Thứ Bảy, 11 tháng 1, 2014

ĐIÊN RỒ TRONG VÒNG DANH LỢI 13

-Với việc "ngấm ngầm" chỉ đạo cho in "đường lưỡi bò" trên bản đồ nước mình và cho lực lượng mình triển khai những thực thi vô lối nhằm âm mưu độc chiếm biển Đông, đảng cộng sản Trung Quốc không những đã chà đạp thô bạo lên cái tinh thần cao đẹp và hết mực thiêng liêng của Quốc Tế Cộng Sản nói riêng và của toàn thể đại chúng nhân loại nói chung, đó là dương cao ngọn cờ đoàn kết và hòa hợp dân tộc trên toàn thế giới, mà còn đang biến Trung Quốc thành một đế quốc hiếu chiến. Như vậy, đảng cộng sản Trung Quốc, vô hình dung, vì lợi ích dân tộc vị kỷ mà đã (mù quáng) quay lưng lại lý tưởng của mình, hay nói cách khác là đã biến thái, phản bội lại chính mình, cũng là đang làm điều trái ngược với ý nguyện của nhân dân mình. 
-Giới chóp bu Trung Quốc đang có những hành động và lời nói thâm độc, đầy trí trá của kẻ "ngụy quân tử" nhằm xâm lược lãnh hải các nước nhỏ láng giềng. Họ tưởng thế là hợp đạo, phục vụ ước nguyện của đại chúng Trung Hoa, nhưng thực ra là họ đang mê quáng gieo mầm đại họa cho trăm họ bá tánh. Lịch sử nhân loại nói chung và lịch sử Trung Quốc nói riêng chỉ rõ: chưa từng có một đế quốc nào đạt được mục đích bá quyền cho dù bằng chiến tranh xâm lược, mà trái lại, sau khi đã gây ra tội ác ngút trời chống nhân loại, gây ra vô vàn những thống khổ, đau thương tột cùng cho các dân tộc, trong đó có cả dân tộc mình, sớm muộn gì rồi cũng phải chịu thất bại thảm hại, thậm chí đến mức bị "xóa sổ" khỏi bản đồ thế giới. Nêu thí dụ ư? Không cần! Cứ hỏi những hồn ma Alếchxăng Đại Đế, Thành Cát Tư Hãn, Napôlêông, Hitle, Tần Thủy Hoàng...sẽ rõ ngay! 
-Hàng ngàn năm nay, hiểu thân phận mình là một Việt Nam đất không rộng, người không đông, nên dân tộc Việt (thực thể thống nhất gồm 54 dân tộc hợp thành) cũng có lối sống hòa hiếu, nhu mì, nhẫn nhịn. Nhưng một khi bị xâm lăng uy hiếp nghiêm trọng sự sống còn của mình và bị dồn đến bờ vực bị diệt vong, thì dân tộc Việt, lạ lùng thay(!), cũng vụt trở nên bất khuất tuyệt vời, không hề khiếp sợ bất cứ thế lực đế quốc cường bạo nào, không những dám đánh lại, mà còn biết cách đánh tài giỏi phi thường để giành thắng lợi nhằm tự giải phóng mình.
-Sự bành trướng của đất nước Trung Quốc đã đạt đến giới hạn. Vượt qua giới hạn đó, Trung Quốc sẽ lập tức tan vỡ thành nhiều mảnh tương tự như những thời như Xuân Thu - Chiến Quốc, thời Ngũ Đại - Thập Quốc...Hãy "ôn cố tri tân" để đừng trở thành tội đồ trước khi quá muộn đối với nhân loại mà trước hết là đối với nhân dân Trung Hoa, hỡi giới chóp bu Trung Quốc hiện nay!
-Lão Tử, nhà hiền triết vĩ đại và là niềm tự hào tột đỉnh của nhân dân Trung Quốc, thậm chí có thể là nhà hiền triết đứng vị trí số một trong hàng ngũ những nhà hiền triết kiệt xuất thời cổ đại của nhân loại (mà Khổng Phu Tử chỉ đáng bậc... "xách dép"!), để lại một giáo huấn chí lý chí tình cho đời sau: "Sông biển sở dĩ làm vua (nơi qui tụ) trăm khe lạch vì khéo ở dưới thấp. Vì vậy, thánh nhân muốn ở trên dân thì lời nói phải khiêm hạ, muốn ở trước dân thì phải lùi lại sau", "Nước lớn nên ở chỗ thấp, chỗ quy tụ của thiên hạ, nên như giống cái trong thiên hạ. Giống cái nhờ tĩnh mà thắng giống đực (ham động). Tĩnh là chỗ thấp. Cho nên nước lớn mà khiêm hạ đối với nước nhỏ thì được nước nhỏ xưng thần, nước nhỏ mà khiêm hạ đối với nước lớn thì được nước lớn che chở. Như vậy là đều được. Nước lớn chẳng qua chỉ muốn gồm nuôi nước nhỏ, nước nhỏ chẳng qua chỉ muốn thờ nước lớn. Khiêm hạ thì cả hai nước đều được thỏa mãn như ý muốn. Nhưng nước lớn phải khiêm hạ (trước) mới được".
-Dù có thế nào đi chăng nữa thì tình hữu nghị giữa hai dân tộc anh em Hoa và Việt vẫn đời đời bền vững!
ĐC

(ĐC chép từ http://vnexpress.net)

Trung Quốc áp đặt bất hợp pháp về đánh bắt cá ở Biển Đông

Ngày 10/1, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam khẳng định những yêu sách đơn phương mà Trung Quốc áp đặt tại Biển Đông là bất hợp pháp và vô giá trị. Cùng ngày, phía Philippines cũng tuyên bố Bắc Kinh đã vi phạm luật quốc tế.

Trước đó, Ủy ban Thường vụ Nhân dân tỉnh Hải Nam, Trung Quốc thông qua "Dự thảo sửa đổi Biện pháp thực hiện Luật Ngư nghiệp nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa của tỉnh Hải Nam" và có hiệu lực từ 1/1/2014. Theo đó, các tàu cá nước ngoài phải xin giấy phép mới được thăm dò hoặc đánh bắt cá tại hai phần ba Biển Đông, nơi đang có tranh chấp chủ quyền giữa nước này và một số nước ASEAN, trong đó có Việt Nam.
Theo quy định của phía Trung Quốc, các tàu cá nước ngoài tự ý đi vào vùng nước trên Biển Đông mà họ tuyên bố do tỉnh Hải Nam quản lý để thực hiện sản xuất ngư nghiệp và các hoạt động điều tra tài nguyên nghề cá sẽ bị xua đuổi, có thể bị tịch thu tài sản, xử phạt hành chính… Trong một số trường hợp, thủy thủ đoàn các tàu cá có thể bị truy tố theo luật pháp Trung Quốc.
Ngày 24/12/2013, Bộ Nông nghiệp Trung Quốc cũng ra thông báo về thời gian nghỉ đánh bắt cá bằng lưới tại một số khu vực thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền của Việt Nam ở Biển Đông. Phía Trung Quốc mới đây còn cho ra mắt trang mạng và tờ báo giấy đầu tiên của cái gọi là "Thành phố Tam Sa"; nâng cấp cải tạo trạm khí tượng tự động ở một số bãi đá thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam…
Trả lời câu hỏi về phản ứng của Việt Nam trước những hoạt động trên của phía Trung Quốc, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lương Thanh Nghị hôm nay nêu rõ: "Những hoạt động của phía Trung Quốc là bất hợp pháp và vô giá trị, xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam ở Biển Đông theo Công ước của Liên Hợp quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS 1982), không phù hợp với Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển giữa Việt Nam và Trung Quốc, trái với tinh thần Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) giữa ASEAN và Trung Quốc, làm phức tạp thêm tình hình Biển Đông".
"Việt Nam yêu cầu Trung Quốc hủy bỏ những việc làm sai trái nói trên, đóng góp thiết thực vào việc duy trì hòa bình, ổn định tại khu vực", phát ngôn viên ngoại giao Việt Nam nhấn mạnh.
Cũng trong ngày 10/1, Bộ Ngoại giao Philippines ra tuyên bố: "Chúng tôi yêu cầu Trung Quốc nhanh chóng làm rõ về bộ luật đánh cá mới mà Hội đồng Nhân dân tỉnh Hải Nam mới ban hành. Chúng tôi đặc biệt quan ngại về quy định mới trong đó đòi hỏi các tàu cá nước ngoài phải được sự cho phép của nhà chức trách Trung Quốc trước khi đánh bắt cá hoặc tiến hành khảo sát trong một phần diện tích lớn trên Biển Đông".
"Luật mới này, theo sau tuyên bố của Trung Quốc về đường 9 đoạn, là vi phạm luật quốc tế. Hành động này làm leo thang căng thẳng, làm phức tạp tình hình ở Biển Đông và đe dọa hòa bình, ổn định trong khu vực", thông báo chính thức của Philippines viết thêm.
Trước đó hôm 9/1, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Jen Psaki, cũng cho rằng: "Việc thông qua các quy định hạn chế hoạt động đánh bắt cá của các nước khác trên vùng biển tranh chấp ở Biển Đông là hành động khiêu khích và tiềm ẩn nguy hiểm. Trung Quốc không đưa ra được bất kỳ lời giải thích hay cơ sở luật pháp quốc tế nào cho tuyên bố hàng hải trên phạm vi rộng lớn trên".
Nhiều nhà phân tích nhận định, động thái mới của Trung Quốc sẽ khiến tranh chấp ở Biển Đông trở nên căng thẳng hơn. "Bắc Kinh đang vượt ra khỏi quy chế pháp lý mơ hồ trước đây về 'đường chín đoạn', để ban bố một biện pháp cấp tỉnh nhằm thăm dò phản ứng của các nước khác", ông John Tkacik, cựu chuyên gia Trung Quốc của bộ Ngoại giao Mỹ, nhận định. "Với quy định trên, Trung Quốc rõ ràng đang xem thường công ước của Liên Hợp Quốc".
Nhật Nam

Trung Quốc biện minh cho quy định đánh cá Biển Đông

Tiếp sau loạt phản đối của các nước, bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm qua biện minh cho quy định hạn chế đánh cá trên Biển Đông, nơi đang có tranh chấp gay gắt về chủ quyền.

phat-ngon-vien-trung-quoc-8915-138301280
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Doanh. Ảnh: SCMP
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Doanh nói nước này "có quyền và có trách nhiệm điều hòa những việc có liên quan đến các đảo và bãi cạn cũng như các nguồn tài nguyên" theo luật pháp quốc gia và quốc tế.
"Trong hơn 30 năm, các luật và quy định về đánh cá của Trung Quốc được thi hành một cách bình thường và chưa từng gây ra căng thẳng nào", bà Hoa phát biểu trong cuộc họp báo thường kỳ.
Quy định do tỉnh Hải Nam, miền Nam Trung Quốc, ban hành trong đó yêu cầu các tàu cá nước ngoài phải xin giấy phép mới được thăm dò hoặc đánh bắt cá tại hai phần ba Biển Đông. Quy định mới này bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1/1 và các tàu vi phạm có thể bị phạt tiền lên đến 500.000 nhân dân tệ (82.600 USD). Trong một số trường hợp, tàu đánh cá có thể bị tịch thu và thủy thủ đoàn bị truy tố theo luật pháp Trung Quốc.
Washington khẳng định quy định này là khiêu khích và làm leo thang căng thẳng trong khu vực.
"Việc thông qua các quy định hạn chế hoạt động đánh bắt cá của các nước khác trên vùng biển tranh chấp ở Biển Đông là hành động khiêu khích và tiềm ẩn nguy hiểm. Trung Quốc không đưa ra được bất kỳ lời giải thích hay cơ sở luật pháp quốc tế nào cho tuyên bố hàng hải trên phạm vi rộng lớn trên", Jen Psaki, người phát ngôn bộ Ngoại giao Mỹ, phát biểu hôm 8/1.
Bà Psaki cũng khẳng định lập trường nhất quán của Washington trên vấn đề Biển Đông là "các bên liên quan cần tránh có những hành động đơn phương làm gia tăng căng thẳng và làm giảm triển vọng về một giải pháp ngoại giao hòa bình".
Việt Nam hôm qua cũng phản đối mạnh mẽ quy định mới của Trung Quốc. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lương Thanh Nghị khẳng định những yêu sách đơn phương mà Trung Quốc áp đặt tại Biển Đông là bất hợp pháp và vô giá trị. 
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Philippines Raul Hernandez gọi đây là hành động vi phạm quyền đánh cá của các nước ở vùng biển sâu và làm leo thang căng thẳng trong khu vực.
Nhiều nhà phân tích nhận định, động thái mới này của Trung Quốc sẽ khiến tranh chấp ở Biển Đông trở nên căng thẳng hơn. "Bắc Kinh đang vượt ra khỏi quy chế pháp lý mơ hồ trước đây về 'đường chín đoạn', để ban bố một biện pháp cấp tỉnh nhằm thăm dò phản ứng của các nước khác", ông John Tkacik, cựu chuyên gia Trung Quốc của bộ Ngoại giao Mỹ, nhận định. "Với quy định trên, Trung Quốc rõ ràng đang xem thường công ước của Liên Hợp Quốc".
Quy định mới của Trung Quốc ra đời không lâu sau khi nước này đơn phương thiết lập Vùng Nhận dạng Phòng không (ADIZ) trên biển Hoa Đông hôm 23/11/2013. Vùng này bao trùm quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư. Động thái này của Bắc Kinh vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của Washington, Tokyo và Seoul.
Vũ Hà

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét