Thứ Sáu, 11 tháng 7, 2014

CÂU CHUYỆN TÌNH BÁO 19

(ĐC sưu tầm trên NET)


Rất ít người biết trên “mặt trận vô hình” trong hoạt động Tình báo, những cuộc đấu trí, đấu lực giữa các điệp viên thường diễn ra rất gay go, căng thẳng và nhiều khi, khốc liệt đến mức một mất, một còn.
55 năm sau ngày hai vợ chồng nhà Bác học-Vật lý Mỹ nổi tiếng Julijus và Etel Rosenberg bị kết án tử hình trên ghế điện vì tội danh “tiết lộ bí mật nguyên tử cho Liên Xô”, lần đầu tiên, tuần báo uy tín Nga “Sự kiện và Luận chứng” đã công bố danh sách những điệp viên nổi tiếng nhất và những điệp viên tai tiếng nhất Liên Xô Thế kỷ XX.

Những điệp viên nổi tiếng:

1. Kim Philbi (1912-1988) 

Thành tích hoạt động: Là “điệp viên chui sâu, leo cao” của Tình báo Xô viết, Kim Philbi hoạt động trong lòng Cơ quan Tình báo và Phản gián sừng sỏ của Anh quốc (SIS). Sau chiến tranh Thế giới thứ Hai, ông được SIS tin tưởng giao cho phụ trách “Phòng phối hợp hoạt động Tình báo Anh - Mỹ”. Ông là chỉ huy mạng lưới “Bộ 5 huyền thoại Cambridge” mạnh nhất của Tình báo Đối ngoại Liên Xô thời bấy giờ (gồm Gai Berjes, Donald Maklein, Anatoni Blant, John Kerncross). Năm 1963, sau khi một điệp viên trong nhóm bị lộ, Kim Philbi đã trở về Liên Xô.

Cuộc sống sau khi bị lộ: Từ năm 1963-1988, Kim Philbi là cố vấn của KGB về tình báo phương Tây và tham gia huấn luyện, đào tạo các nhân viên tình báo. Ông đã được tặng thưởng nhiều huân chương cao quý của Chính phủ Liên Xô và là tác giả cuốn sách Tình báo nổi tiếng “Cuộc chiến bí mật của tôi”.

2. Konon Molodyu (1922-1970)

Thành tích hoạt động: Là chỉ huy một trong những mạng lưới điệp viên mật của KGB, hoạt động tại Anh quốc. Năm 1954, ông chuyển sang hoạt động tại Canada với tên giả “Gordon Lonsdeil”. Một năm sau, ông lại trở về Anh và trở thành tỷ phú, chủ nhân một số công ty thương mại lớn. Mạng  lưới điệp viên của Konon Molodyu hoạt động  rất hiệu quả, khai thác và chuyển về Matxcơva hàng loạt tin tức giá trị về tình hình chính trị-quân sự ở nước Anh. Ông bị bắt và bị kết án tù 25 năm.

Cuộc sống sau khi bị lộ: Năm 1964, Molodyu được giải thoát bằng cách trao đổi điệp viên Anh Greville Vinn bị bắt tại Liên Xô. Sau khi trở về nước, Konon làm việc tại Sở Chỉ huy KGB. Năm 1970, từ trần sau một cơn đột quỵ. Ông là nguồn cảm hứng và nguyên mẫu cho các nhà điện ảnh Xô viết dựng thành công  bộ phim truyện tình báo nổi tiếng “Mùa chết”.

3. Claus Fuks (1911-1988)

Thành tích hoạt động: Là Nhà Bác học Vật lý nguyên tử Đức. Sau khi Hitler lên cầm quyền, ông chạy sang sống tỵ nạn tại Anh. Năm 1940, Fuks tham gia nghiên cứu và chế tạo bom nguyên tử ở Trường Đại học Birmimgham. Vì yêu mến đất nước Xô viết nên đã tự nguyện hợp tác với Tình báo Liên Xô, cung cấp nhiều thông tin có gía trị về bom nguyên tử. Từ năm 1943-1945, ông làm việc tại Phòng Thí nghiệm Los-Alamos (Mỹ) và vẫn giữ liên lạc với Tình báo Liên Xô. Ông bị bắt năm 1950 tại Anh và bị kết án 14 năm tù.

Cuộc sống sau khi bị lộ: Năm 1959, được phóng thích trước thời hạn do có phẩm chất đạo đức, tư cách tốt trong tù. Sau đó, ông trở về định cư tại Cộng hoà Dân chủ Đức. Là Phó Giám đốc Viện Nghiên cứu Vật lý hạt nhân. Fuks được tặng thưởng Giải thưởng Quốc gia CHDC Đức và Huân chương Karl Marks.

4. George Bleik (sinh năm 1922)

Thành tích hoạt động: George Bleik nguyên là nhân viên Tình báo Anh quốc, bị bắt năm 1951 trong cuộc chiến tranh Triều Tiên. Ông được Tình báo Liên Xô bí mật tuyển dụng và phái khiển hoạt động sâu trong lòng Cơ quan Tình báo Anh (SIS) 10 năm. Là người cung cấp nhiều  tin rất có giá  trị về “đường hầm bí mật  Berlin” mà Tình báo Mỹ đã dùng để nghe trộm những thông tin mật của quân đội Liên Xô đóng tại CHDC Đức thời “chiến tranh lạnh”. Năm 1961, Bleik bị bắt vì sự tố giác của một sỹ quan Tình báo Ba Lan phản bội. Bị kết án 42 năm tù giam.

Cuộc sống sau khi bị lộ: Năm 1965, Bleik vượt ngục, trốn sang CHDC Đức, sau đó đến Liên Xô. Từ đó, ông phục vụ trong Cục bảo đảm của KGB. Ông được phong quân hàm Đại tá, được tặng thưởng Huân chương Lenin và Huân chương Cờ Đỏ. Là tác giả cuốn hồi ký hấp dẫn “ Không còn sự lựa chọn nào khác”. Hiện ông đã nghỉ hưu.

5. Oldrich Eims (Sinh năm 1941)

Thành tích hoạt động: Nguyên là điệp viên CIA và là con tình báo nhà nòi Mỹ (Bố là điệp viên CIA hoạt động tại Myanma). Eims là Trưởng phòng Liên Xô của CIA. Năm 1965, Eims đã tình nguyện hợp tác với Tình báo Liên Xô. Trong 9 năm làm việc cho KGB, Oldrich Eims đã cung cấp những tin tức chính xác  để bắt  gọn 10 điệp viên  sừng sỏ của CIA đang “chui sâu, leo cao” trong nhiều cơ quan nhà nước, tình báo, quân đội  Liên Xô. Người Mỹ cho đây là tổn thất lớn, không thể bù đắp được khi chính một điệp viên nhà nòi, con cưng của họ lại phản bội, chỉ điểm cho đối phương tiêu diệt 10 điệp viên mà CIA đã  phải tốn nhiều công sức và thời gian tuyển chọn, dày công cài cắm trên lãnh thổ Liên Xô. Nguy hiểm hơn, chính Oldrich Eims còn làm lộ những biện pháp kỹ thuật Tình báo tiên tiến nhất của Mỹ.

Cuộc sống sau khi bị lộ: Năm 1994, bị bắt cùng với vợ và bị kết án tù chung thân. Là điệp viên đắt giá nhất của Liên Xô trong lòng Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA). Trong 9 năm hợp tác, Liên Xô đã trả cho Oldrich Eims một khoản thù lao khổng lồ: Hơn 2.500.000 USD!

6. Bohdan Stahynsky (Sinh năm 1931)

Thành tích hoạt động: Nhân viên KGB - Chuyên gia ám sát. Năm 1957, Stahynsky đã tiêu diệt  kẻ dân tộc cực đoan người Ucraina Lev Rebet đang sống lưu vong tại Cộng hoà Liên bang Đức. Hai năm sau, Stahynsky lại tiêu diệt Stepan Badera - Lãnh đạo tổ chức phản động OUN. Ông Stahynsky đã được Xô viết Tối cao Liên Xô tặng thưởng Huân chương Cờ đỏ.

Cuộc sống sau khi bị lộ: Vào năm 1961, Stahynsky bị bắt và ngồi tù 8 năm ở Tây Đức. Sau khi ra tù, ông đã thay tên, đổi họ rồi chuyển sang định cư tại Mỹ. Kể từ đó, không ai có thông tin gì về Stahynsky.

 Những điệp viên phản bội tai tiếng

1. Oleg Penkovsky (1919-1963)

Penkovsky từng là Đại tá Tổng cục Tình báo Quân đội, Phó Trưởng phòng Cục Liên lạc Đối ngoại thuộc Uỷ ban Nghiên cứu Khoa học Nhà nước liên Xô. Năm 1960, đã bí mật bắt tay với Tình báo Anh, Mỹ và chuyển giao cho Tình báo 2 nước này 7.500 trang tài liệu mật về Tên lửa đạn đạo và nhiên liệu Tên lửa Xô viết. Những thông tin mật ăn cắp được là do Penkovsky có mối quan hệ thân thiết với Nguyên soái Barensev - Tư lệnh Binh chủng Tên lửa chiến lược Liên Xô.

Cuộc sống sau khi bị lộ:  Penkovsky bị bắt và bị Toà  án quân sự Xô viết kết án tử hình vì tội phản bội Tổ quốc.

2. Dmitri Polyakov (1921-1988)

Dmitri Polyakov từng là Thiếu tướng Tổng cục Tình báo Quân đội. Ông này đã bị CIA và FBI của Mỹ bí mật tuyển dụng từ năm 1961. Kể  từ đó đến năm 1980, trước khi về hưu, điệp viên 2 mang này đã kịp “bán đứng ” cho Mỹ 19 điệp viên Liên Xô, 150 điệp viên người nước ngoài của KGB.

Cuộc sống sau khi bị lộ: Bị bắt năm 1986 sau 25 năm hoạt động gián điệp cho Mỹ. Năm 1987, Polyakov bị Toà án quân sự Liên Xô kết tội tử hình và bị xử bắn năm 1988.

3. Arkady Shevchenko (1930-1998)

Vào những năm 70 của Thế kỷ XX, Arkadi Shevchenco là Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao Liên Xô, hoạt động lâu năm tại Mỹ. Shevchenco đã từng giữ các chức vụ Ngoại giao rất cao như: Phó Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc phụ trách các vấn đề chính trị, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền của Liên Xô tại Liên hợp quốc. Ông này đã bí mật làm việc cho CIA từ năm 1975 và cung cấp cho Mỹ những thông tin tuyệt mật về những vấn đề chính trị, chiến lược của Điện Kremlin. Năm 1978, trước nguy cơ bị phát giác, đã chạy trốn và xin bí mật sống tỵ nạn tại Mỹ.

Cuộc sống sau khi bị lộ: Sau khi bán đứng tất cả đồng nghiệp của mình cho Mỹ và nhất là sau khi cho xuất bản cuốn hồi ký huyênh hoang “Đoạn tuyệt với Matxcơva”, Arkady  Shevchenko đã rơi vào trạng thái tâm thần, hoảng loạn. Luôn lo sợ bị KGB truy bắt và trả thù nên ông ta thường thay tên, đổi họ và di chuyển chỗ ở. Cuối cùng, kẻ phản bội đã chết vì nghiện rượu, sơ gan cổ chướng trong cô đơn, tuyệt vọng nơi đất khách, quê người.

4.Oleg Gordievsky (Sinh năm 1938)

Là nhân viên Tổng Cục I KGB( Tình báo đối ngoại). Trong thời gian công tác tại Sứ quán Liên Xô tại Đan Mạch, Gordievsky đã bí mật cộng tác với Tình báo MI-6 (Anh). Năm 1982, ông này làm Tham tán tại Sứ quán Liên Xô ở London. Từ tháng 1/1985, Gordievsky là Trưởng lưới Tình báo Đối ngoại KGB tại London. Ông ta đã bán cho Tình báo Anh danh sách các điệp viên KGB đang hoạt động ở các nước Phương Tây. Gordievsky đã chạy trốn khi có lệnh triệu hồi về Matxcơva.

Cuộc sống sau khi bị lộ: Từ năm 1985, Gordievsky nhận lương hưu của Tình báo Anh và hiện đang sống nốt cuộc đời tàn trong chui lủi, vất vưởng ở một nơi hẻo lánh, bí mật tại ngoại ô London.

Theo Dantri

Những thất bại ê chề của cơ quan tình báo đáng sợ nhất thế giới


Chí Quân - theo Trí Thức Trẻ 

(Soha.vn) - Được coi là một trong những cơ quan tình báo bí ẩn và đáng sợ nhất thế giới, tình báo Mossad của Israel cũng có lúc phạm những sai lầm khủng khiếp.

Bắn nhầm người
Mossad là một trong những cơ quan tình báo được khiếp sợ nhất trên thế giới. Danh tiếng hãi hùng của họ được hình thành từ những cuộc truy sát để trả thù mọi nhân vật bị coi là có nợ máu với người Do Thái, bất kể đó là cựu sĩ quan SS hay thành viên các tổ chức khủng bố.
Sát thủ của Mossad là những cỗ máy giết người lạnh lùng, một khi đã ra tay thì nhất định kẻ thù phải chết, bất chấp mọi lý lẽ. Và sai lầm tất yếu đã có lúc xảy ra.
Mùa hè năm 1973, một nhóm điệp viên Mossad được cử sang Na Uy để tiêu diệt Ali Hassan Salameh, lãnh đạo nhóm Tháng Chín đen tối, tổ chức khủng bố Palestine đã gây ra vụ thảm sát 11 vận động viên Israel tại Olympics Munich một năm trước đó. Mọi chi tiết của vụ ám sát đều đã được chuẩn bị một cách hoàn hảo, chỉ có điều, người rơi vào tầm ngắm của Mossad lại không phải là Salameh mà là Ahmed Bouchikhi, một kiều dân Marốc vô tội, đã sống ở Na Uy 9 năm bằng nghề hầu bàn.
Sai lầm của Mossad xuất phát từ một nguyên nhân rất ngớ ngẩn. Khi sang Na Uy, họ bám theo một người gốc Algeria tên là Kamal Benamane mà họ cho là giao liên của nhóm Tháng Chín đen tối và tin rằng anh này sẽ dẫn họ đến chỗ Salameh.
Số phận đã khiến Benamane tình cờ gặp lại người bạn cũ Bouchikhi ở bể bơi. Xa nhau nhiều năm, họ trò chuyện khá thân mật mà không biết cả hai đang bị theo dõi. Và Bouchikhi đã bị nhận dạng là kẻ khủng bố mà không có bất cứ bằng chứng nào ngoài cuộc gặp gỡ định mệnh với Benamane.
Ngày hôm sau, khi vừa cùng vợ bước ra khỏi rạp chiếu phim, anh bị hai người lạ mặt áp sát. Hàng chục phát đạn lập tức cướp đi mạng sống của con người tội nghiệp trước khi anh kịp nói lời cuối cùng với người vợ đang mang thai sắp đến ngày sinh.
Một nhân viên Mossad bị xét xử tại Ba Lan vì tội làm giấy tờ giả
Một nhân viên Mossad bị xét xử tại Ba Lan vì tội làm giấy tờ giả
6 trong số 7 điệp viên Mossad tham gia vào vụ này bị cảnh sát Na Uy bắt giữ, nhưng chỉ có 5 người bị xét xử và lĩnh án từ 2 năm rưỡi đến 5 năm tù. Chỉ 22 tháng sau, tất cả đã được trả tự do. Riêng kẻ cầm đầu, Michael Harari đã trốn thoát về Israel và không bao giờ bị dẫn độ sang Na Uy để chịu tội.
Nhà nước Do Thái cũng phủ nhận mọi liên quan đến việc sát hại công dân vô tội Bouchikhi. Mãi 23 năm sau, gia đình anh mới nhận được một khoản trợ cấp nhỏ từ Israel, nhưng không kèm theo lời xin lỗi như họ chờ đợi. Còn tên khủng bố Salameh thì tới năm 1978 mới bị ám sát tại Beirut.
Thiết bị theo dõi, hộ chiếu giả và khủng hoảng ngoại giao
Mossad là cánh tay đắc lực của chính phủ Israel, nhưng đôi khi chính cánh tay ấy lại giáng cho chủ nhân những đòn chí mạng.
Đầu năm 1998, một nhóm điệp viên Mossad đã bị lộ khi đang đặt thiết bị theo dõi trong nhà một người tình nghi là lãnh đạo Hezbollah ở Berne, Thuỵ Sĩ.
Lần này cũng lại là một lỗi sơ đẳng khiến những điệp viên được coi là thượng thặng của Mossad phải trả giá. Họ thản nhiên đi lại, cài đặt và thử các thiết bị mà không hề biết rằng người hàng xóm ở căn nhà kế bên bị mất ngủ đang hóng mát ngoài hiên. Chỉ khi cảnh sát ập vào và bắt quả tang một điệp viên đang loay hoay với cả một vali thiết bị theo dõi hiện đại thì những người ở vòng ngoài mới giật mình và tìm đường tẩu thoát.
Vụ việc này đã khiến quan hệ đồng minh vốn rất tốt đẹp giữa Thuỵ Sĩ và Israel bị phủ một đám mây u ám. Tổng thống Thuỵ Sĩ Flavio Cotti đã xem xét huỷ việc bỏ chuyến thăm theo dự kiến sang Israel trước khi thủ tướng Israel phải gửi thư xin lỗi.
Trong một vụ bê bối khác, năm 1997, 10 điệp viên Mossad nhận nhiệm vụ sang Jordani ám sát Khaled Mashal, một lãnh đạo của Hamas bằng cách tiêm thuốc độc.
Kế hoạch thất bại, nhóm điệp viên bị bắt khi đang mang hộ chiếu giả Canada. Sự việc này đã dẫn đến một cuộc khủng hoảng ngoại giao giữa Canada và Jordani với Israel. Canada đã ra lệnh trục xuất đại sứ Israel cho đến khi chính phủ nước này chịu cam kết sẽ không cho phép sự việc tương tự xảy ra.
Khaled Mashal, nhân vật chết hụt trong vụ ám sát năm 1997
Khaled Mashal, nhân vật chết hụt trong vụ ám sát năm 1997
Về phần mình, nhà vua Jordani yêu cầu Israel phải cung cấp thuốc giải độc cho Mashal nhưng bị từ chối. Quan hệ giữa hai nước trở nên căng thẳng đến mức hiệp ước hoà bình vừa ký kết đã có nguy cơ đổ vỡ. Chỉ đến khi Mĩ can thiệp, Israel mới chịu trao thuốc giải độc và phóng thích khoảng 70 tù nhân Palestine để đổi lấy hai điệp viên Mossad trực tiếp làm nhiệm vụ tiêm thuốc độc đang có nguy cơ phải đối mặt với án tử hình tại Jordani.
Đây không phải là lần đầu tiên hay duy nhất Mossad dính vào những vụ tai tiếng kiểu này. Mới năm 2004, quan hệ giữa nhà nước Do Thái và New Zealand đột ngột xấu đi khi hai điệp viên Mossad bị bắt quả tang dùng hộ chiếu giả của quốc gia này. Cả hai phải chịu án 6 tháng tù giam. Cũng kể từ đó, việc xem xét cấp hộ chiếu New Zealand cho công dân Israel bị đặt dưới sự giám sát nghiêm ngặt của cơ quan an ninh.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét