Chủ Nhật, 15 tháng 3, 2015

CÂU CHUYỆN TÂM LINH 74

(ĐC sưu tầm trên NET)


Năng lực khai mở 'Huệ nhãn' của Đại sư Tây Tạng




Một khi đã có Huệ nhãn thì dù ngồi tĩnh tọa trong viện, nơi núi cao hay trong rừng sâu vẫn có thể thấy những gì xảy ra ở khoảng cách xa.
Xứ Tây Tạng, được xem là "thánh địa" của những câu chuyện kỳ bí và tâm linh mà khoa học đang tìm cách lý giải. Đã có rất nhiều nhà khoa học và dân tộc học nổi tiếng "đơn phương độc mã" trèo đèo vượt núi trong tuyết lạnh để vào xứ sở của "đỉnh trời" không ngoài mục đích là tìm hiểu những gì thuộc lãnh vực siêu linh huyền bí.
Khám phá
Nhiều nhà khoa học và dân tộc học nổi tiếng như James Frazer, R. Muller, William Halse Ricers, Ions Veronica, Mbiti John, Wentz W. E, Osborne Harold... đặc biệt là một người phụ nữ, một nữ văn sĩ tên là Alexandra David Neel đã đơn phương độc mã trèo đèo vượt núi trong tuyết lạnh để vào xứ sở của "đỉnh trời" là xứ Tây Tạng không ngoài mục đích là tìm hiểu tận nơi những gì thuộc lãnh vực siêu linh huyền bí. Nhờ đó mà thế giới Tây phương mới biết được những cuộc sống lạ lùng của các vị Lạt Ma Tây Tạng, nhất là biết về những năng lực tâm linh kỳ bí của những vị sư sống trong hang động, nơi mà "Trời" và "Đất" gần như giao hòa với nhau thành một thể.
Điểm đặc biệt đáng nhắc đến là nơi đây các vị sư đều có khả năng cao về nhận thức, họ có thể hiểu nhau qua không gian hơn là biểu lộ bằng lời nói hay hành động. Nhờ khả năng đọc được tư tưởng người khác mà nhiều vị Lạt Ma Tây Tạng biết trước được những gì mà người khác đang dự tính trong đầu.
Ngoài ra, những vị này còn có khả năng phân tích vầng màu sắc tỏa ra từ đầu bất cứ ai để từ đó biết được ý tưởng tốt hay xấu mà người đó đang dự định. Đây chính là nguồn năng lực của con mắt thứ ba đã được nhiều tài liệu nhắc tới với tên gọi là "Thần nhãn" hay "Huệ nhãn".
Hình ảnh: Năng lực khai mở 'Huệ nhãn' của Đại sư Tây Tạng số 1
Trở lại vấn đề khả năng thông hiểu ý tưởng người khác cũng như thấy rõ và phân biệt vầng màu mà các vị Lạt Ma Tây Tạng có được thì đó lại là sự kiện có vẻ bình thường đối với người dân Tây Tạng.
Lý do dễ hiểu là từ tấm bé, họ đã được cha mẹ kể cho nghe chuyện cổ tích về người Tây Tạng thời cổ xưa, theo chuyện cổ này thì thời xưa ấy, người Tây Tạng ai cũng có một "nhãn lực" đặc biệt, nhãn lực này không phải từ đôi mắt thông thường của con người mà là từ một con mắt thứ ba này mà người xưa gọi là Thần nhãn hay nói theo kinh điển là Huệ nhãn.
Về sau, vì con người bị lôi kéo dần vào đường vật chất, ích kỷ, tham lam, sân hận, mê mờ nên trí óc không còn trong sạch, sáng suốt. Cuối cùng như tấm gương bị bụi mờ che kín, con mắt thứ ba trở thành u tối không còn sử dụng được nữa.
Các nhà nghiên cứu về Huệ nhãn đã bắt gặp trong giới động vật hình ảnh trung thực nhất về con mắt thứ ba một cách rõ rệt không chối cãi. Tuy nhiên câu hỏi tại sao lại có sự hiện hữu và công dụng thực tế thì lại còn lắm mơ hồ. Đặc biệt lạ lùng là ngay trong giới động vật có xương sống cấp dưới thì lại thấy hiện một cấu tạo giống như cấu tạo mắt bình thường, nghĩa là cũng có dây thần kinh, thủy tinh thể và võng mạc... Ngay cả loài cá, lưỡng thê, bò sát, chim, cả động vật có vú kể cả con người cũng đều có dấu tích con mắt thứ ba.
Khi khảo sát bộ xương của loài khủng long thời tiền sử, các nhà cổ sinh vật học cũng chú ý tới một chỗ lõm nơi phần sọ của loài bò sát khổng lồ này và đã đoán nơi đây là vị trí của một cơ quan thị giác hay nói theo suy tưởng của sự kiện đang bàn là "con mắt thứ ba". Công dụng của con mắt này có lẽ để giúp các loài động vật thời cổ không những thấy mà còn biết thêm hay cảm nhận trước được tình trạng chung quanh như mưa, gió nhất là các vật thể nằm khuất ở vị trí phía trên đầu.
Hình ảnh: Năng lực khai mở 'Huệ nhãn' của Đại sư Tây Tạng số 2
Khai mở "Huệ nhãn"
Những khám phá mới đây nhất (vào năm 1996) từ một số nhà khoa học đã cho biết là trong não người có một tuyến tuy rất nhỏ, chỉ bằng hạt đậu xanh nhưng nhiệm vụ của tuyến này rất kỳ diệu, chỉ tiết ra loại nhân hóa tố đặc biệt với một lượng rất nhỏ trong trường hợp con người đang chú tâm cầu nguyện với tất cả thành tâm, hay vào các giai đoạn con người ở tình trạng nguy biến, thập tử nhất sinh.
Cái tuyến lạ lùng đó là tuyến Tùng quả (Pineal gland). Khi phân hóa tố của tuyến đi vào máu thì cơ thể sẽ có những phản ứng kỳ diệu bất ngờ mà lúc bình thường không có được. Các nhà sinh vật học còn khám phá ra rằng tuyến Pineal glandcòn có liên quan tới bộ phận mà người Tây Tạng gọi là con mắt thứ ba.
Chỉ những ai chịu vứt bỏ lòng tham luyến sân si mê mờ, quyết tâm giữ lòng trong sạch và tu trì mới có được Huệ nhãn. Chính phần lớn các vị Đại sư Tây Tạng, những người ẩn cư nơi vùng núi cao tuyết giá hay trong các Đạo viện thâm nghiêm là có thể có năng lượng "thượng thừa" ấy mà thôi. Tuy nhiên, theo các vị Đại sư thì không phải tất cả các vị chân tu Tây Tạng đều có Thần nhãn hay Huệ nhãn như ta tưởng, vì muốn có được Thần nhãn thì ngoài hội đủ các điểm cần yếu như đã nói trên, còn phải có Thần lực đặc biệt kết hợp với các pháp môn tu luyện cao siêu mới được.
Hình ảnh: Năng lực khai mở 'Huệ nhãn' của Đại sư Tây Tạng số 3
Phép tu luyện cao siêu đó có mục đích là để khai mở Huệ nhãn. Một khi đã có Huệ nhãn rồi thì dù ngồi tĩnh tọa trong viện, nơi núi cao hay trong rừng sâu vẫn có thể thấy được những gì xảy ra ở khoảng cách rất xa, hay chuyển di tư tưởng đến một nơi nào đó cho ai.
Tại Tây Tạng, nhiều Đạo viện thường có những buổi thực tập về phép chuyển di tư tưởng giữa các hàng đệ tử trong giai đoạn tu luyện các phép thần thông. Phương cách thực tập rất khoa học, lúc đầu hai người đệ tử ngồi cạnh nhau để chuyển tư tưởng cho nhau. Khi bắt được tư tưởng của nhau rồi thì khoảng cách tĩnh tạo giữa hai người này sẽ ở vị trí xa hơn.
Cứ thế mà về lâu về dài họ có thể đạt tới khả năng truyền tư tưởng cho nhau qua khoảng cách rất xa: hoặc từ đạo viện này đến đạo viện khác, từ hang động này đến hang động khác. Theo bà Alexandra David Neel thì dãy Hy Mã Lạp Sơn tuyết phủ im lìm hoang vắng nhưng lại là nơi các nguồn tư tưởng của các vị ẩn tu giăng bủa khắp nơi nơi...

Người bắt ma, gọi hồn, áp vong chỉ là thủ thuật thôi miên


Khoảng 5 năm trước, khi về Việt Nam, thấy hiện tượng áp vong xảy ra ở một số nơi, thạc sĩ (ThS) thôi miên y khoa Nguyễn Mạnh Quân đã thốt lên: “Nếu không có sự quản lý chặt chẽ, cứ để áp vong lung tung thế này, sẽ có ngày cả nhà, cả làng bị tâm thần, thậm chí chết vì áp vong”.
Hiện tượng áp vong
Điều cảnh báo của anh Quân không phải là đùa, bởi thực tế, đã có người chết (chị Cấn Thị Lâm ở Phụng Thượng, Phúc Thọ, Hà Nội, đã chết và nhiều người trong gia đình chị Lâm phát điên) vì áp vong, còn số lượng người bị tâm thần sau khi đi áp vong khá nhiều, chưa thống kê hết được. Anh Quân cho biết, anh đã đến một số trung tâm áp vong tìm mộ, địa điểm lên đồng để tìm hiểu, nghiên cứu. Việc có vong hồn hay không, anh Quân chưa dám chắc, song theo anh, cái gọi là vong ở một số trung tâm áp vong tìm mộ ở Việt Nam không phải là vong. Trong thôi miên, đó thực chất là hiện tượng ám thị. Tuy nhiên, nguy hiểm ở chỗ, hiện tượng ám thị này đã ảnh hưởng rất nặng nề đến đời sống của một bộ phận người dân, khiến có người phát điên. Thực tế, các bệnh viện mỗi ngày lại đón thêm số bệnh nhân tâm thần do áp vong.
Ngồi trò chuyện với anh Quân, chiếc điện thoại của anh liên tục rung. Mỗi ngày có hàng chục cuộc điện thoại của gia đình những người bị tâm thần do đi áp vong nhờ anh giúp đỡ. Anh Quân đã giúp điều trị cho cả chục người bị hiện tượng gọi là “vong nhập”, tuy nhiên, còn nhiều trường hợp nữa đang kêu cứu, song sức anh chưa thể đáp ứng được.
Là người nghiên cứu về thôi miên, nên ThS. Nguyễn Mạnh Quân cũng phải tìm hiểu về hiện tượng mà người dân gọi là áp vong. Để trở thành ThS thôi miên y khoa, vấn đề mà anh nghiên cứu nhiều nhất, sâu nhất chính là phần vô thức của con người. Theo anh, các môn phái thiền, nhân điện, yoga, cảm xạ, áp vong, thôi miên đều đưa con người vào trạng thái vô thức. Chỉ có điều, mỗi môn sử dụng vô thức một cách khác nhau và có môn có lợi cho con người, có môn có hại, thậm chí rất hại.
Nguồn cơn của hiện tượng áp vong là sự tương tác của ám thị lạ và tự ám thị. Khi một người ngồi tập trung trong trạng thái giống như thiền, để đầu óc trống rỗng, thì có nghĩa là người đó đang bắt đầu được đưa về trạng thái vô thức. Vô thức có nhiều trạng thái, nếu bắt đầu vô thức, thì người đó vẫn nhận biết xung quanh, song nếu vô thức sâu, sẽ không biết gì nữa. Khi cơ thể chìm vào vô thức, phần tiềm thức của bộ não hoạt động mạnh. Những giọng nói từ bên ngoài sẽ là ám thị lạ (giọng nói của người xung quanh, của nhà ngoại cảm) và được bộ não ghi lại chuẩn xác như máy ghi âm, ghi hình. Trong trạng thái vô thức, những ám thị này sẽ mạnh vô cùng, không thể tưởng tượng được. Khi vô thức tiếp nhận ám thị lạ thì sẽ xảy ra quá trình tự ám thị. Tự ám thị của bộ não còn mạnh hơn ám thị lạ. Nó sẽ khiến bộ não xây dựng, nhào nặn thành những hình ảnh đặc biệt. Nếu vô thức tự ám thị là thánh, thì người bị “vong nhập” có thể biến thành thánh, nếu tự ám thị là liệt sĩ, thì người bị “vong nhập” sẽ biến thành liệt sĩ. Chính vì khả năng ghi nhớ và xây dựng hình ảnh tuyệt vời của vô thức mà hiện tượng “vong nhập” diễn ra rất thần kỳ, đa dạng, nhiều màu sắc, rất sinh động.
Một người phụ nữ đi áp vong, ngồi trong trạng thái vô thức, nếu mọi người gọi tên ông nội của chị (người đã chết từ lâu), thì có nghĩa là ám thị lạ đã tác động vào vô thức, khi đó, vô thức sẽ tự ám thị về ông nội và sẽ xây dựng hình ảnh ông nội chị. Bộ não là cơ quan chỉ huy cơ thể, nên nó sẽ huy động các hoóc môn, biến người phụ nữ thành ông nội. Những đặc điểm, tính cách của ông nội đã được vô thức ghi vào từ nhiều năm trước, thậm chí từ khi người phụ nữ mới vài tháng tuổi. Nếu ông nội chị có đặc tính cứ về nhà là quát tháo, mắng chửi, hút thuốc lào, uống nước chè, làm chén rượu... và các hành động đó đã ghi vào tiềm thức người phụ nữ, thì khi rơi vào trạng thái vô thức, người phụ nữ cũng sẽ có những hành động giống như thế. Người phụ nữ có thể nói giọng giống ông nội, nói ra những điều mà bản thân người đó không còn nhớ, khiến những người xung quanh sửng sốt. Thậm chí, nếu áp “vong” những người đã chết trước khi người áp vong ra đời, hoặc chưa gặp bao giờ, thì cuộc “áp vong” cũng giống như thật, bởi vì, vô thức vẫn ghi chép thông tin về người đã chết qua lời kể của người xung quanh.
Nếu ám thị người chết bị thương ở mắt, thì người áp vong sẽ có hiện tượng đau mắt, gãy chân thì kêu đau chân. Nếu người đi áp vong xem phim Trung Quốc nhiều, có thể nói tiếng Trung Quốc, xem phim Mỹ nhiều, có thể nói tiếng Anh cực kỳ chuẩn xác. Đây chính là khả năng siêu việt của vô thức.
Hình ảnh: Người bắt ma, gọi hồn, áp vong chỉ là thủ thuật thôi miên số 1
Nguy cơ bị tâm thần
Theo ThS. Nguyễn Mạnh Quân, những ám thị lạ và tự ám thị cực kỳ mạnh mẽ, cực kỳ nguy hiểm. Do đó, nếu áp vong ở những trung tâm không chuyên nghiệp, không khoa học, con người sẽ dễ dàng bị tâm thần. Khi ở trạng thái “vong nhập”, nhà ngoại cảm làm động tác khiến người áp vong thức tỉnh. Khi đó, nếu nói vong đã “thăng” rồi, ám thị sẽ là không còn vong nữa, người áp vong sẽ tỉnh táo hoàn toàn. Tuy nhiên, nếu ám thị lạ là vong vẫn nhập, vẫn chưa ra, thì kể cả khi rời khỏi trung tâm áp vong, về nhà rồi, tự ám thị vẫn còn ở vô thức và “vong” có thể vẫn “nhập” như thường. Ngoài ra, khi bộ não ở trạng thái vô thức, nếu nhận những ám thị xấu (nói chuyện buồn, chết chóc, bệnh tật, khóc lóc, kêu gào) thì vô cùng nguy hiểm. Khi đó, vô thức sẽ biến con người thành một kẻ bệnh tật, suốt ngày buồn chán, ủ rũ, thậm chí tìm cách tự tử, hoặc chết dần chết mòn. Nhiều người sau khi đi áp vong về, lại nghe thấy tiếng “bề trên” sai bảo, nhìn thấy hình ảnh người chết, nói chuyện với người chết... Theo anh Quân, những hiện tượng đó rất dễ giải thích trong thôi miên. Đó chính là ảo thanh, ảo giác, ảo thị, ảo vọng, do vô thức tạo ra. Những người bị rơi vào trạng thái này mỗi ngày một nhiều và họ chính là biểu hiện của một trạng thái tâm thần.
Hình ảnh: Người bắt ma, gọi hồn, áp vong chỉ là thủ thuật thôi miên số 2Ảnh minh họa
Anh Quân mở máy tính xách tay cho chúng tôi xem video ghi hình lại các cuộc điều trị bệnh nhân có biểu hiện tâm thần do đi áp vong. Nếu một người mang đầu óc mê tín, chứng kiến anh điều trị cho những bệnh nhân này, có thể nghĩ anh là một phù thủy cao tay, chuyên đi bắt... ma. Trong số hàng trăm video, chúng tôi rất ấn tượng với người phụ nữ từng “ngoại tình” với “ma”.
Người phụ nữ đó là Nguyễn Thị H. Chị H. làm việc cho một ngân hàng, còn chồng là kỹ sư xây dựng. Nhà cửa ở Hà Nội, cuộc sống vợ chồng chị khá sung túc.
Cuối năm ngoái, gia đình tổ chức đi tìm mộ liệt sĩ ở một trung tâm áp vong tại Hà Nam và chị H. có nhiệm vụ đi cùng để cho vong nhập. “Vong” nhập vào chị H. và gia đình cũng đào một ngôi mộ vô danh đưa hài cốt về. Chẳng biết bộ hài cốt đó có đúng là của liệt sĩ không, vì gia đình không xét nghiệm ADN. Tuy nhiên, sau khi tìm mộ về, chị H. phát lộ nhiều khả năng đặc biệt, có thể xem bói, gặp gỡ, trò chuyện với người âm thường xuyên. Khả năng của chị khiến chồng chị, vốn không tin chuyện ma quỷ, cũng phải tin sái cổ. Nhưng khốn nỗi, một con “ma” đàn ông đã “cướp” mất người vợ yêu quý từ tay anh.
Nhiều đêm, khi hai vợ chồng đóng cửa, tắt đèn, chuẩn bị ái ân, thì chị H. lại đẩy chồng ra, rồi ngồi khóc. Chồng gặng hỏi nhiều quá, chị buộc phải kể thật rằng, có con “ma” cứ đứng ở cạnh giường chằm chằm nhìn vợ chồng chị, khiến chị không thể ái ân được. Chồng chị không thể tin được chuyện này vì đó là sản phẩm của trí tưởng tượng. Thế nhưng, khốn nỗi, một thời gian sau, chị H. lại yêu “vong hồn” kia thật. Theo lời chị H., bình thường, chị khó có cảm xúc tình dục mạnh mẽ với chồng, nhưng với “con ma” thì khác, chỉ cần “ma” chạm nhẹ vào bất cứ chỗ nào trên cơ thể, lập tức chị có khoái cảm. Thế là, cứ đêm xuống, khi chồng ngủ, con “ma” lại chui qua khe cửa vào nhà, lên giường, làm tình với chị H. Nhiều hôm, con “ma” vào phòng sớm quá, chị còn bảo nó nấp sau cánh cửa, chờ anh chồng ngủ say đã rồi hãy lên giường. Nhiều lần anh chồng không biết, nhưng lần nào chị H. “sung” quá, rên la ầm ĩ, thậm chí đòi nhiều tư thế khác nhau, thì anh chồng tỉnh dậy và... bắt quả tang. Cuối cùng, chị H. đành phải khai thật là đã yêu một con “ma” và đêm nào cũng làm tình với ma ngay trên giường của hai vợ chồng. Từ đó hai vợ chồng không còn ái ân gì nữa. Những đêm sau đó, anh chồng cầm dao mà đành bất lực nhìn vợ mình thác loạn với “người âm”.
Chị H. đã được chồng đưa đến bệnh viện để điều trị chứng tâm thần, tuy nhiên, hết thuốc, rời bệnh viện, “con ma” lại tìm đến gặp chị và chị lại không cưỡng nổi. Chồng chị đang không biết xoay xở thế nào thì ThS. Nguyễn Mạnh Quân từ Đức về Việt Nam. Hai vợ chồng đã gặp anh Quân để xin điều trị. Anh Quân hiểu rõ bản chất của căn bệnh và sau vài buổi điều trị, hiện tượng ảo thanh, ảo thị, ảo giác, ảo vọng biến mất, “con ma” cũng ra khỏi cuộc đời chị H. Theo anh Quân, con ma đó chỉ là trí tưởng tượng, là thứ mà vô thức của chị H. vẽ ra. Nhưng vì hình ảnh đó rõ ràng hơn nhiều so với những giấc mơ thông thường, nên bản thân chị H. không phân biệt được.
Theo anh Quân, hầu hết những hiện tượng quái gở liên quan đến ma quỷ, vong hồn, thần thánh là biểu hiện của bệnh tâm thần, cần phải điều trị. Nếu không điều trị ngay, bệnh tâm thần sẽ phát ngày một nặng và khi lý trí không làm chủ được nữa, vô thức xâm chiếm, lãnh đạo cơ thể, thì người đó đã biến thành tâm thần hoàn toàn.

Lật tẩy những mánh khóe của nghề gọi hồn, lên đồng


Xưa kia trong dân gian rất hay đi gọi hồn. Từ khi có nhà ngoại cảm thì người ta lại tới tấp đi tìm nhà ngoại cảm.
Mới đây nhiều nhà ngoại cảm đã bị phát giác là lừa đảo. Còn trò gọi hồn thực tế ra sao?
Những mánh khóe
Nói về “mánh khóe” của mình, cô đồng T có thâm niên hành nghề ở chợ phủ Quốc Oai tóm tắt: “Hơn hai năm đi học nghề gọi hồn, tôi đã được thầy truyền cho đủ Tam thập lục để làm vốn sinh sống. Nghề này cái vốn quý nhất vẫn là nói dựa. Các vị tính, ai có chồng con, anh em 18, 20 tuổi bỗng dưng lăn ra chết ai mà chả đau lòng, cắt ruột.
Chết là hết nhưng cái trò đời, một số người còn đầu óc mê tín, họ cứ tưởng tượng qua miệng đồng sẽ làm cho mẹ con, anh em, chồng vợ gặp được nhau để giăng dối câu chuyện cuối cùng cho khuây khỏa”.
Bao giờ cũng vậy, mở đầu cuộc gọi hồn, cô T sẽ hỏi tên tuổi để biết hồn già hay trẻ, đàn ông hay đàn bà. Sau đó cô hát phủ đầu bằng mấy câu thật sầu thảm như: “Thương cha nhớ mẹ sầu bi, đêm ngày lẩn khuất đi về trông nom”. Hát chỉ là tiết mục câu giờ để cô nghĩ cách nói. Mặt khác nếu trong lúc hát mà người đi gọi hồn òa khóc thì cô dựa vào tiếng khóc của họ mà dò đoán.
Hình ảnh: Lật tẩy những mánh khóe của nghề gọi hồn, lên đồng số 1
Ảnh minh họa.
Nhiều người đi gọi hồn bị lừa nên cũng rút kinh nghiệm, thường hỏi kiểm tra những câu dạng như: Hồn cho biết ở đây có bao nhiêu người đến thăm? Để đối phó, cô T thường nói con số in ít để nếu có ai hỏi “sao còn tôi đây hồn không nhận” thì sửa lại một câu rất dễ: “Vì không thành tâm đi thăm hồn, đến đây không được giọt nước mắt” hoặc hôm nọ đi đường gặp hồn không chào nên hồn giận”…
Cô T còn có mẹo trước khi vào cuộc gọi hồn giao cho người đi gọi một ít tiền trinh rồi dặn khi nào hồn nói nghe hay thì thưởng một đồng vào đĩa cho hồn vui lòng. Kỳ thực là qua tiếng bỏ đồng trinh vào đĩa cô T biết là mình nói đúng để cứ thế mà tán rộng ra thôi.
Có người hỏi: Ngộ gặp phải khách hàng họ bắt phải trả lời những câu thật cụ thể thì cô làm thế nào? Cô T tủm tỉm cười trả lời: “Họ vặn mình thì mình vặn lại họ lo gì. Thế này nhé: Tôi cứ hỏi họ cho biết giờ sinh, tháng đẻ thật đúng thì mới đoán được, nếu sai sẽ không đoán được. Các ông các bà tính ở nông thôn mấy ai đi gọi hồn mà nhớ được giờ sinh? Vả lại, nếu họ có nhớ thì mình cũng cứ bảo có lẽ họ nhớ chệch đấy! Thế là họ phải chịu”.
Mấy vụ "lòe" kinh điển
Cô đồng Dị nổi danh một thời cung cấp một ví dụ rất điển hình về kỹ năng nói dựa của nghề đồng cốt. Số là có lần cô ta được mời đến nhà một viên quan nổi tiếng hách dịch trong vùng để gọi hồn. Trước khi bắt đầu qua đã đe: “Nếu nói láo thì đừng hòng làm ăn ở địa hạt đây”.
Vào cuộc gọi hồn, cả nhà viên quan ngồi vây quanh cô đồng đủ cả già trẻ gái trai. Hồn gọi lên là một đứa trẻ vừa chết chừng vài tháng. Viên quan hỏi ngay: “Thế mẹ hồn đâu, thử chỉ xem…”
Cô đồng thuật lại: “Thú thực tôi cũng phải suy nghĩ rất lao lung. Đứa trẻ là ai? Có họ hàng thân thuộc với người ngồi đây không? Viên quan hống hách kia có thực tin hay chỉ bày trò thử. Đồng lên mới được mấy câu hắn đã hỏi: thế mẹ hồn đâu thử chỉ xem… Tôi toát mồ hôi vì quả thực từ nãy giờ vẫn thử đoán, mà chưa biết ai là mẹ hồn.
Tôi vờ “dỗi” lấy quạt che mặt. Nhưng qua khe quạt tôi đảo mắt, quan sát nét mặt mọi người. Tôi bắt gặp một vài cặp mắt liếc trộm vào một người phụ nữ còn rất trẻ, ngồi ở giữa và vẻ xúc động lắm. Thôi đúng rồi. Tôi bèn chỉ vào người đó và nói: Lại còn thử hồn, mẹ hồn ngồi đây chứ đâu!
Tất cả mọi người trong phòng đều bật lên tiếng xuýt xoa thán phục. Tôi đã đoán đúng. Viên quan mặt vẫn lạnh như tiền, hỏi tiếp: Thế bố hồn đâu, câu hỏi này mới gay! Trong những người ngồi đây, ai đáng mặt là chồng của người phụ nữ trẻ kia. Chỉ nhầm anh hay em người ta thì thật nguy. Tôi lại dùng cách trước. tôi chợt thấy người đàn bà liếc nhanh về phía một người đàn bà đứng tuổi khác. Còn người đàn bà đứng tuổi này cũng liếc về phía viên quan.
Thế là rõ: giữa ba người này có mối quan hệ phức tạp gì đây. Tôi bèn chỉ vào viên quan: Bố hồn đây rồi chỉ luôn vào người đàn bà đứng tuổi: còn đây là mẹ già của hồn. Đám phụ nữ trong phòng òa lên khóc còn viên quan cũng tỏ vẻ kinh hoàng. Vì tôi đã nói rất đúng: Người thiếu phụ trẻ là vợ bé của viên quan và đứa trẻ bị chết là con cô ta nhưng chưa được gia đình chính thức thừa nhận”.
Một cô đồng khác kể về vụ đi Hà Nội đánh đồng thiếp sang Pháp cho gia đình một nhà quan để hỏi tin tức con trai của gia đình này đang du học bên ấy tình hình thế nào. Cô đồng nhận xét vụ này là một vụ hắc búa nhất từ trước đến giờ.
Được nhà quan đưa ô tô đón lên Hà Nội rồi phong tỏa trong một cái biệt thự kín cổng cao tường cách biệt với bên ngoài, không có cách gì để tìm kiếm tin tức. Hơn nữa sự việc gia đình viên quan muốn biết lại ở bên Pháp thì thật là nan giải.
Nghĩ thế nên cô đồng phải tìm kế hoãn binh, cô kể: “Tôi tìm kế hoãn binh, nói với viên quan ấy cho chúng tôi nghỉ 1 ngày cho đỡ mệt. Rồi sau đó, xin cho được xem cái “sinh phần” của họ nhà ông ta, to nhất Bắc Kỳ lúc bấy giờ. Viên quan đồng ý”.
Theo đúng lịch hẹn với viên quan, tối hôm sau, cô đồng vào việc. Hồn lên bảo vì đi từ Việt Nam sang Pháp rồi lại từ Pháp trở về, đường đất xa xôi nên mất cả một đêm gần sáng hồn mới về đến Hà Nội. Vì thế nên hồn chỉ nói vài câu vắn tắt thôi. Và hồn nói rằng:
Công tử, con trai độc nhất của quan lớn chết rồi do một tai nạn xe hơi gây ra ngày ấy, tháng ấy. Khi hấp hối có người hầu cận là ông N ở bên cạnh hiện giờ còn một số tiền là ngần ấy gửi ở nhà băng tỉnh Mông pơ li ê.
Nghe xong 3 câu trả lời kia, viên quan nọ ngã vật trên sập gụ ngất đi. Bởi lẽ ông ta sinh được 6 người con chỉ có 1 trai độc nhất. Ngày hôm sau, viên quan giữ cô đồng ở lại chưa về vội chờ quan khỏe lại sẽ gặp.
Thực ra là họ cũng tranh thủ đánh điện sang Pháp xem những việc cô đồng nói có đúng không. Đến hôm sau nữa, viên quan gặp cô đồng rồi bảo vợ đưa ra 200 đồng Đông Dương gọi là tiền công cho cô đồng vì cô nói đúng hết. Thật kinh ngạc.
Nhưng sự thực thế nào, hãy nghe cô đồng này tiết lộ: “Chính lúc đi xem cái sinh phần tôi gặp được ông cụ lão bộc và nhờ đó tìm hiểu được manh mối liên lạc với con trai cụ.
Người này đang làm việc chạy giấy cho một viên quan khác là anh của viên quan có con chết. Khi cậu công tử chết, bên Pháp có đánh điện về nhưng không gửi cho viên quan nọ mà gửi cho người anh để liệu bề an ủi người em trước khi cho biết rõ. Anh con trai cụ lão bộc đọc trộm bức điện, nên đã cho chúng tôi biết 3 điều ấy. Tất nhiên, việc làm này, chúng tôi phải rất khôn khéo mới moi được tin ở anh ta. Vì thế tôi đã biếu bố con ông cụ lão bộc 50 đồng. Sau vụ đó tiếng tăm của tôi vang lừng trong giới quan lại Bắc Kỳ. Họ thường đón chúng tôi về thiếp tới tấp”.
Những mánh lới bịp bợm và các câu chuyện nói trên là lời khai, lời thuật của chính những cô đồng khi tham gia lớp cải tạo mê tín dị đoan do trong cuộc cải tạo xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc thập niên 1960 được Nguyễn Hoàng Điệp và Hoài Giang tập hợp vào cuốn sách Thế giới có gì thần bí.
Qua đây, chúng ta thấy rõ nghề đồng cốt gọi hồn cũng chỉ là một trò bịp bợm không hơn không kém. Chớ dại dột tin miệng các cô đồng mà rồi mất tiền thêm lo.

Sự thật về những bức ảnh chụp vong (Kỳ 1)


Những bức ảnh chụp vong đã dấy nên trong dư luận câu hỏi: Có hay không sự tồn tại của thế giới tâm linh? Bất cứ sự đồn đoán, khẳng định hay phủ định câu hỏi này đều là ý kiến của cá nhân chứ chưa có bất cứ cơ sở khoa học nào để đi tới kết luận cuối cùng.
Những "bức ảnh chụp ma” cùng câu chuyện kỳ bí mang đậm màu sắc tâm linh xung quanh những bức ảnh này đã từng gây ra nhều tranh cãi dư luận. Đã có rất nhiều ý kiến của những chuyên gia về những bức ảnh đó. Người thì cho rằng đó là lỗi kỹ thuật máy ảnh, là ảo giác của mắt, người thì cho rằng đó chỉ là một trò đùa photoshop kích thích tò mò… nhưng tựu chung, những khẳng định hay phủ định ấy đều để trả lời cho câu hỏi: Có hay không thế giới tâm linh? Nếu có thì những linh hồn tồn tại ở dạng gì?
Kỳ 1: Ly kỳ chụp ảnh ma
Nhà nghiên cứu Nguyễn Phúc Giác Hải hiện là Chủ nhiệm bộ môn Thông tin Dự báo, Thiếu tướng Chu Phác hiện là Chủ nhiệm bộ môn Cận tâm lý thuộc Trung tâm Nghiên cứu tiềm năng con người. Cả hai người đều là những nhà ngoại cảm có uy tín. Qua nhiều năm, họ và nhiều người khác nữa đã chụp, sưu tập hàng nghìn bức ảnh được cho là ảnh của người âm. Bản thân nhà nghiên cứu Nguyễn Phúc Giác Hải đang là chủ nhiệm đề tài khoa học về sự tồn tại của vong hồn qua những bức ảnh. Những lập luận hay chứng cứ họ đưa ra đang gây rất nhiều tranh cãi trong dư luận.
Từ những vòng tròn kỳ lạ
Cho đến nay, câu hỏi: Có hay không sự tồn tại của thế giới tâm linh vẫn chưa thể tìm ra câu trả lời. Bất cứ sự đồn đoán, khẳng định hay phủ định câu hỏi này đều là ý kiến của cá nhân chứ chưa có bất cứ cơ sở khoa học nào để đi tới kết luận cuối cùng.
Qua giai đoạn của những hiện tượng áp vong, vong nhập để tìm mộ thì đến giờ, nhà nghiên cứu Nguyễn Phúc Giác Hải lại khẳng định, có thể chụp được ảnh cho vong. Theo giải thích của ông Giác Hải, trước đây, do chúng ta dùng máy ảnh film 100ASA (chụp thể thao cũng chỉ tối đa đến 300ASA) có độ nhạy sáng thấp nên rất khó chụp ảnh vong. Tuy nhiên, phải rửa ảnh ra thì mới biết được.
Hình ảnh: Sự thật về những bức ảnh chụp vong (Kỳ 1) số 1Nhà nghiên cứu Nguyễn Phúc Giác Hải bên chồng ảnh người âm đã chụp và sưu tập
Đợt đi công tác cùng Trung tâm Nghiên cứu tiềm năng con người từ Hà Nội vào Đà Lạt, sau khi dự hội thảo xong, Ban Tổ chức có bố trí cho đoàn công tác tham quan “ngôi nhà ma” nổi tiếng trên đèo Prenn. Hôm đó thời tiết hơi ẩm, ông Hải dùng máy ảnh chụp lại toàn bộ ngôi nhà, mục đích chỉ để lưu niệm. Hôm sau, ông có đưa phim cho một nhân viên văn phòng đem rửa ảnh để tặng mọi người. Kiểm tra lại thì ông phát hiện ra một tấm ảnh có vòng tròn màu trắng lốp bằng đầu ngón tay dưới góc bức ảnh. Nhà ngoại cảm Dương Mạnh Hùng nhìn bức ảnh và reo lên: “Chú Hải, chú đã chụp được một linh hồn”.
Rất may mắn rằng, trước chuyến đi công tác này, có một nhà ngoại cảm khác đã tặng ông một bức ảnh chụp hiện trường của một vụ tai nạn giao thông cũng xuất hiện những vòng tròn sáng tương tự như vậy và nhà ngoại cảm Nguyễn Ngọc Sơn cũng từng gửi cho ông Hải bức ảnh có hai vòng tròn sáng trên tường. Họ đều cho rằng, những vòng tròn sáng đó là một dạng thức của vong hồn xuất hiện. Ông Hải khẳng định: “Tôi là Ủy viên Ban Chấp hành Hội Thiên văn Vũ trụ Việt Nam nên những trò kỹ xảo của máy ảnh liên quan đến tính chất vật lý tôi quá hiểu. Thế nên tôi khẳng định, những bức ảnh mà tôi có trong tay không phải là do lỗi máy ảnh hay có sự tác động kỹ thuật từ bên ngoài”.
Hình ảnh: Sự thật về những bức ảnh chụp vong (Kỳ 1) số 2
Bức ảnh ma nổi tiếng chụp ở Đồ Sơn
Từ những sự việc này, ông Hải quyết định bỏ đoàn ở lại ngôi nhà ma Đà Lạt thêm một ngày nữa để chụp ảnh. Ông chụp liên tiếp nhiều tấm ảnh ở nhiều góc và nhiều tiêu cự thì thấy những vòng tròn sáng xuất hiện ở những vị trí khác nhau. Từ đó, ông Hải càng thêm chắc chắn: Những vòng tròn sáng đó không phải là do lỗi ống kính.
Về Hà Nội, ông Hải giở lại tấm ảnh photocopy từ Báo Lao Động năm 2009 ra xem và quyết định tìm đến hiện trường vụ tại nạn trên đường Phạm Hùng để tìm hiểu thông tin. Vụ việc được thuật lại như sau: Buổi tối, khoảng 20h, có hai xe máy đi cùng chiều va vào nhau gây tai nạn. Cả hai người điều khiển xe đều ngã ra đường nhưng một người chỉ bị xây xát nhẹ nên đi về ngay còn người kia đau hơn nên phải ngồi lại. Mãi đến đêm, người ta vẫn thấy anh này ngồi đó mà không đứng dậy đi về. Đám công nhân ở công trường gần đó thấy vậy nên gọi cấp cứu 115. Tưởng mọi việc đã xong nhưng sáng hôm sau vẫn thấy anh ta ngồi bất động tại đó. Đưa anh ta vào đến viện thì đã quá muộn, các bác sĩ bảo rằng nếu đưa anh ta vào sớm hơn thì có thể cứu sống. Theo quan niệm dân gian thì anh ta bị chết oan.
Theo ông Hải, có một điều đặc biệt, bức ảnh đăng trên Báo Lao động là do công an đến đo đạc hiện trường chụp lại, thế nên những vòng tròn sáng xuất hiện trong bức ảnh này không thể là do dàn xếp. Vòng tròn sáng kia có thể là linh hồn của nạn nhân xấu số vì người chết oan linh hồn thường khó siêu thoát.
Để kiểm tra lại việc này, ngay tối hôm đó, ông Hải một mình mang máy ảnh, máy quay trở lại hiện trường. Ông dùng máy quay để quay phim và dùng máy ảnh chụp lại hiện trường trong đêm tối. Kết quả làm ông bất ngờ, trong một bức ảnh có xuất hiện một vòng tròn sáng đúng vị trí người thanh niên xấu số ngồi lại sau vụ tai nạn.
Từ những căn cứ này, ông Hải tiếp tục đến những địa điểm khác nhau, là những nơi dễ dàng xuất hiện những vòng tròn sáng nhất để chụp ảnh. Lần lượt là Nhà tang lễ Bệnh viện 108, Nhà tù Hỏa Lò, Chợ 19/12, cầu Niệm (Hải Phòng), Nghĩa trang Văn Điển, sông Tô Lịch, các điểm đen giao thông và rất nhiều đền chùa khác. Phương pháp của ông là chụp liên tiếp nhiều tấm ảnh cùng thời điểm để so sánh. Kết là là đã có rất nhiều tấm ảnh xuất hiện những vòng tròn kỳ lạ tại những vị trí khác nhau. Và ông khẳng định, đó chính là những vong hồn người đã chết còn tồn tại.
Vòng tròn có phải là vong?
Câu chuyện chụp được ảnh vong không dừng lại ở đó. Đã có rất nhiều giai thoại ly kỳ được nhiều nhà ngoại cảm chứng kiến và kể lại. Trong cuộc gặp gỡ, Thiếu tướng Chu Phác đã cho chúng tôi xem một bức ảnh khổ lớn có hình mặt người khá rõ. Theo thiếu tướng Chu Phác, bức ảnh này do chính ông chụp lúc 11h10, ngày 30/3/2000 tại Trại tạm giam Phú Lương, xã Sơn Cẩm, TP Thái Nguyên. Lúc đó ông cùng gia đình cố GS.VS Nguyễn Văn Đạo (ĐH QGHN) đi tìm mộ thân phụ ông Đạo là Nguyễn Văn Nguyên.
Hình ảnh: Sự thật về những bức ảnh chụp vong (Kỳ 1) số 3
Nhà nghiên cứu Nguyễn Phúc Giác Hải tại ngôi nhà ma Đà Lạt
Cụ Nguyên sinh ngày 20/8/1901, mất ngày 20/11/1955 do bị bắt oan sai và mất trong trại tạm giam này. Khi đi tìm mộ, người phụ trách trại giam thời đó đã chỉ cho gia đình chỗ chôn cụ. Sẵn máy ảnh trong tay, ông Phác đã chụp đám cỏ xanh trên phần mộ cụ. Lúc đó xác của cụ được chôn dưới đất khá sâu. Khi về nhà rửa ảnh, tự nhiên khuôn mặt cụ hiện ra khá rõ trên tấm ảnh. Gia đình cụ nhìn thấy khuôn mặt này đều rất bất ngờ.
Thiếu tướng Chu Phác cũng cho chúng tôi xem một tấm ảnh người ta gửi đến cho ông qua thư điện tử, trường hợp một người đi tìm mộ liệt sĩ của nhà mình, khi chụp vào chỗ hài cốt được lộ ra thấy hiện hình một số liệt sĩ đang nằm ở đó với tư thế trạng thái đang chết đội mũ tai bèo và những khuôn mặt rất rõ nét.
Hình ảnh: Sự thật về những bức ảnh chụp vong (Kỳ 1) số 4
Ly kỳ hơn nữa, đầu tháng 2/2010, thông tin nhà ngoại cảm Nguyễn Ngọc Hoài đã chụp được bức ảnh của một linh hồn liệt sĩ mới được quy tập từ nước bạn Lào cũng gây bàng hoàng dư luận. Đó là liệt sĩ Lương Xuân Tách, có giấy báo tử cho gia đình vào năm 1971.
Liệt sĩ Tách có người con duy nhất là anh Lương Đoàn Mạnh. Anh Mạnh đã nhiều lần đi tìm mộ cha mà không được. Vào năm 2009, anh gặp được nhà ngoại cảm Nguyễn Ngọc Hoài. Sau khi có thêm một số thông tin từ đồng đội của liệt sĩ cho biết, thì liệt sĩ hy sinh tại Xiêng Khoảng, Lào, nhưng địa điểm cụ thể thì không rõ.
Chị Hoài đã chỉ dẫn ra địa điểm hài cốt của liệt sĩ Tách. Lần này chị Hoài đề nghị gia đình mời anh Quân, nhà ở Mạo Khê, người có khả năng gọi được linh hồn người đã khuất hiện hình lên chiếc điện thoại cầm tay của anh ta để thân nhân chụp lấy ảnh người quá cố, bởi gia đình cũng không có ảnh để thờ.
Hình ảnh: Sự thật về những bức ảnh chụp vong (Kỳ 1) số 5
Tại nơi có hài cốt liệt sĩ Tách mà chị Hoài chỉ dẫn, anh Quân nói đã trông thấy liệt sĩ và nói rằng chỉ có chị Hoài là chụp được ảnh liệt sĩ. Kỳ lạ thay khi hình ảnh liệt sĩ hiện lên điện thoại của anh Quân, mấy chiếc máy ảnh chĩa vào nhưng chỉ mình chiếc điện thoại di động của chị Hoài là chụp được ảnh. Khi mang tấm hình về quê, mọi người trong họ hàng đều xác nhận, người trong bức ảnh đúng là Liệt sĩ Lương Xuân Tách.
Một bức ảnh nữa cũng nổi tiếng không kém là bức ảnh người không đầu ở Đồ Sơn, Hải Phòng. Chủ nhân của bức ảnh lạ là anh Hoàng Khánh Duy, 26 tuổi ở Hà Nội. Trong chuyến đi chơi Đồ Sơn cùng với bạn bè vào tháng 6/2007, anh Duy đã chụp rất nhiều ảnh. Nhưng phải sau đó rất lâu, anh phát hiện bức ảnh chụp vào đêm cuối kỳ nghỉ, xuất hiện một bóng người mờ ảo, không đầu đứng giữa đường ở cuối bãi tắm 3.
Trong khi đó, cảnh vật xung quanh từ đường phố, xe cộ, quán xá… đều rất rõ nét. Đây chỉ là bức ảnh chụp tình cờ chỉ khi xem lại ảnh chủ nhân của nó mới phát hiện ra.
Nhận xét về bức ảnh lạ của anh Duy, có ý kiến khẳng định đây là ảnh ma nhưng cũng có ý kiến cho rằng bức ảnh chỉ là sản phẩm của phần mềm sửa ảnh photoshop
Tuy nhiên, khi kiểm tra thông số từ bức ảnh do anh Duy cung cấp, nhiều người am hiểu ảnh kỹ thuật số nói rằng, không thấy có dấu hiệu can thiệp của các phần mềm chỉnh sửa.
Hình ảnh: Sự thật về những bức ảnh chụp vong (Kỳ 1) số 6
Tuy chưa có điều kiện đưa ra kết luận cụ thể về trường hợp của bức ảnh lạ ở Đồ Sơn, nhưng từ góc độ tâm linh, ông Nguyễn Phúc Giác Hải cho rằng, nếu đúng là bức hình không chịu sự can thiệp của các phần mềm sửa ảnh, thì có thể coi đây là khoảnh khắc mà người chụp ghi hình được một dạng vật chất đặc biệt trong thế giới tâm linh.
Đem những vấn đề này đến hỏi ông ông Vũ Thế Khanh, Tổng giám đốc Liên hiệp UIA (Liên hiệp Khoa học Công nghệ Tin học Ứng dụng), ông Khanh cho biết,  nhiều nơi trên thế giới đã công bố một số bức ảnh trên các lâu đài cổ có “người âm” đang đứng. Thậm chí, có những bức ảnh rõ hoàn toàn các chi tiết của một con người.
Tại UIA cũng đã chụp được bức ảnh những chiếc thuyền buồm với nhiều đốm sáng xung quanh, hiện lên trên dòng sông Lam trong lễ cầu siêu cho các vong linh liệt sĩ. Cũng có nhiều nhà ngoại cảm đưa ra các hình ảnh mờ ảo, các vòng tròn và khẳng định đó là ảnh của người đã khuất.
Hình ảnh: Sự thật về những bức ảnh chụp vong (Kỳ 1) số 7
Trong cuốn “Sự sống sau cái chết” (Life after life) của Raymond A. Moody, một nhà gọi hồn hiện đại đã dẫn ra nhiều trường hợp những người đã trải qua trạng thái cận tử. Sau khi thoát chết và trở lại cuộc sống một số người đã kể rằng, họ đã biến thành một vòng tròn ánh sáng: “Khi tim tôi ngừng đập… tôi cảm thấy như mình là một quả bóng tròn hoặc một hình cầu nhỏ. Tôi không thể nào mô tả được nó”. Hoặc: “Tôi thoát ra khỏi thể xác của mình và tôi quan sát nó từ cự ly cách đó khoảng 10m, nhưng ở đó tôi vẫn có khả năng suy nghĩ giống như bình thường”.
Những tài liệu dẫn trên cũng phù hợp với quan điểm của một số nhà khoa học khác. Chẳng hạn TS. Boris Isakov, người Nga cho rằng, linh hồn là một thứ vật chất siêu nhẹ có thể chụp ảnh được. Nếu theo các quan niệm trên thì các vòng tròn ánh sáng sẽ là một trạng thái tĩnh của linh hồn.
Đến một lúc nào đó nó chuyển sang trạng thái động, tức là nó có thể biến một phần thành dạng mặt người hoặc toàn bộ cơ thể. Nó có thể giao tiếp với các linh hồn khác như lời kể của một người cận tử trong cuốn sách nói trên của Raymond A. Moody: “Tôi có thể trông thấy cánh tay từ nguồn sáng đó chạm vào tôi… và tôi đưa tay ra nắm lấy bàn tay ấy…”.
Raymond Moody cũng bố trí một phòng đặc biệt để cho người sống nhìn hình ảnh người chết qua một tấm gương. Gương có hình chữ nhật cao 1,22m, rộng 1,07m được đặt trong 1 góc phòng cao hơn mặt đất 0,915m.
Một chiếc ghế bành được đặt trước gương sao cho người ngồi nhìn gương thoải mái và chăm chú trong một thời gian kéo dài và không nhìn thấy hình của mình trong gương. Trước khi vào phòng gương, khách phải tập trung tư tưởng nhớ lại người đã chết, xem album, kỷ vật… sau đó được đưa vào phòng, tập trung ý nghĩ đến người đã khuất và kết quả rất nhiều người đã nhìn thấy hình ảnh người đã khuất.

Sự thật về những bức hình chụp ảnh vong (Kỳ 2)


Trên thực tế, đã có rất nhiều người bắt đầu tin vào những bức ảnh chụp vong. Tuy nhiên, ở một góc độ khác, nhiều chuyên gia thuộc những lĩnh vực khác nhau đã cùng lên tiếng cho rằng, đó thực ra chỉ là sự ngẫu nhiên chứ không có vong, hồn nào xuất hiện cả. Những lý giải của họ cũng rất đáng để chúng ta suy nghĩ.
Kỳ 2: Các chuyên gia lý giải
Trí não con người có thể bị "đánh lừa”!
Để tìm hiểu về những vòng tròn sáng xuất hiện trên những bức ảnh, chúng tôi tìm gặp Th.s Nguyễn Mạnh Quân, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu phát triển sức khỏe Thể – Tâm – Trí. Ông Quân khẳng định: “Ở nhiều nước trên thế giới, các nhà khoa học đã nghiên cứu làm rõ những vòng tròn sáng từ lâu rồi. Nhiều nhà khoa học đã lần lượt loại những vòng tròn trắng sáng ra khỏi chương trình nghiên cứu của họ. Đó hoàn toàn không phải là hình ảnh của người âm. Thế nên, nếu nói về những vòng tròn ấy, tôi cho rằng những nhà nghiên cứu Việt Nam không nên nghiên cứu thêm về nó nữa mà hãy giành cho những việc khác, có ý nghĩa hơn.
Đó là sự phản quang trong quá trình chụp ảnh có dùng đèn flash máy ảnh. Có thể chỉ một hạt bụi li li trong không gian, một giọt nước mưa, giọt sương khi gặp ánh sáng flash sẽ phản quang để ra những vòng tròn với muôn hình muôn vẻ.
Hình ảnh: Sự thật về những bức hình chụp ảnh vong (Kỳ 2) số 1
Người phụ nữ bí ẩn sau song sắt trong bức ảnh của Chris-topher Aitchison
Nói về những bức ảnh có hình người mờ ảo mà nhiều người cho đó là vong, những nhà khoa học Đức đã tập hợp hàng vạn tấm ảnh kiểu này. Sau khi phân loại, bỏ đi những tấm ảnh dàn dựng, chỉnh sửa bởi phần mềm máy tính, họ chọn ra được một vài tấm “nguyên gốc”, người chụp vô tình chụp được.
Nổi tiếng bậc nhất phải kể đến tấm ảnh người phụ nữ sau song cửa lâu đài Tantallon của nhiếp ảnh gia Christopher Aitchison. Tantallon là một lâu đài cổ ở Scotland đã đổ nát. Năm 2008, Christopher Aitchison đến đây và chụp được một bức ảnh lạ để rồi năm 2009, nó được bầu là bức ảnh ma có sức thuyết phục nhất thế giới. Khi rửa ảnh, nhiếp ảnh gia Christopher Aitchison bàng hoàng nhận thấy ở sau song sắt cửa sổ lâu đài – nơi mà ông nhớ rõ không hề có ai khi bấm máy, khoảng 15 giờ – hiện diện một phụ nữ cao tuổi bận trang phục cổ xưa, đang nhìn ra ngoài.
Dĩ nhiên, bức ảnh được “săm soi” rất kỹ để tìm kiếm dấu hiệu giả mạo, nhưng các chuyên gia khẳng định không hề có yếu tố kỹ xảo nào. Những người không tin vào ma quỷ lý giải rằng, hình ảnh người phụ nữ kia được tạo ra do hiệu ứng của ánh sáng giữa tường và song sắt.
Tuy nhiên, một tháng sau đó, bức ảnh ma thứ hai được công bố cũng tại lâu đài này. Nghe bàn tán về ảnh của Christopher Aitchison, gia đình Lamb (người Scotland) quyết định đưa ra bức ảnh hồn ma họ chụp được cũng ở chính lâu đài Tantallon, cũng vị trí này hơn 30 năm trước. Bà Grace Lamb chụp ảnh lưu niệm cho chồng cùng hai con, Paul và Kelly. Trong ảnh hiện lên hình dáng một phụ nữ, cũng ăn vận theo lối cổ xưa, cũng đứng ở song sắt cửa sổ nhìn ra ngoài.
Một tấm ảnh ma khác cũng nổi tiếng không kém là bức ảnh người đàn bà áo sậm màu ở lâu đài Raynham. Lai lịch của bức ảnh được kể lại như sau: Ngay từ đầu thế kỷ XVIII, lâu đài Raynham (được xây từ thế kỷ XVII tại Anh) đã được cho là bị ma ám. Rất nhiều người khẳng định đã nhìn thấy một thiếu phụ mặc váy áo màu nâu trong lâu đài, vì thế bóng ma này được gọi là Brown Lady. Người ta cho rằng, đó chính là linh hồn của Dorothy Walpole, nữ chủ nhân của lâu đài, do ngoại tình nên đã bị chồng là lãnh chúa Viscount Townshend nhốt trong một căn phòng kín, tách biệt khỏi con cái. Nhiều người cho rằng, bà đã bị chồng đẩy ngã xuống cầu thang và gãy cổ, dù thông báo chính thức là bà chết vì bệnh đậu mùa. Họ cho rằng, sau khi chết, linh hồn uất hận của Dorothy không siêu thoát được mà vẫn vất vưởng ở đây, không ít lần trêu ghẹo người sống.
Rất nhiều người “có vai vế” khẳng định từng nhìn thấy Brown Lady. Người đầu tiên là bà Robert Walpole, vợ của ông chủ lâu đài Viscount Townsend, thấy hồn ma này năm 1713. Tương truyền, chính vua Anh George IV cũng đã bị Brown Lady quấy rối khi nghỉ ngơi tại lâu đài này. Đang ngủ, nhà vua giật mình tỉnh dậy thấy người đàn bà áo nâu đang nhìn mình chằm chằm nên đã kinh hoàng bỏ đi ngay trong đêm.
Dịp giáng sinh năm 1835, hai người bạn của chủ lâu đài là Đại tá Loftus và Hawkins đến chơi và ngủ lại. Khi sắp đi ngủ, họ thấy hồn ma đứng ngay cạnh giường. Đêm sau, đại tá lại nhìn thấy hồn ma lần nữa. Ông mô tả hồn ma này vận đồ nâu, mắt không có tròng.
Một năm sau, Đại úy Marryat cùng hai người khách khi đến ở đây cũng “chạm trán” Brown Lady. Đại úy đang nói đùa với hai người kia rằng, họ nên mang súng đề phòng khi hồn ma quấy rối thì giật bắn mình khi thấy Brown Lady cầm nến lướt đến phía mình. Ông đã phản ứng với nỗi kinh hoàng theo lối nhà binh: vớ lấy súng bắn vào bóng ma. Dấu vết để lại đến ngày nay là những vết đạn in trên tường.
Chuyện về Brown Lady “lên cơn sốt” khi bức ảnh chụp ma ở đây được công bố. Nhà nhiếp ảnh Captain Provand đang chuẩn bị chụp bộ ảnh kiến trúc lâu đài tại tầng trệt thì Shira đột nhiên nhìn thấy một vầng sương mù dày đặc cuộn lại thành hình một phụ nữ mặc váy ở cầu thang. Shira vội vã gọi Captain đem máy đến chụp lại. Họ tin rằng, đây chính là bóng ma của tòa lâu đài.
Dĩ nhiên, những câu chuyện như thế này ở Việt Nam cũng có rất nhiều và thường xuyên được kể đi kể lại với nhau, được thêu dệt lên nhiều phần cho rùng rợn.
Nói về những bức hình này, Th.s Nguyễn Mạnh Quân cho rằng: Nếu chụp ảnh với những máy ảnh du lịch hay bằng điện thoại, để ý bạn sẽ thấy những hình ảnh thoáng qua khung hình vẫn được giữ lại cho bức ảnh. Đặc biệt là những máy ảnh tự động, khi bấm máy, đèn flash sáng lên nhưng lúc đó sự thật là máy ảnh chưa ghi hình ảnh, chỉ cần bóng người đi thoáng qua hoặc người được chụp chạy khỏi vị trí chụp thì sẽ tạo ra những bóng người mờ ảo?!
Với những bức ảnh dạng như bức ảnh của nhiếp ảnh gia Christopher Aitchison, Th.s Quân cho rằng, có thể trí não và thị giác chúng ta đang bị “đánh lừa”. Ví dụ khi chúng ta nhìn hình một đám mây, chúng ta có thể tưởng tượng ra rất nhiều hình ảnh khác nhau, có thể là mái tóc một cô gái, hình một con bò hay gương mặt của một bà lão. Tất cả là do khi chúng ta mặc định đám mây đó là hình gì, trí não chúng ta sắp xếp, huy động những hình ảnh đó để tưởng tượng nên. Điều này rất rõ ràng khi chúng ta phóng to hình những vòng tròn sáng được cho là vong để tưởng tượng ra đó hình như là một khuôn mặt người.
“Cá nhân tôi không phủ nhận hoàn toàn vấn đề tâm linh thể hiện qua một số tấm ảnh. Tuy nhiên, nếu đó chỉ là những vòng tròn sáng thì tôi khẳng định, chẳng có vong hồn nào ở đó hết. Các nhà nghiên cứu ở Việt Nam nếu vẫn còn mất thời gian quan tâm đến những vòng tròn ấy thì tôi thành thật khuyên các vị nên dừng lại, dành thời gian nghiên cứu những thứ có ích hơn” – Th.s Quân khẳng định.
Thực nghiệm trên máy ảnh
Trở lại vấn đề với những vòng tròn sáng, như để rõ ràng hơn nữa cho việc phủ định: những vòng tròn trắng sáng không phải là người âm, chuyên gia máy ảnh Mai Sỹ Xuân Lâm đã tiến hành một cuộc thực nghiệm ngay trên máy ảnh của anh.
Trước hết, anh Lâm khẳng định những vòng tròn sáng trắng có nhiều ý kiến cho rằng đó là do bụi là sai. Sự thật về những đốm sáng chẳng qua là một hiện tượng quang học rất bình thường khi có đủ 3 yếu tố: Nước, sương (giọt nước li ti từ cực nhỏ đến lớn như hạt mưa); kính (gương) hoặc thấu kính; ánh sáng.
Anh Lâm đã có một thời gian dài nghiên cứu về hiện tượng này và theo anh thì đến nay anh đã có rất nhiều kết luận để chứng minh về hiện tượng quang học này. Anh Hải khẳng định: 100% những đốm sáng trên không phải là linh hồn người âm.
Hình ảnh: Sự thật về những bức hình chụp ảnh vong (Kỳ 2) số 2
Bức ảnh gây sốt về Brown Lady
Theo anh Lâm, để tái hiện lại những vòng tròn sáng trên, trước tiên, cần có những giọt nước bám trên bề mặt kính (hoặc thấu kính máy chụp hình), có ánh sáng hắt ra từ phía xa. Khi điều chỉnh ống kính máy ảnh ra xa khỏi cảm biến ảnh (điều chỉnh tiêu cự), ở góc độ nào đó ta sẽ làm nhòe giọt nước thành một đốm sáng nhỏ mờ ảo. Tiếp tục chỉnh tiêu cự, những đốm sáng dần bị phóng to lên rất tròn và đều đặn.
Tùy vào góc độ của máy ảnh với giọt nước sẽ cho ra các hiệu ứng ánh sáng khác nhau và độ nhòe của giọt nước cũng khác nhau. Những đốm sáng to màu trắng và màu vàng là một hình phản chiếu của 1 giọt nước khác trong không trung bị đèn xe, hoặc đèn quảng cáo phản chiếu vào gương, đi qua thấu kính và đến cảm biến ảnh của máy chụp hình.
Cũng làm tương tự như thế, chúng ta có nhiều đốm sáng khác nhau với nhiều màu sắc khác nhau do phản chiếu của nhiều ánh đèn màu khác nhau.
Khi trời mưa bụi, các giọt nước mưa đã phản chiếu ánh sáng đèn đường, đèn flash vào hệ thấu kính của máy chụp hình và đến cảm biến ảnh. Các giọt nước mưa đã bị nhòe đi cứ như là các bông tuyết. Và khi chụp những tấm ảnh như thế, rất nhiều người cho rằng đốm sáng đó là linh hồn người âm.
Theo anh Lâm thì sự thật đây chỉ là những đốm sáng nhỏ, vậy để phóng to những đốm sáng này lên thì ta phải làm sao? Đó là thay đổi khoảng cách từ thấu kính đến cảm biến ảnh. Khi đó các chấm sáng này sẽ nhòe rộng ra và sẽ rất giống với mô tả linh hồn người âm. Vẻ kỳ ảo của những giọt nước với hiệu ứng ánh sáng đặc biệt đã khiến cho một số người tin đó là những linh hồn và tưởng tượng ra linh hồn ấy có cả mắt mũi và miệng.
Thậm chí, với nhiều người hình chụp cái mạng nhện lóa sáng bởi ánh đèn flash, cũng cho là “linh hồn” giăng ngang, dọc. Những ai đi dưới mưa, nước mưa rơi đầy kính thuốc, nếu đi đường buổi tối bất chợt bị đèn xe phía trước chói sáng vào mắt, ánh sáng xuyên qua giọt nước đến mắt. Khi đó chúng ta cũng thấy được những đốm sáng. Khi xem các phim quay cảnh buổi tối, trời mưa, nếu quan sát kỹ ta sẽ thấy rất nhiều đốm sáng này xuất hiện trong phim (dính trên kính xe hơi, phản chiếu qua gương chiếu hậu…).
Anh Lâm kết luận: Hiện tượng đốm sáng này dễ quan sát nhất khi trời chập tối đã sáng đèn đường hoặc có nhiều trăng sao, kính bị dính nước, hoặc trời mưa. Kết hợp với ánh sáng của trăng, sao, ánh đèn đủ màu sắc đã làm cho các đốm sáng có nhiều màu khác nhau.
Những vòng tròn sáng có những hình dạng khác nhau có thể do ánh sáng của trăng, sao có màu trắng, đèn cúng, đèn trang trí màu xanh, màu vàng thì các đốm sáng ấy cũng có màu tương tự. Khi các đốm sáng quá mờ bởi zoom ống kính máy ảnh lớn thì nó lại có màu xám chỉ vì… thiếu sáng. Còn khi chụp với flash, các đốm sáng ấy sẽ xuất hiện thường xuyên hơn và nhiều hơn, cũng chỉ do phản xạ ánh sáng vào giọt nước mà thôi. Đôi khi vô tình chụp vào những giọt sương li ti đọng trên lá cây thì hiệu ứng ánh sáng này cũng sẽ xảy ra.
Trong trường hợp có đốm sáng vào ban ngày, chẳng qua đó là do ánh sáng phản chiếu sáng hơn nguồn sáng môi trường nên tạo ra hiện tượng này. Anh Lâm cho rằng, anh đã ứng dụng hiệu ứng ánh sáng này để khám phá ra rất nhiều điều kỳ thú. Anh đã biến một giọt nước, biến một cái kính lúp thường trở thành 1 loại kính hiển vi, webcam thành kính hiển vi điện tử.
Trở lại với những bức ảnh chụp ma, nhà nghiên cứu Nguyễn Phúc Giác Hải khẳng định khi chúng tôi hỏi về mục đích của đề tài ông đang theo đuổi: Chúng tôi chẳng có mục đích nào khác ngoài mục đích muốn chứng minh rằng, thế giới tâm linh tồn tại ở một dạng thức nào đó. Thế giới tâm linh không phải điều gì đó quá xa vời mà con người không chạm tới được. Và có thể, mọi người sẽ sống tốt hơn, lương thiện hơn.
Thực tế, cuộc tranh cãi có hay không sự tồn tại linh hồn sau cái chết sẽ còn kéo dài nữa mà chưa có câu trả lời rõ ràng. Tuy nhiên, cần quan tâm và cảnh giác với những người quá cuồng tín vào thế giới tâm linh mà trở nên dại dột, mù quáng.

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét