CÂU CHUYỆN LỊCH SỬ 123/a
(ĐC sưu tầm trên NET)
‘Tam Quốc diễn nghĩa’: 6 trận chiến nổi tiếng nhất quyết định cục diện thiên hạ (Phần 1)
Từ những trận trước khi cục diện
Tam Quốc hình thành như Đồng Quan, Hổ Lao Quan cho đến những trận phân
định thiên hạ như Quan Độ, Xích Bích, Di Lăng đi vào sử sách, cả về quy
mô, mưu trí cũng như sự dũng cảm phi thường của các dũng tướng huyền
thoại một thời. Tất cả đã tạo nên một thời đại anh hùng, huy hoàng hiếm
có.
1. Trận Hổ Lao Quan – Tam anh chiến Lã Bố
Trận Hổ Lao Quan là cuộc chiến giữa Đổng
Trác – Lã Bố và liên minh 18 lộ chư hầu Quan Đông do Viên Thiệu làm
minh chủ vào năm 190. Đó là trận chiến đã khắc họa hình ảnh hào hùng của
các vị tướng. Đặc biệt là trận đọ sức trực tiếp nổi tiếng giữa Lã
Bố chống lại ba anh em Lưu Bị, Quan Vũ, Trương Phi, còn gọi là Tam anh chiến Lã Bố đã đi vào lịch sử, văn hóa Trung Quốc.
Sau khi Quan Vũ chém Hoa Hùng, quân Đổng
Trác thua chạy dài. Đổng Trác đích thân dẫn 15 vạn quân tiến ra giữ Hổ
Lao quan. Riêng Lã Bố lĩnh 3 vạn quân ra trước quan ải, đóng một trại
lớn làm tiền quân còn Đổng Trác thì đóng đồn trên cửa quan.
Bên kia, Viên Thiệu họp các tướng lại
bàn, cử binh tiến sát cửa Hổ Lao vây đánh. Tào Tháo cũng dẫn quân tiếp
ứng. Các chư hầu đều có mặt. Lã Bố đem 5000 quân thiết kỵ lại khiêu
chiến, đánh tan quân tiền bộ của Vương Khuông, liên tiếp đánh bại các
danh tướng của quân liên minh như Phương Duyệt, Mục Thuận, Vũ An Quốc…
Lã Bố lại kéo quân đến thách đánh. Các
tướng chư hầu ai nấy đều khiếp sợ trước sự kiêu dũng của Lã Bố. Công Tôn
Toản vác ngọn giáo nhảy ra đánh Lã Bố, mới được vài hiệp thì thua chạy.
Lã Bố thúc ngựa xích thố sấn lại đuổi, ngựa này chạy nhanh như bay. Lã
Bố gần đuổi kịp Toản thì ở bên rìa đường, Trương Phi quát lớn: “Thằng đầy tớ ba họ kia đừng chạy nữa! Có Trương Phi người đất Yên đây!” Lã Bố thấy thế bỏ Công Tôn Toản, đánh nhau với Trương Phi.
Trương Phi hăng hái cố đánh Lã Bố. Hai
người đánh nhau được hơn 50 hiệp chưa rõ bên nào thua bên nào được. Quan
Vũ đứng ngoài thấy thế cầm thanh long yển nguyệt đao phi ngựa đến cùng
đánh. 3 con ngựa đứng dàn kiểu chữ đinh, đánh nhau được 30 hiệp nữa hai
người cũng vẫn không hạ được Lã Bố. Lưu Bị bấy giờ cũng cầm song kiếm
thúc ngựa chạy vào đánh giúp hai người em của mình. Ba người vây tròn
lấy Lã Bố đánh chẳng khác gì quân đèn cù.
Lã Bố cố sức chống đỡ không nổi, bèn
nhắm giữa mặt Lưu Bị phóng vờ một ngọn kích, Bị tránh được, Bố mở góc
của trận, cắp đao ngược kích, phi ngựa chạy về. Ba người thúc ngựa sấn
vào, quân mã 8 xứ đều reo ầm lên, xô cả ra đánh. Quân Lã Bố chạy về trên
cửa Hổ Lao, ba người theo sau đuổi mãi.
Điển cố “Tam anh chiến Lã Bố” trong tiểu
thuyết Tam Quốc diễn nghĩa được đánh giá là một trong những câu chuyện
truyền kỳ, khiến cho “chiến thần” Lã Bố vang danh thiên hạ.
Thế nhưng không mấy người biết rằng, trong trận chiến Hổ Lao Quan, Lã Bố đã nói: “Đánh
nhau kịch liệt không phân thắng bại, trước trận chỉ sầu não trước Quan
Vân Trường. Thanh Long Bảo Đao rực rỡ trong sương tuyết, Chiến bào Anh
Vũ bay như cánh bướm”. Quan Vân Trường được miêu tả có khuôn mặt đỏ
như gấc, mắt phượng mày tằm, râu dài hai thước, tay cầm Thanh Long Yển
Nguyệt Đao cưỡi trên ngựa Xích Thố, dáng vẻ oai phong lẫm liệt đó đã đi
sâu vào trái tim của biết bao người.
Sau trận chiến này, chư hầu 8 xứ cùng
mời 3 anh em Lưu – Quan – Trương đến mừng công rồi sai người về trại
Viên Thiệu báo tin mừng.
2. Trận Quan Độ – Tào Tháo đại phá Viên Thiệu
Trận Quan Độ là trận đánh diễn ra trong
lịch sử Trung Quốc vào năm 200 tại Quan Độ thuộc bờ nam Hoàng Hà giữa
Tào Tháo và Viên Thiệu là 2 thế lực quân sự mạnh nhất trong thời kì tiền
Tam Quốc. Tào Tháo mượn danh thiên tử để chuyên quyền và đã chiếm lĩnh
toàn bộ khu vực Trung Nguyên. Các lực lượng đối lập đều bị đè bẹp, chỉ
duy Viên Thiệu là kẻ địch lớn nhất và đáng gờm nhất của Tào Tháo. Viên
Thiệu chẳng những đất rộng binh cường mà danh vọng trong xã hội lại rất
cao với cái danh “ba đời làm Tam Công”.
Trận Quan Độ năm 220, là trận quyết định
vận mệnh của Tào Tháo và Viên Thiệu, cũng mở ra một thời kỳ mới. Vào
thế bất đắc dĩ, Tào Tháo đành phải dùng kế “lấy ít địch nhiều”, dùng
7 vạn quân tinh nhuệ để có thể chống cự với 70 vạn đại quân của Viên
Thiệu.
Chiến dịch Bạch Mã – Diên Tân
Ban đầu, với quân đội đông đảo, Viên
Thiệu đã ra tay đánh phủ đầu trước. Tháng Hai năm Kiến An thứ năm đời
Hán Hiến đế (200 sau Công nguyên), Thiệu đưa quân tới Lê Dương, sai đại
tướng Nhan Lương đem quân đánh thành Bạch Mã, tiếp đó, sai tướng Văn Xú
tiến đánh Diên Tân, nhưng quyết chiến điểm vẫn là tại Bạch Mã. Tháng Ba,
Lưu Diên quân ít không chống cự nổi, đưa thư cấp cứu Tào Tháo. Tháo lập
tức tiếp viện cho Bạch Mã, nhưng Tuân Du khuyên Tháo nên tiếp viện cho
Diên Tân. Tháo lập tức hiểu ý Tuân Du, thi hành chiến thuật “giương đông
kích tây”, làm ra vẻ chuẩn bị vượt Hoàng Hà đánh vào hậu phương Viên
Thiệu.
Tháng 4 năm 200, Tào Tháo dẫn 2 tướng
Trương Liêu và Quan Vũ đi cứu Bạch Mã và cũng chia quân ra Diên Tân để
phân tán sự chú ý của Thiệu. Quả nhiên Thiệu trúng kế, tăng cường thêm
quân cho Diên Tân mà không chú ý Bạch Mã. Tào Tháo nhân đó đột ngột thúc
quân đánh mạnh ở Bạch Mã, sai Quan Vũ ra trận giết chết mãnh tướng của
Thiệu là Nhan Lương, giải vây thành Bạch Mã.
Sau khi giải phóng Bạch Mã, Tào Tháo sợ
Viên Thiệu trút giận lên đầu dân chúng, nên dẫn họ men theo sông Hoàng
Hà đi về phía tây lánh nạn. Xưa nay ta chỉ biết chuyện Lưu Bị khi rút
lui đem theo 10 vạn dân Kinh – Tương bỏ đi, mà không biết rằng Tào Tháo
cũng từng là một người như thế.
Tháng 5 năm 200, Tào Tháo cùng Quan Vũ
và Trương Liêu đi men theo Hoàng Hà về phía tây đến cứu Diên Tân. Hành
quân đến nam Diên Tân thì chạm trán với quân Thiệu vừa sang sông, Viên
Thiệu cùng Lưu Bị và Văn Xú mang quân tới, một cuộc huyết chiến là không
thể tránh khỏi. Khi đó quân Tào ở trên gò cao, quân Thiệu đánh tới.
Tiêu binh báo cáo: “Khoảng năm trăm kỵ binh của Thiệu đã tới“. Lát sau lại báo: “Kỵ binh đã nhiều lên, bộ binh thì đếm không xuể“. Tào Tháo bảo: “Không cần báo cáo nữa“.
Liền lệnh cho quân sĩ tháo yên ngựa, nghỉ ngơi tại chỗ. Các tướng ngớ
ra, nói quân địch đông quá, xin cho vận chuyển đồ quân trang quân dụng
về doanh trại trước rồi hãy đánh.
Chỉ Tuân Du là hiểu ý Tào Tháo, vừa cười vừa bảo: “Đó là mồi dử, chuyển đi làm gì?”
Tháo cũng cười, rất là tự tin. Lát sau, Văn Xú cùng Lưu Bị (khi đó đang
theo Viên Thiệu) dẫn năm nghìn quân ào tới. Các tướng hỏi: “Bây giờ lên ngựa được chưa?”
– Tào Tháo bảo không vội. Quả nhiên, kỵ binh Văn Xú và Lưu Bị thấy đồ
quân dụng ngổn ngang, liền xuống ngựa tranh nhau cướp. Lúc này Tháo mới
lệnh cho đốt pháo hiệu, chiêng trống rầm trời, 600 thiết kỵ của Tháo từ
trên gò cao đánh xuống, quân Thiệu tan vỡ.
Chiến sự Quan Độ
Sau vài tháng ngưng nghỉ điều quân, hai bên tái chiến trong trận thư hùng ở Quan Độ ngay từ tháng 8 năm đó, kéo dài hơn 100 ngày. Bị
thua và mất hai tướng, Viên Thiệu điều đại quân đến Dương Vũ, phía tây
bắc Trung Mâu, men theo đồi cát dọc bờ sông, dựng vài chục doanh trại
kéo dài từ đông qua tây, định triển khai hai cánh bao vây quân Tào rồi
tiêu diệt.
Tào Tháo không lui binh, cũng chia quân
làm nhiều nhóm chống cự, nhưng vì ít quân hơn nhiều nên không đủ phân ra
các vị trí có địch. Viên Thiệu mang quân ra khỏi luỹ, giao chiến với
quân Tào. Quân Tào thua trận phải lùi lại mấy lần. Tào Tháo ra lệnh
tướng sĩ cố giữ vững trận địa, quân địch khiêu chiến nhiều lần nhưng
không ra đánh.
Viên Thiệu bèn bày trận trên dãy núi
đất, dựng nhiều chòi gỗ, đứng trên đó bắn xuống doanh trại quân Tào.
Quân Tào mỗi người phải dùng thuẫn gỗ che đỡ tên bắn. Sau đó Tào Tháo
dùng xe bắn đá, có sức mạnh bắn những viên đá mười mấy cân bay ra xa
ngoài ba trăm mét, phá nát các chòi gỗ của địch.
Viên Thiệu lại cho quân đào nhiều địa
đạo vào doanh trại quân Tào. Ông phát hiện bèn sai quân đào đường hầm
theo chiều ngang nằm phục sẵn, hễ quân Viên đến thì bắn chết. Hai bên
giữ nhau lâu ngày, Tào Tháo sắp hết lương, muốn rút lui, bèn hỏi ý kiến
Tuân Úc đang trấn thủ Hứa Xương. Tuân Úc viết thư trả lời, khuyên Tào
Tháo kiên trì giữ, nhất định không được rút lui, nếu không hậu quả sẽ
rất xấu.
Ông viết: “Tuy nay lương thực trong
quân đội khiếm khuyết, nhưng chưa bằng tình hình khiếm khuyết lương thực
hai quân Sở và Hán đánh nhau tại Huỳnh Dương và Thành Cao. Lúc bấy giờ
Lưu Bang và Hạng Võ không ai chịu rút lui cả. Vì kẻ nào rút lui trước
thì kẻ đó sẽ bị thiệt hại to. Nay ngài với một binh lực yếu kém hơn, mà
đã chia ranh giữ đất, nắm lấy yết hầu của đối phương để chúng không thể
tiến lên được. Tình hình đó đã kéo dài nửa năm rồi, vậy một khi tình
hình diễn biến đến mức cùng cực, thì tất nhiên sẽ có biến động. Đến
chừng đó, chúng ta sẽ dùng kỵ binh tập kích, chắc chắn sẽ giành được
thắng lợi thôi”. Tào Tháo nghe theo, lệnh cho các tướng sĩ cố sức giữ thế trận.
Đánh lâu ngày không hạ được, Viên Thiệu
chưa nghĩ ra kế nào khác. Nội bộ của Viên Thiệu lại bộc lộ sự mâu thuẫn.
Thiệu sai Thuần Vu Quỳnh mang 1 vạn quân đi về nhận lương để chở ra mặt
trận. Mưu sĩ Hứa Du hiến kế cho Viên Thiệu để cho ông ta nhân lúc Hứa
Đô phòng thủ lỏng lẻo, phái một cánh binh đi vòng qua Quan Độ tập kích
Hứa Đô. Viên Thiệu không nghe. Đúng lúc đó Hứa Du có người nhà bị tội
vào ngục, xin Viên Thiệu tha không được nên bất mãn, bỏ sang hàng Tào
Tháo. Hứa Du bất mãn cũng có phần do là do nhắc nhở Viên Thiệu không nên
sử dụng Thuần Vu Quỳnh là người nóng tính, nghiện rượu. Viên Thiệu đa
nghi, không tin Hứa Du.
Được tin báo của Hứa Du về việc Thuần Vu
Quỳnh, Tào Tháo đích thân mang 5.000 quân mã đuổi đến kho lương của
Viên Thiệu ở Ô Sào. Đang đêm, quân Tào bất ngờ tập kích, Nhạc Tiến chém
chết Quỳnh. Tào Tháo đốt sạch kho lương của Viên Thiệu. Trong hơn 1 vạn
quân của Quỳnh thì hơn 1.000 bị giết, số còn lại đầu hàng. Tào Tháo sai
cắt hết mũi xác chết, lưỡi của bò ngựa giao cho quân đầu hàng mang về
doanh trại Viên Thiệu để uy hiếp tinh thần, làm nhụt ý chí quân địch.
Viên Thiệu thấy lửa cháy từ xa, biết tin
Ô Sào bị đánh, một mặt điều quân cứu Quỳnh, mặt khác sai Trương Cáp,
Cao Lãm đi cướp doanh trại Tào. Nhưng Tào Tháo đã bố trí quân phòng bị
trước, đúng như dự liệu của Cáp và Lãm. Cáp và Lãm không hạ được trại
Tào, lại nghe tin Tào Tháo phá tan Ô Sào trở về, bèn quyết định đầu hàng
Tào.
Viên Thiệu liên tiếp nghe tin thua trận,
kho lương bị mất, tướng sĩ náo loạn, kéo nhau bỏ chạy. Tào Tháo thừa cơ
dẫn quân tập kích khiến quân Thiệu đại bại tan nát. Thiệu hốt hoảng,
cùng con là Viên Đàm dẫn 800 quân kỵ chạy một mạch, qua sông Hoàng Hà
mới dám dừng lại nghỉ.
Trận Quan Độ đánh dấu sự suy yếu và từ
đó đi tới chấm dứt hoàn toàn quyền lực của tập đoàn Viên Thiệu, mở đường
cho Tào Tháo làm chủ cả miền Bắc Trung Quốc, chiếm thế thượng phong
trong cục diện “quần hùng tranh thực” khi đó.
Viên Thiệu sau tiếp tục thất bại ở
Thương Đình, 2 năm sau thì mất. 3 người con của Viên Thiệu là Viên
Thượng, Viên Hy, Viên Đàm tranh giành quyền lực đánh nhau, lần lượt bị
Tào Tháo tiêu diệt. Trận Quan Độ còn cho thấy tài năng quân sự tuyệt vời
của Tào Tháo và sự yếu kém về khả năng lãnh đạo và quân sự của Viên
Thiệu. Đồng thời, nó để lại bài học lớn về lấy ít chống đông, lấy yếu
thắng mạnh.
Sách Tam Quốc Chí, Ngụy Vũ Đế bản kỷ chép:
“Đời vua Hoàn Đế, sao Hoàng tinh mọc
sáng giữa ranh giới hai nước Tống, Sở. Ân Quỳ, một nhà thiên văn ở đất
Liêu Đông đoán rằng: năm mươi năm về sau tất sẽ có Chân Nhân khởi nghiệp
tại vùng Lương Bái, sức mạnh như sấm sét. Quả nhiên đúng 50 năm, thì
Tào phá Viên Thiệu, thế lớn chẳng ai bằng“.
Vậy là thuận theo sự diễn biến của bánh
xe lịch sử, của thời thế, Tào Tháo sẽ trở thành một ngôi sao nổi lên
giữa bầu trời đêm như một định mệnh đã được dự báo từ trước. Việc Viên
Thiệu không lấy được thiên hạ mà lại là Tào Tháo âu cũng có lý do của
nó!
Ánh Trăng
Hữu Bằng hiệu đính
3 chi tiết bất ngờ chứng tỏ Lưu Bị đích thực là ‘cao thủ võ lâm’
Trong “Tam Quốc diễn nghĩa”, Lưu
Bị hiện diện như là một thư sinh trói gà không chặt. Nhưng gần đây
người ta đã tìm ra một số chi tiết chứng minh Lưu Bị biết võ, hơn
thế còn là một cao thủ võ lâm.
Theo sử sách, Lưu Bị từng nhiều lần rút
chạy thành công, thoát khỏi vòng vây của thiên binh vạn mã. Ông cũng lại
nhiều lần đơn thương độc mã xông pha vào trận địch không chút sợ hãi.
Điều đó chứng tỏ Lưu Bị tất biết võ công.
Khi nói về binh khí và cao thủ thời Tam
Quốc, người ta thường chỉ nhớ về “Phương thiên họa kích” của Lã Bố,
“Thanh Long yển nguyệt đao” của Quan Vũ, “Bát xà mâu” của Trương Phi hay
cây thương nguy hiểm trong tay Triệu Tử Long. Kỳ thực, những người
luyện võ đều biết câu: “Luyện đao trăm ngày, luyện thương ngàn ngày, luyện kiếm vạn ngày”.
Câu đó có nghĩa là luyện đao thương thì
dễ, luyện kiếm rất khó. Người trong võ lâm lấy việc luyện đao thương làm
căn bản. Còn riêng về kiếm thuật, ai tinh thông luyện thành rồi thì đều
là cao thủ. Một cao thủ dùng kiếm phải có nhiều phẩm chất: sự kiên
nhẫn, quyết tâm, sự bình tĩnh đến cao độ và trí tuệ. Người đó lại cần có
một nội tâm trong sạch và cảm giác cực kỳ nhạy cảm, đồng thời trong
tích tắc phải có phản ứng thích đáng, kiếm đồng thời hòa làm một với tâm
hồn kiếm thủ.
Một kiếm sĩ còn cần có sức lực mạnh mẽ,
tay nắm kiếm cần phải chắc và có lực, đặc biệt là cổ tay càng cần phải
cứng rắn như sắt thép đúc thành. Trong khi đó Lưu Bị sử dụng vũ khí là
song kiếm. Trong võ lâm, sử dụng được song kiếm không có mấy người cho
nên có thể nói rằng Lưu Bị rất có thể là một cao thủ.
Loại song kiếm mà Lưu Bị sử dụng là kiếm gì? Đó là loại kiếm rất không bình thường mang tên Tam xích thanh phong.
Nó vừa dài lại dày và nặng. Tác giả dám chắc rằng Quan Vũ hai tay có
thể múa đại đao của ông dễ dàng nhưng loại song kiếm này chưa chắc ông
đã có thể múa được vài hiệp. Trong ảnh là nhân vật Lưu Bị trong phim
“Tam Quốc diễn nghĩa” 1994.
1. Lưu Bị với sức mạnh “vô song” chế ngự Trương Phi và Quan Vũ
Quan Vũ, Trương Phi thân thủ giỏi thế
nào mà tuy chỉ mới gặp đã nể phục mà chịu nhận một anh chàng đóng giày,
bán chiếu ở chợ như Lưu Bị làm đại ca khi kết nghĩa vườn đào? Điều này
thật không giản đơn.
Trong tập đầu phim Tam Quốc Diễn Nghĩa
1994 có cảnh Quan Vân Trường đi bán đậu tương ngoài chợ, thấy một người
bán thịt nhưng lại làm khó những người khác không chịu bán. Vân Trường
ra hỏi lý do, thì người này chỉ vào một cái giếng có một cái cối đá lớn
đè ở trên, nói rằng ông chủ bảo ai nhấc được cối này lên thì tất cả thịt
bên trong đều thuộc về người đấy.
Vân Trường cười nhẹ, vuốt râu nói nếu
nhấc được thì thịt trong giếng là của mình. Vân Trường lấy hết sức bám
chắc vào khối đá lớn, rồi nhấc bổng lên cao, rồi ném nó thẳng xuống dưới
nền đất, đoạn bảo người kia chia thịt cho mọi người. Lưu Bị nhìn thấy
cảnh này hết sức nể phục nhưng chưa vội ra mặt.
Lúc sau, gã bán thịt đi gọi ông chủ hắn
đến, chính là Trương Phi. Vừa thấy Vân Trường, Trương Phi thò tay bốc
ngay một nắm đậu tương, vò nát trong lòng bàn tay rồi gây sự. Hai người
đấu với nhau một trận kịch liệt. Đang lúc kịch tính nhất, khi cả hai
giằng co nhau dữ dội, bất phân thắng bại, Lưu Bị bèn đi vào, dùng hết
sức nắm chắc 2 cổ tay của Trương Phi và Vân Trường rồi từ từ tách ra làm
đôi và đè xuống dưới. Hai người kia quá bất ngờ trước sức mạnh phi
thường của người bán giày, đoạn hạ tay lại, bình tĩnh cùng nhau xưng
danh, bắt chuyện.
Nói rồi Trương Phi bảo là mình cố tình
gây sự với Vân Trường vì thấy ông là một trang hảo hán, muốn kết bạn
thông qua võ thuật, ai ngờ hôm nay gặp được cả Lưu Bị, vậy là cả 3 người
mời nhau về nhà Trương Phi ngồi tâm sự. Từ đó dẫn đến sự việc kết nghĩa
vườn đào nổi tiếng của 3 anh em Lưu – Quan – Trương trong thời loạn
thế, mở ra hàng loạt điển tích chấn động lòng người về sau, lưu danh sử
sách.
2. Tam anh chiến Lã Bố
Trận Hổ lao quan khi quân liên minh đối
đầu với Đổng Trác là lần đầu tiên Lưu Bị xuất kiếm. Cùng với Trương Phi,
Quan Vũ, ông xuất kiếm quyết chiến với Lã Bố, tạo nên một trong những
cuộc đối đầu thú vị nhất thời Tam Quốc. Có thể, Lưu Bị vốn không muốn
bộc lộ bản thân là kẻ võ phu, chỉ trong những tình thế bắt buộc thế ông
mới thể hiện sức mạnh của mình.
Biết được võ nghệ thực sự của Lưu Bị, có
lẽ chỉ có 3 người là Quan Vũ, Trương Phi và Lã Bố. Lã Bố từng cướp Từ
Châu của Lưu Bị, tưởng như chỉ cần múa một đường kích là có thể hạ ngay
Lưu Bị nhưng cuối cùng vẫn không làm gì nổi. Lã Bố thậm chí cũng không
dám hại người nhà Lưu Bị, không dám công khai chọc giận Lưu Bị.
Tại Bạch Môn Lầu, Lã Bố đã có ý định
giết Tào Tháo nhưng nhìn thấy Lưu Bị ngồi đó nên đành phải thay đổi ý
định. Vì vậy rất có thể Lưu Bị là một cao thủ võ nghệ ẩn thân không lộ
diện. Trong ảnh là phương thiên họa kích của Lã Bố và kiếm của Lưu Bị
chạm nhau, cảnh trong phim Tam Quốc 1994.
3. Lưu Bị dùng song kiếm đánh với đô đốc Hạ Hầu Đôn ở gò Bác Vọng.
Sau khi về làm quân sư cho Lưu Bị, Gia
Cát Lượng bắt tay ngay vào xây dựng lực lượng ở Tân Dã. Tào Tháo nghe
tin, điều đại tướng Hạ Hầu Đôn dẫn 10 vạn đại quân đi đánh Tân Dã. Lưu
Bị giao quyền điều binh cho Khổng Minh. Khổng Minh cho quân mai phục
chuẩn bị mọi thứ để tiêu diệt quân Tào tại Bác Vọng.
Gia Cát Lượng sai Trương Phi và Quan Vũ
phục kích 2 bên sườn gò Bác Vọng, chuẩn bị đầy đủ mồi lửa sẵn sàng thiêu
cháy quân Tào khi có hiệu lệnh. Cũng theo kế này Khổng Minh cho Triệu
Tử Long và Lưu Bị đi dụ địch, chỉ được thua không được thắng. Lần đầu
tiên Triệu Tử Long ra đánh, thua chạy nhưng Hạ Hầu Đôn không dám truy
kích theo vì sợ gặp mai phục. Nhưng một lúc sau lại có toán quân xông
ra, lần này đích thân Lưu Bị xuất đầu lộ diện.
Việc để Lưu Bị, người đứng đầu quân đội
ra nghênh chiến cho thấy Khổng Minh đã biết rõ thực lực của Lưu Bị, rằng
ông không chỉ là một chúa công chỉ biết dùng nhân nghĩa và nước mắt để
thu phục thiên hạ, mà còn sở hữu một sức mạnh tiềm tàng rất to lớn, có
thể ‘đánh nhử’ đô đốc quân Tào là Hạ Hầu Đôn được. Vì nếu không phải là
Lưu Bị, thì ngoài Triệu Tử Long, dù có cả Trương Phi, Vân Trường cũng
không thể nào nhử đại quân địch vào bẫy của mình được. Đó chính là điểm
then chốt của trận chiến này.
Lưu Bị lao ra, cầm song kiếm đánh tay
đôi với Hạ Hầu Đôn một hồi. Mà Hạ Hầu Đôn là ai? Đó là một trong những
viên tướng cưng của Tào Tháo, không phải dạng vừa. Lưu Bị có thể đánh
ngang ngửa với ông, thì quả đúng không phải tầm thường rồi. Sau đó, vì
phải diễn theo đúng kế của quân sư, nên Lưu Bị giả thua bỏ chạy thục
mạng. Thế là cả Hạ Hầu Đôn và các tướng lĩnh dưới trướng lần này đều
trúng kế, không còn ai đề phòng mai phục gì nữa, vì cơ hội chém đầu Lưu
Bị đã rất gần trong tầm tay rồi, bèn thúc ngựa đuổi theo.
Quân Tào tiến vào rừng đến khi đêm
xuống, lúc này tướng dưới trướng mới thưa rằng Hạ Hầu Đôn nên dừng truy
kích, chuẩn bị rút quân vì nơi này không nên ở lâu, thì bất ngờ tên lửa
bắn xuống mịt mù, cây cối hai bên đường cháy to. Quân Tào hoảng loạn dẫm
đạp lên nhau mà chạy, lương thực toàn bộ bị cháy. Toàn bộ Tào quân bị
tiêu diệt, tướng Hạ Hầu Đôn chạy thoát.
Qua 3 điển tích này, mặc dù khá ‘mờ
nhạt’, không phải là những chi tiết dễ thấy hay ấn tượng với khán giả,
thế nhưng nó chính là phản ánh một khía cạnh khác của Lưu Bị, vị quân
chủ nhà Thục Hán sau này, 1 trong 3 người có quyền lực nhất thời Tam
Quốc. Lưu Bị quả là một người phi thường, rất đáng mặt được Tào Tháo
khen là “anh hùng” trong thiên hạ!
Ánh Trăng
Hữu Bằng hiệu đính
Nhận xét
Đăng nhận xét