Chủ Nhật, 19 tháng 1, 2014

TẾT DỬNG DƯNG


Tôi sợ ông, có dám đụng đến ông đâu, mà sao ông đày đọa đời tôi thế, hả ông Trời?
   
    


(Nhớ lại Xuân xưa)

Xuân này
Tết đến
Rồi Tết đi
Đối với ta
Chẳng có điều gì
Phải bận lòng, lưu luyến
Bởi suốt năm qua
Không ăn nên làm ra
Lấy gì đón Tết?

Đêm Ba Mươi
Trước, ta lạy Ông Bà
Sau, nâng ly rượu suông
Nghe người hát:
                   "Vết thù trên lưng ngựa hoang"
Giữa rền vang pháo nổ
Chú mèo vọt qua cửa sổ
Nhảy nhót khắp phòng
(Để trốn tiếng gào báo hiệu mùa xuân?)

Sao lại mất hồn
Hả chú mèo ngờ nghệch?

Mồng Một Tết,
Chẳng khác ngày thường
Lòng ta dửng dưng
Không yêu vui, hờn giận
Hãy thứ lỗi
Hỡi anh em bầu bạn!
Ta không đến thăm ai
Ta cửa đóng then cài,
                            đi dạo
Lặng lẽ nhìn đời...
Khóc cười đỏ đen,
                            bát nháo
Dòng người hớn hở vui xuân
Cửa chùa chật nêm
Ngột ngạt khói nhang cầu xin trời-phật
Khát vọng giàu sang gào thét
Trên đầu lũ ăn xin
Lê lết kêu rên...

Kỳ lạ chưa
Hỡi các đấng cao siêu có thấu,
Trong đám người kia,
                      ai là hiền lương, ai là quỉ dữ?

Bên lề đường,
Ta tiếp tục bước đi
Lòng nặng nghĩ suy
                    về sự trường tồn, vĩnh cửu.
Dưới chân ta
             là lớp lớp tầng tầng 
                                của tan tành xác pháo!...

Hôm nay
Tết đã qua
Nào có thấy Xuân về
Chỉ cảm được
Gánh nặng thời gian
Đè lên tuổi tác
Trắng thêm mái đầu tóc bạc
Xòe ngửa bàn tay
              đã run rồi và dày đặc sẹo chai
                                    mà chưa làm nên tích sự!
Vốn liếng có gì
                  ngoài một hoang tàn quá khứ?
Năm mới báo gì
                  ngoài mờ mịt tương lai?

Xuân này
Tết đến
Anh và em,
            lẽ nào không biết?
Cứ giả đò...
                ngoảnh mặt làm ngơ
Mặc kệ ngoài kia ai đợi ai chờ
Mặc đêm giao thừa vang rền pháo nổ!...

Thôi!...
Đừng thèm buồn khổ,
Dù vẫn bặt tăm vui sướng, nhé em!
Vì anh còn đây sắt đá niềm tin
Bên tâm hồn em biếc xanh ước vọng.
Chúng mình cần cù
                      và còn đó,
                               trời cao lồng lộng!...

                                                                                   Trần Hạnh Thu


                                                      

  (Chép từ nguyenduyxuan.net)

NGÀY TẾT ĐỌC LẠI THƠ TẾT TÚ XƯƠNG - Trần Quang Liên

    Tú Xương- Trần Tế Xương (5/9/1870 - 29/1/1907) ra đi ở tuổi 37. Mất sớm nhưng  ông đã kịp để lại một gia tài thơ trữ tình - trào phúng phong phú và độc đáo.
    Tú Xương ra đi vào ngày 29/1/1907, tức là trước Tết khoảng nửa tháng, chưa kịp viết bài thơ Tết năm ấy.
    Tran_Te_Xuong
    Trần Tế Xương(tranh Trần Quang Trân)
    Tiếng cười cay độc, chua chát của Tú Xương có ý nghĩa phủ định xã hội đương thời, là tiếng chửi vào bọn giàu sang hãnh tiến :
    "Lẳng lặng mà nghe nó chúc nhau
    Chúc nhau trăm tuổi bạc đầu râu
    Phen này ông quyết đi buôn cối
    Thiên hạn bao nhiêu đứa giã trầu".
    Ngày nay ta vẫn còn phong tục chúc tết. Chúc nhau an lành, no đủ, an khang hạnh phúc, thọ trường, tốt tài sai lộc, vạn sự cát tường…Nhưng cũng còn không ít những kẻ chạy quyền chạy chức ham danh vọng, lợi dụng cơ hội làm ăn chờ dịp tết để nịnh bợ, biếu xén “bề trên”. Thơ Tú Xương cách nay hơn  thế kỷ xem ra vẫn đúng :
    "Lẳng lặng mà nghe nó chúc sang
    Đứa thời mua tước, đứa mua quan
    Phen này ông quyết đi buôn lọng
    Vừa bán vừa la cũng đắt hàng".
    "Nó lại mừng nhau cái sự giàu
    Trăm nghìn vạn mớ để vào đâu
    Phen này ắt hẳn gà ăn bạc
    Đồng rụng đồng rơi lọ phải cầu".
    Tác giả thẩm thía cái nghèo, cái bất lực, cái không thành đạt của mình ,phải sống nương nhờ vợ : “Quanh năm buôn bán ở mom sông/nuôi đủ năm con với một chồng” mà cười ra nước mắt:
    "Anh em đừng nghĩ Tết tôi nghèo
    Tiền bạc trong kho chửa lĩnh tiêu
    Rượu cúc nhắn đem, hàng biếng quẩy
    Trà sen mượn hỏi giá còn kiêu
    Bánh đường sắp gói e nồm chảy
    Giò lụa toan làm sợ nắng thiu
    Thôi thế thì thôi đành tết khác
    Anh em đừng nghĩ tết tôi nghèo".
    Đọc thơ Tết của Tú Xương, thấm thía cái ý vị hay, cái riêng của thơ Tú Xương thấy được tài năng và chiều sâu tâm tưởng của ông.
     Khi Tú Xương mất, nhà thơ Nguyễn Khuyến viếng đôi câu đối:
    "Kìa ai chín suối Xương không nát
    Có lẽ nghìn thu tiếng vẫn còn".
    Ngày tết đọc lại thơ tết của Tú Xương để cảm thông với thân phận nhà nho nghèo trong buổi nhiễu nhương của chế độ phong kiến nửa thuôc địa thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX: “Thôi có ra gì cái chữ nho/ông nghè ông cống cũng nằm co…”
    Lại càng muốn chia sẻ tình thương, những khó khăn thiếu thốn của những người nghèo, những thân phận tật nguyền không may mắn,  đồng bào ở vùng sâu vùng xa hoạn nạn trong nước lửa đang khó khăn chật vật mưu sinh hàng ngày vì đồng tiền bát gạo. Còn người nghèo khó ăn tết dưới gầm cầu nữa không ? Khoảng cách giầu nghèo mỗi ngày càng  cách xa. Có còn cảnh người lao động lên khu công nghiệp làm ăn phải nhường nhau về quê ăn tết vì không đủ tiền tàu xe, tiền trang trải ? Nhà nước và cộng đồng giúp đỡ nhưng làm sao cho đủ.
    Chúc cho năm mới bớt đi sự nghèo, mong mỏi mọi người được an vui, được hưởng tết vui xuân, không phải “Tết tôi nghèo”  !
                                                    TQL ST-Biên soạn- Tết Nhâm Thìn-2012



    Không có nhận xét nào:

    Đăng nhận xét