nhiệm, do vậy mà nhân dân cũng có quyền phế truất vua, thậm chí là có thể xử tử vua.
Như vậy, có thể thấy, trong khi ở Tây Âu lục địa còn chìm đắm trong bầu không khí truy bức tư tưởng ngột ngạt và đầy đe dọa gây ra chủ yếu là do sự trấn áp tàn bạo của giáo hội La Mã vẫn còn nhiều uy quyền đối với phong trào đòi cải cách tôn giáo, thì ở nước Anh – “đảo quốc sương mù” – dù cũng xảy ra cuộc đấu tranh tôn giáo, thì so với ở Tây Âu lục địa, nó tỏ ra ôn hòa, lắng dịu hơn nhiều. Bầu không khí về tự do tư tưởng ở nước Anh cũng khoáng đạt hơn nhiều. Trong bầu không khí tự do tư tưởng đó và đồng thời được sự hối thúc của một nền sản xuất công nghiệp tự do cạnh tranh của chủ nghĩa tư bản sơ khai, công cuộc nghiên cứu khoa học ở nước Anh trong thời đoạn đó đang đứng trước một tiền đồ phát triển sáng lạn. Chính vì thế mà chúng ta nói thời đại đã chọn nước Anh là nơi hoàn thành cơ sở nền tảng để từ đó vật lý cơ học - thực nghiệm - một lĩnh vực khoa học chủ yếu, đóng vai trò xung kích, đi tiên phong lúc bấy giờ, bước những bước vững chắc đầu tiên để rồi tiến lên như vũ bão.
Nếu thực sự công cuộc nghiên cứu vật lý học ở châu Âu đã thấy nước Anh như một “miền đất hứa” ngoài tầm với của giáo hội La Mã thì nhất định nó cũng sẽ hun đúc nen thiên tài ở đó, dù là qua con đường tâm linh, và Niutơn là người ngẫu nhiên được chọn. Niutơn trở thành vĩ đại vì đã hoàn thành một cách phi thường sứ mạng thiêng liêng mà nhận thức loài người giao phó, trên cương vị một con người bình thường, có phần cô độc, không vợ con, và nhiều khi cũng có những biểu hiện cá nhân trái ngược nhau đến lạ kỳ.
***
Lịch sử cho thấy, và cũng là điều tự nhiên, bước đi đầu tiên của quá trình nghiên cứu trong lĩnh vực vật lý mà ngày nay gọi là “cơ học” chính là tìm hiểu hiện tượng chuyển động. Hiện tượng chuyển động của vạn vật xảy ra thường xuyên và có tính phổ biến trong thiên nhiên. Loài người vì thế mà từ rất sớm đã quan tâm đến chúng và ngay vào thời cổ đại, đã có những nhận xét về sự chuyển động, dù còn rất sơ sài và không ít sai lầm. Phải nói rằng, người đầu tiên nghiên cứu sự chuyển động và tổng kết một cách tương đối có hệ thống như một lý thuyết chuyên biệt chính là Galilê. Chủ yếu là về mặt động học, ông cũng là người đưa ra được nhiều nhận xét, nhiều kết luận mang tính nguyên lý, qui luật hoàn toàn xác đáng trên cơ sở quan sát kết hợp với thực hành thí nghiệm.
Có thể cho rằng thời kỳ thai nghén của cơ học nói riêng và vật lý học nói chung đã đạt đến chín muồi cùng với những công trình nghiên cứu khoa học của Đềcác. Những thành tựu đạt được về nghiên cứu hiện tượng chuyển động trong thời đoạn này, đa phần vẫn chỉ là định tính, và nếu có định lượng thì hầu như là mang tính dự đoán, thiếu chặt chẽ về mặt toán học. Do chưa nhận biết được một cách rành mạch, đích xác bản chất của nguyên nhân gây ra chuyển động và những quá trình biến đổi của nó, cho nên nhiều khái niệm hình thành trong nghiên cứu chuyển động ở thời kỳ đó có vẻ bất ổn, tùy tiện, manh mún, được hiểu có phần mơ hồ nên cũng thiếu nhất quán trong quan niệm giữa nhiều nhà khoa học. Có lẽ vì thế mà Niutơn đã đặt tên cho tuyệt tác của đời ông là “Những nguyên lý toán học của Triết học tự nhiên” và phần mở đầu của nó được dành cho việc lý giải, đưa ra những định nghĩa chặt chẽ cho những khái niệm cơ bản nhất của cơ học. Ngày nay, những khái niệm như: “khối lượng”, “quán tính”, “động lượng”, “lực”… trở thành những thuật ngữ không thể thiếu được trong ngôn ngữ vật lý học.
Trên những khái niệm cơ bản đã được chính mình định nghĩa xác đáng đó, Niutơn đã nêu lên bốn định luật cơ bản nhất của cơ học. Đi liền với bốn định luật cơ bản đó là phát kiến của Galilê được Niutơn làm sâu sắc hơn và phát biểu thành nguyên lý như sau: “Chuyển động tương đối của vật này so với vật khác trong bất kỳ không gian nào cũng là như nhau, dù không gian đó đứng yên hay chuyển động thẳng đều mà không quay”. Sau này nó được gọi là nguyên lý tương đối Galilê và được phát biểu khái quát hơn như sau: Mọi hệ qui chiếu quán tính đều tương đương nhau khi xét các hiện tượng cơ học”. Điều đó cho thấy: “Các phương trình cơ học trong các hệ qui chiếu quán tính khác nhau, có dạng hoàn toàn như nhau”, hay: “Phương trình cơ học bất biến đối với phép biến đổi Galilê”. (Hệ qui chiếu quán tính là hệ trong đó, định luật quán tính được nghiệm đúng)
Vì tầm quan trọng của bốn định luật cơ bản nhất trong cơ học do Niutơn đã thiết lập đó đối với câu chuyện tiếp theo của chúng ta mà tiếp theo đây, chúng ta sẽ lần lượt trình bày chúng theo “giọng điệu” ngày nay:
- Định luật I (còn gọi là định luật quán tính): Một vật cô lập (không chịu bất cứ tác động nào từ bên ngoài) nếu đang đứng yên thì tiếp tục đứng yên mãi (v = 0), đều đang chuyển động thì chuyển động của nó là thẳng đều mãi (v = không đổi).
- Trong cả hai trường hợp, véctơ của vận tốc là bất biến và đứng yên là trường hợp đặc biệt của chuyển động thẳng đều.
- Định luật này đã chỉ ra một tính chất tổng quát của vạn vật, đó là tính bảo toàn trạng thái chuyển động của chúng. Tính chất này được Niutơn gọi là “quán tính”. Quán tính luôn luôn tỷ lệ với khối lượng.
- Định luật II: Gia tốc mà một vật thu được tỷ lệ thuận với lực tác dụng lên vật (theo phương xuyên tâm) và tỷ lệ nghịch với khối lượng của nó:
Biểu diễn toán học của định luật là:
              
với:           là gia tốc (đại lượng đặc trưng cho sự thay đổi trạng thái chuyển động của vật)
                là lực (đại lượng đặc trưng cho tương tác giữa các vật và là nguyên nhân gây ra gia tốc)
               m là khối lượng (đặc trưng cho quán tính của vật).
- Định luật III (còn gọi là định luật tác dụng tương hỗ): Nếu một vật tác động vào một vật khác một lực theo phương xuyên tâm thì tức thời vật bị tác động cũng tác động trở lại vật đó một lực có cùng độ lớn, cùng phương (nhưng ngược chiều).
Biểu diễn toán học:
              
Định luật IV (còn gọi là định luật vạn vật hấp dẫn): Hai vật bất kỳ luôn hút tương hỗ nhau. Lực hút tương hỗ giữa hai vật có khối lượng m1, m2 theo phương trùng nhau xuyên tâm hai vật, tỷ lệ với tích số hai khối lượng và tỷ lệ nghịch với bình phương khoảng cách giữa hai tâm vật.
Biểu diễn toán học của định luật:
              
với:          F1,2: lực lượng tương hỗ của vật 1 và vật 2 (còn gọi là lực hấp dẫn)
               r: khoảng cách giữa hai tâm vật
               G: Hằng số hấp dẫn vũ trụ
Năm 1798, Henry Cavendish đã xác định được trị số của hằng số hấp dẫn vũ trụ. Bằng con đường thực nghiệm với nhiều lần thí nghiệm theo những khoảng cách khác nhau, ông đều thu được:
               
Niutơn được đánh giá là một nhà vật lý vĩ đại không phải chỉ với bốn định luật đó, nhưng chỉ cần bốn định luật đó thôi, ông cũng được tôn vinh là nhà Vật lý vĩ đại rồi!
Trong bốn định luật vừa nêu, định luật vạn vật hấp dẫn có tính trừu tượng hơn cả. Nếu Đềcác cho rằng không gian lấp đầy vật chất thì Niutơn lại quan niệm rằng không gian là khoảng bao la hoàn toàn trống rỗng chứa chấp vạn vật. Chính vì vậy mà ngay từ khi ra đời, định luật vạn vật hấp dẫn đã gây ra cuộc tranh luận kéo dài giữa những người đặt niềm tin vào Đềcác và những người đi theo Niutơn. Phái Đềcác chỉ trích rằng, lực hấp dẫn tác dụng từ xa trong không gian trống rỗng là không thể hình dung được và do đó mà mang tính phi khoa học. Còn phái Niutơn thì phản bác lại rằng, Đềcác đã đưa vào khoa học những giả thuyết duy lý dựa trên suy diễn cảm tính, do đó mà có phần bịa đặt, hoàn toàn phi thực. Vônte (Voltaire, 1694-1778), nhà văn, nhà triết học đi tiên phong trong phong trào “Ánh sáng” ở Pháp, có ảnh hưởng lớn đến văn học, triết học Châu Âu thế kỷ XVIII, người rất sùng bái Niutơn, có lần nói: “Ở Pari, người ta cho rằng thế giới chưa đầy vật chất, nhưng ở Luân Đôn, người ta lại cho rằng thế giới trống rỗng”. Bản thân Niutơn thực ra cũng chưa hiểu được bản chất của lực hấp dẫn cho nên ông kết luận thế này: “Tôi không đặt ra những giả thuyết!” và nhấn mạnh rằng, cần phải thừa nhận sự tồn tại của các lực hấp dẫn. Có lẽ thực nghiệm của Henry Cavendish trong việc xác định hằng số G đã làm kết thúc cuộc tranh luận đó một cách chung cục, mà phần thắng thuộc về Niutơn.
Đến tận ngày nay, bản chất của lực hấp dẫn, theo ý kiến riêng của chúng ta, vẫn chưa thực sự được sáng tỏ. Các nhà vật lý hầu như đều thừa nhận cách giải thích rút ra được từ thuyết tương đối tổng quát của Anhxtanh.
Có thể nói, nếu Đềcác là người kết thúc quá trình thai nghén cơ học của nhân loại, thì Niutơn là người làm cho cơ học được “khai hoa nở nhụy”, tạo “cú hích” mạnh cho vật lý học nói chung, bước vào thời kỳ phát triển gia tốc.
Đến giữa thế kỷ XVIII, hầu hết các nhà vật lý đã thừa nhận học thuyết của Niutơn. Nếu ở Pháp, người ta còn đọc tác phẩm khoa học của Đềcác thì theo như lời Vônte, là chỉ vì học muốn đọc lại một “cuốn tiểu thuyết siêu hình”. Bắt đầu từ đây, cơ học lớn nhanh như thổi, mở rộng ra nhiều nhánh, nhiều ngành, nhiều hướng nghiên cứu chuyên sâu. Sự phát triển vượt bậc của cơ học cũng đóng vai trò thúc đẩy, kéo theo sự phát triển mạnh mẽ của quang học, nhiệt học, âm học, điện - từ học… đã và đang hình thành như những lĩnh vực nghiên cứu tương đối độc lập của vật lý học. Để có được cơ học Niutơn và nếu tính từ Arixtốt, loài người đã phải đi một chặng đường gian lao với bao vấp váp dài dằng dặc, xuyên suốt thời gian không dưới hai ngàn năm. Trong khi đó, với khoảng thời gian từ khi tác phẩm “Những nguyên lý” của Niutơn, ra đời đến cuối thế kỷ XIX, nghĩa là chỉ “tốn” khoảng hai trăm năm, loài người đã xây dựng xong cho mình bộ kỳ thư vật lý cổ điển vừa đồ sộ vừa trác tuyệt.
Trong thời kỳ tương đối ngắn đó, đã có viết bao nhiêu lên tuổi các nhà vật lý được vinh danh và đi vào lịch sử nhờ tài năng và những cống hiến của họ. Trong số đó nổi lên một cái tên là Mắcxoen. Mắcxoen là nhà vật lý lý thuyết có tài năng kiệt xuất. Ông là người có những đóng góp vô cùng quan trọng cho vật lý học và cũng được coi là người hoàn thành cơ bản chương cuối cùng của Vật lý cổ điển. Chúng ta sẽ kể câu chuyện về đời ông nhưng trước tiên là kể câu chuyện cuộc đời có cái tên cụ thể là Farađây vì nếu không có Farađây thì chưa chắc tên tuổi Mắcxoen trở nên lẫy lừng trên bầu trời vật lý.
Nếu đánh giá Galilê là người khởi xướng ra phương thức nghiên cứu, tạm gọi là “vật lý học thực nghiệm” thì Farađây là nhà vật lý thực nghiệm kiệt xuất nhất của nhân loại từ xưa tới nay.
Farađây (Michael Faraday) sinh ngày 22-9-1791 ở gần Luân Đôn, thủ đô nước Anh, trong một gia đình nghèo, bố làm thợ rèn, làm tạp vụ cho những gia đình khá giả. Sau này chính Farađây đã kể về thời ấu thơ của mình: “Chúng tôi sống trong một gian nhà vừa ẩm thấp vừa lạnh lẽo. Tôi đã 9 tuổi mà mỗi ngày chỉ được chia cho hai lát bánh mì mỏng…”
Từ nhỏ Farađây đã tỏ ra thông minh, hiếu học. Nhưng do gia đình túng bấn mà ông phải đành bỏ học năm 13 tuổi, theo lời cha đến xin làm “việc sai vặt” cho người có tên là Ribô, chủ một cửa hàng đóng xén và bán sách báo ở Luân Đôn. Ban đầu, hầu như ngày nào cũng vậy, Farađây phải mang sách báo đi giao cho những nơi đặt, sau đó thì về phụ việc cho cửa hàng. Ông phải làm việc suốt tuần, không công xá, chỉ được nuôi ăn, chủ nhật mới được về thăm cha mẹ.
Dù là “việc sai vặt” thì cũng phải làm vất vả, nhưng bù lại Farađây được tiếp xúc với rất nhiều các loại sách báo, điều mà ông vô cùng thích thú. Đức tính ngoan ngoãn, cần cù trong công việc, ham học hỏi và niềm say mê sách báo của Farađây đã làm cho ông chủ Ribô, một kiều dân Pháp tốt bụng, yêu mến. Sau một năm làm việc tại cửa hàng, Farađây bắt đầu được học nghề đóng sách. Nhờ tinh ý và khéo tay, ông học nghề rất nhanh. Mặt khác, tranh thủ mọi thời gian nghỉ ngơi để đọc sách, Farađây cũng đồng thời tiếp thu được không ít những kiến thức khoa học ban đầu. Các sách mà ông đặc biệt ưa thích là nói về hóa học và điện học.
Như có sự mách bảo của định mệnh, một lần, Farađây đọc được câu châm ngôn: “Tri thức tới từ thực nghiệm” trong một cuốn sách. Thế là từ đó, ngoài việc đọc sách và ghi chép lại cẩn thận những điều cần ghi nhớ, Farađây còn cố gắng thực hiện các thí nghiệm trong căn buồng nhỏ sát mái, nơi ông ngủ ở đó. Ông chủ Ribô biết vậy nhưng không phiền lòng mà còn vui vẻ mở lời động viên, khích lệ. Hầu hết tiền công không đáng bao nhiêu của người đang học nghề mà Farađây dành dụm được cùng với tiền thưởng ông Ribô cho, đều được ông dùng vào việc mua vật dụng mà các chất liệu phục vụ cho những lần thí nghiệm của mình.
Thiên tính say mê khoa học của Farađây đã giúp ông đạp bằng mọi khó khăn, vừa làm tốt công việc kiếm sống, không phụ lòng người chủ tốt bụng, vừa nỗ lực tự học qua sách báo và thực hành thí nghiệm riêng tư, để chỉ trong khoảng thời gian tuổi vị thành niên, ông đã tích lũy được lượng kiến thức quan trọng về hóa học và điện học của thời bấy giờ, đủ để có thể tiếp thu được những bài giảng mà các giáo sư đại học truyền thụ.
Một lần, khi mang giao sách cho khách hàng thuê đóng, Farađây thấy có tờ thông báo: “Ngài Tatum tổ chức diễn giảng đặc biệt về Triết học tự nhiên…”. Tờ thông báo còn ghi rõ là mỗi buổi dự nghe giảng phải nộp lệ phí là 1 silinh (tiền Anh). Đó là khoản tiền vượt quá khả năng của Farađây. Biết chuyện và thấy được nỗi khát khao cháy bỏng của Farađây, Rôbớt, anh trai của ông, dù có mức thu nhập từ làm công cũng chẳng nhiều nhặn, lại còn phải gánh vác kinh tế gia đình trong khi người cha đang lâm bệnh, đã hết lòng giúp đỡ em trai mình. Lúc đầu Farađây còn ngần ngại nhưng trước sự thúc giục nhiệt thành của người anh trai, ông đã đồng ý nhận sự giúp đỡ.
Buổi thuyết trình nào Farađây cũng đến sớm để chọn chỗ ngồi nghe giảng nhất. Hơn nữa, sau mỗi buổi nghe giảng, khi trở về nhà, ông tiếp tục ngồi vào bàn thức thâu đêm, ghi chép lại một cách cẩn thận tất cả những gì đã lĩnh hội được của buổi nghe giảng. Vì vậy mà sau khóa học, Farađây đã tự đóng được cho mình cuốn sách với tựa đề “Tập bài giảng của giáo sư Tatum”.
Có thể thấy ngay từ những buổi đầu tiếp cận với khoa học Farađây đã bộc lộ ra một đức tính quí báu, đóng vai trò như một yêu cầu tối cần thiết đối với bất cứ nhà khoa học thực nghiệm nào, đó là kiên nhẫn trong thực hành, kỹ lưỡng trong quan sát, tỉ mỉ trong ghi chéo và thận trọng trong nhận định.
Sau lần nghe giảng ấy, niềm say mê khoa học, nỗi khát khao được tiếp thu những kiến thức mới, càng trào dâng trong lòng người thanh niên Farađây, hiếu học như đành bất lực bởi hoàn cảnh khốn khó của mình.
Thế rồi vận may cũng đến. Một hôm, khi Farađây đang cặm cụi đóng sách thì một vị khách hàng bước tới, mỉm cười hỏi xã giao vài câu rồi trao cho ông 4 tờ giấy mời dự 4 buổi thuyết trình về hóa học của giáo sư Đêvi, một nhà khoa học đang có tiếng tăm. Farađây đã vô cùng mừng rỡ. Thật ra, ông Ribô, thông cảm với ao ước của Farađây, đã cậy nhờ Đanxơ, chức vị giáo sư, hội viên Hội khoa học Hoàng gian Anh; cũng là khách hàng thân thuộc của mình, giúp đỡ.
Ngày 29-2-1812, trong bộ quần áo tươm tất nhất, chỉ dùng trong những ngày chủ nhật khi đi lễ nhà thờ của mình, Farađây bước vào gian phòng lớn của tòa nhà có gắn biển “Hội khoa học Hoàng gia Anh”, nơi mà sau này, ông sẽ trở thành một thành viên đáng kính của nó, để nghe bài thuyết trình đầu tiên của giáo sư Đêri.
Cũng như lần nghe giảng do giáo sư Tatum thuyết trình, lần này Farađây cũng ghi chép lại hết sức cẩn thận nội dung mà giáo sư Đêri trình bày sau mỗi buổi nghe giảng. Và sau khi kết thúc bốn buổi thuyết trình thì ông cũng tự đóng một cuốn sách rất đẹp có tựa đề trên trang bìa là “Những bài giảng của giáo sư Hămphơri Đêvi”.
Tháng 10-1812, ông Ribô tuyên bố Farađây đã thành nghề. Vốn dĩ yêu mến chàng trai có nhân cách tốt đẹp, ông đã tận tình xin cho Farađây đến làm việc hưởng theo công xá thợ chính tại cửa hàng của bạn mình tên là Đờ Larôsơ. Đối với một người học nghề bình thường thì đây quả là một may mắn và có thể sẽ vui mừng khôn tả. Nhưng đối với Farađây, một người đã chìm đắm trong niềm say mê khoa học, tim óc luôn hướng đến mơ ước được khám phá những điều còn bí ẩn trong hóa học và điện học, thì dù vẫn biết ơn người chủ tốt bụng, không thể không lâm vào tâm trạng buồn vui lẫn lộn và chắc rằng trong sâu thẳm cõi lòng còn có cả sự thờ ơ. Vì thế mà khi đã đến làm việc ở cửa hàng mới, Farađây vẫn không thể nguôi ngoai được nỗi niềm, vẫn trăn trở ước mơ được sống và làm việc trong tòa nhà khoa học, được phụng sự khoa học, được hiến dâng cuộc đời cho nghiên cứu khoa học.
Bạn bè khuyên Farađây viết thư cầu xin ngày Giôdép Benxơ, chủ tịch Hội khoa học Hoàng gia Anh, giúp đỡ, nhận cho làm bất cứ việc gì phục vụ công tác khoa học của Hội. Farađây nghe theo và đã viết thư, nhưng chờ mãi mà không có hồi âm. Không tuyệt vọng, Farađây lại nghĩ ngay tới việc viết thư cầu cứu đến giáo sư Đêvi. Trong thư, ông kể về quá trình phấn đấu tự học, để thỏa mãn lòng khát khao hiểu biết, về tình yêu khoa học nồng nàn và niềm mong muốn được phụng sự khoa học của mình, nhất là ước mơ được xả thân cho nghiên cứu khoa học đã trở nên mãnh liệt như thế nào sau khi dự nghe những bài giảng của giáo sư. Cùng với bức thư, Farađây còn gửi cả cuốn sách mà ông đã ghi chép cẩn thận nội dung của bốn bản thuyết trình của giáo sư Đêvi.
Đêvi chắc rằng đã thực sự cảm động trước sự thành tâm của tác giả bức thư và hơn nữa cũng vì nội dung bức thư đã gợi nhớ về quá trình cố gắng tự học để vươn lên thưở hàn vi của chính giáo sư. Bên cạnh đó, qua cuốn sách, vị giáo dư còn thấy được khả năng tiếp thu và biểu đạt các tri thức khoa học vừa chính xác vừa tinh tế sắc sảo ở Farađây. Rất có thể lúc đó, giáo sư Đêvi cũng đã nhận ra rằng phụ tá mà ông cần chính là con người này.
Trước khi quyết định, giáo sư Đêvi có thăm dò ý kiến của người bạn đồng nghiệp tên là Pipixơ:
- Đây là bức thư của một anh chàng tên là Farađây. Anh ta nghe các bài giảng của tôi và xin được có một chỗ làm trong phòng thí nghiệm của tôi. Tôi phải làm gì với anh ta?
- Làm gì à? Hãy cho anh ta rửa chai lọ. Nếu anh ta đồng ý thì đó là cách giải quyết, ngoài ra, chẳng còn gì thích hợp đối với anh ta nữa – Pipixơ đã trả lời Đêvi với giọng khinh khỉnh.
Tuy nhiên, Đêvi vẫn tin vào cảm nhận của ông.
Ngày 24-12-1812, Farađây nhận được bức thư đầy hứa hẹn của giáo sư Đêvi. Trong đó có viết:
“Tôi vô cùng cảm động về lòng tin cậy của anh giành cho tôi. Các bản ghi chép của anh chứng tò lòng nhiệt thành lớn lao, sự cẩn thận, niềm ham mê học tập và trí nhớ phi thường của anh. hiện nay tôi có việc không thể không rời khỏi Luân Đôn, tới cuối tháng giêng mới về. Lúc đó, tôi sẵn sàng tiếp anh vào thời gian thuận tiện…”
Cuối tháng giêng, năm 1813, Farađây được giáo sư Đêvi tiếp kiến niềm nở tại phòng khách của Hội khoa học Hoàng gia Anh. Mở đầu, vị giáo sư khen ngợi Farađây về cuốn sách, về sự chuyên cần tự học và khả năng tự trang bị học vấn… Tiếp theo, ông nói đến những khó khăn gian khổ mà một nhà khoa học phải gánh chịu và dẫn lại cầu xin niutơn đã từng nói: “Khoa học là một nữ chủ nhân đầy cay nghiệt, chỉ đền đáp rất ít ỏi cho những người hiến thân cho bà ta!”. Farađây đã trả lời chắc nịch:
- Tôi không hê sợ những điều đó! Và tôi cũng không hề nghĩ đến tiền nhiều hay ít, thưa giáo sư!
Lúc tạm biệt, giáo sư Đê vi ân cần dặn dò Farađây rằng hãy yên tâm về, tạm thời làm nghề cũ, đợi khi nào Hội khoa học Hoàng gia Anh cần người ông sẽ báo tin cho.
Đúng là Đêvi đã rất sốt sắng trong việc tìm một chỗ làm trong Hội khoa học Hoàng gia Anh cho Farađây. Dù hành động đó đơn thuần là do mến mộ tài năng của Farađây hay cũng còn vì một mục đích riêng tư nào đó của chính Đêvi thì việc được sớm đứng vào hàng ngũ những nhà hoạt động khoa học đã là điều hết sức may mắn đối với Farađây và ít nhiều gì ông phải chịu ơn. Ngược lại Đêvi cũng được cái vinh dự là đã sớm phát hiện ra một thiên tài cho khoa học. Sau này, khi Farađây đã thành danh, Đêvi có nói một cách tự hào: “Farađây là phát minh lớn nhất của đời tôi!”
Vài tuần sau, vào một buổi tối, một người đánh xe ngựa đến trao cho Farađây một bức thư. Hóa ra đó là thông báo của giáo sự Đêvi:
“Nếu ý nguyện của anh không có gì thay đổi thì xin mời anh ngày mai tới Hội khoa học Hoàng gia. Anh sẽ nhận được chức vụ phụ tá phòng thí nghiệm”.
Quá đỗi vui mừng, Farađây lập tức đi chào mọi người và đến gặp ông chủ Đờ Larôsơ trình bày sự việc. Ông Đờ Larôsơ tỏ vẽ buồn buồn, bảo:
- Tôi không có con cái. Chỉ cần cậu ở lại, sau này tôi giao cả cửa hàng này cho cậu thừa kế. Cậu thấy thế nào?
- Thành thật rất cảm ơn ngài đã có ý tốt với tôi, thưa ngài Đơ Larôsơ! Song, tôi phải đi làm công việc mà tôi hằng mong đợi! – Farađây đã nói một cách nhẹ nhàng nhưng dứt khoát như vậy.
Sáng ra, Farađây hồ hởi đến Hội khoa học Hoàng gia Anh để gặp Đêvi. Đêvi, trong tình trạng đầu và mặt quấn đầy bông băng do vừa bị thương tích sau một vụ nổ trong khi thực hành thí nghiệm, báo cho Farađây biết rằng Hội khao học Hoàng gia Anh đã quyết định cho ông được làm phụ tá phòng thí nghiệm từ ngày 1-3-1813 với mức lượng tuần là 25 silinh. Tiếp theo, Đêvi cũng ngỏ lời yêu cầu Farađây trong thời gian chờ đợi đến lúc đó, hãy giúp ông ghi chép những vấn đề nghiên cứu rút ra từ những thí nghiệm mà ông vừa thực hiện. Farađây vui vẻ nhận lời không một chút đắn đo. Thế là Farađây đóng vai trò thư ký cho giáo sư Đêvi trong những ngày làm việc đầu tiên ở Hội hoàng gia Anh.
Trong vai trò thư ký, Farađây không những ghi chép gọn gàng các số liệu, thể hiện chính xác những ý tưởng khoa học của Đêvi, mà còn góp nhiều ý kiến xác đáng vào việc phân tích, nhận xét các thông số thực nghiệm của vị giáo sư. Điều đó càng làm cho giáo sư Đêvi quí mến năng lực của Farađây.
Đến thời hạn, Farađây chính thức làm công việc của người phụ tá phòng thí nghiệm, thường xuyên lo việc chuẩn bị các thí nghiệm cho các giáo sư ở học viện, kể cả khi họ tổ chức các buổi diễn giảng. Với những công việc như vậy, vốn tính hay tìm tòi, Farađây cũng học hỏi được rất nhiều kiến thức bổ ích, theo kịp các vấn đề khoa học có tính thời sự ở Anh cũng như ở các nước khác.
Khoảng giữa tháng 10-1813, nhận lời mời của các nhà khoa học Pháp, Ý, Thụy Sĩ, giáo sư Đêvi tổ chức thực hiện chuyến đi giao tiếp khoa học sang châu Âu. Ông thu xếp cho Farađây cùng đi với nhiệm vụ vừa là thư ký vừa là phụ tá kiêm quản lý cho vợ chồng ông. Trong chuyến đi này Farađây đã tỏ ra hết sức đắc lực trong việc nghiên cứu, thực hiện hàng loạt các thí nghiệm khoa học, đồng thời ông cũng được tiếp xúc với nhiều nhà khoa học danh tiếng của nhiều nước thuộc châu Âu lục địa, cũng như có dịp sử dụng các thiết bị nghiên cứu tiên tiến của họ.
Tháng 4-1815, đoàn hành trình trở lại Luân Đôn. Cuộc hành trình đã giúp Farađây mở rộng tầm mắt và học hỏi được rất nhiều điều quí báu. Có thể nói sau một năm rưỡi đi theo ghi chép và phụ giúp cho giáo sư Đêvi, một cách mẫn tiệp, Farađây đã thực sự trưởng thành, có đủ bản lĩnh nghiên cứu độc lập một đề tài khoa học. Chính giáo sư Đêvi cũng thấy điều đó nên đã tiến cử ông vào chức trợ lý nghiên cứu khoa học.
Năm 1816, tức khi tròn 25 tuổi, Farađây viết bản báo cáo khoa học đầu tiên của đời mình và được đăng trên tạp chí “Khoa học” của Hội khoa học Hoàng gia Anh. Cách viết sáng sủa mà súc tích của Farađây đã làm cho vị chủ trì tạp chí mến mộ nên đã mời ông làm thêm việc cộng tác viên biên tập.
Năm 1817, Farađây công bố được 6 luận văn khoa học. Năm 1818, ông công bố thêm được 11 luận văn khoa học. Phần lớn những luận văn này là trình bày về nghiên cứu hóa học. Đây là thành tựu ban đầu của Farađây, tuy không thật lớn lao, nhưng đối với một nhà hóa học có năng lực trung bình, có lẽ chưa dám mơ đến.
Như đã kể, từ rất sớm, Farađây không chỉ say mê hóa học mà cả điện học. Khi còn làm việc ở cửa hàng Ribô, ônh đã từng tự làm những thí nghiệm về điện theo chỉ dẫn trong sách. Đến Hội khoa học Hoàng gia, trong tầm ảnh hưởng của giáo sư hóa học Đêvi, ông bận rộn nhiều với những công việc chuẩn bị cho các cuộc thí nghiệm hóa học trong vai trò vừa là phụ tá vừa là trợ lý nghiên cứu, thành ra không còn thời gian để nghiên cứu về điện. Tuy nhiên đến lúc này, có thể một phần là do đã có đủ điều kiện để chủ động sắp xếp lại thời gian làm việc, một phần vì những vấn đề nảy sinh và những cuộc tranh luận trong lĩnh vực nghiên cứu điện học ở khắp nơi, nổi lên thành những đề tài nóng hổi tính thời sự, cho nên Farađây quyết định chuyển sang nghiên cứu điện học nhiều hơn.
Khoảng thời đoạn cuối thế kỷ XVIII đầu thế kỷ XIX, nghiên cứu về điện trở nên nổi trội, làm hình thành một lĩnh vực tương đối chuyên biệt của vật lý, gọi là “Điện học”. Có thể cho rằng người mở đầu quá trình hình thành này là Culông (Charles Augustin De Coulomb, 1736-1806), nhà vật lý xuất chúng người Pháp. Sau khi tốt nghiệp đại học, ông trở thành kỹ sư công binh, sĩ quan trong quân đội Pháp. Lúc đầu, do nhu cầu xây dựng trong quân đội thôi thúc, Culông nghiên cứu chuyên sâu trong lĩnh vực cơ học. Năm 1773, ông xây dựng thành công cơ sở lý thuyết về sức bền vật liệu. Năm 1779, ông công bố công trình về nguyên lý các máy đơn giản và các định luật về ma sát. Năm 1784, ông hoàn thành công trình nghiên cứu về sự xoắn đàn hồi của những sợi dây nhỏ và khám phá ra định luật về lực xoắn, để rồi dựa vào đó, ông chế tạo ra “cân xoắn”, một dụng cụ dùng để đo các lực nhỏ. Sau đó Culông bắt đầu nghiên cứu về các lực điện và lực từ. Trong những năm 1785-1788, ông công bố hàng loạt kết quả nghiên cứu và phát kiến của mình như: phép đo lực đẩy và lực hút giữa các điện tích bằng cân xoắn, cách chế tạo kim nam châm, cách khử từ, sự phân bố điện tích ở mặt ngoài vật dẫn, đưa ra khái niệm mômen từ, lý thuyết về hiện tượng phân cực điện môi… Thành quả nổi bật nhất trong số những thành quả đưa tên tuổi ông vào bất tử, chính là việc xác lập được định luật về lực tương tác tĩnh điện (sau này thường được gọi là định luật Culông).
Đến năm 1820, Ơcxtet (Christian Oerstedt, 1777-1851), nhà vật lý người Đan Mạch, đã xuất sắc phát hiện ra được từ tính của dòng điện. Vài tháng sau phát hiện đó, nhà vật lý tên là Aragô quan sát thấy các mạt sắt bám vào dây dẫn có dòng điện chạy qua. Vài ngày sau, Ampe và Aragô chế tạo được nam châm điện đầu tiên của loài người.
Dù mối quan hệ giữa điện và từ đã được phát hiện nhưng thực chất của mối quan hệ đó là như thế nào thì lúc đó chưa ai biết tường tận. Ơcxtet có đưa ra quan niệm của mình nhưng nhiều người khác không tán thành. Còn bản thân những người này, nếu có những quan niệm nào đó thì cũng chỉ là phỏng đoán mơ hồ, thiếu cơ sở. Mặt khác, khi bài toán biến điện thành từ được giải quyết thì từ đó lập tức xuất hiện bài toán thứ hai: vậy thì có thể biến từ thành điện được không, và nếu được thì bằng cách nào? Rõ ràng, như lịch sử cho thấy, giải quyết được bài toán này sẽ dẫn đến việc nhận thấy được bản chất của mối quan hệ tương tác giữa điện và từ.
Sự kiện có tính bước ngoặt trong sự nghiệp nghiên cứu khoa học của Farađây, làm ông dứt khoát chuyển hướng sang chủ yếu thực hiện các thí nghiệm về điện và từ là khi ông nghe nói tới việc tiến sĩ Vôluxtơn, thư ký của Hội khoa học Hoàng gia Anh đang nghiên cứu thí nghiệm về sự quay bởi lực sinh ra từ tương tác điện - từ. Đối với ông, đó là một đề tài thực sự hấp dẫn và ông quyết định tự thực hiện thí nghiệm để tìm hiểu vấn đề.
Ngày 12-6-1821, Farađây kết hôn với người thiếu nữ tên là Xara Bacna, thực hiện thủ tục nghi lễ cưới tại nhà thờ là xong, không tổ chức tuần trăng mật, ngày ngày vẫn tới phòng thí nghiệm làm việc đều đặn. Bởi vì tâm trí ông đang tập trung cao độ, tìm cách giải quyết những khó khăn nảy sinh trong quá trình thực hành thí nghiệm làm quay dây dẫn điện nhờ tương tác điện - từ. Sau hàng loạt cuộc thí nghiệm miệt mài, cuối cùng thì Farađây cũng đi đến thành công. Ngày 23-9-1821 được coi là ngày Farađây tạo ra chiếc động cơ điện đầu tiên của nhân loại. Điều oái oăm là khi Farađây thông báo kết quả thí nghiệm trong luận văn “Về những chuyển động điện từ mới” thì đón đợi ông không phải là sự tán thưởng mà là sự lên án. Nhiều người cho rằng ông đã cướp công nghiên cứu của tiến sĩ Vônlaxtơn.
Farađây đã cố gắng giải thích cho mọi người hiểu rằng thí nghiệm của ông hoàn toàn độc lập đối với thí nghiệm của Vônlaxtơn, đó là hai thí nghiệ, khác hẳn nhau không những về ý tưởng, cách thức, dụng cụ thực hành mà cả về mặt cơ sở lý thuyết. Tuy nhiên, lời phân trần đó chẳng được mấy ai đồng tình. Sự hiểu lầm đã làm cho ông rất muộn phiền. Thế rồi, vào dịp lễ giáng sinh năm 1821, Farađây thực hiện lại thí nghiệm. Trong số những người đến chứng kiến, có cả tiến sĩ Vônlaxtơn. Vônlaxtơn là một nhà khoa học công tâm. Ông đã thừa nhận thí nghiệm của Farađây là độc đáo, tài tình, khác hẳn thí nghiệm của ông và ông đã vui vẻ chúc mừng sự thành công của Farađây.
Năm 1822, Farađây đã ghi vào nhật ký của mình: “Biến từ thành điện”. Song ông chưa thực hiện ngay được nhiệm vụ đề ra đó vì còn phải thực hiện cho xong một số đề tài nghiên cứu về hóa học. Trong năm 1823, Farađây đã tìm ra được phương pháp hóa lỏng các chất khí dưới tác dụng của áp suất và sự làm lạnh hỗn hợp khí. Với phương pháp đó, ông đã thu được Clo, khí Sunfuarơ, Cácbonic, Amôniăc, Hydrô Sunfua ở thể lỏng. Sau thành công đó, ông tiếp tục các thí nghiệm mới và đã tìm ra một chất mới gọi là Benzen.
Hiểu được thực tài của Farađây, chính tiến sĩ Vônlaxtơn đã tiến cử ông và ngày 8-1-1824, ông được bầu là hội viên của Hội khoa học Hoàng gia Anh, chính thức đứng vào hàng ngũ những nhà khoa học lớn. Trong buổi lễ đó, vị phụ trách tạp chí “Khoa học” của Hội khoa học Hoàng gia Anh có hỏi:
- Thưa ngài Farađây! Ngài có bí quyết gì để có được những thành công?
Farađây trả lời chân thành và ngắn gọn:
- Quên mình vì khoa học!
Có một sự việc lạ lùng, trong việc bầu chọn Farađây: chỉ duy nhất có một lá phiếu chống đối và lá phiếu đó lại chính là của giáo sư Đêvi. Nhiều người đã không hiểu nổi vì sao Đêvi lại làm như vậy. Có người nhận định rằng, đó là do lòng đố kỵ tài năng. Dù có thế nào đi chăng nữa thì như lịch sử đã lưu lại, Farađây bao giờ cũng giữ lòng tôn kính giáo sư Đêvi, vị ân nhân đã tận tình giúp đỡ và dìu dắt ông trong buổi đầu ông đến với khoa học. Sau này khi Đêvi đã qua đời và quê hương Đêvi dựng đài kỷ niệm ông. Farađây đã tự nguyện góp một khoản tiền lớn.
Năm 1825, Farađây giữ chức giám đốc phòng thí nghiệm của Hội khoa học Hoàng gia Anh. Năm 1827, ông được phong hàm giáo sư đại họa Hoàng gia.
Con đường đi chinh phục bài toán “Biến từ thành điện” của Farađây, phải nói là vô cùng khó khăn gian khổ. Ông đã thực hiện hàng trăm, thậm chí hàng ngàn thí nghiệm mà vẫn không đạt kết quả. Thất bại nối tiếp thất bại không làm ông nản chí. Bởi vì, niềm tin của ông là không thể lay chuyển. Sau mỗi lần thí nghiệm không thành công, Farađây đều ghi chép tỉ mỉ và đưa ra nhận xét. Từ đó và nhờ có sự suy luận sắc sảo, ông đã dần dần đi đúng hướng và chính vì thế mà may mắn đã cười với ông. Tháng 8-1831, trong một lần thí nghiệm, Farađây dùng hai dây dẫn đã phủ ngoài một lớp cách điện, cùng quấn lên một lõi bằng gỗ, một cuộn nối với bộ pin Vônta, một cuộn nối với điện kế. Chẳng có gì xảy ra! Nhưng khi ông ngắt điện định dừng cuộc thí nghiệm thì tình cờ phát hiện được sự lay động nhỏ của kim điện kế. Thời gian xảy ra và kết thúc hiện tượng rất nhanh và cũng vì thế mà khó phát hiện. Ông lặp lại thí nghiệm và thấy rằng kim điện kế chỉ lay động khi đóng hay ngắt dòng điện. Phát hiện này là cực kỳ quan trọng, đóng vai trò quyết định đến việc thực hiện mục tiêu nghiên cứu “Biến từ thành điện” do chính ông đề ra cho mình từ năm 1822. Hơn thế nữa nó đã mở ra con đường sán lạn, dẫn Farađây đến với những khám phá thực sự vĩ đại, với những nhận định và phát kiến thiên tài.
Farađây gọi hiện tượng kể trên là “Cảm ứng điện Vônta”. Ông còn nhận ra rằng nếu thay lõi gỗ bằng một tanh nam châm vĩnh cửu thì dòng điệnxuất hiện do cảm ứng điện Vônta sẽ mạnh lên rất nhiều và ông gọi hiện tượng này là “cảm ứng từ điện”. Như vậy mô hình đầu tiên của các biến thế điện đã được Farađây chế tác ra.
Sau đó từ suy luận xuất sắc rằng chỉ khi dòng điện trong cuộn dây nối với bộ pin Vônta biến thiên (khi đóng ngắt mạch) thì trong khoảng thời gian biến thiên ấy, mới xuất hiện dòng điện cảm ứng trong cuộn dây nối với điện kế, nhưng đồng thời cuộn dây nối với bộ pin Vônta còn đóng vai trò của một nam châm điện, Farađây đi đến kết luận rằng có thể sự biến đổi từ tính quanh cuộn dây nối với điện kế là nguyên nhân trực tiếp làm xuất hiện trong nó dòng điện. Trên cơ sở lập luận đó, ông tiến hành thí nghiệm thay cuộn dây nối với bộ pin Vônta bằng một nam châm vĩnh cửu chuyển động dọc cuộn dây nối với điện kế. Thực nghiệm đã chứng tỏ rằng ông đã nhận định hoàn toàn đúng đắn và ông ghi vào nhật ký khoa học của mình: “Dòng điện chỉ xuất hiện khi nam châm chuyển động so với dây dẫn, chứ không phải vì các tính chất có trong dây dẫn đứng yên”. Đây chính là nộ dung cơ bản của định luật cảm ứng điện từ.
Tiếp theo, Farađây nghĩ tới việc làm sao cho dòng điện cảm ứng duy trì được lâu dài. Suốt hai tháng thử nghiệm bằng nhiều cách, cuối cùng, ngày 28-10-1831, ông đã thành công: chế tạo được một cơ cấu phát sinh liên tục một dòng điện cảm ứng. Cơ cấu này được coi là chiếc máy phát điện đầu tiên trên thế giới.
Ngày 24-11-1831, Farađây công bố tại Hội khoa học Hoàng gia Anh những khám phá của mình về hiện tượng cảm ứng điện từ và các hiện tượng liên quan có tính qui luật khác, gây chấn động dư luận giới khoa học ở tất cả các nước.
Sự nghiệp nghiên cứu của Farađây không dừng lại ở đó: Ông vẫn tiếp tục lao vào hàng loạt các thí nghiệm mới về điện, và khám phá cũng như phát kiến thêm nhiều hiện tượng, nhiều nhận định quan trọng khác. Chẳng hạn, ông đã nghiên cứu hiện tượng điện phân và vào khảong năm 1833-1834, tìm ra hai định luật (định tính) cơ bản của hiện tượng này. Năm 1843, bằng thực nghiệm, ông chứng minh định luật bản toàn điện tích, tìm ra sự nhiễm điện bằng cảm ứng. Năm 1845, ông phát hiện ra sự quay mặt phẳng phân cực của ánh sáng trong từ trường (hiệu ứng Farađây). Năm 1846 ông khám phá ra rằng năng lượng tĩnh điện được định vị trong các chất điện môi. Trên cơ sở đó ông tìm ra “hằng số điện môi”, một hằng số quan trọng của vật lý học…
Loạt công trình mang tên “các nghiên cứu thực nghiệm về điện” kết thúc vào năm 1851. Thực nghiệm sau cùng về điện mang số hiệu 16041.
Từ sau năm 1851, người ta không còn thấy xuất hiện các công bố khoa học mới của Farađây đăng trên báo nữa. nhưng chắc chắn rằng ông vẫn không ngừng thực hành thí nghiệm và suy tư khoa học. Bởi vì không thể phủ nhận được niềm say mê mãnh liệt được tìm tòi, khám phá, sự xả thân cho nghiên cứu khoa học một cách vô điều kiện, không màng danh lợi của ông. Về điều này, có thể nêu ra những dẫn chứng tiêu biểu. Chẳng hạn, năm 1831, một số hãng kinh doanh ở Luân Đôn mời Farađây cộng tác với thù lao gấp hàng chục lần số lương chính  của ông nhưng ông đã từ chối. Có lần ông nói: “Nhà khoa học không chỉ là con buôn”. Trong khi đó, ông và gia đình vẫn sống ở hai căn phòng nh troỏng tòa nhà Hội khoa học Hoàng gia Anh và với đồng lương tuần 160 silinh. Thấy tình cảnh đó, bạn bè của Farađây đã âm thầm vận động chính phủ Anh trợ cấp cho ông. Vì thế đến năm 1835 ông mới nhận được một khoản trợ cấp hàng năm là 15000 silinh để phục vụ nghiên cứu khoa học. Cũng từ năm 1835, Farađây bắt đầu rút lui khỏi các công việc hành chính, giảng dạy với lý do duy nhất, là dồn hết sức lực cho nghiên cứu khoa học. Về sau, nhiều lần được đề nghị giữ chức vị Chủ tịch Hội khoa học Hoàng gia Anh nhưng ông đều từ chối. Năm 1855, chính phủ Anh quyết định tặng Farađây danh hiệu quí tộc, nhưng khi hỏi ý kiến ông, ông đã trở lời: “Giáo sư Farađây xuất thân từ tầng lớp bình dân và không mong muốn biến thành quí tộc!”. Sau này, năm 1858, ông có nhận và cảm ơn Nữ hoàng Anh đã tặng ông căn biệt thự nhỏ ở Khemtơn Coóctơ (Hampton Court). Dẫn đến sự việc này cũng là nhờ bạn bè của Farađây vận động nhưng giấu ông.
Trọn đời, Farađây đã sống đúng với tâm niệm của ông thời thanh niên và những lời thổ lộ trước giáo sư Đêvi: đến với khoa học để được thỏa mãn niềm say mê nghiên cứu khoa học chứ không phải vì bổng lộc. Có lẽ vì vậy mà ông cũng tỏ ra bình dị, chân thành và không ưa hiềm khích. Có thể thấy cái tính cách bình dị của Farađây ngay trong những ghi chép của ông.
Cần nhớ lại rằng đồng thời với Farađây, Ampe cũng tiến hành các thí nghiệm để tìm mối quan hệ giữa điện và từ và cũng đạt những thành tựu xuất sắc. Đọc các ghi chép của Ampe, có thể thấy các kết quả cô đọng trong từng công thức với sự chính xác hoàn toàn không thể phủ nhận được, lý thuyết và thực nghiệm được trình bày song đôi, hợp thành một thể chặt chẽ về lôgic và toán học. Trong các ghi chép đó, không thể thấy được sự hình thành từng bước của các ý niệm đã đưa nhà nghiên cứu đến thành công. Khi công trình đã hoàn thành thì Ampe xóa hết mọi dấu vết, dù rất cần trong quá trình xây dựng.
Ngược với Ampe, Farađây thành thật phô bày các bước thử nghiệm cả thành công cũng như thất bại, cả những ý nghĩ sai lầm đầu tiên cũng như những kết luận đúng đắn cuối cùng. Cho nên, đọc Farađây, người ta thấy gần gũi hơn là ngạc nhiên, dù các khám phá và phát kiến của ông là thực sự phi thường.
Mácxoen đã nhận xét thế này: “Mọi học sinh cần nghiên cứu các tác phẩm của Ampe để thấy một mẫu mực, xuất sắc của phong cách công bố các kết quả thuần túy của phát minh. Nhưng chúng ta cần phải đọc các bài viết của Farađây, vì qua đó có thể phát triển các suy tư khoa học, tự mình cảm nhận sự thay đổi của tác động và phản tác động tạo ra bởi tác động qua lại của các ý niệm đang hình thành và các kết quả vừa mới được phát hiện”. Mácxoen còn đánh giá một cách xác đáng rằng: “Có lẽ đó là sự may mắn cho khoa học. Mặc dù biết các dạng cơ bản của không gian, thời gian và tác dụng lực, nhưng Farađây không phải là nhà toán học thực hành và do đó, ông không quyến rũ bằng những điều thú vị mà toán học thuần túy cho phép. Nếu bó gọn các kết quả vào dạng toán học, thì phải chú ý đến thị hiếu toán học của thời đại, vì nếu không làm như thế, sẽ bị các nhà toán học phản đối. Nhưng điều đó không làm Farađây chú ý và như vậy, ông không bị bó buộc chân tay mà có thể đi theo con đường của mình, làm phù hợp các suy nghĩ với các bằng chứng và trình bày các kết quả với ngôn ngữ hoàn toàn tự nhiên”.
Chính Farađây đã đưa ra hàng loạt những thuật ngữ mà ngày nay vẫn được dùng phổ biến trong vật lý học, như: chất điện phân, điện cực, anot, catốt, ion, đương lượng điện hóa học, đường sức, trường vật lý, từ trường… Trong đó thuật ngữ: đường sức và trường mang một ý nghĩa đặc biệt về mặt nhận thức khoa học đối với hiện thực khách quan.
Theo quan niệm của Niutơn thì Vũ Trụ là khoảng không gian trống rỗng bao la, trong đó tồn tại vạn vật có quảng tính tác động lẫn nhau, tạo nên chuyển động của nhau thông qua một đại lượng biến đổi theo qui luật phổ biến gọi là “lực vạn vật hấp dẫn”. Dù chưa biết được nguồn gốc của lực vạn vật hấp dẫn nhưng Niutơn cho rằng nó có tính tác dụng xa, tức thời. Nếu “đùng một cái” xuất hiện hai vật trong Vũ Trụ và dù khoảng cách giữa chúng có xa bao nhiêu chăng nữa thì ngay tức khắc cũng xuất hiện lực tương tác hấp dẫn giữa chúng (thời gian giữa xuất hiện hai vật và xuất hiện lực hấp dẫn là bằng 0 và lực đó là trực tiếp, không thông qua vật chất trung gian nào cả). Nếu một trong hai vật đột ngột biến mất thì lực tương tác hấp dẫn giữa chúng cũng tức khắc không còn nữa. Thật khó hình dung một thực tại khách quan “xử sự” như thế nhưng định luật vạn vật hấp dẫn mà Niutơn nêu ra lại hoàn toàn phù hợp với hiện thực khách quan và được thực chứng khẳng định. Thực ra quan niệm về sự trống rỗng của không gian dẫn đến tương tác hấp dẫn không thông qua bất cứ khâu trung gian truyền tiếp lực nào đã là một “bối rối lớn” của Niutơn mà ông không giải quyết được.
Rút ra từ việc quan sát những thí nghiệm về tương tác điện - từ do chính mình thực hiện, Farađây đưa ra khái niệm “trường”, dẫn đến hình thành một quan niệm mới có tính cách mạng về tồn tại vật chất và phân bố vật chất trong Vũ Trụ. Farađây cho rằng khi một vật mang điện tích hoặc có từ tính, nó sẽ làm xuất hiện quanh nó một miền liên tục, có khả năng tương tác lực, và ông gọi đó là “trường” (điện trường, từ trường). Trong quá trình nghiên cứu, khảo sát những biểu hiện của trường điện - từ, ông đã đưa ra thuật ngữ “đường sức”. Ông dùng hình ảnh các đường sức để diễn giải các kết quả về hiện tượng tương tác điện từ mà ông thu được qua thí nghiệm, chẳng hạn như: dòng điện cảm ứng xuất hiện khi có các đường sức từ cắt ngang qua dây dẫn, hay: cường độ dòng điện trong dây dẫn phụ thuộc vào số lượng các đường sức từ cắt ngang qua dây dẫn đó trong một đơn vị thời gian … Ngay từ năm 1846, Farađây đã tin tưởng rằng, đường sức là có thật và mang bản chất vật lý. Ông viết: tôi nghiêng về giả thuyết là các đường sức của từ trường tồn tại. Các đường sức của điện trường cũng tồn tại giống như vậy”. Tuy nhiên, Farađây vẫn chưa xác định được cụ thể đường sức là cái gì. Cho nên ông cũng viết: “Những ai tán thành giả thuyết ête đến một mức độ nào đó có thể coi những đường sức như là những dòng chảy, hoặc như những dao động đang truyền đi, hoặc như một chuyển động sóng dừng, hoặc như một trạng thái của sự căng”.
Ngày nay, chúng ta có thể hiểu đại khái, đường sức là sự thể hiện “cấu trúc”, cách thức “phân bố” năng lượng theo qui luật nhất định của một trường lực. Có thể dựa vào hình dạng hình học cũng như biểu diễn toán học của hệ đường sức mà xác định được cường độ (khả năng tương tác lực) và phương chiều tác dụng tại một điểm bất kỳ thuộc miền của trường lực đó.
Đến với quan niệm trường, Farađây đồng thời cũng rời bỏ quan niệm lực tác dụng xa, qua không gian trống rỗng của Niutơn đang ngự trị trong vật lý học lúc bấy giờ. Ông coi trong không gian luôn tồn tại một trường lực nào đó và tại mỗi điểm của trường lực có một trị số và véctơ của lực. Nếu một vật lọt vào trong đó, nó sẽ phải nhận một lực tác động. Nếu Đềcác đến với quan niệm không gian lấp đầy vật chất và tác dụng gần bằng sự suy lý thuần túy thìfa đến với quan niệm trường và tác dụng gần bằng con đường suy ra từ thực nghiệm. Theo Farađây giả thiết, nếu hai thực thể vật chất ở cách xa nhau mà tương tác nhau thì thực thể vật lý đóng vai trò trung gian chuyển tiếp trong việc truyền tương tác ấy phải là trường lực.
Trường hay trường lực là tên gọi chung cho các loại: trường tĩnh điện, trường từ, trường điện từ, trường hấp dẫn… Farađây tin tưởng sâu sắc vào sự thống nhất của thế giới vật chất. Năm 1842, ông đã ghi vào nhật ký: “Lực hấp dẫn chắc chắn thích hợp để chúng ta tìm sự liên hệ bằng thực nghiệm với lực điện - từ và các lực khác cũng như những gì cấu tạo nên từ chúng, tương tác với chúng và cho kết quả giống nhau”
Dù rằng vẫn chưa thành công trong việc khảo sát sự biến đổi qua lại giữa trường hấp dẫn và trường điện từ, ông vẫn khẳng định niềm tin ấy: “Kết quả thí nghiệm là phủ định. Điều đó không làm lay chuyển niềm tin mạnh mẽ của tôi về sự phụ thuộc giữa lực hấp dẫn và điện từ trường, ngay cả khi còn chưa chứng minh được bằng thực nghiệ,
Vật lý học ngày nay đáng thừa nhận rằng, Vũ Trụ “chứa đầy” vật chất, không có không gian trống rỗng, vật chất tồn tại dưới hai dạng cơ bản là các vật thể và trường, chúng có thể tương tác lẫn nhau theo lối tiếp cận từ gần đến xa, theo những cách thức đặc thù về mặt động lực học mà chúng thể hiện.
Thành tựu khoa học mà Farađây đạt được là thật lớn lao. Sau khi những công trình khoa học của ông được công bố, tên tuổi ông trở nên lừng lẫy khắp Châu Âu. Cả thế giới khâm phục tài năng của ông. Ông được nhiều trường đại học ở Châu Âu phong tặng học vị tiến sĩ danh dự, trở thành viện sĩ Viện hàn lâm khoa học Pháp, D(ức, Nga…
Tổng kết sự nghiệp nghiên cứu khoa học của Farađây, có lẽ không gì bằng nhận xét ngắn gọn sau đây của Xtôlêtôp, nhà vật lý học nổi tiếng người Nga: “Từ Galilê chưa xuất hiện và sẽ không sớm xuất hiện nhà bác học làm giàu cho khoa học bằng các phát minh toàn diện và kỳ diệu như Farađây”.
Mùa hè năm 1867, Farađây bị điếc và lãng trí. Ngày 25/9/1867, như thường lệ, ông ngồi trên chiếc ghế bành ở phòng làm việc trong ngôi biệt thự cổ mà Nữ hoàng Anh đã tặng ông, thiu thiu ngủ và rồi lần này, ông không bao giờ trở dậy nữa.
Mọi người an táng ông tại nghĩa trang ở Haiget, quê hương ông. Trên tấm bia mộ không có gì đặc biệt, chỉ khắc:
                           “Mixen Farađây
                           Sinh ngày 22-9-1791
                           Mất ngày 25-8-1867”
Sự thể hiện giản dị đó cũng chính là nguyện vọng cuối cùng của ông: “Là người bình thường, sau khi chết tôi muốn vẫn là người bình thường”.
Farađây thực sự là một thiên tài trên cương vị nhà nghiên cứu khoa học, đồng thời là một nhân cách lớn, đáng kính phục trên cương vị con người. Ông mãi là tấm gương chói lọi về đức tính tự lực cánh sinh, về ý chí phấn đấu vươn lên không mệt mỏi và về tinh thần làm việc hăng say, đầy trách nhiệm, không bị vẩn đục bởi sự thèm khát danh lợi thấp hèn.
Người lãnh sứ mạng “toán học hóa” những khám phá, những suy luận xác đáng rút ra từ những khám phá đó về hiện tượng tương tác, cảm ứng giữa điện và từ của Farađây, hệ thống hóa, nâng cao thành một lý thuyết tổng quát hoàn chỉnh, cũng là một thiên tài. Thiên tài đó có tên là Mắcxoen.
***
Nhìn ở góc độ mưu sinh và bước đường tích lũy kiến thức để đến với nghiên cứu khoa học, cuộc đời Mắcxoen “bằng phẳng” hơn, “thuận buồm xuôi gió” hơn cuộc đời Farađây.
Mắcxoen chào đời ngày 13-6-1831 (vào đúng năm mà Farađây làm chấn động thế giới khoa học bằng việc công bố công trình nghiên cứu tương tác điện từ của mình) tại Êđinbớc, thuộc Xcốtlen, trong một gia đình dòng dõi quí tộc. Ông lớn lên trong một trang trại nhỏ của cha mẹ. Đến tuổi đi học, thoạt đầu, Mắcxoen không có gì nổi bật so với bạn bè cùng lớp. Dù rất say sưa với môn toán và vật lý thì Mắcxoen cũng không có thể hiện gì đặc biệt. Chỉ vài năm sau, tài năng của ông mới phát triển một cách đột ngột. Năm 15 tuổi, Mắcxoen đã có luận văn “Phương pháp kẻ các đường cong bầu dục”, được đăng trong tạp chí khoa học của Hội Hoàng gia Êđinbớc. Năm 18 tuổi, ông viết tiếp luận văn thứ hai về “Sự cân bằng của các vật rắc đàn hồi”.
Ba năm đầu đại học, Mắcxoen học tại trường đại học Kembrit. Sau khi học xong chương trình đại học, Mắcxoen đã được trang bị đầy đủ kiến thức toán học, đáp ứng cho quá trình nghiên cứu khoa học sắp tới.
Trong những năm thực tập ở Kembrit, Mắcxoen thực hiện nhiều thí nghiệm quang học, nghiên cứu lý thuyết về màu sắc. Một lần, đọc được tác phẩm “Các nghiên cứu thực nghiệm về điện” của Farađây, Mắcxoen bị cuốn hút bởi nội dung của nó và lập tức say sưa nghiên cứu điện từ trường.
Năm 1855, tức là khi mới 24 tuổi, Mắcxoen cho công bố bản luận văn “Về các đường sức của Farađây”. Về bản luận văn này, chính Farađây đã khen ngợi: “Tôi vui mừng tới ngạc nhiên vì nhận thấy chủ đề đó đã được xử lý đẹp tới mức như thế!”.
Năm 1856, ông nhận được quyết định thuyên chuyển về trường đại học Abơden giảng dạy môn vật lý. Tại đây, ông đã nghiên cứu cấu trúc của vành đai sao Thổ và dựa trên những phân tích về động lực học, ông đã đi đến kết luận: vành đai sao Thổ là gồm những hạt nhỏ ở thể rắn hợp thành (ngày nay kết luận này vẫn được thừa nhận là hợp lý). Với công trình này, Mắcxoen đã được xếp vào đội ngũ các nhà vật lý lý thuyết có uy tín trong nước Anh.
Sau ba năm ở Abơđen, ông chuyển sang Luân Đôn làm giáo sư vật lý và thiên văn tại khoa vật lý Hội khoa học Hoàng gia Anh. Trong dịp này, Mắcxoen đã tới thăm Farađây. Có thể là duyên tiền định, hai người vừa gặp nhau lần đầu đã như thân thiết từ lâu. Dù Mắcxoen nhỏ hơn Farađây đến 40 tuổi nhưng họ đã chuyện trò rất sôi nổi và tâm đầu ý hợp về khoa học, đồng thuận nhau trên nhiều vấn đề trong quan niệm về thế giới vật chất. Trong buổi trò chuyện đó, Mắcxoen có đề nghị Farađây cho ý kiến đánh giá đối với bản luận văn “Về các đường sức dủa Farađây”. Suy nghĩ một lát, Farađây nói đại ý rằng, đó là một bản luận văn xuất sắc, nhưng khuyên Mắcxoen không nên dừng lại ở việc giải thích các quan điểm của ông mà nên dùng công cụ toán học đột phá nó. Và Mắcxoen đã vở lẽ ra tất cả.
Tháng 5-1860, Mắcxoen trình bày đề tài “Lý thuyết về ba màu cơ bản” và sau đó còn tiến hành thí nghiệm chứng thực. Buổi thuyết trình thành công mĩ mãn. Và nó cũng tạo cơ sở ban đầu cho kỹ thuật chụp ảnh màu và vô tuyến truyền hình màu sau này. Nhờ thành công đó, Mắcxoen được thưởng huy chương Rumfo của Hội khoa học Hoàng gia Anh.
Cũng trong năm 1860, Mắcxoen hoàn thành công trình “Thuyết minh thêm về thuyết động học chết khí”. Đây là một bước tiến mới trong sự phát triển thuyết động học chất khí của vật lý học. Trong công trình đó, Mắcxoen, trên cơ sở học Niutơn, đã khám phá ra qui luật phân bố theo vận tốc của chất khí và ông đã nêu ra thành định luật cùng với biểu diễn toán học của nó. Định luật này cũng là định luật đầu tiên của cơ học thống kê. Với công trình xuất sắc này, Mắcxoen được mặc nhiên thừa nhận là một trong những nhà khoa học lớn của thế giới đương thời.
Nói chung, các công trình nghiên cứu động học chất khí của Mắcxoen có ảnh hưởng mạnh đối với các nhà vật lý lúc đó, nhất là ở D(ức. Nhà vật lý danh tiếng Bônzman đã tổng quát hóa các kết quả của Mắcxoen và xây dựng nên cơ học thống kê (cổ điển), mà ngày nay chúng ta gọi là thống thể Mắcxoen – Bônzman…
Ghi nhớ lời khuyên chí tình của Farađây, bên cạnh những nghiên cứu về lĩnh vực động học chất khí đang có tính thời sư, Mắcxoen vẫn quan tâm sâu sắc tới điện từ học. Sau khi đã tương đối “rảnh tay”, ông lập tức chuyển sang tập trung nghiên cứu theo hướng tổng quát hóa các hiện tượng của điện học. Kết quả là vào năm 1862, Mắcxoen phát biểu luận văn: “Về đường sức vật lý”. Đây là sự phát triển sáng tạo đối với quan điểm của Farađây, là thành công nhảy vọt về chất so với bản luận văn đầu tiên về đường sức của Mắcxoen, được giới vật lý đánh giá là “một bản luận văn có tính thời đại”. Trên cơ sở đó, bằng tài năng toán học của mình, hai năm sau (tức năm 1864), Mắcxoen công bố bản luận văn “Lý thuyết động lực học của trường điện từ”, tổng kết một cách có hệ thống thành quả của Culông, của Ampe, của Farađây và của chính mình. Thuật ngữ “Trường điện từ” là do Mắcxoen đưa ra và khái niệm trường điện từ được định nghĩa: Trường điện từ là bộ phận của không gian chứa đựng và bao bọc các vật ở trạng thái điện hoặc trạng thái từ. Mắcxoen viết: “Lý thuyết mà tôi nêu ra có thể được gọi là lý thuyết trường điện từ, vì rằng nó nghiên cứu không gian bao quanh các vật điện và từ. Nó cũng có thể được gọi là lý thuyết điện động lực học, vì nó thừa nhận rằng trong không gian đó có vật chất đang chuyển động, nhờ đó mà diễn ra các hiện tượng điện từ có thể quan sát được”.
Sau 5 năm làm công tác giảng dạy và nghiên cứu khoa học ở khoa vật lý Hội khoa học Hoàng gia Anh, Mắcxoen xin từ chức khoa trưởng, trở về sống tại trang trại riêng của gia đình.
Năm 1871, Mắcxoen quay lại trường đại học Kembrít, làm giáo sư vật lý thực nghiệm đầu tiên của trường này cho đến khi qua đời. Tại đây, ông cũng trông coi việc xây dựng phòng thí nghiệm Cavendisơ và sự nỗ lực của ông đã làm cho nó trở thành phòng thí nghiệm hiện đại nhất thế giới bấy giờ.
Năm 1873, Mắcxoen công bố công trình mang tên: “Khái niệm về điện học và từ học”. Đây là tác phẩm quan trọng bậc nhất của đời ông. Trong tác phẩm này, toàn bộ các kết quả nghiên cứu về điện từ thu thập được từ nhiều thế kỷ đã được đưa vào hệ thống hoàn chỉnh của môn điện động lực học. Tác phẩm cũng trình bày tỉ mỉ hơn lý thuyết điện từ về ánh sáng.
Nhiều nhà khoa học  cho rằng có thể đặt tác phầm “Khái niệm về điện học và từ học” ngang hàng với tác phầm “Những nguyên lý toán học của triết học tự nhiên”.
Những năm tiếp theo, tâm tạng Mắcxoen có nhiều đau buồn vì nỗi người vợ thân yêu và cũng là trợ thủ đắc lực trong nghiên cứu khoa học của ông luôn bị những cơn bệnh triền miên hành hạ. Thế rồi đến lượt ông lâm bệnh, phải trở về trang trại vào mùa hè năm 1879, để chạy chữa và an dưỡng. Thật không may, bệnh tình ông bỗng trở nặng, không cứu vãn nổi. Mắcxoen mất ngày 5-10-1879, khi tài năng vẫn đang ở giai đoạn sung sức nhất. Tuy nhiên, ông đã kịp thực hiện sứ mạng mà số phần đã trao cho đời ông: hoàn thành cơ bản chương cuối cùng của vật lý cổ điển. “Tên tuổi của Mắcxoen mãi mãi lấp lánh trên cánh cửa lớn của thế giới vật lý cổ điển!”, Max Planck, nhà vật lý nổi tiếng người Đức, đã nói như vậy.
Lý thuyết trường điện từ của Mắcxoen khi mới xuất hiện đã không thể được kiểm chứng bởi vì trình độ thực nghiệm lúc bấy giờ chưa đủ khả năng. Hơn nữa, vì nó đưa ra một quan niệm hòa toàn mới, có tính cách mạng về tương tác lực và tồn tại vật chất, rất khó hình dung, trong khi quan niệm thế giới trên cơ sở cơ học Niutơn với những biểu hiện có vẻ dễ nắm bắt hơn, mang tính trực quan cao hơn nhiều (thực ra suy cho cùng thì cũng khó hình dung không kém!) đang thống trị trong vật lý học, nên bị nhiều người hoài nghi và không ít người phản đối. Năm 1879, đúng năm Mắcxoen mất, nhà vật lý người Đức tên là Hemhônxơ, đã đánh giá tình hình như sau: “Lĩnh vực điện động lực học đã biến thành một hoang mạc không có đường đi. Những sự kiện dựa trên quan sát và những hệ quả rút ra từ những lý thuyết rất đáng ngờ. Tất cả những cái đó hòa vào nhau một cách hỗn độn”.
Phải đợi đúng 15 năm sau, tức năm 1888, nhờ những thí nghiệm của Hecxơ (Heinrich Hertz, 1857-1894), nhà vật lý danh tiếng người Đức, cũng là người đã từng là học trò xuất sắc của Hembônxơ, lý thuyết trường điện từ của Mắcxoen mới được chứng thực.
Đối với riêng chúng ta, lịch sử hình thành cũng như nội dung của lý thuyết trường điện từ, ngoài cái ý nghĩa vật lý dễ thấy ra, còn mang một ý nghĩa triết học (khó thấy) rất sâu sắc. Chúng ta, những kẻ cho phép mình được tự nhận là “nhà triết học nghiệp dư chân chính” dù có vấn đề không nhỏ về thần kinh, nghĩ rằng lý thuyết trường điện từ của Mắcxoen y hệt như một cái mũ phớt vật lý, đồng thời cũng như một con trăn triết học, chứa đựng trong lòng nó nỗi ưu tư trăn trở lớn bằng con voi về Thực Tại Khách Quan! Bởi vậy, có lẽ chúng ta nên kể thêm về nó đôi điều nữa, dù câu chuyện về cuộc đời hoạt động khoa học của Mắcxoen mà chúng ta muốn kể đã kết thúc.
***
Có hai loại yếu tố làm nên tài năng, đó là yếu tố thiên bẩm và yếu tố khổ luyện. Hai yếu tố ấy có quan hệ mật thiết với nhau, là tiền đề tồn tại của nhau, chuyển hóa nhau, hợp nhất lại mà tạo thành tài năng. Có nhiều mức độ tài năng. Khi một tài năng khoa học được mọi người thừa nhận là vượt trội hẳn so với trình độ đương thời thì đó là tài năng của tài năng hay còn gọi là tài năng xuất chúng, tài năng kiệt xuất về khoa học và những tài năng xuất sắc nhất trong số những xuất chúng, kiệt xuất ấy của một thời đại chính là những thiên tài khoa học của thời đại đó. Nói chung, theo ý chúng ta, tiêu chí để xác nhận thiên tài khoa học là họ thấy được những điều mà những người cùng thời khác không thể thấy được, để từ đó mà nhận thức của họ mang những yếu tố mới mẻ, có tính đột phá, vượt tầm nhận thức chung đã trở thành cố hữu, bảo thủ, được coi là bất di bất dịch của thời đại. Vì thế mà sự nghiệp khoa học của thiên tài thường đóng vai trò khơi mào cho một cuộc cách mạng, một giai đoạn nghiên cứu khoa học có tính nhảy vọt, mở ra một thời kỳ phát triển khoa học mới trên cơ sở một trình độ nhận thức khoa học sâu sắc hơn, bao quát hơn và cũng xác đáng hơn. Công lao của thiên tài khoa học đối với loài người chính là ở chỗ ấy và nhờ thế mà họ trở nên vĩ đại. Nhưng dù có vĩ đại cỡ nào đi chăng nữa thì thiên tài cũng là con em của loài người, được loài người sinh ra, hun đúc và dạy dỗ. Cho nên loài người biết ơn thiên tài thì ngược lại, thiên tài cũng phải chịu ơn loài người. Nếu không có những thế hệ con người đi trước, đặt vấn đề để tiếp tục nhận thức thì những thế hệ con người đi sau sẽ chẳng có bất cứ kinh nghiệm, kiến thức nào ở quá khứ để mà thừa kế, do đó mà cũng không thể xuất hiện tài năng và càng không thể xuất hiện thiên tài. Cho dù Farađây có thiên bẩm khoa học thì nếu không rèn luyện bằng con đường tự học, làm sao ông có thể đến được với nghiên cứu khoa học, hơn nữa, nếu không có những cuốn sách đúc kết kiến thức của quá khứ và đương thời thì sự tự học của ông là không thể thực hiện được.
Muốn trở thành con người tài năng thì trước hết phải “học thuộc”, tiếp thu được kiến thức của quá khứ, nghĩa là phải rèn luyện, khổ luyện. Nhưng nếu không có một chút năng khiếu nào thì quá trình “học thuộc” ấy thật là khó khăn, thậm chí là “gãy gánh giữa đường” và không đi đến đâu cả. Chúng ta cho rằng đã là con người thì trừ khi chẳng may bị hoàn toàn điên dại, loạn trí, ai cũng ít nhiều có năng khiếu về mặt này, mặt khác, ở dạng tiềm ẩn hay bộc lộ và nhiều trường hợp đang tiềm ẩn thì đến giai đoạn nào đó của cuộc đời, do một nguyên nhân kích hoạt nào đó, bỗng đột ngột phát lộ, thăng hoa. Tùy vào mức độ của năng khiếu mà quá trình tiếp thu kiến thức cơ sở dễ dàng hơn hay khó khăn hơn và nếu năng khiếu là thiên bẩm thì quá trình ấy là có tính “gia tốc”, “học một biết mười”, làm cho thời gian của quá trình ấy được rút ngắn một cách “chóng vánh”, thậm chí là đến mức “đáng kinh ngạc”.
Vậy thì năng khiếu và thiên bẩm từ đâu mà có? Từ bẩm sinh mà có! Đúng, nhưng bẩm sinh từ đâu mà có? Tự nhiên có, thế thôi! Đúng… mà cũng sai! Nếu hiểu tự nhiên là từ trên trời rơi xuống (hiểu là từ Hư Vô) mà có thì là không đúng. Cần phải hiểu tự nhiên là nhờ sự hun đúc của quá khứ, có vẻ ngẫu nhiên nhưng thực ra là tất yếu mà có. Sự xuất hiện năng khiếu hay thiên bẩm không thể ngoài qui luật nhân - quả được. Còn qui luật nhân - quả chính là biểu hiện về khía cạnh tất yếu của quá trình chuyển biến vừa tất nhiên, vừa ngẫu nhiên từ khả năng đến hiện thực.
Theo chúng ta quan niệm thì có hai dạng bẩm sinh khoa học (ở đây chúng ta nhấn mạnh từ “khoa học” để tránh nói đến những loại bẩm sinh khác như: bẩm sinh trộm cắp, bẩm sinh lừa đảo, bẩm sinh kể chuyện tiếu lâm, bẩm sinh khoác lác, bẩm sinh gây hấn…), đó là năng khiếu khoa học và thiên bẩm khoa học. Một cách tương đối thì có thể cho rằng, năng khiếu được hình thành chủ yếu theo con đường huyết thống, truyền thống, là sự kế thừa có tính dòng dõi, là sự di truyền tuân theo qui luật trội - lặn, và cũng có khi là sự kết tinh của những ước mơ chưa đạt được từ đời cha, đời ông và thậm chí là những đời trước nữa. Vì sự xuất hiện năng khiếu không phải là hiện tượng ưu tiên nên nếu có “hậu sinh khả úy”, “con hơn cha là nhà có phúc” thì cũng có “con dại cái mang”, “cha làm thầy, con đốt sách”. Thế còn thiên bẩm được hình thành từ đâu? Có thể tiên đoán rằng, thiên bẩm hình thành từ cái tạm gọi là “sự tương tác theo phương thức cảm ứng của các trường điện sinh học thần kinh”. Sự hình thành này là có tính “đương thời” và chủ yếu là “ngoại lai” (không có tính dòng dõi, huyết thống). Chúng ta cho rằng, mọi hệ thần kinh trung ương, khi hoạt động, đều phát ra một trường điện sinh học biến đổi. Đối với con người, mức độ hoạt động của bộ não vì luôn phải tư duy trừu tượng một cách tích cực nên rất “náo nhiệt”. Do đó mà trường điện sinh học thần kinh phát ra từ não người được cho là rất nhanh và nói riêng trường điện sinh học thần kinh của những bộ não đang nghiên cứu khoa học là thuộc hàng mạnh nhất. Nói chung thì những trường điện sinh học thần kinh hoạt động biến đổi theo thời gian ấy đều tương tác nhau theo phương thức cảm ứng. Sự tương tác ấy có thể theo chiều đồng thuận để chồng chập nhau, kích hoạt nhau, giao thoa nhau, thậm chí là tạo ra những điểm, miền cộng hưởng đến mức độ nào đó trong không gian, và cũng có thể là trái nghịch nhau, bài trừ nhau, triệt tiêu nhau ở đâu đó. Biết đâu chừng, sự tương tác này là một trong những tác nhân làm xảy ra hiện tượng: hai nhà nghiên cứu khoa học không hề biết nhau, ở xa nhau, nhưng hầu như trong cùng một thời điểm, đưa ra hai lý thuyết khoa học tương tự nhau, thậm chí là hoàn toàn giống nhau về bản chất.
Tất cả các trường điện sinh học thần kinh phát ra từ những bộ não đơn lẻ, có mức độ hoạt động tư duy khoa học mạnh mẽ ấy vừa chồng chập nhau vừa tương tác nhau, làm hình thành một trường điện sinh học thần kinh tổng hợp, tích cực tác động trở lại bằng phương thức cảm ứng đến hoạt động của từng bộ não. Do đặc tính biểu hiện nước đôi của Tồn Tại và sự tồn tại khách quan (không thể loại trừ được) của yếu tố chủ quan, của tính chất luôn bị hạn chế, bị khống chế một cách tự nhiên trong quan sát và tư duy, cho nên con đường đi nhận thức Tự Nhiên của loài người tất yếu phải quanh co, khúc khuỷu, phải “trở đi trở lại”, phải “lội suối băng đèo” từ thấp lên cao dần. Lịch sử nghiên cứu khoa học của loài người đã là một quá trình khó khăn gian khổ như thế và vì thế mà cũng trở nên hào hùng.
Khi nghiên cứu khoa học của loài người vấp phải một vấn đề nan giải nào đó, bị chướng ngại chặn lại ở một khâu nào đó, ở một lĩnh vực nào đó gây cản trở, gây ách tắc, làm cho sự phát triển của nhận thức khoa học bị trì trệ nghiêm trọng, thậm chí là bị chững lại, thì lúc đó sẽ xuất hiện những nỗ lực khoa học nhằm tập trung giải quyết những “sự cố” đó. Sự tập trung nhiều nhà khoa học nỗ lực nghiên cứu giải quyết một vấn đề hết sức nan giải nào đó, thuộc lĩnh vực nào đó sẽ làm cho trường cảm ứng điện sinh học thần kinh “ở đó” trở nên đặc biệt mạnh, nổi trội và có tính đặc thù, ẩn chứa những yếu tố thông tin (những tiền thông tin) trong sự hoạt động của trường ấy.
Một vấn đề khoa học được gọi là vô cùng nan giải là vấn đề chứa đựng trong lòng nó tính cách mạng về nhận thức, nghĩa là muốn giải quyết được nó thì phải phá vỡ sự bảo thủ về quan niệm Tự Nhiên của đương thời để vượt lên trên quan niệm đó và khi đã giải quyết được vấn đề đó thì đồng thời cũng xảy ra sự nhảy vọt của nhận thức từ trình độ cũ, đã chật hẹp và nông cạn lên trình độ mới cao hơn, sâu sắc hơn, rộng mở hơn và xác đáng hơn. thường thì không thể giải quyết một vấn đề vô cùng nan giải trong một sớm một chiều, trong mọt thế hệ các nhà khoa học mà phải trải qua một thời gian dài nhất định, gồm vài, thậm chí là nhiều thế hệ các nhà khoa học.
Dù chưa thể giải quyết được vấn đề vô cùng nan giải thì những tài năng khoa học đi trước đã “gửi gắm” vào trường điện sinh học thần kinh của họ những suy tư khoa học mãnh liệt về vấn đề đó cũng như sự khát vọng chinh phục nó đến cháy bỏng, dưới dạng những yếu tố thông tin để từ đó, thông qua tương tác cảm ứng điện sinh học, truyền thụ đến những bộ não đang ở giai đoạn phôi thai (hoặc cũng có thể là đang trong giai đoạn hoàn thiện về cấu trúc), đã được chính bộ phận trường điện sinh học thần kinh đang hoạt động nổi trội ấy cảm biến, sao cho tương thích, hòa hợp về nhịp điệu. Những bộ não đã được cảm biến và được truyền thụ những tiền thông tin ấy chính là những mầm mống tài năng khoa học ở thế hệ thứ hai, chờ được dạy dỗ để đứng ra gánh vác, tiếp tục giải quyết vấn đề vô cùng nan giải. Nếu nỗ lực của thế hệ tài năng khoa học này vẫn chưa giải quyết được vấn đề tạm gọi là nhỏ, phụ, có liên quan đến việc giải quyết vấn đề chính và lại truyền thụ những suy tư, trăn trở, bức xúc và nỗi niềm của họ cho thế hệ tiếp theo sau dưới dạng những tiền thông tin. Quá trình cứ thế tiếp diễn và cứ qua mỗi thế hệ thì công cuộc giải  quyết vấn đề vô cùng nan giải lại nhích uược thêm một bước. Thế rồi sẽ đến một thời đoạn được gọi là chín muồi, những yếu tố cần thiết nhất đã được chuẩn bị đầy đủ cho khả năng giải quyết dứt điểm vấn đề vô cùng nan giải. Bước vào thời đoạn này, nhiều bộ não được cho là phù hợp, trong quá trình hình thành của nó, được truyền thụ những tiền thông tin về những thành tựu và tinh thần khoa học của quá khứ nhờ cảm ứng điện sinh học thần kinh để trở thành có thiên bẩm ở mức độ cao thấp hay ít nhiều khác nhau. Trong đó có một vài bộ não thiên bẩm nhất hoặc có điều kiện phát triển tốt nhất, trong điều kiện hoàn cảnh xã hội thuận lợi nhất (hay may mắn nhất) được trao cho sứ mạng đi tiên phong, giải quyết khâu then chốt nhất hoặc trọn vẹn vấn đề vô cùng nan giải của các thế hệ đi trước gửi gắm lại: Bộ não ấy, sau khi hoàn thành nhiệm vụ sẽ được vinh danh là thiên tài khoa học.
Nói tóm lại, tài năng được hình thành nên từ sự kết hợp của ba yếu tố: năng khiếu, thiên bẩm và sự học tập. Nếu thiếu năng khiếu thì khó có thiên bẩm và do đó, vô cùng khó khăn trong việc lĩnh hội kiến thức khoa học. Nếu không học tập thì tài năng vẫn ở tình trạng tiềm ẩn, không thể hiện ra được. Còn nếu thiếu thiên bẩm, thì tài năng khó lòng trở nên xuất chúng, kiệt xuất được. Trong ba yếu tố làm nên tài năng thì thiên bẩm là yếu tố quyết định nâng tài năng đạt đến thiên tài. Nếu năng khiếu thường có tính ổn định, bền vững thì thiên bẩm lại thường có tính “bạo phát, bạo tàn”. Cũng thường thấy thiên bẩm ở một con người có ngay từ lúc còn trong bụng mẹ, lúc vừa mới chào đời, hay trong những năm tháng ấu thơ, nhưng cũng có trường hợp xuất hiện thiên bẩm tại thời điểm nào đó trong suốt quãng đời về sau và dù rất hiếm thì cũng có thể xuất hiện khi đã về già. Có hiện tượng đó là vì khó khăn hơn rất nhiều trong việc tạo ra thiên bẩm đối với một bộ não đã “chững chạc”, định kiến đã trở nên bảo thủ, tư duy đã quen với một lập trường “cứng ngắc”, khó lòng bị biến đổi do phải chịu sự khống chế của cái gọi là “sức ỳ tâm lý” (cũng có thể gọi là “quán tính” của hoạt động tư duy). Nói chung, sự xuất hiện thiên bẩm ở những bộ não tương đối “già” thường chỉ có thể xảy ra sau một sự cố “đau thương” nào đó đại biểu như: bị sét đánh, bị chấn thương do va đập, té ngã, bị thôi miên sâu…
Như đã nói, bộ não có thiên bẩm khoa học là bộ não đã được cải tiến, được truyền thụ những yếu tố tiền thông tin về nhận thức khoa học tổng hợp cũng như những ưu tư, ước nguyện được hiểu biết của những nhà nghiên cứu khoa học ưu tú đương thời của nhân loại, qua con đường cảm ứng điện sinh học thần kinh. Chính vì vậy, những bộ não có thiên bẩm khoa học và trở thành thiên tài thường bộ lộ rất sớm, niềm say mê khoa học hơn người, sự linh cảm tuyệt vời, khả năng phân tích - tổng hợp cao độ và sức sáng tạo phi thường trong nghiên cứu khoa học. Xét về mặt tính chất thì câu nói xúc tích của Laplaxơ là rất xác đáng: “Thiên tài là sự nhạy cảm”. Còn nếu xét về mặt nguyên nhân tạo thành thì chúng ta có thể nói: thiên tài là kết quả hợp thành của sự tụ hội thiên thời - địa lợi - nhân hòa. Trong đó “nhân hòa” đóng vai trò quyết định tối thượng bởi vì không có “nhân hòa” thì “thiên thời” và “địa lợi” không thể có.
Chúng ta tin tưởng sâu sắc rằng con người đang sống trong môi trường thực sự tồn tại một trường cảm ứng điện sinh học nói chung và điện sinh học thần kinh nói riêng do chính loài người sản sinh ra. Mỗi con người đều góp phần tạo nên, gây ảnh hưởng đến trường ấy và đều bị trường ấy chi phối theo phương thức tạm gọi là “cảm ứng tương tác điện - từ sinh học”. Rồi đây, chắc là phải xuất hiện một lĩnh vực nghiên cứu kết hợp giữa vật lý học và sinh học để giải quyết vấn đề đó. Nếu đó là vấn đề được đặt ra thực sự nghiêm túc và là vấn đề vô cùng nan giải thì trước sau gì cũng phải có một lý thuyết giải quyết được nó, chỉ ra rõ ràng về sự tồn tại của trường cảm ứng điện sinh học, cả về mặt định tính, cũng như mặt định lượng. Tác giả của lý thuyết này ắt hẳn phải là một thiên tài. Lý thuyết này sẽ đóng vai trò nền móng cho một lĩnh vực nghiên cứu khoa học mới; tạm gọi là “vật lý tâm linh” hay “tâm linh học”. Lúc đó, dựa vào “tâm linh học”, loài người sẽ giải thích được “rõ ràng và sáng sủa” một cách xác đáng mọi hiện tượng mà ngày nay gọi là “siêu nhiên” như: hồn ma, thần giao cách cảm, cầu cơ, giao lưu với người đã khuất, định mệnh, tiên tri… và thậm chí là cả về hiện tượng UFO (Vật thể bay không xác định được). Ông cha ta thường bảo: thời thế tạo anh hùng và đồng thời anh hùng cũng tạo nên thời thế. Nhận định đó rõ ràng là có cơ sở khoa học. Nếu vế sau của nhận định dễ lý giải hơn vì có vẻ “trực quan” hơn thì vế trước của nó khó lý giải hơn nhiều. Nhưng muốn lý giải thật đầy đủ, thật xác đáng thì chúng ta cho rằng phải chờ đến khi “Tâm linh học” (theo quan niệm của chúng ta) xuất hiện.
Để khỏi phải hồi hộp trong sự chờ đợi được chứng kiến (rõ ràng là vô vọng!) cái công trình nói trên của một hay nhiều thiên tài nào đó được công bố, chúng ta tiếp tục câu chuyện của mình.
Farađây là một thiên tài khoa học nhờ nỗ lực phấn đấu, rèn luyện không mệt mỏi. Nếu có thể nói như thế thì cũng có thể nói tương đối rằng, cũng như Niutơn, Mắcxoen là nhà khoa học thiên tài nhờ thiên bẩm nổi trội, và thiên tài đó cũng phát lộ rất sớm, theo cách mà người ta thường gọi là “thần đồng”.
Hầu hết thiên tài cũng là những con người khiêm tốn. Mắcxoen cũng vậy. Nhờ có một tư duy tổng hợp sắc sảo và một sự nhạy bén khoa học bẩm sinh đến độ linh cảm mà ngay từ những buổi đầu trong sự nghiệp nghiên cứu khoa học ngắn ngủi nhưng phi phàm của mình, ông không những đoán nhận được ý nghĩa vô cùng quan trọng và rất lớn lao của tác phẩm “Các nghiên cứu thực nghiệm về điện” đối với điện học, mà còn tiếp thụ được, đồng cảm được những quan niệm và toàn bộ tư tưởng mới lạ, táo bạo, có tính vượt trước thời đại trong nhận thức về Tự Nhiên Tồn Tại của Farađây. Lý thuyết trường điện từ của Mắcxoen là bước phát triển tiếp theo của điện học, trên cơ sở những thành tựu mà Farađây đã đạt được bằng con đường thực nghiệm. Tuy nhiên, đó không phải là bước phát triển đơn thuần chỉ như là thực hiện toán học hóa các công trình của Farađây. Phải thấy rằng tác phẩm “Khái luận về điện học và từ học” của Mắcxoen là một công trình đồ sộ, có tính hệ thống hóa cao độ, là bước nhảy vọt về lý thuyết điện học, thống nhất một cách cơ bản điện học về một mối, làm cho điện học chính thức trở thành một lĩnh vực nghiên cứu (tương đối) độc lập của vật lý học. Không những thế, tác phẩm đó còn đóng vai trò như một mốc son trong sự phát triển nhận thức khoa học của nhân loại, và hơn nữa, là một trong những tiền đề đưa nghiên cứu vật lý học nói riêng và khoa học nói chung đến một thời đại mới với một trình độ tư duy và nhận thức khoa học cao hơn, toàn diện hơn, xác đáng hơn về Tự Nhiên. Dù có một thành quả sáng tạo phi thường như thế nhưng bao giờ Mắcxoen cũng dành cho Farađây sự tôn trọng đặc biệt. Ông luôn tự nhận chỉ là người diễn đạt những khám phá khoa học, những quan niệm của Farađây bằng ngôn ngữ toán học, là người đóng vai trò luật sư biện hộ cho những tư tưởng của Farađây. Trong thực tế, do không có điều kiện học chính qui nên trình độ toán học của Farađây đã có những hạn chế nhất định. Trái với quan niệm chung cho rằng Farađây là người kém toán, Mắcxoen bênh vực: “Với sự Triển khai và chuyển hóa của ý niệm lực tuyến nhằm đưa các hiện tượng cảm ứng điện từ ăn khớp với nhau, ông (tức Farađây) đã cho thấy mình là nhà toán học tầm cỡ”.
Trước khi có khám phá và phát kiến của Farađây và Mắcxoen, tương tự như hình học Ơclít một thời đối với các nhà toán học, cơ học Niutơn đối với các nhà vật lý học đã là một lý thuyết tổng quát, chắc nịch về mặt lôgic, xác đáng đến độ hiển nhiên, không còn bàn cãi và trở thành chân lý bất di bất dịch, một kim chỉ nam cho hoạt động nghiên cứu vật lý học trên mọi lĩnh vực như: Nhiệt học, điện học… Nếu cho rằng mắc mứu duy nhất và hoàn toàn không gây ảnh hưởng gì đến việc ứng dụng của hình học Ơclít là sự không thể thẩm tra được sự thể ở cõi vô tận đối với hai đường song song (định đề 5), thì mắc mứu duy nhất và cũng hoàn toàn không ảnh hưởng gì trong ứng dụng thực tiễn của Cơ học Niutơn là ở chỗ không thể thẩm tra được không gian có hoàn toàn trống rỗng hay không. Dù định luật vạn vật hấp dẫn đã được thực nghiệm xác nhận là đúng đắn và gợi ý đến một không gian thực sự trống rỗng thì cũng khó mà mường tượng được bằng cách nào mà hai vật có thể hút nhau một cách tương hỗ được khi giữa chúng là một khoảng Hư Vô (hư vô tuyệt đối) đáng kể, thậm chí là đến mức “khổng lồ” ngăn cách. Bản thân Niutơn đã từng bộc bạch: “Trí óc ta không thể hiểu được vật thô thiển, vô sinh lại có thể có tác dụng, ảnh hưởng đến các vật khác mà không cần có sự tiếp xúc với nhau. Dù sao thì cũng phải thừa nhận rằng, một vật có thể tác động đến các vật khác từ một khoảng cách rất xa trong chân không, không qua môi trường chuyển tiếp lực”.
Ngay từ thời cổ đại đại đã xuất hiện hai quan niệm về Vũ Trụ, Một quan niệm cho rằng Vũ Trụ gồm vạn vật và khoảng không gian trống rỗng, còn quan niệm kia cho rằng Vũ Trụ lấp đầy vật chất, vạn vật trôi nổi trong một môi trường chất được đặt tên là “ête”. Nhà duy lý Đềcác tin vào quan niệm Vũ Trụ lấp đầy vật chất. Nhà thực nghiệm Niutơn làm cho quan niệm ngoài vạn vật là không gian trống rỗng ngự trị trong tư tưởng của đa số nhà vật lý suốt thời gian ngót nghét một thế kỷ.
Rút ra từ kết quả thực nghiệm, Farađây đã khẳng định sự tồn tại của các đường sức và đến với ý niệm trường, báo hiệu quan niệm về một Vũ Trụ lấp đầy vật chất quay lại vũ đài đấu tranh tư tưởng trong nhận thức khoa học. Thiên tài Mắcxoen xuất hiện đúng thời điểm này, lãnh sứ mạng làm sáng tỏ vấn đề vô cùng nan giải đã được nêu ra từ ngàn xưa và trở nên đang bức xúc ấy.
Khi đọc các công trình nghiên cứu về điện và từ của Farađây, Mắcxoen đã lập tức linh cảm được sự đúng đắn của ý niệm thực sự tồn tại một trường lực do cảm ứng điện từ tạo ra. Tuy nhiên sự tồn tại một trường chỉ có thể biểu diễn được bằng các đường sức, ngoài ra không còn gì xác định cả là cực kỳ khó hình dung, nếu không muốn nói là không thể tưởng tượng được. Để dung hòa mâu thuẫn, Mắcxoen cho rằng phải thừa nhận sự tồn tại của trường, dù trường là một cái gì đó không rõ ràng, không cảm giác trực tiếp được, bởi vì khái niệm trường vượt “quá xa những nhận thức thông thường của chúng ta”.
Một trường có vẻ phi vật chất, thuần túy toán học như thế đã rất khó hình dung, cho nên sự tồn tại của trường trong một không gian hoàn toàn trống rỗng lại càng không thể hình dung được. Vì thế trong giai đoạn đầu của quá trình xây dựng lý thuyết trường điện từ, Mắcxoen đã đặt vấn đề: “Nếu có một cái gì đó được truyền từ hạt này tới hạt khác trong một khoảng cách xa, thì khi đã rời khỏi một hạt và chưa đi tới hạt khác, nó sẽ ở trạng thái nào?”. Ông cho rằng câu trả lời duy nhất hợp lý là phải giả thuyết về một môi trường có tính vật chất đóng vai trò trung gian truyền tác động từ hạt này đến hạt khác. Theo ông thì môi trường đó cũng chính là “cái chứa đựng” trường, là “vật” mang trường và ông gọi nó với cái tên đã phổ biến trong giới khoa học là “ête”.
Xuất phát từ sự giả định về môi trường ête, Mắcxoen bắt đầu đi xây dựng các phương trình toán học biểu diễn mối quan hệ tương tác lẫn nhau và chuyển hóa qua lại nhau giữa điện và từ bằng việc thiết lập các mô hình cơ học và suy tư trên những mô hình đó để rút ra những nhận xét, kết luận cần thiết. Chúng ta có cảm nghĩ rằng đó là con đường không hẳn là do Mắcxoen tự ý lựa chọn mà đơn giản là ông đã sáng suốt thấy được con đường ấy và biết chỉ có đi trên con đường ấy thì mới có khả năng đạt được chân lý vì nó là duy nhất. Kể ra thì cũng thật lạ lùng và lạ lùng hơn nữa là khởi sự từ quan niệm về sự tồn tại một môi trường liên tục có tính cơ học thông thường gọi là ête và từ những thao tác trên các mô hình được thiết lập theo quan điểm của cơ học, Mắcxoen đã đến được với lý thuyết trường, một lý thuyết mang quan điềm đối lập với quan điểm của cơ học Niutơn. Khi các phương trình về điện từ của Mắcxoen được xây dựng xong thì chúng trở thành một hệ thống phương trình độc lập, không còn “dính dáng” gì đến các mô hình cơ học nữa và ứng dụng hệ thốngbđó không chịu bất kỳ chi phối nào từ môi trường đã giả định, nghĩa là có ête hay không có ête cũng chẳng mảy may ảnh hưởng tới sự hoạt động của hệ thống. Trong tác phẩm bất hủ “Khái luận về điện học và từ học” của mình, Mắcxoen hoàn toàn không đề cập đến các mô hình cơ học nữa mà chỉ nói đến trường lực và coi trường lực như một thực tại vật lý độc lập, một dạng đặc biệt của tồn tại.
Dù Mắcxoen đã đi đến khẳng định về sự có thật của trường điện từ thì có lẽ ông cũng vẫn còn bối rối trước sự biểu hiện hai mặt lạ lùng của tự nhiên trong các hiện tượng điện từ. Chúng ta cảm nhận được điều đó khi đọc những dòng sau đây của ông: “Khi nghiên cứu điện học, chíng ta đã sử dụng các công thức trong đó, khoảng cách điện tích và cường độ dòng chạy trong các vật được làm số liệu đặc trưng. Nhưng chúng ta cũng có thể làm việc với các định luật trong đó có các đại lượng khác, phân bố liên tục trong không gian”. Phải chăng, chính cái quá trình nghiên cứu bắt đầu từ những khảo sát các mô hình cơ học dẫn đến hình thành lý thuyết trường điện từ đã làm nảy sinh ra bối rối ấy? Có người cho rằng nhận xét trên của Mắcxoen chứng tỏ ông đã nhận thức được đầy đủ sự mâu thuẫn không thể dung hòa được giữa quan niệm không gian trống rỗng và quan niệm không gian lấp đầy ête. Chúng ta có ý kiến khác, trái lại: Vì không thể từ bỏ được quan niệm ête nên Mắcxoen đã ngạc nhiên và băn khoăn khi lý thuyết mà ông xây dựng chỉ ra rằng, trường điện từ tồn tại và vận động không cần đến một "vật mang" nào cả. Đây cũng chính là mắc mứu cốt tử của lý thuyết trường điện từ do Mắcxoen đề xướng. Sau này, Hécxơ có nói: “Lý thuyết của Mắcxoen chính là những phương trình Mắcxoen. Chỉ cần nghiên cứu chúng và vận dụng chúng, không cần quan tâm đến những lập luận ban đầu dùng để xây dựng chúng”. Gớt, đại văn hào Đức, người cũng rất quan tâm tới những nghiên cứu và khám phá khoa học, nói văn vẻ hơn: “Các giả thuyết giống như bộ giàn dáo khi tòn nhà được xây dung. Bộ giàn dáo là cần thiết cho người thợ như anh ta không được lầm tưởng đó là tòa nhà”.
Sau Mắcxoen, điện động lực học cổ điển phát triển theo nhiều hướng mà chung qui lại là gồm hai hướng cơ bản: hoàn chỉnh mặt biểu diễn toán học của thuyết Mắcxoen và thống nhất lý thuyết trường với lý thuyết cấu tạo vật chất.
Ngay trong khoảng thời gian nửa đầu thế kỷ XIX, nhiều nhà khoa học như Becxêliut, Farađây, Hemhônxơ… đã đi đến ý nghĩ rằng các nguyên tử vật chất đều mang điện tích và tồn tại những lượng điện tích nhỏ nhất, không thể phân chia được nữa, đóng vai trò làm đơn vị điện tích nguyên tố. Năm 1881, trong một bản báo cáo được công bố về việc lựa chọn các đơn vị vật lý cơ bản, Xtônây đề nghị một hệ đơn vị “tự nhiên”, với ba yếu tố: vận tốc ánh sáng, hằng số hấp dẫn và điện tích nguyên tố. Ông gọi “vật mang” điện tích nguyên tố là “êlectrôn” (điện tử), là lúc đó chưa phát hiện được nó bằng thực nghiệm.
Như đã kể, Hécxơ là người đã xây dựng cơ số thực nghiệm vững chắc cho lý thuyết trường điện từ của Mắcxoen, đã tạo ra sóng điện từ như Mắcxoen tiên đoán, bổ sung thêm cho lý thuyết đóthuyết bức xạ điện từ và đồng thời cũng chứng minh được sóng ánh sáng đồng nhất với sóng điện từ và là bộ phận của sóng điện từ. Hécxơ đã rút từ các phương trình của Mắcxoen ra những phương trình ứng với không gian trống rỗng, không có môi trường vật chất, không có điện tích và dòng điện, viết lại chúng dưới dạng gần giống với ngày nay đối với sự truyền sóng điện từ trong chân không. Hơn nữa ông còn đi theo một con đường khác, không cần dùng mô hình của Mắcxoen, không nêu trước giả thuyết về “dòng điện dịch” mà chỉ xuất phát từ những dữ kiện đã biết để rồi cũng đi đến các phương trình của Mắcxoen.
Những năm 1884 – 1885, Pôinting và Hêvixai nghiên cứu vấn đề về sự chuyển động của năng lượng điện từ và đề ra véctơ mật độ dòng năng lượng của điện từ trường (được đặt tên là véctơ Umốp – Pôinting).
Cuối thế kỷ XIX thì xuất hiện khái niệm xung lượng trường điện từ và khái niệm mômen xung lượng trường điện từ.
Lorenxơ (Lorentz, 1853 – 1928) cho rằng cần bổ sung thêm cho lý thuyết Mắcxoen và trong đó chưa xét đến cấu trúc của vật chất. Theo ông quan niệm, Vũ Trụ gồm có ête là môi trường không có khối lượng và các vật thể vật chất có khối lượng các vật thể được cấu thành từ rất nhiều các hạt mang điện tích dương hoặc âm. Tương tác giữa ête và các vật thể làm các hạt tích điện dịch chuyển và sự dịch chuyển đó làm phát sinh ra các hiện tượng điện. Lorenxơ đi đến giả định là khi có sóng điện từ truyền tới, các phần tử vật chất gồm những điện tích nguyên tố có thể bị phân cực và thực hiện chuyển động dao động trong những năm 90 của thế kỷ XIX, xuất phát từ giả định đó và dựa trên thuyết Mắcxoen, Lorenxơ công bố công trình nghiên cứu các hiện tượng điện từ và quang của mình. Sau khi vật lý học, qua thực nghiệm, phát hiện được sự tồn tại của êlectrôn, thì lý thuyết này của ông cũng được đặt tên là thuyết êlectrôn.
Có thể coi thuyết êlectrôn là bộ phận hợp thành cuối cùng của thuyết trường điện từ cổ điển mà nòng cốt là lý thuyết của Mắcxoen. Nó là dòng kết có hậu của “tập” vật lý học cổ điển trong “toàn tập” kiệt tác có tựa đề “vật lý học” mà tác giả của nó là loài người, đến tận ngày nay vẫn đang hý hoáy viết, chưa chịu dừng bút.
Vật lý cổ điển đã có nội dung phong phú hơn rất nhiều so với “tiền vật lý”. Được như vậy là nhờ vào hai “bảo bối” vô cùng quí giá, có “giá trị sử dụng” đến muôn đời. Hai “bảo bối” ấy chính là cơ học Niutơn và thuyết trường điện từ Mắcxoen. Chúng ta đã trình bày nội dung cơ bản của thuyết cơ học Niutơn. Để cho công bằng và cũng vì mục đích riêng tư, sau đây chúng ta cũng trình bày nội dung cơ bản nhất của thuyết trường điện từ nội dung cơ bản nhất của thuyết trường điện từ Mắcxoen (theo ngôn ngữ vật lý hiện đại):
Từ thực tế thí nghiệm, Mắcxoen rút ra kết luận rằng, điện trường gây nên dòng điện cảm ứng chỉ có thể là do biến đổi của từ trường gây ra. Hơn nữa điện trường này không phải là điện trường tĩnh vì trường điện tĩnh bao giờ cũng có hệ đường sức hở nên không thể làm dịch chuyển bất cứ hạt điện tích nào theo một đường cong kín để hình thành nên một dòng điện cảm ứng. Vật điện trường này phải có hệ đường sức khép kín để sao cho công dịch chuyển hạt điện theo đường cong kín khác 0, nghĩa là phải có:
              
Với :        q là điện tích
               E là cường độ điện trường
               L là quãng đường cong kín
Điện trường có đường sức khép kín được gọi là điện trường xoáy.
Từ đó, Mắcxoen đưa ra luận điểm thứ nhất: Mọi từ trường biến đổi theo thời gian đều làm xuất hiện một điện trường xoáy. Biểu diễn toán học cho luận điểm này là phương trình Mắcxoen – Farađây. Viết dưới dạng tích phân là:
              
Với :        B là độ từ thẩm
               S là diện tích có từ thông đi qua đang xét (thiết diện của vòng dây)
               t là thời gian
Viết dưới dạng vi phân là:
              
Đến đây, linh cảm đã giúp Mắcxoen có một ý tưởng đột phá: để đảm bảo tính đối xứng trong mối quan hệ chuyển hóa giữa điện trường và từ trường, cần phải xảy ra quá trình ngược lại. Từ suy nghĩ đó Mắcxoen đưa ra luận điểm thứ hai: Mọi điện trường biến đổi theo thời gian đều phải làm xuất hiện một từ trường.
Để có thể xây dựng biểu diễn toán học cho luận điểm thứ hai, Mắcxoen đã đưa ra giả định nổi tiếng, đó là giả định về sự sự tồn tại của cái gọi là “dòng điện dịch”. Ông suy luận rằng, dòng điện dẫn (tức dòng các hạt điện chuyển động có hướng) bao giờ cũng sinh ra từ tường và nếu điện trường biến đổi sinh ra từ trường thì nó phải có tác dụng giống như một dòng điện. Dòng điện giả định này được Mắcxoen gọi là dòng điện dịch. Chúng ta có thể định nghĩa: Dòng điện dịch là dòng điện tương đương với điện trường biến đổi theo thời gian về phương diện sinh ra từ trường.
Với giả thuyết về dòng điện dịch, Mắcxoen đã thiết lập được biểu diễn toán học cho luận điểm thứ hai của ông mà ngày nay gọi là phương trình Mắcxoen – Ampe. Viết dưới dạng tích phân là:
              
Với :        H là cường độ từ trường
               Jtp là mật độ dòng điện toàn phần
               J là mật độ dòng điện dẫn
                là mật độ dòng điện
               D là độ cảm ứng điện
Còn viết dưới dạng vi phân là:
              
Xuất phát từ hai luận điểm của Mắcxoen (đã được Henxơ chứng thực) nói trên, vật lý học ngày nay quan niệm rằng, điện trường và từ trường tồn tại độc lập chỉ là tương đối. Chúng chính là hai trường hợp biểu hiện đặc biệt của trường điện từ có tính phổ biến. Sự cũng đồng thời tồn tại và tương tác nhau của điện trường và từ trường trong không gian tạo nên trường điện từ.
Trong lý thuyết êlectrôn có đề cập đến một hiện tượng tương tự khá kỳ lạ, có thể có ý nghĩa sâu sắc đối với suy tư triết học, đồng thời cũng gợi nhớ lại tình cảm của Farađây về sự phụ thuộc lẫn nhau giữa lực hấp dẫn và điện từ trường, nghĩa là có mối liên hệ qua lại nào đó giữa cơ học Niutơn và điện học, tạo nên bức tranh một Vũ Trụ thống nhất vật chất.
Như đã biết, sự truyền sáng theo nguyên lý thời gian tối thiểu được biểu diễn cụ thể bằng ba định luật: truyền thẳng, phãn xạ và khúc xạ. Biểu diễn toán học của nguyên lý thời gian tối thiểu (cực tiểu) là:
                (cực tiểu)
Vì :          , với t là thời gian, s là quãng đường từ A đến B, v là vận tốc truyền sáng trong môi trường có chiết xuất n.
Và :         , với c là vận tốc truyền sáng trong chân không,
Nên có thể viết:              
Trong cơ học cũng có nguyên lý gọi là “tác dụng tối thiểu”: một hạt chuyển động trong trường thế theo một quĩ đạo xác định sao cho phải thỏa mãn:
              
Với :         là động năng của hạt trong “khoảng” thời gian dt
Vì :           và chỉ có v biến đổi theo dt hoặc ds nên có thể viết lại biểu diễn toán học cho nguyên lý tác dụng tối thiểu là:
              
Nếu là một hạt điện tích chuyển động trong trường điện tịnh thì chúng ta phải viết được biểu diễn:
              
với q là điện tích nguyên tố và là hiệu điện thế của trường điện tĩnh mà trong đó hạt chuyển động.
Suy ra:    
Vậy biểu diễn toán học của nguyên lý tác dụng tối thiểu áp dụng cho hạt điện tích chuyển động trong trường điện tĩnh là:
              
Có thể thấy  trong môi trường điện tĩnh có vai trò tương tự như chiết xuất n trong môi trường truyền sáng. Thực nghiệm đã chứng tỏ rằng chuyển động của dòng các hạt điện trong trường điện tĩnh cũng tuân theo ba qui luật: truyền thẳng, phản xạ, khúc xạ.
Hiện tượng tương tự kỳ lạ mà chúng ta vừa trình bày được gọi là “Sự tương tự quang – cơ”.
Trên cơ sở hai luận điểm của Mắcxoen, có chú ý đến hiện tượng tương tự quang – cơ và nguyên lý bảo toàn Không Gian (bảo toàn vật chất) cũng như quan niệm về Vũ Trụ được lấp đầy Không Gian của triết học duy tồn, chúng ta liều mạng nêu ra một nhận định mới, có tính kế thừa nhưng cởi mở hơn, khoáng đạt hơn (và cũng có thể là sai bét nhè!).
Trước hết, chúng ta hiểu vật chất là bao gồm các vật thể và cả Không Gian. Không Gian là chất nền, chất cơ sở mà từ đó hình thành nên các chất khác cũng như vạn vật. Có thể nói biểu hiện cơ bản nhất của chất Không Gian là vật thể và môi trường Không Gian. Vũ Trụ là môi trường chất Không Gian rộng lớn mà trong đó vạn vật (là những hun đúc nên cũng từ chất Không Gian) tồn tại.
Sự phân định vật chất ra thành vật và chất, thực thể và môi trường chỉ là tương đối vì rõ ràng, nếu không có các thực thể gọi là vô cùng nhỏ (các hạt) thì không thể có môi trường và ngược lại, không thể có thực thể gọi là vô cùng lớn (các thiên thể chẳng hạn) nếu không có môi trường (môi trường Không Gian chẳng hạn).
Có thể phân định tương tác (tác động - phản ứng) một cách tương đối thành hai phương thức: tương tác trực tiếp và tương tác gián tiếp mà trong đó, tương tác trực tiếp đóng vai trò chủ đạo. Từ đó mà cũng có hai biểu hiện vận động và tương tác vật chất mà một biểu hiện chính là trường lực. Trường lực là biểu hiện tương tác của những lực lượng vật chất ở tầng nấc nào đó thuộc miền Vũ Trụ vi mô, được thấy ở miền Vũ Trụ vĩ mô (theo quan niệm và cả qui ước của chủ quan hệ quan sát). Một trong những nguyên nhân quyết định gây ra vận động và tương tác vật chất ở miền Vũ Trụ vi mô là sự vận động và tương tác của các thực thể  ở miền Vũ Trụ vĩ mô và ngược lại. Vì những lẽ đó mà (giả tưởng rằng) nếu không có vật chất thì cũng sẽ không có trường lực và nếu “vắng mặt” một trong hai dạng biểu hiện của vật chất là vật thể và môi trường thì dứt khoát không thể “thấy” được trường lực.
Vì Vũ Trụ là thống nhất và duy nhất đồng thời cũng tự phân định đến tận “chân tơ kẽ tóc” để vận động đến tuyệt cùng khả năng, khẳng định sự Tồn Tại (tồn tại tuyệt đối) vốn dĩ của Nó, cho nên phải thấy trường điện từ là một trong những dạng biểu hiện đặc thù của trường lực trước quan sát, nhận thức. Trường điện từ được thấy gồm hai bộ phận tồn tại tương đối hợp thành là điện trường và từ trường. Điện trường và từ trường là hai mặt tương phản của trường điện từ, được thấy là hai thể có mối quan hệ “sống còn” của nhau, là tiền đề tồn tại của nhau, không có một trong hai thể thì thể còn lại cũng không có (nếu chúng vắng mặt trước quan sát thì không phải vì chúng không tồn tại mà vì quan sát bị mù tịt đối với chúng!). Hai thể tương phản đó do xảy ra tương tác vật chất mà chuyển hóa qua lại lẫn nhau theo một phương thức nhất định, tạo thành một toàn thể sinh động, biến đổi có tính chu kỳ trong không thời gian và được gọi là trường điện từ. Triết học duy tồn chỉ ra: khi trường điện từ mất đi thì "còn lại" cuối cùng là trường Không Gian chứ không thể là Hư Vô được.
Chỉ duy nhất Không Gian là Tồn Tại (tồn tại tuyệt đối). Nhưng để khẳng định sự Tồn Tại ấy, trước quan sát và nhận thức, Không Gian đã làm cho đủ thứ tồn tại (tồn tại tương đối). Tồn Tại tương đối là vô số kể. Thời gian, trường lực nói chung và trường điện từ nói riêng chỉ là vài trong vô số kể ấy.
Vật lý cổ điển là một thành quả hết sức phi thường mà loài người đạt được trong quá trình tìm cách mở rộng quan sát cũng như nỗ lực nhận thức của mình về Tự Nhiên. Có thể nói, đó là khối kiến thức vô cùng đồ sộ được xây dựng nên từ quan sát trực giác của con người đã được nâng lên đến tột cùng khả năng nhờ các thiết bị hỗ trợ, lấy thực nghiệm làm tiền đề xây dựng lý thuyết và lấy thực chứng trực tiếp làm cơ sở để xác nhận chân lý. Chính vì vậy mà phải thấy rằng vật lý học cổ điển đã mô tả hoàn hoàn đúng đắn cái hiện thực khách quan về Tự Nhiên mà loài người nói chung đang quan chiêm lúc bấy giờ và trong cả ngày nay.
Gần gũi với hiện thực khách quan như thể nên vật lý cổ điển cũng cực kỳ nhanh chóng đi vào cuộc sống. Lịch sử đã chứng thực rằng, những phát kiến vật lý học được ứng dụng trong thực tiễn xã hội châu Âu rất nhanh, tạo nên một nền tảng khoa học - kỹ thuật ngày một tiên tiến. Nhờ thế mà nền kinh tế tư bản chủ nghĩa chóng vánh đạt đến hoàn thiện và bành trướng ra khắp địa cầu.
Nền kinh tế tư bản chủ nghĩa ra đời đã tạo ra khả năng làm của cải đồ dùng cho đời sống con người dồi dào hơn, đa dạng hơn, tiện dụng hơn và xa hoa hơn. Đáng tiếc là vào những buổi đầu hình thành và phát triển, vì thoát thai từ chế độ phong kiến khắc kỷ, đồng thời còn mang trong huyết thống cái tham tàn vô độ của chế độ ấy, cho nên chế độ tư bản thuở ấy tỏ ra đầy thủ đoạn, tuyên bố nhân quyền, bình đẳng, tự do để rồi trong thực tế là chà đạp mạng sống nhau để cạnh tranh, phè phỡn hưởng lạc mặc kệ tầng lớp đói khổ, để làm giàu bằng bất cứ giá nào, do đó mà cũng luôn thường trực trong lòng nó ý thức mưu mô chèn ép, cưỡng đoạt kẻ khác và sẵn sàng gây chiến tranh xâm lược một khi có điều kiện. Không thể phủ nhận được, sự cạnh tranh khốc liệt của các nền kinh tế tư bản chủ nghĩa trong nửa giai đoạn đầu phát triển quá nhanh của chúng đã như con ngựa bất kham bứt đứt dây cương, gây ra cuộc chiến tranh thế giới lần thứ nhất và lần thứ hai vào những năm 1914-1918 và vào những năm 1939-1945 với số lượng người chết hơn hẳn người chết của tất cả các cuộc chiến tranh trước đó trong lịch sử loài người cộng lại.
Hóa ra, vật lý cổ điển, một cách gián tiếp đã đắc lực làm cho loài người có cuộc sống văn minh hiện đại hơn và đồng thời cũng làm cho loài người khốn khổ đau thương hơn. Phải chăng là có thể nói được như vậy? Thật khó mà trả lời!
Dù sao thì cũng nên thấy rằng nền kinh tế tư bản xuất hiện trong xã hội loài người là một tất yếu. Tất yếu ấy có nguồn gốc từ sự thèm khát danh lợi thấm đẫm bản năng mù quáng nhưng được trang bị lý trí ở mỗi con người. Nhận thức khoa học cũng được thúc đẩy một phần bởi đặc tính ấy, nếu không muốn nói là nhờ đặc tính ấy. Vậy thì sự ra đời của vật lý học cổ điển cũng là một tất yếu? Đúng vậy! Cụ thể hơn, sự khao khát hiểu biết của con người (một dạng đặc thù của thèm khát danh lợi hiểu theo nghĩa rộng) và sự đòi hỏi thỏa mãn của nền kinh tế tập trung kiểu chủ nghĩa tư bản, đã làm xuất hiện vật lý học cổ điển, để rồi vật lý học cổ điển tác động tích cực trở lại nền kinh tế ấy, làm cho nó trở nên hùng mạnh đến độ… hiếu chiến.
Nhưng nếu không có loài người? Sẽ chẳng có gì xảy ra cả! Chẳng có nền kinh tế tư bản chủ nghĩa cũng như chẳng có vật lý học cổ điển nào hết! Rõ ràng, nếu không kể những hiểm họa có từ thiên nhiên, thì loài người đã là thủ phạm gây thống khổ, đau thương, chết chóc cho chính mình. Hành động đó là vô tình hay hữu ý? Là cả hai mà cũng không phải cả hai vì suy cho cùng đó là định mệnh của loài người một khi còn trong tình trạng thèm khát bản năng được thúc giục bởi lý trí mù quáng, nghĩa là tưởng đã nhận thức được chân tướng của mình nhưng thực ra vẫn đang hôn mê trong vô thức, y hệt như người đã uống rượu say mèm nhưng cứ cãi là vẫn đang tỉnh.
Chúng ta cho rằng, bản thân vật lý học cổ điển không hề “xúi giục” con người ứng xử tồi tệ với nhau, không hề kích động dân tộc này đi đánh giết dân tộc khác, mà trái lại, nó có công lao to lớn trong việc nâng cao trình độ nhận thức của loài người, giúp loài người nhận thức sâu rộng hơn về Tự Nhiên để thấy rõ hơn thân phận của bản thân mình, thấy rõ hơn cái nguyên nhân gây ra định mệnh đau khổ của giống loài mình, từ đó mà tìm ra phương cách cứu chuộc, cải biến, mở ra một tương lai sống trong tình yêu thương đồng loại, đồng lòng đồng sức đối mặt với thiên nhiên hoang dã để sống còn cho con cháu hậu thế, mai sau.
Ngày nay, vật lý cổ điển vẫn rừng rực sức sống, hầu như không bị sứt mẻ chút gì về giá trị ứng dụng trong đời sống thực tiễn của nó. Đó là khối kiến thức tổng hợp được thiết lập nên từ quan sát hiện thực khách quan, đến tận cùng khả năng trực giác sinh học của loài người và cũng cực kỳ xác đáng, do những người con ưu tú nhất, có tâm hồn vì khoa học trong sáng nhất của loài người trong một thời đại đặc biệt gọi là chín muồi góp công mà thành. Chắc rằng mãi mãi, loài người không bao giờ có thể thiếu được vật lý học cổ điển trong hành trang của mình vì nó đã trở thành bảo bối trong nghiên cứu thực dụng cũng như trong việc tiếp thu những lý thuyết vật lý cao siêu. Nếu loài người bất tử thì vật lý cổ điển bất diệt!
Nói thế không có nghĩa là vật lý học cổ điển không có những mâu thuẫn nội tại vô cùng nan giải. Dù sao thì những mắc mứu kiểu đó cũng không hề gây ảnh hưởng chút nào đến việc ứng dụng những thành quả đạt được vào thực tiễn đời sống mà chỉ làm “đau đầu” các nhà vật lý lý thuyết, những người luôn khát khao muốn phanh phui tường tận đến cội rễ của mọi hiện tượng tự nhiên. Đã là con người, chẳng ai muốn cực nhọc cả, nhưng đòi hỏi được nhận thức khoa học là vô hạn độ. Vì thế nên mới có sự cuồng nhiệt, say mê, xả thân vì khoa học!
Chính quá trình đi tìm lời giải đáp cho những mâu thuẫn nội tại vô cùng nan giải của các nhà vật lý đối với vật lý học cổ điển đã làm xuất hiện hàng loạt những khủng hoảng về nhận thức và khi những khủng hoảng ấy được lần lượt giải quyết thì cũng là lúc vật lý học vươn lên vượt tầm một trình độ vật lý đã qua là “vật lý học cổ điển” để hóa thành "vật lý học hiện đại".

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

TT&HĐ I - 9/d

MUÔN MẶT ĐỜI THƯỜNG III/104

MỌC CÁNH