MUÔN NẺO MƯU SINH 25

(ĐC sưu tầm trên NET)

"Nữ quái" 30 năm trèo dừa mưu sinh ngay cả lúc bụng mang dạ chửa

Để có cái ăn cái mặc lo cho gia đình, bà Mười Hai đã chấp nhận đu mình trên những ngọn dừa cao vút - một công việc ngay cả đàn ông còn không dám làm.

  Thậm chí, đã có lần người dân nơi đây một phen hú vía khi chứng kiến người phụ nữ này bụng mang dạ chửa ngã từ trên cây dừa xuống. Thế nhưng, bà vẫn tự mình đứng dậy rồi tiếp tục leo trèo như không có chuyện gì xảy ra. Người phụ nữ ấy đã ở cái tuổi 53, thế nhưng 30 năm qua, bà vẫn thoăn thoắt như con sóc leo lên ngọn dừa khiến mọi người kinh ngạc.
Kiếm sống trên thân cây
Người phụ nữ mà chúng tôi nhắc đến là bà Nguyễn Thị Mười Hai (53 tuổi, ngụ ấp Bờ Xe, xã Phú Thạnh, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang) với biệt danh “nữ quái” trèo dừa.
Hình ảnh Nữ quái 30 năm trèo dừa mưu sinh ngay cả lúc bụng mang dạ chửa số 1

Bà Mười Hai cười khi mọi người gọi mình là “nữ quái” trèo dừa (ảnh Thơ Trịnh).

Theo sự chỉ dẫn nhiệt tình của người dân, men theo con đường đất lầy lội, chúng tôi tìm đến nhà “nữ quái” cũng là lúc trời đứng bóng. Ngôi nhà cấp bốn của gia đình bà nằm thụt sâu bên trong con hẻm vắng. Thấy khách lạ ghé thăm, ông Đỗ Văn Lợi (SN 1963, chồng bà Mười Hai) đon đả mời chúng tôi vào nhà.
Ông Lợi chia sẻ: “Hai vợ chồng tôi có bốn người con. Bao năm lao động vất vả, nguy hiểm rình rập, thế nhưng đến bây giờ tài sản của gia đình cũng chỉ là những bữa cơm đạm bạc”.
Khi chúng tôi đề cập đến biệt danh “nữ quái” mà người dân đặt cho vợ ông - bà Mười Hai, ông Lợi khẽ cười: “Sở dĩ người ta gọi như vậy là vì trong xứ sở miền Tây này đâu có ai như bà xã tôi. Đã 53 tuổi rồi mà ngày ngày vợ tôi vẫn đánh đu, mưu sinh trên ngọn dừa. Thậm chí có những cây dừa cao chót vót, trời gió lớn, thanh niên trai tráng còn ái ngại. Thế nhưng, bà xã tôi vẫn leo lên thoăn thoắt và chưa trừ một cây nào”.
Như để minh chứng, ông Lợi liền gọi với ra sau bảo bà Mười Hai thực hành công việc leo dừa để chúng tôi được tận mắt chứng kiến. Từ trong bếp đi ra, bà Mười Hai dáng người khắc khổ, khuôn mặt cháy nắng, đôi bàn tay thô ráp xách theo cái liềm, sợi dây thừng dài và dây nài (dụng cụ leo dừa) tiến thẳng đến vị trí cây dừa trước cửa. Sau khi đeo nài vào chân, liềm giắt ngang lưng, chỉ trong nháy mắt bà đã ngồi tít trên ngọn cây cao. Từng động tác được bà Mười Hai thực hiện thuần thục, chuyên nghiệp khiến nhiều người phải trầm trồ kinh ngạc.
Hình ảnh Nữ quái 30 năm trèo dừa mưu sinh ngay cả lúc bụng mang dạ chửa số 2

Người phụ nữ tuổi 53 trèo dừa như sóc (ảnh Thơ Trịnh – Hồ Nam).

Thế nhưng, nhìn sang bên, chúng tôi thấy ông Lợi thấp thỏm không yên. Ông bùi ngùi tâm sự: “Trèo dừa là công việc vất vả, nguy hiểm chỉ dành cho đàn ông. Tôi là người chồng, trụ cột gánh vác gia đình, thế mà để vợ ngày ngày phải mạo hiểm đánh cược mạng sống trên những ngọn dừa vắt vẻo. Đau lòng lắm, tôi có thể làm bất cứ công việc gì ngoài việc trèo dừa tập hàng trăm lần vẫn không tài nào làm được.
Nhiều khi trời mưa gió, đứng dưới thấy vợ leo trèo nguy hiểm, lòng tôi nóng ran như lửa đốt. Thương vợ, tôi quyết tâm tập tành leo trèo nhưng cứ leo lên được chừng năm mét thấy hoa mắt, chóng mặt lại tụt xuống. Thấy vậy, tôi nhiều lần ngăn cản vợ nhưng bà ấy vẫn quyết tâm gắn bó với cái nghề ít ai dám màng tới. Thôi thì hai vợ chồng cố gắng động viên, an ủi nhau ráng kiếm tiền lo cho các con. Đó là niềm an ủi lớn nhất của những người làm cha, làm mẹ như chúng tôi”.
Trải lòng của người phụ nữ mang biệt danh “nữ quái”
Hồi hộp, nín thở phải đợi đến khi bà Mười Hai đặt chân xuống đến mặt đất an toàn, chúng tôi mới dám thở phào nhẹ nhõm. Mặc dù có vẻ bề ngoài khô cứng nhưng có trò chuyện mới biết bà Mười Hai là một người dí dỏm, hài hước, đặc biệt ở nụ cười hiền hậu đến lạ.
Nói về cái duyên đến với nghề đặc biệt này, bà kể: “Tôi còn nhớ như in, những lần đầu tiên trèo dừa tôi không khỏi rớm nước mắt. Bởi tay chân phỏng nước, đau rát nhưng vẫn cố tập trèo dừa cho bằng được. Mồ hôi quyện nước mắt, thời ấy tôi chỉ kiếm được 1 ngàn đồng/cây dừa. Thế nhưng, vì cuộc sống gia đình quá khó khăn, tôi vẫn âm thầm vừa giúp người làng vừa kiếm tiền phụ mẹ mua con cá, mớ rau. Có lẽ đó cũng là cái duyên tôi đến với nghiệp hái dừa mấy chục năm nay”.
Cứ như thế, một ngày làm việc của bà Mười Hai bắt đầu từ sáng sớm và trở về nhà lúc chập tối trong trạng thái chân tay phỏng rộp, ê ẩm khắp người. “Khối lượng công việc nhiều, có ngày tôi phải vật vã leo đến cả trăm cây dừa cao chót vót. Không kể trời nắng hay mưa gió bão bùng, cứ có người gọi là tôi lại đi. Công việc cứ thế kéo dài hết năm này đến năm khác”, bà Mười Hai chia sẻ.
Lấy chồng ở tuổi 23 nhưng vì không có một tấc đất cắm dùi, không nghề nghiệp ổn định nên hai vợ chồng bà lại cặm cụi làm thuê, làm mướn đủ nghề. Vất vả là vậy nhưng cơm vẫn không đủ ăn, cái đói cái nghèo luôn đeo bám. Cuộc sống càng khó khăn hơn khi đứa con đầu lòng chào đời, áp lực cơm áo gạo tiền đè nặng hơn bao giờ hết. Sau nhiều đêm bàn tính, hai vợ chồng quyết định vay của người bạn thân số tiền 1,2 triệu đồng mua chiếc xe đạp ba bánh để vợ hái dừa, chồng chất lên xe đi bỏ mối.
Ông Lợi cho hay: “Ngày ấy, đường sá lầy lội, nên công việc vận chuyển, hái dừa của vợ chồng tôi gặp không ít khó khăn. Vợ tôi vốn tham công tiếc việc, sau khi đi hái dừa về còn lặn lội ra sông, rạch bắt ốc kiếm thêm tiền. Nghĩ lại mà xót xa lắm”.
Bà Mười Hai chia sẻ: “Vất vả lắm nhưng cuộc sống vẫn giậm chân tại chỗ, có những thời điểm khó khăn trong nhà không còn hạt gạo để ăn, con khóc ngằn ngặt vì khát sữa. Lúc ấy, mặc dù đang mang thai đứa con thứ hai nhưng tôi vẫn phải bôn ba, hằng ngày vẫn đu mình trên ngọn cây để có cái ăn sống qua ngày. Có lần, tôi mang bầu ba tháng nhưng vẫn gắng trèo dừa nên bị té vì kiệt sức”.
Nói đến đây, bỗng bà Mười Hai ngậm ngùi: “Điều khiến tôi đau đớn nhất là dù mình vất vả trăm bề nhưng cuộc sống của các con tôi cũng không tốt lên được. Cứ thế, mỗi lần sinh xong được vài tháng tôi lại đi trèo dừa kiến tiền mua gạo cho các con. Bọn trẻ đâu được sống như bây giờ, tôi pha nước gạo cho con uống thay sữa. Thậm chí, vì không ai trông nom, vợ chồng tôi lại đèo bòng các con ra ruộng dừa rồi cột chân chúng lại một góc để đi hái dừa.

Những ngày tháng sống trong căn nhà xiêu vẹo, dột nát, cứ hễ trời mưa là cả gia đình ngồi bật dậy, co cụm một góc và thức suốt cả đêm. Thế nhưng, được cái ông trời vẫn còn thương cho vợ chồng tôi sức khỏe để làm ăn. Giờ vợ chồng tôi đã có một khối tài sản khổng lồ, đó chính là bốn đứa con ngoan hiếu thảo. Mấy tháng nay, thấy tôi ngày càng yếu nên các con không cho tôi trèo dừa nữa mà chỉ đứng ở dưới phụ. Nhưng nếu thấy các con làm không kịp thì tôi vẫn âm thầm hái kịp giao cho mối”.

Nói về những hiểm nguy từ công việc trèo dừa của mình, bà tâm sự: “Nghề trèo dừa đối diện với không ít nguy hiểm khó lường. Không ít lần, vừa trèo lên đến ngọn dừa là tôi bị một bầy ong, kiến đỏ lao ra đốt. Vô cùng đau đớn nhưng sợ buông tay sẽ té ngã nên tôi lại cắn răng chịu đựng hái xong dừa rồi mới tụt xuống.
Đó là chưa kể vừa trèo lên đến ngọn cây gặp phải rắn lục, nếu người nhát gan thì chỉ có ngã từ trên cây xuống mất mạng. Thậm chí, có lần tôi còn bị điện giật tê tái người cũng chỉ vì trèo dừa thuê. Khó khăn, nguy hiểm là vậy nhưng thấm thoát đã hơn 30 năm nay tôi gắn bó với nghề trèo dừa kiếm sống. Đó là khoảng thời gian đủ để tôi trải nghiệm những thăng trầm trong cuộc đời”.
Gia cảnh khốn khó
Trao đổi với PV, ông Nguyễn Văn Đồng, Trưởng ấp Bờ Xe cho biết: “Gia đình bà Mười Hai đông con. Trước đây, gia đình bà có cuộc sống rất khó khăn nhưng mấy năm nay nhờ con cái lớn, chịu khó lăm ăn nên đã đỡ hơn rất nhiều. Quanh năm, cả gia đình sống bằng nghề trèo dừa mướn. Đây là công việc rất vất vả nhưng bà Mười Hai rất gan dạ và trở thành người phụ nữ leo dừa giỏi nhất ở đây”.
Thơ Trịnh - Hồ Nam
Nguồn : Người đưa tin

"Người hùng Đồi Ngô" chật vật tìm kế mưu sinh

Chẳng còn cơ hội tìm "chốn dung thân" sau nhiều lần đứng ra tố cáo sai phạm trong ngành giáo dục ở H.Lục Nam (tỉnh Bắc Giang), đặc biệt là vụ thi tốt nghiệp tại Trường THPT dân lập Đồi Ngô năm 2012, thầy giáo Nguyễn Danh Ngọc đang phải học tiếng Nhật để qua đất nước mặt trời mọc kiếm kế mưu sinh. 

Khi chúng tôi về thăm, ông Nguyễn Danh Ngọc (ngụ xã Tiến Hưng, H.Lục Nam) - người hơn 2 năm trước dũng cảm đứng ra tố cáo tiêu cực trong thi cử ở Trường THPT Đồi Ngô và được cả nước biết đến - vẫn đang miệt mài ôn lại cả mớ lý thuyết, bài tập thực hành tiếng Nhật. Thấy chúng tôi ngạc nhiên, ông Ngọc nói: “Không còn đâu nhận mình vào làm nữa, hết đất sống rồi nên quyết định học tiếng Nhật rồi qua đó vài năm xem sao”.
Bị đuổi việc giữa giờ lên lớp
Giọng buồn buồn, ông Ngọc kể tháng 8.2006, sau khi tốt nghiệp Trường ĐH TDTT Bắc Ninh, ông ký hợp đồng giảng dạy tại Trường THPT Đồi Ngô (xã Tiến Hưng). Đầu năm 2009, nhóm học sinh nghèo người dân tộc thiểu số có hỏi ông vì sao họ không được hưởng khoản tiền hỗ trợ từ Chương trình 135 của nhà nước, trong khi các trường bạn gần đó đều được.
Hình ảnh Người hùng Đồi Ngô chật vật tìm kế mưu sinh số 1Ông Nguyễn Danh Ngọc
Trước những ánh mắt hồn nhiên của các em, ông Ngọc thông tin cặn kẽ về từng khoản tiền hỗ trợ cho học sinh nghèo dân tộc thiểu số. Ít ngày sau đó, nhiều học sinh cùng cha mẹ kéo lên phòng của thầy Nguyễn Ngọc Lưu (khi đó là quyền Hiệu trưởng Trường THPT Đồi Ngô) để hỏi cho ra nhẽ... Cũng từ đây, ông Ngọc bị một số đồng nghiệp trong trường nhìn bằng ánh mắt lạ.
"Mình biết nhiều người đang nghĩ việc mình sang Nhật sinh sống và làm việc tới đây là do sợ quá nên phải chạy trốn. Nhưng thực tế là do mình bị o ép nên mới tạm thời đi xa để lo cho cuộc sống tốt hơn thôi. Còn khi về nước, nếu phát hiện tiêu cực thì tôi sẽ tiếp tục đứng lên đấu tranh, tố cáo tới cùng" - ông Nguyễn Danh Ngọc nói.
Cùng năm học 2009, lãnh đạo nhà trường giao nhiệm vụ để ông Ngọc huấn luyện đội tuyển thể thao của trường tham gia thi đấu giải do Sở GD-ĐT Bắc Giang tổ chức. “Cho tới gần sát ngày thi đấu, đột nhiên thầy Lưu nói không để các em tham dự giải nữa. Phần vì tiếc công tập luyện của học sinh, phần vì muốn mang vinh quang lại cho trường, nên tôi cùng học trò quyết định viết đơn tự nguyện tham gia giải.. Năm đó, đội tuyển Trường Đồi Ngô đoạt hơn chục giải, từ điền kinh, võ thuật, cho tới bơi lội. Nhưng không hiểu sao khi tiền giải thưởng về trường thì lại không tới được tay các trò”, ông Ngọc nhớ lại. 
Lại càng bất ngờ hơn khi trong cuộc họp cuối năm của trường, ông Lưu cho rằng ông đã có định hướng từ đầu để đội tuyển thể thao tập luyện, thi đấu đạt thành tích cao. “Lúc đó vì quá bất bình trước những lời thầy Lưu nói nên mình đứng dậy xin phát biểu. Mình nói thầy không xin lỗi, em sẽ tố cáo thầy với cấp trên. Chưa hết, mình còn yêu cầu thầy Lưu trả lại những gì mà đáng nhẽ ra các em được hưởng”, ông Ngọc cho hay.
Sự việc đội thể thao đi thi đấu đạt thành tích cao còn chưa được làm sáng tỏ thì giữa giờ thể dục ngày 14.1.2010 do ông Ngọc đứng lớp, ông Lưu đột nhiên xuất hiện và ra lệnh thu sổ đầu bài, thu sổ điểm, rồi lớn tiếng quát tháo, đuổi ông Ngọc ra khỏi trường. Sáng 15.1, khi đang chuẩn bị lên lớp, ông Ngọc nhận được quyết định chấm dứt hợp đồng, cho thôi việc.
Bị buộc thôi việc, người thầy dũng cảm dám đứng lên tố cáo tiêu cực của quyền hiệu trưởng vẫn ấp ủ mơ ước đứng lớp. Với xấp hồ sơ trên tay, ông Ngọc lui tới nhiều trường trong H.Lục Nam tìm việc, nhưng rốt cuộc chỉ nhận được những cái lắc đầu, kèm những lời bàn tán, dị nghị... Chán nản, ông bắt xe vào Nam để làm công nhân cho một xưởng cơ khí. Nhưng chỉ được vài tháng, công việc nặng nhọc, vất vả không hợp với sức khỏe của người thầy giáo, ông đành quay trở lại Lục Nam trong sự hả hê của không ít người.
Trở về quê ngày hôm trước, hôm sau ông Ngọc xin vào làm việc tại xưởng xay gạo gần nhà. Năm 2012, phát hiện dấu hiệu gian lận trong thi cử tại Trường THPT Đồi Ngô, ông chủ động liên hệ, trao đổi với thầy Đỗ Việt Khoa - người từng đứng ra tố cáo tiêu cực tại một huyện ngoại thành Hà Nội. Sau đó, 6 clip về gian lận thi cử tốt nghiệp tại Đồi Ngô được công bố. Tới ngày 11.8.2012, Sở GD-ĐT Bắc Giang có quyết định cách chức, hủy chức danh, kỷ luật khiển trách, phạt tiền đối với 42 cán bộ, giáo viên, nhân viên vi phạm quy chế trong kỳ thi tốt nghiệp cấp 3 năm đó.
Chống tiêu cực đến cùng
Được biết, để lo được suất đi Nhật kéo dài 3 năm, gia đình ông Ngọc phải tất tả chạy ngược xuôi kiếm đủ 200 triệu đồng. “Đầu tiên là đi để tính hướng mưu sinh, vì ở nhà chẳng còn nơi nào muốn nhận mình nữa rồi. Kế đến là đi để thay đổi môi trường cho bớt căng thẳng áp lực, chứ như hiện tại thì quả là khó sống”, ông Ngọc bộc bạch.
Vẫn theo lời kể của ông Ngọc, không như lần bị mất việc, sau khi clip về gian lận thi cử tại Đồi Ngô được tung hết lên mạng, ngay cả bố mẹ và người thân của ông vẫn không tin do ông làm. Khi vỡ lẽ thì cả gia đình, người thân, bạn bè… đều có lời oán trách. Đáng buồn hơn, nhiều đồng nghiệp của ông còn lớn tiếng đe dọa, chửi bới ông vì cái tội quay clip. Nhưng dần về sau, nhiều người đã hiểu và thông cảm với việc làm của ông.
“Mình biết nhiều người đang nghĩ việc mình sang Nhật sinh sống và làm việc tới đây là do sợ quá nên phải chạy trốn. Nhưng thực tế là do mình bị o ép nên mới tạm thời đi xa để lo cho cuộc sống tốt hơn thôi. Còn khi về nước, nếu phát hiện tiêu cực thì tôi sẽ tiếp tục đứng lên đấu tranh, tố cáo tới cùng”, ông Ngọc nói vậy khi chúng tôi chào tạm biệt.
Theo Thanh niên

Cơ cực nghề đẩy hàng ăn đêm

Tầm 4 giờ chiều là chị Hà Thị Thu, 39 tuổi, quê Thái Bình, lại tất tưởi rời nhà trọ ở khu vực xã Mỹ Đình, huyện từ Liêm, đẩy xe hàng ra phố để mưu sinh thâu đêm. Công việc của chị Thu là bán xôi, ngô xào, bánh mỳ, sắn…

Ở khu xóm trọ cùng chị Thu cũng có vài chục người đến từ nhiều tỉnh thành khác nhau, và họ cũng chọn công việc mưu sinh đêm bên những chiếc xe đẩy bán hàng ăn. Một đêm đi đẩy cùng họ, mới thấy muôn nẻo mưu sinh cơ cực thế nào…
Đông đúc xe đẩy
Các đường phố Hà Nội về đêm nhan nhản các xe đẩy của những người mưu sinh bán hàng quà bánh, đồ ăn. Xeg được thiết kế na ná giống nhau cho thuận tiện trong công việc đặc trưng của họ. Một xe đẩy của người bán hàng thực chất là một quầy hàng di động khi bên dưới của ngăn chứa hàng thường chứa đựng cà hàng hóa, cả bếp lò than, bếp gas để đun nấu làm ấm nóng hàng hóa.
Phần phía sau của xe được giữ nguyên bản là của chiếc xe đạp, còn phần phía trước cải tiến, khi được lắp gắn bằng một thùng đựng hàng, phía dưới có thêm hai bánh xe để cho khi di chuyển vẫn vững chãi.
Với kiểu xe đẩy này người bán hàng có thể mang hàng hóa đi bán xa cả dăm, bảy km mà vẫn tiện lợi. Còn có một loại xe đẩy cồng kềnh hơn, được thiết kế phía trước là một khoang đựng hàng có khung kính chắn khá lớn. Loại xe này chủ hàng chỉ có thể đẩy bằng tay, vì thế mà nó chỉ hợp cho những người đứng bán cố định ở một địa điểm, vì đẩy đi đẩy lại chậm chạp lại bất tiện.
Dẫu có thiết kế gọn nhẹ đến đâu thì việc nó xuất hiện vào thời điểm ban ngày là không thể chấp nhận được khi đường phố lúc nào cũng trong tình trạng quá tải người xe, vì lẽ đó mà những người mưu sinh bằng nghề này đã chọn thời khắc ban đêm, khi mà đường phố thưa vắng để bán hàng. Hầu như ở trục phố chính nào ở Hà Nội về đêm cũng có nhiều xe đẩy sáng đèn bán hàng quà bánh, hàng ăn như: ngô luộc, xôi, ngô xào, bánh mỳ trứng, bánh mỳ xúc xích…
Hình ảnh Cơ cực nghề đẩy hàng ăn đêm số 1
Tại các đường cửa ngõ ra vào thành phố, số lượng xe đẩy đứng chờ bán hàng đông hơn nhiều. Ví như sát đầu Cầu Giấy, đêm nào cũng có thường trực gần chục hàng xe đẩy. Nhiều hàng chỉ thắp bóng đèn lên cho khách nhận biết là mình bán hàng ăn là gì. Một số xe đẩy trang bị loa kêu oang oang: Xôi nóng, bánh mỳ đê…, để khách qua đường từ xa đã nhận thấy.
Dọc đường Cầu Giấy, Xuân Thủy dài chưa tới 3 km, có rải rác vài chục chiếc xe đẩy khác đứng nép bên đường, trên vỉa hè để đợi khách. Xuống tới khu vực gần cầu vượt gần trường Đại Học Quốc Gia, đêm nào  cũng có khoảng gần 20 chiếc “đóng đô”. Nhiều hôm trời đã tang tảng sáng, người đi chợ bán rau, xe buýt chuẩn bị hoạt động vẫn còn những chiếc xe đẩy cố nán lại để bán nốt số hàng.
Ở những địa điểm như đường Giải Phóng, đường Nguyễn Văn Cừ, đường Lê Văn Lương, khu vực đầu cầu Thanh Trì, Cầu Vĩnh Tuy…, cũng đông xe đẩy bám trụ trong đêm để mưu sinh.
Vất vả mưu sinh
Trong lúc hầu hết người dân đang say ngủ thì những người bán xe đẩy đêm đang nhọc nhằn mưu sinh, nhiều khi, họ thức gần như trọn đêm. Chị Nguyễn Thị Tám, 42 tuổi, quê Nam Định, hiện thuê nhà trọ tại xã Mỹ Đình, Từ Liêm, hơn 5 năm đẩy xe bán hàng ăn đêm, kể:
“Một ngày đi bán hàng của tụi tôi thường bắt đầu khoảng 4 giờ chiều. Ra khỏi nhà trọ là đạp xe đi, và lúc vào phố thì chỗ nào bán được hàng, như cổng trường học, cổng bệnh biện, các khu dân cư đông đúc là đẩy xe đến. Hàng của tôi bán chỉ là bánh mỳ và xôi nên cũng nhẹ nhàng, đơn giản, chứ những người bán ngô luộc, ngô xào... thì lỉnh kỉnh hơn nhiều. Bán đến 9-10 giờ đêm là đạp xe đẩy về các con đường cửa ngõ để bán nốt hàng. Lúc còn ít hàng thì cứ liệu độ mà vừa bán vừa đi về gần khu trọ”.
Hình ảnh Cơ cực nghề đẩy hàng ăn đêm số 2
Như vậy, trung bình một ca lao động của họ khoảng 10-12 tiếng đồng hồ. Những hôm ế ẩm thì thời gian lao động sẽ dài thêm.
Anh Lê Văn Hà, 37 tuổi, quê Hưng Yên, mưu sinh bằng nghề xe đẩy đã 3 năm, hiện thuê trọ tại Quan Hoa, Cầu Giấy, cho biết, công việc của những người bán hàng theo xe đẩy vất vả không kể xiết. Đi bán hàng cả chiều, và gần hết đêm, về nhà trọ họ chỉ ngủ vội vài tiếng buổi đồng hồ buổi sáng rồi dậy đi mua hàng, làm hàng.
"Tôi bán ngô luộc, mặc dù ngô người ta sẽ mang tới chợ gần nhà nhưng vẫn phải dậy vào khoảng 9 giờ để ra chợ lấy mang về. Rồi thì đi mua than, mua bao gói đựng…, lo cơm nước trưa xong chỉ tranh thủ ngủ cỡ 1 tiếng là phải dậy lo sửa soạn luộc ngô, sửa soạn xe, đồ nghề để… lên đường! Nói chung là người lúc nào cũng cảm thấy mệt mỏi vì thiếu ngủ, thiếu nghỉ ngơi. Nhiều hôm mệt, cảm giác muốn ốm nhưng vẫn cố mà đi bán hàng vì đời sống khó khăn quá nên không cho phép mình nghỉ ngơi…”.
Chị Trần Thị Thủy, một người bán xôi kèm ruốc, lạp xưởng, xúc xích trên xe đẩy kể rằng, cách đây 3 năm mỗi buổi chị còn bán được chục kg gạo xôi, lãi khoảng 300 ngàn đồng, nhưng vài năm trở lại đây mỗi buổi chỉ bán 5kg gạo. Có hôm bán đến 2-3 giờ sáng mà xôi còn ế vẫn nhiều, lại không nán bán nốt vì không bán hết thì chẳng có lãi.
Với cách nghĩ “làm giàu nhà quê không bằng ngồi lê thành phố”, dù biết thực tế rất khó khăn, cơ cực nhưng nhiều người ở nông thôn vẫn ra thành phố mưu sinh. Họ dốc sức kiếm tiền, tích cóp để gửi về quê cải thiện cuộc sống gia đình…
Nguyễn Tuấn Anh

Những phụ nữ kiếm tiền "lì" nhất miền Tây

Rất nhiều phụ nữ vùng sông nước miền Tây đã chọn làm những công việc hết sức mạo hiểm để kiếm tiền, như nuôi rắn độc, "săn" tắc kè, bù cạp, chuột...

Dù biết việc mình làm chỉ cần sơ xuất nhỏ có thể mất mạng như chơi, nhưng những phụ nữ chân yếu tay mềm này lại không chút sợ sệt. "Mùa nào thức ấy", khi việc đồng áng kết thúc, lũ về là họ theo con nước bắt rắn, săn chuột, rồi lập hẳn những chợ hàng "độc" bán công khai ở nơi đông người qua lại, như ven chợ, các khu du lịch. Cũng có người sang tận Campuchia nhập hàng về để bán cho du khách.

Hình ảnh Những phụ nữ kiếm tiền lì nhất miền Tây số 1
Chị Năm, ở Tịnh Biên-An Giang, đang bắt hàng chục con bọ cạp trên hai bàn tay trần mà không hề sợ bi loài côn trùng dữ này tấn công, nơi chị bán hàng là chợ cửa khẩu Quốc tế Tịnh Biên – An Giang.
Hình ảnh Những phụ nữ kiếm tiền lì nhất miền Tây số 2
Chị Trương Thị Bé Sáu cười toét miệng khi hai tay nắm đuôi mấy chú chuột cống vừa đập chết , chuẩn bị làm sạch bán cho khách ở Phụng hiệp – Hậu Giang.
Hình ảnh Những phụ nữ kiếm tiền lì nhất miền Tây số 3
Ở các chợ vùng đồng bằng  sông Cửu Long, việc bắt chuột, bán chuột,
Hình ảnh Những phụ nữ kiếm tiền lì nhất miền Tây số 4
....đến cắt đầu, lột da chuột bán cho khách cũng một tay chị em phụ nữ có lá gan “to” dám làm điều này.
Hình ảnh Những phụ nữ kiếm tiền lì nhất miền Tây số 5
Chuột chứa đầy trong rọ chuẩn bị đem đi làm thịt cung cấp cho nhà hàng
Hình ảnh Những phụ nữ kiếm tiền lì nhất miền Tây số 6

Ở chợ Xẻo Vong – Hậu Giang, hầu hết chị em phụ nữ đứng ra làm nghề lột da, cắt đuôi chuột để bán cho thương lái.
Hình ảnh Những phụ nữ kiếm tiền lì nhất miền Tây số 7
Chị Ngô Thị Ngon, ở huyện Thoại Sơn – An Giang cũng dùng cả hai tay trần bắt rắn để bán cho khách hàng. Những con rắn này là loại rắn trung, chúng cắn rất độc, nhưng chị cứ "tỉnh bơ" như không có vấn đề gì, còn biểu diễn cho khách xem.
Hình ảnh Những phụ nữ kiếm tiền lì nhất miền Tây số 8

Cũng giống chị Ngon, chị Ngôn ở huyện An Phú – An Giang thường hai tay trần cầm hàng chục con rắn hung giữ để biểu diễn cho khách xem trước khi ngã giá bán.
Hình ảnh Những phụ nữ kiếm tiền lì nhất miền Tây số 9

Đặng Thị Ngọc Hà, ở huyện An Phú – An Giang "khoe thành tích" khi cầm trên tay gần 20 con rắn nước mới bắt được.
Hình ảnh Những phụ nữ kiếm tiền lì nhất miền Tây số 10
Người phụ nữ này ở xóm chuột Châu Phú – An Giang "có tiếng" khi mỗi ngày chặt đầu, lột da trên 1.000 con chuột để lấy tiền công 80.000 đồng/ngày.
Hình ảnh Những phụ nữ kiếm tiền lì nhất miền Tây số 11
Không đi bắt rắn hay ra chợ ngồi bán rắn, nhưng chị Nguyễn Thị Nói, ở huyện An Phú – An Giang nổi tiếng khắp vùng sông nước miền Tây khi mỗi ngày phải chăm sóc đàn rắn hỗ hèo lúc nhúc trên 500 con mà không sợ chúng cắn. Chị nói, nuôi riết quen nên chúng rất thân thiện với con người.
Theo Tri Thức

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

TT&HĐ I - 9/d

MUÔN MẶT ĐỜI THƯỜNG III/104

MỌC CÁNH