Thứ Hai, 3 tháng 6, 2013

Câu chuyện lịch sử 1

(Đại Chúng lược chép từ thieulong's blog)
_________________

Thời Văn Lang - Âu Lạc và những ẩn số cần giải mã ở giai đoạn đầy kỳ bí trong lịch sử Việt Nam



-------------------------------------------------------

Đề tài về lịch sử cổ đại Việt Nam, thời Văn Lang - Âu Lạc, với những vị vua Hùng, vua An Dương lâu nay luôn là một chủ đề hấp dẫn giới nghiên cứu, trí thức, học giả. Phàm những gì càng mờ ảo, huyền bí, không rõ ràng, thì càng có hấp lực lớn, khơi gợi tính hiếu kỳ của con người, muốn giải mã những ẩn số trong thời kỳ tranh tối tranh sáng này. Ngoài ra, làm rõ được thời kỳ này cũng chính là làm minh bạch cội nguồn tiên tổ, góp phần làm tăng lên tinh thần dân tộc, củng cố lòng tự tin dân tộc trong thời kỳ lịch sử mới và giai đoạn cách mạng mới của nước ta, giai đoạn xây dựng đất nước, quá độ lên CNXH.

Thời gian gần đây mình trợ giúp người nhà viết sách nên cũng tham khảo, tìm hiểu nhiều tài liệu, dữ liệu, thông tin về đề tài này. Rồi suy luận từ vô vàn nguồn đó, xử lý các thông tin khác nhau và nhiều khi mâu thuẫn nhau đó, thật nhức đầu.

Ngoài các tài liệu chính sử như Sử Ký của Tư Mã Thiên (hoàn thành trong thế kỷ 1 bên Trung Hoa), Hoài Nam Tử của Hoài Nam vương Lưu An (tác phẩm triết học, đạo học hoàn thành trong thế kỷ 2 bên Trung Hoa), Việt Sử Lược (Khuyết danh, thế kỷ 13 ở Đại Việt), và Đại Việt sử ký toàn thư (Ngô Sĩ Liên, thế kỷ 15 ở Đại Việt), các thần tích, ngọc phả, cổ tích, truyền thuyết địa phương mà các nhà nghiên cứu hiện đại đã sưu tầm tổng hợp được, thì mình cũng tham khảo các tranh luận về đề tài này trong các diễn đàn và blogs trên Internet, đặc biệt từ những người nghiên cứu sử học không chuyên.

Trong các nguồn, thì nguồn đáng tin và có giá trị khoa học nhất là Sử Ký của Tư Mã Thiên. Bởi vì qua xem xét, rà soát, các nhà khoa học lịch sử đã công nhận đây là một sử ký mang tính chuyên nghiệp, khách quan thật sự (dám nói sự thật dù "phạm thượng" cả Hán Cao Tổ Lưu Bang, triều đại mà Tư Mã Thiên phục vụ), với nội dung nhẹ nhàng, ôn hòa, trung hòa, chừng mực, không hề có chủ nghĩa sô-vanh Đại Hán cực đoan trong đó. Với bộ sử giá trị đó, ông được tôn là "sử thánh", một trong "Mười vị thánh trong lịch sử Trung Quốc". Một trong những yếu tố đáng tin nữa của bộ Sử Ký là: Đó là tác phẩm sớm nhất (thế kỷ 1) còn lưu truyền ngày nay mà có đề cập tới Âu Lạc, Thục Phán, chiến tranh Việt - Tần v.v.

Gần đây, khi nhà sử học Phan Huy Lê chủ trì các nhóm nghiên cứu khoa học lịch sử ở VN hoàn thành việc dùng phương pháp khoa học, khảo cổ học để giám định niên đại các cổ vật được đào lên ở Cổ Loa, vùng ngày xưa thuộc vùng ảnh hưởng của triều đình An Dương Vương và nước Âu Lạc thì kết quả giám định cho thấy những số năm phù hợp với các số năm trong Sử Ký, không phù hợp với các số năm trong Việt Sử Lược và Đại Việt SKTT.

Năm 2008, khi các sử gia và nhà khảo cổ Trung Quốc tổ chức khai quật mộ của Triệu Văn Vương (Triệu Hồ, cháu nội của Triệu Đà), sau khi giám định bằng các biện pháp khoa học khảo cổ, pháp y thì thấy thời gian mà Triệu Hồ băng hà không phù hợp với các số năm đề cập trong VSL và ĐVSKTT.

Để tìm hiểu cho minh bạch thời kỳ này, mình đã cố gắng dựa vào tất cả các nguồn thông tin, dữ liệu khách quan có được, tất cả các suy luận, giả thuyết, cố gắng xâu chuỗi lại sao cho phù hợp nhất, hợp logic nhất với các thông tin có được, gạn lọc, kết hợp có chọn lọc. Sau đây là "trình tự" quá trình tìm hiểu không lấy gì làm chuyên nghiệp của mình. Để có cái nhìn rộng và rõ hơn, toàn cục khu vực hơn, mình xin được đối chiếu với các sự kiện chính trị lớn bên Trung Quốc cùng mốc thời gian. Và chú trọng suy luận hơn từ các số năm, các timeline, là 2 yếu tố mà mình thấy chưa được quan tâm đúng mức trong các nghiên cứu hàn lâm cũng như các tranh luận, thảo luận trên Internet.


Vài suy luận:

- Sự xung đột quân sự đánh qua đánh lại dai dẳng giữa Hùng - Thục là có. Và đó là sự xô xát mang tính chất nội bộ, nội chiến, chứ không phải là cuộc chiến tranh tổng lực, quy mô giữa 2 quốc gia khác biệt về chủng tộc, văn hóa. Tương tự các bộ lạc ở phía Nam và phía Bắc Trung Hoa luôn đánh nhau, đánh rồi lại hòa, hòa rồi lại đánh, mang tính chất anh em trong nhà thỉnh thỏang đánh nhau chứ không phải những cuộc chiến xâm lược mang tính tiêu diệt. Cuộc chiến Hùng - Thục miêu tả trên các thần tích, ngọc phả rất dữ dội nhưng cũng cho thấy tính chất "dễ dàng" và gần gũi, ví dụ truyền thuyết rằng Hùng Vương say rượu chỉ trong một đêm bị Thục Phán đánh bất ngờ và cướp ngôi. Nếu đây là cuộc chiến mang tính hủy diệt, công thành chiếm đất giữa 2 quốc gia, khó có chuyện đánh tới thủ đô đối phương nhanh như chớp và dễ như bỡn như vậy.

- Hùng Vương 18 nhường ngôi để hiệp lực chống Tần và vì không có con trai là có, nhưng là bị sức ép, bị áp lực, chứ không phải hoàn toàn tự nguyện.

- Sự tích rắc lông ngỗng lưu lại dấu vết của Mỵ Châu là trong lúc dừng lại nghỉ ngơi hoặc phi nước kiệu. Để lại dấu vết cho quân Trọng Thủy đi tìm.

- Cuộc chiến chống Tần là có, và dân ta từ xưa coi đó chính là cuộc chiến với Triệu Đà. Lâu nay do bị bó buộc bởi quan niệm chính thống của nhà Triệu bởi nhiều sử quan phong kiến nên nhiều sử gia hiện đại khi viết cũng vô tình coi cuộc chiến chống Tần và chống Triệu là 2 cuộc chiến hoàn toàn khác nhau, và đều thắc mắc không hiểu tại sao cổ sử lúc thì viết quân Tần thôn tính Âu Lạc, lúc thì viết là Triệu Đà thôn tính Âu Lạc. Và tại sao cuộc chiến chống Tần nếu thắng vẻ vang oanh liệt như vậy lại không thấy đề cập nhiều, không để lại sự tích, thần thoại nào.

Đơn giản là xuất phát từ chủ đạo dân tộc Việt Nam, dân ta coi Tần - Triệu chỉ là 1, đều là giặc Tần, đều là giặc Bắc, giặc Tàu. Triệu Đà là tướng nhà Tần, là người Hoa Hạ (nước Triệu, 1 trong Thất Hùng thời Chiến Quốc sau cùng bị Tần Thủy Hoàng tiêu diệt, mồ mả ông bà tổ tông của Triệu gia là ở Chân Định, thuộc tỉnh Hà Bắc của Trung Quốc ngay nay), quân đội mà Triệu Đà dùng để xâm lược Âu Lạc cũng chính là quân Tần, dù là Tần ly khai. Triều đình của Triệu Đà cũng chính là triều đình Tần, bao gồm các văn quan võ tướng tạo phản. Tóm lại, họ là người Tàu, là bề tôi của triều Tần, với một nền văn hóa Hoa Hạ rất khác với văn hóa bản địa của Lạc Việt, Âu Việt lúc đó, đậm chất dị tộc.

Và quan trọng nhất: Nhậm Hiêu và Triệu Đà vốn là tướng được triều Tần cử đến phương Nam thay thế cho đại tướng Đồ Tuy đã tử trận. Như vậy, vai trò của Triệu Đà từ đầu đã là thay thế Đồ Tuy bành trướng xuống Nam, tiếp nối mục tiêu xâm lược của nhà Tần, tiếp nối nhiệm vụ dang dở của Đồ Tuy, và cuộc chiến chống Triệu Đà chính là tiếp nối cuộc kháng chiến chống Tần bảo vệ bờ cõi.

Theo góc nhìn đó thì cuộc chiến chống Tần chỉ là tạm thắng giai đoạn đầu, chém được tướng Tần, nhưng sau đó đã thua vào tay tướng Tần là Triệu Đà. Lưu ý Triệu Đà đã xâm lấn Âu Lạc ngay trong lúc chưa chính thức lên ngôi và ly khai nhà Tần, chưa lập quốc Nam Việt. Như vậy xét theo quan điểm dân tộc, thì chẳng có sự toàn thắng vẻ vang nào cả, mà chỉ có thắng giai đoạn đầu, và thua toàn cục. Khi nói đến khái niệm "thắng" trong một cuộc kháng chiến thì điều kiện tiên quyết là phải giữ được đất nước, giữ được lãnh thổ, chẳng hạn như cuộc chiến chống Trung Quốc xâm lược năm 1979, cuộc chiến Nguyên Mông thời nhà Trần, trong thời chống Mông Cổ ấy, dù có 3 cuộc chiến khác nhau nhưng nếu quân ta thắng trong cuộc chiến thứ nhất, thứ hai, mà vẫn thua cuộc chiến thứ ba thì không thể coi là toàn thắng.

Đó là 1 trong những câu trả lời cho câu hỏi vì sao chiến công thắng Tần vẻ vang oanh liệt như vậy mà ít thấy đề cập trong các thần tích, ngọc phả, gia phả, truyền thuyết. Ngay cả Sử Ký và Hoài Nam Tử cũng chỉ đề cập tới việc Đồ Tuy bị tử trận và tình trạng quân dân nhà Tần rất khổ sở, chứ không nói cụ thể ai thắng.

Một nguyên nhân quan trọng nữa là thần tích, ngọc phả, sự tích của địa phương nào thì chủ yếu kể lại những câu chuyện diễn ra trên địa phương đó. Hầu hết các mẫu chuyện, giai thoại địa phương mà các sử quan ngày xưa và sử gia ngày nay thu thập, sưu tầm được đều là các giai thoại ở miền Bắc VN, nghĩa là trong vùng cai trị, ảnh hưởng của Hùng Vương và nhà nước Văn Lang. Chính vì vậy mới thấy nhiều câu chuyện kể về thời Hùng Vương của Lạc Việt, mà không thấy các câu chuyện kể của Âu Việt, chỉ khi An Dương Vương nối ngôi Hùng Vương, trị vì trên những vùng đất này, thì mới thấy truyện Thần Kim Quy, Cổ Loa thành, Nỏ thần, Trọng Thủy Mỵ Châu v.v.

Trong thập niên 1960, giới sử học Việt Nam do thủ tướng Phạm Văn Đồng chủ trì, mở "chiến dịch" nghiên cứu quy mô lớn, tìm hiểu về các giai thoại địa phương trong cộng đồng dân tộc miền núi ở vùng Cao Bằng, thì mới phát hiện ra cổ tích "Chín Chúa Tranh Vua" trong cộng đồng người Tày có đề cập đến Thục Chế và Thục Phán. Như vậy, Thục Phán, Dịch Hu Tống, Âu Việt, Bách Việt là nằm ngoài địa phương có các giai thoại dã sử Việt Nam thời cổ đại, do đó các giai thoại đó chỉ thấy chủ yếu nói về Hùng Vương và nước Văn Lang, không thấy nói về những giai thoại, sự kiện, nhân vật ngoài vùng đó, vùng cực bắc VN, hay vùng cực nam, nam Quảng Tây bên TQ.

- ĐVSKTT cho rằng Thục Phán thôn tính nước Văn Lang và thành lập nước Âu Lạc vào khoảng năm 258 TCN, 257 TCN. Như đã dẫn chứng ở trên, các công tác khảo cổ học ngày nay đã ít nhất có 2 chứng minh cho thấy ĐVSKTT không đáng tin lắm về mặt thông tin về thời gian, số năm cụ thể. Việc cho rằng Thục Phán diệt Hùng Vương, cướp nước Văn Lang cũng không phù hợp với nhiều truyền thuyết (ví dụ Sơn Tinh Thủy Tinh và các truyền thuyết đề cập tới việc Hùng Vương nhường ngôi, An Dương Vương tuyên bố giữ nước non của vua Hùng). Đa số các truyền thuyết khác cũng chỉ đề cập tới các trận đánh lẻ tẻ giữa Hùng - Thục, chứ không có quan điểm rằng Thục Phán diệt, cướp, thôn tính Văn Lang xong rồi lập nước Âu Lạc. Về suy luận tuổi tác, nếu cho rằng Thục Phán đã đánh đông dẹp bắc rồi lên ngôi năm 258 TCN thì đến khi mất nước, dù cho theo thuyết nào, thì An Dương Vương cũng đã quá già, khó thể tin rằng có thể cưỡi ngựa phá trùng vây chạy thoát đến tận Nghệ An ngày nay mới tuẫn quốc, như đề cập trong hầu hết các truyền thuyết dân gian, câu chuyện dã sử. Nhất là với trình độ y học, y tế, dinh dưỡng, thuốc men, điều kiện sống, trình độ phát triển trong thời kỳ đó thì lại càng khó tin. Trong khi thời nay với trình độ phát triển y học, y tế, dinh dưỡng, vitamins phát triển sau mấy ngàn năm mà U70 tuổi đã phải nghỉ hưu.

SK của Tư Mã Thiên và Hoài Nam Tử, 2 tài liệu xưa nhất, thì ghi chép rằng Triệu Đà dùng vàng bạc châu báu đút lót, mua chuộc, dụ dỗ các lãnh tụ Âu Lạc, thôn tính nước Âu Lạc. Đoạn chép này chỉ nói là cướp Âu Lạc chung chung, chứ không đề cập cụ thể tới các danh từ Thục Phán hay An Dương Vương. Và 2 tài liệu này đều cho rằng thời gian Âu Lạc bị Triệu Đà thôn tính là khoảng năm 180 TCN, 179 TCN, sau khi nhà Hán đã nhất thống Trung Nguyên. Các sách giáo khoa, sách sử chính thống, các nhà sử học chuyên nghiệp, hiện đại hiện nay ghi theo các tài liệu này vì cho rằng đây là nguồn đáng tin cậy. Nhưng theo thuyết này thì lại không phù hợp với các truyền thuyết dã sử thời An Dương Vương như Rùa Thần, Nỏ Thần, Trọng Thủy Mỵ Châu, mâu thuẫn với thời điểm giảng hòa giữa An Dương Vương và Triệu Đà mà theo cổ sử Việt Nam là khoảng năm 210 TCN. Thuyết này cũng không phù hợp với vấn đề tuổi tác, sức khỏe, nếu đến năm 179 TCN mà còn An Dương Vương thì lúc đó đã quá già, dù theo thuyết nào về thời điểm lập quốc của Âu Lạc thì cũng là quá già, không hợp lý lắm.

Cách giải thích nghe ổn thỏa nhất chỉ có thể là An Dương Vương đúng là bị thua về tay Triệu Đà vài năm sau giảng hòa. Nhưng thắng An Dương Vương không có nghĩa là đã cướp hẳn trọn vẹn được toàn bộ nước Âu Lạc. Lưu ý thời đó Văn Lang - Âu Lạc vẫn có tính sơ khai cát cứ địa phương chứ chưa phải là một nhà nước phong kiến trung ương tập quyền có tính tập trung cao độ. Lạc Việt bao gồm 15 bộ tộc, Âu Việt bao gồm 10 xứ. Mãi đến khoảng thời gian 180 TCN, 179 TCN, Triệu Đà mới hoàn thành việc thôn tính và bình định Âu Lạc. Điều này cũng phù hợp với những gì ghi trong Sử Ký và HNT, trong giai đoạn đó không hề ghi chép là Triệu Đà dùng chiến tranh quy mô diệt An Dương Vương, chiếm đóng Âu Lạc, mà chỉ đề cập đến việc ông ta dùng vàng bạc châu báu để mua chuộc các quan chức, các thế lực ở Âu Lạc.

- Thiền sư Lê Mạnh Thát dựa vào việc Sử Ký Tư Mã Thiên không đề cập đến sự kiện Trọng Thủy Mỵ Châu và đích danh An Dương Vương, liền cho rằng An Dương Vương và câu chuyện Trọng Thủy Mỵ Châu là không có thật, là bắt chước từ một tích khác trong 1 kinh Phật. Lập luận này không thỏa đáng. Thứ nhất, Sử Ký Tư Mã Thiên tuy rất đáng tin, là một nguồn có uy tín cao, có giá trị cao, nhưng nó vẫn chỉ là một bộ sử của người Hán nghiên cứu lịch sử Trung Hoa, chứ trọng tâm trọng điểm của nó không phải là Việt Nam, mà lúc đó các sử quan phong kiến Trung Hoa vẫn xem tứ bề chung quanh là các dị tộc, bộ lạc "man, nhung, di, địch", là các chư hầu, "Phiên quốc", "Phiên bang". Do đó, với góc nhìn từ xa, từ bên ngoài, họ chỉ đề cập qua loa như một yếu tố phụ, chứ không phải là trọng tâm chính, không phải trọng điểm nghiên cứu của họ. Do đó việc Sử Ký của sử quan Tư Mã Thiên không đề cập kỹ càng, rõ ràng, cụ thể, chi tiết, sâu sát đến các sự kiện lịch sử nước ta là chuyện dễ hiểu.

Thứ hai, những giai thoại đúc kết từ các sự kiện có thật về chuyện 2 nhà, 2 nước thông hôn, sau đó trở mặt đem quân đánh nhau là chuyện rất bình thường, xảy ra rất nhiều trong lịch sử phong kiến cả thế giới. Ngay trong lịch sử Việt Nam thời kỳ khác cũng có giai thoại tương tự: Giai thoại Nhã Lang - Cảo Nương, Triệu Quang Phục gả Cảo Nương cho hoàng tử Nhã Lang, con trai của Lý Phật Tử, kết quả bị Lý Phật Tử phản phé bất ngờ đánh bại. Đây là một thực tế thời phong kiến giữa các vương tôn quý tộc vua chúa với nhau, chuyện 2 nhà Thục - Triệu thông gia rồi Triệu lật lọng thất hứa đem quân đánh thì không phải là chuyện quá khó tin hay không thể xảy ra.

Kết hợp có chọn lọc:

- Kết hợp 3 thuyết: Có chiến tranh Hùng - Thục. Thục Phán có ép Hùng Vương nhường ngôi. Có áp lực của giặc Tần và nhu cầu đoàn kết chống Tần.

- Kết hợp 2 thuyết về thời kỳ thành lập Âu Lạc: Hùng - Thục vốn có đánh lớn dằng dai liên tục từ khoảng 40 năm trước khi quân Tần xâm lăng. Khoảng 40 năm sau, để chống Tần, Âu Việt - Lạc Việt liên hiệp lại thành 1 nước thống nhất do Thục Phán An Dương Vương lãnh đạo.

- Kết hợp 2 thuyết về thời kỳ mất nước Âu Lạc: Trúng kế ở rể, vua An Dương bị Triệu Đà đánh bại trong những năm cuối nhà Tần và trước chiến tranh Hán - Sở. Nhưng đến sau chiến tranh Hán - Sở đã lâu thì mới hoàn thành bình định phương Nam.

Tổng hợp, xâu chuỗi, và sử thi hóa giả thuyết: (thông tin nào còn tồn nghi, đáng ngờ, cần xem xét thêm thì mình đánh dấu hỏi ở kế bên)

Khoảng năm 258, 257 TCN, liên minh bộ lạc Âu Việt, nước Nam Cương (?) với 10 xứ mường do vua Thục tên là Chế lãnh đạo đã giành được ưu thế lớn trước nước Văn Lang của dân tộc Lạc Việt, gồm 15 bộ tộc do vua Hùng thời thứ 18 của bộ tộc ở Phong Châu lãnh đạo. Hai bên vốn đã đánh nhau lâu nay nhưng mãi đến lúc này, với tài lãnh đạo của Thục Chế (?) thì Âu Việt mới giành được ưu thế lớn. Tuy nhiên, vua Hùng và những Lạc Hầu, Lạc Tướng, Quan Lang trung thành vẫn cầm cự, chưa bị thua hẳn.

Gần 40 năm sau, năm 221 TCN, Doanh Chính gồm thâu 6 nước, nhất thống Hoa Hạ. 3 năm sau, năm 218 TCN, Thủy Hoàng Đế bắt đầu công cuộc bành trướng khu vực, phái Mông Điềm đánh Hung Nô ở phía Bắc và xây Vạn Lý Trường Thành để phòng ngự vó ngựa Hung Nô. Phía Nam, Tần Thủy Hoàng cử 5 đạo quân Nam chinh, mỗi đạo 10 vạn quân, tổng cộng 50 vạn quân tiến hành bành trướng xuống Nam, diệt Bách Việt, mở rộng lãnh thổ.

Nhiều dân tộc, bộ tộc, bộ lạc trong khối Bách Việt vì sự sinh tồn của mình, đã liên minh lại chống quân viễn chinh Tần, trong đó có cả Lạc Việt và Âu Việt (Tây Âu). Tuy nhiên sau đó lần lượt nhiều bộ tộc trong Bách Việt như Câu Ngô Việt, Ư Việt (hậu duệ của nước Ngô và nước Việt thời Xuân Thu), Dương Việt, Nam Việt (bộ tộc), Điền Việt, Mân Việt, Sơn Việt, Dạ Lang Việt v.v. đều bị chinh phục chỉ còn lại bộ tộc Âu Việt và dân tộc Lạc Việt.

Trong cuộc chiến này, vua Thục tên Phán (lúc này đã thay chế Thục Chế?) cùng thủ lĩnh Dịch Hu Tống, là 1 trong những thủ lĩnh sáng giá trong 10 xứ mường của Âu Việt lãnh đạo kháng chiến. Âu Việt chiến đấu tiên phong, trực diện với sự hậu thuẫn của Văn Lang - Lạc Việt phía sau. Hùng Vương ở Phong Châu cũng thừa biết nếu quân Tần vượt qua Thục Phán và Âu Việt thì mình cũng sẽ lâm nguy. Vì sinh tồn, 2 tộc đã liên kết lại cùng chống ngoại địch từ phương Bắc.

Cuộc chiến giằng co 4 năm, năm 214 TCN, nhờ chiến thuật du kích, tận dụng ưu thế địa lợi, rừng núi, thủy thổ làm cho giặc đổ bệnh, mẹo "vườn không nhà trống", đánh lén ban đêm v.v., và nhờ tài lãnh đạo của Thục Phán, tài thao lược của Cao Lỗ, vũ dũng của ông Trọng (?) mà liên quân Bách Việt do Âu Việt lãnh đạo đã tạm thắng trong giai đoạn này, giết được Đồ Tuy, chém hàng vạn quân địch, tuy nhiên thủ lĩnh Dịch Hu Tống của người Việt cũng bị tử trận.

Ngay sau đó, nhà Tần cử 2 tướng tài là Nhậm Hiêu (Nhâm Ngao) và Triệu Đà đem quân tiếp viện và thay thế Đồ Tuy, chiến tranh tiếp diễn rồi tạm ngừng. Nhậm Hiêu và Triệu Đà chia nhau bình định và cai quản những vùng mà người Tần đã chiếm.

Sau 4 năm kháng chiến chống Tần, Đồ Tuy và thủ lĩnh Dịch Hu Tống tử trận, thủ lĩnh anh hùng Thục Phán với uy tín từ việc đồng lãnh đạo cuộc chiến với Dịch Hu Tống, là thủ lĩnh sáng giá thứ hai sau Dịch Hu Tống, đã được 9 xứ mường của bộ tộc Âu Việt bầu lên làm thủ lĩnh tối cao để lo việc thống nhất, đoàn kết các bộ tộc người Việt còn sót lại cùng nhau đối phó với hiểm họa lớn này. Ngoài những người Âu Việt và những người Bách Việt tỵ nạn thì việc Thục Phán làm thủ lĩnh, lãnh đạo tối cao để bảo vệ phương Nam trước họa Bắc xâm cũng được nhiều người Lạc Việt, nhiều bộ tộc và thế lực trong nước Văn Lang ủng hộ. Theo đó, Thục Phán đã dùng uy thế và sức mạnh của phe mình áp lực Hùng Vương phải nhường ngôi, nhưng Hùng Vương bác bỏ.

Trước khi quân Tần xâm lược thì Thục Phán đã cầu hôn với mị nương Ngọc Nga nhưng Hùng Vương gả nàng cho chàng Tuấn, 1 thủ lĩnh, thổ hào hùng cứ quanh dãy núi Tản Viên. Vì vụ này mà quân đội của Thục Phán đã có những xung đột lẻ tẻ với quân đội Văn Lang và quân Tản Viên, cho đến khi nhà Tần bắt đầu cuộc Nam xâm thì xung đột vũ trang mới chấm dứt, các bên giảng hòa, hơn nữa Tuấn còn khuyên bố vợ nhường ngôi cho Thục Phán, bởi vì Hùng Vương lúc đó đã bắt đầu già yếu, không tài giỏi và có tư cách lãnh đạo bằng Thục Phán, và không có đứa con nào khả dĩ nối ngôi (?).

Vì Hùng Vương không chịu nhường ngôi, Thục Phán hợp tác với Cao Lỗ, nội công ngoại kích bất ngờ vào ban đêm khi Hùng Vương đang ngủ vùi sau tiệc rượu, Cao Lỗ làm nội ứng, mở cửa thành phía sau cho quân của Thục Phán tràn vào khống chế và làm chủ tình thế. Trước tình thế đó, Hùng Vương đành phải nhường ngôi, Thục Phán tuyên bố sẽ bảo vệ nước của vua Hùng, bảo vệ thần dân Lạc Việt và Âu Việt, sát nhập 2 tộc lại thành nước Âu Lạc, lên ngôi vua, xưng là An Dương Vương. Việc nhất thống này cũng cần thiết trước hiểm họa Nhậm Hiêu, Triệu Đà và quân Tần vẫn đang rình rập từ phía Bắc.

Sau khi thống nhất Âu Lạc, vua An Dương đã sở hữu nhiều kho với số lượng lớn cung nỏ, vũ khí tầm xa, nhất là nỏ, vốn là vũ khí rất mạnh đặc trưng của các dân tộc ở Bắc Việt Nam và Nam Trung Hoa lúc đó, thuận lợi cho chiến tranh du kích, phục kích bắn tỉa. Vua giao cho mưu sĩ là Kim Quy và Lạc hầu Cao Lỗ lo việc phát triển công nghệ, chế tạo, cải tiến nỏ, vũ khí chiến lược của Âu Lạc Việt, để chuẩn bị chống Tần một khi Triệu Đà phát động tấn công (nhà Tần là bên tự ngừng chiến và chưa có thỏa thuận nào về kết thúc chiến tranh). Kim Quy và Cao Lỗ phát triển, nâng cấp một bộ phận nỏ thường lên nỏ thần (nỏ liễu, nỏ liễn, nỏ liên châu), loại nỏ 1 phát có thể bắn được nhiều mũi tên, để lấp đi khuyết điểm quân ít, thiếu thốn xạ thủ. Nỏ của Âu Lạc bắn xa hơn, bắn mạnh hơn, tốt hơn, bền hơn và hiện đại hơn nỏ Tần. Các đội quân bắn nỏ của Âu Lạc cũng tinh nhuệ, thiện chiến, bắn chính xác hơn quân Tần.

An Dương Vương cũng cho xây đắp thành Loa, kiên cố hơn, to hơn nhiều, và có tác dụng phòng giữ cao hơn nhiều so với các thành nhỏ của Hùng Vương trước đây. Đây là công trình phòng thủ quân sự đầu tiên, một thành trì đầu tiên của tộc Việt mang tầm vóc kinh đô. Do bị ảnh hưởng từ công cuộc xây Vạn Lý Trường Thành ngăn Hung Nô của Tần Thủy Hoàng, một sự kiện lớn và nổi tiếng thời đó, nên vua An Dương cũng muốn xây Loa thành để chống thù trong giặc ngoài (các thế lực còn trung thành với cựu triều bên trong và giặc Tần bên ngoài).

Tuy nhiên, do đây là một cuộc hợp nhất không suông sẻ lắm, nhiều người còn chưa phục, nên các thế lực chống đối cũng thường nổi lên quấy rối công cuộc xây Loa thành, tuy củng cố phòng ngự quân sự để đề phòng giặc Tần nhưng cũng làm khổ sức dân, lao động cưỡng ép, và vô tình làm rõ sự phân chia giai cấp, tự cô lập, xa dân, tạo nên một bức tường tinh thần ngăn cách giữa đồng bào và chế độ mới.

Trong vòng 4 năm sau đó, thỉnh thoảng Triệu Đà mở những chiến dịch tấn công, nhưng nhờ có nỏ tốt, nỏ liên châu, các xạ thủ bắn nỏ tinh nhuệ nên quân Âu Lạc đều đánh đuổi được giặc. Năm 210 TCN, Triệu Đà dùng kế thông gia, mỹ nam kế (?), đề nghị giảng hòa. An Dương Vương lúc này không còn trẻ nữa, sức khỏe bắt đầu bất ổn, thường xuyên đau bệnh, không còn hùng tâm tráng chí như 4 năm trước. Ông đã mệt mỏi vì chiến họa, nên đã chấp nhận hòa hiếu.

Sự kiện này bị đông đảo thần dân phản đối, các đại thần khuyên can. Một là do tinh thần chống Tần, bài Tần, lòng căm thù giặc khi đó của nhân dân ta. Hai là những người sáng suốt ngờ ngợ nhận ra ý đồ gián điệp của Triệu Đà, hay ít nhất là cảm nhận ra bằng trực giác, thấy có gì đó không đúng, không ổn, vì sao địch đang trên thế mạnh, trên thế công, mà lại chấp nhận hòa lại còn chấp nhận gởi con trai đến làm con tin, không bình thường, không hợp tình lý. Ba một bộ phận bảo thủ, chủ chiến trong phe quân đội, thấy cái gì liên quan đến Tần là không muốn dây vào, cái gì liên quan đến hòa là phản đối, tiếc cho mị nương Mỵ Châu, không muốn một tài nữ xinh đẹp phải gả cho một tên giặc cướp ác ôn, xấu xa, hoặc đơn giản là không muốn mất thân phận, đường đường là một nhà vua lại đi thông gia với một viên tướng, viên quan (Triệu Đà lúc này chưa lên ngôi hoàng đế, chưa thành lập nước Nam Việt, trên danh nghĩa vẫn là thần tử của triều Tần).

Có nhiều lý do để phản đối như vậy nên đa số đều phản đối, khuyên can gay gắt, quyết liệt. Nhưng vua lúc này không còn sáng suốt, minh mẫn như xưa, chỉ nghĩ đơn giản rằng vừa được thanh bình, vừa được thêm một con tin ở rể, không mất gì, giả dụ địch trở mặt thì cứ đánh lại thôi, không sao đâu v.v. nên bỏ mặc mọi lời khuyên, mọi can gián, một mình quyết định. Các trung thần can vua mãi không được nên đã bất bình, bi phẫn, dần chán nản bỏ đi hết.

Triệu Đà gởi Trọng Thủy sang ở rể theo phong tục mẫu hệ của Âu Việt và Lạc Việt. Trong thời gian trong thành Loa, Trọng Thủy đã hoạt động tình báo, thu thập thông tin về nỏ liên châu hiện đại của Âu Lạc, địa điểm các kho nỏ, tên, khuyết điểm của các đơn vị quân đội bắn nỏ, địa hình, nhân tâm, tình hình triều đình Âu Lạc v.v. Triệu Đà đồng thời bỏ ra vàng bạc châu báu để mua chuộc các thế lực, thị tộc, bộ tộc, đồng minh chung quanh Âu Lạc, các lạc hầu, lạc tướng của Âu Lạc, ly gián vua tôi. Triệu Đà và Trọng Thủy đã dèm pha và ly gián thành công An Dương Vương với Cao Lỗ, khiến Cao Lỗ và những người tận trung cuối cùng của vua cũng phải chán nản bỏ đi, nhà nước Âu Lạc không còn lại bao nhiêu người tài.

Cùng thời gian này, bên Trung Hoa, Tần Thủy Hoàng đã từ lâu đã thường xuyên uống vào những "linh đan" làm bằng các viên ngọc, kim cương, đá quý nghiền thành bột của bọn đạo sĩ xôi thịt nên bệnh ngày càng nặng. Trong khi đi tuần du phía Đông, đến đất Sa Khâu thì bệnh chết. Trung xa phủ lệnh, hoạn quan Triệu Cao muốn chuyên quyền, nên không muốn vương tử Phù Tô (là người trung nghĩa, hiếu thuận, yêu dân, có tài quân sự, có năng lực chính trị) lên ngôi, nên đã dụ vương tử Hồ Hợi, em trai của Phù Tô cùng đồng lõa giả truyền lệnh bức tử Phù Tô và danh tướng Mông Điềm, và giả di chiếu cho Hồ Hợi (là kẻ tiểu nhân, tàn bạo, ngu dốt, háo sắc, ăn chơi rượu chè) lên ngôi. Triệu Cao chọn Hồ Hợi trong nhiều con trai của Tần Thủy Hoàng là để dễ bề lung lạc, điều khiển, sử dụng hắn như một hoàng đế bù nhìn, để thỏa khát vọng quyền lực. Triệu Cao là thầy đã dạy dỗ Hồ Hợi từ nhỏ. Hồ Hợi lên ngôi hoàng đế.

1 năm sau, năm 209 TCN, bên Trung Hoa, Trần Thắng với sự phò trợ của Ngô Quảng nổi lên khởi nghĩa phản Tần. Trần Thắng dùng những thủ đoạn tuyên truyền mê tín dị đoan để quảng bá cho "chân mệnh đế vương" của mình. Binh sĩ ban đầu chỉ có vài trăm nông dân, dùng tầm vông vạt nhọn, gậy gộc, các loại vũ khí bằng gỗ để chiến đấu, sau đó mới cướp vũ khí của quan binh, lực lượng, phong trào và địa bàn ngày càng mở rộng và lan tỏa. Tới năm 208 TCN, nghĩa quân nông dân của Trần Thắng mới bị dẹp hoàn toàn.

Một hai năm sau, sau khi Cao Lỗ đã bỏ đi, dò biết Âu Lạc không có chế độ kiểm tra chất lượng vũ khí, và dò biết kho nỏ nào không được dùng để luyện bắn, Trọng Thủy cho người bí mật tráo hàng giả, hầu hết các lẫy nỏ đều hỏng không dùng được, dự trữ trong các kho đó. Đến khi quân Tần - Triệu tràn sang đánh, Âu Lạc không còn người tài, An Dương Vương già yếu không còn hùng phong như xưa, dân khí, sĩ khí ì ạch, biếng nhác không còn nhiệt huyết với việc binh đao chinh chiến như trước, và quan trọng nhất là vũ khí chiến lược nỏ liên châu đã bị vô hiệu hóa bất ngờ, đa số nỏ thần định sử dụng trong lúc khẩn cấp nhất lại bị hỏng, không sử dụng được, đã khiến lòng quân sa sút tinh thần nghiêm trọng, dẫn tới tình trạng loạn trại, vỡ trận hàng loạt, binh bại như núi đổ. Vua An Dương phải cưỡi ngựa chở mị nương Mỵ Châu mở đường máu đào vong, không còn bao nhiêu tàn quân.

Cao Lỗ và nhiều cựu thần mộ quân đến cứu, nhiều thổ hào, sứ quân, nghĩa quân đem quân đến cứu nhưng không kịp. Trước đó nhiều bộ tộc, bộ lạc phần vì bất mãn với An Dương Vương, phần vì được Triệu Đà hối lộ lễ vật, mua chuộc, nên đã tự thủ bàng quan mặc cho quân Tần - Triệu truy kích. Mỵ Châu ngây thơ nghe lời Trọng Thủy dặn rút lông ngỗng trên áo rải trên đường khi chạy chậm hoặc dừng chân nghỉ ngơi để Trọng Thủy dễ tìm tới, vợ chồng đoàn tụ, do đó quân địch cứ tìm theo dấu vết mà dễ dàng truy đuổi. Khi chạy đến vùng Nghệ An ngày nay mà quân giặc vẫn ồ ạt đuổi theo, không tài nào thoát khỏi, vua phát hiện ra, tra hỏi hiểu ra thì bi phẫn, uất hận, chém con gái cho khỏi bị quân giặc làm nhục, rồi trầm mình xuống biển tự sát. An Dương Vương bị Triệu Đà đánh bại, để lại một mối di hận không phai.

Cùng khoảng thời gian, thừa tướng Lý Tư bị Triệu Cao dèm pha, hãm hại và bị Tần Nhị Thế xử tử. Khoảng 1 năm sau, năm 207 TCN, Tần Nhị Thế Hồ Hợi bị Triệu Cao ép chết trong Vọng Di Cung, rồi đưa em trai của Tần Thủy Hoàng là Tử Anh lên ngôi, ngay sau đó Tử Anh bày kế giết Triệu Cao. 1 năm sau, năm 206 TCN, Tử Anh đầu hàng Lưu Bang, bị Lưu Bang đem giao cho Hạng Vũ và bị Hạng Vũ xử chết. Nhà Tần chính thức sụp đổ. Chiến tranh Hán - Sở giữa hai lãnh tụ Lưu Bang và Hạng Vũ sau đó diễn ra ác liệt.

2 năm sau, năm 204 TCN, Triệu Đà lên ngôi và thành lập nước Nam Việt, chính thức ly khai khỏi Trung Nguyên. 2 năm sau, năm 202 TCN, Lưu Bang đánh bại Hạng Vũ và thống nhất Trung Quốc. 23 năm sau, năm 179 TCN, các thế lực phản kháng phần bị Triệu Đà thuyết phục, hối lộ, dụ dỗ, mua chuộc, chiêu an, chiêu hàng, giảng hòa, phần bị tiêu diệt, nước Âu Lạc hoàn toàn bị Triệu Đà bình định và thôn tính. Triệu Đà và triều đình Nam Việt hoàn thành việc đánh dẹp. Mở đầu đêm dài Bắc thuộc cho đến khi Ngô Vương Quyền giành lại hoàn toàn độc lập tự chủ.

                                                                                                                              Thiếu Long

Tài liệu tham khảo

- Sử Ký, Tư Mã Thiên, Phan Ngọc dịch, NXB Văn học, 1988
- Đại Việt sử ký toàn thư, Ngoại kỷ: Kỷ Hồng Bàng thị, Hùng Vương
- Khâm định Việt sử Thông giám Cương mục, Quốc sử quán, Kỷ nhà Triệu
- Đại cương lịch sử Việt Nam tập 1 (Từ thời nguyên thủy đến năm 1858), Nhiều tác giả, NXB Giáo dục, 2001
- Văn Hóa Đông Sơn, Phạm Minh Huyền, NXB Khoa học Xã hội, 1996
- Lịch sử Việt Nam, tập 1, Phan Huy Lê, Trần Quốc Vượng, Hà Văn Tấn, Lương Ninh, NXB Đại học và giáo dục chuyên nghiệp, 1991
- Lịch sử cổ đại Việt Nam, Đào Duy Anh, NXB Văn hóa Thông tin, 2005
- Biên niên lịch sử cổ trung đại Việt Nam, Viện Sử học, NXB Khoa học Xã hội, 1988
- Từ điển Bách khoa thư Việt Nam, PGS. TS. Phạm Hùng Việt, Viện Khoa học Xã hội Việt Nam, 2005

- Tài liệu Internet
- Wikipedia tiếng Việt, tiếng Anh, tiếng Trung

    Comments 

    thieulongtexas Thursday, October 4, 2012 8:31:05 PM
    Originally posted by anonymous:
    Anonyme writes: Còn vụ Phù Đổng đánh giặc ân thì sao. Mình nghe đây là bốc phét vì nhà Ân ở wá xa?
    Đúng rồi bạn, nhà Thương (Ân) ở quá xa, không hợp lý ở cả không gian và thời gian. Có thể đây là 1 "Ân" khác quanh khu vực, hoặc giả 1 bọn giặc vô danh nào đó, không có thông tin và các bác Nho học sau này ghi là giặc Ân cho oai.

    Theo truyền thuyết và những tích liên quan, từ cái cách thể hiện thì thấy có vẻ đúng đây là giặc ngoài, chứ ko phải nội chiến phản loạn, các truyền thuyết, sự tích dân gian, địa phương, ngọc phả trong các đền thờ cũng cung cấp 2 thông tin sau: Giặc "Ân" này dẫn đầu bởi 28 nữ tướng, và tôn thờ Thạch Linh thần tướng.

    Như vậy có thể đây là 1 bộ lạc nhỏ, còn bán khai, theo chế độ mẫu hệ, và việc thờ thần đá cho thấy khả năng cao là họ vẫn đang trong thời kỳ đồ đá hay ít nhất đa số các vật dụng của họ vẫn là đá chứ chưa có nhiều kim loại. Phong tục tập quán của các bộ lạc sơ khai là họ dùng cái gì nhiều, cái gì quan trọng trong cuộc sống thường nhật, thì họ thờ cái đó, hoặc thần thánh hóa nó lên mà thờ. Đa số các bộ tộc trong thời kỳ đồ đá thường là thờ thần đá, "Thạch Cơ", thổ địa, sơn thần, hoặc những cái khác liên quan tới đá.

    Chàng Gióng có thể là vị tướng, hoặc 1 tráng sĩ, nghĩa sĩ được thần thánh hóa lên. Sau này được phong thánh và dân gian thờ như 1 vị thánh, thành Thánh Gióng. Các vua ta về sau phong chính thức làm Phù Đổng Thiên Vương (do xuất thân làng Phù Đổng) và Xung Thiên Thần Vương.

    Unregistered user Friday, October 5, 2012 8:24:20 AM
    Liên writes: Trong bài viết ý bạn là Sơn tinh đánh với TP ah. Sơn tinh đánh với Thủy tinh mà sao giờ đánh với Thục Phán ?

    thieulongtexas Friday, October 5, 2012 9:31:30 PM
    Sơn Tinh Thủy Tinh chỉ là 1 truyền thuyết nhiều người biết nhất, trong đó ko nói tên của ai. Nhưng dựa vào các thần tích, ngọc phả, cổ tích khác ít người biết hơn thì có một số đề cập đến Sơn Tinh là 1 thanh niên có thật tên là Nguyễn Tuấn, là phò mã của vua Hùng. Nhưng không có cái nào nhắc tới Thủy Tinh hay đề cập tới tên thật của Thủy Tinh. Nhưng lại có một số tích cho rằng chính Sơn Tinh đánh nhau với Thục Phán để giành mị nương.

    Hầu hết các quốc gia dân tộc ở Đông Nam Á thời điểm đó chưa có họ. Tại VN thì đến thời Hai Bà Trưng trong danh sách tướng tá và những nữ tướng được phong "công chúa" của Hai Bà thì mới thấy xuất hiện một số người có họ, và vẫn còn rất nhiều người không có họ, 50/50. Cho nên có thể suy ra tới thời Hai Bà Trưng thì dân ta mới bắt đầu đặt họ, dùng họ, mà thời đó thì nước ta bị Bắc thuộc đã lâu.

    Do đó đang có nghi vấn rất mạnh trong giới nghiên cứu lịch sử cổ đại rằng liệu có phải thời Hồng Bàng chúng ta chưa có họ, những họ được gán ghép vào những cái tên chính là "công trình" của giới sử học Lê sơ, có lẽ họ muốn "văn minh hóa" dân tộc nên đã tự tiện gắn các họ vào những nhân vật VIP cổ đại có thông tin về tên nhưng thiếu sót thông tin về họ. Hoặc có lẽ do chủ nghĩa dân tộc, triều Lê lúc đó vừa mới giành độc lập, muốn "cùng Hán - Đường - Tống - Nguyên hùng cứ một phương", nghĩa là Việt - Hoa ngang nhau, nên muốn chứng tỏ ta cũng có họ như ai, không muốn thần dân nghĩ rằng họ của họ là sản phẩm của Trung Hoa đô hộ, là kết quả sau Bắc thuộc.

    Cho nên khi miêu tả giả thuyết về Sơn Tinh, mình bỏ họ Nguyễn ra chỉ giữ lại cái tên đáng tin hơn.

    Hầu như tất cả các tư liệu, thần phả, ngọc phả, sự tích tìm đc tới nay, các câu chuyện đó chỉ có đề cập tới 2 người mị nương của Hùng Vương, đó là 1 người gả cho Sơn Tinh, 1 người kết hôn và bỏ đi tiêu dao sơn thủy với 1 thiếu niên / thanh niên không rõ tên họ ở bên bờ sông Chử (nhân vật này đc các nhà Nho sau này gọi là Chử Đồng Tử, với ngụ ý là bé trai bên sông Chử).
    Unregistered user Saturday, October 6, 2012 3:53:26 AM
    Dương gia tướng writes: Bài viết hay nhưng tôi đọc Hà Văn Thùy bênh Mị Châu bảo rằng Thục Phán mới là kẻ xâm lược cướp nước còn Triệu đà là chính thống bác nghĩ sao

     thieulongtexas Saturday, October 6, 2012 6:48:48 AM
    Sử Ký Tư Mã Thiên và Hoài Nam Tử đều ghi chép rằng Lạc Việt và Tây Âu (Âu Việt) không phải là biệt chủng. Các truyền thuyết, tích xưa đều cho thấy sự gần gũi, tương giao, tương đồng về sinh họat, về phong hóa của Âu Việt và Lạc Việt. Các kết quả tìm kiếm, nghiên cứu, khai quật, khảo cổ, đo đạc, giám định v.v. quanh Phú Thọ, Cổ Loa, Cao Bằng (nơi phát hiện sự tích "9 chúa tranh vua" có đề cập tới Thục Phán) v.v. đều cho thấy là có người Âu Việt sống ở khu vực của người Lạc Việt, và ngược lại, và giữa 2 bên không có sự khác biệt nhiều về văn hóa, lối sống, chính trị, xã hội và nhân chủng.

    Các truyền thuyết dân gian, và các ghi chép trong các đền thờ, các truyền khẩu dân gian v.v. đều thể hiện lên chủ đạo tộc Việt, đều nói lên rằng Âu Lạc là 1 nhà, đều cho thấy một nhận định rằng Thục Phán là một anh hùng giải phóng dân tộc, giải phóng đất nước, sự nghiệp của An Dương Vương về già tuy thất bại, nhưng đó là thất bại của một bậc anh hùng cái thế. Do đó trong truyền thuyết Trọng Thủy Mỵ Châu, người ta đã không tin, không chấp nhận việc An Dương Vương trầm mình xuống biển tự tử, mà lại giải thích rằng đó là do Thần Kim Quy rẽ nước cho vua xuống "tỵ nạn" nơi thủy cung. Đó là sự tôn trọng, kính nể, kính phục, biết ơn, và thương nhớ tiếc nuối mà nhân dân dành cho 1 vị anh hùng giải phóng dân tộc.

    Đồng thời, câu chuyện Trọng Thủy Mỵ Châu lại được đồng bào ta miêu tả như một mối uất hận lâu dài, không phai, không nguôi. Rõ ràng chúng ta thấy các tính chất, các yếu tố cho thấy cái nhục mất nước, nỗi hờn vong quốc, quốc hận, uất ức, nhục nhã. Một sự phản bội ghê gớm. Một bài học nhờ đời, một kinh nghiệm đau thương nhớ đời v.v. Và truyền thuyết này như là 1 cảnh tỉnh cho đời sau, mang tính răn dạy, truyền lửa cho con cháu; rằng đừng dại dột nữa mà để mắc lừa giặc sau lưng, giặc bên trong như An Dương Vương với Triệu Đà mà để mất nước.

    Lưu ý khi Phiên Ngung thất thủ về tay Hán Võ Đế, tể tướng Lữ Gia bị quân Hán giết, thì chúng ta không thấy trong dân gian, trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam lưu truyền những truyền thuyết nào như vậy. Không thấy cái hình ảnh "nước mất nhà tan" như khi Âu Lạc mất vào tay Triệu Đà.

    Thục Phán thay Hùng Vương và nhà Hán tiêu diệt nhà Triệu chúng ta đều không thấy cái ai oán, phẫn hận, cái hình ảnh nỗi nhục diệt quốc, nước mất nhà tan, uất hận nghẹn ngào to lớn như thể hiện trên các truyền thuyết dân gian về sự kiện Âu Lạc mất nước. Có thể nhân dân ta khi đó vốn coi đó là sự thất bại của cuộc trường kỳ kháng chiến chống giặc Tần và sự nghiệp giữ nước của An Dương Vương.

    Unregistered user Saturday, October 6, 2012 7:04:15 PM
    Ngô văn Tấn writes: Rất hay, tôi cũng đọc vấn đề này rất nhiều, tìm hiểu rất nhiều để thấy đúng là Úy Đà là tên giặc Tần và cuộc chiến Việt Tần với Thục Triệu chỉ là 1, là nhân dân Lạc Việt và Tây Âu chống giặc Tần xâm lược. Thank bài post rất nhiều.

    Unregistered user Sunday, October 7, 2012 6:31:09 AM
    QuanSuVN writes: Nếu bảo Nam Việt-Nhà Triệu của Triệu đà là chính thống chẳng khác gì bảo Đông Ngô và Nam Hán cũng là chính thống của người VN. Không thể tiêu chuẩn kép. Nam Việt, nước Ngô và Nam Hán đều là những xứ tách riêng với trung ương TQ và đô hộ đất Giao Châu An Nam. Triều đình Triệu Đà đóng đô bên Tàu khg phải bên Ta. Nước Nam Việt rất rộng lớn đất đai xứ Giao Chỉ Annam chỉ là 1 phần lúc ấy của họ bị họ thống trị.

    Unregistered user Sunday, October 7, 2012 6:46:55 AM
    zhaoyun writes: Tôi ủng hộ quan điểm Triệu Đà là chính thống. Triệu Đà là người Bách Việt, lập nước Nam Việt là muốn trở về nguồn cội Bách Việt thôi.

    thieulongtexas Sunday, October 7, 2012 7:41:20 AM
    Triệu Đà là người nước Triệu, thuộc tỉnh Hà Bắc ở phía Đông Bắc Trung Quốc ngày nay, nước Triệu là 1 trong những quốc gia sau cùng bị Tần thôn tính, Tần thôn tính Triệu xong rồi mới Nam chinh Bách Việt mà.

    Unregistered user Tuesday, October 9, 2012 5:18:27 AM
    Anonyme writes: Triệu đà là người triệu gốc việt. Cha ông triệu đà là người bách Việt. Nếu không thì đặt tên Nam Việt cho quốc hiệu làm gì. Nam việt là tên của bộ tộc trong bách việt đấy. Triệu Đà ngồi xổm học xăm mình muốn trở về nguồn gốc.

    thieulongtexas Tuesday, October 9, 2012 9:33:23 PM
    Bạn có nguồn nào xác định thông tin này không? Việc Triệu Đà đặt tên nước là Nam Việt, giống tên của bộ tộc Nam Việt trong nhóm Bách Việt là một căn cứ để nghi ngờ và dự đoán, không phải căn cứ để khẳng định, kết luận.

    Cũng như vụ ngồi xổm, xăm mình, tỏ ra Việt hóa bề ngoài v.v., mình nghĩ đó chỉ là những thủ thuật chính trị để mị dân, hòng xoa dịu và để hóa giải những công phẫn, chống đối lúc đó, vì vùng đất mà Triệu Đà cai trị chính là vùng đất cũ của người Bách Việt. Triệu Đà đã được các pho chính sử xác nhận là người thủ đoạn, thâm trầm, khôn khéo, hiểm độc, thâm mưu viễn lự đầy tâm cơ mưu trí, chuyên mua chuộc, đút lót, giảng hòa, dụ dỗ là chính, khi nào dụ ko đc thì mới đánh.

    Tình thế của Triệu Đà cũng ko phải như các triều đình trung ương Trung Hoa xâm lược sau này. Các triều đình chính thống trung ương Trung Nguyên có thể tự cao tự đắc để mạnh tay cưỡng ép đồng hóa. Nhưng Triệu Đà thì không phải là trung ương Hoa Hạ, mà chỉ là một loại quân phiệt cát cứ ở phía Nam, chung quanh thì đầy các thế lực bản địa phẫn nộ chống lại, cho nên Triệu Đà phải mềm dẻo, quyền mưu, chú trọng vấn đề mị dân để trị hơn là dùng bạo lực phản động cưỡng bức đồng hóa như bọn phong kiến phương Bắc khác. Hơn nữa việc cưỡng bách đồng hóa, dùng vũ lực giải quyết mọi vấn đề, hiếu chiến hiếu thắng không phải là tính cách của 1 con người độc, hiểm, khéo, lắm thủ đoạn, xảo quyệt, thâm nho, giỏi chính trị, đầy mưu mô như Triệu Đà, ko phù hợp với những cách làm hay thấy ở nhà lãnh đạo này.

    Unregistered user Wednesday, October 10, 2012 8:32:26 AM
    Anonymous writes: yevon Đô Tổng Binh Sứ Thần dân Đại Việt: nguyên cái giả thuyết nêu trên: sụp đổ ngay khi người ta nêu ra nghi vấn: " các thần tích kia thực tế được viết từ lúc nào, bởi ai?". Bác chủ nhà giải thích thế nào?

    Unregistered user Wednesday, October 10, 2012 10:17:09 AM
    Lạc Quân writes: Thờ thần đá cũng chưa chắc họ trong thời đại đồ đá đâu Thiếu Long. Thí dụ Cao Nỗ thời ADV sau này được phong làm Thạch Thần nhưng thời ADV dân ta đã dùng tên đồng, trống đồng. Tôi nghĩ giặc ân là bọn giặc nào đó xung quanh thôi.

    thieulongtexas Wednesday, October 10, 2012 9:00:15 PM
    Theo một số người thì phần lớn các thần tích, tích xưa là xuất hiện từ thời Hậu Lê. Vậy cứ cho là bỏ qua các thần tích ít phổ biến, bỏ qua các sử liệu từ Hậu Lê trở lên, chỉ dùng Việt Sử Lược, An Nam Chí Lược, Sử Ký, Hoài Nam Tử và các cổ tích, thần thoại, truyền thuyết, huyền sử, dã sử, giai thoại dân gian mang tính đại chúng, thuộc về văn hóa truyền khẩu dân gian, đc người xưa lưu truyền, truyền miệng nhiều đời, như các sự tích về Sơn Tinh Thủy Tinh, Nỏ Thần, Loa Thành, Trọng Thủy Mỵ Châu v.v. thì giả thuyết trên vẫn phù hợp phần lớn.

    Còn nếu bỏ qua tất cả các thần tích, chỉ dùng mỗi chính sử, thì giả thuyết trên vẫn thích hợp phần lớn.

    Còn nếu bỏ qua tất cả các thần tích, cổ tích, truyền thuyết trong phạm vi người Kinh Việt Nam, và bỏ qua các tài liệu quốc sử từ Đại Việt SKTT thời Lê trở đi, để bảo đảm tính "khách quan phiệt" trần trụi máy móc nhất, thì có thể tóm lược các thông tin sau:

    - Có nước Âu Lạc (ghi trong Việt Sử Lược thời Trần, Sử Ký của Tư Mã Thiên thời Hán bên TQ, và Hoài Nam Tử của Lưu An, TQ)

    - Có Thục Phán An Dương Vương (ghi trong sử Tàu như Sử Ký, Thái bình hoàn vũ ký..., là nhân vật chính trong truyền thuyết "9 chúa tranh vua" của dân tộc Tày tỉnh Cao Bằng)

    Như vậy giả thuyết của bài vẫn phần lớn là phù hợp, chỉ cần bỏ qua các luận cứ về Hùng Vương - Văn Lang.

    Nói chung, các truyền thuyết mang tính đại chúng của VN đều có nhiều sự kiện chính cũng có đề cập trong sử Tàu, là các tài liệu khá khách quan chứ không có chất bành trướng bá quyền sô-vanh Đại Hán. Ví dụ như các truyền thuyết dân gian mang tính đại chúng (để phân biệt với các thần tích ít phổ biến) của VN đều đề cập tới "nước Âu Lạc", "Thục Phán, "An Dương Vương", "Trọng Thủy", "Mỵ Châu" v.v. thì một số sử Tàu cũng đề cập tới, như Sử Ký, Hoài Nam Tử đề cập tới Âu Lạc, Sử Ký đề cập tới Thục Phán, Thái Bình Hoàn Vũ Ký đề cập tới An Dương Vương, Trọng Thủy, Mỵ Châu, nỏ thần, Cao Lỗ v.v. Và truyền thuyết "9 chúa tranh vua" của người Tày, vốn không liên quan nhiều đến các triều đình phong kiến Đại Việt, ko chỉ đề cập mà còn tôn vinh và xem Thục Phán là nhân vật chính, là một anh hùng, thần đồng, thần nhân
    thieulongtexas Friday, October 12, 2012 10:07:42 PM
    Ý bạn là nước Việt (Câu Tiễn) hả? Đó là thời Xuân Thu, không phải thời Chiến Quốc. Nước Việt đó do Câu Tiễn, Phạm Lãi lãnh đạo đã thôn tính nước Ngô của Phù Sai, với sự tích về mỹ nhân kế, Tây Thi. Nhưng rồi nước Việt cũng bị nước Sở thôn tính ngay trong thời Xuân Thu.

    Về sau con cháu 2 nước Ngô - Việt lưu lạc, trôi dạt dần về phía Nam Trung Hoa, trở thành 2 bộ tộc Câu Ngô và Ư Việt trong đại khối Bách Việt.
    Unregistered user Saturday, October 13, 2012 3:51:24 AM
    Trịnh Văn Sáng writes: Quan điểm của tôi khi nghiên cứu đề tài này là khác ThiếuLong, là như thế này... Chính viện sử học thời Lê Sơ là thủ phạm của mọi rắc rối trong thời kỳ này. Sau khi Lê Thái Tổ giành được độc lập, Nguyễn Trãi đọc Bình Ngô đại cáo, các nhà sử học triều Lê muốn VN ngang với Trung quốc, muốn thời điểm lập quốc của VN bằng TQ, muốn cho văn minh VN bằng thời gian văn hiến như TQ nên đã tiến hành việc đẩy lùi các mốc thời gian về phía càng xưa càng tốt. Nên khi các ông Phan Huy Lê, Dương Trung Quốc, Trần Quốc Vượng, Lê Văn Lan, Lương Ninh và VSH, HKHLSVN và các các chuyên gia khảo cổ học khảo nghiệm các đồ đồng khai quật được thì phát hiện ra các sách sử nhà Lê đã nói sai thời điểm, như là cố ý đẩy lùi thời gian về phía sau. Các kết quả giám định đều cho thấy mốc thời gian ghi chép trong sử Tầu như Sử ký Tư Mã Thiên là chính xác về thời điểm dựng nước của vương quốc Âu Lạc.

    thieulongtexas Saturday, October 13, 2012 7:29:15 AM
    @ Trịnh Văn Sáng

    Ý kiến đó của bạn tuy chưa có nhiều căn cứ nhưng cũng rất hợp lý.

    @ Thổ Dân Giao Chỉ

    Bách Việt bị tiêu diệt, vong quốc và Hán hóa hết rồi bây giờ chỉ còn Việt Nam thôi, kết tinh của Lạc Việt, Âu Việt. Hỏi thật bạn có đọc hết bài trên kia chưa vậy hay chỉ nhìn thấy tựa đề Văn Lang - Âu Lạc rồi vô tư còm?

    Còn những cái gọi là "chủng tộc phía Nam Trung Hoa" mà bạn liệt kê ở còm trên thì bạn vào Wikipedia mà xem nguồn gốc của những dân tộc đó nhé.

    thieulongtexas Saturday, October 13, 2012 10:05:42 PM
    Chẳng có cuộc "di dân vĩ đại" nào cả. Ư Việt và Câu Ngô Việt vẫn sống quanh quẩn vùng đó. Bạn "Thổ dân Giao Chỉ" không có những kiến thức, khái niệm cơ bản nhất về Bách Việt.

    Theo các nghiên cứu gần đây nhất, các nhà sử học, nhân chủng học hiện đại để đơn giản hóa nên họ đã chia Bách Việt ra làm 4 nhóm chính:

    1. Đông Âu hoặc Đông Việt, sống ở vùng trước là lãnh thổ của các nước Ngô và Việt thời Xuân Thu TQ, bao gồm 2 bộ tộc Ư Việt và Câu Ngô Việt. (ngày nay là tỉnh Chiết Giang, TQ)

    2. Mân Việt, cũng nằm trong lãnh thổ cũ của nước Việt. (tỉnh Phúc Kiến ngày nay)

    3. Nam Việt, trong địa bàn tỉnh Quảng Đông ngày nay, về sau phát triển vào địa bàn tỉnh Quảng Tây và vùng phía Nam. Họ được cho là tổ tiên của người Quảng Đông hiện đại.

    4. Âu Việt, trong vùng ngày nay là một phần của miền Tây tỉnh Quảng Đông, chủ yếu ở miền Nam tỉnh Quảng Tây, và một phần nhỏ ở vùng cực bắc Việt Nam (Cao Bằng, Lạng Sơn ngày nay).

    5. Lạc Việt, trong vùng Phú Thọ và khu vực miền Bắc Việt Nam ngày nay, cùng với một bộ phận người Âu Việt di cư xuống phía Nam tránh áp lực của giặc Tần, được nhiều nhà sử học, dân tộc học, nhân chủng học xác định là tổ tiên của người Kinh Việt Nam hiện đại.

    Bách Việt là cách gọi chung của các nhà sử học thời Hán Quang Vũ như Tư Mã Thiên và Sử Ký nổi tiếng để chỉ các dân tộc ở phía Nam TQ (trong thời kỳ Bách Việt tồn tại, chứ không phải phía Nam TQ theo địa lý ngày nay). Sở dĩ gọi chung là Bách Việt là bởi vì họ nhận thấy rằng các dân tộc, bộ tộc, bộ lạc, thị tộc, liên minh này không phải là biệt chủng, và có sự tương đồng cao độ về văn hóa, phong tục, dân tộc, chủng tộc, nhân chủng v.v.

    Các học giả, nhà sử học, nhà nghiên cứu hiện đại của Trung Quốc đang nghiên cứu về các dân tộc, bộ tộc ở phía Nam Trung Quốc thời Tần mạt, Hán - Sở như Trần Quốc Cường, Ngô Niên Kỳ, Du Thiên Dị, Tần Thịnh Minh, Lương Tử Đạt, Tần Thái Lan, Lục Minh Điền đã liệt kê các đặc điểm văn hóa của các nhóm tộc Việt trong Bách Việt như sau:

    1. Tục cắt tóc ngắn và xăm mình

    2. Xây nhà sàn

    3. Trang phục đặc trưng bởi quần ngắn hoặc váy quấn (kilt) và đầu đội khăn xếp (turban)

    4. Chế độ ăn nhiều sò hến và ếch

    5. Tục nhổ răng, thường là răng nanh hoặc răng cửa trên

    6. Tục lệ người cha tham gia quá trình đỡ đẻ, sau đó chăm sóc con nhỏ để người mẹ quay lại với việc làm đồng

    7. Đúc và sử dụng trống đồng trong các nghi lễ

    8. Bói bằng xương chim, đặc biệt là xương gà

    9. Thờ vật tổ, đặc biệt là chim, bò sát, và cóc/ếch

    10. Tục táng trên vách đá

    11.Sử dụng nhiều đến thuyền bè và điêu luyện về thủy chiến

    12.Hình dáng hình học của đồ gốm sứ

    13.Kỹ thuật dệt phát triển cao

    Và những nghiên cứu trên phần lớn là phù hợp với các nghiên cứu xưa nay của người VN và phương Tây, trong nước và hải ngoại.

    Một số nhà khảo cổ học người Pháp và phương Tây thì cho rằng cách phân chia gọn gàng nhất là chia Bách Việt thành hai nhánh:

    Nhóm Bắc, phân bố khắp vùng Trung và Bắc Quảng Đông, nối với vùng Bắc và Đông Quảng Tây, và trong thời kỳ đầu còn trải dài lên phía Bắc tới Phúc Kiến, Giang Tây, Chiết Giang và Nam Giang Tô.

    Nhóm Nam, với địa bàn trải dài tới vùng mà ngày nay là Tây Nam Quảng Đông, Nam và Tây Quảng Tây, và Bắc Việt Nam.

    Các kết quả khảo cổ học có hỗ trợ cho cách phân chia đơn giản này. Các cổ vật đặc trưng cho nhóm thứ nhất, nhóm Bắc, bao gồm đồ gốm hình học (geometric pottery), xẻng đá lớn (large stone shovel), và đồ đồng kiểu Sở. Đặc điểm của nhóm thứ hai, nhóm Nam, là các đồ đồng kiểu tây nam, việc sử dụng các loại dụng cụ đồ đá đa dạng, hầu như không thấy đồ gốm hình học và xẻng đá lớn. Nhóm phía Nam bắt đầu từ Việt Nam và kéo dài theo vùng ven biển lên tới Quảng Đông.

    Một số học giả khác của Mỹ, Trung Quốc, Đài Loan, Nhật thì phân loại cụ thể hơn, các nhà học giả khác đã sử dụng cách chia ba để phân tách các nhóm văn hóa Việt. Ba nhóm này bao gồm:

    Nhóm Nam Việt: Phân bố tại Trung và Bắc Quảng Đông, và trong thời kỳ đầu còn bao gồm cả Phúc Kiến, Chiết Giang, và Nam Giang Tô.

    Nhóm Tây Âu hay Âu Việt: Phân bố ở các vùng miền núi ở Quế Giang và Tây Giang của Quảng Tây và một phần Bắc Việt Nam.

    Nhóm Lạc Việt: Phân bố ở vùng sông biển, đồng bằng Đông Nam Quảng Tây và Bắc Việt Nam.

    thieulongtexas Wednesday, December 5, 2012 6:32:56 AM
    Mình cũng nghe loáng thoáng vụ đó. Như trên bài viết mình đã nói, chỉ có thời Âu Lạc về sau thì mới có những nguồn chính sử có uy tín trong giới nghiên cứu chuyên môn khoa học lịch sử và ngành khảo cổ học thẩm định, xác minh. Còn trở về trước, thời Hùng Vương, thì không có những nguồn kiểm chứng được mà đáng tin cậy. Đó rõ ràng là những truyền thuyết ghi lại. Mà đã là truyền thuyết thì chả ai biết chắc được. Nguồn gốc người Kinh Việt Nam và nguồn gốc nhiều dân tộc thiểu số khác trên đất Việt Nam cũng chưa ai chứng minh rõ ràng được. Nhiều người thì bảo rằng sự trích trăm trứng trăm con, dòng dõi Lạc Long Quân - Âu Cơ chính là bao gồm cả các dân tộc khác trên đất Việt. Nhiều người khác thì bảo rằng nó chỉ bao gồm người Kinh thôi.

    Trong khi còn chưa rõ, chưa khẳng định, kết luận được rõ ràng và khoa học thì có thể làm chung để khẳng định tình đoàn kết các dân tộc Việt Nam. Quan điểm vua Hùng là ông tổ chung thì có gì xấu, có gì sai, có gì trái với thuần phong mỹ tục và hại gì cho dân tộc? Dĩ nhiên khi nào có được các kết luận khoa học, khảo cổ, phủ định được quan điểm này và làm rõ được nguồn gốc vua Hùng, người Kinh, các dân tộc thiểu số.... thì tính sau. Còn bây giờ chưa biết gì, chưa rõ thế nào, mà phán bố tướng như là đúng rồi, phán như thánh, như là sự thật đã đc chứng minh và là chân lý ko thể tranh cãi, lại còn nâng lên thành sự lên án mạnh mẽ, vạch lá tìm sâu thì thật hài hước lắm thay.

    Lại Nguyên Ân phát triển từ niềm tin chủ quan và tầm nhìn hẹp (và điên rồ không biết đến các quan điểm, nghiên cứu, nguồn khác), không cần biết bao nhiêu người khác nói gì, đã nâng lên thành sự cáo buộc, lên án đao to búa lớn thì thật buồn cười.

    Unregistered user Wednesday, December 5, 2012 9:03:55 AM
    làng Sen writes: Chỉ là 1 tay rận sĩ chí thức chết nhát khg dám dùng chính trị để người ta biết tới mình nên dùng lịch sử xa xưa. Chẳng wa lại 1 kẻ háo danh. Đúng phẩm chất của "rận".

    Unregistered user Wednesday, December 5, 2012 3:07:11 PM
    Lạc Quân writes: Tôi nghĩ chúng ta nên bỏ thói quen tùy tiện gọi người khác là "rận" và cáo buộc háo danh. Tôi chưa thấy ông này đưa lên quan điểm chính trị. Gọi người khác là "rận" quá nhiều sẽ đẩy họ thành "rận" thật và đó kg là chuyện tốt gì.
     
    thieulongtexas Friday, January 4, 2013 9:52:48 PM
    TẾT CỔ TRUYỀN THEO DƯƠNG LỊCH???

    Giáo sư Võ Tòng Xuân vừa đưa ra ý kiến "“Tết cổ truyền nên tổ chức theo dương lịch" với các luận điểm sau :

    1. << “Đã đến lúc chúng ta định nghĩa lại “bản sắc dân tộc” của sự ăn Tết theo lịch Trung Quốc trong bối cảnh nền kinh tế hội nhập thế giới.>>

    Nghĩa là ông cho rằng tết âm lịch là du nhập từ TQ không phải bản sắc dân tộc ta.

    2. <<“Trong khi ta vui Tết âm bên chén tạc chén thù thì những đối tác của ta lại làm việc bình thường, còn trong khi chúng ta vẫn làm việc bình thường ở Tết dương thì ở nước ngoài người ta nghỉ, thị trường chứng khoán đóng băng”.>>

    Nghĩa là cần sống làm việc và nghĩ ngơi theo nhịp sống của đối tác để đẩy cao hiệu quả kinh tế.

    Sau đây tôi, công dân bình thường, không giáo sư, chẳng tiến sỹ chả phải cử nhân nốt, có vài lời với ông.

    1. Tôi không nhân vơ rằng Tết Nguyên Đán (tết âm lịch) là của riêng người Việt (mặc dù đang có nhiều tranh cãi và đặt vấn đề) nhưng tôi xin chắc với ông rằng Tết Việt là của người Việt, nó ra đời không phụ thuộc Trung Quốc với những ý sau :

    - Tết, hay bất kỳ lễ hội dân gian lâu đời nào khác đều nhằm mục đích để người dân vui vẻ trong Tiết nông nhàn. Việt Nam ta là cái nôi văn minh lúa nước (còn sớm hơn cả Trung Quốc) thì không lý gì chúng ta lại không có một ngày Tết cho riêng mình.

    - Những ngày cuối năm (âm lịch) chính ứng với tiết nông nhàn trong việc trồng lúa. Lại nói vì nước ta là cái nôi của văn minh lúa nước nên chúng ta có lịch từ rất sớm (phục vụ mục đích sản xuất) nên không thể nói rằng chúng ta ăn tết theo lịch TQ (ngược lại, âm lịch của TQ có khi lại ăn cắp lịch của dân Văn Lang, Âu Lạc)

    - Tết của người Việt có từ thời Hùng Vương ( Lang Liêu với sự tích bánh chứng bánh giầy) khi mà TQ chưa hề có một chút ảnh hưởng văn hóa, chính trị và quân sự nào lên nước ta cả.

    2. Giả sử, tôi nói giả sử nhé, Tết Nguyên Đán của người Việt là do TQ "khai sáng" thì nó cũng xảy ra lâu rồi, nó đã thành nếp nghĩ, nếp sống của người Việt rồi. Thời gian đủ dài để nó là bản sắc của dân tộc Việt rồi.

    3. Từ 2 ý kiến trên tôi muốn có nhận thức chung rắng Tết Nguyên Đán là bản sắc của văn hóa Việt , vậy việc ông đòi bỏ bản sắc văn hóa để chạy theo lợi ích kinh tế phải chăng là sự suy đồi văn hóa ?

    4. Ông muốn ăn tết theo dương lịch để hợp với nếp sống của "người ta" thế khi ông ngủ thì "người ta" thức (do lệch múi giờ) tại sao ông không thức cho phù hợp với nhịp sống của người ta ?

    Có câu hòa nhập chứ không hòa tan, ông là giáo sư, đáng lẽ phải thấu đáo và thấm nhuần lẽ thường này mới phải.

    Tôi có đọc những bài phân tích của ông, có biết đến đóng góp to lớn của ông cho ngành nông nghiệp nước nhà, nhưng ở ý kiến này, tôi xin phép không đồng ý với ông.

    Hội những người ghét bọn phản động (Facebook)
    Unregistered user Saturday, January 5, 2013 4:29:54 AM
    Anonyme writes: Đây là trang mà mình thấy nói trung thực và uy tín, vậy để mình xin có đôi lời Với chút ít kiến thức mình đã học, tự nghiên cứu( chứ không phải là theo sách vở của các ráo sư ..theo đuôi Tàu như Xuân Diện hay Ngô Thọ) 1. Nền văn minh Bách Việt đã thực sự tồn tại và huy hoàng hơn ta nghĩ, nếu các bạn tinh ý sẽ thấy ..điều đó tồn tại ngay tại làng xã VN 2. Nếu nói dân ta không có chữ, mọi rợ là phỉ báng tổ tiên, vì thực sự, gia phả dòng họ mình đã..kiến lập từ thời ..cac vua Hùng, ghỉ rõ việc dạy học, làm ruộng, thậm chí rèn binh khí. Nếu mọi rợ sao làm được thế 3. Cái gọi là văn hóa Tàu chẳng qua là sự cóp py trơ tráo thành tựu chúng ta, Cuốn sách sử do Nhà xuất bản giáo dục ân hành năm 1977 cho biết chi tiết loại giấy Bách Vân có mùi thơm của nước ta là một trong những món hàng la Mã rất yêu thích, là một trong nhưng cống phấm quan trọng sang Tàu Không phải tự sướng, nhưng khi nghiên cứu văn hóa Việt các bạn sẽ thấy nhiều điều mở ra, Vấn đề là chúng ta có tâm để theo đuổi hay không

    Unregistered user Saturday, January 5, 2013 7:25:43 AM
    ViệtNamVinhQuang writes: Đồng ý với các bạn VN có 1 nền văn minh huy hoàng Đông sơn rực rỡ. VN là VN không phải Tầu. Chính Bọn Tầu đã ăn cắp nhiều tinh hoa tộc Việt. Có những tên ngụy chó ba que miệng hô yêu nước nhưng tối ngày bảo VN là từ Tầu mà ra và thời đô hộ Tầu đã giết sạch dân Việt và chúng ta đời sau là người Tầu bọn nầy ngu như con chó. Chúng còn bảo người VN tên họ Tầu bên Tầu cũng có nên người Việt và người Tầu là 1 nghe điên thật. Các bác chat chit với nhiều tay hải ngoại toàn nghe luận điệu nầy em chửi nhau hoài. Đọc đâu đó có tay học giả dáo xư ở miền nam trước 75 có cả "công trình nghiên cứu" bảo rằng người Vn thật ra là người Tầu đã bị Tầu tàn sát hết thời đô hộ.

    Unregistered user Saturday, January 5, 2013 9:03:19 AM
    Lạc Quân writes: Khách quan cho thấy nhiều tư liệu, hiện vật cho thấy Vn đã có 1 nền văn minh hay ít nhất 1 nền văn hóa cao. Kg phải như các trang phục ở trần đóng khố như thổ dân người thượng các truyện tranh trong và ngoài nước hay vẽ. Chuyện giao thoa văn hoá việt trung thì trên thế giới này nền văn hoá hay chủng tộc nào có không gian sống sát gần nhau thì sẽ có giao thoa văn hoá và ít nhiều sẽ có ảnh hưởng nhau và bắt chước nhau. Tôi nghĩ kg nên đặt nặng vđ ai bắt chước ai làm gì. Tôi nghĩ có đưa ra toà án Liên hợp quốc cũng kg xử ra được bản quyền thuộc về ai.

    Unregistered user Saturday, January 5, 2013 10:50:44 AM
    Mị châu writes: Không có chuyện giết hết người việt thời bắc thuộc. Cũng giống như các cuộc đô hộ, đồng hoá, di dân cư trú quần cư trên thế giới thôi. Chỉ có thiểu số nhỏ người hán ở chung và người hán tộc cai trị còn cấp dưới người việt họ vẫn phải dùng. Giới bần cùng lao động người việt bị bắt làm nô lệ. Nếu giết hết thì lấy ai cho họ bóc lột lao động, xuống biển mò ngọc trai đá quí. Giết làm sao lợi dụng được nguồn lực con người dồi dào. Huống chi diệt chủng toàn bộ một chủng tộc là điều không thực tế, xưa nay chưa ai làm được mà chỉ có thể đồng hoá dần. Sống chung nhau thế thôi. Còn chuyện họ tên thì ảnh hưởng văn hoá nhau thôi. Bọn Hàn xẻng và Mông cổ ở gần tàu khựa cũng có tên họ giống khựa đấy như họ Kim cũng là họ tàu. Kim Nhật Thành đọc theo âm hán thì cũng là tên tàu.
    thieulongtexas Friday, January 18, 2013 8:51:10 PM
    Bí mật về 'Nỏ thần Liên Châu'

    Để tạo nên sức thần của nỏ Liên Châu, tướng quân Cao Lỗ đã dùng kỹ thuật chế ra lẫy nỏ có chốt giữ liên hoàn, một lần bóp cò bắn ra nhiều mũi tên, khiến quân địch khiếp sợ.
    Sáng 16/1, Bộ Văn hóa Thể thao Du lịch, UBND tỉnh Bắc Ninh và Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam tổ chức hội thảo khoa học "Danh tướng Cao Lỗ thời dựng nước". PGS Lê Đình Sỹ, nguyên Viện phó Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam giới thiệu với hội nghị tham luận "Danh tướng Cao Lỗ với việc chế tạo, sử dụng vũ khí cung nỏ thời An Dương Vương".

    PGS cho biết, theo sử cũ, nhân lúc nhà Tần suy yếu, Triệu Đà chiếm cứ ba quận Nam Hải, Quế Lâm và Tượng Quận lập nước Nam Việt. Vào năm Tân Mão (210 TCN), khi Tần Thủy Hoàng mất, Triệu Đà phát binh xâm lược Âu Lạc. Quân xâm lược xuất phát từ Phiên Ngung (Quảng Châu) tiến vào nước ta theo đường sông Bạch Đằng và hành lang Đông Triều - Chí Linh. Hướng tiến công đúng theo dự đoán của tướng Cao Lỗ. Quân Triệu tràn ngập cả vùng lãnh thổ phía Bắc Cổ Loa, từ ven sông Cầu, vùng Tiên Sơn, núi Vũ Ninh (Bắc Ninh).

    Tướng Cao Lỗ là người tổng chỉ huy toàn bộ quân đội Âu Lạc. Ông bố trí quân đội, trong đó có đội quân cung nỏ lợi hại ở những nơi hiểm yếu bảo vệ kinh thành Cổ Loa. Khai thác điểm yếu của giặc, quân dân Âu Lạc đã chủ động tiến công trên vùng đồi Tiên Du, khiến quân Triệu Đà khốn đốn.


    Lẫy nỏ thần. Ảnh tư liệu.

    Cao Lỗ huấn luyện một vạn quân lính, lại làm được nỏ liễu, mỗi lần giương nỏ bắn ra được mười phát tên. Thứ vũ khí thần diệu này được sách Lĩnh Nam chích quái ghi: Sau khi giúp An Dương Vương xây Loa thành, rùa vàng từ biệt ra về. Trước khi chia tay, nhà vua cảm tạ nói "Nhờ ơn thần, thành đã xây xong. Nay nếu có giặc ngoài đến thì lấy gì mà chống?". Rùa vàng đã tháo chiếc vuốt của mình đưa cho nhà vua và nói "Đem vật này làm lẫy nỏ, nhằm quân giặc mà bắn thì không lo gì nữa". Vua sai Cao Lỗ làm nỏ, lấy vuốt làm lẫy.

    "Chuyện rùa vàng cho vuốt tất nhiên là hư cấu, thần thoại hóa, nhưng chuyện nỏ thần thì lại có thật", PGS Sỹ nói và cho hay, khảo cổ học đã cung cấp bằng chứng về sự tồn tại của "máy nỏ" thời Đông Sơn. Những chiếc lẫy nỏ Làng Vạc gồm bốn bộ phận đúc rời được liên kết lại bằng hai chốt hình trụ đã được phát hiện.

    Lẫy nỏ là bộ phận quan trọng nhất của nỏ Liên Châu. Trong truyền thuyết, lẫy nỏ làm bằng móng rùa thần, nhưng theo các nhà nghiên cứu thì có thể rùa là con vật linh thiêng được cư dân Việt tôn thờ nên đã gắn sức mạnh của vị thần cho loại vũ khí "bảo bối" của mình nhằm làm tăng thêm sức mạnh thần kì của thứ vũ khí ấy.

    Thực tế, lẫy có thể được chế bằng đồng, bằng sừng hoặc gỗ cứng, hình dáng của nó gần như móng rùa. Nó được cấu tạo với nhiều chi tiết lắp vào nhau nên chiếc nỏ còn được gọi là "liên cơ". Bình thường, dây nỏ được căng lên, cài lại, khi bắn thì dùng ngón tay kéo lùi nút lẫy để dây bật, đẩy tung những cánh tên lao như gió cuốn.

    Theo người Cổ Loa kể, người ta đã đào được ở chân thành khu vực chợ Sa một ống đồng dài chừng nửa mét, hai đầu bịt kín, dọc thân trổ lỗ như cây sáo. Đây được đoán là bộ phận cài tên của chiếc nỏ bởi trước Cách mạng tháng Tám, ở Cổ Loa có tục rước nỏ thần, chiếc nỏ được làm bằng giấy, giữa thân nỏ để một cái ngáng bằng gỗ trên thân dùi nhiều lỗ, mỗi lỗ để một mũi tên. Cái ngáng tượng trưng bằng gỗ này có nét tương đồng với ống đồng đào được ở chợ Sa.

    Để một lúc bật lẫy nỏ cho nhiều mũi tên cùng bay ra, có ý kiến cho rằng Cao Lỗ đã nghĩ cách làm rộng thân nỏ, xẻ chéo nhiều rãnh, đặt những mũi tên chụm lại để khi bật lẫy, mũi tên theo rãnh bay đi. "Những cứ liệu trên chưa đủ để người ta phục dựng được chính xác "nỏ thần" ngày xưa khiến cho giặc ngoại xâm khiếp vía, nhưng cũng đủ để khẳng định sự tồn tại thực sự của loại vũ khí đánh xa lợi hại do Cao Lỗ chế tạo", PGS Sỹ cho hay.


    Sơ đồ Cổ Loa.

    Bên cạnh phát hiện lẫy nỏ, hàng vạn mũi tên đồng cũng đã đào được ở Cầu Vực, sát chân thành ngoại Cổ Loa. Kho mũi tên đồng với hàng vạn chiếc, trọng lượng gần 110 kg. Đây là loại mũi tên ba cạnh, ba cánh đều nhau, có trụ thân, có chuôi, có họng tra cán và kích thước lớn, được chế tạo hoàn hảo, sắc nhọn. Mỗi mũi tên còn được cắm thêm chuôi bằng tre dài khoảng 1m, làm cân đối trọng lượng để tên bay xa và khả năng sát thương lớn.

    Có chiếc lẫy nỏ được phát hiện gồm nhiều bộ phận như hộp cò, lẫy cò, hai chốt và thước ngắm. Gần đây, nhóm nghiên cứu của Bảo tàng lịch sử Quân sự và Trung tâm nghiên cứu tiền sử Đông Nam Á cùng với nghệ nhân ở Hòa Bình đã phục dựng thành công chiếc nỏ Cao Lỗ sáng chế, tuy chưa được hoàn hảo như nỏ thần ngày xưa.

    "Điều quan trọng nhất để tạo nên sức thần của nỏ Liên Châu là Cao Lỗ đã biết kỹ thuật chế ra những chiếc lẫy nỏ có chốt giữ liên hoàn để một lần bóp cò bắn ra nhiều mũi tên có sức xuyên tốt, vừa giết giặc vừa làm chúng khiếp sợ, đội ngũ rối loạn, tan rã. Đó là điều kỳ diệu bí mật của thứ binh khí thần diệu này", PGS Sỹ khẳng định.

    Tham dự hội thảo, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tóm lược, Cao Lỗ Vương là danh tướng đã giúp vua Thục Phán An Dương Vương dựng nên nhà nước Âu Lạc, hiến kế dời đô xuống đồng bằng và giúp vua xây dựng thành Cổ Loa, chế nỏ liên châu một lần bắn ra nhiều mũi tên. Đây được xem là nỏ thần, thứ vũ khí thần dũng, vô địch để giữ nước với lời nói được truyền tụng "giữ được nỏ thần sẽ giữ được thiên hạ, mất nỏ thần sẽ mất cả thiên hạ".

    "Cao Lỗ có tầm nhìn xa, tỉnh táo và đầy cảnh giác, đầy bản lĩnh để can ngăn nhà vua không sa vào quỷ kế của kẻ thù, dù rằng vì điều đó mà bị vua xa lánh. Nhưng khi đất nước bị xâm lược, Tổ quốc lâm nguy, Người lại ra phò vua, cứu nước, tử tiết để lại danh thơm muôn thuở cho hậu thế", Chủ tịch nước nói và khẳng định, danh tướng Cao Lỗ là một vị tướng, biểu tượng của bản lĩnh, trí tuệ và sức mạnh Việt Nam trong thời đầu giữ nước, được nhân dân sùng kính, thờ phụng ở nhiều nơi trong suốt hàng nghìn năm lịch sử.

    Hoàng Thùy
     
    Nguyễn Công HưngSẽsaođây Monday, January 21, 2013 7:00:13 PM
    Bác Thieulong cho tôi hỏi,tại sao lại có truyền thuyết thần Kim Qui,mà không phải hình tượng khác.Rồi còn thời Lê Lợi,cũng thần Kim Qui nổi lên trao kiếm.Hai truyền thuyết này có liên quan đến nhau không???

    thieulongtexas Tuesday, January 22, 2013 6:00:55 AM
    Chào bạn. Vụ đó mình nghĩ đại khái như vầy:

    1. An Dương Vương sau khi thay thế Hùng Vương và sát nhập, thống nhất Âu - Lạc, đã dựa vào hiện tượng các "cụ rùa" ở Hồ Gươm và tư tưởng thần quyền mê tín dị đoan của thời đó, để tuyên truyền cho sức mạnh của binh chủng nỏ liên châu của Âu Lạc. Một là củng cố sự chính danh của vương triều mới, làm cho thần dân, quan quân tin vào nhà vua và vương triều mới, tin vào sự nhất thống Âu - Lạc. Hai là ngăn ngừa ý tưởng nổi loạn, tạo phản từ những người bất mãn, trung thành với Hùng Vương, và đồng thời cổ động những người trung thành với An Dương Vương và nhà nước Âu Lạc trong cuộc chiến chống Tần - Triệu.

    2. Về sau hình ảnh cụ rùa Hồ Gươm, "thần nỏ" Liên Châu, và người Lạc Hầu mưu sĩ khuyết danh cùng với Cao Lỗ cố vấn cho An Dương Vương về vũ khí, quốc phòng được dân gian huyền thoại hóa, thần thánh hóa, đơn giản hóa và nhập một lại. Cũng như nghi vấn "tuy 1 mà 2" về Thánh Tản và Sơn Tinh.

    3. Lê Lợi - Nguyễn Trãi dựa vào những cái trên. Phao tin đồn về câu chuyện "rùa thần trả gươm thần". Cho các thầy đồ đi khắp nơi kể các giai thoại về Lê Thái Tổ và Nguyễn Trãi. Mục đích tuyên truyền cũng giống như An Dương Vương. Nâng cao sức mạnh của triều đình mới. Cảnh cáo những dư đảng nhà Trần, nhà Hồ cũ và răn đe quân Minh. Làm cho dân tin vào triều đình mới. Củng cố lòng dân, củng cố chính nghĩa. Trước đó trong kháng chiến chống Minh thì Nguyễn Trãi đã dùng mẹo dùng mật ong viết câu "Lê Lợi vi quân - Nguyễn Trãi vi thần" lên lá cây, kiến ăn mật ong tạo nên những lỗ thủng làm thành câu đó. Người dân đọc được liền tin vào nghĩa quân Lam Sơn và minh quân Lê Lợi, quân sư Nguyễn Trãi.

    Nói chung là một hình thức PR chính trị, theo một chiến dịch thông tin "quảng cáo", tiếp thị chính trị kiểu cổ điển sơ khai. Dần nó thành truyền thuyết là vì nó phù hợp với lợi ích dân tộc. Xưa nay khắp thế giới các nước đều có những tuyên truyền chính trị kiểu đó. Nhưng chỉ có cái nào mà nhân dân thích, tương thích với lợi ích quốc gia dân tộc thì cái đó mới tồn tại, có sức sống, và thành truyền thuyết lâu đời. Mình có đọc đâu đó Gia Long cũng từng thêu dệt vô số giai thoại để "quảng cáo" cho mình nhưng ngoài người trong triều Nguyễn ra thì nhân dân chả ai quan tâm.

    Về thời Gia Long thì lúc đấy dân mình còn đang tưởng nhớ đến vua Quang Trung,với lại nhà Nguyễn sau khi lên ngôi đã tàn sát những người của triều cũ 1 cách dã man,rồi còn quật mồ mả vua Quang Trung lên thì làm sao dân họ tin.Đến bây giờ khi tôi đọc lại việc Nguyễn Ánh trả thù nhà Tây Sơn tôi cũng còn ghét lão Nguyễn Ánh(dù tôi cũng họ Nguyễn:D ) nữa là hồi đó.
    Unregistered user Sunday, March 10, 2013 11:34:30 PM
    Dũng writes: Vụ An Dương Vương thay thế Hùng Vương đúng như là 1 cuộc soán ngôi, 'cướp chính quyền' hơn là giành thắng từ 1 cuộc chiến tranh. Lúc HV cũng đã già. Nếu giả định thời Thục Chế HV khoảng 20 thì lúc dằng co với ADV thì HV đã khoảng 60. Đây tuổi vừa muốn về hưu vừa muốn giữ ghế he he. Chắc đây là nguyên do HV không chịu nhường ngôi cho đến khi bị ép mới chịu.

    Không có nhận xét nào:

    Đăng nhận xét