Thứ Ba, 11 tháng 6, 2013

HÌNH ẢNH 20

(Đại Chúng chép từ VnExpress)

50 năm bức ảnh tự thiêu chấn động toàn cầu

Một sáng mùa hè năm 1963, tổng thống Mỹ Kennedy đang nói chuyện với bộ trưởng tư pháp, trên tay cầm tờ báo. Chợt ông thốt lên: "Ôi lạy Chúa!", Ông vừa thấy bức ảnh một hòa thượng ngồi xếp bằng tự thiêu giữa đống lửa rừng rực.

Hòa thượng Thích Quảng Đức tự thiêu để phản đối đàn áp Phật giáo năm 1963. Ảnh: Malcolm Browne
Hòa thượng Thích Quảng Đức tự thiêu để phản đối đàn áp Phật giáo năm 1963. Ảnh: Malcolm Browne
Tổng thống Mỹ gọi Henry Cabot Lodge, người sắp đến Sài Gòn làm đại sứ, và nói: “Những điều như thế này cần phải chấm dứt”. Đó cũng là thời điểm sự ủng hộ của Mỹ đối với chính quyền Ngô Đình Diệm kết thúc. Chính quyền họ Ngô bị lật đổ sau vào tháng 11 cùng năm; ông Ngô Đình Diệm cùng em trai bị hạ sát.
Sau này Kennedy nhận xét: "Không một bức ảnh báo chí nào trong lịch sử lại gây nên xúc cảm mạnh mẽ trên khắp thế giới như tấm ảnh này".
Nhà sư trong bức ảnh đó là Hòa thượng Thích Quảng Đức, người đã chọn cái chết để bảo vệ Phật giáo trước sự đàn áp của chính quyền ở miền nam Việt Nam lúc bấy giờ.
Tác giả của bức ảnh là Malcolm Browne, khi đó là phóng viên 32 tuổi của AP, là phóng viên phương Tây duy nhất ghi lại quá trình tự thiêu của bồ tát Thích Quảng Đức. Bức ảnh được trao giải Pulitzer năm 1964. Nhiều năm sau, Browne kể lại câu chuyện ông đã chớp lấy khoảnh khắc đó như thế nào.
"Từ trước đó tôi đã nhận ra rằng vấn đề (đàn áp Phật giáo) cần được nhìn nhận nghiêm túc. Dù có những phóng viên cảm thấy nản với những cuộc biểu tình liên miên, tôi cảm thấy tôi cần tiếp tục, tôi cảm giác sớm hay muộn sẽ có 'điều gì đó' xảy ra. Tôi trở thành một gương mặt thân quen ở chùa chính ở Sài Gòn. Tôi và các nhà sư, chúng tôi thân thiện với nhau.
"Một nhà sư gọi điện cho tôi vào đêm trước khi 'điều gì đó' được lên kế hoạch. Ông gợi ý tôi đến ngôi chùa vào lúc 7h sáng hôm sau bởi vì có một việc cực kỳ quan trọng và đặc biệt sẽ xảy ra. Ông cũng gửi thông điệp tương tự tới khoảng 6 phóng viên người Mỹ khác, nhưng họ phớt lờ. Tôi thì không. Tất cả là vậy", phóng viên ảnh kể lại.
Sáng ngày 11/3/1963, hòa thượng Thích Quảng Đức, có hai hòa thượng đi theo, ra khỏi chiếc xe ở ngã tư đông đúc giao hai phố chính ở Sài Gòn. Một trong hai hòa thượng trẻ tuổi đặt chiếc gối nhỏ trên đường và vị hòa thượng 66 tuổi ngồi xuống trong tư thế thiền. Một vòng tròn các hòa thượng và ni cô đứng xung quanh và tụng kinh. Hai hòa thượng trẻ tưới xăng lên người Thích Quảng Đức. Ngài châm diêm, ngồi lặng phắc khi lửa bùng lên quanh cơ thể.
"Tôi ở đó, phóng viên phương Tây duy nhất chứng kiến và chụp ảnh. Tôi nghĩ là mình đã chụp 6-8 cuộn phim loại 35 mm", Browne kể tiếp.
"Cảnh tượng quá kinh hoàng, ngọn lửa bén lên mặt ông và toàn bộ cơ thể. Ông không gào khóc hay la hét, nhưng bạn có thể thấy vẻ mặt của ông biểu lộ sự đau đớn cực độ, và ông chết ở ngay tại nơi mình ngồi".
"Đây không phải là câu chuyện khó nhất tôi từng thực hiện, nhưng là một phần quan trọng trong đời nghề nghiệp của tôi", ông nói về sự kiện ngày 11/6/1963 ỏ Sài Gòn.
Đi cùng với Browne có David Halberstam, phóng viên viết của New York Times. Sau này anh kể lại: "Ngọn lửa đến từ bên trong con người ông ấy, toàn thân ông dần dần khô và teo lại, và hóa thành than. Trong không trung có mùi thịt người cháy, cả cơ thể bốc cháy nhanh đến bất ngờ . Phía sau lưng, tôi nghe thấy tiếng thổn thức của những người Việt đang tụ tập quanh đó. Tôi quá shock đến nỗi không thể khóc, quá bối rối không thể ghi chép hay hỏi han, quá hoang mang không thể suy nghĩ gì”.
Bức ảnh lịch sử được Nữ nghệ sĩ người Thụy Điển Sanna Dullaway chuyên thực hiện các dự án phục hồi ảnh cũ, cũng như tô màu sắc cho những bức ảnh đen trắng nổi tiếng trong lịch sử.
Nữ nghệ sĩ người Thụy Điển Sanna Dullaway, người chuyên thực hiện các dự án phục hồi ảnh cũ, và tô màu sắc cho những bức ảnh đen trắng nổi tiếng, sau này đã tô màu bức ảnh lịch sử này, để người xem thấy được cảnh tượng chân thực hơn về màu sắc.
Khi Browne mất năm 2012 ở tuổi 81, nhà phê bình Jonathan Jones của tờ The Guardian viết: “Vào những năm 1960, những hình ảnh về chiến tranh rất nhiều, những cảnh bạo lực phục vụ cho nhiếp ảnh và nghệ thuật. Nhưng bức ảnh này khắc họa sự đau khổ của cái chết khủng khiếp của con người, cái chết có ý nghĩa. Nó thể hiện dạng thức mới của sự tuyệt vọng, một dạng thức mới của anh hùng. Browne cũng là một vị anh hùng của làng báo”.
                                                                                                      Khánh Lynh (tổng hợp)

Những bức ảnh chính trị vĩ đại nhất lịch sử



Ảnh do Nick Ut, phóng viên của hãng AP, chụp ngày 8/6/1972. Nó đã giúp ông giành được giải thưởng Pulitzer năm 1973. Tờ New Statesman đánh giá bức ảnh này đứng đầu trong top 10 bức ảnh chính trị vĩ đại nhất thế giới.
Trong ảnh "Em bé napalm", cô bé Kim Phúc cùng một số trẻ em Việt Nam vừa khóc vừa chạy sau khi bom napalm dội xuống. Kim Phúc lúc đó bị bỏng nặng ở lưng, còn quần áo thì bị cháy hết.
Hoà thượng Thích Quảng Đức tự thiêu để phản đối chính quyền Ngô Đình Diệm trấn áp đạo Phật năm 1963. Ảnh do Malcolm Browne chụp trên đường phố Sài Gòn.
Tháng 2/1945, lính Mỹ đã sang Bỉ, Liên Xô bắt đầu chiến dịch ở Đông Âu, phần châu Âu bị Quốc xã chiếm đóng đã thu hẹp. Ngày 4/2, Thủ tướng Anh Winston Churchill, Tổng thống Mỹ Franklin Roosevelt và lãnh đạo Liên Xô Joseph Stalin (ảnh) nhóm họp để bàn về việc tái thiết châu Âu.
Cuộc gặp gỡ diễn ra bí mật tại dinh thự Livadia ở Biển Đen. Tại đây, các nhà lãnh đạo đồng ý chia cắt Berlin sau khi Đức Quốc xã đầu hàng vô điều kiện. Đây cũng là lần cuối cùng Roosevelt xuất hiện trong một hội nghị quốc tế. Ông qua đời hai tháng sau đó.
Một người Do Thái chống cự binh sĩ Israel cầm theo phán quyết của Tòa án Tối cao yêu cầu dỡ bỏ những ngôi nhà định cư bất hợp pháp ở gần thành phố Ramallah năm 2006. Bức ảnh của Oded Balilty làm rõ xung đột quanh các khu định cư ở Bờ Tây.
Cái tên Abu Ghraib, nhà tù của Mỹ ở Iraq, giờ đây được gắn với vụ ngược đãi tù nhân. Năm 2004, một loạt các bằng chứng về việc ngược đãi về tinh thần cũng như lạm dụng tình dục đối với tù nhân bị phanh phui, khiến quân đội Mỹ buộc phải tiến hành một cuộc điều tra. Trong ảnh là một tù nhân không rõ tên ở nhà tù Abu Ghraib.
Trong bức ảnh chụp năm 1968 này, hai vận động viên chạy nước rút của Mỹ Tommie Smith và John Carlos giơ tay, ăn mừng chiến thắng và thể hiện sức mạnh của người da đen. Đây là lúc họ nhận huy chương vàng và đồng sau cuộc thi chạy 200 m tại Thế vận hội ở Mexico. Cùng đứng trên bục là vận động viên người Australia Peter Norman, giành huy chương bạc. Smith và Carlos đều không đi giày còn Norman đeo một huy hiệu của Dự án Olympic về nhân quyền, ủng hộ hai người bạn Mỹ.
Bức ảnh chân dung của nhà cách mạng Che Guevara có tên Guerrillero Heroico, nghĩa là du kích anh hùng. Tác phẩm chụp năm 1960 của Alberto Korda về sau trở thành một trong những biểu tượng của giới trẻ khắp thế giới và là một trong những bức ảnh được in nhiều nhất hành tinh.
Thủ đô Beirut của Libăng trở thành mục tiêu đánh bom trong cuộc xung đột năm 2006 giữa Israel và nhóm Hezbollah. Trong bức ảnh này của Spencer Platt, một nhóm thanh niên nhà giàu Libăng đi thăm khu vực bị ảnh hưởng nặng nề vì bom. Cuộc xung đột kéo dài cả tháng vào năm 2006 đã khiến hàng nghìn người chết, phần lớn là công dân Libăng. Nó đoạt giải thưởng ảnh báo chí của năm.
Gần một triệu người mất nhà cửa sau khi nước sông Ohio dâng lên, gây ra lũ lụt năm 1937. Thảm họa này cũng trùng với thời điểm cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất thế kỷ 20. Ảnh của Margaret Bourke-White làm nổi bật sự trái ngược trong đời sống nước Mỹ lúc bấy giờ. Hàng người da đen ở Louisville xếp hàng chờ viện trợ, phía sau họ là tấm biển quảng cáo có dòng chữ "mức sống cao nhất thế giới".
Xen giữa xe tăng và lưỡi lê, những người biểu tình vì nhân quyền đi dọc con phố Beale ở bang Tennessee, nơi khởi nguồn của dòng nhạc blue ở Mỹ. Bức ảnh cho thấy những tháng ngày nóng bỏng trong tháng 3/1968, và càng làm căng thẳng cuộc đấu tranh vì nhân quyền. Chưa đầy một tuần sau, Martin Luther King Jr. bị ám sát. Điểm nhấn của ảnh chính là người đàn ông không mang tấm biển có dòng chữ "Tôi là người" trên tay.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét