Thứ Bảy, 12 tháng 7, 2014

ĐỊA LINH NHÂN KIỆT 5 (Giáo sư Trần Văn Khê)

 (ĐC sưu tầm trên NET)


Trần Văn Khê

Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
 

Giáo sư Trần Văn Khê
Trần Văn Khê (24 tháng 7 năm 1921 –) là một nhà nghiên cứu văn hóa, âm nhạc cổ truyền nổi tiếng ở Việt Nam.

Tiểu sử

Trần Văn Khê sinh ngày 24 tháng 7 năm Tân Dậu (1921) trong một gia đình có bốn đời làm nhạc sĩ, nên từ nhỏ ông đã làm quen với nhạc cổ truyền. Năm lên 6 tuổi ông đã được cô (Ba Viện) và cậu (Năm Khương) dạy đàn kìm, đàn cò, đàn tranh, biết đàn những bản dễ như "Lưu Thuỷ", "Bình Bán vắn", "Kim Tiền", "Long Hổ Hội". Ông nội ông là Trần Quang Diệm (Năm Diệm), cha ông là Trần Quang Chiêu (Bảy Triều), cô là Trần Ngọc Viện (tức Ba Viện, người đã sáng lập gánh cải lương Đồng Nữ ban), đều là những nghệ nhân âm nhạc cổ truyền nổi tiếng. Cụ cố ngoại ông là tướng quân Nguyễn Tri Phương. Ông ngoại ông là Nguyễn Tri Túc, cũng say mê âm nhạc, có ba người con đều theo nghiệp đờn ca. Một trong số đó Nguyễn Tri Khương, thầy dạy nhạc và nhà soạn tuồng cải lương nổi tiếng. Riêng mẹ ông là Nguyễn Thị Dành (Tám Dành), sớm tham gia cách mạng, gia nhập Đảng Cộng sản Việt Nam vào năm 1930 và bị thương rồi mất trong năm đó. Cha ông vì thương nhớ vợ nên qua đời năm 1931. Ông có một người anh họ ngoại (con ông Nguyễn Tri Lạc) là nhạc sĩ Nguyễn Mỹ Ca.
Mồ côi từ rất sớm, mẹ mất năm 9 tuổi, cha mất năm 10 tuổi, nên ông cùng với hai em là Trần Văn Trạch (về sau là một ca sĩ nổi tiếng, có biệt danh Quái kiệt), Trần Ngọc Sương được cô Ba Viện nuôi nấng. Cô Ba Viện rất thương, cho anh em ông đi học võ, học đàn kìm.
Năm 10 tuổi, Trần Văn Khê đậu tiểu học, sang Tam Bình, Vĩnh Long nhờ người cô thứ năm nuôi. Đến đây Trần Văn Khê được học chữ Hán với nhà thơ Thượng Tân Thị. Trong kỳ sơ học năm 1934 tại Vĩnh Long được đậu sơ học có phần Hán Văn. Cả tỉnh chỉ có Trần Văn Khê và Nguyễn Trọng Danh được đậu bằng chữ Hán.
Năm 1934, ông vào trường Trung học Trương Vĩnh Ký, được cấp học bổng. Học rất giỏi, năm 1938 ông được phần thưởng là một chuyến du lịch từ Sài Gòn đến Hà Nội, ghé qua Phan Thiết, Đà Nẵng, Nha Trang, Huế. Nhờ đậu tú tài phần nhất năm 1940, thủ khoa phần nhì năm 1941, ông được đô đốc Jean Decoux thưởng cho đi viếng cả nước Campuchia xem Chùa Vàng, Chùa Bạc tại Nam Vang, viếng Đế Thiên Đế Thích. Khi về Việt Nam, nhờ thầy Phạm Thiều giới thiệu, ông được Đông Hồ tiếp đãi, dẫn đi chơi trong một tuần.
Thời gian này, ông cùng Lưu Hữu Phước, Võ Văn Quan lập dàn nhạc của trường, và dàn nhạc của học sinh trong câu lạc bộ học sinh mang tên là Scola Club của hội SAMIPIC. Ông là người chỉ huy hai dàn nhạc đó.
Năm 1942, Trần Văn Khê ra Hà Nội học y khoa. Tại đây, cùng với Huỳnh Văn Tiểng, Lưu Hữu Phước, Mai Văn Bộ, Phan Huỳnh Tấng (nay đổi thành Phạm Hữu Tùng), Nguyễn Thành Nguyên, hoạt động trong khuôn khổ của Tổng hội Sinh viên. Do thể hiện một trình độ cảm nhạc xuất sắc, ông được cử làm nhạc trưởng của giàn nhạc trường, nhân giới thiệu những bài hát của Lưu Hữu Phước. Ông còn tham gia phong trào "Truyền bá quốc ngữ" trong ban của GS Hoàng Xuân Hãn, "Truyền bá vệ sinh" của các sinh viên trường Thuốc, và cùng các bạn Lưu Hữu Phước, Mai Văn Bộ, Huỳnh Văn Tiểng tổ chức những chuyến "đi Hội đền Hùng", và đi viếng sông Bạch Đằng, Ải Chi Lăng, đền Hai Bà.
Năm 1943, ông cưới bà Nguyễn Thị Sương, và sau đó có nhiều sự kiện làm Trần Văn Khê phải xin thôi học để trở về miền Nam. Con trai ông là Trần Quang Hải, sinh năm 1944, sau này cũng là một nhà nghiên cứu âm nhạc dân tộc Việt Nam danh tiếng.
Ông sang Pháp du học từ năm 1949. Hè năm 1951, ông thi đậu vào trường Chánh trị Khoa giao dịch quốc tế. Cho đến năm 1958, ông theo học khoa nhạc học và chuẩn bị luận án tiến sĩ dưới sự chỉ đạo của các Giáo sư Jacques Chailley, Emile Gaspardone và André Schaeffner. Tháng 6 năm 1958, ông đậu Tiến sĩ Văn khoa (môn Nhạc học) của Đại học Sorbonne. Từ năm 1963, ông dạy trong Trung tâm Nghiên cứu nhạc Đông phương, dưới sự bảo trợ của Viện Nhạc học Paris (Institut de Musicologie de Paris). Ông là thành viên của Viện Khoa học Pháp, Viện sĩ thông tấn Viện Hàn lâm châu Âu về Khoa học, Văn chương và Nghệ thuật cũng như nhiều hội nghiên cứu âm nhạc quốc tế khác; là Chủ tịch Hội đồng Khoa học của Viện quốc tế nghiên cứu âm nhạc bằng phương pháp đối chiếu của Đức (International Institute for Comparative Music Studies).
Sau 50 năm nghiên cứu và giảng dạy ở Pháp, nay ông trở về sinh sống và tiếp tục sự nghiệp nghiên cứu và giảng dạy âm nhạc dân tộc tại Việt Nam. Ông cũng là người đã hiến tặng cho Thành phố Hồ Chí Minh 420 kiện hiện vật quý, trong đó có nhiều loại nhạc cụ dân tộc và tài liệu âm nhạc.

Hội viên

Giáo sư Trần Văn Khê là thành viên của nhiều hội nghiên cứu âm nhạc trong nước Pháp, Mỹ, Trung Quốc và trên trường quốc tế:
  • Hội Nhà văn Pháp (Société des Gens de Lettres) (Pháp)
  • Hội Âm nhạc học (Société Française de Musicologie) (Pháp)
  • Hội Dân tộc Nhạc học Pháp (Société Française d'Ethnomusicologie) (Pháp)
  • Hội Âm nhạc học Quốc tế (Société Internationale de Musicologie)
  • Hội Dân tộc Nhạc học (Society for Ethnomusicology) (Mỹ)
  • Hội Nhạc học Á châu (Society for Asian Music) (Mỹ)
  • Hội Âm nhạc Á châu và Thái Bình Dương (Society for Asian and Pacific Music)
  • Hội Quốc tế Giáo dục Âm nhạc (International Society for Music Education)
  • Thành viên và chủ tịch hội đồng khoa học của Viện Quốc tế Nghiên cứu Âm nhạc với Phương pháp Đối chiếu (International Institute for Comparative Music Studies) (Đức)
  • Hội đồng Quốc tế Âm nhạc truyền thống (International Council for Traditional Music) nguyên phó chủ tịch (Mỹ)
  • Hội đồng Quốc tế Âm nhạc (International Music Council/UNESCO), nguyên uỷ viên ban chấp hành, nguyên phó chủ tịch, đương kim Chung sanh hội trưởng danh dự (Pháp)
  • Viện sĩ thông tấn, Hàn lâm viện Châu Âu, Khoa Học, Văn chương, Nghệ thuật...

Giải thưởng

  • 1949: Giải thưởng nhạc cụ dân tộc tại Liên hoan Thanh niên Budapest.
  • Huy chương bội tinh hạng nhứt của chánh phủ Việt Nam Cộng hòa.
  • Văn hoá bội tinh hạng nhứt của Bộ giáo dục Việt Nam Cộng hòa.
  • 1975: Tiến sĩ âm nhạc danh dự (Docteur en musique, honoris causa) của Đại học Ottawa (Canada).
  • 1981: Giải thưởng âm nhạc của UNESCO ở Hội đồng Quốc tế Âm nhạc (Prix UNESCO - CIM de la Musique).
  • 1991: Officier de l'Ordre des Arts et des Lettres, Ministère de la Culture et de l'Information du Gouvernement français (Huy chương về Nghệ thuật và Văn chương của Bộ Văn hoá Pháp).
  • 1993: Cử vào Hàn lâm viện châu Âu về Khoa học, Văn chương, Nghệ thuật; viện sĩ thông tấn.
  • 1998: Huy chương Vì Văn hoá Dân tộc của Bộ Văn hoá Việt Nam.
  • 1999: Huân chương Lao động hạng nhất do Chủ tịch Trần Đức Lương cấp.
  • 2005: Giải thưởng Đào Tấn do Trung tâm Nghiên cứu bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc trao tặng.
  • 2011: Giải thưởng Phan Châu Trinh về nghiên cứu
Trang này được sửa đổi lần cuối lúc 16:34, ngày 8 tháng 12 năm 2013.


Những người phụ nữ trong đời giáo sư Trần Văn Khê

Nhung nguoi phu nu trong doi giao su Tran Van Khe
(Ảnh: Đào Ngọc Thạch)
Sống xa quê nhà hơn nửa thế kỷ, nhưng dường như VN chưa bao giờ xa lạ với giáo sư Trần Văn Khê. Ông yêu đất nước bằng tình yêu máu mủ, ruột thịt, gắn bó với quê hương từ những món ăn thường ngày tự nấu, đến âm nhạc dân tộc mà ông dành cả đời nghiên cứu, bảo tồn...
Nhưng còn có một góc đời thường khác, đó là những người phụ nữ VN mà ông đã gắn bó, thương yêu, tri âm, tri kỷ... Một buổi chiều muộn trong căn nhà màu trắng số 32 Huỳnh Đình Hai, TP.HCM - TNTS được ông chia sẻ những thầm kín nơi cõi lòng.
Ước mơ của tôi đã thành hiện thực
* Khi biết cháu đã hẹn và sẽ được gặp bác, một người bạn cho cháu biết một thông tin: Giáo sư Trần Văn Khê từng đóng phim? Xin bác kể về chuyện thú vị đó được không?
- Tôi phải nói ngay, tôi đóng phim là một sự bắt buộc trong cuộc đời. Đó là thời gian làm tiến sĩ - 1956, chỉ còn 2 năm nữa là bảo vệ luận án mà tiền bạc thì thiếu thốn nên phải đi đóng phim. Khi ấy ông đạo diễn đi tìm một diễn viên vai người cai quản trại tù binh Nhật trong phim Cuộc đời tôi bắt đầu từ Mã Lai lấy tứ từ một cuốn tiểu thuyết do người Australia viết thời kỳ bị Nhật đô hộ. Ông đi khắp nước Anh để tìm một người Nhật như vậy nhưng không có, tôi cùng thử vai với 27 người khác mà cuối cùng người ta thấy tôi Nhật hơn cả người Nhật nên được ký hợp đồng ngay.
Số tiền đóng phim đã giúp tôi trong 2 năm liền không phải làm gì. Mỗi ngày tôi được trả 50 bảng cộng thêm 12 bảng tiền ăn. Trừ tiền thuế phải trả tôi còn lại 30 bảng. Tính mỗi ngày đóng phim đủ để ăn 600 bữa. Mà tôi đã đóng trong12 ngày liền. Nhưng với tôi, đóng phim chỉ là phương tiện để sống chứ không phải là cứu cánh. Tôi còn lồng tiếng cho hàng trăm phim bên Pháp. Có lẽ vì phản xạ của tôi rất nhạy, không bị lỡ nhịp miệng của diễn viên, tôi lại có thể lồng tiếng cho nhiều nhân vật.
Tôi làm lồng tiếng phim khoảng 2 - 3 năm nhưng đóng phim thì không nhiều, chỉ một phim Pháp và một phim Anh. Tôi không mê điện ảnh, nên chẳng bị ảnh hưởng nào từ nó hết và không có bộ phim nào làm tôi say mê để thay đổi cuộc đời. Tôi chỉ thích xem nhất là phim về tiểu sử các nhạc sĩ nổi tiếng thế giới. Đó là những người tôi kính trọng nhất nên muốn xem cuộc sống của họ như thế nào.
* Về VN đã 2 năm, bác thấy cuộc sống hiện tại như thế nào ạ?
- Trong 2 năm nay, dường như cuộc đời tôi suốt mấy chục năm qua đến bây giờ đã được hưởng điều mà con người ít dám nói tới, đó là hạnh phúc. Tôi từng ước mơ có ngôi nhà trưng bày các tư liệu nghe nhìn tôi thích và khu vườn với những cây hoa. Bây giờ mỗi sáng thức dậy tôi thấy có tia nắng ấm của sự sống ở VN, mở đài phát thanh, truyền hình là tiếng Việt, mở sách đọc tiếng Việt, ăn món ăn Việt, rồi nói tiếng Việt với mọi người.
Tôi đã đi, đã được học, nghiên cứu sâu sắc những nét giá trị của văn hóa VN để giới thiệu cho bạn bè quốc tế, bây giờ về đây để dạy cho các học trò của tôi. Tất cả những cái gì hay về mặt nghệ thuật mà tôi đã chắt lọc để làm giàu, bổ sung cho âm nhạc VN. Tôi đem được hết các hiện vật gắn với cuộc sống của tôi về đây, ngôi nhà 32 Huỳnh Đình Hai này sẽ trở thành nhà trưng bày sau khi tôi ra đi mãi mãi. Tôi yên tâm lắm, ước mơ của tôi đã thành hiện thực.
* Thưa, bác đang thấy hạnh phúc nhưng có điều gì bác thấy chưa hài lòng mỗi khi phải ra khỏi nhà?
- Có nhiều đấy, nếp sống văn hóa ngày xưa mất đi nhiều lắm rồi. Chúng ta đã hội nhập nhưng bất kỳ ai đến đây mà nhìn giao thông VN thì thấy thật hỗn loạn. Qua đường là cả một sự nguy hiểm, mạnh ai nấy chạy, tự do quá mức. Đó là những người không biết tự do của mình còn phải bị giới hạn bởi tự do của người khác. Đi vào rạp hát hay phòng hòa nhạc thì tôi buồn vô cùng.
Tôi thấy người VN mình đến không nghe nhiều, nghe một cách xao lãng, nói điện thoại, đọc báo, nói chuyện với nhau hay thậm chí là ăn uống và cuối cùng không vỗ tay hoặc vỗ tay lẹt đẹt hai ba tiếng. Rõ ràng sự cảm thông giữa người nghe và người diễn bị mất đi. Người nghệ sĩ sẽ cảm thấy rất thất vọng.
Tôi sợ người nước ngoài khi đến đây họ sẽ thấy dường như
người VN chưa có văn hóa nghe nhạc. Hay là những cuộc hội thảo được làm không chu đáo, có khi giấy mời đến tay tôi thì hội thảo đã diễn ra được vài buổi. Người đến dự thì không đúng giờ, các bài diễn văn nhạt và không đủ tầm... Nhạc truyền thống chưa được coi trọng nên giới trẻ dường như đang quay lưng lại.
* Với hơn 50 năm sống ở Pháp, bác có nhận định gì về quan điểm sống của người phương Tây và ở VN?
- Tôi sống ở Pháp trên 55 năm, khi đến tôi ở nhà một người Pháp và được tiếp đãi rất nồng hậu nhưng họ vẫn giữ giới hạn lắm. Họ tôn trọng tự do của khách và đồng thời cũng tôn trọng tự do của mình. Bởi vậy mà dù sống với nhau trong một nhà nhưng ít có giao tiếp gần gũi. Có khi mình đau ốm họ cũng không hay.
Mặc dù người Pháp là người có lễ độ, văn hóa và ít kỳ thị chủng tộc hơn so với nhiều nước khác. Riêng đối với VN thì họ càng gần gũi thân mật. Nhưng ở VN tình người mạnh hơn rất nhiều. Đi ra đường, có người gặp nhận ra quen là họ chào hỏi: “Thưa bác mới về”. Người VN mình gặp ít khi lạnh lùng càng không kỳ thị.
Nhung nguoi phu nu trong doi giao su Tran Van Khe
Trước đây, khi tôi còn ở VN, là người Nam trọ học ở nhà người Bắc, Tết đến cũng được tham dự như người nhà, được xem hoa thủy tiên nở... Dường như với người Bắc, người Nam như hiện thân của sự phóng khoáng, gần gũi, cởi mở và sẵn lòng chia sẻ. Tình đồng bào rất đậm đà.
Tôi là người từng tha hương, cảm được cái thiếu nhiều sự nồng ấm của tình người với nhau nơi đất khách. Về VN, thậm chí khi tôi vào bệnh viện xem mạch, nhiều bệnh nhân cũng đứng lên chào, bác sĩ đón tiếp nồng nhiệt. Học trò đến bạn bè đều thân thiện, đúng là cái ấm trong tình thương, trong không gian dân tộc.
Phụ nữ VN như hoa quỳnh, hoa thuỷ tiên
* Theo bác, những người phụ nữ VN ở trong nước và đã ra nước ngoài sống có điểm gì giống và khác nhau?
- Người phụ nữ VN đi đâu cũng luôn giữ bản chất e dè, kín đáo, dịu dàng. Khi họ ra ngoài rồi, họ cũng thích nghi lắm, họ cũng nhanh nhẹn tháo vát như người phương Tây. Tôi là người thích VN từ xương tủy tôi thấy người VN có nét đẹp vô cùng về sự mảnh mai dịu dàng. Đối với tôi, cá tính của người VN nó khác với người phương Tây, nó kín đáo lắm. Tôi coi người phụ nữ như đóa hoa. Người Pháp đẹp rực rỡ sáng trưng thì hoa VN như hoa thủy tiên, hoa quỳnh nở kín đáo hương kín đáo, khó thấy.
* Bác có gia đình từ rất sớm, năm 22 tuổi, nhưng nghe đồn, bác cũng có rất nhiều người phụ nữ thương mến... Bác có thể chia sẻ với độc giả của TNTS được không?
- Nếu nói thực, tôi chỉ là một người nghiên cứu nhưng tâm hồn sẵn có cái nhạy cảm với thiên nhiên nên cũng có nhiều người thương mến. Nói rõ thì khó lắm khi quá vãng đã qua. Cũng có những hẹn ước mà chỉ là chuyện riêng tư, không thể dễ dàng nói ra cho người khác biết.

Tôi chỉ có thể nói tôi cũng đã gặp nhiều người tri kỷ tri âm. Nhưng dường như với tôi, những người tri kỷ, tri âm ấy có duyên mà chưa có tình. Tôi nhớ có lần ở Canada, có mấy người phụ nữ tập hợp nhau lại mời tôi đến ăn uống rồi làm thơ trêu tôi như thế này:
Một phút yêu nhau để lưu sầu vạn kiếp
Bao hồng nhan tri kỷ thoáng mây bay
Nhạc trà thơ là tình yêu thắm thiết
Duyên quê hương chiếm trọn trái tim này…
Tôi công nhận họ đúng bởi lẽ đúng là có nhiều người phụ nữ thương tôi, tuy nhiên có người hỏi: “Nếu mổ trái tim Trần Văn Khê ra thì sẽ thấy gì?” Tôi nói: “Chắc chỉ có hai chữ: Âm nhạc” bởi thế tôi mới họa lại bài thơ của mấy người bạn kia:
Thật không ngờ đã lưu sầu vạn kiếp
Vì giống nòi chim lạc vẫn còn bay
Vì quê hương quên tình yêu tha thiết
Cảm ơn người thấy trọn trái tim này
Hồn gặp hồn sao phải lưu sầu vạn kiếp,
Cánh chim bằng chưa mỏi vẫn còn bay,
Xin nhớ lại những phút yêu tha thiết
Nhớ mà thương chi nhẹ trái tim này.
* Nhưng bài thơ kia có ý trách ngầm bác là người... đa tình, phải không ạ?
- Đa tình thì có thể nhưng rất may là tôi không phải là người bạc tình và cũng chưa bao giờ cùng lúc có hai ba người. Chỉ có người này đi qua người khác đến. Cũng chưa có người phụ nữ nào oán trách tôi, khi chia tay chúng tôi đều giữ lại được tình bạn. Thực ra điều này khó mà không khó.
Bởi lẽ trong suốt cuộc yêu tôi không có gian dối, gạt tình người ta bao giờ. Chia tay bao giờ cũng có những lý do chính đáng. Tôi có lý trí lắm, ngay cả trong chuyện tình cảm. Ngày xưa, trước khi tôi đi xa nhà, cô tôi đã nói: “Tiếng đàn của con tình lắm, nếu có người con gái nào vì cảm tiếng đàn của con mà lỡ cuộc đời của họ thì con phải tránh xa. Nếu người đó là người có gia đình thì con càng không được vì tiếng đàn của mình mà làm tan vỡ gia đình họ. Không được yêu gái làng chơi vì gia đình ta không thể có con dâu đã từng làm vợ khắp người ta. Khi còn trẻ chỉ nên chăm chút vào việc học chứ không để việc tình cảm lấn át lý trí”.
* Vậy còn bác Nguyễn Thị Sương, người bạn gái học cùng lớp Triết, Trường Pétrus Ký - người phụ nữ đã kết hôn với bác năm bác 22 tuổi thì sao ạ?
- Từ khi tôi và mẹ mấy đứa con tôi xa nhau vì hoàn cảnh, thì tôi vẫn tôn trọng quý mến, về VN tôi vẫn thỉnh thoảng ghé thăm. Tôi và bà ấy gặp nhau, yêu nhau nhưng lấy nhau thì cuộc sống khác. Khi đó tôi nhận ra tôi không chỉ là người đàn ông dành cho gia đình nữa, tôi có khao khát với sự nghiệp của tôi.
Dù chia tay đã lâu, với bà Nguyễn Thị Sương, tôi và bà ấy vẫn như những người bạn tốt. Khi quyết định kết hôn, là cần một người phụ nữ để gia đình tôi có người nối dõi, người phụ nữ ấy phải chịu ở nhà nuôi con khi tôi đi vắng.
Nhung nguoi phu nu trong doi giao su Tran Van Khe
Tôi biết ơn nhà tôi đã chịu chấp nhận điều đó. Để chung sống, quan trọng nhất là tình thương chứ không phải tình yêu. Thương cả vật chất bên ngoài lẫn cái nội tâm bên trong. Không có ghen tuông, không có làm khó cho người chồng để mất đi những hòa khí. Người vợ VN nào dường như cũng sẵn tình thương bao dung và đầy tin cậy ấy.
* Nhưng chắc chắn sẽ có một người phụ nữ để lại dấu ấn và sự tiếc nuối sâu sắc trong cuộc đời bác. Bác có thể tiết lộ một chút xíu về người đó không ạ?
- Người phụ nữ cuối cùng mà tôi đã không được chung sống có lẽ là người tôi lưu luyến nhất. Đó là một học trò cũ của tôi rồi thành bạn tri âm tri kỷ. Tôi còn giữ những hình ảnh rất đẹp về cô ấy, quen từ khi ở Hà Nội, rồi xa nhau, sau này gặp lại, thương mến nhau. Cô ấy nói được tiếng Pháp, tiếng Anh, tiếng Hán.
Cô ấy nấu ăn rất ngon mà tôi thích ăn ngon. Người phụ nữ ấy may vá rất giỏi, lại nói chuyện dịu dàng lễ phép. Năm 1997, cô ấy đã bị bệnh qua đời, tôi đã cực kỳ đau khổ. Nhưng trời cho số ngày tôi được ở bên cô ấy mà có tình cảm với nhau vừa đúng 100 ngày. Tôi thấy thế cũng là nhiều cho tình thương mến. Tôi đã viết mấy câu điếu trong lễ tang của cô:
Tử sanh dẫu biết luật vô thường
Nhưng khó ngăn dòng lệ tiếc thương
Những tưởng phượng loan về một tổ
Đâu ngờ cầm sắt rẽ đôi đường.
Điếu em chắp bút lau dòng lệ
Tiễn bạn ôm đàn đốt nén hương
Cầu nguyện Phật trời mau tế độ
Hồn em siêu thoát tận Tây phương.
* Và từ đó đến nay...?
- Tôi là giáo sư, tôi có nhiều học trò, tôi cũng có cảm tình riêng với những học trò đặc biệt có năng khiếu, đồng thanh tương ứng đồng khí tương cầu mà. Nhưng tôi chỉ nghĩ thoáng qua, nếu mình gặp họ từ khi còn trẻ chứ không có ý định ràng buộc ai nữa. Mấy chục năm nay tôi sống cô độc. Cô độc mà không cô đơn:
Cuộc sống cô đơn dẫu kéo dài
Vẫn tìm tiên cảnh dưới trần ai
Gió xuân luôn đón nơi phong các
Trăng hạ thường xem chốn nguyệt đài
Vững bám hồn thơ xa thế tục
Nhẹ nâng cánh hạc đến thiên thai
Cuộc đời cô độc nhờ thơ nhạc
Vui kém chi người vẹn túc mai.
Tôi đã ở buổi hoàng hôn của cuộc đời, tôi không muốn làm ai khổ nữa, vì ngày sẽ chia tay vĩnh viễn không xa. Hơn nữa tôi còn quá nhiều việc để làm, mà quỹ thời gian thì ngắn lại, tôi không thể dành cho người khác được nữa.
Tất nhiên như mọi người, tôi cũng có khi thấy đêm dài, có những buổi uống trà một mình để thấy sự cô đơn. Những lúc đó lý trí của tôi như một cái lan can cầu giúp tôi không bị té xuống sông, như kim chỉ nam giúp tôi tránh lạc đường. Khi đó thơ cũng chỉ là sự tự an ủi, chứ mình không thực sự thanh thản như thế đâu...
L.T.T.H
Việt Báo (Theo_Thanh Niên)


                 

 
Giáo sư Trần Văn Khê và kho tư liệu quý  

Ra nước ngoài sinh sống từ năm 27 tuổi và đã đi 67 nước trên khắp thế giới để nói chuyện, giảng dạy về âm nhạc dân tộc Việt Nam. Sau 55 năm sinh sống tại nước ngoài, Giáo sư Trần Văn Khê quyết định về nước, mang theo 450 kiện hàng chất đầy 1 container, gồm: sách báo, tạp chí, băng đĩa, máy móc, nhạc cụ… mà phần nhiều là những tư liệu quý giá về âm nhạc dân tộc Việt Nam và thế giới.
        
Tình yêu quê hương
Có một tình yêu rất lớn dành cho âm nhạc dân tộc, đã nhiều lần GS Trần Văn Khê mong muốn về định cư hẳn tại Việt Nam, nhưng ông không thực hiện được chỉ vì một nguyên nhân - ông về nước mà không được mang theo kho tư liệu khổng lồ của mình mà ông đã sưu tầm, lưu giữ suốt mấy chục năm qua. Với ông, đó là cả một gia tài lớn mà ông muốn hiến tặng đất nước, cho những người có chung tình yêu dành cho âm nhạc dân tộc giống như ông. Mãi đến năm 2004, khi được Sở VH-TT-DL TPHCM đồng ý tiếp nhận số tư liệu này, GS Trần Văn Khê mới chính thức về định cư tại quê nhà và mang theo 450 kiện hàng ra khỏi nước Pháp để lên tàu về Việt Nam và ông cũng đã tự bỏ ra 10.000USD lo chi phí vận chuyển số tư liệu này. 450 kiện hàng ấy đã 4 năm nằm im trong một căn phòng tại Bảo tàng TPHCM, trong quá trình thành phố tìm kiếm nhà cho giáo sư có nơi định cư ổn định. Giờ đây, với căn nhà rộng 200m2 nằm trên một con đường yên tĩnh tại quận Bình Thạnh, GS Trần Văn Khê đã có thể yên lòng khi toàn bộ số tài liệu, tư liệu mà ông công phu mang từ nước ngoài về đã có nơi chốn riêng biệt để bảo quản và được nhân viên Thư viện TPHCM hàng ngày đến phân loại, sắp xếp theo đúng quy chuẩn của một thư viện về sách, báo, tạp chí, tài liệu dành cho việc nghiên cứu, tham khảo.
Một góc kho băng - đĩa của GS Trần Văn Khê.
Đến thăm kho tư liệu, cảm giác thật ngỡ ngàng, xúc động khi được nhìn thấy quá nhiều tài liệu có giá trị và mang đậm tính thời gian. Những cuốn sách về âm nhạc, nhạc cụ dân tộc Việt Nam; những đĩa hát gốc từ những thập kỷ và thế kỷ trước; những băng nhạc cùng vô số máy chụp hình, máy ghi âm và máy nghe nhạc… mà ông đã từng sử dụng trong thời gian 2 năm ông làm báo và thật cảm động khi nhìn thấy gần 100 cuốn sổ tay lớn nhỏ được ông ghi chép trong những lần đi công tác, giảng dạy hoặc được mời tham gia những buổi hòa nhạc, xem phim, thậm chí là những buổi gặp gỡ bạn bè thân tình, những chuyện trao đổi thật riêng tư… Ngoài ra còn có những tấm thiệp nhỏ, hộp diêm bé xíu, mảnh giấy có thủ bút của những người nổi tiếng, như: Nguyễn Khắc Viện, Nguyễn Xuân Khoát, Lưu Hữu Phước, Phạm Duy…
        
100 cuốn du ký
Nói về kho tư liệu này, GS Trần Văn Khê chia sẻ: “Gần 100 cuốn sổ tay tôi gọi là cuốn du ký và tôi quý lắm. Đi đến đâu tôi đều ghi lại đầy đủ và giữ từ tấm thiệp mời, thư từ của bạn bè, trong đó có cả thực đơn khi đi ăn cùng bạn bè, tôi giữ lại và đưa họ ký vào để làm kỷ niệm. Số sách báo có cái sưu tầm phục vụ nghiên cứu, giảng dạy; có cái tôi mua để xem chơi, nhưng là tài liệu rất tốt cho những ai muốn tìm hiểu về âm nhạc của thế giới. Mỗi cây đàn ở đây đều có “lịch sử” riêng…”. Kho tài liệu của GS Trần Văn Khê được sắp xếp theo ngôn ngữ, bộ môn… và gắn mã số để tiện việc tra cứu, tìm kiếm. Tuy nhiên, vì còn rất nhiều băng từ trong giai đoạn phân định, sang chép sang dạng DVD, CD, nên kho tư liệu này vẫn chưa thể mở rộng cho nhiều đối tượng tham khảo, tiếp cận.

Trung tâm Lưu trữ Quốc gia II (chi nhánh phía Nam) cũng đã tìm đến GS Trần Văn Khê để thực hiện việc xây dựng phông lưu trữ cá nhân cho ông. Có thời gian theo sát quá trình sắp xếp, phân loại kho tư liệu của GS Trần Văn Khê, bà Võ Thị Xuân Mai, Phó Trưởng phòng Thu thập Trung tâm Lưu trữ Quốc gia II, cho biết: “Kho tư liệu của thầy quá phong phú và giá trị, chúng tôi không dám “đụng” tới. Trung tâm chỉ tập trung vào những khen thưởng quốc tế của thầy, quá trình cống hiến, giảng dạy và những kiến thức về âm nhạc dân tộc của thầy đã là một “kho” tư liệu đầy đặn lắm”.

55 năm sống ở nước ngoài nhưng vẫn mang quốc tịch Việt Nam, một đời GS Trần Văn Khê chỉ đau đáu nỗi niềm và tình yêu dành cho âm nhạc dân tộc. Ở tuổi 93, trải qua nhiều thăng trầm; giáo sư vẫn minh mẫn, lạc quan và cho rằng đời sống của mình thế cũng là viên mãn lắm: “Muốn sống, muốn mua cái gì cũng được, cũng có. Thi thoảng, vẫn được nơi này nơi kia mời nói chuyện về âm nhạc và được trả thù lao đàng hoàng. 93 tuổi vẫn được như vậy, còn muốn gì nữa”. Tất cả những việc ông làm, đều chỉ với mong muốn làm sao cho thế giới biết và yêu mến âm nhạc dân tộc Việt Nam, con người Việt Nam. Với cảm nhận của cá nhân người viết, tự bản thân ông, đã cho bạn bè thế giới cảm mến về cốt cách, tài năng của một người Việt Nam đích thực.
NHƯ HOA

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét