CÂU CHUYỆN TÂM LINH 136

(ĐC sưu tầm trên NET)
 
 

Linh ứng - câu chuyện có thật của tôi


Tôi xin kể lại câu chuyện sau đây đã xảy ra với tôi. Đúng 100%. Sự mầu nhiệm nơi cửa Phật. Mà mãi vài năm sau khi chuyện xảy ra với gia đình tôi, tôi nghiệm lại rất nhiều lần, tôi càng suy nghĩ càng thấy sự linh ứng nơi cửa Phật thật sự rất mầu nhiệm, tôi hoàn toàn tin tưởng, và suy nghĩ của tôi về Phật giáo cũng từ đó hoàn toàn thay đổi. Đến hôm nay tôi đã trở thành người con Phật, gửi gắm tinh thần của mình nơi Tam Bảo. Tôi sinh ra trong một gia đình công chức. Ba mẹ, anh chị em tôi đều cán bộ công chức, đảng viên. Nói chung gia đình tôi, nội ngoại là người lương, không tin vào một tín ngưỡng nào, còn cho đó là mê tín, dị đoan, chỉ tin vào nho học và chủ nghĩa Mác - Lênin.. Bản thân tôi cũng ảnh hưởng từ đó.
Ba mẹ tôi người gốc Quảng Trị, nơi mà rất nhiều người dân theo tín ngưỡng Phật giáo. Tuy nhiên, thời chống Pháp qua chống Mỹ cứu nước ba mẹ tôi đã thoát ly đi theo cách mạng từ tuổi niên thiếu. Năm 1954 thì tập kết ra Bắc. Ba phục vụ trong quân ngũ, mẹ thì đi theo nghành y. Chị em chúng tôi được sinh ra và lớn lên trên đất Bắc. Sau giải phóng, 1978 thì gia đình mới dần dần trở về quê hương.
Lớn lên tôi sống, học tập, làm việc ở TP. Huế nhiều năm. Hồi đó, cứ mỗi lần vào buổi hoàng hôn hoặc sáng sớm tôi đi qua trên con đường Điện Biên Phủ - TP. Huế, tôi nghe tiếng gõ mõ đọc kinh của người dân ở hai bên con đường đó thì tôi rất sợ, cứ nổi hết da gà, muốn đi thật nhanh qua khỏi nơi đó. Năm 19 tuổi tôi sang Nga, học tập công tác làm việc tại Nga sau 14 năm tôi mới trở về nước. Ở đây, tôi muốn nói từ nhỏ cho đến năm 34 tuối tôi không có điều kiện, cơ hội, thời gian để được tiếp cận với Phật giáo.
Tuy nhiên, không hiểu sao từ những năm tôi học cấp ba, cho đến những năm tháng tôi sống trên đất Nga, những khi có chuyện gì buồn xảy ra với tôi thì tôi luôn nghĩ đến ngôi chùa, một nơi yên tĩnh, xa lìa thế tục, với cuộc sống bình yên, không đấu tranh, không bon chen, không hận thù…Tuy vậy không có một ngôi chùa nào để cho tôi gửi gắm tinh thần của mình vào đó, vì ở Nga làm gì có chùa.
Cuối năm 2002 tôi trở về nước. Tôi lại thi vào trường ĐH Kinh Tế - ĐH Huế, khoa kế toán tổng hợp, và tiếp tục con đường học vấn.
Năm 2005 một điều không may xảy ra với gia đình tôi, ba tôi bị bạo bệnh. Ba có tiêu chuẩn nằm bệnh viện quân y 108 miễn phí hoàn toàn. Nhưng gia đình tôi quyết đình đưa ba vào bệnh viện TW Huế. Bác sĩ bệnh viện TW Huế chẩn đoán ba bị K phổi giai đoạn hai, phải nằm tại bệnh viện điều trị và chờ lịch mổ. Gia đình tôi rơi vào nỗi lo lắng. Năm đó ba tôi được 75 tuổi. Nhất là tôi, tôi rất lo lắng cho ba đến mất ngủ. Từ nhỏ tôi sống với ba nhiều hơn sống với mẹ vì điều kiện công tác sau chiến tranh của ba và mẹ. Các bạn cứ nghĩ xem tôi vừa sống xa gia đình xa Tổ Quốc một thời gian dài ( khoảng 14 năm tại Nga ), mới trở về nước được vài năm thì ba bị bạo bệnh, tôi rất thương ba và tôi cảm thấy có lỗi, tuy gia đình tôi có đến 5 anh chị em và đều rất có trách nhiệm với ba mẹ với gia đình.
Thời điểm ba bị ốm lại đúng thời điểm tôi ôn thi học kỳ ( tháng 5, 6/ 2005 ). Đêm tôi thường học đến 3h sáng, ngày tranh thủ vào bệnh viện TW Huế phụ mẹ chăm sóc ba. Anh chị em tôi thay nhau nhưng có lẽ tôi là người thường xuyên ngày nào cũng có mặt tại bệnh viện. Không hiểu tại sao, những lúc gặp nguy nan thì tôi lại hay nghĩ đến ngôi chùa. Sau những lần vào thăm và chăm ba, có lúc thì tôi chủ động đến chùa Từ Đàm nhưng có lúc tôi chẳng hiểu sao như ai đưa chân tôi đến đó. Khi đến chùa rồi tôi mới biết là mình đang ở chùa, mà chỉ duy nhất là đến chùa Từ Đàm, ngôi chùa nổi tiếng ở TP. Huế nằm bên đường Điện Biên Phủ mà ngày trước tôi thường đi qua và thấy hơi sợ vì sự im lặng của chùa.
Lần đầu tiên tôi đến chùa, thấy chùa yên ắng quá, cửa chánh điện ngày thường nên đóng im lìm. Tôi đứng dưới cây Bồ Đề ở sân chùa ngắm ngía một lúc, rồi tìm cách để vào chùa. Tôi cứ đi loanh quanh ngoài chánh điện thì có một sư thầy trẻ ra hỏi nhẹ nhàng:
- Thí chủ đến đây có việc gì?
Tôi đáp: dạ - để thắp hương lạy Phật.
Sư thầy bảo: thí chủ đi theo tôi.
Rồi sư thầy vào lấy chìa khóa ra mở cửa bên hông của chánh điện cho tôi vào. Sư thầy thắp hương đưa cho tôi rồi đến gõ ba hồi chuông, thầm lặng quan sát tôi. Tôi không nhìn nhưng tôi cảm nhận được, có lẽ sư thầy đọc được nỗi lo lắng của tôi, nên khi tôi chào sư thầy ra về tôi thấy ánh mắt sư thầy đầy thông cảm và chia sẻ tuy sư không nói gì.
Khi bước vào chánh điện tôi thấy tượng “ ông “ Phật to đùng ngồi trên bệ thờ, tôi giật mình, quan sát một lúc, lúc đó thấy cũng hơi sợ. Nhưng khi nhìn qua sư thầy xem sư thầy còn đứng đó không thì thấy sư thầy đang đứng đó lặng lẽ nhìn tôi, nên tôi cũng yên tâm. Tôi cắm hương vào bát rồi mới lùi mấy bước – quỳ gối -  lạy ba lạy, thầm cầu nguyện: "con lạy Phật! hãy phù hộ cho ba con tai qua nạn khỏi, sớm được khỏe mạnh, con cảm ơn Phật". Khi đó tôi nghĩ sao thì thầm cầu nguyện vậy, chứ có biết gì đâu, không xá Phật, dâng hương không đúng quy cách, thấy Phật lại còn sợ nữa, nhưng lòng thành kính thì có, có lẽ Phật cũng hiểu được lòng tôi. Sau đó tôi đứng dậy, từ tốn lạy Phật thêm ba lạy nữa, lần này tôi quan sát kỹ hơn và thấy Phật rất hiền từ nhìn tôi. Tôi thấy lòng mình ấm lại, yên bình hơn.
Thời gian sau đó tôi thường xuyên lên chùa Từ Đàm sau mỗi lần vào thăm ba ở bệnh viện. Tôi đi một mình, lặng lẽ, người nhà và bạn bè không một ai biết.
Ba nằm viện cũng khá lâu vì sức khỏe, đến khi có lịch mổ thì bệnh viện lại không có đủ máu dự phòng ( cần 500 CC, thiếu 250 CC ), vào thời điểm tháng 6 bệnh viện khan hiếm máu, vì sinh viên đã về nghỉ hè hết ( ở Huế hàng năm vận động thanh niên sinh viên hiến máu cứu người rất dễ dàng, tinh thần hiến máu cứu người của sinh viên rất cao, và ngân hàng máu lúc nào cũng dồi dào, nhưng vào dịp nghĩ hè thì thiếu ).
Các con ruột – dâu – rể đều thử máu mà chẳng có ai cùng nhóm máu với ba. Hoặc giống mẹ, hoặc khác của ba và mẹ ( mẹ nhóm máu A, chúng tôi thì A, B , A-B ), thật kỳ lạ, ba nhóm máu O ( nhóm máu hiếm người có ). Anh trai tôi tìm đủ mọi cách và cuối cùng biết được thông tin có một gia đình ở An Cựu có 14 người gồm cha mẹ anh chị em ruột dâu rể chuyên hiến máu cứu người, lý do là trước đó mấy năm ông bố bị tai nạn đột ngột và được người đi đường đưa vào bệnh viện TW Huế cấp cứu, tình trạng của ông ấy rất nguy kịch, bác sĩ bảo phải mổ cấp cứu ngay lập tức nếu không ông ấy sẽ chết, trong khi chưa liên lạc được với người nhà của ông ấy thì có người tự nguyện hiến máu ngay để kịp thời cứu ông khi biết nhóm máu của ông ấy giống máu mình, trong thời điểm đó vì quá cấp thiết nên bác sĩ và y tá chỉ tập trung mổ cứu ông ấy mà chưa kịp hỏi tên người hiến máu, sau khi mổ xong thì không thấy người đó đâu nữa, gia đình ông ấy hỏi các bác sĩ và y tá để cảm tạ người đó nhưng không có thông tin gì, từ đó ông ấy vận động con cháu trong gia đình hiến máu nếu ai đó cầu cứu đến họ.
Anh trai tôi biết được thông tin trên nên rất mừng, xin bệnh viện số điện thoại của họ và liên lạc, được biết gia đình đó có hai người có nhóm máu O giống ba tôi ( một con gái, một con dâu ), anh trai tôi liên lạc và hẹn gặp, có một người đến tận bệnh viện gặp anh tôi và biết lịch mổ của ba tôi ( đó là cô con gái ), còn cô con dâu thì mới sinh dậy, cô con gái bảo đến ngày ba tôi mổ cô ấy sẽ đến chuyền máu tươi trực tiếp cho ba tôi thì sẽ tốt hơn, một người có thể cho 250 CC máu, anh trai tôi muốn “ đáp ơn “ để cô ấy bồi dưỡng nhưng cô ấy dứt khoát không nhận. Đến ngày ba tôi mổ, theo lịch thì 8h ba tôi lên bàn mổ, cả nhà đã chuẩn bị sẵn sàng, vậy mà đúng 7h cô gái đó gọi điện giọng yếu ớt bảo cả đêm cô ấy bị lên cơn sốt, sáng ra 5h30 phải nhập viện phường cấp cứu, cô ấy rất xin lỗi vì không giúp được ba tôi và gia đình tôi. Thế là bác sĩ và y tá lại đẩy ngược ba ra phòng điều trị cũ. Anh trai tôi buồn bã thất vọng, tôi động viên cả nhà rằng chúng ta sẽ tìm cách khác, đừng buồn và nản lòng. Tuy nhiên tôi chính là người buồn và lo lắng nhất. Đúng ông trời thật muốn thử thách lòng người, muốn thử thách lòng con cái của ba đối với ba.
Bấy giờ anh trai tôi xin nghỉ phép ở cơ quan, hàng ngày vào túc trực 8 tiếng đồng hồ ngay phòng xét nghiệm máu để chờ sự may mắn, như một người canh gác cửa phòng, nếu anh có việc đi đâu đó một chút là kêu chúng tôi gác thay, không được vắng ở đó một giây nào. Sau ba ngày mong đợi, điều may cũng đến, có hai cậu sinh viên ĐH Bách Khoa Đà Nẵng, người Huế, vào thử máu để chuẩn bị cho ca mổ của ba mình ( một cậu là con ruột, còn một cậu bạn thân của cậu kia ). Đứa con thì nhóm máu  A giống ba mình, còn cậu bạn thì nhóm máu O. Anh tôi hỏi thông tin biết được như vậy nên rất mừng liền nói thẳng mọi vấn đề của ba tôi, mong cậu ấy giúp đỡ. Cậu sinh viên cười rất dễ thương và không chần chừ gật đầu đồng ý ngay. Cậu ấy nói: “ em muốn giúp ba của bạn em, nhưng lại không cùng nhóm máu, nên bây giờ giúp bác cũng là cứu người mà “. Anh tôi gửi “ quà “ bồi dưỡng nhưng cậu ấy một mực từ chối, cuối cùng anh tôi mời đi uống cà phê để nói lời cảm ơn, hai cậu sinh viên vui vẻ nhận lời. Anh tôi xin cho bác sĩ lấy máu trước để cất vào ngân hàng máu, tránh sự bất trắc lại một lần nữa xảy ra. Cậu sinh viên vui vẻ đồng ý liền.
Đến lịch mổ tiếp theo, mọi thủ tục đã chuẩn bị hoàn tất. Tuy nhiên khi mổ ba tôi đã không cần phải sử dụng lượng máu dự phòng đó. Và số lượng máu đó gia đình tôi nhường lại miễn phí cho một chú bệnh nhân nằm cùng phòng với ba tôi và cũng nhóm máu O.
Trong khi cả gia đình chờ đợi ca phẫu thuật của ba ( 6 tiếng đồng hồ ) bên ngoài cửa phòng mổ, tôi thấy có một cô người Quảng Nam trạc tuổi 48 – 50 gì đó bế một bé gái gần hai tuổi mặt mày tím tái, môi thâm đen cứ đi theo bác sĩ khóc lóc năn nỉ điều gì đó. Tuy tôi đang rất lo cho ca phẫu thuật của ba, nhưng tôi theo dõi vụ việc đó và nhìn thấy đứa trẻ đáng thương quá, tôi không thể bỏ qua được nên tôi mới tiến đến hỏi thăm.
Người phụ nữ kể vội vàng trong nước mắt: “ bà quê ở Quảng Nam, cô con gái của bà năm 23 tuổi thì kết hôn, sau một năm thì sinh được cháu bé này, khi sinh ra cháu bé bị tim bẩm sinh, mà lại là con gái nên người chồng kêu bỏ đi, cô vợ thương con quá nên không chịu bỏ và vẫn bế con về nuôi, ông chồng không khuyên được nên bỏ vợ bỏ con đi biệt tăm, cô con gái của bà mới sinh dậy bị sốc nặng nên phát điên, bỏ con đi lang thang, thỉnh thoảng mới nhớ nhà ghé về. Vậy là bà phải vừa đi làm thuê tháng được 500.000 – 700.000 vnd, vừa nuôi cháu ngoại trong bệnh viện, vì từ khi sinh ra cháu bé thường xuyên phải nằm viện. Được sự giúp đỡ kinh phí phần nào của các sư cô trong chùa phát tâm từ thiện, nhưng khi có khi không. Bây giờ bé sắp đến lịch mổ mà không đủ máu dự phòng ( mổ tim nên cần 1000 CC, hiện giờ chỉ có 750 CC, thiếu 250 CC ). Bà rất lo lắng. Tôi hỏi bé nhóm máu gì? bà bảo cháu nhóm máu B. Tôi bảo tôi cũng nhóm máu B, nên tôi sẽ giúp. Bà mừng khôn xiết và cảm ơn tôi rối rít. Tôi cho bà số điện thoại và bảo khi nào cháu bé mổ thì liên lạc với tôi ngay, bất kỳ lúc nào…
Ba tôi mổ và bị cắt mất 50% của một lá phổi, phải cưa hai xương sườn khi mổ để mổ phổi. Sau khi mổ ba tôi nằm mê man bất động gần hai ngày vì sức khỏe của ba quá yếu, khi tỉnh và thời gian sau đó thì ba yếu lắm, gần một tháng sau ba mới được xuất viện. Về nhà ba ăn uống rất kém và thở rất khó khăn. Bà con họ hàng xóm giềng bạn bè của ba và mẹ, của các con, các cơ quan đoàn thể đến thăm và cho quà chất đống nhưng ba cũng chẳng động đến đươc thứ gì cả. Gia đình tôi lại càng lo lắng hơn, vì các bạn biết đó khi bị ung thư và bị mổ, dùng đến dao kéo rồi hệ lụy của nó rất cao. Mẹ tôi cũng là một bác sĩ, từng là phó giám đốc của một bệnh viện đã nghỉ hưu, nên chăm sóc ba khéo léo. Tuy nhiên tình hình của ba đáng lo ngại. Cả gia đình còn lo lắng hơn khi ba chưa mổ.
Mỗi lần tôi về nhà thăm ba, tôi lo lắng buồn rầu hết mức, tôi hay khóc một mình. Tôi cầu nguyện giá như tôi có thể thay ba bị bệnh để cho ba được khỏe mạnh thì tôi chấp nhận liền.
Thế rồi chân tôi vẫn dẫn tôi lên chùa thường xuyên, vẫn chùa Từ Đàm, bấy giờ đã quen thuộc với tôi. Tôi muốn sự yên tĩnh, nên khi nào đến chùa có ít người hay một mình thì tôi vào thắp hương lạy Phật, hôm nào đông người thì tôi không vào hoặc chờ người về hết tôi mới vào.
Sau một lần về nhà thăm ba, em gái tôi thì thầm: “ dạo này sức khỏe của ba tệ lắm, em chỉ sợ ba không thể qua nổi mùa đông năm nay chị à “. Tôi quệt nước mắt, không nói gì, dắt xe đi loanh quanh một lúc, đầu thì nghĩ miên man, đến chùa lúc nào chẳng hay. Tôi vào nhiều lần nên sư thầy đã quen mặt, cứ hễ thấy tôi đến là sư thầy liền đi lấy chìa khóa mở cửa hông chánh điện cho tôi vào, tôi chỉ muốn một mình như vậy. Hôm đó, như thường lệ sư mở cửa cho tôi, đốt nhang rồi đưa cho tôi, gõ chuông ba lần. Tôi cắm nhang  – quỳ gối - lạy Phật, nước mắt tôi nhòe đi, tôi thầm nghẹn ngào: “ Con xin lạy Phật, hãy phù hộ cho ba con, nếu có thể con xin được giảm tuổi thọ của con 10 – 15 – 20 năm cũng được để ba con tai qua nạn khỏi, sớm khỏe lại, con xin Người “. Tôi được nghe ai đó bảo khi đứng trước Đức Phật thì không được khóc lóc. Nhưng tôi không thể kìm nén được, mà tôi đâu có khóc lóc, tôi chỉ khóc nghẹn ( không có tiếng ) chỉ có nước mắt mà thôi. Khi quay ra không thấy sư thầy đâu, tôi khép cửa và nghĩ có lẽ thấy tôi nước mắt rơi nên sư lánh đi để cho tôi được tự nhiên.
Đức Phật như thấu hiểu lòng hiếu hạnh của tôi.
Hai hôm sau, tôi ghé qua nhà bà Dì ( thông gia của gia đình tôi ) ở gần cầu Mang Cá, đường Đinh Tiên Hoàng. Dì hỏi thăm sức khỏe của ba tôi, sau khi tôi cho biết thông tin của ba. Dì bảo chờ một chút, rồi đi lấy một quyển sách photo lại đóng cẩn thận, đưa cho tôi và bảo: “ có một bài thuốc ( canh dưỡng sinh ) của ông tiến sĩ bác sĩ người Nhật có thể chữa lành bệnh cho ba con, con đọc và thử xem, cứ “ còn nước còn tát “ thôi. Tôi đọc, và thấy rất tin tưởng bài thuốc này. Bài viết những bệnh nhân ung thư các loại của ông bác sĩ, khi tin tưởng uống và có 80% số bệnh nhân đó đã lành bệnh, tuy nhiên bài thuốc thấy có vẻ phản khoa học.
Tôi không chần chừ, mượn quyển sách đưa đi photo bài thuốc liền rồi đem sách trả cho Dì. Hôm sau tôi đưa về nhà đưa cho mẹ xem.
Xem xong, mẹ không tin bảo: phản khoa học.
Tôi năn nỉ: “ còn nước còn tát “ mà mẹ, mình cứ thử đi.
Mẹ bảo tôi: tùy con, nếu con nói ba chịu thì làm.
Tôi vào gặp ba, chẳng hiểu sao tôi tin chắc là ba sẽ đồng ý. Bình thường ba không tin những điều tương tự đâu. Tôi đưa bài thuốc ( canh dưỡng sinh ) đó cho ba đọc và nói: “ mình cứ thử đi ba, cũng không hại sức khỏe mà con tin tưởng là ba sẽ lành bệnh, ba tin con đi “. Ba đồng ý liền.
Hôm sau, 4h sáng tôi đã dậy và 5h phải có mặt ở chợ Đông Ba – TP. Huế thì mới mua được nguyên liệu tươi, đưa về và sắm đồ đúng quy cách cho ba. Thời gian đầu mẹ nấu cho ba uống, nhưng mẹ không tin, tôi thì rất tin tưởng. Khoảng hai tuần thấy sức khỏe da dẻ của ba biến chuyển, ba ăn được nhiều hơn, ngủ ngon hơn, không còn khó thở nữa, ba nói hàng ngày thấy cơ thể một khác, khỏe hơn nhiều. Ba bảo ba có thể tự nấu thuốc được rồi, để mẹ nghỉ ngơi vì thời gian qua mẹ vất vả vì ba quá nhiều rồi. Thế là ba tự nấu. Một tháng sau, mọi người đến nhà thăm ai cũng ngạc nhiên vì sức khỏe của ba và họ rất vui mừng. Tôi chưa bao giờ cảm thấy hạnh phúc như thế. Sau đó tôi vẫn tiếp tục mua nguyên liệu cho ba tự nấu uống thêm sáu tháng nữa. Tất cả chi phí cho bải thuốc chỉ mất gẩn 1.000.000 vnđ uống với thời gian bảy tháng, vì chỉ mua rau củ quả thiên nhiên thôi.
Sau bảy tháng, ba ăn ngủ khỏe, nói không ai tin, mỗi bữa ba ăn hết long gạo cùng thức ăn, ba ăn như bù mấy tháng liền đau ốm không ăn được. Sau một năm ba tôi lên được gần 5 kg. Da dẻ hồng hào, còn mập hơn khi chưa bị bệnh. Thật là mầu nhiệm phải không.
Khi nằm viện, cùng phòng với ba tôi có ba người nữa, các cô chú đều bị ung thư phổi, ba tôi là người lớn tuổi nhất, và ba cũng là người lên bàn mổ trước ở phòng đợt ấy, vì bệnh của ba nặng nhất.
Sau khi sức khỏe của ba tôi hồi phục vì uống bài thuốc ( canh dưỡng sinh ) đó, tôi chia sẻ bài thuốc cho các cô chú ấy. Nhưng chẳng ai tin, có người còn tốn hàng trăm triệu đồng vì sang Thái Lan, Trung Quốc mua thuốc và hương hào hải vị để bồi dưỡng, nhưng sau hai năm thì ba cô chú ấy thay nhau đến cõi vĩnh hằng. Còn ba tôi sống được chín năm nữa rồi, hiện nay ba tôi đã 84 tuổi, thỉnh thoảng trái gió trở trời thì cũng có đau ốm bệnh tật vì tuổi già. MÔ PHẬT!
Thời gian sau này tôi mới hiểu thế giới tâm linh luôn luôn là có thật. Mình không thấy và có cảm giác không nắm bắt được nhưng ta tin tưởng, đặt niềm tin tuyệt đối thì sự linh ứng rất nhiệm màu sẽ đến với ta. Cùng với thế giới hữu hình của chúng ta vẫn có một thế giới vô hình song song tồn tại.
Nhân – quả là có thật. Tôi xâu chuổi lại tất cả những sự việc xảy ra với tôi từ trước đến nay, những người tôi quen biết, từ việc tốt đến việc xấu, nghiệm lại hoàn toàn đúng. Rất có cơ sở.
Tôi bắt đầu quan tâm đến những thông tin về Phật - Pháp, mua sách về đọc và nghiên cứu. Vào trang mạng tìm hiểu, xem và nghe thuyết giảng. Thực sự thấm thía và giác ngộ nhiều điều, nhưng đó chỉ là một chút giác ngộ ít ỏi so với Phật – Pháp, nhưng với tôi thì rất lớn. Pháp thì nhiều, bao la rộng lớn, một con người tầm thường như tôi thì hết cả đời cũng chưa hiểu hết Pháp của Đức Phật để lại. Có lẽ đời sau, kiếp sau nữa tôi còn phải học hỏi dài dài để mà tu tập cho nên thân.
Câu chuyện của ba tôi chỉ là một trong nhiều câu chuyện đã xảy ra với tôi liên quan đến sự linh ứng và mầu nhiệm trong cõi tâm linh.
Sau đó mấy năm, tôi đã quy y cửa Phật với sư phụ tôi là Đại Lão Hòa Thượng Thích Trí Tịnh, chùa Vạn Đức, Q. Thủ Đức, TP. HCM khi tôi làm việc ở TP. HCM. Sư Phụ tôi là một Hòa Thượng đức lớn, phước lớn vô cùng. Chuyện tôi quy y với sư phụ cũng là một phước đức của tôi mà do một chữ duyên mầu nhiệm.
Tôi sẽ gửi đến báo những câu chuyện tiếp theo, những câu chuyện có thật của tôi.
Nha Trang 05/08/2014 ( AL )

PD. Thanh Chân 

Anh Tuấn kể câu chuyện tâm linh về 'chiến mã' của Trần Lập

Tôi nhìn di ảnh, thầm nói: 'Ông ơi, anh em ở đây hết để đi tiễn ông, ông về nổ máy cái xe để đi cùng anh em đi, đừng ở lại…'.
Vũ Anh Tuấn
Chiếc xe của bạn tôi - Câu chuyện ngày hôm qua
Có lẽ chưa khi nào tôi lại sợ vào Facebook như ngày hôm qua và sáng nay. Lý do vì sao chắc tất cả các bạn đều hiểu. Giờ đây, ngồi mở Facebook lên, nhìn status và comment của các bạn, rồi màn hình lại nhoè đi… Nhưng tôi sẽ kể cho các bạn một câu chuyện ngắn về sự hiện hữu của bạn tôi – Trần Lập.
Ai nói chiếc xe là vật vô tri vô giác? Câu chuyện tôi muốn kể sẽ nói khác.
Sau nhiều cuộc trò chuyện, tôi hiểu Lập yêu xe đến thế nào, từ những chiếc xe độ thời kỳ đầu tiên mà Lập có như Vulcan 800 đến rất nhiều chiếc sau này, Lập đều gửi gắm những tình cảm riêng của mình vào chúng. Hơn nữa, những chiếc xe như bạn đồng hành, như chiến mã của mỗi chiến binh. Đặc biệt với Lập, chiến mã luôn gắn bó trong mỗi chuyến đi của cậu ấy thì những chiếc xe là rất quan trọng. Chiếc Royal Enfield Lập cũng mới lấy và chưa kịp đi, nhưng tôi hiểu trong thâm tâm, Lập muốn chiến mã của mình sẽ được lăn bánh trên đường.
anh-tuan-ke-cau-chuyen-tam-linh-ve-chien-ma-cua-tran-lap
Với ý tưởng sẽ kêu gọi anh em các đội đến đưa tiễn Lập, tôi cũng chỉ nghĩ đơn giản là mình hiểu Lập sẽ thích được đi giữa rừng xe, giữa những tiếng động cơ cuốn hút và cảm nhận tình cảm của anh em biker. Nhưng khi xin phép gia đình, Hoa đã muốn xe của chồng sẽ được đi cùng trong đoàn xe. Điều này với tôi có ý nghĩa lớn vì chiếc xe sẽ như hình ảnh của Lập đi cùng anh em biker.
Trước khi diễn ra lễ tang, tôi đã qua nhà nổ máy thử, chuẩn bị cẩn thận với anh em các đội motor để cho cuộc đưa tiễn ông bạn. Sáng hôm qua, khi tôi đến lấy xe đi ra Trần Thánh Tông thì máy vẫn nổ và chạy bình thường, tôi đổ đầy xăng và cất trong bãi đỗ của nhà tang lễ . Nhưng khi ra xếp đội hình thì xe không nổ được nữa. Tôi đầy lo lắng giao lại xe cho các anh em khác xử lý để vào chuẩn bị cho lễ truy điệu. Cứ 5 phút tôi lại gọi ra xem nổ được máy chưa. Lần 1: “Nổ được rồi Tuấn nhé”, vậy là nhẹ cả người. 5 phút sau: "Tuấn ơi, 'em nó' lại không nổ được…".
Tôi nhìn di ảnh của ông bạn, âm thầm nói với Lập: “Ông ơi, anh em ở đây hết để đi tiễn ông, ông về nổ máy cái xe để đi cùng anh em đi, đừng ở lại…”. Thế rồi điều kỳ diệu đã xảy ra ngay sau những lời cầu khấn của tôi. Anh em ở ngoài vui mừng gọi điện: “Tuấn ơi, xe vừa nổ được rồi”.
Suốt hành trình, tôi cùng Tuấn Hùng và Nhất Hoàng đi bên nhau, hình ảnh của Lập qua chiếc xe như đang cùng chúng tôi những tháng ngày năm xưa. Chúng tôi nói chuyện với chiếc xe như đang nói chuyện với chính Lập, và hiểu rằng ở đâu đó, Lập đang nhìn cả đoàn, cảm nhận được tình cảm của anh em biker nói riêng và tất cả gia đình, bạn bè và fan hâm mộ qua từng tuyến phố của thủ đô.
anh-tuan-ke-cau-chuyen-tam-linh-ve-chien-ma-cua-tran-lap-1
Khi về đến gần nhà Lập, tôi vỗ vỗ cái bình xăng và nói: “Ông ơi, vậy là anh em đã được đi cùng ông một đoạn đường, vậy là tôi đã hoàn thành tâm nguyện của mình với ông, vậy là ông sẽ phải nói lời chia tay với chiếc xe và anh em rồi…”. Và cứ thế, nước mắt tôi trào ra, không cần biết đang đi ngoài đường, không cần biết đang có ai bên cạnh, chỉ biết rằng, tôi đang được khóc.
Tôi khóc không chỉ bởi lời tâm sự với bạn tôi, mà còn khóc vì những tình cảm của anh em dành cho nhau, của nhóm bạn thân đã cùng gia đình ngày đêm chăm sóc cho Lập trong nhiều tháng qua, của nhóm anh em nghệ sĩ đã cùng chúng tôi làm nên show diễn cuối cùng của Lập - “Đôi bàn tay thắp lửa”, của những anh em bikers đã hết mình trong chuyến hành trình cuối cùng của Lập, của anh em báo chí đã nhiệt tình đưa tin có “tâm”, của những fan hâm mộ với tiếng hát vang khi chia tay bạn tôi.
Ai nói chiếc xe là vô tri vô giác? Ngày hôm qua, chiếc xe đó hiện hữu hình ảnh và linh hồn của bạn tôi – Kiên cường, sống có ý chí và luôn có niềm tin. Hãy ra đi thanh thản với chuyến đi dài của ông, Lập nhé!
Khi viết những dòng này, tôi lại một lần nữa cho phép mình được khóc, khóc để tôn vinh tình bạn và những điều tử tế, khóc để nhớ về bạn tôi, người đã cho chúng tôi thêm niềm tin vào cuộc sống này.

Chuyện tâm linh ở Thuận Kiều Plaza giờ mới kể

Trải qua nhiều lời đồn thổi về những câu chuyện tâm linh xoay quanh khu trung tâm thương mại Thuận Kiều Plaza nhưng nó vẫn đứng đó sừng sững cho đến ngay nay, tuy rằng nhiều hộ dân đã chuyển nhà ra khỏi khu thương mại này và nó sắp sửa được phá bỏ để nhường chỗ cho các dự án mới. Tuy nhiên, một có một câu chuyện tâm linh ở Thuận Kiều Plaza giờ mới kể, đây hoàn toàn là câu chuyện có thật mà chính tác giả là người đã chứng kiến.
Người kể câu chuyện này xảy ra năm 2010 là một lập trình viên tên Minh của một công ty phần mềm có trụ sở ở Hàn Quốc, thường làm việc về muộn nên đã nhiều lần đụng phải những hiện tượng kỳ bí trong căn phòng 303 ở khu căn hộ chung cư Thuận Kiều. Sau những lần tự mình kiểm chứng thì Minh hỏi lại mấy anh chị làm chung phòng thì họ cũng khẳng định thỉnh thoag có nghe tiếng nước chảy trong bếp hoặc nhà tắm vào những khi ở lại trễ. Thường thì hiện tượng trên xảy ra trong tầm tối tối khoảng 20h trở đi là tiếng nước bắt đầu chảy, dù họ chắc chắn là trong phòng không còn ai. Bởi vậy mấy ổng bả không ai dám ở lại làm trễ, chỉ có mình Minh mới vô không biết . Ngay cả những người bên phòng 304 thì họ nói cũng nhiều lần nghe thấy những âm thanh kỳ quái. Và dĩ nhiên là họ đã thuê dịch vụ chuyển nhà dọn đi nơi khác sau nhiều lần chứng kiến cảnh tượng kỳ quái.
Phải nói đến tiểu sử của căn phòng 302 ở tầng 30 này được bác bảo vệ kể trước đây có một đôi vợ chồng Việt Kiều cũng thuê, sau một thời gian thì họ đề nghị chuyển nhà từ 302 sang 301. Nhưng không lâu sau thì họ tìm dịch vụ chuyển nhà trọn gói dọn đi luôn. Nguyên nhân vì sao thì họ không nói, chỉ biết là cái ngày mà họ dời đi, họ đốt nhang khói hương nghi ngút trong căn 301 và cắm 3 cây nhang lên núm cửa của căn 302. Họ còn nói là đừng cho ai thuê mấy căn ở tầng 30, hỏi vì sao thì họ lại im không trả lời. Bác bảo vệ biết Minh là người của công ty phần mềm này hiện đang thuê 303, 304 nên mới kể và khuyên nếu thấy có gì lạ thì cũng đừng sợ và hạn chế quá khuya. Do đó, hiện tại không có ai thuê căn hộ ở tầng 30 tòa nhà khu C, trừ công ty của Minh với 2 căn 303, 304. Tầng 30 có 8 căn thì 6 căn còn lại bỏ trống hoàn toàn.

Một góc căn hộ có người ở còn sót lại ở Thuận Kiều Plaza
Trong phòng làm việc của công ty Minh có cái cửa sổ nhà tắm thông ra khoảng không và đối diện với cửa sổ nhà kế bên, mà sau này mới biết là căn hộ 302. Cửa sổ căn hộ bên 302 đang mở và dù không có đèn, nhưng với ánh sáng từ nhà tắm chiếu qua thì mình vẫn thấy lờ mờ một gương mặt đang nhìn về phía mình dù không thấy rõ mặt. Đến giờ Minh cũng không rõ cái mặt người lờ mờ nhìn từ cửa sổ 302 sang bên phòng tắm 303 đêm đó là gì vì thời điểm đó đâu có ai ở. Còn nguyên nhân mà công ty của Minh thuê ngay cái tầng này của Thuận Kiều Plaza thì phải kể đến ông sếp của mình. Ông sếp mình là người Hàn khoảng gần 50 tuổi qua Việt Nam quản lý và thuê nhà ở rồi mở văn phòng luôn. Phải công nhận mình rất phục ổng về độ lỳ chẳng sợ ma cỏ. Ổng thích thuê tầng cao vì mát và yên tĩnh, phong cảnh đẹp. Các bạn nghĩ ban đêm trên tầng 30 có mỗi mình ổng ngủ ở 303 xung quanh không có ai là biết ông này cỡ nào.

Trong một lần đi ăn tối với công ty thì trong lúc say thì Minh lại lôi chuyện này ra kể. Minh hỏi sếp là ngủ vậy ban đêm có gặp gì bất thường không. Ổng kêu chẳng có gì, nhưng có đôi lúc nửa đêm ổng tỉnh dậy đi tiểu thì nghe tầng dưới có tiếng lộp cộp như tiếng chân người đi xuống kiểm tra thì không thấy ai. Rồi đôi lúc ổng ngủ mớ lại nghe văng vẳng tiếng người nói chuyện, tỉnh dậy đi lòng vòng kiểm tra thì cũng không có ai. Vậy mà ổng vẫn ở, ăn ngủ đều đều mới sợ. Riết thấy sếp Minh giống người cõi âm.
Hiện tại thì Minh không còn làm việc ở đấy nữa nhưng thỉnh thoảng đi ngay qua chỗ làm cũ thì Minh không khỏi rùng mình mặc dù nhìn lên Block C nơi công ty cũ mà Minh từng làm thì tối đen không một ngọn đèn. Có lẽ không còn ai đủ can đảm chuyển nhà lên đó ở nữa chăng.
Nguồn sưu tầm

Chuyện tâm linh ở Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn

Cập nhật lúc 07:49, Thứ Sáu, 19/07/2013 (GMT+7)
(QBĐT) - Cách đây hơn chục năm, tôi có đọc bút ký Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn của nhà thơ Lê Đình Cánh in trên báo Văn nghệ. Nhà thơ viết rằng ở đây có những buổi sớm tinh mơ anh em quản trang nghe được tiếng hô tập thể dục của các liệt sĩ. Thực hư thế nào tôi không rõ nhưng chi tiết ấy ám ảnh tôi đến bây giờ.
Cách đây mấy năm, tôi được tạp chí Văn nghệ Quân đội cử đến đây tìm hiểu viết bài đã được anh Hồ Tất Ái, Trưởng ban quản lý nghĩa trang kể cho nghe nhiều chuyện tâm linh về các liệt sĩ.
Anh mở đầu câu chuyện: -Tôi vốn là lính trinh sát đặc công C20 Bình Trị Thiên, đã có mười năm làm trưởng ban Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn nên chuyện đi đêm đi hôm tiếp xúc với cái chết là bình thường. Trước đây, tôi không hề tin vào những chuyện có tính chất huyền bí. Tôi nghĩ chết là hết làm gì còn linh hồn này nọ. Nhưng sau mấy lần được chứng kiến một số sự việc lạ tại nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn, tôi đã phải thay đổi tư duy cũ. Những câu chuyện tôi sẽ kể sau đây anh có tin hay không cũng được nhưng đó là những sự việc tôi đã gặp hoặc tai nghe mắt thấy.
-Vâng, theo tôi, những gì thuộc về tâm linh, hiện nay ta chỉ mới cảm nhận mà chưa thể lý giải ngọn ngành rành rẽ. Có những cái của thế giới này ta chưa giải thích được. Cái chết con người còn là sự bí ẩn, một khoảng trống của khoa học hiện thời. Thế giới bên kia, cõi âm như ta vẫn thường gọi ai dám khẳng định là có hay không có, tồn tại hay không tồn tại. Có phải chết là hết hay chết là tiếp tục sống theo một kiểu khác? Tuy nhiên, điều chúng ta nên nhớ là không được bịa ra hoặc nói sai về các liệt sĩ- Tôi động viên anh.
Hồ Tất Ái khẳng định: -Những gì tôi kể cho anh là đã được tai nghe mắt thấy. Vào đêm 14 tháng 11 (âm lịch) năm 2002, theo lệ thường, tôi lên tượng đài chính khu tưởng niệm thắp hương cho các liệt sĩ. Đi cùng tôi có anh Nguyễn Hồng Bằng, chủ tịch công đoàn cơ quan. Lúc ấy đang mùa đông, trời âm u nên trăng không sáng. Dưới ánh trăng mờ, khi dưới cổng bước lên tôi và anh Bằng bỗng thấy một người ngồi xếp bằng ngay ngắn dưới đài Tổ quốc ghi công.
Trường Sơn đêm huyền thoại. Ảnh: Hoàng An
Trường Sơn đêm huyền thoại. Ảnh: Hoàng An
Tôi nghĩ thầm: chắc là có ai đó đi viếng liệt sĩ nhưng bị ốm đau mệt mỏi nên chưa về được. Cách khoảng 25 mét, tôi lên tiếng hỏi: "Ai đó?" nhưng không có tiếng trả lời. Rồi 20 mét, 15 mét, tôi hỏi tiếp người đó vẫn ngồi lặng im như tượng. Cho đến khi chỉ cách tượng đài chừng 10 mét, tôi quát lớn: "Ai?" thì người đó mới lên tiếng: "Tôi là liệt sĩ ở nơi khác đến thăm liệt sĩ ở đây". Tôi lạnh người. Anh Bằng thì thầm vào tai tôi: "Ta về thôi anh, tôi hãi lắm". Chất lính trinh sát giúp tôi bình tĩnh trở lại. Tôi tiếp tục bước lên lễ đài thắp hương nhưng mắt vẫn không rời "người kia". Trong ánh trăng suông tôi thấy anh mặc áo bộ đội vải Tô Châu và vẫn điềm nhiên ngồi yên một chỗ. Nén hương trên tay tôi bất chợt bùng cháy phừng phực thì anh bộ đội liệt sĩ cũng tự nhiên biến mất. Chỗ anh vừa ngồi cách nơi tôi đứng 1 mét giờ đây chỉ là một khoảng trống...
Có một luồng khí lạnh buôn buốt chạy dọc sống lưng tôi. Chuyện kỳ lạ quá. Tôi hỏi Hồ Tất Ái:
-Thế có bao giờ anh nghĩ đó là ảo giác không?
- Không. Hoàn toàn không phải là ảo giác vì lúc đó tôi rất tỉnh táo. Vả lại, đâu chỉ có mình tôi, cả anh Bằng cũng thấy và nghe cơ mà!
-Hay là có ai đó bày ra chuyện này để dọa các anh? Tôi tiếp tục cật vấn.
-Không phải. Nếu người thật thì làm sao anh ấy lại biến đi bất ngờ trước mắt tôi như thế. Tôi nhắc lại là tôi chỉ đứng cách anh ấy khoảng 1 mét thôi.Tôi không giải thích được hiện tượng này nhưng sự việc kỳ lạ ấy thì cả tôi và anh Bằng đã chứng kiến. Mà không phải chỉ chuyện này thôi nhé, còn khá nhiều câu chuyện khác rất kỳ lạ ở nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn mà tôi sẽ kể tiếp cho anh nghe...
Câu chuyện huyền diệu về các liệt sĩ thực sự đã cuốn hút tôi. Anh Ái kể tiếp:
- Tại khu mộ 3, nơi yên nghỉ của liệt sĩ các tỉnh Hải Dương, Hưng Yên, Thái Bình, Bắc Giang, Bắc Ninh, anh em quản trang chúng tôi khi đi thắp hương đến gần hay nghe tiếng chào, tiếng cười lao xao vọng lại. Nhưng khi tới nơi thì không hề có bóng người nào.
Tiến sĩ TVH (xin phép được viết tắt- NHQ) đang công tác tại Trường đại học khoa học xã hội và nhân văn - Đại học Quốc gia Hà Nội trước đây là bộ đội Trường Sơn trong một lần vào nghĩa trang đã đến khu mộ này thắp hương cho đồng đội vào lúc 23 giờ 30 phút. 1 giờ sáng anh H. về khu nhà ban quản lý kể với chúng tôi và sau đó điện thoại cho vợ ở Thủ đô thuật lại những gì anh gặp ở khu mộ 3. Anh H. nói: Tôi đang thắp hương thì từ đâu đó nghe tiếng vọng "Đồng hương ơi, hát cho chúng tôi nghe với nhé". Dù rất bất ngờ và hơi sợ nhưng tôi cũng đứng lại giữa hàng trăm nấm mộ hát liền 6 bài cho các đồng đội của tôi nghe...
Có một đoàn tăng ni Phật tử từ Hà Nội vào viếng các liệt sĩ. Rất không may là hôm ấy trời mưa khá to nên lễ viếng tổ chức khá nhanh và đoàn lên xe ra về. Sau đó, chúng tôi thật ngạc nhiên khi thấy các vị trở lại và dường như ai cũng có nét mặt đăm chiêu buồn bã. Hỏi ra mới biết trong buổi lễ viếng hôm qua vì trời mưa nên đoàn làm thủ tục vội vàng chưa chu đáo nên được các liệt sĩ báo mộng "nhắc nhở". Không yên tâm ra về, đoàn đã quyết định trở lại nghĩa trang Trường Sơn và tổ chức lễ viếng liệt sĩ đúng nghi thức và rất chu đáo.
Còn đây là chuyện của chúng tôi - Giọng anh Hồ Tất Ái trầm hẳn - Xảy ra vào năm 2003. Gần tới Tết cổ truyền, cơ quan họp bàn sẽ tổ chức làm lễ tất niên thỉnh cáo Bác Hồ và các liệt sĩ vào ngày 26 tháng chạp âm lịch. Dịp này, khách đến viếng rất đông nên chúng tôi không làm tất niên được đúng kế hoạch. 21 giờ 15 phút tối hôm đó, đang ngồi trong phòng làm việc tôi nghe ngoài cửa chính có tiếng nói của đôi ba người gì đó "anh vào đi", "em vào trước đi"... Tôi nghe lành lạnh người; hình như có ai đang đứng trước mặt tôi và cất tiếng hỏi "Tại sao việc các anh đã hứa mà không làm? Cũng chẳng nghe các anh cáo lỗi gì cả". Tôi kể lại việc này và bàn với anh em sẽ làm lễ cúng tất niên vào ngày 27 tháng chạp. Oái ăm thay, ngày đó khách đến viếng cũng rất đông nên kế hoạch đành phải hoãn lại. Tôi chưa kịp thắp hương cáo lỗi liệt sĩ thì tối hôm đó sự việc lại lặp lại như hôm qua. Tôi quyết định bằng bất cứ giá nào cũng phải tổ chức lễ tất niên vào hôm sau là 28 tháng chạp. Làm lễ xong chúng tôi thấy thanh thản nhẹ nhàng vì không còn bị các anh chị liệt sĩ linh thiêng "nhắc nhở" nữa...
- Qua những câu chuyện có thể nói là vô cùng huyền diệu đó anh nghĩ gì? Tôi hỏi.
- Trước hết, tôi nghĩ: với các liệt sĩ mình đã hứa điều gì thì phải làm đúng như thế - Anh Ái xúc động nói - Phải thành tâm. Các anh, các chị đã hy sinh vì Tổ quốc thì đâu cần phải mâm cao cỗ đầy mới thỏa mãn. Các liệt sĩ chỉ cần cái Tâm trong sáng của người sống, cần sự ân nghĩa đầy đặn trung thực của chúng ta...
Những sự việc như anh Hồ Tất Ái kể, dù kỳ lạ đến mấy rồi sẽ có lúc người ta lý giải được dưới ánh sáng khoa học. Nhưng, theo tôi đây là vấn đề tâm linh, vì vậy trước hết nó phải được soi sáng dưới góc độ văn hóa, truyền thống, đạo lý, tín ngưỡng, tình cảm của dân tộc.
Dân tộc ta vẫn huyền thoại hóa những anh hùng, những người có công với đất nước. Các liệt sĩ của chúng ta đã ngã xuống vì nền độc lập tự do của Tổ quốc, vì cuộc sống hòa bình của nhân dân, rất xứng đáng đi vào cõi bất tử thiêng liêng. Nghĩa là, các anh các chị vẫn sống giữa chúng ta. Mãi mãi!
                                                        Bút ký của Nguyễn Hữu Quý

Những câu chuyện ‘linh ứng’ nơi đền thiêng

Người trộm tiền công đức bị “thánh” trừng phạt tưởng chừng mất mạng, trẻ con bỏ nhà ra đi đến cầu là “thánh’’ sẽ ‘’dẫn đường’’ đưa về, bệnh tình nặng bệnh viện trả về nằm chờ chết uống “nước thánh” ở đền là khỏe lại…và rất nhiều câu chuyện khác về sự linh thiêng của ngôi đền Cây Chay ở xã Phú Phong huyện Hương Khê Hà Tĩnh được nhiều người kể lại.

Trừng phạt?

80 tuổi, tóc đã bạc trắng, miệng móm mém, tay run run, nhưng khi kể những câu chuyện liên quan đến ngôi đền thiêng Cây Chay, cụ bà Nguyễn Thị Huyên ở xóm 2, xã Phú Phong mắt sáng long lanh, say sưa.

Cụ nhớ như in những câu chuyện mà đến nay cụ được biết hoặc chứng kiến. Cách đây khoảng 10 năm, cậu thanh niên tên Đinh Văn Đức ở trong xóm trộm tiền công đức ở đền Cây Chay, sau đó về nhà tự nhiên bị xoắn ruột phải đi viện mổ, điều trị 3 tháng rồi về nhà nhưng vết thương bị hở chảy nước hôi thối mãi không lành.

t1
Khi người thân đến đền Cây Chay cầu khấn, tạ tội và xin “nước thánh” về bôi lên vết thương chỉ một thời gian ngắn là vết thương kín lại rồi lành hẳn. Một trường hợp khác, cách đây khoảng 5 năm, em Trần Đình Lâm, cũng ở xóm 2, khi đó đang học lớp 9, buổi trưa ra sông tắm rồi lấy dây trói tay ông tượng trước cửa đền, sau đó Lâm còn nhặt thuốc lá trên tượng.

Không biết thế nào, tối về nhà nằm ngủ trên võng, em bị mê man. Đến khi trời gần tối, mẹ đi làm về gọi con mấy tiếng không thấy đáp, tưởng con ngủ say không nghe, chị lại gần thì thấy tay đứa con tự nhiên bị bắt quặt ra sau, mắt trợn ngược. Hoảng loạn, chị bứt dây võng hô hoán mọi người thì tự nhiên máu mũi thằng bé cứ chảy trào ra. Mọi người vội vàng đưa đi bệnh viện Hương Khế cấp cứu, rồi lại chuyển xuống bệnh viện ĐK Hà Tĩnh, sau đó tiếp tục đưa ra bệnh viện Hà Nội. Bệnh viện kết luận thằng bé bị não, không thể chữa được nên trả về để gia đình chuẩn bị lo ma chay. Trong bước đường cùng, gia đình đi đến đền thì được “thánh” cho biết vì đã phạm thượng, cần phải làm lễ “chuộc tội”.

Khi ra cầu ở đền xin “nước thánh” uống thì thấy cháu tiến triển tốt, rồi cất được tiếng gọi mẹ, sau đó chống gậy đi lại được rồi khỏe hẳn bình thường. Hiện anh này đang đi làm ở Sài Gòn. Khi chúng tôi tìm đến nhà bà Phan Thị Hoa 75 tuổi, xóm 2, bà Hoa cũng kể lại nội dung 2 câu chuyện trên gần như trùng khớp với bà Huyên. Linh nghiệm Là trưởng ban lễ nghi đền Cây Chay gần 18 năm nay, ông Nguyễn Văn Trác (78 tuổi) là người biết được rất nhiều câu chuyện “linh thiêng” ở ngôi đền đó. Theo ông Trác, cách đây khoảng 3 năm, bà Xân ở xóm Phú Yên xã Hương Xuân (Hương Khê) có đứa cháu gái học lớp 11 do tức giận bố mẹ nên nửa đêm trốn bỏ nhà ra đi. Gia đình lo lắng, cử người chia nhau đi tìm nhưng không thấy, họ đi xem bói ở rất nhiều nơi các thầy người thì nói ở chỗ này, người nói ở chỗ kia. Cho đến khi mẹ của cô bé tìm đến đền Cây Chay làm lễ cầu thì “đức thánh giáng” lên nói 5 ngày nữa con gái sẽ về.

t2
Vui mừng nhưng cũng không tin tưởng nhiều, nhưng đúng 5 ngày sau thì tự nhiên con bé tìm về nhà trong niềm hạnh phúc của mọi người. Nhấp chén nước, ông Cảnh tiếp tục kể một câu chuyện khác, cách đây khoảng 4 năm, anh Trần Đình Khuyên ở Gia Phố có đứa con trai Trần Đình Tạo học Đại học Quân sự nhưng do ham chơi cá độ thua đến 450 triệu đồng bị chủ cá độ tìm đến trường đòi nợ, đe dọa không trả nợ sẽ giết. Lo sợ, Tạo phải bỏ học đi lang thang không dám liên lạc về nhà suốt 3 tháng. Tìm vào tận trường không thấy con, hỏi thăm khắp nơi cũng không có tin tức, cho đến lúc người nhà tìm đến đền Cây Chay cầu khấn thì “đức thánh giáng” lên và nói 15 ngày nữa là có tin về nó, và tròn 1 tháng nữa thì cháu nó về.

Lo lắng, chờ đợi và cuối cùng đúng là 15 ngày sau thì Tạo gọi điện về nhà khai báo sự thật vỡ nợ cá độ và đúng 1 tháng thì nó tự tìm về nhà. Cũng theo ông Cảnh, bà Huyên và một số người dân địa phương thì còn có rất nhiều câu chuyện linh thiêng từng xảy ra ở đền Cây Chay mà kể cả ngày cũng không hết được.

Rất nhiều câu chuyện khó tin mà chúng tôi nghe được từ những người cao niên ở đây, không biết là có đúng hay không bởi nó chưa được kiểm chứng. Thế nhưng, có một điều sự thật, đó là sự thành kính của người dân ở đây và nhiều vùng dành cho ngôi đền.

Họ thành tâm gìn giữ và bảo quản ngôi đền như tài sản của gia đình mình, như một phần máu thịt đã ăn vào tiềm thức.

Trần Văn
Nguồn vietnamnet

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

TT&HĐ I - 9/d

MUÔN MẶT ĐỜI THƯỜNG III/104

MỌC CÁNH