Thứ Hai, 27 tháng 1, 2014

CÂU CHUYỆN VỀ RƯỢU 5/b - (tửu sắc)

(ĐC sưu tầm trên NET)


Giai thoại văn học Việt Nam/Chừa rượu

Nguyễn Khuyến nổi tiếng mê uống rượu. Cuốn thơ văn Nguyễn Khuyến có in ảnh của ông trang đầu, đầu khăn xếp, mặt xương xương, hai mắt sáng và tay thì đang cầm chén rượu. Rồi có đôi khi đọc thơ Nguyễn Khuyến thì quả thực lắm khi cũng thấy phảng phất... mùi rượu, tỷ như bài "Tạ người cho hoa trà" thì nghe ra còn cả tiếng khề khà hơi thở của người say. "Chừa rượu" là bài thơ vui vẻ viết lối liên hoàn khá thú vị,
Những lúc say sưa cũng muốn chừa,
Muốn chừa nhưng tính lại hay ưa,
Hay ưa nên nỗi không chừa được,
Chừa được nhưng ta... cũng chẳng chừa.
Bài thơ đơn giản nhưng đúng lối hóm hỉnh của Nguyễn Khuyến. Bài thơ tên là "Chừa rượu" mà chẳng có ý chừa tí nào. Mà hay là nếu ai có mê rượu thì mới thấy nó tả đúng cái tâm sự của mình, thật tiện lợi mà đem ra chống chế. [1]

Ghi chú

^ Tôi hồi nhỏ hay sang chơi với một ông cụ hàng xóm mê rượu. Cả ngày khề khà bên chiếu, rồi lắm lúc tôi sang ông lại rủ cả tôi ngồi trò chuyện, đọc thơ. Một lần tôi nghe lời mọi người lựa lời "xui" ông bỏ rượu thử, ông lắc đầu cười rồi đọc tôi nghe bài này. Từ đó tôi nhớ và thi thoảng ai có khuyên tôi "bỏ" cái gì thì cũng... thủ ngay câu "chừa được nhưng ta cũng chẳng chừa".
.thuvienkhoahoc.com 

Bàn về "Rượu" và cái lý được "Nhậu" của FFC Member.

Chưa ra mắt các anh em FFC..thèm rượu quá..và được dịp sáng nay rảnh..3Gà mạn phép "bàn" về RƯỢU cho đỡ thèm..

Rượu chữ nho gọi là tửu.
“ Nam vô tửu như kỳ vô phong.”
Cờ không gặp gió,cờ rũ xuống, xem chẳng oai hùng chút nào .đàn ông thiếu rượu, giống như lá cờ rũ, như "kim đồng hồ" thường chỉ sáu giờ, trông phát nản.
Rượu cất bằng gạo nếp, nấu xong dùng men ủ, vài ngày sau mới đem ra cất. Rượu ngon hay dở còn tuỳ vào bí quyết và kinh nghiệm nấu. Rượu là lộc Trời cho.Bậc vua chúa ngày xưa, đã biết dùng rượu để di dưỡng thiên hạ, dùng vào việc tế Trời, lễ đất, cầu phúc, cầu lợi.

"Vô tửu bất thành lễ".
Các bậc thánh nhân ngày xưa không ai không uống rượu, do đó 3Gà...cũng vậy...

Lưu Bang Hán Cao Tổ nhân lúc rượu say, cầm gươm chém rắn bạch, khởi nghĩa, lập nên cơ đồ nhà Hán.
Phàn Khoái dự tiệc Hồng Môn Phàn, lấy cao cắt thịt, uống rượu, thi đua múa gươm, mưu đồ đại sự .
Khổng Tử lúc hứng uống cả ngàn chung.
Tử Lộ uống như hũ chìm.
Lã Bạch càng uống, làm thơ càng hay. Nhiều người không quen mùi rượu, đọc xong thơ của Lã Bạch cũng lăn quay ra say khước.
Một lần Kinh Kha rượu đã ngà ngà, uống thêm một chén rượu tiễn đưa, rút gươm chỉ xuống dòng sông Dịch chửi thề: - Mẹ kiếp! Chuyến này không thành công thì ông đíu thèm qua sông này nữa.Và lần đó Kinh Kha đã hát bài nhạc Pháp “Aller Sans Retour,” mua tấm vé tàu suốt rong chơi miền tiên cảnh.
Người tài hoa phải biết đủ cầm, kỳ, thi, hoạ, nhưng chưa sành sọi về rượu thì chưa trọn vẹn.
Người sành rượu không phải chỉ biết vị, biết hương của rượu mà còn phải nhập vào linh hồn của rượu nữa.
Rượu giúp con người thêm can đảm. Nếu không say rượu thì có cho kẹo, Lưu Bang cũng không khi nào dám chơi dại cầm gươm chém rắn. Chỉ nhờ lúc có rượu làm liều mà dựng nên sự nghiệp.
Rượu gây thêm hào hứng cho kẻ anh hùng đàn ông có rượu vào, khí thế oai minh, thái độ hùng dũng như cờ gặp gió, như lân gặp pháo.
Dân nhậu có tính thảo ăn. Có thức ăn ngon thì nghĩ ngay đến bạn hiền. Nếu trong lòng tâm sự đa mang, có được người bạn hiền để chén chú, chén anh, nỉ non tâm sự thì còn gì bằng:
"Một ly nhâm nhi tình bạn
Hai ly uống cạn lòng sầu
Ba ly mũi chảy tới râu
Bốn ly ngồi đâu gục đó
Năm ly cho chó ăn chè
Sáu ly vợ đè cạo gió."

Giai thoại về rượu rất nhiều, không sao kể xiết. Mỗi quốc gia có vài thứrượu đặc biệt. Rượu Pháp nổi tiếng nhất thế giới như rượu vang Champagne . Ai cũng biết Champange là loại rượu sủi bọt (Sparkling wine) thường dùng trong các cuộc vui như đám cưới, sinh nhật v...v... Napoléon, Hoàng đế nước Pháp đã nói một câu để đời về rượu Champange:

"Khi thắng trận ta uống Champange để mừng chiến thắng.
Khi bại trận ta càng cần phải uống Champange để giải sầu."

Nho để làm rượu Champange phải là loại Chardonnay (chát trắng) và loại Pinot noir (chát đỏ) của vùng Bourgonge mới số dzách. Mở Champagne cũng là một nghệ thuật. Mở thế nào cho rượu nổ một tiếng pop khá lớn mà rượu không vọt ra ngoài do áp suất của khí carbonique trong chai. Lan man về Champange đã hơi nhiều,3Gà xin nói về rượu Pháp. Ngoài Champange còn rượu khai vị như Cointreau, Grand Marnier, rượu mạnh có Martell, Hennessy, Courvoisier, Remy Martin, thứ nào cũng hết xảy nhưng phải loại XO mới tuyệt cú mèo. Đó là rượu Tây.

Người Tàu coi trọng vấn đề ăn uống. Gặp nhau câu hỏi đầu tiên là: - Lứ chía pừng b.i? hay Nị xực phàn m.? hoặc Nị sứ phán mĩ dầu? có nghĩa là Anh ăn cơm chưa? ..Mấy câu tiếng Tàu này, 3Gà học từ 1 người anh lớn(James Khưu). Vì quí trọng miếng ăn nên người Tàu chủ trương miếng ăn, thức uống phải ngon và bổ nên người Tàu nghĩ ra rượu thuốc, thứ nào cũng số dzách..ông uống bà khen, cường dương bổ thận, tráng kiện minh mẫn...

Nhật bản có Sa-kê. Nga có Vodka, Việt Nam có Whiskyson.(Cái kiến thức này 3Gà học lóm được từ Cụ thân sinh của 3Gà) Nói lái hai âm ky-song là công xi. Rượu công xi Bạc Liêu thì hết xảy. Rượu đế Phước Long rất nổi tiếng. Chất rượu trong như nước mưa, rót ra, bọt nổi vòng quanh miệng ly, uống vào nóng muốn cháy cổ. Thở ra nếu ngồi gần vách lá có thể làm cháy nhà như chơi. Ngoài ra còn rượu Bình tây, rượu nếp than. Sau năm 1975, người miền Bắc mang vào Nam loại rượu cà-phê và rượu chanh, 2 loại này 3Gà chưa được dùng thử, dù đã nhiều lần lục tung hang cùng ngõ phố trên đất Hà Thành, có lẽ nó đã thất truyền...tiếc lắm thay.

Rượu ngon, thức nhấm ngon, chỗ ngồi nhậu thoải mái, lại có thêm bạn hiền thì uống ngàn chung cũng còn quá ít.

(A3G-10/7/13, HCM)
otosaigon.com


 

Giai thoại vui về "thi sĩ say" Phùng Quán và Duy Khán

GiadinhNet - Những câu chuyện cười ra nước mắt, những giai thoại của hai cha đẻ hai tác phẩm nổi tiếng là "Tuổi thơ dữ dội" và "Tuổi thơ im lặng" có một điểm chung rất đặc biệt là chúng đều gắn với… rượu.

Nhà thơ, nhà văn tài danh Phùng Quán thì được gắn cho biệt danh "Cá trộm, văn chui, rượu chịu", còn thi sĩ Duy Khán thì được cho là một người say… đáng yêu.
Biệt danh vui của Phùng Quán
Bộ tiểu thuyết 3 tập "Tuổi thơ dữ dội" của Phùng Quán sau khi được in năm 1988 đã gây tiếng vang lớn. Đến nay, nhiều người vẫn giữ nó làm cuốn sách gối đầu giường. Cuốn tiểu thuyết này không chỉ được giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam mà còn được dựng thành phim và bộ phim này cũng được giải thưởng của Hội điện ảnh Việt Nam.
Nhà văn Phùng Quán lúc sinh thời (người thứ hai từ bên trái sang, hàng đầu) cùng các bạn văn. (Ảnh: Tư liệu)

Từ năm 22 tuổi (1954), ông đã viết nên bài thơ nổi tiếng "Hôn". Bài thơ này được các chàng trai, cô gái rất yêu thích và thường chép vào trong những lá thư tình nồng thắm gửi người yêu: "Trời đã sinh ra em/Để mà xinh mà đẹp/Trời đã sinh ra anh/Để yêu em tha thiết. Khi người ta yêu nhau/Hôn nhau trong say đắm/Còn anh, anh yêu em/Anh phải đi ra trận/ Yêu nhau ai không muốn/Gần nhau và hôn nhau/Nhưng anh, anh không muốn/Hôn em trong tủi sầu...". 

Khi rời khỏi quân đội, vợ làm giáo viên, gia cảnh Phùng Quán lúc ấy rất nghèo. Cái tích "Cá trộm, văn chui, rượu chịu" cũng ra đời trong hoàn cảnh ấy. Lúc đó, nhà ông ở cạnh hồ Tây nên ông thường câu trộm cá ở đấy để thêm vào những bữa ăn gia đình. Phùng Quán lại hay rượu, là con nợ kinh niên của nhiều chủ quán rượu quanh hồ. Ông kể có một lần, có chàng thủy thủ tàu viễn dương đến nhà "tán" cô con gái rượu xinh đẹp của ông, đã để lại biếu ông một nửa gói thuốc ba số 5, ông đã phải mang ra quán đổi lấy... rượu uống được mấy ngày liền. 

Nhà thơ Duy Khán tên thật là Nguyễn Duy Khán. Quê ở Quế Võ, Bắc Ninh. Một số tác phẩm nổi tiếng của ông như: Trận mới (năm 1972); Tuổi thơ im lặng (năm 1986); Tâm sự người ra đi (năm 1987). Ông sinh năm 1934, mất năm 1993.
Trong một cuộc thi viết về Lê Nin do Đại sứ quán Liên Xô (cũ) tổ chức,  Phùng Quán liền gửi bài dự thi và  được giải. Giải thưởng là một chiếc xe đạp Liên Xô, vành to, hồi đó thường gọi là "xe trâu". Chiếc "xe trâu" ấy được Phùng Quán đi cho đến cuối đời.

Không chỉ nổi danh bởi những bài thơ, tiểu thuyết để đời như Tuổi thơ dữ dội, Hôn, Vượt Côn đảo... và những giai thoại xung quanh biệt danh "Cá trộm, văn chui, rượu chịu" mà Phùng Quán còn "để đời" với giai thoại về vợ. Vợ của nhà văn Phùng Quán là bà Bội Trâm, là giáo viên trường Chu Văn An. Hồi Phùng Quán vào Huế viết tập 3 cuốn tiểu thuyết "Tuổi thơ dữ dội" nhiều tháng liền không gửi thư về nhà, bà Bội Trâm nhớ chồng quá liền viết thư gửi vào Huế nhờ nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo tìm giúp. Nhưng lúc ấy Phùng Quán đã du xuân vào tận TP.Hồ Chí Minh vài tháng sau mới trở ra Huế. Sau khi đọc bài thơ của vợ gửi: "Chòi trống im lìm, khách ngẩn ngơ/ Bình khô, rượu cạn, điếu chăng tơ/ Bao giờ điếu lại reo êm ái/ Nhà rộn tiếng cười, ấm giọng thơ" thì Phùng Quán bỗng tủm tỉm cười rồi nhờ Nguyễn Trọng Tạo chở ra ga Huế, lên tàu về Hà Nội.
Nhà văn Phùng Quán thời kỳ viết bài thơ "Hôn".

Duy Khán say ngã hoá... thơ!

Có thể nói "Tuổi thơ im lặng" là tinh hoa trong cuộc đời sáng tác của Duy Khán. Cuốn sách dày chưa đến 200 trang với mấy chục mẩu truyện ngắn nhưng truyện nào cũng cảm động. Ông viết về núi Dạm ở Quế Võ, Bắc Ninh quê ông, về bố, về mẹ, về chú bác, cô dì, về những bạn bè thân thuộc thuở ấu thơ mà như mê đi, như trở lại với tuổi thơ xa lắc. Ông cũng có những bài thơ để đời như bài "Trao lời qua gió": "Từ lâu quen với xa xôi/ Một lời giáp mặt, nghìn lời trên thơ/ Những lời một thực mười mơ/ Nối lời như nối bến bờ không xa/ Ở đây nắng hắt qua nhà/ Thất thường mưa gió như là tính anh/ Đã xanh, trời tuyệt là xanh/ Đã mây, mây kín đọng thành mưa rơi/ Mưa tràn chín chục ngày trời/ Thừa nơi tắm mát, thiếu nơi ăn nằm/ Mùa mưa nay đã đến gần /Nhớ ngày mưa ấy bàn chân ngập bùn/ Tiễn anh ra tận đầu thôn/ Trắng trời, trắng đất em còn ngó trông/ Mới hay có lửa trong lòng/ Nên êm ngày lạnh, nên nồng ngày mưa/ Mùa này nắng bỏng ban trưa/Áo anh bạc trắng nhoè ra màu vàng/Bỏng rồi cát lại đem rang...".

Thi sĩ Duy Khán cũng có những câu thơ thật sâu sắc mà ông sáng tác trong lúc... say. Dường như ông là nhà thơ được gắn với rượu nhiều nhất, người ta coi ông là thi sĩ say đáng yêu nhất nước. Theo lời kể của nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha, vào một đêm khuya, sau chầu rượu ở quán cóc, Nguyễn Thụy Kha và Nguyễn Trọng Tạo đưa Duy Khán đi bộ về nhà. Duy Khán lúc ấy đã say lắm rồi, bước chân xiêu vẹo nhưng vẫn nhất định không cho hai bạn thơ dìu. Ông luôn miệng nói: "Anh còn tỉnh lắm". Đang loạng choạng bước đi, Duy Khán bỗng nhiên ngã quị xuống, chống tay xuống đất. Hai nhà thơ Nguyễn Thụy Kha và Nguyễn Trọng Tạo vội chạy đến đỡ Duy Khán dậy, nhưng anh xua tay nói: "Không sao, không sao cả", rồi anh xuất khẩu đọc liền một câu thơ để đời: "Ngã xuống rồi, em ơi, vẫn đất". Đó là câu thơ vừa hồn nhiên ngây thơ, vừa là một niềm tin vào đất đai muôn thuở.
Nhà thơ Duy Khán

Trong một lần khác, Duy Khán cùng Phan Lạc Hoa, Nguyễn Trọng Tạo ghé nhà nhạc sĩ Phan Long uống rượu đêm. Khi cuộc nhậu đang vui thì Duy Khán đòi đứng dậy đi vệ sinh. Đợi mãi không thấy Duy Khán vào, Nguyễn Trọng Tạo liền chạy ra tìm. Thấy bạn đang đứng trong tư thế..., Nguyễn Trọng Tạo liền hỏi: "Sao lâu thế, vào uống tiếp chứ anh?". Duy Khán đáp: "Chưa xong đâu, cậu không nghe đang róc rách đấy à". Nguyễn Trọng Tạo ngạc nhiên liền ngó nghiêng thì phát hiện ra cái vòi nước cạnh đấy chảy róc rách, liền vặn vòi nước lại. Lúc ấy, Duy Khán mới bảo: "Xong rồi, anh vào ngay đây". Thì ra, chính cái vòi nước "tè" suốt bấy lâu chứ không phải nhà thơ Duy Khán.
Nhà thơ Phùng Quán sinh tháng 1 năm 1932, tại xã Thuỷ Dương, huyện Hương Thuỷ, tỉnh Thừa Thiên - Huế. Năm 1945, ông tham gia Vệ quốc quân, là chiến sĩ trinh sát Trung đoàn 101 (tiền thân là Trung đoàn Trần Cao Vân). Sau đó ông tham gia Thiếu sinh quân Liên khu IV, đoàn Văn công Liên khu. Phùng Quán bắt đầu viết trong khoảng thời gian của cuộc kháng chiến chống Pháp và khẳng định được văn tài với "Vượt Côn Đảo" nhưng ông được biết đến nhiều hơn sau "Đổi mới". Ông là cháu gọi Tố Hữu bằng bác. Ông mất năm 1995. 

Một số tác phẩm nổi tiếng của ông như: Vượt Côn Đảo (tiểu thuyết, 1955) - Giải thưởng Nhà nước 2007; Tiếng hát trên địa ngục Côn Đảo (thơ, 1955) - Giải thưởng Nhà nước 2007; Tuổi thơ dữ dội (tiểu thuyết, 1988) - Giải thưởng Nhà nước 2007; Trăng hoàng cung (tiểu thuyết thơ, 1993); Thơ Phùng Quán (năm 1995)...
Bùi Hoàng Thiên Văn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét