Thứ Tư, 25 tháng 3, 2015

HIỆN THỰC KỲ ẢO 66

(ĐC sưu tầm trên NET)

Cách đánh lừa cơ thể của não bộ mà chúng ta không hay biết

 Cùng hiểu hơn những trường hợp não bộ và giác quan trong cơ thể "đánh lừa" cảm giác của chúng ta.
Cơ thể con người là một khối thống nhất của vô số các bộ phận cấu thành phức tạp. Não bộ, những giác quan và bộ phận của cơ thể hoạt động phối hợp nhằm phản ánh lại và giúp con người có phản ứng thích hợp trước tình huống ở thế giới bên ngoài. 

Tuy nhiên, hệ thống này cũng không hoàn hảo. Đôi lúc, hệ thống cũng xuất hiện lỗi và khi đó, bạn sẽ có cảm giác như bị chính cơ thể mình “đánh lừa” vậy.

1. Ảo giác

Nhà nghiên cứu khoa học thần kinh nhận thức của trường ĐH Geneva, Alexandre Pouget cho biết: “Bộ não con người liên tục tạo ra các dự đoán về thế giới xung quanh và phản ánh lại cho hệ thống cảm giác. Chính vì thế mà bạn nhìn nhận, diễn giải thế giới khách quan theo dự đoán của mình”. 

Ta có thể lấy một ví dụ như sau: nếu bạn đang đi bộ vòng quanh khu nhà và thấy một người tiến đến phía bạn. Bộ não sẽ ngay lập tức bắt đầu tính toán khả năng và đoán biết xem nhân thân của người đó là như thế nào.

Đó là lý do mà nhiều người sẽ nghĩ người này là một người hàng xóm thay vì một người bạn ở xa. Trong hầu hết các trường hợp tương tự, bạn sẽ dự đoán đúng. 

Theo Pouget, nhiều người tin, chúng ta sẽ nhìn vào một khuôn mặt để tìm ra danh tính một người nhưng trên thực tế thì bộ não đã dự đoán điều này một cách logic.



Dự đoán của bộ não cũng ảnh hưởng đến con người khi ta áp dụng nó trong ảo giác quang học. Hãy chú ý vào bức ảnh trên hình. 

Do độ dài và sự thu hẹp dần của những đường màu đen mà ta thường liên tưởng đến đoạn đường ray tàu. Cùng với dự đoán này, con người sẽ tự động cho rằng đường màu vàng nằm phía cuối đường dài hơn đường nằm phía trước. Nhưng sự thật là, hai đường thẳng này hoàn toàn bằng nhau.

2. Kí ức giả

Chúng ta thường nghĩ kỷ niệm là những cuốn băng thực tế ghi lại kí ức. Nhưng một số nghiên cứu lại cho rằng, mỗi lần chúng ta nhớ lại một kí ức, chúng có thể đã bị biến dạng.

Oliver Hardt - nhà nghiên cứu tại Trung tâm nhận thức và hệ thần kinh thuộc trường ĐH Edinburgh cho rằng: “Khi bạn kể lại một kí ức nào, rất có thể nó đã bị biến dạng, trở nên giả dối. 

Bởi lẽ bất cứ yếu tố nào của môi trường xung quanh bạn tại thời điểm kể chuyện đều có thể tác động đến tính chân thực của kí ức đó”. 

Một minh chứng cho điều này là việc có vô số người đã phải vào tù oan khi bị các nhân chứng nhận diện. Kết quả kiểm chứng DNA lại chỉ ra, những người đó thực sự trong sạch.

3. Hội chứng nhạc trong tai

Neil Bauman - giám đốc trung tâm trợ giúp người khiếm thính đã ghi nhận hơn 1.500 ca bệnh mắc hội chứng “nhạc trong tai”. Người bệnh sẽ nghe thấy những bản nhạc chỉ xuất hiện trong đầu của họ mà không ai khác nghe thấy. 

Ông giải thích hiện tượng này là do âm thanh từ kí ức của người bệnh theo cách nào đó đã tự phát ra trong đầu họ. Bộ não nhận được tín hiệu này và mặc định âm thanh đó là thật, được nghe thấy bởi tai.


Nhiều bác sĩ tâm lý thường không nhận diện được hội chứng này. Nhiều người cười và cho rằng, bệnh nhân của họ đơn giản là có vấn đề nên viết cho họ đơn thuốc điều trị bệnh tâm thần. 

Trên thực tế, bệnh nhân cần được điều trị một cách nhạy cảm hơn. Sự kỳ thị cần phải được loại bỏ thì  mới có thể hiểu thêm về hội chứng lạ kỳ này.

4. Hội chứng ảo giác Charles Bonnet

Hội chứng này có thể được coi là phiên bản thị giác của hội chứng nhạc trong tai và thường xảy ra ở giai đoạn đầu của quá trình mất thị lực. 

Theo đó, người bệnh sẽ thường “nhìn thấy” thứ không có, ví dụ như hình ảnh trang trại hiện lên trên bức tường hay bóng ma lượn lờ...

Giống như hội chứng nhạc trong tai, hội chứng ảo giác Charles Bonnet có thể rất đáng sợ đối với nhiều người vì họ dễ dàng nghĩ rằng bản thân đang mắc bệnh tâm thần. 

Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu cho rằng hiện tượng này đơn giản chỉ là bộ não đang lấp đi chỗ trống của việc mất thị lực bằng các hình ảnh được lưu trữ trong não.

5. Cơn đau chi giả

Hiện tượng này thường xảy ra ở những người bị mất đi các chi do bị tai nạn hay các bệnh nhân bị tổn thương tủy sống. Đó còn được gọi là những cơn đau “ma”. Khi đó, người bệnh thường cảm thấy đau ở những vùng tay hoặc chân mà trên thực tế đã mất đi.

Nỗi đau này trước đây từng được giả định là một vấn đề về tâm lý. Tuy nhiên các chuyên gia ngày nay lại đổ lỗi cho tủy sống và não. 


Các dây thần kinh được sử dụng trước đây nhằm truyền tín hiệu từ các chi về cho não bây giờ lại gây ra những cơn đau. Các cơn đau này thường khác nhau tùy vào tình trạng từng bệnh nhân. 

(Nguồn: Livescience, Wikipedia)

Tìm hiểu 7 khả năng kì lạ tới quái dị của con người

Trên thế giới, luôn luôn xuất hiện những người có khả năng đặc biệt...
1. Khả năng "siêu nếm"

Đúng như tên gọi, người "siêu nếm" là những người có thể cảm nhận được hương vị tốt gấp nhiều lần người bình thường. Với cấu tạo lưỡi nhiều gai hình nấm (vùng cảm nhận vị giác), khiến lưỡi có phản ứng mạnh mẽ hơn với những vị khác nhau, đặc biệt là vị đắng. Theo tính toán, khoảng 25% dân số thế giới có khả năng này.


Vì sự phản ứng có phần “dữ dội” đối với hương vị nên những người “siêu nếm” thường không thích một số loại đồ ăn nhất định, đặc biệt những loại có vị đắng, như cà phê, mướp đắng…

2. Khả năng "siêu thính"

Khả năng này không phải giúp cho họ nghe những âm vực đặc biệt, mà đây là khả năng xác định một cách chính xác và ghi lại giai điệu mà không cần một dụng cụ hay tài liệu nào hỗ trợ.

Những người có khả năng này xác định được âm vực từ những âm thanh rất bình thường (tiếng còi, còi báo động, tiếng động cơ…), đồng thời có thể hát, đọc tên chính xác những nốt nhạc, tên hợp âm dù mới nghe lần đầu.

Các nhà khoa học đã đưa ra những ý kiến khác nhau về khả năng này. Một số người cho rằng, đây là khả năng di truyền. Số khác lại nghĩ nó có thể đạt được qua rèn luyện, đặc biệt là sự tiếp xúc với âm nhạc. Điều này giống như việc trẻ con có thể nhận biết và ghi nhớ màu sắc phụ thuộc vào mức độ tiếp xúc với nó.

Theo ước tính, ở Mỹ và châu Âu, chỉ 3% người có khả năng nghe tuyệt đối, 8% trong số họ là nhạc sĩ bán chuyên và chuyên nghiệp. Tuy nhiên, ở các học viện âm nhạc tại Nhật Bản, 70% nhạc sĩ có khả năng này. Lý giải cho sự chênh lệch trên, các nhà khoa học cho rằng, thính giác tuyệt đối phổ biến hơn với những người lớn lên tại môi trường nói tiếng có âm (tiếng Quảng Đông, Quan Thoại, và Tiếng Việt) hoặc nhiều âm vực (tiếng Nhật). Ngoài ra, những người bị mù bẩm sinh, mắc hội chứng William (chứng rối loạn thần kinh), hay rối loạn tự kỉ đều dễ có được khả năng này.

3. Khả năng định vị bằng tiếng vang

Khả năng này xuất hiện nhiều nhất ở loài dơi - chúng phát ra tiếng, tiếp nhận dao động phản hồi để xác định vị trí và khoảng cách của sự vật. Thế nhưng, con người cũng có thể làm được dù phải mất một thời gian khá lâu để thành thạo.


Những người có được khả năng này chủ yếu là người mù. Để thực hiện, họ chủ động tạo ra âm thanh (bằng nhiều cách khác nhau như tặc lưỡi, gõ gậy…), rồi cảm nhận âm thanh phản hồi mà xác định những vị trí, kích thước và độ dày của sự vật. Tuy vậy, con người không thể nghe được những âm thanh có tần số cao như dơi và cá heo nên chúng ta chỉ có thể cảm nhận được sự vật lớn hơn rất nhiều so với những loài vật có khả năng trên.

4. Gen quái vật (Chimera)

Trong truyện Iliad (thần thoại Hy Lạp), nhà thơ Homer có mô tả về một sinh vật mang nhiều bộ phận của những loài khác nhau - đuôi rắn, mình dê, đầu sư tử - tên là Chimera. Các nhà khoa học đã lấy tên này để đặt cho một loại gen có đặc điểm tương tự.

Gen Chimera xuất hiện ở người và động vật khi 2 trứng cùng được thụ tinh, tạo thành hợp tử. Mỗi hợp tử lại mang ADN của cha mẹ, do đó mang 2 cấu hình gen khác nhau. Khi chúng hợp nhất thành phôi thai, mỗi hợp tử vẫn mang đặc điểm di truyền của nó. Vì thế, nó mang đặc điểm gen của cả 2, dẫn đến tạo thành một ADN khác biệt. Gen Chimera thường xuất hiện trong các cặp song sinh, nhưng hiếm khi xuất hiện ở người. Trên thế giới hiện nay, ước tính có khoảng 40 trường hợp xảy ra.

Việc xét nghiệm ADN sẽ cho biết mối quan hệ sinh học giữa bố mẹ và con cái. Những người có gen Chimera sẽ mang hệ miễn dịch cho cả hai quần thể gen riêng biệt trong cơ thể. Vậy nên, họ có nhiều sự lựa chọn hơn cho việc cấy ghép nội tạng so với người thường.

5. Cảm giác kết hợp (Synesthesia)

Synesthesia có nghĩa là cảm giác đi kèm. Đây là một vấn đề liên quan đến thần kinh nhưng nó không gây ảnh hưởng đến khả năng của con người. Những hiện tượng cảm giác chữ cái hoặc số có màu sắc nhất định, hay khi nghe thấy từ ngữ lại cho hương vị nhất định ở lưỡi chính là Synesthesia. Khi tác động đến một giác quan, cơ thể cho phản xạ không điều kiện ở một giác quan khác. Những người có cảm giác kèm có sức sáng tạo vượt trội so với người bình thường.

Cảm giác kết hợp thường thấy là âm thanh - màu sắc, hay chữ cái - con số, biểu tượng – màu sắc. Ước tính cho thấy, cứ 23 người lại có 1 người có cảm giác kèm. Một số người nổi tiếng cũng có cảm giác kèm như nhà văn Vladimir Nabokov, nhà soạn nhạc Olivier Messiaen, nhà khoa học Richard Feynman.

6. Khả năng "siêu tính nhẩm"

Cái tên nói lên tất cả, đây là khả năng tính nhẩm những phép tính với con số lớn mà không cần dùng máy tính hay các dụng cụ hỗ trợ khác. Tuy nhiều người qua quá trình rèn luyện có thể thực hiện trong đầu những phép tính lớn với tốc độ cực nhanh (chủ yếu là các nhà toán học, ngôn ngữ học), nhưng cũng tồn tại số người khác có khả năng đặc biệt này do bẩm sinh. Phần lớn những người này mắc “hội chứng bác học” - hội chứng rối loạn phát triển, có một hoặc nhiều khả năng, chuyên môn vượt trội (ước tính 50% trong số họ mắc chứng tự kỉ).

Trong số các nhà bác học trên thế giới, có ít hơn 100 người được công nhận là phi thường, những nhà bác học tự kỉ với khả năng siêu tính nhẩm còn ít hơn. Một nghiên cứu gần đây cho rằng, lưu lượng máu lưu thông đến phần não bộ chịu trách nhiệm tính toán lớn hơn gấp 6 đến 7 lần bình thường là một trong những yếu tố giúp việc tính nhẩm nhanh hơn rất nhiều so với người bình thường.

7. Tế bào vĩnh cửu

Cho đến nay, trên thế giới mới ghi nhận được một trường hợp duy nhất có tế bào vĩnh cửu (tế bào có thể phân chia vô hạn bên ngoài cơ thể), đó là người phụ nữ  mang tên Henrietta Lacks.

Vào năm 1951, Lacks chết vì ung thư cổ tử cung, một bác sĩ phẫu thuật đã lấy một mẫu tế bào từ khối u của cô đưa cho giáo sư George Gey và được vị giáo sư này nhân giống mẫu mô thành dòng tế bào vĩnh cửu - dòng tế bào HeLa. Các tế bào từ khối u của Lack có một phiên bản tích cực của enzim telomerase (một cơ chế về tuổi và sự già đi của tế bào), đồng thời phân chia một cách bất thường. Vào ngày Henrietta Lacks chết, giáo sư Gey thông báo với toàn thế giới về sự bắt đầu một thời đại nghiên cứu y học mới nhằm tìm cách chữa bệnh ung thư.

Tế bào HeLa được Jonas Salk sử dụng vào năm 1954 để chữa chứng bệnh bại liệt. Kể từ đó, tế bào HeLa được ứng dụng rộng rãi trong việc nghiên cứu ung thư, AIDS, sự ảnh hưởng của bức xạ, chất độc và cho bản đồ gen.

Ngày nay, các tế bào HeLa thực sự rất phổ biến trong các phòng thí nghiệm, thậm chí có nhiều tế bào HeLa hơn cả khi Henrietta Lacks còn sống. Có vẻ thiếu công bằng khi Lacks không bao giờ được thông báo về những đóng góp tế bào của cô mang lại, thậm chí, mãi tới năm 1990, gia đình cô mới được biết về việc tế bào của cô được sử dụng cho nghiên cứu.
Theo
Hồng Đức / Hồng Đức

10 sự thật "thú vị lẫn kinh hoàng" về cơ thể bạn

Đọc để hiểu hơn về cơ thể mình nhé!
Cơ thể con người là một cỗ máy kỳ diệu. Các cơ quan hoạt động một cách nhịp nhàng và chính xác. Hôm nay, chúng mình hãy khám phá 10 điều thú vị về cơ thể nghen!

1. Làn da có tận bốn màu sắc

Vốn dĩ, da con người đều có màu trắng kem. Để “tạo nên” các màu sắc khác nhau, sắc tố da sẽ "bổ sung" một chút màu vàng, màu đỏ hồng, được tạo thành bởi những mạch máu dưới làn da. Thêm vào đó, các sắc tố melanin, được tổng hợp khi da tiếp xúc tia cực tím có trong ánh nắng, góp cho da sắc đen. Mật độ melanin phụ thuộc vào chủng tộc cũng như điều kiện nơi ta sống. Tất cả các màu sắc này hòa trộn và tạo nên màu da của mỗi người.


Màu da chúng ta được tạo thành từ nhiều yếu tố khác nhau

2. Ngôn ngữ đặc biệt

Cười, khóc, hắt xì hay thậm chí là ngáp… là những tín hiệu giao tiếp đặc biệt của con người. Ví dụ, mỗi khi nghe thấy tiếng cười, ta thường có xu hướng cảm thấy vui vẻ và cũng muốn nở nụ cười. Vì tiếng cười là một tín hiệu tác động vào vùng não kiểm soát nét mặt của chúng ta. Điều này tương tự với việc khóc, ngáp, hắt xì...


Tiếng cười là một công cụ giao tiếp đặc biệt.

3. Khi tiến hóa sơ suất

Bên cạnh ruột thừa, răng khôn cũng là bộ phận thừa mà quá trình tiến hóa chưa kịp đào thải “hộ” con người. Cách đây hàng triệu năm, răng khôn đã giúp tổ tiên chúng ta nhai thịt tốt hơn. Nhưng khi bộ não phát triển, xương hàm bị thu hẹp lại khiến răng khôn không có chỗ mọc. Thế là chúng phải chen chúc và mọc theo những hướng khác nhau, gây ra nhiều đau đớn và phiền phức.


Răng khôn mọc lệch gây ra những cơn đau khó chịu.

4. Những sợi lông vận chuyển

Các xoang hô hấp của chúng ta có rất nhiều những sợi lông li ti. Chúng liên tục rung động và đẩy chất nhờn từ khoang mũi xuống cổ họng nhằm giữ vệ sinh cho cơ thể. Vì thế, lợi ích của các lông ở hệ hô hấp không phải là che chắn, bảo vệ giống như "nhiệm vụ" của tóc, lông tay, lông chân... mà là vận chuyển giúp ích cho cơ thể.


Khi trời lạnh, hoạt động của các lông rung này kém hiệu quả đi. Hậu quả là các chất nhờn bị tích tụ trong khoang mũi và cơ thể buộc phải hắt hơi để thải chúng ra ngoài.

5. Nỗi buồn của tuổi dậy thì

Tuổi dậy thì thường kéo theo những phiền toái không chỉ về thể chất mà cả tâm lý. Ở giai đoạn này, teen thường cảm thấy mất tập trung, chán nản, dễ vui, dễ buồn vô cớ. Lý giải về điều này, các nhà khoa học cho biết hormone trong cơ thể chúng ta hoạt động đặc biệt mạnh mẽ trong tuổi dậy thì và nó đã tác động đến các nơron thần kinh trong não đấy!


Hormone gây ra những biến đổi tâm lý ở tuổi dậy thì.

6. Tế bào trứng dùng không hết

Buồng trứng của các teen girl trung bình có khoảng 34.000 tế bào trứng nhưng trong suốt cuộc đời thì chỉ có khoảng 350 trứng trưởng thành và rụng mà thôi, số còn lại đều tự tiêu hủy. Đến độ tuổi 40 - 50, chu kỳ kinh nguyệt sẽ dừng lại, có nghĩa bộ não không còn điều khiển việc rụng trứng nữa.


 Chỉ khoảng 1% trứng rụng trong suốt cuộc đời người phụ nữ.

7. Bộ não… ăn nhiều

Tuy chỉ chiếm 2% khối lượng cơ thể nhưng não bộ của chúng ta “tiêu hóa” đến 20% tổng khối lượng ôxy và calo hấp thu được. Ba động mạch não có nhiệm vụ thường xuyên bơm ôxy và chất dinh dưỡng nuôi não. Nếu hoạt động này bị dừng lại vì bất cứ lý do gì, vùng não bị “đói” có thể bị chết, dẫn đến những tổn thương không thể phục hồi.


Bộ não tiêu thụ 1/5 năng lượng của bạn.

8. Xương giúp điều hòa muối khoáng

Thực tế, rất ít người biết ngoài nhiệm vụ làm giá đỡ cơ thể, xương còn nhận trách nhiệm điều hòa canxi trong cơ thể.

Xương được cấu tạo bởi hai thành phần hóa học chính là phốt pho và canxi. Tuy nhiên, không dừng lại tại đó, canxi còn tham gia cấu tạo cơ và nơron thần kinh. Khi cơ thể bị thiếu canxi trầm trọng, canxi trong xương sẽ được phân giải một phần để san sẻ cho các bộ phận khác. Lúc đó, xương sẽ yếu đi. Đây là khoảng thời gian chúng ta rất dễ gặp chấn thương nếu không cẩn thận. Vì vậy, các bạn nhớ ăn uống đầy đủ để xương không phải “ôm đồm” quá nhiều nhiệm vụ nhé!


Những thực phẩm giàu canxi.

9. Khả năng nhớ bằng tư thế

Gần đây, các nhà khoa học đã phát hiện mối liên hệ giữa trí nhớ và tư thế của cơ thể. Họ chỉ ra rằng, ký ức con người luôn có mối liên hệ chặt chẽ với cảm nhận của các giác quan trong cùng thời điểm. Chẳng hạn, nếu một người đàn ông quỳ một chân xuống, anh ta sẽ nhớ được nhiều chi tiết hơn về lễ cầu hôn của mình.


Tư thế có thể gợi ta nhắc đến một kỷ niệm nào đó.

10. Chất độc trong dạ dày

Axit clohiđric (ký hiệu hóa học: HCl) là một axit mạnh, có khả năng ăn mòn nhiều kim loại, bao gồm cả sắt, thép. Thật khó có thể tưởng tượng rằng HCl luôn tồn tại trong dạ dày chúng ta, tham gia vào quá trình tiêu hóa. Nhưng bạn đừng lo, cơ thể chúng ta luôn có một lớp màng nhầy ngăn cách axit với thành dạ dày, đảm bảo mọi hoạt động diễn ra bình thường.


Axit clohidric là một phần của dịch vị dạ dày.
Theo
Quốc Trung / Quốc Trung

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét