Chuyển đến nội dung chính

DƯ LUẬN XÃ HỘI 41

(ĐC sưu tầm trên NET)

Từ nỗi đau của ông, Võ Văn Kiệt



Nhắc đến cuộc chiến đã  lùi xa, cựu TT Võ Văn Kiệt nói: “Nhiều sự kiện khi nhắc lại, có hàng triệu người vui mà cũng có hàng triệu người buồn”.

Cuối năm 2004, khi nhắc đến cuộc chiến tranh đã lùi xa gần ba mươi năm, cựu Thủ tướng Võ Văn Kiệt phát biểu: “Nhiều sự kiện khi nhắc lại, có hàng triệu người vui mà cũng có hàng triệu người buồn”. Lúc đó, không phải ai cũng chia sẻ với ông suy nghĩ ấy. Nhưng, những ai biết những nỗi đau cá nhân mà ông Kiệt từng chịu đựng, mới thấy, đây không chỉ là ý kiến của một nhà chính trị, đây còn là sự sẻ chia rất con người.

Để làm nên chiến thắng 30.4.1975, những người con đất Việt không chỉ hi sinh xương máu. Có những sự hiến dâng không thể đặt tên. Có những nỗi đau không thể nói bằng lời. Và những mất mát, đau thương cũng có hàng ngàn diện mạo....

Trong đó nỗi đau chia ly Bắc - Nam của những gia đình  phải chia cắt cùng vĩ tuyến 17. Kể cả khi giang sơn thống nhất rồi thì vết cắt chia ly vẫn chưa hẳn đã được lành lặn. Trong số đó, có những người con tập kết, họ đã vượt lên trên nỗi đau riêng tư để từng bước cùng đất nước hồi sinh và vươn dậy. Nhân dịp kỷ niệm 30/4 - ngày thống nhất đất nước, Bee xin đăng lại những câu chuyện cảm động về những gia đình, những người con mà nghị lực của họ vượt lên trên cả sự thử thách của chiến tranh, của chia ly, của số phận.

...Hôm qua, 15/6 ( 15/6/2008 - bài viết được đăng tải trên Sài gòn Tiếp thị vào dịp Nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt mất. Để giữ nguyên tính chân thực của câu chuyện, chúng tôi xin giữ nguyên những chi tiết  liên quan tới thời gian trong bài -  Bee.net.vn) ông đã “phục tùng tổ chức” để về yên nghỉ tại nghĩa trang thành phố. Trong thâm tâm, ông muốn tro của mình được rải xuống khúc sông mà hai người con và người vợ yêu quý nhất của ông đã mãi nằm lại đó.

Đồng chí Võ Văn Kiệt tại vùng căn cứ U Minh

Đầu năm 1966, khi người con trai út, Phan Chí Tâm, vừa được sanh ra ít lâu, vợ ông, bà Trần Kim Anh, muốn cho ông biết mặt con, đã bế Tâm và dắt theo cô con gái Phan Thị Ánh Hồng, sinh năm 1958, ra chiến khu thăm chồng. Từ Sài Gòn, bà Tư Cách, một cơ sở của ông dẫn bà Kim Anh đi theo đường sông, lên tới đoạn, bên này là Củ Chi, bên kia là Bến Cát thì chuyến tàu khách của họ bị ném bom. Họ chết mà chưa bao giờ tìm thấy xác.

Đầu năm nay, ông viết, “tôi có cảm giác như vợ và các con đang đợi tôi”. Bác sĩ riêng thời chiến tranh của ông, ông Huỳnh Hoài Nam, kể: “Trong suốt những năm ở trong rừng, ông luôn mang theo một tấm hình và hai bộ đồ của vợ”. Sau ngày 30.4, khi tình hình tạm ổn, ông đã tìm đến khúc sông ấy, đứng nhiều giờ để cố tìm xem, vợ và các con ông đang thực sự yên nghỉ ở đâu. Bác sĩ Nam nói: “Trên đường về, hàng giờ, ông không nói một lời nào cả”.

Sau khi nghe tin mẹ mất, con trai lớn của ông là Võ Dũng, sinh năm 1951, khi ấy đang cùng với em gái, Võ Hiếu Dân, sinh năm 1955, học ở Hà Nội, nằng nặc đòi được vào Nam. Trung ương có điện thoại cho ông. Ông đồng ý. Trong thâm tâm, ông cũng muốn có chút ruột rà máu mủ ở bên mình.

Võ Dũng là một thanh niên ngang bướng, làm lính cơ quan “Khu bộ” thì rất “ngứa chân, ngứa tay”. Dũng nói: “Con đâu phải vào đây để đào hầm cho ba”. Bác sĩ Nam tâm tình: “Dũng, em về đây làm gì?”. Dũng trả lời: “Chiến đấu”. “Em không thấy bọn anh cũng đang chiến đấu sao?”. “Có, nhưng cứ toàn chiến đấu trong xó không à”. Bác sĩ Nam đành phải nói lại với ông Kiệt. Ông đồng ý. Về đơn vị chiến đấu, Võ Dũng nhất quyết đòi phải được bổ vào bộ phận trinh sát. Sáu tháng sau, trong một lần trinh sát một đồn địch nằm trong vùng quê mẹ, Rạch Giá, Võ Dũng hy sinh. Năm ấy, anh chỉ mới vừa tròn 20 tuổi.

Không ai biết được ông đã chịu đựng mất mát ấy như thế nào. Trước ba quân, ông vẫn mạnh mẽ như không có chuyện gì. Nhưng, đêm về, bác sĩ Nam kể, thì nỗi cô độc không thể nào kể xiết. Ông lặng lẽ một mình, kêu bác sĩ Nam, “Cho tao ly chà và”, từ ông dùng để chỉ cà phê đen. Bác sĩ Nam nói: “Tôi đưa cà phê cho ông và biết, lại thêm một đêm ông không ngủ”.


Bà Trần Kim Anh


Võ Dũng

 Nhưng, theo bác sĩ Nam, “hình như trời đất vẫn còn ngó tới ông ấy”. Qua năm sau, 1972, Trung ương hội Phụ nữ điện vào báo cho ông là đã tìm được người con trai sinh năm 1952, Phan Thanh Nam. Đây là người con trai mà ông có được trong lần ra Bắc hồi năm 1951. Trở lại miền Nam, ông Võ Văn Kiệt kể: “Tôi nói hết với vợ. Bà ấy nghe, cũng buồn nhưng không trách móc gì. Bà ấy thỉnh thoảng lại nhắc, phải tìm được thằng Nam về”.

Mỗi lần cứ có người ra, ông Võ Văn Kiệt lại nhắn nhờ tìm Phan Thanh Nam. Năm 1972, bà Bảy Huệ, phu nhân của cố Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh, người năm 1959 đưa Võ Dũng và Hiếu Dân ra Bắc và chăm sóc, đã tìm được Nam về cho ông. Ngày cha con gặp nhau, ông đang ở một căn cứ gần kênh Biện Nhị, xã Khánh Lân, Cà Mau. Ông đợi con, lâu lâu lại hỏi: “Nó tới đâu rồi?”. Gặp nhau, bác sĩ Nam kể: “Hai cha con ôm nhau nửa tiếng, không nói một lời, rồi cả hai cùng khóc. Chúng tôi, cũng ra phía sau, ngồi khóc”.

Ông Võ Văn Kiệt kể: “Tôi kể cho Nam về vợ tôi. Nó nghe rồi nói, “con nhận mẹ của Hiếu Dân và anh Dũng làm mẹ”. Tôi cũng nói rõ với Hiếu Dân nhưng chủ yếu là để cho hai đứa hiểu nhau một cách tự nhiên. Tôi rất mừng, giờ tụi nó quý nhau lắm”. Sáng 15-6, khi đọc lời cảm tạ của gia đình, con trai ông, Phan Thanh Nam, đã không quên nhắc đến những người đã khuất: “Chúng con xin cám ơn Má, anh Hai và các em, đã vĩnh viễn ra đi trong cuộc chiến tranh, để lại tình thương yêu vô bờ bến”.

Tôi đã không ít lần gặp chị Võ Hiếu Dân, người con duy nhất còn lại của bà Trần Kim Anh, hy vọng nghe từ chị những ký ức về mẹ mình. Nhưng, chưa bao câu chuyện có thể tiếp tục. Cho tới tận bây giờ, chị Hiếu Dân vẫn không thể nào cầm được nước mắt mỗi khi nhắc về mẹ.

Gần đây, ông đã có rất nhiều nỗ lực giúp đỡ việc tìm lại hài cốt của những người chết trong thời gian học tập cải tạo; gặp gỡ lãnh đạo hai địa phương, Bình Dương và TP.HCM để bàn về vấn đề nghĩa trang của những người lính Sài Gòn cũ. Mấy năm trước, khi cô cháu ngoại mang về cho ông mấy cuộn phim do người Việt ở nước ngoài làm về những thuyền nhân vượt biên trong những năm sau 1975, ông xem, xúc động và có rất nhiều trăn trở.

Khi ông nói, “yêu nước có thể bằng nhiều con đường”, là ông nói bằng chính từ nỗi đau của mình. Không phải ngẫu nhiên mà ông nhấn mạnh: “Tổ quốc là của mình, dân tộc là của mình, Việt Nam là của mình, chứ không phải là của riêng bất cứ tôn giáo hay phe phái nào cả”.

Từ năm 1995, ông đã kiến nghị: “Trên chặng đường mới này của đất nước, hơn bao giờ hết cần giương cao ngọn cờ dân tộc và dân chủ”. Trong buổi làm việc cuối cùng, chiều 23.5, ông nói với tôi về ý định sẽ viết chung một cuốn sách với một người đã từng là quan chức cao cấp trong chế độ Sài Gòn. Ông coi đó như là một biểu tượng của tinh thần hoà giải. Năm 1997, khi vừa nhận chức, trong một cuộc phỏng vấn dành riêng cho tôi, Thủ tướng Phan Văn Khải nói: “Về bản lĩnh chính trị, tôi không thể nào so sánh với đồng chí Võ Văn Kiệt”.

Từng là một nhà lãnh đạo chiến tranh xuất sắc, đúng như lời Thủ tướng Phan Văn Khải, ít ai có thể so sánh bản lĩnh chính trị với ông. Tuy nhiên, bản lĩnh chính trị của Võ Văn Kiệt không phải là những giá trị giáo điều. Chính trị “tối cao” đối với ông là “Dân”. Điều gì có thể đoàn kết mọi người dân Việt Nam. Điều gì có thể nhanh chóng đưa lại cơm no áo ấm cho mọi người Việt Nam là ông chủ trương. Ông Võ Văn Kiệt đề nghị “giương cao ngọn cờ dân tộc” không phải từ một ý tưởng xuất hiện tình cờ.

Ông đúc kết điều đó qua sự trải nghiệm bằng máu của chính ông, của những đứa con, của người vợ mà ông vô cùng yêu dấu.

Theo Sài Gòn tiếp thị/ Bee.net

Tiểu sử Võ Văn Thưởng: Bí thư Tỉnh Ủy Quảng Ngải



Để tránh những luồng thông tin sai sự thật và trả lời cho câu hỏi ông Võ Văn Thưởng là ai? Tập Viết Báo xin cung cấp thông tin đầy đủ về tiểu sử/lý lịch và quá trình hoạt động của: Bí thư Tỉnh ủy Tỉnh Quảng Ngải Võ Văn Thưởng

Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi Võ Văn Thưởng

Họ và tên: Võ Văn Thưởng – sinh năm 1970

Quê quán: Vĩnh Long;

Thạc sỹ Triết học

Quá trình công tác:

+ 1986 – 1988: Đoàn viên xã An Phước, huyện Măng Thít, tỉnh Vĩnh Long.

+ 1988 – 1993: Đoàn viên, Phó Bí thư, Chủ nhiệm CLB lý luận trẻ; Bí thư Đoàn Khoa, Phó Bí thư Đoàn trường Đại học Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh

+ 11/1993 – 12/1999: Cán bộ, Phó Ban, Trưởng Ban Đại học- Trung học chuyên nghiệp Thành Đoàn TP.Hồ Chí Minh (10/1996); ủy viên Ban Thường vụ Thành Đoàn, Phó Chủ tịch Hội Sinh viên TP.Hồ Chí Minh, ủy viên Thư ký Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam, ủy viên BCH T.Ư Đoàn (1997); Đảng ủy viên-Bí thư Ban cán sự Đoàn Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh.

+ 1/2000-11/2002: Chủ tịch Hội Sinh viên TP.Hồ Chí Minh, Phó Chủ tịch Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam; Phó Bí thư Thành Đoàn TP.Hồ Chí Minh (5/2001); đại biểu Hội đồng nhân dân TP.Hồ Chí Minh (1999-2004).

+12/2002-11/2004: Uỷ viên Ban thường vụ T.Ư Đoàn, Chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam TP.Hồ Chí Minh; Bí thư Thành Đoàn TP.Hồ Chí Minh (3/2003); Thành ủy viên (10/2003).

+ 12/2004-10/2006: Bí thư quận ủy quận 12 TP.Hồ Chí Minh, Thành ủy viên.

+ 4/2006: Tại ĐH toàn quốc lần thứ X của Đảng, được bầu làm Ủy viên dự khuyết BCH T.Ư Đảng.

+ 10/2006: Được bầu làm Bí thư thường trực BCH T.Ư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh khoá VIII.

+ 1/2007: Được bầu làm Bí thư thứ nhất BCH T.Ư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh khoá VIII; Tháng 3/2007 được bổ nhiệm làm Chủ nhiệm Ủy ban Quốc gia về Thanh niên Việt Nam.

+ Đại biểu Quốc hội khoá XII.

+ Ngày 20/12/2007, tại Hội nghị lần thứ nhất BCH T.Ư Đoàn khoá IX, được bầu làm Bí thư thứ nhất BCH T.Ư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh khoá IX.

+ Tháng 1, 2011, ông được bầu làm Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa XI.

+ Ngày 11/08/2011, ông được Bộ Chính trị điều động làm Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi.



Share your views...

3 Respones to "Tiểu sử Võ Văn Thưởng: Bí thư Tỉnh Ủy Quảng Ngải"
Anonymous nói...

Mình biết anh này, cùng quê luôn, rất là giỏi

02:33 Ngày 22 tháng 03 năm 2012
Anonymous nói...

Ngày 11/08/2011, ông được Bộ Chính trị điều động làm Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi. < đúng là tuổi trẻ tài cao, mong đất nước sớm có thêm đội ngũ lãnh đạo trẻ như thế này

21:59 Ngày 22 tháng 03 năm 2012
Minh Hoang nói...

Thông tin đầy đủ mà không biết cha mẹ là ai!

22:39 Ngày 27 tháng 01 năm 2016 

Xin hỏi. Võ Văn Thưởng - Bí thư thứ nhất Trung ương đoàn có phải là con của Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt không?

10 câu trả lời

Câu trả lời

Xếp hạng
Câu trả lời hay nhất:  Không phải, Võ Văn Thưởng quê ở Hải Dương, sinh năm 1970

Còn riêng gia đình Cố thủ tướng Võ Văn Kiệt thì...Ông tên thật là Phan Văn Hoà, nguyên quê ở huyện Vũng Liêm tỉnh Vĩnh Long.
Ông có hai đời vợ. Người vợ đầu của ông, bà Trần Kim Anh, có với ông 4 người con: Phan Chí Dũng (sinh năm 1951), Phan Hiếu Dân (sinh năm 1955), Phan Thị Ánh Hồng (sinh năm 1958) và Phan Chí Tâm (sinh năm 1966). Năm 1966, bà Trần Kim Anh cùng hai người con út, là Ánh Hồng và Chí Tâm, đã thiệt mạng trong một cuộc càn ở chiến khu Củ Chi.
Phan Chí Dũng, người con cả của ông, hi sinh năm 20 tuổi trong một lần đi trinh sát.
Ngoài 4 người con với người vợ đầu, ông còn một người con sinh năm 1952 ở miền Bắc tên là Phan Thanh Nam, người đã thay mặt gia đình đọc lời cảm tạ trong lễ tang ông

Người vợ thứ hai là bà Phan Lương Cầm, hai người không có con.

Ông Lê Thanh Hải bật khóc khi nói về ông Võ Văn Thưởng

Ông Lê Thanh Hải rơi nước mắt khi nói về ông Võ Văn Thưởng - Ảnh: Độc Lập
Ông Lê Thanh Hải rơi nước mắt khi nói về ông Võ Văn Thưởng - Ảnh: Độc Lập
'Em là người con ưu tú, tiêu biểu của Đảng bộ và nhân dân thành phố. Thành phố rất tự hào về em', ông Lê Thanh Hải bật khóc khi nói về ông Võ Văn Thưởng tại buổi nhận nhiệm vụ Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương.
“Dù em đi đâu, trên cương vị nào cũng sẽ luôn mang theo tình thương yêu, quý mến của đồng bào thành phố, của Đảng bộ TP.HCM”, ông Lê Thanh Hải nói thêm.
Tại buổi lễ công bố quyết định của Bộ Chính trị về phân công nhiệm vụ các Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy TP.HCM Lê Thanh Hải đã bật khóc khi chia sẻ tâm tình về ông Võ Văn Thưởng, tân Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương.
Ông Võ Văn Thưởng là một cán bộ Đoàn trưởng thành và có nhiều năm gắn bó công tác ở TP.HCM, từng giữ cương vị Bí thư Thành đoàn TP.HCM, Bí thư Quận ủy Quận 12. Năm 2006, ông Thưởng được Bộ Chính trị phân công giữ cương vị Bí thư thường trực T.Ư Đoàn; được bầu làm Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn. 
Ông Lê Thanh Hải bật khóc khi nói về ông Võ Văn Thưởng - ảnh 1
'Dù em đi đâu, trên cương vị nào cũng sẽ luôn mang theo tình thương yêu, quý mến của đồng bào thành phố, của Đảng bộ TP.HCM', ông Lê Thanh Hải nói với ông Võ Văn Thưởng - Ảnh: Độc Lập
Trước khi trở lại TP.HCM giữ cương vị Phó bí thư Thường trực Thành ủy TP.HCM vào năm 2014, có thời gian ông Võ Văn Thưởng làm Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi. Khi nhận nhiệm vụ Phó bí thư Thường trực Thành ủy TP.HCM, ông Võ Văn Thưởng bày tỏ việc trở lại TP.HCM công tác “như một đứa con trở về nhà”.
Trong lời chia sẻ của mình về ông Võ Văn Thưởng, ông Lê Thanh Hải đánh giá ông Võ Văn Thưởng là một cán bộ trẻ, có năng lực, được đào tạo bài bản, được rèn luyện từ thực tiễn, năng động và sáng tạo, được Trung ương, Bộ Chính trị tín nhiệm, đánh giá cao, giao nhiều trọng trách.
Ông Lê Thanh Hải bày tỏ sự tin tưởng ông Võ Văn Thưởng sẽ tiếp tục nỗ lực, phấn đấu trong công tác cũng như trong cuộc sống để đạt những thành tựu mới. 
Ông Lê Thanh Hải bật khóc khi nói về ông Võ Văn Thưởng - ảnh 2

[CLIP] Ông Đinh La Thăng và Võ Văn Thưởng phát biểu sau khi nhận nhiệm vụ mới
“Em là người con ưu tú, tiêu biểu của Đảng bộ và nhân dân thành phố. Thành phố rất tự hào về em”, ông Lê Thanh Hải bật khóc, chia sẻ thân tình: “Dù em đi đâu, trên cương vị nào cũng sẽ luôn mang theo tình thương yêu, quý mến của đồng bào thành phố, của Đảng bộ TP.HCM”. 
Đề cập đến việc phân công nhân sự Bí thư Thành ủy TP.HCM, ông Lê Thanh Hải chúc mừng ông Đinh La Thăng được Bộ Chính trị tin tưởng, giao trọng trách làm Bí thư Thành ủy TP.HCM. 
Ông Lê Thanh Hải tin tưởng ông Đinh La Thăng sẽ nỗ lực cùng Đảng bộ TP.HCM thực hiện thắng lợi Nghị quyết của Đại hội X Đảng bộ TP.HCM, đáp ứng kỳ vọng, mong muốn của nhân dân thành phố. Xây dựng TP.HCM văn minh, hiện đại, nghĩa tình, cùng cả nước, vì cả nước; chăm lo tốt hơn đời sống người dân, rút ngắn được khoảng cách giàu nghèo…
Ông Lê Thanh Hải bật khóc khi nói về ông Võ Văn Thưởng - ảnh 3
Ông Lê Thanh Hải ôm chặt ông Võ Văn Thưởng - Ảnh: Độc Lập
Theo ông Lê Thanh Hải, TP.HCM luôn thống nhất cao từ nhận thức đến hành động vì sự nghiệp phát triển chung của đất nước, chăm lo cho đời sống của người dân… Bộ Chính trị nhận xét trong nhiệm kỳ qua, TP.HCM đã đạt được những thành tựu quan trọng trên tất cả các lĩnh vực. Từ thực tiễn của TP.HCM đã gợi mở cho Trung ương những vấn đề về đẩy mạnh toàn diện và đồng bộ công cuộc đổi mới, sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
“Tất cả chúng ta trân trọng, tự giác, vui mừng và tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Bộ Chính trị về công tác nhân sự của Đảng bộ TP.HCM”, ông Lê Thanh Hải bày tỏ và chia sẻ cá nhân ông luôn tin tưởng Đảng bộ TP.HCM mà hạt nhân lãnh đạo là Ban chấp hành Đảng bộ TP.HCM, Ban Thường vụ Thành ủy tiếp tục phát huy truyền thống tốt đẹp ấy trong quá trình thực hiện nhiệm vụ chính trị của mình. 
“Thành ủy, Ban Thường vụ Thành ủy chúng ta thực hiện nghiêm túc, tự giác quyết định của Bộ Chính trị về phân công đồng chí Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng. Với tinh thần trách nhiệm cao, cùng hỗ trợ, tạo điều kiện, chia sẻ với đồng chí Bí thư Thành ủy; nỗ lực thực hiện thắng lợi các mục tiêu, kế hoạch đã đề ra”, ông Lê Thanh Hải chia sẻ thêm.
Ông Lê Thanh Hải bật khóc khi nói về ông Võ Văn Thưởng - ảnh 4
Ông Lê Thanh Hải và ông Võ Văn Thưởng (giữa) tại buổi công bố quyết định của Bộ Chính trị - Ảnh: Độc Lập
Cũng tại lễ công bố, Thường trực Ban bí thư Đinh Thế Huynh cho rằng, trong những năm vừa qua, bối cảnh tình hình trong nước, quốc tế bên cạnh những thuận lợi cơ bản nhưng cũng gặp nhiều khó khăn, thách thức, song với nỗ lực phấn đấu, đoàn kết và quyết tâm cao, Đảng bộ, chính quyển và nhân dân Thành phố mang tên Bác đã vượt lên, tổ chức thực hiện thắng lợi các Nghị quyết của Trung ương và của Đảng bộ Thành phố, đạt được nhiều thành tựu quan trọng, toàn diện trên các lĩnh vực và tiếp tục giữ vai trò đầu tàu kinh tế của cả nước, đóng góp đặc biệt quan trọng vào sự phát triển của vùng kinh tế trọng điểm phía nam nói riêng và cả nước nói chung.
“Những thành tựu đó là kết quả của sự nỗ nực, cố gắng của Đảng bộ, của Thành ủy, của các cấp, các ngành và các tầng lớp nhân dân TP.HCM, trong đó có vai trò đặc biệt quan trọng của đồng chí Lê Thanh Hải, Ủy viên Bộ Chính trị (khóa X, XI), nguyên Bí thư Thành ủy TP.HCM. Đảng, Nhà nước ta ghi nhận, trân trọng và đánh giá cao những cống hiến của đồng chí Lê Thanh Hải đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc, của TP.HCM”, ông Đinh Thế Huynh nhấn mạnh.
Bày tỏ tình cảm đối với người tiền nhiệm là ông Lê Thanh Hải, ông Đinh La Thăng nói ông Lê Thanh Hải là người lãnh đạo với vai trò đầu tàu, gương mẫu, đầy trách nhiệm, đã gắn bó máu thịt với đồng bào và đã có những cống hiến rất to lớn, quan trọng cho TP.HCM trong nửa thế kỷ qua.
Chia sẻ tình cảm của mình, ông Võ Văn Thưởng bày tỏ: “Từ đáy lòng mình tôi bày tỏ lòng cảm ơn chân thành đối với Ban Thường vụ Thành ủy, Ban Chấp hành Đảng bộ TP.HCM, trân trọng cảm ơn các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo thành phố mà đặc biệt là đồng chí Lê Thanh Hải, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị khóa X, XI, nguyên Bí thư Thành ủy khóa VIII, IX - người đã 50 năm sống, chết cùng thành phố, đã hết lòng, hết sức cho sự phát triển của thành phố; trong đó chăm lo đào tạo, bồi dưỡng, chuẩn bị đội ngũ cán bộ kế thừa là một nội dung quan trọng”. 
Tân Phú

Ông Võ Văn Thưởng: "Nhà nước nợ dân cái gì các đồng chí có dám công khai không?"

Nguyễn Cường |
Ông Võ Văn Thưởng: "Nhà nước nợ dân cái gì các đồng chí có dám công khai không?"
Ông Võ Văn Thưởng - Phó Bí thư thường trực Thành ủy TP.HCM.

Phó Bí thư Thành ủy TP.HCM Võ Văn Thưởng đã đặt câu hỏi như vậy khi đề cập đến sự công bằng trong cách đối xử của chính quyền với doanh nghiệp. Ngoài ra, ông cũng nhấn mạnh đến việc cải cách thủ tục hành chính tại TP.HCM.

Phải công bằng với doanh nghiệp
Ngày 30/12, UBND TP.HCM đã tổ chức hội nghị: “Triển khai nghị quyết của Chính phủ và HĐND TP về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, thu chi ngân sách năm 2016”.
Sau khi nghe lãnh đạo các sở ngành báo cáo về tình hình năm 2015 và kế hoạch năm 2016 Phó Bí thư Thành ủy TP.HCM Võ Văn Thưởng đã có phần phát biểu chỉ đạo hội nghị.
Đề cập đến môi trường đầu tư, ông Thưởng cho biết, năm 2014 lần đầu tiên chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của TP.HCM đã leo lên đứng thứ 4.
Tuy nhiên trong đó có 3 điểm TP vẫn bị đánh giá dưới trung bình và có xu hướng giảm, đó là: Tính năng động trong điều hành của chính quyền; Chi phí tiếp cận thị trường cao; Chi phí phi chính thức.
“Nhiều khi họp hành vì tế nhị chúng ta không nêu ra những chuyện cụ thể, ít phê bình nhau, ít chỉ ra chỗ nào tốt, chỗ nào chưa tốt để cùng rút kinh nghiệm, nên đi họp về ai cũng có cảm giác là mình tốt" – ông Thưởng nhìn nhận vấn đề.
“Có một đơn vị gửi dự án gửi cho Ủy ban nhân dân TP (UB), UB giao cho Sở Tài nguyên và Môi trường (TNMT) xem xét, Sở xem xét xong lại đề nghị UB giao cho sở Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT) chủ trì lấy ý kiến của các sở ngành khác và báo cáo lại UB.
Khi sở KHĐT lấy ý kiến thì các sở ngành đồng ý hết. Tuy nhiên sau đó sở KHĐT lại đề nghị đơn vị đó nghiên cứu để hoàn chỉnh dự án, nơi này cũng đề nghị UB giao cho sở TNMT chủ trì làm việc lại với các đơn vị và trình cho UB.
Trong khi dự án người ta gửi không ai góp ý gì hết thì hoàn chỉnh cái gì? Tôi nói thiệt, đến tôi đọc tôi còn không hiểu.
Cái này không phải lòng vòng thì là cái gì? Nó không phải là hành thì là cái gì? Nó không phải là hạn chế, kéo dài thời gian gia nhập thị trường của doanh nghiệp thì là cái gì?” – ông Thưởng bức xúc nói.
Ngoài ra ông còn đưa thêm một điểm mà ông cho rằng cần khắc phục mạnh mẽ là: “Tính công bằng trong đối xử của chính quyền đối với các doanh nghiệp chưa cao”.
Theo ông chính quyền đang xử lý không công bằng đối với doanh nghiệp và thậm chí “có phần nào đó không đàng hoàng”.
Ông Thưởng cho rằng: “Vừa rồi mình có thông báo một số doanh nghiệp nợ thuế trên trang web, tôi hoan nghênh việc này, như vậy là công bằng. Nhưng có câu chuyện thế này.
Vậy nhà nước nợ người dân cái gì các đồng chí có dám công khai không? Thanh toán xây dựng cơ bản các đồng chí chậm bao nhiêu?
Làm bao nhiêu thủ tục mới được thanh toán? Người dân gửi khiếu kiện khiếu nại các đồng chí công bố được không? Cái này cũng phải công bằng chứ!”.
"Nghe mà buồn các đồng chí ơi!"
Phát biểu về vấn đến cải cách, hoàn thiện thể chế và đóng góp của TP.HCM cho Trung ương, ông Thưởng cho rằng thể chế là để phục vụ cho phát triển, trong khi TP.HCM là trung tâm về nhiều mặt.
“Bởi vậy nếu chúng ta không đóng góp là không hoàn thành vai trò cũng như sự kỳ vọng của cả nước. Nhưng nếu để đóng góp thì chúng ta phải có xử lý phù hợp giữa sự vụ và nghiên cứu những vấn đề chung” – ông Thưởng nói.
Về ứng dụng công nghệ thông tin trong cải cách hành chính ông Thưởng cho biết hiện TP.HCM đang bị xếp ở mức dưới 20 so với các tỉnh trong cả nước.
“Ở khu vực phía Nam chúng ta thua Bình Dương, Đồng Nai, nói xin lỗi chứ ta thua cả một tỉnh ở rất xa là Hà Giang. Nghe mà buồn các đồng chí ơi!” – ông chia sẻ và chỉ đạo rằng: “Mình phải cải thiện ngay vấn đề này.
Đâu phải chúng ta không có tiền? Không phải mình không có điều kiện và cũng không phải do… diễn biến hoà bình gì hết. Cái này do chúng ta thôi”.
Phó Bí thư Thành ủy TP.HCM Võ Văn Thưởng nhấn mạnh: “Cái gì xã hội, người dân làm được thì để họ làm, quan điểm là cái gì xã hội, doanh nghiệp làm được thì nhà nước không làm.
Chúng ta phải vừa động viên vừa khuyến khích họ. Có nhiều chuyện chúng ta ôm, ôm từ nhỏ tới lớn không được đâu!”.
“Trong thông tin tuyên truyền ta luôn đi sau.
Chúng ta có hệ thống báo chí mạnh, có thể chủ động đưa tin, mỗi tuần họp Ban tuyên giáo đều phân công cho các Giám đốc sở trao đổi với báo chí về những vấn đề của ngành mình, tuy nhiên lại lúng túng và ngại gặp nên có những vấn đề đáng lý phải chủ động thì lại luôn đi theo sau”.
“Khi thực hiện các chương trình đột chúng ta phải làm sao để các sở ngành liên quan tham gia ngay từ đầu và rất tích cực.
Tôi thấy đồng chí giám đốc sở Giao thông Vận tải gửi một văn bản xin ý kiến các đồng chí giám đốc sở khác và các quận huyện về chương trình giảm ngập nước để trình thành ủy.
Vậy nhưng tới ngày cần có ý kiến thì không có nơi nào ý kiến hết, giống như chuyện ngập nước là của ông nào ấy chứ không phải của mình!”
Phó Bí thư Thành ủy TP.HCM Võ Văn Thưởng
theo Infonet

Thư gởi ông Võ Văn Thưởng

Ông Võ Văn Thưởng (áo xanh, bên trái) khi còn là bí thư tỉnh Quảng Ngãi vẫn trực tiếp tiếp nhận và giải quyết bức xúc của ngưởi dân địa phương - Ảnh: Hiển Cừ
Ông Võ Văn Thưởng (áo xanh, bên trái) khi còn là bí thư tỉnh Quảng Ngãi vẫn trực tiếp tiếp nhận và giải quyết bức xúc của ngưởi dân địa phương - Ảnh: Hiển Cừ
Người lãnh đạo chỉ có thể hiểu đúng thực trạng của tình hình, hiểu đầy đủ tâm tư của công chúng khi "vi hành".
Trả lời câu hỏi: “Cá nhân ông sẽ lắng nghe người dân thông qua kênh nào?” của một tờ báo, ông Võ Văn Thưởng, ủy viên trẻ nhất bộ chính trị khóa 12 vừa mới được bầu, nói: “Gặp gỡ trực tiếp là quan trọng nhất, ngoài ra thông qua phản ảnh của đại biểu Quốc hội, HĐND, thông qua các báo cáo nghiên cứu dư luận xã hội, của MTTQ và đoàn thể, các tổ chức cơ sở Đảng và các cơ quan truyền thông, báo chí. Thông qua những kênh đó, tâm tư của dân được lãnh đạo TPHCM cập nhật hàng ngày”.
Tôi viết thư ngỏ này đến ông để xin bổ sung một kênh cực kỳ quan trọng của người lãnh đạo, đó là "vi hành".
Mấy chục năm qua, từ chuyện vĩ mô là hoạch định đường lối chính sách, ban hành luật pháp cho đến chuyện vi mô là các cơ quan quản lý ra quyết định giải quyết từng vấn đề cụ thể, bài học chung là khi nào những người có thẩm quyền nắm đầy đủ tình hình thực tế khách quan, tường tận các ngóc ngách, ẩn tình bên trong của sự việc, hiểu biết đúng và đầy đủ các yêu cầu do thực tế đặt ra, nắm được quy luật vận động và trong phát triển thì chính sách, pháp luật, thì giải pháp đưa ra nhanh chóng đi vào cuộc sống và giải quyết được các vấn đề do cuộc sống đặt ra. Nếu ngược lại thì chính sách, pháp luật, giải pháp đưa ra sớm muộn gì cũng chết yểu, tệ hơn, còn góp phần làm cho đất nước tụt hậu, làm tổn hại đến uy tín của cơ quan và người ra quyết định.
Theo tôi, để lãnh đạo TPHCM hiểu đúng và đầy đủ thực tế, có lẽ không có cách gì hữu hiệu hơn là "vi hành".
Ngày 20.8.2015, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã “cải trang” khi tham dự buổi làm việc của đoàn công tác do Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương Nguyễn Đình Cung dẫn đầu với một số doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Hải Phòng về một số giải pháp pháp cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Sau khi lắng nghe các doanh nghiệp trình bày những vướng mắc về thủ tục hải quan và thuế, trong buổi làm việc với lãnh đạo thành phố Hải Phòng, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam phải thốt lên: “Nếu không trực tiếp nghe, tôi không tưởng tượng có những chuyện như vậy!”.


Lãnh đạo vi hành là để không bị che khuất bởi tầng nấc hành chính, để hiểu đầy đủ thực trạng, hiểu đúng lòng dân, từ đó có quyết sách, giải pháp phù hợp. Vi hành cũng còn là phương cách hữu hiệu để trị bệnh vô cảm, đề nuôi dưỡng cảm xúc cách mạng mà người lãnh đạo chân chính cần phải có.

Chắc chắn rằng, thời gian trước kia, với trọng trách của mình, nhất là khi giữ cương vị Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn Phòng Chính Phủ, ông Đam cũng đã từng đọc nhiều báo cáo, xem nhiều biên bản ghi ý kiến phản ảnh vướng mắc của doanh nghiệp do các tổ chức đại diện doanh nghiệp, các hội nghề nghiệp, các tỉnh thành trình lên chính phủ, nhưng phải đến khi được trực tiếp mắt thấy tai nghe các bức xúc của doanh nhân thì vị lãnh đạo này mới vỡ lẽ rằng: À, có những chuyện vô lý ngoài sức tưởng tượng nhưng vẫn tồn tại trong thực tế!
Tôi nghĩ rằng, khi đọc báo cáo của cấp dưới, cho dù báo cáo phản ảnh đầy đủ trung thực các vướng mắc và những ý kiến đóng góp đến đâu đi nữa, thì người lãnh đạo cũng không thể đọc được thái độ, không cảm được nỗi bức xúc thể hiện qua giọng nói, cử chỉ, không thấy được ánh mắt mệt mỏi, chán chường... của những người phát biểu. Đó là chưa kể đến việc cấp dưới làm báo cáo không đạt yêu cầu hoặc cố tình che dấu sự thật hay một phần sự thật.
Người lãnh đạo chỉ có thể hiểu đúng thực trạng của tình hình, hiểu đầy đủ tâm tư của công chúng khi "vi hành". Mục đích của "vi hành" là để lãnh đạo biết sự thật: chính sách, pháp luật, các chỉ đạo đã và đang được triển khai trong cuộc sống như thế nào, hiệu quả ra sao, có phù hợp với đòi hỏi của thực tế hay không? Các vướng mắc cần tháo gỡ thực sự là gì?
"Vi hành" cũng để kiểm tra, đánh giá mức độ trung thực của các báo cáo do cấp dưới đệ trình, nhất là các báo cáo thành tích. Vi hành để biết nhân dân thực sự nghĩ gì về lãnh đạo và bộ máy thừa hành có quan hệ trực tiếp hàng ngày với nhân dân… Chắc chắn rằng những điều rất quan trọng này – có mối quan hệ sinh tử trong quan hệ giữa Đảng – Nhà nước – Nhân dân không bao giờ lãnh đạo có thể tìm thấy trong các báo cáo hành chính.

Mục đích của vi hành là để lãnh đạo biết sự thật: chính sách, pháp luật, các chỉ đạo đã và đang được triển khai trong cuộc sống như thế nào, hiệu quả ra sao, có phù hợp với đòi hỏi của thực tế hay không? Các vướng mắc cần tháo gỡ thực sự là gì?


Thành phố Hồ Chí Minh là thành phố lớn nhất nước với cả chục triệu dân. Để đưa ra được phương hướng, mục tiêu và giải đáp đúng, đáp ứng lòng dân, thì rất cần cán bộ lãnh đạo các cấp "vi hành". Muốn biết và cảm nhận được nỗi khổ, sự mệt mỏi do phải chờ đợi của người bệnh thì cứ 5 giờ sáng, mời các vị "vi hành" đến bệnh viện công tuyến trên để cùng chờ đăng ký khám bệnh, cùng chờ được khám bệnh, cùng chờ lấy đơn thuốc, cùng chờ nhận thuốc để biết thế nào là khám bệnh 2 phút nhưng phải tốn cả buổi, thậm chí cả ngày chờ đợi. Tương tự, hãy cải trang là doanh nghiệp và vi hành để biết đầy đủ sự thật về quá trình thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu, những vất vả khi hoàn thuế và bao nhiêu con dấu để xin được giấy phép xây dựng…
Tuy nhiên, "vi hành" không chỉ là cấp lãnh đạo cải trang, đóng giả một vai trò thích hợp để tiếp cận thực tế . Báo chí từng nêu cách mà cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã làm để hiểu hết “bụng dạ” của giới nghệ sỹ thành phố Hồ Chí Minh, tôi nghĩ cũng là hình thức "vi hành" của lãnh đạo. khi còn làm Bí thư Thành ủy TP.HCM, ông Võ Văn Kiệt đã đề nghị báo Tuổi Trẻ tổ chức cuộc gặp gỡ với anh chị em nghệ sỹ trên địa bàn thành phố để các nghệ sỹ nói hết những chuyện ruột gan với các nhà báo, còn ông thì bí mật ngồi nghe sau một bức màn. Do không có lãnh đạo cao cấp ngồi dự nên các nghệ sỹ nói hết thực trạng đáng báo động: hơn 3 năm sau ngày giải phóng, tức giai đoạn 1978 – 1979, mà nhu cầu thưởng thức âm nhạc của người dân vẫn chưa bình thường, người dân muốn nghe ca nhạc chẳng biết đi đâu và sẽ được nghe những bản nhạc nào vì phòng trà ca nhạc đóng cửa hết, ban đêm thành phố buồn hiu. Các nghệ sỹ nói không chút e dè và nhờ vậy Bí thư thành ủy Võ Văn Kiệt đã nắm được thực chất của tình hình. Sau cuộc nghe bí mật đó của ông Võ Văn Kiệt, hàng loạt tụ điểm ca nhạc ngoài trời đã được tổ chức trong khắp thành phố.
Tóm lại, lãnh đạo "vi hành" là để không bị che khuất bởi tầng nấc hành chính, để hiểu đầy đủ thực trạng, hiểu đúng lòng dân, từ đó có quyết sách, giải pháp phù hợp. "Vi hành" cũng còn là phương cách hữu hiệu để trị bệnh vô cảm, đề nuôi dưỡng cảm xúc cách mạng mà người lãnh đạo chân chính cần phải có.
Mong rằng sắp tới, ông Võ Văn Thưởng và lãnh đạo TPHCM thường xuyên "vi hành" để hiểu dân và lo được cho dân. Làm được như vậy chắc chắn sẽ có sức lan tỏa mạnh mẽ đến bộ máy cấp dưới.
Nguyễn Thiện
Bài viết thể hiện văn phong và góc nhìn của tác giả, một doanh nhân sống tại TP.HCM.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

TT&HĐ I - 9/d

MUÔN MẶT ĐỜI THƯỜNG III/104

MỌC CÁNH