Chủ Nhật, 6 tháng 7, 2014

CHÍ THIỆN CHÍ MỸ 1

(ĐC sưu tầm trên NET)



Ấm lòng những quán cơm vì người nghèo

(VietQ.vn) - Những quán cơm vì người nghèo ngày một nhiều trên khắp cả nước đang nhận được sự ủng hộ đông đảo của toàn xã hội, góp phần đem đến cho những người có hoàn cảnh khó khăn bữa ăn ngon miệng với giá rẻ. 

    Quán cơm vì người nghèo – Hoa giữa đời thường

    Theo tin tức từ VTV, tại TP Huế, hơn 8 tháng nay có một quán cơm chay đã trở thành địa chỉ quen thuộc của các bạn sinh viên và những người có hoàn cảnh khó khăn, đó là quán cơm chay “Huế Thương”. Điều đặc biệt của quán cơm chay này là phục vụ miễn phí cho những người nghèo và giảm giá cho sinh viên. Thầy Từ Thông (chùa Từ Hiếu) - Người sáng lập quán cơm chay “Huế Thương” nói: “Tôi đã nghe nhiều câu chuyện về ăn uống rất khó khăn của các bạn sinh viên do hoàn cảnh kinh tế nên đã cùng với mọi người mở quán cơm chay này”. 

    Những quán cơm vì người nghèo là một minh chứng tiêu biểu cho truyền thống tương thân tương ái của dân tộc
    Một địa chỉ từ thiện khác cũng rất nổi tiếng là chuỗi quán cơm Nụ Cười
    Báo Thanh Niên cũng từng đưa tin về một quán cơm cho người nghèo tọa lạc tại đường số 3, khu cư xá Lữ Gia, quận 11, TP.HCM. Bảng hiệu cơm 2.000 đồng dành cho sinh viên nghèo, người thật sự nghèo đúng với tiêu chí mà những người chủ quán đặt ra. Quán tuy đông khách nhưng luôn trật tự và vệ sinh, nhân viên của quán, từ bảo vệ đến người phục vụ lúc nào cũng ân cần, niềm nở. Nếu thấy chưa no, khách có thể lấy thêm cơm và canh miễn phí. Sau khi ăn xong, khách tự dọn dẹp, mang khay cơm đã ăn chuyển cho nhân viên đem rửa.
    Không chỉ có người trẻ mới đóng góp sức mình vào những công việc thiện nguyện, tâm nguyện trước lúc đi xa của cụ Nguyễn Tấn Tài (Quãng Ngãi) là muốn dành toàn bộ tiền phúng điếu giúp người nghèo. Khi ông mất, số tiền phúng điếu được 283 triệu đồng (các con ông đóng góp thêm 50 triệu đồng). Anh Nguyễn Văn Đạt (con cụ Tài) ở TP Quảng Ngãi đã trao tặng số tiền này cho Tỉnh đoàn Quảng Ngãi để mở quán ăn phục vụ người thu nhập thấp, bệnh nhân nghèo, trẻ lang thang cơ nhỡ... Quán ăn từ thiện nằm trên đường Chu Văn An, TP Quảng Ngãi, gần Bệnh viện đa khoa Quảng Ngãi, mỗi suất cơm giá chỉ 2.000 đồng.

    Quán cơm vì người nghèo - Ấm lòng nghĩa cử “lá lành đùm lá rách”

    Hiện nay, ngày càng nhiều quán ăn phục vụ những phần cơm mang nặng nghĩa tình cho những người lang thang, cơ nhỡ. Đó là quán cơm Thiện Tâm ở chân cầu Lê Văn Sĩ (quận 3), quán Vợ Thằng Đậu ở đường Đặng Văn Bi (quận Thủ Đức), quán Bảo Hòa ở đường Đinh Tiên Hoàng (quận 1) và nhiều bếp ăn từ thiện tại những bệnh viện. Những địa chỉ từ thiện này đang nỗ lực góp sức mình để giúp đỡ những người có hoàn cảnh kém may mắn nhận được sự ủng hộ lớn lao cả về tinh thần và vật chất của những người hảo tâm và toàn xã hội. Tiếng lành đồn xa, bên cạnh việc đưa tin của báo đài, nhiều người cũng lặn lội tìm đến những quán cơm này để giúp đỡ, ủng hộ, từ học sinh sinh viên, người lao động bình thường, giới diễn viên ca sĩ đến người nước ngoài.
    Cụ thể là mới đây nhất, vào trưa ngày 4/7, sau khi xếp hàng nhận suất cơm 2.000 đồng tại quán cơm Nụ Cười 1, bà Mai Thị Hạnh - Phu nhân Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và nhóm bạn đã ủng hộ quán 59 triệu đồng để tiếp tục có các suất cơm khác cho người nghèo.

    Phu nhân chủ tịch nước Trương Tấn Sang - bà Mai Thị Hạnh đến ủng hộ một quán cơm cho người nghèo
    Phu nhân chủ tịch nước Trương Tấn Sang đến ăn cơm và ủng hộ cho quán cơm vì người nghèo
    Ông Lê Văn Hán, nhân viên phục vụ một quán cơm từ thiện cho biết: "Chúng tôi muốn chia sẻ một phần khó khăn của các em sinh viên và hy vọng khi tốt nghiệp, thành đạt, các em sẽ có ý thức giúp đỡ những người khó khăn khác". Bán cơm giá 2.000 đồng thay vì miễn phí, để người đến ăn không bị mặc cảm là ăn cơm từ thiện. Đó cũng là tiêu chí của những người sáng lập và hỗ trợ quán Cơm 2.000 đồng là "giúp chứ không cho".

    Ngày càng nhiều người tìm đến những quán cơm vì người nghèo để đóng góp sức mình
    Nhân viên tình nguyện phục vụ ở những quán cơm cho người nghèo rất đa dạng, từ sinh viên, nhân viên văn phòng đến người nước ngoài
    Dù là từ thiện nhưng các quán ăn này luôn trật tự, ngăn nắp, bởi ai cũng đều được đối xử bình đẳng, hòa nhã, với tinh thần thiện nguyện. Đáng chú ý là ở các quán cơm này, mọi thứ đều hết sức tươm tất, sạch sẽ. Khẩu phần cơm tuy có đạm bạc về chất, nhưng rất dồi dào về lượng, đặc biệt là rất sạch sẽ và không phải vì cơm từ thiện hay giá rẻ mà những người phục vụ xem thường vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm. Mong sao, những quán ăn này còn mãi trong cuộc sống còn nhiều bon chen vụ lợi này!
    Minh Thùy (T/h)


    Tỷ phú đầu tiên ở châu Phi hiến nửa tài sản làm từ thiện

    (VietQ.vn) - Patrice Motsepe trở thành tỷ phú đầu tiên tại châu Phi hưởng ứng lời kêu gọi cống hiến tài sản của Bill Gates và Warren Buffett.

     Patrice Motsepe.jpg
    Patrice Motsepe hiện là người giàu thứ 8 châu Phi. 
    Tỷ phú khai mỏ Patrice Motsepe (Nam Phi) vừa tuyên bố sẽ hiến một nửa tài sản của mình làm từ thiện. Ông cũng là người châu Phi đầu tiên tham gia vào dự án "Cam kết cho đi" của hai tỷ phú Bill Gates và Warren Buffett. Dự án này kêu gọi người giàu trên thế giới đóng góp ít nhất một nửa tài sản của mình để làm từ thiện. Theo Forbes, Motsepe hiện có số tài sản trị giá 2,7 tỷ USD.
    Một nguồn tin thân cận với AFP tiết lộ, rất khó biết được con số cụ thể tỷ phú này sẽ đóng góp. Nhưng đó sẽ là "nửa tài sản của ông ấy, cả trong hiện tại và tương lai. Không có giới hạn thời gian nào cả. Việc này sẽ kéo dài vĩnh viễn".
    Tỷ phú sinh ra tại Soweto này cho biết số tiền trên sẽ được dùng để giúp "người nghèo, người bất hạnh và kém may mắn khác ở Nam Phi". Ông cũng nói thêm: "Chúng tôi hy vọng Cam kết cho đi sẽ khuyến khích người dân tại Nam Phi và các nền kinh tế mới nổi cho đi nhiều hơn để tạo ra một thế giới tốt đẹp".
    Khi còn bé, Motsepe sống trong một ngôi làng nghèo khổ ở vùng bị ảnh hưởng bởi chế độ phân biệt chủng tộc Apartheid. Ông từng thấy mẹ mình đưa thức ăn miễn phí cho những người không xu dính túi bước vào cửa hàng tạp hóa của gia đình. Việc này đã trở thành bài học khó quên với Motsepe, thôi thúc ông vươn lên trở thành tỷ phú da đen đầu tiên của Nam Phi.
    Motsepe năm nay 51 tuổi và tốt nghiệp chuyên ngành luật tại Đại học Witwatersrand. Ông là luật sư da đen đầu tiên tại Công ty luật Bowman Gilfillan ở Johannesburg (Nam Phi). Năm 1994, ông thành lập công ty khai khoáng African Rainbow Minerals (ARB) và mua lại một vài mỏ vàng công suất thấp. Bằng phương pháp quản lý hiện đại, Motsepe đã giúp các mỏ vàng này ăn nên làm ra một cách nhanh chóng.
    Theo danh sách của Forbes, Motsepe hiện là tỷ phú giàu thứ 8 châu Phi. Ông cũng nằm trong top 10 doanh nhân quyền lực nhất khu vực này năm 2011, cũng do Forbes bình chọn. 6 tháng cuối năm 2012, ARB đạt doanh thu 390 triệu USD từ các mỏ vàng, bạch kim, sắt và than đá ở Nam Phi, đồng ở Zambia và Congo. Ông cũng sở hữu câu lạc bộ bóng đá Mamelodi Sundowns (Nam Phi).
    Kể từ khi đại gia phần mềm Bill Gates và tỷ phú đầu tư Warren Buffett cùng thành lập Dự án Cam kết cho đi năm 2010, hơn 70 tỷ phú đã tham gia vào đây. Trong đó có những tên tuổi quen thuộc như CEO Oracle Larry Ellison, Thị trưởng New York Michael Bloomberg, đồng sáng lập Facebook Paul Allen hay CEO Facebook Mark Zuckerberg.
    PV (t.h)
     

    Gặp lương y "khắc tinh" của bệnh dạ dày

    (Dân trí) - Với bài thuốc gia truyền 7 đời trị bệnh dạ dày, lương y Phạm Trọng Hùng đã chữa khỏi bệnh này cho rất nhiều người. Ông quan niệm: “Chữa bệnh cứu người là việc làm cao cả, hạnh phúc nhất”.

    Dành cả đời chữa bệnh cứu người
    Chúng tôi gọi điện cho ông để hẹn gặp, một giọng hào sảng, ấm áp khác hẳn với những hình dung trước đó cất lời: “Tôi đợi các anh ở số 063, đường Cốc Lếu (TP Lào Cai - PV) vào giờ trưa”. Chúng tôi chợt nghĩ có lẽ giờ đó ông chỉ hẹn đến quán nhậu, nhưng hóa ra đó lại là ngôi nhà ông dùng làm nơi bốc thuốc chữa dạ dày cho người dân suốt mấy chục năm nay.
    Lương y Phạm Trọng Hùng dùng ngôi nhà nhỏ của gia đình làm nơi bốc thuốc chữa bệnh.
    Lương y Phạm Trọng Hùng dùng ngôi nhà nhỏ của gia đình làm nơi bốc thuốc chữa bệnh.
    Nói là hẹn trước, ấy thế mà chúng tôi phải đợi ông bốc thuốc cho 5 người nữa mới xong, ông cười: “Gia đình tôi đã quen với cái cảnh như thế này suốt 7 đời nay rồi, người đến xin thuốc chữa bệnh có thể vào bất kể thời gian nào, từ sáng sớm tinh mơ cho đến đêm hôm khuya khoắt...”.
    Sau khi lấy thuốc cho bệnh nhân, ông lóc cóc đi ra chiếc bàn nhỏ rót nước mời khách rồi bộc bạch: “Cũng may là ông trời ban cho tôi sức khỏe tốt. Có nhiều người cùng trang lứa, nghề nghiệp mà chỉ sau chục năm lên rừng thì sức cùng lực kiệt, ấy thế mà mình vẫn luồn rừng lội suối tìm thảo dược chẳng kém cạnh gì cánh trai tráng... rồi lại còn có thể bốc thuốc cho người dân đến tận đêm khuya...”.
    Kể về bài thuốc chữa dạ dày của gia đình mình, ông Hùng bảo: “Trang sử đáng nhớ nhất của dòng họ vẫn còn lưu giữ trong ký ức tôi phải kể từ năm 1962. Khi đó vì nghèo khổ, đói khát mà ông nội đã dắt díu gia đình lên đây kiếm kế sinh nhai cùng với bài thuốc thần kỳ chữa bệnh dạ dày. Mới đặt gánh đến Lào Cai, ông nội đã choáng ngợp trước một mảnh đất bạt ngàn cây thuốc. Cây thuốc không chỉ có nhiều trong rừng mà cả trong vườn, ngoài đường... Mỗi khi có người bị bệnh dạ dày đến xin thuốc, ông nội chỉ cần ra vườn hái vài ba loại cây về cho người bệnh sắc lên uống là khỏi.”
    Nhờ tài bốc thuốc dạ dày của ông lang Đĩnh (ông nội của Lương y Hùng) nên chỉ một thời gian ngắn, tiếng tăm của ông đã lan khắp vùng Lào Cai. Sau đó ít lâu, chính quyền tỉnh Lào Cai đã mời ông vào Hội Đông y đầu tiên của tỉnh.
    Mỗi năm, lương y Hùng trược tiếp lấy thuốc cho hàng ngàn người.
    Mỗi năm, lương y Hùng trược tiếp lấy thuốc cho hàng ngàn người.
    Ông Hùng kể lại: “Năm 12-13 tuổi, tôi được bố thường xuyên dẫn lên Lào Cai thăm ông nội và được ông dẫn đi hái lá thuốc chữa bệnh rồi cái duyên làm thầy thuốc cứ bám lấy tôi từ đó”.
    Đến năm khoảng 21-22 tuổi, Lương y Hùng một mình khoác ba lô lang thang đến những khu rừng ở các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên đi tìm dược liệu quý. Thời gian đó giúp ích cho ông rất nhiều, bởi vì có nhiều loại thảo dược chỉ mọc ở vùng có khí hậu ấm như miền Trung, Tây Nguyên. Lúc ấy, ông đã khoanh vùng được những cây thuốc quý ghi trong y thư, sau này khi có điều kiện ông chỉ cần đến đó tìm là thấy.
    Khắc tinh bệnh dạ dày
    Khi lương y Hùng đang trò chuyện cùng chúng tôi, có thêm vài người lạ bước vào, họ vận bộ quần áo cũ kỹ, dáng vẻ thất thểu, đôi mắt thâm quầng. Ông Hùng đưa ánh mắt nhìn một lượt bệnh nhân vừa vào rồi lại tiếp tục công việc kê đơn bốc thuốc.
    Lương y Hùng thường xuyên đi sưu tầm những cây thuốc quí chữa bệnh dạ dày.
    Lương y Hùng thường xuyên đi sưu tầm những cây thuốc quí chữa bệnh dạ dày.
    Trong lúc chờ đợi, chúng tôi có dịp trò chuyện với anh Nguyễn Văn Trọng (ở huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái). Anh Trọng cho biết: “Nhà tôi có 3 người mắc bệnh dạ dày, trong đó có người đã sống chung với bệnh dạ dày tới 10 năm, người ít cũng 4 năm. Mỗi khi đói, no đều bị đau, đặc biệt là bố đẻ tôi thường đau dữ dội ở ức, bụng trái. Trước đây ông ấy nặng 72kg nhưng sau 4 năm mang bệnh dạ dày ông giảm cân chỉ còn 53kg. Cách đây mấy tháng, tôi nghe mấy người hàng xóm giới thiệu nên đã đến nhà chú Hùng lấy thuốc dạ dày về uống, không ngờ chỉ sau 2 tháng uống thuốc bệnh đã giảm hẳn, bố tôi không còn đau như trước nữa, mỗi bữa ông ăn được 3 bát cơm.”
    Tiếp tục lần theo những địa chỉ của người dân đã đến nhà ông Hùng khám bệnh, chúng tôi gặp anh Trần Văn Khôi ở huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai để xác minh thêm. Khi hỏi về bệnh dạ dày, anh Khôi cười lớn, khoe: “Tôi khỏi bệnh lâu rồi. Trước tôi bị dạ dày đến 6 năm, đi chữa nhiều nơi mà không được. Cuối năm 2012, có người bạn bảo tôi đến chỗ ông Hùng ở đường Cốc Lếu xin thuốc. Vợ con giục nên tôi cũng cố đi vậy chứ chắc gì đã khỏi bệnh. Nhưng không ngờ tôi điều trị được 3 tháng thì thấy bụng đỡ đau, ăn cơm thấy ngon miệng hơn và đến nay tôi không còn đau bụng nữa.”
    Còn ông Hùng khiêm tốn bảo: “Muốn có hiệu quả chữa bệnh tốt nhất thì trước khi đến chỗ tôi lấy thuốc, người bệnh nên đi khám ở các bệnh viện lớn để biết được nguyên nhân đau dạ dày là do đâu, bị tá tràng, hay thượng vị... Tôi sẽ căn cứ trên kết quả khám nghiệm của bệnh viện để có cách bốc thuốc phù hợp thì bệnh mới nhanh khỏi.
    Khi khỏi rồi người bệnh cũng nên thực hiện chế độ ăn uống, sinh hoạt hợp lí, vì đa số các bệnh nhân bị dạ dày đều do ăn uống không điều độ, rượu bia, đồ cay nóng quá độ hoặc làm việc, lo nghĩ quá nhiều đều có gây ra biểu hiện như đau âm ỉ ở vùng thượng vị, đầy hơi, buồn nôn, ợ hơi, ợ chua, dạ dày đau nóng, đầy bụng sôi bụng...”.
    Theo ông Hùng, để chữa bệnh dạ dày cần đến một số loại thảo dược như bạch thược, cam thảo, xuyên khung, hương phụ, thanh bì.... Tuy nhiên, tùy từng trường hợp mà có cách cắt thuốc sao cho phù hợp với mỗi người, ví như bệnh nhân quá đau bụng thì phải dùng đến chút chít, bồ công anh để giảm đau...
    Ông Lê Văn Giỏi - cán bộ Viện Dược liệu Việt Nam tại Sa Pa - cho biết: “Ông Hùng thường xuyên đi đến những vùng rừng núi để sưu tầm, bảo tồn những loại thảo dược chữa dạ dày, chính vì thế mà mặc dù những nơi khác các hiệu thuốc đông y không đủ nguyên liệu để bốc thuốc phục vụ người dân nhưng ông Hùng vẫn có vùng nguyên liệu riêng, chất lượng cao để chữa bệnh.”
    Ngọc Dương

    Không có nhận xét nào:

    Đăng nhận xét