HÉT LÊN ĐI, ƠI QUÊ HƯƠNG YÊU DẤU 15

(ĐC sưu tầm trên NET)

Bi kịch của cụ già 98 tuổi bị chiếm đất

14:31, Thứ Sáu, 26/06/2009 (GMT+7)
Bị con, cháu chiếm đất, cụ Nghiện trở thành tay trắng, lang thang ngoài đường với chiếc chân gãy. Quá bức xúc, cụ làm đơn kiện nhưng công lý không đứng về phía cụ.
TAND thành phố Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam vừa đưa ra xét xử dân sự vụ tranh chấp đất đai giữa cụ Trương Thị Nghiện, 98 tuổi, ở khối phố 7, phường An Phú, thành phố Tam Kỳ với anh Nguyễn Văn Dũng, 47 tuổi, cháu nội.

Ngồi bên hàng ghế dành cho bị đơn, anh Dũng và vợ là Phạm Thị Xuân, cười nói rôm rả trong khi bà nội của mình lọm khọm, run rẩy chống gậy, đi từng bước vào phòng xử án.
Mỗi khi nghe tòa hỏi, cụ Nghiện lại phải nhờ con gái "phiên dịch" lại
Cụ Nghiện nhìn HĐXX với vẻ mặt ngơ ngác. Thấy vậy, chị Nguyễn Thị Cúc, con gái cụ Nghiện liền đứng dậy thưa: "Mẹ tôi vừa bị gãy chân và mổ mắt nên nghe không được rõ lắm". HĐXX đồng ý để chị Cúc “phiên dịch” lại những câu hỏi của phiên toà và sau khi được con gái ghé sát tai mẹ bảo: "Toà hỏi mẹ có nghe rõ không?", bà cụ trả lời: "Thưa quan toà tôi nghe được".
Cụ Nghiện kiện cháu nội là Nguyễn Văn Dũng vì tự ý kê khai làm sổ đỏ, chiếm dụng 729 m2 của bà nội. Để giúp cụ theo kiện, Trung tâm trợ giúp pháp lý tỉnh Quảng Nam chỉ định Luật sư (LS) Bùi Bá Dũng bào chữa miễn phí cho cụ. Trước khi xét xử, luật sư Dũng đề nghị toà cung cấp hồ sơ để đối chứng hồ sơ photocoppy tại toà theo quy định của TAND Tối cao. Nhưng ông Đặng Quốc Lộc, Chủ toạ phiên toà cho biết: "Hồ sơ gốc đã thất lạc nên toà chỉ xác minh được chừng đó. Toà không có quyền yêu cầu phường An Phú xác minh “biên bản” gốc".
Đứng chống gậy trước HĐXX, cụ Nghiện kể: "Tôi có tất thảy 8 người con, bốn trai, bốn gái. Chồng mất trước năm 1975, một mình cực khổ, nuôi con, khai hoang được 729 m2 trồng khoai, sắn, vậy mà giờ đây cháu Dũng tự ý kê khai mảnh đất này vào diện tích đất của cháu làm sổ đỏ mà tôi không hay biết gì? Khi các con lập gia đình, tôi được địa phương cấp 370 m2 nằm bên đường 616 để làm nhà ở. Khi ra “ở riêng”, tôi vẫn canh tác trồng khoai trên miếng đất này cho đến lúc chân tay yếu không làm được nữa mới nhờ con cháu giúp để có cái ăn”.
Theo lời cụ Nghiện, anh Dũng cưới vợ vẫn ở chung với bố mẹ. Đến khi thấy mảnh đất của bà nội bỏ trống liền ra đó dựng lều cho vợ mở cửa hàng may quần áo, sau dựng nhà ở trên miếng đất hơn 2.000 m2 của bố mẹ cho bên cạnh mảnh đất của bà nội. Năm 2003, phường thông báo làm sổ đỏ cho người dân, bà lên phường nhờ cán bộ địa chính phường là ông Doãn Bá Ngọc xuống đo đạc mảnh đất 729 m2 của mình nhưng chẳng biết sao sự việc rơi vào im lặng, cho tới khi lộ ra chuyện cháu nội kê khai cả đất của bà vào sổ đỏ của mình.
Việc anh Dũng tự ý kê khai miếng đất của bà nội vào thửa của mình để làm sổ đỏ được phát hiện vào năm 2003, khi một người cháu ngoại của cụ Nghiện hỏi mượn sổ đỏ để tín chấp vay tiền ngân hàng. Hay tin, cụ Nghiện xuống hỏi cháu trai, không ngờ nhận được lời thách thức khó nghe. Trước lời lẽ của cháu, cụ Nghiện nhỏ nhẹ: "Cháu muốn lấy miếng đất đó, bà cho nhưng cũng phải nói qua bà một tiếng chứ".
Buồn vì đứa cháu nội mình hết lòng thương yêu, chăm sóc, bồng bế lúc tuổi thơ bỗng chốc phụ bà, cụ Nghiện bất đắc dĩ viết đơn gửi lên UBND phường An Phú, nhờ can thiệp. Nhưng do vượt thẩm quyền nên lãnh đạo phường An Phú đề nghị bà Nghiện làm đơn “nhờ” toà án can thiệp. Năm 2004, bà Nghiện gửi đơn tới TAND thị xã Tam Kỳ và 5 năm sau, ngày 18/6, vụ việc mới được đưa ra xử công khai.
Tại toà, trong phần tranh tụng, khi HĐXX hỏi anh Dũng: "Anh có xác định 729m2 đất ruộng này của bà nội anh không?". Ông Dũng nói: "Tôi khẳng định trước toà 729 m2 đất này là của bà nội tôi" nhưng khi tòa hỏi tại sao lại tự ý kê khai làm sổ đỏ mà không hỏi ý kiến bà nội, anh này không đáp, sau đó khăng khăng: "Nhất quyết tôi không đồng ý trả lại đất cho bà ấy".
Dù thừa nhận là đất của bà nội, nhưng anh Dũng quyết không trả.
Tham dự phiên xử sơ thẩm này còn có hai cụ Phan Văn Hương, 85 tuổi, trước đây là Phó ban phân chia đất của địa phương và cụ Đỗ Tuất, 80 tuổi, trước đây là Trưởng ban phân chia đất, với tư cách làm chứng.
Trước toà, ông Hương cho biết, năm 1991, tôi được xã Tam Phú cũ cử làm phó Ban phân chia ruộng đất cho dân cùng các ông Đỗ Tuất, Đội trưởng làm Trưởng ban phân chia đất; ông Nguyễn Văm Hào, em ruột ông Dũng, cháu nội bà Nghiện làm thư ký. Lúc đó, mỗi khẩu được chia 100 m2 ruộng 2 vụ, 185 m2 ruộng một vụ và 85 m2 đất màu. Tổng cộng mỗi khẩu được 370 m2. Bà Nghiện một khẩu được chia 370 m2 nhưng do thời điểm đó, bà Nghiện khai hoang được 729 m2 nên theo nguyên tắc của chính quyền xã Tam Phú, bà Nghiện được phép sử dụng 729m2 đất khai hoang để canh tác. Nhưng không hiểu sao khi phường cho hơn 100 hộ kê khai đất làm sổ đỏ để hợp thức hoá thì ông Dũng lại tự tay viết giấy và điểm chỉ lăn tay, nói rằng bà nội cho miếng đất này để làm nhà và canh tác. Việc này bà Nghiện không hề hay biết".
"Tại phiên toà hôm nay, tôi và anh Tuất rất đau lòng trước việc xử sự của cháu Dũng đối với bà nội. Lúc đó xét duyệt, do ông Nguyễn Văn Hoà, thư ký Ban phân chia đất ghi biên bản nên đã “ghi nhầm” thành tên anh Dũng. Điều này cũng được ông Hào xác nhận tại Biên bản ghi lời khai của TAND thành phố Tam Kỳ lập ngày 3/4/2008 rằng: "Việc phân chia không tổ chức họp dân mà chỉ thông báo cho các hộ đến kê khai. Khi kê khai chỉ có ông Dũng lên kê khai diện tích đất trên mà không có cụ Nghiện".
Còn anh Dũng cho rằng bà nội mình đã “chạy án” với hai “nhân chứng” già nua, mất trí nhớ để chiếm lại đất của cháu. Thấy vậy, chủ toạ cắt ngang: "Anh lấy cơ sở nào để nói bà Nghiện “chạy án” “bằng chứng đâu”?, khiến người cháu im re.
Chủ tọa phiên tòa nói: "Nếu phiên sơ thẩm này HĐXX xử cho anh thắng kiện, bác đơn khởi kiện của bà nội anh. Về tình người, không xét đến “bị đơn” là bà nội anh, vậy anh có hỗ trợ một phần tiền để chăm sóc bà Nghiện anh không? Ông Dũng làm thinh, cúi mặt còn cô vợ khẳng khái: "Bà cháu đã kéo nhau ra toà thế này thì thắng kiện vợ chồng tôi không nuôi, không chăm sóc và không hỗ trợ gì hết!". Nghe vợ nói thế, Dũng cất tiếng: "Thề…tôi thắng kiện sẽ không nuôi bả, hỗ trợ hay chăm sóc".
Trước khi phiên xử kết thúc, cụ Nghiện xin nói câu cuối cùng: "Trước khi diễn ra phiên toà này một ngày, nếu cháu Dũng xin lỗi bà, rồi xin đất để canh tác là tôi giơ hai tay cho ngay. Cả một đêm tôi ngủ không được, chỉ khóc. Khóc vì cái tuổi gần đất xa trời như tôi mà bà, cháu phải đưa nhau ra toà, đau lòng lắm!".
Bị cháu nội lấy đất một phần đã đành, đang yên ổn trong ngôi nhà gạch ở thửa đất 370 m2 trên đường 616, cụ Nghiện gọi con gái là Nguyễn Thị Phương về ở cho có mẹ có con rồi bị con gái chiếm luôn nhà, đuổi ra đường. Chán nản, cụ bỏ nhà đi lang thang và bị xe cán phải làm gãy chân, buộc cụ phải đánh tiếng bán mảnh ruộng rộng 1.100 m2 để lấy tiền thuốc thang nhưng người con trai thứ là  ông Nguyễn Văn Điện không đồng tình với lý do: "Con cả, con gái, và cả cháu nội lấy đất được thì con trai thứ ba cũng phải có phần". Chỉ có người con gái út Nguyễn Thị Cúc chăm sóc mẹ nhưng cuộc sống nghèo túng.
Sau phần tranh tụng, HĐXX bác đơn khởi kiện của cụ Nghiện, xử cho người cháu thắng kiện với lý do anh Dũng được bà nội cho đất dù không đưa ra được bất cứ giấy tờ nào thể hiện việc cụ Nghiện trao đất cho cháu nội mình.
Được tuyên thắng kiện, vợ chồng ông Dũng luôn miệng: “Quan toà công minh” rồi khúc khích ra về, bỏ mặc người bà nội nước mắt lăn dài trên đôi ngò má teo tóp, lập cập chống gậy, tập tễnh rời phòng xử án. Sau phiên xử, luật sư Bùi Bá Dũng cho biết sẽ gửi đơn kháng cáo lên TAND tỉnh Quảng Nam, kháng nghị bản án của TAND thành phố Tam Kỳ.
Theo Báo Đất Việt

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

TT&HĐ I - 9/d

MUÔN MẶT ĐỜI THƯỜNG III/104

MỌC CÁNH