TT&HĐ-(Tự tình)


TỰ TÌNH

Tôi còn nhớ khi tôi độ sáu tuổi, mẹ đưa tôi đi cắt amidan. Thời đó trước khi cắt amidan là phải chụp thuốc mê. Tôi đã khóc và hoảng sợ. Mẹ tôi đứng cạnh vỗ về: “Không sao đâu con! Một chút xíu thôi mà!”. Rất nhanh, tôi buồn ngủ ghê gớm và thấy mình lạc vào bầu trời đêm tĩnh lặng, mênh mông. Tôi cảm thấy dễ chịu, cơ thể nhẹ hẫng và bay ngày càng nhanh về một ngôi sao rất xa, sáng lấp lánh, sáng nhất trong số các sao trong bầu trời đêm ấy. Tôi cứ thế bay, bay mãi nhưng ngôi sao thì cứ vẫn ở rất xa, xa vời …
Hình ảnh ấy khắc rất sâu vào tâm khảm tôi. Sâu đến nỗi từ đó đến mãi tận bây giờ, cứ mỗi lần nhìn lên bầu trời đêm sao, nhất là vào mùa thu, là tôi lại cảm thấy lâng lâng một nỗi nhớ nhung da diết về một cái gì đó rất quen thuộc nhưng cũng rất mơ hồ, ở tít tắp đâu đó tận chân trời Vũ Trụ.
Một lần khác, cuối năm lớp bảy phổ thông, đang kỳ ôn thi chuyển cấp, lên lớp tám thì tôi lăn ra ốm một trận kịch liệt, liệt giường liệt chiếu. Người sốt hầm hập, đầu quay cuồng. Có một điều rất lạ là cứ mỗi lần chợp mắt là y như rằng tôi thấy mình đang ở trên một con thuyền chòng chành, bập bềnh giữa biển mênh mông không bờ không bến. Trên là mặt trời chói lóa ánh nắng, sáng lắm! Dưới là sóng dạt dào, đâu đâu cũng sóng, sóng lấp lánh muôn màu. Bốn bề không một hơi gió. Ấy vậy mà chẳng thấy nóng chút nào, lại có vẻ như còn mát mẻ nữa. Lạ hơn nữa là ở tình trạng ấy, tôi không hề cảm thấy cô đơn mà trái lại, thấy thích thú, thoải mái vô cùng. Mỗi lần tỉnh lại, tôi cứ như bị hụt hẫng, tiêng tiếc.
Sau lần thập tử nhất sinh ấy, trí nhớ của tôi suy giảm đến không ngờ. Trước tôi học đâu nhớ đó. Thậm chí có những môn tôi thuộc làu cả sách giáo khoa, nhớ đến từng trang, từng dòng, từng chữ. Thế mà khi khỏi ốm, tôi quên hầu hết những gì vừa học ôn thi. Cái gì cũng chỉ nhớ mang máng. Tôi phải chật vật học thuộc lại từ đầu những gì đã thuộc, vậy mà khi thi cũng suýt nữa thì trượt, điểm vừa đủ đạt yêu cầu. Bạn bè tôi đã rất ngạc nhiên. Nhưng tôi chẳng thổ lộ với ai về điều ấy.
Từ đó tôi học sa sút hẳn. Trí nhớ tôi đã chẳng bao giờ còn phục hồi lại được nữa. Đọc một quyển sách khoa học, có thể tôi hiểu rất cặn kẽ. Nhưng khi đọc xong vài ngày thì chỉ còn nhớ mang máng, chung chung chứ không thể nhớ cụ thể và chi tiết như trước. Chẳng hạn một câu danh ngôn hơi dài một chút thì chỉ sau vài ngày, một tuần không nhắc đến là tôi quên, chỉ còn nhớ đại ý mà thôi.
Có một chuyện như thế này: thời còn sinh viên, một lần thi “vấn đáp” môn Nhiệt học, tôi rút phải một đề thi có hai câu hỏi, trong đó một câu yêu cầu viết một công thức liên quan đến nguyên lý thứ hai nhiệt động học. Tôi chỉ trả lời được câu hỏi kia (câu hỏi phụ). Thầy giáo coi thi, một người nổi tiếng nghiêm khắc với câu nói “Tôi chỉ có thể cho các anh điểm hai, điểm ba thôi (thang năm điểm, điểm hai là đạt yêu cầu, điểm năm là giỏi!), nếu tôi cho ai điểm bốn thì coi như người đó bằng tôi. Trên đời này, chỉ có Thượng đế được năm điểm!”, đã nói với tôi rằng:
- Anh nghĩ sao khi tổ quốc của anh chiến đấu một mất một còn với quân xâm lược, thì anh ngồi đây trả lời được câu hỏi chỉ đáng điểm một?
Thầy giáo ấy nói đúng vì không thể hiểu được! Tôi còn nhớ lúc đó tôi đã cúi gằm mặt xuống, không phải vì xấu hổ mà vì cố ghìm nén những giọt nước mắt uất ức đang muốn trào ra. Nhưng rồi lòng tự trọng từ đâu đến cứ trào dâng đến ngộp thở, tôi bật ngẩng đầu lên nhìn thẳng vào mắt người thấy giáo mà tôi rất kính trọng vì tài năng nhưng đã hỏi một câu quá “lớn chuyện”; nói mạch lạc:
- Thưa giáo sư! Tôi không thuộc, nhưng tôi rất hiểu. Nếu có thời gian, tôi sẽ thiết lập được biểu thức ấy! 
Thầy giáo nhìn tôi, đo lường rồi cười mỉm:
- Nếu anh muốn thế, tôi sẽ cho anh hai mươi phút để có cơ hội nâng điểm thi hôm nay của anh từ điểm một lên điểm hai. Anh hãy ra cái bàn kia!
Như vậy, tôi đã được ưu tiên thi lại ngay lập tức với một bài thi viết mà đề bài là chứng minh công thức.
Tôi khẩn trương vẽ mô tả hiện tượng, đặt các kí hiệu, lập mối quan hệ giữa các đại lượng, suy luận và biến đổi chúng. Và chân lý đã hiện ra thấp thóang. Tôi liếc nhìn đồng hồ đeo tay: hết hai mươi phút. Chỉ còn vài thao tác mang tính kỹ thuật nữa là tôi sẽ đến đích. Muốn thế tôi phải có thêm mười phút. Nhưng điều đó không quan trọng và cũng chẳng cần thiết nữa. Tôi đã nhớ lại được biểu thức. Tôi vội chấm ba chấm to tướng (chấm lửng) rồi ngay sau đó tôi viết biểu thức cần chứng minh theo những ký hiệu mà tôi vừa đặt trong một niềm vui khôn tả. Tôi cảm thấy mình đã làm được một điều phi thường!
Tôi dừng bút và ngẩng lên, vừa lúc thầy giáo kiểm tra xong một sinh viên và quay sang nhìn tôi:
- Thế nào? … Mời anh lên!
Tôi bước đến, ngồi xuống và trịnh trọng đưa cho thầy giáo tờ chứng minh của mình. Sau vài phút soi xét, thầy giáo quay sang chăm chăm nhìn tôi, mặt nghiêm trọng. Tôi đang khấp khởi vui, bỗng phát hoảng: “Trời ơi trời, chuyện gì vậy?!”.
Nhưng không!
- Anh đã hiểu rất sâu vấn đề, tại sao lại không nhớ công thức? – Và thầy giáo bỗng cười – Anh đã làm tôi ngạc nhiên đấy!
 Tôi như sắp chết đuối vớ được cọc, đâm ra phởn chí:
- Thưa giáo sư, tôi trộm nghĩ, không ai có thể nhớ hết được các biểu thức của nhiệt học!
- Kể cả tôi nữa à? Không sao, anh nói đúng! Hôm nay anh làm tôi vui vì anh đã tự cứu mình bằng một chứng minh: hiểu mà không nhớ có thể còn cứu vãn được, nhớ mà không hiểu mới là điều tồi tệ! Anh đã thoát được điểm một, tôi không muốn cho anh điểm hai, điểm năm là của Thượng đế, chỉ còn điểm ba và điểm bốn, anh chọn điểm nào?
Tôi lí nhí:
- Xin cảm ơn giáo sư! Nếu ngài cho phép, tôi xin chọn điểm ba!
- Tôi cho anh bằng tôi, điểm bốn!
 ***
Có thể hai sự kiện (cắt amidan và bị ốm) đã làm cho tôi có những thể hiện để bạn bè đặt cho những cái tên ngộ nghĩnh như “Cha Cố”, “Chàng Ngố” … Và một cái tên “chết” đến tận ngày nay: “Thầy Cãi” …
Không biết có phải vậy không, nhưng tôi cảm nhận được một điều chắc chắn rằng tôi là một kẻ hết sức tò mò tọc mạch; điều gì cũng muốn biết đến tận cội rễ của nó. Chính vì thế mà hồi nhỏ tôi rất ham hố tranh luận, hăng say tranh luận và sau này trở thành một con mọt sách. Tuổi trẻ, tôi đọc bất cứ một quyển sách nào có trong tay, bất cứ một tờ giấy có chữ nào, kể cả giấy gói xôi. Nhưng đọc say mê nhất là những quyển sách khoa học - triết học, những quyển sách nói về những hiện tượng bí ẩn của Tự Nhiên.
Khi xưa, ngày bác tôi còn sống, có một lần tôi rụt rè hỏi:
- Trong xã hội Xã hội chủ nghĩa đã có công bằng và ấm no hạnh phúc rồi thì còn cần gì lên Chủ nghĩa cộng sản nữa hả bác?
- Chế độ Xã hội chủ nghĩa đành rằng là công bằng và ấm no hạnh phúc nhưng chưa toàn vẹn, con ạ. Cần phải phấn đấu lên nữa! Chế độ Cộng sản chủ nghĩa tốt đẹp hơn.
- Thế trên Chủ nghĩa cộng sản là gì hả bác?
Bác tôi chựng người, nhìn tôi một lúc mới trả lời:
- Cháu ạ, bác cũng chưa biết được. Có thể vẫn là chế độ Cộng sản chủ nghĩa thôi, nhưng được phân biệt theo thứ bậc. Chẳng hạn Chế độ Cộng sản chủ nghĩa I, Chế độ Cộng sản chủ nghĩa II, vân vân …
 Bác tôi mách mẹ tôi (tôi nghe lóm được):
- Này thím, thằng nhỏ con thím lạ lắm đấy! Cỡ tuổi nó mà hỏi những câu rất sâu sắc. Đến tôi còn lúng túng…
Lần khác, thấy quyển có tựa đề “Chống Đuy rinh”, tôi hỏi mượn. Bác tôi cười bảo:
- Con nói cho bác nghe, con muốn tìm hiểu gì trong đó?
- Dạ, con chỉ thấy thích thích thôi!
Câu hỏi đó của bác tôi, vô tình đọng trong tôi rất lâu, về sau trở thành nỗi thắc mắc của chính tôi.
Tôi thích gì? Tôi tìm gì trong cuốn sách mà hồi đó tôi đọc chẳng hiểu gì cả ấy? Tôi đã không thể trả lời được trong một thời gian dài.
Nhưng rồi khi đã lớn khôn hơn, suy nghĩ đã “có đầu có đũa” hơn, tôi dần dần tìm được câu trả lời. Câu trả lời chìm rất sâu trong tiềm thức, có nguồn gốc từ rất xa trong ký ức. Hóa ra là tôi chưa bao giờ quên mà trái lại, ngày càng thương nhớ cái đêm có cảm giác rất thân thuộc xưa kia, cái đêm mà trong đó, tôi đã bay về một vì sao lấp lánh nhất trong một cơn mê, tôi đã “thấy” mình bay, bay mãi, ngày một nhanh, đột ngột nổ ra thành muôn ngàn sao rồi ngôi sao thành mặt trời chói chang ánh sáng, muôn ngàn sao thành đại dương sóng lấp lánh, và tôi thành con thuyền bập bềnh giữa mênh mông trong một cơn mê khác. Chính vô thức đã thúc giục tôi đi tìm về những quang cảnh kỳ diệu ấy trong thực tại.
Năm tháng qua đi, câu trả lời ngày càng hiện rõ hơn và ở tuổi thanh xuân của tôi, đã trở nên đích thực, đó là:
Sự thèm khát vô hạn được hiểu nguồn gốc Vũ Trụ! Và sự thèm khát ấy có thể đã xuất hiện từ hai ba kiếp trước!
Cứ mỗi lần nghe bài hát “Lá diêu bông”, tôi lại thầm cười mình. Chàng trai trong bài hát có thể cuồng si như tôi, nhưng không thể viển vông hơn tôi được. Có thể nhặt bất cứ cái lá “lạ hoắc” nào và gọi bừa là lá diêu bông cũng được nhưng không bao giờ tìm được trong thực tại một vùng lấp lánh do chính mình nổ tung ra.
Ấy vậy mà tôi vẫn đi tìm!
Tìm cần mẫn như một kẻ nô lệ!
Nô lệ một cách tự giác!
Tôi đã biến hầu hết đời mình thành một cuộc trường chinh ngồi đọc sách và tưởng tượng. Đọc rồi tưởng, tưởng rồi đọc, đọc triền miên, tưởng mãnh liệt. Đầu lúc nào cũng lưu lạc đâu đó trong miền hư thực, đầy sương khói. Lúc hí hửng à lên sung sướng, lúc tiu ngỉu thở dài buồn bã, khi thì tràn trề hy vọng, khi thì chán nản bi quan. Tất cả cứ đan xen, nối tiếp nhau, hòa quyện nhau dài dặc, triền miên.
Và tôi đã hiểu rằng … tôi chẳng hiểu gì!
Loài người đã có vô kể những bức tranh mô tả Vũ Trụ được các triết gia vẽ nên. Chẳng có bức tranh nào giống bức tranh nào! Mỗi người vẽ một kiểu theo ý mình. Thế hệ sau bình phẩm và thêm bớt vào những bức tranh của thế hệ trước; thậm chí khước từ tất cả để vẽ lại bức tranh mới. Tôi thấy bức tranh nào cũng đẹp và có lý. Đọc tranh ông này thấy đúng và hiểu rằng ông kia sai. Đọc tranh ông kia cũng thấy đúng và nhận ra cái sai ông này. Cứ thế chẳng biết ai đúng ai sai. Hay là tất cả đều đúng và như thế phải có rất nhiều Vũ Trụ? Nếu tất cả đều sai thì sao nhân loại phát triển được tới ngày hôm nay? Có thể nào mỗi bức tranh đều vừa đúng vừa sai? Rất có thể như thế! Nếu như thế thì chọn những nét đúng của mỗi bức tranh để ghép lại thành một bức tranh tổng thể, chính xác về Vũ Trụ được không? Giả sử làm được điều đó đi nữa thì có “thấy” được nguồn gốc Vũ Trụ không? Hay Vũ Trụ không có nguồn gốc?
Và tôi lại hiểu rằng … tôi hoang mang tột độ!
Hoang mang tột độ nhưng tôi vẫn đi tìm! Vũ Trụ nếu không có nguồn gốc thì tôi làm sao tìm được nguồn gốc? Nhưng chắc chắn Vũ Trụ phải có căn nguyên! Ít ra tôi vẫn có thể tìm ra căn nguyên để hiểu được Vũ Trụ này!
Và tôi lại đi tìm!
Tôi đi tìm miệt mài năm tháng, đến kiệt cùng trí lực, vẫn “bóng chim tăm cá”!
Một tối nọ, tôi ngồi một mình uống rượu giải sầu, mơ màng ngắm bầu trời sao và tự vấn rằng: trước khi từ giã cõi đời này, tôi có thể hiểu được cái bao la ấy không? Một ý nảy ra làm tôi buồn cười: nếu là một đứa trẻ thơ, tôi đâu có khổ sở như thế này. Đứa trẻ thơ chỉ cần một câu chuyện thần thọai hay cổ tích là đã hiểu tường tận Vũ Trụ này rồi. Đối với các bậc hiền triết, các nhà bác học thì xét về mặt kiến thức tôi cũng chỉ như đứa trẻ thơ. Tại sao tôi cứ phải lao tâm khổ trí cố hiểu Vũ Trụ này theo cách nghĩ của họ? Một tia chớp chợt lóe nhì nhằng trong đầu, và cái ý nghĩ đáng cười cợt ấy bỗng trở nên nghiêm túc.
Ừ nhỉ, tại sao không?! Tại sao tôi không có quyền nhìn ngắm thế giới này bằng ánh mắt tuổi thơ, dù rằng tôi đã già? Biết đâu chừng khi người lớn nhìn theo cách trẻ con, họ sẽ tìm thấy được cái gì đó bấy lâu nay kiếm tìm và sẽ hiểu được cái gì đó đã thấy? Tôi còn nhớ một bức tranh và xin mạn phép vẽ lại như thế này:





Đó chính là tuyệt tác của Antoine De Saint  Exupéry, khi ông mới sáu tuổi. Người lớn luôn thấy nó là một cái mũ. Đối với người lớn, thì như Exupéry nói: “Những gì ta nhìn thấy chỉ là lớp vỏ bề ngòai. Cái quan trọng nhất luôn vô hình …”. Nhưng mắt trẻ thơ lại nhìn ra tức khắc cái vô hình ấy. Nếu hỏi Hoàng Tử Bé bức tranh đã vẽ gì, chú sẽ trả lời ngay rằng đó là một con trăn nuốt một con voi trong bụng!
Hoàng Tử Bé đã từng nói với Exupéry như thế này: “Con người ở chỗ chú, họ trồng năm ngàn bông hoa hồng trong cùng một khu vườn … Và họ không tìm thấy thứ mà họ đi kiếm … Vậy mà thứ họ đi kiếm có thể tìm thấy được chỉ trong một bông hoa hay một ít nước …”.
Nhắc đến Hoàng Tử Bé, tôi lại nhớ về cơn mê xưa. Đúng rồi! Tôi cũng đã từng có một ngôi sao, đã từng nhìn thấy điều kì diệu. Tôi đã từng có cách nhìn và cách cảm của tuổi thơ. Tôi nhớ hình như thời thơ ấu, tôi thấy cái thế giới này sinh động và dễ hiểu hơn nhiều. Và tôi đã mất cách nhìn cách cảm ấy khi lớn lên, khi cố làm cho bộ não khôn hơn, già đi?
Phải tìm lại tâm hồn tuổi thơ!
 ***
Nhưng làm sao mà tìm lại được tâm hồn tuổi thơ khi con người ta đã khô cằn theo năm tháng cuộc đời? Tôi đã đọc ngốn ngấu truyện thiếu nhi, xem những chương trình dành cho thiếu nhi trên ti vi, thậm chí nghêu ngao những bài hát thiếu nhi. Tất cả là vô ích!
Tôi lại thử mường tượng về tuổi thơ của chính tôi ngày xưa, cố hình dung lại những gì mà hồi đó tôi đã làm, đã nói và đã hành động. Vô ích nốt!
Đã vô ích, lại còn buồn thêm! Sao mà tiếc một thời hồn nhiên ấy thế! Tha hồ mơ màng, tha hồ vui đùa, tha hồ trêu chọc. Quan hệ bạn bè thẳng tuột, trong sáng và vô tư lự. Ước gì lại được về sống với tuổi hoa niên, với “nhất quỉ nhì ma, thứ ba học trò”. Ước gì tôi lại là “Thầy Cãi” để ra những câu đố “trên trời dưới biển”, tạo cớ cãi với bạn bè cho sướng miệng. Nghĩ lại mà thấy vui! Đến tận bây giờ chắc đám bạn học của tôi vẫn cứ nghĩ câu tôi đố “Một nhân với một bằng mấy?” là một câu đố mẹo. Nhưng nào phải mẹo mọ gì đâu! Chỉ là một cái bẫy tầm thường kiểu con nít …
Không? Không hẳn thế! Hình như là tôi chưa nhớ hết kỉ niệm. Câu đố đó, dù tầm thường, nhưng không thể ngẫu nhiên xuất hiện trong đầu tôi được? Vậy thì do đâu mà câu đố đó xuất hiện? Tôi vội cầm bút viết to cái câu đố tầm thường ra giấy:
1 x 1 = ?
và chăm chú ngắm nó. Nhức cả mắt mà chẳng thấy gì! Nếu đó là cái mũ thì theo thông lệ, tôi sẽ thấy ngay con trăn và con voi. Đằng này nó lại quá rõ ràng!
 Tôi vẫn cố giương mắt ra nhìn, đồng thời tập trung cao độ để nhớ cho ra hồi đó tôi đã thấy điều gì ẩn giấu sau cái vẻ tường minh và đơn điệu đến như vậy. Tôi đã nhìn rất lâu, nhìn mãi, nhìn mãi, nhìn đến lúc mệt nhoài, tưởng chừng như không thể hi vọng được nữa thì đột nhiên tôi thấy hiện lên trong đó một bầu trời sao. À! Ra thế! Mấy mươi năm trước, tuổi thơ tôi đã thấy như vậy. Nếu là Hoàng Tử Bé, cũng sẽ thấy tương tự như vậy. Còn chúng ta, khi đã là những người lớn hôm nay với đủ những bận bịu, toan tính đời thường sẽ luôn luôn chỉ thấy:
1 x 1 = 1
mà thôi
Phải nói rằng tôi đã tìm lại được cách nhìn thơ ngây của mình!
 ***
    Tôi đã vui mừng quá sớm vì điều đó!
    Sau đó ít hôm, em tôi tới nhà chơi. 
    Trong lúc vui chuyện tôi lôi câu đố muôn thuở ra thử nó:
- Mày tính dùm tao xem, một nhân với một là mấy?
      - Anh lại gài độ chứ gì?
      - Không đâu! Tao hỏi thật đấy!
      - Bằng một chứ mấy!
      - Sao lại không là một bình phương?
      - Thì một bình phương không là một à? Con nít còn biết …
      - Ừ! … - Tôi cười – Con nít còn biết nhiều hơn thế …
      - Anh nói con nít biết nhiều hơn là sao?
- Chúng ta, anh em mình đều biết rằng số một là số vô cùng quan trọng, quan trọng nhất trong tất cả các con số. Không có nó, lâu đài toán học lập tức sụp đổ tan tành. Nhưng chúng ta lại không thấy được số một đồng thời cũng là vô nghĩa. Mà điều này con nít lại thấy. Không ai dỗ dành con nít bằng số một cả mà phải bằng cái bánh, cái kẹo … Bởi vì có một tỷ số một đi nữa, nó cũng không nhìn thấy: Số một, khi không có nội dung bên trong sẽ không thể hiện hữu trong thực tại. Từ đó ta thấy rằng phép toán:
1 x 1 = 12 (hay bằng 1)
là hoàn toàn vô nghĩa. Muốn cho phép toán đó có nghĩa thì số một phải có nội tại, nghĩa là, ta phải cho nó mang một ý nghĩa vật lý nào đó; ta phải gán cho số một một nhãn mác nào đó. Chẳng hạn ta gọi một là một ngôi sao, lúc đó phép toán sẽ được thực hiện:
ngôi sao x ngôi sao = (ngôi sao)2  ≠ ngôi sao
Suy rộng ra, ở trường hợp to tát nhất:
1n = Vũ Trụ
Đối với tao, Vũ trụ là duy nhất nên có thể đặt là 1. Vậy thì:
1n = 1      


Nghĩa là 1 lúc này là nghiệm riêng, trường hợp đặc biệt của bài toán
     
           khi n = 1 (n phải khác 0, vì khi n bằng 0 sẽ không viết được 
                vế trái! Ở đây, qui ước toán học đã bộc lộ sự bất cập!!!)
Em tôi há hốc mồm ra ngồi nghe. Chắc chắn nó chưa bao giờ được nghe những điều quái lạ như vậy. Cái quan trọng nhất lại là cái không nhìn thấy được trong thực tại. Nhưng tôi biết nếu điều tôi vừa nói có đúng đi nữa thì nó cũng không bao giờ tin. Bởi đầu nó đã bị "gông xiềng" mất rồi! Dù sao thì nó đã không phản bác tôi được câu nào, chỉ vớt vát:
- Trong đó phải có một ngụy biện nào đó mà thú thực là em chưa phát hiện ra.
Tôi nhìn thằng em khoái chí ra mặt.
Tôi không ngờ nó lại nhìn thấy tôi ở khía cạnh khác. Hôm sau nó điện thoại cho vợ tôi. Vợ tôi kể lại:
- Nó nói với tôi là ông có vấn đề. Mắt ông dạo này trông có vẻ dại dại làm sao ấy. Nó nghi ông mắc chứng hoang tưởng và nói tôi khuyên ông đến bác sĩ khám xem sao, kẻo để lâu bệnh biến chuyển nặng thêm thì nguy.
Tôi cười phá lên, cười sặc sụa.
- Tôi cũng thấy ông như thế đấy! Còn cười gì nữa! … Mai ông đi khám đi cho tôi nhờ! - Vợ tôi lườm nguýt.
Tôi giật mình: không chừng có lẽ đúng. Có thể tôi đã bị hoang tưởng chứ không phải là tôi đã tìm lại được cách nhìn tuổi thơ như tôi nghĩ. Nhưng nếu tôi bị bệnh hoang tưởng thì sao trước mặt thằng em, tôi lại có thể luận giải khúc chiết đến thế được? Hay sự hoang tưởng có nhiều dạng mà dạng của tôi là dạng không có nguồn gốc bệnh lý? Từ đó, tôi phát hiện ra một chân lý hơn cả...chân lý, rằng: toán học được sinh ra từ thực tiễn cuộc sống, nhưng được nuôi dưỡng bằng tư duy trừu tượng của con người, thứ mà Thiên Nhiên ban tặng cho loài người dùng vào việc chủ động thích nghi để sống còn. Tư duy trừu tượng là tấm huy chương hai mặt, một mặt thực dụng và một mặt hoang tưởng. Khi "xài'' mặt thực dụng thỏa mãn rồi thì con người tiếp tục "xài lố" sang mặt hoang tưởng, nghĩa là con người tưởng tượng ra những điều không có trong thực tại khách quan (nhưng vẫn hợp logic!). Toán học ngày nay chính là kết quả của sự hun đúc nên, hòa trộn nên từ hai mặt của tấm huy chương ấy!
Tôi bình tâm nghĩ lại: Một người lớn hoang tưởng thì cũng tương đương với tâm hồn trẻ thơ, có gì khác nhau đâu? Được rồi! Tôi mãn nguyện!
 ***
Tôi đã chuẩn bị xong hành trang, đã chọn được một điểm xuất phát, đã xác định được phương hướng cuộc hành trình và đã mường tượng được một con đường dành riêng cho những kẻ như tôi - những gã nhà quê ít học nhưng quá tò mò nên cũng dám phiêu lưu. Sau này tôi sẽ phải đặt tên cho con đường ấy. Còn bây giờ, hỡi anh em bằng hữu, ai thích quan chiêm một cái gì đó trong hoang đường thì hãy theo tôi! Chúng ta lên đường!

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

TT&HĐ I - 9/d

MUÔN MẶT ĐỜI THƯỜNG III/104

MỌC CÁNH