Chủ Nhật, 16 tháng 6, 2013

THƠ ƠI THƠ

 
 Nghệ thuật là vị sinh linh
Cố công dụ dỗ nhân tình cảm thông...
Mà thơ khó tỏ tơ lòng
Cho dù đã sẵn mơ mòng, dấn thân...*



Nên thơ khó nhất gieo vần
Không vần không điệu đâu còn là thơ!
"Con cóc" trệu trạo: "Tự do",
Mạo xưng "hiện đại", cúi thờ ..."Nôben"?!**



Không vần may được là văn
Nương nhờ điệu nhạc, ừ, thành lời ca
Lời ca vắng ngắt hương thơ
Như mâm thịt chó thiếu mơ, sả, riềng!...




Thơ hay, tải khẳm nỗi niềm
Âm thầm gửi gắm, nhờ vần ngân nga
Là tinh huyết của trường ca
Áng văn tuyệt cú, thăng hoa hóa thần
Dáng diều, hồn sáo, sắc xuân
Huyền linh mà cũng quây quần dân gian!...***


                                     Trần Hanh Thu

 

Chú thích: *Gửi gắm một tư tưởng đã định hình về nhân tình thế thái sao cho ý nhị vào một bài thơ là rất không dễ dàng.
                  **Giải quốc tế lớn nhất, uy tín nhất về văn học. Ý thứ nhất: háo danh, ý thứ hai: mù quáng theo Tây, mất gốc.
                  ***Do đặc thù ngôn ngữ mà truyền thống thơ ca Việt Nam là đặc biệt chú trọng đến vần điệu và vần điệu, đối với đại chúng, trở thành hầu như là tiêu chí đầu tiên để đánh giá thơ ca. Phong trào thơ mới ở nước ta (giai đoạn cao trào: 1932 - 1941) đã là một cuộc cách mạng thành công trong việc đổi mới quan niệm về thơ ca, giải phóng thơ ca khỏi "xích xiềng" ràng buộc của "lề thói cũ" đã trở nên lạc hậu, quá "chật chội" và đầy bảo thủ, không còn phù hợp trong thời đại mới. Theo tôi, nguyên nhân quyết định dẫn đến thắng lợi của phong trào thơ mới, không phải vì đã cự tuyệt mà vì đã mở rộng hợp lý quan niệm truyền thống "cũ" về thơ ca, là sự sáng tạo ra những hình thức thơ mới từ nền tảng là "thơ cũ", trên cơ sở giữ gìn và kế thừa những tinh hoa của thơ truyền thống (đối với thời đó, còn ngày nay có lẽ thơ truyền thống phải gồm cả "thơ mới") mà cốt lõi chính là đổi mới theo tinh thần "phá cách" mà vẫn đảm bảo được tính "trầm bổng thuận tai", nguyên tắc cơ bản về vần điệu đã được mặc định trong thơ ca hò vè dân gian Việt Nam, nghĩa là vẫn phù hợp với cảm thức thơ đã định hình tương đối bền vững trong tâm hồn đại chúng Việt. Cũng vì vậy, có thể nói, "thơ mới" trong giai đoạn đầu xuất hiện và tồn tại của nó, chính là thơ "hiện đại" đúng nghĩa vào giai đoạn đó. Còn thơ mang danh "hiện đại" hay "hậu hiện đại" hiện nay thì...chán quá! Gọi chúng là "thơ lập dị" có khi lại chính xác cũng nên? Miễn cưỡng thì cũng có thể gọi hầu hết những "thơ hiện đại" hiện nay là những sáng tạo. Nhưng nên hiểu đó là những "sáng tạo vô lối" hướng xuống suy đồi, tha hóa chứ không phải hướng lên tiến bộ, thánh thiện, không phải làm cho thơ ca Việt Nam tiếp tục đường bay "siêu thoát" của nó mà (hòng) làm cho nó "hạ cánh" thành...văn xuôi được "ngụy trang" bởi hình thức thơ ca có gắn thêm một cách khiên cưỡng nhãn mác "hàn lâm"...  Có lẽ:
                                                      Thơ không hay vẫn là thơ
                                                  Văn hay cho mấy vẫn là...văn hay!

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét