Thứ Sáu, 28 tháng 6, 2013

Câu chuyện lịch sử 7

(Đại Chúng sưu tầm trên NET)

Chuyện về chiếc ghế tử thần (1): Lịch sử chiếc ghế tử thần


Một chiếc ghế điện được trưng bày trong bảo tàng.


Ai cũng đã từng nghe đến chiếc ghế điện dùng để xử tử tù nhân, nhưng không phải ai cũng biết được lịch sử ra đời và những câu chuyện kịch tính xung quanh chiếc ghế không êm ái này.

Sự xuất hiện của ghế điện ở Mỹ là một bước ngoặt đáng chú ý. Kể từ khi ra đời, ghế điện đã trở thành nhân chứng cho lịch sử tư pháp Mỹ, là cái ghế cuối cùng mà tù nhân, từ những kẻ giết người cho đến những tội phạm chính trị, ngồi lên trước khi sự sống lìa xa.
Trong quá trình phát triển, quan niệm của người Mỹ về hành quyết cũng dần thay đổi. Từ thời còn là thuộc địa của Anh cho đến những năm đầu lập quốc, các bản án dành cho tội phạm rất nghiệt ngã.
Những người phạm tội nghiêm trọng bị hành hình công khai, thông thường là treo cổ, một số trường hợp thì bị thiêu, chặt đầu... Một số bị thích dấu, phạt roi hoặc bị đánh giập mũi. Thậm chí cả những người phạm tội nhẹ cũng vừa bị phạt về thể xác vừa bị làm nhục trước đám đông.
Người không đi lễ nhà thờ sẽ bị cùm ở giữa trung tâm thành phố vài ngày liền. Phụ nữ dám chì chiết chồng có thể bị xuyên thanh sắt qua lưỡi hoặc bị đeo lồng sắt vào đầu, mồm bị bịt để không thể nói được. Đối với thế giới hiện đại, những hình thức trừng phạt này là sự tàn bạo không thể tưởng tượng nổi.
Dần dần, các tòa án ở Mỹ nhẹ tay hơn với tội phạm. Những hình thức hành quyết man rợ nhất ngày càng ít được sử dụng. Phạm tội nhẹ chỉ bị phạt giam thay vì bị làm nhục. Tòa án quân sự thường áp dụng hình thức xử bắn với người bị kết án tử.
Đầu thế kỷ 19, người ta dùng hình thức treo cổ nơi công cộng, sau đó tiến tới treo cổ trong nhà tù. Người dân cũng không còn hứng thú với các vụ hành hình công khai. Đa phần cho rằng nên thực hiện công lý tránh đổ máu, càng yên lặng và nhân văn càng tốt.

Một vụ xử tử bằng hình phạt treo cổ.
Hình thức treo cổ có vẻ đáp ứng được những yêu cầu trên nhưng cũng có vấn đề riêng. Khoảng cách rơi nếu quá ngắn sẽ không tạo đủ lực để làm gãy cổ tội phạm, khiến người này bị bóp nghẹt từ từ, đôi khi giãy giụa tới 20 phút. Khoảng cách rơi quá dài sẽ tạo ra quá nhiều lực và vô tình sẽ biến thành hình phạt chặt đầu. Những vấn đề khác cũng rất dễ bị tính toán nhầm như loại thòng lọng, cách buộc, vị trí buộc, cân nặng của tội phạm... Trong bối cảnh đó, yêu cầu về phương thức hành hình hiệu quả được đặt ra cấp thiết.
Thời đó, ở thành phố Buffalo, bang New York, có một nha sĩ tên là Alfred Southwick. Là một người hoạt động trong ngành y, ông luôn cho rằng có thể dùng điện để gây tê. Khi tình cờ chứng kiến một người đàn ông ngã vào một máy phát điện và bị giật chết, nha sĩ Southwick nảy ra một ý tưởng: Chết do bị điện giật có lẽ là cách chết nhanh nhất và không đau đớn. Nó có thể được dùng thay thế hình thức treo cổ.
Cũng trong thời điểm đó, tiến sĩ George Fell, người cùng thành phố với nha sĩ Southwick, cũng có kết luận tương tự. Sau khi trao đổi ý tưởng của họ tại một cuộc họp của hội khoa học thành phố Buffalo, tiến sĩ Fell và Southwick đã gặp đại tá Rockwell - chủ tịch Hội ngăn chặn đối xử tàn bạo với động vật. Họ nói với ông Rockwell rằng, cái chết bằng điện là phương pháp nhân văn và hiệu quả hơn là dìm vào nước khi muốn loại bỏ những con vật vô ích. Ông Rockwell đồng ý với ý kiến đó. Năm 1882, Southwick và Fell bắt đầu hàng loạt thí nghiệm đối với động vật ở thành phố Buffalo rồi đăng kết quả nghiên cứu lên các tạp chí khoa học.
Nha sĩ Southwick có một người bạn có quyền lực ở bang New York, đó là thượng nghị sĩ Daniel MacMillan. Khi Southwick trình bày với MacMillan về kết quả thí nghiệm, MacMillan cực kỳ ấn tượng với ý tưởng này. Ông vốn là một người ủng hộ án tử hình và cho rằng có thể dùng phương pháp hành hình bằng điện, một cách vừa nhanh vừa không đau đớn, để đập tan luận điệu của những người muốn bỏ án tử hình.
Thượng nghị sĩ nhanh chóng trình bày ý tưởng với Thống đốc bang New York, ông David Bennet Hill, và thuyết phục được thống đốc. Năm 1885, trong thông điệp bang, ông đã yêu cầu cơ quan lập pháp New York tìm ra một cách hành hình có thể thay thế treo cổ. Tuy nhiên, cơ quan lập pháp dường như không giải quyết mối quan tâm của Thống đốc Hill.
Đến năm 1886, ông Hill đã chỉ định một ủy ban điều tra và báo cáo về những phương pháp hành hình tù nhân khả thi và nhân văn nhất. Trong báo cáo 95 trang, ủy ban đã chỉ ra rằng hành hình bằng điện là lựa chọn tối ưu. Báo cáo đã đề xuất sửa đổi luật hình sự, thay treo cổ bằng xử tử bằng điện.
Thống đốc Hill ký dự luật hình sự sửa đổi ngày 5/6/1988 và sẽ áp dụng từ ngày 1/1/1889. Người ta thiết kế một chiếc ghế gỗ đặc biệt để tù nhân ngồi và cho dòng điện chạy qua người. Điều còn lại là quyết định xem dùng dòng điện xoay chiều hay một chiều để xử tử. Vấn đề tưởng như đơn giản nhưng lại làm bùng lên một cuộc chiến dữ dội.
Nguồn: Thùy Dương/Baotintuc

Chuyện về chiếc ghế tử thần (2): Cuộc chiến các dòng điện

Chuyện về chiếc ghế tử thần - Kỳ 2: Cuộc chiến các dòng điện
Nikola Tesla trong phòng thí nghiệm.


Thomas Edison là người phát minh ra bóng đèn điện và tên tuổi của ông được người ta gắn với điện. Nhưng một số nhà khoa học trước ông cũng đã phát hiện ra điện, chỉ có điều họ chưa biết cách ứng dụng nó vào cuộc sống.

Năm 1873, Zenobe Theophile Gramme đã chứng minh rằng điện có thể được truyền đi từ nơi này đến nơi kia thông qua dây dẫn trên cao. Tuy nhiên, việc truyền dẫn điện vẫn chỉ là lý thuyết cho đến khi Edison tìm ra cách sản xuất và kiểm soát điện để phục vụ xã hội.
Edison đã xây nhà máy điện đầu tiên năm 1879 và gần như ngay lập tức, các thành phố ở Mỹ đều muốn ký hợp đồng để thành phố mình được sử dụng thứ được coi là kỳ quan mới của khoa học này. Ngày càng có nhiều thành phố lung linh ánh đèn điện nhờ hệ thống điện một chiều (DC) của Edison.


Tuy nhiên, trong hệ thống điện một chiều, điện chỉ truyền theo một hướng nên cần thêm nhiều thiết bị để đảm bảo điện “chảy” đúng đường. Hơn nữa, điện áp trong hệ thống điện một chiều thường bị sụt mạnh sau khi truyền qua được một quãng đường ngắn. Do đó, cần phải xây nhiều nhà máy điện mới có thể cung cấp điện ổn định cho một thành phố cỡ trung bình.
Chuyện về chiếc ghế tử thần - Kỳ 2: Cuộc chiến các dòng điện
Thomas Edison
 Lúc đó, một thiên tài người Crôatia là Nikola Tesla đã nhận ra nhược điểm của hệ thống một chiều và phát minh ra hệ thống chạy xoay chiều (AC). Theo đó, điện sẽ đổi hướng nhiều lần trong một giây, tạo ra từ trường cho phép tải một lượng điện lớn mà không thất thoát dọc đường.
Trước Tesla, cũng có một số hệ thống điện xoay chiều được dùng ở vài thành phố nhưng những hệ thống này thua kém hệ thống của Tesla. Trong thời gian đó, nhà phát minh Edison đã tuyển dụng Tesla vào làm việc cho mình. Khi trình bày với Edison ý tưởng về hệ thống điện xoay chiều, Tesla đã bị ông chủ bác bỏ và Tesla bỏ việc ở chỗ Edison trong tức giận.
Năm 1887, Tesla được cấp bằng sáng chế cho hệ thống điện xoay chiều và được nhà phát minh George Westinghouse chú ý. Ông đã mua 40 bằng sáng chế của Tesla và chỉ trong vòng vài năm, hơn 100 thành phố, thị trấn đã dùng hệ thống điện xoay chiều của Westinghouse. Mất thị phần và nhân viên vào tay Westinghouse khiến Edison rất tức giận.
Ai cũng nhận thấy rằng chỉ trong vài năm nữa, điện xoay chiều sẽ nhanh chóng thay thế điện một chiều, trừ Edison. Để chứng minh điều ngược lại, ông đã bám lấy niềm tin rằng điện một chiều tốt hơn, an toàn hơn.


Chuyện về chiếc ghế tử thần - Kỳ 2: Cuộc chiến các dòng điện
George Westinghouse
Nói là làm, năm 1887, ông bắt đầu tìm cách làm mất uy tín của Westinghouse và hệ thống xoay chiều. Ông sai nhân viên thu thập tin tức về những cái chết do điện xoay chiều. Ông thuê người vận động hành lang để hạn chế lượng điện được phép truyền qua đường dây điện. Và điều quan trọng nhất, Edison muốn dư luận biết rằng ông muốn ghế điện ở New York dùng dòng điện xoay chiều.
Ngày 5/6/1888, tờ New York Evening Post đăng một bức thư của một người tên là Harold Brown, trong đó cảnh báo về sự nguy hiểm của điện xoay chiều. Ông Brown cho rằng Ban kiểm soát điện New York nên cấm hệ thống điện xoay chiều trước khi xảy ra thảm kịch liên quan đến mạng sống của con người. Có một điều cần lưu ý rằng ông Brown từng là nhân viên cũ của nhà phát minh Edison trong những năm 1870. Dù không có bằng chứng nhưng người ta có cảm giác ông Brown chính là đại diện mà Edison chọn để chống lại Westinghouse.
Nếu quả như vậy thì ông Brown hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ vì ông rất nhiệt tình và thu hút được nhiều sự chú ý. Brown thực hiện hàng loạt thí nghiệm với dòng điện xoay chiều và một chiều dưới sự chứng kiến của Ban kiểm soát điện cùng với báo chí. Sau đó, các thí nghiệm được làm ở phòng thí nghiệm của Edison tại New Jersey. Trong thời gian này, người nào “thí” mạng sống một con vật làm thí nghiệm sẽ được Edison trả 25 xu.
Hội pháp lý y học New York theo dõi chặt chẽ các thí nghiệm này do hội được Bộ Nhà tù giao nhiệm vụ tìm hiểu về hệ thống hành quyết mới. Vì không ai trong hội có kinh nghiệm về điện nên những lý lẽ của ông Brown có nhiều sức nặng với họ. Khi hội nộp báo cáo tháng 12/1888, hội đã đề xuất chiếc ghế hành quyết nên dùng điện xoay chiều.
Trong khi đó, nhà phát minh George Westinghouse cũng ra sức bảo vệ dòng điện của mình. Ông và các đại diện phản bác dữ dội các lý lẽ của ông Brown. Họ tuyên bố ông này chính là “tay sai” của Edison trong khi ông Brown một mực phủ nhận. Ông Brown còn thách Westinghouse tham gia một thí nghiệm mà trong đó ông sẽ để cho điện một chiều chạy qua người mình còn Westinghouse để cho dòng điện xoay chiều chạy qua. Westinghouse không bình luận gì về thách đố này và Brown cho rằng Westinghouse sợ.
Trong lúc Edison và Westinghouse mải mê với cuộc chiến của mình thì dự luật hành quyết trở thành luật. Ông Brown được chính quyền chỉ định làm kỹ thuật viên ghế điện chính thức của bang New York. Và chiếc ghế tử thần dùng dòng điện xoay chiều ra đời.

Chuyện về chiếc ghế tử thần - Kỳ cuối: "Quay chín" tù nhân

Người đầu tiên "được" ngồi trên ghế điện sẽ là người đầu tiên bị kết án tử hình ở New York trong năm 1889. William Kemmler - một kẻ giết người ở thành phố Buffalo - chính là người có "vinh dự" đó.



Chuyện về chiếc ghế tử thần - Kỳ cuối:Chiếc ghế điện ở nhà tù Auburn.

Phiên xét xử Kemmler diễn ra rất nhanh chóng. Ngày 10/5/1889, hắn bị kết tội giết người và 3 ngày sau đã bị kết án tử hình. Tuy nhiên, ngày thi hành án ngay lập tức bị hoãn lại do luật sư W. Bourke Cockran kháng án với lý do chiếc ghế điện tử hình vi phạm luật vì nó là hình phạt bất bình thường và độc ác.

Cockran là một luật sư có giá nên việc ông quan tâm đến một tên bán ma túy vặt như Kemmler khiến dư luận chú ý. Mặc dù ông tuyên bố chỉ hành động vì lợi ích của con người nhưng trong thực tế, ông được George Westinghouse thuê để ngăn chặn ông Brown dùng dòng điện xoay chiều cho ghế tử hình.

Dưới bàn tay của Westinghouse, ông Brown không thể mua nổi một chiếc máy phát điện xoay chiều mới. Ông buộc phải mua máy cũ, chuyển chúng đến Braxin rồi lại chuyển về Mỹ.

Trong khi tiếp xúc với báo chí, ông Brown luôn nhấn mạnh rằng máy phát điện dùng cho ghế điện là do Westinghouse sản xuất và nó dùng dòng điện xoay chiều chết người. Cũng giống như Edison, Westinghouse không muốn tên tuổi và ngành kinh doanh của mình bị gắn với cái chết.

Một lần nữa, cuộc chiến giữa dòng điện xoay chiều và một chiều lại xuất hiện trước tòa. Tòa án vẫn quyết định Kemmler sẽ bị hành quyết theo như kế hoạch. Chưa chịu thua, Cockran kháng án lên Tòa Thượng thẩm bang. Nhưng tòa này cũng nhanh chóng bác lý lẽ của Cockran.

Chuyện về chiếc ghế tử thần - Kỳ cuối:Vụ hành quyết Kemmler qua tranh vẽ.

Trong lúc diễn ra hai phiên tòa phúc thẩm, ông Brown đã nhanh chóng lắp đặt ghế điện ở nhà tù Auburn. Nhưng một lần nữa, ngày hành quyết lại bị hoãn khi vào ngày 2/5/1890, Roger Sherman, một luật sư khác do Westinghouse thuê, đến thành phố Buffalo với một lệnh ký tên chánh án Tòa án Tối cao Mỹ. Nhưng, kể cả khi được xem xét tại tòa án cao nhất nước Mỹ, tòa vẫn cho rằng bang New York không vi hiến khi dùng ghế điện xử tử.

Ngày hành quyết Kemmler được ấn định lúc 6 giờ sáng ngày 6/8/1890. Trong số các nhân chứng của vụ hành quyết có nha sĩ Southwick và George Fell - hai "cha đẻ" của ý tưởng ghế điện.

Lúc chuẩn bị cho Kemmler ngồi lên ghế điện, tay viên cai ngục run lên khi ông thắt dây để giữ Kemmler ngồi cố định trên ghế. Một điện cực dưới hình thù một cái mũ, bên trong chứa bọt biển được gắn vào đầu Kemmler. Một điện cực khác gắn vào sống lưng. Các điện cực đều được tẩm dung dịch muối.

Trong phòng khác, chiếc máy phát điện của Westinghouse kêu o o. Đèn trên bảng điều khiển đều sáng. Bảng điều khiển cho thấy nó đã đạt 2.000, vôn - con số đã được chứng minh là tốt nhất để giết một người. Người ta bật công tắc để dòng điện đi vào ghế. Điện truyền qua người Kemmler trong 17 giây. Hắn co giật dữ dội và trông đỏ rực. Khi dòng điện được ngắt, nha sĩ Southwick thốt lên: "Đây là kết quả cao nhất sau 10 năm làm việc và nghiên cứu. Từ hôm nay chúng ta đã sống trong thế giới văn minh hơn".

Tuy nhiên, có một vấn đề nghiêm trọng: Kemmler chưa chết. Người ta nháo nhác ra lệnh bật lại nguồn điện. Nhưng vì chiếc máy phát điện đã bị tắt nên cần thời gian để tích điện lại. Trong khi đó, Kemmler rên rỉ và thở hổn hển. Các nhân chứng kinh hoàng, có người ngất xỉu.

Khi máy phát điện đạt 2.000 vôn, dòng điện lại được truyền vào ghế. Rút kinh nghiệm, lần này họ để dòng điện truyền vào người Kemmler hơn một phút. Khói bốc nghi ngút từ đầu Kemmler. Mùi da thịt cháy bốc lên và có tiếng nổ lép bép. Khi ngắt dòng điện, Kemmler lần này chết hẳn.

Báo chí đưa tin về vụ hành hình đầu tiên bằng ghế điện với đủ loại tít, từ nghiêm túc đến giật gân. Có báo còn cho rằng lửa đã bắn ra từ mồm Kemmler. Dư luận phản đối mạnh mẽ nhưng không đủ để khiến các nhà làm luật hủy bỏ luật hành quyết bằng điện.

Trong khi Kemmler đau đớn vì bị quay chín bằng điện đúng theo nghĩa đen thì Edison và Brown vẫn một mực khẳng định rằng kẻ tử tù qua đời không đau đớn, chỉ trong giây đầu tiên dòng điện chạy qua người. Edison cho rằng các vụ hành quyết trong tương lai cần máy phát điện mạnh hơn.

Các vụ hành quyết tiếp theo ở nhà tù Sing Sing diễn ra suôn sẻ hơn, dọn đường cho dư luận chấp nhận hình thức này. Edison đã thắng Westinghouse trong cuộc chiến dòng điện nhưng chiến thắng của ông chỉ là tạm thời. Hệ thống điện một chiều của ông nhanh chóng bị thất sủng và bị dòng điện xoay chiều "hất cẳng".

Trong gần 72 năm, New York đã dùng nhiều loại ghế điện khác nhau. Trong thời gian đó, có 695 người chết trên ghế điện. Các bang khác cũng thông qua luật xử tử bằng điện và tự thiết kế ghế điện. Trong lúc chờ Kemmler bị xử tử, nhiều bang đã có dự luật sẵn. Một số bang lại mất nhiều năm mới bỏ được hình thức treo cổ để thay bằng ghế điện. Tuy nhiên, có những bang lại không bao giờ dùng ghế điện như California, Arizona... mà dùng khí xyanua.

Năm 1977, bang Texas bắt đầu xử tử bằng tiêm thuốc độc vì cho rằng biện pháp này nhân đạo hơn ghế điện. Từ năm 1981, bang Oklahoma và nhiều bang khác cũng "bắt chước". Nhiều vụ xử tử bằng ghế điện không thành công đã khiến dư luận nước Mỹ cho rằng biện pháp này vừa nguyên thủy vừa không đáng tin.

Ngày càng có nhiều bang bỏ ghế điện và dần dần chiếc ghế tử thần chỉ còn trong lịch sử của loài người.

Thùy Dương

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét