CÂU CHUYỆN VỤ ÁN 82
(ĐC sưu tầm trên NET)
Huyền Thoại Ivan Robert Marko Milat (hay The Backpacker Murderer, The Australia's Worst Serial Killer, Kẻ Sát Nhân Ba Lô, Kẻ Sát Nhân Đáng Sợ Nhất Nước Úc)
Không
phải duy nhất một vụ án mạng mà hàng loạt vụ giết hãm hiếp, giết người
chỉ do một tên tội phạm gây ra đã “đi vào lịch sử nước Úc” với thủ đoạn
tàn bạo và cách che giấu tội ác kín kẽ của mình. Trước những bằng chứng
rành rành, Ivan Robert Marko Milat bị kết tội đã ra tay sát hại 7 khách
du lịch và chờ ngày toà phán quyết. Đáng lẽ ra, phiên toà xét xử Ivan dự
định sẽ diễn ra vào tháng 02/1995, nhưng do một vài rắc rối trong việc
tập hợp giấy tờ, ngày phán xét đã hoãn lại cho tới tháng 06/1996. Cuối
cùng, sau nhiều ngày chờ đợi, người dân Australia đã được nghe bản cáo
trạng tuyên bố mức hình phạt gã sát nhân gây chấn động quốc gia này vào
ngày 27/07/1996.
Trời
cao trong xanh, không khí thoáng đãng của tiết trời mùa xuân, đó là một
ngày rất thích hợp để đi vào rừng, hoà vào cuộc sống thiên nhiên hoang
dã. Ken Seily đứng trầm ngâm, hít sâu để cảm nhận không khí trong lành
len vào từng ngóc ngách trong cơ thể. Nơi đó cách xa sự ồn ào và ô nhiễm
của thành phố Sydney sầm uất 2 tiếng đi xe về phía Bắc, nơi ông sống và
làm việc. Giống như bao năm qua, đây là quãng thời gian ông chờ đợi
nhất trong tuần để chạy bộ thư giãn đầu óc sau những ngày làm việc căng
thẳng.
Bình
thường, Ken đi bộ hoặc chạy tới nơi đã định trước một mình, song vào
thứ bảy, ngày 19/09/1992 đó, CLB ông tham gia lại lên kế hoạch cho một
buổi ngoại khoá đặc biệt bằng việc băng xuyên qua khu rừng Belangalo
State rộng 160 hecta. Còn Ken chẳng có mấy thiện cảm với rừng. Mọi thứ
xung quanh đều là màu xanh của bạch đàn, bụi rậm và sự hoang dã luôn
khiến ông cảm thấy cái gì đó bất an.
Sau
khi nghe lời chỉ dẫn ngắn ngủi trước giờ lên đường, Ken và đồng đội,
Keith Caldwell bắt đầu những bước chạy đầu tiên. Môn thể thao này không
giống như đua xe đường trường, nội dung mà người chơi được khảo sát địa
hình kỹ lưỡng trước khi vào cuộc. Đầu giờ chiều, họ đã tiến vào sâu
trong rừng và có chỗ địa hình rất hiểm trở với con đường gần như dốc
đứng. Sau khi vượt qua những vị trị được định ra trong cuộc thi (nửa dặm
lại có một cột mốc tính điểm), cả 2 chuẩn bị đi tới khu vực thứ 4, được
đánh dấu bằng một tảng đá lớn. Khi tiến lại gần tảng đá, Ken ngửi thấy
mùi khó chịu. Anh ta nghĩ rằng đó là mùi của động vật chết, một điều
không có gì lạ bởi khu rừng này là nơi rất nhiều động vật hoang dã trú
ngụ.
Loại
bỏ chúng ra khỏi suy nghĩ, Ken cố gắng tìm kiếm vị trí đánh dấu. Cách
đó không xa, Keith cũng nhận thấy có gì đó bất thường và hỏi: "Cậu có
ngửi thấy mùi đó không?". Mùi bốc lên càng mạnh khi họ đi về hướng Tây
của tảng đá lớn. Bên dưới một mô đất nhô lên, họ thấy một đống đổ nát
rộng chừng 2m và cao 60cm. Tiến lại gần hơn, 2 người đàn ông nhìn thấy
một mảnh xương và một mảng tóc. Họ không chắc đó là một người đàn ông
cho đến khi nhìn thấy một phần của chiếc áo phông màu đen. Cả 2 đi thật
chậm xung quanh đống đổ nát cho tới điểm cuối cùng, họ dừng lại và nhìn
chằm chằm xuống mặt đất, cố gắng hiểu xem điều gì đã xảy ra. Ở đó, một
chiếc gót giày nhô ra.
Lúc đó là 3h45 phút chiều. Cả khu rừng chẳng mấy chốc bị bóng tối bao phủ khi
mặt trời bắt đầu xuống núi. Họ cẩn thận đánh dấu vị trí này ở trên bản
đồ, cách 243m về hướng Tây Nam của con đường mòn. Một quyết định được
đưa ra, quay trở lại nơi xuất phát hay tiếp tục cuộc hành trình. Cuối
cùng, họ quyết định đi tiếp và chỉ nửa giờ sau đã nhập lại với đám bạn.
Tất cả đồng ý rằng sẽ phải báo cáo vụ này cho chính quyền càng sớm càng
tốt. Họ liền gọi tới đồn cảnh sát ở Bowral, một thì trấn nhỏ xinh đẹp,
ẩn mình ở phía Nam tiểu bang New South Wales. Seily, một người trong
đoàn nói với nhân viên trực điện thoại: "Tôi tìm thấy một cái xác ở khu
rừng Belangalo".
Khi
cảnh sát tới nơi, ánh sáng ban ngày gần như đã tắt hẳn. Họ phải dùng
đuốc để đánh dấu đường đi. Chẳng bao lâu sau, các thám tử địa phương
cũng tới và yêu cầu sự trợ giúp của đội trọng án từ Goulburn, thị trấn
ngay kế bên về hướng Nam. Không ai lúc bấy giờ có thể nghĩ rằng xác chết
tìm thấy khi đó sẽ dẫn đến một vụ điều tra giết người lớn nhất trong
lịch sử nước Úc.
Khu
vực được phong toả điều tra nhiều ngày sau đó, 2 nhân viên cảnh sát
Roger Gough và Suzanne Roberts đã tìm được thi thể thứ 2, nằm cách thi
thể thứ nhất khoảng 30m về hướng Đông. Theo thông báo từ phía chính
quyền cho hay, đó là thi thể của 2 khách du lịch người Anh, Caroline
Clarke và Joanne Walters. Họ đã mất tích 5 tháng sau khi rời Kings Cross
đi về phía Nam để tìm việc. Tuy nhiên, cảnh sát vẫn chưa khẳng định
thông tin trên. Các cơ quan truyền thông đã vào cuộc để giúp sớm tìm ra
tung tích nạn nhân. Nhờ đó ở Úc và nhiều nơi khác trên thế giới, một vài
gia đình đã nghe được thông tin về sự việc đã liên lạc với chính quyền
để xác định chính xác thông tin về các nạn nhân.
Ở
Đức, Manfred và Anle Neugebauer cho hay con trai họ Gabor và bạn gái
cậu ta Anja bị mất tích từ Giáng sinh năm 1991. Herbert Schmidl, sống
tại Regensburg, gần Munich cũng nghe tin và mong rằng trong số các xác
chết không có cô con gái độc nhất của anh, Simone, mất tích kể từ khi
rời Sydney năm 1991. Cách vài trăm cây số về phía Nam Belangalo, ở
Frankston Victoria, Pat Everist cũng thông báo về sự biến mất của con
gái bà, Deborah và bạn cô bé, James Gibson từ năm 1989.
Có
rất nhiều thông tin xác nhận được chuyển tới nhưng đến cuối buổi chiều
ngày Chủ nhật, 20/09, cảnh sát đã khẳng định hai thi thể đó là của
Caroline Clarke và Joanne Walters. Bố mẹ Joanne, Ray và Jill Walters
cũng tới Úc được chừng 1 tháng để tìm kiếm đứa con gái của mình song vô
ích. Cảnh sát liên lạc với họ và thông báo tin xấu. Chính quyền cũng gọi
điện cho Ian và Jacquie Clarke, hiện sống ở Anh và cho họ biết tin về
cái chết của cô con gái Caroline.
Bên
cạnh việc xác định nhân thân của 2 thi thể, hồ sơ vụ giết người cũng
được đẩy lên hàng đầu bởi mức độ nghiêm trọng cũng như tàn nhẫn. Joanne
Walters bị đâm xuyên tim và phổi cũng có vết cắt sâu tới tận cột sống.
Caroline Clarke cũng bị đâm và bắn nhiều phát súng vào đầu. Các thanh
tra thuộc tổ trọng án, Bob Godden và Steve McClennan được phân công chỉ
huy vụ điều tra. Sau khi tới hiện trường vụ án, với kinh nghiệm của
mình, McClennan cho biết các thi thể được tìm thấy ở khu vực biệt lập,
bởi vậy không loại trừ khả năng hung thủ biết rất rõ nơi này và sống ở
gần đây.
Các
thanh tra xem xét hiện trường hàng giờ liền và cũng yêu cầu chụp hình
từng chi tiết xung quanh đó. Thi thể của Joanne Walter vẫn còn đeo trang
sức ở cả 2 tay và cô mặc một chiếc quần jean xanh, đi giày màu đen. Lạ
một điều là chiếc khoá quần đã bị mở ra nhưng cái khuy trên cùng vẫn
được đóng chặt. Cách cái xác của Caroline Clarke chừng 4 mét, 6 mẩu đuôi
xì gà cùng loại được tìm thấy. Điều này chứng tỏ đã có người ở lại hiện
trường một khoảng thời gian tương đối lâu.
Cách
đó không xa, một viên đạn cỡ 22mm được tìm thấy bên cạnh một mảnh nhựa
màu xanh lá cây có kích thước lớn hơn đồng xu. Các chuyên gia về súng
cũng sử dụng máy dò tìm kim loại trong khi kiểm tra hiện trường và tìm
được 9 vỏ đạn khác cách xác của Caroline hơn 3 mét. Ngoài ra, trong đầu
thiếu nữ xấu số này cũng tìm được 3 đầu đạn. Các điều tra viên thuộc đội
súng tự tin khẳng định với những gì tìm được tại hiện trường, họ có thể
sẽ biết chúng được bắn ra từ khẩu súng nào. Ngoài ra, một vài điều lạ
cũng được tìm thấy ở sâu trong rừng.
Trong
5 ngày sau đó, 40 cảnh sát được huy động tìm kiếm ở phạm vị rộng 152
mét và sâu một dặm rưỡi nhưng không tìm thấy thêm được thi thể nào hay
những vật dụng cá nhân của 2 cô gái. Sau khi tìm kiếm, cảnh sát thông
báo với giới truyền thông rằng gần như chắc chắn không còn thi thể thứ 3
ở trong rừng. Đó là thông báo chứng tỏ rằng sở cảnh sát New South Wales
đang rất lúng túng trong vụ việc này.
Bác
sĩ Peter Bradhurst, pháp y được chỉ định tiến hành khám nghiệm tử thi,
một công việc không hề dễ dàng khi xác chết đã phân huỷ. Tử thi được đưa
ra khỏi rừng và chuyển về nhà xác ở Glebe, ngoại ô Sydney. Ban đầu, ông
tiến hành cân sau đó chụp x-quang cơ thể của Joanne để tìm xem có đầu
đạn hay mảnh kim loại nào ở trong người không. Xác của Caroline cũng
được khám nghiệm như vậy nhưng công việc khó khăn hơn nhiều bởi các bộ
phận bị phân huỷ rộng hơn Joanne. Họ phải bọc xác cô gái lại mới có thể
tiến hành chụp x-quang và 4 đầu đạn được tìm thấy chứ không phải 3 như
phán đoán ban đầu.
Kế
đó, bác sĩ Bradhurst mới bắt đầu kiểm tra phía bên ngoài cơ thể để xác
định những chứng cớ giúp cảnh sát điều tra. Trên áo và tay Joanne có một
vài sợi tóc đen. Một miếng vải dùng để bịt miệng cô gái được lấy ra và
trong cổ họng cũng phát hiện miếng vải khác, khiến người ta đưa ra giả
thuyết nạn nhân bị chết ngạt. Ngoài ra, không có dấu hiệu nào cho thấy
Joanne đã bị cưỡng bức trước khi chết, tuy nhiên, cơ thể đang ở giai
đoạn phân huỷ nên chưa thể khẳng định chắc chắn được điều này.
Bởi
vậy, cuộc phẫu thuật âm đạo được tiến hành vì tinh trùng vẫn có thể nằm
trong cơ thể vài tuần, thậm chí vài tháng. Joanne bị đâm 3 nhát vào
ngực phải, 1 vào ngực trái và 1 nhát ở cổ. Những chi tiết đó đủ cho mọi
người thấy nạn nhân đã bị tấn công dã man đến thế nào. Không chỉ có vậy,
2 vết chém khác được tìm thấy bên hông trái, 5 vết khác ở bên phải và 2
vết kéo dài từ gáy cho tới dọc cột sống. Tổng cộng 14 vết thương được
tìm thấy. Kết quả mổ tử thi cho biết 5 vết đâm ở trên đều xuyên từ đằng
trước và chạm tới cột sống. Bác sĩ Bradhurst khi đó khẳng định đó là
những đòn chí mạng cướp đi mạng sống của cô gái trẻ xấu số.
Một
chi tiết nữa được chú ý: bàn tay và cánh tay của nạn nhân không hề có
một vết chém nào, điều này bất bình thường bởi khi bị tấn công bằng dao,
thông thường con người ta sẽ theo phản xạ giơ tay ra đỡ. Cộng thêm
miếng vải bịt mồm và dải dây buộc cổ, rõ ràng hung thủ hoàn toàn kiểm
soát tình hình trong khi ra tay sát hại. So sánh độ dài và rộng của
những vết thương, bác sĩ pháp y cho hay đó có thể xuất phát từ một cái
mác (vật dụng người ta dùng để đi săn) hay những con dao tương tự như
vậy.
Còn
2 tay của Caroline Clarke thì bị trói vòng qua đầu và bị chùm bằng một
miếng vải đỏ. Lỗ thủng do đạn gây ra được nhìn thấy dễ dàng. Bác sĩ pháp
y nhẹ nhàng gỡ miếng vải ra và kiểm tra những vết thương được nhìn thấy
bằng mắt thường. Có tới 10 vết đạn được bắn vào đầu nhưng chỉ tìm được 4
đầu đạn ở bên trong. Cả 4 đều là loại 22mm. Phía trước mặt, quai hàm bị
vỡ, có thể là do tác động khi bị bắn. Caroline chỉ bị chém một nhát
phía sau lưng và vết thương cũng giống như nạn nhân đầu tiên. Các đầu
đạn được tìm thấy trong người cô gái được chuyển cho trung sĩ Gerard
Dutton để đưa tới kiểm tra tại khu đạn đạo học. Anh ta tin rằng chúng
hoàn toàn trùng khớp với những vỏ đạn được tìm thấy tại hiện trường và
cùng được bắn ra từ một khẩu súng.
Theo
kinh nghiệm của pháp y, các vết thương cho thấy nạn nhân bị bắn từ 3
hướng khác nhau, song cả 10 vết đạn đều rất gần nhau. Trung sĩ Dutton
đưa ra giải thuyết hung thủ chỉ đứng một chỗ và bắn trong khi Caroline
đang cố gắng chạy thoát.Ở bên ngoài nhà xác, giáo sư John Hilton thuộc
viện kiểm sát không tiết lộ cho báo chí về mức độ thương tích cũng như
tính tàn bạo mà các nạn nhân phải hứng chịu.
Vài
tuần sau khi phát hiện ra 2 nạn nhân, thanh tra Godden và McLennan vẫn
tiến hành thu thập chứng cứ. Tuy nhiên, những manh mối ít ỏi tìm thấy
khiến họ không thể khoanh vùng đối tượng và trên thực tế, vụ án khi đó
đã đi vào ngõ cụt. Song các điều tra viên quyết tâm không bỏ cuộc bởi dư
luận đang rất quan tâm về vụ giết người dã man này. Trong quá trình tìm
hướng đi cho vụ án, tiến sĩ Rod Molton, một bác sĩ khoa tâm thần với
hơn 20 năm kinh nghiệm với những tội phạm giết người đã được hỏi để có
sự tư vấn trong việc điều tra. Ông từng tham gia vào vụ truy lùng tên
tội phạm giết người liên hoàn gây chấn động phương Bắc, John Wayne
Glover, kẻ đã giết chết 6 phụ nữ lạ mặt cao tuổi vào năm 1989.
Hồ
sơ tiến sĩ Milton đưa cho cảnh sát hoàn toàn có ích ngoại trừ lứa tuổi.
Ông cho hay hung thủ có thể chỉ là một thiếu niên bởi trong lịch sử
điều tra tội phạm dạng này, hầu hết những kẻ giết người đều dưới 20
tuổi. Song đó chỉ là giả thiết xuất phát từ kinh nghiệm và sách vở.
Các
thanh tra đưa Milton tới Belangalo theo yêu cầu của vị tiến sĩ. Giải
thích về điều này, ông cho hay mặc dù mình được cung cấp đầy đủ thông
tin và hình ảnh mà cảnh sát có, nhưng ông vẫn muốn tới hiện trường để có
thể cảm thấy được cách mà hung thủ tấn công các nạn nhân. Milton xuống
xe, tiến gần lại nơi 2 cái xác được tìm thấy. Sau khi bước đi chậm rãi
xung quanh khu vực đó một vài lần, ông nhẹ nhàng ngồi xuống và suy nghĩ
tại sao hung thủ chọn vị trí này. Tại sao hắn lại để các nạn nhân ở đây
và động cơ là gì?
Suy
nghĩ đầu tiên Milton để ý chính là hung thủ rất thân thuộc với địa hình
nơi đây, ông biết những tên giết người rất hiếm khi ra tay ở những khu
vực xa lạ. Tiếp tục đi giữa khu vực 2 nạn nhân chết, Milton hỏi cảnh sát
chi tiết về vụ việc. Những thứ gì đã được tìm thấy và ở đâu? Ông suy
nghĩ về sự khác nhau giữa 2 cái chết.
Caroline
Clarke bị giết trong khi đang mặc quần áo rét. Với những chi tiết bị
trói chùm qua đầu, rõ ràng hung thủ đã kiểm soát được cô gái. Nhiều khả
năng, phát súng đầu tiên được bắn ra trong khi Caroline đang quỳ. Quần
áo của cô không hề bị xộc xệch ngoại trừ chiếc áo lót chưa cài. Và ở
thời điểm nạn nhân chết, trang phục của cô cũng không có dấu hiệu bị cởi
bỏ. Bởi vậy, Milton khẳng định nạn nhân không bị giết vì động cơ tình
dục. Và ông cũng tin rằng vết chém cuối cùng phía sau lưng như thể hung
thủ khẳng định mình hoàn toàn kiểm soát nạn nhân, hay cũng có thể đó là
việc làm của kẻ tòng phạm. Với những nhận xét của tiến sĩ Milton, cảnh
sát bắt đầu tính đến chuyện có hơn một tên tham gia vào vụ giết người.
Với
cách lập luận này, thi thể của Joanne Walter là minh chứng hùng hồn cho
sự điên loạn của tên tội phạm. Không giống như Caroline, quần áo của
Joanne lộn xộn bởi vậy không loại trừ khả năng cô gái bị cưỡng bức. Áo
sơ mi và áo lót đã bị đẩy lên nhưng cái chốt phía sau lại không được cởi
ra. Khoá quần bị kéo xuống nhưng cúc vẫn còn nguyên. Không có chiếc
quần lót nào được tìm thấy trên người nạn nhân hay ở khu vực xung quanh.
Tiến sĩ Milton liền đưa ra lập luận rằng do giày vẫn còn trên chân nạn
nhân nên chiếc quần jean vẫn chưa thể cởi bỏ. Cũng có thể hung thủ chỉ
làm vậy để thoả mãn khát khao tình dục trong hắn trước hoặc sau khi nạn
nhân chết. Chiếc quần lót có thể đã bị cắt và lấy đi như thể một chiến
lợi phẩm.
Khi
cảnh sát hỏi về nguyên nhân cơ sở dẫn đến những hành động này, tiến sĩ
Milton chỉ trả lời: "Sự thích thú". Ông tin rằng nếu có 2 kẻ sát nhân
cùng liên quan, một tên lớn hơn sẽ chi phối mọi chuyện cho dù mức độ tàn
bạo là như nhau. Không loại trừ khả năng đó là anh em và chúng đều có
những sở thích về súng ống, săn bắn và tư tưởng lệch lạc về tình dục.
Cuối cùng tại văn phòng cảnh sát ở Sydney, tiến sĩ Milton đưa ra hướng
điều tra hung thủ cho các cơ quan chức năng:
- Sống ở ngoại ô thành phố trong một vùng nông thôn
- Được thuê làm những công việc chân tay
- Có liên quan tới mối quan hệ nào đó không ổn định hoặc không thoả mãn
- Có tiền sử về những quan hệ đồng giới
- Có tiền sử về việc chống đối chính quyền
- Tuổi chỉ khoảng trên dưới 30.
Cuối
năm đó, đội ngũ điều tra đã thu hẹp được phạm vi khoanh vùng tội phạm.
Tuy nhiên, họ cũng biết rằng, cần có chút gì đó may mắn để làm sáng tỏ
những điều bí mật trong vụ giết người ở Belangalo.
Bruce
Pryor nhiều năm nay có thói quen vào rừng Belangalo kiếm củi. Anh ta
biết rất nhiều lối mòn trong khu rừng đó song không phải khu vực nào
cũng thử đặt chân đến. Là một người dân địa phương, Bruce cũng nghe
nhiều đến vụ giết người man rợ và luôn cảm thông cho những gia đình có
nạn nhân xấu số. Anh không tài nào bỏ được suy nghĩ đó ra khỏi đầu và
trong những chuyến đi rừng sau đó, Bruce luôn tự mình đi tới những khu
vực mình chưa bao giờ đến mà không hiểu lý do tại sao. Kể từ khi cảnh
sát cho triệu tập dân cư quanh vùng để thông báo về cái chết của 2 vị
khách trẻ tuổi ở Toà thị chính Bowral và cho biết hung thủ nhiều khả
năng biết rất rõ khu rừng này. Nhiều ngày sau đó, suy nghĩ về những xác
chết trong rừng luôn hiện hữu trong công việc cũng như giấc ngủ.
Một
buổi sáng, Bruce thức dậy và tới Belangalo, việc làm mà anh không hề
lên kế hoạch. Bruce lái chiếc xe tải tới đó. Nhưng không đi hết con
đường lớn như thường lệ, anh rẽ xuống một lối nhỏ có tên gọi "Morice
Fire Trail". Khi đến một ngã 3, Bruce biết rõ lỗi đi bên tay phải sẽ dẫn
tới con đường được gọi "Cearly"s Exit Fire Trail", còn anh chưa bao giờ
rẽ trái, hướng đi dẫn tới một khu vực chỉ toàn đá.
Bruce
ra khỏi xe rồi thơ thẩn đi loanh quanh đó mà vẫn không thể hiểu nổi tại
sao mình lại có mặt ở đây. Khi cách chiếc xe khoảng 45 mét, anh ta dừng
lại và nhìn chằm chằm xuống đất, tim đập thình thịch trong lồng ngực.
Bruce giẫm lên một cái xương lớn, trông như của người. Anh ta sốc và cố
gắng động viên mình có thể đó chỉ là của kangaroo. Ngập ngừng một lúc,
anh nhấc cái xương lên và ướm thử vào đùi mình rồi nhận ra chúng dài gần
như nhau. Nhưng cũng có thể đó chỉ là xương động vật. Bruce đặt nó
xuống rồi đi tiếp về phía trước. Người đàn ông này đi từ từ, ngó nghiêng
xung quanh với hy vọng sẽ tìm được phần còn lại của bộ xương kangaroo.
Khi tới đỉnh đồi, anh quyết định quay trở lại chiếc xe ô tô nhưng lại đi
hơi chếch sang hướng khác.
Và
rồi một cảnh tượng hãi hùng đã diễn ra ngay trước mắt khiến Bruce dựng
tóc gáy. Chưa bao giờ trong đời anh ta lại thấy một cái đầu lâu ở ngay
trước mắt mình. Nó nhỏ, có thể là của đứa trẻ mới lớn hoặc một người phụ
nữ. Một phần của hàm dưới đã bị vỡ và nhìn kĩ hơn, anh ta thấy một vết
cắt nhỏ ở trên trán. Trông giống như một vết dao cắt.
Quá
hoảng hốt trước những việc đang diễn ra, Bruce không biết mình nên làm
gì tiếp theo. Lo sợ không có ai tin mình, anh ta mang chiếc đầu lâu quay
trở lại xe, bọc trong một túi vải rồi đi ra khỏi rừng. Khi ra gần tới
cổng, Bruce nhìn thấy một chiếc xe đỗ ngay cạnh chiếc lều nhỏ, thứ
thường được các thành viên CLB chạy định hướng sử dụng. Bruce tới lều và
nói chuyện với John Springett, một chủ thầu người địa phương.
"Anh có điện thoại ở đây chứ?", Bruce hỏi.
"Có, nhưng trên xe kia. Có chuyện gì vậy?", người đàn ông kia trả lời.
Bruce
liền kể lại câu chuyện mình đã gặp. "Tốt hơn hết chúng ta nên báo với
cảnh sát", nói xong, John ra lấy điện thoại đưa Bruce gọi cho thám tử
khu vực Bowral nhưng không ai nghe máy. Rồi anh ta thử gọi đến đồn cảnh
sát: "Tôi tìm thấy một phần bộ xương người ở rừng Belangalo".
Nửa tiếng sau, 2 nhân viên cảnh sát tuần tra gần đó đã tới chiếc lều.
"Các anh có gì cho chúng tôi vậy?", một viên cảnh sát hỏi.
"Trong
xe ô tô đó", Bruce trả lời rồi đưa họ đến chiếc xe, mở cái bọc mình đã
tìm thấy. Dường như tới thời điểm này, cảnh sát mới tin vào những gì
người đàn ông kia nói trong điện thoại và lập tức họ cũng mở bộ đàm gọi
cho 2 thám tử Peter Lovell và Steven Murphy tới giúp đỡ. Sau khi có mặt,
2 người này lệnh cho Bruce chỉ cho họ nơi anh ta tìm thấy cái đầu lâu.
Tới
hiện trường, thám tử Murphy đi sâu vào rừng thêm 36 mét rồi dừng lại,
nhìn xuống. Anh ta quay trở ra nơi người đồng sự của mình đang đứng nói
chuyện với Bruce Pryor về cái đầu lâu: "Có một đôi giày ở bụi cây đằng
kia". Nói xong, cả 2 đều nhìn Bruce với thái độ thận trọng và thắc mắc
tại sao anh ta lại có mặt ở khu vực này. Một vài cuộc gọi đã được thực
hiện và cuộc truy tìm lại bắt đầu.
Thông
tin phát hiện thêm được thi thể trong rừng được lan đi rất nhanh. Trực
thăng của vài hãng thông tấn bay lượn lờ bên trên khu vực hiện trường.
Các phóng viên và quay phim cũng tới để cố gắng thu thập tin tức. "Liệu
đó có phải cặp đôi người Đức hay họ tới từ Victoria?", các phóng viên
dồn dập đặt câu hỏi cho các thám tử song không nhận được câu trả lời nào
từ phía nhà chức trách. Đơn giản là bởi chưa ai có thể đưa ra câu trả
lời chính xác hay chí ít là tất cả vẫn đang rối bời với chính những thắc
mắc của mình: Liệu có sớm quá khi quyết định dừng cuộc tìm kiếm trước
đây? Phải chăng họ đã tìm sai địa điểm? Còn bao nhiêu người chết nữa ở
trong khu rừng này?
Ở
cuộc tìm kiếm sau đó, một chiếc áo đen đã được tìm thấy gần một trong
những khu vực có xác chết. Văn phòng chuyên nhận những thông tin báo về
người mất tích ở Sydney đã tra lại các tài liệu và cho rằng có thể thi
thể đó là của James Gibson, một chàng trai trẻ tới từ Victoria, lần cuối
cùng được nhìn thấy khi bắt xe tới phía Nam khu rừng với cô bạn gái
Deborah Everist. Họ bị mất tích từ năm 1989.
Không
lâu sau, cảnh sát cũng nghiêng về giả thiết Gibson là nạn nhân bởi cái
ba lô và máy quay của cậu ta đã được tim thấy bên cạnh đường ở phía Bắc
Belangalo cách đó 78 dặm, trong một khu rừng nhỏ khác có tên Galston
Gorge. Nhưng câu hỏi lại được đặt ra. Nếu đó là Gibson thì tại sao đồ
đạc của anh ta lại nằm ở một khu khác của Sydney, nơi có nhiều người qua
lại. Phải chăng hung thủ cố tình đánh lệch hướng điều tra của cảnh sát
về phía Nam khu rừng. Ở hiện trường vụ án, các nhà chức trách làm việc
tới nửa đêm để hoàn tất những điều tra sơ bộ và cắt cử một đội ở lại sau
khi ra về. Những ngày kế tiếp đó, hai cán bộ khoa học Grosse và Goldie
quay trở lại hiện trường với bác sĩ Bradhurst và nha sĩ của toà án Chris
Griffiths.
Cả
2 xác chết chỉ còn trơ xương nhưng vẫn khá hoàn thiện. Một vài chiếc
xương nằm rải rác xung quanh đó, có thể do động vật tha đi. Bên cạnh thi
thể đầu tiên, Grosse tìm thấy một sợi dây chuyền bạc, một chiếc vòng
tay nạm ngọc và một cây thánh giá với hình chua Giê Su trên đó. So sánh
kích thước của những vật được tìm thấy, đó có thể là của một người phụ
nữ. Cái xác thứ 2 to hơn và vẫn còn nguyên 2 chiếc giầy ở trên chân. Bác
sĩ Griffiths kiểm tra bộ xương, làm sạch những vết bẩn trên đó, xem xét
hàm răng để sớm gửi kết luận cuối cùng cho cảnh sát.
Qua
nghiên cứu, họ chắc chắn thi thể đó là của James Gibson, còn cái xác
kia là Deborah Everist. Sau đó, cả 2 bộ xương đều được mang về nhà xác
Sydney để tiến hành xây dựng lại và kiểm tra chi tiết. Cùng với những
thi thể, một vài chiếc túi đựng một vài thứ thối rữa ở khu vực đó cũng
được đem về bởi họ cho rằng đấy là rau, quần áo hay
cả hai thứ đó. Một vật dụng trên xác chết của James Gibson dễ dàng được
nhận ra, đó là cái phéc mơ tuya từ chiếc quần bò. Cái khoá được mở ra,
trong khi khuy quần vẫn còn đóng chặt.
Hôm
sau, bác sĩ Bradhurst bắt đầu khôi phục lại bộ xương theo nguyên tắc
giải phẫu cơ thể. Những chiếc xương được đưa vào một dung dịch đặc biệt
để làm sạch và những vết thương sẽ dễ dàng được phát hiện ra. Ông bắt
đầu với James Gibson. Ngoài xương tay, chân và một vài đồ trang sức,
những chi tiết quan trọng đã được phát hiện, đặc biệt là những vết bị
đâm chém bắt đầu xuất hiện. Một vết đâm bị xuyên từ ngực đến đốt sống
thứ 3. Cũng giống như những nạn nhân trước đó, đòn chí mạng đó sẽ khiến
đối tượng tê liệt và không thể chống cự.
Đương
nhiên, để làm được việc này đòi hỏi hung thủ phải có sức mạnh rất lớn
khi ra đòn. Một vết đâm khác xuyên thủng xương ức. Ngoài ra, phần ngực
trước và lưng cũng có khá nhiều thương tích. Người ta đếm được có tổng
cộng 7 vết chém trên bộ xương. Rất có thể vẫn còn nhiều cú đâm khác
xuyên vào người mà không chạm vào xương nên không thể phát hiện ra. Kích
thước và hình dáng của những vết thương cũng tương tự như của Joanne và
Caroline.
Bộ
xương nhỏ thứ 2 ở trạng thái tồi tệ hơn. Một phần xương hàm đã vỡ vụn,
một vài mảnh được tìm thấy ngay cạnh thi thể. Trên chiếc đầu lâu tìm
thấy 4 vết chém hiện rõ. Hai vết ở cạnh đầu nhưng không đủ sâu để lấy đi
mạng sống của nạn nhân.
Trong
khi Bradhurst tiếp tục công việc của mình, tại hiện trường vụ án, các
nhân viên điều tra tìm thêm được một vài manh mối mới. Cách khoảng 9 mét
từ chỗ nạn nhân, họ tìm thấy chiếc áo lót nữ màu đen có một vết đâm
xuyên qua ngực. Sau đó, một chiếc quần bó của phụ nữ cũng được tìm thấy ở
dưới đám lá ngay gần xác chết của người con gái. Đến cuối ngày hôm đó,
sau những kiểm tra về bộ xương, người ta khẳng định đó chính là Deborah
Everist.
Sĩ
quan Clive Small được thám tử Tony Lauer cử ra chỉ đạo cuộc điều tra.
Công việc đầu tiên của ông là tập hợp tất cả những người từng tham gia
điều tra vụ án này thành một khối thống nhất. Với kinh nghiệm và sự cống
hiến của mình trước đây, Clive được hết thảy mọi người tôn trọng. Ông
có khả năng phân tích rất tốt dựa trên những chi tiết dù là nhỏ nhất hay
những điểm mọi người cho rằng chẳng hề quan trọng, viên sĩ quan này
cũng có thể dùng làm bằng chứng. Cuộc điều tra được đặt cho cái tên
“Task Force Air”.
Song
đương nhiên, Clive Small không thể một mình bao quát tất cả, bởi vậy
ông chọn thanh tra Rod Lynch làm trợ lý cho mình. Công việc của Lynch là
phối hợp và điều hành quản lý ở trụ sở chính của vụ điều tra tại
Sydney, trong khi đó Small trực tiếp giám sát tìm kiếm chứng cớ ở gần
khu rừng thuộc Bowral. Lynch phải đối mặt với thử thách gần như từ đầu.
Toà nhà được sử dụng làm trụ sở cuộc điều tra là một nhà máy cũ, nơi
từng được dùng làm văn phòng cho tổ chức điều tra tội phạm của Sydney
(C.I.B).
Sau
khi tìm được mặt bằng rộng lớn hơn, C.I.B bỏ lại nơi này trong tình
trạng nghèo nàn, không điện thoại, điều hoà, máy tính, đồ đạc, thậm chí
đường nước cũng tậm tịt. Giải quyết xong mọi vấn đề cơ bản như vậy, ông
mới bắt đầu chọn các thám tử làm công việc phân tích hàng ngàn những chi
tiết, thông tin đã và sắp nhận được. Kế đến, một đường dây nóng được
thiết lập nhằm thu thập những điều nhỏ nhặt nhất mà người dân trong vùng
có thể biết. Với kinh nghiệm lâu năm trong nghề, Lynch biết việc này sẽ
vất vả và khó khăn, tuy nhiên, đây là giai đoạn quan trọng nhất để phân
tích những “bằng chứng thực tế”, giúp đỡ rất nhiều cho quá trình phá
án.
Trong
khi đó, Small không tiến hành ngay các cuộc khảo sát trong rừng mà dành
vài ngày để nghiên cứu bản đồ và địa hình của khu vực này để lên kế
hoạch mở rộng khu vực điều tra. Chánh thanh tra Bob May tới từ đơn vị hỗ
trợ kĩ thuật được chọn làm phụ trách đội tìm kiếm. Ông phân chia khu
vực chính của khu rừng trên bản đồ thành những ô vuông, mỗi khoanh tương
đương với 200 mét vuông. 40
nhân viên được cử đi kiểm từng khu như vậy một cách kỹ càng. Từng mét
rừng bị xới tung lên, không bỏ sót bất cứ chi tiết nào. Tất cả những gì
đáng quan tâm được tìm thấy, họ sẽ phải hét lớn: “Thấy” và cán bộ khoa
học sẽ ngay lập tức tới điểm nóng, chụp ảnh, đánh dấu trên bản đồ và
những chứng cứ đó vào túi mang về nghiên cứu.
Cuộc
tìm kiếm nâng cao hơn khi một đội chó nghiệp vụ được huấn luyện đặc
biệt được đưa tới để phát hiện những gì chứa phốt pho và nitơ ở trong
đất bởi những thi thể thối rữa sẽ để lại những hợp chất này thời gian
rất lâu sau khi chết. Cách thức này đã được người ta sử dụng để đánh hơi
những ngôi mộ trong cuộc nội chiến ở Mỹ. Song song với cuộc tìm kiếm
trong rừng, tại trụ sở bên pháp chứng, đầu đạn và vỏ đạn được tìm thấy ở
hiện trường đã được xác định đều được bắn từ một khẩu súng trường tự
động. Chi tiết này có thể sẽ giúp ít nhiều cho việc khoanh vùng kẻ giết
người. Ngay lập tức, cảnh sát đã xem lại sổ sách, liệt kê ra hơn 50.000
khẩu súng trường được nhập khẩu tới Australia từ năm 1964 đến năm 1982.
Các
nhà sản xuất đã cung cấp một bản danh sách những người phân phối tại
Australia. Tuy nhiên, theo luật pháp nước này, các cửa hàng súng chỉ lưu
lại giấy tờ liên quan lúc bấy giờ, còn sau này người mua đi đâu, làm
gì, không ai hay biết. Điều này chẳng khác nào mò kim đáy bể. Thế nhưng,
một tia hy vọng dù là nhỏ nhất cũng không thể bỏ qua. Một danh sách tất
cả những vũ khí của cư dân quanh khu rừng sẽ được thu thập lại để bắn
thử nhằm tìm kiếm khấu súng trùng khớp với vật chứng thu được. Kế hoạch
này bị rò rỉ đến tai báo chí. Đương nhiên các điều tra viên hết sức tức
giận bởi họ tin rằng hung thủ nếu nghe được thông tin này sẽ phi tang
khẩu súng gây án.
Mọi
thành viên thuộc câu lạc bộ súng địa phương đều được liên hệ và vũ khí
của họ đều được đem đi kiểm tra. Một thành viên nói với các thám tử rằng
bạn của ông đã chứng kiến việc đáng ngờ trong khu rừng cách đây vài
năm. Cảnh sát đã tìm đến người đàn ông đó để rồi nhận được sự miêu tả
rất chính xác về 2 chiếc xe ô tô. Một chiếc Ford Sedan và chiếc khác 4
bánh đã xuất hiện tại một lối mòn trong khu rừng. Ông kể rằng khi chiếc
đầu tiên vượt qua mình, ông nhìn thấy ngoài tên lái xe, còn 2 gã khác
ngồi phía sau. Giữa họ là một cô gái bị nhét miếng vải vào mồm.
Trong
chiếc thứ 2 có 2 gã, một tên lái và người đàn ông còn lại ngồi cạnh một
cô gái đang bị trói. Người đàn ông đó miêu tả chi tiết cho cảnh sát tất
cả mọi thứ từ quần áo, màu sắc và ước chừng độ tuổi. Ông nói rằng ở
thời điểm đó, ông đã ghi lại biển số xe của chiếc thứ 2 nhưng đã làm mất
nó. Cảnh sát đã ghi lại tất cả lời khai và đưa ông đọc lại, nếu đồng ý
hãy kí tên vào. Và ông đã kí: “Alex Milat”.
Hai
mươi sáu ngày đã trôi qua kể từ khi thi thể của Deborah Everist được
tìm thấy trong rừng, những người tìm kiếm đã thấm mệt. Họ rà soát hầu
hết mọi khu vực được đánh dấu và bắt đầu bước đến khu vực cuối cùng cách
nơi tìm thấy xác cuối cùng hơn 4 kilômét về hướng Đông. Thời điểm bấy
giờ, cảnh sát đã chuẩn bị công bố với báo chí rằng không có phát hiện
thêm nào ở rừng Belangalo. Dẫn đầu đội tìm kiếm, hạ sĩ Jeff Trichter,
cùng một nhóm rà soát ở khu đất trống nhỏ. Một chiếc quần bò màu hồng
của phụ nữ, một sợi dây thừng dài màu xanh dương và vàng được nhìn thấy.
Bên
cạnh quần áo của nạn nhân là 22 vỏ đạn rỗng. Nhưng những vật dụng này
không có gì lạ bởi trong quá trình tìm kiếm gần 1 tháng qua, họ đã tìm
được khá nhiều thứ tương tự nhưng dường như chẳng liên quan đến vụ án.
Đi sâu hơn vào bãi đất trống, họ tìm thêm được một số vật phẩm. Một
chiếc lon rỗng bị bắn xuyên thủng, một sợi dây thép dài, một hộp vỏ đạn
và vài cái chai rỗng. Cuối bãi đất trống, hạ sĩ Trichter loé lên một suy
nghĩ: đây là nơi tập bắn.
Biết
rằng đây có thể sẽ là manh mối quan trọng, Trichter cho đội của ông
nghỉ trưa và dành thời gian còn lại trong ngày để rà soát thật kĩ khu
vực đó. Chẳng lâu sau khi họ quay trở lại công việc, một người lại hét
lớn: “tìm thấy”. Trichter rảo bước tới một khoảng đất toàn đá lởm chởm
nổi lên, nơi một viên cảnh sát có tên Rullis đang đứng đó chỉ về vật gì
đó, một chiếc xương, giống như của con người. Cách đó chừng 3 mét, họ
phát hiện thêm được 1 chiếc đầu lâu. Lập tức vị trí được đánh dấu lại,
hiện trường được dựng lên và các đội khác cũng được triệu tập đến bằng
radio.
Nhóm
tìm kiếm mở rộng khu vực rà soát xung quanh hiện trường, tuy nhiên, họ
chẳng tìm thêm được gì ngoài một mảnh xương khá to được gói trong một
tấm da thuộc màu nâu. John Goldie, người khám xét hiện trường cho hay
đấy là của một người phụ nữ. Một dải băng buộc đầu màu tím được tìm thấy
ở trên chiếc đầu lâu. Cùng với quần áo được tìm thấy gần thi thể, sau
khi so sánh với những báo cáo về người mất tích, các nhà chức trách
khẳng định bộ xương đó chính là cô gái người Đức, Simone Schmidl.
Trong
bản báo cáo người bị mất tích, một chiếc ba lô lớn và những đồ dùng để
cắm trại đã không được tìm thấy. Bác sĩ Chris Griffiths, pháp y thuộc
bên toà án đã được triệu tập đến hiện trường. Sau khi kiểm tra tổng thể,
ông cũng khẳng định đó chính là Simone.
Cô
gái trẻ thích phiêu lưu mạo hiểm được gia đình và người thân gọi với
cái tên âu yếm “Simi” xuất hiện lần cuối vào 20/01/1991, tại Liverpool,
phía Tây Sydney, chuẩn bị có chuyến đi bộ đường dài xuống phía Nam.
Chính sở thích chinh phục thử thách đã khiến cô kết thúc cuộc đời của
mình trong khu rừng cách mái ấm gia đình tới hàng ngàn cây số. Ở Đức, bố
mẹ Simone đã nghe thông tin đau buồn này trên sóng radio. Họ đã liên hệ
với cảnh sát Đức để xác nhận lại mọi chuyện. Thi thể của Simone được
chuyển về nhà và chôn cất 2 tuần sau đó.
Về
cơ bản, cảnh sát Australia vẫn tin trong rừng còn thi thể chưa được tìm
thấy bởi vẫn còn tới 2 khách du lịch người Đức nữa mất tích. Còn xác
Simone được tìm thấy với quần áo xộc xệch, áo lót đẩy cao lên phía cổ,
chiếc quần soóc màu xanh bị kéo tụt xuống. Đồ trang sức và hai đồng xu
được tìm thấy ngay bên cạnh thi thể. Chiếc quần jean màu hồng không phải
của Simone nhưng khá trùng hợp với sự miêu tả của một thiếu nữ người
Đức khác, Anja Habschied. Cô gái và bạn trai Gabor Neugebauer bị mất
tích kể từ tháng 12/1991.
Hai
ngày sau, cuộc tìm kiếm được tiếp tục, còn bộ xương được chuyển về
Sydney để tiến hành kiểm tra. Người trực tiếp làm việc không ai khác là
bác sĩ Bradhurst và ông tin hung thủ đều là một người. Công đoạn kiểm
tra cũng giống như những nạn nhân khác. Không có vết thương nào ở phần
hộp sọ. Lưng và ngực lại có khá nhiều vết chém. Hung thủ ra tay tàn nhẫn
như những vụ trước. Chẳng lâu sau khi hoàn thành công việc của mình,
ông lại nhận được thông tin báo lại từ khu rừng: “Chúng tôi đã tìm thêm
được 2 xác chết nữa”.
Bác
sĩ Bradhurst và đồng nghiệp Griffiths được đưa ngay tới hiện trường
bằng máy bay trực thăng của cảnh sát. Thi thể được cho là của Gabor nằm
dưới một bụi cây và bị một thân cây lớn đè lên. Phải nhờ tới một vài
viên cảnh sát to khoẻ mới có thể nhấc nó ra. Với những tài liệu có trong
tay, bác sĩ Griffiths xác nhận đó chính là thi thể của Gabor.
Bộ
xương khá hoàn thiện với đầy đủ quần áo, bao gồm cả chiếc quần jean với
khoá và khuy đã được mở ra. Ở xác chết thứ hai, các pháp y cho biết đó
không phải của Anja, một người phụ nữ trẻ. Trên người thi thể này chỉ
còn độc chiếc áo lót đã bị cởi nút và kéo cao lên vai, còn quần áo được
tìm thấy gần đó. Chiếc quần jean màu hồng lại được phát hiện ra cách đó
khá xa. Một điểm nữa khiến người ta quan tâm tới thi thể người phụ nữ
này, đó là đầu và 2 đốt sống đầu tiên đã bị mất. Ngoài ra không có vết
chém nào nhìn thấy bằng mắt thường.
Kiểm
tra kĩ càng hơn, bác sĩ Bradhurst khẳng định phần đầu bị chém lìa khỏi
cơ thể bằng một công cụ rất sắc bén, có thể đó là thanh gươm. Thêm vào
đó, góc độ của vết cắt cho thấy, nạn nhân khi đó có thể đang quỳ, đầu
cúi về phía trước khi bị chém. Mọi dấu hiệu như thể đã diễn ra một nghi
lễ chặt đầu như những vụ tử hình hồi xa xưa.
Người
chỉ đạo vụ điều tra, thám tử Clive Small sau đó đã có buổi trả lời
phỏng vấn nhỏ ở ngay gần hiện trường vụ án. Ông trả lời báo chí rằng đã
tìm thêm được các thi thể mới và cảnh sát đang tập hợp mọi dữ liệu để đi
tìm tên giết người liên hoàn.
Quay
trở lại nhà xác, bác sĩ Bradhurst kiểm tra thi thể Gabor một cách tổng
quát. Mồm nạn nhân được nhét 2 vật gì đó. Là người trực tiếp tiến hành
mổ xác tất cả nạn nhân từ đầu tới giờ nên ông nhớ mọi chi tiết dù là nhỏ
nhất. Vật nhét vào miệng Gabor có nhiều điểm tương đồng giống như của
Joanne Walter. Xương cuống họng có dấu hiệu nứt, nhiều khả năng hung thủ
đã bóp cổ nạn nhân. Ngoài bộ hàm bị vỡ, trên sọ có tới 6 vết đạn.
Chuyên gia đạn đạo học Dutton cho biết có tới 4 viên xuyên qua đầu.
Ngoài
ra, với phân tích của mình, ông đã lập giả thuyết về góc độ ra đạn khi
bác sĩ Bradhurst khẳng định 3 viên trúng vào góc trái, còn đâu là bên
phải và từ dưới lên. Nhưng thực tế, với kinh nghiệm của mình, Dutton cho
hay Gabor dính tới 7 viên đạn vào đầu chứ không phải 6 như với báo cáo
ban đầu. Tuy nhiên, cảnh sát không tìm thấy bất cứ vỏ đạn nào cho dù đã
bới tung khu vực tìm thấy nạn nhân.
Giả
thiết Gabor không bị giết ở đó đã được đặt ra. Nhưng cách đó không xa,
cảnh sát đã tìm thấy một vài đầu đạn và vỏ đạn rỗng. Tổng cộng có tới 9
viên đạn được bắn ra và tất cả đều trùng khớp với những gì tìm thấy ở
nơi Walter bị giết. Với những gì thu thập được, cảnh sát khẳng định
Joane Walter và Gabor bị bắn từ một khẩu súng. Bác sĩ Bradhurst cũng
tiến hành kiểm tra phần xương của Anja nhưng không tìm được vết thương
nào.
Thực
tế cho thấy, 7 nạn nhân đều chết với những cách thức rất khác nhau.
Người bị đánh, bị bóp cổ, bị bắt, bị chém và chặt đầu; hầu hết đều có
những dấu hiệu tình dục ở cả nam lẫn nữ. Với những điểm này, rõ ràng
hung thủ đã giành cho mỗi nạn nhân khá nhiều thời gian chứ không hề tiến
hành theo kiểu “hạ gục nhanh, tiêu diệt gọn”. Ngoài tính hung bạo, hung
thủ thực chất là một kẻ rất có tính toán và tự tin.
Paul
Onions tới Australia chỉ vì mong muốn được tận mắt ngắm nhìn đất nước
mà mình được nghe kể qua nhiều sách báo. Anh ta nghỉ tại một nhà nghỉ rẻ
tiền dành cho những khách du lịch tự túc tại Kings Cross, Sydney. Phần
lớn thời gian ở đây, Paul đều sử dụng để đi ngắm cảnh và tiệc tùng với
bạn bè. Với cuộc sống như vậy, số tiền mang theo mình dần dần chẳng còn
bao nhiêu và anh quyết định đi tìm một công việc làm thêm. Visa của Paul
có thời hạn 6 tháng nhưng tiền của anh ta chắc chắn không thể đủ sống
tới thời gian đó. Paul đi hỏi khắp nơi trong thành phố nhưng kiếm việc
thực sự không dễ dàng chút nào. Một người bạn của anh ta giới thiệu cho
việc thu gom hoa quả tại quận Riverina, cách đó vài trăm dặm về hướng
Nam.
Anh
quyết định dùng số tiền còn lại để bắt tàu tới Liverpool, nằm ở phía
Tây Nam Sydney, sau đó đi nhờ xe tới đó. Ngày 25/01/1990, Paul tới
Liverpool chờ xe để vẫy. Hành lý Paul mang theo chỉ là một chiếc Sony
Walkman, một chiếc máy quay và một vài vật dụng cá nhân khác. Anh ta đi
bộ về hướng Nam trong khi vẫn cố gắng bắt xe. Dừng lại trước một trung
tâm mua sắm nhỏ, Paul mua đồ uống và bắt đầu nghĩ tới việc quay về khách
sạn. Nhưng rồi một người đàn ông khá vạm vỡ, giọng đặc người dân
Australia đã lại gần và hỏi: “Cậu muốn đi nhờ xe chứ?”.
Paul
liền nói ngay nơi mình muốn đến và đồng ý lời mời một cách sung sướng.
Hai người đàn ông leo lên một chiếc xe 4 chỗ thẳng tiến về hướng Nam.
Điều đầu tiên khiến Paul ấn tượng với người lạ mặt kia là thân hình đô
con với bộ ria khá dài. Họ nói chuyện với nhau. Paul giới thiệu về bản
thân mình còn người đàn ông lạ bảo mình tên là Bill. Người bạn mới của
Paul giành cho anh hàng tá câu hỏi:
“Cậu tới từ đâu?”
“Khi nào thì cậu quay lại?”
“Có ai biết cậu ở đây không?”
“Nghề nghiệp của cậu là gì?”.
Rồi
Paul cũng hỏi lại tương tự và Bill trả lời khá rành mạch. Gã nói rằng
mình làm việc trên đường, tới từ Nam Tư, sống gần Liverpool và đã li dị.
Họ lái xe khoảng 1 giờ đồng hồ và Bill bắt đầu thay đổi. Lời lẽ của ông
ta trở nên tục tĩu và hung hăng hơn khi cả hai nói chuyện về “phân biệt
chủng tộc”. Sau đó Bill lại yên lặng và từ chối nói chuyện.
Đến
giữa buổi chiều hôm đó, cả 2 đã ra khỏi thị trấn ở phía Nam Mittagong,
Paul nhận thấy Bill bắt đầu có những cử chỉ lại: thay đổi tốc độ lái xe
và liên tục nhìn qua gương chiếu hậu về phía sau. Paul cảm thấy mệt mỏi,
khát nước và bắt đấu cảm thấy bất an. Bill điều chỉnh chiếc radio và
nói: “Tôi nghĩ tôi đã để hết băng ở phía sau rồi”. Sau đó, gã dừng xe,
đi vòng ra phía sau. Trong khi đó, Paul nhìn xuống phía dưới ngay giữa 2
ghế ngồi thế một khay đựng toàn băng casset. Thấy có gì đó không ổn,
anh ta quyết định ra khỏi xe.
“Quay
trở lại xe đi”, Bill nói với giọng đầy hăm doạ. Paul tuân theo bởi
không muốn mọi chuyện tồi tệ hơn. Ngay sau khi cả hai vào xe, Bill liền
với xuống dưới chiếc ghế lái, lôi ra một khẩu súng lục lớn và chĩa vào
mặt Paul nói: “Đây là một vụ cướp”. Sau đó gã với ra đằng sau ghế ngồi
để lấy một sợi dây thừng. “Chuyện quái quỷ gì đang diễn ra thế này? Ông
muốn gì?”, Paul lo sợ nói.
“Câm
mồm. Thắt đai an toàn của mày vào”. Ngay lúc đó, Paul đã đạp tung cánh
cửa, phi ra ngoài. Trong khi cố gắng chạy thật nhanh, anh ta nghe thấy
tiếng hét vọng lại từ phía sau: “Dừng lại không tao bắn”.
Không
quan tâm, Paul lao ra đường nhằm trốn thoát khỏi “gã điên” kia nhưng
vẫn không quên ngoái lại xem Bill có đuổi theo không. “Quay lại đây, con
trai”, gã hét lớn. Paul vẫy một chiếc xe tải đang tiến lại gần và lao
vào đầu xe để chắn nó lại. Joanne Berry, người chủ xe chưa biết chuyện
gì xảy ra, Paul đã nói với giọng sợ hãi: “Hắn có súng, cứu tôi!”.
Joanne
lưỡng lự bởi trong xe khi đó có em gái và 4 đứa trẻ con. Cô lo sợ cho
sự an toàn của mọi người nên đề nghị Paul hãy ra khỏi đầu xe. Joanne
nhìn vào khuôn mặt đầy vẻ sợ hãi của anh ta và rồi quyết định đưa người
đàn ông này tới đồn cảnh sát gần nhất, ngược với hướng mà mình đang đi.
Cô ta quay xe và nhìn thấy gã đàn ông vạm vỡ chạy trở lại chiếc xe của
hắn để lấy thứ gì đó. Không chần chừ, Joanne liền cho xe tăng tốc.
Khi
họ tới đồn cảnh sát Mittagong, nó đã đóng cửa. Joanne điều khiển xe tới
thị trấn Bowral kế tiếp. Tới nơi, Paul thuật lại tường tận câu chuyện
cho nữ cảnh sát trực Janet Nicholson về kẻ đã tấn công mình, về chiếc xe
và không quên nói rằng hành lý của anh ta đã để hết lại đó, bao gồm hộ
chiếu và vé máy bay khứ hồi quay lại Anh. Sau khi điền đầy đủ thông tin
vào bản báo cáo, Nocholson thông báo về đặc điểm nhận dạng của người đàn
ông lạ và chiếc xe ô tô trên sóng radio rồi đưa Paul trở về khách sạn.
Anh ta phàn nàn rằng đã mất tiền và nữ cảnh sát đó liền đưa anh 20 đô
la. Ngoài ra, cô cũng giải thích rằng việc không nhớ được biển số chiếc
xe kia khiến cuộc tìm kiếm gã đàn ông vạm vỡ là rất khó.
Hôm
sau, Paul tới cơ quan đại diện của Vương quốc Anh ở Sydney để thay hộ
chiếu khác và vay tiền. Tuy nhiên, anh ta chỉ nhận được hộ chiếu, còn
tiền mặt thì không. Một người phụ nữ đứng chờ ngay phía sau thông cảm
với hoàn cảnh và dúi cho Paul 20 đô la khiến anh vô cùng sững sờ trước
sự rộng lượng của bà. Nhiều tuần sau đó, sau khi quyết định ở lại
Australia, Paul đã kiếm được công việc khá tốt. Bạn gái anh đã bay từ
Anh sang và họ đã đi du lịch vòng quanh phía Bắc Australia trong vài
tuần trước khi trở về nhà.
Paul
cố gắng tìm lại cuộc sống bình thường vốn có của mình nhưng căn bệnh
mất ngủ đã hành hạ anh nhiều năm sau đó. Nhất là khi Paul nghe đến những
xác chết được tìm thấy gần nơi mình bị tấn công, những hình ảnh rùng
mình khi xưa lại hiện về.
Quay
trở lại với vụ án, cuộc điều tra vẫn đang được tiếp tục. Hơn 200 cảnh
sát được phân công rà soát mọi ngóc ngách trong rừng. Ở sở chỉ huy, hàng
ngàn cuộc gọi điện tới trong đó đang chú ý nhất có 2 lần. Thứ nhất là
một người phụ nữ kể rằng bạn trai mình từng làm việc cùng với một người
đàn ông mà bà nghĩ rằng có liên quan đến vụ án. Gã là chủ một trang trại
ở gần rừng, lái xe 4 chỗ, có rất nhiều súng tên là Ivan Milat. Còn cuộc
điện thoại thứ 2 là từ Joanne Berry, người đã cứu Paul Onions trong vụ
tấn công cách đây 3 năm.
Giống
như những cuộc gọi khác, tất cả đều được lưu vào dữ liệu máy tính.
Trong khi đó, Paul cũng gọi tới Đại sứ quán Australia tại Anh để hỏi về
đường dây nóng. Ngày 13/09/1993, anh đã kể chi tiết cho người trực điện
thoại về vụ tấn công năm 1990. Đến ngày 17/11/1993, cảnh sát đã kết thúc
những cuộc tìm kiếm trong rừng và thông báo không tìm được thêm thi thể
nào.
Tháng
12/1993, 10.000 trang giấy được ghi chép lại từ hàng ngàn cuộc gọi tới
đường dây nóng đã được lọc ra và cảnh sát đã lên danh sách gần 2000
người gọi điện được cho là có thể cung cấp những thông tin bổ ích về vụ
án. Trong đó, chi tiết trong câu chuyện của Paul Onions và Joanne Berry
là được quan tâm nhất. Ngay từ những ngày đầu năm mới, 37 thám tử thay
phiên nhau làm việc 24/24 để phân tích vụ án, chủ yếu tập trung theo dõi
những nghi can sở hữu nhiều súng và có khả năng gây án. Còn 2 thám tử
Gordon và McCluskey được giao nhiệm vụ tổng hợp các thông tin được ưu
tiên và tìm tất cả mọi điều liên quan tới cái tên “Milat”.
Còn
về người phụ nữ kể rằng có bạn trai làm cùng Ivan Milat lại không hề
cho biết tên mình là ai. Bởi vậy, Lynne Butler và Paul Douglas quyết
định tới công ty qua lời kể để hỏi thăm về Milat. Richard và Ivan Milat
làm việc ở đó cùng một thời gian. Theo như lời kể của các đồng nghiệp,
Ivan là một công nhân chăm chỉ và nhận được rất nhiều sự tôn trọng của
mọi người. Còn Richard lại được miêu tả như một kẻ điên cuồng và không
thể đoán trước người đàn ông này sẽ làm gì.
Hai
thám tử yêu cầu công ty cung cấp thời gian làm việc của cả 2 người đàn
ông và so sánh với khoảng thời gian mà họ nghi ngờ diễn ra các vụ án.
Một phát hiện khá thú vị: Richard thời điểm đó vẫn làm việc đều đặn. Còn
Ivan thường xuyên vắng mặt trong khoảng thời gian cảnh sát tính toán
nạn nhân bị giết. Gordon cảm thấy Ivan Milat có vấn đề nhưng khi quay
trở về báo cáo với cấp trên, anh chỉ nhận được câu trả lời: “Hãy tìm
thêm chứng cớ”.
Tin
rằng sự nghi ngờ của mình là hoàn toàn chính xác, Gordon tìm kiếm hồ sơ
tố tụng hình sự và tìm thấy Ivan Milat đã từng có vài năm ngồi tù. Tuy
nhiên, không có những hành vi tội phạm nào chỉ ra hắn sẽ trở thành một
tay sát thủ liên hoàn. Sau khi “lục” thêm nhiều tài liệu lưu trữ khác,
Gordon đã tìm ra được chi tiết hết sức quan trọng. Năm 1971, Ivan bắt 2
cô gái đang thực hiện chuyến đi bộ đường dài từ Liverpool đến Melbourne
và cưỡng bức một trong số đó. Cả 2 cô gái khai rằng hắn có một con dao
rất lớn và một sợi dây thừng dài.
Ivan
Milat được triệu tập đến cơ quan điều tra nhưng sau được cho về vì cảnh
sát không thu thập đủ chứng cứ để kết tội. Gordon và McCluskey một lần
nữa đề nghị lên cấp trên để đặt máy nghe trộm trong nhà và xe hơi của
Ivan. Nhưng họ không thể thuyết phục được cấp trên, Clive Small. Clive
hoàn toàn đúng bởi luật pháp quy định rất rõ ràng về chuyện sử dụng các
thiết bị điện tử để giám sát đối tượng tình nghi. Nó chỉ được dùng khi
tất cả các biện pháp thu thập chứng cứ đều không hiệu quả và họ phải
chắc chắn là đó là đối tượng tình nghi chính xác.
Một
vài ngày sau, Clive chỉ định 4 thám tử, bao gồm cả Gordon và McCluskey,
làm việc suốt ngày, lập một đội theo dõi Ivan Milat và nhà anh ta
24/24. Sau khi nhận nhiệm vụ, họ bắt đầu tiến hành kiểm tra, rà soát và
thu thập tin tức liên quan đến Ivan Milat. Trong khi đó, thám tử Gordon
cho dù đang bực tức về những hoài nghi của cấp trên, song anh ta vẫn tin
rằng mình đã tới rất gần tên sát thủ.
Để tăng cường đội ngũ điều tra, Clive Small bắt đầu tập hợp một nhóm chuyên gia làm nhiệm vụ phân
tích các động cơ và trạng thái tâm lý của những người có khả năng trở
thành tội phạm. Bác sĩ chuyên khoa tâm thần, Rod Miltin và trưởng khoa
nhân loại học của trường ĐH Sydney, Richard Basham đã được Clive Small
mời đến để trợ giúp trong quá trình điều tra đang gặp rất nhiều khó
khăn.
Trong
khi đó, Clive vẫn tin rằng hung thủ sống đâu đó ở phía Nam Belangalo.
Bởi vậy, ông đã đề xuất kế hoạch tới từng ngôi nhà để kiểm tra, rà soát
những người có vũ khí. Tuy nhiên, ý kiến này không được sự đồng thuận từ
phía các đồng nghiệp. Lý do họ đưa ra chính là cảnh sát không đủ nhân
lực để tiến hành công việc này. Người phản đối kịch liệt nhất là tiến sĩ
Basham bởi ông khẳng định thế chẳng khác nào “tìm kim đáy bể”.
Nhóm
nghiên cứu lục lại mọi thông tin trong hồ sơ bởi họ rất quan tâm đến
lời khai của Alex Milat, người đàn ông đã nhìn thấy 2 chiếc xe ô tô bắt
cóc và uy hiếp các cô gái trẻ ở trên xe. Clive khẳng định, sau bao nhiêu
năm như vậy, người đàn ông đó phải có một trí nhớ siêu phàm mới có thể
tả lại khung cảnh lúc bấy giờ một cách chi tiết và mạch lạc. Basham lại
tin rằng điều đó hoàn toàn có thể xảy ra nếu như người đàn ông kia tham
gia vào sự việc. Kể từ đó tiến sĩ khoa nhân loại học tin vào giả thiết
có hơn một người dính líu vào vụ việc và họ có thể là anh em trong một
gia đình.
Cuộc
thảo luận bắt đầu chuyển hướng sang nơi ở của hung thủ. Milton đưa ra
giả thuyết tên giết người có thể không sống ở khu vực này nhưng lại
thường xuyên qua lại nơi đây bởi một lý do nào đó. Sau khi nghiên cứu
bản đồ khu vực, họ suy luận và tin rằng hung thủ nhiều khả năng sống ở
khu vực phía Nam, gần với đường quốc lộ Hume. Bởi trên thực tế, tất cả
các nạn nhân đều từng được nhìn thấy ở đó hoặc gần Liverpool. Và xác chết được tìm thấy đều nằm trong rừng Belangalo càng khiến giả thuyết đó trở nên có lý hơn.
Bên
cạnh đó, cảnh sát bắt đầu tìm kiếm thông tin về gia đình Milat, tuy
nhiên, trong các tài liệu đều không có nhiều về tên tuổi hay lý lịch của
họ. Clive Small thì hiểu rằng đội điều tra còn cả một chặng đường dài
để đến được cái đích cuối cùng, nhưng vướng mắc hiện nay là phải làm sao
ráp nối được những giải thuyết đến với gia đình Milat.
Cảnh
sát liên tục tìm kiếm bằng chứng cho tới tháng 03/1994. Một đội chuyên
tập trung vào gia đình Milat đã thu được hồ sơ về đất đai, tài sản và xe
hơi mà gia đình Milat từng sở hữu. Một chi tiết khá thú vị khi 3 anh em
Milat cùng làm chủ một mảnh đất ở trên đường Wombeyan Caves, cách 25
dặm với Belangalo. Ngoài ra, một chiếc xe Nissan Patrol 4 chỗ màu bạc
cũng được xác định người đứng tên đăng kí là Ivan Milat.
Người
chủ sở hữu mới của chiếc xe được triệu tập và cảnh sát đã tìm thấy một
viên đạn ở dưới ghế lái. Nó có cỡ 22mm và hoàn toàn trùng khớp với những
vỏ đạn ở khu vực A, nơi tìm thấy xác của Clarke và Walters. Được biết,
Milat đã bán chiếc xe 2 tháng sau khi 2 cô gái người Anh này mất tích.
Thám
tử Gordon và đội của anh đã giải đáp được khá nhiều thắc mắc nhưng vẫn
cần một điều gì đó kết nối chúng lại với nhau, đại loại như là những
nhân chứng đã thấy Ivan Milat và chiếc xe của hắn ta ở khu vực hiện
trường cùng với thời gian diễn ra vụ án. Họ rà soát lại tất cả những
thông tin thu thập được từ đường dây nóng. Sau nhiều tuần làm việc, cuối
cùng vào 13/04, Gordon đã tìm ra những lời khai của Paul Onion gọi tới
đường dây nóng 5 tháng trước. Anh ta đọc lại báo cáo mô tả lại sự việc
xảy ra vào tháng 01/1990 và tin rằng người đàn ông có tên Paul sẽ là một
nhân chứng rất quan trọng.
Sự
miêu tả về chiếc xe, khu vực xảy ra sự việc và tên lái xe, những lời
khai này sẽ giúp ghép nối mọi thông tin lại với nhau. Gordon liền mang
phát hiện mới này đến cho người trực tiếp điều hành vụ điều tra, Clive
Small. Ngay lập tức, Clive Small gọi điện lại để lấy bản báo cáo gốc của
cảnh sát ở Bowral nhưng tài liệu đã bị thất lạc. Rất may, nữ cảnh sát
trực hôm đó, Janet Nicholson vẫn lưu lại tất cả trong cuốn sổ tay của
mình về những lời khai của Paul Onion. Sau đó, đội điều tra ngay lập tức
đến thu thập thông tin trực tiếp từ những người chủ lao động của
Richard và Ivan Milat.
Và
thông tin đã được xác nhận: Richard vẫn làm việc vào đúng ngày Paul
Onion bị tấn công còn Ivan thì không. Ngoài ra, qua kiểm tra, người ta
còn biết được rằng Ivan từng lại việc tại khu vực Galston Gorge vào đúng
khoảng thời gian túi đồ của James Gibson được tìm thấy. Cảnh sát đã
phỏng vấn nhiều đồng nghiệp của y và đều thu được thông tin: hắn rất
thích súng. Một người bạn của Ivan, Tony Sara kể lại rằng Ivan sở hữu
một chiếc xe máy, một chiếc ô tô Nissan 4 chỗ và một kho vũ khí ngay tại
nhà. Thêm một chi tiết nữa, hắn thường xuyên đi xuyên qua rừng trên
đường đi làm.
Đến
cuối tháng 4, Paul Onions nhận được cú điện thoại từ Australia. Thám tử
Stuart Wilkins nói rằng anh ta là một nhân chứng hết sức quan trọng và
liệu có thể bay ngay tới Sydney càng sớm càng tốt hay không. Paul lúng
túng bởi nghĩ rằng câu chuyện của mình khi xưa không khiến cho cảnh sát
Australia quan tâm đến. Vậy mà bỗng nhiên, họ lại nói anh là nhân chứng
quan trọng. Một tuần sau đó, Paul có mặt tại Sydney và được cảnh sát lái
xe đưa đến những nơi liên quan đến lời khai khi xưa trước khi phỏng
vấn.
Đầu
tiên là một cửa hàng nhỏ, nơi anh ta gặp người có tên Bill. Đó là một
sạp báo có tên Lombardo. Sau đó, họ đi xuống xa lộ ở phía Nam và Paul
nói: “Sai rồi. Chúng tôi đi xuyên qua một thị trấn”. Tuy nhiên, cảnh sát
đã khẳng định không có bất cứ một thị trấn nào ở trên con đường này.
Nhưng rồi họ nhớ ra rằng vào tháng 1/1990, thời điểm Paul Onions bị tấn
công, đường cao tốc này vẫn chưa được hoàn thành và đường quốc lộ Hume
là con đường đi qua Mittagong. Sau đó, cảnh sát đưa cho Paul 13 bức ảnh
để nhận diện ra người đã tấn công anh khi xưa. Và không chần chừ, Paul
chọn ngay tấm số 4.
“Chính
hắn ta đó, tấm số 4”, Paul quả quyết cho dù cảnh sát có yêu cầu anh xem
kỹ những tấm khác. Và gã đàn ông trong tấm hình chính là Ivan
Milat.Clive Small đã được thông báo về phát hiện mới và ngay lập tức,
sau khi tham khảo ý kiến với Lynch, ông quyết định ra lệnh bắt giữ Ivan
Milat vì họ đã đủ chứng cứ để kết tội gã hành hung Paul Onions. Bên cạnh
đó, cảnh sát lục soát nhà của Ivan Milat ở Eaglevale, gần quốc lộ Hume
và cách Liverpool vài dặm. Dựa vào giả thuyết Ivan không hành động một
mình, cảnh sát cũng tới nhà của mẹ và anh em hắn, Richard, Walter và
Bill để tìm kiếm chứng cớ. Tài sản của họ ở trong rừng cũng bị lục soát.
Không chi tiết nào được bỏ sót.
Cuộc
tấn công được lên kế hoạch rất chi tiết với hơn 300 cảnh sát tham gia.
Để giữ bí mật, họ không được để lộ ra bất kì thông tin nào về thời gian
và địa điểm của các cuộc tấn công cho tới khi nó diễn ra. Cuộc đổ bộ
nhắm vào nhà của Ivan được đặt mã “Air-1”. Do giờ làm việc của Ivan
Milat rất thất thường, nên cuộc tấn công được xác định sẽ tiến hành vào
6h30 sáng Chủ nhật, ngày 22/05/1994. 50 cảnh sát bao gồm cả lực lượng vũ
trang, các viên chỉ huy và cảnh sát được tập trung tại đồn cảnh sát
Campbelltown từ 2 giờ sáng.
Đúng
6h30, tất cả đã vào vị trí để sẵn sàng tóm gọn đối tượng. Tuy nhiên,
thám tử Gordon sử dụng cách thương thuyết, yêu cầu Ivan Milat ra hàng để
tránh việc nổ súng. Phải sau tới 2 lần gọi điện buộc Ivan ra hàng, gã
và bạn gái Chalinder Hughes mới chịu giơ tay chịu trói.
Ngay
sau đó, cảnh sát bắt đầu tiến hành lục soát nhà Ivan. Một vài tấm bưu
thiếp, một viên đạn được tìm thấy trong phòng ngủ song hắn chối bay rồi
khẳng định mình không sở hữu khẩu súng nào và rằng đó chỉ là viên đạn gã
mang về khi đi săn cùng anh trai. Sang đến phòng kế bên, các nhân viên
thuộc đội pháp chứng tìm được túi đồ nghề của Ivan trong đó có một con
dao dài 30 centimét.
Ngoài
ra, còn một cuốn sách mà trung sĩ Dutton hết sức quan tâm. Đó là quyển
hướng dẫn sử dụng khẩu Ruger 22 li. Mọi chuyện dần trở nên sáng tỏ. Tất
cả những đồ vật trong nhà đều giúp những nghi vấn của cảnh sát được giải
thích. Trong một cuốn album ảnh gia đình, họ lại thấy xuất hiện một
khẩu Colt 45 li, giống hệt như miêu tả của Paul Onions. Đáng chú ý hơn,
bạn gái của Ivan, Chalinder Hughes đã xuất hiện trong bức ảnh khi khoác
trên mình chiếc áo hiệu Benetton, giống như chiếc của Caroline Clarke.
Kế
đến, cảnh sát tiếp tục lục soát gara nằm ngay cạnh nhà chính. Và ở nơi
này, đội pháp chứng đã tìm được thứ mà họ cần, đó là khẩu Ruger 22 li
được tháo thành nhiều phần và giấu trong một chiếc túi nilong treo trên
trần nhà. Cho dù liên tục chối cãi rằng chưa bao giờ nhìn thấy những đồ
vật đó trong nhà tại đồn cảnh sát Campbelltown sau khi được giải đi,
song bằng các phương pháp nghiệp vụ, nhóm nghiên cứu súng đạn khẳng định
những viên đạn tại hiện trường hoàn toàn trùng khớp với khẩu Ruger 22
li được tìm thấy ở nhà Ivan.
Trước
những bằng chứng rành rành, Ivan Robert Marko Milat bị kết tội đã ra
tay sát hại 7 khách du lịch và chờ ngày toà phán quyết. Đáng lẽ ra,
phiên toà xét xử Ivan dự định sẽ diễn ra vào tháng 02/1995, nhưng do một
vài rắc rối trong việc tập hợp giấy tờ, ngày phán xét đã hoãn lại cho
tới tháng 06/1996. Cuối cùng, sau nhiều ngày chờ đợi, người dân
Australia đã được nghe bản cáo trạng tuyên bố mức hình phạt gã sát nhân
gây chấn động quốc gia này vào ngày 27/07/1996.
Với
tội danh tấn công Paul Onions, Ivan Milat phải chịu mức án 6 năm tù.
Còn với tội giết Caroline Clarke, Joanne Walters, Simone Schmidl, Anja
Habschied, Gabor Neugebauer, James Gibson và Deborah Everist, hắn phải
chịu một án tù chung thân cho mỗi tội danh giết người. Được biết, cho
đến nay, Ivan Milat vẫn sống và đang bị giam tại Goulburn Gaol, nhà tù
dành cho nam giới được bảo vệ nghiêm ngặt nhất Australia. Hồi tháng
01/2009 vừa qua, hắn đã dùng dao tự cắt ngón tay út của mình để gửi lên
toà án tối cao với mục đích kháng cáo. Nhưng tất cả chỉ là những cố gắng
bất thành của tên tội phạm đã đi vào lịch sử đất nước “chuột túi”.
Nhận xét
Đăng nhận xét