Thứ Ba, 4 tháng 6, 2013

XUÂN THÌ TRẦN GIAN


(Mỹ nhân tự cổ như danh tướng
Bất hứa nhân gian kiến bạc đầu)

Bên con đường nhỏ
Có quán cà phê
Với lũ bàn ghế lè tè
Cập kênh, xiêu vẹo
Chẳng tuổi tên, bảng hiệu
Mượn vòm bông giấy nương thân
Thắm hồng, xanh mát quanh năm
Se sẻ chíu cha chíu chít

Bán quán là cô gái
Trinh nguyên như mai sớm đồng quê
Dịu dàng như ánh trăng khuya
Mắt nai mơ về cả trời thu diệu vợi
Những giọt nắng cứ vô tình len lỏi
Thấp thoáng, ảo huyền thần vệ nữ khỏa thân
Uyển chuyển đường tơ, rạo rực hương xuân
Tà áo bà ba cứ vô tình vẫy gọi
Lửng lơ hoài dấu hỏi
Nụ cười nàng Môna Lisa*
Cho mày râu ngẩn ngơ
Bứt tóc, vò đầu đoán mò bí ẩn
"Nàng là tuyết hay da nàng tuyết điểm
Nàng là hương hay nhan sắc lên hương"**

Ông tiên nào gieo hạt mầm yêu thương
Mà từ khô cằn, bạc màu, nắng cháy
Cuồn cuộn vươn lên, tỏa ngát vòm bông giấy
Cho người hiện về bày bán cà phê
Chút cõi mộng mơ giữa trần trụi bốn bề
Ốc đảo hiền lành ven đô thành dữ dội
Chút gió mơn man bên lề đường chang chang cát bụi
Cho người lại qua mát vợi chút mồ hôi

Hơn cả phấn son là sắc nước hương trời
Dục vọng đánh hơi, đua chen tìm đến
Khoe những trái tim chín thơm, đỏ thắm
Khoe những tóc râu phong nhã hào hoa
Ngồn ngộn bạc vàng, cung điện nguy nga
Hứa hẹn hồi môn chất chồng sông núi
Thề thốt ồn ào, căng phồng lá phổi
Để rồi lắc đầu, thất thểu ra đi
Ngơ ngác tình si!...

Bao nhiêu bình minh đã mãn thành hoàng hôn
Lụ khụ mỏi mòn đã bao nhiêu bàn ghế
Lũ lượt đến đi, biết bao đời trai trẻ
Mà quán cà phê cứ vẹn mãi sắc xuân
Giọt nắng ban mai cứ mê mẩn tâm hồn
Mắt nai mơ về cả trời thu diệu vợi
Tách cà phê mãi thơm lừng mời gọi
Vòm lá hoa nồng thắm mãi hồng nhan...

Thời gian quên nàng hay nàng là thời gian?
Còn chảy vô tư hỡi dòng sông năm tháng
Hay trước mỹ nhân cũng động lòng trắc ẩn
Lú lẫn ngừng trôi, sợ nàng bạc mái đầu?...


                                     Trần Hạnh Thu

 

Chú thích: *

Mona Lisa

Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
 
Mona Lisa, by Leonardo da Vinci, from C2RMF retouched.jpg

Mona Lisa (La Gioconda hay La Joconde, Chân dung Lisa Gherardini, vợ của Francesco del Giocondo ) là một bức chân dung thế kỷ 16 được vẽ bằng sơn dầu trên một tấm gỗ dương tại Florence bởi Leonardo da Vinci trong thời kì Phục Hưng Italia. Tác phẩm thuộc sở hữu của Chính phủ Pháp và hiện được trưng bày tại bảo tàng LouvreParis, Pháp với tên gọi Chân dung Lisa Gherardini, vợ của Francesco del Giocondo.
Bức tranh là một bức chân dung nửa người và thể hiện một phụ nữ có những nét thể hiện trên khuôn mặt thường được miêu tả là bí ẩn. Sự mơ hồ trong nét thể hiện của người mẫu, sự lạ thường của thành phần nửa khuôn mặt, và sự huyền ảo của các kiểu mẫu hình thức và không khí hư ảo là những tính chất mới lạ góp phần vào sức mê hoặc của bức tranh. Có lẽ nó là bức tranh nổi tiếng nhất từng bị đánh cắp và được thu hồi về bảo tàng Louvre. Ít tác phẩm nghệ thuật khác từng là chủ đề của nhiều sự chăm sóc kỹ lưỡng, nghiên cứu, thần thoại hoá và bắt chước tới như vậy.  Một sự nghiên cứu và vẽ thử bằng chì than và graphite về Mona Lisa được cho là của Leonardo có trong Bộ sưu tập Hyde, tại Glens Falls, NY. 

Bối cảnh
Bài chi tiết: Leonardo da Vinci

Tự hoạ của Leonardo da Vinci, vẽ bằng phấn đỏ trong khoảng 1512 và 1515
Da Vinci bắt đầu vẽ Mona Lisa vào khoảng năm 1503, trong Thời Phục hưng Italia và theo Vasari, "sau khi ông đã bỏ bẵng nó trong bốn năm, không hoàn thành…." Ông được cho là đã tiếp tục bức vẽ trong ba năm sau khi đã rời sang Pháp và hoàn thành nó một thời gian ngắn trước khi mất năm 1519. Da Vinci đã mang bức tranh từ Italia tới Pháp năm 1516 khi Vua François I mời nghệ sĩ tới làm việc tại Clos Lucé gần lâu đài của nhà vua tại Amboise. Có thể nhất là qua những người thừa kế của trợ lý của da Vinci là Salai,  nhà vua đã mua bức tranh với giá 4,000 écu và giữ nó tại Château Fontainebleau, nơi nó ở lại cho tới khi được trao cho Louis XIV. Louis XIV đưa bức tranh tới Cung điện Versailles. Sau cuộc Cách mạng Pháp, nó được đưa tới Louvre. Napoleon I chuyển nó tới phòng ngủ trong Cung điện Tuileries; sau đó nó quay trở lại Louvre. Trong thời kỳ Chiến tranh Pháp-Phổ (1870–1871) nó được chuyển từ Louvre tới một nơi cất giấu nào đó tại Pháp. 
Mãi tới giữa thế kỷ 19 Mona Lisa mới bắt đầu nổi tiếng khi các nghệ sĩ của phong trào Biểu tượng bắt đầu ca ngợi nó, và gắn nó với những ý tưởng của họ về sự bí ẩn của phụ nữ. Nhà phê bình Walter Pater, trong tiểu luận năm 1867 của mình về da Vinci, đã thể hiện quan điểm này bằng cách miêu tả nhân vật trong bức tranh như một kiểu hiện thân bí ẩn của nữ tính vĩnh cửu, người "già hơn những hòn đá mà bà ngồi lên" và người "đã chết nhiều lần và biết được những bí ẩn của nấm mồ."

Chủ đề và tên gọi

Mona Lisa là tên của Lisa del Giocondo,  một thành viên của gia đình Gherardini tại FlorenceTuscany và vợ của một thương nhân tơ lụa giàu có người Florence là Francesco del Giocondo.  Bức tranh được đặt hàng cho ngôi nhà mới của họ và để kỷ niệm ngày sinh của đứa con trai thứ hai, Andrea.
Danh tính của người mẫu đã được xác định chắc chắn tại Đại học Heidelberg năm 2005 bởi một chuyên gia thư viện người đã khám phá ra một đoạn ghi chú năm 1503 ngoài lề một cuốn sách do Agostino Vespucci viết.  Các học giả theo nhiều cách suy nghĩ, xác định ít nhất bốn bức tranh khác nhau là Mona Lisa và nhiều người là đối tượng của nó. Mẹ của Da Vinci, Caterina, trong một ký ức xa, Isabella của Naples hay Aragon, Cecilia Gallerani Costanza d'Avalos—người cũng được gọi là "merry one" hay La Gioconda,  Isabella d'Este, Pacifica Brandano hay Brandino, Isabela Gualanda, Caterina Sforza, tất cả đều đã được chính da Vinci đặt tên cho người mẫu.  Danh tính nhân vật ngày nay được cho là Lisa, vốn luôn là một quan điểm truyền thống. 
Một ghi chú ngoài lề trang sách của Agostino Vespucci từ tháng 10 năm 1503 trong một cuốn sách ở thư viện Đại học Heidelberg xác định Lisa del Giocondo là nguyên mẫu của Mona Lisa.
Tên bức tranh xuất phát từ một đoạn miêu tả của Giorgio Vasari trong cuốn tiểu sử da Vinci của ông xuất bản năm 1550, 31 năm sau khi nghệ sĩ qua đời. "Leonardo đã nhận vẽ, cho Francesco del Giocondo, bức chân dung Mona Lisa, vợ ông…."  (một phiên bản trong tiếng Ý: Prese Lionardo a fare per Francesco del Giocondo il ritratto di mona Lisa sua moglie).  Trong tiếng Italia, ma donna có nghĩa quý bà của tôi. Nó đã trở thành madonna, và cách viết gọn mona. Mona vì thế là một cách đề cập lịch sự, tương tự như Ma’am, Madam, hay my lady trong tiếng Anh. Trong tiếng Italia hiện đại, hình thức ngắn của madonna thường được đánh vần là Monna, vì thế cái tên thỉnh thoảng được đọc là Monna Lisa, hiếm trong tiếng Anh và phổ thông hơn trong các ngôn ngữ Romance như tiếng Pháp và tiếng Italia.
Khi ông mất năm 1525, trợ lý của da Vinci là Salai sở hữu bức tranh và gọi tên nó trong các giấy tờ riêng của mình là la Gioconda, nghệ sĩ đã di chúc để lại bức tranh này cho Salai. Theo nghĩa tiếng Italia là vui vẻ, hạnh phúc hay vui tươi, Gioconda là một tên hiệu của người mẫu, một sự chơi chữ theo hình thức giống cái của tên người chồng bà là Giocondo và tính tình của bà. Trong tiếng Pháp, cái tên La Joconde cũng có nghĩa kép như vậy.

Bí ẩn nụ cười Mona Lisa

Bức tranh nàng Mona Lisa của Leonardo da Vinci đã tạo cảm hứng cho rất nhiều nhà phân tích, từ nghệ thuật tới khoa học, từ phân tích quang học tới phân tích tâm lý học, hình thành hình ảnh "nụ cười Mona Lisa" trong văn học, đại diện cho một cái gì đó rất bí ẩn.
Khuôn mặt nàng Mona Lisa trong tranh khiến người ta không thể đoán định rằng nàng có đang cười hay không. Nhìn riêng đôi mắt, bạn sẽ thấy ánh lên rất nhiều ý vui, ý lạc quan, yêu đời. Nhưng nhìn thấp xuống khoé miệng, đôi môi, ta lại thấy nàng nghiêm nghị đến kỳ lạ. Trong cái miệng đó, ta lại thấy rõ sự hồi hộp, lo lắng trong cái nhếch mép cười. Bộ mặt Mona vừa cười, vừa nghiêm nghị đã trở thành đề tài bàn cãi trong rất nhiều các cuộc khẩu chiếnbút chiến.
Nhà sinh học thần kinh Margaret Livingstone của Đại học Harvard (Hoa Kỳ) cho rằng đó là do bản thân cảm xúc thị giác người xem: "Mỗi khi nhìn, bạn nhìn những chấm riêng rẽ, nhưng thị giác ngoại biên thì tập hợp chúng lại với nhau và trộn lẫn màu sắc, vì thế bạn chuyển động mắt chung quanh và tạo nên những thay đổi trong khi nhìn".
Christopher Tyler và Leonid Kontsevich của Viện nghiên cứu mắt Smith-Kettlewell ở San Francisco (Hoa Kỳ) đã điều chỉnh một bức ảnh kỹ thuật số được chụp lại từ bức tranh này, bằng cách bổ sung vào đó các nhiễu loạn thị giác – giống như những vết nhiễu trên một kênh tivi kém. Sau đó, họ yêu cầu 12 người quan sát đánh giá cảm xúc của nhân vật trên tranh, phân theo 4 bậc, từ buồn rầu tới hạnh phúc. Kết luận: hệ thống thị giác của chúng ta bị nhiễu bởi nhiều nguồn, như: số lượng photon ít nhiều đập vào các tế bào cảm nhận ánh sáng trong mắt, hoạt động sai lệch ngẫu nhiên của các sắc tố hấp thụ photon, và sự loé sáng ngẫu nhiên của các nơron có nhiệm vụ mang tín hiệu thị giác tới não.
Còn một điều nữa mà bây giờ ta vẫn chưa lý giải được đó là Lisa trong bức tranh không có lông mày và các mật mã trong mắt nàng

Đánh cắp và hư hại


Bức tường trống tại Salon Carré (Phòng Vuông), Louvre
Bức hoạ Mona Lisa hiện được treo tại Bảo tàng Louvre ở Paris, Pháp. Danh tiếng ngày càng tăng của bức hoạ còn lớn thêm khi nó bị ăn trộm ngày 21 tháng 8 năm 1911. Ngày hôm sau, Louis Béroud, một hoạ sĩ, đi vào Louvre và vào Salon Carré nơi bức tranh Mona Lisa đã được trưng bày trong năm năm. Tuy nhiên, nơi bức tranh Mona Lisa đáng phải có mặt, ông chỉ thấy bốn chiếc móc thép. Béroud liên hệ với người chỉ huy đội canh gác, ông này cho rằng bức tranh đang được đưa đi chụp ảnh hay cho các mục đích marketing. Vài giờ sau, Béroud kiểm tra lại với người chịu trách nhiệm khu vực đó của bảo tàng và sự việc được xác nhận rằng bức Mona Lisa không ở chỗ những nhà nhiếp ảnh. Bảo tàng Louvre bị đóng cửa một tuần để trợ giúp việc điều tra vụ trộm.
Nhà thơ Pháp Guillaume Apollinaire, người từng một lần kêu gọi "đốt cháy" Louvre bị nghi ngờ; ông đã bị bắt và tống giam. Apollinaire đã tìm cách làm dính líu tới người bạn của mình là Pablo Picasso, người cũng bị đưa tới thẩm vấn, nhưng cả hai người sau này đều được chứng minh là không liên quan. 
Ở thời điểm đó, bức tranh được cho là đã mất vĩnh viễn, và phải mất hai năm trước khi kẻ trộm thực sự bị phát hiện. Nhân viên bảo tàng Louvre Vincenzo Peruggia đã lấy trộm nó bằng cách xâm nhập toà nhà trong những giờ mở cửa, trốn trong một phòng để đồ và lấy trộm bức tranh rồi giấu nó trong áo khoác đi ra ngoài khi bảo tàng đã đóng cửa.  Peruggia là một người Italia yêu nước và ông tin rằng bức tranh của da Vinci phải được đưa quay trở lại trưng bày trong một bảo tàng của Italia. Peruggia cũng có thể có động cơ bởi một người bạn, người bán những bức tranh chép của tác phẩm này, việc mất tranh gốc sẽ làm những bức tranh chép tăng giá vùn vụt. Sau khi đã giữ bức tranh trong căn hộ của mình trong hai năm, Peruggia trở nên mất kiên nhẫn và cuối cùng bị bắt khi tìm cách bán nó cho những vị giám đốc của Uffizi GalleryFlorence; bức tranh được trưng bày trên khắp Italia và được trao trả về Louvre năm 1913. Peruggia được ca ngợi về lòng yêu nước ở Italia và chỉ bị tù vài tháng về tội này.
Trong Thế chiến II, bức tranh một lần nữa bị đưa khỏi Louvre và mang tới nơi an toàn, ban đầu là Château d'Amboise, sau đó là Loc-Dieu Abbey và cuối cùng tới Bảo tàng IngresMontauban. Năm 1956, phần dưới của bức tranh đã bị hư hại nghiêm trọng khi một kẻ phá hoại hắt axít vào nó.  Ngày 30 tháng 12 cùng năm ấy, một người Bolivia trẻ tuổi tên là Ugo Ungaza Villegas đã phá hoại bức tranh bằng cách ném một hòn đá vào nó. Việc này khiến bức tranh mất một mẩu màu gần khuỷu tay trái, chỗ này sau đó đã được vẽ lại.
Kính chống đạn đã được dùng để bảo vệ bức hoạ Mona Lisa sau những cuộc tấn công sau đó. Tháng 4 năm 1974, một phụ nữ tàn tật, bực tức vì chính sách của bảo tàng với người tàn tật, đã phun sơn đỏ vào bức tranh khi nó đang được trưng bày tại Bảo tàng Quốc gia Tokyo.  Ngày 2 tháng 8 năm 2009, một phụ nữ Nga, quẫn trí vì bị từ chối trao quyền công dân Pháp, đã ném một chiếc cốc hay chén trà bằng đất nung, mua tại bảo tàng vào bức tranh ở Louvre, làm vỡ mặt kính.  Ở cả hai trường hợp trên, bức tranh đều không bị hư hại.

Bảo tồn

Bức tranh Mona Lisa đã tồn tại trong hơn 500 năm, và một hội đồng quốc tế nhóm họp năm 1952 đã lưu ý rằng "bức tranh đang ở một tình trạng bảo tồn tốt." Điều này một phần nhờ kết quả của nhiều biện pháp bảo tồn đã được áp dụng với bức tranh. Một cuộc phân tích chi tiết năm 1933 bởi Madame de Gironde cho thấy những nhà bảo tồn ở giai đoạn đầu đã "hành động với sự cẩn trọng lớn."  Tuy thế, việc sử dụng véc ni được làm cho bức tranh đã làm nó tối đi thậm chí ngay từ cuối thế kỷ 16, và một cuộc vệ sinh và tái phủ véc ni quá tay năm 1809 đã làm mất một số thành phần trên cùng của lớp sơn, khiến một số phần sơn trên mặt nhân vật bị tẩy mất. Dù có những cuộc xử lý như vậy, Mona Lisa đã được bảo tồn tốt trong suốt lịch sử, và mặc dù sự cong vênh của tấm panel khiến những người quản lý có "một số lo lắng",  đội bảo tồn năm 2004-05 vẫn lạc quan về tương lai của tác phẩm.

             **

Bích Khê

Bách khoa toàn thư mở Wikipedia


Bích Khê
 
Bích Khê (1916-1946), tên thật là Lê Quang Lương ; là một nhà thơ nổi tiếng của Việt Nam thời tiền chiến. Ngoài bút hiệu Bích Khê, ông còn ký bút hiệu Lê Mộng Thu khi sáng tác thơ Đường luật.

Tiểu sử

Bích Khê sinh ngày 24 tháng 3 năm 1916 tại xã Phước Lộc, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi. Ông là con thứ chín trong một gia đình nho học yêu nước. Ông nội nhà thơ là Lê Trọng Khanh đỗ Cử nhân năm Tự Đức thứ 21 (1868), làm quan đến chức Viên ngoại lang Viện cơ mật. Trước tình hình nhà Nguyễn bất lực, hèn yếu, từng bước đầu hàng thực dân Pháp, ông cáo quan về nhà, rồi không bao lâu sau đã tuẫn tiết, để khỏi cộng tác với Nguyễn Thân đánh phá phong trào Cần Vương, khi viên quan thân Pháp này ép ông ra làm Tham biện sơn phòng Nghĩa – Định (Quảng NgãiBình Định). Cha nhà thơ là Lê Quang Dục, cũng đã từng tham gia phong trào Đông du và các hoạt động của Đông Kinh nghĩa thục hồi đầu thế kỷ 20,...
Thuở nhỏ, Bích Khê học tiểu học ở Phước Lộc và Đồng Hới, học trung học ở Huế, rồi ra Hà Nội học ban tú tài nhưng nửa chừng bỏ dở.
Năm 1931, 15 tuổi, ông đã biết làm thơ Đường luật, ca trù. Năm 1934, cùng người chị ruột tên Ngọc Sương vào Phan Thiết học thêm và mở trường dạy học tư. Năm 1936, chị Ngọc sương bị mật thám Pháp bắt, trường đóng cửa, Bích Khê trở lại quê nhà.
Năm 1937, bị bệnh phổi, sau khi điều trị trở về lên sống trên núi Thiên Ấn thuộc Quảng Ngãi, ông lại ngược xuôi trên một chiếc thuyền quanh các ngả Sa Kỳ - Trà Khúc. Năm 1938, ông lại cùng chị Ngọc Sương (khi ấy đã được thả) vào Phan Thiết mở trường dạy học, được vài năm lại bị chính quyền Pháp ra lệnh đóng cửa.
Năm 1941, Bích Khê dạy học ỏ Huế. Năm 1942, bệnh phổi tái phát, ông trở về Thu Xà thuộc xã Nghĩa Hòa, huyện Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi.
Ngày 17 tháng 1 năm 1946, Bích Khê lìa bỏ cõi đời và cõi thơ tại Thu Xà lúc 30 tuổi.

Tác phẩm

Trước khi đến với Thơ mới, một thời gian dài (1931-1936), Bích Khê đã viết ca trù, thơ Đường luật, và đăng trên các báo Tiếng Dân, Tiểu thuyết thứ Năm, Người mới...Sau 1937, ông chuyển hẳn sang làm “thơ mới” do sự tác động của Hàn Mặc Tử và chịu nhiều ảnh hưởng của nhà thơ vắn số này...
Các sáng tác của Bích Khê gồm:
  • Tinh Huyết (1939): tác phẩm duy nhất ra đời khi ông còn sống và rất được người yêu thơ chú ý.
Bốn tập thơ và một tập tự truyện chưa xuất bản, gồm:
  • Tinh Hoa (sáng tác từ 1938 đến 1944)
  • Mấy dòng thơ cũ (tập hợp khoảng 100 bài thơ đường luật đã đăng trên các báo từ 1931-1936)[2]
Người lưu giữ thơ Bích Khê đầy đủ nhất là thi sĩ Quách Tấn. Năm 1971, Quách Tấn viết và cho xuất bản cuốn Đời Bích Khê. Năm 1975, ông cho in Thơ Bích Khê (Nxb Nghĩa Bình, 1988) và Bích khê tuyển tập (Hà Nội, 1988)...

Quan niệm sáng tác

Không có tuyên ngôn, nhưng trong tập Tinh huyết, các bài như: Mộng cầm ca, Đôi mắt, Xuân tượng trưng, và đặc biệt là bài Duy tân  thể hiện khá rõ quan niệm sáng tác thơ của Bích Khê, trích:
Đường kiến trúc nhịp nhàng theo điệu mới
Của lời thơ lóng đẹp - Hạt châu trong -
Hạt châu trong ngời nhỏ giọt vô lòng
Tràn âm hưởng như chiều thu sóng nắng...
...Ta nhịp nhàng ý nhị nhịp theo Ta
Lời nối lời bố thí lộc tinh hoa
Của âm điệu, mơ màng run lẩy bẩy,
Một hỗn hợp đẹp xô bồ say dậy
Bằng cảm tình, bằng hình ảnh yêu thương
Và mới mẻ - trên viễn cổ Đông phương!
(Ai có nghe sức tiềm tàng bí mật?)
Thơ lõa thể! Giai nhân tuần trăng mật,
Nữ thần ơi! Ta nô lệ bên người!...

Nhận xét

Trong lời tựa tập thơ Tinh huyết của Bích Khê, Hàn Mặc Tử viết:
Ta có thể sánh văn thơ của Bích Khê như đóa hoa thần dị... Và đem phân chất, ta sẽ thấy thơ chàng gồm có ba tính cách khác nhau: Thơ tượng trưng, thơ huyền diệu và thơ trụy lạc...Sự điên cuồng ấy uyên nguyên ở một phần thiên tài, và ở một phần sự “Đau khổ”...
Theo Hoài Thanh và Hoài Chân thì Bích Khê có những câu thơ hay nhất Việt Nam, như:
Ô! hay buồn vương cây ngô đồng
Vàng rơi, vàng rơi thu mênh mông...
Hay:
Nàng là tuyết hay da nàng tuyết điểm?
Nàng là hương hay nhan sắc lên hương...
Nhưng liền sau đó hai tác giả thú nhận:
Tôi chưa thể nói nhiều về Bích Khê. Tôi đã đọc không biết mấy chục lần bài Duy Tân. Tôi thấy trong đó những câu thơ thật đẹp. Nhưng tôi không dám chắc bài thơ đã nói hết cùng tôi những nỗi niềm riêng của nó. Hình như vẫn còn gì nữa...Còn các bài khác hoặc chưa xem hoặc mới đọc có đôi ba lần. Mà thơ Bích Khê, đọc đôi ba lần thì cũng như chưa đọc... 
GS. Nguyễn Huệ Chi nhận xét:
Thơ Bích Khê mang rõ phong cách Trường thơ Loạn. Và tính chất tượng trưng là đặc điểm quán xuyến toàn bộ thơ Bích Khê. Làm tăng tính chất tượng trưng ấy là màu sắc được sử dụng êm dịu, chói chang hay huyền ảo; và âm thanh tạo nên chất nhạc du dương cho khá nhiều bài. Tính tượng trưng đôi khi làm biến dạng hẳn cảm giác thực của người đọc và gây nên những ảo giác, khi tiếp xúc với đối tượng diễn tả của Bích Khê; cái chết rùng rợn thành hương sắc, khoái cảm xác thịt trở thành ghê gợn, và ngay cả màu sắc, âm thanh cũng không còn là màu sắc, âm thanh nữa mà trở nên hư hư, thực thực...Tuy nhiên, bút pháp tượng trưng đặc sắc và luôn tìm tòi cái mới ấy, vẫn không che giấu được hai nguồn cảm hứng thường trộn vào nhau và hằn rõ trong thơ Bích khê, đó là nhục cảm và cuồng loạn...
Theo Từ điển bách khoa Việt Nam, thì:
Với 'Tinh huyết', "Thơ mới" chuyển từ lãng mạn sang tượng trưng và siêu thực. Ở 'Tinh huyết' phần lớn là bí hiểm, nhưng vẫn có thể nhìn thấy trong đó một hồn thơ đắm đuối, cuồng nhiệt. Nhà thơ có nhiều tìm tòi đổi mới thơ ca theo hướng chủ nghĩa hiện đại, đi sâu vào cõi vô thức. Có một số bài, một số câu ý tứ mới mẻ, nhạc điệu du dương... 

Thông tin liên quan

Bích KhêHàn Mặc Tử là hai số phận có những nét tương đồng: cả hai đều từ thơ cũ (thơ Đường luật) chuyển sang thơ mới, đều mắc bệnh nan y, đều tài hoa và chết trẻ.
Năm 1935, Hàn Mặc Tử ra Phan thiết gặp Mộng Cầm, cháu Bích Khê, nên Hàn biết người cậu trẻ này. Buổi gặp gỡ giữa hai thi sĩ diễn ra khá nhạt nhẽo. Mãi đến năm 1937, khi Bích Khê đọc được những sáng tác của Hàn trong tập Đau thương (bản đánh máy), ông mới thực sự cảm phục mà thư từ qua lại.
Gần cuối năm 1938, Bích Khê gửi cho Hàn Mặc Tử nhiều thơ, bị trả lại kèm theo lời khiêu khích mỉa mai (cốt làm cho chàng tức). Ông xé nát tập thơ đó và thề là Trong sáu tháng sẽ trở nên một thi sĩ phi thường, bằng không sẽ chẳng bao giờ nghĩ đến chuyện làm thi sĩ nữa'. Ngờ đâu sự hằn học của chàng đã bật nẩy thiên tài của chàng ra...chỉ trong vòng ba tháng thôi, chàng đã viết được tập thơ bằng máu huyết, tinh tủy và châu lệ, tất cả say sưa đắm đuối của một tâm hồn thi sĩ...Cuối năm 1939, tập thơ ra đời với bài tựa do Hàn Mặc Tử viết, đã gây nên một làn sóng dư luận mạnh mẽ.
Sau, Mộng Cầm có chồng, thấy Hàn Mặc Tử cứ đau khổ mãi, trong một lần ra thăm, Bích Khê tặng cho Hàn bức ảnh của ông chụp với chị Ngọc Sương rồi giới thiệu là chị mình cũng am hiểu văn chương và rất thích thơ Hàn. Đối ảnh sinh tình, Hàn Mặc Tử viết bài Người Ngọc. Trong bài, hai chữ Ngọc Sương được lồng vào thơ một cách kín đáo: Ta đề chữ ngọc trên tàu lá - Sương ở cung thiềm giỏ chẳng thôi - Tình ta khuấy mãi không thành khối - Nư giận đòi phen cắn phải môi...(khi biết chuyện, Ngọc Sương đã yêu cầu em dừng ngay trò mai mối lại).
Ngày 11 tháng 11 năm 1940, Bích Khê như người mất hồn vì sự ra đi của Hàn mặc Tử - người bạn thơ mà ông hết lòng mến yêu  .
Và theo Trần Thị Huyền Trang, Hàn Mặc Tử mất (1940), Trường thơ Loạn bắt đầu tan rã. Mặc dù Yến Lan, Chế Lan Viên và Bích Khê vẫn chơi thân với nhau, song không còn ai tha thiết với việc duy trì hoạt động Trường thơ. Nó còn tồn tại một thời gian nữa, rải rác trong các sáng tác của Bích Khê và kết thúc cùng với sự qua đời của “người công dân trung thành của vương quốc (Trường thơ Loạn)” là Bích Khê vào năm 1946 .

Thơ phổ nhạc

  • Dị khúc với Bích Khuê: CD Phát hành cuối năm 2011, gồm 10 ca khúc do nhạc sĩ Phạm Duy phổ từ thơ Bích Khê, gồm Tỳ Bà (sáng tác năm 1969), và 9 ca khúc sáng tác năm 2011: Nghê thường, Tranh lõa thể, Tôi chết rồi, Sầu lãng tử, Hoàng hoa, Thi vị, Một cõi trời, Mơ tiên, Huế đa tình 
  •  

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét