Thứ Tư, 29 tháng 1, 2014

CÂU CHUYỆN VỀ RƯỢU 6/e (tiên tửu)

(ĐC sưu tầm trên NET)


Những Câu Thơ Rượu Bất Hủ

Tựa:  Lang thang trên mạng, thấy những khúc thơ hay về rượu, mượn đem về đây cho anh em làm mồi.
-dT

1.
quán nhỏ lưa thưa
một mình ta độc ẩm
chiều mùa thu lá vàng
lá vàng rơi trong mưa
mưa bay
ta vẫn chưa say

2.

Rựu ngon không có bạn hiền.
Không mua không phải không tiền không mua.

3.
Đời chỉ biết ngâm mình trong hủ rựợu
Con là nợ dzợ là thù, tình yêu là mây mù sương gió

4.

Một xị  mở mang văn hóa

Hai xị giải phá cơn sầu,
Ba xị có thấm vào đâu,
Bốn xị nằm đâu ngủ đó,
Năm xị cho chó ăn chè,
Sáu xị lè nhè nhè nói miết,
Bảy xị hết biết đường về,
Tám xị  nằm xề ra ngái,
Chín xị đị đái trong quần,
Mười xị dzợ đè cạo gió,
Mười một xị bó chiếu đem chôn,
Mười hai xị đội mồ uống tiếp

5.
Tửu phùng tri kỷ thiên bôi thiểu
Thoại bất đồng tâm bán cú đa
(Rượu gặp tri kỷ ngàn chén ít.
Chuyện chẳng cùng lòng nửa câu nhiều )

6.
Gian nan không hề sợ
Khó khăn bỏ ngoài tai
Muốn thành sự nghiệp lớn
Mỗi ngày phải năm chai!

7.
Ca dao:
Xưa kia ai biết ai đâu;
Vì chung chén rượu mở đầu làm quen.

8.
“Một chè một rượu một đàn bà,
Ba cái lăng nhăng nó quấy ta”

9.
Nguồn đau cứ rót cho nhau,
Lời say sưa, mới là câu chân tình.


TIÊN TỬU VÀ THƠ

(Trích từ http://cusihan.blogspot.com)



     Những lúc say sưa cũng muốn chừa 
Muốn chừa nhưng tính lại hay ưa 
Hay ưa nên nỗi không chừa được 
       Chừa được nhưng ta cũng chẳng chừa
                                          Nguyễn Khuyến 

VÔ TỬU BẤT THÀNH LỄ


KHÁI QUÁT
Rượu đã được đề cập đến trong lịch sử ít nhất trên 6 ngàn năm, nó sát sườn với con người, hiện diện trong đời sống từ cá nhân cho tới tập thể, cho tới cả cộng đồng xã hội, cả trong tín ngưỡng, tôn giáo xưa nay. Bởi vậy, rượu có một nét đặc trưng trong văn hóa cộng đồng, xứng đáng được gọi là văn hóa rượu, nó vừa mang tính nền tảng vừa mang tính thực tiễn. Rượu được gắn liền với những câu chuyện truyền thuyết, huyền ảo hư hư thực thực. Được gắn liền với những danh nhân lịch sử trong chính trị, quân sự, kinh tế, võ thuật, nghệ thuật, văn học, tín ngưỡng, tôn giáo...
Đời sống thường ngày trong giao tiếp, trong những buổi hội ngộ, chia tay, trong những tổ chức mừng, vui, buồn, trong những đình đám... đều lấy rượu làm men nồng tình thắm cho sinh khí của buổi tiệc. Nó không những là một nhu cầu mà còn là yếu tố không thể thiếu trong mọi tổ chức cộng đồng xã hội, đến nỗi câu nói “vô tữu bất thành lễ” đã trở thành bất hủ, trở thành một “kinh điển” cho bất cứ một tổ chức nghiêm túc nào. Trong tín ngưỡng, rượu cũng là một trong những thứ được dâng cúng, tế lễ, để thông hiệp với thế giới thần linh. Trong Thiên Chúa giáo, câu chuyện phép lạ nước hóa thành rượu tại tiệc cưới Cana nổi tiếng ai cũng biết. Đặc biệt trong hy tế cứu chuộc, Đức Giêu đã lấy rượu làm giá máu của Người, và ngày nay mọi thánh lễ đều phải có rượu.
Phương Tây coi rượu như mặt trời chiếu soi tình bạn, mặt trăng êm ái soi sáng tình yêu. Đông phương coi rượu là bạn của anh hùng, là người tình của thi nhân, là hoa thơm lấp lánh muôn sắc của người nghệ sĩ. Nó gợi cảm hứng cho nhiều ý tưởng sáng tạo và sáng tác trong đời sống, nhất là về nghệ thuật. Nói chung, rượu là men nồng của sự liên kết giao tình, có sức mạnh hào phóng để con người trao tặng nhau tấm lòng thân ái, giúp con người vượt qua được hàng rào ngăn cách vô hình giữa những tâm hồn, xóa tan được những u uất cuộc đời để con người xích lại gần nhau hơn. Rượu còn giúp con người hưng phấn, nhìn sự vật, nhìn tình người và tình đời cao đẹp và lấp lánh hơn. Đó là ý nghĩa cao đẹp của rượu.
 Tiệc vui nào cũng phải có rượu, không có rượu không phải là tiệc vui. Và lễ nào cũng phải có rượu, không có rượu thì không thành lễ (vô tửu bất thành lễ).
Rượu cao quý và cao đẹp như vậy, nhưng cái gì càng cao quý thì, một khi nó bị xúc phạm hay lợi dụng, cái đó sẽ trở thành tội lỗi lớn lao như sự cao quý của nó, giống như tình yêu và hôn nhân thật cao trọng, nhưng nếu ai làm đảo lộn trật tự và mục đích sẽ mang trọng tội vì đã làm ô uế sự cao quý của nó.
Vì vậy, uống rượu cũng có nhiều cách và mang mục đích khác nhau, tội và phúc là tùy thuộc vào cách và thái độ của mỗi người sử dụng . Mặt trái của rượu được xếp vào loại “tứ đổ tường” như ai cũng biết.
Ta có thể phân chia làm 3 loại uống rượu :
   1. TIÊN TỬU :
 Uống rượu mà nhìn thấy cái nguyên lý của cuộc sống, nhận ra cái huyền diệu sinh động vô thường trong cõi nhân sinh, thưởng thức được lẽ sống cao đẹp của cuộc đời. Uống rượu mà nhìn thấy thủa hồng hoang của con người khi Adam–Eva chưa biết mình trần truồng, thấy con người còn nguyên sơ “hồn nhiên như nhiên”, thấy được cái bản tính “nhân chi sơ tính bản thiện”, thấy con người được kết tinh bởi cái phúc đức của trời cao (là hình ảnh của Thiên Chúa) . Uống rượu mà nhìn thấy trời cao đất rộng, thấy thiên nhiên lấp lánh huyền ảo trong tác phẩm tuyệt mỹ của Tạo hóa. Uống rượu mà loại trừ được cái Tham-Sân-Si, cái Thất tình, Lục dục, cảm thức được cái nhiệm mầu của tự do và giải thoát, nhận ra cái nguyên lý của khổ đau và hạnh phúc thật. Uống rượu để trao đổi với nhau về lẽ sống đạo lý con người, chia sẻ tâm tư tình cảm để an ủi, nâng đỡ, giúp nhau tu tâm dưỡng tính, giúp nhau phát triển cái khả năng, cái hạt giống tốt sẵn có nơi mỗi người, giúp nhau hiện thực cái “trí lương tri” hướng thượng trong đời sống. Uống rượu để phát hiện, để khám phá, để sáng tạo những gía trị mới trong cái Chân, cái Thiện, cái Mỹ qua quy luật diệu kỳ của trời đất, thể hiện qua những tác phẩm để đời. Và đôi khi uống rượu để nhìn thấy các thánh tiên nam nữ, các thánh nhân đã thoát đời tục, đang ở cõi phúc mà con người hằng mơ ước, phần thưởng của cái hạnh phúc bất diệt mà con người cần phải tu luyện và khẩn cầu thì mới có năng lực đạt được như vậy.
 Uống rượu Tiên thì luôn từ tốn, nói ít mà chiêm nghiệm cái lẽ thì nhiều. Rượu tiên không nhìn sự vật sự việc bằng con mắt tục (vẩn đục) mà nhìn bằng con mắt “siêu cảm thức” về cái nguyên lý của sự vật. Rượu Tiên có mắt bao dung, xuyên suốt cuộc sống, có cái nhìn tổng quan của một lý trí soi tỏ với lương tâm nhạy bén và phân biện sáng tỏ. Rượu tiên có con tim mềm mại và trong sáng, cõi lòng tĩnh tịnh và rộng mở. Rượu Tiên thì tăng sự phong phú cho tâm hồn, luôn có sự bình an và hạnh phúc.
Rượu đến gốc cây ta sẽ nhắp,
Nhìn xem phú quý tợ chiêm bao!
                    (Nguyễn Bỉnh Khiêm)
2. TỤC TỬU :
Uống rượu để thỏa mãn cái bản năng hạ đẳng nơi con người. Có nghĩa là uống rượu đề tìm cái thú ăn, thú uống, hướng tới sự biểu dương cái “tôi vĩ đại” nơi mình. Nó biểu hiện bằng cách ăn uống vô độ, tìm cách khoe khoang, phô trương, phóng đại, hứa hẹn bừa bãi. Uống rượu để thỏa mãn cái mặc cảm tự tôn hoặc tự ti nơi con người, nghĩa là uống  rượu để phong mình là một nhân vật “tầm cỡ”, thổi phồng cái việc làm thông thường của mình thành cái vĩ đại, có giá trị vô song. Hoặc uống rượu để chống lại cái tự ti, vì luôn cảm thấy mình bị đe dọa, bị thua kém, bị coi thường, nên bày ra những kiểu sĩ diện để chứng tỏ mình, có khi lên lớp, hạch hỏi, bắt bẻ, đôi khi hào phóng nhất thời giả tạo...
 Rượu Tục thì không cân nhắc đối tượng uống, miễn là được uống, miễn là được bộc lộ tính khí của mình. Rượu Tục thì uống thỏa mãn, uống tới bến, “trăm phần trăm”, không cần biết tới thời giờ, sức khoẻ, tửu lượng, công việc, sự bất tiện, bất hòa với nhau hoặc sự bất bình của người khác. Rượu Tục thì nói nhiều và nói rất hăng (bởi khí huyết xung động), rất ít nghe người khác, luôn cướp lời, tranh khôn và lên mặt ngang hàng với người trên, phủ mặt người dưới. Rượu Tục thì luôn nói hay, nói phải về mình, luôn biện minh, bào chữa cho mọi việc mình làm. Rượu Tục thì luôn bộc lộ tình cảm thái quá, tình cảm bốc cao tận mây xanh, nên rượu tục được “hợp thức hoá”, làm chiêu bài hậu thuẫn cho mọi cuộc nhậu, bắt ép người khác uống. Rượu Tục thì luôn bất mãn với người không đồng ý với mình, và sửng cồ với ai phản đối lại mình. Rượu Tục thì đo gía trị con người bằng tửu lượng, phê bình đánh gía mọi người mọi việc ở những cái nhỏ nhặt, phiến diện, đi vào ngõ ngách của cuộc sống.
 Rượu Tục thì luôn cảm thấy lòng trống vắng, bất an, ê chề sau khi hơi men đã bay đi, sau mỗi lần tàn một canh rượu. Nhưng nỗi đam mê của của Tục Tửu luôn được biện minh bằng mọi lý lẽ, để những cuộc rượu sau vẫn tiếp tục được tái hiện bằng những màn kịch cũ.
Hân hoan tiệc rượu lòng tri kỷ
Hơi men cạn kiệt tình tan mau
                      (H C S)
3. TÀ TỬU :
Rượu Tà không những để thỏa mãn cái bản năng thú tính mà còn có những âm mưu tính toán do lòng tham lam ích kỷ, có những ý đồ đê tiện vi phạm đến luân lý đạo đức con người, như  tà dâm, lừa bịp, oán hận, trả thù, gian dối, vu khống, ghen tương, chia rẽ, gây hận thù, và làm những điều bất chính khác.
 Rượu Tà là một trong “tứ đổ tường”, là kiểu uống rượu bệ rạc, tàn phá thể xác và tâm hồn. Rượu Tà ham chửi bới, thích gây hấn, dễ sinh sự, phóng túng buông thả, trốn tránh bổn phận, vô trách nhiệm, ham hưởng thụ ích kỷ, luôn có tư tưởng đê hèn. Rựơu Tà thì bất trung bất nghĩa bất tín nên không có bạn chân thành, có thể hại người sau lưng, quan hệ với ai đều do tà tâm thúc đẩy. Rượu Tà rất ghét người công chính, như bóng tối kỵ ánh sáng, nhưng lại sợ ánh sáng. Rượu tà không nhất thiết phải biểu hiện bằng hình thức nào nhất định, nhiều khi trông bề ngoài rất điềm tĩnh, nhưng trong tâm trí thì  có cả một bóng tối của sự gian tà. Cũng có kiểu uống rượu Tà lại không lộ ra bên ngoài, mà chỉ thực hiện ý đồ nham hiểm một cách lén lút hoặc âm thầm gài bẫy người khác theo kế hoạch thâm độc nào đó.  Uống rượu Tà như uống dòng diêm sinh của hỏa ngục, uống tới đâu là cháy lên những hận thù ghét ghen tới đó, càng uống càng củng cố thêm ý chí quyết tâm thực hiện những âm mưu tàn bạo nham hiểm.
 Rượu Tà không do lòng dục thuần túy tự nhiên, nhưng bởi cái nhân “thâm căn cố đế” nào đó, hoặc cái mầm của sự dữ sai khiến (tà nhập), bởi sự kiêu ngạo bất khuất, tham vọng thống trị, ghen ghét hận thù dai dẳng, lòng tham lam ích kỷ cao độ. Bởi vậy rượu Tà rất khó sửa chữa, và cũng rất nguy hiểm. Rượu tà có đời sống bất an, lương tâm luôn bị dày vò, luôn luôn bị viễn cảnh đen tối ám ảnh, không có bầu trời trong xanh trước mắt rượu Tà, và rượu Tà nhìn người, nhìn đời với con mắt đục ngầu, nhơ nhớp.
Nói chung, rượu tà thì luôn chất chứa sự kiêu ngạo, dối trá, gây thù hận, tham lam ích kỷ, tàn phá và hủy diệt.
KẾT LUẬN
       Một câu chuyện dân gian kể rằng: có một người đàn ông nọ bị quỷ hiện lên chận đường. Quỷ bắt anh ta phải làm một trong ba điều sau đây: một là uống rượu thật say, hai là đốt nhà của mình, ba là giết chết vợ mình. Quá hoảng sợ, người đàn ông đành chọn uống rượu thật say, vì anh ta cho đó là việc làm ít nguy hại nhất. Nào ngờ, khi say rượu, anh ta mất hết lý trí nên nổi lửa đốt nhà mình. Bà vợ can ngăn, anh ta điên tiết giết luôn vợ mình. Rốt cuộc là anh ta đã làm cả ba việc mà tên quỷ đề ra. Tiên, tục, tà chỉ cách nhau có lằn tơ.
Những khái niệm về Rượu Tiên, Rượu Tục, Rượu Tà, chỉ mang nghĩa tiêu biểu, tượng trưng, chứ thực ra con người không dễ dàng hoàn toàn như thế. Như  Pascal nói: “Con người không phải thiên thần cũng không phải con thú”. Hiểu một cách khác, con người ở giữa thiên thần và con thú, hoặc, con người có cả thiên thần và con thú. Nói đảo lại, thần và thú chính là con người. Bởi vậy bản năng con người có khuynh hướng hướng thượng và khuynh hướng hướng hạ. Hướng thượng có thể lên tới thần tiên (thánh), hướng hạ có thể xuống tới bóng đen của âm phủ (ma quỷ). Như vậy con người có khả năng sống như những tiên, những thánh ; ngược lại con người cũng có năng lực để sống như loài ma quái. Nhưng con người vẫn chỉ là con người, nên nó luôn luôn ở giữa hai thái cực hướng thượng và hướng hạ. Như vậy ta có thể kết luận rằng: khó có Tiên Tửu thuần túy, cũng như khó có Tà Tửu  thuần túy, mà thường chỉ có Tục Tửu (khuynh hướng tự nhiên) pha lẫn Tiên hoặc Tà ít nhiều, tuỳ theo sự  căn cơ  tu dưỡng của mỗi người.
Như vậy, muốn lên Tiên  thì phải tu, muốn nhập Tà cũng phải luyện. Người, thánh, quỷ chỉ có một lằn tơ ở giữa mà thôi.
Hàn Cư Sĩ
THƠ RƯỢU
Tản Đà
Say sưa nghĩ cũng hư đời.
Hư thì hư vậy say thời cứ say
Đất say đất cũng lăn quay,
Trời say trời cũng đỏ gay ai cười.
Tú Xương
Một trà, một rượu, một đàn bà
Ba cái lăng nhăng nó quấy ta
Chừa được thứ nào hay thứ nấy
Hoạ chăng chừa rượu với chừa trà.
Nguyễn Khuyến
“Rượu ngon không có bạn hiền,
Không mua không phải không tiền không mua.”
Nguyễn Vĩ
Nay ta thèm rượu nhớ mong ai,
Một mình một chén chẳng buồn say.
Vũ Hoàng Chương
Em ơi lửa tắt bình khô rượu
Ðời vắng em rồi say với ai
Uống Trăng
Thi Sĩ: Hàn Mặc Tử
Bóng hằng trong chén ngả nghiêng
Lả lơi tắm mát làm duyên gợi tình
Gió đùa mặt nước rung rinh
Lòng ta khát tiếng chung tình từ lâu
Uống đi cho đỡ khô hầu
Uống đi cho bớt cái sầu miên man
Có ai nuốt ánh trăng vàng
Có ai nuốt cả bóng nàng tiên nga.
Nguyễn Khuyến
Túy Ông ý chẳng say về rượu
Say vì đâu, nước thẳm với non cao
Non lặng ngắt, nước tuôn ào
Tôi với bác xưa nay cùng thích thế
Đời trước thánh hiền đều vắng vẻ
Có người say rượu tiếng còn nay
Cho nên say, say khước cả ngày
Say mà chẳng biết rằng say ngã đùng
Chu Bá Nhân thuở trước sang sông
Chỉ tỉnh rượu ba ngày không phải ít
Kêu gào thế cười chi cho mệt
Chớ buồn chi nghe tiếng hát làng say
Xin người gắng cạn chén này
Chừa Rượu
Nguyễn Khuyến
Những lúc say sưa cũng muốn chừa
Muốn chừa nhưng tính lại hay ưa
Hay ưa nên nỗi không chừa được
Chừa được nhưng ta cũng chẳng chừa
Uống rượu cũng có những cách khác nhau. Đạt nhân quân tử như Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm thì nhắp rượu từng chút một, nếm cái men cay của rượu mà suy gẫm tới cái “cay đắng mùi đời” ô trọc này:  
Một mai, một cuốc, một cần câu,
Thơ thẩn dù ai vui thú nào.
Ta dại ta tìm nơi vắng vẽ
Người khôn người đến chốn lao xao
Thu ăn măng trúc, đông ăn giá
Xuân tắm hồ sen, hạ tắm ao.
Rượu đến gốc cây ta sẽ nhắp,
Nhìn xem phú quí tợ chiêm bao!
(Cảnh nhàn - NBK)
Tác giả gốc: Vương Hàn
Vương Châu Từ dịch:
Bồ Đào mỹ tửu dạ quang bôi,
Dục ẩm tỳ bà mã thượng thôi.
Túy ngọa sa trường quân mạc tiếu
Cổ lai chinh chiến kỷ nhân hồi.
Bản dịch của Trần Quan Trân
Bồ đào rượu ngát chén lưu ly
Toan nhắp tỳ bà đã giục đi
Say khướt sa trường anh chớ mỉa
Xưa nay chinh chiến mấy ai về.
Bản dịch của Trần Trọng San
Rượu bồ đào, chén dạ quang
Muốn say đàn đã rền vang dục rồi
Sa trường say ngủ ai cười
Từ xưa chinh chiến mấy người về đâu.
Trong “Chinh Phụ Ngâm” của bà Đoàn Thị Điểm
Chàng từ đi vào nơi gió cát,
Đêm trăng này nghỉ mắt phương nao?
Xưa nay chiến địa nhường bao,
Nội không muôn dặm xiết bao dãi dầu
Hơi gió lạnh người rầu mặt dạn,
Dòng nước sâu ngựa nản chân bon
Ôm yên gối trống đã chồn
Nằm vùng cát trắng ngủ cồn rêu xanh
(Bài này không có rượu, nhưng ý rất hợp với bài trên).
 Mai Hũu Thọ (Sưu tầm)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét