Thứ Hai, 17 tháng 6, 2013

Tư liệu về khảo cổ 7

(Đại Chúng sưu tầm trên NET)

Kỳ bí những khu mộ cổ
(www.phatminh.com) Hàng chục ngôi mộ đá bí ẩn nằm xen lẫn giữa các bản làng người Thái nơi thượng nguồn sông Mã. Những ngôi mộ cổ nơi đây còn ẩn chứa bao sự kỳ bí, trải qua hàng trăm năm nay vẫn chưa có lời giải...
Rùng rợn nghe chuyện Hổ ăn thịt người

Từ thành phố Thanh Hóa, theo QL45, rồi qua QL217 dài gần 150 km với nhiều đoạn đèo dốc, chúng tôi ngược lên huyện vùng biên Quan Hoá. Đến thị trấn Hồi Xuân muốn vào xã Trung Thành còn phải vượt qua quãng đường 50 km chạy giữa những vách núi dựng đứng và dòng sông Mã hung dữ. Đó là chưa kể đến những đường mòn đất đỏ lầy lội cứ bám riết bánh xe.
Đường vào xã Trung Thành, huyện Quan Hóa.
Đường vào xã Trung Thành, huyện Quan Hóa.
Để đến được xã Trung Thành, chúng tôi lại phải ngược qua huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình bởi sự cách trở của dòng sông Mã hung dữ với nhiều núi cao, vách dựng đứng. Theo bà con dân tộc Thái nơi đây cho biết, xưa kia vùng này rất nhiều thú dữ, từ thời Pháp thuộc trở về trước, người dân nơi đây không ai dám đi rừng, đi nương một mình.
Tìm đến nhà Trưởng bản Phai - ông Phạm Bá Ngọc, ngồi nghe ông kể về những chuyện hổ ăn thịt người mà... rợn cả người. Theo ông Ngọc, từ xa xưa, ở vùng đất này đã có hàng chục người bị hổ ăn thịt. Vừa trò chuyện, ông vừa chỉ tay về ngôi nhà sàn phía trước vườn và nói: “Một buổi trưa, cô tôi đang ngồi chải tóc ở cầu thang thì bị cọp vồ, tha vào rừng. Dân bản hô hoán, tay gậy tay đao lần theo dấu chân hổ. Vào rừng sâu khoảng 2 km thì tìm được cô tôi nhưng chỉ còn một phần thi thể".
Qua lời giới thiệu của Trưởng bản Phai, chúng tôi tìm gặp già làng Phạm Bá Ngoằng, ở bản Phai, xã Trung Thành. Già Ngoằng năm nay đã 70 tuổi - là người nắm rất rõ về lịch sử vùng đất thiêng này. Trời đã tối, trong ánh lửa bập bùng nơi “sơn cùng thủy tận”, giọng nói già vẫn sang sảng giữa núi rừng. Chỉ tay về dãy núi phía trước, già Ngoằng cho biết, đấy là dãy núi Khò Hùng tại bản Cá giống hình dáng con rồng cuộn. Từ xưa, ai đến vùng đất này lập nghiệp cũng đều khá giả. Người dân bản địa đều tự hào rằng, tuy ở nơi rừng thiêng và hiểm trở nhưng toạ lạc nơi mạch đất rồng nên đời sống bà con ngày càng hưng vượng.
Một góc bản Phai, xã Trung Thành - nơi có tới 2 khu mộ cổ.
Một góc bản Phai, xã Trung Thành - nơi có tới 2 khu mộ cổ.

Phiến đá của ngôi mộ cổ tại khu vườn gia đình anh Hà Minh Tâm.
Phiến đá của ngôi mộ cổ tại khu vườn gia đình anh Hà Minh Tâm.
Như được cởi lòng mình giữa núi rừng hoang vu, già Ngoằng cứ thế lúc nhâm nhi chén rượu nồng ánh mắt nhìn xa xăm, lúc lại trầm tư mỗi khi nhớ về kỷ niệm buồn. Qua câu chuyện của già từ chuyện hòn đá bốn chân được coi là thuỷ thần, đến tảng đá Han dưới dòng suối Quýt linh thiêng, rồi những khu mộ cổ vẫn hiện hữu giữa khu dân cư... Tất cả đều được dân bản tôn thờ.
Rồi già lại kể về những bí ẩn về những ngôi mộ cổ kỳ bí bên dòng suối Tàu, thuộc bản Phai xã Trung Thành. Với người dân địa phương, ngay cả ban ngày, nhiều người vẫn không dám vào khu vực này một mình.
Bí ẩn những ngôi mộ cổ chưa lời giải

Đường đi khó khăn, lại xa xôi, những người trong đoàn chúng tôi ai cũng nản khi hỏi đường vào khu mổ cổ. Bởi biết chúng tôi không phải là người địa phương nên người dân nơi đây không chỉ đường vào khu mổ cổ. Khi tìm đến được nhà già làng Phạm Bá Ngoằng, chúng tôi mới thực sự yên tâm bởi, già chính là người hiểu rõ về đường đi, lối lại trong các khu mộ cổ nơi đây.
Nhiều phiến đá ở các khu mộ cổ đã bị gãy.

Nhiều phiến đá ở các khu mộ cổ đã bị gãy.
Nhiều phiến đá ở các khu mộ cổ đã bị gãy.
Theo người dân địa phương, hiện nay, tại bản Phai xã Trung Thành có tới hai khu mộ cổ. Một khu toạ lạc ngay trong khu dân cư, thuộc đồi rừng gia đình anh Hà Minh Tâm. Khu còn lại nằm cạnh dòng suối Tàu, cách dân bản khoảng 4 - 5 ngọn đồi, giữa bốn bề cây rừng rậm rạp.
Sau một đêm nghỉ lại giữa núi rừng cùng bà con dân bản, sáng hôm sau, theo chân già Ngoằng, chúng tôi đến khu mộ trên đồi gia đình anh Tâm. Từ xa, một quần thể hơn chục ngôi mộ nằm xen với cây rừng rậm rạp. Nhiều ngôi mộ cổ ở đây dài tới 7m. Một số ngôi mộ khác ngắn hơn cũng độ 5 - 6m. Đầu và cuối các ngôi mộ đều được chôn các phiến đá lớn theo hướng dựng đứng. Phiến đá phần đầu thường lớn hơn phiến đá cuối mộ. Nhiều phiến đá to cỡ chiếc chiếu, cao từ 2 đến 4m, rộng hơn 1m, dày khoảng từ 10 đến 20 cm.
Theo trưởng bạn Phạm Bá Ngọc và già Ngoằng, điều đặc biệt là trong vùng không có loại đá này. Và cho đến tận bây giờ, người dân địa phương nơi đây vẫn chưa thể lý giải được, đây là khu mộ của tộc người nào, có từ bao giờ? Và không biết những phiến đá này được đưa từ đâu về đây xây mộ? Làm cách nào họ có thể ghè đẽo được những tảng đá thành tấm lớn như vậy? Những phiến đá nặng hàng tấn, bằng cách nào mà họ đưa được đến đây?...
Những khám phá đầu tiên từ thời thuộc Pháp về khu mộ cổ Quan Hóa.
Những khám phá đầu tiên từ thời thuộc Pháp về khu mộ cổ Quan Hóa.
Theo lời già Ngoằng và các tài liệu lịch sử của địa phương thì người Thái đến vùng đất này lập nghiệp từ thế kỷ XVII. Khi đến đây, họ đã thấy có những ngôi mộ này.
Trước đây, một ngôi mộ lớn đã được đào thử, xuống khoảng 1m, người ta thấy có lớp than đen. Do sợ vấn đề tâm linh, người dân đã lấp lại. Cách đây ít năm, cũng có thông tin một nhóm người dưới xuôi lên, dùng máy dò kim loại và đã khai quật trộm một ngôi mộ. Có người dân bản đi qua khu vực này phát hiện có nồi đất dưới mộ được họ đào lên.
Qua bao biến thiên của thời gian, mưa lớn, nhiều phiến đá đã bị đổ nghiêng hay trâu bò làm gẫy nên chỉ còn phần chân.
Theo người dân địa phương, ngoài hai khu mộ cổ tại bản Phai, trong vùng còn có một khu khác tại bản Trung Lập, một khu tại bản Trung Thắng, xã Trung Thành và một khu tại bản Bai xã Thành Sơn, mỗi khu cũng có gần chục ngôi mộ. Vào năm 2000, các nhà khoa học cũng phát hiện một khu mộ tương tự tại bản Co Me, xã Trung Sơn (Quan Hoá).
Nhưng, về chủ nhân của ngôi mộ đá lớn nhất nghĩa địa Co Me, cũng có ý kiến cho rằng đó là mộ của ông Tiều. Theo dã sử của địa phương, từ ngàn xưa một vị thủ lĩnh người Thái đến đây lập nghiệp. Vì không biết rõ tên, họ của ông nên bà con quen gọi một cách kính ngưỡng là ông Tiều (theo tiếng Thái là ông Cả, ông Trưởng).
Những khu mộ cổ này vẫn còn là những bí ẩn chưa có lời giải.
Những khu mộ cổ này vẫn còn là những bí ẩn chưa có lời giải.
Ông Tiều là người có công lập bản cách đây mấy trăm năm, khi đem một đoàn thuyền lớn chở đầy lương thực, muối và tiền bạc ngược dòng sông Mã đến đây. Ông Tiều chết bình thường, không có liên quan gì đến chuyện bị hổ vồ cả, còn nguyên nhân dựng lên những phiến đá lớn thì bà con đều không biết. Những người Thái hiện nay vẫn chôn cất người thân trong các khu rừng mộ với những viên đá nhỏ đặt xung quanh mộ, dù hổ từ lâu đã không về bản quấy phá, chỉ để đánh dấu và tránh bị loài thú lớn như trâu bò xâm hại.
TS Phạm Văn Tuấn - Trưởng ban Quản lý di tích và danh thắng Thanh Hóa cho biết: "Chúng tôi từng nghe đến một ngôi mộ đá có chữ Hán ở bản Co Me, xã Trung Sơn, ngành chức năng vừa có văn bản yêu cầu kiểm tra thực trạng về ngôi mộ này để bảo quản. Lần đầu tiên chúng tôi nghe nói và được xem những hình ảnh do phóng viên cung cấp về khu mộ đá ở Trung Thành. Trong thời gian ngắn tới, chúng tôi sẽ mời các nhà nghiên cứu về mộ cổ ở Viện khảo cổ học Viện Nam cùng với ngành chức năng địa phương về kiểm tra để có đánh giá khoa học về khu mộ đá cổ ở Quan Hóa".
(Nguồn: Dân trí )



Hòn đá thề và kho báu chôn vàng ở Cao Bằng

 
Lòng tham đã khiến con người mờ mắt, kho báu chưa kịp đào lên, những cuộc tranh giành nhau đã làm nảy sinh những trận tàn sát. Vô số cuộc đào bới đã được diễn ra quanh hòn đá bí ẩn khiến cả cánh rừng bị san phẳng.
Kho tàng chôn cất châu báu
Trong khi đang lênh đênh trên dòng Bằng Giang thuộc phường sông Bằng, TX Sông Bằng, tỉnh Cao Bằng, tôi tình cờ nghe được câu chuyện về “hòn đá bí ẩn” đã tồn tại lâu đời từ một lão ngư dân.
Ngỏ ý muốn được ông lão ngư dân dẫn đi để tận mắt được nhìn thấy hòn đá bí ẩn kia, ông liền cho tôi địa chỉ của một ông giáo già vì theo như lão nói thì: “Ở cái thị xã này chỉ còn mỗi ông ấy là biết rõ chính xác “hòn đá thề” đó ở đâu thôi, giờ nơi ấy rừng rậm um tùm, không biết đường có tìm cả ngày cũng chả thấy, có khi còn lạc không biết lối về”.
Nhảy khỏi khoang thuyền từ biệt ông lão ngư dân, tôi tìm đến nhà của ông Hoàng Nông Tiếp (SN 1945). Ông Tiếp đã sống ở mảnh đất Cao Bằng này từ nhỏ, hiện đã về hưu sau mấy chục năm làm nghề gõ đầu trẻ. Khi tôi hỏi ông về chuyện “hòn đá thề”, ông Tiếp khẽ chau mày mà bảo: “Lâu lắm mới lại có người nhắc đến hòn đá kỳ bí ấy, tôi còn tưởng nó đã rơi vào lãng quên rồi chứ. Kể từ ngày người dân nơi đây phát hiện ra hòn đá ấy đã có biết bao câu chuyện ly kỳ nhưng cho đến nay vẫn chưa ai biết hòn đá kỳ lạ vì sao lại “có mặt” giữa khu rừng hoang sơ ấy”.
Khẽ nheo đôi mắt đã đầy những nếp nhăn, ông Tiếp kể cho tôi nghe: “Hòn đá ấy có từ bao giờ cũng chẳng có ai đoán định nổi, chỉ biết từ thời ông cha tôi đã có rồi. Trên phiến đá ấy có khắc hình một ông quan mặc áo gấm bào cưỡi ngựa đang chồm lên rất tinh xảo, theo sau là một người nhỏ bé đang cầm chiếc quạt trông giống như một tiểu đồng theo hầu. Trên hòn đá còn có một bài thơ viết bằng chữ Nho, có người dịch được tiêu đề của bài thơ là Vọng Sơn còn nội dung thì chưa ai biết. Ngoài ra còn một tấm bia đá hình chữ nhật được ép chặt vào một tảng đá lớn cạnh đó như một ngôi mộ cổ. Do hòn đá kỳ lạ nên những người phát hiện ra nó đều không dám xâm phạm và cũng chẳng ai dám tới gần”.
Hòn đá thề và kho báu chôn vàng ở Cao Bằng
Từ lâu trong cánh rừng ở phường Sông Bằng đã tồn tại hòn đá bí ẩn và xoay quanh đó là các câu chuyện kỳ lạ
“Cho đến một ngày, có một ông thầy phong thủy đi qua, nghe người dân chúng tôi truyền đến tai về câu chuyện hòn đá bí ẩn, ông thầy này đi vào xem rồi phán rằng đây là một ngôi mộ cổ được đặt đúng vào khu mạch đất thể “ngọa hổ tàng long” cảnh trí đều đầy ắp vượng khí bá vương, xung quanh chắc chắn có chôn nhiều kho tàng, vàng bạc, châu báu”, ông Tiếp kể.
Kể từ khi nghe được lời thầy phong thủy nói, những người dân tộc Tày sinh sống quanh vùng đã đổ xô lên rừng tìm đến nơi có hòn đá để đào bới tìm kiếm kho báu. Nhiều người còn kéo cả dòng họ lên cùng đào với hy vọng sẽ tìm thấy kho tàng như thầy phán. Lòng tham đã khiến con người mờ mắt, kho báu chưa kịp đào lên, nhiều người vì tranh nhau đã nảy sinh những trận tàn sát khiến nhiều người phải mất mạng. Vô số cuộc đào bới đã được diễn ra quanh hòn đá bí ẩn khiến cả cánh rừng bị san phẳng, một phần của núi đá đã đổ ập xuống vì bị người dân đào rỗng lòng đất phía dưới.
“Thấy người dân ầm ĩ vì kho báu dưới tảng đá, chính quyền thời đó đã phải ra lệnh cấm không được đào bới quanh khu vực đó nữa. Tuy nhiên, nhiều người vẫn lén lút đêm hôm đi đào bới, nghe đâu có người đã đào thấy cả một chum toàn đồng tiền vàng và vô số những pho sách cổ”, ông Tiếp kể lại cho tôi nghe.
Không chỉ đào bới tìm kiếm vàng bạc châu báu, có người còn thuê thợ đục đẽo đến cậy phá nhấc cả tấm bia đá được ghép vào thân của hòn đá cổ mang đi đâu đó. Riêng về phần hòn đá nếu không vì quá to và quá nặng hẳn cũng đã bị những người tới tìm kho báu khuân đi mất. Thời gian trôi qua, sau khi đào bới chán chê, khu đất nơi có hòn đá bí ẩn lại trở nên hoang vắng, câu chuyện về hòn đá chôn kho báu gần như đã bị rơi vào lãng quên trong tiềm thức của mọi người. Chỉ một vài người cao tuổi sinh sống quanh vùng là còn nhớ và biết đến.
Hòn đá bí ẩn trở thành nơi thề nguyền đôi lứa
Đến gần chục năm sau đó, một số thanh niên nam nữ trong vùng đi rừng tình cờ phát hiện ra hòn đá kỳ lạ xưa kia đã rỉ tai nhau, biến nơi đây thành một chốn để vui chơi, hẹn hò. Do không mấy ai biết về nguồn gốc cũng như "sự tích” kỳ lạ, nên hòn đá có chôn châu báu, vàng bạc bỗng dưng trở thành “hòn đá thề”, là nơi để các đôi yêu nhau tỏ tình, thể thốt, nguyện ước kết se duyên.
Không chỉ có những trai, gái người dân tộc Tày, mà nhiều người hay biết về hòn đá mỗi khi đến tuổi dựng vợ gả chồng đều rủ nhau đến đây để thề nguyền trước khi chính thức làm lễ cưới. Hòn đá đã thành nơi tiếp nhận tiếng lòng của những người đang yêu, những chuyện tình ngăn sông cấm núi mà suốt đời họ nhung nhớ không nguôi. Ông Tiếp cho rằng, việc nhiều người tìm đến đây để bày tỏ tình cảm có lẽ vì người ta quan niệm rằng, tình yêu gửi vào đá sẽ bất diệt.
Một số khác thấy hòn đá “lạ” lại ngỡ rằng của bậc “thần thánh” nào đó gửi xuống trần gian nên đã mang lễ vật rồi tiền bạc đến đây làm lễ khấn vái để xin được nhiều điều may mắn. Có người lại cho hòn đá kỳ lạ chính là phần còn sót lại của đền thờ nhân vật nổi tiếng thời phong kiến là Nùng Trí Cao.
Khi ông Tiếp vừa dứt câu chuyện xa xưa về hòn đá và kho tàng châu báu, trong lòng tôi rạo rực khôn xiết muốn được tận mắt đi vào rừng để chứng thực về hòn đá kỳ lạ. Vứt bỏ lại đống hành lý, chỉ cầm theo chiếc máy ảnh và cuốn sổ ghi chép, tôi cùng ông Tiếp đi xe tới khu rừng nơi có hòn đá chứa đầy bí ẩn. Do đường đi vào là đường đồi núi nên tôi và ông Tiếp chỉ đi được đến mé ngoài bìa rừng rồi phải bỏ lại xe máy ở đó và đi bộ. Tuy nhiên, khi đi vào bên trong, ông Tiếp dặn tôi rằng: “Do ngày trước người ta đào bới nhiều hố sâu lắm, giờ cây cối lại mọc um tùm nên anh phải đi theo sát phía sau chân tôi, cẩn thận không bước hụt thụt xuống hố thì có mà trời cứu”.
Hòn đá thề và kho báu chôn vàng ở Cao Bằng
Ông Tiếp chỉ tay cảnh báo về những hố "tử thần" do người dân đào bới tìm vàng quanh hòn đá trước đây.
Lần mò theo những bước chân của ông Tiếp, tôi cứ đi sâu dần, sâu dần vào trong cánh rừng âm u, rậm rạp. Làn sương trên đỉnh núi theo gió lùa tràn tới xuyên qua tán lá cây đọng thành những hạt mưa rơi lả tả từ trên những tán cây xuống khiến đường đi hết sức trơn trượt. Ông Tiếp và tôi mỗi bước đều phải bám vào những thân hoặc rễ cây chắc chắn để đỡ bị trượt ngã. Mặc dù biết con đường để đi tới nơi có hòn đá bí ẩn còn xa hun hút nhưng sức hấp dẫn của những câu chuyện kỳ lạ khiến đôi chân tôi dường như không còn biết mệt mỏi chỉ mong sao nhanh được tận mắt nhìn thấy “điều kỳ lạ” mà ông Tiếp vừa kể cho nghe…
Kỳ 2: Đi tìm nguồn gốc hòn đá bí ẩn ở Cao Bằng
KINH VÂN

Giải mã bí mật về hòn đá khắc thơ giữa rừng Cao Bằng

 
Trên hòn đá, người ta có thể nhận thấy hình một vị quan râu dài, mặc áo bào, đầu đội mũ ô, đang cưỡi trên con ngựa có một chân giơ cao. Phía sau vị quan là một người nhỏ nhắn, tay cầm theo một chiếc quạt, đi theo để hầu hạ...
Sau những cố gắng băng qua cánh rừng rậm rạp, cuối cùng, tôi và ông giáo Hoàng Văn Tiếp cũng tới được khu vực đặt hòn đá bí ẩn. Khẽ vén những đám lá cây mọc đan xuyên vào nhau, ông Tiếp khẽ chỉ tay xuống những hố sâu có miệng rộng khoảng chừng hơn 1m mà bảo rằng đó chính là những chiếc hố do người dân trước đây kéo nhau đi tìm kho báu chôn vàng đã đào khoét sâu xuống lòng đất xung quanh hòn đá tạo thành.
Đi thêm khoảng vài chục bước chân, trước mắt tôi là một hòn đá to nặng đã bị cây cối phủ gần như kín mít, bên dưới của hòn đá là một phiến đá bằng phẳng và hình dáng như một chiếc giường lớn được đặt để làm chỗ dừng chân nghỉ ngơi ngắm nhìn cảnh vật xung quanh. Đúng như những gì ông Tiếp đã kể trước khi tới đây, trải qua bao nhiêu năm, mặc dù bị cây cối, rêu phong bao phủ nhưng bức họa được khắc trên hòn đá vẫn còn khá rõ nét.
Giải mã bí mật về hòn đá khắc thơ giữa rừng Cao Bằng
Ông Tiếp dẫn PV đến nơi có hòn đá bí ẩn
Quan sát kỹ có thể nhận thấy hình ảnh của một vị quan để râu dài, mặc áo bào, đầu đội mũ ô, đang cưỡi trên một con ngựa có một chân giơ cao. Phía sau vị quan là một người nhỏ nhắn, tay cầm theo một chiếc quạt, nhìn giống như một người đi theo để hầu hạ. Bên cạnh bức họa vị quan là một bài thơ chữ Hán được khắc vào nền đá gồm có 32 chữ vẫn còn rất rõ ràng, ở trên đề hai chữ khắc lớn mà theo như lời ông Tiếp đó chính là tên của bài thơ – Vọng Sơn.
Giải mã bí mật về hòn đá khắc thơ giữa rừng Cao Bằng
Bức họa vị quan được khắc trên đá
Do bị những người dân đào bới để tìm kho báu nên vùng đất xung quanh nơi đặt hòn đá đã bị sụt lún khiến một phần của hòn đá bị chìm sâu dưới đất. Phải mất rất nhiều công sức, tôi và ông Tiếp mới tìm được ra nơi trước đây đặt tấm bia nhưng đã bị người khác lấy đi mất, giờ còn trơ lại một ô vuông lõm vào trên nền đá. Thấy vài lỗ nhỏ sâu lưu lại gần khu vực bích họa, tôi thắc mắc liền được cho hay: “Đó là vết đạn của bộ đội tập bắn, khoảng những năm 1979, nhiều đơn vị lên đây đóng quân, một số chiến sĩ không có chỗ tập bắn đã chọn chính tảng đá này để làm bia. Tuy nhiên, do nền đá cứng nên chỉ rất ít đạn găm sâu được vào nền đá còn phần lớn đều chỉ va rồi bắn ra ngoài”, ông Tiếp nói.
Giải mã bí mật về hòn đá khắc thơ giữa rừng Cao Bằng
Giải mã bí mật về hòn đá khắc thơ giữa rừng Cao Bằng
Bài thơ bằng chữ Hán có tiêu đề Vọng Sơn được khắc trên nền đá
Sau khi cẩn thận lấy máy ảnh chụp lại những tư liệu về hòn đá bí ẩn này, ông Tiếp và tôi nhanh chóng ra về, bởi thời tiết miền này thường có những cơn mưa rừng và trời tối rất nhanh. Ra khỏi cánh rừng, khi trở về nhà ông Tiếp, tôi tình cờ gặp được một anh nhà văn có tên Nguyễn Bính sinh sống và làm việc tại Thị xã Cao Bằng. Anh Bính vốn là học trò cũ của ông Tiếp, biết tôi đang băn khoăn về hòn đá kỳ lạ kia, anh Bính đã bảo rằng: “Muốn biết rõ về hòn đá, có lẽ phải đi gặp ông Vương Hùng, ông nguyên là phó giám đốc Sở văn hóa thông tin tỉnh Cao Bằng, có lần tôi nghe nói ông đã từng ra tận nơi chỗ đặt hòn đá, sau đó cũng có một thời gian dài tìm hiểu về gốc tích của hòn đá này”.
Lời nói của anh Bính làm tôi vui sướng tột cùng, theo chân anh tôi tìm đến nhà của ông Vương Hùng. Tiếp chúng tôi là một ông lão năm nay đã 82 tuổi, lúc mới bước chân vào nhà, thấy vợ ông Hùng có nói ông đang ốm, khiến tôi ái ngại vì đã đến không đúng lúc, sợ làm ông mệt mỏi. Ấy thế nhưng, có lẽ cái bệnh của ông sinh ra bởi sự nhàm chán vì suốt ngày quanh quẩn ờ nhà, nên khi thấy tôi hỏi chuyện về hòn đá bí ẩn, đôi mắt ông bỗng sáng rực, khuôn mặt giãn ra cùng nụ cười hết sức mãn nguyện.
Chẳng cần dùng đến sách vở gì, ông Hùng kể một mạch về nguồn gốc của hòn đá: “Theo những gì hồi đó tôi đi thực tế và thu thập tài liệu, nguồn gốc của hòn đá rất có thể là của ông Lê Ngô Cát, một nhân vật lịch sử nổi tiếng sống vào thời vua Tự Đức (1829-1883) tự là Bá Hạnh, hiệu Trung Mại, (quê ở xã Hương Lang, huyện Chương Đức, tỉnh Hà Tây cũ, nay thuộc huyện Chương Mỹ, thành phố Hà Nội). Đương thời, ông làm chức Bố Chánh ở Cao Bằng”.
Theo ông Vương Hùng, Lê Ngô Cát chính là tác giả đầu tiên của cuốn Đại Nam quốc sử diễn ca, một cuốn lịch sử bằng thơ. Trong các cuộc tìm kiếm sách cũ ở Bắc Kỳ thời Vua Tự Đức (1847-1883), một người học trò ở Bắc Ninh không rõ họ tên đã dâng nộp một cuốn sách cổ mà nội dung là diễn ca lịch sử dân tộc bằng chữ Nôm. Vua mới chọn một viên quan ở Quốc Sử Quán tên là Lê Ngô Cát biên soạn lại cuốn sách này và cuốn Đại Nam quốc sử diễn ca đã ra đời trong hoàn cảnh như vậy.
So với Đại Việt sử ký toàn thư, pho sử lớn nhất của nước ta, thì Đại Nam quốc sử diễn ca chỉ là một bài vè minh họa cho các sự kiện lịch sử đã được nhắc đến trong pho sử này. Nhưng sự phóng khoáng của trí tưởng tượng và sự lộng lẫy của hình ảnh trong lời văn làm Đại Nam quốc sử diễn ca vẫn có một sự hấp dẫn đặc biệt. Ở đây lịch sử được kể lại một lần nữa qua tài năng và mỹ cảm của người viết, lúc rủ rỉ thiết tha như lời truyền dạy bên đống lửa, lúc ngân nga như câu hát đồng dao. Qua đó Lê Ngô Cát tiếp tục phủ thêm một mầu sắc huyền thoại vào lịch sử chính thống, nhưng đồng thời làm cho các nhân vật và các sự kiện từ thời Đinh - Lê trở về trước trở nên sáng tỏ và sống động.
Giải mã bí mật về hòn đá khắc thơ giữa rừng Cao Bằng
Ông Vương Hùng kể về nguồn gốc của hòn đá bí ẩn
Về sự ra đời của hòn đá có bức họa vị quan cùng bài thơ Vọng Sơn, ông Hùng cho biết, mọi chuyện bắt nguồn từ khi vua Tự Đức xem sách của Lê Ngô Cát dâng lên, biết là người có tài, vua cho truyền Lê Ngô Cát tới đối ẩm, ngâm thơ. Với tài văn chương của mình, Lê Ngô Cát đã làm cho vua hết sức hài lòng. Thấy vua quý mến, Lê Ngô Cát nghĩ rằng mình sẽ được giữ lại kinh thành chứ không phải về chốn thâm sơn cùng cốc, heo hút, vắng lặng nữa. Mọi chuyện không được như mong muốn, Lê Ngô Cát sau đó chỉ được vua thưởng cho 2 đồng tiền vàng cùng một tấm lụa, chứ không hề nói đến việc giữ ở lại kinh thành.
Hôm sau, khi một số bạn bè biết Lê Ngô Cát được thưởng, mới hè nhau kéo đến đòi khao, bực mình vì “có tiếng chẳng có miếng” ông mới làm hai câu thơ “Vua khen thằng Cát có tài/ Thưởng cho chiếc khố với 2 đồng tiền”.
Vô tình câu thơ vui của Lê Ngô Cát lại lọt đến tai vua, nghĩ Lê Ngô Cát có tính bất kính, vua liền ra chỉ cho Lê Ngô Cát trở về Cao Bằng và mãi mãi làm quan ở chốn hoang vu. Chán nản trở về, Lê Ngô Cát ngày ngày lấy việc đi ngao du sơn thủy làm niềm vui, không còn tha thiết lợi danh chốn quan trường. Bởi vậy, qua sự đối chiếu, bức họa trên đá chính là chân dung của Lê Ngô Cát và bài thơ Vọng Sơn cũng chính là do ông làm. Để làm rõ hơn, ông Vương Hùng đã dịch bài thơ cả nghĩa Hán Việt lẫn ý thơ cho tôi nghe. Bài thơ có tiêu đề là Vọng Sơn gồm 8 câu.
Nghĩa Hán Việt: Bà Hoàng Giang Sơn/ Trung Tá Hùng Anh/ Thạch Phang Tiêu Lạc/ Thủy Kính Trường Thanh/ Thiên Nhiên Cảnh Trí/ Âm đốn Thần Tình/ Vọng Sơn Đáo Thủy/ Ngã Mã Cô Đinh.
Nghĩa dịch: Sông Núi của Bà Hoàng/ Sâu rộng đẹp đẽ/ Hòn đá lăn xuống vỡ ra/Nước như gương sáng trong/ Trời đất thiên nhiên bày ra như một cảnh trí/ Ngắm núi tôi tới đây/ Cùng ngựa và cô Đinh.
Qua lời dịch của bài thơ, có thể nhận thấy Lê Ngô Cát đang ngao du ngắm cảnh thiên nhiên, trong lúc hứng chí đã làm ra bài thơ Vọng Sơn, cho người khắc lên trên đá. Người đi theo sau ngựa chính là một cô a hoàn có tên là “cô Đinh”. Bà “Hoàng” được nhắc đến trong câu thơ đầu được ông Hùng khẳng định đây chính là bà A Nùng, mẹ của thủ lĩnh người Tày Nùng Trí Cao trong thời kỳ chống quân Tống. Khi bà mất, được nhân dân trong vùng lập đền thờ. Thời nhà Lý, đền Bà Hoàng được phong là thượng đẳng thần và hàng năm tổ chức Quốc lễ 2 lần vào mùa xuân và thu.
Nói về việc trước đây nhiều người từng cho rằng có kho báu được chôn xung quanh hòn đá bí ẩn, ông Vương Hùng cho hay: “Về việc kho báu thì tôi cũng không chắc chắn, nhưng đã có người đào được một chiếc chum nhỏ bên trong có nhiều tiền cổ chứ không hề có vàng bạc hay châu báu”.
Trước khi chúng tôi ra v, ông Hùng cười và nói rằng “Lâu lắm mới có người để hàn huyên tâm sự về lịch sử, văn hóa, tôi thấy vui lắm. Quả thực, hòn đá kia chứa đựng trong đó cả một kho tàng về văn hóa cũng như giá trị lịch sử của dân tộc về một nhân vật có thật. Hy vọng sẽ được nhiều người quan tâm để có biện pháp bảo tồn, hơn là để cho thời gian bào mòn, tàn phá”.
                                                                                                                    Theo Kim Vân
                                                                                                                       Infonet

Kỳ bí ngôi mộ đá cổ hơn 200 năm giữa thành phố

(Dân trí) - Khu lăng mộ đá này là công trình cuối cùng từ thời Lê Trung Hưng được lưu giữ đến nay. Theo lịch sử ghi chép lại, đây là khu lăng mộ của một hoạn quan...

Lăng mộ của “hoạn quan”
Quần thể khu di tích lăng mộ đá tại phố Nam Sơn, phường An Hoạch, thành phố Thanh Hóa được Bộ Văn hóa Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia vào năm 1993. Đây là một công trình kiến trúc nghệ thuật gắn với lịch sử có tính chất độc đáo. Tổng quan là một khu lăng mộ, trong đó có nhiều công trình nghệ thuật điêu khắc hoàn toàn bằng đá.
Theo những người cao niên tại đây kể lại, xưa kia trong làng có một người tên là Lê Trung Nghĩa, gia đình ông vốn nghèo khó đến nỗi phải trốn làng bỏ đi để không phải làm theo nhưng tục lệ của làng. Sau thời gian lưu lạc khỏi làng, ông đã đi lính cho triều đình được chọn làm quân cấm vệ và tình nguyện bị “hoạn” để phục vụ trong cung. Do có nhiều đóng góp cũng như lòng “trung quân ái quốc” nên ông được thăng chức cao lên đến Đô đốc Tổng trấn tước Quận Công và được gọi là Quận Mãn.
Ông Lê Đình Nhung, 68 tuổi là người con của dòng họ Lê Đình hiện đang trông coi khu lăng mộ kể: “Sử cũ ghi lại, vào năm 1786, vua Lê Chiêu Thống và chúa Trịnh Bồng đã xảy ra xung khắc với nhau. Vua Lê Chiêu Thống đã sai tướng Nguyễn Hữu Chỉnh từ Nghệ An kéo quân ra hộ giá. Lúc này, Lê Trung Nghĩa đang làm trấn thủ tại Thanh Hóa được giao nhiệm vụ đem quân chặn đánh Nguyễn Hữu Chỉnh ở địa phận huyện Tĩnh Gia. Ông Lê Trung Nghĩa bại trận và bị giết chết”.
Kỳ bí ngôi mộ đá cổ hơn 200 năm giữa thành phố
Khu lăng mộ có nhiều kiến trúc độc đáo bằng đá hơn 200 năm tại phường An Hoạch, thành phố Thanh Hóa.
“Ông (Quận Mãn) khi còn sống, biết mình không con cháu thờ tự khi qua đời nên ông đã tự bỏ tiền mua ruộng đất của 9 làng quanh khu vực này cho nhân dân cày cấy. Khi ông còn sống dân làng biết ơn ông có công khai đất lập làng nên đã xin được lập một sinh từ cho ông. Khu sinh từ này rộng mấy ha nằm trên một khu đất cao ráo, ông đã thuê thợ đá làng Nhồi, huyện Đông Sơn lấy đá về xây dựng lên các khu thờ tự cùng với các pho tượng nhân, vật nguyên khối đặt xung quanh. Tới khi ông chết dân làng đem xác ông về đây chôn cất, thờ cúng nên được gọi là lăng mộ”, ông Nhung kể tiếp.
Công trình kiến trúc bằng đá cổ
Do chiến tranh tàn phá, đứng từ ngoài đường nhìn vào không ai có thể thấy rõ được đây là một khu lăng mộ đá với nhiều kiến trúc đá cổ. Con đường từ cổng chính vào khu lăng mộ bị cỏ dại mọc um tùm lấn cả lối đi. Toàn thể khu lăng mộ đá này đến nay chỉ còn rộng khoảng gần 500m2, nằm lọt vào giữa một bên là khu dãy nhà hành chính của phường An Hoạch, một bên là Trạm Y tế phường.
Đầu rồng thời Lê Trung Hưng được trạm bằng đá nguyên khối trong khu lăng mộ.
Đầu rồng thời Lê Trung Hưng được trạm bằng đá nguyên khối trong khu lăng mộ.

Đầu rồng thời Lê Trung Hưng được trạm bằng đá nguyên khối trong khu lăng mộ.
Bà Lê Thị Nguyệt cho biết: Bốn tấm bia đang bị nghiêng, lún cùng với chữ trên bia đá đang bị mờ đi rất nhiều.
Khu lăng mộ nằm trên diện tích đất rộng hơn 200m2 với tổng quan bao gồm nhiều kiến trúc bằng đá độc đáo khác nhau bao gồm: Từ bên ngoài cổng vào có 2 lính canh cổng, bên trái là một tượng “cụ rùa” chiều dài gần 1,5m, rộng 1m, cao hơn 50cm. Bên trái có 1 chiếc ngai vàng nhỏ bằng đá.
Lăng mộ chính nằm trên diện tích hơn 50m2, nơi đây xưa kia là ngôi đình có mái che nhưng đến nay chỉ còn lưu dấu lại các cột đá của ngôi đình. Từ ngoài vào có 2 con chó đá (con ngao) cao gần 1,5m đứng canh cổng. Ngay tại cửa thềm lên xuống chính điện, hai bên có đôi rồng chầu được chạm trổ, điêu khắc tinh xảo.
Khu vực chính giữa của lăng mộ có một chiếc ngai vàng lớn bằng đá, kê trước ngai là một bàn đá nguyên khối dài gần 1m, rộng gần 0,5m. Hai bên là hai hàng tượng đá đứng chầu, trong đó mỗi bên 5 vị quan văn, 5 vị quan võ, một con ngựa đứng, đôi voi quỳ.
Khu vực hồ sen cũ vẫn còn nhưng diện tích đã bị thu hẹp lại. Khu đất nối giữa khu lăng mộ và hồ sen còn có 4 tấm bia đá, mỗi bên đặt 2 tấm bia. Mỗi tấm cao khoảng 2m, rộng 1,2m, dày 0,15m, trên bia có các chữ Hán cổ là các văn tự do ông Lê Quý Thuần (con trai của nhà bác học Lê Quý Đôn soạn thảo). Bốn tấm bia đá này ghi lại tiểu sử của Mãn Quận công, tên các làng cúng tế, địa giới, điện tích đất xưa kia của 9 làng và nơi đặt khu lăng mộ.
Cỏ dại mọc chen lẫn hai tấm bia cổ.
Cỏ dại mọc chen lẫn hai tấm bia cổ.

Một tượng voi quỳ bị gãy mất chiếc ngà.
Một tượng voi quỳ bị gãy mất chiếc ngà.
Tuy nhiên, hiện nay công trình kiến trúc bằng đá này đang xuống cấp nghiêm trọng. Các pho tượng đá do thời gian đã bị sứt mẻ…. “Cụ rùa” nằm ngay cổng đi vào của khu lăng mộ đã bị mất phần đầu nhô ra, đặc biệt là 4 tấm văn bia được đặt trên nền đất nên đang bị lún nghiêm trọng, không có mái che nên các văn tự trên đây đang bị mờ đi, xung quanh cỏ mọc um tùm.
Hàng năm, khu lăng mộ đá này có rất nhiều người dân địa phương cũng như khách thập phương về dâng lễ và tham quan. Có cả khách nước ngoài về tham quan công trình kiến trúc đá cổ này.
Thái Bá



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét