Thứ Ba, 25 tháng 6, 2013

Câu chuyện lịch sử 3

(Đại Chúng sưu tầm trên NET)
 

Tuệ Tĩnh- người mở đầu nền y dược cổ truyền dân tộc


Tuệ Tĩnh (1330-?) được phong là ông tổ ngành dược Việt Nam và là người mở đầu cho nền y dược cổ truyền Việt Nam. Các bộ sách Nam Dược thần hiệu và Hồng Nghĩa tư giác y thư của ông không chỉ có ý nghĩa trong lịch sử y học mà cả trong lịch sử văn học Việt Nam.
Nếu những kết quả nghiên cứu văn học, ngôn ngữ học Việt Nam sau này không đưa thêm bằng chứng gì mới thì truyền thuyết địa phương và những công trình nghiên cứu chuyên môn khác cho phép khẳng định Tuệ Tĩnh là một nhân vật đời Trần. Ông chính tên là Nguyễn Bá Tĩnh, quê ở làng Nghĩa Phú, tổng Văn Thái, huyện Cẩm Giàng, phủ Thượng Hồng (tỉnh Hải Dương ngày nay).

Mồ côi cha mẹ từ lúc 6 tuổi, Nguyễn Bá Tĩnh được các nhà sư chùa Hải Triều và chùa Giao Thủy nuôi cho ăn học. Năm 22 tuổi, ông đậu Thái học sinh dưới triều vua Trần Dụ Tông, nhưng không ra làm quan mà ở lại chùa đi tu lấy pháp hiệu là Tuệ Tĩnh. Những ngày đi tu cũng là những ngày ông chuyên học thuốc, làm thuốc, chữa bệnh cứu người.

Năm 55 tuổi (1385), Tuệ Tĩnh bị đưa đi cống cho triều đình nhà Minh. Sang Trung Quốc, ông vẫn làm thuốc, nổi tiếng, được vua Minh phong là Đại y Thiền sư, mất ở bên ấy, không rõ năm nào. Bia văn chỉ làng Nghĩa Phú (do Nguyễn Danh Nho soạn năm 1697) cùng các tư liệu khác ở địa phương đều ghi như vậy.

Những năm ở trong nước, Tuệ Tĩnh đã chăm chú nghề thuốc: trồng cây thuốc, sưu tầm kinh nghiệm chữa bệnh trong dân gian, huấn luyện y học cho các tăng đồ. Ông đã tổng hợp y dược dân tộc cổ truyền trong bộ sách giá trị là bộ Nam dược thần hiệu chia làm 10 khoa. Đặc biệt, ông có bộ Hồng Nghĩa tư giác y thư (2 quyển) biên soạn bằng quốc âm, trong đó có bản thảo 500 vị thuốc nam, viết bằng thơ Đường luật (nôm), và bài Phú thuốc Nam 630 vị cũng dùng quốc ngữ. Thơ văn Nôm đời Trần rất hiếm, nếu quả thực đó là tác phẩm của ông thì Tuệ Tĩnh không những có vị trí trong lịch sử y học mà cả trong lịch sử văn học nữa.

Từ bao đời nay, giới y học Việt Nam và nhân dân đều công nhận Tuệ Tĩnh có công lao to lớn trong việc xây dựng một quan điểm y học độc lập, tự chủ, sát với thực tế Việt Nam. Câu nói của ông: "Thuốc Nam Việt chữa người Nam Việt" biểu hiện sự nhận thức sâu sắc về quan hệ giữa con người và sinh cảnh, đồng thời cũng tiêu biểu cho ý thức độc lập tự chủ. Ngay trong việc nghiên cứu dược liệu, ông cũng không chịu phụ thuộc vào cách sắp xếp của những sách nước ngoài. Chẳng hạn, ông không đưa kim, mộc, thủy, hỏa, thổ lên đầu mà xếp các cây cỏ trước tiên. Ông cũng phê phán tư tưởng dị đoan của những người chỉ tin vào phù chú mà không tin thuốc. Ông đã nêu ra nhiều phương pháp khác nhau để chữa bệnh như: châm, chích, chườm, bóp, xoa, ăn, uống, hơ, xông, v.v.

Tuệ Tĩnh đã không dừng lại ở vị trí một thầy thuốc chữa bệnh, ông còn tự mình truyền bá phương pháp vệ sinh, tổ chức cơ sở chữa bệnh trong nhà chùa và trong làng xóm. Có tài liệu cho biết, trong 30 năm hoạt động ở nông thôn, Tuệ Tĩnh đã xây dựng 24 ngôi chùa, biến các chùa này thành y xá chữa bệnh. Ông tập hợp nhiều y án: 182 chứng bệnh được chữa bằng 3.873 phương thuốc. Ông cũng luôn luôn nhắc nhở mọi người chú ý nguyên nhân gây bệnh, tìm biện pháp phòng bệnh tích cực. Tuệ Tĩnh nhấn mạnh tác dụng việc rèn luyện thân thể và sinh hoạt điều độ. Ông nêu phương pháp dưỡng sinh tóm tắt trong 14 chữ:

Bế tinh, dưỡng khí, tồn thần.
Thanh tâm, quả dục, thủ chân, luyện hình.

Tuệ Tĩnh còn tập hợp những bài thuốc chữa bệnh cho gia súc. Có thể nói, ông đã góp phần đặt cơ sở cho ngành thú y dân tộc.

Nhiều thế kỷ qua, Tuệ Tĩnh được tôn là vị thánh thuốc Việt Nam. Tại Hải Dương, còn đền thờ ông ở xã Cẩm Văn, Cẩm Vũ, ở chùa Hải Triều làng Yên Trung, nay là chùa Giám, xã Cẩm Sơn, huyện Cầm Giàng, có tượng Tuệ Tĩnh. Câu đối thờ ông ở đền Bia viết, dịch nghĩa như sau:

Mở rộng phương Tiên, công tế thế cao bằng Thái lĩnh
Sống nhờ của Phật, ơn cứu người rộng tựa Cẩm Giang.


Giáo sư VŨ NGỌC KHÁNH - (Theo Theo Văn Hóa Việt Nam)

Người đưa di nguyện danh y Tuệ Tĩnh về nước

GiadinhNet - Thiền sư, Đại danh y Tuệ Tĩnh năm 55 tuổi (1385) bị cống nạp cho nhà Minh.

Cũng từ ngày đó, danh y Tuệ Tĩnh không còn một lần được trở về Việt Nam. An nghỉ lại nơi đất khách quê người với di nguyện "về sau có ai bên nước nhà sang, nhớ cho hài cốt tôi về với" tưởng chừng như đi vào quên lãng. 3 thế kỷ sau, di nguyện đó đã được sao lục mang về nước Nam. Người có công mang di nguyện Tuệ Tĩnh về nước là Tiến sĩ Nguyễn Danh Nho.
Ông Nguyễn Ngọc Định bên một tấm bia khác do nhà vua ban lúc tiến sĩ Nguyễn Danh Nho mất, bây giờ được con cháu họ Nguyễn xây đài lập bàn thờ để thờ.
Nguyễn Danh Nho là ai?
Ông Trần Văn Hiếu, cán bộ quản lý đền Bia vừa chỉ cho tôi nhìn tấm bia đá cũ kỹ đặt khuất phía sau hậu cung đền Bia vừa nói: "Tấm bia đá này được tạc từ loại đá của Giang Nam, Trung Quốc đưa về đây đấy". Rồi ông Hiếu kể chi tiết lý do làm sao tấm bia đá lại có mặt tại đây. Ông Hiếu không quên nhắc tên người có công sao lục dòng chữ khắc sau bia mộ Đại danh y Tuệ Tĩnh là Tiến sĩ Nguyễn Danh Nho.

Sự việc được ghi lại trong tài liệu của đền Bia rằng: "Năm Cảnh Trị thứ 8 (1670), ông Nguyễn Danh Nho đậu đại khoa đậu Tiến sĩ, được giữ chức Tả ti giám, Hiến sát sứ, sau thăng đến Bồi tụng Hữu thị lang, tước Nam.

Khi đi sứ sang Trung Quốc, đến Giang Nam, ông đã sao lục văn bia thiền sư Tuệ Tĩnh, mang về tạo tấm bia đá khắc nội dung trên đưa về quê hương. Đến địa phận giáp giới giữa Văn Thai và Nghĩa Phú thì thuyền chở bia bị đắm. Mọi người cho là đắc địa nên dựng bia tại nơi bia bị chìm, nay là đền Bia, xã Cẩm Văn (Cẩm Giàng, Hải Dương)".

Sự trùng hợp ngẫu nhiên là Đại danh y Tuệ Tĩnh và Tiến sĩ Nguyễn Danh Nho là đồng hương. Cả hai người đều sinh ra ở thôn Nghĩa Phú, xã Cẩm Vũ, huyện Cẩm Giàng ngày nay, tuy rằng Tuệ Tĩnh và Nguyễn Danh Nho không sống cùng thời.

Đền Bia, nơi lưu giữ tấm bia đá do Nguyễn Danh Nho khắc di nguyện của Tuệ Tĩnh lại không nằm trên quê hương xã Cẩm Vũ mà ở xã Cẩm Văn, cách Cẩm Vũ khoảng 2 km. Cả hai địa phương Cẩm Vũ và Cẩm Văn đều có đền thờ Tuệ Tĩnh. Điều đáng chú ý là những ngôi đền thờ Tuệ Tĩnh đều có ban thờ thờ Tiến sĩ Nguyễn Danh Nho như để ghi công ơn và nhắc nhở thế hệ mai sau về mối lương duyên đặt biệt của hai người.

Năm Kỷ Mão (1699), Tiến sĩ Nguyễn Danh Nho mất, thọ 61 tuổi, được truy tặng chức Công bộ Tả thị lang, tước Tử. Sinh thời, ông nổi tiếng là người thông minh, văn hay, chữ tốt; được suy tôn là Dật tiên (ông tiên cao siêu), Quyển long (con rồng uốn khúc).
Tấm bia ký cuộc đời sự nghiệp của tiến sĩ Nguyễn Danh Nho.

Đi tìm dòng họ Nguyễn

Trước lúc rời đền Bia, ông Hiếu cho tôi biết, hiện nay nhà thờ và bia ký Nguyễn Danh Nho vẫn còn tại thôn Nghĩa Phú, xã Cẩm Vũ quê hương ông.

Thôn Nghĩa Phú chỉ cách Quốc lộ 5 chừng 5km, nhưng khá yên bình. Nằm giữa thôn là đền Xưa. Cùng với đền Bia, đền Xưa là nơi để thờ Đại danh y Tuệ Tĩnh. Theo truyền thuyết, để tỏ lòng biết ơn vị Thánh thuốc Nam, nhân dân làng Nghĩa Phú đã dựng ngôi đền Xưa này. Đến khoảng năm 1830 (thời Minh Mệnh) nhân dân khắp nơi kéo về lễ hội và xin thuốc rất đông, gọi là Hội Thánh lần thứ nhất.
Số tiền công đức thu được, nhân dân đã trùng tu  ngôi đền này và còn tậu được 3 mẫu ruộng để thờ cúng. Đến năm 1936 lại Hội Thánh lần thứ hai, nhân dân khắp nơi lại kéo về lễ hội và xin thuốc đông hơn lần trước nhiêu và kéo dài gần 3 tháng. Số tiền công đức lần này nhân dân lại xây được ngôi đền ngoài vào năm 1937. Bây giờ, đây vẫn là di tích đáng chú ý và rất quan trọng trong đời sống tâm linh của không chỉ người trong thôn mà còn của khách thập phương.

Có lẽ vì danh tiếng của Tuệ Tĩnh mà khi chúng tôi hỏi thăm đến Tiến sĩ Nguyễn Danh Nho, hầu hết người Nghĩa Phú đều hiểu nhầm hỏi về Tuệ Tĩnh. Chẳng mấy người còn nhớ đến vị Tiến sĩ có công đưa di nguyện người đồng hương về nước. Thật may mắn, khi hỏi về tấm bia ký của vị tiến sĩ từng sang Trung Quốc đi sứ, một người làng đã chỉ cho chúng tôi đến nhà thờ họ Nguyễn.
Ông Nguyễn Ngọc Định, người trông coi nhà thờ này cho biết: "Đây đúng là nhà thờ họ Nguyễn. Và Tiến sĩ Nguyễn Danh Nho là con cháu dòng họ này". Ông Định cũng cho hay, đây là dòng họ Nguyễn chứ không phải là Nguyễn Danh như nhiều người nhầm tưởng. Ông Định khẳng định: "Tiến sĩ Nguyễn Danh Nho là người nổi tiếng nhất dòng họ của chúng tôi từ trước đến nay"".

Nhà thờ họ Nguyễn là một không gian thờ tự tương đối chật hẹp. Ông Định cho hay, nhà thờ họ Nguyễn trước đây được xây dựng toàn bộ bằng gỗ lim nhưng đến tháng 2/1947 thì bị đốt. Những năm 1960 được con cháu trùng tu lại và đến năm 1996 được nâng cấp một lần nữa. Trong sân nhà thờ, dựng 2 tấm bia đá cổ 2 bên. Ông Định nói: "Một tấm bia ghi thân thế sự nghiệp của Tiến sĩ Nguyễn Danh Nho, tấm bia còn lại ghi tên những con cháu có công đóng góp xây dựng nhà thờ. Những tấm bia đó đều được tạc từ thời xưa".

Năm nay chuẩn bị bước sang tuổi 60, nhà lại ở bên cạnh nhà thờ họ và là người trực tiếp trông coi, nên ông Định biết rất rõ về tấm bia ký của Tiến sĩ Nguyễn Danh Nho. Ông nói: "Mới đây, một đoàn cán bộ ở Trung ương mới về thăm nhà thờ và dập lại toàn bộ nội dung bút ký được khắc tạc trên tấm bia đá nói về Tiến sĩ Nguyễn Danh Nho. Lâu lắm rồi mới người quan tâm đến thân thế ông Nguyễn Danh Nho, chúng tôi đang chờ hồi âm xem có thêm phát hiện gì mới mẻ không mà vẫn chưa thấy".

Tuy nhiên, tấm bia ký dựng ở nhà thờ họ Nguyễn chưa phải là dấu tích duy nhất liên quan đến Tiến sĩ Nguyễn Danh Nho. Dẫn tôi đi về phía cuối thôn, ông Định giới thiệu một tấm bia khác. "Nếu như tấm bia ở nhà thờ do nhân dân khắc thì đây là bia do nhà vua chỉ định khắc sau khi ông Nguyễn Danh Nho mất. Nội dung như thế nào thì đến bây giờ tôi cũng chưa được rõ", ông Định nói. Đó là một tấm bia cao ngang đầu người có hình khối, được dựng thờ trong một khuôn viên tương đối chật hẹp nằm khuất sau những dãy nhà san sát.
Tấm bia ký Tiến sĩ Nguyễn Danh Nho dựng ở nhà thờ họ Nguyễn xã Cẩm Vũ được lược dịch như sau:

- Cụ họ Nguyễn tên Danh Nho, sinh giờ Tuất ngày 16 tháng 7 năm Mậu Dần 1638.
- Năm 20 tuổi thi đỗ Tam trường khoa Đinh Dậu.
- Năm 26 tuổi thi đỗ Tứ Trường thứ hai khoa Quý Mão.
- Năm 27 tuổi thi đỗ Tam Trường khoa Giáp Thìn.
- Năm 33 tuổi thi đỗ khoa Sĩ Vọng, năm Canh Tuất nhận chiếu huấn đạo phủ Khoái Châu.
- Năm 33 tuổi thi đỗ Tiến sĩ, được tặng một đôi voi, 10 cỗ ngựa có hơn 100 người đưa về vinh quy bái tổ…
- Về sau, có công trị thủy, thăng chức Hữu Thị Lang Bộ Công.
- Năm Canh Ngọ 1670 phụng chỉ đi sứ Trung Quốc.
- Năm Nhâm Thân (2 năm sau) về nước.
- Năm Canh Dậu được phong chức Tả Thị Lang Bộ Lại.
- Sau khi mất được phong Phúc Thần.
Nguyễn Quang Thành

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét