Thứ Hai, 10 tháng 6, 2013

Tư liệu về tâm linh 10

 (Đại Chúng sưu tầm trên NET)

Chuyện tâm linh ly kỳ ở Tổ miếu Hùng Vương

Từ xa xưa, Tổ miếu Hùng Vương thuộc làng An Thái, xã Phượng Lâu (Việt Trì - Phú Thọ) đã là nơi linh thiêng với những câu chuyện nửa hư nửa thực.
“Tổ miếu Hùng Vương là nơi thờ bài vị các Vua Hùng, đây cũng là chốn linh thiêng bậc nhất nước Nam. Nhiều câu chuyện có thực đã xảy ra khiến nhiều người khiếp sợ. Cũng nhờ thế, mà miếu Tổ giữ được đến giờ mà không mất mát, suy suyển một vật báu giá trị nào”, lời giới thiệu của ông Thủ miếu Nguyễn Văn Thiện về miếu Tổ.
Ngay cả người bản địa cũng không dám lại gần vì sợ mạo phạm, vì thế nhiều người cả đời không biết hình dáng ngôi miếu ra sao, to nhỏ thế nào.

Bài vị Vua Hùng trong miếu Tổ.
Ngôi miếu cổ nhất Việt Nam

Ông Thiện khẳng định: “Miếu Tổ Hùng Vương là ngôi miếu cổ nhất Việt Nam. Đó là nơi thờ bài vị của các Vua Hùng, còn đền thờ Vua Hùng bây giờ là nơi thờ vong. Ngôi miếu còn giữ được những cổ vật chứng minh điều đó”. Sau khi lễ bái, chúng tôi được ông Thiện dẫn lên miếu cổ. Ngôi miếu nằm trên đỉnh núi Cấm, nơi mà trước đây Vua Hùng và các lạc hầu, lạc tướng bàn chuyện quan trọng. Ngôi miếu nằm giữa một rừng cây rậm rạp, cách xa khu dân cư. Ông Thiện cho hay, ngôi miếu cổ mới được trùng tu một lần phía bên ngoài. Còn bên trong thì không ai dám động chạm vì sợ mạo phạm. Những cột gỗ và hoa văn trong miếu đều giữ được từ thuở xưa. Quanh năm suốt tháng không một ai dám đến gần miếu vì đã có những cái chết kỳ lạ xảy ra.
Ông Thiện bảo: “Trong miếu thờ bài vị của 3 ngài là Áp Đạo Sơn Đại Vương, Viễn Sơn Đại Vương và Ất Sơn Đại Vương. Vào ngày mùng 7 tháng Giêng hàng năm chúng tôi tổ chức mổ 5 con lợn đen tuyền để dâng lễ. Đàn bà và phụ nữ có thai không được phép đến. Trai tân gái trinh muốn đến phải tắm rửa sạch sẽ, ăn chay trong vòng 10 ngày”.

Ông Bùi Thế Tài – Trưởng làng An Thái cho hay: “Miếu Tổ được dựng tại một nơi đắc địa hợp long mạch, phía dưới là hồ Thiếc, bên cạnh đó là hố Đụn – nơi mà xưa kia Vua Hùng dùng để luyện và đong đếm quân”. Phía sau miếu là “Đàn tế trời”, tục truyền đó là nơi Hùng Vương dâng hương cảm tạ trời đất vào mỗi dịp lễ tết hay trước và sau mỗi cuộc hành quân đánh quân xâm lược.

Trụ đá và cột gỗ ở miếu Tổ được truyền từ ngàn đời nay.


Đôi rắn thiêng hồ Thiếc
Chuyện đôi rắn mào canh miếu Tổ đã có từ nhiều đời nay ở đất Phượng Lâu này. Cụ Nguyễn Thị Nhẫn, 93 tuổi ở làng An Thái cho hay: “Từ khi tôi về làm dâu làng An Thái đã được nghe và cũng vài lần thấy đôi rắn mào to như cổ chân người canh giữ miếu Tổ. Nhiều người cho đó là chuyện mê tín nhưng ở đây ai cũng coi đôi rắn ấy là biểu tượng tâm linh”. Ông Thủ miếu Nguyễn Văn Thiện còn cho biết: “Đôi rắn ấy rất lạ. Cứ đến ngày mùng 1 và 15 hàng tháng mới bơi từ hồ Thiếc lên cuộn tròn bên ban thờ để nghe khấn”.
Đấy là chuyện có thật trước kia, còn bây giờ thì đôi rắn mào ấy không còn xuất hiện nữa. Lý do mà ông Thiện đưa ra là, có đận người làng chỉ thấy một con rắn đến, còn con kia không biết đã bỏ đi hay đã chết. Được một thời gian, con rắn mào còn lại cũng không thấy xuất hiện nữa.
Chuyện đôi rắn mào canh miếu được nhiều cao niên xác nhận vì trước đây, ở Phượng Lâu có tục cầu đinh. Cứ mười rằm hàng tháng là gia đình hiếm muộn đến dâng lễ và nhiều người nhìn thấy đôi rắn bò từ hồ Thiếc lên. Lạ lùng ở chỗ, đôi rắn mào không bao giờ hại ai. “Thần rắn” chỉ cuộn tròn lắc lư cái đầu nghe người dân cầu khấn và phủ phục bên ban thờ.

Bề ngoài miếu Tổ mới được trùng tu.

Những chuyện truyền kỳ


Chuyện lạ lùng mới xảy ra ở miếu Tổ mà chúng tôi được nghe kể từ 3 chị em không chồng tên là Xuân, Xanh, Gấm. Chị Gấm kể: “Hôm đó 3 chị em tôi đi kiếm củi ở gần khu miếu cổ mới nghe tiếng gió thổi ào ào. Chúng tôi nhìn lên thì thấy một con rắn gió dài hàng chục mét và to như cây chuối đang quăng mình đi trên ngọn cây. Từ đó đến nay, 3 chị em không dám đến khu vực ấy nữa”.
Ở xã Phượng Lâu còn có người “bán” con cho miếu Tổ, hàng năm gia đình ấy đều lên miếu tạ lễ. Nhưng năm vừa rồi, do đứa con khôn lớn và đi làm ăn xa nên gia đình không tạ lễ nữa. Chẳng ngờ, đứa con ấy bị điên dại, gia đình đưa đến bệnh viện thì bác sĩ bảo không có bệnh. Nhưng cứ ra khỏi cổng bệnh viện thì bệnh tái phát. Gia đình mới sắm lễ vật lên miếu Tổ tạ tội, đứa con ấy bỗng dưng khỏi bệnh mà không cần chữa trị.
Những chuyện ly kỳ được truyền miệng trong dân gian, dù không có căn cứ khoa học nào chứng minh là có thật, nhưng phần nào nhờ vậy mà ngôi miếu linh thiêng được giữ gìn nguyên vẹn đến tận ngày hôm nay, trở thành nơi con cháu các Vua Hùng đến dâng hương mỗi dịp lễ tết như một cách để khẳng định và nhớ về nguồn cội của mình.

"Miếu Tổ Hùng vương là một di tích cổ nằm trong quần thể đền An Thái đã được Nhà nước công nhận là di tích lịch sử cấp Quốc gia. Chuyện có người ốm đau, thần kinh, bệnh tật… do mạo phạm đến thần linh chỉ là trùng hợp mà thôi"

                                                                                                                
                                                  Ông Nguyễn Văn Bảy - Chủ tịch UBND xã Phượng Lâu 



Tò mò ngôi miếu lạ thờ 12 tên cướp ở Lạng Sơn

Cho là bị hồn ma của chúng quấy nhiễu, người dân đã tiến hành xây miếu Xa Vùn để thờ tự.
Nhiều người cho biết, ở Việt Nam, miếu Xa Vùn là ngôi miếu duy nhất được dựng lên để thờ 12 tên cướp. Được biết, quanh miếu có tới 18 cây nghiến cổ thụ rất có giá trị nhưng không lâm tặc nào dám chặt phá.

Mỗi khi đặt chân đến thôn Khưa Cả (xã Trấn Yên, huyện Bắc Sơn, tỉnh Lạng Sơn), những người khách lạ lại kéo đến thắp hương tại miếu Xa Vùn. Tương truyền, khi những tên cướp chết, người dân nơi đây đã chứng kiến nhiều việc lạ liên tiếp xảy ra. Cho là bị hồn ma của chúng quấy nhiễu, người dân đã tiến hành xây miếu Xa Vùn để thờ tự.

Truyền thuyết về miếu Xa Vùn

Vừa đến xã Trấn Yên, hỏi đường về thôn Khưa Cả, một người đàn ông trung niên hỏi chúng tôi: “Các chú định tìm hiểu về miếu Xa Vùn à? Nó cách đây gần hai cây số. Vào đấy thắp hương nhưng nhớ đừng có chụp ảnh. Không cẩn thận là gặp tai họa đó”. Câu nói của người đàn ông này khiến cho chúng tôi cảm thấy tò mò.

Chúng tôi quyết đến tận nơi để mục sở thị và nghe những câu chuyện liên quan đến miếu thiêng. Hình ảnh đầu tiên đập vào mắt tôi là 18 cây nghiến cổ thụ rợp bóng mát đang che chở cho một ngôi miếu nhỏ. Những gốc cây đại thụ to đến nỗi bốn, năm người ôm không xuể. Đón chúng tôi trước cửa miếu là ông Hoàng Văn Dần - thổ nhang miếu Xa Vùn. Lâu mới có khách lạ đến thăm, ông Dần mừng ra mặt.
Khu đồi nghiến hàng trăm năm nay không ai dám xâm phạm
Khu đồi nghiến hàng trăm năm nay không ai dám xâm phạm

Rót cho những người khách đường xa cốc nước vối thơm mát, ông Dần tâm sự: “Miếu Xa Vùn dịch ra tiếng dân tộc chúng tôi (dân tộc Tày - PV) có nghĩa là Núi Củi. Tất cả bô lão trong làng đều nhớ như in sự ra đời của nó”.

Được biết, khi ông Dân còn bé thường đi chăn trâu qua đây. Ngày ấy, cứ hễ trời mưa to gió lớn là miếu lại xiêu vẹo như sắp đổ. Không ai bảo ai, người dân cứ thay phiên nhau ra dựng, lợp lại miếu. Rồi đến một ngày, ngôi miếu xập xệ đến mức người ta không thể tu sửa được nữa thì cuối năm 2011, chính quyền xã Trấn Yên đã đầu tư xây lại miếu to bằng một gian nhà để lấy chỗ cho nhân dân thờ cúng.

Ngồi bên cạnh ông Dần, cụ Hoàng Thế Cường, 82 tuổi, nhíu mày kể cho chúng tôi nghe về cái nguồn gốc sâu xa của miếu lạ. Tương truyền xưa kia, một ngày nọ bỗng có 12 tên cướp từ đâu kéo đến cướp bóc tài sản và đánh đập dân lành. Không chịu được cảnh lũ cướp hại dân, người dân nơi đây đã bí mật tập hợp nhau, bày mưu đuổi chúng đi.

Tuy nhiên, những tên cướp hung hãn biết chuyện liền dùng đao, kiếm định giết dân. Đến nước cuối cùng, người dân thôn Khưa Cả đành ra tay giết chúng để trừ họa. Sau khi hạ được lũ cướp táo tợn, họ bỏ xác chúng vào bao rồi ném xuống suối trả về nơi mà chúng đến. Tuy nhiên, khi 12 cái xác này trôi đến ngã ba Phai Lý (xã Trấn Yên) thì bị mắc lại ở những chông đá lởm chởm. Thấy vậy, người dân nơi đây liền chôn bọn cướp ngay chỗ đó.

Cứ tưởng từ đây cuộc sống người dân sẽ được yên ổn trở lại. Tuy nhiên, trong những ngày sau đó, vật nuôi trong làng liên tục bị chết không rõ nguyên nhân, mùa màng thất bát. Hơn nữa, tại ngôi mộ chôn lũ cướp bỗng nhiên xuất hiện một tổ ong lớn. Nhiều lần, hàng nghìn con ong trong chiếc tổ “khủng” này bỗng nhiên bay ra đốt chết người đi đường.

Theo ông Cường, trong thôn có rất nhiều tổ ong nhưng chưa bao giờ người ta thấy con vật nhỏ bé này lại hung hãn đến như vậy. Nghĩ là có điềm xấu nên dân làng Khưa Cả lập nên một cái miếu thờ 12 tên cướp. Có lẽ, họ lập miếu cũng chỉ để người dân an tâm hơn. Sau khi ngôi miếu được hoàn thành bỗng dưng đúng chỗ đó mọc lên 19 cây nghiến mà theo các cụ cao niên thì độ tuổi tối thiểu của những cây này cũng phải tầm 5 thế kỷ.

Những chuyện hoang đường
Khi chúng tôi thắc mắc vì sao người dân nơi đây lại gọi miếu Xa Vùn là miếu kỳ lạ, ông Hoàng Văn Dần cho biết, thực ra người dân truyền tai nhau về việc nếu ai đi qua đây mà tỏ thái độ không tôn trọng thì sẽ gặp điều không may mắn. Chính vì thế, trước khi nói chuyện với PV, ông dẫn chúng tôi vào trong chính giữa ban thờ và châm một nén hương. Mặc dù chúng tôi không tin việc mê tín nhưng vẫn thắp hương bằng lòng thành kính.
Một gốc nghiến cổ thụ nằm bên miếu Xa Vùn
Một gốc nghiến cổ thụ nằm bên miếu Xa Vùn

Sau khi tiến hành xong các thủ tục, ông Dần cho biết, cuối năm 2011, có một người đàn ông tên Thuận đến miếu bắt rắn. Hôm ấy chẳng biết vận mệnh run rủi thế nào anh lại bắt được một con rắn nặng đến 2,5kg.

Vui như bắt được vàng, người đàn ông này mang ra chợ huyện bán. Tuy nhiên, một thời gian sau, anh Thuận bỗng nhiên có dấu hiệu thần kinh không bình thường. Người dân liền nghĩ ngay đến việc anh bị miếu thiêng “hành”. Sau này, khi vỡ lẽ ra là anh đã phạm miếu thiêng, người nhà anh Thuận đã làm lễ đến cúng bái. Sau đó vài ngày, bỗng nhiên bệnh có dấu hiệu thuyên giảm.

Theo cụ Hoàng Thế Cường, trước đây rừng nghiến bên miếu Xa Vùn có 19 cây. Nhưng năm 2003, trong một trận đại cuồng phong, một cây nghiến cổ thụ bỗng nhiên bị bật gốc. Tuy nhiên, không ai dám đến chặt gỗ. Họ cứ để thế cho đến cây gỗ này chết khô.

Đến năm 2005, ông Hoàng Văn Lùng tiếc của liền về nhà sắm một mâm lễ gồm lợn quay, gà luộc... lên miếu Xa Vùn để cúng xin gỗ. Làm lễ xong, người đàn ông này vác cưa máy đi đốn cây gỗ nghiến. Thế nhưng thật kỳ lạ, cả hai lần đang cưa dở thì lưỡi cưa đều gãy làm đôi. Biết chuyện, nhiều người đã khuyên ông không nên tiếp tục đốn gỗ.

Vì gãy cưa là một điềm báo không tốt. Gạt phắt những lời khuyên can, ông cố chiếm bằng được số gỗ nghiến này. Sau khi chặt thành khúc, ông Lùng mang gỗ đi bán. Những chỉ đúng hai ngày sau, người này có biểu hiện lạ. Hằng ngày ông thường nói chuyện lảm nhảm một mình. Thậm chí, có lúc ông còn vác dao đuổi chém người khiến ai nấy đều hoảng loạn. Đến năm 2009, ông Lùng chết vì trong lúc lên cơn điên ông đã tự dùng dao đâm chính mình.

Một câu chuyện kỳ bí nữa về ngôi miếu này xảy ra vào ngày 15 tháng giêng năm trước, khi xã đang tổ chức lễ hội hóa trang ở cánh đồng dưới chân rừng nghiến thì có một người thanh niên nhờ ông Dần dẫn lên đỉnh đồi chụp ảnh toàn cảnh lễ hội. Sau đó, người này đã trèo lên một trong số 18 cây nghiến cổ thụ đó để chụp ảnh.

Nhưng khi người thanh niên cùng ông xem lại ảnh xem thì thấy trong ảnh toàn những hình thù kỳ quái, mờ ảo, không thể xem được. Mặc dù đó chỉ là những trường hợp ngẫu nhiên, nhưng vì nó xảy ra đều ở miếu Xa Vùn nên nhiều người mê tín đã dựa vào đó và thổi lên những câu chuyện hoang đường, thiếu cơ sở khoa học.

Tục “phù phép” người thành quỷ dữ


Đến Khưa Cả, nhiều người bị cuốn hút bởi lễ hội hóa trang của người dân tộc Tày. Được biết, để nhớ về những ngày tháng bị 12 tên cướp cướp phá và xua đuổi ma quái, người dân nơi đây đã tổ chức lễ hội hóa trang. Hóa trang ở đây được hiểu là họ dùng nhọ nồi bôi lên mặt, biến khuôn mặt người thành quỷ dữ.

Để tìm hiểu thêm về lễ hội độc đáo này, chúng tôi đã tìm đến UBND xã Trấn Yên. Trao đổi với PV, ông Hoàng Văn Chẩn - Chủ tịch UBND xã - cho biết: "Lễ hội trên ra đời từ tích 12 tên cướp chết tại mảnh đất này. Theo các cụ cao niên kể lại, người dân tin rằng khi chúng chết đi thì linh hồn đã biến thành ma quái.
Ông Hoàng Văn Chẩn - Chủ tịch UBND xã Trấn Yên - nói những chuyện ly kỳ bên miếu Xa Vùn là có thật
Ông Hoàng Văn Chẩn - Chủ tịch UBND xã Trấn Yên - nói những chuyện ly kỳ bên miếu Xa Vùn là có thật

Chính vì thế, để đối phó lại, họ đã tổ chức lễ cúng mang tên Ná Nhèm. Trong lễ hội, các thanh niên trai tráng được thỏa sức bôi nhọ nồi lên mặt làm sao cho càng kỳ quái càng tốt. Người dân Khưa Cả tin rằng, việc họ hóa trang như vậy hồn ma của những tên cướp sẽ không dám quay lại làm hại họ nữa. Đây chỉ là một tục lệ dân gian của người dân chứ không liên quan đến mê tín dị đoan".

Cũng theo ông Chẩn, đã có nhiều nhà nghiên cứu văn hóa về vùng này để tìm hiểu phong tục lạ. Họ chủ yếu đi sâu vào đào xới về tính biểu tượng, ý nghĩa của lễ hội chứ không ai công nhận hay chứng minh được có ma tà quỷ quái ở đây. Những câu chuyện về người dân bị điên khi mạo phạm miếu đều chỉ là tin đồn hoặc sự trùng hợp.

Trường hợp của ông Lùng kể trên là do người này uống quá nhiều rượu nên không kiểm soát được hành vi. Hay câu chuyện của anh Thuần bắt rắn bị thần kinh. Sau khi người dân tìm hiểu mới biết, con rắn mà anh ta bắt được chỉ bằng đầu ngón tay cái chứ không phải 2,5kg như tin đồn. Hơn nữa, anh này không có biểu hiện tâm lý thần kinh như mọi người đồn thổi.

Trước khi chúng tôi ra về, cả ông chủ tịch xã, ông thổ nhang Hoàng Văn Dần và cụ Hoàng Thế Cường đều khẳng định, những tin đồn trên là không có căn cứ khoa học. Đó chỉ là những lời truyền miệng của người dân.

Theo ông Cường, sở dĩ người dân lưu truyền những câu chuyện kiểu này là để bảo vệ di tích miếu Xa Vùn và 18 cây nghiến cổ thụ. Hiện tại, gỗ nghiến rất quý, luôn là món mồi béo bở mà bọn lâm tặc nhòm ngó. Tuy nhiên, khi những lời đồn này chưa được giải mã thì bọn chúng vẫn chưa dám động đến những cây gỗ quý ở miếu thiêng. Điều mà người dân trong xã mong muốn là thế hệ con cháu phải học được tính bảo vệ những gì lịch sử và cha ông để lại.

Theo Dòng Đời

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét