Thứ Ba, 14 tháng 1, 2014

NGUYỄN BÍNH 7/2 - GIAI THOẠI

(ĐC chép từ http://vohinhlangtu.blogspot.com)

15. Chơi chữ C
Nữ sĩ N. hồi đầu cách mạng tháng Tám năm 1945 có cảm tình với một cán bộ cách mạng đã khá cao tuổi (gấp đôi tuổi nữ sĩ) nên anh em thường đùa chế. Một lần đồng chí cán bộ kia bị ốm, nữ sĩ mua chục cam đến thăm, chẳng hiểu vì sao lại bị từ chối. Từ đó nữ sĩ cắt đứt quan hê.
Năm 1945 tập kết ra Bắc, Nguyễn Bính đến thăm nữ sĩ và được nữ sĩ mời ăn cam. Nhớ lại chuyện xưa cũ, khi về Nguyễn Bính giấu để xuống dưới đĩa cam 2 câu thơ đùa toàn phụ âm C:
Cô cầm cam, cụ cầm cờ, cô cứ cỳ cèo co céo cụ
Cụ càng cao, cô càng cáu, cô càng cay cú cái con cò!
Khi đọc, nữ sĩ giận lắm và từ đó cũng cắt đứt quan hệ với Nguyễn Bính. Thật khổ thay vì cái tội hay chữ chơi chữ. Bạn bè biết chuyện cũng đặt một câu đùa thêm:
Chơi chữ cam, chơi chữ chua cay, câu chuyện cũ càng, còn cáu kỉnh. Cô cấm cửa, cuối cùng cũng cắt.

16. Lại chơi chữ
Ông giáo H. rất thích thơ Nguyễn Bính. Ông đã cớ vợ nhưng có yêu một người cô đầu hát tên là Duyên. Cô này cũng rất sính thơ. Ông giáo là người cầm trống chầu giỏi và làm thơ cũng khá, ông thường viết bài cho cô Duyên hát. Một hôm ông giáo H mời Nguyễn Bính và Nguyệt Hồ đi một chầu hát ả đào ở nhà cô Duyên phố On Rợp. Sau khi say sưa, bên bàn đèn ông giáo H đề nghị làm thơ liền ngâm chơi.
Nguyệt Hồ lớn tuổi hơn cả, đọc mở đầu một câu chơi chữ thật khó:
Dặn dò dì gió giữ gìn Duyên (1)
Nguyễn Bính đọc ngay:
Hứa hẹn hàn huyên hóa hão huyền
Cô Duyên nghĩ một lúc cũng đọc:
Lầm lỡ, lơ là lòng lạnh lắm!
Ông giáo H làm câu kết:
Tâm tình tơ tưởng tới toà tiên.
Nguyễn Bính cười:
- Câu kết có tâm trạng vơ vào. Nhưng tôi nghĩ giá đổi vài chữ thì khoái tai hơn, có thể là:
Tòm tem toan tính tới tòa tiên
Mọi người đều cười, đề nghị cô Duyên hát ngâm lại. Ông giáo đánh trống trầu, giơ cao tay một cách thích thú.
______________________
(1) “Dì gió” dịch theo chữ Hán: Phong-di, còn có hàm ý nữ khách phong tình.

17. Xuất khẩu thành thơ
Một lần Nguyệt Hồ cùng Nguyễn Bính đến chơi nhà Việt Quyên. Chủ nhà đang câu cá ngoài ao. Nguyễn Bính bảo Nguyệt Hồ đứng lại để mình đọc cho Việt Quyên giật mình. Rồi Bính sẽ đi đến sau lưng Nguyệt Hồ quát to lên 2 câu thơ:
Đành nhẽ làng văn chìm tiếng xuống
Chỉ cần mặt nước nổi tăm lên.
Việt Quyên giật mình vì khi Nguyễn Bính đọc hai chữ đầu “Đành nhẽ”, Bính đọc to như quát, chân dậm bành bạch, và khi đọc đến chữ “Chỉ cần”, Bính sấn ra trước mặt, nhấc cần câu lên và đùa:
-“Chỉ cần” là đình chỉ cái cần câu này lại, vào nhà tiếp khách, nghe chưa?
Nguyệt Hồ và Việt Quyên phải khen tài xuất khẩu thành thơ của Nguyễn Bính. Ứng khẩu đùa bạn, mà chữ nghĩa đối nhau chan chát, lại hợp cảnh, hợp người như thế thật là tài!

18. Xướng họa
Ông Song Ly, tên thật là Xương Lợi do Nguyễn Bính đùa đặt là Song Ly cho có vẻ Tàu, vì ông này có dáng giống chú khách. Nhà ông ở xã Mĩ Tân, ngoại thành Nam Định. Ông song Ly rất thích thơ Nguyễn Bính và hay xướng hoạ, tuy thơ ông chưa hay.
Hàng tuần, Nguyễn Bính cùng các bạn ra nhà ông Ly chơi, nhà ông rất mát, vườn rộng và nhất là lần nào ông Ly cũng làm món gì đánh chén. Lần này, Nguyễn Bính và Nguyệt Hồ ra chơinhà chẳng còn gì. Ông Ly cùng hai nghệ sĩ ta đi lục chạn bát, gầm giường xem có còn gì ăn tạm. May sao, ở cái bị treo lủng lẳng dưới bếp, còn mấy củ khoai tây và ổ gà đẻ có dăm quả trứng! Thế là ba vị, kẻ gọt khoai, người nhóm bếp làm một tiệc cò con...
Rượu ngà ngà, ông Ly lại bắt Bính làm thơ để minh hoạ. Nể lời, Bính nói:
- Thôi được:
Ăn khoai thì lấy vần khoai
Song Ly ta gọi Song Lai cho vần
nhé!
Và Bính đọc thơ luôn:
Có dăm quả trứng, nửa cân khoai
Đánh chén cò con, giở miệng ngài
Bạn đến chơi nhà trơ củ lẳng
Thú gì thơ thẩn, hở ông Lai?
Nghĩ một lúc ông Song Ly hoạ lại:
Những năm hào trứng, bẩy hào khoai
Ít đủ, nhiều no, hỡi các ngài?
Tri kỉ, tri âm, thơ xướng hoạ
Giàu sang, chữ nghĩa, thử vài lai?
Nguyễn Bính cười:
- A, giọng thơ thách thức nhau lắm nhỉ? Đã vậy nghe tôi đọc đây.
Và Bính đọc luôn một thôi ba bài, nhằm dùng hết chữ vần cho khó hoạ:
Nghe thơ chủ trại bứ hơn khoai
Có khổ tai không hả các ngài
Mà dám ti toe đòi xướng hoạ
Ngôn từ lủng củng...lải lài lai...
Những bao tiền trứng, mấy tiền khoai,
Có đắt hay không, hỡi các ngài?
Cái lão Song Ly cay nghiệt quá
Đồng cân chẳng bớt một vài lai.
Ra về chốc nữa nắng xiên khoai
Mặt ủ, mày chau, xạm nét ngài
Râu tóc bù xù trông gớm chết
Phen này phải đến hiệu Xuân Lai (hiệu cắt tóc)
Bính cười giục:
- Nào, hoạ đi chứ, ông chủ?
Quả là ông chủ bí thật. Nguyệt Hồ bèn hoạ đỡ bạn:
Lâu nay cơm nước độn toàn khoai
Lại kém đồ ăn...ngái ngải ngài
Không khéo dạ dày queo quát lại
Mà thân hình cũng oặt – xà – lai (gày còm)
Bính cười:
- Khá lắm, còn phông không?
Nguyệt Hồ lại đọc:
Đây không cần trứng chẳng cần khoai
Xướng hoạ thơ chơi với các ngài
Nếu bí thì đây lên Thượng Lõi
Vui trò gà trọi với ông Lai
Nghe đâu ba người còn lai rai đến chiều và còn hoạ vần đến gần chục bài nữa, nhưng sau say tít, cũng nhàm.

19. Tri âm của nhà thơ
Đó là ông Trần Quốc Lai ở Thượng Lỗi, ngoại thành Nam Định. Nguyễn Bính gọi ông bằng nhiều tên đùa cợt. Trước ông làm ở toà án thời Pháp, tiếng Tây như gió, Bính gọi ông là "thầy phán Tây". Ông mê gà chọi, nhà ông là một sới gà chọi chơi đã mấy đời, các giới nghệ sĩ thuật tứ chiếng khắp Trung Nam Bắc về đây cũng đông (gà chọi cũng là một môn nghệ thuật) Bính gọi ông là “nghệ sĩ gà”. Sinh thời Nguyễn Bính coi ông Lai như là một “tiểu Mạnh Thường Quân” của mình. Những khi thất bại trong trường đời, trong tình ái, đói rét, cô đơn... Nguyễn Bính lại về nhà ông Lai nghỉ ngơi, tâm sự. Nhiều bài thơ (chưa đăng báo), nhiều câu chuyện, nhiều bút tích của Nguyễn Bính chỉ một ông Lai biết thôi.
Cái đặc biệt là cho đến nay (1989), ông Lai đã già lắm, 85 tuổi, mắt đã loà, đi phải chống gậy, tính tình hơi “ lẩn thẩn”, nói trước quên sau, nhưng riêng thơ Nguyễn Bính ông vẫn thuộc lầu lầu. Hỏi đến bài nào, ông đọc từ đầu chí cuối, không lẫn. Ông có những nhận xét về thơ Nguyễn Bính khá tinh tế. Ông nói:
- Thơ Nguyễn Bính có cái lạ, tách riêng ra một hai câu có thể đứng được như một bài thơ hoàn chỉnh. Ví dụ:
Gió mưa là bệnh của trời,
Tương tư là bệnh của tôi yêu nàng...
Dẫu rằng một cánh, cũng hoa,
Dẫu rằng một nửa, cũng là trái tim.
Và ông đặt tên đầu bài cho các câu thơ ấy. Ví như bài” Tìm nàng” có các câu sau:
Dừng chân trước cửa nhà nàng
Thấy hoa vàng với bướm vàng bên nhau.
Tìm nàng chẳng thấy nàng đâu,
Lá rơi lả tả bên lầu như mưa...
Hoặc ông đặt đầu bài “Tuổi son” cho mấy câu dưới đây:
Thế là tàn một giấc mơ,
Thế là cả một bài thơ não nùng.
Tuổi son má đỏ môi hồng,
Bước chân về đến nhà chồng là thôi!
Theo ông Lai, Thơ Nguyễn Bính rất nhiều đạt đến toàn bích như: Mưa xuân, Thời trước, Tương tư, Viếng hồn trinh nữ, Oan nghiệt, Xóm ngự viên, Truyện cổ tích, Những bóng người trên sân ga, Cô hái mơ, Cô lái đò... Kẻ đánh giá thơ thì mỗi người một khẩu vị chủ quan, nhưng xem ra sự thẩm thơ của ông về Nguyễn Bính cũng thật xác đáng.
Trước đây rất lâu (hơn 20 năm) trước khi người ta tranh nhau sưu tầm, tuyển chọn, tái bản đi tái bản lại thơ Nguyễn Bính, lúc Bính đang khó khăn ba đào, ông Lai đã khẳng định trước các bạn như Nguyệt Hồ, Phong Giao, Trần Khuê, Việt Quyên:
- Nguyễn Bính rất lớn, thế nào rồi nhân dân cũng đánh giá lại, đúng giá trị của thơ Bính…
Quả nhiên, nay đã trở thành sự thật,
Thiển nghĩ, chuyện này nào khác chuyện Bá Nha với Tử Kì thời xưa?

20. Làm thơ mua được xe đạp cung cấp
Hồi kháng chiến chống Mĩ, Ty Văn hoá Nam Hà sơ tán về xã Nhân Nghĩa, cách thành phố gần 20 cây số, Nguyễn Bính lúc ấy công tác ở ty văn hoá nên cũng đi theo, nhưng gia đình vợ con cũng phải bám sát vòng đai ngoại thành, đông dân sơ tán để buôn bán kiếm ăn, ở xã Nhân Hậu. Việc đi lại rất vất vả, Nguyễn Bính thường nói với anh em mong có cái xe đạp để đi. Nhưng đã nhiều đợt cơ quan phân phối xe đạp giá rẻ mà nhà thơ chưa được.
Một chiều, Nguyễn Bính cùng một số anh em phòng Sáng Tác ngồi chơi mát trên bờ sông Châu, có cả thủ trưởng Ty Văn hoá cũng ngồi đó cả. Một ông bạn đố Bính:
- Ngày xưa Tào Thực, 7 bước thành thơ, nay để 7 phút anh có thể làm được một bài thơ hay không? Đầu bài là " Chồng ở Nhân Nghĩa, vợ ở Nhân Hậu".
Bính nói:
- Có hai thủ trưởng và anh em đây, tôi xin đọc luôn thơ, chứ cần gì đến 7 phút. - Rồi Bính đọc:
Chồng thì Nhân Nghĩa, vợ Nhân Hậu
Mười lăm cây số, đường độc đạo!
Không tiền, trời nắng lại không xe,
Khổ muốn kêu trời, trời có thấu?
Khi đọc đến câu cuối, Bính gật gật về phía hai thủ trưởng, như nói với “hai ông Trời”: “Khổ muốn kêu trời trời có thấu?”
Anh bạn đố Bính nói:
- Câu đầu chơi chữ thật hay, đổi một chữ “thì” như lời tự bạch: “Vợ chồng tôi nhân nghĩa, nhân hậu lắm, nên nghèo, không xe…”. Nhưng tôi nghĩ đã “đạo” lại còn “đường” (đường độc đạo) sợ có thừa chữ không?
Bính hỏi:
- Ông bạn ơi, chúng ta đang ngồi ở sông nào đây?
- Sông Châu Giang.
- À, sông Châu Giang cũng như sông Hồng Hà, thì cũng như “đường độc đạo”, chẳng nhẽ gọi là “đường độc” ư?
Mọi người đều cười. Và hai thủ trưởng cơ quan cũng nháy mắt nhau, xem chừng đã “thấu”. Mấy hôm sau, Nguyễn Bính được cấp phiếu mua một xe đạp giá rẻ thật!


21.Liên ngâm đả Tây
Nguyễn Vĩ, chủ bút báo Pháp – Việt, cũng như các chủ bút báo khác, thường tìm mọi cách tranh thủ tên R.Cơ-ray-sắc (Renes Craysac).Chánh văn phòng Kiểm duyệt sở mật thám Hà Nội. Tên này là một tên cáo già thực dân, giỏi chữ Hán, thạo tiếng Việt, ăn cả thịt chó mắm tôm và cá gỏi…
Một hôm Nguyễn Vĩ mời được Cray-sắc đi hút thuốc phiện ở Khâm Thiên, có Nguyệt Hồ và Nguyễn Bính tháp tùng.
Khi đã say sưa, nằm bên bàn đèn, thấy trên đèn dầu lạc có 4 chữ hán, Cray-sắc đọc: “Phi yến thu lâm” (Rừng thu yến bay), rồi hắn dịch nhại, giọng Tấy lơ lớ, thành: “Phiện thú lắm”. Và hắn đề nghị liên ngâm một bài thơ với tiêu đề ấy.
Nguyễn Vĩ ngẫm nghĩ một lúc rồi đọc
Phi Yến thu lâm lắm cái hay!
Nguyễn Bính đáp:
Nằm trên giường như nằm trên mây.
Cray-sắc cười nói:
- Moa ghép một câu tiếng Pháp, song chắc người An Nam ai cũng hiểu:
Uyn, đơ ,troa, cát, ken-cờ píp
Mọi người khen được. Và Nguyệt Hồ đọc câu kết khá giật gân:
Đánh đổ người Nam đánh đổ Tây!
Cray-sắc trợn mắt:
- Nguyệt Hồ có tư tưởng gớm nhỉ!
Nguyệt Hồ từ tốn:
- Bẩm ngài nghĩ lại xem, có đúng không Ngài và chúng tôi đổ vì nó cả.
Nguyễn Vĩ đỡ thêm:
- Thôi, xin ngài bỏ quá, hoạ sĩ say, và hoạ sĩ bất đắc dĩ phải làm thơ mà…
Sau Cray-sắc cũng cho qua. Rồi mọi người đi vào tán mãi câu thơ hay mỗi vẻ như thế nào.
- Câu đầu “lắm cái hay” là những cái hay gì? Người ta liên tưởng đến câu Kiều:
Ở trong còn lắm điều hay,
Nỗi đêm khép mở, nỗi ngày riêng chung...
- Câu thơ Nguyễn Bính thì cố tình phá luật, dùng toàn thanh bằng, lâng lâng bay bổng, đúng đúng là cái đi mây về gió của thuốc phiện...
- Câu 3 không thể nhầm là của ông Tây làm thơ An Nam. Tây cũng hiểu mà ta cũng hiểu.
Còn câu kết không ai dám bình, nhưng chính Cray-sắc cũng công nhận là rất hay! (Très bon!).

22.Ta là người Nam
Hồi trước cách mạng tháng Tám, một lần Nguyễn Bính được giải nhất cuộc thi thơ của một tờ báo lớn ở trong Nam. Ông chủ bút bảo Bính chuẩn bị phát biểu cảm tưởng bằng tiếng Pháp cho sang trọng, vì hôm đó sẽ có nhiều quan chức người Pháp đến tham dự.
Hoàng Tấn, bạn thân với Nguyễn Bính đi mượn cho Bính một bộ com lê thật sang và soạn sẵn một bài tiếng Pháp cho Bính thật chu đáo. Bính mặc quần áo thử và đứng trước gương tập diễn thuyết cho Bính nghe cẩn thận.
Đến buổi lễ trao giải, quả là có rất đông người Pháp và vợ chồng quan đốc lý cũng đến dự rất long trọng. Không biết nghĩ sao, lúc lên phát biểu Bính nói toàn tiếng Việt. Chủ báo cuống cuồng lên dịch cho các quan Tây nghe... Rồi viên đốc lý lên trao giải thưởng cho Nguyễn Bính, vợ tên đốc lý cũng lên tặng hoa và ôm hôn tác giả... Đến khi bắt tay Bính cũng nói:
- Cảm ơn ông! – Chứ không nói tiếng Pháp thông thường: “Méc-xi mơ-xi-ơ”.
Khi ra về Hoàng Tấn hỏi Bính:
- Sao ở nhà thì cậu nói tiếng Tây cho ta nghe mà hôm nay cậu lại nói tiếng Ta cho người Tây nghe thế?
Bính nói:
- Đến lúc ấy mình nghĩ ta là người Nam cơ mà?
Hoàng Tấn im lặng, nắm tay bạn đầy cảm mến.

23.Sông Thương nước chảy đôi dòng
Trong đời Nguyễn Bính có nhiều mối tình song đều “sang ngang lỡ bước” cả! Dạo ấy ở Bắc Giang có “Tao đàn Sông Thương” gồm toàn nữ sĩ khá thu hút bốn phương. Nguyễn Bính cùng Vũ Hoàng Chương... đã về chơi với Bằng Bá Lân quê ở đó, nhân thăm thú Tao Đàn. Sau đó Nguyễn Bính yêu nữ sĩ V.A. Kể ra hai người thật đẹp đôi, cùng là thi sĩ. Cùng khuynh hướng sáng tác về “hương đồng gió nội”...Nhưng thật lạ kỳ, cứ như chuyện Trương Chi vậy. V.A, rất mê thơ Nguyễn Bính và Nguyễn Bính cũng thích thơ V. A. Nhưng hễ gặp nhau là nàng “Mỵ Nương” lại vỡ mộng! Không biết vì Nguyễn Bính nom “chân quê” quá, hay ngược lại nàng sợ chàng thi sĩ kinh thành” Đa đoan vó ngựa chung tình bánh xe” hay vì gì nữa? Cuối cùng mối tình tan vỡ.
Ngồi trên tàu về hà Nội. Nguyễn Bính đọc cho Vũ Hoàng Chương nghe mấy câu tâm sự:
Sông Thương nước chảy đôi dòng
Bao giờ bên đục bên trong hài hoà?
Ngậm ngùi một bước một xa,
Đến đây là... đến đây là... là thôi...
Sau này nghe V.A đi lấy chồng, Nguyễn Bính đã hoàn chỉnh bài thơ trên. Đó là bài:
Cao tay nâng chén rượu hồng,
Mừng em, em sắp lấy chồng xuân nay,
Uống đi em, uống cho say,
Để trong mơ sống những ngày xuân qua.
Thấy tình duyên của đôi ta,
Đến đây là...đến đây là... là thôi!
Em đi dệt mộng cùng người,
Lẻ loi xuân một góc trời, riêng anh.
Sau đó, Nguyễn Bính còn viết cả một tập thơ “Hương- cố nhân” (Hương là bí danh của V.A dùng để viết thư cho Nguyễn Bính) có câu đề từ:
Xây bao nhiêu mộng, thế mà
Đến nay phải gọi người là cố nhân.

24.Giá cái đầu nhà thơ
Hồi ấy cuộc kháng chiến chống Pháp, Nguyễn VănThinh, thủ tướng chính phủ bù nhìn “Nam Kì tự trị” có treo một cái giải:
- Ai đưa được nhà thơ Nguyễn Bính “dinh tê” ( vào thành) theo chính phủ (bù nhìn) sẽ được thưởng một nghìn Đông Dương! Nếu nhà thơ tự vào thành cũng được thưởng như thế...
Về mặt nào đó, kể công nhận vị thủ tướng bù nhìn này biết giá trị cái đầu của nhà thơ Nguyễn Bính! Một nghìn đồng Dông Dương ngày ấy to lắm, là cả một cơ nghiêp.
Nhiều thi sĩ là bạn Nguyễn Bính viết thư “thuyết khách’ mời Bính vào. Nhiều người cũng tưởng Nguyễn Bính vào thành với địch rồi. Vì lúc đó, nhà thi sĩ chúng ta đang lang thang phải ăn nhờ một nhà ông bạn ở Rạch Giá, và tối tối phải chui vào một cái nóp (bao cói) ra ngủ ở ngoài đình cho khỏi muỗi.
Ấy vậy mà hồi đó, trong một bài thơ của mình, Nguyễn Bính đã viết hai câu thơ khẳng định:
Mình không bỏ Sở sang Tề,
Mình không là kẻ lỗi thề , thì thôi.
Nhiều cụ già trong Nam hồi đó biết chuyện, gọi Nguyễn Bính là có ý chí của sĩ phu yêu nước.

25.Người sửa thơ Nguyễn Bính
Nhiều nhà thơ, nhà văn khi đã nổi tiếng, ai sửa chữa văn thơ mình thì khó chịu lắm, nhất là người phê bình lại chưa có cương vị gì:
Xưa nay thế thái nhân tình
Vợ người thì đẹp, văn mình thì hay!
Ngược lại, Nguyễn Bính làm thơ xong bài nào cũng đọc lại cho bạn bè, người chung quanh nghe, ai góp ý là nghiền ngẫm sửa lại. Nếu ta xem các bản thảo, gốc thì rất rõ, những câu thơ tác giả sửa đi sửa lại, như các bài: “Sao chẳng về đây” và nhiều bài khác.
Thú vị nhất có một lần, Nguyễn Bính làm bài thơ về vợ con ở Miền Nam, trong đó có câu:
Lao trong lửa đạn bời bời,
Vợ tôi ôm chặt con tôi vào lòng.
Thương con lại nhớ lời chồng,
Lấy thân làm bức thành đồng cho con...
Đến khi in thử, thợ nhà in xếp chữ lầm thành:
Lấy thân làm bức thành đồng che con.
Mọi người đùa là công nhân dám sửa thơ của thi sĩ! Và đề nghị sửa chữa lại nhưng Nguyễn Bính xem bản in thử nói
- Công nhân họ sửa thơ mình hay hơn lên đấy. Che con có hình ảnh và gợi cảm hơn, không cần đính chính đâu.
Mọi người, kể cả anh thợ nhà in rất thích thú và cũng rất phục Nguyễn Bính.

26.Cái bướu nghệ sĩ
Đó là những cái người đời thường cho là lập dị, thậm chí là dở hơi! Nhưng xem ra đã là nghệ sĩ, thường không ai không có cái “ bướu” ấy. Nghệ sĩ càng lớn, cái “Bướu” càng to. Như Ni -Tơn khoét hai lỗ cho hai con mèo dễ ra vào. Tản Đà lật mấy viên gạch hoa nhà bạn lên trồng rau húng...
Một hôm Nguyễn Bính tiếp khách ở nhà mình, có Nguyệt Hồ, Việt Quyên, Phong Giao đến chơi, xem ra chẳng vị nào có một xu dính túi. Nguyễn Bính nghĩ cách tiếp bạn. Biết Nguyệt Hồ nghiện nặng thuốc lá, Nguyễn Bính phân công Việt Quyên đi nhặt các mẩu thuốc lá vứt trong gạt tàn gầm bàn, gầm tủ gom lại. Phong Giao đi đổ bã chè ở các ấm to, các ấm nhỏ ra. Nguyễn Bính nhóm bếp sao bã chè lên. Ông nói:
- Chè sao lại, nước ngon chỉ kém “Chính Thái”. Nhưng còn hơn chè hâm lại, các vị ạ!
Sau đó các mẩu thuốc lá cũng được xé ra, cho lên nồi rang sao. Nguyễn Bính cũng bảo:
- Thuốc lá sao lại đậm ngon hơn chính phẩm, họa sĩ thử mà xem.
Nguyệt Hồ cho cho thuốc vào píp phì phèo rồi đọc đùa mấy câu thơ :
Thuốc lá hay là “xỏ lá” đây!
Yêu cầu ông Bính trả lời ngay?
Hay thương thằng bạn cơn nghiền đến
Chẳng có tiền mua, chửa đủ say...
Trong khi sao tẩm, Nguyễn Bính đã bảo Phong Giao tháo một chiếc bóng điện duy nhất của nhà mình ra chợ bán, mua rượu. Thế là thi sĩ tiếp các bạn cũng đủ chè, thuốc, rượu như ai! Nguyễn Bính tức cảnh:
Khô chè, sao lại chè khô
Ai quăng thuốc xuống, ta mò thuốc lên.
Một khi nghệ sĩ túng tiền,
Làm sao cho thoả cơn nghiền thì thôi.

27.Chị Trúc trong thơ Nguyễn Bính
Theo Bùi Hạnh Cẩn, tác giả NGUYỄN BÍNH VÀ TÔI, đồng thời cũng là anh em con cô con cậu ruột với tác giả LỠ BƯỚC SANG NGANG, thì bà thân của Nguyễn Bính mất rất sớm, khi Nguyễn Bính mới 3 tháng tuổi. Nguyễn Bính rời quê nội làng Trạm sang ở thôn Vân, quê ngoại (cùng thuộc huyện Vụ Bản - Nam Định) và lớn lên ở đó. Bùi Hạnh Cẩn và Nguyễn Bính như vậy vừa là anh em, vừa là bạn học, bạn thơ từ thủa thiếu thời. Do vậy nên những tiết lộ của họ Bùi soi sáng nhiều điều trong thơ họ Nguyễn.
Có lẽ Nguyễn Bính là thi sĩ đầu tiên (đối với tôi) đã trang trọng đưa "người chị" vào thơ. Tập Lỡ Bước Sang Ngang của Nguyễn Bính xuất hiện năm 1938. Gần 60 năm sau tôi mới được nghe bài thơ Chị Tôi của Đoàn Thị Tảo cuối thập kỷ 90 vừa qua. Người tình, người mẹ, người em gái nhỏ ở trong thơ xưa nay không thiếu. Riêng một người chị, ngay từ những bài thơ đầu tiên và sau này suốt cuộc đời thơ, Nguyễn Bính đã giới thiệu "Chị Trúc" một cách thiết tha, đằm thắm. Trong 3 bài Lỡ Bước Sang Ngang đăng lần đầu tiên trên TIỂU THUYẾT THỨ NĂM năm 1938 đều có ghi "Tặng chị Trúc". Sau này nhiều bài thơ khác, khi đi lưu lạc giang hồ, đặc biệt những bài "Trăm câu một vần", "Xuân tha hương" và "Xuân vẫn tha hương", tác giả đều gửi tâm sự về quê nhà, kể lể nỗi niềm cùng chị Trúc:

Tết này chưa chắc em về được
Em gửi về đây một tấm lòng
Ôi chị một em, em một chị
Giời làm xa cách mấy con sông ...

Tết này chưa chắc em về được
Em gửi về đây một tấm lòng
Tết này, ô thế mà vui chán
Những một mình em uống rượu hồng.

Rượu say nhớ chị hồi con gái
Thương chị từ khi chị lấy chồng...

Trong “Xuân vẫn tha hương”, tác giả nằm đón giao thừa ở Huế, "suông cả ân tình rượu cũng suông", đốt ngọn đèn lên nhìn cái bóng cô đơn của mình in trên vách mà thở than cùng chị:
Đêm ba mươi Tết quê người cũng
Tiếng pháo giao thừa dậy tứ phương
Chị ạ, em không người nước Sở
Nhớ nhà đâu mượn tích Trương Lương
Đất khách tình dâng nhòa mắt lệ
Ôi nhà, ôi chị… ôi quê hương.
Trong nhiều bài thơ khác, hình ảnh chị Trúc cứ thấp thoáng xa gần. Chị Trúc đối với Nguyễn Bính là chiếc khăn hồng chị cho để thấm những giọt lệ đời:
Chị cho em chị chiếc khăn thêu
Ý chị thương em khóc đã nhiều
Khóc chị ngày xưa, giờ lại khóc
Cho mình khi tắt một tình yêu.
Chị Trúc là một quê hương để nhớ về - là một đối tượng hết sức thân thương trìu mến để tác giả sẻ chia mọi nỗi cô đơn cũng như những phút giây hạnh phúc:
Chiều chiều hai đứa sang thăm chị
Chồng hái hoa cho vợ giắt đầu...
Đọc thơ Jacques Prévers người ta nhớ Barbara - đọc thơ Argon người ta quen với Alsa, đọc Kiều người ta mong gặp Kim Trọng - đọc Lục Vân Tiên người ta nghĩ đến Nguyệt Nga... Đọc thơ Nguyễn Bính ai cũng muốn biết chị Trúc là ai mà người thơ gửi gấm nhiều tâm sự? Nguyễn Bính đã mất trên 30 năm rồi. Người thơ đã nằm im dưới mộ - Nguyễn Bính có một cái hơn người là càng ngày người ta càng đọc, càng ngâm thơ ông. Do vậy nên cái mong mỏi tìm hiểu về chị Trúc càng ngày càng thêm nôn nả.
Như để trả lời vấn nạn của chúng ta, người anh em của Nguyễn Bính, cũng là người bạn học, bạn thơ thủa thiếu thời, Bùi Hạnh Cẩn đã dành một chương trong cuốn "Nguyễn Bính và Tôi" để nói đến chuyện này: "Những bài thơ về chị Trúc".
Bùi Hạnh Cẩn kể rằng Nguyễn Bính sau khi mất mẹ từ rất nhỏ, ông thân của nhà thơ là Nguyễn Đạo Bình tục huyền - cùng cha cùng mẹ với Nguyễn Bính (tên tục là Nguyễn Trọng Bính) chỉ có 2 người anh trai: Nguyễn Mạnh Phác và Nguyễn Ngọc Thu - Nhà thơ không có người chị ruột nào. Vậy chị Trúc là ai?
Người phụ nữ ấy (chị Trúc của nhà thơ) thật ra không có liên hệ họ hàng ruột thịt gì với nhà thơ hết. Theo Bùi Hạnh Cẩn, đó là một phụ nữ họ Lê tên là N.TH. (họ Bùi không hài rõ tên, chỉ ghi như vậy) người đẹp, da trắng, môi hồng, mũi dọc dừa, đôi mắt trong như nước hồ thu. Đặc biệt người phụ nữ này đã có chồng ở thị xã Hà Đông. Ở nơi này có anh ruột của Nguyễn Bính là Nguyễn Mạnh Phác vừa dạy học vừa làm văn nghệ viết kịch, viết báo, làm thơ. Ở tỉnh nhỏ, như thế đã là có giá. Sau này khi Nguyễn Bính nổi danh với Lỡ Bước Sang Ngang thì ông anh Mạnh Phác lại càng được mọi người nể trọng, và đương nhiên chị Trúc người được nhà thơ đề tặng cũng nổi tiếng theo. Thật ra lúc ấy "chị Trúc" chỉ là người em văn nghệ của Nguyễn Mạnh Phác. Một buổi nhà thơ Lê Văn Trương về Hà Đông thăm thú bạn bè - Mạnh Phác, được mời viết cho báo Ích Hữu do Lê Văn Trương phụ trách. Cần phải có một bút hiệu mới cho Mạnh Phác. Ngày xưa, theo lời ông cậu ruột của anh em họ Nguyễn, tức là thân sinh của Bùi Hạnh Cẩn, thì bà thân của họ Nguyễn "đẻ rơi" Mạnh Phác ngoài lộ. Do vậy nên ngoài tên khai sinh Mạnh Phác còn có tên riêng ở nhà là "cu Đường". Bây giờ cần có một bút hiệu, mọi người mới ghép tên "người em văn nghệ" Trúc với tên riêng Đường thành bút hiệu Trúc Đường. Trúc Đường sau đó trở thành nhà viết kịch có tiếng ở miền Bắc.
Dạo đầu thập kỷ 40, trong không khí ngột ngạt của đệ nhị thế chiến sắp tràn tới Đông Dương, các văn nghệ sĩ có phong trào "đi", hay là "giang hồ vặt", theo khẩu hiệu do Nguyễn Tuân đề xướng "Ta muốn sau khi ta chết, có người thuộc da ta làm chiếc valise". (NT cũng mượn câu nói này của một nhà văn Pháp, tôi không nhớ được tên). Nhưng đi để mà không biết đi đâu?"
Ta đi nhưng biết về đâu nhỉ?
Đã dấy phong trào khắp bốn trời.
Mấy ông nhà văn, nhà thơ trẻ Nguyễn Bính, Tô Hoài, Trọng Can từ Bắc vào miền Trung, vô Nam rồi lại trở ra. Hãy nghe Tô Hoài kể lại trong hồi ký: "Chúng tôi ghé xuống Thanh Hóa trước tiên. Chúng tôi lại xuống Huế. Vào Huế, lại sống vật vờ như ở Thanh Hóa. Thỉnh thoảng Nguyễn Bính gửi thơ về đăng báo, nhờ Trúc Đường gửi tiền nhuận bút vào trọ. Nhưng thơ làm sao nuôi nổi người, huống chi lại những 3 người. Cũng đến ngày phải đi... chỉ có một mình Nguyễn Bính ở lại Huế".
Đây là thời kỳ Mạnh Phác và chị Trúc gửi thư và tiền vào cho Nguyễn Bính ở Huế. Đó cũng là thời kỳ Nguyễn Bính viết Xuân Tha HươngXuân vẫn tha hương.
Tết này chưa chắc em về được
Em gửi về đây một tấm lòng
Một chị một em, em một chị
Giời làm chia cách mấy con sông...
Chị Trúc, người Nguyễn Bính đề tặng thơ rất trang trọng, người Nguyễn Bính thiết tha sẻ chia tâm sự, thật sự ra chỉ là một "người em văn nghệ" của anh mình: Trúc Đường Nguyễn Mạnh Phác.
Đó chỉ là một hình bóng phụ nữ thoáng qua trong đời Nguyễn Bính. Nhưng nhà thơ trân trọng tôn thờ hình bóng đó, vì Nguyễn Bính mồ côi mẹ từ thủa nhỏ, đã thiếu tình mẫu tử, lại không có chị, có em nào gần gũi. Chị Trúc thật ra rất xa mà lại rất gần đối với Nguyễn Bính. Đó cũng là ảo giác của người gần chết khát trong sa mạc, tưởng rằng mình sắp đến được một ốc đảo đầy suối trong và bóng mát...

(Còn tiếp)


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét