Chủ Nhật, 13 tháng 7, 2014

GIẬT MÌNH ĐI LÀ VỪA!

-Đường lối xây dựng kinh tế bắt chước, học đòi và...thích to!!!
-Thấy người để ngẫm đến ta!
-Ngẫm đến ta để...giật mình!
-Giật mình để biết lấn đến đâu là vừa mà dừng lại!
-Thủ đô to mà đất nông nghiệp nhỏ sao bằng được thủ đô nhỏ mà đất nông nghiệp to!?

-----------------------------------------

(ĐC sưu tầm trên NET)

Chính sách trưng thu đất nông nghiệp ở Trung Quốc

  •   Đặng Đình Lựu (vanhoanghean.com.vn)
  • Thứ ba, 30 Tháng 7 2013 05:01
Biểu tình vì đất đai ở Trung Quốc 
                                             Biểu tình vì đất đai ở Trung Quốc
LTS: Đất đai, cho đến hiện nay vẫn là vấn đề nóng ở Trung Quốc. Rất nhiều bất ổn trong xã hội nước này xuất phát từ nguyên nhân đất đai. Đô thị hóa là tất yếu. Một phần đất đai canh tác của nông dân phải biến thành phố, thành đường phố, thành các khu công nghiệp là tất yếu. Song lấy đi, tước đi của nông dân bao nhiêu là vừa, cách lấy như thế nào là hợp lý, hợp lẽ là vô cùng phức tạp, khó khăn, đòi hỏi phải rất nhân văn, rất có tình người, không chỉ nhìn trong hiện tai, tương lai mà cả trong quá khứ để nhận thức vấn đề. Vấn đề đất đai, bất cứ ở đâu, không thể cho rằng dùng cậy quyền lực là được, là đủ. Chúng tôi giới thiệu bài này như một tài liệu tham khảo vì nghĩ rằng đất đai ở nước ta cũng đang là một vấn đề phức tạp, khó khăn.
Quá trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, thành trấn hóa ở Trung Quốc(Qua thực tiễn, chiến lược thành thị hóa TQ đổi thành thành thị hóa kết hợp với thị trấn hóa, nên gọi chung là thành trấn hóa), việc trưng thu đất nông nghiệp cũng diễn ra ngày càng tăng, đồng thời cũng phát sinh không ít các vấn đề tồn tại, mâu thuẫn trong đó.
Từ năm 1990 đến năm 2011, thành trấn hóa phát triển nhanh, dân số thành phố và thị trấn đã từ 254 triệu người tăng lên 690 triệu người, tỷ lệ thành trấn hóa từ 22% đã tăng lên 51,27%. Và sẽ vấn tiếp tục tăng nhanh thành trấn hóa trong 10, 20 năm tới. Diện tích sử dụng cho phát triển đô thị cả nước từ năm 1995 đến năm 2010, tăng cao đến trên 20.000km2. Từ năm 1999 đến năm 2008, diện tích xây dựng ở 10 thành phố đứng đầu TQ đã từ 2.629km2 tăng lên 7.727km2. Qua điều tra ở trên 40 thành phố của các cơ quan hữu quan TQ, có khoảng 80% đất xây dựng mới tăng là đất trưng thu từ đất sở hữu tập thể nông dân. Theo số liệu của bộ Nông nghiệp công bố cuối tháng 12 năm 2012 đã chuyển 28 triệu mẫu đất canh tác cho xí nghiệp công thương (15 mẫu TQ=1ha).
Hiến pháp Trung Quốc qui định, nhà nước vì lợi ích chung, có thể dựa vào qui định của luật pháp tiến hành trưng thu đất có bồi thường. Trong quá trình này, chủ thể quyền sở hữu ruộng đất tập thể nông thôn chuyển thành sở hữu nhà nước, mục đích sử dụng ruộng đất cũng tương ứng chuyển thành đất xây dựng thành phố, thị trấn. Việc trưng thu ruộng đất sở hữu tư nhân vì mục đích công ích, cũng là cách làm phổ biến trên thế giới. Nhưng từ hiệu quả thực tế của chế độ trưng thu đất của Trung quốc cho thấy còn tồn tại rất nhiều khiếm khuyết và vấn đề, không có lợi cho bảo hộ quyền ích ruộng đất và quyền lợi tài sản của nông dân, đã dẫn đến các vấn đề kinh tế xã hội.
1) Phạm vi trưng đất quá rộng, dẫn đến lạm dụng quyền trưng đất. Hiến pháp nêu yêu cầu và nguyên tắc là “vì nhu cầu của lợi ích công cộng”, còn Luật quản lý ruộng đất không xác định rõ khái niệm và qui định rõ phạm vi “lợi ích công cộng”, trong thực tế đã có không ít đất dùng có tính kinh doanh, thương mại nhưng với cả trăm lý lẽ nêu ra là vì “nhu cầu lợi ích công cộng” để trưng thu đất tràn lan. Ngoài ra, hành vi trưng thu đất của chính quyền cũng rất khó có thể ràng buộc giám sát. Quá trình trưng đất không minh bạch, phát sinh không ít tiêu cực. Hơn nữa trưng chiếm đất quá nhanh, qui mô quá lớn, bất lợi cho bảo vệ đất canh tác và an toàn lương thực. Từ năm 1996 đến nay đã giảm trên 8 triệu ha đất canh tác.
2) Số lượng quần thể nông dân mất đất tăng nhanh. Tình hình chung, ngoài xây dựng công trình hạ tầng cơ sở loại lớn và công trình theo tuyến, đất dùng xây dựng phi nông nghiệp chủ yếu chiếm dụng ở ngoại ô và vùng kinh tế phát triển, đất ít người đông. Những vùng này đất canh tác bình quần đầu người thấp, dưới 1 mẫu. Hiện nay lấy đất canh tác để xây dưng phi nông nghiệp mỗi năm ước khoảng 2,5 – 3 triệu mẫu, như vậy, mỗi năm ít nhất có khoảng 2,5 triệu nông dân mất đất, biến thành nông dân thất nghiệp. Theo thống kê của bộ ngành liên quan của TQ, hiện nay TQ có khoảng 40 triệu nông dân bị trưng thu đất, một bộ phân tương đối trong đó hoàn toàn mất hẳn ruộng đất. Họ gặp khó khăn rất lớn về sản xuất và đời sống, phần lớn lại là người lớn tuổi, thu nhập thấp, tình trạng kinh tế mỏng manh, thuộc quần thể yếu thế của xã hội, nhất là vấn đề bảo đảm xã hội ngày càng nổi cộm, trở thành nhân tố quan trọng ảnh hưởng ổn định xã hội.
3) Chính quyền địa phương quá dựa vào tài chính ruộng đất (ngân sách ruộng đất). Chính quyền lũng đoạn đối với thị trường ruộng đất cấp I, đã kích thích chính quyền địa phương ỷ lại nặng vào thu nhập được hình thành từ xuất nhượng ruộng đất, lấy đó đưa vào ngân sách và nguồn vốn để mở rộng thành thị. Trưng thu đất càng nhiều, lợi ích của chính quyền càng lớn, thành tích GDP càng cao, mức độ ỷ lại vào trưng thu đất của ngân sách địa phương càng nặng. Từ năm 1999 đến năm 2009, thu nhập của chính quyền từ chuyển nhượng ruộng đất từ + 50 tỷ nhân dân tệ (NDT) tăng lên 1.400 tỷ NDT, từ chiếm 9% tăng lên 44% trong ngân sách địa phương. Năm 2010 càng tăng lên 2.900 tỷ NDT, năm 2011 tăng lên 3.300 tỷ NDT và chiếm tỷ trọng trong ngân sách địa phương lên trên 60 -70%. Đồng thời, chính quyền địa phương cũng ngày càng dựa vào thông qua phương thức dự trữ ruộng đất, đưa đất trưng thu làm vật thế chấp vay tiền ngân hàng. Tính đến cuối năm 2011, toàn quốc có 300.800 ha đất của 84 thành phố trọng điểm thuộc trạng thái thế chấp vay ngân hàng được 4.800 tỷ NDT.
Vai trò của trưng thu đất và chuyển nhượng đất của chính quyền địa phương đối với lợi ích chính quyền địa phương chủ yếu trên 4 mặt: a) Tăng đất cho công nghiệp, thậm chí dùng đất giá rẻ để thu hút đầu tư, tăng nhanh GDP, tăng thuế thu cho nhiệm kỳ của mình; b) Dùng đất giá rẻ để xây dựng cơ sở hạ tầng, cải thiện môi trường đầu tư, là một hình thức huy động vốn gián tiếp; c) Lũng đoạn thị trường ruộng đất cấp I, khống chế thị trường ruộng đất cấp II, và thông qua đấu thầu thu lợi giá trị tăng của ruộng đất, tăng thu nhập ngoài ngân sách địa phương; d) Thông qua chuyển công năng đất nông nghiệp và mở rộng thành phố, tăng thuế thu thuế doanh nghiệp, thuế thu nhập doanh nghiệp ngành kiến trúc, ngành kinh doanh nhà đất. Trong quá trình chuyển công năng ruộng đất này, chính quyền địa phương đã thu được tăng giá trị của cải to lớn. Không chỉ ngân sách địa phương dựa vào ruộng đất, mà cả kinh tế địa phương tăng trưởng cao cũng xoay quanh ruộng đất để triển khai. Bắt đầu từ nửa cuối năm 2002, TQ bước vào vòng tăng trưởng cao, các nơi cũng đi vào cao trào trưng thu đất, cưỡng chế dỡ dời, và xu thế lan dần từ đông sang trung và tây. Chính quyền thường dựa vào thế mạnh của mình làm xâm hại quyền ích ruộng đất của nông dân, làm ảnh hưởng đến phát triển bền vững tam nông.
4) Mâu thuẫn tranh chấp trưng thu đất đã kích phát xung đột xã hội nghiêm trọng. Mấy năm gần đây, vì trưng thu đất và dỡ dời ở nông thôn, đã gây ra tình trạng căng thẳng các vụ án khiếu kiện, qui mô đông người ngày càng nhiều; các vụ xô xát giữa lực lượng nông dân giữ đất, giữ hoa màu với lực lượng chính quyền huyện xã đến san ủi đất, phá hoa màu cưỡng chế trưng thu đất gây thương vong, đổ máu luôn xẩy ra ở nhiều địa phương trong nhiều năm và cho đến nay vẫn xẩy ra. Bản chất của xung đột là xung đột lợi ích giữa nông dân với chính quyền, nông dân với doanh nghiệp, giữa người quản lý tổ chức cơ sở nông thôn với nông dân, mà nguyên nhân chủ yếu là chính sách trưng thu đất và dỡ dời có nhiều bất cập, đụng chạm đến quyền ích của nhiều bên, nhất là quyền ích cơ bản của đông đảo nông dân. (Bộ Quốc Thổ TQ công bố chỉ nửa đầu năm 2012 đã xẩy ra 29.000 vụ vi phạm Luật ruông đất, diện tích vi phạm ngày tăng lên, liên quan đến một số địa phương tùy tiện trưng thu đất, nông dân không có quyền bảo vệ.)
5) Những tồn tại trong thực hiện chính sách trưng thu đất nông thôn.
Trong thời kỳ đầu và không ít địa phương đã chạy theo mục tiêu thứ nhất của chính sách là cung ứng nguồn đất cho phát triển nhanh công nghiệp hóa, thành trấn hóa, đối mặt với sức ép trưng thu đất trong thời gian ngắn, đã coi nhẹ mục tiêu thứ hai, thứ ba của chính sách là có lợi cho bảo hộ đất canh tác, an toàn lương thực và bảo hộ quyền ích hợp pháp của nông dân bị trưng thu đất.
Phạm vi trưng thu đất không được qui định rõ ràng, chặt chẽ, trở thành kẽ hở bị lơi dụng để trưng thu đất tràn lan, trở thành nguyên cớ phát sinh mâu thuẫn.
Các qui định về tổ chức thực hiện quá trình trưng thu đất không hoàn thiện chặt chẽ, như chưa xác định rõ ai là chủ thể trưng thu đất, quyền hạn, trách nhiệm của chủ thể trưng thu đất; nguyên tắc công bằng, công minh, công khai chưa được cụ thể hóa trong trình tự luật định trưng thu đất để chấp hành nghiêm chỉnh; vai trò của nông dân bị trưng thu đất chưa được thể hiện và bảo đảm trong quá trình trưng thu đất (kể cả từ quyết sách và tổ chức thực hiện); công tác kiểm tra giám sát tính hợp pháp của hạng mục đất trưng thu, quá trình trưng thu, v,v, đều không được qui định rõ và thực hiện nghiêm túc.
Chính sách bồi thường trưng thu đất, nhận thức giản đơn và nông cạn về vai trò, công năng đa dạng của ruộng đất đối với nông dân, nông nghiệp, nông thôn, đối với công nghiệp hóa, thành trấn hóa từ xác định chính sách đến tổ chức thực hiện chính sách.
Ruộng đất nông nghiệp đối với nông dân về mặt giá trị tính theo sản phẩm sản xuất ra là không lớn, nhất là với bình quân ruộng đất đầu người nông dân Trung quốc không đến một mẫu TQ, nhưng lại là cơ nghiệp, là nguồn sinh kế lâu dài, là cơ sở bảo đảm xã hội, tuy rất thấp nhưng lại hết sức quan trọng của cả gia đình hộ nông dân. Đất bị trưng thu, tức là nguồn sinh kế lâu dài và cơ sở bảo đảm xã hội của cả gia đình bị tuột mất. Hơn nữa, trên đất nông nghiệp không chỉ là diện tích nhiều ít, mà còn có đất tốt xấu khác nhau, do công sức bỏ ra thâm canh, cải tạo, còn có công trình cải tạo bảo vệ đồng ruộng, còn có cây trồng, vật nuôi đang ở trên đó, chưa kể đến các vật kiến trúc khác trên đó. Nhưng thời kỳ đầu xác định tiêu chuẩn bồi thường chỉ tính một nội dung là giá trị sản phảm sản xuất ra trên diện tích bị trưng thu (lấy bình quân sản lượng của 3 năm trước khi trưng thu để tính). Với đà nhận thức ngày càng sâu hơn, sát đúng dần với cuộc sống hơn, đến nay đã mở rộng nội dung và nâng cao mức tiêu chuẩn bồi thường.
Ruộng đất nông nghiệp khi chuyển đổi công năng sang đất công nghiệp đất thành phố, thì giá trị được nâng lên gấp bội, không chỉ hàng chục lần, mà cả trăm lần. Vậy giá trị tăng này của ruộng đất, nên thuộc về ai, nông dân có được hưởng phần nào trong đó, cũng là vấn đề khi xác định chính sách chưa tính đến đầy đủ. Cộng thêm chính sách ngân sách giữa TW và địa phương của TQ đã không tính đến, nhất là sau khi bỏ thuế nông nghiệp, chính quyền địa phương đã lợi dụng nguồn thu từ tăng giá trị đất sau chuyển đổi công năng để thu về không minh bạch, càng gây thêm mâu thuẩn giữa chính quyền với nông dân. (Một người phụ trách doanh nghiệp cho biết, giá họ mua từ tay chính quyền mỗi mẫu từ 3 triệu đến trên 10 triệu NDT. Đất trong vành đai 1, mỗi mẫu trên 10 triệu, ngoài vành đai 2 mỗi mẫu + 5 triệu, nơi xa trung tâm hơn cũng phải 3-4 triệu NDT. Dân chỉ được đền bù không bằng 1/10 số chính quyền thu được, thường chỉ được 20.000 đến 30.000 NDT. Hoặc như ở thôn Cam Hà, thị trấn Tây an, tỉnh Thiểm tây, mỗi mẫu đất canh tác, chính quyền bồi thường cho dân 40.800 NDT, nhưng chính quyền chuyển nhượng cho khu công nghiệp đều trên 100.000 NDT/mẫu.)
Quá trình trưng thu đất cho xây dựng thành phố, xây dựng công nghiệp là quá trình ruộng đất đã đi vào thành thị hóa, công nghiệp hóa, còn người nông dân lại ở lại, không được đồng thời đi vào quá trình thành trấn hóa, công nghiệp hóa, thể hiện sự phiến diện trong quá trình thành trấn hóa, đã và đang đặt ra không ít vấn đề xã hội bức xúc cần giải quyết. (Như Tập đoàn 31 trưng đất ngoại ô Bắc Kinh đến 3.000 mẫu xây dựng khu công nghiệp, trước khi khởi công các hạng mục dự kiến bố trí 3.000 – 5.000 chỗ làm cho nông dân địa phương, nhưng sau khi xây dựng đi vào sản xuất bình thường, hiện nay thực sự chỉ có chưa đến 200 người dân địa phương vào làm việc ở khu công nghiệp.)
Ngay cả tiêu chí để tính tỷ lệ thành trấn hóa, cũng có vấn đề, như theo qui định của TQ, người cư trú ở thành phố trên 6 tháng là được ghi vào danh sách người thành phố. Nhưng thực chất họ vẫn chưa thực sự là thị dân, không chỉ hộ khẩu của họ còn ở nông thôn, mà quan trọng hơn họ chưa được hưởng các đãi ngộ dịch vụ công như một người thành phố (thị dân) thực sự. Thành trấn hóa (thị dân hóa) nông dân trì trệ đi sau thành trấn hóa ruộng đất đã tạo ra hiện tượng nông dân giả thị dân hóa với lượng lớn hiện nay đang đòi hỏi được giải quyết.
Phân phối thu lợi ruộng đất không lợi cho phát triển nông nghiệp nông thôn. Theo số liệu thống kê của Bộ Tài chính và Bộ Quốc Thổ Trung quốc cho thấy, năm 2010, thu nhập từ chuyển nhượng ruộng đất cả nước là 2.900 tỷ NDT, thu lợi của ruộng đất chuyển nhượng là 1.220 tỷ NDT. Trong đó dùng cho xây dựng thành phố chiếm 61,7%, chi cho phát triển nông nghiệp, nông thôn chỉ có 18,4%. Ba năm từ 2008 đến 2010, tỷ lệ vốn cho mở mang  ruộng đất nông nghiệp so với thu lợi chuyển nhượng ruộng đất nông nghiệp, chỉ có tương ứng mỗi năm là 2,76%, 2,08% và 1,55%, bình quân 3 năm là 1,94%. Tỷ lệ chi phí cho xây dựng cơ sở hạ tầng nông nghiệp so với thu lợi chuyển nhượng ruộng đất tương ứng mỗi năm chỉ có 7,41%, 6,31% và 8,36%, bình quân 3 năm chỉ 7,58%; thu lợi chuyển nhượng ruộng đất dùng cho nông thôn tổng cộng tương ứng mỗi năm là 10,8%, 8,39% và 9,91% , bình quân 3 năm là 9,52%. Trưng thu đất với mức độ nào đó mà nói, là một thứ cưỡng chế tước đoạt đối với ruộng đất nông thôn. Nông thôn đã mất đi quyền phát triển lâu dài ẩn chứa trong ruộng đất. Trong thu lợi của chuyển nhượng ruộng đất, tỷ lệ dùng cho phát triển nông nghiệp, nông thôn, nông dân quá thấp, không chỉ đã ảnh hưởng đến lợi ích hiện thực của nông dân, mà càng bất lợi cho phát triển ổn định lâu dài của nông nghiệp, nông thôn.
Trong quá trình trưng thu đất, hầu như người nông dân không có quyền gì cần có để bảo vệ quyền ích chính đáng của mình. Một mặt là do ý thức luật pháp của người nông dân còn hạn chế, mặt khác việc xác định quyền tài sản ruộng đất của người nông dân theo luật tài sản công dân cũng chỉ mới bước đầu, đang trong quá trình triển khai thực hiện. Các yếu tố tiền đề để hình thành thị trường ruộng đất cũng đang trong quá trình xây dựng.
 
Ngày 24/12/2012, Ủy ban Thường vụ Nhân đại toàn quốc thẩm nghị nghị án “về sửa đổi Luật quản lý ruộng đất”, trong đó sửa đổi một số điều khoản, giải quyết vấn đề tồn tại trong công tác bồi thường trưng đất hiện nay, bảo đảm quyền ích hợp pháp của nông dân bị trưng đất, mà như Ôn Gia Bảo đã đề ra rõ trong Báo cáo công tác của Chính phủ năm 2012 (ngày 09/3/2012): “Quyền kinh doanh ruộng khoán, quyền sử dụng đất ở, quyền phân phối thu lợi tập thể là quyền lợi tài sản pháp luật trao cho nông dân, bất cứ ai cũng không được xâm phạm”.
Trong quá trình công nghiệp hóa, thành trấn hóa, việc trưng đất nông nghiệp là tất nhiên, nhưng để hài hòa các mặt kinh tế xã hội, dân sinh, cần bảo đảm thực hiện đồng bộ cả 3 mục tiêu của trưng thu đất: Cung ứng nguồn đất cần thiết cho công nghiệp hóa, thành trấn hóa; Bảo hộ đất canh tác, an toàn sản xuất lương thực; Bảo hộ quyền ích hợp pháp của nông dân bị trưng thu đất.
Chế độ bồi thường trưng thu đất hiện hành là do Luật quản lý ruộng đất xác định, điều khoản “then chốt nhất” trong đó là điều 47 qui định “trưng thu ruộng đất là theo công dụng của ruộng đất trưng thu để bồi thường”. “Chi phí bồi thường của đất canh tác trưng thu bao gồm phí bồi thường đất, phí hỗ trợ an trí, phí bồi thường vật và cây non trên đất”, “Tổng số phí bồi thường đất và phí hỗ trợ an trí không quá 30 lần giá trị sản lượng bình quân 3 năm trước khi trưng đất”.
Qui định của điều 47 đã dần bộc lộ một số vấn đề không phù hợp tình hình mới. Như từ nguyên tắc bồi thường để xét, trên cơ sở công dụng, theo bội số giá trị sản lượng năm để bồi thường, đã không xem xét tổng hợp các nhân tố ngoài giá trị sản lượng năm, bao gồm vị trí khu đất, quan hệ cung cầu và công năng bảo đảm việc làm, bảo đảm xã hội của ruộng đất đối với nông dân, v.v…Vì thế, tổng hợp xem xét nhiều mặt, so với điều 47, có mấy sửa đổi sau:
      - Xác định rõ nguyên tắc cơ bản của bồi thường công bằng, qui định đất sở hữu tập thể nông dân cần được bồi thường công bằng, bảo đảm mức sống vốn có của nông dân bị trưng đất có cải thiện, bảo đảm có sinh kế lâu dài, bảo vệ quyền ích hợp pháp của nông dân bị trưng đất.
      - Tăng thêm nội dung cụ thể của bồi thường bảo đảm xã hội. Đưa nhà ở trên đất liệt thành mục riêng. Qui định bồi thường trưng đất gồm bồi thường ruộng đất, hỗ trợ an trí nông dân bị trưng thu đất và phí bảo đảm xã hội, bồi thường nhà ở nông dân nông thôn và bồi thường các thứ khác có trên đất trưng thu.
      - Đã tăng thêm căn cứ nguyên tắc hợp pháp, công bằng, công minh, công khai để qui định trình tự trưng thu đất chặt chẽ. Như các khoản bồi thường chưa thực hiện đầy đủ đến đúng địa chỉ thực tế cụ thể thì không phê duyệt và không thực thi trưng thu đất; tăng cường ràng buộc hành vi trưng thu đất của chính quyền; bảo đảm nông dân bị trưng thu đất có quyền tham gia, có quyền có ý kiến trong cả quá trình chuẩn bị ra quyết định và thực thi quyết định trưng thu đất. Kiên quyết thực hiện “trước bồi thường, an trí, sau thực thi trưng đất”.
Trong đó cần phân rõ bồi thường đất và an trí lâu dài ra. Bồi thường, chủ yếu là bồi thường quyền sở hữu ruộng đất, nhà ở, cây non, các công trình nông nghiệp có trên đất. Còn an trí là theo nguyên tắc công bằng xã hội, tuân theo nguyên tắc thống nhất tiến trình thành trấn hóa ruộng đất với tiến trình thị dân hóa nông dân, quan trong nhất là có việc làm, có sinh kế lâu dài ổn định, đồng thời với việc bảo đảm phúc lợi bảo đảm xã hội bình đẳng với mọi cư dân đô thị.
Về tiêu chuẩn mức bồi thường, không qui định mức chuẩn chung cho mọi nơi mọi lúc, nên mỗi địa phương đưa ra mức khác nhau cho mỗi vùng đất, mổi thời gian. Như tỉnh Sơn Tây, năm 2009 công bố mức bồi thường cho mỗi mẫu là 25.700 NDT, nay nâng lên 31.200 NDT, và sau 2-3 năm thực hiện lại điều chỉnh lên một lần trên cơ sở qui định luật pháp hữu quan, tham khảo số liệu thống kê về tổng giá trị sản lượng, thu nhập tài chính, thu nhập ròng về nông nghiệp bình quân đầu người nông dân và các chỉ số bảo đảm mức sống tối thiểu, giá cả thực phẩm, giá cả tiêu dùng cư dân, giá cả lương thực nông thôn, tổng chỉ số giá cả sản xuất nông sản phẩm trong niên giám thống kê từ năm 2009 đến năm 2011, cuối cùng xác định mức bồi thường đất và phí an trí cho mỗi mẫu đất trưng thu, chưa tính phí bồi thường các thứ khác.
Về hình thức bồi thường cũng áp dụng nhiều hình thức, tiền mặt, đất để lại, tham gia cổ phần, chuyển đổi nhà ở, gửi vào tài khoản cá nhân, v,v…tùy người được bồi thường lựa chọn.
Về trưởng hợp cưỡng chế dỡ dời, hủy bỏ cưỡng chế hành chính, hoàn toàn thông qua trình tự tư pháp tiến hành cưỡng chế. Do người thứ ba (cơ quan tư pháp) có vị trí trung lập để quyết định có nên hay không nên cưỡng chế. Như vậy là có lợi cho bảo đảm tiến hành cưỡng chế có trật tự, công bằng, công minh. Đây cũng là yêu cầu tất nhiên của công minh trình tự cưỡng chế của xã hội hiện đại.
Nội dung sửa đổi cũng đã đưa ra cho người bị trưng thu đầy đủ con đường cứu trợ hành chính và cứu trợ tư pháp. Người bị trưng thu không nhất trí với quyết định trưng thu, quyết định bồi thường có thể trình phúc nghị hành chính, cũng có thể đưa ra tố tụng hành chính.
Ngoài ra cũng cần xúc tiến cải cách một số vấn đề vĩ mô liên quan, như vấn đề thể chế cơ chế ngân sách TW địa phương./.
 
      (Nguồn: Văn kiện số 01 về tam nông của TW và QVV của các năm 2008 đến 2013; Nhật báo nhân dân ngày 24/01/2011, 06/11/2011; Mạng Chính phủ ngày 17/6/2010, 05/3/2012; Nhật báo Pháp chế ngày04/5/2012;Tuần san Liễu vọng ngày 30/10/2011; Bán nguyệt đàm ngày11/12/2012;Mạng Tân hoa ngày 22/01/2011, 28/12/2011, 28/02/2012, 24/12/2012, 26/01/2013, 27/5/2013;Thời báo Kinh Hoa ngày 23/11/2011.)
 
Hà Nội ngày 20/6/2013.

20% Đất Nông Nghiệp Trung Quốc Bị Ô Nhiễm, Đầu Tư Phục Hồi Cần Đến Hàng Nghìn Năm

Ngày 17 tháng 4 Bộ Bảo vệ Môi trường và Bộ đất đai của Trung Cộng đã phát hành môt cuộc khảo sát cho thấy có ít nhất 20% diện tích đất trồng bị ô nhiễm, tương đương với 350 triệu mẫu đất canh tác. Sức khỏe của cơ thể người dân Đại Lục và an toàn lương thực bị đe dọa nghiêm trọng. Dựa vào cơ chế đầu tư quản trị đất trong việc bố trí sắp xếp tài chính của chính quyền trung ương hiện tại, thì phải cần đến hàng nghìn năm mới có thể khắc phục sơ bộ hậu quả ban đầu của việc ô nhiễm đất canh tác.

Trung Quốc 20% đất nông nghiệp bị ô nhiễm – an toàn thực phẩm đáng lo ngại

Vào buổi chiều ngày 17 tháng 4 đã công bố kết quả cuộc điều tra khảo sát đầu tiên về tình trạng ô nhiễm đất trên toàn quốc đã cho thấy 19,4% đất canh tác vượt quá mức ô nhiễm cho phép. Ước tính với chừng 1800 triệu mẫu đất canh tác, thì khoảng 350 triệu mẫu đất canh tác của Trung Quốc bị ô nhiễm . So với năm 2006, Bộ bảo vệ môi trường công bố Đại Lục chịu ô nhiễm đất canh tác ước tính khoảng 150 triệu mẫu, tăng lên 133%.
Sự tham dự và điều tra của Bộ đất đai và các quan chức của Cục Bảo vệ môi trường đã có lời giới thiệu hướng tới ban ngành truyền thông, lần này do chịu hạn chế của điều kiện khách quan, cứ mỗi 9,6 vạn mẫu đất canh tác mới thiết lập một điểm đo lường, vì vậy nó chỉ có thể phản ánh điều kiện ô nhiễm của đất nông nghiệp ở mặt vĩ mô của Trung Quốc, rất khó để cung cấp một cách chính xác diện tích thổ nhưỡng bị ô nhiễm.
Theo thống kê chính thức của Trung Quốc và theo cách nói như thường lệ, diện tích chịu ô nhiễm trên thực tế có thể không chỉ là 350 triệu mẫu đất canh tác .
Thông cáo cho biết, các chất gây ô nhiễm chính cho đất canh tác chủ yếu gồm có cadmium, nickel , đồng, thạch tín, thủy ngân, chì , DDT và PAHs ….
Khu vực khai thác mỏ hùng mạnh nhất của Trung Quốc đã gây ô nhiễm đất nghiêm trọng , hơn một ngàn dân thường bị ung thư do nhiễm độc asen. ( Ảnh Internet )
Khu vực khai thác mỏ hùng mạnh nhất của Trung Quốc đã gây ô nhiễm đất nghiêm trọng , hơn một ngàn dân thường bị ung thư do nhiễm độc asen. ( Ảnh Internet )
Các quan chức Trung Quốc luôn luôn đặt tỷ lệ tự cung tự cấp thực phẩm đạt 95% là một mục tiêu, vì vậy mới có việc bảo vệ 1800 triệu mẫu đất canh tác hồng tuyến. Đến cuối năm 2012, tỷ lệ tự cung tự cấp lương thực của Trung Quốc đã thực sự giảm xuống dưới 90%. Năm 2013 Trung Quốc nhập khẩu hơn 1500 vạn tấn ngũ cốc, và hàng năm đều có xu hướng tăng.
Nếu như 20% đất bị ô nhiễm được đưa vào sản xuất cây nông nghiệp không thể được quy về lương thực phù hợp với con người, như vậy tỷ lệ lương thực tự cung tự cấp của đại lục sẽ đột nhiên giảm 20% và rơi vào một tình huống hết sức nguy hiểm.

Phát triển kinh tế không đủ để kiểm soát ô nhiễm – chính quyền trung ương phát tiền ngân sách để phục hồi đất phải cần khoảng thời gian đến hàng nghìn năm

Đất vốn có đặc tính là dễ ô nhiễm nhưng rất khó để phục hồi.” Báo đô thị phía nam cho biết ” trong năm 2010 đã từng phái một phóng viên tới Nhật Bản để phỏng vấn và tìm hiểu về việc sửa chữa phục hồi các vấn đề đất bị ô nhiễm, báo cáo cung cấp các dữ liệu cho thấy: Nhật Bản tiến hành sử dụng phương pháp thay thế đất ô nhiễm bằng đất sạch để phục hồi đất nông nghiệp, huyện Toyama Nhật Bản đã đầu tư 340 triệu đôla cho 863 ha đất nông nghiệp, và tốn mất thời gian là 33 năm. Chi phí trung bình để phục hồi mỗi mẫu đất lên đến gần 18 vạn nhân dân tệ. Trên cơ sở đó, để sửa chữa phục hồi 350 triệu mẫu đất thì cần chi 63000 tỷ nhân dân tệ.
Theo Lam Hồng ở học viện Môi trường, Đại học Nhân Dân Trung Quốc giới thiệu, đối với đất nông nghiệp bị ô nhiễm nặng bởi các kim loại nặng, thậm chí nếu dùng phương pháp với chi phí thấp nhất để sửa chữa và phục hồi đất trồng cây, thì mỗi ha cũng cần tới 30 vạn nhân dân tệ, tổng số tiền cần thiết để sửa chữa đất nông nghiệp sẽ lên tới 6 nghìn tỷ nhân dân tệ.
Năm 2011 phát hành < Kế hoạch bảo vệ môi trường thổ nhưỡng toàn quốc “thập nhị ngũ ” > tuyên bố trong quãng thời gian ” thập nhị ngũ” sẽ dùng quỹ vốn tài chính trung ương trong việc khắc phục hậu quả ô nhiễm đất là 30 tỷ nhân dân tệ, trung bình mỗi năm chỉ là 6 tỷ. Theo lực đầu tư như vậy mà tính, để sửa chữa và phục hồi 350 triệu mẫu đất canh tác thì phải mất hàng ngàn năm. Mà ở đây vẫn còn chưa bao gồm chi phí chữa trị và xử lý đất nông nghiệp ô nhiễm do ô nhiễm nước, ô nhiễm công nghiệp, ô nhiễm không khí .
Lam Hồng cho biết chi phí 30 tỷ nhân dân tệ để kiểm soát ô nhiễm đất đại lục so với nhu cầu thực tế hàng chục nghìn tỷ thì chỉ là ” như muối bỏ biển “, việc phục hồi thổ nhưỡng tại đại lục còn khuyết thiếu những “nguồn tài trợ lớn”.
Liên hệ với tác giả : djyfanghan@gmail.com
Chú thích của người dịch : 1 mẫu đất (Trung Quốc) tương đương khoảng 1/16 ha (hệ mét) , khoảng 667 m2
-----
Dịch Việt ngữ bởi: Việt Nguyên
Để đọc bản gốc trên Epoch Times, vui lòng click vào đây

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét